Có một lần tôi đi ăn nói, hướng dẫn tục lệ kiêm phiên dịch cho bên nhà gái, con chị Na láng giềng, gả cho một anh Việt kiều Mỹ. Hôm nhà trai bưng quả sang nhà gái, tôi sang Nguyễn Thông khu ga xe lửa. Chú rể thuê một căn nhà bên kênh Nhiêu Lộc, toàn bộ quả cưới, trái cây đều tập trung bên nhà này. Khoảng 6-7 bạn trẻ dáng vẻ người nước ngoài gốc Việt trong gian phòng khách nhỏ, quạt trần chạy vù vù, lặng lẽ bày biện. Thấy tôi áo dài khăn đóng bước vào, họ gật đầu chào. Tôi rút quyển sách về lễ tiết Việt Nam ra đọc, và đoán có lẽ chú rể Tom thuê nhóm này bưng quả.
Hỏi thăm mấy giờ xe đón, các anh chàng lắc đầu ra dấu không hiểu tiếng Việt: dàn bưng quả này đều là ở bên kia về.
Nhà chú rể để các bạn đàng trai cùng tháp tùng đi đến quận 8. Cha mẹ nuôi Tom là người Mỹ, còn anh chị em nuôi là gốc Phi, gốc Đông Âu, tổng cộng 6 người đều áo dài khăn đóng kiểu Việt, trịnh trọng dù có phần lọng cọng.
Tôi phổ biến cách đi đứng, xuống xe, bưng quả, xin phép vào nhà đàng gái, cách thắp nến, cách xỏ khoen tai cho cô dâu, trao quà, mời rượu người lớn... cho họ. Họ ghi lại rất cẩn thận trên sổ tay!
Trên xe song hỉ, gia đình nhà trai cho hay các anh em trong gia đình đều là con mồ côi từ các nước đến Mỹ định cư hồi còn rất nhỏ, theo chương trình từ thiện của nhà thờ. Mẹ nuôi Tom là một người hoạt động từ thiện và được nhà nước tài trợ một số tiền để nuôi con.
Bản thân Tom cũng đi di tản vào những tháng ngày cuối cùng của tháng 4/1975. Tôi quan sát Tom kỹ hơn. Một thanh niên cao ráo và có phong cách rất Mỹ trong từng điệu bộ sửa áo, bưng cốc nước, nhún vai.Tom khá ý tứ, cứ cầm quạt phẩy cho tôi - y như đây là thầy mo của xứ Việt Nam kỳ bí, có quyền năng tác động đến lễ cưới chu đáo của anh ta. Đôi mắt Tom buồn man mác, lạ kỳ.
Xe rước dâu dừng lại bên kia cầu Kênh. Mọi người lục tục xuống thuyền sang bên kia sông chạm ngõ nhà gái.
Hôm nay rằm, nước sông đầy và vỗ oàm oạp mạn thuyền quá giang như làm tăng độ cách trở để thêm trân quý một cuộc tác hợp. Gió đưa tiếng đàn cò hiu hắt của xóm nghệ sĩ bên kia dòng, văng vẳng bài hát tiễn đưa người em gái đi lấy chồng xứ lạ. Những rặng lục bình nở hoa tím lặng lờ trôi trong cảnh vật của một buổi sáng mây giăng xuống thấp.
Đàng trai xin phép nhà gái vào nhà và trình sính lễ, tôi phụ hai bên sắp xếp bưng và trao quả, lên đèn cúng bái. Những tiếng hỏi thăm nồng sệt Nam bộ của các cụ Việt Nam móm mém trầu cùng các “ladies” rặt da trắng mắt xanh. Tiếng được tiếng mất nhưng các bà, các cô cách nhau nửa vòng Trái đất cũng ôm nhau quý mến.
Mẹ chú rể và mẹ cô dâu cùng mừng rớm nước mắt như nhau. Thế mới biết hôn lễ không phải chỉ do con người bày ra để làm khó nhau. Hai người không thể cứ dắt nhau đi như thời thượng cổ là xong.
Xong phần ở nhà, chúng tôi ra trình cha xứ và làm lễ hôn nhân cho đôi trẻ và ăn trưa trong giáo đường, coi như một buổi gặp giao lưu chuẩn bị cho tiệc tối hôm đó đông đủ khách mời hơn.
Buổi tối, tôi ngồi chung bàn với gia đình chú rể, các bạn bè ngồi bàn cạnh bên. Lúc nói cảm tưởng của hai họ, một anh bạn bưng quả khi sáng bước lên sân khấu và phát biểu bằng tiếng Việt lơ lớ, chậm rãi:
“Kính thưa các ông bà, các chú bác, các cô dì và anh chị em. Cháu thật sự hạnh phúc được đứng nơi đây. Cháu xin cảm ơn gia đình bên gái đã nhận bạn Tom làm rể nhà họ Nguyễn. Xin được cảm ơn mọi người đã vòng tay đón bạn cháu. Chúng cháu là những trẻ mồ côi Babylift đã từ Việt Nam ra đi 35 năm trước...”
Anh đưa tay chỉ về chiếc bàn của nhóm bưng quả ngồi bên dưới...
Cả hai bàn bên dưới cùng đứng dậy và vẫy tay chào sân khấu và mọi người.
“Tiếc rằng tất cả chúng cháu chưa nói thạo tiếng Việt để tất cả cùng nhau bày tỏ những niềm vui này...”
Cả hội trường lặng đi một lúc...
“Tất cả anh em chúng cháu ở đây vẫn đang đi tìm lại gia đình đã thất lạc nhiều năm và luôn hy vọng trong việc tìm về lại người thân và cội nguồn của mình. Xin chúc tất cả mọi người cũng hạnh phúc cùng đôi bạn Tom - Ngân...”
Đoạn phát biểu vừa dứt, cả hội trường cùng đứng dậy vỗ tay, hướng về cô dâu, chú rể đang mỉm cười nơi chiếc bàn tròn có các bạn bưng quả mà ban mai tôi đã gặp bên bờ kênh Nhiêu Lộc.
Đó đây tiếng nhạc trữ tình đã vang lên trong đêm xuân ước hẹn nhiều giấc mơ hiền hòa, hạnh phúc...
Trần Gia Tôn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét