Ôi! Huế Của Tôi! “Trời Hành Cơn Lụt Mỗi Năm!”
Miền Trung Liên Tiếp Mưa Lớn, Thủy Điện Xả Lũ, Gây Ngập Lụt Nhiều Khu Dân Cư! (Tổng hợp các tin tức từ trong nước)
<!>
-Mưa lớn trong 2 ngày qua khiến nhiều tuyến đường giao thông, khu dân cư tại các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Nam bị ngập sâu, gây ách tắc giao thông, hàng ngàn học sinh phải nghỉ học.
Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai & Tìm kiếm Cứu nạn (BCH) tỉnh Thừa Thiên-Huế trong ngày 15/11/2023 cho truyền thông hay, mưa lớn khiến nước trên sông Hương, sông Bồ đều đã vượt mức báo động 3 gây ngập lụt trên diện rộng ở thành phố Huế, thị xã Hương Trà, huyện Quảng Điền….
Đoạn Quốc lộ 49B từ xã Phong Hòa đi Điền Hải (huyện Phong Điền) bị ngập, nơi ngập sâu nhất khoảng 0,3m. Các tuyến đường tỉnh qua huyện này như 17, đường tỉnh 6 cũng bị ngập sâu nhiều đoạn gây chia cắt, tắc nghẽn giao thông.
Để giữ an toàn cho học sinh, ngành giáo dục và đào tạo đã cho toàn bộ học sinh huyện miền núi Nam Đông nghỉ học. Ngoài ra, một số điểm trường vùng thấp trũng huyện Phong Điền cũng cho học sinh nghỉ học để tránh lũ.
Cơ quan khí tượng dự báo từ chiều tối 15/11 đến 16/11, miền Trung tiếp tục mưa to đến rất to. Lũ trên sông Hương ở Thừa Thiên Huế đã vượt đỉnh năm 2020 và dự báo còn tiếp tục lên.
Ở Quảng Nam, mưa lớn kéo dài cộng với việc các thủy điện đồng loạt xả lũ, khiến một số nơi ở vùng chính Quảng Nam bị ngập sâu trong nước, nhiều người dân phải dọn đồ chạy lũ.
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam cho hay hiện lũ trên sông Vu Gia, Thu Bồn đang lên. Dự báo trong các ngày đến, lũ trên sông Vu Gia tiếp tục lên và đạt đỉnh ở mức xấp xỉ báo động 3; trên sông Thu Bồn tiếp tục lên đạt đỉnh điểm ở mức báo động 2 đến dưới báo động 3.
Đơn vị này cũng đưa ra cảnh báo nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi; ngập lụt sâu trên diện tích rộng tại hạ lưu các sông Vu Gia, giao thông chia cắt tại các vùng trũng, thấp hạ lưu các sông….
Riêng ở Quảng Trị, mưa lớn gây lũ đã cuốn trôi 3 người dân địa phương. Trong chiều 15/11, một người đã được tìm thấy thi thể, 2 người còn lại vẫn đang mất tích.
Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho hay, mưa lớn kéo dài từ ngày 13/11 đến nay đã khiến hơn 1.300 ngôi nhà bị ngập, tập trung ở hai huyện Hải Lăng, Cam Lộ và thành phố Đông Hà; gây ngập lụt một số khu vực và tuyến đường, ngầm tràn làm chia cắt giao thông như ngầm tràn Ba Lòng, cầu tràn A Ngo-A Bung, ngầm tràn Tà Rụt-A Ngo, ngầm tràn A Rồng Trên, ngầm tràn A Đeng....
Ở khu vực Đà Nẵng đến Quảng Ngãi, có mưa 150-250mm, có nơi trên 400mm. Từ Bình Định đến Ninh Thuận có mưa 100-200mm, có nơi trên 300mm.
Từ đêm 15 đến chiều 16/11, khu vực từ Nam Nghệ An đến Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 200mm.
Mưa Lớn Liên Tục, Huế, Hội An Ngập Sâu, Ít Nhất 5 Người Chết!
(Ảnh: Ngọ Môn ở Hoàng thành Huế bị ngập trong lũ lụt hôm 15/11 năm 2023.)
-Hoàng thành ở Huế và khu phố cổ Hội An chìm trong nước lũ trong bối cảnh mưa lớn liên tục nhiều ngày trên các tỉnh miền Trung Việt Nam đã khiến 5 người chết và nhiều người phải di tản, truyền thông VN trong nước đưa tin.
Theo đó, mưa lớn kể từ ngày 13/11/2023 đến nay đã khiến các tỉnh, thành từ Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng bị ngập lụt nặng. Thông tin Chính phủ dẫn số liệu báo cáo từ các địa phương cho biết gần 19.000 căn nhà đã bị ngập và đã có 5 người chết và mất tích.
Ngoài ra, nhiều diện tích hoa màu của người dân đã bị hư hại trong khi nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên thôn, liên xã, trong đó có tuyến quốc lộ huyết mạch 1A, đã bị ngập, gây ngừng giao thông!
Tỉnh Thừa Thiên, Huế và thành phố Huế là địa phương bị ngập nặng nhất trong đợt mưa lũ lần này. Tại Huế, 85% tuyến đường của 36 phường, xã đã bị ngập, ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai của tỉnh Thừa Thiên-Huế được dẫn lời cho biết.
Ông Hòa nói hai bên sông Hương đều bị tràn bờ! với bờ bắc ngập từ 0,8 đến 1,2 mét còn bờ nam ngập từ 0,5 đến 1 mét.
Hình ảnh trên truyền thông trong nước cho thấy, khu Đại Nội của Hoàng thành Huế, trong đó có cả Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, ngập trong nước. Học sinh trên toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện đã được cho nghỉ học đến hết tuần.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã họp trực tuyến với các lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế vào chiều ngày 16/11, về tình hình mưa lũ và bàn cách khắc phục.
Còn tại phố cổ Hội An, vốn cũng là di sản văn hóa thế giới như Hoàng thành Huế, nước từ sông Hoài tràn bờ đã làm ngập nhiều con đường, di tích trên phố cổ, hình ảnh trên báo chí trong nước cho thấy. Người dân phải dùng thuyền để di chuyển!
Thừa Thiên-Huế chìm trong biển nước!
-Mưa lớn kéo dài từ đêm 14 đến tối 15.11 khiến nhiều nơi tại Thừa Thiên-Huế ngập lụt nặng nề, hơn 16.000 ngôi nhà ngập sâu. Nước lũ lên quá nhanh trong đêm khiến người dân trở tay không kịp.
Riêng tại TP.Huế có đến 85% tuyến đường của 36 phường, xã bị ngập, gây hư hại hàng loạt đồ đạc, phương tiện. Người dân hoàn toàn bất ngờ với lượng nước lớn đổ về trong đêm, nhấn chìm mọi thứ chỉ sau vài giờ đồng hồ.
Tại H.Phong Điền, nhiều tuyến đường như QL 49B, Tỉnh lộ 4, Tỉnh lộ 6, Tỉnh lộ 9 ngập sâu, có nơi nước ngập hơn 1,5 m gây tê liệt, nghẽn tắc giao thông. Huyện vùng trũng Quảng Điền ghi nhận nhiều nơi bị ngập sâu, có nơi hơn 2 m. Chính quyền các địa phương phải khẩn cấp sơ tán hơn 5.500 người…
(Hình: Nhiều nơi ở Thừa Thiên-Huế chìm sâu trong biển nước)
-Đặc biệt, chiều 14.11 đã xảy ra lốc xoáy tại TT.Lăng Cô (H.Phú Lộc) làm nhiều nhà dân bị tốc mái, một số nhà hàng ven biển bị hư hại, nhiều cây ven đường ngã đổ. Tuyến đường ra khu du lịch Laguna thuộc huyện này bị sạt trượt mái dốc taluy tại 2 vị trí dài khoảng 150 m… Đến trưa 15.11, tại xã Bình Tiến (TX.Hương Trà) xảy ra sạt lở đất vùi lấp căn nhà của vợ chồng ông Trần Đình Minh (51 tuổi). Ngay sau đó, lực lượng chức năng nhanh chóng có mặt, cứu hộ 2 nạn nhân ra khỏi hiện trường vụ sạt lở, đưa đến Bệnh viện đa khoa Bình Điền để theo dõi, điều trị.
(Hình: Người dân thất thần chạy lũ)
Trong hôm qua, nhiều khu vực tại TP.Huế bị nước lũ bủa vây, có nơi nước ngập hơn 1 m, nhấn chìm rất nhiều tài sản của người dân. Một số người đã dùng xe hơi đi tránh lũ ở những đoạn đường cao ráo nhưng vẫn bị nước lũ nhấn chìm. Dọc tuyến đường Tố Hữu, khu vực mà nhiều người dân thường mang xe đến để tránh trú vào những đợt mưa lũ, lần này cũng bị ngập sâu, cô lập. Tại đoạn giao nhau với đường Bà Triệu, hàng trăm ô tô bị mắc kẹt, có xe ngập đến kính chắn gió, khiến xe cứu giúp không thể tiếp cận.
Anh Hoàng Trọng Nhật (TP.Huế) cho biết anh đã "đón đầu" trận lũ bằng việc mang xe đến gửi tại một siêu thị trên đường Bà Triệu vì đây là vị trí cao và khá an toàn trong những đợt lụt trước. Tuy nhiên, trận lũ lần này khá lớn, nước lên nhanh nên đã ngập mấp mé bánh xe. "Lo quá nên tôi thuê ghe ra đưa xe lên điểm cao hơn. Trên đường, nhìn loạt ô tô bị ngập mà xót quá, nước lên nhanh quá nên nhiều người không kịp trở tay", anh Nhật nói.
Theo ông Đặng Văn Hòa, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế, đợt mưa lớn lần này được đánh giá khá cực đoan và khó lường, với lưu lượng có nơi ghi nhận lên đến 1.000 mm. Trong đêm 14.11, nước từ đầu nguồn đổ về, cộng với các hồ chứa điều tiết để chủ động đón lũ khiến mực nước các sông lên nhanh. Theo ghi nhận, đến trưa 15.11 mực nước sông Hương tại Kim Long là + 4,28m, trên báo động 3; Sông Bồ tại Phú Ốc là + 4,87 m, trên báo động 3. Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế cho hay mức nước sông Hương năm nay cao hơn đỉnh lũ năm 2020.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng thông báo cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học ngày 15.11.
Theo ghi nhận, đến tối 15.11, mưa lũ tại Thừa Thiên-Huế vẫn diễn biến phức tạp. Ông Hoàng Hải Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết đang tập trung chỉ đạo theo sát tình hình mưa lũ từng phút, theo sát người dân để kịp thời có cách hỗ trợ. "Dù đã chuẩn bị sẵn sàng nhiều kịch bản từ trước, tuy nhiên mưa diễn ra phức tạp và khó lường, gây ngập lụt diện tích rộng. Hiện mực nước tại các hồ đang ổn định, địa phương vẫn đang chủ động trước mọi tình huống", ông Minh cho hay.
Trong lúc nước lũ dâng cao, nhiều trường hợp người già, thai phụ, trẻ em nhỏ... ở các khu vực bị ảnh hưởng đã được lực lượng chức năng tổ chức cứu giúp, đưa đến nơi an toàn. Về giao thông, tại các điểm ngập lụt, lực lượng chức năng đã cấp tốc, đặt biển báo "nguy hiểm", rào chắn… Đồng thời cắt cử cán bộ trực 24/24 tại điểm ngập, hỗ trợ người dân trong các tình huống nguy hiểm. Các phương tiện lưu thông trên QL 1A qua tuyến được hướng dẫn lên cao tốc Cam Lộ - Túy Loan, tránh các tuyến đường ngập lụt. Ngoài ra, Công an tỉnh đã điều động 800 cán bộ, quân đội và các phương tiện cứu hộ cứu nạn cần thiết để sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu tại các xã.
Trước đó, lực lượng quân đội đã xây dựng các phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; duy trì nghiêm nhặt chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực sẵn sàng chiến đấu và trực cứu hộ, cứu nạn; đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị duy trì trực theo đúng kế hoạch, thường xuyên theo dõi nắm chắc tình hình thiên tai.
Hình ảnh: TP Huế chìm trong biển nước!
- Sáng 15-11, mưa lớn tiếp tục diễn ra khiến TP Huế chìm trong biển nước
Mưa lớn cùng với nước lũ đã khiến nhiều nơi ở Huế ngập sâu. Người dân bì bõm trong dòng nước lũ. Nhiều phương tiện xe ô tô, xe máy mắc kẹt giữa dòng nước. Dịch vụ cứu hộ "đắt hàng" trong ngày lũ. TP. Huế chìm trong biển nước khiến người dân sử dụng thuyền để đi lại. Nước lũ dâng cao khiến đường phố thành sông. Du khách, người dân bì bõm trong dòng nước. Những chai nhựa, rác thải nổi trong dòng nước. Đến 10 giờ trưa 15-11, lũ trên sông Hương là 4,21m, vượt báo động 3 (3,5m); lũ sông Bồ đạt mức báo động 3 với 4,5m. Dự báo, từ ngày 15-11 đến ngày 17-11 tại tỉnh tiếp tục có mưa to, mưa rất to và rải rác có dông. Tổng lượng mưa phổ biến 150-300mm, có nơi trên 500mm. Mực nước trên các sông duy trì ở mức cao trên báo động
Toàn cảnh Huế ngập lụt nặng nhìn từ trên cao
-Trong ngày 15-11, tỉnh Thừa Thiên Huế mưa to. Nhiều khu đô thị, khu dân cư bị ngập lụt, chìm trong biển nước mênh mông.
-Khu đô thị mới An Cựu City ở TP Huế ngập trong biển nước
Đến chiều 15-11, mưa ở Thừa Thiên Huế vẫn chưa có dấu hiệu ngớt. Nước lũ trên các sông vẫn ở mức báo động III khiến nhiều khu đô thị, khu dân cư ở Huế bị ngập lụt nặng.
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên Huế, toàn TP Huế, có 80% tuyến đường của 36 phường, xã đã bị ngập lụt.
Các tuyến đường khu vực Bắc sông Hương (Vạn Xuân, Chi Lăng, Bạch Đằng, Mai Thúc Loan...) ngập bình quân 0,3-0,5m. Các tuyến đường khu vực phía Nam sông Hương (Hùng Vương, Trường Chinh, Trần Quang Khải, Bến Nghé, Đống Đa, Tố Hữu, Lê Minh, Phan Anh...) ngập bình quân 0,3-0,8m.
-Khu đô thị Royal Park cũng bị nước lũ bủa vây
Toàn tỉnh có trên 14.800 căn nhà bị ngập, đã sơ tán hơn 2.200 người dân bị ảnh hưởng do mưa lũ.
Dự báo trong 6 giờ tới tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa khoảng 40-80mm, có nơi trên 100mm.
Tình hình ngập lụt ở các khu vực trũng thấp, các khu dân cư ven sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu dự báo sẽ còn kéo dài.
-Vùng La Chữ (phường Hương Chữ) ngập nặng
-Một góc khu dân cư ở phường Hương Chữ
-Khu dân cư ở vùng ven TP Huế
-Đại Nội Huế ngập trong nước lũ
-Các tỉnh miền Trung đang trải qua một đợt mưa rất lớn, trong đó Thừa Thiên Huế là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đặc biệt, lượng mưa lớn từ đêm 14 đến sáng ngày 15/11 đổ về các sông trên địa bàn thành phố Huế đã khiến mực nước tại các sông lên cao. Trong đó mực nước tại sông Hương vượt đỉnh lũ lịch sử năm 2020.
Ngày 15/11, Thừa Thiên Huế tiếp tục có mưa to đến rất to, lượng mưa khoảng 100-300mm, có nơi trên 300mm như: Bình Điền 443.2mm,...
-Khu vực ngập lụt ở phường Thủy Vân, TP Huế
Mưa lớn ở thượng nguồn đã buộc các hồ chứa điều tiết với lưu lượng nước lớn về hạ du khiến mực nước các sông trên địa bàn thành phố tiếp tục lên.
Tại trung tâm TP Huế, lũ lụt hầu như bủa vây, nhà dân, các tuyến đường đều ngập sâu, giao thông tê liệt. Đặc biệt, di tích lịch sử Kinh thành Huế cũng chìm trong nước lũ.
Cố đô Huế nói chung và Kinh thành Huế nói riêng là khối lượng di sản "khổng lồ", có ý nghĩa về giá trị lịch sử lẫn văn hóa. Trận mưa ngập vào ngày 15/11 không phải là lần đầu Kinh thành Huế chịu ảnh hưởng của mưa lũ. Trong các đợt bão lũ tháng 10 và tháng 11 năm 2020, tại khu di sản Huế, nhiều điểm di tích nước lũ tràn vào, ngập sâu như: di tích Nghinh Lương Đình, Cung An Định, Lầu Tàng Thơ… Các cổng vào khu Hoàng Cung Huế nước ngập cả mét. Nhiều di tích dọc sông Hương cũng bị ngập nặng.… Đây là những công trình nằm ở địa bàn rất dễ ảnh hưởng bởi mưa lũ.
Việc bị ngâm nước ít nhiều tác động đến tuổi thọ của các công trình. Dưới tác động của thời tiết, đặc biệt mưa lũ kéo dài như thời gian vừa qua, tất cả các di tích ở Huế bị ảnh hưởng nặng nề. Chứng kiến những hình ảnh này, nhiều người bày tỏ sự lo lắng, xót xa. Nhiều người dùng mạng để lại bình luận thể hiện sự lo lắng, mong trận lụt sớm qua đi để công tác bảo tồn kinh thành được triển khai sớm.
-Ngọ Môn Huế chìm trong biển nước
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến 21 giờ ngày 15/11, lũ trên sông Hương, sông Bồ đã đạt đỉnh và đang xuống chậm.
Đến sáng ngày 16/11, nước đã rút ở những vùng trũng thấp. Tuy nhiên theo dự báo, từ cơ quan khí tượng, ngày và đêm 16/11, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định sẽ tiếp tục có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 150-250mm, có nơi trên 400mm. Nguy cơ Đề phòng nguy cơ xảy ra ngập úng tại các khu vực trũng, thấp; đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị.
Di tích Huế ngập lũ!
-THỪA THIÊN - HUẾ. Nước lũ lên nhanh, tràn vào kinh thành Huế, gây ngập nhiều di tích triều Nguyễn như Đại nội Huế, điện Thái Hòa, Nghênh Lương Đình.
Từ ngày 13 đến sáng 16/11, do ảnh hưởng của không khí lạnh và gió đông trên cao, Thừa Thiên Huế mưa rất to. Trung tâm mưa là huyện miền núi Nam Đông, A Lưới và huyện ven biển Phú Lộc, phổ biến 500-800 mm. Trong đó một số nơi cao hơn 1.000 mm, như: Xuân Lộc, Thượng Quảng, Hương Sơn, Vườn quốc gia Bạch Mã.
Mưa lớn cộng với nước lũ từ thượng nguồn sông Hương đổ về nhanh, nhiều khu dân cư ở TP Huế ngập sâu cả mét. Lũ tràn vào kinh thành Huế, tuyến đường 23/8 trước lầu Ngũ Phụng, cửa Ngọ Môn bị ngập.
Nhiều điểm bên trong đại nội Huế vẫn đang bị ngập. Để tránh đàn cá chép, cá koi thoát ra bên ngoài, Trung tâm Bảo tồn Di tích Huế đã dùng lưới vây lại.
-Đình do vua Tự Đức xây dựng năm 1875 để tiếp đón các sứ thần, là nơi làm việc hàng ngày của các quan lo việc ngoại giao, đồng thời cũng để tiện việc đối phó với đại diện của tòa Khâm sứ Pháp.
-Di tích Nghênh Lương Đình, một trong hai công trình triều Nguyễn in trên tờ 50.000 đồng Việt Nam, bị nước lũ bủa vây.
Lũ tràn vào hộ thành hào nằm trước kinh thành Huế. Tuyến đường Trần Huy Liệu dọc kinh thành ngập sâu 0,5 m, vắng bóng người qua lại.
Xung quanh hoàng thành Huế, nước lũ vẫn đang bủa vây. Nhiều tuyến đường trong kinh thành Huế như Lê Thánh Tôn, Mai Thúc Loan, Đoàn Thị Điểm vẫn đang còn ngập.
Thừa Thiên Huế là tâm mưa trong đợt mưa lũ ngày 13/11 và dự kiến kéo dài đến hết ngày 17/11. Trừ huyện A Lưới, 8 huyện thị của tỉnh đều ngập. Nằm ở hạ du ven sông Hương, toàn bộ 36 phường, xã của TP Huế đến tối qua ngập 0,5-1,2 m, trong đó khoảng 8.500 hộ dân ngập sâu 0,8-1,2 m. Một người chết, một người mất tích do lật ghe.
Di tích Bình An Đường nằm trên đường Đặng Thái Thân ngập 0,5 m. Công trình được xây dựng vào năm 1823 dưới thời vua Minh Mạng, là nơi khám chữa bệnh cho thái giám, cung nữ.
Đến sáng nay, nước lũ sông Hương đã rút xuống dưới báo động ba, giảm 0,8 m so với đỉnh lũ tối qua. Mức độ và diện ngập đã giảm một phần. Tuy nhiên, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh khuyến cáo người dân chưa nên hạ đồ xuống vì mực nước sông Hương có thể lên lại trong hôm nay và ngày mai do địa bàn vẫn mưa to.
Hội An Lại Ngập Lụt!
- Chiều hôm nay, 16/11, mưa lớn cộng thủy điện xả điều tiết, phố cổ Hội An ngập lụt trở lại, du khách hào hứng lội nước để vào trung tâm phố cổ tham quan.
Vừa dọn xong rác thải cùng bùn non chiều 15/11, đến chiều 16/11, phố cổ Hội An (TP Hội An, Quảng Nam) lại đón đợt lụt thứ hai do thủy điện xả điều tiết. Các tuyến đường ven sông Hoài như Bạch Đằng, Công Nữ Ngọc Hoa, Nguyễn Phúc Chu… đều ngập nước 0,5-1m.
(Ảnh: Lũ lên trở lại, người dân Hội An dùng ghe di chuyển qua các vùng ngập nước)
"Vừa mới dọn dẹp bùn non sạch sẽ hôm 15/11 thì chiều 16/11 nước lũ lại lên. Không những việc buôn bán bị ảnh hưởng mà việc dọn dẹp cũng rất cực nhọc", bà Nguyễn Thị Lan, một chủ nhà hàng trên đường Nguyễn Phúc Chu, nói.
Tất bật kê cao đồ đạc trong nhà, ông Nguyễn Kỷ (người buôn bán hàng lưu niệm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Hội An) cho biết, gia đình luôn trong tâm thế sẵn sàng chạy lụt nên không dám buôn bán ngay khi nước rút hôm trước.
"Nước lên quá nhanh nên tôi không dám chủ quan, kê cao đồ đạc rồi chờ nước rút thôi. Đây là đợt lũ thứ hai trong năm nay rồi, hai lần liên tiếp nhau, vừa dọn xong đợt trước thì lũ lên lại, mệt mỏi quá!", ông Kỷ cho biết.
Để vào trung tâm phố cổ, ngoài các tuyến đường khô ráo, nhiều du khách sẵn sàng xắn quần lội qua các tuyến đường ngập nước. Đối với du khách, đây được xem như trải nghiệm mới lạ.
Chị Lê Na (du khách Hà Nội) chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên tôi lội nước lũ ở Hội An, khá mới mẻ, thích thú. Nhưng tôi thấy người dân cực quá. Nước lên họ chẳng làm ăn buôn bán gì được, nhất là các nơi nước ngập sâu phải đóng cửa, kê cao đồ đạc, việc dọn dẹp khi nước rút cũng vất vả".
Ngoài phố cổ Hội An, các vùng trũng thấp khác ở TP Hội An như xã Cẩm Kim chiều 16/11 đã cho học sinh nghỉ học vì lo ngại nước lũ lên nhanh gây nguy hiểm.
Tại chợ cá Thanh Hà, nước tràn vào chợ, tiểu thương phải đưa hàng hóa lên đường lớn bày bán.
Theo UBND thành phố Hội An, mực nước lũ lúc 15h ngày 16/11 là 1,51m; đến 20h tối 16/11 mực nước đo được là 1,6m.
Cảnh báo! lấy lý do, cứu trợ thiên tai, lũ lụt, CSVN sẽ lại ăn chặn tiền từ thiện: Chuyện dài, không có gì lạ ở Việt Nam!
(Diễm Thi, RFA)
(Hình: Trẻ em vùng núi phía Bắc Việt Nam.)
Ăn chặn từ thiện – chuyện không có gì mới!
-Dư luận Việt Nam bày tỏ bất bình trước tin cán bộ Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội tuồn hàng do các đoàn từ thiện tặng cho trung tâm nhân dịp Trung thu, ra bên ngoài khi trời tối và bị phóng viên ghi lại, phản ánh trên báo chí. Có 12 người liên quan vụ tuồn hàng ra ngoài, trong đó có 8 cán bộ của trung tâm.
Lên tiếng với báo chí trong nước, ông Đỗ Đức Hồng, Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật khỏa lấp rằng, việc tuồn ra hàng rào như thế là hoàn toàn vi phạm quy định của ngành và đạo đức nghề nghiệp, nhưng đây chỉ là chuyện “bộc phát” của một số cá nhân chứ xưa nay không có chuyện như vậy tại trung tâm này.
Khi sự vụ bị phanh phui và dư luận xã hội phản đối mạnh mẽ về hành vi của các cán bộ Trung tâm thì Chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung đã lên tiếng yêu cầu thanh tra thành phố làm rõ thông tin trên và xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.
Ông Phạm Chí Dũng, người từng tham gia tổ chức những buổi phát quà từ thiện cho người nghèo vùng sâu vùng xa, lũ lụt nói với RFA rằng ông không lạ gì chuyện ăn chặn quà từ thiện. Ông đưa dẫn chứng cụ thể:
“Điều đó không có gì lạ. Đặc biệt là có một chương trình viện trợ của nước ngoài đưa xuống cho các cơ sở ở địa phương gọi là chương trình 135, tức là theo quyết định 135, nhưng tôi đã gặp một chuyên gia nước ngoài và chính ông ta nói rằng nên gọi chương trình đó là chương trình 531.
Tôi bật ngửa hỏi tại sao, ông ta nói là dòng tiền từ cấp trung ương phân tới người dân, sẽ qua giai đoạn cấp trung ương, cấp địa phương, cấp xã phường rồi mới tới tay người dân, thì ở trên ăn 5, khâu trung gian ăn 3, tới người dân chỉ còn có 1 mà thôi. Điều đó cho thấy tỷ lệ “ăn uống” trong chương trình từ thiện là rất lớn.”
Chương trình 135 là chương trình phát triển kinh tế xã hội tại các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, là một trong các chương trình xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam do Nhà nước Việt Nam khai triển từ năm 1998.
Ông Phạm Chí Dũng đưa thêm một trường hợp từ năm 2009, Thụy Điển phát hiện một chương trình ODA của nước này cho một xã ở Hà Tĩnh đã bị thâm lạm tới 40%. Ngay sau đó, Thụy Điển, Đan Mạch và một số nước khác đã cắt hoặc giảm viện trợ ODA cho Việt Nam tới nay.
Tháng 6 vừa qua, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình - ông Nguyễn Trường Sơn - cũng cho biết, Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình phát hiện một số cán bộ sở này làm giả hồ sơ, chứng từ, thanh toán khống nhằm biển thủ hơn một tỷ đồng từ nguồn ngân sách chi thường xuyên cho Quỹ hỗ trợ trẻ em.
Thời điểm đó, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội nói với RFA rằng bà không lấy làm ngạc nhiên:
“Thông tin này thì cũng không đáng ngạc nhiên lắm, vì thực ra trước đây cũng có một vài vụ về chuyện biển thủ tiền như tiền hỗ trợ cho người nghèo, tiền hỗ trợ cho người khuyết tật ở chỗ này chỗ kia…”
Còn bà Nguyễn Mỹ Hạnh, người sáng lập Hội từ thiện “Bác Ái” xác nhận thông tin chính quyền địa phương ăn chặn tiền, quà từ thiện là có, thậm chí lấy luôn hàng từ thiện như bà từng bị:
“Cách đây hơn 3 năm, vùng núi phía Bắc bị nạn rét, chị quyên góp (áo ấm) gửi về cho trẻ em nơi này, nhưng thùng hàng cứu trợ đó bị chặn lại ở cảng Hải Phòng. Cơ quan chức năng trả lời là thùng hàng đó đã bị bể nên không thể đưa người dân vùng núi được. Sau đó mình hỏi hoài nhưng họ không trả lời nữa. Vậy thùng đồ đó hiện đang ở đâu không ai biết.”
Bà nói thêm rằng nếu gửi trực tiếp tới dân thì không bao giờ tới tay người nhận, mà thông qua chính quyền địa phương thì bao giờ cũng bị chặn lại. Chính quyền ăn trước, ăn đầu ăn đuôi, còn lại thì mới tới người dân. Mà dân thì cũng chia ra hai loại, bà con thân thuộc của nhân viên công quyền được chia trước, phần còn lại mới tới những người dân đói khổ thực sự.
Ăn bao nhiêu phần trăm?
Hôm 27/9, đoàn công tác của Sở Lao động Thương binh và Xã hội do Phó giám đốc Hoàng Thành Thái dẫn đầu đã làm việc với Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội. Ông Thái cho hay Sở sẽ kiểm điểm rút kinh nghiệm, đồng thời thiết lập hệ thống giám sát ở các trung tâm, xây dựng quy trình tiếp nhận, quản lý, sử dụng hàng hóa từ thiện. Với Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật, Sở yêu cầu xử lý đúng người, không bao che, dung túng để làm gương cho cán bộ, nhân viên khác.
Như vậy chuyện các cấp chính quyền ăn chặn hàng, tiền cứu trợ là có thật, nhưng ăn với tỷ lệ bao nhiêu phần trăm rất khó biết vì đó là những khoản chi không chứng từ. Ông Phạm Chí Dũng khẳng định chuyện ăn chặn như thế này là một hình thức tham nhũng, và hiếm có trường hợp nào “thoát” bị ăn chặn, chỉ có tỷ lệ phần trăm là khác thôi:
“Tình hình từ thiện ở trong nước do người Việt ở nước ngoài gửi về thì cũng bị các xã phường, địa phương thâm lạm rất nhiều. Hiếm có trường hợp nào không tham nhũng.
Đa số những người đi làm từ thiện trực tiếp đều phải dành một phần quà lớn cho chính quyền địa phương là 50%. Nếu là tiền từ thiện chuyển giao cho địa phương để địa phương chuyển đến người dân thì thậm chí có thể mất đến 70%. Điều đó có thể nói là khủng khiếp.”
Bà Mỹ Hạnh cũng đưa ra con số tương tự. Bà nói:
“Quà từ thiện hay viện trợ từ nước ngoài gửi về trong nước thì không bao giờ đến được tay người dân. Chị dám chắc như vậy, cho nên khi làm từ thiện ở Việt Nam thì chị phải qua dòng Chúa cứu thế. Khi trao được đến tận tay người dân thì phải chia hết khoảng một nửa cho chính quyền địa phương.”
Tuy bị ăn chặn như vậy nhưng bà Hạnh cũng cảm thấy hạnh phúc khi trong nhóm từ thiện thường có cả bác sĩ, nên mỗi chuyến đi từ thiện, ngoài việc trao quà tặng, nhóm của bà còn khám sức khỏe, cắt tóc, cắt móng tay chân, tắm rửa cho trẻ con. Bà đi khắp nơi từ viện dưỡng lão, trẻ cô nhi, trại trẻ tàn tật, viện tâm thần nam, nữ cho đến cả trại phong cùi để giúp họ.
Tại phiên họp cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu rằng: “Tôi càng đi càng thấy buồn, ăn của dân không từ một cái gì.”
Đã bao năm trôi qua, câu nói của bà Doan vẫn đúng, mà đúng với cả người già và trẻ tàn tật tại một trung tâm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội. Thật xót xa!
Thứ trưởng Quốc phòng CSVN xác nhận việc cán bộ ‘ăn chặn lương khô cứu trợ!’ Nếu đưa 105 tỷ đồng tiền thơm, chắc chỉ còn lại 5 tỷ đến được tay dân mà thôi!
-Tiết lộ mới nhất của vị thứ trưởng Quốc phòng CSVN chính thức khẳng định phát ngôn của vị phó chủ tịch nước từ nhiều năm trước vẫn còn đúng đến thời điểm hiện tại: “Tôi càng đi càng thấy buồn, ăn của dân không từ một cái gì.”
Hôm 22/10/2020, cộng đồng mạng bàn tán rôm rả xoay quanh phát ngôn mới nhất của ông Lê Chiêm, thứ trưởng Quốc phòng CSVN được báo VnExpress dẫn lại, xoay quanh công tác cứu trợ cho người dân các tỉnh miền Trung đang bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Theo đó, ông Chiêm phàn nàn vụ Bộ Quốc phòng CSVN vừa mở đợt chi viện 22 tấn lương khô cho các tỉnh miền Trung bị lũ lụt nhưng kết quả là “một số lãnh đạo địa phương chia lương khô cứu trợ cho cán bộ như làm quà vì món này… ngon.”
“Như thế là hỏng hết. Lương khô này gửi cho dân. Người dân đang cần,” ông Chiêm nhấn mạnh.
“Việc này không phải tham nhũng gì”
Điều đáng nói là ông Chiêm đưa cáo buộc này tại cuộc họp hôm 22/10/2020 với giới chức tỉnh Quảng Trị, trong lúc hiện diện bên cạnh ông là ông Trương Hòa Bình, phó thủ tướng CSVN.
Ông Bình nghe xong thì phản hồi: “Việc một số cán bộ địa phương lấy lương khô làm quà cho nhau là ý thức chưa cao. Việc này không phải tham nhũng gì, nhưng đây là quà để phát cho dân. Tôi đề nghị không riêng gì Quảng Trị mà các địa phương khác phải lưu ý việc này.”
Phát ngôn của vị phó thủ tướng cho thấy ông này quan niệm việc cán bộ ăn chặn hàng cứu trợ là “chuyện nhỏ, không phải tham nhũng gì” và là do “ý thức chưa cao”.
(Hình: Người dân Hà Tĩnh ăn lương khô cứu trợ.)
Theo website Luongkho.com, lương khô quân đội là mặt hàng ưu tiên được dùng để cứu đói cho bà con vùng lũ. Loại thực phẩm tổng hợp, ép lại thành bánh, được ưu tiên làm hàng cứu trợ nhờ kích cỡ nhỏ gọn, tiện dụng. Người nhận có thể xé bao bì ăn ngay, không phải nấu nướng. Trang này cũng cho hay, ngày càng có nhiều đoàn cứu trợ thiên tai chọn lương khô quân đội để mang đi cứu trợ người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Các bản tin của truyền thông nhà nước vào mỗi mùa bão lụt các năm trước cũng xác nhận về những đợt chuyển hàng chục tấn lương khô cứu đói cho người dân miền Trung.
Một bản tin của trang tin Bảo Vệ Pháp Luật từng mô tả cảnh “những đứa trẻ ở Hà Tĩnh ướt từ đầu đến chân lúc nhận quà cứu trợ, đã vội vàng bóc ăn ngấu nghiến lương khô vì nhiều ngày trước phải ăn mì tôm sống chống chọi với nước lũ”.
“Ăn của dân không từ một cái gì”
Phát ngôn của ông Lê Chiêm được đưa ra trong bối cảnh công luận vẫn đang tranh cãi về việc người dân nên gửi tiền cứu trợ qua các hội đoàn Nhà nước như Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, Quỹ Vì người nghèo… hay cá nhân như ca sĩ Thủy Tiên.
Việc nữ ca sĩ này nhận được đến hơn 100 tỷ đồng ($4.3 triệu) khiến ngay cả Thủ tướng CSVN
Thủ Tướng phải cấp tốc chỉ thị “bảo đảm việc quyên góp hỗ trợ theo đúng quy định tại nghị định 64”. Động thái là nghĩa là chỉ các hội đoàn Nhà nước mới được quyền nhận tiền đóng góp cứu trợ, mọi cá nhân như cô Thủy Tiên làm việc này đều có nguy cơ “bị xử lý trước pháp luật”.
Có suy đoán cho rằng phát ngôn của Thủ tướng Phúc là chỉ dấu cho thấy nhà cầm quyền CSVN sẽ có biện pháp buộc cô Thủy Tiên phải giao nộp khoản tiền nêu trên để “điều tiết” và “xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi trong vận động, quyên góp hỗ trợ”.
Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng việc người dân sẵn lòng gửi 100 tỷ đồng cho cô Thủy Tiên thay vì Mặt trận Tổ quốc là vì công luận quá ngán ngẩm các vụ quan chức ăn chặn hiện kim, hiện vật cứu trợ trong nhiều năm qua.
Tình trạng này khiến ngay cả giới chức lãnh đạo cấp cao của Đảng CSVN cũng phải thừa nhận trên mặt báo. Đến nay, cộng đồng mạng vẫn nhắc lại phát ngôn của bà Nguyễn Thị Doan, nguyên phó chủ tịch nước CSVN được một số báo nhà nước dẫn lại hồi năm 2013: “Tôi càng đi càng thấy buồn, ăn của dân không từ một cái gì.”
Về tiết lộ mới nhất của ông Lê Chiêm, nhà báo Vũ Kim Hạnh, cựu tổng biên tập tờ Tuổi Trẻ, cảm thán trên trang cá nhân: “Lương khô nó ngon nên xén của cứu đói chia nhau. Tiền tươi lại càng thơm nên tha sao đành.”
Trong khi đó, Luật sư Luân Lê bình luận trên mạng xã hội: “Vì sao dân không tin và cũng khinh bỉ trong phẫn nộ những loại người này [giới chức CSVN] như rác rưởi là như vậy. Thú vật còn biết chia sẻ và cứu giúp đồng loại, nói chi con người, mà lại còn nhận tiền thuế của chính người dân và quyền lực của dân nhưng lại không phục vụ nhân dân vào lúc gặp thảm kịch mà còn cướp thêm sự sống còn của dân.”
Lúc thảm họa, chúng còn ăn cướp cả miếng ăn nhỏ nhất của dân, thì lúc bình thường chúng ăn tàn phá hoại đến thế nào nữa? Trời ơi! Chúng đã tha hóa đến tột cùng của sự cặn bã và tanh tởm.”
Nhà báo Ngọc Vinh, cựu thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, đặt câu hỏi: “Không biết đợt cứu trợ xúc xích sắp tới đây có bị cán bộ chia làm quà không? Các cán bộ Mặt trận Tổ quốc của một số tỉnh thành từng bị bắt nhốt vì biển thủ tiền cứu trợ lũ lụt như ta đã thấy đăng báo. Nay thì lương khô cũng bị biển thủ. Nếu đưa 105 tỷ đồng tiền thơm của cô Thủy Tiên vào tay các cha nội cán bộ này chắc chỉ còn lại 5 tỷ đến được tay dân.”
Tin Việt Nam Hôm Nay
Việt Nam Đề Nghị World Bank Cho Vay Lãi Suất Thấp Các Dự Án Giao Thông Trọng Điểm
(Hình: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp bà Manuela Ferro - Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của Nhóm Ngân hàng Thế giới.)
-Thủ tướng Việt Nam mong muốn Ngân hàng Thế giới (WB) cho vay lãi suất thấp nhất các dự án đường bộ cao tốc, hạ tầng đô thị, cấp thoát nước, đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, đường sắt Sài Gòn-Cần Thơ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu đề nghị trên trong buổi tiếp đón bà Manuela Ferro, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của Nhóm Ngân hàng thế giới (WB); ông Riccardo Puliti, Phó Chủ tịch Tổ chức Tài chánh Quốc tế (IFC) phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương và ông John Gandolfo, Phó Chủ tịch phụ trách ngân quỹ của IFC trong chiều ngày 14/11 và được truyền thông loan trong cùng ngày.
Ngoài các dự án giao thông lớn trên, ông Chính cũng mong WB cho vay lãi suất thấp các dự án chuyển đổi số; điện gió, điện mặt trời, truyền tải điện; nông nghiệp thông minh phát thải carbon thấp; ứng phó biến đổi khí hậu đồng bằng sông Cửu Long…
Bà Manuela Ferro tại cuộc họp xác nhận WB đang phối hợp với các cơ quan Việt Nam xác định dự án lớn, trọng điểm mà hai bên tập trung hợp tác thời gian tới “với lãi suất tốt nhất”.
Qua trao đổi với lãnh đạo IFC, ông Chính cũng đề nghị IFC giúp Việt Nam hình thành các quỹ thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển, trở thành trụ cột quan trọng của nền kinh tế, nhất là lĩnh vực mới nổi, kỹ thuật cao như chíp bán dẫn, năng lượng sạch, xe điện.... Các lãnh đạo của IFC cam kết hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam lớn mạnh và thu hút nhà đầu tư hàng đầu tới Việt Nam.
Trước đó, hồi tháng 10/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong buổi làm việc với bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cũng từng đề nghị WB ưu tiên vốn cho các dự án giao thông trọng điểm và dự án lớn tại Việt Nam.
Đến nay, WB đã cam kết cho Việt Nam vay 25 tỉ Mỹ kim thực hiện 170 dự án giao thông, nông nghiệp, thủy lợi, phát triển nông thôn, giáo dục đào tạo, năng lượng, nước sạch, hỗ trợ ngân sách, đô thị, môi trường, y tế....
Bà Rịa-Vũng Tàu: Khởi Tố Giám Đốc Sở Tài Nguyên và Môi Trường Do Sai Phạm Trong Quản Lý Đất Đai
(Hình: Ông Nguyễn Văn Hải trong một buổi làm việc.)
-Ngày 15/11/2023, Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đại tá Bùi Văn Thảo xác nhận tin với truyền thông rằng Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Nguyễn Văn Hải vừa bị khởi tố để điều tra sự việc xảy ra cách đây gần 10 năm.
Theo ông Thảo, ông Nguyễn Văn Hải bị Cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an tỉnh khởi tố để điều tra về hành vi “vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, theo điều 229 Bộ luật Hình sự và được tại ngoại.
Hành vi của ông Hải được nói xảy ra từ năm 2014 - lúc ông này còn giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác định thời điểm ông Hải giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đất Đỏ đã ký 77 quyết định giao đất không thông qua đấu giá. Tổng giá trị đất theo xác định là hơn 5 tỉ đồng.
Liên quan đến việc này, trước đó hôm tháng 4/2022, Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Ủy ban Nhân dân huyện Đất Đỏ và các đơn vị liên quan.
Đến tháng 10/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra-Bộ Công an đã khởi tố ông Tạ Văn Bửu, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đất Đỏ nhiệm kỳ 2015-2020.
Ngoài ra, các ông Huỳnh Văn Phi (nguyên trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đất Đỏ) và ông Trần Ngọc Hùng (nguyên Phó phòng Tài nguyên và Môi trường) cũng bị khởi tố tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Kỷ Luật Xóa Tư Cách Chức Vụ Hai Cựu Chủ Tịch Tỉnh Quảng Ninh Liên Quan Sai Phạm của AIC, FLC
(Hình: Ông Nguyễn Văn Đọc bị kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách chức vụ Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh.)
-Hai cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh vừa bị thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách chức vụ.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký các quyết định của Thủ tướng Chính phủ thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách chức vụ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đối với ông Nguyễn Văn Đọc và ông Nguyễn Đức Long.
Lý do kỷ luật được truyền thông loan trong ngày 15/11 dựa theo nội dung quyết định, là do hai ông Đọc và Long có liên quan tới những vi phạm, khuyết điểm trong công tác. Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật đảng, từ ngày 5/10/2023.
Cụ thể, hai ông Nguyễn Văn Đọc, Nguyễn Đức Long đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm tại các dự án, gói thầu do Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và Công ty cổ phần Tập đoàn FLC thực hiện, gây thiệt hại lớn ngân sách nhà nước.
Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; theo quy định của Đảng về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh nhiệm kỳ 2015-2020.
Ban Bí thư cũng quyết định thi hành kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Văn Đọc và ông Nguyễn Đức Long.
Đề Nghị Truy Tố 5 Cựu Cán Bộ, Nhân Viên Phòng Giao Dịch Sacombank Cam Ranh
(Hình: Phòng giao dịch Sacombank Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.)
-Năm cựu cán bộ, nhân viên phòng giao dịch Cam Ranh thuộc Sacombank chi nhánh tỉnh Khánh Hòa bị cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an tỉnh đề nghị truy tố.
Truyền thông nhà nước loan tin trong ngày 15/11/2023 cho hay Cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an tỉnh Khánh Hòa vừa chuyển toàn bộ hồ sơ sang Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh, đề nghị truy tố 5 bị can là cựu cán bộ, nhân viên vi phạm pháp luật tại phòng giao dịch Sacombank Cam Ranh.
Năm người bị đề nghị truy tố gồm Võ Việt Luân (43 tuổi, cựu Phó Giám đốc chi nhánh Sacombank Khánh Hòa kiêm Trưởng phòng Giao dịch Cam Ranh) bị truy tố tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bốn người còn lại cùng làm việc ở phòng giao dịch Sacombank Cam Ranh gồm Nguyễn Thị Thanh Hà (44 tuổi, cựu Phó phòng Giao dịch), Ngô Thị Hồng Nhạn (42 tuổi, cựu Thủ quỹ), Nguyễn Trà My (24 tuổi, cựu Giao dịch viên) và Ngô Nữ Hồng Hải (26 tuổi, cựu Giao dịch viên) cùng bị truy tố tội “tham ô tài sản”.
Kết luận nêu rõ Hà có vai trò xuyên suốt trong vụ án, là người cầm đầu, chỉ đạo các nhân viên dưới quyền làm trái các quy định pháp luật trong hoạt động ngân hàng, lập chứng từ khống, sau đó trực tiếp phê duyệt nhằm chiếm đoạt tiền sử dụng vào mục đích cá nhân, gây thiệt hại cho Sacombank hơn 17,3 tỉ đồng.
Công an tỉnh Khánh Hòa cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo kiểm tra, thanh tra toàn diện các mặt hoạt động nghiệp vụ của Sacombank chi nhánh Khánh Hòa, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những thiếu sót, sai phạm, không để nhân viên ngân hàng lợi dụng danh nghĩa ngân hàng để làm trái quy định của pháp luật.
Việt Nam Thuộc Top 5 Quốc Gia Có Du Học Sinh Nhiều Nhất ở Mỹ
(Hình: Sinh viên tìm hiểu về du học tại Mỹ.)
-Việt Nam nằm trong top năm quốc gia có du học sinh đến Mỹ học nhiều nhất với 21.900 sinh viên đến Mỹ du học trong năm học 2022-2023, tăng 5,7% so với năm học trước.
Top năm quốc gia được truyền thông loan trong ngày 14/11/2023, dựa theo báo cáo Open Doors của Viện giáo dục quốc tế (IIE), gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Hàn, Gia Nã Ðại và Việt Nam.
Theo báo cáo, năm học 2022-2023, số học sinh quốc tế đến Mỹ học tập tăng hơn 14%. Hiện sinh viên quốc tế chiếm 6% tổng số sinh viên tại các trường Đại học, Cao đẳng ở Mỹ với hơn một triệu sinh viên đến từ hơn 230 quốc gia.
Đứng đầu về số lượng du học sinh ở Mỹ là Trung Quốc (chiếm 27%); Ấn Độ (chiếm 25%); Nam Hàn và Gia Nã Ðại lần lượt chiếm 4%, 3% và Việt Nam chiếm 2%.
Việt Nam tiếp tục đứng thứ hai toàn cầu về số lượng sinh viên theo học các trường Cao đẳng cộng đồng ở Mỹ, chiếm 7,6% tổng số sinh viên quốc tế và đứng thứ tư toàn cầu với 14.295 sinh viên theo học các chương trình Cao đẳng và Cử nhân.
Khoa học, kỹ thuật, kỹ thuật và toán (STEM), cũng như kinh doanh/quản trị vẫn là các khối ngành du học sinh Việt Nam tại Mỹ theo học nhiều nhất.
Hôm 6/10/2023, ông Graham Harlow - quyền Phó tổng Lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn - cho biết số du học sinh Việt Nam hiện đang học tập tại Mỹ là 30.000 người ở tất cả các cấp học. Ông Harlow cũng xác nhận ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là nước có nhiều du học sinh đến Mỹ nhất.
Tp. HCM Đạt Giải ASOCIO 2023-Chính Quyền Số Xuất Sắc
(Hình: Phó Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông Tp. HCM Võ Thị Trung Trinh (người mặc áo dài đỏ) đại diện lên nhận Giải thưởng.)
-Tp. HCM vừa được Tổ chức Công nghiệp điện toán Á Châu-châu Đại Dương (ASOCIO) trao giải thưởng ASOCIO 2023 cho hạng mục Chính phủ số Xuất sắc.
Lễ trao giải được truyền thông nhà nước loan diễn ra tại hội nghị ASOCIO Digital Summit (ở Hán Thành, Nam Hàn) trong ngày 14/11/2023.
Giải thưởng ASOCIO 2023 là sự ghi nhận những nỗ lực không ngừng của chính quyền Tp. HCM trong việc khai triển chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số. Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh chính quyền số nhằm thúc đẩy kinh tế số, xã hội số với mục tiêu xây dựng Tp. HCM trở thành đô thị thông minh.
Giải thưởng ASOCIO 2023 được trao cho 52 đơn vị từ 9 quốc gia và vùng lãnh thổ tại Hội nghị thượng đỉnh Thế giới về Chính quyền số ASOCIO 2023.
Năm nay giải thưởng bao gồm 8 nhóm: Giải thưởng Công ty Kỹ thuật xuất sắc; Giải thưởng Chuyển đổi số; Giải thưởng Chính phủ (chính quyền) số; Giải thưởng Kỹ thuật Giáo dục; Giải thưởng Kỹ thuật Y tế; Giải thưởng An ninh mạng; Giải thưởng Quản trị Môi trường, Xã hội và Doanh nghiệp (ESG - Environmental, Social, and Corporate Governance) và Giải thưởng Khởi nghiệp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét