Bước vào không khí một trong những ngày Lễ, quan trọng nhất trong năm!
Lời Chúc Mừng Lễ Tạ Ơn 2023! - Happy Thanksgiving!
Kính Thưa Quý Vị, -Nhiều con vật vừa sinh ra có thể tự sống, con người thì khác hoàn toàn, nếu không có người mẹ, hay người thân giúp đỡ chăm sóc, bú mớm, trong những năm tháng đầu tiên, thì con người không thể sống nổi. Nên nhiều người kết luận: “con người là một sinh vật xã hội!” cũng đúng thôi. Khó có ai có thể sống một mình trên một hoang đảo! Nên không ai dám vỗ ngực tuyên bố: “tôi sống không cần ai!” Nhu cầu bầy đàn, để con người trở thành cả một xã hội là thế. Muốn sống, là luôn luôn phải tìm đến nhau! Muốn mạnh, phải biết kết đoàn! “Ba cây chụm lại, nên hòn núi cao”
<!>
Và chính vì biết trân trọng lòng “Biết Ơn” này, đã tạo ra nước Mỹ hùng cường nhất thế giới! Không có người Da Đỏ giúp đỡ, trên miền đất mới, những người di dân ban đầu, chắc chắn sẽ chết! và không có nước Mỹ như ngày hôm nay!
Đây là truyền thống tốt đẹp! để Thượng Đế luôn luôn ban ơn lành trên đất nước vĩ đại, đầy tình người này. Để người Việt Tị Nạn CS, có nơi định cư, để trở thành Quê Hương Thứ Hai!
Trong tâm tình yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ này, chúng ta cùng cúi đầu, chắp tay: "Tạ Ơn Trời, Tạ Ơn Đời, Tạ Ơn Người!"
Trong không khí ngày Lễ ấm áp, đầy tình thương mến này, người phục vụ chuyển tin bền bỉ, 7 ngày trong tuần, suốt cả mấy năm nay. Chỉ có mục đích, giúp các Quý Niên Trưởng, Quý Chiến Hữu, Thân Hữu cao tuổi, có gì theo dõi, có gì đọc hàng ngày, để biết những gì đang xảy ra chung quanh mình, nhằm tránh bệnh…Mất Trí Nhớ! (Vì các bác sĩ nhắc nhở, khuyên bảo, trí óc hoạt động giống như cơ thể, cũng phải…tập thể dục hàng ngày, không thì tế bào trí nhớ teo tóp, dễ dắt đến bịnh lãng trí, rồi đến...Bịnh Quên! Người thân, bạn bè đã bị rất nhiều!)
Nhân Mùa Cảm Tạ, xin được Trân Trọng Kính Chúc:
Tất cả Quý Vị, Gia Đình, Bạn Bè, Thân Hữu
-Một Ngày Lễ Tạ Ơn, với những gì tốt đẹp nhất: Nhiều ơn lành từ Trời cao, an lành, vui vẻ, khỏe mạnh, chan hòa hạnh phúc. Có những giây phút yêu thương, tình mến, bên cạnh Gia Đình, Bạn Bè và Người Thân, trong suốt Mùa Lễ Tạ Ơn 2023, năm nay.
Chúc Mừng Lễ Tạ Ơn!
Happy Thanksgiving 2023!
TT Biden mừng sinh nhật tuổi 18! (lỗi tại đánh máy, đáng nhẽ phải đọc ngược lại là 81!), đồng thời ân xá 2 em Gà Tây, nhân dịp Lễ Tạ ơn 2023, theo truyền thống Hoa Kỳ!
(Hình: Hai con gà Liberty và Bell.)
-Hai con gà Liberty và Bell đã sẵn sàng để được tổng thống ân xá.
Hai con gà tây trong Lễ Tạ ơn dự kiến sẽ có mặt tại Nhà Trắng hôm 20/11 để thực hiện một nghi lễ truyền thống hàng năm: một tổng thống ân xá để chúng không bị làm thịt. Trong khi đó, hàng trăm triệu con khác bị giết, để có mặt trên bàn tiệc Thứ Năm này, trên khắp nước Mỹ!
Ông Steve Lykken, chủ tịch Liên đoàn Gà tây Quốc gia và là chủ tịch Cửa hàng Gà tây Jennie-O, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Associated Press (AP): “Chúng tôi nghĩ rằng đó là một cách tuyệt vời để bắt đầu kỳ nghỉ lễ và thực sự là một vinh dự thú vị”.
Sự kiện này, năm nay sẽ được tổ chức tại Sân cỏ phía Nam của Nhà Trắng thay vì ở Vườn Hồng, đánh dấu sự khởi đầu không chính thức của kỳ nghỉ lễ ở Washington và ngày 20/11 được xem là một ngày khai mạc đặc biệt bận rộn.
Tổng thống Joe Biden, tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, cũng sẽ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 81 hôm 20/11. Vào buổi chiều, vợ ông, đệ nhất phu nhân Jill Biden, sẽ tiếp nhận cây thông Fraser cao hơn 5,5 m từ vùng Fleetwood, North Carolina, làm cây thông Giáng sinh chính thức của Nhà Trắng.
Ông Lykken giới thiệu hai con gà Liberty và Bell hôm 19/11 tại Willard Intercontinental, một khách sạn sang trọng gần Nhà Trắng. Hai con gà này được nghỉ ngơi trong một phòng lớn ở khách sạn này hôm 18/11 sau khi được đón chào với thảm đỏ khi chúng đến thủ đô Hoa Kỳ sau chuyến đi kéo dài một ngày từ Minnesota trên chiếc xe Cadillac Escalade màu đen.
Hôm 19/11, ông Lykken nói: “Chúng được nuôi dưỡng giống như tất cả những con gà tây của chúng tôi, tất nhiên được bảo vệ khỏi sự khắc nghiệt của thời tiết và những con thú săn mồi, được tự do đi lại với lúc nào cũng dễ dàng ăn uống”, cùng lúc Liberty và Bell sải bước trên tấm nhựa đặt trên thảm quanh Phòng Crystal mới được cải tạo của khách Willard. Những đứa trẻ nhỏ trong đám đông người xem - nhiều người trong số họ là nhân viên và khách của công ty Jennie-O - hét lên “gộp gộp gộp gộp”, nhại theo tiếng kêu của gà tây.
Ông Lykken cho hay những con gà tây trống này, đều khoảng 20 tuần tuổi và nặng khoảng 19 kg, nở vào tháng 7 tại Willmar, Minnesota – nơi Jennie-O có trụ sở chính ở đó - như một phần của “đàn gà của tổng thống”. Chúng nghe nhạc và các âm thanh khác để chuẩn bị cho nghi lễ ngày 20/11 tại Nhà Trắng.
Truyền thống này có từ năm 1947 khi Liên đoàn Gà tây Quốc gia, đại diện cho những người nông dân và nhà sản xuất gà tây, lần đầu tiên tặng món gà tây Lễ tạ ơn quốc gia cho Tổng thống Harry Truman.
Sau khi TT Biden ân xá cho cặp gà tây thứ ba của mình hôm 20/11, hai chú Liberty và Bell sẽ được đưa về tiểu bang nhà của chúng để được Trường Cao đẳng Khoa học Thực phẩm, Nông nghiệp và Tài nguyên của Đại học Minnesota chăm sóc.
Ông Lykken cho biết hơn 200 triệu con gà tây sẽ bị làm thịt vào dịp Lễ Tạ ơn.
Ông Biden sẽ ăn gà tây trong Lễ Tạ ơn cùng gia đình trên đảo Nantucket, một hòn đảo ở Massachusetts, tiếp nối truyền thống lâu đời của gia đình.
Hôm 19/11, ông và đệ nhất phu nhân phục vụ bữa ăn đón Lễ Tạ ơn sớm cho hàng trăm quân nhân từ tàu USS Dwight D. Eisenhower và USS Gerald R. Ford tại Binh trạm Hải quân Norfolk ở Virginia, cơ sở lớn nhất thuộc loại này trên thế giới, cùng với với gia đình của họ.
Ông Markus Platzer, tổng giám đốc của khách sạn Willard, nói rằng việc khách sạn đóng vai trò giới thiệu gà tây là “điểm nhấn của năm”. Ông nói thêm rằng khách sạn Willard đã tham gia đón tiếp gà tây hơn 15 năm qua và gọi những chú gà tây là “những vị khách rất đặc biệt nhất trong năm! của chúng tôi”.
Tin vui, tha hồ mà đi chơi xa: Giá xăng ở Mỹ có thể đạt mức rẻ nhất dịp Lễ Tạ Ơn kể từ 2020!
-Người lái xe ở Mỹ có thể mong đợi giá xăng rẻ nhất vào ngày Lễ Tạ Ơn kể từ năm 2020, CNBC nhận định hôm Thứ Hai, 20 Tháng Mười Một.
Theo hiệp hội xe hơi Bắc Mỹ AAA, giá trung bình toàn quốc cho một gallon xăng thông thường là khoảng $3.31 vào Thứ Hai, rẻ hơn 25 cent so với một tháng trước và thấp hơn 36 cent so với cùng kỳ năm 2022.
(Hình: Hàng triệu người Mỹ sẽ đổ đầy bình xăng cho xe để đi du lịch dịp Lễ Tạ Ơn.)
-Theo GasBuddy, giá trung bình trên toàn quốc cho một gallon xăng có thể đạt $3.25 vào Thứ Năm, đây sẽ là mức giá rẻ nhất vào ngày Lễ Tạ ơn kể từ năm 2020 khi đại dịch COVID-19 đè bẹp nhu cầu và giá xăng giảm xuống còn $2.11/gallon.
Theo AAA, giá xăng đã giảm xuống dưới $3/ gallon ở 11 tiểu bang miền Nam và Trung Tây tính đến Thứ Hai. Các tiểu bang này là Alabama, Arkansas, Georgia, Iowa, Louisiana, Mississippi, Missouri, Oklahoma, South Carolina, Tennessee và Texas.
Chuyên gia Patrick De Haan của GasBuddy cho biết giá xăng giảm trong chín tuần liên tục và đang có đợt giảm dài nhất kể từ mùa Hè năm 2022.
Ông Haan cho biết hiện có hơn 65,000 trạm xăng đang bán xăng với giá $2.99/gallon hoặc thấp hơn và năm tiểu bang khác có thể thấy giá trung bình dưới $3/gallon vào Lễ Tạ Ơn.
Chuyên gia De Haan cho biết: “Người Mỹ nói chung sẽ chi tiêu ít hơn khoảng $1.2 tỷ tiền xăng từ Thứ Hai đến Chủ Nhật so với năm ngoái.”
Giá xăng có thể tiếp tục giảm trong một hoặc hai tuần nữa và có khả năng giảm xuống dưới mức đáy mùa Đông năm ngoái là $3.05/gallon.
Nhưng phần lớn phụ thuộc vào việc OPEC có thực hiện một đợt cắt giảm sản lượng dầu khác tại cuộc họp ngày 26 Tháng Mười Một hay không.
(Hình: Giá xăng ở Austin, Texas, hôm 23 Tháng Mười.)
De Haan cho biết: “Nếu OPEC thực hiện cắt giảm sản lượng lớn, tôi nghĩ điều đó gần như chấm dứt khả năng xăng giảm giá xuống dưới mức như năm ngoái”.
Theo AAA, hơn 55 triệu người Mỹ dự trù sẽ đi du lịch vào Lễ Tạ ơn.
Mặc dù giá xăng giảm và lạm phát chậm lại, khoảng 20% hoặc những người trả lời khảo sát du lịch của GasBuddy cho biết họ không thể tính toán chi phí du lịch trong kỳ nghỉ vào ngân sách do các lĩnh vực lạm phát khác. (MPL) [kn]
Mừng Lễ Tạ ơn 2023! Bài xã luận phản ảnh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ.
Vào ngày thứ Năm tuần này của tháng 11, người Mỹ mừng Lễ Tạ ơn Những lần đầu tiên của ngày lễ này, được tổ chức bởi những người di cư đến tân thế giới, không khác nhiều so với các lễ hội thu hoạch mùa màn truyền thống mà họ đã có ở châu Âu. Nhưng đến Bắc Mỹ ngay khi mùa đông đang đến, những người Thanh giáo không được chuẩn bị cho những điều kiện khắc nghiệt. Gần một nửa trong số họ đã chết trong năm đầu tiên đó. Phần thưởng mà họ được hưởng trong Lễ Tạ ơn đầu tiên đó có ý nghĩa đặc biệt vì những khó khăn gian khổ mà họ đã phải chịu đựng.
Ngày Lễ Tạ ơn mà hầu hết người Mỹ ngày nay đón mừng có nguồn gốc một phần từ một lễ kỷ niệm được kể lại là đã diễn ra ở nơi mà nay là tiểu bang Massachusetts trong khoảng thời gian từ ngày 21 tháng 9 đến ngày 11 tháng 11 năm 1621. Theo câu chuyện, 53 đàn ông, phụ nữ và trẻ em người Anh cùng chung với khoảng 90 người bộ lạc bản địa Mỹ mừng một bữa tiệc để tạ ơn cho vụ thu hoạch đầu tiên ở miền đất mới.
Và họ có nhiều điều để cảm tạ. Chỉ một năm trước đó, vào giữa tháng 11 năm 1620, họ là thành viên của một nhóm gồm 102 người Thanh Giáo và thủy thủ đoàn 30 người đã đến bờ biển Bắc Mỹ trên con tàu tên Mayflower. Họ là những người Thanh giáo, những người tách khỏi tôn giáo ở Anh đang tìm kiếm một nơi mới để thực hành đức tin mà họ thấy phù hợp với họ.
Trước Lễ Tạ ơn đầu tiên đó, một nửa số họ đã chết vì đói khát, bệnh tật và điều kiện thời tiết khắc nghiệt. May mắn cho những người Thanh giáo này, những người Wampanoag bản địa đã giúp họ bằng cách quyên góp thực phẩm và dạy những người Thanh giáo này cách khai thác thiên nhiên để sống. Lễ hội đầu tiên đó thực sự là một biểu hiện của lòng biết ơn của những kiều dân đã sống sót.
“Cũng giống như cách đây 400 năm khi những người Thanh giáo có thể ăn mừng vụ thu hoạch đầu tiên thành công nhờ vào sự hào phóng và giúp đỡ của người Wampanoag, hôm nay chúng ta cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã giúp chúng ta vượt qua năm khó khăn vừa qua,” Tổng thống Biden nói.
“Lễ tạ ơn cho chúng ta thời gian để suy ngẫm về nhiều phước lành mà Thượng đế đã ban cho chúng ta, cho quốc gia của chúng ta và cho mọi người. Chúng ta cảm tạ ơn phước này, ngay cả và đặc biệt là, trong thời gian thử thách.”
Dâng Lời Tạ Ơn
(Thơ Trần Quốc Bảo)
Chúng tôi, người Việt tha hương,
Tỵ nạn cộng sản, đến phương trời này.
Tạ Ơn Thượng Đế an bài,
Độ trì trên đoạn đường dài tử sinh!
Phúc ân toàn vẹn gia đình,
Được dung thân chốn an bình ấm no.
Tạ Ơn Thế Giới Tự Do!
Tình thương nhân loại đã cho tràn đầy!
Bước chân lưu lạc tới đây,
Ơn Người mở rộng vòng tay đón chào!
Cảnh nhà, vận nước lao đao…
Ơn Người tiếp nhận chung vào cùng quê.
Ra đi, tay trắng ê chề!
Giúp nhau cơm áo chẳng nề quản chi.
Giúp nhau cuộc sống phát huy,
Giúp nhau ngạo nghễ Quốc Kỳ tung bay!
Dìu nhau qua cơn mê này,
Bình minh trở lại, những ngày an vui!
Đại Ân Nhân, bốn phương trời,
Chúng tôi xin Tạ Ơn Người muôn năm !!!
Tin Việt Nam Hôm Nay:
Hiện nay, Hơn 85% tuyến đường của TP. Huế vẫn còn bị ngập!
(Minh Long)
-Mưa với cường độ rất lớn xảy ra tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, khiến hơn 85% tuyến đường của TP. Huế bị ngập.
(Ảnh: TP. Huế ngập sâu trong nước.)
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết từ ngày 13/11 đến 10h ngày 15/11, tỉnh xảy ra mưa to đến rất to.
Riêng huyện Nam Đông và một số nơi của huyện Phú Lộc có mưa đặc biệt to, với lượng mưa phổ biến 500 – 800mm, có nơi cao hơn như: Xuân Lộc (Phú Lộc) 1.014mm; Thượng Quảng (Nam Đông) 989mm; Hương Sơn (Nam Đông) 978mm; Khe Tre (Nam Đông) 956mm.
Về thời gian mưa, lượng mưa từ 19h ngày 12/11 đến 7h ngày 14/11 phổ biến 150-300mm. Trong đó, mưa tập trung khu vực vùng núi Phong Điền, Nam Đông, A Lưới với lượng mưa từ 330 – 480mm; khu vực đồng bằng ven biển lượng mưa từ 60 – 120mm.
Từ 7h ngày 14/11 đến 6h ngày 15/11, mưa tập trung chủ yếu ở Nam Đông, A Lưới với lượng mưa phổ biến 500 – 800mm, có nơi cao hơn như: Thượng Quảng (Nam Đông) 957mm; Hương Sơn (Nam Đông) 947mm; Khe Tre (Nam Đông) 911mm.
Theo thông tin bước đầu từ Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh TP. Huế, đến thời điểm này chưa thiệt hại hại về người, tuy nhiên do mưa cường suất lớn đã gây ngập lụt hơn 85% tuyến đường thành phố với mực nước ngập từ 0,5 đến 1,5m (một số phường, xã không xảy ra tình trạng ngập lụt như Thủy Bằng, Trường An, An Tây, Phước Vĩnh, Thủy Xuân…); nhiều diện tích nông nghiệp bị ngập úng và hư hỏng.
Phương tiện di chuyển chủ yếu trên đường lúc này là ghe (xuồng nhỏ) của bà con làm nghề sông nước.
Tùy vào đoạn đường họ được thuê chở mà giá tiền khác nhau. Nhiều sinh viên ở Huế cũng lội lụt để đi mua thức ăn về dự trữ.
Ngoài TP. Huế, tại các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy, nhiều nơi cũng ngập sâu trong nước.
Tính đến 11h ngày 15/11, giới chức TP đã di dời 355 hộ và 1108 khẩu đến nơi an toàn. Trong đó, nhiều nhất là ở các phường: Hương Sơ với 367 người, Phú Mậu: 96 người, Phú Thanh: 83 người, Phú Thượng: 31 người…; đồng thời, kêu gọi 100% tàu thuyền cập bến, neo đậu an toàn; tổ chức đường dây nóng 19001075 để hỗ trợ người dân trong tình huống cấp bách.
Kiên Giang Gần 70 học sinh nhập viện, do ngộ độc thực phẩm!
(Khánh Vy)
-Gần 70 học sinh tiểu học ở TP. Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) được đưa đến bệnh viện điều trị trong tình trạng nôn ói, tiêu chảy, hạ huyết áp nghi do bị ngộ độc thực phẩm.
(Hình: Các em học sinh đang được điều trị tại Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Kiên Giang.)
Ngày 15/11, báo Kiên Giang Online đưa tin Bệnh viện Sản – Nhi Kiên Giang tiếp nhận hơn 50 em học sinh tiểu học và trung học cơ sở trong tình trạng nôn ói, tiêu chảy, trong đó, 20 em hạ huyết áp. Qua thăm khám ban đầu, các bác sĩ chẩn đoán nghi các em bị ngộ độc thực phẩm.
Các học sinh này thuộc Trường Tiểu học Trần Văn Ơn và Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi (TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang).
Bác sĩ chuyên khoa II Danh Tý – Phó Giám đốc Bệnh viện Sản – Nhi Kiên Giang cho rằng có dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm nên yêu cầu nhà trường phải niêm phong toàn bộ thức ăn để cơ quan chức năng đến kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân.
Theo Bác sĩ Danh Tý, lúc đầu có khoảng 6 em học sinh được cha mẹ chở đến bệnh viện cấp cứu nhưng sau đó lãnh đạo 2 trường tiểu học gọi điện nhờ bệnh viện hỗ trợ phương tiện vì có quá nhiều em học sinh bị đau bụng và ói.
Trường học nhờ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang điều 6 xe cấp cứu đến trường để chở hơn 50 em học sinh vào cấp cứu tại Bệnh viện Sản – Nhi Kiên Giang.
Đa số các em nhập viện đều bị đau bụng và nôn, trong đó có khoảng 20 em do nôn nhiều nên bị hạ huyết áp, bệnh viện phải truyền dịch chống sốc.
Đến 19h tối 15/11, sức khoẻ của các em học sinh đã dần ổn định nhưng cần phải tiếp tục theo dõi.
“Sau khi huy động lực lượng toàn bộ bệnh viện gồm bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh xuống hỗ trợ, sau gần 2h, những em điều trị chống sốc đã cơ bản ra khỏi chống sốc, bớt ói. Tới thời điểm này chưa có ca nào diễn biến đe dọa tử vong”, Bác sĩ Danh Tý cho biết thêm.
Theo các em học sinh, bữa ăn trưa 15/5 có món mì thịt bằm, súp, nhưng thịt có mùi hôi so với mọi ngày.
Bà Đỗ Mỹ Phượng (bà ngoại một học sinh) cho biết:
“Cháu ngoại của bà đến trường lúc 7h sáng, tới 14h30 cô giáo gọi điện nói cháu không được khoẻ và kêu phụ huynh đến đón về. Khi đến trường thì nhà trường cho biết các cháu mới ăn trưa xong thì bị ói nên nhờ người nhà chở cháu đi khám bệnh vì trường không có điều điều kiện để khám”.
Đại diện tỉnh Kiên Giang cho hay UBND tỉnh đã chỉ đạo Bệnh viện Sản – Nhi Kiên Giang và các đơn vị liên quan tập trung hỗ trợ, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho các học sinh nói trên.
UBND tỉnh cũng yêu cầu nhà trường báo cáo tình hình vụ việc để tìm hiểu rõ nguyên nhân.
Một bạn đọc báo Tuổi trẻ đã để lại bình luận bên dưới bài viết về vụ việc như sau: “Thực phẩm cho học sinh bán trú đang là vấn đề hết sức nghiêm trọng khi gần đây rất nhiều vụ việc ngộ độc, cắt xén thực phẩm tại bữa ăn bán trú. Mong các cấp chính quyền và đặc biệt là bộ giáo dục có biện pháp mạnh tay để các em có bữa ăn an toàn và đủ dinh dưỡng.”
Theo cập nhật của báo Kiên Giang Online, Đến 20h ngày 15/11, Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Kiên Giang đã tiếp nhận gần 70 học sinh nhập viện điều trị nghi ngộ độc thực phẩm. Tất cả học sinh nhập viện đều được bệnh viện cấp cứu, xử lý kịp thời, sức khỏe đã ổn định, không có trường hợp đe dọa tử vong.
Sách ông Trọng ‘vô bổ’, không ai đọc, tốn tiền thuế dân!
-Nguyễn Phú Trọng cho thuộc cấp dùng tiền thuế dân in sách ca tụng mình
Luật sư Nguyễn Văn Đài khẳng định, những cuốn sách tuyên truyền của ông Trọng chỉ tốn kém tiền thuế của người dân trong việc in sách rồi quảng bá sách trên các phương tiện truyền thông.
Trong vòng chưa đầy một năm, có ít nhất ba cuốn sách của ông Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam được báo chí trong nước viết bài ca ngợi, tung hô.
Mới nhất hôm 14/11, tờ Quân đội Nhân dân đăng bài ca ngợi cuốn sách mới toanh của ông Nguyễn Phú Trọng có tựa đề “Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.
Trước đó, vào cuối tháng 5/2023, truyền thông nhà nước cũng “ra sức” tuyên truyền hai cuốn sách của ông Tổng bí thư, có tựa đề “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” và “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”.
Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tựa đề rất dài dòng, hoa mỹ, nhưng hoàn toàn sáo rỗng:
“Bởi vì như vậy tôi vừa trình bày, Đảng Cộng sản Việt Nam không biết người dân chúng tôi đang sống như thế nào? Đang cần những gì? Đang rối ren và bất an ra sao? Tôi nghĩ rằng với tư cách Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam – ông Nguyễn Phú Trọng, kể cả Bộ Chính trị và Chính phủ cần phải quan tâm rằng người dân đang sống như thế nào, đang bấp bên như thế nào, đang thoi thóp như thế nào… với hàng triệu người dân đang thất nghiệp. Đó là lời nói với tư cách một người dân, tôi muốn chuyển đến cho cấp cao nhất trong đảng Cộng sản Việt Nam.”
Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, đang ở Đức, trong cùng ngày chia sẻ về vấn đề này cho rằng “Việc tuyên truyền như vậy là không còn phù hợp”:
“Hiện nay truyền thông mạng xã hội chiếm ưu thế hơn báo chí truyền thống. Khi Nhà nước Việt Nam muốn ca ngợi ông Trọng như một vị lãnh tụ số hai, sau ông Hồ Chí Minh, thì tôi cho rằng trong thời buổi này không phù hợp và cũng không tác dụng hiệu quả gì cả. Bởi vì đa phần người dân Việt Nam, đặc biệt những người trẻ tuổi rất là dễ dàng để vào các trang mạng xã hội tìm hiểu thực tại của đất nước, cũng như về cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng.”
Luật sư Nguyễn Văn Đài khẳng định, những cuốn sách tuyên truyền của ông Trọng chỉ tốn kém tiền thuế của người dân trong việc in sách rồi quảng bá sách trên các phương tiện truyền thông, cũng như khi “triển khai” về các địa phương để giáo dục.
Hôm tháng 5/2023, khi góp ý về hai cuốn sách của Trọng, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, từ Na Uy từng cho rằng việc giới thiệu hai cuốn sách của ông tổng bí thư như là một cách đánh bóng hình ảnh về một vị lãnh tụ đảng cộng sản sắp từ giã chính trường, hơn là đưa ra những kinh nghiệm hay chia sẻ kiến thức hữu ích nhằm đóng góp vào kiến thức học thuật chính trị, hay cách điều hành quốc gia.
Theo Đất Việt - November 17, 2023
H&M bị cáo buộc ‘phi đạo đức’ vì dùng nguồn cung áo khoác chứa lông vũ từ Việt Nam
-H&M và nhiều hãng thời trang nổi tiếng thế giới hiện đang đối diện với những chỉ trích về vấn đề sử dụng lao động, bảo vệ động vật, thiên nhiên và môi trường trong quy trình sản xuất.
Hãng thời trang nổi tiếng H&M có trụ sở ở Thụy Điển bị cáo buộc “phi đạo đức” vì sử dụng dùng nguồn cung sản phẩm áo khoác chứa lông vũ từ Việt Nam.
Cáo buộc do tổ chức PETA Asia, một tổ chức bảo vệ bảo vệ quyền động vật ở khu vực châu Á, đưa ra sau một cuộc điều tra kéo dài 13 tháng.
PETA nói rằng H&M đã lấy nguồn cung áo khoác từ Việt Nam, nơi các loài gia cầm được cho là phải chịu đựng những “điều kiện khủng khiếp” như bị chặt chân khi vẫn còn sống, bị giết bằng rìu để lấy lông nhồi áo khoác.
PETA cho biết mặc dù H&M bảo đảm rằng sản phẩm của họ không gây hại cho động vật, cuộc điều tra của PETA vẫn cho thấy tình trạng “đáng lo ngại” ở các trang trại nuôi vịt và các lò mổ trên khắp Việt Nam.
Tổ chức này nói họ phát hiện nhiều con vịt bị chọc tiết, bị thương nặng trong chuồng không hợp vệ sinh, và bị nhốt trong những chuồng trại bé xíu chứa đầy phân. Thậm chí, những con vịt ở một cơ sở đã được chứng nhận đạt Tiêu chuẩn Lông vũ có trách nhiệm (RDS) còn bị xẻo mất chân trong khi vẫn còn sống.
“Chỉ có thể tránh được sự tàn ác này bằng cách cắt đứt quan hệ với ngành công nghiệp lông vũ, cho nên PETA đang thúc giục H&M sử dụng chất liệu không có nguồn gốc từ động vật, vốn đã được người mua hàng yêu thích”, Phó chủ tịch cấp cao của PETA Jason Baker nói khi công bố thông tin về cuộc điều tra.
H&M hiện đã gỡ bỏ nhãn lông vũ “có trách nhiệm” khỏi các sản phẩm trực tuyến tại Hoa Kỳ, nhưng hãng này vẫn tiếp tục bán áo khoác chứa lông vũ trên thị trường.
Tổ chức PETA châu Á được thiết lập để bảo vệ quyền của tất cả các loài động vật thông qua giáo dục cộng đồng, điều tra những hành vi được cho là “tàn ác”, nghiên cứu, giải cứu động vật, tổ chức các chiến dịch, những sự kiện đặc biệt với sự tham gia của người nổi tiếng...
Các nhà bán lẻ thời trang trên toàn cầu hiện nay đang đối diện với nhiều vấn đề về “bền vững” trong quy trình sản xuất các sản phẩm của họ.
Hồi tháng 4 vừa qua, tại Đại hội Bán lẻ Thế giới, một trong những hội nghị thường niên lớn nhất trong lĩnh vực này, các giám đốc điều hành của các nhãn hàng nổi tiếng trên thế giới đã bày tỏ những khó khăn mà công ty của họ đang gặp phải khi người tiêu dùng cắt giảm mua hàng ở châu Âu và quốc tế do lạm phát. Thêm vào đó, các quy định mới về chất thải dệt may đang được Ủy ban Châu Âu xây dựng, nhằm yêu cầu các doanh nghiệp chịu trách nhiệm quản lý chất thải mà hàng hóa của họ tạo ra, càng làm tăng thêm áp lực trong công việc kinh doanh.
Liên minh Châu Âu hiện đang nỗ lực chuyển đổi sang nền kinh tế “quay vòng” để đáp ứng yêu cầu về bền vững, trong đó các doanh nghiệp tái chế và tái sử dụng vật liệu thay vì làm cạn kiệt nguồn tài nguyên hữu hạn để tạo ra hàng hóa mới.
Tại một số cửa hàng của của các công ty như H&M, Zara và Uniqlo hiện nay còn cung cấp dịch vụ sửa chữa hàng may mặc. Ngoài quần áo mới, Uniqlo còn bán quần jean và áo sơ mi đã qua sử dụng được thêu chữ “Sashiko”.
Walmart muốn Việt Nam trở thành trung tâm cung ứng hàng hóa của châu Á
Việt Nam là một trong 5 nước cung cấp hàng hóa lớn nhất cho chuỗi cung ứng toàn cầu của Walmart.
-Walmart, tập đoàn bán lẻ nổi tiếng của Mỹ, kỳ vọng sẽ biến Việt Nam thành trung tâm cung ứng hàng hóa của châu Á, giữa bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang đối diện với nguy cơ bị đứt đoạn do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như những tác động từ các cuộc xung đột trên toàn cầu.
Kế hoạch được bà Andrea Albright, Phó Chủ tịch điều hành phụ trách nguồn cung ứng của Walmart, nói với Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên trong cuộc gặp ở San Francisco hôm 14/11, khi phái đoàn các quan chức và doanh nghiệp Việt Nam đến Mỹ tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC, VnEconomy tường thuật.
Bà Albright cho biết Việt Nam là một trong 5 nước cung cấp hàng hóa lớn nhất cho chuỗi cung ứng toàn cầu của Walmart, không những ở Mỹ mà còn ở các thị trường khác như Trung Quốc, Canada, Mexico.
Bà cho biết Walmart mua hàng tỷ đô la hàng hóa từ Việt Nam mỗi năm, chủ yếu là hàng may mặc, giày dép, thực phẩm. Nhà bán lẻ của Mỹ dự tính sẽ mua thêm các mặt hàng khác từ Việt Nam trong thời gian tới, bao gồm đồ dùng gia đình, hàng điện tử, đồ chơi...
Đại diện của Walmart đề nghị Bộ Công Thương giúp tập đoàn bán lẻ mở rộng hoạt động và ổn định hơn chuỗi cung ứng tại Việt Nam, khi nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng tăng.
Đáp lại, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kêu gọi Walmart đẩy mạnh việc mua hàng tại Việt Nam, đồng thời phối hợp với phía nhà nước Việt Nam để nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp địa phương và phổ biến thông tin thị trường để các doanh nghiệp địa phương dễ dàng đưa ra chiến lược sản xuất và xuất khẩu khi tham gia hệ thống phân phối và bán lẻ toàn cầu.
Ông Diên cũng mời Walmart tham dự Chuỗi sự kiện "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế - Viet Nam International Sourcing 2024" dự kiến tổ chức vào tháng 6/2024.
Việt Nam hiện được xem là một trong những điểm đến thay thế trong khu vực khi các tập đoàn toàn cầu đang tìm cách chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc giữa bối cảnh cuộc chiến thương mại và sự cạnh tranh về công nghệ và an ninh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, nhiều tập đoàn vẫn tỏ ra e ngại với những rủi ro và không chắc chắn trong việc chuyển nguồn lực sang Việt Nam, nơi còn nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng, trình độ của lực lượng lao động và tình trạng quan liêu của hệ thống công quyền.
Ngoài ra, việc một số sản phẩm của Việt Nam bị Mỹ điều tra và đánh thuế vì là hàng Trung Quốc “đội lốt” cũng là một mối e ngại đối với doanh nghiệp quốc tế.
Tại cuộc họp với Walmart, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đưa ra đảm bảo về vấn đề linh kiện đầu vào và nỗ lực đảm bảo chuỗi cung ứng “sạch và ổn định”, tuân thủ tuyệt đối các cam kết phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết trong các hiệp định thương mại tự do, trong đó có bảo vệ thiên nhiên, môi trường và chống lao động cưỡng bức.
Intel dạy cho CSVN bài học đắt giá
(Bùi Lạc Việt)
-Intel gác lại kế hoạch đầu tư thêm một tỷ USD mở rộng nhà máy tại Việt Nam
Với cung cách như hiện nay, chỉ bắt mấy “con tép” ở EVN đã gây ra ách tắc trong cung cấp điện cho Intel vào mùa hè thì chưa thể là giải pháp rốt ráo.
Trong vụ Intel, “tiếc nuối” có lẽ chưa đủ nói hết trạng thái “vỡ mộng” của phần lớn quan chức và người dân Việt. Bởi vì, sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng vượt cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược toàn diện” (CSP), Việt Nam kỳ vọng sẽ trở thành một địa chỉ tin cậy, không chỉ đối với các nhà đầu tư Mỹ, trong việc trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực “hót” nhất hiện nay, dù chỉ là khâu “gia công” mà thôi.
Cuối tháng 10, tại Hà Nội, Việt Nam được cho là đang thực hiện chiến lược thu hút đầu tư nhiều hơn vào bán dẫn, gồm cả các công ty trong lĩnh vực sản xuất chip. Một số quan chức trong ngành cho biết, các cuộc đàm phán ở giai đoạn này tập trung vào vấn đề như ưu đãi, trợ cấp, cơ sở hạ tầng, lực lượng lao động. Một nguồn tin cũng tiết lộ trong các đàm phán trên có sự xuất hiện của hai nhà sản xuất chip là GlobalFoundries và PSMC. Người này cũng cho biết việc xây dựng nhà máy đầu tiên tại Việt Nam có thể sẽ phục vụ việc sản xuất những chip không quá tiên tiến, như chip dùng trong ôtô hoặc lĩnh vực viễn thông.
Trong bối cảnh nói trên, “sự quay xe đột ngột” của Intel không chỉ là gáo nước lạnh đội vào ước mơ cháy bỏng của nhiều giới, cả chuyên gia lẫn chính khách. Dù sao, Intel cũng đã làm được một chuyện rất bổ ích: Đưa Việt Nam, cả chính quyền lẫn các nhà doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ cao, trở về với mặt đất. Rõ ràng, trong lĩnh vực này, phải biết mình, biết đối tác, không thể lấy “chủ nghĩa anh hùng cách mạng” để “trám vào” những thiếu hụt “chết người”.
Liên quan đến quyết định của Intel, nhiều nhà phân tích hoài nghi, đằng sau các mỹ từ ngoại giao như “thiếu điện và hành chính rườm rà” chắc chắn còn nhiều “khúc nhôi” khác mà các nhà doanh nghiệp Mỹ không tiện nói ra. Intel đã bắt đầu ở Việt Nam từ năm 2006 với nhà máy sản xuất và kiểm định chip tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Sau lần đầu tư thêm 475 triệu USD đầu năm 2021, tính đến nay, tổng vốn của tập đoàn rót vào Việt Nam là 1,5 tỷ USD. Vừa rồi Intel định đầu tư thêm một tỷ USD nữa.
Tuy nhiên, chẳng thấm tháp gì nếu so với việc Intel đã rót bảy tỷ USD đầu tư xây dựng một nhà máy mới tại Malaysia, dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2024. Intel cũng vừa công bố kế hoạch đầu tư tới 4,6 tỷ USD vào một cơ sở lắp ráp chip gần thành phố Wrocław, Ba Lan. Nhưng khủng nhất, là khoản đầu tư 25 tỷ USD xây một nhà máy mới tại Israel. Đúng là “con cá mất bao giờ cũng là con cá to!”
Qua “sự vỡ lở” nói trên với Intel, đã đến lúc Việt Nam cần phải thấu hiểu, đối với các doanh nghiệp Mỹ, kinh tế và chính trị là hai chuyện khác nhau. Quan hệ “CSP” với Hoa Kỳ không phải là một “phép lạ”. Tư bản Mỹ là các nhà thực dụng nổi tiếng và hầu như không chịu tác động từ chính quyền hay các đảng phái. Dù các Tổng thống Mỹ có thể hứa giúp Việt Nam điều này điều nọ về kinh tế, nhưng khi bắt tay vào làm ăn, các nhà đầu tư tính toán hết sức chi ly trong bảng phân tích chi phí và lợi ích.
“Nhân chi sơ” trong làm ăn với xứ “cờ hoa” là thượng tôn pháp luật! Mỹ không như “nước lạ”nọ có thể lại quả từ 30 đến 40% “tiền tươi thóc thật” khi trúng thầu các dự án khủng. Đó cũng là nguyên nhân để dư luận Việt Nam đang “run bần bật” khi biết Trung Quốc có thể “đảm nhận” từ A đến Z tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải phòng để kết nối với đại kế hoạch “Vành đai Con đường” (BRI) của Bắc Kinh. Trước đây mấy tháng, toàn xã hội còn “rung lắc” mạnh hơn khi nghe tin Trung Quốc còn “nhã ý” thầu cả đường sắt cao tốc Bắc Nam. Cả xã hội thở phào khi biết rằng, mới đây ông Phạm Minh Chính đã “có nhời” với Thủ tướng Nhật Bản và Ngân hàng Thế giới.
Trở lại mặt đất, Việt Nam sẽ bớt “lãng mạn” trong giấc mơ sản xuất chip. Robert Li, Phó Chủ tịch của US Synopsys, công ty thiết kế chip hàng đầu tại Việt Nam, cảnh tỉnh các nhà chức trách Hà Nội “nên suy nghĩ kỹ” trước khi quyết định để xây dựng nhà máy foundry. Phát biểu tại “Hội nghị thượng đỉnh về chất bán dẫn Việt Nam” tại Hà Nội hôm 29/10, ông cho biết, việc xây dựng một xưởng đúc có thể tiêu tốn tới 50 tỷ USD và sẽ kéo theo hệ lụy phải cạnh tranh với Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu, những nước đã công bố kế hoạch chi tiêu cho chip của mình trị giá từ 50 đến 150 tỷ USD.
Rõ ràng, nếu Việt Nam muốn trở thành “tay chơi quan trọng” trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu thì phải có đột phá một số khâu về thể chế. Với cung cách như hiện nay, chỉ bắt mấy “con tép” ở EVN đã gây ra ách tắc trong cung cấp điện cho Intel vào mùa hè thì chưa thể là giải pháp rốt ráo. Intel không nói công khai nhưng ai cũng thấy “con voi trong phòng”, đó là những ràng buộc do thể chế!
Suy cho cùng, chỉ có thể trách đoàn người đã “đáo bỉ ngạn” (đã tới bờ bên kia), mà vẫn hè nhau “vác còn thuyền” thể chế cũ lên vai, hì hục đi tiếp trên con đường không mấy thênh thang.
Bà Trương Mỹ Lan ‘dùng SCB như công cụ phục vụ lợi ích của mình’
(Hình: Trụ sở tập đoàn Vạn Thịnh Phát trên đường Trần Hưng Đạo của bà Trương Mỹ Lan)
-Bà Trương Mỹ Lan, chủ tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã dùng thủ đoạn để nắm quyền chi phối ngân hàng SCB và mua chuộc các cán bộ ngân hàng Nhà nước để biến ngân hàng này thành công cụ phục vụ lợi ích của bà, một chuyên gia nhận định với VOA sau khi công an công bố kết luận điều tra.
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, hôm 17/11 đã công bố kết luận điều tra về những sai phạm của bà Lan tại ngân hàng SCB và đề nghị truy tố bà thêm ba tội nữa là ‘Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng’, ‘Đưa hối lộ’ và ‘Tham ô tài sản’.
Trước đó, bà Trương Mỹ Lan đã bị bắt hồi đầu tháng 10 năm ngoái với cáo buộc ‘Lừa đảo’ vì đã ‘gian dối trong việc phát hành trái phiếu’ nhằm chiếm đoạt hơn 1,3 tỷ đô la của hơn 40 ngàn khách hàng gửi tiền cho SCB trên khắp cả nước. Tuy nhiên, vụ án này đã được tách ra để điều tra và xử lý riêng.
Cùng bị truy tố với bà Lan trong vụ chiếm đoạt tài sản của SCB là 85 bị can khác, trong đó có các cựu lãnh đạo SCB và cán bộ Ngân hàng Nhà nước, về nhiều tội khác nhau, trong đó có ‘Tham ô’, ‘Nhận hối lộ’, ‘Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng’, ‘Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’ và ‘Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản’.
Theo kết quả điều tra của Công an được báo chí trong nước dẫn lại thì bà Lan đã chiếm đoạt số tiền 304.000 tỷ đồng của SCB thông qua các hồ sơ vay vốn khống, cộng thêm số tiền lãi là gần 130.000 tỉ đồng. Ngoài ra, bà còn bị cáo buộc gây thiệt hại 64.000 tỉ đồng do vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng. Như vậy, tổng số tiền mà bà Lan đã gây thiệt hại cho SCB là gần 500.000 tỷ đồng, tương đương gần 21 tỷ đô la Mỹ.
Đó là chưa kể các khoản vay mà SCB đã cho nhóm khách hàng thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát của bà Lan vay. Theo kết luận của công an, thì trong vòng 10 năm từ ngày 1/1 năm 2012, tức là từ khi SCB đi vào hoạt động, đến ngày 7/10 năm 2022, tức là ngày bà Lan bị bắt, SCB đã cho nhóm bà Lan vay 2.500 lần với tổng số tiền là 1.066.608 tỷ đồng, tức là khoảng 45 tỷ đô la.
Trong số này, số dư nợ còn lại là 677.000 tỉ đồng, tương đương 28 tỷ đô la, và đều là nợ ‘không thể thu hồi’, theo cơ quan điều tra.
Số tiền này đều là tiền SCB huy động từ tiền gửi của khách hàng là người dân và các doanh nghiệp khắp cả nước. Kể từ sau khi bị bà Lan bị bắt giữ, SCB đã bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt để kiểm soát toàn bộ hoạt động của ngân hàng này.
Theo thống kê của cơ quan điều tra, chỉ riêng các khách hàng thuộc nhóm bà Lan đã chiếm đến 93% dư nợ của SCB, có nghĩa là SCB huy động tiền của dân gần như chỉ để cho mình bà Lan vay mượn.
Một tay thao túng
Kết quả điều tra cho biết bà Lan nắm đến 91,5% cổ phần tại SCB. Số cổ phần chưa tới 10% còn lại do hơn 4.000 cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ. Tỷ lệ cổ phần này cho phép bà Lan nắm quyền hành tuyệt đối tại ngân hàng này.
Với quyền hành này, bà Trương Mỹ Lan đã thao túng toàn bộ hoạt động của SCB, biến ngân hàng này thành sân sau để cấp tiền cho bà chi dụng cá nhân cũng như cấp vốn cho các hoạt động kinh doanh của bà.
Toàn bộ dàn lãnh đạo chủ chốt tại SCB, từ Hội đồng quản trị cho đến Ban giám đốc, giám đốc chi nhánh, trưởng ban kiểm soát.., đều là đàn em thân tín được bà Lan bổ nhiệm. Bà trả lương cho họ rất cao, từ 200-500 triệu đồng/ tháng để họ làm theo lệnh của bà.
Tuy nhiên, ngay cả chủ tịch Hội đồng quản trị SCB cũng chỉ được bà Lan giao cho làm công tác nhân sự, còn chiến lược cho vay của ngân hàng nằm dưới sự chỉ đạo của bà.
Ông Bùi Anh Dũng, một trong số các cựu chủ tịch SCB đang bị truy tố, khai với các nhà điều tra rằng ông ‘chỉ ký hợp thức hóa’ các khoản vay dành cho hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Các khoản vay này đều đã được bà Lan quyết định từ trước rồi mới đưa cho ông ký, trang mạng VnExpress dẫn kết quả điều tra cho biết.
Các khoản vay này đều trái với quy định của pháp luật về hoạt động ngân hàng, chẳng hạn như không thẩm định tài sản bảo đảm, không thẩm định khách hàng, không quan tâm phương án vay vốn và được duyệt ngay khi chưa hoàn thiện hồ sơ.
Theo lời khai của các bị can ở ngân hàng SCB thì mỗi khi cần huy động tiền, bà Lan sẽ họp với các lãnh đạo SCB tại tòa nhà Times Square thuộc sở hữu của bà chứ không phải tại trụ sở SCB. Tại đó, bà Lan sẽ nói bà cần bao nhiêu tiền trong thời gian bao lâu để các lãnh đạo SCB chia nhau thực hiện.
‘Nhóm lợi ích’
Trao đổi với VOA từ Hà Nội, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng người Mỹ gốc Việt, nhận định rằng bà Lan đã có ý đồ thao túng SCB từ trước, cho nên bà đã lách luật để tìm cách nắm cổ phần chi phối tại SCB.
“Theo luật các tổ chức tín dụng thì một cá nhân như bà Trương Mỹ Lan không thể có số lượng cổ phần lớn như vậy được,” ông Hiếu nói và chỉ ra luật không cho một cá nhân sở hữu quá 5% cổ phần một ngân hàng.
Theo cơ quan điều tra thì bà Lan chỉ đứng tên hơn 4% cổ phần tại SCB, số còn lại nhờ người thân tín của bà nắm giữ.
Ông Hiếu chỉ ra trường hợp của Vạn Thịnh Phát và SCB là ‘biểu hiện của lợi ích nhóm vốn theo đuổi lợi ích riêng của họ và sẵn sàng hy sinh lợi ích của các thành phần khác’.
Ông phân tích từ lúc sáp nhập ba ngân hàng trên bờ vực phá sản để tạo thành SCB hồi năm 2012 cho đến nay, bà Lan ‘đã cấu kết tạo thành hệ sinh thái rất đồ sộ để có thể dùng SCB như công cụ tài chính của mình’.
“Trong trường hợp của Vạn Thịnh Phát và SCB thì nhóm lợi ích đó là một hệ sinh thái rất chằng chịt,” ông nói.
Khi được hỏi tại sao bà Lan có thể một tay che trời như vậy, ông Hiếu cho rằng ‘câu hỏi đó nên dành cho các nhà quản lý’.
Để che giấu những hành động sai trái của mình cũng như những sai phạm tại ngân hàng SCB, bà Lan bị cáo buộc hối lộ số tiền lớn cho từ trên xuống dưới các cán bộ của Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm thanh tra ngân hàng SCB, trong đó cá biệt có bà Đỗ Thị Nhàn, trưởng đoàn thanh tra SCB được hối lộ đến 5,2 triệu đô la, theo các nhà điều tra.
Về giải pháp ngặn chặn những sai phạm tương tự, chuyên gia ngân hàng này cho rằng mặc dù luật pháp Việt Nam có quy định về tỷ lệ cổ phần trên vốn sở hữu theo hướng giảm để giảm sự khống chế của các nhóm lợi ích, nhưng ‘để ngăn chặn được là điều rất khó khăn’.
“Trên giấy tờ thì họ có thể tuân thủ (về tỷ lệ cổ phần) nhưng họ có thể cấu kết với nhau để nắm quyền chi phối,” ông phân tích và kêu gọi ngoài luật pháp ra nhà nước ‘cần có cơ chế kiểm soát những nhóm lợi ích trong hệ thống ngân hàng’.
Theo lời ông thì vụ án của bà Trương Mỹ Lan ‘cũng là một cách để chính quyền răn đe những nhóm lợi ích khác’.
Về sự tha hóa của nhóm cán bộ ngân hàng Nhà nước tiếp tay cho bà Lan, ông Hiếu chỉ ra ‘đây không phải là lầu đầu tiên các thanh tra ngân hàng nhà nước dính chàm’.
Ông cho biết ông quen biết nhiều người là thanh tra của ngân hàng Nhà nước và họ ‘đều là những người liêm chính, có năng lực’ và cho rằng Ngân hàng Nhà nước ‘cần thanh lọc những con sâu làm rầu nồi canh’.
“Thanh tra là thành phần có quyền lực rất lớn và họ có được sự tin tưởng rất lớn từ các cấp lãnh đạo ngân hàng,” ông nói.
Khi được hỏi làm thế nào để những thanh tra tránh được cám dỗ rất lớn của đồng tiền, ông Hiếu nói: “Hãy trả lương cho họ đến một cái mức mà họ không còn phải ngó ngang ngó dọc để tìm thu nhập từ chỗ này chỗ kia.”
Ngoài ra, ông đề xuất mời các chuyên gia nước ngoài về huấn luyện nghiệp vụ cho các thanh tra ngân hàng ở Việt Nam và nếu họ có sai phạm, ‘cần công bố cho mọi người biết thay vì âm thầm xử lý như trước giờ’.
Vị chuyên gia này cho rằng nếu bà Nhàn và đoàn thanh tra của bà làm việc đúng trách nhiệm thì SCB không rơi vào tình cảnh như ngày nay, gây thiệt hại vô cùng lớn cho người dân và xã hội.
Nhận định về tương lai của SCB, ông Hiếu cho rằng dù giờ đây ngân hàng này đang được kiểm soát đặc biệt và đang được tiếp tế thanh khoản nhưng khả năng trụ vững của ngân hàng ‘là rất thấp’.
Theo ông thì về lâu dài sẽ xảy ra hai kịch bản, một là sẽ chuyển giao bắt buộc SCB cho một ngân hàng lớn của Nhà nước và hai là sẽ cho phá sản, điều mà ông cho biết ‘chưa từng xảy ra ở Việt Nam’
Bộ LĐ-TB&XH: Đạo đức không còn! Hơn 80% các vụ xâm hại trẻ em là xâm hại tình dục
(Minh Long)
(Ảnh; Từ năm 2020 đến hết tháng 9 vừa qua, Việt Nam phát hiện 7.483 vụ, 8.788 đối tượng, xâm hại 7.883 trẻ em, trong đó số vụ xâm hại tình dục trẻ em chiếm trên 80%.)
-Từ năm 2020 đến hết tháng 9/2023, Việt Nam phát hiện 7.483 vụ, 8.788 đối tượng, xâm hại 7.883 trẻ em, trong đó số vụ xâm hại tình dục trẻ em chiếm trên 80%.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, tình hình xâm hại trẻ em tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa phòng ngừa, kiểm soát và kéo giảm so với mục tiêu đặt ra, vẫn còn xảy ra các vụ việc bạo lực trẻ em trong gia đình, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Thống kê, từ năm 2020 đến hết tháng 9/2023, cả nước phát hiện 7.483 vụ, 8.788 đối tượng, xâm hại 7.883 trẻ em, trong đó số vụ xâm tình dục trẻ em chiếm trên 80%.
Bộ LĐ-TB&XH đưa ra hàng loạt nguyên nhân như do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19; biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra thường xuyên và những vấn đề an ninh phi truyền thống tác động sâu rộng, đa chiều đến xã hội, trẻ em.
Bên cạnh đó, đối tượng xâm hại lợi dụng mối quan hệ lệ thuộc về gia đình; mối quan hệ gần gũi, quen biết với trẻ em hoặc lợi dụng mạng xã hội để dụ dỗ, lừa gạt hoặc gây sức ép đối với trẻ em để thực hiện hành vi xâm hại.
Trong khi đó, cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và trẻ em chưa được hướng dẫn, giáo dục để có nhận thức, kiến thức đầy đủ, cập nhật về bảo vệ trẻ em; việc thông tin, thông báo, tố giác các trường hợp trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại có nơi, có lúc vẫn chưa được kịp thời.
Đáng chú ý, Bộ này cho biết hiện còn thiếu những quy định cụ thể về trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục, cộng đồng cư dân, các cấp quản lý khi để xảy ra xâm hại trẻ em.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), dự báo trong thời gian tới, tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em chưa có xu hướng giảm.
Do đó, ông Nam cho rằng phải tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương về công tác bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là bố trí nhân lực làm công tác trẻ em ở cấp huyện và cấp xã, bố trí ngân sách cho công tác trẻ em nói chung, trong đó có công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em…
Đại án Vạn Thịnh Phát: Trưởng đoàn thanh tra bị mua chuộc bằng hàng triệu USD!
-Một cựu cục trưởng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bị Bộ Công an đề nghị truy tố vì "nhận hối lộ" 5,2 triệu USD trong vụ lừa đảo trái phiếu của ngân hàng SCB do chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan thâu tóm
Bộ Công an Việt Nam vừa công bố kết luận điều tra, trong đó nói rằng cựu Cục trưởng Ngân hàng Nhà nước Đỗ Thị Nhàn nhận hối lộ 5,2 triệu USD trong khi các thành viên khác trong đoàn thanh tra đều nhận tiền của SCB để làm ngơ những sai phạm của ngân hàng do bà Trương Mỹ Lan thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát thâu tóm.
Theo truyền thông trong nước, Bộ Công an, khi đưa ra kết luận điều tra về vụ án Vạn Thịnh Phát hôm 18/11, đề nghị truy tố 86 bị can về 7 tội danh, trong đó bà Nhàn, người đứng đầu Cục Thanh tra Giám sát Ngân hàng II thuộc Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bị đề nghị truy tố tội Nhận hối lộ.
Bản kết luận điều tra vụ án cho thấy số tiền bà Nhàn nhận từ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) là số tiền hối lộ lớn nhất từ trước tới nay, trong tổng số tiền tham ô của SCB, 304.000 tỷ đồng, cũng là số tiền tham nhũng lớn nhất trong lịch sử các vụ án ngân hàng ở Việt Nam, theo Tuổi Trẻ.
Cơ quan điều tra của Bộ Công an hồi đầu tháng 10 nói rằng có hơn 42.000 nhà đầu tư là nạn nhân của Vạn Thịnh Phát, vụ án lừa đảo thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp được xem là có số lượng bị hại lớn nhất từ trước tới nay trong ngành ngân hàng.
Bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch Vạn Thịnh Phát, bị công an bắt giữ vào tháng 10 năm ngoái khi bị cáo buộc đã gian dối trong việc phát hành trái phiếu gắn với một số công ty thành viên của Vạn Thịnh Phát thông qua ngân hàng SCB. Trong kết luận của cơ quan điều tra đưa ra hôm 18/11, bà Lan bị truy tố các tội danh gồm tham “ô tài sản”, “vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng” và “đưa hối lộ”.
Theo tổng hợp của Dân Trí về 7 tội danh bị đề nghị truy tố đối với 86 bị can, bà Lan là người duy nhất bị cáo buộc tội “đưa hối lộ” và bàn Nhàn là người duy nhất bị buộc tội “nhận hối lộ”.
Cũng đưa tin về kết luận điều tra, VietNamNet cho biết bà Nhàn, người chỉ đạo đoàn thanh tra và chịu trách nhiệm chính về kết quả thanh tra ngân hàng SCB, đã nhận hàng triệu đô la tiền hối lộ đựng trong các thùng xốp được chuyển đến cho bà trong 3 lần.
Sau mỗi lần nhận tiền tại nhà riêng ở Hà Nội, bà Nhàn hỏi ông Võ Tấn Hoàng Văn, cựu tổng giám đốc SCB, là tiền gì? Ông Văn nói là tiền của bà Lan cảm ơn vì bà Nhàn đã giúp và hỗ trợ cho SCB trong quá trình thanh tra, theo VietNamNet.
Cơ quan điều tra cho rằng bà Nhàn đã bao che, bưng bít, báo cáo không trung thực, không đầy đủ kết quả thanh tra cho NHNN, dẫn đến NHNN không có đủ thông tin, tài liệu tham mưu để chỉ đạo xử lý các sai phạm của SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của bà Lan và đồng phạm, theo VietNamNet.
Ngoài bà Nhàn, 16 trong số 86 bị can bị đề nghị truy tố là các nhân viên trong đoàn thanh tra của NHNN, Thanh tra Chính phủ, và Ủy ban giám sát Tài chính Quốc gia. Họ đều bị cáo buộc tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Tuổi Trẻ cho biết, các thành viên của đoàn thanh tra cũng đều bị SCB “mua chuộc” bằng tiền, trong đó người nhận nhiều nhất sau bà Nhàn là ông Nguyễn Văn Hưng, phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng của NHNN, được hối lộ 390.000 USD.
Đoàn thanh tra liên ngành này được ủy nhiệm rà soát các hoạt động của SCB trong thời gian triển khai kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn 2015-2019.
Do bị “mua chuộc” nên đoàn thanh tra bỏ ra ngoài các số liệu phân loại nợ xấu và các chỉ tiêu tài chính của SCB đã bị thay đổi, theo Tuổi Trẻ. Kết luận của cơ quan điều tra được báo này trích dẫn nói rằng bà Nhàn và các thành viên đoàn thanh tra giúp thay đổi một số chỉ tiêu tài chính của SCB, khiến nợ xấu từ 91.000 tỷ đồng giảm xuống còn 53.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đang âm (-19.000 tỷ đồng) thành dương (+2.700 tỷ đồng), và hệ số an toàn vốn riêng lẻ cũng đang âm (-4%) thành dương (+6%).
Kết luận điều tra được VietNamNet trích dẫn nói rằng bà Nhàn đã báo cáo không trung thực, không đầy đủ, làm sai lệch kết quả thanh tra theo hướng giảm nhẹ sai phạm, tạo điều kiện giúp SCB tiếp tục tái cơ cấu.
Còn theo Thanh Niên, bà Lan bị cáo buộc thâu tóm hoạt động ngân hàng SCB để chiếm đoạt số tiền lên tới hơn 300.000 tỷ đồng thông qua một hệ sinh thái với hơn 1.000 doanh nghiệp, trong đó có nhóm công ty “ma” được thành lập để lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án, vay vốn ngân hàng và thực hiện việc đảo nợ hoặc ký hợp đồng hợp tác, thi công.
Trong khi đó, theo Dân Trí, cháu bà Lan, Trương Huệ Vân – người đã bị bắt giữ hồi tháng 10 năm ngoái – bị cáo buộc chỉ đạo nhân viên sử dụng 52 công ty “ma” và 4 công ty hoạt động độc lập, tạo lập 155 khoản vay khống để rút tiền khỏi SCB, liên đới chiếm đoạt hơn 1.088 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra vào tháng trước nói họ “vẫn đang dùng mọi biện pháp để triệt để thu hồi tài sản, bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư”. Còn các nạn nhân nói với VOA rằng họ tin tưởng “Nhà nước sẽ giúp dân” và mong “sớm lấy lại đủ số tiền đã bị lừa đảo” trong vụ trái phiếu của SCB.
Nhiều cây cổ thụ ở cửa ngõ Sài Gòn che bóng mát, bị đốn hạ để làm đường
(Minh Long)
(Ảnh: Một cây xà cừ đường kính khoảng 60 cm bị đốn hạ.)
-Loạt cây xanh trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình, TP.HCM) bị chặt đi để phục vụ thi công dự án đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa, giảm kẹt xe cửa ngõ Tân Sơn Nhất.
Ngày 13/11, nhân viên công ty cây xanh tất bật mé nhánh, đốn hạ hàng loạt cổ thụ dọc đường Trường Chinh, đoạn từ mũi tàu Cộng Hòa về giao lộ Phạm Văn Bạch (quận Tân Bình) dài khoảng 500 m.
Cây cổ thụ bị đốn hạ là hàng cây xà cừ có đường kính từ 50-80 cm, cao 30 m với tán lá rộng.
Trong đó, trên đường Trường Chinh, đoạn từ Cộng Hòa đến Phạm Văn Bạch có 17 cây xà cừ, một cây bàng bị chặt; trên đường Cộng Hòa có 6 cây lớn khác thuộc giống bò cạp nước, xoài, trồng trên vỉa hè.
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư), hàng cây trên bị giải tỏa để làm mặt bằng thi công dự án đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa dẫn vào nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, giảm áp lực giao thông cho các tuyến đường cửa ngõ sân bay hiện hữu trong tương lai.
Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa khởi công tháng 12/2021, được xây dựng để kết nối ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất khi đưa vào khai thác.
Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 4.848 tỷ đồng từ ngân sách TP.HCM. Trong đó, chi phí xây dựng chiếm gần 1.500 tỷ đồng; hơn 2.400 tỷ đồng triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng. Phần còn lại là kinh phí quản lý dự án, tư vấn, dự phòng…
Đây là tuyến đường được xây dựng mới, điểm đầu ở nút giao Trần Quốc Hoàn – Phan Thúc Duyện; điểm cuối tại nơi giao giữa các đường C12 – Cộng Hòa – Trường Chinh.
Dự án chiều dài hơn 4km, có tuyến chính rộng 25-48 m với 6 làn xe, cùng hai đoạn đường nhánh kết nối, một cầu cạn dài gần một km, 4 làn xe; hai hầm chui ở nút giao Phan Thúc Duyện – Trần Quốc Hoàn và Trường Chinh – Tân Kỳ Tân Quý.
Công trình dự kiến hoàn thành tháng 8/2024, ngoài mở thêm hướng kết nối mới cho sân bay sẽ giúp giảm ùn tắc các đường hiện hữu như Trường Sơn, Cộng Hòa, Trường Chinh, nút giao Lăng Cha Cả…
Dự kiến, ngày 17/11 sẽ hoàn tất việc đốn hạ cây xanh. Phần thân cây sẽ được bàn giao cho Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng) để làm thủ tục thanh lý, nộp ngân sách thành phố.
Khi dự án đường nối hoàn thành, mặt bằng đường phố được tái lập, cây xanh sẽ được trồng lại tại khu vực này, với nhiều loại cây cao bóng mát như giáng hương, lộc vừng, lim sét…
Trước đó, một phần đất công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) cũng bị cắt khoảng 1.600 m2 nằm phía đường Phan Thúc Duyện để làm đường tạm phục vụ thi công hầm chui đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa. Hơn 300 cây xanh ở công viên cũng được đốn hạ và di dời để triển khai dự án.
Sau khi hoàn thành hầm chui, chủ đầu tư sẽ hoàn trả đất công viên, trong đó gần 700 m2 để trồng lại cây xanh, phần còn lại làm vỉa hè cho người đi bộ.
Vịnh Hạ Long Lọt Top “No List”- Điểm Du Lịch Nên “Tạm Dừng” Ghé Thăm Vào Năm 2024
-Tạp chí du lịch Mỹ Fodor’s Travel đã đưa vịnh Hạ Long của Việt Nam vào danh sách “No list” với đề xuất du khách nên tạm dừng du lịch đến nơi này.
Sau khi công bố danh sách “Go list” – những địa điểm đáng ghé thăm, tạp chí du lịch Mỹ Fodor’s Travel trong tháng này tiếp tục công bố top “No list” với 9 địa điểm không nên đến trong năm 2024 trong đó có Hạ Long.
Danh sách “No list 2024” được đánh giá dựa trên ba tiêu chí quan trọng ảnh hưởng đến ngành du lịch: quá tải khách, tạo ra lượng rác thải đáng kể, vấn đề liên quan đến chất lượng nguồn nước. Những yếu tố này không chỉ làm mất cảnh quan của điểm đến mà còn tác động tiêu cực đến cuộc sống của cộng đồng địa phương. Trong số các địa điểm được liệt kê, vịnh Hạ Long của Việt Nam được đề cập với tiêu chí “tạo ra rác thải”.
Được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1994, Vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh nổi tiếng với khoảng 1.600 hòn đảo lớn nhỏ, cách Hà Nội 3 giờ di chuyển. Tình trạng quá tải du lịch và ô nhiễm biển đã được đánh giá là gây áp lực lớn lên hệ sinh thái của vịnh trong suốt nhiều thập kỷ qua. Số lượng du khách đến thăm Vịnh Hạ Long vào năm 2022 là hơn 7 triệu và dự kiến sẽ đạt khoảng 8,5 triệu năm 2023, theo thống kê từ Fodor’s Travel.
Theo tạp chí này, trong các chuyến du ngoạn trên vịnh, du khách thường xuyên nhìn thấy chai nước, túi nhựa, cốc xốp và rác thải liên quan đến hoạt động đánh cá trôi nổi trên mặt nước cùng với những vệt dầu diesel từ việc chèo thuyền của khách du lịch. Ngoài ra, còn có rác thải từ các khu dân cư và cộng đồng ngư dân dọc các bãi biển.
Một nghiên cứu vào năm 2020 ước tính có 28.283 tấn rác thải nhựa được tạo ra hàng năm ở Vịnh Hạ Long, trong đó 5.272 tấn rác thải đổ ra biển. Trung bình 34 tấn rác thải được tạo ra hàng ngày từ các hoạt động du lịch. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách mà còn tác động tiêu cực đến hệ sinh thái. Đã từng có 234 loại rạn san hô trong vịnh, nhưng giờ chỉ còn lại một nửa theo Fodor’s Travel.
David, người nghiên cứu về ô nhiễm biển ở vịnh, đã sinh sống tại Hà Nội trong hơn 5 năm cho biết ngoài vấn đề rác thải, một thách thức nghiêm trọng khác là sự phát triển đáng kể của cộng đồng ngư dân xung quanh vịnh. Các vỏ nổi, được làm từ polystyrene nhựa nhiệt dẻo, sau một khoảng thời gian sử dụng sẽ bị vỡ vụn và tạo thành bột trôi dạt trên bờ biển. Những hạt vi nhựa này hiện đang được phát hiện trong các loài cá, gây ra mối đe dọa đối với an toàn thực phẩm.
“Rác chắc chắn là một vấn đề và sẽ là một phần trong trải nghiệm của bạn trong suốt thời gian du lịch ở đây,” Johnny Chen, người “du mục kỹ thuật số” của Johnny Africa , người đã dành một tháng ở Việt Nam vào năm 2023 và viết về những vấn đề khi đến thăm Vịnh Hạ Long , cho biết. “Sẽ có những mảng rác rất lớn và kinh tởm, bên cạnh những khu vực khác có một vài mảnh rác vương vãi. Những bức ảnh về Vịnh Hạ Long nhìn từ trên cao thật đáng kinh ngạc, nó có thể kể một câu chuyện khác trên bề mặt,” anh nói về trải nghiệm du ngoạn ba ngày vào tháng Tư vừa qua.
Bất chấp lệnh cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần trên thuyền kể từ năm 2019, Chen vẫn được cung cấp những chai nước nhỏ trên tàu. Những khách du lịch khác cũng có trải nghiệm tương tự, được chứng minh bằng các đánh giá trên TripAdvisor cho rằng vịnh bẩn thỉu , bị ô nhiễm bởi rác xốp và đông đúc với “ lớp ‘cặn’ béo ngậy trôi theo từng đợt.”
Vịnh Hạ Long hiện đang có diện tích ao nuôi lên đến 20.600 ha. Gần đây, chính quyền đã yêu cầu các trang trại nuôi cá thay đổi từ sử dụng phao xốp sang các giải pháp thay thế bền vững. Một số lượng lớn phao xốp đã được loại bỏ và sau đó được đổ xuống vịnh. Theo thông tin từ Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, khoảng 10.000 mét khối rác bao gồm cả phao xốp đã được thu gom kể từ tháng 3, công việc thu gom rác vẫn đang được thực hiện hằng ngày.
Một vấn đề khác phải đối mặt là số lượng tàu thuyền quá lớn ở Vịnh Hạ Long. Phil Sharman, người điều hành blog The Hungry Travelers đã đến Việt Nam vào đầu năm nay cho biết: “Mọi tàu du lịch từ đất liền đều hướng đến cùng một khu vực trung tâm, vì vậy nó giống như thành phố tàu thuyền vậy”.
Nhiều du khách Việt cũng tỏ ra lo lắng nếu tình trạng rác thải trên vịnh không được kiểm soát trong nhiều năm tới, dẫn đến tình trạng ô nhiễm nặng nề tại Vịnh Hạ Long và đối mặt với nguy cơ bị UNESCO xem xét tước danh hiệu Di sản. Fodor’s Travel cho rằng hạn chế du lịch sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người trong thời gian ngắn, nhưng nếu không bảo vệ vịnh Hạ Long có thể gây ra hậu quả lâu dài.
Trong khi đó, sự phát triển nhanh chóng của Thành phố Hạ Long với khu vui chơi giải trí, khách sạn sang trọng, cáp treo và các khu dân cư mới đang gây thêm áp lực cho hệ sinh thái; thành phố này chỉ có khả năng xử lý 40% lượng nước thải.
“Đây là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận và chính vị thế đó đặt ra trách nhiệm cho các quốc gia trong việc bảo vệ chúng. Phil Sharman, người điều hành blog The Hungry Travelers nói: “Chúng không nên bị thay đổi hoặc bị hư hỏng”.
Theo Fodor’s Travel (By TV News Last updated Nov 18, 2023)
Tp. HCM Ghi Nhận 63 Ca Mắc Đậu Mùa Khỉ, 2 Ca Tử Vong
(Hình: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (Tp. HCM) là nơi điều trị các bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ.)
-Trong ngày 18/11/2023, Sở Y tế Tp. HCM cho truyền thông hay từ giữa tháng 9/2023 đến nay, Tp. HCM đã phát giác 63 trường hợp mắc đậu mùa khỉ, tất cả là nam giới. Trong đó có 2 ca chết vì suy giảm miễn dịch.
Đại diện Sở Y tế cho biết hiện đã có 35 bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh và hết thời gian cách ly điều trị, 2 trường hợp nặng chết trong bệnh cảnh suy giảm miễn dịch.
Theo thống kê của viện Pasteur Tp. HCM, khu vực phía Nam đã phát giác 74 ca đậu mùa khỉ.
Cũng theo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp. HCM (HCDC) đã và đang khai triển thêm các hoạt động nhằm tăng cường giám sát và phòng chống bệnh đậu mùa khỉ tại thành phố trong hai tháng cuối năm 2023 với sự hỗ trợ của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam (US-CDC Việt Nam).
Đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm tái nổi, trước đây chỉ lưu hành tại Phi Châu. Tuy nhiên từ tháng 4/2022, bệnh bùng phát ở Âu Châu và Mỹ, sau đó được ghi nhận trên toàn thế giới.
Đến hết tháng 9 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận có 91.123 ca xác định tại 115 quốc gia và vùng lãnh thổ, 96% người mắc là nam giới, hơn 50% là người sống chung với HIV.
Khi phân tích đặc điểm dịch tễ của đợt dịch đậu mùa khỉ trên thế giới từ năm 2022 đến nay, WHO nhận định rằng virus đậu mùa khỉ phát tán hầu hết qua quan hệ tình dục.
Mọi người đều có thể mắc đậu mùa khỉ nếu có những hành vi tình dục nguy cơ; việc sử dụng thuốc ARV trong điều trị nhiễm HIV hoặc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm không thay thế được các biện pháp tình dục an toàn để dự phòng lây nhiễm đậu mùa khỉ.
Lâm Đồng: Cựu Trưởng Phòng Sở Tư Pháp Tỉnh Lãnh Án Tù Chung Thân
(Hình: Bà Bùi Thị Mai Liên tại tòa.)
-Bà Bùi Thị Mai Liên, cựu Trưởng phòng Hành chính - Tư pháp (Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng) bị tuyên án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã tuyên phạt bà Liên án chung thân trong ngày 16/11 và được truyền thông loan trong ngày 17/11/2023.
Cùng lãnh án tù với bà Liên còn có ông Bùi Hữu Quang Luận (cháu bà Liên) 18 năm tù; Chu Văn Sửa (65 tuổi, công chứng viên Văn phòng Công chứng Đoàn Quang Lưu) 18 năm tù và Trần Thị Quỳnh Lâm nhân viên công chứng, cháu của bà Liên) 10 năm tù.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát, từ tháng 1/2019 đến tháng 3/2020, với sự trợ giúp của Luận, Sửa, Lâm, bà Bùi Thị Mai Liên đã thực hiện sáu vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng chục người để chiếm đoạt tổng số tiền gần 67 tỉ đồng.
Cụ thể, bà Liên đã nhận chuyển nhượng nhiều thửa đất có diện tích lớn của nhiều người dân trên địa bàn thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng). Sau đó, bà Liên nhờ ông P.H (ngụ phường 9, thành phố Đà Lạt) vẽ họa đồ dự kiến phân thành nhiều lô nhỏ để bán kiếm lời. Bà này nhờ các cá nhân hoặc các công ty môi giới bất động sản rao chuyển nhượng các lô đất trên.
Do tin tưởng vào hợp đồng chuyển nhượng đã được Văn phòng công chứng Đoàn Quang Lưu công chứng, người nhận chuyển nhượng đã đồng loạt thanh toán tiền đợt 2 theo tiến độ đã ký trên các hợp đồng đặt cọc. Từ đó, Liên chiếm đoạt số tiền đợt 2 của hàng chục khách hàng nhận chuyển nhượng đất lên đến hàng chục tỉ đồng.
Thời điểm phạm tội, bà Liên là vợ của ông Đoàn Xuân Sơn - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng. Ông Sơn sau đó đã bị điều sang làm chuyên viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Bảo Lâm.
Vingroup Lên Tiếng Về Vụ 2 Công Ty Luật Mỹ Điều Tra Vinfast Auto Vi Phạm Luật Chứng Khoán
(Hình: Xe điện VinFast tại triển lãm ở Doha, thủ đô của Qatar, hôm 6/10/2023.)
-Vào ngày 17/11/2023, Đại diện tập đoàn Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng tại Việt Nam lên tiếng về thông tin VinFast Auto bị hai công ty luật tại Hoa Kỳ điều tra về vi phạm luật chứng khoán.
Mạng báo Vietnam Finance loan tin dẫn phát biểu của bà Hồ Ngọc Lâm, Trưởng ban Pháp chế Vingroup kiêm Phó tổng Giám đốc phụ trách Pháp chế VinFast, cho rằng “việc kiện tụng là hết sức bình thường, thường xuyên ở Mỹ nên chúng tôi luôn sẵn sàng đối diện với việc này từ khi quyết định khai triển các hoạt động kinh doanh tại thị trường Mỹ”.
Phát biểu vừa nêu được đưa ra sau khi có thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc hai công ty Luật tư nhân tại Hoa Kỳ là Robbins Gelleer Rudman & Dowd và Pomerantz đang thu thập thông tin từ phía khách hàng để tiến hành cuộc điều tra về khả năng vi phạm luật chứng khoán Hoa Kỳ của VinFast Auto.
Cả hai công ty kêu gọi cung cấp thông tin tập trung vào việc lãnh đạo cấp cao VinFast không thông báo các thông tin quan trọng hoặc có các tuyên bố gây nên hiểu nhầm đến nhà đầu tư chứng khoán.
Bà Hồ Ngọc Lâm cho rằng VinFast luôn hướng đến việc công bố thông tin minh bạch cho nhà đầu tư.
AES của Mỹ Đàm Phán Bán Phần Vốn Chủ Sở Hữu Tại Nhà Máy Điện Than ở Việt Nam
(Hình: Công ty Nhiệt điện Mông Dương ở Quảng Ninh.)
-Tập đoàn năng lượng AES của Hoa Kỳ đang đàm phán việc bán phần vốn chủ sở hữu tại một trong những nhà máy điện than lớn nhất tại Việt Nam, Nhà máy điện than Mông Dương 2 ở Quảng Ninh.
Thông tấn xã Reuters loan tin độc quyền ngày 17/11/2023, dẫn 2 nguồn tin thân cận trong vụ đàm phán này như vừa nêu, và cho biết thêm đây là phần trong chiến lược toàn cầu của AES đến cuối năm 2025 rút hết tài sản ra khỏi lĩnh vực than đá.
Tin nêu rõ AES đang đàm phán với Quỹ Đầu tư Sev.en Global thuộc Tập đoàn Năng lượng Sev.en của Cộng hòa Czech. Cho đến lúc tin được loan đi chưa có thỏa thuận nào được đúc kết.
Ngoài ra theo thông tấn xã Reuters, chưa rõ AES có đàm phán với bên mua tiềm năng nào nữa hay không về thương vụ vừa nêu.
Thông tấn xã Reuters cho biết hồi năm 2021 AES từng cố bán 51% cổ phần nắm giữ tại Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1,2 gigawatt; tuy nhiên nỗ lực bất thành dù AES có nói đã ký một thỏa thuận với một nhà đầu tư trụ sở tại Hoa Kỳ không nêu tên.
Tập đoàn có cổ phần lớn thứ hai tại nhà máy Mông Dương là Posco International của Nam Hàn cũng cho thông tấn xã Reuters biết đang xem xét bán 30% cổ phần tại nhà máy này; tuy nhiên không tiết lộ thêm chi tiết gì.
AES chưa có bình luận gì về tin này; trong khi đó tập đoàn Sev.en từ chối đưa ra bình luận với thông tấn xã Reuters.
AES là một trong những nhà đầu tư Hoa Kỳ lớn nhất tại Việt Nam; chủ yếu trong lĩnh vực điện than.
Thông tin AES thoái vốn khỏi Nhà máy điện Mông Dương 2 được đưa ra sau khi nhà đầu tư Hoa Kỳ lớn khác của Mỹ tại Việt Nam là Intel cũng loan báo hoãn một kế hoạch mở rộng đầu tư tại đất nước này.
Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 2 theo kế hoạch sẽ được chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam vào năm 2040 sau một phần tư thế kỷ hoạt động.
Chính phủ Hà Nội muốn chấm dứt ngành điện than vào năm 2050, theo cam kết để các nước thành viên G7 hỗ trợ vốn cho Việt Nam chuyển đổi sang năng lượng xanh.
Kết Luận Cuối Cùng của Hoa Kỳ Về Điều Tra Chống Lẩn Tránh Thuế Đối Với Ống Thép Việt Nam
(Hình báo Công Thương: Ống thép.)
-Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng về việc điều tra chống lẩn tránh thuế đối với một số sản phẩm ống thép nhập cảng từ Việt Nam vào thị trường Mỹ.
Thông tấn xã Việt Nam loan tin ngày 16/11/2023 dẫn thông báo từ Bộ Công thương Chính phủ Hà Nội về quyết định vừa nêu từ phía Hoa Kỳ.
Quá trình điều tra được nêu rõ vào ngày 4/8/2022, DOC đăng công báo khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm ống thép nhập từ Việt Nam; chủ yếu thuộc mã HS 7306.61 và 7306.30. Số này bị cáo buộc làm từ thép cán nóng nhập của Trung Quốc, Đài Loan, Nam Hàn, Ấn Độ về rồi gia công, chế biến đơn giản thành ống thép để xuất sang Mỹ. Mục đích được nói là lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tương ứng mà Hoa Kỳ áp dụng đối với các nước/lãnh thổ vừa nêu.
Hôm 9/8 vừa qua, DOC đăng công báo kết luận cuối cùng về việc điều tra sản phẩm ống thép hàn carbon và ống thép hàn không hợp kim dạng tròn của Việt Nam và cho rằng các sản phẩm nhập từ Việt Nam không lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mà Hoa Kỳ đang áp dụng với mặt hàng tương tự của Đài Loan bởi không dùng thép cán nóng từ Đài Loan.
Còn đối với các sản phẩm ống thép bị điều tra còn lại, vào ngày 9/11, DOC đăng công báo kết luận giữ nguyên nhận định sơ bộ ban hành hồi tháng 4/2023. Theo đó doanh nghiệp Việt Nam có lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mà Hoa Kỳ đang áp dụng đối với Trung Quốc, Đài Loan, Nam Hàn, Ấn Độ.
Tuy vậy DOC tiếp tục cho phép các nhà xuất cảng Việt Nam (trừ doanh nghiệp bị kết luận không hợp tác đầy đủ trong quá trình điều tra) được tham gia cơ chế tự xác nhận không sử dụng thép cán nóng có nguồn gốc từ Trung Quốc, Đài Loan, Nam Hàn để được miền áp dụng biện pháp.
Việt Nam Tạm Ngừng Kinh Doanh Tạm Nhập- Tái Xuất Gỗ Tròn, Gỗ Xẻ Từ Cam Bốt, Lào
(Hình: Xe vận tải chở gỗ tại biên giới giữa Cam Bốt và Việt Nam.)
-Truyền thông nhà nước loan tin ngày 16/11/2023 cho hay theo Thông tư số 21/2023/TT-BCT, kể từ ngày 1/1/2024, hoạt động kinh doanh tạm nhập-tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên Cam Bốt, Lào phải tạm ngưng.
Quy định mới được đưa ra sau 4 năm thực hiện một quy định trong lĩnh vực này từ tháng 11/2018 và có hiệu lực đến ngày 31/12/2023.
Mục đích của quy định mới được cho biết nhằm tiếp tục duy trì chính sách để hạn chế tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán gỗ bất hợp pháp qua biên giới. Nhóm gỗ tròn, gỗ xẻ thuộc danh mục tạm nhập-tái xuất gồm HS 44.03 và 44.07.
Thông tư số 21 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024 đến 31/12/2027.
Cách đây hơn chục năm, tổ chức Global Witness chuyên theo dõi về tình trạng tham nhũng tại những nơi phong phú nguồn tài nguyên thiên nhiên như gỗ, khoáng sản, dầu mỏ, kim cương..., ra báo cáo nêu rõ một số tập đoàn Việt Nam sang Cam Bốt và Lào phá rừng để trồng cao-su.
Vào tháng 2 năm 2022, Mạng Mongabay, chuyên đưa tin trong lĩnh vực bảo tồn và môi trường thế giới, loan đi phóng sự cho thấy bất chấp các quy định mới nhằm ‘làm trong sạch’ ngành gỗ Việt Nam, các nhà nhập cảng trong nước vẫn tiếp tục nhập về khối lượng lớn gỗ cứng từ các điểm nóng về phá rừng trên thế giới.
Việt Nam Xuất Lô Tổ Yến Đầu Tiên Sang Trung Quốc!
(Hình: Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, lô hàng sản phẩm tổ yến xuất cảng thành công vào Trung Quốc mở ra nhiều cơ hội đối với ngành nuôi chim yến tại Việt Nam.)
-Việt Nam vừa tiến hành xuất cảng lô hàng tổ yến đầu tiên sang thị trường Trung Quốc sau 5 năm đàm phán và chuẩn bị các điều kiện kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y theo yêu cầu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Truyền thông Việt Nam cho biết, vào ngày 16/11/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức lễ công bố xuất cảng lô sản phẩm tổ yến đầu tiên của Việt Nam sang Trung Quốc theo Nghị định thư đã ký giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với Tổng cục Hải quan Trung Quốc vào tháng 11 năm 2022.
Nghề nuôi chim yến với mục đích thương mại tại Việt Nam mới xuất hiện từ năm 2004 ở một số tỉnh Nam bộ. Khoảng 10 năm gần đây, nghề này đã phát triển nhanh ra nhiều loại hình và quy mô khác nhau. Hiện có 42/63 tỉnh, thành có nuôi chim yến với trên 22.000 nhà yến. Sản lượng tổ yến của Việt Nam vào khoảng 200 tấn với giá trị trên 600 triệu Mỹ kim.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được báo Nhà nước trích lời, nhận định, Trung Quốc là một trong những thị trường tiềm năng nhất thế giới, với dân số hơn 1,4 tỉ người và có nhu cầu rất lớn về tổ yến và các sản phẩm từ yến. Trung Quốc chính thức cho phép nhập cảng sản phẩm tổ yến từ Việt Nam sẽ tạo cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi chim yến và sản xuất, chế biến tổ yến của Việt Nam.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện Việt Nam có 14 sản phẩm nông nghiệp được phép chính thức xuất cảng vào thị trường Trung Quốc bao gồm: tổ yến, thanh long, chôm chôm, nhãn, măng cụt, xoài, mít, vải, dưa hấu, sầu riêng và chuối.
Ấn Vàng “Hoàng Đế Chi Bảo” Chính Thức Được Chuyển Giao Cho Việt Nam
(Hình: Ông Nguyễn Thế Hồng, Giám đốc Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, tiếp nhận ấn vàng từ ông Alexandre Millon, Chủ tịch Hãng Millon.)
-Ấn vàng triều Nguyễn “Hoàng đế chi bảo” đã được chuyển giao cho Việt Nam vào chiều 16/11/2023 (giờ Pháp) tại Tòa Ðại sứ Việt Nam tại Pháp.
Trong ngày 18/11, tờ VOV cho hay ấn vàng đã “an toàn” về tới Việt Nam.
Lễ chuyển giao ấn vàng tại Tòa Ðại sứ Việt Nam tại Pháp có sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Lê Thị Thu Hiền, đại diện Bộ Công an (Việt Nam) và đại diện Bộ Ngoại giao Pháp, đại diện Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO).
Như vậy sau hơn một năm đàm phán và tiến hành các thủ tục cần thiết, ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” đã chính thức được chuyển giao về bộ sưu tập của Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, Bắc Ninh.
Công ty này cũng là đại diện thực hiện các thủ tục tài chánh liên quan đến quyền lợi các bên theo pháp luật của Cộng hòa Pháp; đồng thời cũng sẽ thực hiện việc lưu giữ, trưng bày và phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia bảo vệ, ấn vàng tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Chia sẻ về sự phối hợp của các cơ quan Pháp, ông Nicolas Chibaeff, Giám đốc Lưu trữ, Bộ Ngoại giao Pháp cho rằng việc chuyển giao ấn vàng là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Ngày 31/10/2022 đáng lẽ là ngày mà ấn vàng sẽ được đưa ra đấu giá, nhưng Bộ Ngoại giao Pháp ở thời điểm đó đã nhận được thông tin thông báo từ phía Tòa Ðại sứ Việt Nam tại Pháp và Bộ này đã kịp thời chuyển thông tin này đến các cơ quan ban ngành của Pháp. Bộ Ngoại giao Pháp đã làm việc một cách khẩn trương để đưa ra được một giải pháp đi tới kết quả là ngày hôm nay, sự hồi hương của ấn vàng Việt Nam.
Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Lê Thu Hiền cho biết quyết tâm sưu tầm, hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo trở về Việt Nam không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, đưa ra ngoại quốc trái phép, mà còn khẳng định quan điểm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa của Chính phủ Việt Nam.
Trong thời gian tới, Cục Di sản Văn hóa cho hay sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng danh mục cổ vật của Việt Nam bị đưa ra khỏi đất nước bất hợp pháp trong quá khứ và tham vấn Ban thư ký Công ước 1970 của UNESCO về danh mục để làm cơ sở tìm kiếm giải pháp đưa cổ vật Việt Nam từ ngoại quốc về nước.
Vào tháng 9/2022, Hãng Millon (Pháp) đăng tải thông tin về việc tổ chức đấu giá 329 cổ vật vào lúc 11h00 ngày 31/10/2022 (giờ Paris), trong đó có 2 cổ vật của nhà Nguyễn (1802-1945), gồm 1 ấn vàng triều vua Minh Mạng (1820-1841) và 1 bát vàng triều vua Khải Định (1916-1925). Theo thông tin đăng tải trên website của Hãng đấu giá Millon, chiếc ấn vàng (lô số 101/329) là ấn vàng Hoàng đế chi bảo. Ấn có chiều cao 10,4 cm, chiều rộng 13,8 cm, chiều sâu 13,7 cm, trọng lượng 10,78 kg.
TikToker Hứa Quốc Anh Gặp Rắc Rối Sau Vụ Đăng Video ở Đền Angkor Wat
(Hình: Đền Preah Vihear trên biên giới Thái Lan và Cam Bốt.)
-Hôm 16/11/2023, Đại diện Sở Văn hóa Thể thao Tp. HCM cho biết cơ quan này và Sở Thông tin Truyền thông đang xem xét sự việc TikToker Hứa Quốc Anh đăng tải video trên mạng xã hội về đền Angkor Wat ở Cam Bốt vừa qua và bị phía Cam Bốt phản đối.
Truyền thông nhà nước hôm 16/11 trích lời ông Lâm Ngô Hoàng Anh, Chánh văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao Tp. HCM cho hay: “Sở Văn hóa và Thể thao đã nắm thông tin và phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông về chức năng quản lý nhà nước trên môi trường mạng internet. Sau khi có kết luận chính thức, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ phối hợp và có ý kiến phù hợp đối với các vấn đề liên quan”.
Trước đó, vào ngày 30/10, TikToker Hứa Hoành Anh, người có 700.000 người theo dõi trên mạng xã hội này, đăng tải một video tại đền Angkor Wat ở tỉnh Siem Reap của Cam Bốt cho thấy một cô gái mặc trang phục truyền thống Thái Lan và cầm một cây gậy đi quanh khu đền. Video có cả hình ảnh cờ Thái Lan và nhà vua Thái Lan cùng âm thanh nội dung “xin chào Thái Lan”.
Vào ngày 12/11, Cơ quan Bảo vệ Di sản Thế giới Angkor Wat của Cam Bốt đã yêu cầu mạng TikTok phải chặn video này và thúc giục những người theo dõi không tiếp tục chia sẻ video có “nội dung không phù hợp”. Cơ quan này cho rằng đoạn video ảnh hưởng đến văn hóa và di sản của Cam Bốt
Video hiện không còn xuất hiện trên TikTok.
Hôm 14/11, TikToker đã đăng tải một video xin lỗi và hứa sẽ không tái diễn hành động này.
Khu đền Preah Vihear nằm trền biên giới giữa Thái Lan và Cam Bốt hiện là đối tượng bị tranh chấp giữa hai quốc gia. Việc đăng tải hình ảnh và video về ngôi đền có liên quan đến Thái Lan rất dễ làm cho người Cam Bốt phẫn nộ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét