Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2023

LẠNH VỀ RẺO CAO - -Nguyễn Thị ThanhDương

 Bố con anh Tủa đã thu hoạch ngô từ cuối tháng bảy, những bắp ngô đã già đã khô trên cây ngô héo cuối mùa. Nhà anh chỉ có mấy vạt ngô trồng quanh chân núi nên không vất vả nhiều như những hộ khác Hôm nay 2 chị em Súa và Mỷ sẽ đi hái lá cây về cho bò ăn như mọi ngày. Nhà anh Tủa mới nuôi mt con bò do anh Vừa người cùng thôn cho nuôi rẽ, khi nào bò đẻ thì con bê đầu tiên thuộc về anh Vừa con bê thứ hai mới là của anh Tủa. Nhà anh Vừa ở phía sau quả đồi bên kia là hàng xóm gần nhất của anh Tủa. Anh Tủa thuộc diện hộ đói nghèo, kinh tế khó khăn trong thôn bấy lâu nay, đã mấy lần thôn hứa giúp đỡ sửa lại nhà hay cho mượn tiền nuôi lợn phát triển kinh tế nhưng chờ hoài hết tháng nọ đến năm kia thôn vẫn chưa có kinh phí.

<!>

Nếu trông chờ vào chính quyền thôn xã thì biết đến bao giờ. May có anh Vừa hàng xóm tốt bụng. Anh Tủa đang buộc những lồng chim vào thành một chùm xong anh ra góc nhà chất mấy nải chuối, những bó rau dớn xanh, bịch ớt đỏ chỉ thiên, mớ cà tím, mớ dưa leo vào chiếc thùng gỗ trên chiếc xe máy Trung Quốc cũ kỹ anh mua lại của người ta làm phương tiện đi lại trong vùng cao Hà Giang này. Toàn là những thứ nhà trồng, trừ món rau dớn mọc hoang dại trên những triền đá và khe suối anh Tủa chịu khó đi thu hái về.

Anh khéo tay lắm, chặt tre đan những lồng chim thật đẹp mỗi tuần mang ra chợ bán cùng với các thứ rau củ. Lòng anh vui vui vì mỗi buổi chợ anh sẽ kiếm thêm tí tiền mua gạo mua muối.
Buổi chiều Súa và Mỷ đã địu về nhà mt đống lá cây lá cỏ. Trời sắp tối rồi, mặt trời đã rơi xuống núi. Chiều nay trời bỗng nhiều mây xám âm u khác thường. Trong nhà thiếu ánh sáng vì không có cửa sổ, trần nhà kèo cột đều đen bồ hóng vì nhiều năm đun bếp trong nhà càng làm cho nhà tối tăm hơn.
Súa bật ngọn đèn năng lượng mặt trời treo giữa nhà, ánh sáng tờ mờ nhưng có còn hơn không. Một chốc đã thấy những con mối bay quanh ánh đèn, nó biết cơn giông to sẽ đến và lo lắng không biết bố có kịp hết hàng trở về nhà trước khi trời mưa gió không?
Súa trèo lên chiếc thang đã cũ, chiếc thang này bố nó đã đóng từ khi nó chưa sinh ra nhưng vẫn chắc chắn vì làm bằng gỗ soan. Nhìn đống ngô chất gọn gàng trên gác sát mái nhà Súa yên chí mừng thầm nhà đã kịp thu hoạch trước những cơn mưa, nếu không thì chỉ vài cơn mưa thất thường những quả ngô già trên nương sẽ ẩm ướt nước mưa và bị mốc bị mọc mầm mất thôi. Có nghĩa là 3 bố con sẽ bị đói.
2 chị em Súa và Mỷ đứa 9 tuổi đứa 7 tuổi mà khôn ngoan đảm đang như người lớn. Trẻ con H’mong không có tuổi thơ, chúng vất vả ngay từ khi còn địu trên lưng cha lưng mẹ.

2 chị em bắt đầu thái lá cây cho bò. Con chị ngồi bên đống lá to kềnh, nó nhanh chóng sắp xếp thành một bó nhỏ vừa đủ cho vào giữa bàn và lưỡi dao, con Mỷ đứng ở đầu kia cầm cần dao chỉ đợi chị nó lùa bó lá vào là nó ấn phập cần dao sắc bén xuống cắt lìa bó lá kia ra thành đoạn ngắn. Nhưng con Mỷ nhỏ tuổi sức yếu, mỗi khi chị nó đút bó lá vào giữa bàn dao thì nó phải nhảy tưng lên lấy sức người đè xuống cán dao mới cắt được, mỗi lần Mỷ nhảy tưng lên cái váy H’mông của nó cũng tưng lên, rung rinh lắc qua lắc lại nhịp nhàng như một điệu múa tuyệt vời.
Cuối cùng thì 2 chị em cũng cắt xong mớ lá cây lá cỏ, con Súa hốt mang ra đổ vào cái máng treo bên chuồng bò. Chuồng bò bố nó đã rải tro để sát trùng, con bò sẽ  mạnh khỏe ăn no chóng lớn và đẻ con. Đó là niềm ước mơ lớn lao của cả 3 bố con.
Mẹ của Súa, Mỷ đã bỏ nhà đi 5 năm rồi, khi ấy Súa lên 4 và Mỷ 2 tuổi.
Những ngày đầu thiếu mẹ, 2 chị em nhếch nhác vì bố vắng nhà bận làm nương, làm vườn và chúng khóc vì đói cơm khi bố chưa kịp cho ăn.
Một tấm hình cưới của bố mẹ được bố cẩn thận bọc một lớp ni lông treo trên vách. 2 chị em Súa, Mỷ nhìn hình và nhớ mặt mẹ.
Chúng nghe bố nói mẹ bỏ sang Trung Quốc và lấy chồng bên ấy, mẹ đã đẻ 2 thằng con trai.Súa và Mỷ đều mong mẹ về cùng 2 đứa em trai là chúng sẽ vui lắm.

                      ***********
Chợ đã tan tầm nhưng anh Tủa chưa về được, hãy còn lại vài nải chuối, mấy bó rau, quả cà..anh muốn bán nốt cho nhẹ chuyến về, kiếm thêm đồng nào hay đồng ấy.
Anh dắt chiếc xe đến một góc phố chợ nơi có cửa hàng tạp hóa vẫn còn người đang mua bán, họ sẽ để ý đến hàng của anh. Lần nào cũng thế, đây là trạm chót để anh bán nốt những rau quả.
Anh Tủa lúi cúi cân bán được nải chuối cho một khách hàng xong khi ngẩng lên thật bất ngờ thấy một chị khách đang chờ. Anh Tủa bàng hoàng và vui mừng đến luống cuống:
– Em... em...ôi... em... đã về...
Đó là May, vợ anh, 5 năm rồi anh mới gặp lại, nàng vẫn xinh đẹp, đầu chít khăn màu tím pha sắc hồng, lọn tóc dài thả lửng lơ sau tấm khăn. Nàng mặc chiếc áo cánh trắng và váy màu xanh chàm. Nàng hỏi:
– Hai đứa Súa và Mỷ khỏe không?
– Hai chị em nó biết cắt cỏ cho bò ăn rồi…
Anh vui mừng khôn xiết, vội hớn hở khoe:
– Nhà mình mới có bò của anh Vừa cho nuôi rẽ, em về nhà đi, rồi chúng ta sẽ có 1 con bò, 2 con bò, 3 con bò.. anh sẽ nuôi ong lấy mật, chẳng mấy chốc mà chúng ta thoát cảnh đói nghèo…
Nàng nhếch môi cười nửa đùa nửa thật:
– Thế thì tôi chúc mừng cho anh...
Anh Tủa say sưa tiếp giấc mộng:
– Rồi anh sẽ lên rừng đốn cây sa mộc về dựng căn nhà khác to hơn đẹp hơn, anh sẽ làm nương trồng lanh cho em dệt vải...
Hình như nàng không muốn mất thì giờ nghe anh dài dòng. May ngắt lời anh:
–  Tôi về đây chỉ muốn hỏi thăm con Súa và Mỷ thôi. Tôi đã có 2 con trai với người ta rồi, chồng tôi yêu tôi và yêu con lắm. Chúng tôi có cửa hàng buôn bán tấp nập ở ngay con phố sát biên giới Việt Trung này.
Đôi mắt anh Tủa cụp xuống thất vọng. Anh từng cầu mong thằng chồng Trung Quốc kia đối xử tệ bạc ruồng rẫy May để nàng sẽ chán ngán quay về gia đình cũ, nhưng nàng khoe cuộc sống giàu có đang hạnh phúc bên chồng con làm anh bẽ bàng. Anh cố nói như van nài:
– Bố con anh luôn chờ đợi em trở về bất cứ lúc nào. Anh vẫn là người chồng tốt của em trước kia, không uống rượu say sưa như những đàn ông H’mông khác.
May thẳng thừng:
– Anh lấy vợ khác đi, tôi không bao giờ trở về dù anh thế nào. Tôi chán cuộc sống nghèo nàn trong căn nhà váchtre mưa ướt gió lùa nơi dãy núi hoang lạnh ấy lắm.
Anh Tủa thật thà than thở:
– Anh không có tiền cưới vợ, chắc anh sẽ sống một mình cả đời thôi.
Nàng móc túi lấy ra một mớ tiền giấy đã cuộn lại gói ghém cẩn thận, chắc là món tiền này nàng đã giấu chồng dành dụm:
– Anh mang về mua gạo cho con. Tôi phải về đây!
Anh cầm món tiền và ngỡ ngàng:
– Ít ra em cũng theo anh về nhà thăm 2 con chứ? Súa và Mỷ sẽ ngạc nhiên và mừng vui lắm. Chúng nó nhìn hình em trên vách và luôn hỏi về em.
– Không thể được, hôm nay chồng tôi mang 2 con về thăm bên nội, tôi lợi dụng thời cơ này vượt biên giới đến chợ gặp anh rồi phải về ngay kẻo không kịp khi chồng tôi trở về nhà. Biết anh vẫn ra chợ bán hàng và 2 đứa Súa, Mỷ mạnh khỏe là đủ rồi.

Nói xong nàng dứt khoát và tất tả quay bước đi. Anh Tủa ngẩn ngơ nhìn theo bóng dáng nàng, người phụ nữ từng làm vợ anh, đẻ cho anh 2 đứa con.
Anh chua xót, mới ngày nào nàng còn sống bên anh, 2 vợ chồng cùng chung vất vả nhưng hạnh phúc biết bao.
Khi con Súa còn bé 2 vợ chồng thỉnh thoảng đi ch phiên. Họ hào hứng đi bộ từ sáng sớm vượt mười mấy cây số từ nhà đến chợ, anh Tủa địu con, May đeo quẩy tẩu trên lưng,họ đi chợ phiên để mua mấy con dao mới, để ăn bát thắng cố hay bát phở, ăn gói xôi nếp thơm mùi lá cẩm hay ăn cái bánh rán nóng hổi vừa vớt ra trong chảo chưa kịp ráo dầu và để vui với cảnh chợ nhộn nhịp người, ồn ào tiếng cười nói. Khu hàng quần áo la liệt váy khăn đầy màu sắc, khu hàng bán lợn inh ỏi tiếng lợn kêu khi người ta nhấc bổng nó lên để xem và trả giá... 2 vợ chồng đều ước mơ có tiền mua 1 con lợn con, anh Tủa sẽ trồng củ dong, May sẽ cắt cỏ voi non về băm nhỏ cho lợn ăn no chóng lớn.
Họ đã trải qua mùa đông giá lạnh sương mù che khuất nẻo đường đi, sương muối chĩu nặng trên lá cây, trên những ngọn cỏ gai nằm bẹp dí xuống mặt đất không thể ngóc đầu dậy trong sương muối phũ phàng ấy.
Rồi mùa xuân về núi rừng thức dậy. Hoa lê hoa mơ hoa mận nở trắng xóa từng vách núi đầu non, màu hoa trắng tinh khôi trên những con đường quanh co về bản.
Tháng ba hoa gạo nở đỏ góc trời, rực rỡ ở ven sông...
Họ cuốc đất bón phân gieo hạt ngô chờ nẩy mầm
Tháng tư 2 vợ chồng cùng vun ngô bón phân lần nữa, tháng năm cây ngô ra quả.
Chiều hè 2 vợ chồng đi làm nương về chuẩn bị bữa cơm chiều nghe tiếng ve kêu râm ran vui tai bên cây đào trước sân nhà đang ra những quả xanh non đầy cành.
Tháng bảy tháng tám là thời điểm thu ngô, mang ngô về hong trên gác bếp.
Và rồi tháng 12 gió lạnh lại về, những bắp cải trồng sau nhà đang cuộn bắp, nhà sẽ có rau ăn và mang ra chợ bán những ngày đông.

Mới được mấy mùa trồng hái, mấy mùa yêu, người vợ đã nỡ phụ bạc ra đi khi một lần nàng theo người trong thôn vượt biên giới sang Trung Quốc tìm viêc làm và ở lại cho đến bây giờ...
Căn nhà mà người vợ chê trống trước hở sau đó với Tủa thật là ấm êm hạnh phúc nếu May không bỏ đi. Anh treo vài lồng chim trước cửa nhà, anh còn làm một cái rọ to sát bên mái hiên nhà làm tổ cho chim bồ câu để quanh nhà từng mùa lúc thì có tiếng chim hót, khi thì tiếng ve kêu và cánh chim bồcâu bay ra bay vào tổ như người ta đi đâu cũng sẽ về nhà của mình. Chim bồ câu vẫn bay về tổ nhưng vợ anh thì đi mãi không về nhà.
Anh Tủa bán thêm được mấy mớ rau dớn thì trời đã tối từ lúc nào, anh giật mình nghe tiếng gió thổi rít qua đầu, chắc là trời sắp chuyển cơn giông, mưa sẽ to lắm, anh không thể bán hết chỗ còn lại rồi. Anh lo lắng mình không kịp về nhà, càng thêm lo lắng cho người vợ cũ của anh. Cơn giông tố đang ở hướng của anh đừng kéo sang phương hướng nàng đang về kẻo mưa gió đường xa tội nghiệp...
Trong thùng xe, bên cạnh mấy quả cà tím hẩm hiu lăn lóc, nải chuối vô duyên ế ẩm còn có bịch muối, chai dầu ăn, miếng thịt lợn nửa ký và mấy miếng đậu hũ trắng anh đã mua lúc nãy, chốc về nhà cha con sẽ có một bữa ăn ngon, thịt lợn bản xào măng và đậu hũ luộc.
Anh kiểm lại các món hàng và yên lòng quay đầu xe về nhà sau khi đã cẩn thận đeo lên đầu chiếc đèn soi đi vào lúc tối trời.
Người H’mong nào cũng có cái đèn soi này để làm việc trong nhà (nếu nhà không có điện thắp sáng) và khi đi ra ngoài lúc trời tối, người đi tới đâu ngọn đèn trước trán soi sáng tới đó.
Chiếc xe máy phóng nhanh rời khu phố chợ càng lúc càng đi vào những khúc đường quanh co tăm tối dẫn về thôn làng, phía trước mặt và sau lưng anh Tủa là bóng tối, hai bên đường cũng là bóng tối, dù anh đã quen đường rồi anh vẫn căng mắt lái xe cẩn thận kẻo lạc tay lái ngã xuống vực bên dưới là thung lũng, là đá núi lởm chởm...
Tiếng gió rít vù vù bên tai, anh không nhìn thấy gì trên bầu trời tối đen nhưng đoán là những đám mây đang vần vũ nổi cơn thịnh nộ. Không gian bỗng đầy hơi lạnh.
Vùng rẻo cao ngày nóng đêm lạnh là thường nhưng lạnh đây là lạnh của bão giông đang kéo đến, lạnh của lòng anh Tủa khi vừa gặp lại người vợ cũ anh rất thương yêu và biết chắc rằng anh có chờ đợi cũng hoài công vô ích vì nàng chẳng hề hối hận hay muốn trở về cùng bố con anh.

Nguyễn Thị ThanhDương

Không có nhận xét nào: