Suy diễn 10.000 năm lịch sử Trung Quốc?! Có phải cục diện cuối cùng của eo biển Đài Loan đã sớm được biết đến từ hai nghìn năm trước? Trung Hoa sẽ không an định trong tương lai vài chục năm tới, đến năm rồng vàng sẽ có bước ngoặt lớn? Hôm nay chúng tôi xin giới thiệu với các bạn một dự ngôn đang được thảo luận rất nhiều trên Internet, đó là “Càn khôn vạn niên ca”. Đúng như tên gọi của nó, dự ngôn này đã diễn giải một vạn năm lịch sử Trung Quốc. Một vạn năm lịch sử Trung Quốc ư? Một vạn năm? Lịch sử của Trung Quốc có bao nhiêu lâu? Chẳng phải Trung Quốc là một cổ quốc có lịch sử văn minh trên dưới năm nghìn năm sao?
Không thể xác minh được thuyết pháp trên dưới năm nghìn năm sớm nhất đến từ đâu, hiện tại chưa có khảo chứng. Có người nói rằng nó bắt đầu lan truyền từ thời Trung Hoa Dân Quốc, cũng có người nói rằng nó được đề xuất bởi Martin Martini, một nhà truyền giáo người Ý đến Trung Quốc vào cuối triều đại nhà Minh và đầu nhà Thanh.
Vậy thì trên dưới năm nghìn năm có phải là ý nói trên năm ngàn năm, dưới năm ngàn năm, tổng cộng là một vạn năm lịch sử, hay là năm ngàn năm được phân chia thành hai nửa trên dưới, ví như nói, từ thời đại Tần Thủy Hoàng bắt đầu chia ra? Về chuyện này, giới học thuật đã tranh luận trong một thời gian dài mà không có hồi kết.
Kỳ thực, từ thời Hoàng Đế đến hiện tại đã gần năm nghìn năm lịch sử. Năm đó, khi Trung Hoa Dân Quốc lật đổ triều đại Mãn Châu, Tôn Trung Sơn nhậm chức tổng thống lâm thời, ông đã truyền bá rộng rãi tin tức rằng “lấy năm đầu tiên của thời Hoàng Đế cách đó 4609 năm làm năm đầu tiên của nước Cộng hòa Trung Hoa”. Bây giờ lại 100 năm nữa trôi qua, đã hơn 4.700 năm kể từ thời Hoàng Đế, tức là gần năm nghìn năm.
Nhưng vào thời Hoàng Đế, nền văn minh Trung Hoa đã rất phát triển. Ông phi nước đại trên chiến trường trên lưng con tuấn mã cao lớn của mình, các bà vợ của ông dạy trăm họ cách chế tác tơ lụa. Trước ông, còn có Si Vưu cùng bộ tộc Cửu Lê của hắn thống trị Trung Hoa đại địa, trước đó nữa còn có Phục Hy, Thần Nông và Nữ Oa tạo ra con người trong truyền thuyết, vậy lịch sử của thời kỳ thượng cổ nên bắt đầu tính từ đâu?
Sau những năm 1970, khi rất nhiều văn vật và di tích văn hóa viễn cổ lần lượt được khai quật, những tuyên bố rằng Trung Quốc có lịch sử một vạn năm cũng dần dần bắt đầu xuất hiện. Nếu không, bạn không thể nào giải thích được những chiếc bình gốm 7.000 năm tuổi ở di chỉ Hà Mẫu Độ ở Chiết Giang, cây lúa được trồng nhân tạo 9.000 năm tuổi ở di chỉ Bành Đầu Sơn ở Hồ Nam, những phù hiệu văn tự 8 đến 9 nghìn năm tuổi ở di chỉ Cổ Hồ ở Hà Nam, còn có cây sáo thổi ra 7 âm giai.
Vì thế có người nói, chúng ta hãy lấy điểm thời kỳ Hoàng Đế để phân chia thành hai giai đoạn. Năm nghìn năm trước Hoàng Đế là lịch sử của nền văn minh Trung Hoa từ khi bắt đầu khai sáng đến khi dần dần hình thành, năm nghìn năm này là một thời đại lịch sử không có ghi chép văn tự, những câu chuyện trong truyền thuyết, bạn có thể dùng chúng làm lịch sử để đọc, cũng có thể xem chúng như thần thoại. Sau thời Hoàng Đế, từ bộ lạc quá độ đến quốc gia, nền văn minh trên cơ bản đã thành hình, cũng có ghi chép văn tự chính xác. Năm ngàn năm này chính là lịch sử văn minh mà chúng ta phổ biến nhìn nhận. Bạn xem câu đầu tiên trong “Sử ký” của Tư Mã Thiên là gì? “Hoàng Đế giả, Thiểu Điển chi tử, tính Công Tôn, danh viết Hiên Viên”, những sự tình trước thời Hoàng Đế đều không đề cập.
Nội dung chính“Càn khôn vạn niên ca” – Bài ca vạn năm trời đất
“Càn khôn vạn niên ca” – Bài ca vạn năm trời đất
Được rồi, hãy trở lại với chủ đề về bài ca tiên tri. Hãy xem bài ca này dự ngôn gì trong một vạn năm. “Càn khôn vạn thiên ca” cũng được thu lục lại trong cuốn sách “7 loại dự ngôn Trung Quốc” mà chúng tôi đã giới thiệu trước đó, là một trong những dự ngôn nổi tiếng được lưu truyền rộng rãi vào cuối thời nhà Thanh. Bài ca dự ngôn dùng thể thất ngôn tuyệt cú viết thành, tổng cộng có 106 câu, cuối cùng là hai câu: “Hành nhân hành nghĩa lập càn khôn, Ngã kim chỉ toán vạn niên chung”, do đó mọi người gọi nó là “Càn khôn vạn niên ca”.
Trong sách nói rằng dự ngôn này được viết bởi Khương Tử Nha của nhà Chu, còn được một người thời nhà Hán tên là Lã Vọng chú giải. Tuy nhiên, vì nó dùng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt mà tác thành, mà thể thơ này mãi đến thời kỳ Nam Bắc triều một nghìn năm sau mới xuất hiện, hơn nữa nhiều ngữ cú rất đơn giản dễ hiểu, phong cách văn tự rất giống với thoại bản thời Tống hoặc tiểu thuyết chương hồi thời nhà Minh và nhà Thanh, nên rất nhiều độc giả tin rằng, dự ngôn này được viết bởi người đời sau mượn danh nghĩa Khương Tử Nha.
Bất quản tác giả là ai, mọi người đều nhất trí rằng miễn dự ngôn nói chuẩn là được, những thứ khác không quan trọng. Vậy dự ngôn này nói có chuẩn không?
Trước tiên chúng ta hãy xem cách tính toán vạn năm này là bắt đầu từ đâu. Câu đầu tiên của dự ngôn đưa ra đáp án: “Thái cực mạt phán hôn dĩ quá. Phong hậu Nữ Oa thạch thượng tọa” (太極未判昏已過。風后女蝸石上坐). Đạo gia cho rằng, mọi thứ hữu hình đều sinh ra từ vô hình, gọi là “vô cực”. Vô cực sinh thái cực, thái cực sinh lưỡng nghi, âm dương hóa hợp mà sinh ra vạn vật. Dùng cách nói hiện tại mà giảng thì chính là trong trạng thái nguyên khởi cái gì cũng không có, sản sinh ra lạp tử tối căn bản, cuối cùng từng tầng từng tầng, theo lý tuần hoàn âm dương mà hình thành vạn vật. Câu đầu tiên “Thái cực mạt phán hôn dĩ quá” chính là nói về trạng thái hỗn mang thuở sơ khai này, lạp tử căn bản đã hình thành.
Sau đó Nữ Oa xuất hiện để tạo ra con người. Truyền thuyết kể rằng Nữ Oa họ là “Phong”, tên đầy đủ là “Phong Hậu Nữ Oa”. Câu này và một số câu sau liên quan đến Tam Hoàng Ngũ Đế không được tính là dự ngôn, nhưng nó chỉ ra khởi điểm của một vạn năm, thuở hỗn mang sơ khai, Nữ Oa tạo người, chính là đoạn mở ra của lịch sử Trung Hoa.
Sau đó là nhà Chu với quốc vận 800 năm, Tần hoàng Hán đế, Tam Quốc đỉnh lập, các triều đại Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, ngoại trừ một chút sai lệch về thời điểm của một số sự kiện, những nội dung khác trong dự ngôn này đều giống như những dự ngôn mà chúng ta đã nói trước đây, độ chính xác gần như 100%.
Dự ngôn về triều đại nhà Thanh
Chẳng hạn, về thời nhà Thanh, dự ngôn nói thế này: “Thập bát hài nhi khiêu xuất lai. Thương sinh phương đắc tô nguy khốn. Tương kế xuân thu nhị bách dư. Ngũ hồ vân nhiễu hựu phong điên.” (十八孩兒跳出來。蒼生方得蘇危困。相繼春秋二百餘。五湖雲擾又風顛). Chữ hài nhi (孩兒) này có thể thay bằng chữ tử (子), là con trai. Thập bát (十八) thêm chữ tử (子) thành một chữ Lý (李). Rất rõ ràng, chính Lý Tử Thành đã bức tử hoàng đế Sùng Trinh ở núi Môi Sơn.
Ở phía bên kia, quân Thanh tràn vào, sau một phen chỉnh đốn, đã nghênh đón hai ông cháu Khang Hy và Càn Long cùng nhau sáng tạo ra thời đại “Thịnh thế Khang Càn”, giúp cho trăm họ có một cuộc sống tốt đẹp. Đây chính là ứng với câu “Thương sinh phương đắc tô nguy khốn”. Điều đáng tiếc là quốc vận của nhà Thanh chỉ tồn tại được 276 năm, rồi lại rơi vào thời kỳ loạn lạc. Đây chính là ứng với câu “Tương kế xuân thu nhị bách dư, ngũ hồ vân nhiễu hựu phong điên”. Quốc vận của nhà Thanh được nhắc đến ở đây là hơn hai trăm năm, so với lịch sử chân thực 276 năm thì có chút hơi mơ hồ, tuy nhiên có người cho rằng có lẽ điều này thuyết minh đây xác thực là dự ngôn, do đó một số chỗ có thể không quá chính xác.
Dự ngôn về Trung Hoa Dân Quốc và Đài Loan
Vậy dự ngôn về Trung Hoa Dân Quốc có chính xác không? Cho đến nay, nó có vẻ khá chuẩn. Xin lưu ý rằng cuốn sách này đã được xuất bản vào năm 1915. Vì vậy, nếu những dự ngôn được đưa ra sau thời Trung Hoa Dân Quốc là đúng thì mới có thể chân thực khiến người ta tín phục.
Chúng ta hãy xem câu tiếp theo: “Nhân đinh khẩu thủ giang nam địa. Kinh quốc trọng tân hựu nhất thiên.” (人丁口取江南地。京國重新又一遷.) Điều này đối ứng là Tưởng Giới Thạch lãnh đạo chính phủ Quốc Dân đảng. Không lâu sau khi thành lập Quốc Dân đảng, Trung Quốc liền tiến vào trạng thái động loạn quân phiệt cát cứ. Năm 1927, Tưởng Giới Thạch và Hà Ứng Khâm hợp tác Bắc phạt, giành thắng lợi áp đảo, cuối cùng thống nhất giang sơn một lần nữa, lại lần nữa thành lập chính phủ Quốc dân tại Nam Kinh.
Vậy dự ngôn nói gì? Trước tiên chúng ta hãy nhìn vào ba từ đầu tiên “nhân đinh khẩu” (人丁口). Đây kỳ thực là một cách đố chữ được thiết kế rất xảo diệu. Hai chữ “đinh khẩu” (丁口) ghép lại là chữ Thạch (石) của Tưởng Giới Thạch. Và ba chữ “人丁口” kết hợp với nhau có nghĩa gì? Là chữ Hà (何) trong Hà Ứng Khâm. Chẳng phải vô cùng xảo diệu? Chúng ta nhìn bốn chữ cuối cùng “thủ giang nam địa” (取江南地), trong đó có một chữ “nam” (南), lại là giang nam (江南), rất rõ ràng chính là chỉ Nam Kinh, cố đô ở phía nam sông.
Còn nửa sau câu “Kinh quốc trọng tân hựu nhất biên” thì sao? Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đầu tiên đặt thủ đô ở Bắc Kinh, sau đó lại tái lập thủ đô ở Nam Kinh, mấy năm sau lại do hình thế bức bách, không thể lưu lại đại lục, phải dời đô về Đài Bắc, hai lần dời đô. Vì vậy, bảy chữ “Kinh quốc trọng tân hựu nhất phiên” đã mô tả vô cùng rõ ràng sự tình hai lần dời đô.
Như vậy, những dự ngôn từ thời nhà Thanh đến Trung Hoa Dân Quốc đều trúng. Vậy còn sau đó thì sao?
Quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan
“Lưỡng phân biên giới các bảo thủ. Canh đắc tương an nhất bách cửu” (兩分疆界各保守。更得相安一百九).
Sau khi chính phủ Quốc Dân đảng dời đô đến Đài Loan vào năm 1949, hai bờ eo biển Đài Loan chia trị. Đó chính là “lưỡng phân cương giới”. Những năm 1950, ngay sau khi chia cắt, hai bên đều kêu gọi thống nhất, mỗi bên cũng có vài cú “đá bay” nhưng không gây thiệt hại gì đáng kể, không lâu sau đều dừng lại. Mặc dù Trung Quốc đại lục gần đây có không ít động tác, tuy sấm sét ầm ĩ, nhưng mưa hạt nhỏ nên không thể gây ra phiền toái lớn. Trong dự ngôn nói “các bảo thủ”, chữ “bảo thủ” theo từ điển nói, nó còn có ý tứ là duy trì hiện trạng cũ mà không tìm cách thay đổi hay cải tiến. Điều đó chẳng phải rất phù hợp với tình hình hai bờ eo biển Đài Loan trong vài thập kỷ qua?
Vậy tình trạng chia cắt hai bờ eo biển này sẽ kéo dài bao lâu? Chúng ta hãy xem câu tiếp theo: “Canh đắc tương an nhất bách cửu”. Nó đề cập đến thời gian một cách minh xác. Nhưng giải đọc “nhất bách cửu” này như thế nào? Là một trăm chín mươi năm, hay một trăm lẻ chín năm? Có người cho rằng 190 năm thì hơi quá xa, nếu nói mỗi bên 95 năm, tổng cộng 190 năm cũng khá hợp lý. Đó là khi nào? 1949 cộng với 95, liệu eo biển Đài Loan có thống nhất vào năm 2044?
Nhưng một số người nói, đợi một chút, chúng ta phải xem xét nó trong bối cảnh. Hãy xem câu tiếp theo: “Na thời tẩu xuất thảo điền lai. Thủ chấp kim long bộ ngọc giai”. Trong câu này có gì? “Kim long”, rồng vàng! Năm rồng vàng tiếp theo là năm nào? Năm 2060 Canh Thìn. Canh thuộc ngũ hành Kim, Thìn là rồng. Do đó năm 2060 chính là năm rồng vàng. Vậy thì nếu lấy “nhất bách cửu” là 109 năm thêm vào năm 1949 thì là năm 2058, rất gần với năm Kim Long 2060. Liệu có khả năng đạt được thống nhất hai bờ eo biển vào năm 2058 hoặc 2060?
Trung Quốc tương lai
Tuy nhiên, bất kể eo biển Đài Loan có thống nhất hay không, năm 2060 dường như rất quan trọng, bởi đây là năm mà nhân vật thần bí “thủ trì kim long” (tay cầm rồng vàng) sẽ “bộ ngọc giai” (bước lên thềm ngọc”. “Bộ ngọc giai” có thể được hiểu là lên ngôi hoàng đế, hoặc trở thành nhà thống trị. Lẽ nào đó nghĩa là có sự thay triều đổi đại?! Cũng không phải là không thể. Sách dự ngôn “Thiền sư thi” mà chúng tôi giới thiệu trước đây nói rằng triều đại hiện tại “Cang đáo kim long vận dĩ chung” (vừa đến rắn vàng là vận kết thúc”. Năm rắn vàng tiếp theo là gì? Năm 2061. Nếu chúng ta kết hợp lại mà nhìn, có lẽ một điều gì đó lớn lao có thể sẽ phát sinh vào cuối năm 2060 hoặc đầu năm 2061.
Vậy nếu triều đại thực sự thay đổi, hoàng đế mới sẽ là ai? Chúng ta hãy nhìn lại câu trước: “Na thời tẩu xuất thảo điền lai” (那時走出草田來). Có người giải thích rằng hai chữ “thảo điền” (草田) kết hợp với nhau là thành chữ “Miêu” (苗). Hoàng đế mới sẽ có họ là Miêu? Có người cho rằng từ bốn chữ “tẩu xuất thảo điền” mà nói, thì đây cũng có thể là người thống trị đến từ tầng lớp dân thường. Chẳng phải trong “Thôi Bối Đồ” cũng nói rằng “Vô vương vô đế định càn khôn, lai tự điền gian đệ nhất nhân” (hình ảnh thứ 47 của “Thôi Bối Đồ”) dự ngôn một Thánh nhân đến từ dân gian sẽ thống trị nhân gian, không xưng vương cũng không xưng đế, mà lại có thể một tay định càn khôn. Hai vị này có lẽ là nói về cùng một người phải không?
Vậy nếu đến lúc đó thực sự cải triều hoán đại, thì Trung Quốc sẽ ra sao? Chúng ta hãy xem câu tiếp theo:
“Thanh bình hải nội Trung Hoa định, Nam Bắc đồng quy nhất thống hợp” (清平海內中華定,南北同歸一統合).
Trông có vẻ rất tuyệt vời – trong nước thanh bình, bắc nam quy đồng, một triều đại tươi đẹp sắp bắt đầu. Tuy nhiên, một số cư dân mạng đã phân tích sâu, cho rằng quan hệ giữa Đài Loan và đại lục không phải là quan hệ Nam Bắc, vậy thì Bắc Nam đồng quy ở đây thuộc về nhau có ý nghĩa gì? Chắc chắn không phải là thống nhất eo biển Đài Loan, mà là phía nam và phía bắc của Trung Quốc đại lục có khả năng sẽ bị chia cắt trước năm 2060, nên sau này sẽ thống nhất. Tương tự, khoảng thời gian này cũng sẽ động loạn bất an, nếu không trong dự ngôn đã không xuất hiện dòng chữ “Trung Hoa định”. Tại sao lại nói “Trung Hoa định”? Bởi vì trước đó Trung Hoa đại địa không an định.
Đây không phải là chưa có tiền lệ khi nói đến sự chia rẽ Bắc-Nam. Sau khi nhà Tấn diệt vong đã chia ra thành Nam Bắc Triều, sau 300 năm loạn lạc, Tùy Văn Đế Dương Kiên đã thống nhất thiên hạ. Sau này, nhà Đường và nhà Tống cũng trải qua thời kỳ hỗn loạn kéo dài hơn 50 năm, chia cắt thành Ngũ Đại Thập Quốc. Nói gần đây hơn, khi Liên Xô giải thể vào năm 1991, chỉ trong một đêm chia thành nhiều nước nhỏ, sau đó cũng trải qua một thời kỳ hỗn loạn.
Trung Quốc ngày nay giống như đang ngồi trên thùng thuốc súng, thường xuyên xảy ra thiên tai nhân họa, xã hội bất ổn, trăm họ đều sống không mấy vui vẻ, quốc gia bị chia cắt là sự tình có thể xảy ra chỉ trong vài phút. Nhưng Đài Loan rất có khả năng không nằm trong số đó. Tại sao? Dự ngôn nói gì? “Thanh bình hải nội”. Đài Loan nằm ở đâu? Hải ngoại mà. Nhưng khi mọi chuyện ở đại lục lắng xuống, liệu Đài Loan có trở về? Có lẽ. Tuy nhiên, xét từ dự ngôn này, ngay cả khi Đài Loan trở về, cũng sẽ không thông qua phương thức quân sự.
Sau đó, trong dự ngôn này lại viết về lịch sử của vài thế hệ. Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng cho rằng một số dự ngôn sau thời nhà Thanh trong “Vạn niên ca” đã bị đảo loạn thời gian, có lẽ những dự ngôn về tương lai đó viết về những sự việc của triều đại trước. Vì vậy, chúng tôi sẽ không giải đọc quá nhiều về nó.
Dù thế nào đi nữa, những dự ngôn về Trung Quốc ngày nay trong “Vạn niên ca” đều khá chính xác. Ở cuối dự ngôn, một khái niệm tương tự như được đề cập trong “Thôi Bối Đồ”, “Mã Tiền Khóa” và những dự ngôn khác cũng được đề cập, chính là về “tuần hoàn vãng phục”. Trong “Mã Tiền Khóa” nói, “Tiền cổ hậu kim, kỳ đạo vô cùng”; Trong “Thôi Bối Đồ” nói, “Chung giả tự chung, khởi giả tự khởi”. Và “Vạn niên ca ” nói gì? “Ngã kim chỉ toán vạn niên chung. Tái phục tuần hoàn lý vô cùng”, tức là lịch sử Trung Quốc chính là một chu kỳ luân hồi vạn năm, kết thúc một vòng luân hồi là bắt đầu một vòng luân hồi khác.
Như vừa nói, trong năm nghìn năm lịch sử từ thời Hoàng Đế đến nay, đã hơn 4.700 năm trôi qua. Nếu lịch sử Trung Quốc thực sự là một vòng luân hồi vạn năm, thì có lẽ chúng ta chỉ còn chưa đầy 300 năm nữa. 300 năm sau, nền văn minh nhân loại có thực sự bắt đầu lại? Ý nghĩa của một chu kỳ tuần hoàn vãng phục như vậy là gì?
Hương Thảo biên dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét