Vì sao Israel phải chiến đấu đến cùng để diệt Hamas ?The Economist giải thích « Vì sao Israel phải chiến đấu ». Một khi Hamas vẫn còn nắm quyền, thì hòa bình vẫn ở ngoài tầm tay với. Theo L’Express, ngay từ đầu, Hamas đã ra sức phá hoại tiến trình Oslo của chính phủ cánh tả Israel bằng các vụ thảm sát thường dân. Hậu quả là cử tri Israel đã bầu cho chính khách dân tộc chủ nghĩa Netanyahou. Nay nếu ngưng bắn, để tổ chức khủng bố này tồn tại, Trung Đông sẽ không bao giờ yên ổn.Các chiến binh Israel tiến vào Dải Gaza trong khuôn khổ chiến dịch trên bộ chống Hamas. Ảnh không đề ngày do quân đội Israel cung cấp. AP - HO - Thụy My
« Hiến binh quốc tế » không thể rút chân khỏi Trung Đông
L’Express nhận thấy « Hiến binh quốc tế đã quay lại ». Sau khi đắc cử năm 2020, Joe Biden hứa hẹn với đồng minh là nước Mỹ đã thay đổi sau bốn năm dưới thời Donald Trump. Nhưng việc rút quân vội vã khỏi Afghanistan, lập liên minh AUKUS với Anh và Úc đã gây ngờ vực, và nay cuộc xâm lăng Ukraina cùng với vụ khủng bố của Hamas tại Israel đã làm đảo lộn thế giới. Hậu quả là Chú Sam phải quay lại với vai trò lãnh đạo một phương Tây đang lao đao trước các chế độ độc tài và Hồi giáo.
Trước một châu Âu chia rẽ và sự bất động của Liên Hiệp Quốc, « tổng tư lệnh » Joe Biden 81 tuổi không có chọn lựa khác. Còn một năm nữa đến bầu cử tổng thống Mỹ, chắc hẳn ông thích tập trung cho kinh tế và nội trị hơn là leo lên chiếc Air Force One, không chỉ để trấn an Israel -đồng minh từ nửa thế kỷ - mà còn nhằm lên tiếng trước các bên liên quan trong khu vực. Với chiến dịch trên bộ ở Gaza, mối đe dọa chưa bao giờ lớn lao như thế, với Iran đứng sau xúi giục.
Vụ khủng bố của Hamas hôm 07/10, man rợ chưa từng thấy, không chỉ cho thế giới thấy những nhược điểm của Nhà nước Do Thái, kẻ thù bất công đới thiên của Teheran, mà còn buộc Tsahal phải trả đũa, đưa vấn đề Palestine lại trở thành trung tâm chú ý của thế giới. Nhất là khiến cho những thỏa thuận giữa Israel và các nước Ả Rập, có thể cô lập Iran, bị tạm dừng nếu không phải là xóa bỏ. Và những hình ảnh oanh kích Gaza kèm theo danh sách dài các nạn nhân gây giận dữ trên đường phố Ả Rập, làm bất ổn những chế độ kém dân chủ và thù địch với Iran.
David Rigoulet-Roze, tổng biên tập tạp chí Chiến lược Phương Đông cảnh báo : Đến nay Iran được coi như kẻ hưởng lợi lớn, nhưng họ đang đi dây vì không ngờ Mỹ có thể hành động nhanh và xa như vậy. Khi điều hai hàng không mẫu hạm đến Địa Trung Hải, huy động các căn cứ quân sự trong khu vực, hỗ trợ Israel hết mình về mọi mặt, đồng thời oanh tạc Syria, Hoa Kỳ đã cảnh báo thẳng thừng Iran. Nếu Teheran tiếp tục chơi trò phóng hỏa, Washington sẽ ra tay : « sen đầm » quốc tế đã tái xuất.
Thoát được Afghanistan và Irak, Mỹ lại sa vào hai cuộc chiến tranh mới
Tương tự, L'Obs nhận định « Chiến tranh Israel-Hamas : Nước Mỹ lại vướng phải vấn đề Cận Đông ». Hoa Kỳ nghĩ rằng còn nhiều việc để làm hơn là miệt mài tái thúc đẩy một tiến trình hòa bình mà chẳng ai muốn. Washington phải đối địch với Bắc Kinh, không còn muốn làm hiến binh cho Cận Đông và Trung Đông ; nay phải hiện diện quân sự ở Địa Trung Hải, đưa oanh tạc cơ đến Jordanie, oanh kích các mục tiêu Iran ở Syria, chận hỏa tiễn từ Yemen...Và đây chỉ mới là khởi đầu.
Cứ như là định mệnh, Mỹ vừa thoát được hai « cuộc chiến không hồi kết » những năm 2000 ở Afghanistan và Irak, lại phải đối phó với hai cuộc chiến tranh mới ở Ukraina và Cận Đông. Và một cuộc chiến thứ ba đang chờ đợi với Trung Quốc, xung quanh Philippines và Đài Loan. Cứ như không thể nào cởi bỏ được vai trò bảo vệ trật tự thế giới từ nửa thế kỷ qua, mỗi điểm nóng đều cần đến uy tín và sức mạnh của siêu cường Mỹ.
Hamas : Kẻ thù của tiến trình Oslo
Giáo sư Frédéric Encel nhấn mạnh trên L'Express : Hamas chính là kẻ thù của tiến trình hòa bình. Không có bất cứ điều gì biện minh được cho những hành động phi nhân của tổ chức khủng bố này.
Thời kỳ 1993-1996, chính phủ Israel là cánh tả với cặp Rabin-Peres, được đảng Ả Rập ở Knesset (Quốc Hội) ủng hộ, thương thảo với chính quyền Palestine của ông Yasser Arafat và đạt được thỏa thuận Oslo ngày 13/09/1993. Ngay từ đầu, Hamas không chỉ bác bỏ mà còn ra sức phá hoại bằng các vụ thảm sát thường dân, khủng bố. Hậu quả là ngày 29/05/1996, đa số người Israel phẫn nộ và đau buồn đã bầu cho chính khách dân tộc chủ nghĩa Netanyahou thay vì Peres.
Tháng 6/2007, khi Tsahal (quân đội Israel) và 20 khu định cư đã rút khỏi Dải Gaza từ hai năm trước theo chủ trương của chính quyền Sharon, Hamas tiến hành một vụ đảo chánh đẫm máu chống lại...chính quyền Palestine hợp pháp của chủ tịch Mahmoud Abbas. Là chi nhánh của Huynh đệ Hồi giáo, Hamas cũng gây sợ hãi cho các chế độ Ả Rập ôn hòa. Chính Huynh đệ Hồi giáo hoặc tay sai đã ám sát giải Nobel hòa bình Anouar el Sadate (tổng thống Ai Cập năm 1981), và nhiều thủ tướng, bộ trưởng, dân biểu, trí thức, công dân bình thường trong thế giới Ả Rập.
Trong hiến chương Hamas, người Do Thái (chứ không chỉ là công dân Israel) bị coi là « khỉ và heo », còn Do Thái giáo là « tôn giáo giả hiệu ». Không có hỏa tiễn nào của Hamas bắn vào khu vực người Ả Rập ở Israel. Tổ chức này có cùng logic với Daech (tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo), Al Qaida và các tổ chức khủng bố khác trên thế giới. Không chỉ bài Do Thái, Hamas còn ra tay sát hại người Thiên Chúa giáo, người đồng tính, phụ nữ ngoại tình...áp đặt toàn trị Hồi giáo lên Dải Gaza. Chính quyền của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) tham nhũng, Hamas cũng không kém, chưa kể sự nham hiểm khi đặt ngầm sở chỉ huy nơi các trường học, bệnh viện.
Ăn chận viện trợ quốc tế để sản xuất vũ khí, làm giàu cá nhân
Trên lãnh vực kinh tế, tình trạng kém phát triển của Gaza chỉ một phần do Israel phong tỏa, mà chủ yếu vì tổ chức khủng bố này ăn chặn viện trợ quốc tế - theo nhà kinh tế Nicolas Bouzou trên L'Express.
Hai phần ba dân số Gaza (2,2 triệu dân) sống nhờ viện trợ nhân đạo. Khó thể biết được con số chính xác, vì có quá nhiều trung gian. Theo số liệu của OCDE (Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế) và UNRWA (Cơ quan Liên Hiệp Quốc hỗ trợ người tị nạn Palestine ở Cận Đông), viện trợ quốc tế cho người Palestine khoảng 2 tỉ đô la một năm. Riêng Ai Cập và đặc biệt Qatar viện trợ trực tiếp bằng tiền mặt và xăng dầu, điện, Israel hỗ trợ chi phí điều hành công.
Thế nhưng đa số tiền viện trợ bị Hamas dùng để sản xuất vũ khí, mua xe hơi, xây những căn nhà sang trọng. Thay vì nuôi sống người dân, viện trợ phát triển lại nuôi dưỡng một tổ chức có mục tiêu hủy diệt Nhà nước Do Thái. Từ 2007, Israel áp đặt kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu vì lý do an ninh, chẳng hạn cấm nhập thép để tránh Hamas sản xuất súng. Israel bị cáo buộc cô lập lãnh thổ này, nhưng thực tế Ai Cập cũng từ chối mọi quan hệ thương mại với Dải Gaza để giữ an toàn cho mình.
Hơn nữa Hamas bóp chết mọi ý định phát triển từ trong trứng nước, ngăn chận lãnh vực tư nhân, vì lý do chính trị. Đàn áp phụ nữ, người đồng tính, giáo dục Hồi giáo, tất cả đều bị kiểm soát để tránh « phương Tây hóa » xã hội. Cô lập, tham nhũng, mất tự do, Hồi giáo cực đoan : đó là nguyên nhân tạo ra cảnh nghèo khó của người dân Gaza.
Không tiêu diệt Hamas, Trung Đông không bao giờ yên ổn
The Economist giải thích « Vì sao Israel phải chiến đấu ». Việc oanh kích Dải Gaza đã tạo ra những tác động khủng khiếp, nhưng một khi Hamas vẫn còn nắm quyền, thì hòa bình vẫn ở ngoài tầm tay với.
Tại Gaza, cứ 10 tòa nhà lại có 1 bị tan tành vì bom pháo, hàng ngàn người đã thiệt mạng, tình trạng thiếu thốn thực phẩm, nước uống và xăng dầu đe dọa cuộc sống của hàng ngàn người khác. Trên khắp thế giới có những lời kêu gọi ngưng bắn hoặc hủy bỏ chiến dịch trên bộ của Israel, cho rằng mạng sống người Palestine bị coi nhẹ, hy vọng hòa bình mong manh sẽ bị chôn vùi trong những đống gạch vụn ở Gaza. Đó là lý lẽ khá thuyết phục, nhưng lại dẫn đến kết luận sai lầm. Ngay cả khi Israel ngưng chiến dịch và để cho mọi viện trợ vào được Gaza, con đường duy nhất để có hòa bình là giảm thiểu khả năng Hamas dùng dải đất này làm nguồn cung ứng và căn cứ quân sự. Tiếc thay, muốn vậy cần phải có chiến tranh.
Để biết vì sao, cần phải hiểu những gì đã xảy ra hôm 07/10. Khi người Israel nói rằng vụ tấn công của Hamas là mối đe dọa cho sự tồn vong, đó là sự thực chứ không phải là cách nói hoa mỹ. Đã từng chịu đựng nạn diệt chủng thời Liên Xô và Đức quốc xã, Israel có khế ước xã hội duy nhất : thành lập một quốc gia, nơi mà người Do Thái biết rằng họ sẽ không bị sát hại, đàn áp chỉ vì là người Do Thái. Nhà nước Israel từ lâu vẫn bảo đảm lời hứa này. Vụ thảm sát của Hamas đã hủy hoại tất cả. Hơn 1.400 người Do Thái bị sát hại ngay trong lãnh thổ nước mình, quân đội và tình báo Israel bị lăng nhục.
Ngưng bắn sẽ hủy diệt hy vọng hòa bình
Chủ thuyết an ninh sụp đổ dẫn đến việc Israel oanh tạc dữ dội vào Dải Gaza, chứng tỏ với các kẻ thù là mình biết tự vệ. Nhất là khi sát hại người Israel bất chấp số lượng người Palestine sẽ thiệt mạng khi bị trả đũa, Hamas tỏ ra bất trị. Cách duy nhất để ra khỏi chu kỳ bạo lực là hủy diệt sức mạnh của Hamas, có nghĩa là trừ khử các thủ lãnh và phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự. Người Israel không cảm thấy an toàn, chính quyền phải oanh kích Gaza để răn đe, còn người Palestine trở thành bia đỡ đạn sẽ cực đoan hơn.
Theo The Economist, thay đổi phải từ cả hai phía : ông Benjamin Netanyahou sau chiến dịch này phải ra đi, người Palestine cần có các nhà lãnh đạo ôn hòa được bầu lên một cách dân chủ. Hiện giờ thì không, một phần vì Netanyahou đã làm Hamas mạnh thêm, mặt khác do Mahmoud Abbas đã loại đi các đối thủ tiềm tàng. Vấn đề là làm thế nào ngăn trở Hamas hay lực lượng kế thừa kiểm soát trở lại Dải Gaza trước khi những nhà lãnh đạo dân cử xuất hiện.
Thế nên điều kiện thứ nhì cho hòa bình là phải có một lực lượng bảo đảm an ninh cho Gaza. Đó có thể là một liên minh quốc tế gồm các nước Ả Rập chống lại Hamas và người đứng sau là Iran, với sự lãnh đạo của Hoa Kỳ. Ngưng bắn chính là kẻ thù của hòa bình, vì giúp tổ chức khủng bố này tiếp tục nắm quyền ở Gaza, với hầu hết vũ khí và quân lính vẫn tồn tại. Vì lợi ích của người Israel và người Palestine, phải tạo cơ hội tốt nhất cho hòa bình, nhưng ngưngbắn sẽ hủy diệt hoàn toàn khả năng này.
Tác giả Abnousse Shalmani trên L’Express nhắc nhở, có đến 57 quốc gia Hồi giáo trên thế giới, tuy nhiên chỉ có một Nhà nước Do Thái dân chủ. Một Nhà nước Do Thái nhưng 20 % dân số là người Ả Rập, giám đốc Ngân hàng Quốc gia là người Ả Rập, nhiều dân biểu, bác sĩ, kỹ sư, thương nhân, sinh viên cũng vậy. Dù vẫn còn không ít vấn đề, nhưng những người Ả Rập sống ở Israel tự do hơn bất kỳ nơi nào trong số 57 quốc gia Hồi giáo.
Giải pháp hai Nhà nước đã chết ?
Tương tự, tờ báo trung tả Ha’Aretz ở Tel-Aviv băn khoăn « Thanh toán xong Hamas, rồi sau đó sẽ như thế nào ? », Courrier International dịch sang tiếng Pháp. L’Obs đặt câu hỏi : « Phải chăng giải pháp hai Nhà nước đã chết ? ». Ngay từ đầu cuộc xung đột, hai tổng thống Joe Biden và Emmanuel Macron đã nhắc đến giải pháp đã bị quên lãng từ vài năm qua. Tuy là con đường chính thức, nhưng đa số chuyên gia về Cận Đông coi là ngõ cụt.
Những người hòa hoãn nhất của cả hai phía gần đây cổ vũ « giải pháp một Nhà nước » dân chủ theo kiểu Nam Phi. Nhưng chủ trương này đã bị dừng lại sau ngày 07/10 và có thể chết hẳn với cuộc chiến. Chính khách cánh tả Israel Yossi Beilin và luật sư Palestine Hiba Husseni đề nghị « Liên minh Đất Thánh » : hai Nhà nước độc lập có chủ quyền trong cùng một định chế, không Quốc Hội hay chính quyền chung, như cộng đồng châu Âu vào thời kỳ đầu. Bên cạnh đó còn có ý kiến lập nhưng bang đồng nhất về sắc tộc và tôn giáo, liên kết bằng chế độ liên bang như Thụy Sĩ…
Tất cả những sáng kiến trên đều cần tinh thần cởi mở, Israel và Palestine chấp nhận lẫn nhau – những viên gạch đầu tiên khó thể đặt ra. Hơn nữa theo The Economist, người dân của cả hai bên đã mất niềm tin vào giải pháp hai Nhà nước. Một cuộc thăm dò tháng 9/2022 cho thấy chỉ 32 % người Do Thái ở Israel ủng hộ, giảm xuống so với 47 % của 5 năm trước. Còn người Palestine, theo một cuộc khảo sát vào tháng 6/2023, chỉ 28 % ủng hộ trong khi 10 năm trước tỉ lệ này lên đến 53 %.
Tướng Zaluzhny : Tôi đã sai khi nghĩ rằng thương vong quá lớn của Nga sẽ chấm dứt chiến tranh
Hồ sơ các tuần báo kỳ này có những chủ đề khác nhau. L’Express báo động nguy cơ từ thực phẩm bị biến đổi quá nhiều, Courrier International lo ngại trước cách sống « vay trước, trả sau » dẫn đến nợ nần. L’Obs nói về mặt trái của đảng cực hữu Pháp, Le Point tố cáo những lệch lạc Hồi giáo và bài Do Thái của thủ lãnh đảng cực tả. Nhưng bao trùm lên tất cả vẫn là cuộc chiến giữa Israel và Hamas, ít ai còn chú ý đến cuộc chiến chống xâm lăng của Ukraina. Le Monde số cuối tuần nhận thấy « Kiev lo sợ bị mất đi sự ủng hộ của các đồng minh ».
Trên The Economist, tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraina, tướng Valery Zaluzhny thừa nhận cuộc chiến đang bế tắc, cần có bước đột phá bằng công nghệ với chiến tranh điện tử.Theo ông, Ukraina cần tìm ra phương cách để đạt được một chiến thắng nhanh chóng, thậm chí có nguy cơ « thất bại » nếu vũ khí được chuyển giao chậm, vì lực lượng quá chênh lệch, nhất là Nga không tiếc mạng lính. Ông nhận rằng đã sai lầm khi nghĩ rằng có thể chặn được đà tiến khi buộc quân Nga phải trả cái giá nhân mạng thật cao.
« Tôi đã sai. Nga mất ít nhất 150.000 quân, ở bất kỳ quốc gia nào khác, thiệt hại cỡ như vậy đã làm chiến tranh kết thúc. Thành thật mà nói, đó là một Nhà nước phong kiến mà tài nguyên rẻ nhất là mạng sống con người », ngược lại, với Ukraina tài nguyên đắt nhất lại chính là con người. Tuần báo nói thêm, Vladimir Putin luôn so sánh với hai trận đại chiến thế giới, trong đó nước Nga mất hàng mấy chục triệu người. Một cuộc chiến tranh kéo dài sẽ có lợi cho Nga, quốc gia có dân số gấp ba lần và nền kinh tế lớn gấp mười lần Ukraina.
Trong bài « Cuộc chiến khác vẫn đang diễn ra », phóng viên tờ Spectator được Courrier International dịch lại cho biết thậm chí khi muốn đến Lviv làm phóng sự, chiến tranh Ukraina đã gần như trở thành quá khứ. Tổng biên tập nói « Anh đã chọn nhầm cuộc chiến » : các nhà báo khác đều đang chuẩn bị lên đường sang Israel !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét