Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 2 tháng 11, 2023

Điểm PISA của học sinh Việt Nam vượt trội, vì sao? - Tuấn Đỗ - Bảo Ngân lược dịch


Tờ Telegraph của Anh mới đây đã đăng một bài viết lý giải vì sao điểm PISA của học sinh Việt Nam lại tốt hơn nhiều nước phát triển và làm rõ điều gì ẩn đằng sau một hệ thống giáo dục hiệu quả bất chấp nguồn lực hạn chế cũng như liệu các nước đang phát triển khác có thể rút ra bài học gì. Học sinh Việt Nam chụp ảnh cùng giáo viên trong ngày 20/11 hằng năm. Nguồn: Alamy Stock Photo Cứ mỗi độ 20/11, học sinh trên khắp Việt Nam sẽ mua hoa và tỉ mẩn viết thiệp, gửi lời chúc mừng thầy cô giáo. Ngày này tương tự như Ngày của Cha, Ngày của Mẹ ở Anh - ngoại trừ việc người nhận quà không phải là cha mẹ, mà là giáo viên.
<!>
“Ai ở Việt Nam cũng biết ngày này”, TS. Phùng Đức Tùng, Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Mê Kông, cho biết. “Đối với thầy cô, đây là một ngày quan trọng, họ rất tự hào về nghề nghiệp của mình. Và xã hội cũng vậy, đó là cách chúng tôi thể hiện sự trân trọng dành cho các nhà giáo.”

Ông chia sẻ thêm, chính những khoảnh khắc như thế đã tiếp sức cho hệ thống giáo dục của Việt Nam đạt những bước tiến rõ rệt. Theo Ngân hàng Thế giới, trong các bài kiểm tra thuộc Chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA về đọc, toán và khoa học, Việt Nam có thành tích vượt trội không chỉ so với các quốc gia Đông Nam Á giàu có hơn mà còn cả Anh, Nhật Bản và Na Uy. [PISA được xây dựng và điều phối bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD, khảo sát học sinh ở độ tuổi 15, ba năm một lần.]

Việt Nam cũng đi ngược lại xu hướng chất lượng sụt giảm ở các nước đang phát triển. Một nghiên cứu năm 2022 về tỷ lệ biết chữ ở phụ nữ do Trung tâm Phát triển Toàn cầu tiến hành cho thấy chất lượng giáo dục đã giảm sút tại 2/3 các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình kể từ những năm 1960, bao gồm Nigeria, Ấn Độ và Bangladesh. Việt Nam là một trong số ít các nước đi ngược lại xu hướng này.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc bóc tách lý do vì sao Việt Nam vẫn có thể cải thiện chất lượng giáo dục bất chấp nguồn lực hạn chế có thể là lời gợi ý cho các quốc gia đang phát triển khác. Điều này đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của đất nước lẫn lợi ích cá nhân.

Mặc cho những tiến bộ vượt bậc trong 10 năm qua, hơn 240 triệu trẻ em ở các nước đang phát triển vẫn không được đến trường - trong đó có 100 triệu trẻ em ở khu vực châu Phi cận Sahara và 85 triệu trẻ em ở Trung và Nam Á. Tình trạng này sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường đối với tương lai của các em.

Theo UNESCO, tỷ lệ nghèo đói toàn cầu sẽ giảm một nửa nếu tất cả người trưởng thành hoàn thành chương trình giáo dục trung học. Một đứa trẻ có mẹ đã tốt nghiệp trung học có khả năng sống sót sau sinh nhật lần thứ năm cao hơn 31%. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới ước tính thu nhập của mỗi người dân sẽ tăng thêm 10% theo mỗi năm họ được đến trường.

Nhưng việc xác định chính xác bí quyết thành công của Việt Nam không hề dễ dàng.

“Thành thật mà nói, tôi không nghĩ có ai có câu trả lời hoàn chỉnh”, PGS. Abhijeet Singh thuộc Trường Kinh tế Stockholm, người có từng tiến hành các nghiên cứu tập trung vào hệ thống trường học ở các nước đang phát triển, nhận định. “Nhưng một điều có thể thấy rõ ràng ở Việt Nam, đó là với nguồn lực hạn chế, học sinh vẫn có thể đạt được các kỹ năng ngôn ngữ và tính toán cần thiết ngang với các nước phát triển.”

Sự đan xen giữa nhiều yếu tố

Lẽ dĩ nhiên, có nhiều cách giải thích khác nhau cho thành công của giáo dục Việt Nam, trong đó nổi bật nhất là chất lượng và sự cống hiến của đội ngũ giáo viên trong nước. Các giáo viên được tôn trọng - điển hình là các lễ kỷ niệm theo phong cách Ngày của Mẹ. Họ là những sinh viên tốt nghiệp đại học với chất lượng tốt và được tập huấn thường xuyên. Họ đều đặn đến lớp mỗi khi có tiết.

“Ở các nước đang phát triển khác, có rất nhiều bằng chứng cho thấy… cứ năm giáo viên thì có một giáo viên không đến lớp vào bất kỳ ngày nào”, GS Paul Glewwe, giáo sư kinh tế tại Đại học Minnesota, người đã dành nhiều năm nghiên cứu giáo dục ở những nơi có thu nhập thấp, cho biết. “Nhưng ở Việt Nam, giáo viên lên lớp đầy đủ - nếu không họ sẽ bị khiển trách… Hệ thống giáo dục được vận hành một cách kỷ luật.”

Nhiều chuyên gia cho rằng việc bóc tách lý do vì sao Việt Nam vẫn có thể cải thiện chất lượng giáo dục bất chấp nguồn lực hạn chế có thể là lời gợi ý cho các quốc gia đang phát triển khác. Ảnh: Shutterstock/Dmytro Gilitukha
Những giáo viên chấp nhận dạy học ở vùng sâu, vùng xa cũng được trả lương cao hơn, đây là một phần nỗ lực của chính phủ để xóa nhòa sự bất bình đẳng giữa thành phố và nông thôn. Bên cạnh đó, giáo viên được đánh giá, khen thưởng dựa trên kết quả học tập của học sinh. Và không giống như các quốc gia khác với mức thu nhập tương đối, nữ sinh có kết quả học tập thực sự vượt trội hơn nam sinh ở bậc tiểu học và trung học.

Theo nghiên cứu của TS. Singh, trẻ em Việt Nam ở tuổi lên 8 học ở trường nhiều hơn so với các bạn cùng lứa ở Peru, Ấn Độ và Ethiopia. Nghiên cứu đã phân tích các bài kiểm tra giống hệt nhau do học sinh ở các nước làm và nhận thấy mỗi năm học ở Việt Nam giúp tăng khả năng giải một bài toán đơn giản 21 điểm phần trăm; ở Ấn Độ, mức tăng là sáu điểm phần trăm.

“Một năm học ở Việt Nam rất khác biệt… dường như nó cung cấp lượng kiến ​​thức gấp đôi so với một năm ở Ấn Độ hoặc Peru”, TS. Singh lý giải. “Nếu trẻ em ở Ấn Độ và Peru học được nhiều kiến ​​thức trong một năm như ở Việt Nam, ta sẽ thu hẹp được 90% khoảng cách kiến ​​thức ở học sinh 8 tuổi giữa các nước.”

Ông cho rằng mục tiêu của giáo viên cũng là một thành tố quan trọng. Trong khi các hệ thống giáo dục như của Ấn Độ là “một chuỗi đằng đẵng những kỳ thi đòi hỏi điểm cao này đến kỳ thi đòi hỏi điểm cao khác” để xác định những học sinh giỏi nhất, thì Việt Nam lại cung cấp “các kỹ năng cơ bản ở mức độ cao cho mọi người”. “Họ nhấn mạnh vào mọi đứa trẻ, vào việc đặt kỳ vọng khá cao về học tập cho tất cả mọi người - và đó thực sự là một sự khác biệt lớn.”

Điều đó không có nghĩa là giáo dục Việt Nam không có sự đua tranh. TS. Phùng Đức Tùng cho biết trường học vẫn được coi là “con đường tốt nhất để có một cuộc sống tốt đẹp hơn” và các bậc cha mẹ đầu tư rất nhiều thời gian, tiền bạc vào việc học tập của con cái. Chẳng hạn, học thêm là điều bình thường, và kết quả thi được gửi trực tiếp cho phụ huynh để họ có thể theo dõi sự tiến bộ của con mình.

Vẫn tồn tại những thách thức

Dù những yếu tố trên đã khuyến khích học sinh học tập chăm chỉ nhưng nó cũng dẫn đến những mặt hạn chế, đó là học sinh phải chịu áp lực rất lớn về kết quả thi - đặc biệt khi số lượng tuyển sinh vào cao đẳng và đại học vẫn còn hạn chế.

Ngoài ra, còn có những thách thức khác mà hệ thống của Việt Nam phải đối mặt. Theo Ngân hàng Thế giới, bất chấp những nỗ lực, học sinh ở thành phố vẫn có nhiều cơ hội hơn - 76% thanh thiếu niên ở khu vực nông thôn hoàn thành bậc trung học cơ sở, so với 90% ở khu vực thành thị.

Học sinh dân tộc thiểu số và học sinh có hoàn cảnh khó khăn đều bị tụt lại phía sau. Đến 19 tuổi, chỉ 1/5 số học sinh thuộc diện 20% nghèo nhất cả nước được tiếp tục đi học, so với 80% học sinh thuộc nhóm 20% giàu nhất.

Một số người cũng lo ngại Việt Nam sẽ xảy ra tình trạng thiếu giáo viên khi ngày càng có nhiều sinh viên giỏi muốn làm việc cho công ty tư nhân hoặc ra nước ngoài. Chính phủ vẫn đang thảo luận để tìm cách tăng lương và tăng phúc lợi cho giáo viên. Đồng thời, một số người cho rằng hệ thống giáo dục cần tập trung nhiều hơn vào nâng cao ngôn ngữ, máy tính và các kỹ năng làm việc nhóm - những kỹ năng mà ngành công nghiệp mong muốn - cũng như tập trung vào chương trình cải cách giáo dục đang được tiến hành.

Nhưng đối với TS. Singh, việc Việt Nam thậm chí còn có thể thảo luận về “kỹ năng mềm và đổi mới” cho thấy hệ thống hiện tại đang hoạt động hiệu quả như thế nào so với các quốc gia khác có GDP tương tự.

“Những lời chỉ trích mà tôi nghe được về hệ thống của Việt Nam về cơ bản có vẻ giống với những gì chúng ta vẫn nghe về các nước [phát triển] vốn giàu hơn khoảng năm lần; khác hẳn với những cuộc thảo luận liên quan đến phần lớn Nam Á và châu Phi cận Sahara,” ông nói. “Thảo luận xem trẻ em có sáng tạo hay không và bước đổi mới tiếp theo là gì - đó là một cấp độ cao hơn hẳn so với những gì ta cần làm để có khả năng đọc, tính toán cơ bản.”

Vậy câu hỏi quan trọng là các quốc gia khác có mức thu nhập tương tự nên nhân rộng yếu tố nào? Các chuyên gia cho rằng rất khó để xác định chính xác, đặc biệt khi phần lớn thành công của Việt Nam gắn liền với văn hóa của đất nước.

“Rất khó để chuyển tải các giá trị của Việt Nam sang một quốc gia khác, điều đó là không thể”, TS. Đặng Hoàng Hải Anh - học giả thỉnh giảng cấp cao Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London - chia sẻ. Tuy nhiên, ông nói thêm, việc đảm bảo giáo viên được trả lương cao, được tôn trọng và trân trọng sẽ là điểm khởi đầu tốt cho các quốc gia khác.

TS. Phùng Đức Tùng cũng đồng tình với ý kiến này. “Điều quan trọng nhất là thay đổi nhận thức trong xã hội về tầm quan trọng của giáo dục. Thứ hai là bạn phải đào tạo giáo viên và khuyến khích họ làm việc chăm chỉ. Và ở Việt Nam, chúng tôi có một hệ thống giám sát hiệu quả để đo lường hiệu quả của giáo viên và mọi người dựa vào đó để quyết định tăng lương hoặc thăng chức.”

TS. Tùng cho biết thêm, các chính sách hỗ trợ hộ gia đình nghèo đưa trẻ đến trường và khuyến khích giáo viên làm việc ở vùng sâu vùng xa cũng rất quan trọng - cũng như khả năng truy cập Internet dễ dàng và giá cả phải chăng.

Nhưng nhìn chung, di sản quan trọng nhất của Việt Nam là họ đã chứng minh rằng có thể xây dựng được một hệ thống giáo dục vững mạnh ngay cả khi nguồn lực có hạn.

“Tôi không nghĩ có bất kỳ cẩm nang nào về cách giảng dạy nếu bạn muốn được thành tựu như của Việt Nam”, TS. Singh nói. “Nhưng Việt Nam nên là nguồn cảm hứng để khẳng định rằng một nền giáo dục chất lượng cao là điều có thể thực hiện được, bất chấp mức thu nhập quốc dân.”

Theo Telegraph
Tuấn Đỗ - Bảo Ngân lược dịch

Không có nhận xét nào: