Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 15 tháng 11, 2023

HƯƠNG ĐÊM - Nguyễn Mộng Giác

Chàng do dự ở chân cầu thang khi thấy phòng nàng kín cửa. Tuy nhiên bên trong vẫn le lói ánh đèn. Chàng ngập ngừng chưa biết phải làm gì, thì cửa lớn phòng nàng xịch mở. Giọng nàng gọi xuống hơi run và nghẹn, như đã biến đổi vì một nỗi xúc động hoặc cố gắng lớn lao: - Anh đợi em một chút. Em sẽ xuống ngay! Như một phép lạ, tất cả cửa sổ hai bên barrack đều mở. Ánh đèn thủy ngân nơi đầu dốc giúp cho chàng thấy nhiều đôi mắt xoi mói nhìn về phía chàng. Thời gian chờ đợi như dằng dặc. Cuối cùng, nàng mở cửa, cẩn thận vịn hai thanh gỗ cầu thang chậm chạp bước xuống. Chàng ngạc nhiên vì nàng dám mặc chiếc áo hồng quá trẻ trung so với khuôn mặt sầu muộn nhẫn nhục và cuộc sống khép kín lâu nay. Từ các tầng gác hai bên barrack nhiều tiếng người khúc khích.
<!>
Chàng khó chịu, giục:
- Chúng ta đi đi!
Nàng đáp nhỏ "dạ", rồi vội vàng bước nhanh cho kịp chàng. Tiếng xuýt xoa chòng ghẹo không để cho họ yên suốt quãng đường ngắn từ phòng nàng lên tới đầu dốc, chỗ có ngả rẽ đi xuống đường nhựa chính. Nàng cố đi xích gần chàng hơn, nói trong hơi thở:
- Anh! Hãy quàng lấy vai em!
Chàng ngỡ ngàng ngước nhìn nàng, không hiểu. Đôi mắt van lơn cầu khẩn ướt sáng dưới ánh đèn thủy ngân. Chàng đưa tay ôm chiếc vai nhỏ, cảm thấy nàng đang run và dưới làn vải hồng mịn màng là một đôi vai ốm. Chàng bóp nhẹ vai nàng, lòng phân vân giữa thương xót và ngỡ ngàng. Khi xuống đến đường nhựa và không còn nghe những lời đùa cợt độc ác nữa, nàng đưa tay gỡ nhẹ tay chàng, liếc nhìn lên như sợ chàng giận, rồi cúi xuống đi xa ra một chút. Chàng lại thấy nàng giữ thái độ dè dặt xa cách như những lần trước. Chàng định hỏi cho ra lẽ, nhưng nàng đã hỏi trước:
- Anh đã đi ký giấy nợ chưa?
Chàng đáp gọn:
- Rồi.
- Còn những nợ nần khác?
Nàng cố lấy giọng đùa nghịch tự nhiên, hỏi tiếp:
- Nhất là nợ nần vương vấn với các cô, thì dây dưa lắm. Dứt không hết đâu!
Chàng im lặng không nói gì, trí mãi suy nghĩ đến thái độ khác thường của nàng đêm nay. Chàng chỉ nghe nàng hỏi loáng thoáng:
- ... hay có xe chở ra đến tận cầu tàu?... còn thân nhân thì phải đi bộ thôi. Chao ơi! Xa thế làm sao đi bộ được!
Chàng hơi giận, hỏi hơi xẳng tiếng:
- Sao đêm nay em khác thường vậy?

Nàng cắm cúi bước, không đáp. Chàng cũng không biết hỏi gì thêm. Họ lặng lẽ đi qua quán cà phê bên đường.
Giọng hát Thái Thanh vô tình lấp đầy khoảng trống ngại ngùng:
"Nghìn trùng xa cách, gửi đến cho người. Còn gì đâu nữa mà khóc với cười. Mời người lên xe, về miền quá khứ. Vĩnh biệt thương yêu... "
Lòng hai người chùng lại. Lời hát ngày càng xa nhưng âm thanh tha thiết chới với hòa với sương đêm và ánh đèn thủy ngân xanh xao, thấm lên từng làn da thớ thịt họ. Chàng đi gần nàng hơn, và nàng bạo dạn nắm lấy tay chàng, bóp nhẹ. Hai bên đường, sương đêm nạm kim cương lên khắp vùng cỏ ướt. Nàng cúi xuống ngắt một cành hoa dại màu tím nở muộn ngay dưới chân đèn đường. Chàng kiên nhẫn dừng lại chờ. Nàng xinh xắn, linh hoạt khác thường trong bộ áo hồng, tinh nghịch xoay xoay cành hoa trên tay phải, mỉm cười bảo chàng:
- Ít lâu nữa, có thể là một hai tuần, hoặc một hai tháng ở Cali, có ai hỏi anh: "Này, cậu có biết Trân Châu, cái cô từ Thái Lan chuyển qua Galang một lượt với cậu đó, cậu nhớ không?", anh sẽ đủng đỉnh đáp: "Trân Châu nào hè? Chưa từng bao giờ quen!"
Dường như để nói được câu khôi hài ấy, nàng đã dùng hết sức cố gắng, đã dốc hết can đảm để nói lên nỗi bất hạnh ô nhục, nên nói xong, Trân Châu cảm thấy rã rời. Nàng sợ ánh đèn thủy ngân quá sáng có thể soi rõ dấu vết ô nhục còn sót lại trên thân thể mình, sợ cả ánh nhìn thương xót quen thuộc của Đức, nên vội bước về đoạn đường có bóng tối phía trước. Đức bối rối không biết phải nói gì trước nỗi đau khổ quá lớn lao, chỉ trách nhẹ:
- Sao em chua chát với anh quá vậy?
Trân Châu thì thào:
- Em chỉ nói sự thực.
- Không. Em đừng nên vơ đũa cả nắm.

Nàng đột ngột dừng bước. Họ đã đến chỗ chiếc cầu nhỏ bắc ngang qua con suối cạn, nước chảy róc rách. Bóng cổ thụ che bớt ánh đèn đường chói chang trên Main Street, dành cho họ một khoảng tối âm u vừa đủ cho những lời tâm sự chân thành. Trân Châu đề nghị:
- Mình dừng lại ở đây đi anh!
Chàng nhìn lên phía dốc cạnh siêu thị, e ngại nói:
- Ngay giữa nơi xe cộ, anh sợ ồn.
Nàng sợ phút can đảm qua đi, vội nói:
- Không đâu. Xe cộ hết chạy vào giờ này rồi. Anh, cho em dựa vào thành cầu.
Đức nhường chỗ cho nàng, nhận xét:
- Độ này em không được khỏe! Anh đi rồi, em nhớ lo ăn uống điều hòa hơn, nhất là rau tươi và sữa.
Giọng Trân Châu hơi run run vì cảm động:
- Không. Chưa bao giờ em thấy khỏe bằng lúc này. Có khỏe mới dám đương đầu với sự thực. Anh thấy không, hôm nay em dám bỏ cái áo tím than cũ kỹ, và dám quàng vai anh đi diễu trước thiên hạ.
Đức bắt đầu hiểu thái độ khác thường của Trân Châu lúc nãy. Chàng ái ngại nhìn nàng, thấy đôi mắt Trân Châu lóe lên ánh giận dữ thách thức. Chàng tìm cách nói để nàng bình tĩnh lại:
- Em giận họ làm gì! Họ chỉ hiếu kỳ.

Trân Châu vội ngửng phắt lên, định nói gì đó. Cái gì độc địa, dữ dội. Cái gì chua chát tàn nhẫn. Nhưng nghĩ sao, nàng thôi không nói. Bàn tay phải nàng run run vì không được bấu chặt vào thanh sắt lan can cầu như bàn tay trái, nên để che giấu xúc động, Trân Châu xoay tít cành hoa dại. Một lúc sau, nàng nói nhỏ, như một lời than van:
- Cả anh nữa, anh thấy không, đối với em, anh cũng là một người hiếu kỳ.
Đức định phản đối, nhưng Trân Châu đã vội vã nói tiếp:
- Anh cho em nói hết đã. Em muốn nói nhiều, nói cho đến tận cặn, để ngày mai anh thảnh thơi ra đi, không còn cảm thấy bị ràng buộc vướng víu vì em. Em không muốn là cục nợ, là gánh nặng cho bất cứ ai. Em đã chuẩn bị ròng rã mấy ngày nay để được nói hết với anh đêm nay. Anh, nói thực với em lần cuối đi, vì sao anh thương em?
Đức bị hỏi bất ngờ, nên chưa biết phải đáp thế nào. Trân Châu cười nhẹ, giọng nói hơi vỡ:
- Đấy, anh xem, anh có trả lời được đâu!
Đức vội nói:
- Không. Em đừng hiểu lầm. Vì không còn là lúc để khách sáo đầu môi chót lưỡi nữa, nên anh thành thật nhận rằng đáp câu em hỏi khó lắm. Đúng, ban đầu, khi em được khiêng bằng băng ca lên trại, anh tìm xem mặt em vì tò mò. Em biết đấy, trước một kẻ tuẫn nạn, chỉ có cha mẹ hoặc vợ chồng, con cái kẻ đó là đau đớn thực sự. Những kẻ khác thì thương hại và mừng rỡ. Không tàn nhẫn đâu. Họ mừng rỡ vì tai họa trước mắt đã có kẻ gánh chịu chưa đến lượt mình, hoặc vì nạn nhân đã gánh hết tai họa rồi, không còn phần rủi nào dành cho họ nữa.
- Rồi sau đó...
- Sau đó anh nghe được những gì người cùng ghe với em kể lại. Anh tự thấy xấu hổ vì đã tò mò chen lấn chạy đi xem mặt em hôm đầu tiên. Anh cảm...
Nàng ngắt lời chàng, hỏi dồn:
- Họ đã kể gì với anh?
- Mỗi người một cách, đôi khi mâu thuẫn với nhau. Nhưng anh đủ trí phán đoán để bỏ đi những phần thêm thắt không thể có thực. Chẳng hạn họ kể ban đầu bọn cướp biển có vẻ tử tế.
- Anh, họ nói đúng đấy. Không bịa đặt đâu.
Chàng ngỡ ngàng không tin tai mình, hỏi lại:
- Em điên rồi sao? Chúng tử tế mà lại...
- Không. Chúng chỉ tử tế lúc đầu. Lúc đó ghe em vì hết dầu nên trôi giạt hai ngày đêm rồi. Gặp được ghe lạ, dù có sợ hải tặc, nhưng vẫn mừng vì còn hy vọng tìm cái gì nổi để bám. Đến gần càng mừng hơn, vì ghe lạ không che bảng số trước mũi. Khi biết mình cần dầu chúng mới nổi lòng tham, đòi đủ 10 lượng vàng.
- Anh cũng có nghe kể chuyện này. Đúng là bọn cướp biển không chuyên nghiệp. Nhưng ông chủ ghe kể là ông nói hết cả nước miếng, mà hành khách không ai chịu đóng góp cả.
- Ông ấy giấu, không nói hết. Hành khách không chịu góp vì biết rõ gia đình ông ấy có mang theo nhiều vàng, trong khi họ chỉ giấu ở gấu quần, thắt lưng, mỗi người một chỉ để hộ thân mà thôi. Họ phân bì, nên cho số một lượng vàng chủ ghe bỏ ra là quá ít. Vì thế chỉ được tổng cộng có một lượng rưỡi. Bọn Thái Lan tức giận, không tin cả ghe chỉ có bấy nhiêu. Vì thế chúng thành bọn cướp. Chúng áp lại gần, bắt đàn ông con trai cởi hết quần áo rồi phải nhảy xuống nước, chỉ được phép bíu tay vào mạn ghe. Đàn bà con nít được ở lại, nhưng bị lục soạn rờ nắn không thiếu chỗ nào.
- Rồi có tìm ra đủ số chưa?
- Không. Chỉ có em dại dột đem nộp cái nhẫn một chỉ ngay từ đầu, còn ai cũng tìm cách giấu được. Nhất là gia đình chủ ghe, hình như lão đã giấu dưới lớp hắc ín trám ghe. Tụi cướp đe 3 cụ già lấy thêm được 4 chỉ nữa, cộng với cái nhẫn của em là 5 chỉ. Chúng giận, đập phá tứ tung, nhưng vẫn chưa làm quá. Chúng hẹn trong vòng một giờ, nếu không nộp đủ 5 lượng vàng, sẽ bỏ mặc cho trôi giạt chứ không bán dầu.
- Sau đó nghe nói chỉ được 3 lượng. Ai chịu góp thêm một lượng nữa thế?
- Không có ai cả! Lão chủ ghe lấy của mình, nhưng giả vờ như nhặt được của hành khách nào đó giấu dưới gầm ván lót. Như vậy vẫn còn thiếu 2.
Chàng do dự một lúc, mới lấy đủ bạo, e dè hỏi:
- Rồi... do đâu chúng ra thêm điều kiện...
Nàng im lặng, không trả lời ngay. Đức cảm thấy hối hận, định nói qua chuyện khác thì Trân Châu đã đáp:
- Chúng trở về ghe bàn luận lâu lắm, có lẽ do dự. Nửa muốn tàn sát cả ghe, nửa muốn bỏ đi, thật lâu, mới thấy một tên qua đưa điều kiện mới.
Chàng không muốn đi xa thêm, vội hỏi:
- Lúc đó, cả ghe đã biết âm mưu lừa gạt của chúng chưa?
Trân Châu định trả lời, nhưng ánh đèn pha một chiếc xe hơi từ đầu dốc chiếu thẳng vào hai người. Nàng lúng túng đưa tay lên che mặt. Chiếc xe chạy chậm lại để qua cầu, và đám thanh niên đứng trên xe đập mạnh vào thùng xe để chọc ghẹo họ. Ai đó la lớn:
- Coi chừng nghe em! Nó xạo lắm, đừng dại tin!
Đức nhăn mày tức giận, nhìn theo dấu xe chạy khuất.
Trân Châu cười tự nhiên, tay phải lại xoay cành hoa tím. Nàng nhìn Đức nói:
- Họ lầm rồi. Đáng lý họ phải bảo anh đừng vội tin lời em. Anh không nghe thiên hạ bảo em học được của bọn hải tặc phép làm thuốc lú để mê hoặc anh hay sao?

Đức không ngờ Trân Châu dám nhắc lại những lời gièm pha độc ác đau lòng như vậy. Chàng tức giận, nói giữa cơn khích động tột độ:
- Thật vô ơn bội bạc! Họ không biết em đã đem thân làm vật hy sinh để cứu mạng sống của họ hay sao! Họ quên đã van lơn, khóc lóc cầu khẩn em như thế nào. Nếu bọn hải tặc lừa gạt, quăng trả em về rồi chạy luôn chứ không đưa dầu, thì đó không phải là lỗi của em. Có dầu hay không, em vẫn là cứu tinh của họ.
Nàng cười chua chát, không đáp ngay. Chàng giận đến nghẹn lời, tự thấy tốt hơn hết là nên im lặng để khỏi nói lắp bắp khó hiểu. Đêm thật mênh mông. Nước dưới chân cầu chảy róc rách, lâu lâu có tiếng một loài chim đêm kêu chíp chíp nhịp hai. Lâu lắm về sau, Trân Châu mới nói thật nhỏ, gần như một lời thì thào:
- Chắc anh đã nghe không thiếu những lời người cùng ghe trách móc em. Không có dầu, tiếp tục chịu đói khát, trôi giạt trên biển cả trước khi được tàu Mỹ cứu, họ không oán bọn hải tặc mà lại đổ oán cho em. Họ bảo em dùng dằng mãi mới chịu qua, làm bọn cướp giận. Thậm chí họ còn bảo em không chịu khó chiều ý chúng. Cũng may lúc được quăng trả về, em ngất đi, không phải nghe những câu nói ấy. Anh hiểu giùm em, suốt cuộc hành trình, em nhận được gì đâu, để sẵn sàng làm người tuẫn tiết! Gia đình "anh ấy" báo tin gấp quá, em chỉ kịp đem theo một bộ quần áo và cái khăn mặt. Em sắp bước lên cyclo mẹ em mới chạy theo dúi thêm chiếc nhẫn. Suốt mấy ngày đói khát, có ai sẵn sàng chia cho em nửa ngụm nước, một muổng cháo? Người ta dẫm lên em mà đi. Xin lỗi anh, họ đái ỉa cả lên người em mà không thấy cần phải xin lỗi. Họ tự nhận khôn ngoan đã giấu được vàng, và chê em dại dột. Em đem thân hy sinh cho họ ư? Nhất định không!
Đức lấy làm lạ hỏi:
- Thế vì sao cuối cùng em lại nhận?
- Vì nét mặt sợ hãi mếu máo của một em bé. Nó dễ thương quá. Má đỏ hồng, nói bi bô cả ngày. Tự nhiên em thấy mình không đáng gì, so với em bé. Cứu tinh của cả ghe (mà thật ra đã được là cứu tinh đâu) không phải là em. Anh lầm rồi, không phải em, không phải em! Đó là sự thực. Anh đừng chịu khó trả nợ cho ai cả. Đừng nhọc nhằn áy náy vì thương hại em. Hãy yên tâm mà đi, anh Đức ạ.
Giọng Trân Châu càng ngày càng nhỏ, run run. Cuối cùng nàng bật khóc. Đức đưa tay ôm lấy nàng, thân thể nhỏ nhắn vẫn không thôi run rẩy vì khóc thổn thức, nhưng qua cách dựa ngoan ngoãn vào thân chàng, Đức biết Trân Châu vẫn giữ được lòng tin cậy và tình thương yêu đối với chàng. Đức im lặng để cho nàng khóc thỏa thuê. Chàng biết những giọt nước mắt cũng cần thiết cho cuộc phục sinh chẳng khác nào máu thịt của đời sống. Tuy nhiên lòng chàng lợn cợn những điều khó chịu.

Cho đến lúc nàng bình tĩnh trở lại, Đức hỏi lơ lửng:
- Em thì chắc sắp qua Colorado rồi chứ gì?
Trân Châu giật mình ngước lên hỏi:
- Anh nói gì ạ?
Đức ngập ngừng nói:
- Em... em sắp qua với "anh ấy"!
Nàng thở dài, rồi nói:
- Chắc... chắc còn lâu lắm. Hoặc chẳng bao giờ nữa!
- Sao thế?
Trân Châu do dự thật lâu, mới chậm rãi đáp:
- Từ mấy tháng nay, anh ấy không thư từ gì cả.
- Nhưng hình như em có nhận được đầy đủ giấy tờ bảo lãnh rồi cơ mà! Hôm trước JVA gọi em lên có việc gì thế?
Trân Châu buồn rầu đáp:
- Họ cho biết anh ấy đã đổi ý.
Đức kinh ngạc xoay người Trân Châu lại để nhìn thẳng vào mắt nàng. Tâm trạng chàng phức tạp, pha lẫn tức giận và hy vọng mơ hồ. Chàng cố dằn xúc động hỏi:
- Nhưng... nhưng em có hiểu vì sao không? Chẳng lẽ vì chuyện ấy?
Trân Châu gật đầu. Đức vội vã hỏi:
- Nhưng anh ấy đã biết, trước khi làm giấy bảo lãnh kia mà.
Nàng lúng túng chưa biết phải trả lời thế nào. Đức đã bỏ tay khỏi vai Trân Châu. Nàng dằn xúc động bằng cách xoay xoay cành hoa dại, một lúc lâu, mới ngước lên nhìn thẳng vào mắt chàng, cố nói thật chậm:
- Vì có người viết thư qua mách anh ấy rằng khi em... khi em bị nạn, có thấy... có thấy... em đưa tay ôm lấy lưng tên hải tặc. Đó, sự thật ghê tởm của đời em đó, anh tin không?
Sức cố gắng của nàng chỉ được đến đó. Nàng rũ xuống như một cuống hoa héo. Đức kịp ôm lấy nàng, hôn thật nhiều lên khuôn mặt trắng nhợt đẫm nước mắt. Chàng nói cho nàng nghe, mà cũng để nói cho mình:
- Cảm ơn em, cảm ơn nỗi ô nhục và thử thách em chịu đựng lâu nay. Cảm ơn tình yêu của anh, kẻ tuẫn nạn thay cho anh. Sự chịu đựng của em làm anh ngợp. Trân Châu! Trân Châu! Có nghe anh nói không?
Nàng khẽ gật đầu tuy vẫn chưa thôi khóc. Ánh đèn thủy ngân ở đầu dốc chiếu lên khóe mắt nàng: những giọt lệ lóng lánh. Có tiếng xe sắp chạy qua cầu. Nàng gỡ tay chàng đứng thẳng dậy, nói khẽ:
- Có lẽ em phải về thôi. Chắc ngày mai...ngày mai em không tiễn anh ra cầu tàu được.
Chờ cho chiếc xe Jeep hiệu Toyota qua khỏi, Đức mới để nghị:
- Để anh đưa em về barrack.
Trân Châu vội gạt:
- Thôi! Khỏi cần phải trêu chọc họ nữa.
- Nhưng ít ra cũng cho anh đưa em đi một đoạn.
Nàng vẫn cứng cỏi:
- Thôi, anh Đức ạ. Em muốn mình chia tay ở đây, trên chiếc cầu nhỏ này.
Thấy chàng có vẻ thất vọng, Trân Châu đưa cành hoa tím dại nàng vẫn cầm từ đầu đến giờ về phía Đức, cố lấy giọng tinh nghịch nói:
- Em làm chuyện ngược đời, là tặng hoa cho anh. Anh thấy không, nãy giờ em xoay xoay hoài, hai cái hoa nhỏ xíu bé bỏng vẫn không rụng. Màu tím đẹp dễ sợ, chỉ tiếc không thơm. Tên hoa gì vậy anh?
- Anh cũng chẳng biết. Nó mọc đầy hai bên đường rừng.
- Em đặt quàng cho nó cái tên Forget-me-not. Anh cầm lấy. Mai anh đi bình yên. Chúc anh vui!
Không chờ Đức nói, Trân Châu vội vã quay về phía dốc. Đức thẫn thờ nhìn theo, nhìn cái dáng nhỏ nhắn, cô độc của người con gái dưới ánh đèn đường. Chàng nhìn lên cánh hoa "Forget-me-not" hồi lâu, rồi thử đưa lên mũi. Chàng kinh ngạc tìm thấy một mùi thơm thanh khiết như hương hoa quỳnh, phảng phất thoang thoảng trong sương khuya.

Nguyễn Mộng Giác
Galang, tháng 11, 1982

Không có nhận xét nào: