Ấn Độ-Thái Bình Dương : Mỹ có thể tăng cường lực lượng để đối phó với Trung Quốc Lầu Năm Góc, trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ. Reuters Thùy Dương
Ely Ratner, thứ trưởng quốc phòng Mỹ, chuyên trách các vấn đề an ninh ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, hôm 08/12/2022 cho biết rất có thể Washington sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực này vào năm tới để đối phó với sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Theo đài truyền hình Nhật NHK, quan chức cấp cao cấp Lầu Năm Góc, Ely Ratner phát biểu nhân một cuộc hội thảo tại Washington với một tổ chức tư vấn.
Ông Ratner nhấn mạnh rằng Bắc Kinh đang cố gắng phát triển các năng lực tạo thuận lợi cho việc « chiếm đảo Đài Loan hoặc sử dụng vũ lực », nhưng Mỹ cũng đang thực hiện các biện pháp để « tăng cường răn đe », bảo đảm Trung Quốc sẽ không thể dễ dàng tiến hành các hành động nói trên.
Đối với quan chức này, năm 2023 sẽ rất có thể sẽ là « năm bản lề về sự hiện diện quân sự của Mỹ trong vùng » và đó là điều chưa từng thấy từ một thế hệ nay.
Hôm thứ Ba, chính phủ Mỹ thông báo sẽ gia tăng quân số đóng ở Úc. Liên quan tới Nhật Bản, ông cho biết Mỹ rất quan tâm đến cuộc thảo luận đang diễn ra ở Tokyo để cho phép Nhật cải thiện năng lực phòng vệ, mang lại một « lợi ích lớn » cho liên minh Mỹ - Nhật.
Trong khi đó, theo Reuters, Hạ Viện Mỹ hôm 08/12 đã ủng hộ dự luật mở đường tăng ngân sách quốc phòng năm 2023 lên mức cao kỷ lục: 858 tỷ đô la.
Ukraina cáo buộc Nga đặt tên lửa trong nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia
Nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia. © Anissa El Jabri / RFI
Trọng Thành
Công ty Ukraina phụ trách nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia hôm 08/12/2022, báo động Nga đặt nhiều dàn tên lửa tấn công tại khu vực nhà máy điện hạt nhân, nằm ở bờ đông sông Dniepr. Thông tin được đưa ra vào lúc chiến sự diễn ra dữ dội tại nhiều khu vực hai bên bờ sông Dniepr, miền nam Ukraina.
Hãng tin Mỹ AP dẫn thông báo của công ty điện hạt nhân Ukraina Energoatom cho biết các lực lượng chiếm đóng Nga đã bố trí nhiều dàn phóng tên lửa Grad đa nòng gần một trong sáu lò phản ứng hạt nhân. Thông báo của Energoatom nhận định: các dàn tên lửa được đặt tại một ‘‘cấu trúc phòng vệ’’ mới mà phía Nga đã bí mật xây dựng, và việc này ‘‘vi phạm tất cả các quy định về an toàn bức xạ và hạt nhân’’.
Thông báo làm dấy lên lo ngại nhà máy điện nguyên tử lớn nhất châu Âu có thể được sử dụng làm căn cứ để tấn công các lực lượng Ukraina. Các bệ phóng tên lửa đa nòng Grad, thiết kế từ thời Liên Xô, có khả năng tấn công các mục tiêu ở cự ly 40 km (25 dặm). Theo Energoatom, các dàn tên lửa Grad này có thể giúp quân Nga tấn công vào các đơn vị Ukraina ở bờ Tây sông Dniepr.
Theo AP, tuyên bố nói trên của Energoatom hiện chưa được kiểm chứng độc lập. Cuối tháng 11, các chuyên gia Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế AIEA đã lưu ý hai kịch bản. Thứ nhất là lò phản ứng hạt nhân trực tiếp bị oanh kích, và kịch bản đáng sợ thứ hai, có xác suất cao hơn nhiều, là các khu vực chứa nhiên liệu hạt nhân, đã qua sử dụng hoặc chưa, bị tấn công, khiến các chất phóng xạ thoát ra ngoài.
Putin tuyên bố tiếp tục tấn công hạ tầng năng lượng dân sự của Ukraina
Theo AFP, tổng thống Nga Vladimir Putin tái khẳng định Quân Đội sẽ tiếp tục tấn công các cơ sở năng lượng của Ukraina. Lý do mà tổng thống Nga đưa ra là để trả đũa cho việc Kiev tấn công một số vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của Ukraina, hiện Nga kiểm soát, như bán đảo Crimée.
Một mặt thừa nhận tiếp tục tấn công vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraina, mặt khác ông Putin đã phản bác các chỉ trích của phương Tây, theo đó, các cuộc oanh kích của Nga trong những tuần qua đã khiến hàng triệu người dân Ukraina phải sống không điện, không nước, không năng lượng sưởi ấm trong lúc mủa đông lạnh giá. Phát biểu của tổng thống Nga được đưa ra trong một buổi lễ trao tặng huy chương cho quân nhân tại điện Kremlin.
Nhật, Anh và Ý hợp tác chế tạo phi cơ chiến đấu
Chiến đấu cơ của Tornado GR4 của Không Quân Hoàng Gia Anh. Ảnh minh họa cho hợp tác Anh, Nhật và Ý về một thế hệ chiến đấu cơ đời mới. AFP PHOTO / CROWN COPYRIGHT 2015 / SGT EMILY BURNS
Trọng Thành
Chính quyền ba nước Nhật, Anh, Ý thông báo phát triển chung một phi cơ chiến đấu thế hệ mới, dự kiến hoàn tất trước năm 2035. Theo Reuters, dự án có mục tiêu trước hết giúp Tokyo củng cố khả năng phòng vệ trước sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc.
Hãng tin Anh cho hay bộ Quốc Phòng ba nước đã ra một tuyên bố chung hôm nay 09/12/2022, khẳng định dự án GCAP (Global Combat Air Program) có mục tiêu ‘‘bảo vệ trật tự quốc tế tự do, mở và dựa trên luật pháp. Đây là điều quan trọng hơn bao giờ hết vào thời điểm mà các nguyên tắc nói trên đang bị thách thức, khi các mối đe dọa và gây hấn không ngừng gia tăng’’.
Reuters nhấn mạnh, đây là một hợp tác quốc tế lớn nhất về quốc phòng của Nhật Bản kể từ khi Thế Chiến Thứ Hai kết thúc, ngoài các hợp tác với Hoa Kỳ. Một giới chức quốc phòng Nhật cho AFP biết là loại phi cơ chiến đấu đời mới này được hy vọng sẽ có tính năng vượt trội so với các loại phi cơ F-35 của Mỹ và Eurofighter của châu Âu.
Dự án Nhật – Anh – Ý dựa trên cơ sở hợp nhất ba dự án quốc gia đã có của các hãng Mitsubishi Heavy Industries (Nhật), BAE Systems (Anh) và Leonardo (Ý). Bộ Quốc Phòng Nhật cũng cho biết nhà chế tạo tên lửa châu Âu MBDA tham gia vào dự án này. Theo chính phủ Anh, các nước khác cũng có thể tham gia.
Thông báo nói trên của chính phủ ba nước Nhật, Anh, Ý được đưa ra ít ngày sau khi Pháp, Đức và Tây Ban Nha đạt thỏa thuận phát triển máy bay chiến đấu SCAF, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2040.
Chiến tranh Ukraina : Điện Kremlin thừa nhận nguy cơ Crimée bị tấn công
Trực thăng chữa cháy sau vụ nổ trên cầu Kerch, nối Nga với bán đảo Crimée ngày 08/10/2022. AP
Thùy Dương
Điện Kremlin hôm 08/12/2022 thừa nhận bán đảo Crimée mà Nga chiếm của Ukraina hiện giờ « dễ bị tổn thương », có nguy cơ bị Ukraina tấn công. Thông báo của Kremlin được đưa ra chỉ 3 ngày sau khi 2 căn cứ không quân ở miền trung nước Nga bị tấn công bằng drone.
Từ Matxcơva, thông tín viên Anissa El Jabri cho biết thêm chi tiết :
« Chỉ mới vài ngày kể từ khi một video được đăng tải cho thấy Vladimir Putin lái xe trên cầu Kerch, những hình ảnh nhằm chứng minh rằng trục đường này đã được sửa chữa trong thời gian ngắn kỷ lục sau vụ tấn công hồi cuối tháng 10, một cú sốc thực sự đối với nước Nga.
Thế nhưng, hôm qua lại có thêm một drone bị hạm đội Nga tại Sebastopol bắn hạ ở bán đảo Crimée. Sebastopol là địa điểm biểu tượng cho hạm đội Hắc Hải của Nga. Lần đầu tiên phát ngôn viên điện Kremlin đã phải thừa nhận rằng đang có một điều gì đó xảy ra ở Crimée : « Chắc chắn có những nguy cơ, bởi vì phía Ukraina vẫn duy trì đường lối tổ chức các cuộc tấn công khủng bố. Tuy nhiên, việc bắn hạ drone cho thấy các biện pháp hiệu quả đã được thực hiện để chống lại họ ».
Từ vài tháng nay, bán đảo Crimée được đặt trong tình trạng báo động vàng, mức báo động thấp nhất. Tuy nhiên, hiện giờ nhiều chiến hào và công sự đang được dựng lên ở Crimée, tương tự như ở các vùng Belgorod và Koursk dọc biên giới với Ukraina. Thống đốc của các vùng này hôm thứ Tư đã thông báo lập lực lượng dân quân phòng vệ ».
Cũng ngày 08/12/2022 Cơ quan an ninh Nga (FSB) thông báo bắt giữ hai người dân Sebastopol bị tình nghi là đã chuyển cho Ukraina thông tin về các cơ sở quân sự của Nga.
Ả Rập Xê Út và Trung Quốc nâng cấp quan hệ lên hàng đối tác chiến lược toàn diện
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và hoàng thái tử Ả Rập Xê Út, M. Ben Salman- Riyad ngày 08/12/2022 AP - Untitled
Thu Hằng
Trung Quốc và Ả Rập Xê Út đã nâng cấp quan hệ song phương. Ngày 08/12/2022, quốc vương Salman và chủ tịch Tập Cận Bình ký thỏa thuận hợp tác đối tác chiến lược toàn diện. Nguyên thủ Trung Quốc hoan nghênh « một kỷ nguyên mới » trong quan hệ với chính quyền Riyad và các nước Vùng Vịnh.
Trong một bài xã luận đăng trên truyền thông Ả Rập Xê Út, ông Tập Cận Bình đánh giá chuyến công du của ông mang tính « tiên phong » để « mở ra một kỷ nguyên mới trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và thế giới Ả Rập vùng Vịnh và Ả Rập Xê Út ». Ông khẳng định hai bên « sẽ tiếp tục đề cao nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ » của nhau. Hoàng thái tử Mohammed Ben Salman, bị Mỹ chỉ trích đứng sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, cũng phản đối « mọi can thiệp vào chuyện nội bộ Trung Quốc nhân danh bảo vệ nhân quyền » khi trả lời đài truyền hình Trung Quốc CCTV.
Trong ngày làm việc thứ hai của ông Tập Cận Bình, các doanh nghiệp Trung Quốc và Ả Rập Xê Út đã ký 34 hợp đồng. Dù tổng trị giá không được công bố chính thức nhưng giới chuyên gia thẩm định vào khoảng 30 tỉ đô la. Trước đó, bộ trưởng Năng Lượng Ả Rập Xê Út khẳng định Riyad luôn là đối tác năng lượng « đáng tin cậy »của Bắc Kinh. Hai bên sẽ tăng cường hợp tác về các chuỗi cung ứng năng lượng thông qua việc lập một trung tâm cấp vùng tại Ả Rập Xê Út cho các nhà máy Trung Quốc.
Theo Reuters, tập đoàn công nghệ Hoa Vi, chuyên về đám mây điện toán và xây dựng đô thị công nghệ cao, đã ký biên bản ghi nhớ tham gia xây dựng mạng 5G tại phần lớn các nước vùng Vịnh, cho dù Hoa Kỳ quan ngại.
Ngày 09/12, chủ tịch Trung Quốc lần lượt tham dự hai cuộc họp thượng đỉnh. Cuộc họp thứ nhất với 6 nước Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh và cuộc họp thứ hai với lãnh đạo các nước Ả Rập trong vùng. Dù lịch trình không được công bố nhưng giới phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ thảo luận về thỏa thuận tự do thương mại với khu vực, bị đình trệ từ gần 20 năm nay.
Đài truyền hình Trung Quốc CCTV trích phát biểu của ông Tập Cận Bình : « Trung Quốc nóng lòng làm việc với Ả Rập Xê Út và các nước Ả Rập để biến hai thượng đỉnh này thành những sự kiện quan trọng trong lịch sử quan hệ Trung Quốc - Ả Rập Xê Út và quan hệ giữa Trung Quốc và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét