(Hình: Người băng qua đường dưới mưa lớn ở Los Angeles, California, hôm 25 Tháng Mười, 2021.) Tiểu Bang Nắng Ấm, Nhưng Lại Có Một Cuối Tuần Lạnh Lẽo Ướt Át! Mưa To, Gió Lớn Vùi Dập Tan Tác Cả 2 Miền Nam Bắc California! – Mưa lớn và gió mạnh đã vùi dập nhiều nơi ở Nam bắc California những ngày cuối tuần này, khi bão mùa Đông từ Tây Bắc Thái Bình Dương ập tới, Sở Khí Tượng Quốc Gia (NWS) dự báo, theo nhật báo The Orange County Register hôm Thứ Bảy, 10 Tháng Mười Hai.
“Mưa rào có đã bắt đầu tối Thứ Sáu, nhưng dường như phần lớn trận mưa sẽ xảy ra vào Thứ Bày, Chủ Nhật, khi đợt lạnh quét qua khắp vùng này,” NWS cho hay. “Mưa dự trù rải đều hầu hết các nơi và chỉ nặng ở mỗi nơi gần thời gian đợt lạnh đi qua.”
NWS công bố lệnh báo động ngập lụt từ tối Thứ Bảy tới chiều Chủ Nhật, chủ yếu bên trong vùng đèo San Gorgonio và quanh sườn núi trong Rừng Quốc Gia San Bernardino, “nơi nước mưa quá nhiều có thể khiến sông suối cũng như khu vực thấp vốn dễ ngập sẽ bị ngập.”
NWS cũng công bố lệnh báo động gió mạnh từ 6 giờ sáng Thứ Bảy tới 10 giờ tối Chủ Nhật, lưu ý rằng gió Tây Nam có thể mạnh 15 tới 25 mph, vài nơi có thể 50 tới 70 mph.
Theo biểu đồ dự báo NWS, phần lớn đợt thời tiết xấu này ở Nam Bắc California sẽ xảy ra vào Thứ Bảy, Chủ Nhật, và ảnh hưởng nhẹ kéo dài sang Thứ Hai, chủ yếu trên vùng núi cao.
“Tuyết chủ yếu rơi ở độ cao 6,500 foot trở lên, nhưng vài nơi thấp hơn, từ 4,000 tới 6,000 foot, cũng có thể có tuyết, đến hết Thứ Hai,” NWS dự báo. “Mưa rào sẽ rải rác hơn sau đợt lạnh này đến tối Thứ Hai.”
Sau đó, nhiệt độ sẽ giảm đột ngột. Nhiệt độ cao nhất vùng đô thị Riverside còn khoảng 55 vào Chủ Nhật và ngay trên 50 vào Thứ Hai rồi giữ dưới 60 đến hết tuần, theo NWS. Nhiệt độ thấp nhất sẽ tụt xuống còn 30-40 tối Chủ Nhật rồi giữ dưới 40 đến cuối tuần. Mưa gió ẩm ướt rất đễ bị bịnh. Xin lưu ý về sức khỏe!
Nhắc Nhở Phòng Ngừa Sức Khỏe Mùa Đông! FDA Mỹ Cho Phép Chích Mũi Vaccine Cải Tiến Cho Trẻ Từ 6 Tháng Tuổi!
- Cơ quan quản lý dược phẩm của Mỹ cho phép đưa vào sử dụng vaccine COVID-19 cải tiến của hãng Moderna và Pfizer/BioNTech nhắm vào cả chủng virus corona nguyên thủy và các biến thể phụ của Omicron nơi trẻ em từ 6 tháng tuổi.
Ngày 8/12/2022, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho phép sử dụng vaccine cải tiến của Moderna làm mũi chích tăng cường cho trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi, hai tháng sau kỳ chích ngừa đầu.
Vaccine cải tiến của Pfizer/BioNTech giờ có thể được chích như liều thứ ba cho những trẻ em từ 6 tháng đến 4 tuổi chưa hoàn tất loạt chích ngừa cơ bản hoặc chưa chích mũi thứ ba.
FDA nói những trẻ em đã hoàn tất chích 3 mũi vaccine đầu của Pfizer vẫn chưa đủ điều kiện để chích mũi vaccine cải tiến này.
Vẫn theo FDA, dữ liệu củng cố cho việc sử dụng vaccine cải tiến của Pfizer/BioNTech làm mũi chích tăng cường nơi nhóm tuổi này dự kiến sẽ có vào tháng 1.
Vaccine cho độ tuổi nhỏ nhất ở Mỹ chỉ mới được chấp thuận vào tháng 6 năm nay, khiến các em trở thành nhóm tuổi cuối cùng đủ điều kiện chích ngừa.
Dữ liệu của chính phủ cho thấy chỉ có 2,7% trẻ em dưới hai tuổi và dưới 5% trẻ em từ hai đến bốn tuổi đủ điều kiện đã hoàn tất đợt chích ngừa cơ bản, tính đến ngày 30 tháng 11, cho thấy tỉ lệ chích vaccine ban đầu ở trẻ nhỏ còn chậm.
Vaccine của Moderna dành cho trẻ em dưới 6 tuổi là hai liều, 25 microgam, các mũi chích cách nhau khoảng bốn tuần. Vaccine của Pfizer/BioNTech dành cho nhóm tuổi nhỏ nhất có liều thấp hơn, chích 3 mũi trong khoảng thời gian ít nhất 11 tuần.
Nhìn chung, 39,7 triệu người ở Mỹ đã chích mũi vaccine cải tiến, tính đến ngày 30 tháng 11, theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ.
Chú Ý! Đừng Coi Thường, Vào Mùa Lễ Cuối Năm, Năm Nào Cũng Có Ít Nhất gần 5 Ngàn Người Chết! Cư dân California cần đề phòng cẩn thận và điều trị COVID-19 vào mùa Đông! (Lời Khuyên Của Nhiều Bác Sĩ)
(Thiện Lê/NV)
– Mùa lễ cuối năm vào mùa Đông thường dẫn đến những đợt bùng phát của dịch COVID-19. Mặc dù các bệnh viện và các cơ quan y tế đã có phương thức điều trị để giúp người bệnh tránh nhiều nguy hiểm, nhưng chuyên gia y tế khuyên điều quan trọng là ở mỗi cư dân cần bảo vệ sức khỏe mình.
(Hình: Mùa Đông dễ dẫn đến các đợt bùng phát COVID-19)
Để giúp cư dân bảo vệ sức khỏe, Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) tổ chức buổi thảo luận về những cách điều trị cho người lớn, cho thiếu niên, và những cách để cư dân được điều trị sớm để tránh nguy hiểm.
Buổi thảo luận có sự tham dự của các chuyên gia y tế ở California, trong đó có đại diện của Bộ Y Tế California.
Ngoài ra, Bộ Y Tế California còn đưa ra những thông số để nói lên sự khác biệt về số người được điều trị trong các cộng đồng khác nhau.
Diễn giả đầu tiên là Bác Sĩ Rita Nguyễn, giới chức y tế California, đưa ra những cách đề phòng và điều trị COVID-19 trong mùa Đông.
Theo bà, những bước để đề phòng là đeo khẩu trang, xét nghiệm, chích ngừa và cuối cùng là điều trị nếu nhiễm COVID-19. Đây là lần đầu tiên trong ba năm mà cư dân có thể dễ dàng được điều trị khi nhiễm.
(Hình: Bác Sĩ Rita Nguyễn (trái) và Dân Biểu Jasmeet Kaur Bains.)
Bộ Y Tế California đưa ra năm cách phòng chống dịch bệnh vào mùa Đông gồm:
1-Chích ngừa và chích các mũi tăng cường.
2-Nên ở nhà nếu cảm thấy không khỏe và đi xét nghiệm COVID-19.
3-Đeo khẩu trang.
4-Rửa tay thường xuyên.
5-Che miệng lại khi ho hay hắt xì.
Bộ Y Tế California cho biết những cách điều trị COVID-19 hoàn toàn miễn phí và rất hiệu quả, gồm có thuốc uống tại nhà hoặc bơm thẳng vào người như truyền nước biển. Cơ quan này khuyến cáo cư dân nên điều trị trong vòng năm đến bảy ngày sau khi thấy triệu chứng và không nên đợi đến khi triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Với cách điều trị chống virus, các virus trong người một bệnh nhân không thể nhân bản được và không lây lan đến nhiều tế bào được, giúp người nhiễm xét nghiệm âm tính sớm hơn.
Biết điều trị sớm sẽ giúp người nhiễm không bệnh nặng, tránh tình trạng nhập viện hay thậm chí chết vì nhiễm COVID-19.
Bác Sĩ Rita Nguyễn khuyến cáo những người chưa chích ngừa, những người từ 50 tuổi trở lên, và những người bị các bệnh như cao áp huyết hay tiểu đường nên sử dụng các phương thức điều trị COVID-19.
Để được điều trị, cư dân California có thể liên lạc với bác sĩ hoặc trung tâm điều trị khẩn cấp, hay có thể liên lạc đường dây nóng về COVID-19 của tiểu bang qua số điện thoại (833) 422-4255.
(Hình: Người cao niên luôn phải đề phòng và tìm cách điều trị COVID-19.)
Diễn giả thứ hai là bà Jasmeet Kaur Bains, bác sĩ và dân biểu California Địa Hạt 35.
Dân Biểu Bains cho biết trong nhiều năm trong ngành y tế, việc giúp người dân dễ nhận được các dịch vụ y tế vô cùng quan trọng, nhất là tại các vùng hẻo lánh, và đặc biệt là giúp người dân nhận được thông tin nhiều hơn.
Theo bà, trong hai năm đại dịch, cư dân tại các vùng hẻo lánh không lấy được thông tin dễ như các khu đô thị, mà chỉ lấy thông tin từ bác sĩ hoặc qua truyền miệng trong cộng đồng.
Diễn giả thứ ba là Bác Sĩ Wynnelena Canio, bác sĩ lão khoa của Kaiser Permanente và cố vấn về người cao niên California.
Bà cho biết số người cao niên chết vì COVID-19 đang giảm rất nhiều trong một năm vừa qua, và người từ 65 tuổi trở lên từng chiếm đến 90% số người Mỹ chết vì đại dịch.
Bác Sĩ Canio cho hay nhiều người lớn tuổi không còn khỏe mạnh như trước sau khi xuất viện, trở nên gầy ốm hơn và phải dựa dẫm vào người khác để sống, thậm chí có nhiều người sống như người khuyết tật.
Nhờ những cách điều trị COVID-19 mới, người lớn tuổi có thể tránh được những triệu chứng lâu dài, và bà Canio khuyến cáo gia đình nên đưa người cao niên đi khám sớm nếu thấy có triệu chứng nhẹ.
(Hình: Từ trái, Bác Sĩ Wynnelena Canio, Bác Sĩ Oliver Brooks và Bác Sĩ Daniel Turner-Lloveras.)
Diễn giả thứ tư là Bác Sĩ Oliver Brooks, giám đốc y tế của Watts Healthcare ở Los Angeles, cho biết các cộng đồng gặp nghèo khó vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc nhận thông tin và các phương thức điều trị COVID-19. Các lý do dẫn đến điều đó gồm có kỳ thị và tình hình tài chính của các cộng đồng đó.
Diễn giả cuối cùng là Bác Sĩ Daniel Turner-Lloveras, tổng giám đốc Liên Đoàn Sức Khỏe Công Bằng Latino, nhấn mạnh sự quan trọng của công nghệ đối với các cộng đồng khó khăn như người Latino.
Vì nhiều cộng đồng vẫn còn nhiều khó khăn về công nghệ, nên họ không dễ dàng lấy thông tin về COVID-19 như cách phòng chống, nơi xét nghiệm, chích ngừa hay các cách điều trị.
Giải Vô Địch Bóng Tròn Thế Giới (World Cup) Tiếp Theo Sẽ Tăng Lên 48 Đội. Nhiều Hơn Có Tốt Hơn?
(Hình: Các đội Âu Châu và Nam Mỹ thống trị các vị trí nhất nhì World Cup trong gần 100 năm qua.)
Giải Vô địch Túc cầu Thế giới (World Cup) tiếp theo sẽ là giải đấu lớn nhất từ trước đến nay, Liên đoàn Túc cầu Thế giới (FIFA) đã quyết định tăng mạnh số đội tham gia, từ 32 đội lên 48 đội vào năm 2026.
Điều đó đồng nghĩa là nhiều đội bóng được gọi là “các đội nhỏ” không đến được Qatar năm nay sẽ có cơ hội hiếm hoi trong đời khi giải đấu được tổ chức ở ba nước đồng chủ nhà là Hoa Kỳ, Gia Nã Ðại và Mễ Tây Cơ.
Tuy nhiên, đối với mọi người, chưa chắc nhiều hơn thì tốt hơn.
“Điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ phải tìm thêm 16 đội giỏi nữa”, Arsene Wenger, Giám đốc Phát triển Túc cầu Toàn cầu của FIFA, nói. Ông là nhân vật trung tâm trong việc biến World Cup 48 đội thành hiện thực.
FIFA vẫn đang quảng bá việc mở rộng này là sự nâng cấp và là điều tốt cho môn thể thao toàn cầu này. Tất cả các châu lục sẽ có nhiều suất tham gia hơn và FIFA cho rằng việc mở rộng thêm các suất tranh tài túc cầu cho 211 nước hoặc vùng lãnh thổ thành viên của FIFA sẽ có tác động vượt ra ngoài khuôn khổ của các đội, với triển vọng là sẽ có nhiều khán giả xem TV hơn cũng như có thêm nhiều trẻ em được truyền cảm hứng chơi túc cầu trên toàn cầu.
Tuy nhiên, việc mở rộng có thể không ảnh hưởng nhiều đến kết quả cuối cùng của World Cup.
Cho đến nay, các đội Âu Châu và Nam Mỹ đã giành được toàn bộ 21 cúp vô địch World Cup, với Âu Châu đoạt cúp 12 lần và 9 lần thuộc về Nam Mỹ. Chưa có đội bóng nào của châu lục khác lọt vào trận chung kết trong lịch sử gần 100 năm của World Cup. Trong số 84 đội lọt vào bán kết, 82 đội là của Âu Châu hoặc Nam Mỹ. Hoa Kỳ vào năm 1930 và Nam Hàn vào năm 2002 là hai trường hợp ngoại lệ hiếm hoi.
Tuy nhiên, một giải World Cup có nhiều đội hơn sẽ mang đến những cơ hội thúc đẩy các lợi ích rõ ràng cho FIFA
Theo FIFA, có hơn 3,5 tỉ người, tức hơn một nửa dân số thế giới, đã xem World Cup 2018 ở Nga và tổ chức túc cầu này đã có được doanh thu kỷ lục 7,5 tỉ Mỹ kim từ các thỏa thuận thương mại gắn với World Cup Qatar.
Đó là những con số đó thu được từ một giải đấu gồm 32 đội, như vậy, giải đấu gồm 48 đội mang lại cơ hội rõ ràng cho việc lôi cuốn thêm nhiều người hơn ở nhiều nơi hơn đến với khát vọng về World Cup.
Tin Quốc Tế Đó Đây
Liên Hiệp Quốc: Quân Đội Nga Sát Hại Dã Man 441 Thường Dân Ukraine Ngay Đầu Cuộc Chiến!
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay theo báo cáo của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, công bố hôm 8/12/2022, quân đội Nga đã sát hại ít nhất 441 thường dân trong những ngày đầu xâm lăng Ukraine. Có 57 trường hợp hành quyết không cần xét xử. Các chứng cứ thu thập được tại nhiều khu vực, có thể cấu thành “tội ác chiến tranh”.
Theo thông tấn xã Reuters, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã thu thập bằng chứng tại 102 thành phố và làng mạc, chủ yếu tại các khu vực quân Nga từng chiếm đóng như vùng Kyiv, Tchernihiv và Soumy, từ cuối tháng Hai đến đầu tháng Tư.
Báo cáo chỉ ra rằng 341 người đàn ông, 72 phụ nữ và 28 trẻ em đã bị sát hại. Cái chết của 100 người đã được điều tra đầy đủ. 57 trong số họ được cho là chết vì hành quyết không qua xét xử, 30 người chết trong lúc bị giam giữ.
Trong một thông cáo, cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc, ông Volker Turk, cho biết “có những yếu tố chắc chắn chỉ ra rằng các vụ hành quyết không xét xử, được ghi lại trong báo cáo, cấu thành tội ác chiến tranh, cố ý giết người”.
Báo cáo cũng cho biết “phần lớn những nạn nhân trở thành mục tiêu khi đang trên đường đi làm, mang thức ăn tới cho người khác, hoặc đi thăm hàng xóm người thân, hay là đang cố gắng chạy trốn khỏi vùng chiến sự”. Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Nga chưa đưa ra bình luận gì về kết quả của báo cáo này.
Về tình hình chiến sự tại Ukraine, thông tấn xã Reuters trích dẫn Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky cáo buộc Nga ngày 7/12, đã pháo kích vào nhiều tòa nhà tại Kurakhove, thành phố miền Đông Ukraine. Ít nhất 6 người đã thiệt mạng. Trong khi đó, lãnh đạo Nga Vladimir Putin cho biết đã huy động 150.000 lính dự bị đến chiến trường Ukraine, chiếm một nửa số quân nhân được tuyển trong lệnh động viên một phần vừa qua.
Tổng Thống Nga Hăm dọa: Chiến Tranh Ukraine Sẽ Còn “Kéo Dài!”
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay khi phát biểu qua cầu truyền hình hôm 7/12/2022 với Hội đồng Nhân quyền Nga, một tổ chức hoàn toàn lệ thuộc vào Ðiện Cẩm Linh, Tổng thống Vladimir Putin báo trước xung đột Ukraine là một “tiến trình dài hơi”. Trong phát biểu ông Putin giảm thiểu nguy cơ sử dụng vũ khí nguyên tử.
Một ngày sau khi triệu tập cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia để đối phó với các đợt tấn công bằng drone nhắm vào các căn cứ Không quân trên lãnh thổ Nga, Tổng thống Vladimir Putin họp qua cầu truyền hình với Hội đồng Nhân quyền Nga.
Hãng tin Pháp ghi nhận, chủ nhân Ðiện Cẩm Linh một lần nữa giải thích về việc xua quân sang Ukraine, bác bỏ những cáo buộc Nga xâm chiếm lãnh thổ của Ukraine, cho dù trong 9 tháng qua, một số “phần đất mới đã được sáp nhập vào nước Nga” và biển Azov “đã trở thành ao nhà”. Ông Putin nhắc lại chiến dịch quân sự đặc biệt Mạc Tư Khoa khởi động từ ngày 24/2/2022 nhằm “bảo vệ cộng đồng Nga tại Ukraine bị Kyiv và phương Tây đe dọa”. Về đợt động viên 300.000 lính dự bị hồi tháng 9 vừa qua, Mạc Tư Khoa xác nhận một nửa trong số này đã được điều ra chiến trường.
Tuy nhiên điểm quan trọng nhất trong phát biểu hôm qua, Vladimir Putin coi vũ khí nguyên tử là “công cụ để tự vệ” và Nga sẽ không là quốc gia đầu tiên sử dụng loại vũ khí này. Theo thông tín viên thường trực của RFI tại Nga, Anissa El Jabri đây là một khác biệt rất lớn so với diễn văn hôm 21/9/2022 khi Mạc Tư Khoa loan báo lệnh động viên lính dự bị:
“Không phải là trò đùa. Lần gần đây nhất Vladimir Putin mang vũ khí nguyên tử ra để hù dọa là nhân phát biểu của ông hôm 21/9. Bài diễn văn đó đã được phát đi vào buổi sáng giờ Mạc Tư Khoa, vào buổi tối giờ ở Vladivostok để cả nước cùng được biết là tình hình chiến sự leo thang và Tổng thống Nga đã phải ban hành lệnh động viên quân dự bị. Khi đó ông tuyên bố, Mạc Tư Khoa sẽ sử dụng vũ khí nguyên tử, xin trích, ‘trong trường hợp toàn vẹn lãnh thổ của Nga bị đe dọa’.
Từ đó đến nay, Nga đã rút quân khỏi Kherson, làm hạ nhiệt tình hình. Trong bài phát biểu hôm qua Tổng thống Putin trấn an rằng nước Nga sẽ không là bên đầu tiên dùng vũ khí nguyên tử. Ông nói: ‘Chúng ta không điên rồ. Chúng ta ý thức được rằng thế nào là vũ khí nguyên tử. Nga có những phương tiện đó. Đấy là những công cụ hiện đại nhất, tối tân nhất, như bất kỳ một quốc gia nào làm chủ loại vũ khí này trong tay. Đây là điều hiển nhiên. Đây là một công cụ răn đe, một phương tiện tự vệ’.
Vladimir Putin luôn có thói quen đưa ra những tuyên bố mập mờ, vì tiếp theo đó ông đánh giá: ‘Mối đe dọa một cuộc chiến nguyên tử đang lớn dần’ và như thường lệ, Tổng thống Nga đã quy trách nhiệm cho phương Tây”.
Mỹ lập tức chỉ trích Tổng thống Nga. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price hôm 7/12 lên án Mạc Tư Khoa “vô trách nhiệm” với những “tuyên bố hời hợt về vũ khí nguyên tử”.
Về phần Thủ tướng Đức, Olaf Scholz thì đã trông thấy điểm tích cực trong thái độ của Nga. Bá Linh cho rằng cộng đồng quốc tế đã “vạch ra một lằn ranh đỏ” cho phép “giảm thiểu nguy cơ Mạc Tư Khoa sử dụng vũ khí nguyên tử trong xung đột Ukraine”. Trả lời báo chí, Thủ tướng Đức khẳng định “Trước mắt đã có một thay đổi: Liên Bang Nga ngừng đe dọa sử dụng vũ khí nguyên tử”.
Ukraine Cáo Buộc Nga Đặt Phi Đạn Trong Nhà Máy Điện Nguyên Tử Zaporijjia!
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tổng hợp tin của các hãng thông tấn quốc tế cho hay hôm 8/12/2022, Công ty Ukraine phụ trách nhà máy điện nguyên tử Zaporijjia báo động Nga đặt nhiều dàn phi đạn tấn công tại khu vực nhà máy điện nguyên tử, nằm ở bờ đông sông Dniepr. Thông tin được đưa ra vào lúc chiến sự diễn ra dữ dội tại nhiều khu vực hai bên bờ sông Dniepr, miền Nam Ukraine.
Hãng tin Mỹ AP dẫn thông báo của công ty điện nguyên tử Ukraine Energoatom cho biết các lực lượng chiếm đóng Nga đã bố trí nhiều dàn phóng phi đạn Grad đa nòng gần một trong sáu lò phản ứng nguyên tử. Thông báo của Energoatom nhận định: các dàn phi đạn được đặt tại một “cấu trúc phòng vệ” mới mà phía Nga đã bí mật xây dựng, và việc này “vi phạm tất cả các quy định về an toàn bức xạ và nguyên tử”.
Thông báo làm dấy lên lo ngại nhà máy điện nguyên tử lớn nhất Âu Châu có thể được sử dụng làm căn cứ để tấn công các lực lượng Ukraine. Các bệ phóng phi đạn đa nòng Grad, thiết kế từ thời Liên Xô, có khả năng tấn công các mục tiêu ở cự ly 40 cây số (25 dặm). Theo Energoatom, các dàn phi đạn Grad này có thể giúp quân Nga tấn công vào các đơn vị Ukraine ở bờ Tây sông Dniepr.
Theo hãng thông tấn AP, tuyên bố nói trên của Energoatom hiện chưa được kiểm chứng độc lập. Cuối tháng 11, các chuyên gia Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế AIEA đã lưu ý hai kịch bản. Thứ nhất là lò phản ứng nguyên tử trực tiếp bị oanh kích, và kịch bản đáng sợ thứ hai, có xác suất cao hơn nhiều, là các khu vực chứa nhiên liệu nguyên tử, đã qua sử dụng hoặc chưa, bị tấn công, khiến các chất phóng xạ thoát ra ngoài.
Theo thông tấn xã AFP, Tổng thống Nga Vladimir Putin tái khẳng định Quân Đội sẽ tiếp tục tấn công các cơ sở năng lượng của Ukraine. Lý do mà Tổng thống Nga đưa ra là để trả đũa cho việc Kyiv tấn công một số vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của Ukraine, hiện Nga kiểm soát, như bán đảo Crimea.
Một mặt thừa nhận tiếp tục tấn công vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, mặt khác ông Putin đã phản bác các chỉ trích của phương Tây, theo đó, các cuộc oanh kích của Nga trong những tuần qua đã khiến hàng triệu người dân Ukraine phải sống không điện, không nước, không năng lượng sưởi ấm trong lúc mủa đông lạnh giá. Phát biểu của Tổng thống Nga được đưa ra trong một buổi lễ trao tặng huy chương cho quân nhân tại Ðiện Cẩm Linh.
Chiến Tranh Ukraine: Ðiện Cẩm Linh Thừa Nhận Nguy Cơ Crimea Bị Tấn Công
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 8/12/2022, Ðiện Cẩm Linh thừa nhận bán đảo Crimea mà Nga chiếm của Ukraine hiện giờ “dễ bị tổn thương”, có nguy cơ bị Ukraine tấn công.
Thông báo của Ðiện Cẩm Linh được đưa ra chỉ 3 ngày sau khi 2 căn cứ Không quân ở miền Trung nước Nga bị tấn công bằng drone. Từ Mạc Tư Khoa, thông tín viên Anissa El Jabri của Đài RFI cho biết thêm chi tiết:
“Chỉ mới vài ngày kể từ khi một video được đăng tải cho thấy Vladimir Putin lái xe trên cầu Kerch, những hình ảnh nhằm chứng minh rằng trục đường này đã được sửa chữa trong thời gian ngắn kỷ lục sau vụ tấn công hồi cuối tháng 10, một cú sốc thực sự đối với nước Nga.
Thế nhưng, hôm qua lại có thêm một drone bị hạm đội Nga tại Sebastopol bắn hạ ở bán đảo Crimea. Sebastopol là địa điểm biểu tượng cho hạm đội Hắc Hải của Nga. Lần đầu tiên phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh đã phải thừa nhận rằng đang có một điều gì đó xảy ra ở Crimea: “Chắc chắn có những nguy cơ, bởi vì phía Ukraine vẫn duy trì đường lối tổ chức các cuộc tấn công khủng bố. Tuy nhiên, việc bắn hạ drone cho thấy các biện pháp hiệu quả đã được thực hiện để chống lại họ”.
Từ vài tháng nay, bán đảo Crimea được đặt trong tình trạng báo động vàng, mức báo động thấp nhất. Tuy nhiên, hiện giờ nhiều chiến hào và công sự đang được dựng lên ở Crimea, tương tự như ở các vùng Belgorod và Koursk dọc biên giới với Ukraine. Thống đốc của các vùng này hôm thứ Tư đã thông báo lập lực lượng dân quân phòng vệ”.
Cũng ngày 8/12, Cơ quan An ninh Nga (FSB) thông báo bắt giữ 2 người dân Sebastopol bị tình nghi là đã chuyển cho Ukraine thông tin về các cơ sở quân sự của Nga.
Tầm Quan Trọng của Nhà Buôn Vũ Khí Viktor Bout Đối Với Nga
- Nhật báo thiên hữu Le Figaro ra ngày 9/12/2022 có bài viết nói về tầm quan trọng của nhà buôn vũ khí Viktor Bout, được đưa trở về Nga sau khi Mạc Tư Khoa và Hoa Thịnh Ðốn tiến hành trao đổi tù nhân.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hết sức hoan nghênh sự kiện này. Maria Butina người trước đây cũng bị kết án ở Hoa Kỳ vì tội gián điệp trước khi được trả tự do vào năm 2019 và sau đó được bầu vào Duma thì cho biết: “Cảm ơn Chúa rằng Viktor đang trở về quê hương của mình. Đất nước của chúng ta đã một lần nữa chứng minh rằng sẽ không bỏ rơi các công dân của mình”.
Là một người nói được nhiều ngôn ngữ, ông Bout bị nghi ngờ là đặc vụ Tình báo Quân đội Nga (GRU). Nhà phân tích quân sự Alexander Goltz giải thích rằng lý do chính khiến Nga muốn chuộc Bout vì ông ấy nắm rất nhiều thông tin, những âm mưu, đặc biệt xung quanh việc buôn bán vũ khí.
Người chống lưng cho ông Bout không ai khác chính là Igor Setchin, Phó Thủ tướng Nga đương nhiệm, một người thân cận với Vladimir Putin. Hai người họ gặp nhau vào những năm 1980 tại Mozambique khi cả hai cùng phục vụ trong quân đội Liên Xô.
Đặc biệt nhờ vào các mạng lưới kết nối tốt của mình trong Ðiện Cẩm Linh mà Bout, dù bị lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc và là mục tiêu của lệnh truy nã quốc tế, nhân vật này đã nhiều lần thoát được sự trừng phạt của pháp luật cho đến khi bị bắt vào cuối năm 2008 tại Thái Lan. Sau khi dẫn độ ông ta sang Hoa Kỳ vào năm 2010, Tư pháp Mỹ đã đề nghị ông ta làm chứng chống lại Mạc Tư Khoa, điều mà Viktor Bout đã từ chối làm.
EU: Bảo Gia Lợi và Lỗ Ma Ni Bị Đối Xử Bất Công
- Báo Libération ra ngày 9/12/2022 có bài viết nói về việc Bảo Gia Lợi và Lỗ Ma Ni bị đối xử bất công. Một lần nữa, hai quốc này lại bị Hòa Lan và Áo phủ quyết không cho gia nhập khối Schengen. Hai nước đều là thành viên của Liên Hiệp Âu Châu (EU) từ năm 2007, giờ đây cảm thấy rằng bị đẩy xuống vị trí “quốc gia hạng hai”.
Nếu Áo cho biết rằng không muốn kết nạp Lỗ Ma Ni vào Schengen với lý do tỷ lệ nhập cư bất hợp pháp tại đây còn cao, thì Libération đặt câu hỏi tại sao Croatia, quốc gia mới gia nhập Liên Hiệp Âu Châu vào năm 2013, lại được bật đèn xanh, khi tỷ lệ nhập cư bất hợp pháp ở các nước vùng Balkan, trong đó có Croatia cũng cao không kém. Hơn nữa, Slovenia vẫn có kế hoạch duy trì kiểm soát biên giới với nước láng giềng bất chấp việc Zagreb gia nhập Schengen. Hòa Lan thì cáo buộc rằng nạn tham nhũng vẫn hoành hành ở Bảo Gia Lợi, thế nhưng vấn nạn này vẫn tồn tại ở những nước Đông Âu, Ý Ðại Lợi và Hy Lạp.
Tóm lại, tất cả những lý do nói trên không phải là những lý do chính đáng để ngăn cản Sofia và Bucharest gia nhập Schengen. Điều kiện thiết yếu để một nước gia nhập khối này là kiểm soát hiệu quả các biên giới bên ngoài Liên Hiệp Âu Châu. Điều này đòi hỏi một chính sách thị thực chung, các điều kiện nhập cảnh hài hòa, lấy dấu vân tay của những người xin tị nạn và hợp tác trao đổi thông tin của những người ra vào biên giới, tiến hành điều tra chung và tra dấu vết những kẻ bị truy nã hay cấm lưu trú.
Trên thực tế, Áo tuy có những thành viên thuộc đảng Xanh trong chính phủ của mình, nhưng Vienna đang phải đối mặt với các cuộc bầu cử địa phương cam go vào tháng Hai, còn Hòa Lan thì đang vật lộn với một phe cực hữu đang phát triển, quyết định ve vãn những cử tri theo chủ nghĩa dân túy, mà không hề màng gì về những thiệt hại gây ra ở hai quốc gia này. Họ quên mất rằng Bảo Gia Lợi và Lỗ Ma Ni đang là những đối tác rất đang tin cậy chống lại Nga, bất chấp kinh tế hai nước này đang phải hứng chịu nhiều tác động nặng nề từ sự bùng nổ giá năng lượng do phụ thuộc vào khí đốt và dầu mỏ của Nga.
Đức Cảnh Báo Về Nguy Cơ Đến Từ Phần Tử Cực Đoan Sau Âm Mưu Đảo Chính Bị Phá Vỡ
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay 1 Hoàng tử, nhiều cựu quân nhân lực lượng tinh nhuệ, một phụ nữ Nga và một nữ cựu Dân biểu cực hữu được coi là đầu não trong một âm mưu đảo chính tại Đức vừa bị triệt phá. Ngày 7/12/2022, khoảng 3.000 nhân viên an ninh đã được huy động, tiến hành hơn 130 vụ khám xét và thẩm vấn 25 người. Truyền thông đánh giá đây là chiến dịch có quy mô lớn chưa từng thấy của cảnh sát Đức.
Theo Chưởng lý chống Khủng bố Peter Frank, khi trả lời truyền thông Đức và được thông tấn xã AFP trích dẫn, mạng lưới trên được thành lập “muộn nhất là vào cuối năm 2021”, theo đuổi tư tưởng “Reichsbürger” (Công dân của Đế chế) và được tổ chức như một chính phủ thu nhỏ. Các bước chuẩn bị đảo chính “ở giai đoạn hoàn thiện”, dù chưa ấn định ngày tấn công vào Quốc hội Đức nhưng “chắc chắn là họ sẽ hành động”.
Truyền thông Đức đưa thông tin về một số nhân vật đầu não, gồm Hoàng tử Heinrich XIII, 71 tuổi, hậu duệ nhà Ruess ở tiểu bang Thuringen. Ông hiện là một doanh nhân và bị bắt ở Frankfurt. Một công dân Nga tên là “Vitalia B”, được báo chí Đức cho là bạn gái của Hoàng tử Heinrich XIII và được coi là trung gian để liên lạc với chính quyền Nga nhằm tìm kiếm ủng hộ. Ðiện Cẩm Linh đã bác bỏ mọi cáo buộc “Nga can thiệp” trong vụ này.
Tiếp theo là một cựu Trung tá, chỉ huy một tiểu đoàn lính Dù trong thập niên 1990, và là nhà sáng lập một Lực lượng Đặc biệt (KSK) của Quân đội Đức. Nhiều quân nhân khác tham gia âm mưu đảo chính, trong đó có một người vẫn tại chức và là thành viên của KSK. Ngoài ra còn có một nữ Thẩm phán, bà Birgit Malsack-Winkemann, từng là Dân biểu của đảng cực hữu AfD. Thông tín viên RFI Pascal Thibaut tại Bá Linh cho biết về phản ứng của công luận Đức:
“Nhìn chung các cơ quan truyền thông nhấn mạnh rằng mối nguy hiểm đối với nền Dân chủ tại Đức là rất ít nhưng không nên đánh giá thấp những sự việc như vậy. Nhật báo thiên tả “Taz” đưa tít: “Steinmeier vẫn là Tổng thống” về việc nguyên thủ Đức không bị lật đổ. Tuy nhiên, vẫn nhật báo đó viết trong một bình luận rằng “Đừng vội yên tâm. Cho đến giờ, xã hội chúng ta vẫn chưa tìm ra được cách đáp trả những xu hướng cực đoan đang xuất hiện. Mối nguy hiểm không biến mất sau chiến dịch hôm qua”.
Đối với tờ báo bảo thủ “Frankfurter Allgemeine”, thành công của lực lượng an ninh cho thấy những kẻ mưu phản bị cô lập đến chừng nào. Coi họ một cách nghiêm túc có lẽ tôn vinh họ quá mức. Việc đó giống như trò hề so với những kẻ cực hữu Mỹ đã tấn công điện Capitol.
Trong giới chính khách, Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser nói đến “sự hèn hạ của một mối đe dọa khủng bố”. Phát ngôn viên của Thủ tướng Olaf Scholz thì nhắc đến một “nhóm đặc biệt nguy hiểm có mục tiêu hủy hoại Nhà nước pháp quyền của chúng ta”.
Ngoài việc lên án, các nhà lãnh đạo hoan nghênh sự kiện mối nguy hiểm đã bị phá vỡ. Nhiều biện pháp triệt để hơn cũng đã được yêu cầu. Ủy Ban Quốc Phòng đã đưa vấn đề trên vào chương trình nghị sự, trong khi nhiều thành viên tại chức của Quân Đội cũng tham gia”.
Các nhà lãnh đạo của đảng cực hữu AfD, đang bị nghi ngờ vì vụ bắt giữ một cựu Dân biểu, hiện là Thẩm phán ở Bá Linh, đã lên án âm mưu của nhóm khủng bố. Tổ chức bảo vệ nhân quyền Amnesty International đánh giá rằng “các vụ bắt giữ trên cho thấy mối nguy hiểm của những học thuyết phân biệt chủng tộc, bài Do Thái và đi ngược với nhân quyền”.
Quốc Hội Peru Bãi Nhiệm Tổng Thống, Lập Tân Lãnh Đạo
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay nữ Tổng thống đầu tiên của Peru, bà Dina Boluarte, đang nỗ lực thành lập chính phủ mới ngay hôm 8/12/2022, một ngày sau khi cựu Tổng thống Pedro Castillo bị cách chức và bắt giữ về tội “đảo chính” khi thông báo muốn giải tán Quốc hội.
Theo thông tấn xã AFP, cựu Tổng thống Pedro Castillo đã nằm trong tầm ngắm của 6 cuộc điều tra liên quan đến tham nhũng. Để giữ ghế Tổng thống, ông Castillo đã thông báo giải tán Quốc hội ngày hôm qua. Tuy nhiên, Quốc hội do cánh hữu chiếm đa số, đã nhanh chóng họp lại và thông qua lệnh bãi nhiệm Tổng thống cánh tả vài tiếng đồng hồ sau đó, với lý do “không đủ khả năng về sức khỏe tinh thần”. Một cuộc điều tra khác cũng được mở ra để điều tra tội “phản nghịch” của ông Castillo.
Chỉ vài tiếng đồng hồ sau quyết định của Quốc hội, Phó Thủ tướng của Cộng hòa Peru, bà Dina Boluarte trở thành tân lãnh đạo và hoàn thành nốt nhiệm kỳ của Castillo, tức là đến tháng 7/2026. Trên Twitter, lãnh đạo 60 tuổi tố cáo “hành động đảo chính của Castillo đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chính trị ở Peru” và kêu gọi quốc gia đoàn kết.
Sự thay đổi lãnh đạo bất ngờ này đã khiến nhiều người tại thủ đô Lima xuống đường biểu tình. Thông tín viên RFI Juliette Chaignon tường trình:
“Khoảng 100 người cầm cờ, hò reo ủng hộ Pedro Castillo. Cuộc tụ tập diễn ra ngay cạnh đồn cảnh sát, nơi cựu Tổng thống được đưa đến sau khi bị bắt.
Trong đoàn biểu tình, nhiều người thắc mắc và phản đối một sự bất công: “Tôi đến để bày tỏ lòng ủng hộ Tổng thống bởi vì ông ấy đã làm những việc tốt đẹp cho đất nước”. “Bà Dina Boluarte đã phản bội ông ấy, đây là điều không thể chấp nhận được”. “Chúng tôi đã bầu chọn một vị Tổng thống là nông dân, thành viên công đoàn và là giáo viên. Cần phải tôn trọng nhiệm kỳ của ông ấy. Ông Castillo đã được bầu một cách rõ ràng, bởi nhân dân. Bởi vì ông ấy không có màu da ‘đúng’, không đến từ khu phố giàu có, phe đối lập luôn muốn lật đổ ông ta”.
Tại trung tâm thành phố, cảnh sát bảo vệ những cơ sở của chính quyền. Mặc dù đó là một ngày chính trị hỗn loạn nhưng các con phố ít bị khuấy động. Trước tòa án, một vài người cực đoan thuộc phe đối lập đã đến mừng cái mà họ gọi là chiến thắng: “Đầu tiên, chúng tôi xuống đường khi tên Tổng thống phạm pháp đó thông báo giải tán Quốc hội. Nhưng sau đó, họ đã lật đổ ông ấy. Castillo bị bắt là một điều tốt. Còn bây giờ, chúng tôi ăn mừng nhưng chúng tôi cũng tiếp tục đấu tranh. Bởi vì Dina Boluarte cũng không phải là lãnh đạo mà chúng tôi mong muốn”.
Tối hôm qua, Pedro Castillo vẫn bị tạm giam. Ông bị cáo buộc tội phản nghịch vì đã phá vỡ trật tự Hiến pháp”.
Anh, Ý Ðại Lợi và Nhật Bản Hợp Tác Chế Tạo Máy Bay Chiến Đấu Phản Lực
(Hình: Mô hình chiến đấu cơ mới ‘Tempest’ tại triển lãm hàng không Farnborough, Anh, 16/7/2018.)
- Ngày 9/12/2022, Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay Anh, Ý Ðại Lợi và Nhật Bản đang hợp nhất các dự án máy bay chiến đấu phản lực thế hệ tiếp theo của họ thành một chương trình đối tác mang tính đột phá liên châu lục Á-Âu. Đây là sự hợp tác công nghiệp quốc phòng lớn đầu tiên của Nhật Bản bên ngoài việc hợp tác với Hoa Kỳ kể từ Ðệ nhị Thế chiến.
Thỏa thuận này nhắm mục tiêu đưa một loại máy bay chiến đấu tiền tuyến tiên tiến vào hoạt động vào năm 2035 bằng cách kết hợp dự án Hệ thống Tác chiến Trên không Tương lai do Anh đứng đầu, còn có tên là Tempest, với chương trình F-X của Nhật Bản trong một liên doanh có tên là Chương trình Tác chiến Trên không Toàn cầu (GCAP), 3 quốc gia cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu (9/12).
Trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine và Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự xung quanh Nhật Bản và Đài Loan, thỏa thuận này có thể giúp Nhật Bản đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của nước láng giềng rộng lớn hơn và trao cho Anh vai trò an ninh to lớn hơn trong khu vực vốn là động lực chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, BAE Systems của Anh, Mitsubishi Heavy Industries của Nhật Bản và Leonardo của Ý Ðại Lợi sẽ dẫn đầu việc thiết kế máy bay, loại máy bay này sẽ có khả năng kỹ thuật số tiên tiến về trí tuệ nhân tạo và chiến tranh mạng.
Bộ cho biết thêm rằng nhà sản xuất phi đạn Âu Châu MBDA cũng sẽ tham gia dự án, cùng với nhà sản xuất hệ thống điện tử hàng không Mitsubishi Electric Corp. Rolls-Royce, IHI Corp và Avio Aero sẽ làm động cơ.
Tuy nhiên, ba quốc gia vẫn chưa thống nhất một số chi tiết về cách thức tiến hành dự án, bao gồm việc chia sẻ công việc và địa điểm lắp ráp, chế tạo.
Anh cho biết máy bay chiến đấu mới sẽ thay thế các máy bay chiến đấu Typhoon và bổ sung vào phi đội F-35 Lightning của nước này. Máy bay mới sẽ tương thích với các máy bay chiến đấu của các đối tác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Mỹ, nước cam kết bảo vệ cả 3 quốc gia nêu trên thông qua tư cách thành viên NATO và một Hiệp ước an ninh riêng với Nhật Bản, đã hoan nghênh thỏa thuận chung Âu Châu-Nhật Bản.
“Mỹ ủng hộ việc hợp tác an ninh và quốc phòng của Nhật Bản với các đồng minh và đối tác có cùng chí hướng, bao gồm cả Vương quốc Anh và Ý Ðại Lợi”, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trong một tuyên bố chung với Bộ Quốc phòng Nhật Bản.
Tin Việt Nam
Năm Người Thiệt Mạng Trong Đợt Mưa Lũ Đầu Tháng 1
(Hình: Người dân trên một chiếc xe 3 bánh tải đi qua vùng nước lũ ở Thừa Thiên-Huế năm 2020.)
- Vào ngày 7/12/2022, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia Việt Nam về Phòng/Chống Thiên tai thông báo và truyền thông nhà nước loan đi cho hay 3 người tại Thừa Thiên-Huế và 2 người ở Sóc Trăng thiệt mạng trong đợt mưa lũ trong những ngày vừa qua.
Ngoài số nạn nhân thiệt mạng, đợt mưa lũ gần nhất này cũng gây thiệt hại cho hàng ngàn héc-ta hoa màu tại những vùng mưa lũ hoành hành.
Vụ sạt lở bờ sông Cổ Chiên với chiều dài hơn 500 mét và sâu vào đất liền 200 mét, đoạn đi qua xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, khiến 13 căn nhà sụp xuống sông. Thiệt hại ước tính hàng chục tỉ đồng.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia Việt Nam về Phòng/Chống Thiên tai cảnh báo tình trạng lũ quét, sạt lở đất, rét đậm, rét hại tại các tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ; gió to, sóng lớn trên biển tại các tỉnh miền Trung.
Công An Long An Kêu Gọi Khai Báo Nếu Ai Bị Tịnh Thất Bồng Lai Lừa Về Từ Thiện
(Hình: Các bị cáo là thành viên của Tịnh thất Bồng Lai tại phiên tòa ngày 20/7/2022 ở Tòa án Nhân dân huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.)
- Vào chiều ngày 8/12/2022, Công an tỉnh Long An thông báo đang điều tra vụ “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” tại Tịnh Thất Bồng Lai, nay là Thiền Am Bên bờ Vũ Trụ. Cơ quan này kêu gọi ai cho rằng bản thân là bị hại trong vụ này hãy liên hệ với cơ quan điều tra để báo.
Truyền thông nhà nước dẫn thông báo vừa nêu của Công an Long An và nêu rõ thời hạn cho việc khai báo là 30 ngày kể từ ngày 8/12 khi chính thức có thông báo.
Công an Long An cáo buộc những người sinh sống tại Tịnh Thất Bồng Lai đã “giả chùa, giả sư, giả nơi nuôi dạy trẻ mồ côi để kêu gọi từ thiện với mục tiêu chiếm đoạt tài sản của những mạnh thường quân trong và ngoài nước”.
Vụ Tịnh Thất Bồng Lai thu hút chú ý của công luận vì thông tin từ hai phía trái ngược nhau.
Vào ngày 2 và 3/11 vừa qua, Tòa xử Phúc thẩm vụ án Tịnh Thất Bồng Lai theo cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Khoản 2, Điều 331 của Bộ luật Hình sự”.
Phiên Phúc thẩm được mở vì 6 người bị kết án trong phiên Sơ thẩm vào tháng 7/2022 kháng cáo kêu oan. Họ bị Tòa án Nhân dân huyện Đức Hòa kết án tổng cộng 23 năm và 6 tháng tù giam. Tội mà tòa nêu ra là nhiều bài viết, clip trên mạng xã hội Facebook và YouTube trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2021 của Tịnh Thất Bồng Lai có thông tin sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc, nhằm tuyên truyền, kích động xúc phạm uy tín của cơ quan Công an huyện Đức Hòa, xúc phạm Phật giáo, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của ông Trần Ngọc Thảo (tức Thượng tọa Thích Nhật Từ).
Tòa Phúc thẩm y án Sơ thẩm; theo đó, ông Lê Tùng Vân chịu mức 5 năm tù, 3 ông ông Lê Thanh Hoàn Nguyên và ông Lê Thanh Nhất Nguyên và ông Lê Thanh Trùng Dương cùng mức án 4 năm, và Lê Thanh Nhị Nguyên - 3 năm 6 tháng, và 3 năm đối với bà Cao Thị Cúc.
Khởi Tố, Tạm Giam Thêm Hai Người Trong Vụ Các “Chuyến Bay Giải Cứu”
(Hình: Hai người mới bị khởi tố: Lê Hồng Sơn (trái), Phạm Bá Sơn.)
- Hôm 8/12/2022, Bộ Công an thông báo việc khởi tố và bắt giữ 2 người liên quan đến vụ án “Đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong các “chuyến bay giải cứu” công dân thời kỳ đại dịch COVID-19.
Theo thông báo, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam và Lệnh khám xét đối với hai người này được Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đưa ra vào ngày 8/12.
Ông Lê Hồng Sơn (sinh năm 1975) – Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại, dịch vụ và Du lịch Bầu trời xanh (Blue Sky), bị bắt về tội “Đưa hối lộ” theo Điều 364 Bộ luật Hình sự.
Ông Phạm Bá Sơn (sinh năm 1983) – lao động tự do – bị bắt về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, vào ngày 4/12, Bộ Công an cũng thông báo việc khởi tố điều tra về tội nhận hối lộ trong cùng vụ án đối với các ông: Vũ Ngọc Minh - nguyên cán bộ Tòa Ðại sứ Việt Nam tại Angola; Lý Tiến Hùng - nguyên cán bộ Tòa Ðại sứ Việt Nam tại Nga, hiện là chuyên viên Vụ Khoa học-Kỹ thuật và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Vũ Hồng Quang - Phó phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam.
Ngoài ra, cũng trong cùng ngày 4/12, Cơ quan an ninh cũng khởi tố 3 người khác về tội đưa hối lộ gồm: Nguyễn Thị Hiền - lao động tự do; Đào Minh Dương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Vijasun và Nguyễn Thế Dũng - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn du lịch thương mại Sang Trọng. Riêng Phạm Thị Kim Ngân - cán bộ phòng trị sự, tạp chí Thanh Tra thuộc Thanh tra Chính phủ - bị khởi tố điều tra về tội môi giới hối lộ, quy định tại Điều 365 Bộ luật Hình sự.
Tính đến nay đã có khoảng 30 người bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến vụ án các “chuyến bay giải cứu” bắt đầu từ tháng 1 năm nay. Trong số những người bị khởi tố có những viên chức cấp cao của Chính phủ như ông Tô Anh Dũng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Nguyễn Quang Linh - Phụ tá Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh.
Theo thông tin của Bộ Công an, từ đầu mùa dịch COVID Việt Nam đã tổ chức khoảng 2.000 chuyến bay “giải cứu” với số tiền nghi đưa, nhận hối lộ lên đến hàng chục tỉ đồng và hàng trăm ngàn Mỹ kim.
Tòa Đồng Nai Tuyên Án 74 Người Trong Đại Án Buôn Lậu Xăng Dầu
(Hình: Phiên tòa xét xử 74 bị cáo trong đại án buôn lậu xăng dầu ở Đồng Nai tháng 11/2022.)
- Vào ngày 8/12/2022, Tòa tỉnh Đồng Nai công bố mức án tổng cộng 265 năm tù cho 74 bị cáo trong đại án buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu được xét xử suốt cả tháng qua. Truyền thông nhà nước dẫn các mức án mà tòa tuyên.
Cụ thể, ông Đào Ngọc Viễn - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Dương Hải Phòng, bị tuyên 17 năm tù, buộc nộp lại số tiền 46 tỉ đồng thu lợi bất chính; ông Phan Thanh Hữu - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn TM Phan Lê Hoàng Anh mức án 16 năm tù, buộc nộp lại số tiền 59 tỉ đồng thu lợi bất chính; ông Nguyễn Hữu Tứ, 65 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long mức án 15 năm tù, buộc nộp hơn 71 tỉ đồng thu lợi bất chính; ông Ngô Văn Thụy bị tuyên phạt mức án 15 năm tù về tội “nhận hối lộ”, và phải nộp lại 830 triệu đồng thu lợi bất chính.
Bà Trần Ngọc Thanh, người sống như vợ chồng với ông Nguyễn Hữu Tứ và bị cho tích cực giúp ông Tứ, nhiều lần chuyển tiền mua xăng lậu cho ông Phan Thanh Hữu bị án sáu năm tù, buộc nộp hơn 12 tỉ đồng thu lợi bất chính.
Những người là đầu mối, tiêu thụ xăng lậu, gồm: Lê Thanh Trung, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Xăng dầu Tây-Nam 01 SWP tại Sài Gòn bị án 13 năm tù; Võ Thanh Bình, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Phong Phú 11 năm tù; Trần Thị Thanh Vân - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn TM-DV Vân Trúc, tỉnh Bình Dương, 9 năm tù, chồng của bà Vân là Lê Thanh Tú bị án 5 năm tù.
Ông Nguyễn Minh Đức- Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Dầu khí Vượng Đạt bị án 10 năm tù; bà Lê Thị Anh Thư 4 năm tù; ông Phan Lê Hoàng Anh (con trai của Phan Thanh Hữu) 3 năm 6 tháng tù.
Bà Phạm Thị Hưng (ngụ tại Sài Gòn, người sống như vợ chồng với Đại tá Nguyễn Thế Anh - cựu Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Kiên Giang, đã bị Tòa án Quân sự Quân khu 7 tuyên phạt án tù chung thân về tội “nhận hối lộ” và “tổ chức cho người khác trốn đi ngoại quốc trái phép”) được xác định là “chân rết” tiêu thụ xăng lậu, bị án 3 năm tù.
Các ông Lê Đình Hùng (thuyền trưởng Western Sea), Trần Văn Việt (thuyền trưởng tàu Pacific Ocean), Nguyễn Tuấn Việt, Đinh Văn Đoàn, Nguyễn Xuân Trường, Phan Trung Hiếu, Trần Văn Triều, Hà Văn Khoa, Nguyễn Xuân Hà, Tuyên, Lương Văn Hữu, Trần Văn Triều, Hà Văn Khoa, Nguyễn Xuân Hà, Lương Văn Hữu, Ngô Hữu Cường, Nguyễn Tín Dũng, Trần Minh Giang... bị án từ 2 đến 8 năm tù. Hội đồng Xét xử cho 4 người hưởng án treo, và tuyên mức án bằng thời gian tạm giam đối với 12 người. Một số phải chịu hình phạt bổ sung là nộp từ 70-100 triệu đồng.
Hội đồng Xét xử cũng tuyên tịch thu 17 tàu thủy (2 tàu của ông Viễn, 4 tàu của ông Hữu, 3 tàu của ông Tứ, 4 tàu của bà Trần Thị Thanh Vân, 2 tàu của ông Lê Thanh Trung và 2 tàu của ông Nguyễn Minh Đức); 22 xe bồn, 3 xe hơi, 2 mô-tô; 63 điện thoại di động để sung công, đồng thời huỷ bỏ kê biên 40/50 thửa đất. Những thửa đất bị kê biên sẽ được giải quyết để bảo đảm việc thi hành án.
Khởi Tố, Bắt Giam Phó Ban Quản Lý Các Khu Kinh Tế Bình Dương
(Hình: Ông Nguyễn Thành Trung và một góc một khu công nghiệp ở Bình Dương.)
- Phó ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương vừa bị khởi tố và bắt tạm giam vào ngày 8/12/2022 về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356 Bộ luật Hình sự. Bộ Công an thông báo thông tin này trên trang web chính thức của Bộ vào cùng ngày.
Ông Nguyễn Thành Trung (sinh năm 1973) là người bị bắt mới nhất trong một loạt những viên chức thuộc tỉnh Bình Dương bị bắt giam trong vụ án “Tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép; Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương và một số tỉnh, thành phố khác.
Hồi giữa năm nay, Công an cũng khởi tố và bắt giam cựu Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Bình Dương - ông Lê Minh Quốc Cường - với cùng cáo buộc.
Ngoài ra, Cơ quan An ninh điều tra cũng khởi tố, bắt giam các ông: Hoàng Thanh, Trưởng phòng việc làm thuộc Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương; Nguyễn Kiên Cường, chuyên viên Phòng Chính sách lao động thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bình Dương về tội Nhận hối lộ theo điều 354 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, còn có 8 người khác bị khởi tố về tội Tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép, Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và đưa hối lộ.
Bài Vở Nhận Định Tình Hình Theo Dòng Thời Cuộc
Mỹ: Thượng Nghị Sĩ Sinema Từ Bỏ Đảng Dân Chủ, Nói Rằng Bà “Chưa Bao Giờ Ăn Nhập!”
(Hình: Thượng Nghị sĩ Kyrsten Sinema, tiểu bang Arizona, tại điện Capitol ở Hoa Thịnh Ðốn, 29/11/2022.)
Hôm thứ Sáu (9/12/2022), Thượng Nghị sĩ Mỹ Kyrsten Sinema của tiểu bang Arizona cho biết bà sẽ ra khỏi đảng Dân chủ và đăng ký là đảng viên độc lập. Thông báo của bà được đưa ra chỉ vài ngày sau khi đảng Dân chủ giành chiến thắng trong cuộc đua vào Thượng viện ở tiểu bang Georgia, giành 51 ghế trong Thượng viện có 100 ghế.
“Giống như nhiều người của tiểu bang Arizona, tôi chưa bao giờ hoàn toàn ăn nhập với một trong hai đảng có tầm cỡ quốc gia”, bà Sinema chia sẻ suy nghĩ trong bài viết dành cho tờ báo Arizona Republic.
Bà Sinema dự định vẫn duy trì các nhiệm vụ của bà do đảng Dân chủ giao trong công việc ở cấp ủy ban Thượng viện, một Phụ tá giấu tên của bà nói với Reuters. Viên Phụ tá không cho biết liệu bà Sinema có tiếp tục tham gia các phiên họp riêng của các đảng viên Dân chủ hay không.
Bản thân bà Sinema cho biết bà sẽ không tham gia các phiên họp riêng của đảng Cộng hòa, theo một cuộc phỏng vấn được Politico công bố hôm 9/12. Nếu đúng như vậy, đảng Dân chủ vẫn có thể duy trì quyền kiểm soát lớn hơn và có tính quyết định trong Thượng viện có cán cân chênh nhau không đáng kể.
Bà Sinema và Thượng Nghị sĩ đảng Dân chủ Joe Manchin đã khiến bầu không khí chính trị ở Hoa Thịnh Ðốn khó đoán định trong hai năm qua khi có nhiều lần những lá phiếu của họ được cần đến nhưng họ đã không bỏ phiếu cho các sáng kiến Lập pháp của Tổng thống Joe Biden.
Đồng thời, họ đã làm việc theo cách tiếp cận lưỡng đảng về các Dự luật gây tiếng vang lớn và các Dự luật đó đã trở thành luật. Ngay trong tuần này, bà Sinema và Thượng Nghị sĩ đảng Cộng hòa Thom Tillis đã tiết lộ một kế hoạch cải cách nhập cư đang gây chú ý tại Thượng viện.
Trong bài viết đăng trên tờ Arizona Republic, bà Sinema cho biết bà đã tỉnh ngộ về tình trạng mà bà mô tả là một hệ thống hai đảng cứng nhắc chỉ thúc đẩy tư tưởng đảng phái hơn là sự độc lập.
Bà Sinema viết: “Tôi đã đứng vào hàng ngũ ngày càng nhiều những người Arizona phản bác nền chính trị đảng phái bằng cách tuyên bố là tôi có tư cách độc lập, tách khỏi hệ thống đảng phái đã bị hư hỏng ở Hoa Thịnh Ðốn. Tôi đã đăng ký với tư cách là một Nghị sĩ Arizona độc lập”.
Đảng Dân chủ trước đây đã chiếm tỷ lệ 50-50 ở Thượng viện nhưng có Phó Tổng thống Kamala Harris nắm giữ lá phiếu quyết định làm thay đổi cán cân. Chiến thắng của Thượng Nghị sĩ Mỹ Raphael Warnock trong cuộc bầu cử vòng hai hôm 6/12 ở tiểu bang Georgia đã mang lại cho họ chiếc ghế thứ 51.
Hai đương kim Thượng Nghị sĩ khác - Bernie Sanders của Vermont và Angus King của Maine - đã đăng ký là Nghị sĩ độc lập nhưng họ tham gia các phiên họp riêng của đảng Dân chủ.
Bà Sinema cho biết hôm 9/12 rằng bà thay đổi vì ngày càng nhiều người ở tiểu bang miền Tây nước Mỹ của bà cũng tuyên bố rằng họ là những người độc lập về chính trị, từ chối các danh xưng chính trị của cả đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ.
Lạm Phát Gần ‘Chạm Nóc’ Nhưng ‘Điều Thê Thảm Nhất Hãy Còn Phía Trước’
Khắp toàn cầu, mọi người đang chứng kiến lạm phát ở mức chưa từng thấy trong nhiều thập niên khi giá những thứ thiết yếu như thực phẩm, hơi sưởi ấm, vận chuyển và chỗ ở tăng vọt. Và mặc dù có thể sự gia tăng này đã tới gần đỉnh, nhưng tác động sẽ có thể trở nên tồi tệ hơn.
Vì đâu nên nỗi? Đó là do đại dịch và chiến tranh.
Một thời kì dài lạm phát nhẹ và lãi suất thấp chấm dứt đột ngột sau khi COVID-19 bùng phát, khi mà các chính phủ và ngân hàng trung ương rót hàng ngàn tỉ Mỹ kim hỗ trợ vào các doanh nghiệp và các gia đình chịu cảnh phong tỏa.
Ngân khoản đó giúp người lao động không phải xếp hàng chờ trợ cấp thất nghiệp, các doanh nghiệp không bị phá sản và giá nhà không bị sụt giảm. Nhưng nó cũng khiến cung và cầu bị mất cân bằng hơn bao giờ hết.
Đến năm 2021, khi các biện pháp phong tỏa kết thúc và nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng ở tốc độ sau suy thoái nhanh nhất trong 80 năm, tất cả số tiền kích thích đó tràn ngập trong hệ thống thương mại thế giới.
Các công xưởng ngừng hoạt động không thể tăng tốc đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu, các quy định an toàn COVID gây ra tình trạng thiếu lao động trong lĩnh vực bán lẻ, vận tải và y tế, và sự phục hồi quá nhanh khiến giá năng lượng tăng đột biến.
Nếu như vậy vẫn chưa đủ thì việc Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2 và các chế tài của phương Tây nhắm vào nước xuất cảng dầu khí lớn này đã đẩy giá nhiên liệu lên cao hơn nữa.
Vấn Đề Cấp Bách
Được xem là một loại “thuế đánh vào người nghèo” vì nó đánh mạnh nhất vào những người có thu nhập thấp, lạm phát ở mức hai con số đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trên toàn thế giới. Trong khi những người tiêu dùng giàu có hơn có thể dựa vào khoản tiết kiệm tích lũy được trong thời gian phong tỏa vì đại dịch, những người khác phải vật lộn để kiếm sống và ngày càng nhiều người dựa vào các ngân hàng thực phẩm.
Khi mùa Đông đang đến trên khắp bắc bán cầu bắc, áp lực lên chi phí sinh hoạt sẽ càng nặng hơn khi hóa đơn nhiên liệu tăng cao. Nhân viên đã có hành động đình công trong các lĩnh vực từ y tế đến hàng không để đòi tăng tiền lương theo kịp lạm phát. Trong hầu hết các trường hợp, họ phải chấp nhận hầu bao eo hẹp hơn.
Những lo ngại về chi phí sinh hoạt chi phối nền chính trị ở các quốc gia giàu có – trong một số trường hợp chiếm chỗ của những ưu tiên khác, chẳng hạn như hành động chống lại biến đổi khí hậu.
Dù giá xăng đi xuống trong thời gian gần đây đã giảm bớt một số áp lực, lạm phát vẫn là trọng tâm hàng đầu của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang thu vén ngân sách của họ để rót hàng tỉ Euro vào các chương trình hỗ trợ.
Nhưng nếu tình hình khó khăn ở các nền kinh tế công nghiệp hóa, thì giá lương thực tăng vọt đang làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói và khổ sở ở các nước nghèo hơn, từ Haiti đến Sudan và Lebanon đến Sri Lanka.
Chương trình Lương thực Thế giới ước tính thêm 70 triệu người trên toàn thế giới đã bị đẩy đến mức cận kề đói kém kể từ đầu cuộc chiến Ukraine trong cái gọi là “cơn sóng thần của nạn đói”.
2023 Rồi Sẽ Ra Sao?
Các ngân hàng trung ương trên thế giới đã bắt đầu tăng lãi suất mạnh để hạ nhiệt nhu cầu và chế ngự lạm phát. Đến cuối năm 2023, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự kiến lạm phát toàn cầu sẽ giảm xuống 4,7% - thấp gần một nửa so với mức hiện tại.
Mục đích là để “hạ cánh mềm” mà trong đó quá trình hạ nhiệt diễn ra mà không có sự sụp đổ của thị trường nhà ở, doanh nghiệp phá sản hoặc tỉ lệ thất nghiệp gia tăng. Nhưng một kịch bản tốt nhất như vậy tới nay vẫn chưa đạt được trong những lần thế giới đối mặt với lạm phát cao trong quá khứ.
Từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Jerome Powell đến Christine Lagarde của Ngân hàng Trung ương Âu Châu, ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng liều thuốc tăng lãi suất có thể để lại vị đắng. Thêm nữa, những rủi ro xung quanh những bất ổn lớn – chiến tranh Ukraine, căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây – đang nghiêng về phía tiêu cực.
Báo cáo triển vọng tháng 10 thường kì của IMF là một trong những tháng ảm đạm nhất trong nhiều năm, nói rằng: “Tóm lại, điều thê thảm nhất hãy còn phía trước và đối với nhiều người, năm 2023 sẽ giống như một cuộc suy thoái”.
Iran Thi Hành Án Tử Hình Đầu Tiên Liên Quan Đến Biểu Tình Chống Chính Phủ
(Hình: Một bài đăng trên Twitter hôm 8/12/2022 thương tiếc Mohsen Shekari bị chính quyền Iran hành quyết.)
Hôm thứ Năm (8/12/2022), Iran treo cổ một người đàn ông bị kết tội dùng dao làm bị thương một nhân viên an ninh và chặn đường ở Tehran, hãng thông tấn bán chính thức Tasnim cho biết, đây là vụ hành quyết đầu tiên có liên quan đến tình trạng bất ổn chống chính phủ gần đây.
Các cuộc biểu tình nổ ra trên toàn quốc sau khi Mahsa Amini, một phụ nữ Iran sắc tộc Kurd, 22 tuổi, bị chết hôm 16/9. Đây là một trong những sự chống đối lớn nhất đối với nhà nước Cộng hòa Hồi giáo kể từ khi thành lập vào năm 1979.
Các nhà chức trách đã đàn áp các cuộc biểu tình, và hôm 5/12, Lực lượng Vệ binh Cách mạng đã khuyến khích cơ quan Tư pháp đưa ra các bản án nhanh chóng và dứt khoát đối với những người bị cáo buộc “phạm tội ác chống lại an ninh quốc gia và đạo Hồi”.
Hãng thông tấn Tasnim nêu tên người đàn ông bị hành quyết là Mohsen Shekari, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Truyền thông nhà nước đã công bố một đoạn video ghi lại lời thú tội của Shekari, trong đó anh này xuất hiện với một vết bầm tím trên má phải. Anh này thừa nhận đã tấn công một thành viên của lực lượng dân quân Basij bằng dao và chặn đường bằng xe gắn máy của anh ấy cùng với một trong những người bạn của mình.
Các nhóm nhân quyền cho rằng Shekari đã bị tra tấn và buộc phải thú tội.
Ngoại trưởng Anh James Cleverly nói rằng ông “phẫn nộ” khi biết tin về vụ hành quyết. Ông Cleverly viết trên Twitter: “Thế giới không thể nhắm mắt làm ngơ trước bạo lực ghê tởm do chế độ Iran gây ra đối với chính người dân của họ”.
Đức cũng lên án vụ hành quyết.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói: “Chế độ Iran hoàn toàn khinh thường các giá trị nhân văn. Nhưng mối đe dọa hành quyết sẽ không dập tắt ý chí tự do của mọi người”.
Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết chính quyền Iran muốn kết án tử hình đối với ít nhất 21 người và tổ chức này gọi các phiên xét xử là “các phiên tòa giả hiệu được sắp đặt để đe dọa những người tham gia cuộc nổi dậy toàn dân đã làm rung chuyển Iran”.
“Các nhà chức trách Iran phải hủy bỏ ngay mọi bản án tử hình, kiềm chế việc tìm cách áp dụng án tử hình và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với những người bị bắt liên quan đến việc họ tham gia biểu tình một cách ôn hòa”, Ân xá Quốc tế đưa ra quan điểm.
Iran đã quy trách nhiệm về tình trạng bất ổn cho các kẻ thù ngoại quốc bao gồm cả Hoa Kỳ.
Nga Còn Phương Tiện Cho Cuộc Chiến Tại Ukraine?
(Minh Anh)
Việc Nga đổi chiến lược cho ồ ạt dội phi đạn nhắm vào các cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng khiến hàng triệu người dân Ukraine phải chịu cảnh mất điện, không sưởi vào lúc mùa Đông khắc nghiệt đã đến, được nhiều nhà quan sát cho rằng đây là một lời thừa nhận “yếu kém”. Tuy nhiên, theo một báo cáo do các nhà nghiên cứu tại Kyiv thực hiện, chiến lược này của Nga cũng cho thấy rõ lệnh trừng phạt của phương Tây là kém hiệu quả.
Theo giới chức Ukraine, 40% hệ thống điện năng đã bị các trận “mưa phi đạn” của Nga phá hủy. Hàng triệu người dân Ukraine rơi vào cảnh giá rét vì không điện để sưởi. Các nước phương Tây lên án Nga dùng mùa Đông như là một vũ khí hủy diệt để bẻ gãy tinh thần đối phương.
“Tướng Mùa Đông” và Ba Bất Lợi
Nếu như tuyên bố của Tổng Thư ký Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) Jens Stolstenberg hồi đầu tháng 12/2022 cho rằng hành động này của Nga chẳng khác gì một lời thừa nhận “yếu kém” có thể gây tranh luận, thì hầu hết, giới quan sát trước hết có chung một nhận xét: Đây đúng hơn là một thừa nhận thất bại trong chiến lược đầu tiên của Nga. Chiến sự kéo dài là điều hoàn toàn nằm ngoài dự tính của Mạc Tư Khoa.
Hiện có nhiều ý kiến cho rằng “Tướng mùa Đông” sẽ mang lại lợi thế cho Nga trong cuộc xung đột. Một quan điểm đã không được nhà nghiên cứu về rủi ro, Christine Dugoin-Clément, thuộc IAE Paris-Sorbonne, tán đồng. Cả Nga và Ukraine đều là những chiến binh thời Liên Xô cũ, binh sĩ hai nước cũng đều quen với cái lạnh rét buốt mùa Đông. Do vậy, theo bà, “Tướng mùa Đông” sẽ tác động ở cả hai phía, chí ít trong ba vấn đề chính.
Thứ nhất, Christine Dugoin-Clément đề cập đến khía cạnh quân sự, đặc biệt là nhân lực trong Pháo binh. Mùa Đông giá rét không còn cây xanh, các binh sĩ buộc phải áp sát đất để tự bảo vệ, do vậy việc tiếp xúc nhiều hơi ẩm làm tăng rủi ro giảm thân nhiệt.
“Để hạn chế nguy cơ hạ thân nhiệt, các binh sĩ phải được trang bị tốt. Về điểm này, quân đội Nga gặp nhiều vấn đề lớn trong việc trang bị cho binh sĩ. Ở đây tôi giả định là các quân nhân đã được đào tạo và có một mức độ kỷ luật cá nhân nào đó, nhưng mọi việc sẽ trở nên vô cùng phức tạp. Quý vị sẽ gặp hiện tượng hạ nhiệt cơ thể, binh sĩ của quý vị sẽ không tác chiến được. Và lẽ dĩ nhiên là quý vị sẽ gặp các vấn đề về bệnh tật nữa”.
Thứ hai là vấn đề hậu cầu. Thời điểm giá lạnh khiến đường đi trở nên xấu hơn, gây khó khăn rất nhiều cho các phương tiện dân sự hơn là quân sự.
“Vấn đề ở đây, nhất là cho Nga, chính là việc tiếp tế và hậu cần đều được thực hiện bằng các phương tiện vận chuyển dân sự, kể cả những phương tiện bị trưng dụng tại những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Hệ quả là tiếp tế hậu cần sẽ bị chậm lại, xe vận chuyển buộc phải lưu thông trên những trục lộ xấu, bị đông cứng. Nga sẽ gặp rắc rối trong việc tiếp tế nhiên liệu, các hệ thống sửa chữa, rồi luân chuyển quân…. Tất cả những điều này sẽ làm cho chiến dịch quân sự bị chậm lại và trở nên tốn kém hơn”.
Sau cùng, người ta nói rằng lợi thế của mùa Đông là sẽ cho phép Nga có thêm thời gian, để kềm hãm đà tiến của Ukraine, tái lập kho vũ khí và chấn chỉnh lại tinh thần quân đội. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Dugoin-Clément, đây đúng hơn là một đặt cược của Nga. Bà giải thích:
“Điều duy nhất chưa chắc Nga đạt được đó là đặt cược vào sự mệt mỏi của phương Tây khi dùng đến lá bài năng lượng, khiến lạm phát tăng cao và người dân chưa hẳn sẵn sàng chịu lạnh, để làm suy yếu sự hậu thuẫn, và như vậy, Nga sẽ có thêm thời gian để tái tổ chức lại quân đội và có thể đạt được những mục tiêu mà họ sẽ phải vạch ra vì cho đến hiện tại những mục tiêu này vẫn còn mù mờ”.
Mưa Phi Đạn: Nga Cạn Vũ Khí?
Có lẽ chính trong bối cảnh này, Nga đã quyết định thay đổi chiến lược, liên tục cho đánh phá các cơ sở năng lượng của Ukraine, với mục đích bẻ gãy nguồn hậu thuẫn của người dân dành cho quân đội và chính quyền Tổng thống Zelensky. Và mỗi một đợt oanh kích như thế Nga sử dụng từ vài chục đến gần 100 phi đạn. Đỉnh điểm là ngày 15/11/2022, khi Nga tiến hành ba đợt oanh kích, bắn đi tổng cộng khoảng 300-400 phi đạn, đến mức trang mạng đài truyền hình TF1 của Pháp gọi đó là một trận “thác lửa”.
Tướng Jean-Claude Allard, nhà nghiên cứu, cộng tác viên với Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (IRIS), trên kênh truyền hình TV5Monde, nhận định: “Nga kể từ giờ đã chọn dội bom những gì cung cấp điện năng và những gì cho phép vận hành bên trong các nhà máy điện, nơi ở, các thiết bị sưởi và ngành công nghiệp. Đây là một cách thức làm suy yếu đất nước thông qua vế dân sự (…). Vấn đề ở đây là sử dụng mùa Đông, vốn dĩ rất khắc nghiệt ở Ukraine, để trói buộc người dân. Điều đáng chú ý ở đây là những cuộc oanh kích này, tuy có gây ra nạn nhân, nhưng con số rất hạn chế. Kể từ giờ, phi đạn sẽ rớt xuống những nơi nào, một cách gián tiếp, gây ra các nạn nhân chết vì cóng, thậm chí là bệnh tật nếu như các hệ thống cung cấp nước bị phá hủy”.
Việc quân đội Nga liên tục nã phi đạn bắn phá có chủ đích nhắm vào các cơ sở năng lượng thiết yếu của Ukraine với một nhịp độ dày đặc, đang đặt cả hai bên tham chiến và trong một chừng mực nào đó là phương Tây trước một thách thức lớn: Nguồn dự trữ vũ khí và đạn dược trước nguy cơ cạn dần. Đặc biệt là nước Nga của ông Putin, bên sử dụng nhiều đạn pháo nhất.
Theo quan sát của nhà báo Marc Semo (Le Monde), mỗi ngày Nga bắn đi hơn 15 ngàn quả pháo. Nhật báo Le Monde trong một cuộc điều tra bằng hình ảnh vệ tinh, cho biết các cuộc oanh kích của quân đội Ukraine nhắm vào 52 kho đạn dược của Nga trong giai đoạn từ tháng 3-5/2022, cũng đã làm thiệt mất của quân đội Nga khoảng 1/3 lượng dự trữ đạn dược, khí tài. Với mật độ oanh kích dữ dội Ukraine từ đầu tháng 10 đến nay, phó đô đốc Jean-Louis Vichot trên đài LCI ước tính, kho đạn dược và phi đạn của Nga có lẽ chỉ còn một nửa.
Lệnh Cấm Vận Phương Tây Vô Hiệu Quả?
Liệu đây có phải là lý do mà Mạc Tư Khoa phải mua thêm đạn dược từ Bắc Hàn như tiết lộ gần đây của truyền thông phương Tây, đặc biệt là từ Mỹ, hay không? Đâu là thực trạng kho vũ khí của Nga? Liệu quân đội Nga có đang gặp vấn đề nghiêm trọng về đạn dược hay không?
Trái với mong đợi, bất chấp các nỗ lực trừng phạt của phương Tây, quân đội Nga dường như vẫn có khả năng khôi phục kho vũ khí đang cạn dần của mình. Theo Le Figaro ngày 07/12, qua xem xét các mảnh vỡ phi đạn Nga bị bắn hạ hôm 23/11, các nhà nghiên cứu của Conflict Armement Research có mặt tại Kyiv đi đến một kết luận, Nga vẫn có thiết bị để chế tạo phi đạn. Cụ thể, một trong số các phi đạn này đã được chế tạo trong mùa Hè và một chiếc khác vừa được xuất xưởng trong tháng 9/2022.
Theo các nhà điều tra, phát giác này có thể được giải thích theo hai cách: Hoặc Nga đã có được các con chip bán dẫn bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây; hoặc Nga đã dự trữ trước một lượng lớn quan trọng chip bán dẫn và linh kiện trước khi gây chiến.
Tuy nhiên, trước khi có báo cáo của Conflict Armement Research, Christine Dugoin-Clément, một mặt nhận định Nga gặp khó khăn trong việc sản xuất do thiếu linh kiện, chíp bán dẫn, nhưng mặt khác, bà cho biết thêm Mạc Tư Khoa vẫn xoay sở tìm kiếm được đạn dược, vũ khí từ nhiều nguồn cung khác.
“Đó chính là các thương vụ và hợp đồng với Chypre, vốn sở hữu nhiều đạn dược thời Xô Viết. Nhờ phép mầu từ tham nhũng và biển thủ công quỹ mà số vũ khí này đã đến được Chypre. Giờ thì thi thoảng người ta đến từ đâu đó để mua và thu lượm số vũ khí, quân dụng thất thoát ra ngoài từ kho dự trữ. Đây cũng là một trong số các lý do Nga xoay sang bắt tay với Iran để tăng cường khả năng tác chiến bằng drone, nhất là các loại drone “tự sát”, với việc lắp đặt các dây chuyền lắp ráp Medine, do Tehran cung cấp”.
Bắn Phá Cơ Sở Năng Lượng Ukraine: Một Mũi Tên, Hai Con Nhạn
Cũng trong chương trình tranh luận của France Culture, Tatiana Kastouéva-Jean, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), lưu ý thêm rằng, ngoài việc trưng dụng các loại thiết bị mà phương Tây cung cấp cho các doanh nghiệp, mua các loại đồ diện gia dụng, dường như Mạc Tư Khoa còn trông cậy vào các nguồn cung linh kiện từ Ấn Độ và Trung Quốc, một mặt để tái lập kho vũ khí, và mặt khác là cho mục đích tuyên truyền trong nước.
“Cách nay vài ngày, một danh sách bị rò rỉ cho biết, Nga dường như đã đề nghị Ấn Độ cung cấp các linh kiện rời dân sự trong nhiều lĩnh vực hàng không, xe hơi… và cũng có nhiều khả năng có những linh kiện rời khác mà Nga đòi hỏi cho nhiều mục tiêu sử dụng khác.
Ở đây, còn có một nỗ lực tuyên truyền nữa để giải thích rằng ngành công nghiệp của Nga cuối cùng vẫn có khả năng tự xoay sở. Cách nay vài hôm, Nga đã trình làng một chiếc drone được cho là sản xuất hoàn toàn tại Nga trong điều kiện chiến tranh. Chỉ có điều, các phân tích quân sự cho thấy đó là một drone của Trung Quốc, đến Nga bằng những linh kiện rời, rồi Nga chỉ lắp ráp và tô điểm thêm, nhất phần mẫu mã để rồi trưng bày như là một sản phẩm từ chính ngành công nghiệp quốc phòng”.
Nhìn chung, theo phân tích của Christine Dugoin-Clément, tất cả những nỗ lực này của Nga là nằm trong một chiến lược được thực hiện cùng lúc ở nhiều cấp độ, nhằm có được một năng lực tối đa đánh phá các hệ thống năng lượng, làm suy yếu xã hội dân sự và quân đội Ukraine.
“Khi người ta sẽ phải cúp điện tức là sẽ không có nước. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là các kết nối, nhất là mạng Internet cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Như vậy, quý vị sẽ thấy có một sự hỗn loạn tiềm tàng từ nhiều lực lượng khác nhau, và quý vị cũng sẽ cắt đứt một phần sự hỗ trợ của người dân thông qua nhiều ứng dụng EPO khác nhau để báo động vị trí của địch hay báo động có drone. Nói một cách chính xác, đó là làm suy yếu xã hội dân sự Ukraine, một nguồn hậu thuẫn mạnh mẽ cho quân đội nước này”.
Drone Ukraine Vào Sâu Đất Nga Trả Đũa, Khả Năng Oanh Tạc của Mạc Tư Khoa Thu Hẹp
(Thụy My)
Với ba cuộc tấn công liên tiếp vào các địa điểm nằm sâu hơn 500 cây số trong lãnh thổ Nga - là nơi xuất phát những oanh tạc cơ lâu nay phá hoại cơ sở hạ tầng của Ukraine - Kyiv chứng tỏ không thể tiếp tục để Mạc Tư Khoa tự do tung hoành. Đây là hành động tự vệ chính đáng, theo NATO, và còn là đòn tâm lý. Động thái trả đũa chừng mực này cho thấy các cơ sở quân sự ở Nga nay không còn an toàn nữa.
Trang nhất Libération hôm nay được dành cho “Trí thông minh nhân tạo: Nói chuyện với một robot”. ChatGPT, robot có thể trò chuyện bằng nhiều thứ tiếng được trình làng từ một tuần qua đã thu hút hơn một triệu ngựời. Les Echos quan tâm đến “Thuế, gánh nặng của doanh nghiệp Pháp”, La Croix cho biết “Những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội được đặt trong tầm ngắm”.
Về thời sự quốc tế, Le Monde nhận định “Covid: Trung Quốc đành phải thay đổi chính sách”, còn Le Figaro nhìn sang Trung Đông, chạy tựa “Iran: Chế độ của các giáo sĩ bất lực trước phong trào nổi dậy”. Ở các trang trong, việc Ukraine tấn công vào nội địa Nga; còn Trung Quốc phải giảm nhẹ phong tỏa, thực chất là từ bỏ zero Covid do loạt biểu tình vừa qua, được các báo rất chú ý.
Tấn Công Cơ Sở Quân Sự Trên Đất Nga: Tự Vệ Chính Đáng và Là Đòn Tâm Lý
La Croix và Le Monde cho biết việc Ukraine dùng drone oanh kích hai căn cứ Không quân và một phi trường quân sự Nga ở cách biên giới khoảng 500 cây số đã gây ngạc nhiên cho giới quân sự. Hai oanh tạc cơ hạng nặng của Nga đã bị hư hại, ba quân nhân thiệt mạng. Cho dù Kyiv không chính thức nhận trách nhiệm, đây là lần đầu tiên kể từ đầu cuộc xâm lăng Ukraine phản đòn sâu vào nội địa Nga.
Để so sánh, thủ đô Mạc Tư Khoa nằm cách biên giới Ukraine chưa đầy 500 cây số, hoàn toàn trong tầm tấn công. Một chiến thắng mang tính biểu tượng, chứng tỏ khả năng trả đũa chiến dịch phá hoại cơ sở hạ tầng của Ukraine. Cựu tướng Úc Ðại Lợi Mick Ryan nhận xét: “Đây là một đòn tâm lý. Dân Nga cứ ngỡ rằng hoàn toàn không bị tác động từ chiến tranh”.
Căn cứ Diagilyevo ở vùng Riazan ở cách điểm kiểm soát gần nhất của quân đội Ukraine khoảng 500 cây số, và căn cứ Engels ở vùng Saratov cách Kharkiv trên 600 cây số, cả hai bị oanh kích cùng ngày 5/12. Còn phi trường Khalino bị nhắm đến hôm sau, cách biên giới Ukraine 100 cây số.
Theo các nguồn phương Tây và Nga, Ukraine tấn công bằng Tupolev Tu-141 Strizh, drone trinh sát do Liên Xô sản xuất trong thập niên 70 có thể bay nhanh và thấp khiến khó phát giác. Sau khi độc lập, Ukraine còn giữ lại nhiều chiếc Tu-141 có tầm hoạt động 1.000 cây số, một số có thể đã được lắp đặt thêm hệ thống định vị GPS và chất nổ để biến thành drone tự sát. Một giả thiết khác là tập đoàn Ukroboronprom chế tạo thành công drone bay xa 1.000 cây số và mang được 75 ký chất nổ.
Các Căn Cứ Nga Từ Nay Không Còn An Toàn
Nhà nghiên cứu Jean-Christophe Noel của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) nhấn mạnh, đây là “sự trả đũa chừng mực”, cho thấy tính sáng tạo của Kyiv. “Ukraine đã quyết định không còn khoanh tay đứng nhìn, chứng tỏ quyết tâm đối phó”. Và họ chỉ tấn công nơi xuất phát chiến dịch phá hoại, chứ không đánh vào mục tiêu dân sự hay cơ sở hạ tầng Nga. Tiến sĩ Rob Lee của King’s College (Anh) nhận định: “Nếu các radar và đơn vị phòng không Nga không thể ngăn cản một chiếc Tu-141 bay xa mấy trăm cây số, đánh vào căn cứ chính của các oanh tạc cơ chiến lược trong thời chiến, không có gì sáng sủa cho khả năng ngăn chận một cuộc tấn công ồ ạt bằng phi đạn liên lục địa”.
Được biết căn cứ Engels là nơi xuất phát các oanh tạc cơ Nga để phá hoại hệ thống năng lượng Ukraine, căn cứ Diagilyevo có các phi cơ tiếp liệu, oanh tạc cơ, trung tâm huấn luyện phi công. Còn phi trường Khalino từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lăng được dành cho các chiến đấu cơ. Sau ba vụ tấn công trên, ít nhất sáu oanh tạc cơ đã phải dời sang nơi khác.
Tại trụ sở NATO, việc Ukraine đánh vào các mục tiêu quân sự ở Nga được coi là hành động tự vệ hợp pháp, vào lúc Mạc Tư Khoa tìm cách kìm lại cuộc chiến trong mùa Đông để chuẩn bị đợt tấn công mới vào mùa Xuân. Lo ngại leo thang chiến sự, phương Tây hạn chế cung cấp phi đạn tầm xa, chiến đấu cơ hiện đại, phi đạn Patriot. Phía Mỹ cho biết tuy không khuyến khích nhưng cũng không ngăn chận Ukraine. Theo tạp chí Vortex, Mạc Tư Khoa nay đành phải co cụm lại ở một số địa điểm, và các cơ sở quân sự Nga nay không còn an toàn, dù có cả một mạng lưới phòng không xung quanh Ukraine.
Zelensky, Nhân Vật Năm 2022: Chọn Lựa “Chưa Bao Giờ Rõ Ràng Đến Thế” của Time
Về việc Tổng thống Volodymyr Zelensky và “tinh thần Ukraine” được tạp chí Time chọn là nhân vật trong năm, Libération trích dẫn lý do được tuần báo uy tín của Mỹ đưa ra. “Vì đã chứng tỏ rằng lòng can đảm cũng có thể lan tỏa như sự sợ hãi, đã thúc đẩy những con người và các quốc gia đoàn kết lại để bảo vệ tự do, đã nhắc nhở cho thế giới sự mong manh của dân chủ và hòa bình”.
Đôi mắt xanh nhìn thẳng về phía trước, khuôn mặt râu ria, chiếc áo màu kaki đã trở thành nổi tiếng, bao quanh ông Zelensky là những khuôn mặt tranh đấu, những lá cờ xanh vàng, hoa hướng dương...chiếm trang bìa tờ Time xuất bản hôm qua. Tổng biên tập Edward Felsenthal nhấn mạnh: “Volodymyr Zelensky đã gây phấn khích cho cả thế giới bằng cách mà chúng ta chưa từng thấy từ nhiều thập niên qua”. Đối với Time, sự chọn lựa nhân vật cho năm nay “chưa bao giờ rõ ràng như thế”.
Ông Felsenthal nói thêm: “Trong những tuần lễ tiếp theo các cuộc oanh tạc của Nga hôm 24/02, quyết định của ông Zelensky không di tản khỏi Kyiv mà ở lại và tập hợp được sự ủng hộ, là rất quan trọng. Từ thông điệp đầu tiên dài 40 giây trên Instagram hôm 25/2 - cho thấy văn phòng Tổng thống và xã hội dân sự không suy suyển và vẫn trụ lại - cho đến những bài diễn văn trực tuyến hàng ngày trước các định chế như Quốc hội nhiều nước, Ngân hàng Thế giới, Grammy Awards, Tổng thống Ukraine có mặt khắp nơi”.
Ukraine Dùng Drone Tấn Công Căn Cứ Không Quân Nga, Mỹ Khó Xử
(Thanh Hà)
Hoa Kỳ “không khuyến khích và không giúp đỡ Ukraine tiến hành các đợt oanh kích trên lãnh thổ Nga”. Tuyên bố hôm 6/12/2022 của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho thấy Hoa Thịnh Ðốn giữ khoảng cách với Kyiv sau đợt tấn công bằng drone nhắm vào hai căn cứ Không quân của Nga, cách biên giới Ukraine hơn 500 cây số. Vì sao việc khả năng quân sự của Ukraine vươn xa đến như vậy trên lãnh thổ Nga lại khiến chính quyền Biden bối rối?
Trong ngày 5/12, căn cứ Không quân Diaguilevo trong vùng Riazan - cách thủ đô Mạc Tư Khoa chưa đầy 200 cây số về phía Đông-Nam và Engels, thuộc Saratov – cách thủ đô Liên bang Nga 850 cây số cũng về hướng Đông-Nam bị tấn công bằng drone. Một ngày sau, đến lượt phi trường quân sự ở Koursk bị nhắm tới. Ít nhất ba quân nhân Nga chết và cháy một kho xăng.
Bộ Quốc phòng Nga quy trách nhiệm cho “chính quyền Kyiv” trong lúc Ukraine vẫn im lặng. Trong gần 10 tháng chiến tranh, đạn pháo Ukraine đã nhiều lần “lạc” sang Belgorod một thành phố của Nga ở phía bên kia biên giới. Nhưng chưa bao giờ vũ khí của Ukraine thâm nhập sâu như vậy vào lãnh thổ của đối phương.
Giới quan sát nói tới “quyết tâm của Kyiv” không “khoanh tay đứng nhìn Nga phá hủy các cơ sở hạ tầng dân sự”. Cả chục triệu dân Ukraine mất điện, mất nước. Dù vậy theo nhà nghiên cưu Jean-Christophe Noel, cộng tác viên Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), chính quyền Volodymyr Zelensky trước mắt chỉ nhắm vào những căn cứ Không quân của đối phương: Diaguilevo, Enguels hay Koursk là những điểm xuất phát các đợt oanh kích của Nga nhắm vào Ukraine. Kyiv tránh khiêu khích Mạc Tư Khoa, tránh làm dấy lên nguy cơ biến cuộc chiến này thành một thảm họa chiến tranh nguyên tử.
Thêm vào đó theo những thông tin hiện có được thì Kyiv đã tránh sử dụng vũ khí được phương Tây, mà đứng đầu là do Mỹ viện trợ, để “đánh” vào các mục tiêu quân sự của Nga. Dù vậy các đợt trả đũa gần đây của quân đội Ukraine kiểu này dường như khiến Hoa Kỳ khó xử vì nhiều lý do.
Từ đầu cuộc chiến đến nay, Mỹ và Âu Châu tuy ủng hộ Kyiv nhưng tuyệt đối tránh để bị lôi kéo vào chiến tranh hay phải trực tiếp đương đầu với Mạc Tư Khoa. Tiêu biểu nhất là việc dứt khoát từ chối thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine.
Sau vụ các căn cứ Không quân Nga bị tấn công đầu tuần, Tổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden tuyên bố Hoa Thịnh Ðốn “không khuyến khích” Kyiv chế tạo phi đạn tầm xa. Mặc dù là nguồn viện trợ quân sự “chủ chốt” trong chiến tranh Nga-Ukraine nhưng theo tiết lộ của báo tài chánh Mỹ, The Wall Street Journal, dù cung cấp hệ thống pháo phản lực tối tân HIMARS cho Kyiv nhưng Ngũ Giác Đài dường như đã ra lệnh “hạn chế” tầm bắn của loại vũ khí lợi hại này, tránh để Ukraine nhắm tới lãnh thổ Nga.
Sau tuyên bố của Tổng thống Biden, đến lượt phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, Ned Price bồi thêm: Hoa Thịnh Ðốn tiếp tục cung cấp “vũ khí cần thiết để Ukraine sử dụng trên lãnh thổ thuộc chủ quyền của nước này, trên lãnh thổ Ukraine và để đối đầu với ngoại xâm”, hàm ý vũ khí Mỹ cấp cho chính quyền Kyiv sử dụng phải được khoanh vùng và chỉ giới hạn ở “bên trong bờ cõi” của Ukraine mà thôi. Phát biểu của Tổng thống Biden cũng như đại diện của Bộ Ngoại giao Mỹ phần nào mâu thuẫn với tuyên bố hôm 5/12 của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin. Trong cuộc điện đàm với đồng cấp Ukraine, Olexiy Reznikov, đôi bên dường như đã “thảo luận về những biện pháp mới tăng cường khả năng phòng không cho Ukraine”.
Phát biểu hôm 6/12 trong khuôn khổ cuộc họp 2+2 giữa Hoa Kỳ và Úc Ðại Lợi, cũng tướng Austin cho biết “không ngăn cản Ukraine tự phát triển phi đạn tầm xa”.
Một số các nhà phân tích cho rằng có thể hiểu thái độ của Hoa Thịnh Ðốn là một dạng vừa giúp Ukraine vừa nghe ngóng phản ứng của Mạc Tư Khoa.
Hơn nữa các đòn phản công của Ukraine có nguy cơ dẫn tới tình trạng “chiến tranh leo thang” mà điều này chưa chắc là Hoa Thịnh Ðốn đã mong muốn.
Thêm một vấn đề nữa là cho dù Kyiv thể hiện quyết tâm “ngăn chận Nga tàn phá” cơ sở hạ tầng trên lãnh thổ Ukraine, nhưng liệu rằng, quân đội Ukraine có còn đạn dược, vũ khí để tiếp tục các đợt trả đũa “bất ngờ” kiểu này hay không? Chắc chắn là phía Nga, sau những vố đau gần đây sẽ không để bị mắc bẫy thêm một lần thứ nhì.
Sau cùng Mỹ nói riêng, phương Tây nói chung và đương nhiên là cả Kyiv đều ý thức được rằng, ở Mạc Tư Khoa, Tổng thống Vladimir Putin vẫn để ngỏ mối đe dọa sử dụng vũ khí nguyên tử.
Tuy nhiên các vụ tấn công bằng drone diễn ra trên lãnh thổ Nga đã để lộ những nhược điểm về khả năng phòng thủ của Quân đội nước này. Nhìn từ phía Kyiv, thông điệp vừa gửi đi là Ukraine đã trong thế sẵn sàng tấn công “sâu vào lãnh thổ” của đối phương.
Cái khó còn lại đối với tất cả các bên trực tiếp hay gián tiếp liên quan trong xung đột Ukraine-Nga là làm thế nào để Ðiện Cẩm Linh không coi các vụ tấn công đó là “lý do chính đáng” để sử dụng đến vũ khí nguyên tử.
Trung Quốc Lùi Bước: Bỏ “Zero Covid” Để Trấn An Công Luận và Thúc Đẩy Tăng Trưởng
Cho đến kỳ Đại Hội Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn khẳng định ưu tiên “nhân dân, mạng sống của người dân”. Nhưng chỉ trong vài ngày, Bắc Kinh quay ngoắt chiến lược “Zero Covid” được áp dụng nghiêm ngặt suốt ba năm qua trong sự ngỡ ngàng của đông đảo người dân. Trong báo cáo tình hình dịch bệnh ngày 7/12/2022, cụm từ “Zero Covid” đã được thay thế bằng “kiểm soát dịch bệnh với sự phát triển kinh tế, xã hội”.
Quyết định đột ngột này được cơ quan dịch tễ Trung Quốc giải thích là để “thích ứng với thời cuộc biến chuyển”. Tuy nhiên, đằng sau lý do chính thức còn có rất nhiều yếu tố. Nguyên nhân đầu tiên, được đề cập nhiều trong thời gian gần đây, là sự mất kiên nhẫn của người dân, mà cao trào là làn sóng biểu tình vào cuối tháng 11, thậm chí đòi ông Tập Cận Bình từ chức. Một số chuyên gia, được AFP trích dẫn, cho rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc ý thức được “sự bất bình gia tăng một cách nguy hiểm” và “thách đố quyền lực của ông Tập và của đảng Cộng sản”.
Trung Quốc Cạn Lực Chống Dịch
Điều này giải thích cho “cách đáp trả nhanh và mạnh đến vậy”, không phải là vì làn sóng bất bình, mà thể hiện rằng chính quyền “khởi xướng đường lối mới”. Thông tin về Covid-19 cũng được Bắc Kinh trau chuốt để trấn an một bộ phận người dân, trong suốt ba năm, bị “dọa” về mối nguy hiểm của virus corona và hoang mang vì chính quyền dỡ bỏ phong tỏa quá đột ngột.
Dấu hiệu mới nhất là việc đổi tên virus corona gây bệnh Covid-19. Thay vì gọi “virus gây bệnh viêm phổi nặng”, từ giờ sẽ là “virus truyền nhiễm”. Cơ quan dịch tễ Trung Quốc giải thích là từ giờ “chuyển từ phát giác sang phòng ngừa”, đồng thời cho đóng cửa các trung tâm cách ly tập trung, ngừng bắt buộc xét nghiệm.
Thực ra, dường như Trung Quốc không còn gánh được khoản kinh phí khổng lồ phục vụ phòng dịch tập thể. Báo Le Monde của Pháp ngày 9/12 trích thẩm định của nhiều ngân hàng phương Tây, cho biết chi phí cho xét nghiệm gần như hàng ngày chiếm khoảng 2% GDP, ngang với ngân sách quốc phòng Trung Quốc. Ngoài ra, số ca nhiễm liên tục tăng từ 4 tháng qua đã khiến các trung tâm cách ly tập trung quá tải. Chiến lược cách ly triệt để không còn phù hợp, buộc chính quyền cho phép người nhiễm virus corona nhưng không có triệu chứng được cách ly ở nhà.
Kinh Tế Sụt Giảm Vì Phong Tỏa
Yếu tố thứ hai giải thích Bắc Kinh bất ngờ chuyển hướng là nền kinh tế sụt giảm mạnh. Tăng trưởng và đời sống ổn định, khá giả của người dân là hai trụ cột chính cho “giấc mộng” Trung Hoa mà Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn ca ngợi. Thế nhưng, Covid-19 đã quật ngã cả hai điểm này. Số liệu thống kê xuất cảng tháng 11 được công bố ngày 7/12 như tạt gáo nước lạnh cho chính quyền trung ương. Kim ngạch xuất cảng, nhân tố chính cho tăng trưởng Trung Quốc, đã giảm 8,7% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm 2021, trong khi tháng 10 và 11 thường là giai đoạn năng động nhất để xuất hàng dịp lễ cuối năm. Tương tự, tăng trưởng năm 2022 của Trung Quốc dự kiến chỉ ở mức 3%, so với 8% trong năm 2021. Tỉ lệ thanh niên thất nghiệp cao. Kinh tế khó trụ thêm được lâu nếu tiếp tục đóng cửa.
Ông Allen Wu, Giáo sư Trường Y thuộc Đại học Nam Kinh, nguyên Cố vấn cho tổ chức Y Tế Thế Giới, nhận định: “Thông thường, chính phủ Trung Quốc luôn rất thận trọng và có xu hướng từ từ đưa ra quyết định hoặc thay đổi chính sách”. Việc quay ngoắt một sớm một chiều cho thấy phần nào mức độ nghiêm trọng từ những hệ quả kinh tế, kết hợp với tâm lý bất bình trong dân, hiện mới chỉ dừng ở việc phản đối các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, nhưng cũng có nguy cơ bùng lên nếu đời sống của họ bị tác động vì nền kinh tế trì trệ.
Phong trào phản đối buộc các nhà lãnh đạo, nhưng cũng có thể là cơ hội thoát khỏi ngõ cụt phong tỏa từ ba năm qua, trong khi hầu hết thế giới sống chung với Covid. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng Bắc Kinh chọn thời điểm không phù hợp và “có thể tác động tiêu cực đến uy tín của ông Tập Cận Bình” nếu chính quyền không kiểm soát được việc nới lỏng các biện pháp hạn chế.
Ngoài ra, việc chính quyền thay đổi chính sách sau làn sóng biểu tình cũng có thể tạo thành tiền lệ trong tương lai. Theo nhà phân tích chính trị Dan Macklin tại Thượng Hải, “người dân coi điều đó là sự đầu hàng của chính quyền trước công luận, điều đó có thể cổ vũ người dân biểu tình nhiều hơn trong tương lai”. Và dĩ nhiên, đó là “một nguy cơ cho Đảng”. Tuy nhiên, ông Allen Wu lại cho rằng “chính quyền thực lòng tìm cách đáp ứng sự thay đổi của công luận” và “việc đó tạo niềm tin cho chính phủ và cho người dân rằng Trung Quốc có khả năng chống virus”.
Mỹ Đề Phòng Các Hoạt Động Không Gian của Trung Quốc Vì Những Nguy Cơ Tiềm Ẩn
(Hình: Phó Tổng thống Mỹ Harris thăm Lực lượng Không gian Hoa Kỳ.)
Mỹ đang theo dõi chặt chẽ các hoạt động của Trung Quốc có khả năng đe dọa các tài sản của Mỹ trong không gian cùng lúc các mảnh vỡ tích tụ nhanh chóng trong quỹ đạo thấp của trái đất, người đứng đầu các hoạt động quân sự của Mỹ trong không gian nói hôm thứ Sáu (9/12/2022).
Chỉ huy Bộ Tư lệnh Không gian Hoa Kỳ, Tướng James Dickinson, cũng hoan nghênh việc Liên Hiệp Quốc thông qua Nghị quyết với số phiếu áp đảo quy định rằng các quốc gia không tiến hành các cuộc bắn thử trực tiếp lên trên để chống vệ tinh, là hoạt động tạo ra các đám mảnh vỡ rộng lớn trong không gian, gây nguy hiểm cho các vệ tinh và trạm không gian.
Trong số 4 quốc gia đã tiến hành các vụ bắn thử như vậy, Mỹ là quốc gia duy nhất bỏ phiếu thuận, trong khi Trung Quốc và Nga bỏ phiếu chống và Ấn Độ bỏ phiếu trắng.
“Chúng ta không thể tiếp tục góp phần tạo ra những mảnh vỡ mà chúng ta thấy trong không gian”, ông Dickinson nói trong một cuộc họp báo qua điện thoại với các phóng viên ở Á Châu.
Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ hiện đang theo dõi hơn 48.000 vật thể trong quỹ đạo gần trái đất, bao gồm vệ tinh, kính viễn vọng, trạm không gian và các mảnh vỡ đủ kích cỡ, con số này đã tăng lên từ mức 25.000 chỉ 3 năm trước, ông Dickinson cho biết.
Trung Quốc vào năm 2003 đã trở thành chính phủ thứ ba trên thế giới tự đưa một phi hành gia vào quỹ đạo, sau Liên Xô cũ và Hoa Kỳ. Chương trình không gian của Trung Quốc đã phát triển đều đặn kể từ đó.
Bắc Kinh tin rằng “không gian là một phần rất quan trọng đối với không những môi trường kinh tế của riêng họ hay kinh tế toàn cầu, mà còn cả môi trường quân sự, vì vậy chúng tôi tiếp tục theo dõi điều đó rất chặt chẽ khi họ tiếp tục tăng cường khả năng”, ông Dickinson nói.
Với tình trạng căng thẳng Mỹ-Trung tăng cao về vấn đề Đài Loan, Biển Đông, thương mại và kỹ thuật, không gian đang ngày càng trở thành một điểm nóng tiềm tàng. Bên cạnh đó, Ngũ Giác Đài hồi tuần trước công bố một báo cáo an ninh thường niên về Trung Quốc, cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể sẽ có 1.500 đầu đạn nguyên tử vào năm 2035 và họ không đưa ra thông tin rõ ràng về kế hoạch sử dụng chúng.
Trung Quốc tiếp tục “xây dựng các khả năng khiến phần lớn tài sản của Mỹ gặp nguy cơ trong lĩnh vực không gian”, ông Dickinson nói.
Cuộc xâm lược vào Ukraine của Nga càng cho thấy không gian là một “lĩnh vực có tranh chấp và cần phải được bảo vệ. Đó là một vai trò mà chúng tôi tại Bộ Tư lệnh Không gian Hoa Kỳ rất coi trọng”, ông nói
“Tôi thực sự tập trung vào mối thách thức của chúng ta là Trung Quốc”, ông Dickinson nói. “Lập trường thống nhất của các đồng minh và đối tác của Mỹ là điều hết sức quan trọng trong việc chống lại sự cưỡng ép và lật đổ hiện đe dọa trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và xa hơn nữa”, ông Dickinson nói.
Mỹ Chuyển Giao Việt Nam 12 Máy Bay Huấn Luyện, Sẵn Sàng Hỗ Trợ Nỗ Lực Hiện Đại Hóa
(Hình: Máy bay huấn luyện T-6 Texan của Hoa Kỳ.)
Hôm 9/12/2022, một tướng Không quân Hoa Kỳ cho biết Mỹ sẽ chuyển giao 12 máy bay huấn luyện T-6 cho Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2024 đến 2027.
“Ba chiếc đầu tiên sẽ được giao trong quý đầu năm 2024, hai hoặc ba chiếc nữa sẽ được giao vào cuối năm đó. Số còn lại sẽ được giao vào năm 2027”, Tuổi Trẻ dẫn lời Chuẩn tướng Sarah Russ, Phụ tá Huy động lực lượng của Cục trưởng về Chiến lược, kế hoạch, chương trình và các yêu cầu, Không quân Thái Bình Dương Mỹ, cho biết trong cuộc họp báo tại Tòa Ðại sứ Mỹ ở Hà Nội vào ngày 9/12, khi bà đang ở Việt Nam tham dự Triển lãm quốc phòng Việt Nam năm 2022. Đây là triễn lãm vũ khí quy mô lớn đầu tiên của Việt Nam, kéo dài từ ngày 8/12 đến ngày 10/12, với sự tham gia của hơn 170 công ty, doanh nghiệp quân đội đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
T-6 là dòng máy bay cánh quạt do Hãng Raytheon chế tạo và ra mắt lần đầu năm 2000. Loại máy bay này được sử dụng cho mục đích huấn luyện sơ cấp và trung cấp trong Không quân Mỹ.
“Chúng tôi rất vui mừng được phối hợp với Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam đào tạo kỹ thuật viên cho chương trình bảo dưỡng máy bay”, Chuẩn tướng Russ nói thêm.
Bà Russ cho biết Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Việt Nam đào tạo tiếng Anh cho phi công, hậu cần, an toàn bay và y tế hàng không.
Cùng tham dự buổi họp báo tại Hà Nội, Thiếu tướng Jared Helwig - Tư lệnh, Bộ Tư lệnh Duy trì lực lượng Quân khu 8, Lục quân Thái Bình Dương Mỹ nói dù Việt Nam lựa chọn thế nào về hoạt động mua sắm hoặc sản xuất vũ khí, thì phía Mỹ vẫn “lạc quan về tiềm năng hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới”.
“Triển lãm Quốc phòng là bước khởi đầu mạnh mẽ. Chúng tôi mong được tiếp tục trao đổi để hợp tác với Việt Nam, ở tốc độ Việt Nam mong muốn, hỗ trợ cho quá trình này dễ dàng hơn”, Lao Động dẫn lời Thiếu tướng Helwig nói.
Việt Nam đang tập trung cho kế hoạch “đa dạng hoá” nguồn cung vũ khí nhằm giảm bớt phụ thuộc vào Nga, nhà cung cấp vũ khí chính cho Việt Nam từ trước tới nay.
Tại cuộc triển lãm, cả phía Mỹ và Nga đều nỗ lực chào hàng để bán vũ khí cho Việt Nam, vốn là một trong 20 quốc gia mua vũ khí lớn nhất thế giới giữa bối cảnh căng thẳng leo thang với Trung Quốc, với ngân sách nhập cảng vũ khí hàng năm ước tính khoảng 1 tỉ Mỹ kim và sẽ còn tăng lên trong thời gian tới.
Kể từ khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam vào tháng 5/2016, hai nước đã đạt được nhiều thỏa thuận quốc phòng, trong đó có 6 máy bay không người lái ScanEagle và 12 máy bay huấn luyện Beechcraft T-6 Texan
“Chúng tôi sẵn sàng giải quyết các lợi ích để mua các máy bay khác... Hiện tại chúng tôi không có bất kỳ hình thức mua bán nào khác trong thời gian này, nhưng chúng tôi ở đây để hỗ trợ kế hoạch hiện đại hóa của Việt Nam”, Chuẩn tướng Sarah Russ nói với CNA.
Các chuyên gia cho rằng việc Việt Nam mua máy bay huấn luyện phi công của Mỹ sẽ mở ra khả năng Việt Nam mua máy bay chiến đấu phản lực của Mỹ trong tương lai.
Thiên Hạ Luận: Hệ Thống Tự Vỡ Nguy Hiểm Hơn ‘Đá Tự Vỡ’
(Hình: Đá vỡ nát trên vỉa hè Hà Nội.)
Vỉa hè lát đá tự nhiên ‘có độ bền 70 năm’ ở Hà Nội vỡ nát sau khi sử dụng một thời gian ngắn là vì ‘mưa xuống đá giãn nở nên tự vỡ’....
Trân Văn
Tuần này, phát biểu của một số viên chức hữu trách từ trung ương (như phát biểu của ông Vũ Đức Đam – Phó Thủ tướng: Chuyên gia các nước phát triển ước ‘quay lại, phát triển theo định hướng Việt Nam’ [1]) đến địa phương,... tiếp tục hun nóng mạng xã hội Việt ngữ, khiến thiên hạ sôi sùng sục nhưng góp nhiều nhiệt nhất có lẽ là ý kiến của ông Võ Nguyên Phong – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội (Vỉa hè lát đá tự nhiên ‘có độ bền 70 năm’ ở Hà Nội vỡ nát sau khi sử dụng một thời gian ngắn là vì ‘mưa xuống đá giãn nở nên tự vỡ’ [2])....
Không thể đếm xuể đã có bao nhiêu người bình luận về những phát biểu kiểu đó. Có một điểm đáng chú ý là những phát biểu theo logic hết sức khác thường ấy không làm công chúng ngạc nhiên nữa. Tuy sôi sùng sục nhưng các bình luận về những phát biểu khác thường ấy chỉ thể hiện hai điểm chung – mỉa mai đầy vẻ khinh miệt và ngán ngẩm, kiểu như: Nghe giải thích xong bỗng nhớ tới ‘đá cá, lăn dưa’. ‘Đá tự vỡ vì giãn nở sau mưa’ đi với ‘đá cá, lăn dưa’ rất hợp quy hoạch (3).
Một số trong số những bình luận thường là rất ngắn dẫu không dài lắm nhưng đủ để khái quát vấn đề. Ví dụ như bình luận của ông Kim Van Chinh: Đá tự nhiên không phải đá nào cũng làm được vật liệu xây dựng, dù chỉ là đá lát vỉa hè. Đại để đá xây dựng có hai loại chính. Đá marble có cấu trúc không định hình, cho vân đẹp, độ nhám tốt, nhưng kém chịu lực, dễ bị phong hóa ố màu, hoặc ngấm nước tự vỡ…. Đá granite có kết cấu chắc hơn nhưng lại hay có thớ dọc ngang theo tấm, bề mặt cứng nhưng lại trơn trượt nếu bề mặt bào mòn hay mài bóng. Do vậy, dùng đá tự nhiên làm vật liệu lát đường, vỉa hè, sân nhà, bia mộ cần nghiên cứu rất cẩn thận và đặt hàng, sản xuất, nghiệm thu rất nghiêm chỉnh chứ không phải chuyện đùa giỡn hoặc ngu ngốc vô học cho rằng cứ đá là bền, cứ đá là chắc, cứ đá là sang.... Các nước có nền văn hóa dùng đá lâu đời và nền khoa học – sản xuất đá có kinh nghiệm họ thường lấy đá granite ốp, xây tường, làm cột chịu lực,… dùng đá marble làm đá trang trí lát sàn trong nhà, ốp tường… rất đẹp với sức bền hàng thế kỷ. Riêng đá làm đường họ có thể dùng marble hay granite nhưng họ hay dùng đá chẻ thành cục vuông và để thô. Mới lát trông lổn nhổn và nhám nhưng đi lại hàng chục năm, hàng trăm năm… dần dần viên đá mòn nhẵn nhưng vẫn không trơn (do đá chẻ miếng nhỏ lát có mạch, có khi chỉ ghép lại với nhau, không có mạch vữa vẫn bám cứng…).
Dự án đá hóa vỉa hè Hà Nội là dự án lớn kinh khủng nhưng những người làm dự án là một lũ vô học và cẩu thả. Chúng cứ nghĩ đá là bền, là đẹp như các nước họ đã làm… Hỡi ôi, giờ thì nát bét hết cả vỉa hè Hà Nội rồi. Đá 70 năm thì hai năm đã vỡ toác. Chỗ cần nhám (vỉa hè, gờ đường cho xe gắn máy lên xuống) thì chúng lát đá trơn, ngã cứ oành oạch…. Chỗ cần đá chẻ thì chúng lát đá phiến. Chỗ cần granite thì chúng lát marble. Chỗ cần marble thì chúng lát granite. Chỗ không được gắn vữa cứng thì chúng trét xi măng đóng cứng.... Hết Giám đốc này đến Giám đốc khác, hết Chủ tịch này đến Chủ tịch khác nhưng quyết tâm đá hóa vỉa hè không hề thay đổi… Lần này, Giám đốc Sở Xây dựng có khá hơn là công bố nguyên nhân của đá vỉa hè vỡ là do “đá gặp mưa tự giãn nở rồi vỡ” giống hệt ông nào ngày xưa trả lời đê vỡ là do mưa quá to, có gì đâu, vỡ đê là vẫn theo kế hoạch. Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo xưa là Kỹ sư vật liệu xây dựng đấy. Còn Võ Nguyên Phong, tân Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, sinh năm 1969, quê quán tại Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị thì là cán bộ ngành xây dựng với chuyên ngành quản lý đô thị. Ông Phong từng là Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, Phó Bí thư quận Đống Đa, Chủ tịch quận Đống Đa (5).
***
Khác với đa số, thêm chuyện ‘Đá tự vỡ vì giãn nở sau mưa’, ông Nguyễn Trường Sơn không giễu cợt để mỉa mai mà nêu thắc mắc, dân chúng còn bị sỉ nhục đến bao giờ: Tôi nghĩ không có gì là quá đáng khi người dân đòi hỏi công chức làm tròn trách nhiệm tối thiểu của họ. Trong đó bao gồm hoàn thành các trọng trách mà công việc yêu cầu, có thái độ làm việc chuyên nghiệp, ứng xử với dân một cách văn minh và ân cần, nói năng theo cách mà ai cũng có thể hiểu. Bởi bản thân mỗi chúng ta khi đi làm cũng đều được yêu cầu phải làm được những điều căn bản này. Không có doanh nghiệp nào muốn giữ lại một nhân viên mà ngay cả những điều đơn giản như vậy cũng không làm được. Do vậy chúng ta có quyền yêu cầu chí ít công chức cũng phải làm được như chúng ta, chứ chưa nói là phải làm tốt hơn. Bởi sau cùng, chúng ta muốn tự hỏi bản thân rằng số tiền mà chúng ta bị trừ hàng tháng, hay phải trả thêm mỗi lần mua hàng (gọi chung là thuế), rốt cuộc có đáng hay không nếu người thụ hưởng nó lại không làm tròn trách nhiệm?Ấy thế mà. Hết lần này đến lần khác, chúng ta bị sỉ nhục bởi những người vẫn hàng tháng ngửa tay lãnh lương từ tiền thuế mà chúng ta phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới kiếm ra. Nào là ‘đá vỉa hè bị nứt do mưa’, rồi ‘Việt Nam không cần quá giàu’,....
Ông Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: Hết lần này đến lần khác, dân chúng bị đối xử như trẻ ranh, bị cợt nhả và không coi ra gì bởi những phát ngôn coi thường phát ra từ miệng công chức. Những lời nói này không chỉ tự thân chúng bộc lộ sự yếu kém về năng lực của công chức xứ ta mà đằng sau nó là một vấn đề trầm trọng hơn rất nhiều, đó là những người làm công ăn lương ở nước ta mang trong họ thái độ coi thường đối với công việc và khinh bỉ đối với dân chúng. Vì nếu là một công chức coi trọng chức trách và có trách nhiệm với sự tín nhiệm của người dân, thì sẽ suy nghĩ trước khi mở miệng. Một bộ máy nhà nước đầy rẫy những công chức không coi công việc và người dân ra gì thì sẽ không thể vận hành một cách trơn tru và càng không thể tạo ra sự phát triển cho đất nước. Cũng giống như một doanh nghiệp với những nhân viên rệu rã, làm việc với thái độ dửng dưng, coi khách hàng là cỏ rác thì sẽ không thể thành công. Cái chết ở đây đó là bộ máy nhà nước thì sẽ tạo ra hệ lụy nghiêm trọng hơn một doanh nghiệp rất nhiều. Một doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả thì đối mặt với phá sản, cùng lắm là ảnh hưởng đến những người làm việc cho nó nhưng một bộ máy nhà nước với những công chức vô năng, vô tri thì hệ luỵ vô cùng lớn.
Do vậy, ông Sơn lưu ý: Không chỉ quốc gia bị tụt hậu bởi sự vô dụng của các cơ quan nhà nước, mà người dân còn chịu khổ bởi nạn tham nhũng và thói hách dịch từ công chức, cùng với đó là dịch vụ công đắt đỏ và kém chất lượng. Mỗi một lần công chức đưa ra những phát ngôn chướng tai thì sẽ nhận lại sự cười cợt từ dân chúng. Người dân coi đó là một màn tấu hài, là dịp để cả xã hội được phen cười vào mặt viên chức cho hả hê những khổ ải mà chúng ta phải chịu đựng bấy lâu nhưng theo tôi đó là thái độ sai lầm. Bởi cười cợt sẽ không mang lại bất cứ sự thay đổi nào, rồi đâu lại hoàn đó, những bất công và ngang trái vẫn sẽ đè lên đầu lên cổ chúng ta. Thay vào đó, chúng ta cần phải cảm thấy bị sỉ nhục, phải cảm thấy tự ái và nhục nhã mỗi khi những người nắm giữ trọng trách trong bộ máy nhà nước có những phát ngôn như vậy. Thử hỏi có cay không khi những kẻ ăn trên ngồi trốc từ tiền thuế của chúng ta lại quay sang khinh bỉ chúng ta? Rốt cuộc thì có đáng không khi chúng ta nai lưng ra làm để bị thu thuế nhưng cái chúng ta nhận được lại là sự coi thường (6)?
Chú thích:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét