(Ảnh: Công nhân tại một nhà máy ở Việt Nam.)
Tin Nóng Quốc Tế Đó Đây
Đón Mừng Năm Mới, Nhìn Lại Năm Qua: Hoa Kỳ Hỗ Trợ Hơn 500 Doanh Nghiệp Nhỏ của Việt Nam Năm 2022!
Hôm 12/12/2022, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho biết rằng trong năm 2022, phía Hoa Kỳ đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho 514 doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng của Việt Nam, trong đó có 307 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
<!>
Theo cơ quan này, 82% doanh nghiệp được hỗ trợ cho biết đã “thay đổi thực hành kinh doanh sau khi tham gia các hoạt động tập huấn và tư vấn chuyên sâu 1-1, và nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu từ 7,5-10%”.
USAID cho biết rằng thông qua Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân được cơ quan này tài trợ, phía Hoa Kỳ “đang hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng của Việt Nam, bao gồm các doanh nghiệp cho phụ nữ và nhóm dễ bị tổn thương làm chủ, cải thiện môi trường kinh doanh và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm thúc đẩy sự phát triển của một khu vực nhân năng động, sáng tạo, có thêm nhiều cơ hội kinh tế trong nước và đủ sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế”.
Liên quan tới sự hỗ trợ kỹ thuật này, cuối tháng trước, USAID và Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố một sáng kiến mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm, còn được biết đến là tiêu chuẩn Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG), được dẫn dắt bởi khối kinh tế tư nhân tại Việt Nam.
Báo Đầu tư đưa tin đây là sáng kiến về ESG đầu tiên ở Việt Nam dành cho các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng, vốn hiện chiếm tới 97% số lượng doanh nghiệp của khu vực kinh tế tư nhân, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động trong nền kinh tế và đóng góp khoảng 40% GDP.
Theo USAID, sáng kiến này là một phần của Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam trị giá 36 triệu Mỹ kim do USAID tài trợ với mục tiêu “tháo gỡ các hạn chế về chính sách, thị trường và ở cấp độ doanh nghiệp gây cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng, bao gồm những doanh nghiệp do phụ nữ và nhóm yếu thế làm chủ”.
Trong một diễn biến liên quan, theo Báo điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ tháng 4/2022, USAID và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký biên bản sửa đổi đối với thỏa thuận hợp tác song phương nhằm mở rộng các nỗ lực chung nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân.
Lính Trung Quốc và Ấn Độ Ẩu Đả ở Biên Giới, Sau Vụ Xâm Nhập Lãnh Thổ!
(Hình: Khu vực Tawang thuộc biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc.)
- Quân đội Ấn Độ đã ngăn lính Trung Quốc xâm nhập vào lãnh thổ Ấn Độ vào ngày 9/12/2022, trong một vụ ẩu đả ở biên giới gây thương tích cho cả hai bên, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ cho biết hôm 13/12. Đây là cuộc đụng độ đầu tiên kiểu này kể từ năm 2020 giữa hai cường quốc Á Châu.
Sự việc xảy ra ở khu vực Tawang thuộc tiểu bang Arunachal Pradesh, Đông-Bắc Ấn Độ nằm trên dãy Hy Mã Lạp Sơn, giáp với miền Nam Trung Quốc mà Bắc Kinh cũng tuyên bố có chủ quyền.
Quân Ấn Độ đã ‘vượt qua ranh giới một cách bất hợp pháp để chặn cuộc tuần tra định kỳ’ của lính biên phòng Trung Quốc, một phát ngôn nhân Bộ Tư lệnh Mặt trận miền Tây của Giải phóng Quân Nhân dân Trung Quốc (PLA) cho biết hôm 13/12.
“Chúng tôi kêu gọi phía Ấn Độ kiểm soát chặt chẽ và kiềm chế binh lính của họ ở tiền tuyến, đồng thời hợp tác với Trung Quốc để duy trì hòa bình và an ninh ở biên giới”, phát ngôn nhân này nói.
Một nguồn tin quốc phòng Ấn Độ nói với thông tấn xã Reuters rằng các đội tuần tra từ cả hai phía đã đối đầu trực diện tại một trong những đỉnh núi trong khu vực và trong cuộc ẩu đả sau đó, một số binh lính đã ngã trên nền đá và bị thương.
Hai nguồn tin khác cho biết có vài lính Ấn Độ đã bị thương nhẹ.
Nguồn tin quốc phòng Ấn Độ cho biết đường biên giới không được phân định, được gọi là Đường kiểm soát thực tế (LAC), có nghĩa là binh sĩ từ cả hai phía thỉnh thoảng vượt biên vào lãnh thổ của nhau. Những sự việc như vậy sau đó được nêu ra trong các cuộc họp giao ban để chúng không leo thang.ugx.
Trung Quốc Kiện Mỹ Ra WTO Vì Lệnh Cấm Vận Với Hàng Bán Dẫn
(Hình: chụp từ trên cao xuống nhà máy của TSMC (Đài Loan) chuyên sản xuất chip bán dẫn tại Nam Kinh, Trung Quốc.)
- Đài Á Châu Tự Do đưa tin cho hay Trung Quốc vừa nộp đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hôm 12/12/2022 về các biện pháp cấm vận đối với hàng bán dẫn.
Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo cho biết “Trung Quốc có các hành động pháp lý này trong khuôn khổ WTO là cần thiết để đề cập đến vấn đề quan ngại của Trung Quốc và để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình”.
Thông báo của Trung Quốc cũng cho rằng lệnh cấm vận của Mỹ “đe dọa sự ổn định của chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu”.
Hồi tháng 10 vừa qua, Mỹ đã đưa ra một loạt các quy định nhằm vào việc hạn chế ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc.
Các hạn chế mới của chính phủ Mỹ đối với Trung Quốc bao gồm: hạn chế bán thiết bị sản xuất chip và bán dẫn cho khách hàng Trung Quốc, đưa 31 tổ chức của Trung Quốc vào danh sách “chưa xác minh”- giới hạn khả năng mua kỹ thuật ngoại quốc của họ.
Đơn kiện của Trung Quốc đã kích hoạt quá trình giải quyết tranh chấp của WTO. Mỹ hiện có 60 ngày để tham gia tham vấn giữa các bên. Nếu hòa giải không thành công, phía Trung Quốc có thể yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm WTO và tiếp tục các bước tiếp theo.
Adam Hodge – phát ngôn viên của văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ - cho biết Hoa Kỳ đã nhận được yêu cầu tham gia tham vấn từ Trung Quốc.
Thông báo của ông Hodge viết rằng Mỹ đã trao đổi với phía Trung Quốc rằng những hành động của Mỹ là về an ninh quốc gia và việc sử dụng WTO làm diễn đàn thảo luận vấn đề này là không liên quan gì đến an ninh quốc gia.
Oanh Tạc Cơ H-6 Trung Quốc Xâm Nhập ADIZ của Đài Loan Với Số Lượng Kỷ Lục
- Theo tin của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI), hôm 13/12/2022, chính phủ Đài Loan cho biết 18 oanh tạc cơ Trung Quốc có khả năng mang đầu đạn nguyên tử loại H-6 đã xâm nhập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan, một con số cao chưa từng có.
Thông báo của Bộ Quốc phòng Đài Loan được đưa ra chỉ một hôm sau khi các viên chức cấp cao Mỹ - Trung kết thúc cuộc thảo luận 2 ngày tìm cách cải thiện quan hệ song phương, trong đó có hồ sơ nhậy cảm “Đài Loan”.
Sáng 13/12, Bộ Quốc phòng Đài Loan thông báo, trong vòng 24 tiếng đồng hồ, Trung Quốc đã điều tổng cộng 21 phi cơ bay vào vùng Tây-Nam của khu vực nhận diện phòng không của Đài Loan, trong đó có 18 oanh tạc cơ H-6 có khả năng mang đầu đạn nguyên tử. Oanh tạc cơ H-6 là loại máy bay ném bom chính của Trung Quốc có thể mang theo đầu đạn nguyên tử.
Thông tấn xã AFP lưu ý rất hiếm khi Trung Quốc điều trên 5 oanh tạc cơ H-6 xâm nhập vùng nhận diện phòng không của Đài Loan chỉ trong một ngày. Trong tháng 11/2022, số chuyến máy bay H-6 xâm nhập vùng ADIZ của Đài Loan là 21, con số này trong tháng 12 được ghi nhận đến nay là 23. Như vậy là các vụ máy bay Trung Quôc xâm nhập khu vực ADIZ của Đài Loan ngày càng nhiều trong bối cảnh căng thẳng giữa hai bên bờ eo biển Đài Loan ngày càng gia tăng.
Hồi tuần trước, Trung Quốc áp các lệnh cấm nhập cảng mới nhắm vào các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, rượu và nhiều hải sản của Đài Loan. Thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương (Su Tseng-chang) tố Bắc Kinh vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế và thể hiện “sự phân biệt đối xử” với hòn đảo.
Tin Nóng Việt Nam
Cựu Bí Thư Tỉnh Ủy Đồng Nai Kêu Gọi Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn Ra Đầu Thú
(Hình: Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và ông Trần Đình Thành.)
- Cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành từ trại tạm giam lên tiếng kêu gọi Chủ tịch Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) Nguyễn Thị Thanh Nhàn ra đầu thú.
Kêu gọi được đưa ra trước phiên xử dự kiến vào ngày 21/12/2022 tới đây đối với vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”; “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; “Nhận hối lộ”; “Đưa hối lộ”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và AIC.
Luật sư bào chữa cho ông Trần Đình Thành cho truyền thông nhà nước biết như vừa nêu vào ngày 13/12.
Đây là một trong 6 đại án mà Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng/Chống Tham nhũng, Tiêu cực vào ngày 8/11 vừa qua nói sẽ phải đưa ra xét xử trong năm nay.
Vào cuối tháng 11 vừa qua, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ra yêu cầu bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 7 người đang bỏ trốn ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng ngay trước phiên Tòa Sơ thẩm.
Cả tám bị can đang trốn lệnh truy nã đều bị truy tố tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Ngoài ra, bà Nhàn và ông Trần Mạnh Hà (Phó tổng Giám đốc Công ty AIC) – người cũng đang bỏ trốn – còn bị truy tố thêm tội “Đưa hối lộ”.
Theo cáo trạng, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã thiết lập quan hệ với lãnh đạo tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Ðầu tư và các sở, ngành khác của tỉnh Đồng Nai rồi câu kết, thông đồng với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn thiết kế… thiết lập “quân xanh” tham gia đấu thầu và trúng 16 gói thầu, thu lợi bất chính gần 150 tỉ đồng.
Ngoài ra, bà Nhàn còn bị cáo buộc đã chỉ đạo cấp dưới nhiều lần đưa hối lộ cho cựu Bí thư Đồng Nai, cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai mỗi người 14,5 tỉ đồng, và cựu Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai 14,8 tỉ đồng.
Bà Nhàn cũng bị báo chí Pháp và Do Thái đưa tin là người trung gian trong các thương vụ mua bán vũ khí giữa Chính phủ Việt Nam và Do Thái trị giá khoảng 500 triệu Mỹ kim.
Báo Haaretz của Do Thái trích một nguồn tin giấu tên ở Việt Nam cho rằng nguyên nhân thực sự đứng đằng sau vụ truy tố bà Nhàn là do các thỏa thuận mua bán vũ khí. Lý do chính là cuộc cạnh tranh trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Công an Tô Lâm.
Điều Chỉnh Tăng Giá Khởi Điểm Bán Đấu Giá Nhà, Đất của Vũ “Nhôm”
(Hình: Ông Phan Văn Anh Vũ tại một phiên tòa ở Hà Nội hôm 30/1/2019.)
- Hôm 13/12/2022, truyền thông nhà nước trích dẫn thông báo của Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng cho biết một tài sản gồm nhà và đất tại địa chỉ 31 Phạm Hồng Thái (thành phố Đà Nẵng) của ông Phan Văn Anh Vũ (hay còn được biết đến với cái tên Vũ “nhôm”) vừa được điều chỉnh giá bán khởi điểm trong đấu giá từ 16,5 tỉ đồng lên 17,3 tỉ đồng.
Ông Phan Văn Anh Vũ là một cựu sĩ quan an ninh thuộc Bộ Công an và là một chủ công ty tại Đà Nẵng, hiện đang thi hành các án tù với tổng số năm tù lên đến 65 năm liên quan đến các cáo buộc “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Thâu tóm đất vàng Đà Nẵng”.
Hồi cuối tháng 10, cơ quan này cũng đã thông báo đấu giá tài sản này với giá khởi điểm 16,5 tỉ đồng nhưng sau khi kiểm tra, xem xét lại hồ sơ sự việc, Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng cho rằng chứng thư thẩm định giá chưa bảo đảm, cần xem xét thẩm định lại. Do đó, Cục đã thu hồi thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.
Hiện có 28 bất động sản liên quan đến vụ án Vũ “nhôm” và các cựu viên chức Đà Nẵng đã bị kê biên để thi hành án.
Nhà và đất của Vũ “nhôm” tại 49 và 51 Nguyễn Thái Học ở thành phố Đà Nẵng cũng đã bị tuyên bán đấu giá với giá khởi điểm là 29 tỉ đồng rồi lên 35 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo truyền thông nhà nước, qua năm lần thông báo đấu giá, điều chỉnh giá bán mà hai tài sản này vẫn chưa có ai mua lại.
Liên quan đến vụ án Vũ “nhôm”, hai cựu viên chức Đà Nẵng là cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến đã bị tòa tuyên án 17 năm và 12 năm tù trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí và Vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại Đà Nẵng”. Trong vụ án này, ông Phan Văn Anh Vũ bị lĩnh án 25 năm tù.
Bắt Giam Phó Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Bình Thuận
(Hình: Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, ông Nguyễn Văn Phong.)
- Thông báo của Bộ Công an cho biết vào ngày 12/12/2022, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, ông Nguyễn Văn Phong bị bắt giam do liên can trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án Khu Thương mại Dịch vụ và Dân cư Tân Việt Phát 2 ở thành phố Phan Thiết.
Theo truyền thông nhà nước, vào sáng ngày 13/12, lực lượng chức năng tiến hành khám nhà ông Nguyễn Văn Phong tại đường Bùi Thị Xuân, phường Xuân An, Thành phố Phan Thiết.
Ngoài ông Nguyễn Văn Phong, Công an còn khởi tố và bắt giam năm người khác với cùng tội danh trong vụ này gồm các ông Đặng Hoài Nhân - Chủ tịch Công ty trách nhiệm hữu hạn Xổ số Kiến thiết tỉnh Bình Thuận, nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ Đất tỉnh Bình Thuận; ông Nguyễn Thanh Cho - chuyên viên Phòng Hành chính tổng hợp, nguyên Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý Đất đai thuộc Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Bình Thuận; ông Lê Nam Hưng- Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Bình Thuận, nguyên Chi cục phó Chi cục Quản lý Đất đai; ông Phạm Duy Cường - Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường Thành phố Phan Thiết, nguyên Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế đất thuộc Chi Cục Quản lý Đất đai tỉnh Bình Thuận; Lê Anh Huy - Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp, Chi cục Quản lý Đất đai tỉnh Bình Thuận.
Riêng bà Nguyễn Thị Thu Phong - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh Bình Thuận, chỉ bị cấm đi khỏi nơi cư trú.
Vào ngày 10/2 vừa qua, Cơ quan Điều tra thuộc Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố, ra lệnh bắt tạm giam bốn tháng để điểu tra đối với các ông Nguyễn Ngọc Hai - nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, ông Lương Văn Hải - nguyên Phó Chủ tịch thường Ủy ban Nhân dân tỉnh, ông Hồ Lâm-nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường, ông Lê Nguyễn Thanh Danh - nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường, và ông Ngô Hiếu Toàn - Phó Giám đốc Sở Tài chánh.
Những người này bị khởi tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cả năm bị cho có liên quan đến việc giao hơn 92.000 mét vuông đất của 3 lô thuộc Dự án Khu Thương mại-Dịch vụ và Dân cư Tân Việt Phát 2 thuộc quỹ đất hai bên đường 706B (nay là đường Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Thông) phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Đất giao năm năm 2017 nhưng lại áp giá đất năm 2013, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 70 tỉ đồng.
Tính đến nay, có 12 người đã bị bắt giữ trong vụ án này.
Một Cựu Bí Thư Huyện Vĩnh Thạnh Mà Thâu Tóm Gần 140 Hecta Đất Rừng Phòng Hộ
(Hình: Khu đất rừng ở xã Vĩnh Hiệp được chuyển nhượng cho gia đình ông Nguyễn Đình Kim.)
- Truyền thông nhà nước loan tin ngày 12/12/2022, dẫn xác nhận của một lãnh đạo Thanh tra tỉnh Bình Định, cho hay cựu Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Đình Kim bị Thanh tra kết luận thâu tóm gần 140 hecta đất rừng phòng hộ chuyển cho người thân.
Theo Thanh tra tỉnh Bình Định, có dấu hiệu thông đồng hợp thức hóa hồ sơ và đứng tên hộ liên quan trong việc giao đất tại Tiểu khu 176a ở xã Vĩnh Hòa cũ (nay là xã Vĩnh Hiệp), huyện Vĩnh Thạnh trước đây.
Cụ thể, ông Nguyễn Đình Kim tự viết, ký tên xác nhận đơn xin giao đất cho con trai ông Nguyễn Đình Sơn và 3 gia đình con của chị ruột ông. Sau khi đất được giao, ông Nguyễn Đình Kim quản lý toàn bộ và để con trai bán cho người khác.
Cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Xã Vĩnh Hòa, ông Dinh Hnhao, xác nhận với Thanh tra chữ ký trong đơn xin giao đất không phải của ông.
Cà Mau: Năm Cựu Giới Chức Bị Truy Tố Do Vi Phạm Trong Bồi Thường, Hỗ Trợ, Tái Định Cư
(Hình: Khu đô t hị cửa ngõ Đông-Bắc tỉnh Cà Mau.)
- Năm người là cựu Giám đốc và Phó Giám đốc tại tỉnh Cà Mau bị truy tố do vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại Ban Quản lý dự án Đông-Bắc ở tỉnh này.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Cà Mau được truyền thông nhà nước loan đi ngày 13/12/2022 nêu rõ năm người bị truy tố gồm hai cựu Giám đốc Sở Xây Dựng tỉnh Cà Mau là Nguyễn Việt Hùng và Nguyễn Quốc Định về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; hai cựu Giám đốc Quản lý Dự án Đông-Bắc Lê Thiện Anh, Hồ Hoàn Kiếm và cựu Phó Giám đốc Quản lý Dự án Đông-Bắc Trương Công Long về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất”.
Sai phạm của 5 người vừa nêu được cho biết xảy ra trong giai đoạn từ tháng 6/2006 đến tháng 10/2018 tại dự án bồi thường giải phóng mặt bằng xây dựng Khu Đô thị cửa ngõ Đông-Bắc - Khu A, Thành phố Cà Mau. Ba ông Lê Thiện Anh, Hồ Hoàn Kiếm và Trương Công Long ký biên bản bồi thường với cam kết hoán đổi đất, không thu thuế chuyển quyền sử dụng đất, lệ phí trước bạ dẫn đến thiệt hại 183 triệu đồng tiền thuế. Hai ông Long và Kiếm không tổng hợp nhu cầu hoán đổi đất của các gia đình dân bị thu hồi, không lập phương án tái định cư trình cho Ủy ban Nhân dân tỉnh duyệt, mà chỉ dựa vào biên bản cam kết hoán đổi đất để ký 454 hợp đồng với các gia đình dân gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 28 tỉ đồng
Bài Nhận Định Tình Hình Theo Dòng Thời Cuộc
Giao Tranh Dữ Dội ở Đông Ukraine, Phương Tây Tính Trừng Phạt Thêm Nga
(Hình: Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.)
Các lực lượng Nga tấn công các mục tiêu ở miền Đông và miền Nam Ukraine bằng phi đạn, máy bay không người lái và pháo, Reuters dẫn lời Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết hôm 12/12/2022, trong khi hàng triệu người vẫn không có điện ở nhiệt độ âm sau các cuộc tấn công tiếp theo vào cơ sở hạ tầng quan trọng.
Trong một loạt các hoạt động ngoại giao vào cuối tuần, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tổ chức điện đàm với các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ trước các cuộc họp đã lên kế hoạch của Nhóm G-7 và EU hôm 12/12, vốn có thể đồng thuận các biện pháp trừng phạt tiếp theo đối với Nga.
Hiện vẫn chưa có cuộc hòa đàm nào và không có dấu hiệu kết thúc cuộc xung đột đẫm máu nhất ở Âu Châu kể từ Ðệ nhị Thế chiến, mà Mạc Tư Khoa mô tả là một “chiến dịch quân sự đặc biệt” còn Ukraine và các đồng minh của họ gọi là một hành động xâm lược vô cớ.
Hãng thông tấn RIA dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin cho biết Nga chưa thấy cách tiếp cận “mang tính xây dựng” từ Hoa Kỳ đối với cuộc xung đột ở Ukraine. Nga và Mỹ đã tổ chức một loạt cuộc tiếp xúc ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói với ông Zelenskiy trong cuộc điện đàm hôm 11/12 rằng Hoa Thịnh Ðốn đang ưu tiên nỗ lực tăng cường khả năng phòng không của Ukraine. Ông Zelenskiy cho biết ông cảm ơn ông Biden vì sự giúp đỡ “tài chánh và quốc phòng chưa từng có tiền lệ” mà Hoa Kỳ đã cung cấp.
Tại chiến trường Ukraine, cảng Odesa ở Biển Đen hôm 12/12 đã nối lại các hoạt động vốn bị đình chỉ sau khi Nga sử dụng máy bay không người lái do Iran sản xuất 10/12 để tấn công hai cơ sở năng lượng. Các viên chức cho biết điện đang dần được khôi phục cho khoảng 1,5 triệu người.
Ông Zelenskiy cho biết các khu vực khác đang gặp tình trạng “rất khó khăn” về nguồn cung cấp điện bao gồm thủ đô Kyiv và khu vực Kyiv, 4 khu vực ở phía Tây Ukraine và khu vực Dnipropetrovsk ở trung tâm đất nước.
Về mặt ngoại giao, các Ngoại trưởng của Liên Hiệp Âu Châu (EU) dự kiến sẽ thảo luận về gói trừng phạt thứ 9 đối với Nga về việc nước này xâm lược Ukraine, theo đó sẽ đưa thêm gần 200 cá nhân và tổ chức vào danh sách trừng phạt của EU.
Tuy nhiên, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell nhấn mạnh rằng vẫn chưa có thỏa thuận nào về gói này ở giai đoạn hiện tại, đồng thời nói thêm rằng ông hy vọng điều đó có thể đến muộn hơn vào ngày 12/12 hoặc 13/12. Các Ngoại trưởng cũng sẽ thảo luận về việc chuyển giao vũ khí trị giá 2 tỉ Euro (2,11 tỉ Mỹ kim) cho Ukraine.
Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Đức Otto Scholz sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo G-7 khác vào ngày 12/12 về tình hình ở Ukraine mà ông Zelenskiy cũng dự kiến sẽ phát biểu. Ông Scholz sẽ tổ chức một cuộc họp báo sau đó vào lúc 16:30 GMT
“Chúng tôi liên tục làm việc với các đối tác”, ông Zelenskiy cho biết hôm 11/12 sau khi điện đàm với các ông Biden, Emmanuel Macron của Pháp và Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cho biết thêm rằng ông mong đợi một số “kết quả quan trọng” từ các cuộc họp quốc tế sắp tới về Ukraine.
Bộ trưởng Tài chánh Hoa Kỳ Janet Yellen nói trên chương trình “60 Minutes” của đài CBS rằng sự hỗ trợ của Hoa Thịnh Ðốn dành cho quân sự và kinh tế của Ukraine - hơn 50 tỉ Mỹ kim và còn tiếp tục - sẽ tiếp tục “lâu dài”, đồng thời nhắc lại rằng việc chấm dứt chiến tranh là điều tốt nhất duy nhất mà Hoa Kỳ có thể làm cho nền kinh tế toàn cầu.
Mỹ và Âu Châu Tái Khẳng Định Hậu Thuẫn Quân Sự và Nhân Đạo Cho Ukraine
(Minh Anh)
Xung đột tại Ukraine sắp bước qua tháng thứ 11 mà chưa cho thấy có dấu hiệu thoát khủng hoảng. Trong cuộc điện đàm với đồng nhiệm Ukraine ngày 11/12/2022, Tổng thống Mỹ tái cam kết hậu thuẫn “liên tục” cho quốc phòng Ukraine, trong khi Paris chuẩn bị hai ngày “hội nghị quốc tế” vận động các nước hỗ trợ Kyiv tái thiết đất nước.
Thông tấn xã AFP trích dẫn thông cáo của Tòa Bạch Ốc cho biết, Tổng thống Joe Biden nhắc lại Hoa Kỳ vẫn tiếp tục “hỗ trợ cho nền quốc phòng của Ukraine vào lúc Nga theo đuổi các cuộc tấn công nhắm vào các cơ sở hạ tầng trọng yếu” của đất nước Ukraine. Thông cáo của Tòa Bạch Ốc nhấn mạnh đến lời hứa hỗ trợ 53 triệu Mỹ kim cho hạ tầng năng lượng được thông báo hồi tháng 11/2022 và một gói trợ giúp 275 triệu Mỹ kim đạn dược và trang thiết bị khác công bố trong tháng 12/2022.
Phía Liên Hiệp Âu Châu (EU), hôm 12/12/2022, mở cuộc họp cấp Ngoại trưởng cùng với khối G7 tìm kiếm một đồng thuận về những biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Nga và Iran. Trong cuộc họp này, 27 Ngoại trưởng rất có thể sẽ thông báo một gói hỗ trợ bổ sung 2 tỉ Euro để cung cấp vũ khí cho Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng sẽ tham dự qua video.
Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng có một cuộc điện đàm với đồng nhiệm Ukraine trong ngày hôm qua. Mục tiêu là nhằm chuẩn bị cho hai cuộc họp quốc tế nhằm ủng hộ Kyiv, Hội nghị “Đoàn kết Nhân dân Ukraine” và Hội nghị “Phục hồi và Tái thiết Ukraine”, tổ chức tại Paris ngày mai 13/12, với sự tham dự của đệ nhất phu nhân Ukraine và gần 500 doanh nghiệp Pháp, theo như thông báo của điện Elysée.
Trả lời Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI), chuyên gia về xã hội Ukraine, Yulia Shukan, Đại học Paris-Nanterre, giải thích về những gì Ukraine đang cần đến:
“Nhu cầu nhân đạo đặc biệt liên quan do mùa Đông đang đến. Khi tôi ở vùng Donetsk, nhiệt độ ngoài trời ban đêm rất lạnh, xuống đến -7°C.
Vì vậy, nhu cầu trước tiên là máy phát điện, không những thực sự cần thiết cho các cơ sở hạ tầng quan trọng, mà cho phép cả thường dân tiếp tục sinh hoạt trong trường hợp mất điện.
Rồi đến những thiết bị như lò sưởi đốt bằng củi trong các căn nhà, trong trường hợp không có điện, những thiết bị này cũng cho phép chống chọi với giá lạnh.
Tiếp đến là các loại vật liệu xây dựng, bởi vì chúng tôi thấy là người dân bắt đầu trở về các ngôi làng đã được giải phóng, nhưng bị tàn phá nặng nề. Họ tìm cách quay trở về bất chấp mọi thứ. Vì vậy, chúng ta phải giúp họ cách nhiệt tốt hơn các ngôi nhà, trám các lỗ thủng trên mái nhà… tất cả những thứ đó đều cần thiết.
Tất nhiên còn có vấn đề viện trợ nhân đạo nữa, nhu cầu thực phẩm là có, nhưng tôi có cảm giác là lĩnh vực này đang được đáp ứng, với lương thực đến được những vùng lãnh thổ mà người dân đã cạn nguồn dự trữ sau 10 tháng chiến tranh.Đối với tôi, trợ giúp lương thực là điều cần thiết”.
Putin Sẽ Cùng Chung Số Phận Với Các Nhà Độc Tài Bại Trận?
(Thụy My)
Lịch sử cho thấy các chế độ độc tài rất dễ tổn thương khi bị bại trận: Đệ nhất lẫn Đệ nhị Đế chế Pháp, cũng như Đức quốc xã đều sụp đổ sau cuộc chiến. Nga thua Nhật năm 1905 do đánh giá quá thấp đối thủ, còn năm 2022 sau khi gây chiến với Ukraine, số phận Putin sẽ ra sao?
Nhật Bản 1905, Ukraine 2022: Nga Thất Bại Vì Khinh Địch
Bài phân tích của Les Echos khẳng định “Các nhà độc tài không thể sống sót sau những cuộc chiến thất bại”. Tác giả bài viết mạnh dạn so sánh chiến tranh Nga-Nhật năm 1905 và cuộc chiến ở Ukraine năm 2022. Đã có biết bao thay đổi trong 117 năm qua, về quân sự lẫn địa chính trị. Nhưng trong cả hai trường hợp, Nga đã chọn lựa chiến tranh với một đối thủ được cho là yếu hơn rất nhiều, và cả hai cuộc phiêu lưu quân sự đã diễn ra rất tệ hại - cho dù kết luận này có phần vội vã trong cuộc xâm lược Ukraine.
Trận hải chiến Tsushima là chiến thắng đầu tiên của một hạm đội Á Châu trước Âu Châu trong lịch sử hiện đại. Hải quân Nhật chiến đấu theo kiểu Anh, mạnh hơn và nhất là được chỉ huy tốt hơn Nga. Năm 2022, không thắng nổi Kyiv coi như Mạc Tư Khoa đã thất bại, trong khi người Nga vẫn tự cho mình là thượng đẳng so với người Ukraine.
Các chính quyền toàn trị rất dễ tổn thương khi bị bại trận. Cả Đệ nhất lẫn Đệ nhị Đế chế Pháp, cũng như Đức quốc xã đều không tránh khỏi số phận này. Năm 2022, chiến xa Ukraine chưa và sẽ không tiến vào cửa ngõ Mạc Tư Khoa như xe tăng Liên Xô vào Bá Linh, nhưng việc Putin có sống sót về chính trị hay không đã được bàn luận. Cuộc chiến tranh là cuộc chiến “của Putin”. Chính ông ta đã quyết định, đã tiến hành và đã “thua”, Putin là người trực tiếp chịu trách nhiệm về cái chết của hàng trăm ngàn người, và việc hàng triệu người khác phải di tản.
Chính Putin Là Mối Đe Dọa của Nước Nga
Tác giả bài viết những ngày gần đây tại Bá Linh đã có dịp lắng nghe tranh luận của những người Nga đã buộc lòng phải chạy khỏi một đất nước không còn nhận ra được. Đa số cho rằng không nên nói đó là chiến tranh giữa Nga và Ukraine, mà là một cuộc chiến do Putin tiến hành chống lại Ukraine. Họ cũng bi quan dự báo có lẽ phải lưu vong chừng mười năm hoặc hơn nữa.
Không thể không liên tưởng đến câu nói của Tổng thống Emmanuel Macron “bảo đảm an ninh cho Nga”. Ai có thể đe dọa nước Nga ngày nay? Chẳng lẽ là sự kháng cự của quân đội Ukraine, hay sự hiện diện ở biên giới của NATO, một liên minh phòng vệ? Ngược lại, chính cách suy nghĩ và tính toán của ông chủ Ðiện Cẩm Linh mới nguy hiểm cho nước Nga, một lối suy nghĩ chừng như hoang tưởng. Tóm lại, mối đe dọa chính đang đè nặng lên cả nước là bản thân ông Putin.
Năm 1905, hội nghị San Francisco đã kết thúc cuộc xung đột Nga-Nhật. Chiến thắng của hạm đội Nhật Bản trước Nga đã tạo cơ hội cho nước Mỹ của Tổng thống Theodore Roosevelt bước vào sân chơi của các “ông lớn”, áp đặt giải pháp ngoại giao cho hai bên tham chiến. Emmanuel Macron ngày nay muốn đóng vai trò của Roosevelt xưa kia, Paris cũng là một San Francisco cho một hội nghị hòa bình mang tính quyết định? Một tham vọng đáng quý, nhưng nước Pháp năm 2022 không phải là nước Mỹ năm 1905. Đó là một cường quốc mà những đề nghị lưng chừng bị phản đối ngay trong nội bộ.
Ukraine: Không Có Quốc Gia Nào Mong Muốn Hòa Bình Hơn Chúng Tôi
Về khả năng đàm phán, La Croix dẫn lời Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kouleba nói với báo chí hôm 09/12 “không có quốc gia nào mong muốn hòa bình hơn chúng tôi”. Tương tự đối với Oleksandra Matviïtchouk, Chủ tịch Trung tâm Ukraine vì các quyền tự do dân sự (CCL) trong lễ nhận giải thưởng Nobel Hòa bình ở Oslo hôm 10/12. Cả hai nhân vật trên đều khẳng định các điều kiện để biến khao khát hòa bình thành hiện thực hãy còn xa vời, cho dù Vladimir Putin nhìn nhận “rốt cuộc, cần phải tìm ra một thỏa thuận”. Nhưng Tổng thống Nga nói về “thỏa thuận”, “dàn xếp” chứ không phải hòa bình.
Trên thực tế, không thể có hòa bình không công lý, và việc chiếm đóng một phần lãnh thổ Ukraine rõ ràng cản trở yêu cầu này. Cũng như không có hòa bình không sự thực, một sự thực mà tới nay không có quyền đề cập đến tại Nga. Tòa án bỏ tù tất cả những ai chỉ trích cuộc chiến tranh ở Ukraine hay bảo vệ nhân quyền. Trong bối cảnh đó, hầu như chỉ có Đức giáo hoàng là còn tin vào hòa bình, khiến Kyiv bất bình vì Mạc Tư Khoa vẫn tiếp tục tấn công Ukraine. Theo tờ báo, có những tiếng kêu trong sa mạc, đến một ngày nào đó cũng sẽ được lắng nghe.
Nga: Bản Án Kịch Khung Cho Nhà Đối Lập Tố Cáo Chiến Tranh Ukraine
Le Monde nói về bản án tám năm rưỡi tù giam mà tòa án Mạc Tư Khoa vừa tuyên hôm thứ Sáu tuần trước đối với nhà đối lập 39 tuổi Ilia Iachine vì phổ biến “thông tin sai lạc” về quân đội Nga. Đây là bản án nặng nhất về tội danh này, dành cho một trong những khuôn mặt cuối cùng chống lại chế độ Vladimir Putin. Được chất vấn trong cùng ngày, bên lề một hội nghị ở Kyrgyzstan, ông Putin làm ra vẻ ngơ ngác: “Ai vậy? Một blogger à?”. Y như thái độ trong nhiều năm trời đối với nhà đối lập Alexei Navalny. Trong khi Iachine là nhà đấu tranh thân cận với Boris Nemtsov, bị ám sát ngay trước Ðiện Cẩm Linh tháng 2/2015.
Iachine tố cáo “Công tố thời Stalin” và tuyên bố: “Chính quyền muốn đe dọa nhưng chỉ bộc lộ sự yếu kém”, ông nhắc lại câu nói lúc bị bắt “Tôi không sợ!”. Trong phiên tòa trước đó, ông thẳng thừng lên án Putin: “Vladimir Vladimirovitch (...). Tên ông nay gắn liền với chữ “chết chóc” và “hủy diệt”. Ông đã gây đau thương khủng khiếp cho nhân dân Ukraine, họ sẽ không bao giờ tha thứ cho chúng ta (...). Ông đưa hàng trăm ngàn người Nga vào chỗ chết, nhiều người sẽ chẳng bao giờ còn được trở về nhà. Nhưng đối với ông đó chỉ là những con số thống kê”.
Le Monde cho biết hôm 7/4 trong một video dài ba tiếng đồng hồ trên YouTube (1,4 triệu lượt xem), Ilia Iachine đã đưa những hình ảnh về vụ thảm sát Bucha cùng với những phát biểu chính thức của quân đội Nga, tình trạng tang thương của thành phố Mariupol. Không chịu di tản theo lời khuyến cáo của những người thân, hai tháng sau, ông bị bắt.
Qatar và Liên Hiệp Âu Châu: Mối Quan Hệ Nguy Hiểm?
(Thanh Hà)
Có tiền mua tiên cũng được. Chỉ cần có tiền, bất kỳ một quốc gia nào cũng có thể làm thay đổi chính sách của Liên Hiệp Âu Châu (EU), sao cho có lợi cho mình? Điều tra về vụ một số chính khách hàng đầu của Liên Hiệp Âu Châu bị Qatar mua chuộc làm hủy hoại uy tín của Nghị Viện Âu Châu (EP) và để lộ rõ những lỗ hổng trong chính sách chống tham nhũng của Brussels.
Phó Chủ tịch Nghị Viện Âu Châu, Eva Kaili, 44 tuổi, vừa trải qua đêm đầu tiên trong tù. Nghị sĩ đảng Xã Hội Hy Lạp, từng là một nhà báo nổi tiếng trên đài truyền hình quốc gia, với hơn 20 năm kinh nghiệm trên chính trường, vừa “rớt đài”. Khám xét nhà Phó Chủ tịch Nghị Viện Âu Châu, cảnh sát Bỉ tìm thấy những bao tải đầy tiền và nhiều đồ vật đắt giá khác. Người bạn đời của bà Eva Kiali và thân phụ bà cũng sa lưới cảnh sát điều tra.
Viện Công tố Bỉ ra lệnh tạm bắt giữ bà cùng 3 viên chức Âu Châu khác. Tất cả bị khởi tố vì tội “tham gia một tổ chức tội phạm, rửa tiền, nhận hối lộ”.
Truyền thông quốc tế nói đến “vụ tai tiếng tham nhũng nghiêm trọng nhất” hủy hoại uy tín của Nghị Viện Âu Châu đúng vào lúc đang diễn ra Cúp Túc cầu Thế Giới Qatar 2022. Doha bị nghi ngờ dùng tiền “mua chuộc” các chính khách Âu Châu. Cả Doha lẫn Brussels lại càng khó xử vào lúc Liên Hiệp Âu Châu chuẩn bị xem xét khả năng miễn visa cho các công dân Qatar vào Âu Châu. Chương trình đã lập tức bị “đóng băng”.
Thêm một dấu hiệu nữa cho thấy Brussels lúng túng: Chủ tịch Nghị Viện Âu Châu, Roberta Metsola, lập tức thông báo đình chỉ chức vụ của bà Phó Chủ tịch Kaili. Tại Athens, đảng Xã Hội Hy Lạp Pasok - Kinal khai trừ Eva Kaili khỏi Đảng.
Thế nhưng, giới quan sát cho rằng, Liên Hiệp Âu Châu có nguy cơ bị suy yếu sau tai tiếng này.
Trước hết, Tư pháp Bỉ khởi động tiến trình điều tra, chứ đây không phải là một quyết định ở cấp Âu Châu. Nội điều đó cũng đủ làm dấy lên nghi vấn về quyết tâm của Brussels trong nỗ lực chống tham nhũng. Một số nghị viên Âu Châu đã thốt lên rằng, nghi ngờ nhận tiền của Qatar chứng tỏ chính sách chống tham nhũng của Liên Hiệp Âu Châu chỉ là những “lời nói suông”. Tổ chức chống tham nhũng Transparency International, bồi thêm: Kaili và những Dân biểu Âu Châu bị bắt quả tang “không chỉ là một sự việc đơn lẻ” mà đây là một điều gì “phổ biến” từ nhiều thập niên qua. Luật gia Alberto Alemanno, Đại học Bruges-Bỉ, còn đi xa hơn khi cho rằng “Nghị Viện Âu Châu đã nhắm mắt làm ngơ, hoàn toàn không kiểm soát về tư cách đạo đức” của các nghị viên.
Cái khó thứ nhì là một khi mà uy tín của Liên Hiệp Âu Châu bị sứt mẻ như vậy, liệu rằng Brussels có còn đủ tư cách mạnh mẽ lên án và trừng phạt một số thành viên như Hung Gia Lợi cũng vì lý do tham nhũng nữa hay không?
Điểm nhậy cảm thứ ba là “vụ tai tiếng” được phơi bày ra ánh sáng vào lúc Liên Hiệp Âu Châu đang khát năng lượng và tìm mọi cách để thuyết phục Doha bán khí đốt cho 27 thành viên trong khối. Theo giới bảo vệ nhân quyền, đây là một trong những lý do vì sao mà không mấy các nhà lãnh đạo Âu Châu “tẩy chạy” cúp túc cầu Qatar 2022 hay nhắc tới con số hơn 6.000 người lao động nhập cư thiệt mạng trong các dự án xây dựng tại Quatar cho sự kiện thể thao trọng đại này.
Đương nhiên bất kỳ một định chế đa quốc gia nào, một quốc gia nào, hay một tổ chức nào đều có thể bị mua chuộc và không một ai dám mạnh mẽ khẳng định là bài trừ được tham nhũng đến tận gốc rễ, nhưng vụ tai tiếng đang làm hoen ố uy tín của Nghị Viện Âu Châu cho thấy là Liên Hiệp Âu Châu dù mạnh mẽ tuyên bố chống tham nhũng nhưng lại “thiếu vắng trầm trọng những cơ chế để kiểm soát, để báo động và giới hạn” rủi ro này.
Chuyên gia về địa chính trị, Pierre Haski, của tạp chí L’Obs và đài France Inter, ghi nhận rằng chính nhờ đó mà - nếu như kết quả điều tra được kiểm chứng - Qatar chỉ cần có tiền là cũng đủ sức để thao túng chính trường Âu Châu, để gây sức ép với các nhà Lập pháp của Liên Hiệp Âu Châu vì lợi ích chính trị, kinh tế và có thể là còn hơn thế nữa của Doha.
Chắc chắn rằng Qatar không là quốc gia duy nhất trên thế giới dùng đồng tiền vào mục đích này. Cuối cùng, bên cạnh những hoạt động của các toán “lobby” gây áp lực hành lang ở hậu tường, bên cạnh chiến thuật chia để trị như một số quốc gia có thói quen áp dụng, thì sức mạnh của đồng tiền hay văn hóa “quà cáp” vẫn là một công cụ đáng gờm để tạo ảnh hưởng.
Nghị viện Âu Châu nói riêng, Liên Hiệp Âu Châu nói chung đang “ngồi trên một thùng thuốc súng”, bởi theo giới quan sát, cuộc điều tra của Tư pháp Bỉ sẽ còn mở rộng và chắc chắn còn nhiều bí mật từng bước được phơi bày ra ánh sáng. Những tiết lộ đó sẽ khiến thêm bao nhiêu chính khách Âu Châu mất ăn mất ngủ?
Trung Quốc Chỉ Trích Các Biện Pháp Trừng Phạt của Mỹ Đối Với Các Cáo Buộc Vi Phạm Nhân Quyền ở Tây Tạng
*
(Hình: Ông Uông Văn Bân, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc.)
Theo tin của thông tấn xã Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 12/12/2022 cho biết rằng các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với hai viên chức cấp cao của Trung Quốc về cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng là bất hợp pháp và gây tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ Trung-Mỹ.
Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc rằng họ đã sử dụng các chính sách khắc nghiệt để dập tắt bất đồng sắc tộc và kiểm soát các hoạt động tôn giáo ở khu vực miền núi Himalaya của Tây Tạng.
Phát biểu trên của Bắc Kinh được đưa ra sau khi Bộ Tài chánh Hoa Kỳ cho biết hôm 9/12 rằng họ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ông Ngô Anh Kiệt (Wu Yingjie), Bí thư khu ủy Tây Tạng từ năm 2016 đến 2021, và Trương Hồng Ba (Zhang Hongbo), một viên chức công an cấp cao của Tây Tạng.
Ông Uông Văn Bân, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết các bước này là sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc và vi phạm các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế.
“Chúng tôi kêu gọi phía Hoa Kỳ ngay lập tức rút lại cái gọi là lệnh trừng phạt”, ông Uông nói tại một cuộc họp báo thường kỳ.
Họ đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho quan hệ Trung-Mỹ, ông Uông nói, đồng thời nói thêm rằng Trung Quốc sẽ bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
“Mỹ không có quyền áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia khác mọi lúc và không đủ tư cách để đóng vai cảnh sát thế giới”, ông Uông nói thêm.
Ông Uông cũng chỉ trích những bình luận hôm 10/12 của ông Nicholas Burns, Ðại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc, là “đầy dối trá và định kiến”.
Trước đó, ông Burns nói rằng Hoa Kỳ vẫn “quan ngại sâu sắc” về những gì họ coi là sự thất bại của Trung Quốc trong việc tuân thủ cam kết quốc tế của mình để bảo vệ các quyền được bảo đảm bởi Tuyên ngôn Nhân quyền, ở các khu vực như Hồng Kông, Tây Tạng và Tân Cương.
“Chúng tôi kêu gọi phía Hoa Kỳ ngừng sử dụng các vấn đề nhân quyền để bôi nhọ Trung Quốc, ngừng sử dụng các vấn đề nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và phá hoại sự ổn định của Trung Quốc”, ông Uông nói thêm.
Trí Thức Trẻ và Chế Độ Trung Quốc: 100 Năm Sóng Gió
(Thùy Dương)
Ngày 27/11/2022, vài trăm sinh viên của Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh đã biểu tình trong khuôn viên trường. Được thành lập khi Trung Hoa Dân Quốc ra đời vào năm 1911, Đại học Thanh Hoa là một trong những trường danh tiếng nhất trong cả nước, nơi Tập Cận Bình từng theo học. Nhân dịp phong trào biểu tình bùng lên trong giới sinh viên Trung Quốc, dẫn đến việc Bắc Kinh ngưng Zero Covid, trang The Conversation giới thiệu bài viết “Trí thức trẻ và quyền lực Trung Quốc: 100 năm sóng gió”.
Bài viết của Tiến sĩ lịch sử đương đại Marie Bouchez, chuyên gia về quan hệ Pháp - Trung và lịch sử trí thức, Đại học Lorraine, đăng ngày 7/12/2022. RFI giới thiệu bài viết.
Thanh niên Trung Quốc là những người đóng vai trò quan trọng không thể phủ nhận trong những biến động chính trị mà đất nước này đã trải qua trong thế kỷ 20. Đôi khi họ là những phát ngôn viên cho khát vọng dân chủ của Trung Quốc, chẳng hạn vào năm 1919 với phong trào đấu tranh quy mô lớn, Ngũ Tứ, của học sinh, sinh viên, công nhân, trí thức, hay sự kiện ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Tuy nhiên, dưới thời Mao Trạch Đông, một số thanh niên cũng đã trở thành những thành viên nhiệt thành của chế độ, tham gia ức hiếp và làm nhục người khác, đặc biệt là trong những năm đầu tiên khi chế độ Cộng sản được thành lập ở Trung Quốc hoặc trong giai đoạn Cách Mạng Văn Hóa (1966-1971), cho dù các thanh niên là sinh viên bị buộc phải “cải tạo” theo điều lệ của đảng Cộng sản.
Giới trí thức trẻ của Trung Quốc như vậy là lực lượng đã làm rung chuyển hai nước Cộng hòa Trung Hoa, từ năm 1919 cho đến ngày nay. Nổi dậy hay bị thao túng, đâu là các mối liên hệ của giới trí thức trẻ Trung Quốc với chính quyền Cộng sản Bắc Kinh?
4/5/1919: Các Trí Thức Trẻ ở Trung Quốc Đòi Hỏi Dân Chủ
Phong trào Ngũ Tứ 4/5/1919 tương ứng với hai hiện tượng. Một mặt, đó là đỉnh cao của Phong trào Văn hóa Mới, được khởi xướng vào năm 1915 với việc xuất bản tạp chí có tên là Tân Thanh Niên, có phụ đề tiếng Pháp. Người sáng lập tạp chí là Trần Độc Tú (Chen Duxiu), Hiệu trưởng Đại học Bắc Kinh và sau này là nhà sáng lập đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông thuộc lớp thanh niên Trung Quốc có học thức và được đào tạo tại các trường Đại học của Mỹ và Nhật Bản.
Năm 1919, Trung Quốc, nước Cộng hòa từ năm 1911, bị giằng xé giữa các thế lực lãnh chúa trong chiến tranh và không thể có được dân chủ trên lãnh thổ. Hơn nữa, cho dù Trung Quốc sát cánh với các nước thuộc phe đồng minh trong Đệ nhất Thế chiến, nhưng tỉnh Sơn Đông, một thuộc địa cũ của Đức trên đất Trung Quốc, lại bị giao cho Nhật Bản theo Hiệp ước Versailles.
Được một nhóm trí thức của Đại học Bắc Kinh huy động, 3.000 sinh viên Bắc Kinh đã tập hợp tại quảng trường Thiên An Môn vào ngày 04/05/1919 để tố cáo sự bất công đối với Trung Quốc tại Hội nghị Hòa bình (Paris). Ngoài ra, họ lấy Hoa Kỳ, Đức hoặc Pháp làm hình mẫu và đòi hỏi có Khoa học và Dân chủ. Họ cũng chỉ trích các nguyên tắc Nho Giáo được dùng làm cơ sở nền tảng cho xã hội Trung Quốc, chẳng hạn như sức nặng của thứ hạng xã hội, thứ bậc gia đình và rất ít vị trí dành cho phụ nữ. Phong trào dân tộc chủ nghĩa và văn hóa được khởi xướng từ Bắc Kinh đã lan sang các thành phố khác của Trung Quốc, như Vũ Hán, Thiên Tân hoặc Thành Đô, và cũng lan ra cả ngoại quốc: cộng đồng người Hoa ở Đức, Nam Hàn, Ấn Độ và thậm chí cả Nga cũng tham gia phong trào.
Sự kiện ngày 4/5/1919 trong suốt một thời gian dài đã bị Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa làm lu mờ. Đến năm 2019 thì lễ kỷ niệm 100 năm ngày này đã được tổ chức nhằm tôn vinh giới trẻ và tư tưởng dân tộc Trung Hoa. Nhưng trong vòng 100 năm đó, phong trào văn hóa 1919, được coi là khai sinh ra phong trào dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc, đã tìm thấy một tiếng vang mới vào năm 1989.
Sinh Viên Dưới Thời Mao: Hoặc Làm Tay Sai, Hoặc Đi Cải Tạo
Thanh niên Trung Quốc cũng đã từng phải chọn phe trong thời kỳ Trung Quốc theo chủ nghĩa Mao. Trong suốt nhiệm kỳ Chủ tịch của Mao Trạch Đông (1949-1976), giới trẻ Trung Quốc dường như bị chia rẽ: Nhiều người trong số các thanh niên xuất thân từ tầng lớp nông dân và công nhân trở thành những Phụ tá nhiệt thành của chế độ, trong khi những thanh niên có học thức cao hơn bị buộc tội là phản bội hoặc “hữu khuynh” và đã bị đẩy vào các trại cải tạo, đặc biệt là dưới thời Cách Mạng Văn Hóa.
Mao Trạch Đông tin rằng sứ mệnh “của thanh niên là dẫn dắt cuộc cách mạng”. Ngay từ những tháng đầu tiên dưới chính quyền Cộng sản tại nhiều thành phố Trung Quốc, việc tuyển thanh niên vào hàng ngũ là điều hiển nhiên. Trong một bức thư đề ngày 12/12/1949, nhà truyền giáo người Pháp Louis Watine, giảng dạy tại Đại học Thiên Tân, đã báo cáo về việc các sinh viên Đại học ức hiếp các nhà truyền giáo: “Trên tường, họ dán những tấm áp-phích viết tay đầy những lời dối trá, vu khống hoặc chỉ nói đúng một nửa sự thật để chống lại các cha xứ, chống lại Giáo Hội. Thật đáng sợ khi thấy sự thật không có một chút uy quyền nào trong khi mọi sai lầm, sự dối trá đều được phép diễn ra: họ gọi đó là ‘Ánh sáng, ‘Sự thật’, ‘Tiến bộ’”.
Trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa, được khởi xướng hồi năm 1966, việc tuyển thanh niên vào hàng ngũ đã được nâng lên một bậc. Để trừng phạt các đối thủ, trong đó có cả Đặng Tiểu Bình, và tái thiết uy tín chính trị, Mao Trạch Đông đã khuyến khích các học sinh và sinh viên gia nhập “Hồng Vệ Binh”, “Những người lính nhỏ của Cách mạng”. Một đội quân hăng hái, nhiệt tình đã được thành lập theo mô hình của Hồng Quân.
Gắn chặt với Cuốn sách đỏ, hàng triệu thanh niên nói trên đã cổ vũ Mao Trạch Đông trên quảng trường Thiên An Môn vào tháng 08/1966, treo những tấm tấm áp phích lớn tố giác các giáo viên và sinh viên bị họ quy là tư sản hoặc xét lại. Tại Đại học Bắc Đại (Beida) ở Bắc Kinh, vào giữa tháng 10/1966, gần 3.000 sinh viên đã thành lập 92 nhóm hội Hồng Vệ Binh, nhưng thường là đối chọi với nhau. Từ tháng 1/1967, Hồng Vệ Binh thoát khỏi mọi sự kiểm soát và thực hiện các hành động chống lại toàn bộ giới trí thức Trung Quốc (giáo viên, nhà báo, cán bộ đảng, nhân viên bệnh viện).
Cũng vào thời đó, 17 triệu “thanh niên có học thức” bị đưa về nông thôn một cách độc đoán với mục đích cải tạo họ. Trong tiểu thuyết “Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa” (xuất bản năm 2000), nhà văn Trung Quốc Đới Tư Kiệt (Dai Sijie) miêu tả hai thanh niên ở tuổi 17-18, vừa mới tốt nghiệp trường trung học cơ sở và bị đẩy đi một khu làng hẻo lánh ở tỉnh Tứ Xuyên, miền Tây-Nam Trung Quốc. Là con trai các Bác sĩ, nhân vật Tôi, người kể chuyện trẻ tuổi kể rằng “chỗ ở tại nơi cải tạo không có đồ đạc”, công việc nặng nhọc trên núi là mang “những thứ rác rưởi trên lưng” và “bài học cải tạo kéo dài suốt hai tháng”. Cách Mạng Văn Hóa chấm dứt vào năm 1971, nhưng bạo lực đã giết chết gần 4 triệu người.
Từ Thiên An Môn Đến Đại Học Thanh Hoa: Tuổi Trẻ Đối Mặt Với Chế Độ Cộng Sản (1989-2022)
Cái chết của Mao Trạch Đông năm 1976 đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình trở thành Chủ tịch Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và mở cửa đất nước với kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, từ ngày 15/4 đến ngày 4/6/1989, 70 năm sau phong trào Ngũ Tứ 4/5/1919, 200.000 sinh viên đã tập trung tại quảng trường Thiên An Môn. Các đòi hỏi dân chủ khi đó ở Trung Quốc rất mạnh mẽ, phong trào đã tranh thủ một số sự kiện để bày tỏ các mong muốn, đòi hỏi, trong đó có chuyến thăm Trung Quốc của nhà cải cách Liên Xô Mikhail Gorbachev. Các sinh viên, thường là con cái của các nhà lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc, muốn tưởng niệm cuộc tập hợp ngày 04/05/1919 và bắt đầu tuyệt thực.
Trong khi đó, giới trí thức đòi “công cuộc hiện đại hóa lần thứ 5 và dân chủ”. Lần đầu tiên, báo chí quay lưng lại với đảng Cộng sản. Bất chấp sự trung gian của Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình đã quyết liệt sử dụng các phương tiện mạnh mẽ; ông ban hành thiết quân luật và điều quân đội đến quảng trường Thiên An Môn trong đêm 03 rạng sáng 04/06/1989. Khoảnh khắc này trở thành bất tử với hình ảnh một thanh niên một mình đứng chặn đoàn xe tăng đang lao tới. Hình ảnh này bị cấm ở Trung Quốc, nhưng trở thành biểu tượng cho cuộc đàn áp có lẽ đã cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người.
33 năm sau (vào năm 2022), và trong khi “Mùa Xuân Trung Quốc” năm 1989 vẫn bị đè bẹp dưới sự im lặng ở Trung Quốc, sinh viên Bắc Kinh một lần nữa đi đầu phong trào biểu tình.
Có nhiều điểm chung giữa các phong trào của sinh viên Trung Quốc từ năm 1919 đến năm 2022. Những biểu ngữ được giới trẻ, từ các thành phố lớn của Trung Quốc có học thức và cởi mở với thế giới, giương lên, hầu như vẫn không thay đổi. Các trí thức trẻ cũng cố gắng tập hợp quanh họ các tầng lớp xã hội khác trong nước. Thường là bị trấn áp, đôi khi cũng được các nhà cầm quyền chính trị Trung Quốc ủng hộ, các sinh viên không ngừng giữ vai trò là các tác nhân quan trọng trong lịch sử Trung Quốc.
Công Nghiệp Quốc Phòng Nam Hàn Giúp Việt Nam Tự Chủ An Ninh, Đa Dạng Hợp Tác
(Thu Hằng)
Việt Nam và Nam Hàn nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện” ngày 5/12/2022 nhân chuyến công Hán Thành của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Nam Hàn trở thành nước đồng minh đầu tiên của Mỹ thiết lập mối quan hệ ở mức cao nhất với Việt Nam. Trước đó, Hà Nội chỉ duy trì quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” với ba nước có truyền thống hợp tác là Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.
Hà Nội và Hán Thành có một điểm chung giữa là đều “tìm cách giữ thế cân bằng tế nhị giữa hai đại cường” Trung Quốc và Hoa Kỳ. Theo giới chuyên gia, việc chọn Nam Hàn, thay vì Nhật Bản - một nước hỗ trợ lớn cho Việt Nam nhưng có đường lối cứng rắn với Bắc Kinh - được cho là để “tránh gây nghi ngờ vô ích từ phía Trung Quốc”. Việt Nam cũng được Nam Hàn coi là một trong những đối tác quan trọng nhất trong “Chiến lược hướng Nam” của nước này, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư và thương mại.
Trả lời Ban tiếng Việt của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) ngày 9/12/2022, nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương, chuyên về an ninh hàng hải và các vấn đề Hải quân, Đại học New South Wales, cho rằng thắt chặt quan hệ với Nam Hàn là một giải pháp giúp Việt Nam tự chủ hơn về quốc phòng, đa dạng nguồn cung vũ khí và hợp tác quân sự.
________________________________________
RFI: Việt Nam và Nam Hàn đã nâng quan hệ đối tác từ chiến lược lên thành quan hệ chiến lược toàn diện. Mối quan hệ này có ý nghĩa như nào với Việt Nam?
Nguyễn Thế Phương: Nhìn ở dưới tất cả góc độ, việc nâng cấp quan hệ thể hiện chính sách đối ngoại của Việt Nam là “đa phương hóa, đa dạng hóa”. Hiện nay, đối với Việt Nam, chỉ có 3 nước ở tầm “Đối tác chiến lược toàn diện” là Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, giờ thêm Nam Hàn là bốn và năm sau (2023) có thể là Úc Ðại Lợi.
Nhóm đối tác chiến lược toàn diện là nhóm những quốc gia có mối quan hệ đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. Nam Hàn sẽ đặc biệt quan trọng ở mặt kinh tế, giao lưu văn hóa, thương mại. Một số nhà quan sát cho rằng khi đã nâng cấp được mối quan hệ Việt-Hàn lên đối tác chiến lược toàn diện, hy vọng trong tương lai ngắn, hai bên sẽ đẩy mạnh mảng quốc phòng và an ninh. Trước đây, yếu tố đó chỉ khu biệt ở trong một số mảng, ví dụ hàng hải. Sắp tới cũng hy vọng mảng đó được đẩy mạnh hơn và giúp cho Việt Nam có thể đa dạng hóa hơn hợp tác, đặc biệt trong an ninh quốc phòng.
RFI: Thời gian gần đây, Nam Hàn nổi lên là nhà xuất cảng vũ khí lớn trên trường quốc tế, đặc biệt là hợp đồng vũ khí với Ba Lan. Liệu Nam Hàn có thể trở thành một nguồn cung vũ khí mới cho Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam đang gặp một chút khó khăn khi nguồn cung chính là Nga đang lâm chiến ở Ukraine?
Nguyễn Thế Phương: Thực ra không phải là một chút khó khăn, mà là khá nhiều khó khăn trong vấn đề nhập cảng một số loại vũ khí quan trọng. Vũ khí Nga chiếm khoảng 60-70% vũ khí Việt Nam hiện có, cho nên cuộc chiến của Nga ở Ukraine khiến cho quá trình nhập cảng một số loại vũ khí của Nga, ví dụ máy bay, chiến hạm, bị ngừng trệ. Việt Nam đã lường trước được việc này bởi vì toàn bộ quá trình đa dạng hóa nguồn cung vũ khí đã xuất phát cách đây khoảng 5 năm, thậm chí là còn xa hơn. Việc nâng cấp mối quan hệ chiến lược toàn diện với Nam Hàn mở ra một triển vọng rất lớn về ngắn hạn và trung hạn với việc Nam Hàn có thể trở thành một trong những đối tác về quốc phòng và an ninh lớn của Việt Nam.
Ở đây sẽ có nhiều mảng khác nhau. Thứ nhất về mặt vũ khí, Việt Nam sẽ có thêm lựa chọn cho việc nhập cảng vũ khí. Một ví dụ điển hình ở ngay Đông Nam Á là Phi Luật Tân. Hiện tại, Phi Luật Tân đã mua một số loại vũ khí, khí tài lớn, ví dụ máy bay tấn công TA-50 của Nam Hàn. Đối với việc hiện đại hóa Hải quân Phi Luật Tân, nước này cũng đã đặt đóng một số chiến hạm loại lớn ở Nam Hàn. Đó là ví dụ cụ thể để Việt Nam có thể xem xét các loại vũ khí phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của Việt Nam.
Thứ hai, không chỉ về buôn bán vũ khí, mà là một yếu tố quan trọng hơn rất nhiều, đó là có khả năng nâng cấp sức mạnh của công nghiệp quốc phòng Việt Nam lên một chút, ví dụ chuyển giao kỹ thuật hoặc cả hai bên có khả năng thành lập một công ty chung để sản xuất các loại vũ khí quốc phòng hoặc đóng tàu. Như chúng ta biết, Nam Hàn là một trong những quốc gia có ngành công nghiệp đóng tàu rất lớn, đứng thứ 3 hay thứ 4 trên thế giới.
Ví dụ công ty đóng tàu lớn Hyundai của Nam Hàn cũng xuất hiện ở Việt Nam hay Samsung, ngoài điện thoại là sản phẩm mà chúng ta dễ dàng nhận biết, cũng là một trong những nhà thầu quốc phòng lớn của Nam Hàn và họ tập trung phát triển những loại vũ khí kỹ thuật cao. Với lịch sử hiện diện ở Việt Nam như vậy, có thể hy vọng trong tương lai ngắn, hai bên có thể tìm cách nào đó kết hợp với nhau để phát triển năng lực công nghiệp quốc phòng của Việt Nam. Yếu tố đó cũng giúp Việt Nam hạn chế bớt việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung ngoại quốc. Bởi vì về căn bản, khi có xung đột xảy ra, việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung ngoại quốc sẽ khiến cho khả năng thành công trên chiến trường bị hạn chế. Điểm này có thể thấy rõ qua cuộc chiến Nga-Ukraine.
Yếu tố thứ ba là những vấn đề mềm hơn một chút, liên quan tới an ninh hàng hải. Trước đây, Việt Nam và Nam Hàn cũng có một số hợp tác về an ninh hàng hải, trong đó điểm rõ ràng nhất là Nam Hàn chuyển giao hai chiến hạm đã qua sử dụng cho Việt Nam. Hy vọng rằng trong khoảng 1-2 năm sắp tới, họ cũng chuyển giao thêm một chiến hạm nữa cho Việt Nam. Ngoài ra, trong tương lai, khi mối quan hệ được nâng lên tầm chiến lược toàn diện, cũng hy vọng là hai bên có thể tìm thấy những điểm chung để từ đó tăng cường hợp tác, ví dụ có thể chia sẻ một số thông tin, như thông tin tình báo, hoặc có thể kết hợp huấn luyện chung, tuần tra chung hoặc những vấn đề có tầm mức quan trọng tương tự.
Nhưng còn có một yếu tố cần phải nhấn mạnh, đó là mối quan hệ Việt Nam - Nam Hàn đặt trong bối cảnh khu vực. Hiện nay, khi Mỹ tập trung vào khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và họ mong muốn tăng cường năng lực của các đồng minh và đối tác của Mỹ, rõ ràng mối quan hệ giữa Việt Nam và Nam Hàn trong an ninh biển sẽ đặt trong tư duy đó của cả khu vực. Trong một số lĩnh vực, đặc biệt là an ninh quốc phòng, nhiều người nói rằng Việt Nam và Mỹ, trong một số trường hợp cụ thể, khó có thể ngồi nói chuyện song phương và nâng cấp điều đó. Cho nên có thể có trường hợp đi vòng, thông qua một nước thứ ba - có thể là Ấn Độ, Úc Ðại Lợi (Úc Ðại Lợi năm sau có thể nâng lên đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam), Nhật Bản (vừa rồi Nhật Bản đã bỏ quy tắc xuất cảng vũ khí của họ) và bây giờ là Nam Hàn - Việt Nam có thể phần nào đó tăng cường mối quan hệ hợp tác với các đồng minh của Mỹ, với mạng lưới an ninh của Mỹ nói chung và với Mỹ nói riêng. Đó là một trong những phần mà Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nam Hàn.
Một điểm nữa cũng cần lưu ý trong hợp tác kỹ thuật quân sự, mới đây (ngày 9/12), Mỹ cũng tuyên bố sẽ bán 12 máy bay huấn luyện cho Việt Nam. Có thể nói đây là hợp đồng mua sắm vũ khí lớn nhất giữa Việt Nam và Mỹ, từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ, nếu không tính phần Mỹ hỗ trợ cho Việt Nam một số tàu đã qua sử dụng cho cảnh sát biển. Đây sẽ là một tiền đề để Việt Nam và Nam Hàn mở rộng hơn nữa hợp tác, bởi vì Nam Hàn có kinh nghiệm trong việc tích hợp các loại vũ khí hệ Âu Châu. Mối quan hệ an ninh quốc phòng với Nam Hàn, đặc biệt trong lĩnh vực vũ khí, sẽ được mở rộng hơn, nếu như đã có tiền lệ hợp tác an ninh và mua sắm khí tài giữa Việt Nam và Mỹ.
Nói tóm lại, về ngắn hạn và trung hạn, tức là trong vòng 10 năm nữa, triển vọng hợp tác an ninh quốc phòng, đặc biệt là về mặt vũ khí, khí tài và chuyển giao kỹ thuật quốc phòng giữa Việt Nam và Nam Hàn, sẽ rất có tiềm năng trong bối cảnh cả hai đều cần có nhau và trong bối cảnh Việt Nam đang cần đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, khí tài hiện nay.
RFI: Như vừa đề cập là Việt Nam đang tìm cách nâng cao tự chủ quốc phòng. Ở Hà Nội diễn ra Triển lãm Quốc phòng Quốc tế 2022, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức. Đây là cách để Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung và khẳng định phần nào khả năng tự chủ quốc phòng?
Nguyễn Thế Phương: Thông điệp đó là đúng. Đối với nhiều người ngoại quốc, họ sẽ thấy đó là vấn đề mang tính tự chủ nhưng nếu phân tích rõ ra, sẽ thấy có nhiều chiều hướng khác nhau về đối nội và đối ngoại.
Về đối nội, rõ ràng là một triển lãm quốc phòng lớn như vậy mang thông điệp gửi đến người dân trong nước rằng quân đội Việt Nam hiện nay có đủ khả năng để bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia trong một giai đoạn bất ổn như hiện nay, được thể hiện qua vũ khí, khí tài và thông qua thông điệp trên báo chí.
Về đối ngoại, có hai ý. Ý thứ nhất muốn nói: Việt Nam đang muốn đa dạng hóa và chúng tôi không muốn phụ thuộc quá nhiều vào Nga nữa. Và chúng tôi mở thị trường an ninh trong nước, thị trường vũ khí ra với tất cả những nhà thầu, đối tác quốc phòng nào có nhu cầu.
Thông điệp thứ hai liên quan đến trình độ phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng nội địa Việt Nam sau khoảng 10 năm bắt đầu và khoảng 5 năm sau Đại hội Đảng lần thứ 12. Lúc đó, đảng Cộng sản Việt Nam ra một Nghị quyết về phát triển tổ hợp công nghiệp quốc phòng mang tính lưỡng dụng mà Viettel là cánh chim đầu đàn. Rõ ràng là trong vòng 5 năm trở lại đây, Viettel và các tổ hợp công nghiệp quốc phòng Việt Nam cũng đã có khả năng sản xuất ra được một số loại vũ khí, khí tài, đặc biệt là những loại mang tính kỹ thuật cao, ví dụ các loại thiết bị không người lái, radar phát giác máy bay.
Triển lãm quốc phòng lần này là cách để thể hiện rằng công nghiệp quốc phòng Việt Nam có khả năng chế tạo được một số loại vũ khí, khí tài và có khả năng xuất cảng những vũ khí, khí tài đó. Nói cách khác, đây là cơ hội để Việt Nam quảng bá sản phẩm cho một số khách hàng tiềm năng và cố gắng phát triển thị trường cho các tổ hợp quốc phòng trong tương lai. Ví dụ một số nước ở Đông Nam Á, vì gần đây có một số thông tin Phi Luật Tân cũng quan tâm tới một số loại vũ khí của Việt Nam, hoặc một số nước ở Phi Châu. Điều này cũng thể hiện rõ qua một tuyên bố của Viettel tại Triển lãm Quốc phòng lần này rằng họ mong muốn tới năm 2025 và sau đó, Viettel có thể xuất cảng được các vũ khí “made in Vietnam”.
Đó là những thông điệp không chỉ về đa dạng hóa mà còn về mặt bán vũ khí và cũng là thông điệp gửi tới một bộ phận trong nước rằng ngành công nghiệp quốc phòng và quân đội Việt Nam hiện nay có đủ khả năng để làm rất nhiều việc, không chỉ để bảo vệ tổ quốc mà còn xuất cảng vũ khí nữa.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương, Đại học New South Wales, Úc Ðại Lợi.
Thủ Tướng CS Việt Nam Đến Hòa Lan Để Thắt Chặt Quan Hệ Kinh Tế
(Hình: Thủ tướng Hòa Lan Mark Rutte chủ trì lễ đón Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hôm 12/12/2022.)
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đang có chuyến thăm kéo dài 3 ngày đến Hòa Lan để củng cố quan hệ kinh tế-thương mại với một trong những đối tác kinh tế lớn nhất của Việt Nam ở Âu Châu và tranh thủ sự giúp đỡ của Hòa Lan trong những lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu.
Lễ đón chính thức ông Chính đã diễn ra hôm 12/12/2022 tại Phủ Thủ tướng Hòa Lan dưới sự chủ trì của Thủ tướng Hòa Lan Mark Rutte.
Tại buổi hội đàm sau đó, ông Chính được cho là đề nghị người tương nhiệm Hòa Lan khuyến khích các doanh nghiệp nước này đầu tư vào các lĩnh vực như cảng biển, kỹ thuật đóng tàu, kết nối hậu cần, hạ tầng chiến lược… với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực, theo tường thuật của Tuổi Trẻ.
Ngoài ra, Thủ tướng Việt Nam còn đề nghị Hòa Lan, cường quốc nông nghiệp có nhiều kinh nghiệm chống nước biển dâng, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ thuật và cho vay ưu đãi để giúp Việt Nam phát triển nông nghiệp bền vững, logistics, chuyển đổi xanh, bảo vệ đa dạng sinh học, quản lý nước, nhất là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cũng theo tờ báo này.
Một lĩnh vực nữa mà phía Việt Nam cũng nhờ Hòa Lan giúp đỡ là phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh để Việt Nam thực hiện được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Thủ tướng Mark Rutte được cho là đồng ý thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong phát triển năng lượng tái tạo, hỗ trợ kỹ thuật khai thác cát ngoài khơi, chống sạt lở đất....
Hòa Lan hiện là nhà đầu tư lớn nhất và đối tác thương mại lớn thứ hai của Âu Châu ở Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương năm 2021 đạt 8,37 tỉ Mỹ kim, tăng gần 10% so với năm trước đó và 380 dự án đầu tư với tổng số vốn là 13,5 tỉ Mỹ kim.
Mặc dù có quan hệ kinh tế mạnh mẽ, quan hệ Việt Nam-Hòa Lan hiện vẫn ở mức Đối tác Toàn diện chứ chưa được nâng lên Đối tác Chiến lược. Hai nước hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023.
Cũng trong chuyến thăm này, ông Chính đã có các hoạt động kinh tế dày đặc như tiếp xúc các lãnh đạo doanh nghiệp Hòa Lan, đi thăm các mô hình kinh tế của Hòa Lan và dự đối thoại với các tập đoàn hàng đầu của nước này, theo tường thuật của Thông tấn xã Việt Nam.
Tại buổi đối thoại giữa ông Chính với lãnh đạo các tập đoàn Hòa Lan vào chiều ngày 11/12, Giám đốc điều hành hãng đóng tàu Damen Shipyards Gorinchem, ông Arnout Damen, cho biết sẽ đầu tư thêm 100 triệu Mỹ kim vào lĩnh vực đóng tàu tại Việt Nam, đồng thời mong muốn hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ thống giao thông giảm phát thải carbon, cũng theo hãng thông tấn nhà nước này. Trong khi đó, ông Dolf van den Brink, Tổng Giám đốc Heineken toàn cầu, đã thông báo với ông Chính là hãng này sẽ đầu tư thêm 500 triệu Mỹ kim vào Việt Nam trong vòng 10 năm tới.
Ông Chính đã hứa với các doanh nghiệp Hòa Lan rằng Việt Nam ‘sẽ hỗ trợ mọi thứ có thể để họ có thể làm ăn lâu dài ở Việt Nam’, Thông tấn xã Việt Nam cho biết.
Trước đó, vào sáng ngày 11/12, ông Chính đã đến thăm Trung tâm Kỹ thuật Brainport (BIC), thành phố Eindhoven, nơi tập trung các doanh nghiệp kỹ thuật hàng đầu của Hòa Lan và được mệnh danh là ‘Thung lũng Silicon Âu Châu’.
Tại đây, ông Chính được cho là đã đề nghị phía Hòa Lan giúp đỡ xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và xây dựng một trung tâm kỹ thuật theo mô hình Brainport tại Hà Nội để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, đi vào các ngành mới nổi như chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn…, cũng theo hãng thông tấn Nhà nước Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hiện đang có chuyến công du đến ba nước Âu Châu. Trước Hòa Lan, ông đã đến Đại Công quốc Luxembourg. Điểm đến tiếp theo của ông Chính sau Hòa Lan là Bỉ.
Bình Thường Đã Đông! Nay Việt Nam Lại Tuyên Bố Chuẩn Bị Đón Du Khách Trung Quốc Ồ Ạt Trở Lại!
(Hình: Cửa khẩu Tân Thanh nằm ở biên giới tỉnh Lạng Sơn của Việt Nam.)
Việt Nam đang rục rịch mở cửa biên giới và nối lại các đường bay với Trung Quốc để đón du khách nước này, một trong những nguồn thu chính của du lịch Việt Nam, quay trở lại sau gần 3 năm bị gián đoạn vì đại dịch COVID-19.
Trung Quốc hiện đã nới lỏng các biện pháp chống dịch hà khắc trong khuôn khổ chính sách Zero Covid, trong đó có hạn chế đi lại và cho phép người dân đi du lịch ngoại quốc, và tiến tới mở cửa lại nền kinh tế được dự đoán vào mùa Xuân năm sau.
Giới chức thành phố giáp biên Móng Cái thuộc tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các phường, xã trực thuộc và cách cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng chờ đến khi Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái cho xuất-nhập cảnh trở lại, trang mạng VnExpress đưa tin.
Chính quyền thành phố này dự đoán việc mở cửa lại có thể sẽ diễn ra vào dịp Tết Quý Mão, tức cuối tháng 1 năm 2023.
Theo đó, các đơn vị kinh doanh du lịch được yêu cầu sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo đảm mỹ quan, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự và chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ, VnExpress dẫn lời bà Phạm Thị Oanh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin Móng Cái, cho biết.
Trước đó, hôm 9/12, hãng hàng không quốc gia Việt Nam, Vietnam Airlines, đã chính thức nối lại các đường bay thương mại thường lệ với Trung Quốc lần đầu tiên sau 3 năm với chuyến bay từ Sài Gòn đi Quảng Châu, trang mạng Vietnamplus cho biết.
Tiếp sau đường bay này, các đường bay thường lệ Hà Nội-Thượng Hải và Sài Gòn-Thượng Hải cũng sẽ lần lượt được Vietnam Airlines mở lại lần lượt vào ngày 12 và 14/12, cũng theo trang mạng này.
Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng cho mở lại đường bay Hà Nội-Hồng Kông hôm 12/12, trước mắt với tần suất 2 chuyến/tuần và dự kiến tăng lên 3 chuyến/tuần kể từ ngày 26/12 tùy theo nhịp độ nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch của đặc khu hành chính này của Trung Quốc.
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát hồi cuối năm 2019, Trung Quốc đã đóng cửa biên giới từ đầu năm 2020. Kể từ đó, không có du khách Trung Quốc nào nhập cảnh chính thức vào Việt Nam bằng cả đường không và đường bộ.
Du khác Trung Quốc là thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam. Trong năm 2019, khách Trung Quốc chiếm gần 33% tổng lượng khách vào Việt Nam với 5,8 triệu lượt khách, VnExpress dẫn số liệu của Tổng cục Du lịch cho biết.
Ông “T’rạc” Cô Đơn Giữa Đêm Đông Lạnh Giá!
(Bình luận của Vương Trùng Dương)
Phải có thiết chế (chống tham nhũng) mới. Nhưng thiết chế mới như nào thì nghiên cứu hai năm chưa ra. Khó lắm! (…) Nếu như muốn làm được như Trung Quốc thì cần phải thay đổi lại thể chế, thiết chế bộ máy (ông Phan Đình Trạc, Trưởng Ban nội chính Trung ương phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6 khóa XIII ngày 5/12).
***
Hà Nội, một đêm Đông cuối năm lạnh giá. Ông T’rạc cô đơn ngồi dưới ánh vàng của ngọn đèn cao áp. Tại sao xài đèn cao áp trong nhà? Vì ông muốn nó tăng huyết áp ông lên, máu chảy rần rật đặng đủ may mắn làm cho xong cái nhiệm vụ này. Lư trầm hương bên cạnh bay lên những sợi khói trầm. Hàng chuẩn, khói rất nặng nên chỉ khẽ lan ra trong không trung. Bộ loa mở đi mở lại thể loại nhạc sóng Alpha kích thích não.
Đã hai năm rồi.
Hai năm, ông T’rạc đêm đêm ngồi bóp trán. Ngày ngày, ông cũng bóp trán, nhưng trong nhiều tư thế, cả lúc đi, lúc ngồi, lúc đứng, lúc nằm.
Sư huynh giao nhiệm vụ này khó quá, khó đến không tưởng.
Đấy là ra một cái luật khiến cho anh em viên chức không thể tham nhũng nữa. Cụ thể thì có ba nhiệm vụ nhỏ: Thứ nhất, làm cho anh em không muốn tham nhũng. Thứ hai, làm cho anh em không dám tham nhũng. Thứ ba, làm cho anh em không thể tham nhũng.
Thứ Nhất
Ông T’rạc vừa bóp trán vừa chạy loang loáng trong đầu những cái tên nắm giữ chức vụ cao to đồ sộ vừa bị đút lò mấy năm qua. Dân sự có hơn 170 cán bộ cấp cao do Trung ương quản lý, nghĩa là từ lãnh đạo tỉnh, thành, Thứ trưởng… trở lên. Quân sự có hơn 50 tướng.
Tại sao những người anh em này muốn tham nhũng? Họ muốn có tiền cho con đi học ngoại quốc hay sắm tư gia bên trời tây, đợi về hưu sang Mỹ làm người tử tế ư? Hay… họ nuôi bồ nhí?
Không-ông biết, trước khi họ bị chốt hạ thì con cái họ đã cắm rễ bên hải ngoại hết rồi. Villa, biệt thự ở tây lẫn ta xòe tay ra đếm cũng không hết được. Vụ bồ nhí thì ông không biết, thú thực thế. Nhưng tuyền tóc bạc trắng cả đầu rồi, sức đâu nữa bồ bịch (tuy nhiên ông cũng đoán thế thôi chứ ai dám chắc). Mấu chốt là: đã giàu mà vẫn tham nhũng thì nào có phải vì tiền?
Nhưng khoan… họ giàu từ lúc nào? Hình như… có nhẽ… chắc rồi!
Từ khi được tổ chức tin tưởng phân công trọng trách, họ cứ năm sau giàu hơn năm trước.
Lần ngược lại hàng chục vụ án trọng điểm đang điều tra, than ôi, tất cả những người anh em-cứ có chức là bắt đầu tham nhũng. Khi là cán bộ nhỏ mới vào làm việc ở phường, ở phòng, ở quận… họ chưa tham nhũng. Nhớn dần lên, rồi thành bộ, thành tỉnh thì anh nào cũng không nhường anh nào, thiếu điều nhà cửa chưa dám dát vàng lên thôi.
Thế thì logic thực tế có phải là càng có chức thì càng muốn tham nhũng, càng tham nhũng thì lại thêm ham muốn tham nhũng hay không?
Suy ra, làm cho viên chức không muốn tham nhũng nữa thì chỉ cần không cho họ chức vụ, có đúng không?
Thứ Hai, Không Dám Tham Nhũng
Ông T’rạc ngồi phịch xuống ghế. Đời ông gần 70 tuổi, chưa bao giờ chứng kiến người ta không dám tham nhũng cả. Báo cáo 10 năm chống tham nhũng hôm cuối tháng 6/2022 của Hội nghị trung ương cho biết chỉ 10 năm, gần 7.500 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên/nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Thói đời Việt Nam một người làm quan cả họ được nhờ, có một ông cán bộ cấp cao hay cấp tướng trong nhà thì cả tỉnh nhận họ hàng, đến đâu cũng được quỵ lụy nể vì. Nếu họ sụp thì không chỉ là bao nhiêu năm tài sản cắc củm (ăn của người ta) bị tịch biên sạch sẽ, con cái bị đóng sập toàn bộ cánh cửa làm ăn hay thăng tiến, chỉ có nước tìm cách ra ngoại quốc, che giấu lai lịch, kiếm đường sinh sống, mà toàn bộ cha mẹ, anh em, họ hàng… những người được chia cho nắm các “sân sau” cũng đều tan tác chim muông.
Cái giá lớn đến thế, tại sao họ vẫn dám đánh đổi?
Thì, là vì tuy cái giá lớn thật, nhưng trước khi lò cụ Tổng khai mở thì đã có mấy ai phải trả giá cho trọn vẹn đâu! Vẫn hạ cánh an toàn ầm ầm đấy thây! Vơ vét một nhiệm kỳ năm năm đủ giàu có nhiều đời, thì dại gì không tham nhũng?
Mà đau ở trong tim này lắm cơ, mấy người không được tham nhũng nào ai có hiểu cho! Có từ chối tham nhũng cũng không được. Vì qua nhiều năm, các đường dây tư bản thân hữu đã hình thành một bộ máy ngầm: ai có vị trí, việc làm và “thù lao” của người ấy, từ đó tạo ra lợi nhuận cho tất cả những người tham gia. Một con ốc đột nhiên không chịu xoắn theo vòng sẽ gây ra trục trặc cho toàn bộ máy, thế tất nó phải bị loại trừ.
Có cán bộ nào đầu óc sắc sảo hơn người một tí, có tham vọng một tí, vừa đặt chân vào bộ máy quyền lực mà muốn bị loại trừ khỏi nó không?
Để cho an tâm hơn, người tham nhũng không bao giờ đơn độc cả. Dưới anh, có các nhân viên hoặc cấp dưới tham nhũng. Cạnh anh có các đồng cấp, đồng sự tham nhũng. Trên anh có cấp trên tham nhũng. Tham nhũng là một mạng lưới hình cầu, trong đó các vị trí đan chặt nhau xoắn xuýt chặt không đứt, bứt không rời. Trong bối cảnh đó, “Trạng chết Chúa cũng băng hà”, những cái ô muốn không bị cái cán chọc thủng thì phải xòe cánh ra mà đỡ khi đàn em bị pháp luật phà hơi vào gáy. Thế thì yên tâm quá, đứa nào không dám tham nhũng là đứa ấy dại.
Thứ Ba, Không Thể Tham Nhũng
Ông T’rạc đứng lên tắt chiếc máy vẫn đang phát ra những tần số nhạc sóng Alpha kích thích não. Não ông bị kích thích hai năm nay rồi, kết quả cho bài toán sư huynh bắt giải vẫn hoàn bằng 0.
Đến Ủy viên Trung ương Đảng, tướng lãnh trong quân đội mà còn tham nhũng, tham nhũng tích cực, thì có quyền lực nào khiến cho họ không thể tham nhũng cơ chứ?
Không thể tham nhũng tức là có thể muốn tham nhũng, có thể dám tham nhũng nhưng không cách nào thực hiện được hành vi tham nhũng.
Trên thế giới có nhiều nơi người ta làm (gần như) được điều này. Nôm na, một thằng định ăn trộm nhưng vừa định tiến vào nhà thì trông thấy cảnh sát vây quanh, camera lăm lăm khắp nơi, chủ nhà cầm súng nạp đạn đứng sẵn. Liệu nó còn dám ăn trộm nữa không?
Ở ta thì: Một anh bảo vệ được giao bảo vệ ngôi nhà. Đến nơi, anh thấy nhà mở cửa tênh hênh, tiền vàng kim cương đóng hộp bày sẵn ngoài sân. Chủ nhà xếp hàng, thấy anh thì quỳ xuống van xin: “Bác ơi cháu trông những thứ này ngứa mắt quá, bác cầm đi hộ là làm phúc cho cả họ nhà cháu. Xin bác nhón tay!”
Chó thì bị nhốt, đồn cảnh sát bắc loa nói chúng tôi đang tự bế quan tỏa cảng, trong ba tháng nữa nhất quyết không cảnh sát nào được ra đường. Vợ điện thoại khóc nức nở nói anh ơi con đang khóc mà em hết tiền mua sữa. Vừa tắt điện thoại vợ thì chị gái gọi nói mẹ vừa phát giác bệnh nan y. Nhìn quanh, hóa ra không phải chỉ ngôi nhà anh được giao bảo vệ xảy ra chuyện kỳ lạ này mà tất cả đều thế. Các anh chị bảo vệ khác còn đang vừa cười đùa vừa gọi xe vận tải đến chở hàng. Có người còn quát mắng chủ nhà, đòi nộp thêm sổ đỏ.
Vì chỉ có một đảng lãnh đạo toàn diện nên bản chất nền chính trị Việt Nam là nghệ thuật sử dụng tay trái chỉnh lý tay phải. Trong bối cảnh đó, yêu cầu “không thể tham nhũng” là không thể thực hiện được.
Trong tính hai mặt của nó, tham nhũng vừa là chất dầu bôi trơn một bộ máy đã hỏng hóc toàn bộ khiến nó thỉnh thoảng lại rồ lên chạy, vừa là chất a xít phá hủy toàn bộ các chi tiết của cỗ máy đó, tiến tới hủy diệt luôn nó.
Nghị quyết 27/NQ-TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới yêu cầu hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây được xem là Nghị quyết quan trọng hạng nhất của Đảng, trong đó “lần đầu tiên Trung ương Đảng đề ra những giải pháp kiểm soát quyền lực Nhà nước” (trích dẫn). Riêng việc này cũng đã lạ, vì ngót gần trăm năm Đảng lãnh đạo toàn diện đất nước mà đến tận bây giờ mới thấy phải có giải pháp kiểm soát quyền lực Nhà nước, vắn tắt là cắt vòi tham nhũng, thì có phải hơi muộn không?
“Nhưng thôi, sư huynh dù sao cũng đã đốt lò”- ông T’rạc thầm nhủ. Nhắc đến cái lò, ông với tay bỏ thêm trầm vào lư. Hơi khói nóng xông lên khiến lưng ông đỡ lạnh. Ông đọc tiếp: “Nghị quyết… thống nhất nhận thức về các đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật”.
Đầu ông T’rạc ong ong. Quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, tức nhân dân là chủ nhân cao nhất của Nhà nước, nghĩa là của cả đất nước. Nhưng Nhà nước do Đảng lãnh đạo. Nghĩa là trên chủ nhân có một vị lãnh đạo nữa. Rồi tất cả đều phải tuân theo pháp luật. Nhưng pháp luật là một chức năng của Nhà nước. Mà Nhà nước lại do Đảng lãnh đạo….
***
Ông T’rạc lại bóp trán, bóp đến nỗi trán suýt vỡ. Rồi ông đi đến cửa sổ, mở ra nhìn ra bên ngoài….
Tối quá!
Ôi đêm Đông lạnh giá và cô đơn!
_____________
Tham khảo:
VinFast Lỗ Gần 4,7 Tỉ Mỹ Kim, Nợ Xấp Xỉ 8,8 Tỉ Mỹ Kim; Xe VF8 Bị Tố Lỗi Trầm Trọng Về Nhu Liệu Điện Toán!
(Hình: Trang 21 trong bản cáo bạch của VinFast gửi Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ đầu tháng 12/2022.)
Bản cáo bạch của hãng xe hơi VinFast thuộc tập đoàn Vingroup ở Việt Nam nộp cho Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Hoa Kỳ ngày 6/12 cho thấy hãng này có tổng tài sản hơn 4,4 tỉ Mỹ kim, nhưng đang nợ tổng cộng xấp xỉ 8,8 tỉ Mỹ kim và bị lỗ lũy kế lên đến gần 4,7 tỉ Mỹ kim.
Theo dữ liệu tài chánh tóm tắt được liệt kê ở hai trang 21 và 22 trong bản cáo bạch, tính đến ngày 30/9/2022, tổng tài sản của VinFast - trên giấy tờ là một hãng Tân Gia Ba - là hơn 105 ngàn 380 tỉ đồng, tương đương 4,409 tỉ Mỹ kim.
Cũng ở thời điểm đó, nợ ngắn hạn của hãng - tức nợ phải trả cho các chủ nợ trong vòng 12 tháng - là gần 127 ngàn tỉ đồng, tương đương hơn 5,3 tỉ Mỹ kim. Bên cạnh đó, nợ dài hạn của hãng là hơn 83 ngàn tỉ đồng, gần bằng 3,5 tỉ Mỹ kim.
Lỗ lũy kế của hãng vào cuối quý 3/2022 là gần 112 ngàn tỉ đồng, tức gần 4,7 tỉ Mỹ kim. Lỗ ròng tính theo từng năm là gần 19 ngàn tỉ đồng (gần 800 triệu Mỹ kim) vào năm 2020; hơn 32 ngàn tỉ đồng (hơn 1,3 tỉ Mỹ kim) vào năm 2021; và hơn 34,5 ngàn tỉ đồng (hơn 1,4 tỉ Mỹ kim) trong 9 tháng đầu năm 2022.
Giáo sư, Tiến sĩ Khương Hữu Lộc, một Giám đốc tài chánh và chuyên gia kinh tế ở Texas, Mỹ, nhận xét với Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) rằng khi một công ty bất kỳ có tỷ lệ tài sản trên số nợ và số lỗ như nêu trên, sức khỏe của công ty đó “rất xấu”, với hiểm họa về tính thanh khoản “rất lớn”.
Theo chuyên gia này, tỷ lệ lý tưởng giữa tài sản và nợ là 2:1, đồng nghĩa là tài sản gấp đôi số nợ. Khi một công ty có tài sản là 4,4 tỉ Mỹ kim nhưng nợ ngắn hạn là 5,3 tỉ Mỹ kim cộng với lỗ 4,7 tỉ Mỹ kim, có nghĩa là công ty đang rất “khó khăn, nguy hiểm”, ông Lộc nói.
“Khoản lỗ đó làm cho công ty không trả nợ ngắn hạn được. Tỷ lệ tài sản trên nợ ngắn hạn là 1:1 đã là tệ rồi, đằng này lại còn nhỏ hơn 1 nữa. Chưa kể lãi vay phải trả và nợ dài hạn nữa. Nhìn chung, các chỉ số tài chánh như vậy rất là xấu”, vị chuyên gia phân tích với VOA.
Ông Lộc hiện đang giảng dạy chương trình Thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) tại trường Keller Graduate School of Management. Ông có hơn 20 năm kinh nghiệm làm chánh thanh tra kiểm toán và Giám đốc Tài chánh (CFO) cho một số hãng lớn ở Mỹ.
SEC hiện đang xem xét hồ sơ của VinFast về chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Mỹ và sẽ có hồi đáp sau 27-30 ngày.
Hãng này không tiết lộ về thời điểm sẽ chính thức IPO, số lượng cổ phiếu sẽ chào bán và số tiền vốn mà họ kỳ vọng sẽ huy động được.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 7/12, bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng Giám đốc Điều hành VinFast, cho hay rằng hãng sẽ thực hiện IPO sau khi SEC tuyên bố là hồ sơ đăng ký có hiệu lực và các điều kiện thị trường cho phép.
Trả lời câu hỏi của VOA là với các chỉ số tài chánh như nêu trên, liệu một công ty như vậy có được SEC đồng ý cho IPO hay không, Giáo sư, Tiến sĩ Khương Hữu Lộc nói rằng “họ vẫn có thể bán cổ phiếu”.
Với kinh nghiệm của mình, ông Lộc đưa ra nhận định: “Khi một công ty bán cổ phiếu, ăn thua là nhà đầu tư họ có thích không. Nếu họ thích thì họ mua. Ví dụ, như trước đây, các hãng Tesla, Apple, Google, Amazon… họ bị lỗ nhiều năm, nhưng các nhà đầu tư thích và chấp nhận triển vọng thị trường của các hãng đó, họ vẫn mua”.
Mặc dù vậy, Giáo sư, Tiến sĩ Lộc lưu ý rằng nhà đầu tư nên hết sức thận trọng đối với một hãng mới bắt đầu chế tạo xe hơi, lệ thuộc phần lớn vào kỹ thuật và linh kiện nhập cảng, cũng như chưa có tên tuổi đáng kể trên thế giới.
Nếu ai đó hỏi ông có nên mua cổ phiếu của một công ty như vậy không, ông sẽ khuyên là “không”. Tuy nhiên, ông cũng liên hệ đến hãng xe hơi điện Tesla ở Mỹ để chỉ ra rằng điều quan trọng là sản phẩm của một hãng có được ưa chuộng không.
“Hồi xưa, Tesla cũng có một giai đoạn xấu như vậy, nhưng người ta vẫn mua cổ phiếu vì xe của hãng được ưa chuộng. Cái xe có được ưa chuộng hay không là câu hỏi lớn. Nếu xe được ưa chuộng, người ta vẫn đổ tiền vào, thanh khoản của hãng tốt lên, việc thanh toán nợ và các chi phí được cải thiện nhiều”, ông Lộc nói.
Chỉ ít ngày trước khi VinFast nộp hồ sơ IPO ở Mỹ, một tài khoản có tên là Tom Peng đăng lên YouTube vào ngày 3/12 một đoạn video dài hơn 20 phút cho thấy xe VF8 của hãng bị nhiều lỗi, chủ yếu là lỗi nhu liệu điện toán, khiến xe không đi được, không điều khiển được.
VF8 và VF9 là hai loại xe hơi điện thuộc dòng tiện ích thể thao (SUV) mà VinFast xem là sản phẩm chủ lực để xuất cảng sang Hoa Kỳ.
Trong phần lời chú thích về đoạn video được ghi lại ở Tp. HCM, Việt Nam, Tom Peng viết rằng ông yêu thích hãng VinFast và chiếc VF8. Nhưng gần đây, lỗi trên chiếc VF8 của Tom Peng xuất hiện ngày càng thường xuyên, chẳng hạn như xe đang đi thì tự dừng lại, đèn xi nhan và đèn pha tự tắt, các lỗi nhu liệu điện toán, các lỗi “báo động ảo”, lỗi hệ thống chuyển động, lỗi sạc acquy 12v, v.v….
Ông cho rằng có nhiều người khác mua xe của VinFast cũng bị tương tự, phải gọi cho hãng, thậm chí mang xe trở về hãng để sửa lỗi nhưng một số vấn đề trong nhu liệu điện toán vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Video trên YouTube có đoạn Tom Peng nói rằng “mọi thứ đều hỏng … này, VinFast, các bạn đang tra tấn chúng tôi đấy”.
Tom Peng cho biết mục đích của anh ấy vào ngày hôm đó là chạy thử để đưa ra đánh giá về VF8 và nói thêm rằng cho dù đã xảy ra những lỗi như đã nêu, nhưng vào những lúc khác, khi xe chạy bình thường, “phải nói rằng VF8 là một chiếc xe rất xịn, xe lái rất đã và rất thoải mái.... Mà xui là hôm nay lại gặp vấn đề này”.
Theo tìm hiểu của VOA, vào ngày 5/12, vẫn Tom Peng đăng một video nữa cho hay chiếc VF8 lại bị lỗi và không chạy được.
Cho đến nay, theo quan sát của VOA, VinFast chưa có tuyên bố công khai gì về hai video này, hiện đã có tổng cộng gần 37.000 lượt xem và gần hơn 800 lời bình luận.
VOA cố gắng liên lạc với VinFast, đề nghị họ bình luận về vấn đề “sức khỏe tài chánh” của hãng và lỗi của xe VF8, nhưng chưa nhận được hồi đáp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét