Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2022

Kính Chuyển Vài Tin Nóng Theo Dòng Thời Cuộc. - Lê Văn Hải


Giải Vô Địch Túc Cầu Thế Giới:
(Ảnh: Mbappe đang là cầu thủ nguy hiểm nhất bên phía ĐT Pháp. (Ảnh: Getty)
Nhớ Theo Dõi Trận Cầu Hôm Nay: Pháp vs Ma Rốc!
Mbappe nằm trong top Vua phá lưới World Cup 2022:
Mbappe đang đứng thứ 2 trong danh sách Vua phá lưới World Cup 2022. Tiền đạo thuộc biên chế Paris Saint Germain đã ghi được 5 bàn sau 5 trận đấu. Anh đứng sau người đồng đội cùng CLB là Lionel Messi do ít hơn về kiến tạo.
<!>
Ma Rốc là đội bóng có hàng thủ chắc chắn nhất:

Ma Rốc đang là đội bóng có hàng thủ chắc chắn nhất tại giải đấu. Tính đến thời điểm hiện tại, chưa một đội bóng nào có thể ghi bàn vào lưới đại diện đến từ châu Phi. Bàn thua duy nhất của đội bóng này ở vòng bảng đến từ một tình huống phản lưới nhà.


(Ảnh: Ma Rốc đang là đội bóng có hàng thủ chắc chắn nhất thời điểm hiện tại.)

• Ma Rốc: Bono; Hakimi, El Yamiq, Aguerd, Mazraoui; Ounahi, Amrabat, Amallah; Ziyech, En-Nesyri, Boufal.

• Pháp: Lloris; Kounde, Varane, Upamecano, T. Hernandez; Tchouameni, Rabiot; Dembele, Griezmann, Mbappe; Giroud.

Nhận định Pháp vs Ma Rốc:

Pháp đang tiến đến gần hơn với mục tiêu bảo vệ thành công chức vô địch World Cup 2022. Hiện tại, thầy trò HLV Didier Deschamps đã vào đến bán kết và chỉ còn cách chiếc cúp vàng hai trận đấu nữa. Dù được đánh giá cao hơn Ma Rốc ở trận đấu này tuy nhiên Les Bleus cần phải thận trọng.

Đại diện đến từ châu Phi đang là hiện tượng ở mùa giải năm nay. Dù chỉ được xem là phận "lót đường" trước khi World Cup diễn ra, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, Hakim Ziyech và các đồng đội lại đang viết nên những câu chuyện thần kỳ. Sau khi khiến Bỉ sớm phải làm khán giả ngay khi vòng bảng khép lại, Ma Rốc tiếp tục hạ gục Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha để tiến vào bán kết.


(Ảnh: Ma Rốc đang làm nên những điều kỳ diệu.)


Chính vì thế, nhiều người hâm mộ đang kỳ vọng Ma Rốc tiếp tục viết nên điều thần kỳ để hạ gục Pháp và đụng độ với Argentina ở trận chung kết.

Tuy nhiên, người Pháp với sức mạnh và sự tự tin của mình sẽ rất khó có thể bị đánh bại.


Giã Từ Năm Cũ, Đón Mừng Năm Mới. CNN Bình Chọn Nhà Sáng Lập Techlit Africa Là Người Hùng của Năm 2022!


(Hình: Bà Nelly Cheboi tại cuộc bình chọn Người hùng 2022 của CNN ngày 11/12/2022 ở New York, Hoa Kỳ.)

- Đài CNN của Mỹ vừa chọn bà Nelly Cheboi là Người hùng của năm 2022, người được vinh danh vì những nỗ lực trong việc đào tạo máy điện toán cho học sinh vùng nông thôn Kenya thông qua tổ chức phi lợi nhuận TechLit Africa của bà.
Bà Cheboi lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó ở vùng nông thôn Kenya. “Tôi không bao giờ quên cảm giác bụng cồn cào vì đói vào ban đêm”, mặc dù mẹ bà “đã làm việc rất chăm chỉ để giáo dục chúng tôi”, bà nói trên CNN hôm 11/12.

Những người bình chọn trực tuyến đã chọn bà Cheboi là người chiến thắng hàng đầu trong số 10 anh hùng.

Với học bổng toàn phần tại Đại học Augustana ở tiểu bang Illinois, bà “phải lòng” khoa học máy điện toán và biết rằng mình đã tìm thấy con đường sự nghiệp của mình.

Tuy nhiên, cho đến khi bắt đầu làm việc trong ngành công nghiệp nhu liệu điện toán, bà mới nhận ra rằng các công ty chỉ vứt bỏ máy điện toán khi đến lúc cập nhật.

Bà nói rằng bà biết có những đứa trẻ ở Kenya không biết máy điện toán là gì và vì vậy tổ chức TechLit Africa đã ra đời.
TechLit Africa hiện đang phục vụ 10 trường học và bà Cheboi hy vọng sẽ có thêm 100 trường học nữa trong vòng một năm.

Học sinh của bà tham gia các lớp học hàng ngày về nhiều kỹ năng máy điện toán, bao gồm cả lập trình và họ cũng có cơ hội tham gia học tập từ xa. Bà Cheboi nói: “Các em có thể chuyển từ tham gia một lớp học từ xa với NASA về giáo dục sang sản xuất âm nhạc”.
“Hy vọng của tôi là khi những đứa trẻ TechLit đầu tiên tốt nghiệp Trung học, chúng có thể kiếm được việc làm trực tuyến vì chúng sẽ biết cách lập trình, chúng sẽ biết thiết kế đồ họa, chúng sẽ biết cách tiếp thị”, bà Cheboi nói. “Các em sẽ có nhiều cơ hội rộng mở khi các em được giáo dục”.


Tương Lai Năm Mới. Lạm Phát của Mỹ Sẽ ‘Thấp Hơn Nhiều’ Vào Cuối Năm 2023


(Hình: Bộ trưởng Tài chánh Mỹ Janet Yellen phát biểu ngày 15/9/2022.)

- Thông tấn xã Reuters cho hay ngày 11/12/2022, Bộ trưởng Tài chánh Hoa Kỳ Janet Yellen dự báo rằng lạm phát của Hoa Kỳ sẽ giảm đáng kể vào năm 2023, nếu không có một cú sốc bất ngờ.
“Tôi tin rằng vào cuối năm tới, quý vị sẽ thấy lạm phát thấp hơn nhiều nếu không có... một cú sốc không lường trước được”, bà Yellen nói trên chương trình “60 Minutes” của đài CBS trong một cuộc phỏng vấn được phát hôm 11/12.

Khi được hỏi về khả năng xảy ra suy thoái, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cho biết: “Có nguy cơ xảy ra suy thoái. Nhưng... theo quan điểm của tôi, đó chắc chắn không phải là điều cần thiết để giảm lạm phát”.

Bình luận của bà Yellen được đưa ra vài ngày trước khi Fed dự kiến sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất mạnh mà họ đã theo đuổi trong năm nay. Chủ tịch Fed Jerome Powell vừa thông báo về một mức tăng nhỏ hơn, 0.5% trong lãi suất chính sách, lên mức 4,25% -4,5%, sau bốn lần tăng 0.75% lãi suất cơ bản trong năm nay.

Bà Yellen nói với đài CBS rằng tăng trưởng kinh tế đang chậm lại đáng kể, lạm phát giảm bớt và bà vẫn hy vọng rằng thị trường lao động sẽ vẫn khỏe mạnh.

Bà cho biết bà hy vọng lạm phát tăng đột biến trong năm nay sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và cho biết chính phủ Hoa Kỳ đã học được “rất nhiều bài học” về sự cần thiết phải cắt giảm lạm phát sau khi giá cả tăng cao vào những năm 1970.

Chi phí vận chuyển giảm và tình trạng giao hàng trễ kéo dài đã giảm bớt, trong khi giá xăng tại trạm xăng đang “giảm mạnh”.
“Tôi nghĩ chúng ta sẽ chứng kiến lạm phát giảm đáng kể trong năm tới”, bà nói.


Tin Quốc Tế Đó Đây

Ukraine Tấn Công Sào Huyệt của Wagner Tại Lougansk?

- Theo tin của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) ngày 12/12/2022, một khách sạn tại thành phố Kadiivka, nơi nhóm lính đánh thuê của Nga, Wagner, dùng làm trụ sở hoạt động tại Lougansk, miền Đông Ukraine bị “tấn công”.

Nhiều người chết. Trả lời đài truyền hình địa phương hôm 11/12, Serhiy Gaidai, thống đốc vùng Lougansk, cho biết như trên. Hãng tin Anh Reuters trước mắt chưa thể kiểm chứng tin này.

Theo lời ông Serguii Gaidai, sự kiện đã xảy ra hôm thứ Bảy (10/12) vừa qua. Lực lượng Ukraine nhắm vào một khách sạn tại thành phố Kadiivkan, phía Tây Lougansk. Đây là nơi lực lượng lính đánh thuê cho quân đội Nga, Wagner “đặt trụ sở”. Nhiều người chết.

Thống đốc Lougansk tránh đưa ra con số cụ thể về thiệt hại nhân mạng, nhưng cho biết những người bị thương đã được đưa vào bệnh viện điều trị. Ông lo ngại “khoảng một nửa những ca được đưa vào bệnh viện đã thương vong, do chính quân đội Nga đã cướp hết trang thiết bị y tế của Ukraine tại đây”.

Thông tấn xã Reuters chưa liên lạc được với Bộ Quốc phòng Nga để kiểm chứng về tin này. Theo báo chí địa phương, khách sạn bị tấn công sẽ phải đóng cửa trong một thời gian. Trong những tuần lễ đầu từ khi Tổng thống Vladimir Putin đưa quân xâm chiếm Ukraine, Bộ Quốc phòng Anh thẩm định có khoảng 1.000 lính đánh thuê của công ty bán quân sự Nga được huy động chiến đấu ở miền Đông Ukraine.

Wagner do Yevgeny Prigozhin, một nhân vật thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin, thành lập. Wagner vừa khánh thành trụ sở tại thành phố Saint Petersbourg, Nga.

Cuộc Sống Dưới Hầm và Trong Bóng Tối Vì Bom Nga

- Về tình hình Ukraine, bài phóng sự của Le Figaro ra ngày 12/12/2022 tả lại “Cuộc sống trong lòng đất ở Avdiivka, trong tiếng gầm thét của bom đạn”.

Thành phố 30.000 dân nay chỉ còn 3.000. Họ sống trong những căn hầm vốn là kho hàng của siêu thị hay những tòa nhà lớn, sưởi ấm bằng củi, chỉ leo lên mặt đất để mua thức ăn và gọi điện cho người thân, niềm vui duy nhất là thăm viếng từ boong-ke này đến boong-ke khác. Nhà máy than cốc của thành phố có 4.000 công nhân thường trực nay phải ngưng hoạt động, bị lãnh đến 500 quả đạn pháo kể từ khi Putin bắt đầu cuộc xâm lăng. Dân biểu Musa Magomedov cho biết Avdiivka nằm cạnh Donetsk, là “cục xương trong cổ họng” kẻ thù, nên quân Nga muốn chiếm bằng mọi giá.
“Tại Kherson, hy vọng tìm được bằng chứng nơi những thi thể”, đó là tựa bài phóng sự của Le Monde. Các đặc phái viên tờ báo tường thuật một số cuộc khai quật tại làng Tavriska và Nova Zorya nhằm chuẩn bị hồ sơ cho vụ kiện tương lai về tội ác chiến tranh của Nga. Tư pháp Ukraine tuân thủ mọi quy trình cần thiết. Nhà báo Pháp chứng kiến việc quật mồ bà Anna Manzirokha và người anh họ Guennadi Vengrenovski. Cách đây 8 tháng, trên đường di tản chiếc xe của họ gặp một đoàn xe tăng Nga. Để tiêu khiển, lính Nga xả súng vô cớ vào dòng xe cộ, xe của Anna trúng hơn 50 phát đạn cỡ lớn khiến cả hai thiệt mạng. Ít lâu sau, một xe tăng Nga cán bẹp chiếc xe dưới bánh xích và đẩy vào một chiếc hố.

Ngay tại thủ đô Kyiv, thông tín viên La Croix mô tả cuộc sống thường nhật với những vụ cúp điện từ hơn 1 tháng qua, được minh họa bằng bức ảnh một phụ nữ ngồi co ro trong bóng tối, ánh sáng duy nhất được hắt ra từ một món đồ trang trí dùng đèn led, chạy bằng bình điện xe hơi. Paris ngày mai tổ chức một hội nghị nhằm giúp người dân Ukraine vượt qua mùa Đông khó khăn này, với sự tham dự của 47 nước và 22 tổ chức quốc tế, có sự hiện diện của phu nhân Tổng thống Olena Zelenska. Trên 500 doanh nghiệp Pháp đã đăng ký tham gia hội thảo về tái thiết Ukraine.


Thổ Nhĩ Kỳ Đề Nghị Nga và Ukraine Mở Rộng Sử Dụng Hành Lang Biển Đen

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 11/12/2022, Nga dùng drone tấn công các cơ sở năng lượng của Ukraine tại vùng Odessa, khiến khu cảng biển lớn ở miền Nam không thể hoạt động. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine khẳng định, các hoạt động xuất cảng ngũ cốc vẫn có thể tiếp tục, do còn hai cảng khác đang hoạt động, dù chỉ ở mức 80% năng suất.

Cũng trong ngày 11/12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, lần lượt điện đàm với đồng nhiệm Nga Vladmir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Từ Istanbul, thông tín viên đài RFI, Anne Andlauer cho biết nội dung cuộc trao đổi:
“Trước mắt, do không thể tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh Nga – Ukraine để đàm phán về một lệnh ngưng bắn hay hòa bình, một hy vọng mà ông Recep Tayyip Erdogan ấp ủ ngay trong những tháng đầu tiên cuộc xung đột, nên giờ đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh trên những gì có thể thực hiện được, nghĩa là tập trung chủ yếu vào hành lang Biển Đen để xuất cảng ngũ cốc Ukraine ra thị trường thế giới.

Trong suốt cuộc trao đổi với Vladimir Putin, Tổng thống Thổ hoan nghênh việc hơn 13 triệu tấn ngũ cốc đã được chuyên chở qua hành lang này từ tháng 8/2022. Vì vậy, ông đề nghị sử dụng hành lang này để xuất cảng nhiều loại thực phẩm và nguyên nhiên liệu khác. Đề xuất này cũng được ông đề cập đến trong cuộc gọi với đồng nhiệm Ukraine Volodymyr Zelensky.

Một ngày trước các cuộc điện đàm này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã nhắc lại mong muốn của ông họp tác với Mạc Tư Khoa để giao miễn phí ngũ cốc và phân bón của Nga cho các nước Phi Châu chịu tác động từ cuộc khủng hoảng lương thực.

Nhưng những gì báo chí Thổ chú ý nhiều chính là cuộc trao đổi với ông Putin. Đó chính là lời kêu gọi của Tổng thống Thổ “quét sạch” các lực lượng người Kurdistan ở phía Bắc Syria. Nguyên thủ Thổ đe dọa tiến hành một cuộc tấn công mới trên bộ, nhưng để làm được điều này, ông phải có “đèn xanh” của Nga, đồng minh chính của chế độ Syria”.


Bắc Kosovo: Căng Thẳng Gia Tăng Sau Các Vụ Tấn Công Cảnh Sát

- Ngày 12/12/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay các vụ nổ súng đã diễn ở phía Bắc Kosovo hôm 10/12, sau khi hàng trăm người Serbia dựng rào chắn trên một con đường, chặn giao thông tại hai điểm giao nhau giữa Kosovo và Serbia.

Belgrade sẽ phải chính thức hóa trong ngày 12/12 hoặc 13/12 một công văn yêu cầu Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) khai triển lực lượng an ninh ở Kosovo. Từ Belgrade, thông tín viên Laurent Rouy của Đài RFI cho biết cụ thể:

Các vụ bạo lực đang gia tăng ở miền Bắc với việc cảnh sát Kosovo bắt giữ một cựu cảnh sát viên Serbia. Một chiếc xe của cảnh sát Kosovo thì bị vũ khí hạng nhẹ bắn trúng khiến một người bị thương nhẹ và lựu đạn gây choáng được ném vào một đội tuần tra Âu Châu, nhưng không ai bị thương.

Đối với Serbia, nước có những đại diện đã đồng loạt từ chức khỏi các thể chế của Kosovo, họ không thể chấp nhận việc Thủ tướng Kosovo tổ chức bầu cử thay thế những người từ chức. Đại diện của Serbia cáo buộc Thủ tướng Albin Kurti cư xử như một kẻ côn đồ. Ông Kurti phản bác rằng các băng nhóm tội phạm Serbia sẽ không được dung thứ.

Kể từ mùa Hè năm 2021, Thủ tướng Kurti đã phải đối phó với cộng đồng người Serbia, những người thường chặn các con đường bằng rào cản. Vào tháng trước, một cuộc khủng hoảng tương tự, liên quan đến biển số xe hơi của người Serbia, đã được Tòa Ðại sứ Mỹ giải quyết một cách khó khăn.

Lần này, một lần nữa, cộng đồng quốc tế kêu gọi các bên bình tĩnh. Các cuộc bầu cử gây tranh cãi, dự kiến vào tháng 12, đã bị hoãn lại đến tháng 4/2023. Điều này vẫn chưa cho phép tình hình trở lại bình thường ở Bắc Kosovo.


Nghi Án Nghị Viện Âu Châu Bị Qatar Mua Chuộc: Tư Pháp Bỉ Mở Rộng Điều Tra

- Ngày 12/12/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay khủng hoảng vô tiền khoáng hậu tại Nghị Viện Âu Châu (EP). Nhiều thành viên bị nghi ngờ nhận hối lộ của Doha.

Phó Chủ tịch Eva Kaili ngày 11/12 bị khởi tố và đã bị tống giam trong khuôn khổ một cuộc điều tra. Bà đã bị đình chỉ chức vụ sau khi cảnh sát Bỉ khám nhà và tìm thấy tại căn nhà của bà ở Brussels 600.000 Euro tiền mặt trong những bao tải.

Đại diện cho đảng Xã Hội của Hy Lạp tại Nghị Viện Âu Châu, Eva Kaili bị nghi ngờ là một trong những đầu mối của Doha để “gây ảnh hưởng” trong chính sách của Liên Hiệp Âu Châu đối với Qatar. Đầu tháng 11/2022, Eva Kiali trong chuyến công tác Qatar đã hoan nghênh nước tổ chức Cúp túc cầu thế giới “nỗ lực đẩy mạnh cải tổ về luật lao động”. Gần đây hơn, phát biểu hôm 22/11, cũng Phó Chủ tịch Nghị Viện Âu Châu khẳng định: việc Doha được chỉ định tổ chức sự kiện thể thao trọng đại này là bằng chứng cho thấy Qatar đã có những bước “cải tổ chưa từng thấy và là tấm gương sáng để các quốc gia trong thế giới Ả Rập noi theo”.

Tư pháp Bỉ hôm 11/12 đã ra lệnh bắt giữ 4 nghị viên Âu Châu sau lệnh khởi tố với lý do “tham gia một tổ chức tội phạm, rửa tiền và tham nhũng”. Theo một nguồn tin thông thạo được AFP trích dẫn, Phó Chủ tịch Nghị Viên Âu Châu, bà Eva Kaili, 44 tuổi, có tên trong danh sách bốn người bị bắt giữ. Bà không được hưởng quyền miễn trừ tuy tố dành cho các Dân biểu Âu Châu.

Từ Brussels (Bỉ), thông tin viên RFI, Laure Broulard, cho biết thêm về tiến trình điều tra của cảnh sát Bỉ trong vụ tai tiếng tham nhũng nghiêm trọng làm hoen ố uy tín của Nghị Viện Âu Châu:
“Tổng cộng có 6 người bị cảnh sát Bỉ câu lưu trong những ngày qua. Báo chí tại chỗ đã nhanh chóng xác nhận, trong số này có Phó Chủ tịch Nghị Viện Âu Châu, bà Eva Kaili, cùng người bạn đời là Francesco Giorgi. Ông này là một cộng tác viên của Nghị Viện Âu Châu và của cha bà Kaili. Báo L’Echo của Bỉ tiết lộ thân phụ của Phó Chủ tịch Nghị Viện Âu Châu đã bị bắt quả tang với một vali đầy tiền mặt. Hai nhân vật khác cũng bị bắt giữ đợt này là nghị viên người Ý Ðại Lợi, Pier Antonio Panzeri, và lãnh đạo công đoàn Luca Visentini.

Trước mắt, viện Công tố Bỉ chưa tiết lộ danh tính những người vừa bị bắt giữ, mà chỉ nói đến 6 người bị câu lưu, 2 người đã được thả và 4 người còn lại chính thức bị khởi tổ với tội danh “tham gia một tổ chức tội phạm, rửa tiền và nhận hối lộ”. Một nguồn tin thông thạo trong ngành Tư pháp nêu đích danh bà Eva Kaili, 1 trong số 14 Phó Chủ tịch của Nghị Viện Âu Châu. Bà đã bị “bắt quả tang tàng trữ một số tiền rất lớn”. Đó có thể là lý do khiến Eva Kaili đã bị tống giam và không được hưởng quyền miễn trừ dành cho các nghị viên Âu Châu”.

Cơ quan chống rửa tiền của Hy Lạp, sáng nay 12/12 thông báo “phong tỏa tài sản của bà Eva Kaili”. Về phần lãnh đạo ngoại giao Âu Châu, ông Josep Borrell coi đây là những cáo buộc “hết sức nghiêm trọng và đáng lo ngại” nhắm vào một trong những lãnh đạo của Liên Hiệp Âu Châu và Brussels “theo dõi sát tiến trình điều tra”. Đây sẽ là một trong những điểm nổi bật trong cuộc họp cấp Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu hôm 12/12 tại Brussels.

Cùng ngày, tại trụ sở Nghị Viện Âu Châu ở Strasbourg, Pháp, Chủ tịch các đảng phái chính trị cũng sẽ thảo luận về hồ sơ này trước phiên họp toàn thể.


Nam Hàn Kêu Gọi Trung Quốc ủng Hộ Đối Thoại Với Bắc Hàn


(Hình: Quốc kỳ Trung Quốc và Nam Hàn.)

- Thông tấn xã Reuters dẫn nguồn từ Bộ Ngoại giao Nam Hàn cho biết hôm 12/12/2022, Ngoại trưởng Nam Hàn nói với người đồng cấp Trung Quốc rằng nước này mong muốn Trung Quốc tích cực hỗ trợ các nỗ lực của Nam Hàn đối thoại với Bắc Hàn.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói với Ngoại trưởng Nam Hàn Park Jin trong một cuộc điện đàm qua video rằng Trung Quốc sẽ đóng một vai trò mang tính xây dựng trong vấn đề bán đảo Triều Tiên, một tuyên bố của Bộ cho biết.

Trong cuộc điện đàm, ông Park bày tỏ quan ngại về các hành động của Bắc Hàn, bao gồm số vụ phóng phi đạn-đạn đạo kỷ lục trong năm nay, đồng thời cho biết thêm Bắc Hàn phải kiềm chế không có thêm các hành động khiêu khích như thử nguyên tử tiềm năng và nên tham gia đối thoại, Bộ này cho biết thêm.

Trong một cuộc phỏng vấn với thông tấn xã Reuters vào tháng 11, Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk-yeol kêu gọi Trung Quốc giúp ngăn cản Bắc Hàn theo đuổi việc phát triển vũ khí nguyên tử và các phi đạn bị cấm sử dụng.

Ông Yoon nói Trung Quốc, quốc gia đồng minh thân cận nhất của Bắc Hàn, nên thực hiện trách nhiệm của mình với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đồng thời cho biết thêm rằng nếu không làm như vậy sẽ dẫn đến một dòng vũ khí quốc phòng sẽ được đổ vào khu vực.


Uy Quyền Tập Cận Bình Lung Lay Trước Làn Sóng Phản Kháng

- Xã luận của báo Le Monde ra ngày 12/12/2022 nhận định về “Chiến thắng của thực dụng và các công dân tại Trung Quốc”. Đại hội đảng 20 vừa vinh danh một Tập Cận Bình “bất khả chiến bại”, thì vài ngày biểu tình chưa từng thấy và những lời kêu gọi từ chức đầu tiên, đủ để chế độ phải từ bỏ chính sách zero Covid khắc nghiệt.

Tờ báo cho rằng dù có mù quáng nhưng chế độ cũng chưa đến nỗi mù hẳn, trước sự cần thiết phải lắng nghe người dân và để cho họ được bày tỏ ý kiến. Mặc cho việc kiểm soát gắt gao từ hơn một thập niên qua, xã hội dân sự bị bịt miệng, dân Hoa lục đã vượt qua được nỗi sợ.

Cũng theo Le Monde, “Trung Quốc đang tìm kiếm một mô hình tăng trưởng mới”, vì bên cạnh Covid, nước này đang đứng trước nạn lão hóa dân số và nhu cầu tự chủ được kỹ thuật. Bắc Kinh muốn tăng cường quan hệ với các nước đang phát triển nhất là Á Châu để chủ động nguyên liệu và bán hàng, nhưng sự cứng rắn về ý thức hệ đã làm hại chủ trương này. Tham vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ cũng thất bại. Dù được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ưu ái, đồng tiền Trung Quốc chưa bao giờ vượt quá 3% dự trữ của các ngân hàng trung ương cũng như trong thanh toán. Chất độc khủng hoảng địa ốc đang ngấm dần: vụ phá sản của Hằng Đại (Evergrande) lây lan ra toàn bộ nền kinh tế; cả cung và cầu đều suy sụp.

Le Figaro nhận định “Uy quyền tối thượng của Tập Cận Bình bị phong trào biểu tình chống phong tỏa làm lung lay”. Hoàng đế đỏ ngạo mạn bỗng chạm trán với thực tế phũ phàng, phải quay lui 180 độ, một thất bại vô cùng cay đắng. Theo nhà phân tích độc lập Lôi Cường (Wu Qiang) ở Bắc Kinh, việc đột ngột thay đổi chiến lược dưới áp lực của phong trào nổi dậy là chưa từng thấy. Mục tiêu là để tránh cho quyền lực của Tập Cận Bình và đảng Cộng sản không bị thách thức nhiều hơn nữa. Một sự thối lui thực dụng, đầy ý nghĩa chính trị, và điều này có nghĩa chiến lược của ông Tập là sai lầm.


Covid-19: Trung Quốc Dẹp ứng Dụng Truy Vết Vào Lúc Các Ca Nhiễm Tăng Vọt

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 12/12/2022, chính quyền Trung Quốc thông báo ngừng sử dụng ứng dụng “chống Covid”, truy vết những trường hợp dương tính.
Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm bệnh dường như đang bùng nổ trong nước và vượt tầm kiểm soát. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde của Đài RFI tường trình:

Có 5 người biến mất, 5 học sinh trong lớp học trực tuyến của cậu học sinh Bắc Kinh này, bị cảm rất nặng vào sáng nay, chưa đầy một tuần sau khi chính quyền Trung Quốc tuyên bố bãi bỏ chính sách Zero Covid. Giờ đây, số người không bị nhiễm virus đang trở thành ngoại lệ.

Cậu học sinh nói: “Thông thường lớp cháu có 17 bạn, nhưng giờ đây chỉ có 12 bạn, tức là thiếu mất 5 bạn. Có những bạn cháu biết mà hôm nay không có mặt”.

Phóng viên hỏi: “Tại sao lại thế?”

Học sinh trả lời: “Vì các bạn bị nhiễm virus”.

Học sinh vắng mặt, giáo viên cũng vậy. Và rồi trong màn sương mù do mức ô nhiễm kỷ lục, cao gấp 17 lần giới hạn do WTO quy định, thành phố dường như biến mất.

Bắc Kinh giờ đây thậm chí còn khép kín hơn thời điểm thành phố bị phong tỏa do chính sách zero Covid. Những người phục vụ trong quán cà phê đổ bệnh cùng với đầu bếp của một nhà hàng. Xa hơn nữa là bà bán rau. Người giao hàng cũng vậy, giờ đây, họ không đi làm nữa. Các gói hàng không ai nhận bị chất đống trước cửa những khu chung cư.

Những người chưa bị nhiễm bệnh thì trốn ở trong nhà, như một giáo viên tiếng Trung. Bà nói: “Mức độ ô nhiễm cao đến mức chúng tôi được khuyến cáo bịt các ống thoát nước, đóng nắp bồn cầu để tránh việc virus lây truyền qua đường ống. Ban quản lý chung cư nói với chúng tôi rằng đừng gọi cho họ nữa. Ai cũng phải tự xoay xở. Thuốc men khan hiếm và một người bạn Nam Hàn của tôi vẫn có triệu chứng nhiễm Covid sau khi đã chích 3 liều vắc-xin của Trung Quốc”.

Sau 3 năm áp dụng chính sách Zero Covid nghiêm ngặt, khẩu hiệu mới giờ đây là “Mọi người đều phải tự chịu trách nhiệm về sức khỏe của mình”. Một số ước tính cho biết gần 15% người dân thủ đô đã nhiễm bệnh.


Mỹ và Trung Quốc Có Cuộc Họp Cấp Cao Đầu Tiên và Bàn Về Hồ Sơ Đài Loan

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay trong hai ngày 11 và 12/12/2022, các thành viên phái đoàn ngoại giao Mỹ đã thảo luận với các đồng nhiệm Trung Quốc tại Bắc Kinh. Mục tiêu là nhằm tìm kiếm các phương cách cải thiện quan hệ song phương cũng như bàn về hồ sơ nhậy cảm “Đài Loan”.

Phái đoàn đại diện cấp cao của Mỹ do ông Daniel Kritenbrink, Phụ tá Ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, và bà Laura Rosengerger, lãnh đạo Hội Đồng An Ninh Quốc Gia của Tòa Bạch Ốc, chuyên trách Trung Quốc và Đài Loan, dẫn đầu, đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong, tại thành phố Lang Phường, ở phía Bắc thủ đô Bắc Kinh.

Trước giới báo chí, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Uông Văn Bân, cho biết “hai bên đã có những cuộc thảo luận sâu rộng về việc thực hiện đồng thuận đạt được giữa hai nguyên thủ Mỹ-Trung tại thượng đỉnh Bali”. Hồ sơ Đài Loan cũng được hai bên đề cập đến trong số nhiều vấn đề “nhậy cảm” khác.

Trong cuộc thảo luận được cho là “thẳng thắn, sâu rộng và mang tính xây dựng”, các trưởng đoàn đại diện Mỹ-Trung cam kết “tăng cường trao đổi ở mọi cấp độ” và “tiếp tục giữ liên lạc”.

Thông tấn xã AFP nhắc lại, quan hệ Mỹ-Trung những năm gần đây lạnh giá do bất đồng trong nhiều chủ đề: Bất cân bằng thương mại, hồ sơ Duy Ngô Nhĩ hay như đối đầu Mỹ-Trung trong lĩnh vực kỹ thuật cao.


Nước Chủ Nhà Mỹ: Nga Có Thể Tham Dự Các Cuộc Họp APEC



(Hình: Thái Lan tổ chức Hội nghị APEC 2022.)

- Thông tấn xã Reuters dẫn lời một viên chức Hoa Kỳ cho biết hôm 12/12/2022 Nga sẽ được mời tham dự các cuộc họp của Khối Hợp tác Kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương (APEC) do Hoa Kỳ đăng cai vào năm tới.

Ông Matt Murray, một viên chức cấp cao của Mỹ tại APEC, cho biết với tư cách là “thành viên có trách nhiệm của APEC”, Hoa Kỳ sẽ mời Nga, một thành viên của khối 21 quốc gia.

Mối quan hệ giữa Hoa Thịnh Ðốn và Mạc Tư Khoa đã xấu đi đến mức tồi tệ nhất trong 60 năm kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2, một hành động mà nước này biện minh là một “chiến dịch quân sự đặc biệt”, nhưng đã khiến các quốc gia phương Tây cũng như Tân Gia Ba phải trừng phạt và lên án.

Tại một cuộc họp APEC do Thái Lan đăng cai tổ chức vào tháng 5, đại diện của Hoa Kỳ và một số quốc gia khác đã rời khỏi cuộc họp để phản đối các hành động của Nga ở Ukraine khi Bộ trưởng Kinh tế Nga Maxim Reshetnikov đang phát biểu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin không tham dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm G-20 ở Bali vào tháng trước bất chấp lời mời từ nước chủ nhà Nam Dương, quốc gia đã chống lại áp lực từ các nước phương Tây trong việc hủy bỏ lời mời đối với nhà lãnh đạo Nga và thậm chí muốn trục xuất Nga khỏi khối này.

Ông Murray không cho biết liệu ông Putin có tham dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo APEC vào năm tới tại San Francisco hay không. Phó Thủ tướng thứ nhất của Nga Andrei Belousov đã thay mặt ông Putin tại cuộc gặp các nhà lãnh đạo do Thái Lan tổ chức vào tháng trước.


NASA: Phi Thuyền Orion Hoàn Thành Sứ Mệnh

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay sau khi ở trong không gian và bay xung quanh mặt trăng hơn 25 ngày, phi thuyền không gian Orion của Cơ quan Hàng không và Không gian Hoa Kỳ (NASA) đã hạ cánh xuống Thái Bình Dương vào hôm 11/12/2022, kết thúc thành công sứ mệnh thử nghiệm của Artemis 1, chuẩn bị đưa con người trở lại mặt trăng trong thời gian tới.

Từ Hoa Thịnh Ðốn, thông tín viên Guillaume Naudin của Đài RFI tường trình:

Một cuộc dạo chơi trong công viên. Đây là thành ngữ của Mỹ để nói rằng mọi thứ đều diễn ra tốt đẹp. Tốc độ được hãm lại nhờ 2, 3 chiếc dù khác, Orion, chứa một hình nộm được lắp đầy cảm biến, đáp xuống Thái Bình Dương với tốc độ khoảng 30 cây số/h trước khi bơm căng 3 quả bóng bay để không bị chìm và có thể giữ ổn định ngoài khơi Baja California, Mễ Tây Cơ, nơi các Kỹ sư của NASA đã quyết định cho hạ cánh Orion dựa vào những dự báo thời tiết mới nhất.

Vài phút trước đó, phi thuyền đã đi vào bầu khí quyển với tốc độ Mach 32, nhanh gấp 32 lần tốc độ âm thanh. Quá trình này diễn ra trong hai giai đoạn với hai lần bị gián đoạn, được một camera lắp ở trong phi thuyền theo dõi. Orion bật nảy lên bầu khí quyển, giống như một viên sỏi phẳng nảy trên mặt nước.

Mục đích của quá trình này là để giảm vận tốc trước khi ngừng hẳn và làm nguội tấm chắn nhiệt của phi thuyền. Chính tấm khiên này sẽ bảo vệ các phi hành gia trong sứ mệnh Artemis tiếp theo, những người sẽ thực hiện hành trình tương tự xung quanh mặt trăng, có thể là vào năm 2024, trước khi thực hiện một chuyến bay lên mặt trăng được lên kế hoạch vào năm 2025.

Đây sẽ là lần đầu tiên con người sẽ trở lại mặt trăng kể từ chương trình Apollo. Với những gì đã được thực hiện vào hôm 11/12, mức độ tự tin của NASA có lẽ đã tăng lên vài bậc.

Tin Việt Nam

Biện Pháp Kiểm Soát Dữ Liệu Tác Động Đến Thương Mại Đến 9%


(Hình: Các bạn trẻ dùng laptop và điện thoại di động truy cập internet tại một quán cà-phê ở Hà Nội.)

- Biện pháp cấm đoán Internet tại Việt Nam và một số nước khác gây thiệt hại cho kinh tế đến 9%.

Báo cáo công bố ngày 12/12/2022 của Sáng hội Kỹ thuật Thông tin & Phát minh (Information Technology and Innovation Foundation- ITIF) nêu rõ tại những quốc gia ra lệnh buộc các công ty lưu trữ dữ liệu trên máy chủ địa phương nước đó chỉ khiến làm tăng chi phí kinh doanh.

Theo ITIF, những quốc gia đó học theo bài tệ hại nhất của Trung Quốc trong việc kiểm soát chặt chẽ mạng Internet. Vào khi giới kỹ thuật và dịch vụ nêu ra xu hướng chia sẻ gia tăng trong thương mại toàn cầu, thì biện pháp cấm các công ty chuyển dữ liệu xuyên biên giới không giúp đạt được mục tiêu về an ninh và tư riêng không có cơ sở vững chắc.

Tác giả Nigel Cory, Luke Dascoli và Ian Clay của báo cáo vừa công bố nêu rõ rằng “Những quốc gia theo đuổi biện pháp sai lệch đó chỉ khiến họ bị tụt hậu trong nền kinh tế số”.

Theo họ tất cả mọi hoạt động từ giám sát hệ thống cung ứng, nghiên cứu, kinh doanh… đều lệ thuộc vào hệ thống kỹ thuật thông tin tập trung, mang tính toàn cầu hơn là một hệ thống đơn lẻ tại một quốc gia. Địa phương hóa bị cho tốn kém chi phí và không hiệu quả.

Từ nhiều năm nay, Chính phủ Hà Nội cũng đã yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ kỹ thuật như Facebook và Google phải đặt máy chủ quản lý dữ liệu người dùng trên lãnh thổ Việt Nam theo Luật An ninh mạng vốn gây nhiều tranh cãi của Việt Nam.

Vào tháng 8 vừa qua, Việt Nam ban hành Nghị định 53 với thời hạn hiệu lực kể từ ngày 1/10 buộc các hãng kỹ thuật nước ngòai lưu trữ dữ liệu người dùng tại máy chủ đặt ở Việt Nam; cũng như phải lập văn phòng đại diện trong nước.


Buôn Lậu Rượu Ngoại và Thuốc Lá Trên Chuyến Bay “Giải Cứu”


(Hình: Lô hàng lậu bị Hải quan phát giác trên chuyến bay “giải cứu” từ Nga về Việt Nam năm 2020.)

- Cục Điều tra chống Buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan vừa quyết định khởi tố vụ án buôn lậu rượu ngoại và thuốc lá ngoại trên các chuyến bay “giải cứu” công dân từ Nga về Việt Nam giai đoạn đại dịch COVID-19.

Truyền thông nhà nước hôm 12/11/2022 cho biết quyết định khởi tố vụ án “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới” được đưa ra sau gần 2 năm điều tra của cơ quan Hải quan về vụ vận chuyển trái phép hàng trăm chai rượu ngoại và thuốc lá từ Nga về Việt Nam. Hồ sơ vụ án được chuyển tới Công an tỉnh Khánh Hòa để tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.

Theo truyền thông nhà nước, ngày 5/12/2020, Đội 2 (Cục Điều tra chống buôn lậu) phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu phi trường quốc tế Cam Ranh (Cục Hải quan Khánh Hòa), khi kiểm tra chuyến bay giải cứu công dân mang số hiệu QH9195 từ Mạc Tư Khoa về nước, đã phát giác hơn 724 chai rượu ngoại các loại và 424 hộp thuốc lá Heets với tổng trị giá gần 10 tỉ đồng.

Số hàng trên đứng tên ba người gồm: hành khách A.N.B.L. với 35 kiện hàng ký gửi có 472 chai rượu hiệu Macallan Double Cask 18 years old; sáu chai rượu Macallan Rích Mahogany 25 years old; bảy chai rượu Beluga Transatlatic; ba chai rượu Chamgane Martini; 122 hộp thuôc lá điện tử Hết.

Hành khách H.T.G có 19 kiện hành lý ký gửi với 217 chai Macallan Double Cask 18 years old; bảy chai Macallan Rích Mahogany 25 years old và 302 hộp thuốc lá Heets.

Hành khách B.X.T có một kiện hành lý ký gửi với 12 chai rượu Macallan Sherrry CASK 18 years old.

Từ đầu năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã cho thực hiện khoảng 2.000 chuyến bay “giải cứu” công dân từ ngoại quốc về nước trong đại dịch, theo số liệu của Bộ Công an. Tuy nhiên, đầu năm nay, một loạt các viên chức Chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp đã bị khởi tố và bắt tạm giam do các sai phạm liên quan đến hối lộ và đưa hối lộ khi tổ chức các chuyến bay “giải cứu này”. Số tiền hối lộ được Bộ Công an cho biết là lến đến hàng chục tỉ đồng và hàng trăm ngàn Mỹ kim.


Bất Động Sản Liên Quan Cựu Thứ Trưởng Ngoại Giao Bị Rà Soát Tại Thanh Hóa


(Hình: (Từ trái qua) Thứ trưởng Tô Anh Dũng, ông Phạm Trung Kiên, ông Vũ Anh Tuấn.)

- Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, người đang bị giam do dính líu đến vụ tham nhũng trong các chuyến bay giải cứu đợt dịch COVID-19, bị cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa rà soát bất động sản do ông này đứng tên tại tỉnh Thanh Hóa.

Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cho truyền thông nhà nước biết như vừa nêu vào ngày 11/12/2022.
Ngoài ông Tô Anh Dũng, hai ông Vũ Anh Tuấn và Phạm Trung Kiên cư ngụ tại Hà Nội cũng thuộc diện này. Cả ba là những người đã bị khởi tố, bị giam giữ về tội ‘Nhận hối lộ” trong vụ các chuyến bay giải cứu.

Tính đến nay đã có hơn 30 người bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến vụ án các “chuyến bay giải cứu” bắt đầu từ tháng 1 năm nay. Ông Tô Anh Dũng là một trong những viên chức cấp cao của Chính phủ bị áp dụng hai biện pháp này. Một viên chức khác trong cùng vụ là ông Nguyễn Quang Linh - Phụ tá Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh.

Theo thông tin của Bộ Công an, từ đầu mùa dịch COVID Việt Nam đã tổ chức khoảng 2.000 chuyến bay “giải cứu” với số tiền nghi đưa, nhận hối lộ lên đến hàng chục tỉ đồng và hàng trăm ngàn Mỹ kim.


Việt Nam Triển Lãm Hệ Thống Pháo Phòng Không Nâng Cấp Với Phi Đạn và Quang Điện


(Hình: Hệ thống pháo phòng không tự hành ZSU-23-4M.)

- Ngày 12/12/2022, Đài Á Châu Tự Do đưa tin cho hay Việt Nam đã nâng cấp hệ thống pháo phòng không tự hành ZSU-23-4M với quang điện do trong nước chế tạo và phi đạn đất-đối-không do Nga cung cấp.

Mạng báo chuyên về quốc phòng Janes loan tin vào ngày 9/10 và cho biết loại pháo phòng không nâng cấp vừa nêu được trưng bày tại Triển lãm Quốc Phòng Quốc tế ở Hà Nội từ ngày 8-10/12 vừa qua.

Janes được một đại diện của Quân Đội Nhân dân Việt Nam cho biết chương trình nâng cấp khởi sự từ năm 2014 và kéo dài trong bốn năm. Với thêm bốn bệ phóng phi đạn Igla, tầm phóng hiệu quả của phi đạn được nâng từ 2.500 mét đến 5.500 mét, và độ cao tiêu diệt mục tiêu từ 1.500 đến 3.000 mét.

Hệ thống quang điện do trong nước chế tạo tích hợp những camera ban ngày, camera nhiệt và bộ phận laser dò tìm. Hệ thống truy tìm và theo dõi mục tiêu điểu khiển tự động do Viettel cung cấp.

Phía đại diện Quân đội Nhân dân Việt Nam từ chối bình luận với Janes về số lượng hệ thống được nâng cấp nại lý do bí mật quốc phòng.

Không có nhận xét nào: