Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2022

Kính Chuyển Vài Tin Đáng Chú Ý và Tin Nóng Theo Dòng Thời Sự Thế Giới, Việt Nam - Lê Văn Hải


Một Mùa Giáng Sinh An Bình! Thủ Phạm Là Ai? Hình Ảnh Đón Giáng Sinh Buồn Trong Đất Nước Chiến Tranh. Thành Phố Miền Đông Ukraine, Chuẩn Bị Đón Mừng Giáng Sinh Dưới Lòng Đất! (Đường Hầm Ga Tầu Điện Ngầm!) Thành phố Kharkiv của Ukraine đã quyết định vẫn có các sự kiện mừng lễ Giáng sinh và Năm mới, tại ga tàu điện ngầm dưới lòng đất, nhằm tránh các cuộc pháo kích bằng hỏa tiễn của Nga!Theo New York Post, trong cuối tuần qua, Hội đồng thành phố Kharkiv, đã cho đăng tải những hình ảnh về cây thông Giáng sinh, được đặt ở ga tàu điện ngầm trung tâm thành phố.
<!>


(Ảnh: Cây thông Giáng sinh ở ga tàu điện ngầm thành phố Kharkiv.)

"Cây thông Giáng sinh của Kharkiv năm nay đã được chuyển xuống ga tàu điện ngầm. Các hoạt động của ngày lễ vẫn có được tổ chức, người dân được phép tham dự", đại diện Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết.


(Ảnh: Ga tàu điện ngầm ở Kharkiv được trang trí chuẩn bị cho lễ Giáng sinh.)

Chính quyền thành phố Kharkiv cho biết, các sinh hoạt mừng Giáng sinh và Năm mới cho trẻ em, sẽ được tổ chức ở dưới ga tàu điện ngầm, bên cạnh đó, là một buổi hòa nhạc nhỏ.
Những năm trước, cây thông Giáng sinh thường được đặt ở quảng trường Tự do, nhưng do tình hình xung đột chiến tranh hiện tại, các sinh hoạt ăn mừng, buộc phải diễn ra dưới lòng đất!

Lực lượng vũ trang Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát phần lớn vùng Kharkiv, sau nhiều tháng giao tranh. Tuy nhiên, khu vực này và các vùng lân cận vẫn bị tập kích bởi những hỏa tiễn của Nga.


(Thủ phạm là ai? Ai đã làm bgười dân Kharkiv, phải đón Giáng sinh và Năm mới dưới lòng đất!)



Nhắc Nhở Chú Nhật Tuần Này! Giới Thiệu Buổi Ca Nhạc Mừng Giáng Sinh (Truyền Thống Lần Thứ 6!)

*Không thể bỏ qua Buổi Ca Nhạc đặc sắc nhất, vui vẻ nhất! vào mỗi Mùa Giáng Sinh! Nước giải khát miễn phí, vào cửa tự do!

Lời Mời Tham Dự:

Chiều Nhạc “Một Mùa Sao Sáng!” Mừng Đại Lễ Giáng Sinh 2022!

Mỗi Mùa Giáng Sinh về, anh LVH và cùng với Quý Anh Chị Em Nghệ Sĩ Thân Hữu trong vùng San Jose, năm nào cũng tổ chức một buổi Ca Nhạc Giáng Sinh, nhằm tôn vinh ý nghĩa Hòa Bình, Yêu Thương của ngày Lễ. “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế, cho người thiện tâm!”

Năm nay nữa, đây là buổi Ca nhạc Giáng Sinh tổ chức liên tục lần thứ 6! (4 lần trước ở Mây Bốn Phương, năm ngoái, năm nay, ở Cà phê Lover)

Tuy mang những tên khác nhau mỗi năm, như: “Chiều Nhạc Mùa Giáng Sinh Xưa, Chiều Nhạc Đêm Thánh Vô Cùng, Chiều Nhạc Cao Cung Lên! Chiều Nhạc Mùa Giáng Sinh Xưa, Năm ngoái có tên, Chiều Nhạc Thiên Cung” nhưng tất cả cùng một mục đích. Và năm nay có tên:

Chiều Nhạc “Một Mùa Sao Sáng!”

Lúc 2 giờ 30 chiều Chủ nhật, ngày 18 tháng 12 năm 2022. (Tuần Sau!)

Tại Quán cà phê Lover, số 1855 Aborn Rd, San Jose, Ca 95121.


*Ngoài những giọng ca truyền cảm, đặc sắc nhất Vùng Thung Lũng Hoa Vàng, MC duyên dáng, còn cộng thêm rất nhiều tiết mục thú vị, mang lại không khí vui tươi mừng Ngày Lễ lớn!

*Đặc Biệt năm nay, Hội Truyền Thông Người Việt Bắc Cali, bảo trợ 20 phần quà cho những người may mắn. Chưa kể đóng góp…Một Ông Già Noel! đi chúc mừng, trao tặng quà cho tất cả những người tham dự!

*Nhiều người đánh giá Buổi Ca Nhạc Giáng Sinh truyền thống hàng năm, luôn luôn đặc sắc nhất, vui nhất, ý nghĩa nhất, vào mỗi Mùa Giáng Sinh!

* Dặc biệt hơn nữa, là nước giải khát hoàn toàn miển phí! vào cửa tự do!

*Mùa Lễ mà không tham dự Buổi Ca Nhạc đặc biệt này, là một điều thiếu sót! Một năm mới có một lần! Bỏ qua rất uổng!



Văn Thơ Lạc Việt Xin Gởi Lời Chúc Mừng Sinh Nhật 100 Tuổi! đến Nhà Văn Doãn Quốc Sỹ


Chúc Mừng Sinh Nhật 100 Tuổi của Nhà Văn Doãn Quốc Sỹ. VTLV, muốn mượn dịp này, để nhắc nhở chút tiểu sử của ông, là một cựu giáo sư Sư Phạm Sài Gòn. Giáo sư Doãn Quốc Sỹ là một nhà giáo khả kính, chưa kể là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam trước năm 1975
"Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Khu Rừng Lau, một trường thiên tiểu thuyết gồm có: Ba Sinh Hương Lửa (1962), Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến (1964), Tình Yêu Thánh Hóa (1965), Những Ngả Sông (1966) ...”

Theo Lê Văn, đặc phái viên Việt Ngữ của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, trong một cuộc phỏng vấn ông, có dẫn chuyện rằng "Ba Sinh Hương Lửa người ta thường ví như những tác phẩm lớn của Nga như Chiến tranh và hòa bình" trong đó nội dung mô tả lại những cảm xúc đớn đau của một thế hệ thanh niên mới lớn tham gia vào công cuộc kháng chiến chống Pháp nhưng sau đó phát giác ra mình đã bị lợi dụng như công cụ đấu tranh giai cấp của những người cộng sản và "có lẽ chính vì thế mà anh đã bị cộng sản bỏ tù khi họ khi chiếm được miền Nam"

Sau năm 1975, ông bị chính quyền Việt Nam giam cầm nhiều lần vì tội "viết văn chống phá cách mạng", tổng cộng là 14 năm. Ông có tên trong danh sách những tên "biệt kích văn hóa", bị bắt trong chiến dịch khởi động ngày 3 tháng 4 năm 1976, một năm sau ngày chiến tranh Việt Nam kết thúc, cùng hàng trăm nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ, nhân sĩ miền Nam bị xếp hạng "phản động": Thanh Thương Hoàng, Trần Dạ Từ, Đằng Giao, Nhã Ca, Nguyễn Mạnh Côn, Nguyễn Hữu Hiệu, Hoàng Anh Tuấn, Thân Trọng Kỳ, Hoàng Vĩnh Lộc, Trịnh Viết Thành, họa sĩ Chóe, Như Phong Lê Văn Tiến, linh mục Trần Hữu Thanh, linh mục Đinh Bình Định, thượng tọa Thích Huyền Quang…

Ông được phép di cư sang Hoa Kỳ vào năm 1995. Hiện nay ông sống tại Houston, Texas từ khi sang định cư tại Hoa Kỳ.

Ông là tác giả của khoảng 25 cuốn sách. Chuyện ngụ ngôn của ông có tựa đề Con cá mắc cạn đã được dịch ra tiếng Anh (The Stranded Fish) và có trong sách Việt Nam: bạn đồng hành văn chương của một du khách (Vietnam: A traveler's literary companion) do John Balaban và Nguyễn Quí Đức biên soạn.)


Nhân dịp mừng ông 100 tuổi! VTLV kính chúc ông nhiều sức khỏe, an vui.


Ngày Mai Thứ Ba, Lời Cám Ơn và Lời Mời Tham Dự Lễ Nhậm Chức Của Tân Ủy Viên Giáo Dục Học Khu Evergreen, Cô Marry Hiền Pollett.

Kính chào quý vị,

Tôi rất biết ơn quý vị đã giúp tôi trong việc giành được vị trí cao nhất trong Hội đồng Quản trị Học khu Evergreen. Sự thành công của tôi sẽ không xảy ra nếu không có sự hỗ trợ của các quý Ông Bà và toàn thể quý vị đồng hương, cùng các em học sinh. Quý đồng hương đã quyên góp, đi bộ, gọi điện thoại và đứng ở Chợ Farm hàng giờ để gặp gỡ và chào hỏi các cử tri. Cuộc vận động khó khăn hiện đã kết thúc nhưng công việc Ủy Viên Giáo dục chỉ sắp bắt đầu. Tôi yêu cầu sự hỗ trợ liên tục của quý vị để chúng ta có thể cùng nhau giúp toàn thể học sinh có một nền giáo dục tốt.

Buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của tôi sẽ diễn ra tại Phòng Hội Đồng Học Khu Evergreen vào ngày 13 tháng 12 năm 2022 lúc 5:00 chiều trong cuộc họp của Hội Đồng Nhà Trường tại 3188 Quimby Road San Jose, CA 95148.

Kính mời quý vị dành chút thời giờ đến tham dự. Sự có mặt của quý vị là một niềm hãnh diện lớn cho cộng đồng Việt Nam Bắc Cali.

Trân trọng kính chào,

Marry Hiền Pollett



Bài học để đề phòng giữ mạng trong cuộc sống: Có lòng làm phước, nhưng lại mang họa vào thân! Ngừng xe cứu người, khổ chủ bị cướp xe và còn bị thiêu sống ở Bắc California!

 Sở Cảnh Sát Sutter County (SCSO), địa phận phía Bắc thủ phủ Sacramento, California hôm Thứ Bảy, 10 Tháng Mười Hai, cho biết một người đàn ông bị ít nhất ba người trói và thiêu sống sau khi nhóm này cướp xe của nạn nhân tại Bắc California, theo KTLA.

Nạn nhân gọi cho cơ quan công lực vào 10 giờ 55 phút tối hôm Thứ Tư báo cáo xe của ông bị cướp tại khu vực phía Tây Nam thành phố Yuba City, cách Sacramento 42 dặm (khoảng 67.6 km) về phía Bắc, SCSO cho biết.



(Hình minh hoạ)

Nạn nhân tường thuật là khi đang lái xe qua khu vực này thì thấy một người phụ nữ, đứng gần một chiếc SUV màu đen ở sát lề đường, cầu cứu.

Nạn nhân cho biết sau khi dừng xe để giúp đỡ, thì có hai người đàn ông khác bước ra từ chiếc SUV, một người cầm theo súng và người còn lại cầm theo dao.
Hai người đàn ông này trói chân nạn nhân bằng dây rút nhựa, đổ xăng lên người nạn nhân rồi đốt lửa trước khi lấy bóp và cướp xe hơi của nạn nhân, SCSO báo cáo.

May mắn là nạn nhân tự dập được ngọn lửa, bằng cách lăn nhiều vòng trên mặt đất.

Chiếc xe bị cướp được tìm thấy cách đó vài dặm ở gần đó.
Tính đến hôm Thứ Sáu, các nghi can vẫn chưa bị bắt giữ.

Nếu bất kỳ ai có bất kỳ thông tin về sự việc, xin hãy liên lạc với SCSO thông qua số điện thoại 530-822-2310.


Tin Quốc Tế Đó Đây

Khôi Nguyên Giải Nobel Hòa Bình Lên Án Nga Với Cuộc Xâm Lược Ukraine


(Hình: Lễ trao giải Nobel Hòa bình ở Oslo.)

- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay trong lễ trao giải hôm thứ Bảy (10/12/2022), những người đoạt giải Nobel Hòa bình năm nay từ Belarus, Nga và Ukraine đã chia sẻ tầm nhìn của họ về một thế giới công bằng hơn và lên án cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine.

Bà Oleksandra Matviichuk thuộc Trung tâm Tự do Dân sự của Ukraine đã bác bỏ những lời kêu gọi thỏa hiệp chính trị, cho phép Nga giữ lại một số lãnh thổ Ukraine bị sáp nhập bất hợp pháp, nói rằng “đấu tranh cho hòa bình không có nghĩa là khuất phục trước áp lực của kẻ xâm lược, mà có nghĩa là bảo vệ người dân khỏi sự tàn ác”.
“Một quốc gia đang bị tấn công không thể đạt được hòa bình [bằng cách] hạ vũ khí”, bà nói, giọng run lên vì xúc động. “Đây sẽ không phải là hòa bình, mà là chiếm đóng”.

Bà Matviichuk lặp lại lời kêu gọi trước đó của bà đối với ông Putin - và Tổng thống độc tài Alexander Lukashenko của Belarus, người đã cung cấp lãnh thổ của đất nước mình cho quân đội Nga xâm lược Ukraine - ra trước tòa án quốc tế.

Bà nói: “Chúng ta phải chứng minh rằng luật pháp có hiệu quả và công lý vẫn tồn tại, ngay cả khi chúng bị trì hoãn”.

Bà Matviichuk được vinh danh là người đồng đoạt giải thưởng hòa bình năm 2022 vào tháng 10 cùng với nhóm nhân quyền Nga Memorial và Ales Bialiatski, người đứng đầu nhóm nhân quyền Viasna của Belarus.

Ông Bialiatski, người đang bị cầm tù ở Belarus trong khi chờ xét xử và đối mặt với án tù lên tới 12 năm, đã không được phép gửi bài phát biểu của mình.

Ông đã chia sẻ một vài suy nghĩ khi gặp vợ mình, Natallia Pinchuk, người đã thay mặt ông phát biểu tại lễ trao giải trong tù.
Ông Bialiatski là người thứ tư trong lịch sử 121 năm của giải Nobel nhận giải khi đang bị cầm tù hoặc bị giam giữ.


Nga Đe Dọa Điều Chỉnh Học Thuyết Quân Sự Cho Phép “Tấn Công Phủ Đầu” Đối Phương

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tổng hợp tin của các hãng thông tấn quốc tế cho hay Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo Mạc Tư Khoa có thể điều chỉnh học thuyết quân sự để cho phép sử dụng vũ khí tối tân “tấn công phủ đầu” hủy diệt cơ quan quân sự đầu não của đối phương. Phía Mỹ lên án thái độ đe dọa nguyên tử của Nga là “hoàn toàn vô trách nhiệm”.

Trong chuyến công du tại Kyrgystan, hôm 9/12/2022, phát biểu trước báo giới, Tổng thống Nga giải thích Mạc Tư Khoa có thể bổ sung khái niệm “tấn công phủ đầu” như của Mỹ vào học thuyết quân sự của Nga, và khẳng định các phi đạn liên lục địa và các hệ thống phi đạn siêu thanh hiện có của Nga đủ để cho phép thực hiện mục tiêu này. Theo hãng tin Mỹ AP, Tổng thống Nga đã nhấn mạnh đến việc Mạc Tư Khoa cần xem xét các kinh nghiệm của Mỹ, nhằm bảo vệ an ninh quốc gia. Ông Putin cũng nói rõ là các cuộc tấn công phủ đầu nhằm mục tiêu hủy diệt các cơ quan chỉ huy của đối phương.

Phát biểu của Tổng thống Nga được đưa ra 2 ngày sau tuyên bố của ông Putin về việc Nga sẽ không phải là bên sử dụng vũ khí nguyên tử trước. Tuyên bố được nhiều người cho là Mạc Tư Khoa rõ ràng đã giảm nhẹ triển vọng sử dụng vũ khí nguyên tử trong xung đột với Ukraine. Tuy nhiên, các lời lẽ hôm 9/12 của lãnh đạo Nga ngay lập tức bị chỉ trích mạnh mẽ từ Hoa Thịnh Ðốn. Hãng thông tấn AP dẫn lời một viên chức Mỹ xin ẩn danh cho biết, các Cố vấn của Tổng thống Joe Biden đã coi các tuyên bố của ông Putin là “lời đe dọa” ngầm khác rằng Nga có thể sử dụng vũ khí nguyên tử chiến thuật. Giới chức này cũng lưu ý rằng học thuyết quân sự của Nga từ lâu đã khẳng định rằng Mạc Tư Khoa bảo lưu quyền sử dụng vũ khí nguyên tử trước tiên để đáp trả hành vi gây hấn quân sự quy mô lớn, tức trái ngược với tuyên bố của Tổng thống Nga hôm 7/12.

Ông John Erath, thuộc Trung tâm kiểm soát và không phổ biến vũ khí (Center for Arms Control and Non-Proliferation), có trụ sở tại Hoa Thịnh Ðốn cũng coi tuyên bố của Putin là một nỗ lực mới nhằm thổi bùng lên mối đe dọa nguyên tử. Vị chuyên gia nói trên giải thích: “Ông ta hoàn toàn không nói rằng chúng tôi sẽ phóng vũ khí nguyên tử, nhưng ông ấy muốn ở Mỹ và ở Âu Châu thấy rằng, nếu cuộc chiến này kéo dài, mối đe dọa sử dụng vũ khí nguyên tử sẽ càng lớn hơn”.

Phát biểu hôm 9/12 tại Bộ Chỉ huy Chiến lược Hoa Kỳ, cơ quan chịu trách nhiệm về vũ khí nguyên tử quốc gia, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nhắc lại các đe dọa nguyên tử trước đó của Tổng thống Nga: “Khi Ðiện Cẩm Linh tiếp tục cuộc chiến độc ác và vô cớ chống lại Ukraine, cả thế giới lại chứng kiến ông Putin đưa ra các lời lẽ đe dọa tấn công nguyên tử hết sức vô trách nhiệm”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ không trực tiếp bình luận về các phát biểu hôm qua của Tổng thống Nga.


Thanh Niên Bỏ Nước Ra Đi, Chính Quyền Nga Sẽ Dùng Cây Gậy Hay Củ Cà Rốt?

- Tối 7/12/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo đã huy động 150.000 quân dự bị sang Ukraine, trong đó có 77.000 tân binh được điều thẳng ra chiến trường.

Mặc dù khẳng định chiến tranh Ukraine sẽ còn kéo dài, nhưng chủ nhân Ðiện Cẩm Linh cũng trấn an dân chúng là sẽ không có một chiến dịch động viên quân dự bị mới. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh không ít người Nga, nhất là thanh niên thuộc tầng lớp khá giả, đã tìm mọi cách rời đất nước trong thời gian qua để tránh nguy cơ phải nhập ngũ, bị đẩy ra chiến trận.

Từ trước tới nay, đối với những người đã từng ra đi để trốn lệnh tổng động viên quân dự bị, chính quyền Nga vẫn nương nhẹ, nhất là đối với những người làm việc trong các ngành nghề mà đất nước đang cần. Tuy nhiên, tình hình sắp tới có thể sẽ khác? Tối thứ Tư (7/12), một Thượng Nghị sĩ Nga có ảnh hưởng đã nêu lên ý tưởng “khiến những người ở ngoại quốc bớt yên ổn hơn”. Ngay trong tối thứ Tư, theo thông tín viên Anissa El Jabri của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) từ Mạc Tư Khoa, một video chế giễu gay gắt những thanh niên “bỏ nước ra đi” đã được công bố rộng rãi:
“Họ còn rất trẻ, có điều kiện rất khá giả, làm việc trong lĩnh vực ngân hàng và sở hữu xe hơi to. Họ đang chất các vali vào cốp xe. Có một người phụ nữ trong độ tuổi 50 đi qua và bắt chuyện: “Cháu đi đâu đấy”? Cậu thanh niên trả lời: “Cháu đến Gruzia tìm điều tốt đẹp hơn”. Bạn của người phụ nữ nói trên thở dài và nói: “Ở cơ quan tôi cũng có nhiều thanh niên đã ra đi”.

Các chàng trai dáng vẻ bảnh bao, lịch lãm lên chiếc xe màu đen mới tinh, bóng loáng, không thèm để ý gì tới một bà cụ đáng tuổi bà của họ đang loay hoay với những túi đựng hàng khi đi chợ về. Bà trượt chân, ngã và thực phẩm rơi ra khỏi túi. Hai người đàn ông khác, tóc hai bên cạo ngắn, ăn mặc không sang trọng như các thanh niên nói trên, chạy lại đỡ bà cụ dậy. Người phụ nữ ban nãy nói: “Tụi trẻ ra đi, chỉ có những người đàn ông đích thực ở lại”.

Bánh xe của các thanh niên rời bỏ đất nước nghiến nát một trong những trái quýt của bà cụ. Đó là loại trái cây biểu tượng truyền thống trong dịp năm mới ở nước Nga.

Tối thứ Tư, Tổng thống Vladimir Putin đã nhắc lại rằng sẽ không có một làn sóng mới huy động quân dự bị tại Nga”.


Bakhmut: Wagner Mang Tân Binh Cựu Tù Nhân Nhử Quân Ukraine

- Ngày 10/12/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay Bakhmut trở thành chiến trường khốc liệt giữa quân Nga và Ukraine từ mùa Hè. Giành thắng lợi ở Bakhmut trở thành nỗi ám ảnh đối với Mạc Tư Khoa sau hàng loạt thất bại ê chề ở Kharkiv hay Kherson. Lực lượng lính đánh thuê Wagner được huy động yểm trợ.

Nhà sáng lập Wagner, Yevgeny Prigozhin, hứa biến Bakhmut thành “lò mổ”. Phần lớn người dân phải rời thành phố bị đánh phá không ngừng từ 5 tháng qua. Nga vẫn theo chiến lược dùng Pháo binh oanh kích thành phố, phá hủy mọi cơ sở hạ tầng với hy vọng quân và dân Ukraine rút lui. Tuy nhiên, trong phóng sự “Bakhmut đồng nghĩa với địa ngục” ngày 2/12, phóng viên chiến trường của đài truyền hình Pháp LCI/TF1 cho biết dường như Wagner thay đổi chiến lược, đưa tân binh là cựu tù nhân đi tiền trạm, thay vì sử dụng drone - có thể do cạn kiệt. Phía Ukraine “hứng chịu những cuộc tấn công không ngừng và tự sát từ các tù nhân Nga được Wagner tuyển mộ”.

Trả lời đài LCI/TF1, một quân nhân Ukraine cho biết: “Thay vì sử dụng drone, quân Nga không ngại ném 20 đến 30 lính, đi trinh sát trên mặt trận để chúng tôi bắn và thế là họ phát giác vị trí của chúng tôi và bắt đầu oanh kích chúng tôi”.

Wagner dồn lực lượng về chiến trường Bakhmut, cố giành được “một chút thắng lợi để dâng lên bề trên”, theo phát biểu của quân Ukraine trên chiến trường. Trong những tháng gần đây, công ty Wagner tuyển vài trăm tù nhân trên khắp nước Nga và đẩy họ ra những mặt trận gay go nhất, nguy hiểm nhất. Họ được hứa xóa án, được hưởng mức lương 3-4.000 Mỹ kim/tháng, trang bị đầy đủ, khác với tình trạng hỗn độn thiếu thốn của lính tình nguyện và động viên Nga.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp đào tẩu đã diễn ra. Phải chăng do chiến trường quá tàn khốc? Wagner từng dàn dựng cảnh hành quyết một người đào tẩu để dằn mặt đội tân binh. Gần đây nhất, ngày 6/12, một cựu tù nhân 38 tuổi, bị kết án “trộm cắp”, được cho là do Wagner tuyển dụng chiến đấu ở Ukraine và đã đào tẩu, nổ súng vào cảnh sát, khiến một nhân viên cảnh sát bị thương, tại thành phố Novochakhtinsk, ở vùng Rostov trên sông Đông, gần biên giới với Ukraine. Người này bị bắt ở làng Kiselevo sau 24 tiếng đồng hồ bị truy lùng.


Xung Đột ở Ukraine: Kherson Bị Nã Pháo ồ ạt, Nga Lại Dọa Dùng “Vũ Khí Hủy Diệt”

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tổng hợp tin của các hãng thông tấn quốc tế cho hay hôm 11/12/2022, chính quyền thành phố Kherson miền Nam cho biết Nga đã tiến hành 45 cuộc nã pháo, phi đạn vào vùng Kherson, làm 2 người và 5 người khác bị thương.

Cùng ngày, Phó Chủ tịch Hội Đồng An Ninh Nga Dmitri Medvedev khẳng định, Mạc Tư Khoa đang thúc đẩy tiến độ chế tạo vũ khí “hủy diệt mạnh nhất”, đồng thời đe dọa sử dụng chống phương Tây. Tuyên bố đưa ra sau khi Tổng thống Nga hôm 9/12 thông báo Nga có thể thay đổi học thuyết quân sự, cho phép “đánh phủ đầu” đối phương.

Theo thông tấn xã AFP hôm 11/12, hơn 1,5 triệu người dân thành phố cảng Odessa, miền Nam Ukraine bị mất điện, tình hình trở nên “khó khăn”, sau khi quân Nga đã dùng drone bắn phá các cơ sở và hệ thống mạng lưới điện khu vực này ngày hôm qua. Theo tập đoàn khai thác điện quốc gia, công tác sửa chữa đòi hỏi “mất nhiều tuần, thậm từ 2 đến 3 tháng”.

Trên chiến trường, quân Nga và Ukraine tiếp tục giao tranh dữ dội ở phía Đông, vùng Donbass. Bộ Quốc phòng Ukraine hôm qua, khẳng định quân Nga tiếp tục các cuộc tấn công tại vùng Donbass, hướng đến thành phố Lyman, cách Bakhmut 65 cây số ở phía Bắc. Tuy nhiên, phát ngôn viên chính quyền Kyiv, Oleksandr Shtupun, trấn an rằng các lực lượng Ukraine đã đẩy lùi được các cuộc tấn công của Nga ở Donetsk và Luhansk. Trước các cuộc tấn công dữ dội từ Nga, Tổng thống Volodymyr Zelensky tố cáo Nga “biến thành phố Bakhmut thành đống đổ nát”.

Trong nỗ lực chiếm đóng hoàn toàn vùng Donbass, trang mạng kênh truyền hình BFMTV ngày 9/12 cho biết, Mạc Tư Khoa quyết định tăng tốc chiến dịch khi cho gởi 200 xe tăng T90M, loại hiện đại nhất, theo như một đoạn video trên kênh truyền hình Nga NTV. Những loại xe tăng đáng gờm này có thể bắn phá các mục tiêu cách 5 cây số và có thể chống cự được với loại phi đạn chống tăng Javelin của Mỹ.

Hôm qua, chính quyền thân Nga cho biết Ukraine đã nã phi đạn nhắm vào thành phố Melitopol, Đông-Nam Ukraine, làm hai người chết, 10 người khác bị thương. Chính quyền thân Nga nói thêm đã bắn chặn được 2 trong số 6 phi đạn, giết chết được nhiều “quân xâm lược” Ukraine. Thông tấn xã Reuters khẳng định chưa thể kiểm chứng các nguồn tin này


Mỹ “Bật Đèn Xanh” Để Ukraine Tấn Công Các Mục Tiêu Sâu Trong Lãnh Thổ Nga?

- Theo tin của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) ngày 11/12/2022, phải chăng Hoa Kỳ thay đổi lập trường về các vụ tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga? Một viên chức Mỹ ẩn danh phát biểu với báo Anh The Times rằng Ngũ Giác Đài không còn khăng khăng cho rằng Kyiv không nên tấn công các mục tiêu quân sự nằm sâu trong lãnh thổ Nga, sau khi Mạc Tư Khoa tăng cường oanh kích cơ sở hạ tầng dân sự Ukraine trong những tháng gần đây.

Theo nguồn tin của The Times, được Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) tại Hoa Thịnh Ðốn trích dẫn ngày 10/12/2022, dường như Bộ Quốc phòng Mỹ đã “bớt quan ngại về nguy cơ leo thang, kể cả leo thang nguyên tử”, với Nga. Quan điểm này có lẽ đã “bật đèn xanh” cho các cuộc tấn công bằng drone của Ukraine vào các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.

Một nguồn tin quân sự khác của Mỹ cho The Times biết cụ thể hơn về quan điểm của Hoa Thịnh Ðốn, “chúng tôi không thể nói với Kyiv rằng: ‘Hãy ngừng tấn công người Nga (ở Nga hoặc bán đảo Crimea)’. Chúng tôi không thể bảo họ phải làm gì. Việc họ sử dụng vũ khí như thế nào là quyền của họ. Nhưng khi họ sử dụng vũ khí do chúng tôi cung cấp, điều duy nhất chúng tôi nhấn mạnh là quân đội Ukrain phải tuân thủ luật pháp về chiến tranh quốc tế và các Hiệp định Genève”. Thông tin được báo Business Insider dẫn lại. Chính quyền Kyiv luôn khẳng định quyết tâm giành lại những vùng đất đã bị Mạc Tư Khoa chiếm đóng, kể cả bán đảo Crimea bị Nga đơn phương sáp nhập năm 2014.

Theo Bộ Chỉ huy Không quân Ukraine, chỉ trong ngày 10/12, quân Nga đã tiến hành 15 vụ tấn công bằng drone Shahed-136 và 131 nhắm vào các vùng Kherson, Mykolaiv và Odessa, trong đó 10 drone đã bị lực lượng phòng không Ukraine bắn hạ. Sau ba tuần tạm ngừng (từ ngày 23/10), Nga lại sử dụng drone do Iran sản xuất để tấn công các thành phố của Ukraine từ hôm 7/12. Giới chức quân sự Mỹ cho rằng nhờ tích lũy được drone trong ba tuần, Nga đã gia tăng cường độ tấn công bằng phương tiện này.

Ngoài ra, Mạc Tư Khoa cũng gia tăng hỗ trợ quân sự và kỹ thuật cho Iran ở mức chưa từng có để đổi lấy vũ khí, khí tài do Iran sản xuất, trong đó có drone. Dường như Mạc Tư Khoa vừa nhận được hoặc sắp được Tehran giao một lô drone mới.

Trước đó, ngày 8/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố tiếp tục ưu tiên tấn công vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Ông Putin khẳng định những chỉ trích (của phương Tây) sẽ “không gây trở ngại cho các nhiệm vụ chiến đấu” của Nga.

Thu Nhập của Nga Từ Xuất Cảng Dầu Lửa và Khí Đốt Giảm Mạnh

- Tuần này là tuần ngành dầu khí Nga đón không ít tin chẳng mấy tốt lành. Về mặt chính thức, doanh thu từ dầu lửa và khí đốt của Nga chỉ giảm 2,1% so với cùng kỳ, tháng 11 năm 2021. Tuy nhiên, theo phương tiện truyền thông kinh tế The Belle của Nga, nếu kiểm tra kỹ hơn các số liệu thống kê chính thức thì các nguồn thu tài chánh từ các mặt hàng năng lượng đang có xu hướng giảm, thậm chí là giảm “đáng kể”, dựa vào các dữ liệu và phân tích có uy tín về các vấn đề kinh tế và tài chánh của trang kinh tế MMI, cũng của Nga.

Từ Mạc Tư Khoa, thông tín viên Anissa El Jabri ngày 5/12 giải thích là trên giấy tờ, không có gì thay đổi. Với 90 tỉ Rúp (1,3 tỉ Euro theo tỉ giá hiện tại) thu được nhờ bán dầu lửa và khí đốt trong tháng 11 vừa qua, các con số vẫn ở mức gần như ổn định cho ngân sách Nhà nước Nga. Thế nhưng, đó chỉ là các kết quả đánh lừa ở vẻ bề ngoài. Theo 2 trang truyền thông kinh tế Nga, The Bell và MMI, một nửa số tiền nói trên đến từ một khoản thanh toán muộn của tập đoàn Gazprom, đây là tiền Gazprom nợ từ năm 2021.

Nếu không có khoản tiền đặc biệt đó, dường như doanh thu đã giảm 48,9% trong vòng một năm. Kết luận là, theo 2 trang truyền thông về kinh tế, thu nhập từ dầu khí dường như đã giảm. Sản lượng dầu khí đã giảm 3,4% so với năm 2021. Lý do là sản lượng khí đốt đã giảm tới 20%.

Thông tin này được loan báo trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt nhắm vào dầu lửa của Nga bắt đầu có hiệu lực: Liên Hiệp Âu Châu (EU), nhóm G7 và Úc Ðại Lợi hôm thứ Hai 5/12 áp giá trần nhắm vào dầu lửa, cùng lúc là lệnh cấm vận của Liên Hiệp Âu Châu đối với dầu của Nga được vận chuyển bằng đường biển, vài tháng sau lệnh cấm vận do Hoa Kỳ và Gia Nã Ðại quyết định.

Đối với hai kênh truyền thông về kinh tế này, các mục tiêu về doanh thu cho ngân sách Nga năm 2023 như vậy có thể sẽ không đạt được. Tuy nhiên, Nga đã lường trước sự sụt giảm mạnh nguồn thu từ dầu lửa và khí đốt. Đối với The Bell, tình hình ngân sách chung vẫn “chưa thể bị xem là thảm hại”.


Anh Muốn Phát Triển Các Quan Hệ Đối Tác Mới ở Phi Châu, Á Châu và Nam Mỹ

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay ngoài những đồng minh “truyền thống”, Luân Đôn tìm cách mở rộng quan hệ đối tác với nhiều nước đang trỗi dậy ở Phi Châu, Á Châu và Nam Mỹ. Ngoại trưởng Anh James Cleverly dự kiến công bố chiến lược mới ngày 12/12/2022.

Thông cáo tối 10/12 của Bộ Ngoại giao Anh cho biết ông James Cleverly sẽ nhấn mạnh đến tầm quan trọng đối với Luân Đôn về việc phát triển mối quan hệ vững mạnh hơn với nhiều nước ngày càng có ảnh hưởng ở ba khu vực trên, dù không phải là những “đối tác truyền thống” của vương quốc Anh.

Luân Đôn đang tìm vị trí mới trên trường quốc tế hậu Brexit nên cần phát triển quan hệ trong nhiều lĩnh vực với những nước “sẽ định hình tương lai thế giới”. Chính phủ Anh cho rằng “trong những thập niên tới, một phần lớn của nền kinh tế thế giới sẽ nằm trong tay những quốc gia ở Á Châu, Phi Châu và Nam Mỹ”. Cho nên, ông James Cleverly sẽ nhấn mạnh đến việc “chính sách đối ngoại (của Anh) sẽ phải không ngừng dự đoán tương lai, phải nhìn xa được trước 10, 15 và 20 năm”.

Theo thông tấn xã AFP, Ngoại trưởng Anh có bài diễn văn quan trọng chỉ hai tuần sau khi Thủ tướng Rishi Sunak khẳng định “thời kỳ vàng son” giữa Luân Đôn và Bắc Kinh đã kết thúc. Mối quan hệ song phương từ giờ sẽ theo “hướng thực dụng mạnh mẽ”. Trong quá trình vận động tranh cử chức Thủ tướng, ông Rishi Sunak từng đánh giá Trung Quốc là “mối đe dọa chính” cho an ninh của Anh và thế giới. Ông cũng chỉ trích dự án đầu tư cơ sở hạ tầng Con Đường Tơ Lụa Mới của Bắc Kinh.

Lẽ ra Thủ tướng Anh và Chủ tịch Trung Quốc gặp nhau bên lề thượng đỉnh G20 tại Bali nhưng cuộc gặp lần đầu tiên trong gần 5 năm qua đã bị hủy. Sự kiện này có thể cho thấy mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa hai nước.

Đoàn Lưỡng Đảng Úc Ðại Lợi Công Du Đảo Quốc Thái Bình Dương

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay một phái đoàn chính trị gia của hai đảng lớn của nước Úc công du một số đảo quốc ở Thái Bình Dương trong tuần tới để tăng cường mối quan hệ trong vùng. Thông cáo chung, công bố ngày 11/12/2022, cho biết phái đoàn của Úc Ðại Lợi lần lượt thăm các nước Vanuatu, tiếp theo là Liên bang Micronesia và Quần đảo Palau.

Trong phái đoàn Úc Ðại Lợi có Ngoại trưởng Penny Wong, Bộ trưởng Phát triển Quốc tế và Thái Bình Dương Pat Conroy, cùng với nhiều đồng nghiệp bên phe đối lập. Theo lịch trình, tại Vanuatu, các chính trị gia Úc Ðại Lợi dự lễ khánh thành một cầu cảng mới và chuyển giao một tàu Hải cảnh “trong khuôn khổ hợp tác bền vững của Úc Ðại Lợi về những lợi ích chung liên quan đến an ninh trong vùng”.

Chuyến công du tập trung vào các mục tiêu phát triển, “mối đe dọa hiện hữu” của biến đổi khí hậu và những vấn đề liên quan đến an ninh trong vùng. Ngoại trưởng Penny Wong nhấn mạnh đến “cam kết lâu dài của Úc Ðại Lợi nhằm tăng cường những mối quan hệ đối tác với vùng Thái Bình Dương và giải quyết các thách thức khu vực”.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2019, một phái đoàn gồm chính trị gia của hai đảng đối lập và đảng cầm quyền cùng công du vùng Thái Bình Dương. Sự kiện này cho thấy quyết tâm của Canberra lấy lại niềm tin và trấn an các nước láng giềng trong khu vực vẫn được coi là nằm trong vòng ảnh hưởng của Úc Ðại Lợi.

Theo thông tấn xã Reuters, cả Úc Ðại Lợi và Trung Quốc tổ chức nhiều chuyến thăm cấp cao trong năm 2022 để gia tăng ảnh hưởng với các tiểu quốc ở Thái Bình Dương. Sự kiện khiến Úc Ðại Lợi và Mỹ đặc biệt quan ngại là Bắc Kinh ký Hiệp định an ninh với quần đảo Salomon vào tháng 4/2022.

Covid-19: Trung Quốc Nới Lỏng Phong Tỏa, Tin Vui Cho Dân Bắc Hàn?

- Theo tin của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) ngày 10/12/2022, việc Trung Quốc nới lỏng các hạn chế dịch tễ có thể có những tác động tích cực đối với một bộ phận người dân Bắc Hàn, đặc biệt là cho những người tị nạn đang lưu trú trái phép ở Trung Quốc.

Từ thủ đô Hán Thành của Nam Hàn, thông tín viên Nicolas Rocca của Đài RFI giải thích:
“Bị cô lập từ 3 năm nay và từ đầu mùa dịch, Bắc Hàn còn đóng cửa nghiêm ngặt gấp ba lần đối với các tổ chức nhân đạo ngoại quốc, hoạt động chính thức trên lãnh thổ nước này. Việc kiểm soát cửa khẩu khắc nghiệt còn gây thêm khó khăn cho việc đi từ Trung Quốc, lối đi ưu tiên để vào Bắc Hàn. Một cửa khẩu khác với Nga không còn là điểm tiếp cận khả thi cho phần lớn các tổ chức phi chính phủ kể từ đầu cuộc chiến tranh tại Ukraine.

Với việc nới lỏng các hạn chế tại Trung Quốc, các tổ chức nhân đạo và giới học giả, thường xuyên có những chuyến đi Bắc Hàn, nhận thấy một chút lạc quan nào đó từ phía Bình Nhưỡng về khả năng mở cửa trong nhiều tháng tới. Nhưng tất cả đều phụ thuộc vào Bắc Kinh, trong lúc Trung Quốc còn lâu mới tuyên bố mở cửa lại biên giới.

Dù sao, việc nới lỏng kiểm soát dịch tễ nghiêm ngặt tại Trung Quốc còn là một tin vui cho người tị nạn Bắc Hàn, có thể đi khắp đất nước mà không bị cảnh sát Trung Quốc phát giác và rất có thể sẽ trả họ về Bắc Hàn. Một chuyến vượt biên sang Mông Cổ, Thái Lan hay Lào để rồi từ đó cho phép họ đến tị nạn ở Nam Hàn. Một nhiệm vụ hầu như bất khả thi tại một nước Trung Quốc “Không có Covid”“.


Bỏ “Zero Covid”, Ca Nhiễm Tăng Vọt: Bắc Kinh Ra Hàng Loạt Biện Pháp Để Bảo Đảm Dược Phẩm

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay hôm 9/12/2022 vừa qua, nhà cầm quyền Trung Quốc đã thông báo một loạt biện pháp về giao thông, cung ứng, cũng như chống buôn lậu dược phẩm, trang thiết bị y tế, để cho phép mọi người dân có thể tiếp cận với các phương tiện cho phép chăm sóc giảm nhẹ các triệu chứng Covid-19.

Việc giảm mạnh các biện pháp phong tỏa, phòng dịch, sau quyết định của Bộ Y tế Trung Quốc hôm thứ Tư (7/12), khiến số lượng ca nhiễm virus corona gây bệnh Covid-19 tăng vọt tại Trung Quốc. Bảo đảm cung cấp đủ dược phẩm và các phương tiện y tế khác cho người dân là thách thức cấp bách.

Giao thông là chuyện hàng đầu. Một văn bản của bộ Giao Thông Trung Quốc nêu rõ: “Bảo đảm thông suốt trong việc vận chuyển thuốc và vật tư y tế, đặc biệt là vắc-xin, xét nghiệm kháng nguyên, thuốc và khẩu trang”. Tài liệu cho biết việc đóng cửa trái phép các đường cao tốc, đường thủy, cảng, nhà ga và phi trường đều bị cấm. Hãng tin Anh Reuters cho hay một tổ làm việc của Quốc vụ viện, tức chính phủ Trung Quốc, đã ra thông báo yêu cầu chính quyền các địa phương phải bảo đảm các hoạt động vận chuyển diễn ra như bình thường

Cục Quản lý Sản phẩm Y tế Quốc gia (NMPA) cũng đưa ra cảnh báo chống gian lận trong các sản phẩm được sử dụng trong cuộc chiến chống lại Covid-19. Trong một công văn được công bố hôm qua, NMPA nghiêm cấm các hành vi tăng giá, thông đồng, tuyên truyền sai lệch hoặc tích trữ, đầu cơ vật tư và thuốc.


Đảo Chiều Zero Covid “Quá Nhanh”, Chính Quyền Trung Quốc Đẩy Dân Vào Cảnh Bất An

- Ngày 10/12/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay tại Trung Quốc, từ khi các cuộc biểu tình chống chính sách Zero Covid bùng nổ ở nhiều địa phương, cho dù dịch bệnh vẫn lây lan mạnh, nhưng các địa phương, kể cả thủ đô Bắc Kinh, đã nối đuôi nhau thông báo dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt từng được duy trì suốt gần 3 năm qua.

Chính sách Zero Covid tại Trung Quốc tiến đến hồi kết, tuy nhiên, sự nới lỏng quá đột ngột các quy định phòng chống dịch lại khiến nhiều người dân lo ngại, dù đúng là họ mong mỏi trở lại cuộc sống bình thường sau gần 3 năm sống chung với Zero Covid. Theo ghi nhận của thông tín viên Đài RFI Stéphane Lagarde và Louise May ngày 5/12 tại Bắc Kinh, người dân đã nghĩ ra đủ cách để tự bảo vệ bản thân và đề phòng dịch bùng phát trở lại:
“Những người sử dụng tàu metro sáng 10/12 ở Bắc Kinh có ánh mắt lo lắng và cảm giác như đang bước vào một cuộc phiêu lưu không có mạng lưới bảo vệ an toàn. Không cần xuất trình kết quả xét nghiệm Covid khi vào bến tàu, nữ công chức trẻ tuổi này cảm thấy hơi e ngại. Cô nói: “Tôi thấy hơi sợ. Có rất nhiều người sử dụng phương tiện giao thông công cộng và Covid-19 còn lâu mới biến mất. Hiện giờ, rất nhiều người đang tích trữ dược phẩm, những loại thuốc hạ sốt. Làm như vậy để nếu như cảm thấy không khỏe thì chúng tôi có thể tự chữa trị ở nhà”.

Tự chữa trị ở nhà, các phương tiện truyền thông nhà nước trong những ngày qua đã tích cực đưa ra những thông điệp trấn an người dân là biến chủng Omicon đỡ nguy hiểm hơn so với các biến chủng trước đây.

Người đàn ông này là nhân viên làm việc trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo. Khi đi đến chỗ làm, anh đeo một đôi kính bảo hộ chuyên sử dụng trong các phòng thí nghiệm để tự bảo vệ bản thân mình. Anh vẫn chưa cảm thấy yên tâm lắm về việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế. Người nhân viên này nói: “Tôi nghĩ rằng chúng tôi phải tự bảo vệ mình khi mà giờ đây cuộc sống xã hội được mở trở lại. Có đông người hơn trên đường phố và trong các phương tiện giao thông công cộng. Chẳng hạn như tôi, trước đây tôi chưa từng đeo loại kính bảo hộ này. Nhưng bây giờ thì tôi làm vậy đấy, bởi xét nghiệm Covid không còn là điều bắt buộc nữa. Chúng tôi có nhiệm vụ phải tự xoay xở một mình để bảo vệ bản thân chúng tôi khỏi nhiễm virus corona”.

Một điểm mới khác nữa là người dân không còn bắt buộc thông báo danh tính khi đi mua thuốc aspirin, tức là tránh được nguy cơ bị đánh dấu trong chứng nhận y tế chỉ vì trong đơn thuốc có thuốc hạ sốt hoặc thuốc giảm đau. Và kết quả là, cũng như nhiều bạn bè, vị Giám đốc bán hàng này đã quyết định mua thuốc dự phòng, đề phòng dịch bệnh bùng phát trở lại “như ở ngoại quốc”. Anh nói: “Tôi đã mua thuốc để tăng cường sức đề kháng chống virus. Ngay cả khi chúng tôi còn trẻ, chúng tôi cũng cần tăng cường khả năng miễn dịch. Tôi đã uống thuốc đề phòng sốt và điều trị cảm cúm thông thường. Trái lại, tôi không tìm thấy các loại thuốc cổ truyền điều trị Covid-19”.

Theo thông tín viên RFI từ Bắc Kinh, còn có một kiểu đề phòng khác: Hàng xóm láng giềng hoặc các thành viên trong gia đình rủ nhau cùng đi xét nghiệm. Ở Bắc Kinh, mọi người đều biết rằng ở các điểm xét nghiệm, 10 bộ xét nghiệm được đóng thành một hộp, tức là cứ có đủ 10 người thì họ mới làm xét nghiệm. Thế nên, người dân đi chung để tránh trở thành người tiếp xúc với ca dương tính chỉ vì phải đứng xếp hàng chờ đủ người để được xét nghiệm.


Trung Quốc Thông Báo 10.815 Ca COVID Mới Ngày 10 Tháng 12


(Hình: Người dân Bắc Kinh đã dần trở lại cuộc sống thường nhật.)

- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay hôm Chủ Nhật (11/12/2022), Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã thông báo 10.815 ca nhiễm COVID-19 mới vào hôm nay, trong đó 2.338 ca có triệu chứng và 8.477 ca không có triệu chứng.

Ủy ban đã báo cáo 13.811 ca mới một ngày trước đó – 3.082 ca nhiễm có triệu chứng và 10.729 ca không có triệu chứng, mà Trung Quốc tính riêng.

Không bao gồm các ca nhiễm từ bên ngoài, Trung Quốc đã ghi nhận 10.597 ca mới tại các địa phương vào thứ Bảy (10/12), trong đó 2.270 ca có triệu chứng và 8.327 ca không có triệu chứng, giảm so với 13.585 ca một ngày trước đó.

Không có trường hợp tử vong nào và như vậy không có thay đổi nào so với một ngày trước đó.

Số ca chết vì COVID-19 ở Trung Quốc tính đến nay là 5.235 ca.


Ông Trùm Truyền Thông Hồng Kông Jimmy Lai Bị Tuyên Án Tù 5 Năm


(Hình AP:- Ông trùm truyền thông ủng hộ dân chủ Hồng Kông Jimmy Lai ròi Tòa Phúc thẩm Chung quyết trong lúc nghỉ giải lao ở Hồng Kông, ngày 31/12/2020.)

- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay ông trùm truyền thông ủng hộ dân chủ Hồng Kông Jimmy Lai bị tuyên án 5 năm 9 tháng tù ngày thứ Bảy (10/12/2022) về tội lừa đảo, bị kết tội vi phạm hợp đồng thuê trụ sở của một tờ báo có quan điểm tự do mà ông từng điều hành.

Ông Lai, 75 tuổi, bị tuyên có tội đối với hai tội danh lừa đảo vì đã che đậy hoạt động của một công ty tư nhân, Dico Consultants Ltd, tại trụ sở của tờ báo Apple Daily hiện đã bị đóng cửa, theo phán quyết vi phạm hợp đồng thuê đất.

Là người chỉ trích Trung Quốc nổi tiếng nhất Hồng Kông, ông Lai đã ngồi tù kể từ tháng 12 năm 2020 và đã chịu án 20 tháng vì về các cuộc tụ tập trái phép.

Ông là người đứng đầu Next Digital, công ty mẹ của Apple Daily đã đóng cửa vào tháng 6 năm 2021 sau một cuộc bố ráp của cảnh sát.

Một Giám đốc điều hành khác của Next Digital, Wong Wai-keung, 61 tuổi, bị kết tội lừa đảo và ngồi tù 21 tháng.
Thẩm phán Tòa án quận Stanley Chan viết trong một bản án rằng ông Lai đã “hành động dưới ô dù bảo vệ của một tổ chức truyền thông”. Ông Chan nói việc truy tố một ông trùm truyền thông “không tương đương với việc tấn công vào tự do báo chí”.

Thẩm phán trừ 3 tháng tù cho ông Lai vì ông đã thừa nhận phần lớn lập luận của bên Công tố.

Các chính phủ phương Tây kể cả Mỹ đã bày tỏ lo ngại về tình cảnh của ông Lai và lên án điều mà họ gọi là sự thụt lùi nghiêm trọng rộng lớn trong việc bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản theo Luật An ninh Quốc gia do Trung Quốc áp đặt.


Hoa Kỳ Cử Phái Đoàn Cấp Cao Đến Trung Quốc Để Hâm Nóng Quan Hệ

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tổng hợp tin của các hãng thông tấn quốc tế cho hay tiếp theo cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bali, Nam Dương, tháng 11/2022, một phái đoàn đại diện cao cấp đầu tiên của Mỹ đến thăm Trung Quốc. Mục tiêu nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm Bắc Kinh đầu năm 2023 của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken để sưởi ấm quan hệ song phương.

Thông tấn xã Reuters trích dẫn thông cáo do Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 10/12/2022, cho biết ông Daniel Kritenbrink, Phụ tá Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, cùng với bà Laura Rosenberger, Giám đốc cấp cao Hội đồng An ninh Quốc gia về Trung Quốc và Đài Loan, sẽ lần lượt đến thăm các nước Trung Quốc, Nam Hàn và Nhật Bản từ ngày hôm nay 11/12 đến ngày 14/12/2022.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, chuyến thăm Bắc Kinh của phái đoàn Mỹ lần này là nhằm “tìm cách giải quyết một cách có trách nhiệm cạnh tranh giữa hai nước và tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác tiềm tàng”.

Thông tấn xã AFP nhắc lại, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Nam Dương đã có những cuộc trao đổi trực tiếp về những chủ đề gây căng thẳng, từ hồ sơ Đài Loan, nguyên tử Bắc Hàn cho đến cuộc chiến tranh tại Ukraine do Nga phát động, cũng như là những hạn chế xuất cảng kỹ thuật Mỹ…, nhằm tránh cho đôi bên đi đến một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới.


Hoa Kỳ Bắt Giữ Nghi Can Chế Tạo Bom Trong Vụ Lockerbie


(Hình: Vụ đánh bom chuyến bay Pan Am 103 trên bầu trời Lockerbie năm 1988 đã làm thiệt mạng 270 người.)

- Hoa Kỳ đã bắt giữ người đàn ông bị cáo buộc chế tạo quả bom làm nổ tung chuyến bay Pan Am 103 trên bầu trời Lockerbie ở Scotland vào năm 1988, một viên chức Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết hôm Chủ Nhật (11/12/2022).

Phát ngôn viên cho biết, ông Abu Agila Mohammad Masud Kheir Al-Marimi sẽ xuất hiện lần đầu tại tòa án liên bang ở Hoa Thịnh Ðốn.

Thông tấn xã Reuters đưa tin rằng hiện không rõ ngay các chi tiết về vụ bắt giữ này.
Hoa Kỳ đã công bố các cáo buộc đối với ông Abu Agila Masud hai năm trước, và cơ quan Công tố Scotland, viết tắt là COPFS), cho biết ông ta hiện đang bị giam giữ.
“Gia đình của những người thiệt mạng trong vụ đánh bom Lockerbie đã được thông báo rằng nghi phạm Abu Agila Mohammad Masud Kheir Al-Marimi đang bị Mỹ giam giữ”, phát ngôn viên của COPFS cho biết.

“Các Công tố viên và cảnh sát Scotland, làm việc với chính phủ Anh và các đồng nghiệp Mỹ, sẽ tiếp tục theo đuổi cuộc điều tra này, với mục đích duy nhất là đưa những kẻ đã hành động cùng với al-Megrahi ra trước công lý”.

COPFS cho biết sẽ không thích hợp để bình luận thêm về một cuộc điều tra tội phạm vẫn tiếp diễn.

BBC là cơ quan báo chí đầu tiên đưa tin về vụ bắt giữ Masud.


Tin Việt Nam

Giải Báo Chí Nhân Quyền Á Châu Được Tái Khởi Động Vào Năm 2023


(Hình: Một người bán báo lấy báo New Evening Post trên đường phố Hồng Kông.)

- Đài Á Châu Tự Do đưa tin cho hay vào ngày 9/12/2022, Tổ chức Giám sát Nhân quyền – Human Rights Watch (HRW) và Trường Báo chí-Truyền thông Đại chúng Walker Cronkite thuộc Đại học tiểu bang Arizona (Hoa Kỳ) thông báo sẽ đồng quản trị Giải Báo chí Nhân quyền do Câu lạc Bộ Nhà báo Ngoại quốc ở Hồng Kông (FCCHK) quản trị hơn một phần tư thế kỷ trước đây.

Thông báo được đưa ra nhân kỷ niệm Ngày Nhân quyền Quốc tế và nêu rõ sẽ bắt đầu nhận đơn đề cử và ứng cử cho giải từ nay đến ngày 1 tháng 2 năm 2023.

Bà Tirana Hassan, Quyền Giám đốc Điều hành của HRW, phát biểu: “Tổ chức Giám sát Nhân quyền hân hạnh được tiếp nối truyền thống vinh danh, tưởng thưởng và hỗ trợ các hoạt động báo chí xuất sắc về nhân quyền, đặc biệt là tại thời điểm trọng yếu này ở Á Châu.Trong thời buổi tin thất thiệt và tuyên truyền tràn lan, việc đưa tin chân thực và dũng cảm về những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, A Phú Hãn, Miến Ðiện và nhiều nơi khác nữa càng có tầm quan trọng thiết yếu”.

FCCHK phải ngừng xét và trao giải thưởng ghi nhận các sản phẩm báo chí về nhân quyền tốt nhất Á Châu này sau khi chính quyền Trung Quốc áp đặt bộ luật an ninh quốc gia hà khắc ở Hồng Kông từ tháng Sáu năm 2020. Sau đó, nhà cầm quyền Hồng Kông với chính sách đàn áp tự do báo chí đã đóng cửa tờ báo lớn nhất của thành phố này, nhật báo Apple Daily cùng với ít nhất tám kênh truyền thông khác. Quyết định ngừng quản trị giải thưởng của FCCHK xuất phát từ các mối nguy nêu trên.

Giải Báo chí Nhân quyền Á Châu nhằm vinh danh các tác phẩm báo chí xuất sắc về các vấn đề nhân quyền ở châu lục này. Trong số những người từng được trao giải này có nhà báo Phi Luật Tân, Maria Ressa, một khôi nguyên Nobel Hòa bình năm 2021, và nhiếp ảnh gia báo chí Marcus Yam gốc Mã Lai Á của tờ Thời báo Los Angeles, người vừa nhận giải Pulitzer năm nay về các bức ảnh thời sự nóng hổi.

Hàng năm, giải thưởng nhận được hàng trăm hồ sơ đề cử và ứng cử từ khắp Á Châu. Có 16 hạng mục dự giải, từ tin giờ chót đến xã luận và bao gồm tất cả các loại hình báo chí-bài viết, ảnh chụp, đoạn ghi hình, ghi âm và đa phương tiện. Đơn đề cử hoặc ứng cử được nộp miễn phí và có thể bằng tiếng Anh hoặc tiếng Hoa.

Danh sách trao giải năm 2023 sẽ công bố vào ngày 3 tháng năm năm 2023, là Ngày Tự do Báo chí Thế giới. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và Trường Cronkite cũng sẽ vinh danh những người đoạt giải năm 2022 nhưng chưa được chính thức công bố sau khi giải bị gián đoạn ở Hồng Kông.


Việt Nam Sẽ Chặn Thu Tiền Quảng Cáo của Những Trang Bị Cho Đăng Nội Dung “Độc Hại”

- Việt Nam đang soạn danh sách đen những trang chủ, trong đó có những tài khoản mạng xã hội của các cá nhân, sẽ bị cấm nhận quảng cáo vì bị cho đăng tải nội dung chống Chính phủ hay ‘độc hại’.

Mạng báo Nikkei Asia loan tin ngày 9/12/2022 như vừa nêu và dẫn cảnh báo từ trang chủ của Bộ Thông tin-Truyền thông của Chính phủ Hà Nội rằng sẽ phạt nặng những công ty đặt quảng cáo trên những trang chủ, mạng xã hội thuộc danh sách đen đó. Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin Điện tử của Bộ này cũng đăng lại cảnh báo đó.

Ngoài danh sách đen, một danh sách những trang được cơ quan chức năng Việt Nam cho là an toàn có thể đặt quảng cáo sẽ được công bố vào đầu sang năm.

Giới cổ xúy cho dân chủ và nhân quyền lo ngại rằng biện pháp tiếp theo này của Chính phủ Hà Nội sẽ làm xấu thêm thực tế quyền tự do biểu đạt đang mỗi ngày một bị hạn chế thêm tại Việt Nam.

Chuyên gia phân tích cấp cao của tổ chức Freedom House tại Hoa Kỳ Kian Vesteinsson phát biểu với Nikkei Asia rằng: “Cơ quan chức năng Việt Nam lạm dụng chính sách này để bịt miệng các tiếng nói chỉ trích và cổ xúy cho những tiếng nói phò Chính phủ”. Người này cho rằng đây là nỗ lực mới nhất của Hà Nội nhằm tăng mạnh kiểm soát đối với quyền tự do ngôn luận.


Bốn Công Ty Du Lịch Bị Đề Nghị Rút Giấy Phép Trong Vụ 100 Người Việt Trốn Lại Nam Hàn


(Hình: Hành khách ở phi trường Jeju, Nam Hàn, hôm 31/5/2020.)

- Bốn công ty du lịch bị sở chức năng Tp. HCM đề nghị tước giấy phép vì dính líu đến vụ 100 người Việt mất tích ngay sau khi nhập cảnh Nam Hàn tại Phi trường Quốc tế Yangyang, tỉnh Gangwon hồi tháng 9/2022 vừa qua.

Mạng VnEconomy loan tin ngày 9/12/2022, dẫn văn bản của Sở Du lịch Tp. HCM về đề nghị đối với 4 công ty gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Du lịch Top Ten, Công ty Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam – Vietravel, Công ty Cổ phần Du lịch Top Asian, và Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Chợ Lớn.

Ngoài biện pháp xử phạt tiền, Sở Du lịch Tp. HCM đề nghị hình thức xử phạt bổ sung, quy định tại điểm b khoản 15 Điều 7 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP, là “Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 12 tháng đến 18 tháng đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 12, khoản 13 Điều này”.

Vào ngày 25/10, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng xác nhận thông tin khoảng 100 công dân Việt Nam sau khi vào Nam Hàn hồi tháng chín đã đột ngột “biến mất” khiến chính quyền tỉnh Gangwon phải “sắp xếp lại công tác quản lý và cấp visa cho người Việt nhập cảnh tại phi trường Yangyang sau thời gian thử nghiệm chính sách miễn visa”.

Trước đó, vào ngày 22/10, trên các trang mạng xã hội của người Việt tại Nam Hàn xuất hiện thông tin “thất lạc 120 khách du lịch Việt Nam đến Nam Hàn”. Theo thông tin trên trang Cộng đồng Người Việt tại Nam Hàn, 120 trong số 170 khách du lịch Việt đến phi trường YangYang “vẫn chưa thấy tông tích gì, phía cảnh sát Nam Hàn vẫn ngày đêm tìm kiếm”.

Vào ngày 22/10, hãng hàng không Fly Gangwon của Nam Hàn thông báo tạm thời không thể tiếp nhận khách Việt đăng ký theo diện miễn visa (thị thực nhập cảnh) đến phi trường Yangyang từ 0 giờ ngày 23/10 đến 31/10 với lý do chính quyền tỉnh Gangwon phải sắp xếp lại công tác quản lý cấp visa cho người Việt nhập cảnh phi trường YangYang.

Trả lời câu hỏi của phóng viên trong nước về vấn đề người Việt đi du lịch rồi trốn ở lại lao động bất hợp pháp, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng lúc bấy giờ nói: “Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng khác trong nước sẽ phối hợp thực hiện các biện pháp giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng công dân Việt Nam lợi dụng hình thức du lịch để tìm cách cư trú bất hợp pháp tại Nam Hàn”.

Tình trạng người Việt “lấy cớ” vào Nam Hàn du lịch rồi trốn lại làm việc bất hợp pháp khá phổ biến trong thời gian qua. Nổi tiếng nhất là vụ chín người đi cùng chuyên cơ đoàn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sang Nam Hàn hồi năm 2018 rồi trốn ở lại. Sự việc bị báo chí Nam Hàn phanh phui.

Hồi năm 2016, 56 khách du lịch Việt khác đến đảo Jejju của Nam Hàn cũng “biến mất”.

Vụ Xử AIC và Các Đơn Vị Liên Quan Bệnh Viện Đa Khoa Đồng Nai Sẽ Diễn Ra Vào Ngày 21/12


(Hình: Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.)

- Vào ngày 9/12/2022, truyền thông nhà nước dẫn thông báo của Tòa án Nhân Dân Thành phố Hà Nội cho hay dự kiến vào ngày 21/12 tới đây, tòa Hà Nội sẽ bắt đầu phiên xét xử vụ án” Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các đơn vị liên quan... dù đến nay có tám bị cáo vẫn bỏ trốn truy nã; trong số này có bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch AIC.

Đây là một trong sáu đại án mà Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng/Chống Tham nhũng, Tiêu cực vào ngày 8/11 vừa qua nói sẽ phải đưa ra xét xử trong năm nay.

Vào cuối tháng 11 vừa qua, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ra yêu cầu bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng bảy người đang bỏ trốn ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng ngay trước phiên Tòa Sơ thẩm.

Cả tám bị can đang trốn lệnh truy nã đều bị truy tố tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Ngoài ra, bà Nhàn và ông Trần Mạnh Hà (Phó tổng Giám đốc Công ty AIC) – người cũng đang bỏ trốn – còn bị truy tố thêm tôi “Đưa hối lộ”.
Theo cáo trạng, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã thiết lập quan hệ với lãnh đạo tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Ðầu tư và các sở, ngành khác của tỉnh Đồng Nai rồi câu kết, thông đồng với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn thiết kế… thiết lập “quân xanh” tham gia đấu thầu và trúng 16 gói thầu, thu lợi bất chính gần 150 tỉ đồng.

Ngoài ra, bà Nhàn còn bị cáo buộc đã chỉ đạo cấp dưới nhiều lần đưa hối lộ cho cựu Bí thư Đồng Nai, cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai mỗi người 14,5 tỉ đồng, và cựu Giám đốc Sở Y tế Đông Nai 14,8 tỉ đồng.

Bà Nhàn cũng bị báo chí Pháp và Do Thái đưa tin là người trung gian trong các thương vụ mua bán vũ khí giữa Chính phủ Việt Nam và Do Thái trị giá khoảng 500 triệu Mỹ kim.

Báo Haaretz của Do Thái trích một nguồn tin giấu tên ở Việt Nam cho rằng nguyên nhân thực sự đứng đằng sau vụ truy tố bà Nhàn là do các thỏa thuận mua bán vũ khí. Lý do chính là cuộc cạnh tranh trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Công an Tô Lâm.


Hai Cựu Giám Đốc Sở Y Tế Thành Phố Cần Thơ Bị Truy Tố Vì Nhận Hối Lộ


(Hình: Bà Bùi Thị Lệ Phi (trái) và ông Cao Minh Chu.)

- Truyền thông nhà nước loan tin ngày 9/12/2022, dẫn cáo trạng do Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa hoàn tất, cho hay 2 cựu Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ là Bùi Thị Lệ Phi và Cao Minh Chu bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố trong vụ án “vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Y tế Cần Thơ, Công ty NSJ và một số đơn vị liên quan.
Ngoài hai cựu Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ như bị truy tố như vừa nêu, còn có 18 người khác nữa; trong số này có bà Hoàng Thị Thúy Nga - Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn Hành trình Thành công Mới (NSJ Group).

Theo cáo trạng, hai cựu Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ đã bàn bạc, thông đồng để lập Tập đoàn Hành trình Thành công mới (NSJ Group) và Công ty Bình An trúng bốn gói thầu cung cấp thiết bị y tế. Bà Bùi Thị Lệ Phi còn bị kết luận nhận ba tỉ đồng tiền ‘lại quả’ cho bản thân và 200 triệu đồng cho Sở Y tế trong quá trình đấu thầu. Vụ này được nói gây thiệt hại cho Nhà nước gần 33 tỉ đồng.

Bà Hoàng Thị Thúy Nga được nói là người góp 80% vốn thành lập ra bảy công ty, trực tiếp tuyển chọn và bổ nhiệm các cá nhân vào vị trí chủ chốt của các công ty nhằm mục đích thực hiện hành vi phạm tội trong đấu thầu các lĩnh vực như: trang thiết bị y tế, trang thiết bị giáo dục và trang thiết bị chiếu sáng.
Bà này dùng các mối quan hệ với lãnh đạo các tỉnh, thành nhằm đặt điều kiện cho các công ty của bà được tham gia các gói thầu.

Ngoài Cần Thơ, bà Hoàng thị Thúy Nga còn bị khởi tố trong bốn vụ án liên quan đến thiết bị y tế, thiết bị giáo dục tại các tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, và Quảng Ninh. Có 5 cựu Giám đốc sở tại 3 tỉnh này bị khởi tố do dính líu đến bà Nga.

Bà Hoàng thị Thúy Nga cũng đã bị khởi tố trong cùng vụ tại tỉnh Đồng Nai với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC và cựu Bí thư Trần Đình Thành, cựu Chủ tịch tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái.


Lãnh Đạo Trường Đại Học Tây Bắc Bị Kỷ Luật Đảng


(Hình: Trường Đại học Tây Bắc.)

- Ủy ban Kiểm tra thuộc Tỉnh ủy Sơn La vào ngày 9/12/2022 được truyền thông nhà nước dẫn quyết định cho hay 3 lãnh đạo Trường Đại học Tây Bắc ở tỉnh Sơn La gồm Hiệu trưởng, Hiệu phó và Chủ tịch Hội đồng Nhà trường bị kỷ luật do vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, sử dụng tài chánh công và công sản. vừa nêu.

Cụ thể, mức kỷ luật khiển trách được áp dụng đối với ông Đoàn Đức Lân - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; cảnh cáo đối với ông Đinh Thanh Tâm - Phó Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường; kiểm điểm, phê bình sâu sắc đối với ông Nguyễn Triệu Sơn - Đảng ủy viên, Hiệu phó Trường Đại học Tây Bắc.

Ba người vừa nêu bị cho phải chịu trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm được nêu ra gồm thiếu chỉ đạo, lãnh đạo; thiếu kiểm tra, giám sát đối với Hội đồng Nhà trường và trường dẫn đến những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai; quy hoạch xây dựng; quản lý và sử dụng tài chánh công, tài sản công.

Những sai phạm cụ thể là gì không được nêu rõ.


Hai Cựu Chủ Tịch Tỉnh Khánh Hòa Chuẩn Bị Ra Tòa Vụ Giao “Đất Vàng” Cho Doanh Nghiệp Tư Nhân


(Hình: Các cựu viên chức tỉnh Khánh Hòa tại phiên tòa ở Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa vào tháng 4/2022.)

- Hai cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cùng 11 cựu viên chức khác của tỉnh này chuẩn bị ra hầu tòa vào ngày 23/12/2022 tới trong vụ án giao “đất vàng” giá rẻ cho doanh nghiệp tại thành phố Nha Trang.

Truyền thông nhà nước dẫn thông báo từ Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết cả 13 người này gồm hai cựu Chủ tịch tỉnh là Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh đều bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Những cựu lãnh đạo này bị cáo buộc đã sai phạm trong việc giao hơn 7.300 mét vuông đất (hai mặt tiền đường Trần Hưng Đạo và Lý Tự Trọng thuộc trung tâm Thành phố Nha Trang, là trụ sở của trường Chính trị Khánh Hòa cũ) cho Công ty cổ phần Thanh Yến (Long An) thực hiện dự án BT (xây dựng - chuyển giao).

Theo cáo trạng, Ủy ban Nhân dân Khánh Hòa khai triển thực hiện dự án xây mới trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa nằm ở xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang theo hình Hợp đồng BT, giao Công ty cổ phần Thanh Yến thực hiện. Đổi lại, doanh nghiệp này được giao khu đất hơn 7.300 mét vuông của trường Chính trị tỉnh cũ (số 1 Trần Hưng Đạo, thành phố Nha Trang) để đầu tư làm khu phức hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà ở chung cư Nha Trang Center 2 (nay đổi tên thành Gold Coast) cao 40 tầng và đã đưa vào hoạt động.

Cáo trạng xác định các hành vi của 13 bị cáo là trái quy định pháp luật trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư, thoả thuận và điều chỉnh phương án kiến trúc làm cơ sở thẩm định giá đất, xác định giá đất, cấp giấy phép xây dựng, quy hoạch… gây thất thoát tài sản Nhà nước tại thời điểm tháng 2/2016 là hơn 62,6 tỉ đồng và tại thời điểm tháng 10/2020 là hơn 324,5 tỉ đồng.

Đây là vụ án thứ hai hai cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa phải hầu tòa. Hồi tháng 4 vừa qua, hai ông Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh đã bị Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa tuyên án 5 năm 6 tháng tù và bốn năm sáu tháng tù về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” ở Núi Chín Khúc giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2015.


Việt Nam Sắp Nhận 12 Máy Bay Huấn Luyện T-6 Từ Mỹ


(Hình: Một mô hình máy bay chiến đấu ở Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2022 ở Hà Nội hôm 8/12/2022.)

- Mỹ sẽ giao cho Việt Nam 12 chiếc máy bay huấn luyện T-6 trong giai đoạn từ năm 2024 đến 2027. Đây là thông tin được Chuẩn tướng Không quân Mỹ Sarah Russ đưa ra trong cuộc họp báo vào sáng ngày 9/12/2022 tại Tòa Ðại sứ Mỹ ở Hà Nội.

Báo Nhà nước dẫn lời bà Russ cho biết: “Mỹ rất vui khi Việt Nam đã chọn chúng tôi là một trong các đối tác để hiện đại hóa chương trình đào tạo phi công cho Không quân Việt Nam”.

Theo thông báo tại họp báo, 3 chiếc máy đầu tiên sẽ được giao trong quý đầu năm 2024, hai hoặc ba chiếc tiếp theo sẽ được giao vào cuối năm 2024. Số còn lại sẽ được giao vào năm 2027.

T-6 là dòng máy bay cánh quạt do Hãng Raytheon chế tạo và ra mắt lần đầu năm 2000. Loại máy bay này được sử dụng cho mục đích huấn luyện sơ cấp và trung cấp trong Không quân Mỹ.

Hồi giữa năm 2021, phía Mỹ cũng thông báo việc Không quân Việt Nam đặt mua một số máy bay T-6 của Mỹ và phía Mỹ đã đồng ý nhưng thông tin không cho biết cụ thể về giá hợp đồng này.

Hiện Mỹ đang tham gia Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2022 ở Hà Nội.

Đại sứ Mỹ tại Hà Nội – Marc Knapper – được thông tấn xã Reuters trích lời tại Triển lãm nói rằng, Mỹ muốn thúc đẩy hợp tác quân sự với Việt Nam chủ yếu trong việc cung cấp các tàu tuần duyên và máy bay huấn luyện kể từ sau khi Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam hồi năm 2016, đồng thời cũng luôn sẵn sàng thảo luận về các nhu cầu của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực khả năng phòng vệ biển.


Cảnh sát Biển Việt Nam và Hải Cảnh Trung Quốc Cam Kết Hợp Tác


(Hình: Cuộc gặp cấp cao giữa Cảnh sát Biển Việt Nam và Hải cảnh Trung Quốc ở Hà Nội hôm 7/12/2022.)

- Lãnh đạo Cảnh sát Biển Việt Nam và Hải cảnh Trung Quốc vừa có cuộc gặp cấp cao lần thứ sáu diễn ra tại Hà Nội vào ngày 7/12/2022, cam kết hợp tác chặt chẽ, chia sẻ thông tin liên quan đến nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển, tìm kiếm cứu nạn và phối hợp giải quyết ổn thỏa những sự việc phát sinh trên biển. Báo Quân Đội Nhân Dân loan tin này vào cùng ngày.

Chủ trì cuộc gặp là Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam và Thiếu tướng Uất Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát Biển Trung Quốc.
Theo Quân Đội Nhân Dân, Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá các nội dung hợp tác giữa hai lực lượng năm 2022 và định hướng, thống nhất các hoạt động hợp tác trong năm 2023.

Báo Quân Đội Nhân Dân trích lời của Thiếu tướng Lê Quang Đạo tại cuộc gặp đánh giá cao hợp tác giữa hai lực lượng thời gian qua trong việc “góp phần tích cực trong việc củng cố xây dựng lòng tin, tình cảm đoàn kết, gắn bó giữa hai lực lượng, cùng nhau duy trì môi trường an ninh, trật tự an toàn và tôn trọng pháp luật trên các vùng biển liền kề hai nước”.

Trong năm 2022, hai bên đã cùng nhau thực hiện hai cuộc tuần tra chung ở Vịnh Bắc Bộ và được đánh giá là thành công.

Hai bên cũng thống nhất sẽ tiếp tục khai triển tuần tra liên hợp trên vùng biển lân cận đường phân định Vịnh Bắc Bộ, đồng thời phối hợp tổ chức nhiều hoạt động chung trong chuyến tuần tra trong năm 2023.


Hoa Kỳ Trừng Phạt Một Cựu Công An CSVN Vì Vi Phạm Nhân Quyền

- Hôm 9/12/2022, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trừng phạt một cựu công an của Việt Nam bằng hình thức cấm nhập cảnh do những hành động vi phạm nhân quyền “trắng trợn”. Đây là động thái mới nhất của chính quyền Hoa Kỳ đối với chính sách bảo vệ nhân quyền toàn cầu, chỉ vài ngày sau khi Hoa Thịnh Ðốn đưa Hà Nội vào danh sách “Theo dõi Đặc biệt” vì vi phạm tự do tôn giáo.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 9/12/ 2022 đã đưa ông Vo Thanh Dung (Vo), cựu công an thuộc Công an Thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận vào danh sách trừng phạt theo Khoản mục 7031(c), vì “việc ông này tham gia vào một hành vi vi phạm nhân quyền trắng trợn, cụ thể là tra tấn, vào tháng 1 năm 1987”.

(Hình: Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cấm nhập cảnh ông Vo Thanh Dung, cựu công an ở Lagi, Bình Thuận, vì vi phạm nhân quyền.)

Mục 7031(c) quy định rằng trong những trường hợp có thông tin đáng tin cậy rằng các viên chức của chính phủ ngoại quốc có liên quan đến tham nhũng nghiêm trọng hoặc vi phạm nghiêm trọng nhân quyền, những cá nhân đó và các thành viên gia đình trực hệ của họ sẽ không đủ điều kiện nhập cảnh vào Hoa Kỳ.

Theo tuyên bố của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, ông Vo Thanh Dung nằm trong số hơn 65 cá nhân và tổ chức có liên quan đến tham nhũng và vi phạm nhân quyền ở 17 quốc gia bị Hoa Kỳ trừng phạt hôm 9/12. Danh sách này được Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chánh Hoa Kỳ công bố nhân ngày Ngày Quốc tế Phòng chống Tham nhũng 9/12 và Ngày Nhân quyền Quốc tế 10/12.
“Hoa Kỳ đang thực hiện hàng chục hành động để thúc đẩy trách nhiệm giải trình đối với nạn tham nhũng và lạm dụng nhân quyền trên khắp thế giới. Khi làm như vậy, chúng tôi đang sử dụng một loạt các công cụ buộc trách nhiệm, bao gồm các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật Magnitsky Toàn cầu và cơ chế hạn chế thị thực nhập cảnh theo khoản mục 7031(c) của Bộ Ngoại giao”, ông Blinken cho biết trong một tuyên bố.

Bộ Ngoại giao Việt Nam và Tòa Ðại sứ Việt Nam tại Hoa Thịnh Ðốn chưa phản hồi ngay yêu cầu bình luận của VOA. Công an Bình Thuận và chính quyền các cấp ở Bình Thuận cũng chưa phản hồi.

Trước đó, hôm 2/12, Ngoại trưởng Blinken đưa Việt Nam vào danh sách “Theo dõi Đặc biệt” vì thực hiện hoặc dung dưỡng các vi phạm tự do tôn giáo.

Trao đổi với VOA về việc chính phủ Hoa Kỳ chế tài một cựu viên chức ở Bình Thuận này, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc của tổ chức BPSOS có trụ sở ở Mỹ, nói: “Điểm lạ là sự việc xảy ra năm 1987. Các biện pháp chế tài của Hoa Kỳ thường chỉ ứng dụng cho các vi phạm trong 5 năm trở lại”.

Ông Thắng cho biết thêm: “Có lẽ đây là tín hiệu cảnh báo hơn là trừng phạt thực sự vì ông Dung giờ này có lẽ đã về hưu”.


Tin Cộng Ðồng Người Việt Hải Ngoại

Tù Nhân Lương Tâm Nguyễn Năng Tĩnh Được Trao Giải Thưởng Lê Đình Lượng 2022


(Hình: Giảng viên Âm nhạc Nguyễn Năng Tĩnh tại phiên tòa ở Nghệ An hôm 15/11/2019.)

Nhà hoạt động xã hội dân sự, Tù nhân lương tâm Nguyễn Năng Tĩnh được tổ chức Việt Nam Canh tân Cách mạng Đảng (tức đảng Việt Tân) trao giải thưởng Lê Đình Lượng năm nay với chủ đề “Bảo vệ Chủ quyền trước Nguy cơ Trung Quốc”.

Ông Nguyễn Năng Tĩnh là một giảng viên âm nhạc tại một trường Cao đẳng ở tỉnh Nghệ An, bị bắt giam hồi tháng 5/2019 và hiện đang phải thụ án tù 11 năm với tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.

Tiến sĩ Đông Xuyến, phát ngôn nhân của Việt Tân cho biết, ông Tĩnh vượt qua nhiều ứng cử viên nặng ký khác trong một cuộc bình chọn bởi một hội đồng có nhiều thành viên uy tín trong và ngoài nước, trong đó có Dân biểu Hạ viện Gia Nã Ðại - bà Judy Sgro hay Giám đốc tổ chức Whistleblower Aid- bà Libby Liu, Chủ tịch Phong trào Dân chủ hóa Á Châu - Giáo sư Kojima Takayuki....

Bà Xuyến khẳng định với Ðài Á Châu Tự Do (RFA) qua email về tác động của giải thưởng nhân quyền hàng năm này:
“Việc ghi nhận và nêu cao nỗ lực đóng góp phát huy quyền con người và bảo vệ chủ quyền quốc gia của những người công dân ôn hòa có trách nhiệm đang bị nhà nước trù dập, bôi nhọ và bạo hành tù đày cho những người dân này biết rằng việc làm của họ vô cùng ý nghĩa và vô cùng giá trị cho việc sống con và phát triển của dân Việt và đất nước Việt Nam.

Những giải thưởng thực tế giúp gia đình họ và họ trong việc thăm nuôi khi đang bị tù đày cũng là một chia sẻ rất nhỏ cho sự quả cảm, khẳng khái và cương trực vì tình yêu dân tộc và chuộng lẽ phải của họ”.

Bà Nguyễn Thị Tình, vợ của ông Tĩnh nói với RFA về phản ứng của gia đình khi nhận được tin chồng mình được trao giải như sau:
“Đây là một món quà vô giá đối với anh Nguyễn Năng Tĩnh và gia đình chúng tôi. Đó cũng là nguồn động viên, an ủi và khích lệ gia đình cũng như tất cả những ai đã, đang và sẽ đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và công lý trên đất nước Việt Nam. Tôi rất trân trọng và biết ơn”.

Ông Tĩnh, 46 tuổi, được biết đến với đoạn video dạy các em học sinh hát bài “Trả lại cho dân” được phát tán rộng rãi trên mạng xã hội với những ca từ trong đó như: “Trả lại đây quyền phúc quyết của toàn dân, Dân biết điều gì dân cần, Để tự do mưu cầu hạnh phúc”.

Bên cạnh việc cất lên tiếng nói để bảo vệ chủ quyền quốc gia, ông còn quan tâm đến nhiều vấn đề khác của xã hội và tham gia nhiều hoạt động xã hội dân sự như Nhóm bảo vệ sự sống, Quỹ phát triển con người, lên tiếng ủng hộ tù nhân chính trị, cất lên tiếng nói về thảm họa môi trường Formosa ở miền Trung Việt Nam….

Trong bài báo với tiêu đề Trò hề “giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng” đăng trên báo mạng Bình Phước online ngày 17/11 vừa qua, tác giả Anh Tú viết: “Đến hẹn lại lên, mỗi dịp cuối năm, giới ‘dân chủ’ lại nhộn nhịp với các ‘giải thưởng nhân quyền’. Và cái gọi là ‘giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng’ do Việt Tân khởi xướng thực chất là một chiêu trò nhằm đánh bóng tên tuổi cho Việt Tân, kích động sự chống phá của các đối tượng ‘dân chủ’, đánh lạc hướng dư luận và tạo cớ công kích chính quyền”.

Bình luận về thái độ này của Nhà nước Việt Nam, bà Đông Xuyến cho rằng sự phê phán nói xấu của báo chí Nhà nước Việt Nam về các giải thưởng nhân quyền nhằm biện minh cho việc làm sai trái, không nhân bản của chế độ là điều dễ hiểu.

Phát ngôn nhân của tổ chức có trụ sở ở Hoa Kỳ nói, chính quyền làm điều này “liên tục và có cả một hệ thống báo chí nhà nước để biện minh cho các hành xử bất công và tàn ác với công dân của mình”. Bà khẳng định:
“Khi biện minh, nhà nước Việt Nam nhiều lần xem thường khả năng nhìn ra sự thật và khả năng quan sát đánh giá của người dân Việt quan tâm.

Họ dùng bộ máy công an và nhà tù để đàn áp khùng bố sự cương trực của người dân nhưng họ sẽ không bao giờ dập tắt được tấm lòng nhân hậu, chuộng lẽ phải, yêu nguồn gốc và sự thông minh mẫn cảm và quyết tâm của người dân Việt dành cho nhau và cho quê hương của mình”.

Bà Tình, cũng đang là giảng viên một trường Đại học ở phía Nam, cho biết kể từ khi bị chuyển vào Trại giam số 5 (Thanh Hoá) từ tháng năm năm 2020, chồng bà bị giam trong buồng với một tù nhân khác. Ông không được ra khỏi buồng giam và chỉ được tiếp xúc với quản giáo.

Tuy bị đối xử hà khắc như vậy nhưng ông Tĩnh vẫn kiên định, luôn khẳng định mình vô tội, bà Tình chia sẻ với RFA.

Năm 2021, Nhóm Công tác về bắt giữ tùy tiện (WGAD) của Liên Hiệp Quốc ra văn bản nói rằng việc bắt giữ và kết tội ông Nguyễn Năng Tĩnh là tuỳ tiện, và kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông.
Giải thưởng Lê Đình Lượng được Việt Tân thành lập vào năm 2018, mang tên của chính nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền bị kết án 20 năm tù giam chỉ vì công khai đấu tranh cho quyền lợi của người dân và chủ quyền của Việt Nam.

Trong những năm trước, giải thưởng này được trao cho các nhà hoạt động nhân quyền trong nước như Nguyễn Thuý Hạnh, Phan Kim Khánh, và linh mục Đặng Hữu Nam. Họ đều là các công dân có trách nhiệm nhưng bị đàn áp hoặc bị cầm tù với những bản án nặng nề.

Nhà nước Việt Nam luôn coi Giải thưởng Lê Đình Lượng và Giải Nhân quyền Việt Nam của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, cùng một số giải thưởng khác về tự do báo chí và nghệ thuật của một số nhóm xã hội dân sự độc lập phục vụ cho ý đồ chống phá chính quyền và đa số những cá nhân được trao giải là “những đối tượng có hoạt động vi phạm pháp luật”.

Năm nay, lễ trao giải thưởng này được tổ chức vào ngày 10/12 tại Tokyo (Nhật Bản), ngày Nhân quyền Quốc tế và cũng là ngày sinh của ông Lê Đình Lượng, người đang thụ án tù tại Trại giam Ba Sao (tỉnh Hà Nam).

Không có nhận xét nào: