Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2022

Kính Chuyển Vài Tin Đáng Chú Ý Và Tin Nóng Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Tin vui: Lần đầu tiên Cộng Đồng Người Việt, có 3 dân cử gốc Việt: Janet Nguyễn, Trí Tạ và Stephanie Nguyễn, cùng nhận chức tại Quốc Hội Tiểu Bang California!
(Hình: Lễ tuyên thệ trong Thượng Viện California.) Hôm qua, Thứ Hai, 5 Tháng Mười Hai, có thể nói là một ngày vui cho cộng đồng Việt Nam ở cả hai miền Nam, Bắc California và Hoa Kỳ, vì có đến ba dân cử tuyên thệ vào Quốc Hội của tiểu bang.
(Thiện Lê & Thanh Long NV)
<!>
Ba vị dân cử là Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn, đại diện Địa Hạt 36; Dân Biểu Trí Tạ; đại diện Địa Hạt 70; và Dân Biểu Stephanie Nguyễn, đại diện Địa Hạt 10.

Đây là lần đầu đầu tiên Quốc Hội California có đến ba dân cử gốc Việt trong lưỡng đảng là Cộng Hòa và Dân Chủ.

Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn

Bà Janet Nguyễn là thành viên của đảng Cộng Hòa, cư ngụ ở Little Saigon, và đây lần thứ nhì đắc cử chức thượng nghị sĩ California, sau lần đầu tiên vào năm 2014. Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua, bà thắng đối thủ thuộc đảng Dân Chủ là bà Kim Carr ở Địa Hạt 36 mới thành lập.

Địa Hạt 36 bao gồm các cộng đồng nằm sát bờ biển, từ ranh giới Orange County và Los Angeles County chạy xuống tận ranh giới San Diego County, và đặc biệt, bao gồm toàn bộ vùng Little Saigon, nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất hải ngoại.

Sau buổi tuyên thệ tại phòng họp Quốc Hội California, Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn chia sẻ cảm tưởng với nhật báo Người Việt tại văn phòng: “Tôi rất vui vì mang được một ghế trong Thượng Viện California về lại cho cộng đồng Việt Nam, và rất vui mừng vì có cộng đồng và gia đình đến ủng hộ cũng như chia vui hôm nay.”
Bà Janet còn nhấn mạnh sẽ mang lại các chính sách như giảm thuế xăng, giảm tiền thuê nhà và bảo vệ các ngành nghề quen thuộc của cộng đồng gốc Việt, trong đó có ngành nail.

Bà Janet tranh cử chức thượng nghị sĩ tiểu bang Địa Hạt 36 khi đang là dân biểu tiểu bang Địa Hạt 72. Bà thắng chức dân biểu California năm 2020, với nhiệm kỳ hai năm.

Trước đó, năm 2014, bà đắc cử chức thượng nghị sĩ California, đại diện Địa Hạt 34, và trở thành phụ nữ đầu tiên đại diện địa hạt này, là người Việt Nam đầu tiên trong lịch sử được bầu vào Thượng Viện tiểu bang, và là dân cử gốc Việt cao cấp nhất tại California lúc đó.
Năm 2018, bà tái tranh cử chức thượng nghị sĩ California, nhưng không thành công.

Trước năm 2014, bà cũng là người Việt Nam và là người gốc Châu Á đầu tiên được bầu vào Hội Đồng Giám Sát Orange County, đại diện Địa Hạt 1. Trước đó nữa, bà được bầu vào Hội Đồng Thành Phố Garden Grove, trở thành phụ nữ gốc Việt đầu tiên giữ chức vụ này.

Bà Janet là thuyền nhân Việt Nam, đến Mỹ năm 1981. Sau khi tốt nghiệp trung học Garden Grove, bà tốt nghiệp cử nhân khoa học chính trị tại đại học UC Irvine, và từng là nghiên cứu sinh học bổng Aspen Institute Rodel Fellowship Program.
Bà cũng từng là phó chủ tịch Phòng Thương Mại Long Beach.


(Hình: Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn tuyên thệ trước cộng đồng tại văn phòng.)

Dân Biểu Trí Tạ

Ông Trí Tạ là thành viên của đảng Cộng Hòa, đắc cử dân biểu California Địa Hạt 70 khi đang giữ chức vụ thị trưởng Westminster, thành phố trung tâm của Little Saigon, nơi có cộng đồng Việt Nam đông nhất hải ngoại.

Ông đánh bại đối thủ là bà Diedre Thu-Hà Nguyễn, thành viên đảng Dân Chủ và nghị viên Garden Grove, để đại diện Địa Hạt 70 bao gồm một phần hoặc toàn bộ các thành phố Fountain Valley, Garden Grove, Los Alamitos, Santa Ana, Stanton, và Westminster. Đặc biệt, địa hạt này cũng bao gồm vùng Little Saigon.

Trước khi tuyên thệ, ông Trí trình bày cảm tưởng với nhà báo: “Chúng tôi rất vui và rất vinh dự khi được tuyên thệ cùng các dân biểu và thượng nghị sĩ khác. Không chỉ vậy, còn có đồng hương từ Little Saigon và cộng đồng San Jose đến ủng hộ. Chúng tôi xin cám ơn đồng hương và cử tri của Địa Hạt 70 vì đã ủng hộ và cho mình cơ hội để đại diện quý vị. Đây là một ngày vui của cộng đồng.”

Ông Trí cho hay sẽ đưa ra những chính sách cải thiện đời sống của người dân như giải quyết tình trạng vô gia cư, tăng các phúc lợi cho người cao niên và bỏ các luật lệ rườm rà có thể gây nhiều rắc rối cho các doanh nghiệp nhỏ.


(Hình: Dân Biểu Trí Tạ tại Quốc Hội California)

Ông Trí Tạ đắc cử nghị viên Westminster vào năm 2006, sau đó tái đắc cử vào năm 2010.
Đến năm 2012, ông đắc cử thị trưởng Westminster và giữ chức vụ đó đến khi thành dân biểu vào năm 2022, sau mấy lần tái đắc cử thị trưởng.

Ngoài ra, năm 2018, ông Trí Tạ được bổ nhiệm ủy viên Đặc Khu Thủy Cục Orange County (OCWD), Địa Hạt 4. Năm 2020, ông tranh cử chức vụ này và đắc cử với nhiệm kỳ bốn năm.
Trước đó, ông từng là chủ tịch Cộng Ðồng Việt Nam Nam California, từng hoạt động trong Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Miền Nam California (THSV), và từng viết báo.

Ông Trí Tạ sinh ra tại Sài Gòn, đến Mỹ năm 1992. Ông tốt nghiệp cử nhân ngành chính trị học năm 1997 và hoàn thành một số lớp theo yêu cầu của chương trình cao học quan hệ quốc tế.

Dân Biểu Stephanie Nguyễn

Dân cử gốc Việt thứ ba tuyên thệ vào Quốc Hội California là Dân Biểu Stephanie Nguyễn, đại diện Địa Hạt 10. Bà là nhà lập pháp gốc Việt theo Dân Chủ đầu tiên trong Quốc Hội California.
Nhà báo có liên lạc với Dân Biểu Stephanie Nguyễn, nhưng không có cơ hội để gặp phỏng vấn nữ dân biểu này.

Khi tuyên bố tranh cử, bà Stephanie cho biết sẽ tập trung vào các vấn đề như tình trạng vô gia cư, giá nhà cho cư dân, bảo vệ doanh nghiệp nhỏ và tập trung vào an toàn cộng đồng sau nhiều vụ thù ghét người Á Châu từng xảy ra.

Trước khi tranh cử chức dân biểu tiểu bang, bà Stephanie là nghị viên thành phố Elk Grove thuộc Sacramento County. Bà là phụ nữ gốc Á Châu đầu tiên được bầu vào hội đồng thành phố này vào năm 2018.

Ngoài chức nghị viên thành phố, bà còn là giám đốc điều hành tổ chức bất vụ lợi Asian Resources chuyên hỗ trợ dịch vụ lợi ích cho người dân và gia đình gốc Á Châu.
Bà Stephanie sinh ra ở Hoa Kỳ một vài năm sau khi gia đình bà sang tị nạn năm 1975.

Dù sinh trưởng ở Mỹ nhưng bà luôn khát khao gìn giữ gốc Việt của mình bằng cách tham gia nhiều hoạt động cộng đồng và cũng vận động cho nhiều sự kiện văn hóa kết nối đồng hương ở Sacramento.
Hơn 10 năm trước, bà Stephanie là người đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập Little Saigon ở thủ phủ Sacramento.
Trước đó, bà tốt nghiệp cử nhân ngành Nhân Văn Học đại học University of Sacramento, vì luôn muốn trở thành cô giáo.
Ra trường, bà đi dạy học một thời gian rồi chuyển sang làm cho nhiều công ty để nâng cao kinh nghiệm cá nhân.

“Dù có đi làm ở đâu thì tôi vẫn luôn sinh hoạt cộng đồng như tổ chức Hội Chợ Tết để giữ gìn truyền thống quê hương hoặc nói chuyện với mấy bác và cô chú để hiểu thêm về con người và lịch sử Việt,” bà tâm sự.


Tuần Này: Ngày 10 Tháng 12, Kỷ Niệm Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền!

Việt Nam Giựt Gải Vô Địch! Vi Phạm Nhân Quyền!

Báo Cáo Về Tình Hình Dân Chủ Toàn Cầu Tiếp Tục Nêu Việt Nam Trong Nhóm Toàn Trị Vi Phạm Nhân Quyền Nhiều Nhất! Không Có Dấu Hiệu Gì Thay Đổi!


(Hình: Buổi công bố báo cáo về tình hình dân chủ toàn cầu năm 2022.)

- Việt Nam cùng Lào và Cam Bốt vẫn là các nước độc tài toàn trị, vi phạm nhân quyền nhiều nhất, không có những dấu hiệu rõ ràng về thay đổi. Dù Việt Nam, giống Trung Quốc và Tân Gia Ba đạt được thành quả kinh tế và được công khai thừa nhận, nhưng không trao quyền cho người dân.

Đó là nhận định được đưa ra trong báo cáo về tình hình dân chủ toàn cầu năm 2022 (The Global State of Democracy 2022) được công bố ngày 2/12/2022. Báo cáo do Viện Quốc tế về Dân chủ và Hỗ trợ Bầu cử (IIDEA) trụ sở tại Stockholm (thủ đô của Thụy Điển) thực hiện.
Cũng theo báo cáo này, Việt Nam thuộc nhóm các nước đưa ra những luật mới nhằm hạn chế quyền tự do biểu đạt của người dân trên mạng. Cụ thể Hà Nội đã cho thực hiện Luật An Ninh Mạng.

Báo cáo năm nay của IIDEA là ấn bản lần thứ tư và được đưa ra vào lúc nền Dân chủ trên toàn thế giới bị tấn công theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Thăm dò của IIDEA cho thấy hiện niềm tin của công chúng vào các giá trị dân chủ đang suy giảm. Tại nhiều nơi trên thế giới, người ta phải đấu tranh giành lại dân chủ bằng những cách khó khăn nhất. Hiện có những người phải đối mặt với những nguy cơ lớn lao để đòi hỏi các quyền và tự do dân chủ.


Việt Nam Thuộc Nhóm Các Nước Bị Hoa Kỳ Giám Sát Đặc Biệt, Về Tự Do Tôn Giáo!


(Ảnh: Khu vực chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm bị san bằng năm 2016.)

Việt Nam nằm trong nhóm các nước thuộc Danh sách Giám sát Đặc biệt (Special Watch List) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tự do tôn giáo.

Thông cáo phát đi ngày 2/12 của Ngoại trưởng Antony Blinken nêu rõ bốn nước Algeria, Cộng hòa Trung Phi, Comoros và Việt Nam thuộc Danh sách Giám sát Đặc biệt vì can dự vào hay dung thứ cho những vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo.
Các nước có mức độ vi phạm nặng hơn bị liệt vào danh sách Quan tâm Đặc biệt (Countries of Particular Concerns- CPC) gồm Burma, Trung Quốc, Cuba, Eritria, Iran, Nicaragua, Bắc Hàn, Nga, Ả Rập Saudi, Tajikistan và Turmekistan.

Việt Nam từng bị liệt vào danh sách CPC, tuy nhiên đến năm 2006 trước khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), được rút tên khỏi danh sách Các nước Cần quan tâm đặc biệt về Tự do Tôn giáo (CPC).

Báo cáo về Tự do Tôn giáo Quốc tế 2021 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố vào ngày 2/6 vừa qua nêu rõ Hiến pháp Việt Nam quy định mọi cá nhân đều có quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng; trong khi đó Luật Tín ngưỡng- Tôn giáo lại cho phép Chính phủ Hà Nội quyền kiểm soát đáng kể đối với các thực hành tôn giáo theo những điều khoản mơ hồ với lý do an ninh quốc gia và đoàn kết dân tộc.
Nhiều vụ sách nhiễu, bắt bớ, đàn áp quyền tự do tôn giáo-tín ngưỡng tại các địa phương trên cả nước Việt Nam bị nêu rõ trong báo cáo.

Trong ngày 2/12, Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) cũng công bố báo cáo mới về danh sách nạn nhân tự do tôn giáo hay niềm tin. Trong danh sách này có ông Phan Văn Thu thuộc Ân Đàn Đại Đạo, người chết trong nhà tù Gia Trung hôm 20/11 khi phải thụ án chung thân vì niềm tin tôn giáo của ông.

USCIRF, trong báo cáo thường niên năm 2022 công bố hồi tháng Tư vừa qua, đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào lại danh sách Các Quốc gia cần Quan tâm Đặc biệt (CPC) về tự do tôn giáo.
Căn cứ cho đề nghị đó là vì Việt Nam có những vi phạm mang tính hệ thống, liên tục và quá mức quyền tự do tôn giáo.

Hà Nội luôn bác bỏ những cáo buộc về vi phạm quyền tự do tôn giáo-tín ngưỡng của người dân trong nước mà Hoa Kỳ cũng như các tổ chức theo dõi nhân quyền nêu ra.


TUYÊN BỐ CHUNG
Của Cộng Đồng và các Đoàn Thể trong và ngoài nước

NHÂN KỶ NIỆM NGÀY CÔNG BỐ BẢN TUYÊN NGÔN QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN 10/12 LẦN THỨ 74

Xét rằng:

1.“Mọi người sinh ra đều bình đẳng, loài người phải được hưởng những Quyền bất khả xâm phạm trong đó có Quyền được Sống, Quyền Tự do và Mưu cầu Hạnh phúc.”, đó là một Chân Lý hiển nhiên của Nhân loại. Đã từ lâu, các Tôn Giáo, các Nhà Hiền Triết đã cố tâm tìm kiếm mọi phương thức giúp Con Người được hưởng những Quyền tự nhiên ấy.

Tuy nhiên, trải qua hàng ngàn năm lịch sử, nhiều nhà độc tài tàn bạo, vô nhân tính, đã tước bỏ các Quyền tự nhiên đó của Con Người, đã bóc lột, đầy đọa Con Người qua nhiều hình thức.

2. Trước hậu quả thảm khốc của Thế Chiến thứ II với gần 50 triệu người đã bị sát hại, tài sản bị hủy hoại khắp nơi, nhiều Quốc Gia vẫn còn bị thực dân thống trị, do đó, thế giới đã đồng thanh công bố Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền vào ngày 10-12-1948 qua tổ chức Liên Hiệp Quốc. Các Công ước Quốc Tế về quyền Dân sự và Chính trị cũng được phát sinh từ đó.

3. Đã 74 năm qua, Quyền Con Người được cải thiện ở nhiều nơi, các thuộc địa đã được giải trừ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhà cầm quyền không tôn trọng bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền mà họ đã ký kết khi gia nhập Liên Hiệp Quốc, chà đạp các Quyền Tự Do căn bản, xâm phạm lãnh thổ của các Dân Tộc khác, cụ thể như:

a.Liên Xô và các nước CS Đông Âu với chế độ cai trị tàn bạo, đàn áp người dân.

b. Liên Bang Nga sau khi Liên Xô sụp đổ, dưới sự cai trị độc đoán của Putin, Nhân Quyền bị tước đoạt, lại còn xua quân xâm chiếm nước láng giềng Ukraine là nước có chủ quyền, tàn phá và giết hại dã man người dân nước này.

c. Các quốc gia áp dụng chủ nghĩa Cộng Sản như Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba, Bắc Hàn, Venezuela... đã xem thường quyền của con người. Riêng Trung Cộng, ngoài việc đàn áp người dân trong nước như Tây Tạng, Tân Cương, Duy Ngô Nhĩ, Hồng Kông, đe dọa đảo quốc Đài Loan dân chủ và tự do, lại còn xâm lấn Biển Đông Nam Á, bất chấp luật pháp quốc tế, bành trướng thế lực độc tài trên thế giới.

4. Riêng tại Việt Nam, đảng Cộng Sản đã áp đặt một chế độ độc tài toàn trị từ năm 1954 tại miền Bắc, trên toàn Đất Nước từ năm 1975, bóp nghẹt mọi Quyền Tự Do của con người, nhân dân chịu khổ cực trăm bề. Sau khi Liên Xô tan rã, CSVN buộc phải áp dụng chế độ kinh tế nửa vời, vẫn giữ độc quyền cai trị, tạo ra một giai cấp “tư bản đỏ” do đảng Cộng Sản nắm giữ, thu tóm tài sản Quốc Gia, xã hội bị tàn phá, đạo đức luân lý, giáo dục bị suy đồi, bên ngoài lệ thuộc vào Tàu Cộng, nguy cơ mất nước gần kề.

Trước những sự kiện nêu trên, nhân dịp kỷ niệm 74 năm ngày công bố bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, chúng tôi ký tên dưới đây đồng thanh tuyên bố:

1. Hoàn toàn ủng hộ bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và các Công Ước Quốc Tế liên quan; yêu cầu mọi Quốc Gia thành viên Liên Hiệp Quốc triệt để tuân thủ, không được miễn trừ bất cứ vì lý do gì.

2. Lên án nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã bất chấp luật pháp quốc tế về Nhân Quyền, đi ngược trào lưu của thời đại về Dân Chủ, cũng là ước nguyện của đại đa số Nhân Dân Việt Nam. Thỉnh cầu Quốc Tế áp lực buộc nhà cầm quyền Hà Nội phải từ bỏ chế độ độc tài toàn trị, hủy bỏ điều 4 Hiến pháp, phục hồi các Quyền Tự Do cho toàn thể Công Dân.

3. Lên án chế độ độc tài phát xít, hiếu chiến do Putin áp đặt tại Nga. Yêu cầu thế giới ủng hộ dân tộc Ukraine tự bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ của mình.

4. Lên án chế độ độc tài, toàn trị và bành trướng tại Bắc Kinh. Yêu cầu các Quốc gia dân chủ tự do cùng nhau liên kết ngăn chận mối nguy cơ này.

Làm tại Việt Nam vả Hải Ngoại, ngày..… tháng 12 năm 2022

• Xin vui lòng liên lạc với BS Võ Đình Hữu để cùng ký tên Email: Drhvo@yahoo.com.

Đồng ký tên:

• Hội Đồng Liên Kết Quốc Nội Hải Ngoại Việt Nam: HT Thích Không Tánh, BS Võ Đình Hữu, Ô. Phạm Trần Anh

• Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam: HT Thích Không Tánh; CTS Hứa Phi; LM Nguyễn Văn Lý; Ô. Lê Văn Sóc; MS Nguyễn Hoàng Hoa.

• Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Liên Bang Hoa Kỳ: Ô. Lê Thanh Liêm, TT Trần Quốc Anh, LS Nguyễn Thanh Phong.

• Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam: Ô. Huỳnh Công Ánh, Ô. Nguyễn Trung Châu

• Tập Thể Cựu Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa: BS Phạm Đức Vượng.

• Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam: TS Nguyễn Bá Tùng

• Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo Việt Nam: Ô. Phạm Trần Anh.

• Văn Phòng Liên Lạc Hải Ngoại / Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam: BS Đỗ Văn Hộ


Tin Vui! Tổng Thống Zelensky: Ukraine Chắc Chắn Sẽ Chiến Thắng!


(Hình: Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky (phải) bắt tay Thủ tướng Anh Rishi Sunak trong cuộc họp tại Kyiv, ngày 19/11/2022.)

Bản cập nhật tình báo của Bộ Quốc phòng Anh về tình hình Ukraine ngày 2/12/2022 cho biết, “Việc Nga rút quân khỏi bờ tây sông Dnipro vào tháng trước đã tạo cơ hội cho Lực lượng Vũ trang Ukraine tấn công thêm các nút hậu cần và đường dây liên lạc của Nga”.

“Mối đe dọa này rất có thể đã khiến các nhà hậu cần Nga tái phối trí các nút cung cấp, bao gồm các điểm trung chuyển đường sắt, xa hơn về phía Nam và phía Đông”, theo báo cáo được đăng trên Twitter. “Các đơn vị hậu cần của Nga sẽ cần phải mất nhiều sức lao động để chất hàng dỡ hàng từ đường sắt sang đường bộ. Các con đường di chuyển sau đó sẽ vẫn dễ bị tấn công bởi Pháo binh Ukraine khi tiếp tế cho các vị trí phòng thủ phía trước của Nga”.

Bộ nói, “Tình trạng thiếu đạn dược của Nga [làm trầm trọng thêm những thách thức hậu cần này] có thể là một trong những yếu tố chính hiện đang hạn chế tiềm năng của Nga trong việc khởi động lại các hoạt động tấn công mặt đất quy mô lớn, hiệu quả”.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ngày 1/12 nói sau cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng ông sẵn sàng nói chuyện với Tổng thống Nga Valdimir Putin chỉ khi nào Putin tìm cách chấm dứt cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine. Ông Biden cho biết bất kỳ cuộc gặp nào giữa ông với Putin sẽ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của các đồng minh trong Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO). “Tôi sẽ không làm điều đó một mình”, ông nói.

“Có một cách để cuộc chiến này kết thúc, đó là ông Putin rút quân khỏi Ukraine”, ông Biden nói. “Những gì ông ấy đang làm thật bệnh hoạn. Nếu ông ấy đang tìm cách kết thúc chiến tranh, thì ông ấy đã không làm như vậy”.

Ông Biden nói Mỹ “sẽ không bao giờ yêu cầu Ukraine thỏa hiệp” để chấm dứt chiến tranh mà không có sự đồng ý của chính phủ Kyiv.

Trong bài phát biểu hàng ngày hôm 1/12, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky nhắc lại cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức cách đây 31 năm vào ngày 1 tháng 12 “đã thống nhất toàn bộ lãnh thổ của nhà nước chúng ta... Mọi người bày tỏ sự ủng hộ của họ”.
“Mọi người đã xác nhận Đạo luật Tuyên bố Độc lập của Ukraine - một cách tự do và hợp pháp. Đó là một cuộc trưng cầu dân ý thực sự... một cuộc trưng cầu trung thực, và đó là lý do tại sao nó được thế giới công nhận.... Các quy tắc của Ukraine sẽ thắng thế”, Tổng thống nói trong một cú giáng vào cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

Ông Zelensky cũng cho biết trong bài phát biểu rằng ông muốn bảo đảm sự độc lập về tinh thần của Ukraine, có khả năng ám chỉ đến một cuộc đột kích gần đây vào một tu viện của Ukraine có liên kết với Nga, một tu viện Chính thống giáo phương Đông 1.000 năm tuổi ở Kyiv, nơi lực lượng an ninh đang tìm cách loại bỏ các gián điệp trà trộn trong hàng giáo sĩ.

Một Cố vấn của ông Zelensky nói rằng có tới 13.000 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng trong cuộc xâm lược của Nga.

Ông Mykhailo Podolyak nói với kênh truyền hình Kanel 24 hôm 1/12 rằng khoảng 10.000 đến 13.000 binh sĩ đã thiệt mạng trong cuộc xung đột.

Tập Cận Bình Thích Gieo Gió Thì Gặt Bão Thôi!

(Ngô Nhân Dụng)


(Hình: Sinh viên biểu tình đòi Tập Cận Bình từ chức, tại một Đại học ở Kuala Lumpur, thủ đô của Mã Lai Á.)

Cảnh bế tắc này do chính Tập Cận Bình tạo ra. Một người tự coi mình là cao nhất đứng đầu 1 tỉ 400 triệu người thì dễ tự tôn, tin rằng các ý kiến của mình là tối hảo.
Trong gần 3 năm qua, guồng máy tuyên truyền của Cộng sản Trung Quốc vẫn ca ngợi chính sách phòng chống bệnh dịch Covid của nhà nước, chứng tỏ chế độ độc đảng ưu việt, hơn các nước Tây phương. Số người nhiễm bệnh ít và số người chết cũng rất ít, nếu quý vị tin vào thống kê của Trung Cộng.

Dân Trung Hoa vẫn phải chấp nhận sống giữa những hàng rào kiểm soát được dựng lên bất cứ lúc nào dù chỉ thấy một hai người nhiễm bệnh nhẹ. Họ bị hạn chế di chuyển, không được tụ họp, một gia đình 4 người vào tiệm ăn phải ngồi 2 bàn cách ly, đeo mạng che mũi thường xuyên, bị bắt thử test bất cứ lúc nào, v.v.... Nhưng nhờ thế nên họ không chết hàng loạt như trong nhiều nước Âu Mỹ với cảnh tượng, vào đầu năm 2020 khi bệnh dịch mới phát, những nhà thương chật bệnh nhân nằm ở hành lang, và thi hài người chết phải để trong thùng kho lạnh bên đường.

Các báo đài của nhà nước nhất tề chứng minh chế độ dân chủ thất bại trước loài vi khuẩn corona, Trung Cộng đã chiến thắng. Các chế độ độc tài kiểm soát tất cả các phương tiện truyền thông rất dễ lường gạt dân; nhất là khi những điều dối trá làm tăng niềm tự hào chủng tộc: Người Trung Hoa giỏi nhất thế giới!

Nhưng nói dối mãi cũng có ngày “lòi đuôi”, khi người nghe nhìn thấy sự thật. Trong những ngày gần đây, dân Trung Hoa đã nhìn thấy loài người, ở bên ngoài Trung Quốc, họ vẫn sống, sống mạnh khỏe, vui vẻ, vẫn tụ họp đông đảo, ôm nhau reo hò; mà không ai phải đeo mạng cả. Đó là nhờ Giải Đá Banh Thế giới, World Cup.
Hơn một nửa nước Trung Quốc, 700, 800 triệu người, coi World Cup, nhất là hàng trăm triệu người bị cấm cung không được ra ngoài.

Đài Truyền hình Trung ương (CCTV) vẫn chiếu cảnh các trận đá banh nhưng cũng kiểm duyệt. Nhật báo Washington Post thuật lời Mark Dreyer, người điều khiển mạng China Sports Insider, kể rằng anh đã coi CCTV trong hai tiếng đồng hồ, trận đấu Ba Tây-Thụy Sĩ; trong thời gian đó đài CCTV đã cắt 42 lần, không chiếu cảnh nhìn gần, cảnh khán giả vỗ tay hò hét. Nhưng khán giả trong nước Trung Quốc vẫn thấy cảnh vận động trường, với 50.000 tới 60.000 người nhìn từ xa không rõ mặt. Dreyer cho rằng CCTV đã tránh không cho thấy hình đám đông khán giả, vì họ đều được tự do, tất cả không ai bị bịt miệng. Nếu dân trong lục địa thấy cảnh tượng đó, họ sẽ hết tin những lời tuyên truyền của Đảng!

Nhưng các công dân mạng vẫn có cách luồn lách để coi được các đài quốc tế và nhìn thấy sự thật. Họ thấy ở bên ngoài loài người vẫn sống, không chết hàng loạt như nhà nước nói để đe dọa.

Một người Trung Quốc sử dụng mạng WeChat (giống như app điện thoại WhatsApp ở Mỹ) ngạc nhiên khi thấy: “Không một khán giả nào đeo mạng che miệng, không ai phải trình giấy chứng nhận đã chích thuốc ngừa Covid!” Anh đặt câu hỏi: “Chúng ta có sống trên cùng một hành tinh với họ hay không? Có phải covid-19 không làm hại được họ hay không?” Chương mục của người đặt câu hỏi này đã biến mất trên WeChat, theo bản tin mạng China Digital Times.

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đánh lừa dân và tự đánh lừa mình, nhưng bây giờ ai cũng thấy sự thật. Đó là lúc đứa bé chỉ tay nói: Ông vua không mặc quần! Đứa bé đó bây giờ là tất cả các mạng xã hội, như WeChat với hơn 1,2 tỉ người sử dụng, hoặc Weibo (giống như Twitter) với gần 600 triệu tham dự.

Khi nhìn thấy sự thật, dân Trung Quốc phản ứng ngay lập tức.

Chiều Chủ Nhật vừa qua một thanh niên ở Thượng Hải xuống đường với tấm biểu ngữ cầm tay, viết: “Quý vị biết tôi muôn nói gì rồi”. Gần đó, trên con đường mang tên “Urumqi”, tên thủ phủ tỉnh Tân Cương, một người khác nâng cao một bông hoa. Anh hỏi mấy người xúm lại quay video: “Có gì mà phải sợ?” Mấy phút sau, công an tới, lôi anh lên xe đem đi.

Dân Trung Hoa Lục địa đang biểu tình khắp nơi, từ Tân Cương, Thành Đô, Trùng Khánh ở phía Tây qua Bắc Kinh, Thượng Hải, Vũ Hán, Quảng Châu ở phía Đông. Dân biểu tình bắt đầu sử dụng một “vũ khí” mới: Giấy trắng. Họ không nói gì nữa mà chỉ cần nâng cao những biểu ngữ toàn giấy trắng. Họ bắt chước sinh viên ở Hồng Kông đã dùng “biểu ngữ trắng” đi biểu tình năm 2020 chống đạo luật an ninh xiết chặt tự do. Có người giải thích với nhật báo New York Times rằng họ lấy cảm hứng từ một câu chuyện cười từ nước Nga thời Xô Viết: Công an bắt những người đang “rải truyền đơn” ở công viên, dù đó chỉ là những… tờ giấy trắng.

Ngày Thứ Tư 30 tháng 11, nhiều video xuất hiện trên mạng ở Trung Quốc với cảnh dân chúng biểu tình ở Quảng Châu đêm trước. Công nhân trong khu công nghiệp Hải Châu xuống đường chống những lệnh cấm đoán của Tập Cận Bình vì bệnh dịch Covid. Họ ném chai lọ vào đám công an xung phong, phá sập các rào cản bao quanh những khu dân cư, theo báo New York Times.

Làn sóng phản kháng lần này phát khởi từ Urumqi, tỉnh Tân Cương, khi 10 người chết trong một vụ cháy. Người ta coi các video chuyển trên mạng xã hội thấy lính cứu hỏa đã tới quá trễ và khi tới đã hành động chậm chạp. Lý do duy nhất là những lệnh cấm ngặt nghèo không cho dân được di chuyển qua các hàng rào cản đang khóa chặt những khu dân cư có người bị nhiễm bệnh.

Bây giờ, người biểu tình còn lên tiếng yêu cầu Tập Cận Bình từ chức và đòi đảng Cộng sản Trung Quốc ngưng thống trị.
Nhưng Tập Cận Bình không thể bãi bỏ chính sách Zero Covid. Dù các biến thái của vi khuẩn bây giờ không giết nhiều người; nhưng nếu xóa bỏ chính sách cũ, số bệnh nhân sẽ tăng lên rất nhanh, hệ thống y viện trong nước không đủ sức thâu nhận và điều trị. Đặc biệt, những người trên 65 tuổi, phần lớn chưa được chích ngừa đầy đủ sẽ lâm nguy; 90% số người chết vì Covid khắp thế giới ở lớp tuổi trên 65. Vì tự ái Trung Cộng đã từ chối không nhập cảng các thuốc chủng có hiệu quả, Pfizer và BioNTec. Các công ty trên đã “cho không” quyền sản xuất ở Trung Quốc bằng phương pháp mRNA, nhưng còn mất một thời gian mới xong. Trong khi chờ đợi, Trung Cộng vẫn phải tiếp tục cấm đoán, tuy sẽ phải nới lỏng dần dần vì dân tiếp tục phản kháng.

Trong khi đó, ở khắp nơi trên thế giới người ta đang tiến tới tình trạng “miễn nhiễm tập thể”. Khi số người được chích ngừa hoặc bị nhiễm bệnh lên cao, loài vi khuẩn sẽ khó lan tràn, cả xã hội được miễn nhiễm. Dân Trung Quốc sẽ tiếp tục vất vả vì không thể đạt được miễn nhiễm tập thể bây giờ. Số người Trung Quốc nhiễm bệnh còn rất ít và công hiệu của thuốc chủng thì thấp quá.

Cảnh bế tắc này do chính Tập Cận Bình tạo ra. Một người tự coi mình là cao nhất đứng đầu 1 tỉ 400 triệu người thì dễ tự tôn, tin rằng các ý kiến của mình là tối hảo. Đảng Cộng sản không quen tham khảo ý kiến của dân, kể cả các giới chuyên môn. Trung Quốc không thiếu những chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, nhưng các quyết định quan trọng nhất hoàn toàn chỉ theo nhu cầu chính trị của một người! Bây giờ lãnh tụ gieo gió thì gặt bão.


Covid Làm Dân Trung Quốc Tỉnh Thức, Đẩy Tập Cận Bình Ngạo Nghễ, Bền Vững, Phải Đi Vào Ngõ Cụt!

(Thụy My)

Phong trào phản kháng ở Hoa Lục là sự kiện tràn ngập các tuần báo kỳ này. Dù đầy kinh nghiệm đàn áp từ nhiều thập niên, đảng vẫn bị bất ngờ trước sự thức tỉnh của một xã hội đã đến tận cùng chịu đựng zero Covid. Người dân phẫn nộ không còn sợ hãi. Một Tập Cận Bình ngạo mạn trước phương Tây trong thời kỳ đầu đại dịch, nay lâm vào thế bí, rơi vào chiếc bẫy của chính mình.

Trên nền đen, L’Express đăng ảnh các thanh niên biểu tình mang khẩu trang, với dòng tít “Chiến lược zero Covid: Thất bại của Trung Quốc”. Cũng với nền đen và cảnh sinh viên biểu tình đang hô khẩu hiệu, Le Point chạy tựa lớn “Khi Trung Quốc tỉnh thức” và dòng tít phụ “Ba mươi ba năm sau Thiên An Môn, những người hùng mới của tự do. Họ thách thức chế độ độc tài lớn nhất thế giới”.

The Economist chọn màu đỏ cho trang bìa với chiếc bóng màu đen của một thanh niên đang ngồi bó gối, chân bị xiềng bằng chiếc cùm đầu mút tròn có những gai nhọn tua tủa như con virus, nhấn mạnh “Thất bại Covid của Trung Quốc”. Cũng với nền đỏ, Courrier International đăng hình vẽ một chiếc xe tăng, trên nòng súng là một con bồ câu trắng bị trói chặt, tỏ ra sốt ruột với dòng tựa “Ukraine, con đường đến hòa bình còn quá dài”. Riêng L’Obs chọn chủ đề “Từ giải độc tới đầu độc: Những biến thái của phương pháp thảo dược”, được minh họa một tách nước tủa ra những nhánh lá xanh, trên nền bìa cũng màu xanh lá.

Giọt Nước Tràn Ly

Hồ sơ của L’Express có bài phóng sự từ Bắc Kinh “Trung Quốc: Thời điểm của phẫn nộ”, bài phân tích “Trung Quốc, sự thức tỉnh của một xã hội đã đến tận cùng sự chịu đựng”. Đây là “Thách thức lớn đầu tiên cho Tập Cận Bình”, với “Chiếc bẫy zero Covid đang khép lại”, trong bối cảnh “Một nền kinh tế đang lao đao”.

Tuần báo nhắc lại một thỏa thuận ngầm từ 30 năm qua: đừng đòi hỏi gì về chính trị, nhưng có thể làm giàu thông qua phát triển kinh tế. Người dân dần dà có được những tự do nho nhỏ, trước hết là được di chuyển trong nội địa. Trong hai thế hệ, 400 triệu lao động nông thôn đã dịch chuyển ra thành thị, thoát khỏi đói nghèo. Tại các thành phố, quyền hạn của “tổ dân phố” giảm hẳn. Lãnh vực tư nhân phát triển, xuất hiện giai cấp trung lưu và lớp người khá giả. Thế hệ mới có nhiều phương tiện truyền thông và mạng xã hội để biểu đạt ý kiến.

Từ sau 2008 với khủng hoảng kinh tế, ngoại giao, phe cải cách thất thế, ưu tiên được dành cho chống tham nhũng và bất bình đẳng. Chỉ một thiểu số trong xã hội lo ngại về việc ngày càng bị giám sát gắt gao thông qua vô số camera và công cụ kỹ thuật số. Việc áp dụng zero Covid từ tháng 1/2020 đã kết thúc những chuyến du lịch ngoại quốc, tổ dân phố lại làm mưa làm gió, mã QR quyết định cuộc sống. Nỗi ám ảnh bị xét nghiệm dương tính, dù không triệu chứng cũng bị cưỡng bức đưa đi cách ly khiến nhiều người bị trầm cảm.

Sự Ngạo Mạn Tự Sát của Tập Cận Bình

L’Obs cũng đi tìm “Những nguyên nhân của cuộc nổi dậy” mà từ ngữ chính thức gọi là “tụ tập đông người” - dù đó là vài chục người hay mấy chục ngàn người biểu tình. Vào năm 2005, năm cuối cùng thống kê còn được công bố, có 87.000 vụ và theo Giáo sư xã hội học Tôn Lập Bình (Sun Liping) thì đến năm 2010 số vụ biểu tình tăng gấp đôi, tức 500 cuộc một ngày! Có nghĩa là chế độ biết rất rõ hiện tượng và thừa sức dập tắt.

Tuy nhiên dù đầy dẫy kinh nghiệm từ nhiều thập niên, đảng vẫn bất ngờ trước đợt phản kháng mới nổ ra. Vụ hỏa hoạn ở Tân Cương được thông báo là có 10 người thiệt mạng, nhưng thực tế đến mấy chục người – các tổ chức phi chính phủ người Duy Ngô Nhĩ đã xác minh được. Có những trường hợp cả gia đình đều bị chết cháy do cửa thoát hiểm bị khóa kín theo zero Covid. Một làn sóng phẫn nộ nổi lên trên cả nước, tuy trước đó đa số người Hán không quan tâm đến số phận người Duy Ngô Nhĩ.

Giáo sư Hoàng Á Sinh của MIT giải thích, các cuộc xuống đường phản đối Nhà nước ở Trung Quốc sở dĩ hiếm hoi vì thiếu cơ chế phối hợp: không có tôn giáo lẫn hiệp hội hay kỹ thuật. Điều mỉa mai là zero Covid đã cung cấp cơ chế cần thiết để vượt qua những khác biệt về vùng miền và kinh tế-xã hội. Cơn ác mộng đen tối nhất của chế độ dường như đang biến thành sự thật. Trong bài xã luận “Sự ngạo mạn tự sát của Tập Cận Bình”, L’Obs nhận định sai lầm trầm trọng của ông Tập là ngỡ rằng có thể tái lập chuyên chính vô sản và nhốt 1,4 tỉ dân trong nhà tù lớn.

Sáu Đặc Điểm của Làn Sóng Phản Kháng

Courrier International dịch bài viết từ trang Tân Thế Kỷ nhấn mạnh “Sự phẫn nộ còn mạnh mẽ hơn nỗi sợ”. Tờ báo mạng do một nhà báo tên tuổi nạn nhân của Thiên An Môn nay lưu vong ở Mỹ lập ra, nhận thấy dân chúng Hoa Lục đã quá chán ngán sau ba năm phong tỏa, đã phát giác rằng có thể hợp sức để tạo ra thay đổi. Nhiều người rất xúc động về vụ “Siêu nhân” ở Trùng Khánh hôm 24/11 đã dám hô vang trên đường phố “Tự do hay là chết!”. Cũng như vụ Bành Lập Pháp (Peng Lifa) trước đó, người đã căng băng-rôn phản đối ở cầu Tứ Thông (Sitong), Bắc Kinh. “Siêu nhân” bị công an đè xuống kẹp cổ, nhưng đám đông xung quanh đã xúm vào, giải thoát được người hùng vô danh ra khỏi mõm chó sói.

Sau đại hội đảng 20, bộ máy kiểm soát zero Covid càng siết chặt, gây ra một làn sóng phản kháng vô cùng rộng lớn với nhiều đặc điểm. Trước hết là tầm vóc: Chỉ trong vài ngày đã lan ra Quảng Châu, Trùng Khánh, Trịnh Châu, Urumqi và nhiều thành phố lớn khác, với cùng kết quả là những hàng rào phong tỏa bị lật đổ trong không khí nổi dậy. Thứ hai, là đến hàng mấy chục ngàn người tham gia, kéo dài trong nhiều ngày. Thứ ba là mức độ bạo lực: Dân chúng vũ trang bằng gạch đá và gậy gộc, không ngần ngại lật ngửa xe công an hay phóng hỏa những gì tóm được như ở Quảng Châu. Công an thì dùng hơi cay, vòi rồng và dường như cả nổ súng.
Thứ tư, chính quyền có nhượng bộ. Thứ năm, dù truyền thông nhà nước đã hết sức cố che giấu sự kiện, nhưng thông tin đã được chia sẻ rộng rãi, cho thấy việc kiểm soát internet đã chạm đến giới hạn. Thứ sáu, nay người dân phản kháng cả về chính trị. Sau khi trấn áp người được mệnh danh là “Siêu nhân” Trùng Khánh, người dân thậm chí còn đi xa hơn, họ hô “Đả đảo Tập Cận Bình!”. Ba năm phong tỏa, mỗi ngày lại xảy ra một bi kịch mới, tạo ra những xúc cảm dần dà trở thành căm phẫn. Sự thô bạo của các “đại bạch” (những người mặc đồ bảo hộ trắng chuyên kiểm soát dịch tễ) và bạo lực công an khiến bất mãn được nhân rộng. Chính quyền và dân chúng nay thành hai phe đối địch.

Phẫn Nộ Đã Mạnh Hơn Sợ Hãi

Cũng theo Tân Thế Kỷ, tệ hơn nữa cho Bắc Kinh là phong trào không chỉ lan ra mà các yêu sách ngày càng mạnh mẽ hơn. Từ mong muốn cải thiện cuộc sống hàng ngày, đã trở thành những đòi hỏi về kinh tế rồi đến chính trị, và nay thì toàn bộ hệ thống đều bị cáo buộc. Giờ đây người dân không còn tin vào những gì chính quyền nói, không mù quáng tuân thủ những chỉ thị. Họ bắt đầu cảm thấy tình liên đới đã tiếp thêm sức mạnh.

Chỉ cần nhiều người xúm lại là có thể xô đổ hàng rào phong tỏa. Tại sao lại phải sợ các “đại bạch”? Đó cũng là những con người, một cú đấm sẽ làm đau. Công an thô bạo thật, nhưng đám đông hợp sức sẽ lật đổ được xe. Số người phản kháng quá đông đảo, các phương tiện kiểm soát người dân, từ kỹ thuật tối tân nhất đến mạng lưới đảng viên cùng khắp đành bó tay. Các viên chức đảng dù khắc nghiệt, nếu công luận làm nên được biển người, cũng sẽ run sợ.

Tập Cận Bình phải làm gì đây? Nếu lùi bước, uy quyền của ông ta sẽ sụp đổ, còn nếu công an trấn áp không nổi, phải điều quân đội, xe tăng đến các thành phố dìm người biểu tình trong biển máu, sẽ khiến đất nước chìm trong khói lửa, và là hồi chuông báo tử cho đảng. Ông Tập đã tung một mẻ lưới khổng lồ trùm xuống 1,4 tỉ dân; nhưng không ngờ rằng chính mình cũng bị kẹt trong mành lưới không vùng vẫy được.

Sinh Viên Trung Quốc và Tiếng Vọng Từ Quá Khứ

Hồ sơ của The Economist lần lượt nói về “Thất bại Covid”, “Zero phương án: Chính sách chống Covid của Tập Cận Bình biến thành khủng hoảng chính trị”. Trong đó “Sinh viên luôn là trung tâm các cuộc phản kháng tại Trung Quốc”, với “Tiếng vọng từ quá khứ” Thiên An Môn, “Bài học từ cuộc nổi dậy” cùng một số bài phỏng vấn.

Le Point dành nhiều trang báo để thuật lại “Khi Trung Quốc tỉnh thức”, phóng sự từ Thượng Hải “Tập Cận Bình hãy từ chức!”. Bên cạnh đó tuần báo tóm lược “Ba mươi ba năm sau Thiên An Môn”. Theo một danh sách do cư dân mạng lập ra từ các video trên mạng xã hội, trên 100 trường Đại học trong đó có những trường danh giá đã có những hành động phản kháng vào cuối tuần trước. Tại Hồng Kông dù bị khống chế, sinh viên vẫn biểu tình để ủng hộ bạn bè cùng trang lứa ở Hoa Lục.

Tập Cận Bình thường khuyến cáo nên cảnh giác trước “thế lực thù địch” và những cuộc “cách mạng màu”. Nhưng lời kêu gọi của ông bắt đầu vào thời điểm thuận lợi cho đảng, kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh, Mỹ chưa phát động chiến dịch ngăn chận sự bành trướng của Bắc Kinh. Các cuộc biểu tình đang tạm lắng khi công an được khai triển khắp nơi. Tuy nhiên là người rất quan tâm tới lịch sử đảng, ông Tập sẽ phải rùng mình trước bóng ma quá khứ.

Cuộc nổi dậy 1989 diễn ra sau đám tang của nhà lãnh đạo cải cách Hồ Diệu Bang, và mới đây, ngày 30/11 cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân qua đời. Vài ngày trước đó trong cuộc biểu tình tại Đại học Thanh Hoa tập hợp hàng trăm sinh viên, một người đã nói lên một ý tưởng từng được lan truyền rộng rãi thời kỳ Thiên An Môn, rằng sinh viên được lịch sử chọn lựa để dẫn đầu cuộc đấu tranh cho tự do chính trị. “Nếu chúng ta không dám lên tiếng vì sợ bị bắt, nhân dân sẽ thất vọng vì chúng ta”. Tuy nhiên, ông Tập có thể tự an ủi: vào thời đó giới lãnh đạo Bắc Kinh bị chia rẽ trầm trọng giữa phe bảo thủ và cải cách, khiến không thể nhanh chóng ngăn chận bất ổn. Lần này công an vào cuộc nhanh hơn, và toàn bộ Bộ Chính trị đều là những nhân vật trung thành với Tập Cận Bình.

Ông Tập Rơi Vào Chiếc Bẫy của Chính Mình

Tập Cận Bình đang đứng trước một cuộc khủng hoảng do chính ông tạo ra. Le Point cho biết nhà nghiên cứu Hoàng Nghiêm Trung (Huang Yanzhong) thuộc cơ quan tư vấn Council on Foreign Relations ở Hoa Kỳ, cũng như nhiều chuyên gia khác, ngay từ năm 2020 đã cảnh báo về chiếc bẫy zero Covid. Không loại trừ được hẳn con virus trên cấp độ thế giới, việc duy trì một chính sách khắt khe như vậy là bất khả. Nhưng nếu mở cửa mà không kiểm soát nổi, theo nghiên cứu của Nature Medicine, sẽ có 1,6 triệu người chết. Còn theo tính toán của The Economist, giả sử tất cả bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt đều có chỗ, số người thiệt mạng vì Covid là 680.000.

Giải pháp tốt nhất là chích ngừa hàng loạt bằng vac-xin ARN của phương Tây. Nhưng chính quyền dân tộc chủ nghĩa đã chặn đường công ty Đức BioNTech dù đã ký hợp đồng với tập đoàn Phục Tinh (Fosun) từ đầu đại dịch, và vac-xin nội địa không hiệu quả. Chỉ có 67% trong số 267 triệu người Trung Quốc trên 60 tuổi đã chích ngừa, tức gần 90 triệu người vẫn chưa được bảo vệ trước con virus.

Nhà nghiên cứu Alice Ekman lưu ý, nhà cầm quyền Hoa Lục có xu hướng coi tất cả biến thể như nhau. Đã lỡ khoe khoang sự “ưu việt” so với phương Tây, rất khó thối lui, nhất là chính sách zero Covid gắn liền với cá nhân Tập Cận Bình. Áp lực đè nặng lên cán bộ địa phương, dẫn đến việc áp đặt dân chúng xét nghiệm liên tục, thậm chí cả trên rau quả và cá. Chế độ cảm thấy bị đe dọa.

Chi Xét Nghiệm Bằng Phân Nửa Ngân Sách Giáo Dục

Zero Covid là một công cuộc to lớn: Phải phát giác tất cả những người bị nhiễm và cách ly họ cũng như thân nhân trong vòng vài tiếng đồng hồ. Từ chối sống chung với virus, Trung Quốc dùng cách xét nghiệm đại trà để sàng lọc hàng trăm triệu người một ngày, xây dựng những trung tâm cách ly trên cả nước, phong tỏa toàn bộ thành phố thậm chí cả một vùng trong nhiều tháng. Zero Covid có kết quả tốt trong năm 2020 và 2021, khiến Bắc Kinh có thể đắc thắng khoe khoang khi ở phương Tây số người thiệt mạng lên cao. Nhưng sự xuất hiện của biến thể Omicron đã đảo lộn tất cả, là cái tát cho một Tập Cận Bình ngạo nghễ. Mùa Đông đang đến, virus sẽ lây lan nhanh hơn, số ổ dịch ngày càng tăng.

Ở cách văn phòng của The Economist tại Bắc Kinh vài mét, một “đại bạch” run rẩy ngồi ngoài trời trong thời tiết dưới 0 độ, giám sát một khu chung cư đã bị giăng dây gần một tuần vì một ca nhiễm duy nhất. Tất cả nhà hàng, tiệm buôn xung quanh đều đã đóng cửa, các trường học lại chuyển sang trực tuyến, hàng dài người xếp hàng quanh các lều xét nghiệm. Chi phí của việc này là khủng khiếp: 35 công ty lớn nhất sản xuất các bộ xét nghiệm đã thu về 21 tỉ Mỹ kim trong sáu tháng đầu năm nay. Ước tính Trung Quốc chi ra 1,7 ngàn tỉ nhân dân tệ cho xét nghiệm, tương đương 1,5% GDP, gần bằng phân nửa tổng chi cho giáo dục.

Bắc Kinh hiện chưa thể tìm ra lối thoát. Trung Quốc đã chế tạo hàng không mẫu hạm, đưa phi thuyền lên Mặt Trăng, tổ chức hai Thế vận hội trong vòng 20 năm qua, nhưng số giường bệnh hồi sức lại quá thấp. Ngay cả nếu khắc phục được Covid vào lúc này, cũng sẽ không có dấu hiệu tích cực nào cho kinh tế Trung Quốc trước năm 2024.


Bình Luận Về Cách Ly COVID, Cựu Ngôi Sao Bóng Rổ NBA Bị Trung Quốc Phạt Tiền!


(Hình: Cựu ngôi sao của Liên đoàn Bóng rổ Quốc gia Hoa Kỳ NBA Jeremy Lin.)

Cựu ngôi sao của Liên đoàn Bóng rổ Quốc gia Hoa Kỳ NBA Jeremy Lin, người đang chơi cho một đội Trung Quốc, bị phạt 10.000 Nhân dân tệ (1.400 Mỹ kim) vì “bình luận không phù hợp” trên mạng xã hội về các cơ sở cách ly trước trận đấu, liên đoàn chuyên nghiệp của Trung Quốc thông báo ngày 2/12/2022, vào lúc chính phủ cố gắng ngăn chặn các cuộc biểu tình chống lại các biện pháp kiểm soát chống virus thuộc hàng nghiêm ngặt nhất thế giới.

Cũng trong ngày 2/12, nhiều thành phố Trung Quốc đã nới lỏng các hạn chế, cho phép các trung tâm mua sắm, siêu thị và các cơ sở kinh doanh khác mở cửa trở lại sau các cuộc biểu tình vào cuối tuần trước ở Thượng Hải và các khu vực khác, nơi một số người biểu tình kêu gọi Chủ tịch Tập Cận Bình từ chức. Urumqi ở phía Tây-Bắc, nơi xảy ra vụ hỏa hoạn chết người gây ra các cuộc biểu tình, đã loan báo các siêu thị và các cơ sở kinh doanh khác đang mở cửa trở lại.

Ông Lin, người đang chơi cho Câu lạc bộ bóng rổ Loong Lions, đã đưa ra “những nhận xét không phù hợp về các cơ sở liên quan đến khách sạn cách ly” nơi đội tuyển lưu trú hôm 30/11 trước trận đấu, Hiệp hội Bóng rổ Trung Quốc thông báo. Hiệp hội nói rằng nhận xét của ông Lin “đã gây ra những ảnh hưởng trái ngược đến liên đoàn và khu vực thi đấu”.

Đảng Cộng sản cầm quyền đang cố gắng dập tắt những lời chỉ trích về cái giá phải trả cho con người và sự gián đoạn của chiến lược “zero-COVID”, chiến lược đã khiến hàng triệu người phải ở trong nhà. Người biểu tình đã bị giam giữ và hình ảnh và video về các cuộc biểu tình đã bị xóa khỏi truyền thông xã hội Trung Quốc. Cảnh sát tỏa ra khắp Thượng Hải, Bắc Kinh và các thành phố khác để cố gắng ngăn chặn các cuộc biểu tình tiếp theo.
Liên đoàn Bóng rổ Trung Quốc (CBA) không cung cấp thông tin chi tiết về các bình luận của ông Lin và không có dấu hiệu nào về các bình luận này trên tài khoản xã hội của ông trên nền tảng Sina Weibo nổi tiếng.

Hãng tin The Paper ở Thượng Hải đưa tin ông Lin đã đăng một video phàn nàn về các cơ sở tập luyện của khách sạn ở thành phố Chư Kỵ, phía Nam Thượng Hải thuộc tỉnh Chiết Giang, trước các trận đấu vào tuần tới.
“Bạn có tin được đây là phòng tập tạ không?” ôngLin được trích dẫn nói. “Đây là loại rác gì vậy?” The Paper cho biết video đã bị xóa sau khi “tình hình được làm rõ” rằng khách sạn chỉ là nơi dừng chân ngắn theo quy định.

Đại diện của Vision China Entertainment, đơn vị nhận là đại diện cho ông Lin, không trả lời yêu cầu bình luận. Các cuộc điện thoại đến trụ sở Câu lạc bộ bóng rổ Loong Lions ở thành phố Quảng Châu phía Nam không được trả lời.
Ông Lin, sinh ra ở California có cha mẹ là người Đài Loan, là cầu thủ NBA đầu tiên gốc Trung Quốc hoặc Đài Loan.

Ông chơi cho đội Golden State Warriors của California vào năm 2010 trước khi gia nhập New York Knicks trong mùa giải 2011-2012. Ông trở thành người Mỹ gốc Á đầu tiên giành chức vô địch NBA với Toronto Raptors vào năm 2019. Ông chơi cho Beijing Ducks vào năm 2019 trước khi gia nhập Loong Lions.

Vào ngày 2/12 tại Trung Quốc không có dấu hiệu nổ ra thêm biểu tình.

Chính phủ báo cáo 34.980 ca nhiễm được phát giác trong 24 tiếng đồng hồ qua, trong đó có 30.702 ca không có triệu chứng.

Số ca nhiễm của Trung Quốc thấp, nhưng “zero-COVID” nhằm mục đích cách ly mọi người nhiễm bệnh. Điều đó đã khiến các viên chức địa phương đình chỉ việc tiếp cận các khu phố và đóng cửa trường học, cửa hàng và văn phòng. Các nhà sản xuất bao gồm nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất ở miền Trung Trung Quốc sử dụng cách quản lý “vòng kín”, yêu cầu nhân viên sống tại nơi làm việc của họ mà không tiếp xúc với bên ngoài.

Các cuộc biểu tình nổ ra vào ngày 25 tháng 11 sau vụ hỏa hoạn tại một tòa nhà chung cư ở Urumqi khiến ít nhất 10 người thiệt mạng.

Điều đó đặt ra những câu hỏi tức giận trên mạng về việc liệu lính cứu hỏa hoặc nạn nhân tìm cách thoát hiểm có bị cản trở bởi các cổng bị khóa hay các biện pháp kiểm soát COVID khác hay không. Nhà chức trách phủ nhận điều đó, nhưng những cái chết đã trở thành tâm điểm của sự phẫn nộ của công chúng.

Chính phủ của ông Tập đã hứa sẽ giảm chi phí và ngưng các biện pháp kiểm soát nhưng nói rằng họ sẽ gắn bó với “zero-COVID”. Các chuyên gia y tế và nhà kinh tế kỳ vọng chính sách này sẽ duy trì ít nhất cho đến giữa năm 2023 và có thể đến năm 2024 trong khi hàng triệu người lớn tuổi được chích ngừa để chuẩn bị cho việc dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát ngăn cản hầu hết du khách đến Trung Quốc.

Urumqi sẽ “tăng cường hơn nữa nỗ lực khôi phục sản xuất và thương mại” bằng cách mở lại các khách sạn, nhà hàng, siêu thị lớn và khu trượt tuyết”, tờ báo chính thức Guangming Daily đưa tin trên trang web của mình, dẫn lời ông Sui Rong, một thành viên của Ủy ban thành phố.

Ở những nơi khác, thành phố phía Bắc Hohhot ở khu vực Nội Mông đã khởi động lại dịch vụ xe buýt và cho phép các nhà hàng và doanh nghiệp nhỏ mở cửa trở lại, theo truyền thông nhà nước. Cẩm Châu ở phía Đông-Bắc dỡ bỏ hạn chế di chuyển và cho phép các doanh nghiệp mở cửa trở lại.

Vào ngày 1/12, đô thị Quảng Châu ở phía Nam, điểm nóng lớn nhất trong đợt lây nhiễm mới nhất, đã cho phép các siêu thị và nhà hàng mở cửa trở lại.
Các thành phố lớn khác bao gồm Thạch Gia Trang ở phía Bắc và Thành Đô ở phía Tây-Nam đã khởi động lại dịch vụ xe buýt và tàu điện ngầm, đồng thời cho phép các doanh nghiệp mở cửa trở lại.


‘Bạch Chỉ’ ở Trung Quốc, ‘Trắng’ ở Việt Nam


(Hình: “Bạch chỉ cách mạng” bùng phát sau khi có tới 10 người thiệt mạng (3/10 là trẻ con) trong một vụ hỏa hoạn ở Urumqi (thủ phủ khu vực Tân Cương), Trung Quốc.)

Dân chúng nhiều nơi ở Trung Quốc đổ ra đường phản đối chính sách “Zero COVID” đã giam cầm cả tỉ người suốt 3 năm qua.

(Trân Văn)

Tuần này, “Bạch chỉ cách mạng” – “Cách mạng giấy trắng” ở Trung Quốc là một trong những chủ đề nóng nhất trên mạng xã hội Việt ngữ... “Bạch chỉ cách mạng” bùng phát sau khi có tới mười người thiệt mạng (3/10 là trẻ con) trong một vụ hỏa hoạn ở Urumqi (thủ phủ khu vực Tân Cương, Trung Quốc) chỉ vì các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt để ngăn chặn COVID lây lan khiến việc cứu nạn chậm trễ, thiếu hiệu quả....

Sự kiện đau lòng ấy giống như giọt cuối làm tràn ly uất hận. Dân chúng nhiều nơi ở Trung Quốc đổ ra đường phản đối chính sách “Zero COVID” đã giam cầm cả tỉ người suốt ba năm qua. Tham gia vào đợt phản kháng trên diện rộng có sinh viên của hàng trăm Đại học - những người đầu tiên giương cao các tờ “giấy trắng” thay cho biểu ngữ. Đó là lý do cả dân Trung Quốc lẫn thiên hạ gọi đợt phản kháng là “Bạch chỉ cách mạng”....

Nếu theo dõi phản ứng của người Việt trên mạng xã hội về “bạch chỉ cách mạng” ắt sẽ thấy, lý do chính khiến “Cách mạng giấy trắng” ở Trung Quốc thu hút sự chú ý của người Việt vì có sự đồng cảm do đồng cảnh. Rất nhiều người Việt tán thưởng “Bạch chỉ cách mạng” giống như Ho Duc Tham bởi đó là sự kiện.... Chưa từng có! Người Trung Quốc công khai “Đả đảo Cộng sản” và đòi “Tập Cận bình từ chức”

Có rất nhiều cá nhân, nhiều nhóm theo dõi sát diễn biến “Bạch chỉ cách mạng” để cập nhật thông tin cho người Việt. Chẳng hạn DBS News. Ngoài việc tổng hợp thông tin để giúp giải đáp một số thắc mắc như: Tại sao cùng là cảnh sát nhưng cảnh sát ở Bắc Kinh lại ứng xử khác với cảnh sát ở Thượng Hải?. Nhóm này còn liên tục giới thiệu những sự kiện mới: Chuyện dân chúng Thành Đô vừa dọn sạch bệnh viện dã chiến có sức chứa 10.000 người chỉ trong một đêm.... Chuyện nhân viên y tế của Bệnh viện 6905 của quân đội Trung Quốc cũng đã đứng dậy đòi quyền lợi... Chuyên Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc yêu cầu chính quyền Trung Quốc không bắt giữ tùy tiện.... Chuyện chính quyền Trung Quốc thoái bộ, nới lỏng việc thực thi chính sách “Zero COVID” ở một số đô thị... Dự đoán của một số chuyên gia về việc nhiệm kỳ của Tập Cận Bình sẽ rất ngắn !....

Ngoài những người, những nhóm tham gia cập nhật thông tin, sự kiện liên quan đến “Bạch chỉ cách mạng”, còn có không ít người như Duan Dang nêu hàng loạt nhận xét về nhiều yếu tố khác xoay quanh “Bạch chỉ cách mạng” đang diễn ra tại Trung Quốc: Sở dĩ là “giấy trắng” vì có nhiều điều muốn nói nhưng người ta không thể và không được phép nói. Giương “giấy trắng” chính là một cách chống kiểm duyệt và đòi tự do ngôn luận. Ngoài “giấy trắng”, sinh viên Trung Quốc còn giương cao những tờ giấy viết phương trình Friedmann vì âm tiết giống như “Free Man”! Giờ thì việc buôn bán giấy A4 đã trở thành “hành vi gây nguy hại cho an ninh quốc gia”. Nhiều nơi ở Trung Quốc thông báo ngưng bán giấy A4. Trung Quốc suốt ngày lo đối phó cách mạng màu, đâu ngờ lại có “cách mạng giấy trắng”.

Cũng đã có không ít người đối chiếu giảng viên, sinh viên Trung Quốc với những giới tương đồng tại Việt Nam như Bình Nguyên: Nhìn cảnh hai thầy cô ở Trung Quốc đối đầu với cảnh sát để ngăn cản việc bắt sinh viên, bảo vệ sinh viên của họ mà cảm thấy chạnh lòng khi nghĩ đến thầy cô ở xứ này vì miếng cơm manh áo, vì danh lợi mà đành khom lưng, cúi đầu, im lặng để bưng bô quyền lực....
***
Trong khi thông tin, hình ảnh, video clip, nhận định về “Bạch chỉ cách mạng” dày đặc trên hệ thống truyền thông quốc tế và mạng xã hội Việt ngữ thì hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam lại “trắng”... nhách. Khoảng... “trắng” này bất thường tới mức Chí Thảo thách: Tờ báo nào đưa tin biểu tình ở Trung Quốc tui sẽ bao cả Tòa soạn một chầu nhậu, khiến Vinh Râu – một nhà báo đã nghỉ hưu – bình: Cha nội này khôn, biết mình thắng chắc nên mới cá độ....

Đó cũng là lý do Mạnh Kim “gọi sếp tòa soạn một tờ báo lớn” để hỏi: Có lệnh cấm đăng vụ biểu tình Trung Quốc? Biết rồi còn hỏi! Cụ thể lệnh của ai? Từ cấp cao nhất… Mạnh Kim đã... “dò nhanh năm trong số những tờ báo lớn nhất Việt Nam (Tuổi Trẻ, VnExpress, Zing, Thanh Niên, VietnamNet) và đây là kết quả: Tính đến 7 giờ sáng ngày 29/11/2022, không có bất kỳ tin tức nào về vụ biểu tình ở ít nhất 16 thành phố lớn khắp Trung Quốc. Bài viết trên Tuổi Trẻ “gần” với đề tài nhất là bài “Trung Quốc nhấn mạnh coi trọng sinh mạng người dân trong chống COVID-19”, đăng lúc 13:15 ngày thứ hai 28/11/2022. Toàn bộ bài (hơn 800 từ) không có chi tiết nào liên quan đến đợt biểu tình ở Trung Quốc đang gây sốc thế giới, dù làn sóng phản đối chính quyền của dân Trung Quốc bắt đầu từ thứ Sáu 25/11/2022 rồi bùng nổ dữ dội vào hai ngày 26 và 27.

Nhận xét của Mạnh Kim: “Điểm giống nhau giữa Trung Quốc và Việt Nam là báo chí tuyệt đối không đề cập những sự việc như vậy” - vốn cũng là nhận định của nhiều người Việt nhưng vì sao lại thế? Vì sao “Bạch chỉ cách mạng” ở Trung Quốc lại dẫn tới hiện tượng như Chu Vĩnh Hải kể về Việt Nam trong những ngày này: BBC - hãng truyền thông uy tín nhất thế giới liên tục đưa tin về biểu tình ở Trung Quốc phản đối chính sách “Zero COVID” khắc nghiệt, phản đối Tập và Đảng Cộng sản Trung Quốc... nhưng không hiểu tại sao cứ đến các tin này thì truyền hình cáp ở Việt Nam lại ngưng và hiển thị dòng chữ - Do tín hiệu vệ tinh không ổn định mong các bạn thông cảm. Hehehe! Vì sao chính quyền Việt Nam dị ứng với điều mà Lê Nguyễn Duy Hậu phân tích, khái quát: Dân Trung Quốc đã vượt qua được sự sợ hãi và thói quen phục tùng....

Nguyễn Trường Sơn – đang làm việc tại một Đại học Đài Loan – kể rằng, khi nhìn thấy sinh viên Đài Loan dán mấy tờ giấy A4 lên tường nhằm ủng hộ phong trào biểu tình ở Trung Quốc, facebooker này nhớ đến quãng thời gian là sinh viên ở Hà Nội, lúc đang diễn ra phong trào biểu tình chống Trung Quốc chiếm đóng phi pháp các đảo, bãi đá trên biển Đông. Sơn cho biết đã nhiều lần tham gia những cuộc biểu tình này và giống như nhiều sinh viên khác, Sơn bị trường tìm đủ cách ngăn cản. Một số trường còn dọa sẽ đuổi học nếu sinh viên không chấm dứt việc đi biểu tình với lời khuyên kinh điển: “Lo mà học, đừng quan tâm đến chính trị”. Theo Sơn: “Có lẽ đến bây giờ sinh viên ở nước ta vẫn nhận được lời khuyên này. Đó là sự khác biệt giữa môi trường học thuật ở Việt Nam với các nước Đông Á như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan và bây giờ là cả Trung Quốc”.

Theo Sơn: Trước nay nhiều người vẫn cho rằng Trung Quốc tương tự như Việt Nam – nghĩa là cũng có nền giáo dục chú trọng vào việc “tẩy não” thay vì khai phóng - gò ép sinh viên vào một khuôn khổ nhất định thay vì khuyến khích tư duy - nên sinh viên cả hai nước này đều xa lánh chính trị. Tuy nhiên những gì đang diễn ra ở Trung Quốc lại cho thấy định kiến đó không hoàn toàn chính xác. Trên thực tế, sinh viên Trung Quốc đang tham gia tích cực vào phong trào biểu tình đòi thay đổi chính sách và yêu cầu tự do. Họ tổ chức biểu tình ở ngay ngôi trường mình theo học hoặc xuống đường, không biểu tình tập thể thì cũng một mình bày tỏ chính kiến. Đây là điều chưa từng xảy ra ở Việt Nam kể từ năm 1975.

Có nhiều nguyên do dẫn đến việc sinh viên Việt Nam không mặn mà với chính trị. Từ chính sách giáo dục, các vấn đề kinh tế-xã hội-văn hóa và cả môi trường chính trị. Hồi tôi còn là sinh viên, điều khiến sinh viên xa lánh chính trị nhất vẫn là những câu hỏi... “Để làm gì? Có giải quyết được gì không?”... Các cuộc tranh luận chỉ dồn vào khía cạnh đó, tất cả sẽ không đi đến đâu vì rõ ràng, muốn chứng minh lợi ích ngay trước mắt của việc tham gia bàn luận chính trị hay biểu tình, là bất khả thi. Trong nhiều video ghi lại các cuộc biểu tình ở Trung Quốc có một đoạn video ngắn khiến tôi chú ý. Hai sinh viên trẻ - một nam, một nữ - tham gia biểu tình và được hỏi vì sao họ có mặt ở đó. Cả hai đáp: “Vì đây là nghĩa vụ của tôi”... Đến đây, tôi nhận ra giới trẻ Trung Quốc đã đi trước các bạn cùng thế hệ ở Việt Nam rất nhiều. Thậm chí nội dung các cuộc biểu tình cũng cho thấy sự trưởng thành về mặt chính trị của thế hệ trẻ Trung Quốc. Họ nhắm đích danh Tập Cận Bình và đảng Cộng sản Trung Quốc. Quy trách nhiệm cho người đứng đầu đất nước và đảng cầm quyền khi chính sách mà họ ban hành tạo ra đau khổ cho nhân dân chính là sự trưởng thành trong chính trị, chứ không phải bài ca “bản chất của đảng là tốt, chỉ có một vài con sâu làm rầu nồi canh” - vốn vẫn được ca đi ca lại ở Việt Nam.

Sơn kể thêm: Năm 2017 tôi gặp một nhóm Giáo sư Trung Quốc để trình bày về phong trào dân chủ ở Việt Nam. Đến giờ tôi vẫn nhớ như in vẻ mặt u sầu của họ sau khi nghe tôi vì họ cho rằng Trung Quốc sẽ có dân chủ sau Việt Nam. Họ cho đó là một sự hổ thẹn. Bây giờ, dù lý trí mách bảo khả năng để phong trào biểu tình này tạo ra một cuộc cải tổ chính trị ở Trung Quốc là rất thấp nhưng tôi không khỏi cảm thấy đượm buồn. Đến lượt tôi cảm thấy hổ thẹn vì giờ đây có vẻ như người Trung Quốc đã vượt lên.


4 Lý Do Việt Nam Không Một Giòng Tin Biểu Tình ở Trung Quốc

(Hải Lê)


(Hình: Dân Thượng Hải đụng độ giới y tế trong trang phục bảo hộ tại Thượng Hải, 30/11/2022.)

Có bốn lý do: Thứ nhất, lãnh đạo Việt Nam sợ chính quyền Trung Quốc phật ý. Thứ hai, sợ người dân Việt Nam biết sự thật về Trung Quốc. Thứ ba, thật sự Ban Tuyên giáo đang lúng túng không biết giải quyết ra sao. Và thứ tư, nguyên nhân bao trùm nhất: Đấu tranh nội bộ trên thượng tầng Ba Đình hiện đang vào hồi bung bét. Vì vậy, ĐCSVN chủ trương không đưa tin về những vụ biểu tình trên “đất nước bạn”.

Lý do thứ nhất là hết sức thuyết phục. Đảng trưởng ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng vừa kết thúc chuyến thăm “lịch sử” Trung Quốc cách đây một tháng. Tại đấy, chắc hẳn ông Tập đã “dặn dò” ông Trọng, về nhà phải hết sức nâng cao cảnh giác trước các “cuộc cách mạng màu”, đặc biệt là phải hết sức canh chừng, không được để cho bất cứ ai can thiệp vào bước tiến chung giữa hai đảng hoặc để bất kỳ thế lực nào làm lung lay “nền tảng thể chế” trong sự phát triển giữa hai nước. Cho dù cam kết này chỉ được tìm thấy trên Đài truyền hình Trung Quốc, chứ không có trong các bản tin của TTXVN.

Không để truyền thông trong nước cho người dân Việt Nam biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hiểu thâm ý sâu xa “lời dặn” của Tập. Bằng chính sách “Zero Covid”, ĐCSTQ muốn khẳng định với thế giới rằng, Bắc Kinh có một giải pháp “ưu việt hơn” so với các giải pháp của Mỹ và các nước phương Tây về chống dịch. Kiểm soát và phong tỏa là những công cụ hiệu quả nhất. Qua đó, Bắc Kinh muốn chứng minh “thế thượng phong” của một chế độ “độc tài và toàn trị” đối lập với mô hình “dân chủ và tự do”. Vậy, một khi công luận Trung Quốc không còn bị ru ngủ nữa, thì làm thế nào elites lãnh đạo ở Trung Nam Hải có thể giữ được uy tín cho ĐCSTQ và uy tín của chính Tập Cận Bình? Cho nên “đánh bài lờ” là cách tốt nhất!

Lý do thứ hai, liên quan rất chặt chẽ với lý do thứ nhất. ĐCSVN run sợ, nếu người dân Việt Nam biết hết mọi sự thật về Trung Quốc của Tập Cận Bình sau Đại hội 20 ĐCSTQ. Khi Trung Nam Hải đón ông Trọng tại Bắc Kinh hôm 1/11/2022, dường như cả hai Tổng Bí thư vẫn chưa hết xúc động sau 21 loạt đại bác chào mừng. Xem cách Tổng Bí thư “khoe” với cử tri Hà Nội về việc Trung Quốc đã nghênh tiếp ông như thế nào, cho thấy ông Trọng vẫn còn choáng ngợp trước “bốn hướng mênh mông, bao la trời đất/… bánh xe quay trong gió, bánh xe quay/ cuốn hồn ta như tỉnh như say/ như lịch sử chạy nhanh trên đường thép/ đưa ta đến một ngày mai tuyệt đẹp…”*

Vì vậy, Hà Nội không bao giờ muốn – và cũng không bao giờ dám – lan truyền những hình ảnh mang tính đoàn kết và chia sẻ sự phẫn nộ của người dân Trung Quốc từ khắp 30 thành phố, với bối cảnh cũng rất quen thuộc như Việt Nam vào một năm trước. Món nợ của chính quyền Bắc Kinh bất lực không thể đối phó được với giải pháp chống dịch, chỉ có cách duy nhất là giam nhốt người dân, dường như là một mô tả gián tiếp về sai lầm đang được chia đôi của hai nước có “vận mệnh tương thông”. Nếu Việt Nam có một nền kinh tế dẻo dai và đủ mạnh, có thể “đóng cửa” như Trung Quốc hiện nay, thì có lẽ giờ này, nhiều thành phố ở Việt Nam vẫn đang tiếp tục trong tình cảnh phong tỏa tương tự. Với “metaphor” còn ngây ngất trước những tụng ca dành cho nhau, “hai ngọn cờ đỏ máu thơm tươi/ chiến thắng ôm nhau, biên cương mở hội..”.**, Việt Nam không thể đưa bất cứ tin tức gì bất lợi cho “nước lạ” là điều dễ hiểu.

Lý do thứ ba, hiện Ban Tuyên giáo thật sự đang lúng túng không biết giải quyết ra sao. Từ trước tới nay cỗ máy tuyên truyền của Trung Quốc đã hô hào nhiều về những thành tích vượt bậc của các chiến dịch chích ngừa, xét nghiệm về hiệu quả của vắc-xin Trung Quốc…. Vậy làm thế nào để đảo ngược thế cờ? Một thế khó nữa của Trung Quốc đó là đích thân ông Tập Cận Bình đã mang hết uy tín của mình ra để áp đặt chính sách “Zero Covid”, vậy làm thế nào để tìm được một ngõ thoát mà tránh để “lãnh tụ tối cao” này phải nhìn nhận sai lầm. Trong những điều kiện đó, giới phân tích cho rằng chế độ Trung Quốc không sợ những người biểu tình trên 30 thành phố, vì Đảng và Nhà nước đang có trong tay nhiều công cụ đàn áp khá hữu hiệu. Điều mà ông Tập Cận Bình và ĐCSTQ lo sợ hơn cả, có lẽ là sự hoài nghi, chán ngán ngấm ngầm lan rộng trong số gần 1,5 tỉ dân tại quốc gia này.

Ban Tuyên giáo của Hà Nội không hiểu được, tại một quốc gia với một bộ máy kiểm duyệt và theo dõi công dân càng lúc càng chặt chẽ như ở Trung Quốc, động cơ nào thúc đẩy người dân xuống đường, thanh niên tập hợp nơi các cư xá Đại học? Người biểu tình giương cao một tờ giấy trắng, họa hoằn lắm mới vang lên những khẩu hiệu “đòi tự do”, hay khẩu hiệu “không cần xét nghiệm mà cần thức ăn”. Cũng có những biểu ngữ thể hiện tình đoàn kết với người dân ở Tân Cương sau vụ một chung cư bị hỏa hoạn. Nhân viên cứu hỏa chậm đến hiện trường do các biện pháp “phong tỏa chống dịch”. Chỉ có một vài nơi hô hào đòi lãnh đạo Trung Quốc “từ chức”. Cộng đồng quốc tế ngạc nhiên trước làn sóng phẫn nộ này từ một phần công luận Trung Quốc và kèm theo là câu hỏi khát vọng “tự do” đó có là một mối đe dọa đối với ĐCSTQ hay không? Theo chuyên gia về Trung Quốc Philippe Le Corre, thuộc trường Cao đẳng Thương mại Pháp ESSEC và Harvard Kennedy School, trước hết đây là tình trạng “bất mãn đã âm ỉ trong xã hội” từ cuối 2019 tới nay. Chủ trương chống dịch triệt để của Bắc Kinh với người chịu trách nhiệm đầu tiên là ông Tập Cận Bình, đã đẩy hàng chục triệu dân Trung Quốc vào tình cảnh như “những tù nhân bị giam lỏng” và biến nhiều thành phố thành “những nhà tù khổng lồ”.

Lý do thứ tư, và có thể đây là lý do bao trùm, đấu tranh nội bộ trên thượng tầng Ba Đình hiện đang vào hồi bung bét. Vì vậy, ĐCSVN chủ trương không “khuấy đảo” những vụ biểu tình trên “đất nước bạn” làm gì cho thêm phần phức tạp. Đấu tranh nội bộ trên thượng tầng Ba Đình không phải xuất hiện trong tuần này, tháng này. Nó như một cơn “địa chấn” đang rung lắc cả bốn cái ghế trong “Tứ trụ” suốt cả một năm nay. Sáng sáng, người dân trong cả nước thức dậy với câu hỏi đầu tiên là, hôm nay có vụ “té lầu” (hay “đẩy té lầu” nào thêm không?) Lại có tin lan truyền khắp Hà Nội và Sài Gòn, từ nay đến cuối năm, hoặc cũng có thể trong tháng này, sẽ có họp Trung ương bất thường, sau đó sẽ có họp Quốc hội bất thường. Cái tin Quốc hội thì đã được kiểm chứng. Còn tin Trung ương họp bất thường thì chưa, nhưng Quốc hội giải quyết những vấn đề “cấp bách” nào thì dứt khoát phải do Trung ương “cầm tay chỉ việc” chứ!

Một ngẫu nhiên của lịch sử, 25 năm sau sự biến Thái Bình (nổ ra năm 1997), năm nay, tổng kết của Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn về vụ “nổi dậy” ngày ấy đang được ôn lại. Rằng, ngọn lửa của sự bất bình từ người dân đang cháy lên ngay dưới những chiếc ghế của lãnh đạo. Và bây giờ, sự bất mãn ấy đã biến thành những con mối. Chưa biểu hiện ra bên ngoài, nhưng chúng âm thầm ăn ruỗng nát trụ đỡ của lòng dân, kể cả vào các thiết chế cao nhất. Nếu suốt 25 năm trời mà những người cầm quyền vẫn hư hỏng, vẫn thoái hóa, biến chất, đè nén, áp bức… thì đó không còn là lỗi thuộc về những cá nhân cụ thể nữa. Nó đã trở thành khiếm khuyết trầm trọng của cả hệ thống. Ôi! Chỗ này thì Việt Nam và Trung Quốc quả thực là “song song đôi mặt như gương với hình”***. Vậy thì đưa tin tiêu cực về “nước lạ” làm gì cho rách việc.


Việt Nam: WHO và FAO Kêu Gọi Ngừng Dùng Kháng Sinh Quá Liều và Sai Cách


(Hình: Đăng ký tham gia cam kết do WHO và FAO kêu gọi.)

- Các cá nhân và tổ chức tại Việt Nam được hai tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Lương-Nông của Liên Hiệp Quốc (FAO) khuyến khích cam kết ngưng sử dụng kháng sinh quá liều lượng và sai cách. Đây được nói là cách để bảo vệ sức khỏe con người.

Kêu gọi vừa nêu được đưa ra trong thông cáo báo chí của WHO và FAO tại Hà Nội vào ngày 2/12/2022.
Thông cáo nhắc lại chiến dịch cam kết được phát động từ năm 2017 ở khu vực Tây Thái Bình Dương với chủ đề “Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm cho tương lai: Một khu vực, Một Phong trào đấu tranh chống Kháng kháng sinh”.

Chiến dịch này vẫn được tiếp tục. Nay WHO và FAO kêu gọi mọi người tham gia chiến dịch với tên gọi “Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm cho tương lai: cuộc đua để đạt được một triệu cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm”.

Đối với chiến dịch trước hơn 220.000 cam kết trực tuyến từ các quốc gia trong khu vực được đưa ra.

Tình trạng thuốc kháng sinh được bán không theo toa cho người mua ở Việt Nam là một trong những nguyên nhân dẫn đến kháng kháng sinh. Thực tế này khiến các bệnh nhiễm trùng thông thường khó điều trị hơn và làm tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và chết.

Đà Nẵng: Công Ty SSLV Tuyên Bố Giải Thể Sau Khi Hàng Trăm Công Nhân Lãn Công Đòi Quyền Lợi


(Hình: Công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn SSLV Đà Nẵng ngưng việc, phản đối nợ lương.)

- Hàng trăm công nhân may tại Công ty trách nhiệm hữu hạn SSLV trong Khu công nghiệp Liên Chiểu, Đà Nẵng tập trung lãn công đòi quyền lợi do lo sợ công ty đóng cửa hoạt động bất ngờ.
Truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 2/12/2022 đồng thời cho biết đến chiều 2/12/2022, công ty SSLV ra tuyên bố giải thể.

Đại diện Công ty cũng cho biết công ty sẽ chi trả trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định. Cụ thể, người lao động có thời gian làm việc tại công ty dưới một năm sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc. Người lao động có thời gian làm việc từ đủ một năm trở lên được hưởng trợ cấp thôi việc theo điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

Ngoài ra, công ty quyết định hỗ trợ thêm cho những lao động có thai sản mức 2 triệu đồng và những công nhân khác mỗi người 1 triệu đồng.
Trong ngày 2/12, đại diện công ty SSLV cũng chính thức thông báo, ngày làm việc cuối cùng của người lao động tại công ty là ngày 3/12/2022. Lương thưởng, phụ cấp, số ngày phép còn lại được hưởng sẽ được tính đến hết ngày 3/12/2022 theo quy định về chính sách lương thưởng phụ cấp của công ty.

Ngoài ra, thời gian thanh toán lương, phụ cấp, phép và cấp thôi việc cũng được thông báo vào ngày 9/12/2022. Công ty có trách nhiệm chốt và trả sổ bảo hiểm xã hội, quyết định thôi việc cho người lao động trong vòng 30 ngày kể từ ngày người lao động nghỉ việc tại công ty.

Nói về nguyên nhân lãn công tập thể, một công nhân tên X. chia sẻ trên tờ Người lao động rằng: “Tin đồn việc công ty đóng cửa nhà máy đã xuất hiện râm ran nhưng lãnh đạo công ty chưa có bất kì công bố hay động thái chính thức nào. Sáng nay, nghe tin công ty cho chuyển hàng đi, ai cũng sợ bị công ty bỏ rơi nên tập trung đòi quyền lợi”

Một công nhân khác tên M. cho biết thêm công ty đã cắt giảm tiền thưởng tăng thêm từ 1,4 triệu đồng xuống còn 200 ngàn đồng. Cộng với tiền lương, công nhân tại SSLV chỉ nhận được khoảng năm triệu đồng/tháng. Dù thấp, công nhân vẫn cố gắng bám trụ tại công ty vì gần đến Tết, ai cũng mong có việc làm, có thưởng Tết.

Trong ngày 2/12, lãnh đạo Ban quản lý Khu kỹ thuật cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng xác nhận với truyền thông Công ty trách nhiệm hữu hạn SSLV Đà Nẵng là một trong những doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì thiếu đơn hàng. Vừa qua, công ty cắt giảm hàng loạt lao động, thu hẹp sản xuất và đã có báo cáo gửi cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố.


Hàng Chục Lãnh Đạo, Cựu Lãnh Đạo 3 Tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Bình Dương Bị Kỷ Luật Vì Tham Nhũng Đợt Dịch COVID-19


(Hình: Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch COVID-19 kiểm tra tại một công ty có F0 ở Bình Dương.)

- Hàng chục lãnh đạo, cựu lãnh đạo ba tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Bình Dương vào ngày 1/12/2022 bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách. Nguyên do vì vi phạm quy định đấu thầu, mua sắm sinh phẩm, hóa chất, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ngoài ra, tại Nam Định, lãnh đạo còn bị kỷ luật do để xảy ra vi phạm trong đầu tư công, quản lý và sử dụng đất đối với một số dự án.

Quyết định kỷ luật được đưa ra tại kỳ họp thứ 23 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương diễn ra trong hai ngày 29 và 30/11.

Cụ thể mức cảnh cáo được áp dụng đối với các ông Trịnh Hữu Hùng - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa; Lương Ngọc Trương- Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Y tế, Bí thư Đảng ủy bộ phận, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thanh Hóa; Khương Thành Vinh - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nam Định; Nguyễn Hồng Chương- Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương.

Mức khiển trách được áp dụng đối với những lãnh đạo tại Thanh Hóa gồm các ông Đỗ Minh Tuấn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; Nguyễn Đình Xứng- nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; Đầu Thanh Tùng- Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; Phạm Đăng Quyền- nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; Hà Mạnh Quân - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Tài chánh tỉnh Thanh Hóa.

Tại Nam Định, số bị kỷ luật khiển trách gồm các ông Phạm Đình Nghị- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; Trần Anh Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh; Nguyễn Phùng Hoan - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh, nguyên Ủy viên Ban cán sự Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; Ngô Gia Tự - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh; Trần Lê Đoài- Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; Vũ Văn Hưng - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Xây dựng; Phạm Thành Trung - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài chánh tỉnh Nam Định.

Số bị kỷ luật khiển trách tại tỉnh Bình Dương gồm các ông Mai Hùng Dũng- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh; Nguyễn Lộc Hà- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; Hà Văn Út - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài chánh tỉnh Bình Dương.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam tại cuộc họp lần thứ 23 còn đề nghị Ban Bí thư xem xét kỷ luật các ông, bà Nguyễn Bá Hùng- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện Như Xuân, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chánh; Phạm Thị Hằng - Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Đinh Cẩm Vân - nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Tài chánh tỉnh Thanh Hóa. Ba người này bị kết luận đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; vi phạm pháp luật trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cơ quan quản lý nhà nước.


Án Tù 7 Năm Tuyên Cho Cựu Giám Đốc Bệnh Viện Mắt Tp. HCM


(Hình: Bệnh viện Mắt Tp. HCM.)

- Đài Á Châu Tự Do đưa tin cho hay vào chiều ngày 1/12/2022, cựu Giám đốc Bệnh viện Mắt Tp. HCM Nguyễn Minh Khải bị tuyên án 7 năm tù về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngoài ông Nguyễn Minh Khải, tòa còn tuyên án các ông, bà Nguyễn Quốc Toản-nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức, Chủ tịch Hội đồng đánh giá hàng mẫu: Phí Duy Tiến-nguyên Phó Giám đốc, Tổ trưởng tổ thẩm định; Võ Thị Chinh Nga - nguyên Phó Giám đốc, Tổ trưởng tổ chuyên gia, mỗi người ba năm tù.

Ba ông Nguyễn Trí Dũng- nguyên Phó Giám đốc; Nguyễn Đỗ Nguyên-nguyên Trưởng khoa Tổng hợp; Lương Ngọc Tuấn- nguyên Phó trưởng Khoa khám mắt, mỗi người 12 tháng Bảy ngày. Do thời hạn tạm giam bằng thời gian phải thi hành án nên Hội đồng Xét xử tuyên trả tự do cho ba người ngay tại tòa. Bà Phan Thị Bích Hạnh - nguyên Trưởng phòng Tài chánh-Kế toán, một năm sáu tháng.

Các bản án được tòa tuyên sau ba ngày xét xử. Trước khi tuyên án một ngày, Viện Kiểm sát cho rằng ông Nguyễn Minh Khải có vai trò chủ mưu cầm đầu, phải chịu trách nhiệm chính về sai phạm đấu thầu chọn thủy tinh thể, gây thiệt hại hơn 14 tỉ đồng, nên đề nghị tòa tuyên tám đến chín năm tù.

Viện Kiểm sát cũng thừa nhận ông Khải có nhiều tình tiết giảm nhẹ vì là Bác sĩ xuất sắc, có nhiều đóng góp cho bệnh viện và xin khắc phục một tỉ đồng. Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm sát kết luận, hành vi của ông Khải đã kéo theo nhiều Bác sĩ giỏi của bệnh viện vào vòng lao lý nên cũng cần xử phạt ông ở mức án nghiêm khắc.

Đối với bà Võ Thị Chinh Nga (56 tuổi, cựu Phó Giám đốc, tổ trưởng tổ chuyên gia), đại diện Viện Kiểm sát nhận định, bà này đã có hành vi chỉ đạo những nhiều người khác sửa đánh giá, loại các nhà thầu hợp lý, thực hiện theo ý chí của Giám đốc Khải, giúp sức những nhà thầu không đủ điều kiện trúng thầu. Viện Kiểm sát đề nghị tòa tuyên bà Nga 3-4 năm tù.

Tương tự, đối với những người còn lại trong vụ án, Viện Kiểm sát xác định họ đều là những Bác sĩ có chuyên môn giỏi, nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực mắt, có nhiều đóng góp cho bệnh viện, phạm tội do nể nang, phụ thuộc, đã khắc phục một phần thiệt hại... nên đề nghị hội đồng xét xử giảm nhẹ một phần hình phạt; tuyên các bị cáo từ 12 tháng Tám ngày tù (bằng thời gian tạm giam) đến bốn năm tù.

Tại tòa khi trả lời câu hỏi của Giáo sư, ông Khải thừa nhận bản thân có thiếu sót trong quá trình lập hồ sơ mời thầu.


Hàng Loạt Sai Phạm Tại Các Dự Án Sân Golf Bị Thanh Tra Chính Phủ Nêu Tên


(Ảnh: Một sân golf ở miền Bắc Việt Nam.)
- Hàng loạt vi phạm đã xảy ra trong quá trình khai triển các dự án sân golf tại Việt Nam trong giai đoạn từ 2007 đến 2017.

Đó là kết luận do Thanh Tra Chính Phủ Hà Nội đưa ra và truyền thông loan đi ngày 3/12/2022. Theo đó, đối tượng phải thanh tra gồm Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Ủy ban Nhân dân 9 tỉnh/thành phố gồm Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam, Lâm Đồng, Bình Thuận, Sài Gòn và Cần Thơ.

Các nội dung được thanh tra trong thời gian 10 năm từ 2007 đến 2017 gồm xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch du lịch, chấp hành chính sách pháp luật về kinh doanh và đầu tư du lịch, cổ phần hóa donh nghiệp du lịch.

Những vi phạm được nêu ra thuộc các lĩnh vực thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh khi chưa có dự án đầu tư xây dựng, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường….

Thống kê của Tổng Cục Thể dục Thể thao Việt Nam cho thấy hiện trên cả nước có 80 sân golf 18 lỗ đang hoạt động và dự kiến đến năm 2025 có 200 sân golf 18 lỗ được khai triển.


Phó Chánh Án Tòa Án Nhân Dân Tỉnh Bạc Liêu Bị Khởi Tố Vì “Nhận Tiền, Đòi Tình Để Chạy Án”


(Hình: Ông Mỹ lúc bị bắt tại nhà nghỉ.)

- Truyền thông nhà nước loan tin trong ngày 2/12/2022 cho hay Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Châu Văn Mỹ, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Bạc Liêu, về hành vi nhận hối lộ.

Cũng trong ngày 2/12, ông Lý Công Bắc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bạc Liêu, cho biết Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã ra quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với ông Châu Văn Mỹ. Thời gian đình chỉ là 3 tháng 21 ngày.

Tuy nhiên, ông Bắc cho biết trên tờ VTCNews: “Trong thời gian tới, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ chủ động theo dõi, phối hợp với Ban Cán sự Đảng Tòa án Nhân dân tỉnh nắm chặt thời hạn tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử đối với ông Châu Văn Mỹ để quyết định gia hạn thời gian đình chỉ sinh hoạt Đảng khi có yêu cầu. Sau khi có bản án của tòa án, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ sẽ xem xét, xử phạt hoặc trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xem xét, xử phạt đối với ông Châu Văn Mỹ theo đúng quy định của Đảng”.

Cũng theo ông Bắc, ngày 18/11, Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Châu Văn Mỹ theo khoản 2 Điều 254 Bộ luật Hình sự, đồng thời ra lệnh tạm giam ông Mỹ về hành vi nhận hối lộ.

Ông Mỹ trước đó (hôm 11/11) bị Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tối cao bắt quả tang khi đang nhận tiền hối lộ, tại một nhà nghỉ ở thành phố Bạc Liêu, từ nữ bị cáo trong một vụ án trộm cắp tài sản là bà D.H.T, người “nhờ” chạy án từ sáu tháng tù giam, giảm xuống còn sáu tháng tù treo trong phiên xử Phúc thẩm.


“Bà Trùm” Đường Dây Đánh Bạc 1.000 Tỉ Lĩnh 8 Năm Tù Giam


(Hình: Các bị cáo tại tòa.)

- “Bà trùm” Nguyễn Thị Hương Ly cùng 36 đồng phạm trong đường dây đánh bạc hơn một ngàn tỉ đã phải lĩnh án từ 8 năm tù giam đến thấp nhất là 15 tháng tù treo.
Truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 2/12/2022, sau khi Hội đồng Xét xử Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án sau nhiều ngày xét xử.

Cụ thể, Hội đồng Xét xử tuyên phạt “bà trùm” Nguyễn Thị Hương Ly (SN 1992, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) mức án tám năm tù; Ngô Duy Quang (SN 1992, ở Bắc Ninh) người lập trình, vận hành game Nổ hũ”, ba năm tù vì tội Tổ chức đánh bạc. Nguyễn Đức Mạnh, ở Hà Nam nhận bảy năm tù về hai tội “Tổ chức đánh bạc” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 15 tháng tù treo đến sáu năm tù giam về các tội “Tổ chức đánh bạc”, “Đánh bạc” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Riêng Trần Nhật Tân, người bị xác định đã bỏ ra hơn 40 tỉ đồng để đánh bạc trực tuyến phải nhận án 36 tháng tù vì tội Đánh bạc.

Theo cáo trạng, tháng 3/2020 sau khi lập trình game Nổ hũ”, Ngô Duy Quang cùng Hương Ly và Nguyễn Đức Mạnh trở thành đại lý cấp một để tổ chức đánh bạc trên nền tảng game “Nổ hũ” bên cạnh vận hành nhiều game cờ bạc online khác. Ly sau đó, thuê nhiều căn nhà tại Hà Nội làm trụ sở hoạt động của đại lý, mở bảy tài khoản ngân hàng đứng tên mình và chỉ đạo nhân viên cùng mở tài khoản để tổ chức đánh bạc.

Tháng 4/2020, sợ công an phát giác, Ly và đồng phạm chuyển trụ sở vào Sài Gòn để tiếp tục tổ chức đánh bạc. Tại đây, nhóm của Ly đã bị lực lượng công an phát giác, triệt phá. Lúc bấy giờ đường dây đánh bạc của Ly đã có giao dịch lên đến hơn 1.000 tỉ đồng.

Căn cứ kết quả sao kê của 39/39 tài khoản, cơ quan điều tra xác định, tổng số tiền các con bạc giao dịch với đại lý của Ly là hơn 606 tỉ đồng, trong đó, Ly hưởng lợi gần 14 tỉ đồng. Ly và đồng phạm bị bắt vào tháng 5/2020.


Việt Nam Yêu Cầu Đài Loan Hủy Tập Trận Bắn Đạn Thật ở Ba Bình


(Ảnh chụp từ trên cao ở đảo Itu Aba, Đài Loan gọi là Taiping, Việt Nam gọi là Ba Bình.)

- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ đưa tin cho hay hôm 2/12/2022, Việt Nam lên tiếng phản đối và yêu cầu Đài Loan huỷ hoạt động tập trận bắn đạn thật ở đảo Ba Bình, và không tái diễn vi phạm tương tự.

Khi được báo giới hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Đài Loan thông báo tiến hành tập trận bắn đạn thật ở Ba Bình ngày 29/11, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói rằng việc Đài Loan tổ chức diễn tập bắn đạt thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là “hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này”, theo thông báo của bộ.

Bà Hằng nói rằng việc tập trận này “đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải; gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”.

“Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan huỷ bỏ hoạt động trái phép nêu trên và không tái diễn vi phạm tương tự”, bà Hằng nhấn mạnh.
Trước đây, Việt Nam nhiều lần yêu cầu Đài Loan ngừng tổ chức diễn tập tại Ba Bình, có tên quốc tế là Itu Aba, được Đài Loan gọi là Taiping (Thái Bình).

Trong khi Đài Loan chiếm giữ Ba Bình, một khu vực nổi rộng 46 ha trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc, Phi Luật Tân và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này.

Đài Loan lập luận rằng Taiping thực sự là hòn đảo đúng nghĩa duy nhất theo luật quốc tế trong số hàng trăm rạn san hô, bãi cạn và bãi ngầm nằm rải rác trong khu vực tranh chấp nóng bỏng.

Trong những năm gần đây, Đài Loan thường xuyên tiến hành tập trận bắn đạn thật ở đảo Ba Bình giữa lúc căng thẳng tăng cao với Trung Quốc, nước luôn tuyên bố Đài Loan là một phần của Trung Hoa đại lục.


Hai Chiến Hạm Ấn Độ Thăm Sài Gòn


(Hình: Chiến hạm hạm Ấn Độ cập cảng Việt Nam.)

- Hải quân Ấn Độ được truyền thông vào ngày 2/12/2022 dẫn thông báo cho hay 2 chiến hạm Ấn Độ INS Shivalik và INS Kamorta đã đến Sài Gòn, trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác quốc phòng giữa hai phía Hà Nội và Tân Ðề Ly.

Cụ thể hai chiến hạm INS Shivalik và INS Kamorta đã cập cảng Nhà Rồng vào ngày 30/11 và lưu lại trong 3 ngày. Trên hai tàu có 670 thủy thủ và sĩ quan.
Chuyến thăm còn được cho biết nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt-Ấn.

Chiến hạm INS Shivalik F47, thuộc lớp Shivalik tàng hình đa nhiệm vụ, đầu tiên được Ấn Độ chế tạo. Việc đóng tàu bắt đầu vào năm 2001, sau khi trải qua các cuộc thử nghiệm trên biển, tàu được đưa vào hoạt động vào năm 2010. Tàu có chiều dài 142,5m, sườn ngang 16,9m và mớn nước 4,5m. Tải trọng tàu tiêu chuẩn là 5.300 tấn và đầy tải là 6.200 tấn.

Còn chiến hạm INS Kamorta P28 là tàu hộ vệ phi đạn chống ngầm. Tàu có lượng giãn nước tối đa 3.000 tấn, chiều dài 109m, mạn tàu rộng 12,8m. Tàu INS Kamorta P28 được trang bị 4 động cơ diesel thế hệ mới giúp tàu có thể di chuyển với tốc độ tối đa lên tới 25 hải lý/giờ, tương đương 46 cây số/giờ. Tầm hoạt động tối đa lên đến 5.550 cây số khi ở tốc độ hành trình khoảng 18 hải lý/giờ. Cả 2 tàu nêu trên của Hải quân Ấn Độ đều được trang bị nhiều thiết bị điện tử cảm biến và vũ khí tối tân.

Hồi đầu năm nay, 2 chiến hạm Sahyadri và Kadmatt của Ấn Độ cũng đến thăm Sài Gòn.


Hội Đồng An Ninh Nhà Nước Iran: 200 Người Chết Trong Các Cuộc Biểu Tình


(Hình: Biểu tình chống chính phủ ở Iran kéo dài sang tháng thứ ba - ảnh chụp ở thủ đô Tehran của Iran.)

Hôm thứ Bảy (3/12/2022), Tổng thống Ebrahim Raisi ca ngợi Cộng hòa Hồi giáo Iran là đất nước bảo đảm các quyền hợp pháp và quyền tự do, ông cũng biện hộ cho chế độ cầm quyền trong bối cảnh đang diễn ra hoạt động đàn áp các cuộc biểu tình chống chính phủ mà Liên Hiệp Quốc cho rằng đã làm hơn 300 người thiệt mạng.

Trong khi đó, một cơ quan an ninh hàng đầu của nhà nước cho biết 200 người, bao gồm cả các nhân viên an ninh, đã thiệt mạng trong tình trạng bất ổn, thấp hơn đáng kể so với con số mà Liên Hiệp Quốc và các nhóm nhân quyền đưa ra.
Các cuộc biểu tình, hiện đã sang tháng thứ ba, nổ ra sau khi cô Mahsa Amini, một phụ nữ người Kurd, 22 tuổi, bị chết trong khi bị cảnh sát đạo đức giam giữ để thực thi các quy định nghiêm ngặt về khăn trùm đầu.

Các cuộc biểu tình đã biến thành một cuộc nổi dậy toàn dân của những người dân Iran phẫn nộ thuộc mọi tầng lớp xã hội, được xem là một trong những sự chống đối mạnh mẽ nhất đối với giới tăng lữ lãnh đạo kể từ cuộc cách mạng năm 1979.
Không nao núng trước cuộc đàn áp tàn bạo, những người biểu tình đã giương cao các khẩu hiệu chống lại Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei, và liên tục yêu cầu chấm dứt chính quyền Hồi giáo.

Hãng thông tấn Mizan của cơ quan Tư pháp dẫn lời hội đồng an ninh nhà nước thuộc Bộ Nội vụ cho biết 200 người đã thiệt mạng trong “các cuộc bạo loạn” gần đây.

Amirali Hajizadeh, một chỉ huy cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng được trích dẫn hôm 28/11 cho biết rằng 300 người, bao gồm cả các nhân viên lực lượng an ninh, đã thiệt mạng trong tình trạng bất ổn gần đây.
Javaid Rehman, một chuyên gia độc lập về Iran do Liên Hiệp Quốc bổ nhiệm, cho biết hôm 29/11 rằng hơn 300 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình, trong đó có hơn 40 trẻ em.

Nhóm nhân quyền HRANA cho biết tính đến ngày 2/12, 469 người biểu tình đã thiệt mạng, trong đó có 64 trẻ vị thành niên. Nhóm cho hay 61 nhân viên an ninh chính phủ cũng đã mất mạng. Có tới 18.210 người biểu tình được cho là đã bị bắt giữ.
Một giáo sĩ Hồi giáo dòng Baluch Sunni nổi tiếng, Molavi Abdolhamid, đã kêu gọi chấm dứt việc đàn áp các cuộc biểu tình thông qua các vụ bắt giữ và giết hại, và hãy trưng cầu dân ý về việc thay đổi chế độ chính quyền của Iran.
“Cuộc biểu tình của người dân cho thấy các chính sách trong 43 năm qua đã đi vào ngõ cụt”, ông nói vào cuối tháng 11.

Không có nhận xét nào: