Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2022

Kính Chuyển Tin Nóng Vòng Quanh Thế Giới Theo Dòng Thời Sự! - Lê Văn Hải


 Tin Nóng Quốc Tế Đó Đây:
WHO: Giảm Cảnh Báo COVID Có Thể Tạo Ra Biến Thể Mới Chết Người!
(Hình: Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus.)
- Ngày 2/12/2022, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo rằng những sai sót trong các chiến lược đối phó với COVID-19 trong năm nay tiếp tục tạo ra “những điều kiện hoàn hảo” cho một biến thể mới chết người xuất hiện.Với đỉnh điểm của đại dịch đã qua, các quốc gia trên toàn thế giới đang bắt đầu nới lỏng các biện pháp giám sát, xét nghiệm và chích ngừa căn bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 6 triệu người cho đến nay.
<!>
Theo ước tính của cơ quan y tế toàn cầu, khoảng 90% dân số thế giới hiện có một số mức độ miễn dịch đối với SARS-COV-2 do lây nhiễm trước đó hoặc do chích ngừa.

“Chúng ta gần có thể nói rằng giai đoạn khẩn cấp của đại dịch đã kết thúc, nhưng chúng ta vẫn chưa tới đó”, ông Tedros nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo.

Bình luận của ông được đưa ra trong khi Trung Quốc trải qua sự bùng phát trở lại của các ca lây nhiễm.

Nêu lên những lỗ hổng toàn cầu trong việc chích ngừa, bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO, nói rằng cơ quan này muốn các chính phủ trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Trung Quốc, tập trung vào việc tiếp cận những người có nguy cơ như những người trên 60 tuổi và những người mắc bệnh tiềm ẩn.

Người dân vừa mừng vừa lo khi Trung Quốc nới lỏng hơn nữa các yêu cầu xét nghiệm COVID-19 và các quy tắc cách ly ở một số thành phố hôm 2/12, trong lúc hàng trăm triệu người đang chờ đợi sự thay đổi trong chính sách virus quốc gia sau khi tình trạng bất ổn xã hội lan rộng.
Ông Mike Ryan, Giám đốc phụ trách các trường hợp khẩn cấp của WHO, nói điều đáng khích lệ là Trung Quốc đang điều chỉnh các chiến lược kiểm soát COVID-19 hiện tại.

Ông Ryan cho biết ông hy vọng rằng một chiến lược mạch lạc và rõ ràng sẽ xuất hiện ở Trung Quốc “giúp cân bằng giữa việc kiểm soát virus với... sinh kế, phúc lợi và nhân quyền của người dân”.


OPEC+ Duy Trì Chính Sách Trong Bối Cảnh Kinh Tế Suy Yếu và Mức Trần Giá Dầu của Nga


(Hình: OPEC+ lập luận rằng nhóm đã cắt giảm sản lượng vì triển vọng kinh tế yếu hơn.)

- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay OPEC + đã đồng ý duy trì các mục tiêu sản lượng dầu của mình tại cuộc họp hôm Chủ Nhật (4/12/2022), trong khi các thị trường dầu mỏ gặp khó khăn trong việc đánh giá tác động của nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại đối với nhu cầu và mức trần giá của khối G7 với dầu của Nga đối với nguồn cung.

Quyết định này được đưa ra hai ngày sau khi các quốc gia thuộc Nhóm G7 nhất trí về mức giá trần đối với dầu mỏ của Nga.
OPEC+, bao gồm Tổ chức Các nước Xuất cảng Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga, đã khiến Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác bất bình hồi tháng 10 khi đồng thuận cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng mỗi ngày, tức khoảng 2% sản lượng nhu cầu của thế giới, từ tháng 11 đến hết năm 2023.

Hoa Thịnh Ðốn cáo buộc nhóm này và một trong những quốc gia lãnh đạo của nhóm, Ả Rập Saudi, đứng về phía Nga bất chấp cuộc chiến của Mạc Tư Khoa ở Ukraine.

OPEC+ lập luận rằng nhóm đã cắt giảm sản lượng vì triển vọng kinh tế yếu hơn.
Giá dầu đã giảm kể từ tháng 10 do sự tăng trưởng chậm hơn của Trung Quốc cũng như của toàn cầu và lãi suất cao hơn, khiến thị trường đồn đoán rằng nhóm này có thể cắt giảm sản lượng một lần nữa.

Nhưng hôm Chủ Nhật, nhóm các nước sản xuất dầu đã quyết định giữ nguyên chính sách này.
Các Bộ trưởng chủ chốt của nhóm sẽ họp vào ngày 1 tháng Hai với một ủy ban giám sát trong khi một cuộc họp đầy đủ được lên kế hoạch vào ngày 3 tới 4 tháng Sáu.


Phó Thủ Tướng Novak: Nga Sẽ Không Xuất Cảng Dầu Theo Mức Giá Trần của Phương Tây


(Hình: Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak.)

- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay hôm Chủ Nhật (4/12/2022), người phụ trách năng lượng của Tổng thống Vladimir Putin nói rằng Nga sẽ không xuất cảng dầu theo mức giá trần do phương Tây áp đặt ngay cả khi Mạc Tư Khoa phải chấp nhận giảm sản lượng dầu.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nói: “Chúng tôi đang nghiên cứu các cơ chế để cấm sử dụng công cụ áp giá trần, bất kể mức nào được đặt ra, bởi vì sự can thiệp như vậy có thể gây bất ổn hơn nữa cho thị trường”.

Ông Novak cho biết Nga sẽ không hoạt động dưới mức giá trần, ngay cả khi Mạc Tư Khoa phải cắt giảm sản lượng.
Hôm thứ Sáu tuần trước, các quốc gia G7 và Úc Ðại Lợi đã đồng ý về mức giá trần 60 Mỹ kim/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga.

Đây được coi là một động thái nhằm giảm doanh thu từ dầu của Tổng thống Vladimir Putin trong khi vẫn giữ cho dầu của Nga chảy ra thị trường toàn cầu.


Nga: Giới Hạn Giá Dầu Là Điều ‘Nguy Hiểm’, Nhưng Sẽ Không Làm Giảm Cầu Về Dầu Nga


(Hình: Kho xăng dầu của Nga bên Biển Đen, ở Novorossiisk.)

- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay hôm thứ Bảy (3/12/2022), Mạc Tư Khoa nói rằng họ sẽ tiếp tục tìm các khách hàng mua dầu Nga, cho dù họ nói rằng các chính phủ phương Tây có một nỗ lực “nguy hiểm” nhằm đưa ra mức giá trần đối với xuất cảng dầu của Nga.

Một liên minh các nước phương Tây do nhóm các quốc gia G7 dẫn đầu đã đồng ý hôm 2/12 về việc hạn chế giá ở mức 60 Mỹ kim/thùng đối với dầu của Nga được vận chuyển bằng đường biển, vì họ nhắm mục đích hạn chế doanh thu của Mạc Tư Khoa và kiềm chế khả năng Nga có thể cấp tiền cho cuộc xâm lược vào Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và các viên chức cấp cao của Ðiện Cẩm Linh đã nhiều lần khẳng định sẽ không cung cấp dầu cho các quốc gia thực hiện việc giới hạn giá.

Trong các ý kiến được đăng trên mạng Telegram, Tòa Ðại sứ Nga tại Hoa Kỳ đã chỉ trích điều mà họ gọi là “việc định hình lại” các nguyên tắc thị trường tự do và nhắc lại rằng dầu của họ sẽ vẫn có các bên cần mua, bất chấp các biện pháp này.

“Các bước đi như vậy chắc chắn sẽ dẫn đến sự bất định ngày càng tăng và bắt người tiêu dùng nguyên liệu thô phải chịu chi phí cao hơn”, Tòa Ðại sứ nói.
“Bất chấp những lời lẽ úp mở về công cụ nguy hiểm và bất hợp pháp này, chúng tôi tin tưởng rằng sẽ vẫn có nhu cầu về dầu của Nga”.

Việc áp giá trần của G7 sẽ cho phép các nước nằm ngoài khối EU tiếp tục nhập cảng dầu thô của Nga bằng đường biển, nhưng quy định về giá trần sẽ cấm các công ty vận chuyển, bảo hiểm và tái bảo hiểm tác nghiệp về các lô hàng dầu thô của Nga trên toàn cầu, trừ khi dầu được bán với giá thấp hơn giá trần.


EU Sẽ Điều Chỉnh Quy Định Hỗ Trợ của Nhà Nước Sau Khi Hoa Kỳ Thông Qua Gói Trợ Cấp


(Hình: Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen.)

- Hôm Chủ Nhật (4/12/2022), viên chức điều hành của khối Liên Hiệp Âu Châu (EU) cho biết EU sẽ điều chỉnh các quy định hỗ trợ của nhà nước để ngăn chặn các nhà đầu tư rời đi vì gói trợ cấp năng lượng xanh mới của Hoa Kỳ,.
“Cạnh tranh là điều tốt… nhưng sự cạnh tranh này phải tôn trọng một sân chơi bình đẳng”, Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen phát biểu tại thành phố Bruges của Bỉ.

“Đạo luật Cắt giảm Lạm phát (của Hoa Kỳ) khiến chúng ta suy nghĩ về cách chúng ta có thể cải thiện các khuôn khổ hỗ trợ nhà nước của mình và điều chỉnh chúng cho phù hợp với môi trường toàn cầu mới”, bà nói thêm.

Khối 27 quốc gia lo ngại rằng Đạo luật Cắt giảm Lạm phát trị giá 430 tỉ Mỹ kim của Mỹ, với các khoản giảm thuế hào phóng, có thể thu hút các doanh nghiệp EU và gây bất lợi cho các công ty Âu Châu, từ các nhà chế tạo xe hơi đến các nhà sản xuất kỹ thuật xanh.

Đây là một trong nhiều chủ đề trong chương trình nghị sự của của cuộc họp của Hội đồng Kỹ thuật và Thương mại EU – Hoa Kỳ diễn ra ngày 5/12.
Các viên chức tham gia bao gồm Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai, cùng với các Phó Chủ tịch Điều hành Ủy ban Âu Châu Valdis Dombrovskis và Margrethe Vestager.


Tổng Thống Macron Đến New Orleans Quảng Bá Văn Hóa và Ngôn Ngữ Pháp Trên Đất Mỹ

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay khi kết thúc chuyến công du Mỹ hôm 2/12/2022, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chọn đến thăm New Orleans, tiểu bang Lousiana. Đây là nơi từng được đặt dưới quyền quản lý của Pháp cho đến đầu thế kỷ 19. Tại New Orleans Tổng thống Macron thông báo quỹ hỗ trợ để phổ biến văn hóa và ngôn ngữ Pháp và đã có một cuộc trao đổi với tỉ phú Elon Musk chủ nhân Twitter.

Viếng thăm bảo tàng nghệ thuật thành phố, Emmanuel Macron thông báo chương trình French for All nhằm hỗ trợ những ai muốn học tiếng Pháp. Nguyên thủ Pháp quan niệm “ngôn ngữ của Molière mở ra những cơ hội cả về văn hóa lẫn kinh tế” không chỉ dành riêng cho một số những thành phần ưu tú. Trao đổi với tân chủ nhân Twitter ông Macron nhắc nhở Elon Musk tuân thủ các quy định của Liên Hiệp Âu Châu về việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Song tại New Orleans, Tổng thống Pháp đã tổng kết thành quả chuyến công du Hoa Kỳ của ông lần này. Đặc phái viên Valérie Gas của Ðài RFI tường thuật:

Sau những nghi lễ chính thức chặt chẽ trong chuyến công du cấp Nhà Nước ở Hoa Thịnh Ðốn, bầu không khí đã thay đổi hẳn khi Emmanuel Macron đến New Orleans. Vừa ra khỏi máy bay ông đã tham quan khu phố Pháp của thành phố này, một chặng dừng thoải mái nhưng vẫn có ý nghĩa về mặt chính trị.

Ông nói: “Đây là dịp để vinh danh liên hệ về mặt lịch sử, là cách để quảng bá văn hóa và tiếng Pháp tại một vùng đất luôn và vẫn tiếp tục bảo vệ ngôn ngữ Pháp”. Trước khi trở lại Paris, Tổng thống Macron tổng kết chuyến đi mà ông đánh giá là “rất tích cực” bởi đã thu hút được chú ý của Mỹ về “những hậu quả đối với Âu Châu từ kế hoạch của Mỹ hỗ trợ kinh tế”.
Emmanuel Macron nói ông đã đề cập thẳng đến vấn đề này để “Pháp - và cùng với Pháp là Liên Hiệp Âu Châu - trở thành trọng tâm trong lịch trình làm việc của Mỹ. Đây là điều tốt đối với Pháp và cả châu lục. Giờ đây các bên cần xây dựng một mối quan hệ về lâu về dài. Trước mắt thì mọi người đã đồng ý lộ trình các kế hoạch đầu tư chung. Chúng ta cần tiếp tục tiến lên”.

Tiến lên và tiến nhanh để gặt hái được những thành quả từ này cho đến quý đầu năm tới. Emmanuel Macron cho biết ông đã có lời mời Tổng thống Joe Biden công du nước Pháp và đây cũng là mong muốn của lãnh đạo Hoa Kỳ, thế nhưng ai cũng có lịch làm việc chật kín, và thời gian gần đây thì các nguyên thủ không phải lúc nào cũng làm chủ được những sự kiện ập đến.


Tổng Thống Macron Nói ‘Không Việc Gì Phải Hoảng Sợ’ Về Khả Năng Cắt Điện ở Pháp


(Hình: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp Tổng thống Mỹ trong chuyến thăm mới đây tới Hoa Thịnh Ðốn, 1/12/2022.)
- Ngày 3/12/2022, Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng không có lý do gì phải hoảng sợ về khả năng cắt điện trong mùa Đông này, mặc dù vậy, ông kêu gọi người dân sử dụng năng lượng ít đi và kêu gọi công ty nhà nước EDF khởi động lại các lò phản ứng nguyên tử để tránh tình trạng mất điện trong trường hợp thời tiết lạnh giá.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Pháp TF1 được ghi lại trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Hoa Kỳ vào tuần này, ông Macron phủ nhận chuyện có nguy cơ mất điện luân phiên là do chương trình tái khởi động lò phản ứng nguyên tử của EDF không được quản lý đến nơi đến chốn.
“Trước hết, chúng ta cần phải rõ ràng với nhau: không hoảng sợ gì cả! Hoàn toàn chính đáng khi chính phủ chuẩn bị cho các trường hợp vô cùng hãn hữu, đó là có thể phải cắt điện vài tiếng đồng hồ mỗi ngày nếu chúng ta không có đủ điện”, ông Macron nói.

Người đứng đầu công ty điều hành lưới điện Pháp RTE cho biết hôm thứ Năm (1/12) rằng Pháp có thể phải đối mặt với “một số ngày” bị cắt điện trong mùa Đông này và chính phủ đã bắt đầu thông báo cho chính quyền địa phương về cách giải quyết bất kỳ sự việc mất điện nào.

EDF đã phải đối mặt với số lượng các vụ mất điện chưa từng có tại các lò phản ứng nguyên tử của họ, làm giảm sản lượng điện nguyên tử xuống mức thấp nhất trong 30 năm khi Âu Châu xoay sở để thay thế nguồn cung cấp khí đốt của Nga, mà Mạc Tư Khoa đã cắt đứt để trả đũa các lệnh trừng phạt của EU đối với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, nổ ra hôm 24/2.


Pháp Tăng Viện Trợ Vũ Khí Cho Ukraine!

- Trả lời đài truyền hình tư nhân của Pháp TF1 trong chương trình được trình chiếu hôm 3/12/2022, Tổng thống Emmanuel Macron cho biết Paris và Hoa Thịnh Ðốn cùng theo đuổi một mục tiêu: Đòi Nga đàm phán, chấm dứt chiến tranh Ukraine. Để đạt được mục tiêu này, Pháp cho rằng phương Tây cần đề xuất với Nga một số “bảo đảm” về mặt an ninh.

Tổng thống Pháp nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần vừa tránh để chiến tranh Ukraine “leo thang” vừa cần hỗ trợ Kyiv về mặt quận sự để Ukraine “kháng cự” trong cuộc xung đột đang diễn ra trên lãnh thổ nước này.

Khi được hỏi về quyết tâm của Pháp hỗ trợ Ukraine, không đi sâu vào chi tiết, Tổng thống Macron thông báo trong một vài tuần lễ nữa Pháp viện trợ thêm trang thiết bị quân sự cho Ukraine, tiếp tục và đẩy mạnh hơn nữa các khoản trợ giúp chính quyền Kyiv nhưng sẽ “tránh vượt qua các lằn ranh đỏ”. Paris “không bao giờ cung cấp vũ khí để có thể đẩy nước Pháp vào tình thế của một bên tham chiến”.

Song bên cạnh đó, Emmanuel Macron nói thêm: trong trường hợp Tổng thống Nga Vladimir Putin chấp nhận đàm phán để chấm dứt chiến tranh thì phương Tây cũng cần đề xuất một số “bảo đảm cho cơ chế an ninh quốc tế trong tương lai”. Mạc Tư Khoa luôn lo ngại Liên Minh Bắc Đại Tây Dương tiến đến gần sát biên giới Nga và khai triển vũ khí ngay sát quốc gia này.

Nhìn từ Hoa Thịnh Ðốn, một viên chức ngoại giao cao cấp của Mỹ bà Victoria Nuland trong cuộc tiếp xúc với Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, hôm 3/12 đánh giá Vladimir Putin “không thành thật” và “chưa sẵn sàng” khi tuyên bố về ý định đàm phán với Kyiv. Bằng chứng là Mạc Tư Khoa chỉ đồng ý ngồi vào bàn thương thuyết với điều kiện Hoa Thịnh Ðốn “công nhận tuyên bố về chủ quyền của nước Nga tại bốn vùng đất trên lãnh thổ Ukraine vừa sáp nhập vào Liên Bang Nga”.


Các Viên Chức Kherson Tạo Điều Kiện Cho Việc Vượt Sông Từ Phía Lãnh Thổ Do Nga Nắm Giữ


(Hình: Cầu Antonivsky bị tàn phá ở Kherson, Ukraine, 27/11/2022.)
- Các viên chức ở khu vực Kherson, miền Nam Ukraine, tuyên bố hôm thứ Bảy (3/12/2022) rằng họ sẽ giúp công dân di tản khỏi các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng ở bờ đông sông Dnipro trong bối cảnh có những lo ngại về giao tranh gia tăng.

Yaroslav Yanushevych, Thống đốc khu vực, cho biết các viên chức đang tạm thời dỡ bỏ lệnh cấm băng qua sông để cho phép người Ukraine sống ở các ngôi làng bên kia sông đi được qua dòng Dnipro vào ban ngày và đến một điểm được chỉ định.
“Việc di tản là điều cần thiết do khả năng gia tăng chiến sự trong khu vực này”, ông viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram.

Quân đội Ukraine đã giải phóng thành phố Kherson, nằm ở bờ tây của Dnipro, khỏi ách chiếm đóng của Nga vào ngày 11/11 nhưng lực lượng của Mạc Tư Khoa vẫn kiểm soát phần còn lại của khu vực ở bờ Đông.
Các viên chức Ukraine cho biết các lực lượng Nga đã tiếp tục pháo kích vào Kherson và các khu vực xung quanh kể từ ngày đó, giết hại dân thường.

Ông Yanushevych cho biết lệnh cấm vượt sông sẽ được dỡ bỏ cho đến thứ Hai 5/12.

Tội Ác Chiến Tranh: Liên Hiệp Quốc Điều Tra Về Các Vụ Nga Oanh Kích Mạng Lưới Điện Ukraine

- Một ủy ban điều tra đã được Liên Hiệp Quốc chỉ định để xác định xem liệu các vụ oanh kích của quân Nga, đặc biệt nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, có cấu thành tội ác chiến tranh hay không.

Báo Le Monde ngày 2/12/2022 trích dẫn ông Pablo de Greiff, một trong các nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc, theo đó nếu các vụ oanh kích của quân Nga nhắm vào cơ sở hạ tầng điện của Ukraine cấu thành tội ác chiến tranh, thì Nga chắc chắn sẽ bị trừng phạt. Phát biểu của điều tra viên Pablo de Greiff được đưa ra trong một cuộc họp báo từ Kyiv (thủ đô của Ukraine).

Trong khi đó, Jasminka Dzumhur, một thành viên khác của ủy ban điều tra của Liên Hiệp Quốc, khẳng định:”Các cơ sở hạ tầng dân sự được bảo vệ bởi các đạo luật nhân đạo quốc tế. Ủy ban sẽ xem xét vụ thể vấn đề này”. Bà Jasminka Dzumhur tỏ ý lo ngại là tình hình hiện nay sẽ tác động đến các quyền và cuộc sống của trẻ em Ukraine. Theo bà, các vụ oanh kích phá hủy mạng lưới điện của Ukraine cũng tác động đến việc di chuyển của người bệnh và gián tiếp khiến người dân mất quyền được chăm sóc y tế, đặc biệt đối với người bị bệnh mãn tính hoặc cần được cấp cứu.

Cũng trong ngày 2/12, trong cuộc điện đàm đầu tiên với Thủ tướng Đức Olaf Scholz kể từ giữa tháng Chín, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định các lực lượng vũ trang Nga trong một thời gian dài đã tránh dùng phi đạn có độ chính xác cao để oanh kích một số mục tiêu của Ukraine, thế nhưng những biện pháp đó đã trở nên “cần thiết và không thể tránh khỏi” để đối phó với các hành động “khiêu khích” của Kyiv.

Về phát biểu của Tổng thống Mỹ Joe Biden là ông sẵn sàng nói chuyện với Putin với điều kiện Putin phải rút quân Nga khỏi Ukraine, theo AFP, Ðiện Cẩm Linh hôm qua đã bác bỏ các “điều kiện” của Biden. Trong khi đó, John Kirby, phát ngôn viên Hội đồng an ninh quốc gia, trực thuộc Tòa Bạch Ốc, tuyên bố Tổng thống Biden “hiện giờ không hề có ý định” thảo luận với Putin về hồ sơ Ukraine.


Iran Giải Thể Cảnh Sát Đạo Đức và Sửa Đổi Luật Trùm Khăn Hồi Giáo

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay chính quyền Iran đã phải nhân nhượng phong trào phản kháng đường phố kéo dài suốt 3 tháng.

Ngày 4/12/2022, Tehran thông báo giải thể lực lượng cảnh sát đạo đức, được thành lập để “truyền bá văn hóa đoan trang và choàng khăn”. Mọi phụ nữ ở Iran bị bắt buộc trùm khăn che mặt theo một đạo luật có hiệu lực từ năm 1983. Thông tín viên Siavosh Ghazi của Đài RFI tại thủ đô Tehran của Iran tường trình:
“Tổng Chưởng lý Iran Mohammad Jafar Montazari thông báo ngắn gọn thông tin: “Chính những người lập ra cảnh sát đạo đức đã dỡ bỏ lực lượng đó”.

Các cuộc biểu tình bắt đầu từ tháng Chín để phản đối việc thiếu nữ Mahsa Amini bị chết khi đang bị cảnh sát đạo đức giam giữ vì không trùm khăn Hồi giáo theo đúng luật. Sau đó, phong trào phản đối chuyển sang hướng chính trị với những khẩu hiệu ngày càng cứng rắn hơn chống các nhà lãnh đạo Iran và khiến vài trăm người chết. Những năm gần đây, hành động của cảnh sát đạo đức (thành lập năm 2005) đã bị lên án sau hàng loạt vụ bắt giữ bạo lực nhiều phụ nữ trẻ không trùm khăn đúng cách.

Cùng lúc, Tổng Chưởng lý Iran cũng thông báo Quốc hội và một cơ quan khác do Tổng thống Ebrahim Raisi lãnh đạo đang xem xét sửa đổi luật về việc bắt buộc trùm khăn nhưng không nêu rõ văn bản sẽ được sửa đổi theo hướng nào. Kết quả sẽ được thông báo từ nay đến 15 ngày tới.

Theo một Nghị sĩ, có thể là cảnh sát sẽ ngừng bắt giữ và áp dụng hình thức phạt đối với việc không tôn trọng trùm khăn. Trên thực tế, từ vài tuần nay, người ta thấy nhiều phụ nữ Iran, đặc biệt là thanh niên, không trùm khăn nhưng không bị lực lượng an ninh can thiệp.

Những thông báo này được đưa ra vào lúc có nhiều lời kêu gọi biểu tình và đình công thêm ba ngày, kể từ thứ Hai (05/11)”.

Ngày 3/12, Bộ Nội vụ Iran cho biết kể từ khi phong trào biểu tình nổ ra vào tháng Chín, có hơn 200 người chết, kể cả cảnh sát, người biểu tình và thành viên của những nhóm vũ trang bị cáo buộc phản cách mạng. Theo thông tấn xã AFP, con số này thậm chí còn thấp hơn số liệu khoảng 300 người được lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đưa ra trước đó. Tổ chức Quan sát Nhân quyền Iran (IHR), trụ sở tại Na Uy, thống kê khoảng 448 người chết. Liên Hiệp Quốc đưa ra con số hơn 300 người, trong đó có hơn 40 trẻ em.

Dù vậy, Tổng thống Ebrahim Raisi vẫn khẳng định Iran là nước bảo đảm cho các quyền và quyền tự do và “có Hiến pháp tiến bộ nhất trên thế giới”. Chính quyền Tehran cáo buộc các thế lực thù nghịch ngoại quốc, trong đó có Mỹ, Ả Rập Saudi, Do Thái, là nguồn gốc của các cuộc nổi loạn.


Người Iran Kêu Gọi Biểu Tình 3 Ngày Từ 5/12


(Hình: Một cuộc biểu tình ở Iran.)

- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay những người biểu tình ở Iran hôm Chủ Nhật (4/12/2022) đã kêu gọi tiến hành một cuộc biểu tình 3 ngày trong tuần này nhằm duy trì áp lực lên chính quyền về cái chết của cô Mahsa Amini khi bị giam giữ.

Các cuộc biểu tình được lên kế hoạch vào đúng ngày Tổng thống Ebrahim Raisi phát biểu trước các sinh viên ở Tehran.
Ông Raisi dự kiến sẽ đến thăm Đại học Tehran vào thứ Tư, nhân Ngày sinh viên ở Iran.

Nhân dịp này, những người biểu tình đang kêu gọi các thương gia xuống đường và tập hợp về phía Quảng trường Azadi (Tự do) của Tehran, theo các bài đăng cá nhân được chia sẻ trên Twitter bởi các tài khoản chưa được xác minh bởi Reuters.
Họ cũng đã kêu gọi 3 ngày tẩy chay bất kỳ hoạt động kinh tế nào bắt đầu từ thứ Hai.

Những lời kêu gọi tương tự về biểu tình và huy động quần chúng trong những tuần qua đã dẫn đến tình trạng bất ổn leo thang khắp đất nước, trong đó có một số cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 ở Iran.
Hãng thông tấn HRANA của các nhà hoạt động cho biết rằng 470 người biểu tình đã bị giết tính đến thứ Bảy, trong đó có 64 trẻ nhỏ. Hãng này cho biết 18.210 người biểu tình đã bị bắt và 61 thành viên của lực lượng an ninh đã thiệt mạng.

Hội đồng an ninh nhà nước của Bộ Nội vụ Iran cho biết hôm thứ Bảy rằng số người chết là 200, theo hãng tin Mizan của cơ quan Tư pháp.


Thủ Tướng Úc Ðại Lợi Nói Ông Không Đi Cùng Đoàn Nghị Sĩ Úc Ðại Lợi Thăm Đài Loan


(Hình: Thủ tướng Úc Ðại Lợi Anthony Albanese.)

- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay hôm thứ Bảy (3/12/2022), Thủ tướng Úc Ðại Lợi Anthony Albanese cho biết ông sẽ không tham gia đoàn các chính trị gia liên bang chuẩn bị tới Đài Loan trong chuyến thăm được cho là sẽ kéo dài 5 ngày nhằm gửi đi thông điệp là Úc Ðại Lợi mong muốn duy trì hòa bình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Đoàn bao gồm các Nghị sĩ của cả Công đảng cầm quyền ở Úc Ðại Lợi lẫn liên minh Tự do-Quốc gia đối lập. Họ sẽ bay tới Đài Loan vào ngày 4/12 và là phái đoàn đầu tiên thuộc diện này đến thăm kể từ năm 2019, tờ The Australian đưa tin hôm 3/12.
Ông Albanese mô tả hôm 3/12 rằng chuyến thăm Đài Loan này không phải là một chuyến thăm chính thức của chính phủ.

Ông Albanese nói với các phóng viên tại thị trấn Renmark, tiểu bang Nam Úc (South Australia): “Lưỡng đảng vẫn giữ lập trường khi nói đến Trung Quốc và khi nói đến việc ủng hộ nguyên trạng ở Đài Loan”.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc Ðại Lợi cho biết các chính trị gia thuộc các đảng khác nhau vẫn thường xuyên đến Đài Loan trước đại dịch COVID-19 và phái đoàn hiện nay “cho thấy rằng hoạt động đó được nối lại”.
Có tin là đoàn sẽ gặp Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và Bộ trưởng Ngoại giao Joseph Wu, và chuyến thăm có sự ủng hộ của Bộ Ngoại giao Đài Loan.

Tin tức trên báo chí cho hay chuyến đi được giữ bí mật để tránh bị các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Canberra vận động hành lang đòi hủy bỏ. Tin cho hay trong khuôn khổ chuyến thăm sẽ có các cuộc họp về an ninh, thương mại, nông nghiệp và các vấn đề về người bản địa.

Chuyến thăm Đài Loan dân chủ, vốn bị Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của Trung Quốc, diễn ra khi chính phủ Công đảng mới được bầu lên gần đây của Úc Ðại Lợi đã có động thái hàn gắn mối quan hệ ngoại giao căng thẳng với Trung Quốc.

Úc Ðại Lợi đã có những tranh cãi với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của họ - về các tranh chấp thương mại và nguồn gốc của đại dịch COVID-19, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hiện diện nhiều hơn ở Thái Bình Dương.


Ấn Độ Đề Cao Cảnh Giác Hoạt Động của Tàu Quân Sự và Khảo Cứu Trung Quốc

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 3/12/2022, Tư lệnh Hải quân Ấn Độ, Đô đốc R. Hari Kumar, cho biết Trung Quốc điều rất nhiều chiến hạm và tàu khảo cứu đến vùng Ấn Độ Dương từ năm 2008. Chính quyền Tân Ðề Ly phải “theo dõi sát sao hoạt động của những tàu này vì lo ngại ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương”.

Phát biểu tại buổi họp báo trước ngày thành lập Hải quân Ấn Độ, Đô đốc Kumar cho biết Hải quân Trung Quốc viện cớ “chống hải tặc” để thường xuyên điều rất nhiều tàu xâm nhập Ấn Độ Dương từ năm 2008. Tân Ðề Ly buộc phải nâng cao cảnh giác để những hoạt động đó không gây tổn hại lợi ích của Ấn Độ, nhất là trong bối cảnh “Hải quân Trung Quốc có lập trường quyết đoán ở Biển Đông và đang thách thức sự thống trị của Ấn Độ trong khu vực”, theo Đô đốc Kumar.

Bắc Kinh luôn khẳng định tàu ngầm Trung Quốc chỉ được điều đến khu vực trong khuôn khổ các chiến dịch chống hải tặc. Tuy nhiên, đối với Tân Ðề Ly, đây là một mối đe dọa rõ ràng ở Ấn Độ Dương, cho nên Hải quân Ấn Độ “phải đánh giá thường xuyên mối đe dọa từ tàu ngầm” Trung Quốc.

Tháng 7/2022, Hải quân Ấn Độ được bàn giao hàng không mẫu hạm INS Vikran. Đây là hàng không mẫu hạm đầu tiên được sản xuất ở trong nước theo thiết kế của Bộ Quốc phòng Ấn Độ. “Một sự kiện mang tính bước ngoặt” được Đô đốc Kumar đánh giá sẽ giúp “Hải quân Ấn Độ tự chủ từ nay đến năm 2047”.

Trang The Telegraphe của Ấn Độ nhắc lại là quan hệ giữa Tân Ðề Ly và Bắc Kinh vẫn căng thẳng do xung đột ở Ladakh, thuộc tiểu bang Jammu và Kashmir, từ tháng 5/2020. Trung Quốc bị cáo buộc chiếm gần 1.000 cây số vuông lãnh thổ mà Ấn Độ đòi chủ quyền.


Ngũ Giác Đài: Bắc Kinh Yêu Cầu Mỹ Chớ Can Thiệp Vào Quan Hệ Trung-Ấn


(Hình: Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar chào các phóng viên trước phiên họp tại Tân Ðề Ly ngày 25/3/2022.)

- Trung Quốc cảnh báo Hoa Kỳ chớ can thiệp vào mối quan hệ của Bắc Kinh với Ấn Độ sau các cuộc đụng độ biên giới chết người giữa hai cường quốc Á Châu vào năm 2020, Ngũ Giác Đài cho biết trong một báo cáo.

Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã xuống dốc kể từ khi xảy ra cuộc đụng độ biên giới tồi tệ nhất giữa hai nước trong 45 năm qua khiến 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng. Kể từ đó, việc khai triển quân đội vẫn duy trì ở mức cao ở biên giới Himalaya, mặc dù hàng nhập cảng của Ấn Độ từ Trung Quốc đã tăng mạnh.

Ấn Độ là một phần của liên minh Quad với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc Ðại Lợi nhằm mục đích kiểm soát ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
“Trong suốt cuộc đối đầu, các viên chức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã tìm cách hạ thấp mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng, nhấn mạnh ý định của Bắc Kinh là duy trì ổn định biên giới và ngăn chặn cuộc đối đầu làm tổn hại đến các lĩnh vực khác trong mối quan hệ song phương của nước này với Ấn Độ”, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trong một báo cáo trước Quốc hội công bố ngày 29/11/2022.
“Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tìm cách ngăn chặn căng thẳng biên giới khiến Ấn Độ hợp tác chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ. Các viên chức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã cảnh báo các viên chức Hoa Kỳ chớ can thiệp vào mối quan hệ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với Ấn Độ”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên không đề cập đến báo cáo của Ngũ Giác Đài trong cuộc họp báo hàng ngày hôm 30/11. Tuy nhiên, ông cho biết cuộc tập trận chung Mỹ-Ấn trong tháng này không xa biên giới Trung Quốc, ở tiểu bang Uttarakhand, miền Bắc Ấn Độ, “không có lợi cho lòng tin giữa Ấn Độ và Trung Quốc”.

Ông Brahma Chellaney, một nhà phân tích các vấn đề chiến lược và quốc phòng ở Tân Ðề Ly, cho biết Trung Quốc có thể “thúc đẩy lợi ích của mình” bằng cách hạ thấp vị thế quân sự ở biên giới Himalaya trong khi bảo vệ các lĩnh vực khác trong mối quan hệ với Ấn Độ.

Đề cập đến những lời chỉ trích bên trong Ấn Độ về phản ứng của nước này đối với Trung Quốc, ông viết trên Twitter: “Trớ trêu thay, việc hạ thấp sự hung hăng lại cũng giúp cho những nỗ lực giữ thể diện của Ấn Độ”.


Nếu Trung Quốc Mở Cửa Trở Lại Hoàn Toàn, Ước Tính 1,3-2 Triệu Người Chết Vì Covid


(Hình: Người dân Bắc Kinh đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, 2/12/2022.)

- Hôm thứ Bảy (3/12/2022), người dân Bắc Kinh reo mừng về việc dỡ bỏ các điểm xét nghiệm COVID-19, cùng lúc, Thâm Quyến cho biết họ sẽ không còn yêu cầu hành khách xuất trình kết quả xét nghiệm khi đi lại, do Trung Quốc đang tăng tốc nới lỏng các biện pháp phòng chống virus.

Mặc dù các ca nhiễm hàng ngày gần đạt mức cao nhất tính đến nay, một số thành phố vẫn đang thực hiện các bước để nới lỏng các yêu cầu về xét nghiệm COVID và các quy định cách ly vào lúc Trung Quốc tìm cách làm sao cho chính sách “không COVID” của họ có trọng điểm hơn trong bối cảnh nền kinh tế bị suy thoái nghiêm trọng và công chúng bất bình đã dẫn đến tình trạng bất ổn, biểu tình.

Thành phố Thâm Quyến ở miền Nam tuyên bố sẽ không còn yêu cầu mọi người xuất trình kết quả xét nghiệm COVID âm tính mới được sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc vào công viên, sau các động thái tương tự ở Thành Đô và Thiên Tân.

Nhiều điểm xét nghiệm ở Bắc Kinh đã bị đóng cửa khi thủ đô Trung Quốc thôi yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm âm tính mới được vào những nơi như siêu thị và chuẩn bị áp dụng tương tự đối với việc đi tàu điện ngầm từ thứ Hai (5/12). Nhiều địa điểm khác, bao gồm các văn phòng, vẫn yêu cầu kết quả xét nghiệm.
Trung Quốc chuẩn bị thông báo tiếp tục nới lỏng các yêu cầu về xét nghiệm trên toàn quốc cũng như cho phép các ca dương tính và những người tiếp xúc gần được cách ly tại gia trong một số điều kiện nhất định, những người nắm vấn đề này nói với thông tấn xã Reuters trong tuần này.

Nhiều nhà phân tích nói họ tiên liệu rằng sớm nhất cũng phải sau tháng Ba Trung Quốc mới mở cửa trở lại đáng kể vì nước này trước tiên phải đạt được kết quả trong đợt chích ngừa mới khai triển nhắm vào người cao tuổi.
Có các ước tính là nếu Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn, số ca chết có thể dao động từ 1,3 triệu đến hơn 2 triệu người, tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng số người chết có thể giảm mạnh nếu đặt trọng tâm vào chích ngừa.

Hôm 3/12, Trung Quốc thông báo số ca nhiễm hàng ngày là 32.827, giảm so với 34.772 ca một ngày trước đó. Tính đến ngày 2/12, Trung Quốc ghi nhận 5.233 ca chết liên quan đến COVID và 331.952 ca biểu hiện triệu chứng.

Covid-19: Chủ Tịch Trung Quốc Không Muốn Chấp Nhận Vắc-Xin Phương Tây

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 3/12/2022, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Avril Haines cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình không muốn chấp nhận vac-xin của phương Tây, dù Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức vì Covid-19. Ngoài ra, việc chấm dứt chiến lược Zero Covid vẫn chưa được quyết định rõ ràng dù nhiều thành phố lớn nới lỏng biện pháp phòng dịch.

Phát biểu tại Diễn đàn Quốc phòng thường niên Reagan ở California, bà Avril Haines nhận định các cuộc biểu tình gần đây không phải là “mối đe dọa cho sự ổn định hoặc thay đổi chế độ” ở Trung Quốc, nhưng có thể tác động đến “danh tiếng của ông Tập”. Bà cũng khẳng định hiện giờ, ông Tập Cận Bình “không muốn sử dụng một loại vac-xin hiệu quả hơn của phương Tây và vẫn trông cậy vào vac-xin Trung Quốc dù không hiệu quả lắm đối với biến thể Omicron”.

Reuters nhắc lại Trung Quốc không công nhận bất kỳ vac-xin ngừa Covid nào của phương Tây và chỉ sử dụng hai loại vac-xin nội địa, kém hiệu quả hơn. Do đó, theo giới chuyên gia, nới lỏng các biện pháp phòng ngừa virus có thể sẽ dẫn đến những rủi ro lớn cho chính quyền Bắc Kinh. Dù hiện giờ số ca nhiễm thường nhật vẫn ở mức cao, chính quyền trung ương buộc phải nới lỏng một số biện pháp chống dịch do phong trào biểu tình phản đối gần đây.

Ngày 4/12, đến lượt Thượng Hải, có hơn 23 triệu dân, thông báo sẽ bỏ một số yêu cầu xét nghiệm kể từ thứ Hai (5/12). Cũng từ đầu tuần tới, người dân Bắc Kinh không cần trình xét nghiệm khi đi tàu điện ngầm hoặc vào một số cửa hàng, như siêu thị, nhưng nhân viên vẫn phải có xét nghiệm âm tính để đến văn phòng. Rất nhiều điểm xét nghiệm di động đã bị đóng cửa ở thủ đô. Tương tự, các thành phố Thâm Quyến, Thành Đô và Thiên Tân không yêu cầu người dân trình xét nghiệp Covid khi sử dụng phương tiện công cộng hoặc vào công viên.

Từng là niềm tự hào của Chủ tịch Tập Cận Bình, chính sách Zero Covid, được áp dụng từ 3 năm nay, đã chạm đến giới hạn: Kinh tế trì trệ, người dân mệt mỏi trong khi phần còn lại của thế giới đang ít nhiều sống chung với virus.


Núi Lửa Semeru ở Nam Dương Phun Trào, Người Dân Được Cảnh Báo Tránh Xa


(Hình ảnh ngọn núi lửa Semeru phun trào hôm 4/12/2022.)

- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay núi lửa Semeru trên đảo Java của Nam Dương phun trào vào sáng sớm Chủ Nhật (4/12/2022), phun cột tro bụi cao 1,5 cây số vào không trung, khiến giới hữu trách phải cảnh báo người dân tránh xa.

Cơ quan giảm nhẹ thiên tai của Nam Dương, BNPB, cảnh báo cư dân không tiến hành bất kỳ hoạt động nào trong vòng 5 cây số tính từ trung tâm núi lửa phun trào và cách bờ sông 500 mét do nguy cơ từ dòng dung nham.
BNPB cho biết trong một tuyên bố rằng núi lửa bắt đầu phun trào lúc 2 giờ 46 phút sáng.

Các đoạn video đăng trên mạng xã hội cho thấy những đám mây tro xám xuất hiện ở các khu vực gần đó.
Chính quyền Nam Dương đã phân phát khẩu trang cho cư dân địa phương, BNPB cho biết trong một tuyên bố, đồng thời cho biết thêm rằng hoạt động núi lửa vẫn ở cấp độ III, dưới cấp độ cao nhất là IV.

Với 142 núi lửa, Nam Dương có dân số lớn nhất toàn cầu sống gần núi lửa, trong đó có 8,6 triệu người trong phạm vi 10 cây số.


NHK: Cơ Quan Khí Tượng Nhật Bản Nói Không Có Nguy Cơ Sóng Thần Vì Núi Lửa Phun Trào ở Nam Dương


(Hình: Một người dân gần nơi núi lửa Semeru phun khói bụi hôm 4/12/2022.)

- Hôm Chủ Nhật (4/12/2022), Cơ quan Khí tượng Nhật Bản thông báo rằng không có nguy cơ sóng thần vì một ngọn núi lửa phun trào trước đó cùng ngày ở Nam Dương, đài truyền hình nhà nước NHK đưa tin.

Chính quyền Nam Dương đã nâng mức cảnh báo đối với núi lửa Semeru trên đảo Java lên mức cao nhất sau khi núi lửa này phun cột tro bụi cao lên không trung trong một đợt phun trào.

Trước đó, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết đang theo dõi khả năng xảy ra sóng thần sau khi núi lửa phun trào ở Nam Dương hôm Chủ Nhật, theo NHK.
Cơ quan giảm nhẹ thiên tai của Nam Dương, BNPB, khi đó đã không phản ứng ngay lập tức với cảnh báo nguy cơ sóng thần của Nhật Bản.

Núi lửa Semeru trên đảo Java của Nam Dương phun trào vào sáng sớm Chủ Nhật, phun cột tro bụi cao 1,5 cây số vào không trung, khiến các nhà chức trách phải cảnh báo người dân tránh xa khu vực phun trào.

Với 142 núi lửa, Nam Dương có dân số lớn nhất toàn cầu sống gần núi lửa, trong đó có 8,6 triệu người trong phạm vi 10 cây số.


Miến Điện: Tập Đoàn Quân Sự Tuyên Án Tử Hình 7 Sinh Viên!

- Ngày 3/12/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Volker Türk tiết lộ: Có thêm 7 sinh viên Miến Điện bị kết án tử hình.

Thứ Tư (30/11) vừa qua, một tòa án quân sự Miến Điện tuyên bản án nặng nhất nắm vào “tối thiểu 7 sinh viên”. Trên toàn quốc hiện có 139 tù nhân đang đợi thi hành án. Hãng tin Pháp AFP hiện chưa liên lạc được với phát ngôn viên của tập đoàn quân sự đặc trách về truyền thông ở hải ngoại để kiểm chứng tin trên.

Trong cuộc họp báo hôm 3/12/2022 Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Volker Türk tố cáo Naypyidaw “sử dụng án tử hình như một công cụ chính trị để tiêu diệt đối lập”. Giới tướng lĩnh Miến Điện “coi nhẹ những nỗ lực của ASEAN và cộng đồng quốc tế để chấm dứt bạo lực và tạo điều kiện để nối lại đối thoại chính trị” tại quốc gia Đông Nam Á này.

Vẫn Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho rằng quân đội Miến Điện “tiếp tục bí mật lập ra những phiên tòa xét xử” những tiếng nói bất đồng và đó là những phiên tòa “hoàn toàn vi phạm những nguyên tắc cơ bản của một cuộc xét xử công bằng”. Ông Volker Türk nói rõ hơn: Đây thường là những phiên xử chớp nhoáng được gói gọn trong một vài phút và phần lớn, các bị cáo không có luật sự bảo vệ và cũng không được tiếp xúc với gia đình.

Truyền thông địa phương cho biết thêm, những sinh viên vừa bị kết án tử hình trong tuần này là những người đang sống tại Rangoon. Họ đã bị bắt hồi tháng 4/2022 và bị cáo buộc liên quan đến một vụ nổ súng nhắm vào một ngân hàng tại Miến Điện. Công đoàn bảo vệ sinh viên thuộc Đại học Dagon trong một thông cáo lên án quân đội Miến Điện “trả thù” giới sinh viên không chấp nhận cuộc đảo chính hồi tháng 2/2021 lật đổ chế độ dân sự.

Tháng 7/2022 bốn người đã bị hành quyết trong đó có cựu Nghị sĩ Phyo Zeya Thă và nhà đấu tranh dân chủ Kyaw Min Yu. Đây là vụ hành quyết đầu tiên diễn ra tại Miến Điện từ ba thập niên qua.


Tổng Thống Phi Luật Tân Cho Biết Hiệp Ước Phòng Thủ Chung Với Hoa Kỳ Đang Tiến Triển


(Hình: Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. và Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris.)

- Đài Á Châu Tự Do đưa tin cho hay vào ngày 1/12/2022 vừa qua, Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. cho biết Hiệp ước phòng thủ chung nhiều thập niên qua giữa Phi Luật Tân và Hoa Kỳ tiếp tục được bàn thảo và tiến triển.

Phát biểu vừa nêu của Tổng thống Phi Luật Tân được đưa ra khi báo giới yêu cầu xác nhận về tin ông có chỉ thị rà soát lại Hiệp ước Phòng thủ Chung 1951 giữa hai phía. Ông Ferdinand Marcos Jr. còn cho rằng hy vọng vào đầu sang năm sẽ có những cập nhật cụ thể hơn.

Một thông tin khác cũng được Tổng thống Phi Luật Tân cho báo giới biết là phía Hoa Kỳ đã có đưa ra những yêu cầu theo Thỏa ước Hợp tác Phòng thủ Tăng cường mà hai phía ký vào tháng Tư năm 2014. Theo thỏa thuận này thì Hoa Kỳ được luân chuyển quân đến Phi Luật Tân với thời hạn kéo dài thêm và xây dựng, vận hành những cơ sở tại các căn cứ của quân đội Phi Luật Tân.

Vào cuối tháng 11 vừa qua, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đến thăm Phi Luật Tân với cam kết sẽ thực thi Hiệp ước Phòng thủ chung và giúp bảo vệ đồng minh lâu đời Phi Luật Tân trong trường hợp lực lượng vũ trang của chính phủ Manila bị tấn công tại Biển Đông.
Cũng tại cuộc họp báo vào ngày 1/12, Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. khẳng định trong trường hợp cần thiết Manila sẽ thăm dò dầu khí dù không có sự đồng thuận của Bắc Kinh.

Cựu Tổng thống Rodrigo Duterte trước đây ký với Trung Quốc thỏa thuận khai tác chung với Trung Quốc; tuy nhiên hợp tác này không thể khai triển vì tuyên bố đơn phương về chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển này của Bắc Kinh.

Theo ông Ferdinand Marcos thì đó là ngăn trở mà chưa có cách giải quyết; tuy nhiên ông cho rằng đang suy nghĩ tìm những cách thức khác. Người đứng đầu chính phủ Manila thừa nhận Phi Luật Tân cần nguồn dầu khí nên họ phải đấu tranh để có được tài nguyên đó nếu như thực sự nó đang trong vùng biển của nước này.

Vào tháng Tám vừa qua, Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân cho biết nước này sẵn sàng đàm phán khả năng thăm dò với bất cứ nước nào miễn là theo luật pháp của Phi Luật Tân.Tổng thống Phi Luật Tân cho biết Hiệp ước Phòng thủ Chung với Hoa Kỳ đang tiến triển.

Ngũ Giác Đài: Đối Đầu Mỹ và Trung Quốc Trước Thời Điểm “Then Chốt”

- Hơn bao giờ hết Hoa Thịnh Ðốn cần tăng cường sức mạnh quân sự để bảo vệ những giá trị của Hoa Kỳ. Giữa hai cường quốc nguyên tử là Nga và Trung Quốc thì Bắc Kinh là “mối đe dọa lớn hơn cả”. Kết thúc Diễn đàn Quốc phòng Quốc gia Reagan, tại Simi Valley, California, hôm 3/12/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tuyên bố như trên.

Theo hãng tin Mỹ AP, một lần nữa Trung Quốc là trọng tâm bài diễn văn của lãnh đạo Ngũ Giác Đài. Tướng Austin nhấn mạnh: Hoa Kỳ đang ở vào thời điểm “then chốt” trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Mỹ cần tăng cường sức mạnh quân sự vào lúc mà Bắc Kinh đang muốn áp đặt những chuẩn mực của Trung Quốc cho thế kỷ 21. Trung Quốc là quốc gia “duy nhất có quyết tâm và khả năng càng lúc càng lớn để thiết lập một trật tự mới trong khu vực và với toàn thế giới” theo những giá trị của nước này. Nhưng Hoa Thịnh Ðốn “sẽ không để điều đó xảy ra”.

Đành rằng điểm nóng hiện nay là chiến tranh Ukraine, nhưng Mỹ sẽ không để bị lôi kéo vào cuộc chiến mà ông Vladimir Putin đã tiến hành. Hoa Thịnh Ðốn ý thức được rằng “những năm sắp tới đây mang tính quyết định trong cuộc đọ sức giữa Hoa Kỳ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, an ninh của Âu Châu, thế giới sẽ được sống trong tự do và rộng mở hay dưới áp lực của “sức mạnh và nỗi sợ hãi”, điều đó “tùy thuộc” vào cuộc đọ sức này. Do vậy, tướng Lloyd Austin cho rằng, Mỹ cần tăng cường ngân sách quân sự để đối mặt với thách thức mà Trung Quốc đang đặt ra. Trong một thế giới không hoàn hảo, “sức mạnh là một khả năng răn đe”.

AP nhắc lại, báo cáo của Ngũ Giác Đài công bố hôm 28/11/2022 thẩm định Trung Quốc nắm giữ khoảng 1.500 đầu đạn nguyên tử từ nay cho đến khoảng năm 2035. Cách nay 2 ngày, Hoa Thịnh Ðốn cho ra mắt công chúng B-21 Raider, máy bay ném bom chiến lược tàng hình thế hệ mới nhất với dụng ý răn đe các đối thủ của Hoa Kỳ, đứng đầu là Nga và Trung Quốc.


Donald Trump Đòi “Chấm Dứt” Bản Hiến Pháp của Hoa Kỳ

- Ngày 4/12/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vẫn chưa chấp nhận kết quả bầu cử năm 2020.

Trên mạng xã hội Social Truth ngày 3/12/2022, Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ đánh giá bầu cử “gian lận (ở quy mô lớn) nên cần chấm dứt toàn bộ các nguyên tắc và quy định (…) kể cả trong Hiến pháp”.

Hai năm sau cuộc bầu cử Tổng thống hồi năm 2020, Donald Trump vẫn quy trách nhiệm cho các tập đoàn kỹ thuật cao của Mỹ “hợp tác chặt chẽ với bên Đảng Dân chủ” tạo thuận lợi đưa Joe Biden vào Tòa Bạch Ốc. Do vậy, theo ông, “những nhà Lập pháp vĩ đại” của Hoa Kỳ sẽ “không muốn và không chấp nhận các cuộc bầu cử sai trái và gian lận”.

Đài truyền hình Mỹ CNN cho rằng Donald Trump kêu gọi dẹp bỏ bản Hiến pháp, hủy kết quả bầu cử Tổng thống 2020, để có thể trở lại cầm quyền. Nhưng tuyên bố này nuôi dưỡng các thuyết âm mưu.

Một ngày trước phát biểu của cựu Tổng thống Trump, mạng xã hội Twitter đăng tài liệu về những hành vi “đàn áp tự do ngôn luận” trên mạng xã hội vừa thuộc về nhà tỉ phú Elon Musk. Hồ sơ tập trung vào một bài báo trên New York Post hồi tháng 10/2020, tức một tháng trước bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ cách nay hai năm. Nội dung bài viết cáo buộc Hunter Biden, con trai ứng viên Joe Biden, đối thủ của Trump, lạm dụng uy tín, giúp thân phụ của ông liên hệ với một doanh nhân Ukraine. Cách nay hai tuần, Donald Trump vừa thông báo lại ra tranh cử Tổng thống Mỹ. Đầu tuần này, cựu Tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố ủng hộ những người đã xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 6/1/2021 trên đồi Capitol.

Tòa Bạch Ốc lập tức mạnh mẽ chỉ trích tuyên bố của cựu Tổng thống Trump. Phát ngôn viên phủ Tổng thống Hoa Kỳ Andrew Bates cho rằng “tấn công vào bản Hiến pháp” Mỹ là điều “không thể chấp nhận” được.

Không có nhận xét nào: