(Hình: Sandy Huỳnh. Từ Marina Police Department)
Người Việt Bắc California, Tin Không Vui:
Một Cô gái Việt mất tích tại Bắc California!
Nhà chức trách trong vùng Marina về phía nam San Francisco đang nhờ công chúng giúp tìm một phụ nữ trẻ tuổi bị mất tích một tuần qua. Cô Sandy Thi Huỳnh, 20 tuổi, còn có tên gọi là Catalina, đã mất tích từ ngày 5 tháng 12.
Trong tuần qua, cảnh sát Marina từng kêu gọi sự giúp đỡ của người dân. Nay họ kêu gọi một lần nữa vì vẫn chưa tìm ra cô gái gốc Việt này.
<!>
Cảnh sát nói rằng Sandy Thi Huỳnh có rủi ro gặp nguy hiểm, tuy nhiên, họ không nói thêm chi tiết về sự rủi ro này.
Gia đình trình báo với cảnh sát ngày 5 tháng 12, mà thật sự các thân nhân đã không thấy cô ta từ ngày 3 tháng 12.
Mở cuộc điều tra, cảnh sát được biết Sandy Thi Huỳnh được thấy lần chót vào sáng thứ Bảy, 3 tháng 12, trong phòng tiếp tân của khách sạn Comfort Inn ở địa chỉ 140 Beach Road tại Marina. Các nhân viên cho biết Sandy vào khách sạn dùng ổ điện để sạc điện thoại.
(Hình: Sandy Huỳnh từng được thấy ở khách sạn Comfort Inn sáng sớm ngày 3 tháng 12, 2022. Từ Marina Police Department)
Sandy Huỳnh nói với các nhân viên rằng cô đã ngoài bãi biển, và cô rời phòng tiếp khách của khách sạn vào khoảng 4 giờ sáng. Khách sạn đã cung cấp cho cảnh sát video giám sát có hình ảnh của Sandy.
Cảnh sát xem hình ảnh, nhận thấy Sandy đã cầm theo một tấm mền và một túi đeo trên lưng màu đen hoặc xanh đậm.
Sandy Huỳnh cao 5 feet, 4 inches (1.62 mét), nặng 100 pounds (45 kg). Cô ta có mái tóc dài nhuộm đỏ. Lần cuối được thấy mặc áo trùm đầu màu xám với nhãn hiệu "Aeropostale" ở phía trước và mang vớ dài đen.
Nếu quý vị có thông tin về Sandy Thi Huỳnh, xin gọi số cảnh sát Marina 831-384-7575.
Một Ông Việt bị bắt trong lúc lái xe ăn cắp tại Sunnyvale!
(Ảnh: Dương Thảo đã cố thủ trong xe từ đêm thứ Năm đến sáng thứ Sáu tuần qua, tại Sunnyvale. Photo: Sunnyvale DPS)
- Một ông 56 tuổi đã bị cảnh sát bắt sau một cuộc cố thủ căng thẳng tại Sunnyvale, Bắc California. Đội cảnh sát cảm tử SWAT đã được gọi đến để bắt ông này.
Sở Cảnh Sát Sunnyvale cho biết vụ bắt ông Dương Thảo xảy ra hôm thứ Năm, 8 tháng 12. Đến thứ Hai đầu tuần này Sở mới thông báo chi tiết về vụ ăn cắp xe của ông Thảo.
Họ cho biết vụ đối đầu xảy ra vào khoảng 10 giờ 45 đêm thứ Năm trong khu vực đường Poplar Avenue và Poplar Court. Ông đã ăn cắp một chiếc xe trước đó trong cùng ngày.
Cảnh sát cho biết ông Dương Thảo đang trong thời gian giám sát vì từng phạm tội tương tự vào năm ngoái.
Khi biết mình bị cảnh sát phát hiện, Dương Thảo đã tìm cách lái xe bỏ chạy. Thế nhưng cảnh sát đã rượt đuổi và cuối cùng bao vây ông ở góc đường Poplar Avenue và Poplar Court, nơi mà cuộc cố thủ bắt đầu, kéo dài qua nửa đêm đến 2 giờ sáng hôm sau.
Sở Cảnh Sát Sunnyvale đã gọi đội cảm tử SWAT đến trợ giúp cảnh sát tuần tra. Ngoài ra họ cũng có máy bay drone theo dõi từ trên không, cùng các chuyên viên đối phó trường hợp khẩn cấp.
Đến 2 giờ sáng thì ông Thảo đầu hàng, không gây phiền thêm cho lực lượng cảnh sát. Bản tin của nhà chức trách chưa cho biết lúc nào ông ta sẽ hầu tòa.
Chúc Mừng Năm Mới 2023! Nhìn Lại Năm Qua 2022!
Nghề Làm Báo, Vẫn Là Nghề Nguy Hiểm Số Một! Phóng Viên Không Biên Giới: Số Nhà Báo Bị Giam Giữ Đạt Kỷ Lục Trong Năm 2022!
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay Theo báo cáo thường niên mà tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) của Pháp công bố hôm 14/12/2022, tính đến ngày 1/12/2022, trên thế giới có tổng cộng 533 nhà báo bị giam giữ trong tù.
Con số các nhà báo bị bỏ tù như vậy đã tăng 13,4% trong vòng 1 năm. Số nhà báo bị giết hại là 57, tăng 18% so với năm trước. Đây là những kỷ lục mới đáng buồn đối với tự do báo chí.
Phát ngôn viên RSF, Pauline Ades-Mevel, nhận định “chưa bao giờ RSF thấy số nhà báo bị cầm tù cao đến như vậy”. Điều này khẳng định rằng các chế độ chuyên chế vẫn tiếp tục bỏ tù, thậm chí không qua xét xử, các nhà báo “làm phiền” chế độ. Chỉ hơn 1/3 số nhà báo bị xét xử trước khi bị bỏ tù và ngày càng có nhiều nhà báo nữ bị cầm tù. Đối với RSF, tình hình rất đáng lo ngại.
Với 39 nhà báo bị giam giữ, Việt Nam cùng với Trung Quốc (110), Miến Điện (62), Iran (47) và Bélarus (31) là những nước bị tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới xếp vào danh sách các “nhà tù lớn nhất thế giới”. Hơn một nửa số nhà báo hiện bị giam giữ trong tù là ở các nước nói trên. Báo cáo của RSF cũng cho biết số nhà báo bị cầm tù tại Việt Nam đã tăng gần gấp đôi sau 5 năm.
Theo RSF, Iran đã “trở thành một trong những chốn ngục tù tệ nhất đối với các nhà báo” do Iran trấn áp người biểu tình và các nhà báo đưa tin về phong trào đấu tranh chống chế độ Hồi Giáo Tehran trong những tháng qua. Về Trung Quốc, dù vẫn dẫn đầu danh sách các nước bỏ tù nhà báo, nhưng số nhà báo bị giam giữ đã giảm nhẹ.
Về số nhà báo bị giết hại, con số năm vừa qua đã tăng thêm 18%, lên thành 57 người. Số nhà báo, phóng viên hiện vẫn bị bắt làm con tin là 65, đơn cử trường hợp nhà báo Pháp Olivier Dubois, bị một nhóm khủng bố Hồi giáo trực thuộc Al-Qaeda giữ làm con tin từ 20 tháng nay. Ngoài ra, RSF cũng ghi nhận 49 nhà báo bị mất tích.
Nhìn Lại Năm Qua, RSF Tố Cáo: Số Nhà Báo Bị Giam Tù Năm 2022 Lên Mức Kỷ Lục! Nhất Là Tại Việt Nam!
(Hình: Nhà báo Phạm Đoan Trang, người đang phải thụ án tù 9 năm với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước”.)
- Đài Á Châu Tự Do đưa tin cho hay vào ngày 14/12/2022, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF), trụ sở chính tại Pháp, ra thông cáo báo chí về con số kỷ lục 533 nhà báo hiện đang bị giam tù khắp nơi trên thế giới trong năm 2022. Ngoài ra trong năm qua còn có 57 nhà báo bị sát hại khi tác nghiệp, 65 nhà báo đang bị bắt làm con tin và 49 người mất tích.
Tổng Thư ký RSF Christophe Deloire được dẫn lời trong thông cáo rằng: “Các thể chế độc tài-toàn trị đang lấp chỗ trống trong các nhà tù của họ nhanh chóng hơn qua việc giam cầm các nhà báo. Kỷ lục mới về số nhà báo bị bỏ tù khẳng định nhu cầu cấp thiết phải chống lại những chính phủ vô đạo đó và lan tỏa đoàn kết tích cực đến với những ai mang lý tưởng tự do báo chí, độc lập và đa nguyên”.
Thông cáo cũng nhắc đến trường hợp các nhà báo VN bị nhà cầm quyền giam giữ, trong đó có nữ nhà báo Phạm Đoan Trang. Theo đó, nội dung chỉ trích Chính phủ trong các bài viết của bà là lý do để bà phải chịu án 9 năm tù theo cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước”. Sau 2 năm bị giam giữ ở Hà Nội, nay bà phải thụ án tại một nhà tù cách gia đình 1.000 cây số. Biện pháp này bị cho là nhằm bưng bít thông tin về tình hình sức khỏe của tù nhân. Nhà báo Phạm Đoan Trang từng được trao giải “Tác động” của RSF năm 2019.
Theo RSF, ngoài nhà báo Phạm Đoan Trang, còn ba nhà báo nữ khác bị giam tù tại Việt Nam.
RSF xếp Cộng sản Việt Nam vào nhóm 5 quốc gia giam giữ nhiều nhà báo nhất trên thế giới. Trung Quốc có tổng cộng 110 nhà báo bị giam tù, Miến Ðiện 62, Iran 47, Việt Nam 39 và Belarus 31.
Theo RSF, dưới chế độ toàn trị Cộng sản do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu, những nỗ lực đàn áp báo chí độc lập vẫn tiếp diễn. Trong thời gian 5 năm, số nhà báo bị cầm tù tăng gấp đôi.
(Hình: Một phụ nữ Somali và con đang chờ được phân phối chỗ ở tại một trại dành cho những người di tản vì hạn hán tại vùng ngoại ô Dollow, Somalia, ngày 20/9/2022.)
Trong một năm được đánh dấu bằng lũ lụt, bão tố và hạn hán liên quan đến khí hậu, chính phủ và các công ty buộc phải xem xét kỹ hơn các rủi ro tài chánh và trách nhiệm pháp lý
Điều này thể hiện rõ ràng nhất tại hội nghị khí hậu của Liên Hiệp Quốc ở Ai Cập, nơi các quốc gia đã đạt được thỏa thuận mang tính bước ngoặt để thành lập một quỹ giúp các nước nghèo đối phó với chi phí thảm họa do khí hậu gây ra.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán COP27 tại Ai Cập không mấy giải quyết được nguyên nhân của những thảm họa đó - mức độ khí nhà kính ngày càng tăng trong khí quyển.
Tiến độ chậm chạp trong việc giải quyết biến đổi khí hậu đã khiến các quốc gia dễ bị tổn thương quyết tâm phê duyệt cái gọi là quỹ Tổn thất và Thiệt hại – sau một năm thiên tai thời tiết khắc nghiệt bao gồm các đợt nắng nóng kỷ lục từ Hoa Kỳ đến Trung Quốc, các sông băng sụp đổ ở Ấn Độ và Âu Châu, và hạn hán kéo dài đẩy hàng triệu người đến nạn đói ở Đông Phi.
Các công ty bảo hiểm ‘ngấm đòn’ khi năm 2022 xảy ra ba trong số những thảm họa tốn kém nhất trong thập kỷ - lũ lụt ‘đáng sợ’ gây thiệt hại 40 tỉ Mỹ kim cho Pakistan, một loạt đợt nắng nóng mùa Hè chết người gây ra tổng thiệt hại hơn 10 tỉ Mỹ kim cho Âu Châu và Bão Ian tàn phá hai tiểu bang Florida và South Carolina của Mỹ với thiệt hại 100 tỉ Mỹ kim, theo công ty mô hình hóa rủi ro RMS.
Quỹ Tổn thất và Thiệt hại cũng đánh dấu một cuộc đảo chính ngoại giao của các quốc gia nghèo, sau nhiều thập kỷ phản đối của Hoa Kỳ và Âu Châu vì lo ngại nó có thể khiến họ phải chịu trách nhiệm về lượng khí thải lịch sử của mình. Nhưng các quốc gia đã đồng ý rằng quỹ sẽ rút tiền từ các tổ chức tài chánh hiện có chứ không phải các quốc gia giàu có, làm giảm bớt những lo ngại về trách nhiệm pháp lý.
Tại Sao Biến Đổi Khí Hậu Quan Trọng
Khi các nhóm giám sát chỉ trích các công ty không chịu tiết lộ mức độ mà biến đổi khí hậu đe dọa tài chánh với họ như thế nào, các nhà đầu tư phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng cả về việc đi quá xa lẫn chưa đủ xa để giải quyết các rủi ro khí hậu.
Bà Katharine Hayhoe, một nhà khí hậu học người Gia Nã Ðại và là khoa học gia trưởng tại Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên, nói: “Có một số đang lừa dối khách hàng vì quảng cáo thân thiện với môi trường nhưng thực tế không phải vậy”.
Bà Hayhoe và những người khác cảnh báo về sự nguy hiểm của biến đổi khí hậu cũng không thoát khỏi sự chỉ trích. Một số nhà hoạt động phê phán họ về việc đi máy bay tới dự các hội nghị hay tiêu thụ thịt tại các hội nghị.
Tại một số thời điểm, người biểu tình ném súp và sơn cùng một số hình thức biểu tình khác kể cả tự dán mình.
“Tôi hiểu rồi”, bà Hayhoe nói. “Đó là một phản ứng tâm lý đối với nỗi sợ hãi thực sự mà mọi người cảm thấy khi họ bắt đầu hiểu được tầm quan trọng của vấn đề này”.
Những người khác tìm cách đưa sự bất bình của họ ra tòa. Tính đến hôm nay, có 2.176 vụ kiện liên quan đến khí hậu đang diễn ra trên khắp thế giới, trong đó có 654 vụ được đệ trình tại các phòng xử án của Hoa Kỳ, theo Trung tâm Luật Biến đổi Khí hậu Sabin tại Đại học Columbia.
Và các nhà khoa học và kinh tế học đang đạt được những bước tiến xa hơn trong việc tính toán chính xác mức độ mà hoạt động của một quốc gia có thể đã góp phần vào biến đổi khí hậu – và những thảm họa cụ thể. Dòng lập luận này, được gọi là “khoa học quy kết khí hậu”, đã được đưa vào nhiều phòng xử án hơn.
Ông Michael Burger, Giám đốc điều hành của Trung tâm Sabin, cho biết: “Cho đến nay, đó là cuộc chiến của các chuyên gia trên giấy tờ”. “Những gì chúng tôi chưa thấy là một phiên xử thực tế” đưa ra bằng chứng về việc quy một phần trăm nghĩa vụ nhất định cho một công ty hoặc quốc gia gây ô nhiễm khí hậu.
Nhưng đó chỉ là vấn đề thời gian, các chuyên gia nói.
Biến Đổi Khí Hậu Có Ý Nghĩa Gì Cho Năm 2023?
Trong năm mới, công chúng sẽ có nhiều lo lắng hơn khi biến đổi khí hậu tiếp tục leo thang – và nhiều lo lắng hơn giữa các công ty và chính phủ về trách nhiệm và rủi ro.
Các công ty và nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với áp lực phải chống chọi với biến đổi khí hậu đối với chuỗi cung ứng và hoạt động của họ.
Các phòng xử án sẽ chứng kiến nhiều vụ án khí hậu hơn được đệ trình - tập trung cả vào việc thách thức chính phủ các nước tăng cường tham vọng chính sách khí hậu của họ và buộc các tập đoàn phải chịu trách nhiệm về khí thải hoặc các hành vi gian dối của họ.
Vào cuối năm, các quốc gia sẽ gặp lại nhau tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tiếp theo của Liên Hiệp Quốc, COP28, tại Dubai. Và họ sẽ chịu thêm áp lực để thấy rằng lượng khí thải được cắt giảm một nửa vào năm 2030 và bằng zero vào năm 2050 là con đường duy nhất để kèm sự hâm nóng toàn cầu trong vòng 1,5 độ C.
Chúc Mừng Năm Mới 2023, Nhìn Về Tương Lai: Ấn Độ Có Thể Trở Thành Nền Kinh Tế Lớn Thứ Ba Thế Giới Vào Năm 2030!
(Hình: Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.)
Nền kinh tế Ấn Độ đang tăng trưởng nhanh nhất trong số các nền kinh tế lớn, đặt nước này trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trước cuối thập niên này, theo các dự báo tài chánh.
Trong lúc các công ty ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ và tăng lương, có một làn sóng lạc quan trong giới chuyên môn.
“Có những dự báo tốt cho nền kinh tế Ấn Độ. Ngoài ra, ngay cả trong vòng bạn bè của chúng tôi, rất nhiều người đang thay đổi công việc, chuyển đến những chỗ ngon hơn”, ông Jaideep Manchanda, một chuyên gia tiếp thị ở Tân Ðề Ly, người vừa mua một chiếc xe hơi mới, nói. Ông cho biết thêm: “Vợ chồng tôi cũng vậy, vợ tôi gần đây đã chuyển sang một công việc mới”.
Những người tiêu dùng như ông Manchanda và vợ ông, Tanya Tandon, đang đẩy nhu cầu trong nước khi Ấn Độ trỗi dậy mạnh mẽ sau đại dịch COVID chẳng hạn như ngành xe hơi đã ghi nhận doanh số bán hàng cao nhất từ trước đến nay trong tháng 11. Đầu tư mới đang chảy vào nước này, giúp nước này đứng vững trước xu hướng tăng trưởng chậm lại ở hầu hết các nước.
Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng gần 7% trong năm nay bất chấp những bất ổn kinh tế do cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Đà tiến đó có thể sẽ tiếp tục, giúp nước này vượt qua Nhật Bản và Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, theo một dự báo gần đây của công ty đầu tư Morgan Stanley và S&P Global có trụ sở tại New York.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán Ấn Độ sẽ đạt được vị trí đó vào năm 2028. Hoa Kỳ và Trung Quốc là những nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới về nền kinh tế Ấn Độ được công bố vào tháng 12 cũng cho biết Ấn Độ có vị thế tương đối tốt để vượt qua những cơn gió ngược toàn cầu so với hầu hết các thị trường mới nổi khác.
“Nền kinh tế Ấn Độ đã có khả năng phục hồi đáng kể trước môi trường bên ngoài đang xấu đi”, ông Auguste Tano Kouame, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới, cho biết khi công bố báo cáo “Điều hướng cơn bão” vào đầu tháng này.
Theo Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Ấn Độ tương đối biệt lập một phần vì nước này có thị trường nội địa lớn và tương đối ít tiếp xúc với thương mại quốc tế.
Tăng trưởng dự kiến sẽ giảm trong năm tới do giống như nhiều quốc gia khác, Ấn Độ phải vật lộn với lạm phát sau khi giá lương thực và nhiên liệu toàn cầu tăng vọt. Một cuộc suy thoái toàn cầu tiềm ẩn cũng gây rủi ro cho đà tiến kinh tế của nước này.
Tuy nhiên, điều đó không làm giảm đi sự lạc quan. Theo Abhijit Mukhopadhyay, một nhà kinh tế tại Tổ chức Nghiên cứu Quan sát ở Tân Ðề Ly: “Ngay cả khi nền kinh tế tăng trưởng ổn định ở mức khoảng 5,5% hoặc 6% cũng sẽ rất đáng chú ý”. “Rất nhiều thay đổi đang diễn ra trên khắp thế giới và chúng tôi hy vọng rằng một số trong đó sẽ có lợi cho nền kinh tế Ấn Độ”.
Các cơ hội mới đang mở ra cho Ấn Độ khi căng thẳng thương mại và địa chính trị giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ngày càng sâu sắc, các nhà phân tích cho biết.
Trong nhiều thập niên, các nhà đầu tư toàn cầu đã đổ xô đến Trung Quốc để thành lập các nhà máy trong khi lĩnh vực sản xuất của Ấn Độ tụt hậu, kìm hãm nền kinh tế. Những nỗ lực của Thủ tướng Narendra Modi nhằm thúc đẩy chiến dịch “Sản xuất tại Ấn Độ” kể từ khi ông nhậm chức cách đây 8 năm đã vấp phải phản ứng hờ hững, nhưng điều đó có thể đang thay đổi.
Trong chuyến thăm Tân Ðề Ly vào tháng trước, Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen đã nói về việc xây dựng mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Ấn Độ.
“Hoa Kỳ đang theo đuổi một cách tiếp cận được gọi là chuyển sản xuất đến những nước cùng phe để đa dạng hóa khỏi các quốc gia có rủi ro địa chính trị và rủi ro an ninh đối với chuỗi cung ứng của chúng tôi. Để làm được như vậy, chúng tôi đang tích cực tăng cường hội nhập kinh tế với các đối tác thương mại đáng tin cậy như Ấn Độ”, bà Yellen phát biểu trước các nhà lãnh đạo kỹ thuật tại một cơ sở của Microsoft.
Các nhà phân tích nói rằng nhiều công ty đang cân nhắc tới Ấn Độ khi họ xem xét bổ sung năng lực sản xuất tại quốc gia thứ hai ngoài Trung Quốc.
Công ty kỹ thuật Apple có trụ sở tại Hoa Kỳ dự kiến sẽ chuyển một số hoạt động sản xuất iPhone sang Ấn Độ và mở rộng quy mô trong ba năm tới. Công ty điện tử Đài Loan Foxconn và tập đoàn địa phương Vedanta đã công bố khoản đầu tư 19,5 tỉ Mỹ kim để sản xuất chất bán dẫn ở tiểu bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ.
“Bây giờ, sau Trung Quốc, Ấn Độ có thể được coi là nơi tiếp theo sẽ tăng trưởng. Đây là kỳ vọng và những dấu hiệu ban đầu đã có”, nhà kinh tế học Mukhopadhyay chỉ ra. “Đó là lý do tại sao rất nhiều đầu tư toàn cầu, đầu tư trực tiếp và rất nhiều vốn tài chánh toàn cầu hiện đang đặt cược vào Ấn Độ”.
Chính phủ của ông Modi đang nỗ lực thu hút các công ty bằng cách đưa ra các ưu đãi để sản xuất ở Ấn Độ và đầu tư hàng tỉ Mỹ kim vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng ọp ẹp của đất nước vốn từ lâu đã cản trở các nhà đầu tư.
Tâm trạng của các chuyên gia Ấn Độ, những người thường tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp ở ngoại quốc, nay đang lạc quan. Giờ đây, nhiều người cảm thấy làm việc ở nội địa tốt hơn, đặc biệt là sau khi hàng chục ngàn công nhân thuộc các công ty kỹ thuật hàng đầu bị sa thải. Việc này ảnh hưởng đến nhiều người Ấn Độ
Tanya Tandon, một chuyên gia tiếp thị cho biết: “Ấn Độ có tiềm năng lớn trong các lĩnh vực, trên các khu vực địa lý và trên các thành phố lớn và nhỏ”.
Duy trì tốc độ tăng trưởng cao sẽ rất quan trọng đối với Ấn Độ, quốc gia có 1,4 tỉ dân, vẫn cần giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo và cũng phải đối mặt với thách thức lớn trong việc tạo việc làm cho dân số trẻ, khổng lồ của mình.
Tin Nóng Thế Giới Đó Đây:
Hội Nghị Paris: Quốc Tế Cam Kết Hơn Một Tỉ Mỹ Kim Viện Trợ Khẩn Cấp Cho Ukraine
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay sau cuộc họp quốc tế hôm 13/12/2022 tại Paris, cộng đồng quốc tế huy động hơn 1 tỉ Mỹ kim viện trợ cho Ukraine. Cùng ngày, khoảng 700 doanh nghiệp trên thế giới họp tại trụ sở của tại bộ Kinh Tế Pháp để bàn về kế hoạch tái thiết Ukraine.
Họp báo chung tại Paris với Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna, Thủ tướng Ukraine, Denis Chmygal, tuyên bố: Với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, đất nước ông sẽ không “bị chìm trong bóng tối” và đây là một tín hiệu “mạnh mẽ thế giới văn minh” hỗ trợ Ukraine.
Đại diện của gần 50 quốc gia và khoảng 20 tổ chức quốc tế tập hợp về Paris trong 2 ngày 13 và 14/12/2022 tìm kiếm những giải pháp cụ thể giúp đỡ Ukraine sau các đợt oanh kích của Nga nhắm vào cơ sở hạ tầng, vào các nhà máy điện, nước của quốc gia này.
Theo các thống kê sơ khởi trong số hơn 1 tỉ Mỹ kim nói trên, gần một nửa nhằm giúp Ukraine tái thiết hệ thống điện, 25 triệu được dành để xây dựng lại các hệ thống cung cấp nước, 38 triệu nhằm giúp đỡ lương thực, 17 triệu dành cho y tế và 22 triệu Mỹ kim sẽ được dùng vào việc tái thiết khu vực giao thông. Stéphane Siohan, thông tín viên đài RFI từ Kyiv (thủ đô của Ukraine) cho biết thêm về tình hình tại chỗ:
“Milan Zaitsev đặc trách các dự án tại Vostok SOS, một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ cho người dân Ukraine trong vùng Donbass từ khi chiến tranh khai mào trong khu vực này hồi 2014.
Vừa công tác tại miền Nam và miền Đông Ukraine trở về, anh ghi nhận đến nay những khoản trợ giúp không thấm vào đâu so với nhu cầu thực sự to lớn: ‘Cung cấp được vài chục, và cao lắm là khoảng một trăm bình điện cho dân cư tại đây. Làm sao đủ để đáp ứng nhu câu vô cùng to lớn tại quốc gia này? Gần đường chiến tuyến, nhu cầu không lớn như tại các thành phố như Kyiv hay Lviv. Còn tại các vùng vừa mới được giải phóng khỏi ách chiếm đóng Nga, nơi mà dân cư đã bỏ chạy, thì nhu cầu về điện lực đã giảm mạnh.
Theo Milan, viện trợ khẩn cấp là một chuyện, nhưng đồng thời cũng cần phải bảo vệ Ukraine bằng những phương pháp hiệu quả hơn. Anh nói ở đây người ta cần nhiều trang thiết bị để tái thiết nhưng chúng tôi cũng cần phải giữ gìn được những gì đang có và vẫn còn có thể sử dụng được. Milan cho biết tiếp, đương nhiên Ukraine cần được viện trợ về quân sự.
Tối qua báo chí tại Kyiv đương nhiên bình luận nhiều về hội nghị Paris huy động viện trợ cho Ukraine. Nhưng tin vui trong ngày đến từ phía Hoa Kỳ. Hoa Thịnh Ðốn thông báo khả năng cấp phi đạn Patriot cho Ukraine. Đây là một hệ thống phòng không chống phi đạn”.
Chiến Tranh Ukraine: Mỹ Có Kế Hoạch Giao Hệ Thống Phi Đạn Patriot Cho Kyiv
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay Mỹ chuẩn bị giao cho Ukraine phi đạn Patriot, một trong những hệ thống phi đạn được xem là tiên tiến nhất hiện nay.
Thông tin được loan tải ngày 13/12/2022 trong bối cảnh Kyiv trong những ngày qua đã đề nghị các nước Tây phương giao cho Ukraine các hệ thống phòng không, trong đó có Patriot của Mỹ, để đối phó với các vụ oanh kích ồ ạt của Nga, chủ yếu nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.
Thông tấn xã Reuters trích dẫn Đại tá hồi hưu Alexander Vindman, người từng phụ trách chính sách của Tòa Bạch Ốc về Ukraine dưới thời Tổng thống Donald Trump, theo đó việc Mỹ cấp phi đạn Patriot cho Kyiv là “rất, rất có ý nghĩa”. Theo hai viên chức Mỹ xin ẩn danh, thông báo chính thức của Hoa Thịnh Ðốn có thể sẽ được đưa ra vào thứ Năm (15/12). Kế hoạch của Ngũ Giác Đài cần được Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin thông qua, và được Tổng thống Joe Biden phê chuẩn. Tuy nhiên, trả lời báo giới, Bộ Quốc phòng Mỹ từ chối bình luận về thông tin trên.
Trong khi đó, sáng 14/12, chính quyền thành phố Kyiv ghi nhận nhiều tiếng nổ ở khu vực trung tâm thủ đô, khu vực Shevchenkivsky. Theo thị trưởng Vitaly Klitschko, dường như Kyiv bị tấn công bằng drone. Trên mạng xã hội, ông Vitaly Klitschko khẳng định hệ thống phòng không của Kyiv đã hạ được 10 drone trên bầu trời Kyiv và vùng phụ cận, những drone này do Iran chế tạo.
Cơ quan quân sự Kyiv cho biết mảnh vỡ của các drone đã làm hư hại 2 tòa nhà của các cơ quan hành chính trong khu vực, nhưng không ghi nhận thiệt hại về nhân mạng.
Nhìn rộng ra cả nước, đài NHK của Nhật Bản hôm 14/12 trích dẫn Bộ Quốc phòng Anh, theo đó các lực lượng Ukraine đã giành lại được 54% diện tích lãnh thổ từng bị quân Nga chiếm đóng.
Về phía Nga, phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh, Dmitri Peskov, trong cuộc họp báo hôm 13/12 đặt điều kiện là Mạc Tư Khoa chỉ thương lượng ngoại giao về hòa bình với Ukraine nếu Kyiv công nhận chủ quyền của Nga đối với những vùng lãnh thổ của Ukraine mà Ðiện Cẩm Linh đã sáp nhập.
EU và ASEAN Họp Thượng Đỉnh Kỷ Niệm 45 Năm Thiết Lập Quan Hệ Ngoại Giao
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay ngày 14/12/2022, các nhà lãnh đạo của Liên Hiệp Âu Châu (EU) và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) họp thượng đỉnh tại Brussels (Bỉ), đánh dấu 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hội Đồng Âu Châu đánh giá đây là dịp tái khẳng định sự gắn bó của Liên Hiệp Âu Châu và các nước thành viên đối với thỏa thuận hợp tác đối tác chiến lược giữa hai khối.
Cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên được Chủ tịch Hội Đồng Âu Châu Charles Michel và Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen, nước Chủ tịch luân phiên ASEAN 2022, đồng chủ trì và tập trung vào 5 chủ đề lớn: những dự án đã thực hiện và kế hoạch tương lai trong hợp tác đối tác chiến lược EU-ASEAN, trao đổi thương mại, chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, những thách thức trên thế giới và kế hoạch hành động của hai bên cho giai đoạn 2023-2027.
Theo trang web của Hội Đồng Âu Châu, Liên Hiệp Âu Châu và ASEAN trở thành đối tác chiến lược từ năm 2020. Hai bên ưu tiên những lĩnh vực hợp tác như kết nối, chuyển đổi năng lượng sạch, trao đổi thương mại, chuyển đổi số. Về thương mại, ASEAN là đối tác lớn thứ ba của Liên Hiệp Âu Châu, sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Còn Liên Hiệp Âu Châu là nhà đầu trực tiếp ngoại quốc thứ hai tại ASEAN trong năm 2021.
Liên quan đến vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, Brussels nhấn mạnh đến chiến lược được công bố năm 2021 là tập trung góp phần cho ổn đinh, an ninh, thịnh vượng và phát triển bền vững ở trong vùng, trong đó ASEAN giữ “vai trò trung tâm”. Hai bên tiếp tục ủng hộ việc tôn trọng chủ quyền quốc gia, mọi thách thức phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế.
Trả lời RFI ngày 14/12, nhà nghiên cứu Sophie Boisseau-Durocher đánh giá cuộc họp thượng đỉnh lần này cũng nhằm mục đích kiềm chế sức ảnh hưởng ngày càng lớn, cũng như chính sách bành trướng của Trung Quốc ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương:
“Âu Châu từng là một đối tác quan trọng trong sự phát triển của ASEAN. Liên Hiệp Âu Châu là tác nhân quốc tế đầu tiên công nhận ASEAN với tư cách là một hiệp hội cấp vùng vào năm 1972 và đã ký một thỏa thuận hợp tác vào năm 1981. Nhưng Âu Châu cũng muốn tham gia nhiều hơn trong tương lai, trong bối cảnh phức tạp giữa một bên là sự can thiệp mạnh mẽ của Trung Quốc vào chuyện nội bộ Đông Nam Á và bên kia là những hệ quả rõ ràng từ sự cạnh tranh Mỹ-Trung ở trong vùng và cuối cùng là những thách thức của chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mà Âu Châu có cả một kế hoạch rất rõ ràng.
Vì thế, những điểm đồng nhất về chính trị, kinh tế, ngoại giao giữa Đông Nam Á và Liên Hiệp Âu Châu có lẽ được khai thác để giúp ASEAN thoát khỏi sự kìm kẹp Mỹ-Trung ngày càng đè nặng đối với hiệp hội”.
Hội Đồng Âu Châu cho biết hai bên sẽ ra thông cáo chung. Theo thông tấn xã Reuters, Liên Hiệp Âu Châu tìm cách đưa những lời lẽ cứng rắn về Nga tại cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên này. Ngược lại, báo Hồng Kông South China Morning Post cho biết là vấn đề Đài Loan và nguyên tắc “một nước Trung Hoa duy nhất” dường như bị loại khỏi Dự thảo tuyên bố chung.
Trung Quốc Rút Về 6 Viên Chức Sau Sự Việc Tại Tòa Lãnh Sự Manchester!
(Hình: Xô xát xảy ra giữa một người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông (giữa) và nhân viên Tòa Lãnh sự Trung Quốc, trong lúc một cảnh sát Anh cố gắng can thiệp. Ảnh do The Chaser News chụp được vào ngày 16/10/2022 và được thông tấn xã AFP công bố vào ngày 17/10/2022.)
- Ngày 15/12/2022, Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay Trung Quốc đã rút 6 viên chức ra khỏi Anh, những người mà cảnh sát muốn thẩm vấn về cách họ đối xử với một người đàn ông đã tố cáo rằng anh ta bị đấm, đá khi biểu tình bên ngoài Tòa Lãnh sự Trung Quốc ở Manchester, Ngoại trưởng Anh James Cleverly cho biết.
Ông Cleverly hoan nghênh việc rút về các viên chức, bao gồm cả Tổng Lãnh sự Trung Quốc ở Manchester, sau khi ông bày tỏ mối quan ngại của Anh về sự việc với các nhà ngoại giao Trung Quốc.
Cảnh sát đang điều tra cáo buộc hành hung một người biểu tình, người này đã bị nhiều người đàn ông đánh đập sau khi bị kéo vào bên trong khuôn viên Tòa Lãnh sự ở Manchester, vùng Tây-Bắc nước Anh, trong một cuộc biểu tình chống Chủ tịch Tập Cận Bình.
Ông Cleverly trước đó nói sự việc này không thể chấp nhận được và đã triệu tập một nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc để nêu lên mối quan ngại của Anh vào tháng 10.
Hôm thứ Tư (14/12), ông Cleverly nói với các đài truyền hình rằng cảnh sát đã yêu cầu sáu viên chức Trung Quốc từ bỏ quyền miễn trừ ngoại giao để chịu thẩm vấn và Tòa Ðại sứ đã được thông báo về việc này.
“Chúng tôi đặt ra thời hạn chót vào hôm nay, nói rõ rằng chúng tôi mong đợi họ hành động. Đáp lại yêu cầu của chúng tôi, chính phủ Trung Quốc hiện đã rút những viên chức đó, bao gồm cả chính Tổng Lãnh sự ra khỏi Vương quốc Anh”, ông Cleverly cho biết.
“Điều này chứng tỏ việc tuân thủ luật pháp của chúng ta, mức độ nghiêm túc mà chúng ta giải quyết (trong trường hợp này), đã có tác dụng.... Việc chính phủ Trung Quốc rút những viên chức này khỏi Vương quốc Anh là đúng đắn”.
Cuộc biểu tình tháng 10 diễn ra vào ngày đầu tiên của đại hội 5 năm một lần của Đảng Cộng sản cầm quyền Trung Quốc ở Bắc Kinh. Tại đại hội này, ông Tập đã giành được nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba.
Covid-19: Trung Quốc Lo Ngại Trước Một Đợt Sóng Thần Ca Nhiễm Kinh Hoàng!
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay hôm 14/12/2022, Bộ Y tế Trung Quốc nhìn nhận “không thể” xác định về con số những ca nhiễm Covid.
Thủ đô Bắc Kinh với 22 triệu dân đang phải đối mặt với “một làn sóng dịch” chưa từng thấy kể từ 2019 tới nay. Thông tấn xã AFP trích dẫn một số nhân chứng, có nơi “90% nhân viên” phải nghỉ việc vì nhiễm bệnh.
Từ thủ đô Bắc Kinh thông tín viên Stéphane Lagarde của Đài RFI ghi nhận tâm trạng lo âu của người dân đang chờ đợi tình hình sẽ còn xấu đi thêm trong những ngày sắp tới. Làn sóng dịch có nguy cơ biến thành một “đợt sóng thần”:
“Từ chính sách kiểm soát dịch chúng ta đã chuyển sang giai đoạn điều trị”. Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan (Sun Chunlan) người đặc trách về dịch Covid, đã tuyên bố như trên trong chuyến thị sát tại một số bệnh viện ở thủ đô Bắc Kinh hôm qua. Bà đã tận mắt trông thấy những hàng người xếp hàng dài trước trung tâm điều trị. Đôi khi một số bệnh nhân có vẻ như bị mất phương hướng với khẩu hiệu ‘hãy tự lo lấy cho sức khỏe của bạn’ được phát đi trên các loa phóng thanh. Do thay đổi đột ngột trong đường lối đối phó với Covid, Trung Quốc giờ đây đang đứng trước một làn sóng dịch đầu tiên và làn sóng này có thể trở thành một trận sóng thần.
Hiện tại không còn đếm xuể số người bị lây nhiễm. Cả thủ đô Bắc Kinh bị tê liệt vì chẳng có ai đi làm. Nhân viên trong các công sở, hàng quán đều nghỉ việc. Hiện tại biến thể Omicron không nguy hiểm như Delta, phần lớn các ca nhiễm chỉ có những triệu chứng nhẹ và hệ thống y tế dường như đang đủ sức chống chọi, nhưng số các bệnh nhân phải nhập viện đang tăng lên. Tân Hoa Xã nói đến 50 trường hợp.
Chính quyền muốn đưa ra các thông điệp để trấn an công luận. Nhưng càng lúc càng có nhiều Bác sĩ tiết lộ nhân viên y tế, dù dương tính với Covid, vẫn phải đi làm, tránh để các bệnh viện bị thiếu người phục vụ.
Điều đáng lo hơn nữa là những gì sẽ xảy ra sắp tới khi mà làn sóng dịch lan tới các thành phố khác. Những nơi ấy không có được các trang thiết bị y tế và không được bảo vệ tốt như ở thủ đô Bắc Kinh”.
Giới Lập Pháp Mỹ Ra Dự Luật Cấm Tiktok của Trung Quốc!
- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay ngày 13/12/2022, Thượng Nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio công bố Dự luật của lưỡng đảng cấm ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến của Trung Quốc TikTok, gây áp lực lên chủ sở hữu ByteDance trong bối cảnh Hoa Kỳ lo ngại ứng dụng này có thể được dùng để theo dõi người Mỹ và kiểm duyệt nội dung.
Dự luật này sẽ chặn tất cả các giao dịch từ bất kỳ công ty truyền thông xã hội nào trong vòng hoặc nằm dưới sự ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga, văn phòng của ông Rubio nói trong một thông cáo báo chí, đồng thời cho biết thêm rằng một Dự luật đồng hành tại Hạ viện Hoa Kỳ được tài trợ bởi Dân biểu Cộng hòa Mike Gallagher và Dân biểu Dân chủ Raja Krishnamoorthi.
ByteDance không hồi đáp yêu cầu bình luận.
Dự luật được đưa ra trong lúc sự giám sát chặt chẽ đối với TikTok đang gia tăng ở Hoa Thịnh Ðốn trong những tuần gần đây, sau khi chính quyền Trump thất bại trong việc cấm ứng dụng chia sẻ video này.
Tại một phiên điều trần vào tháng trước, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) Chris Wray cho biết các hoạt động của TikTok tại Hoa Kỳ làm gia tăng mối lo ngại về an ninh quốc gia, cảnh báo nguy cơ chính phủ Trung Quốc có thể khai thác nó để gây ảnh hưởng đến người dùng hoặc kiểm soát thiết bị của họ.
Vào năm 2020, Tổng thống khi đó là ông Donald Trump đã cố gắng chặn người dùng tải xuống TikTok và cấm các giao dịch khác mà lẽ ra đã chặn việc sử dụng ứng dụng này một cách hiệu quả ở Hoa Kỳ nhưng đã thua trong một loạt kiện tụng.
Ủy ban về Ngoại quốc Đầu tư tại Hoa Kỳ của chính phủ Mỹ (CFIUS), một cơ quan an ninh quốc gia đầy quyền lực, vào năm 2020 đã ra lệnh cho ByteDance thoái vốn khỏi TikTok vì lo ngại rằng dữ liệu người dùng Hoa Kỳ có thể được chuyển cho chính phủ Cộng sản Trung Quốc.
CFIUS và TikTok đã đàm phán trong nhiều tháng nhằm đạt được một thỏa thuận an ninh quốc gia để bảo vệ dữ liệu của hơn 100 triệu người dùng TikTok.
Thượng Đỉnh Mỹ-Phi: Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Tố Nga và Trung Quốc Gây Bất ổn Tại Phi Châu
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 13/12/2022, thượng đỉnh Hoa Kỳ-Phi Châu lần thứ hai đã khai mạc tại Hoa Thịnh Ðốn.
Thượng đỉnh kéo dài 3 ngày với sự tham gia của 49 nhà lãnh đạo các nước Phi Châu và Liên Hiệp Phi Châu. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin lưu ý với các nhà lãnh đạo Phi Châu là Nga và Trung Quốc là những tác nhân gây bất ổn cho Phi Châu.
Ông Lloyd Austin phát biểu: “Về Trung Quốc, chúng tôi nhận thấy là họ mở rộng ảnh hưởng ở châu lục (Phi Châu) mỗi ngày (…) và hệ quả có thể là sự bất ổn”, trong khi nước Nga “chuyển vũ khí và điều lính đánh thuê” đến Phi Châu.
Về các phát biểu của giới lãnh đạo Phi Châu trong ngày họp đầu tiên hôm qua tại Hoa Thịnh Ðốn, hòa bình, an ninh và cách quản lý là những nội dung được quan tâm, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh. Từ Hoa Thịnh Ðốn, thông tín viên Guillaume Naudin của Đài RFI tường trình:
“Ba nguyên thủ quốc gia đến từ 3 tiểu vùng khác nhau lên phát biểu. Đó là Tổng thống Niger, Somalia và Mozambique. Khi nói về tình trạng mất an ninh, trước tiên họ nói về biến đổi khí hậu, sự khan hiếm tài nguyên, ngày càng thêm nghiêm trọng do dân số tăng quá nhanh và cách quản lý yếu kém. Đối với các nhà lãnh đạo này, đây là cội rễ của tình hình mất an ninh, an toàn.
Chủ tịch Ủy ban của Liên Hiệp Phi Châu, Moussa Faki Mahamat, giải thích rằng đó là nguyên nhân lớn nhất gây ra khủng bố, dẫn đến và đồng thời cũng thường là cái cớ của các hành vi chiếm quyền một cách vi hiến. Hai hiện tượng này tác động qua lại lẫn nhau. Và cần đấu tranh chống lại nền tảng đó.
Tổng thống Niger, Mohamed Bazoum, cảm ơn đối tác Mỹ về các viện trợ quân sự hữu ích. Thế nhưng, điều mà ông muốn trước hết, điều mà ông đặt thành mối ưu tiên hàng đầu, là việc tài trợ cho lĩnh vực giáo dục thanh thiếu niên, đặc biệt là các bé gái.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hoan nghênh phát biểu của các nhà lãnh đạo Phi Châu. Ông Blinken nói rằng trước tiên ông muốn nghe các đề nghị của Phi Châu và sẽ hồi đáp. Cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Ngoại trưởng Blinken nói rõ là các nhu cầu an ninh về ngắn hạn của các đối tác Phi Châu cũng sẽ được Mỹ đáp ứng”.
Phi Luật Tân Quan Ngại Tàu Trung Quốc ‘Tràn Ngập’ Đá Khúc Giác và Bãi Sa Bin ở Biển Đông!
(Hình: Lực lượng Tuần Duyên Phillipines theo dõi các Trung Quốc ở Bãi Sa Bin vào ngày 27/4/2021.)
- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay hôm thứ Tư (14/12/2022), Bộ trưởng Quốc phòng Phi Luật Tân nói báo cáo về sự hiện diện của hàng chục tàu Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông là hành động “không thể chấp nhận được” và vi phạm chủ quyền của nước này
“Mệnh lệnh của Tổng thống đối với bộ rất rõ ràng, là chúng tôi sẽ không từ bỏ một tấc vuông nào của lãnh thổ Phi Luật Tân”, ông Jose Faustino, viên chức phụ trách tại Bộ Quốc phòng cho biết trong một tuyên bố.
Ông nói thêm rằng nước này “rất quan ngại” đối với “báo cáo về sự xuất hiện dày đặc của các tàu Trung Quốc ở Đá Khúc Giác và Bãi Sa Bin ở Biển Đông.
Phát biểu của ông Faustino được đưa ra sau một bài báo tuần trước trên tờ Philippines Daily Inquirer, trong đó một chỉ huy quân đội Phi Luật Tân xác nhận sự hiện diện của các tàu Trung Quốc được cho là do dân quân điều khiển ở khu vực bãi đá trên kể từ đầu năm nay.
“Các đường dây để đối thoại của chúng tôi vẫn mở”, ông Faustino nói. “Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định rằng các hoạt động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của chúng tôi cũng như phá hoại hòa bình và ổn định của khu vực là không thể chấp nhận được”.
Phi Luật Tân đã thắng vụ kiện trọng tài mang tính bước ngoặt vào năm 2016, làm mất hiệu lực các yêu sách bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông, nơi có giá trị thương mại hằng năm khoảng 3 ngàn tỉ Mỹ kim.
Phán quyết tuyên bố rằng Phi Luật Tân có quyền chủ quyền để khai thác trữ lượng năng lượng bên trong Vùng đặc quyền kinh tế 200 dặm của mình, nơi có cả Đá Khúc Giác và Bãi Sa Bin. Trung Quốc từ chối công nhận phán quyết này.
Đá Khúc Giác cách đảo Palawan của Phi Luật Tân 127 hải lý trong vùng biển tranh chấp, nơi mà Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã đến thăm vào tháng trước để nhắc lại các cam kết quốc phòng của Hoa Thịnh Ðốn đối với Manila và sự ủng hộ của nước này đối với phán quyết trọng tài năm 2016.
Tổng thống Phi Luật Tân, Ferdinand Marcos Jr, sẽ tới Bắc Kinh vào tháng tới trong chuyến thăm cấp nhà nước.
Tin Nóng Việt Nam
Việt Nam Sắp Đạt Được Thỏa Thuận Hơn 15 Tỉ Mỹ Kim Với Các Nước G7 Để Cắt Giảm Điện Than.
(Hình: Nhiệt điện than Vĩnh Tân ở tỉnh Bình Thuận hôm 23/4/2019.)
- Đài Á Châu Tự Do tổng hợp tin của các hãng thông tấn quốc tế và quốc nội cho hay các nước công nghiệp phát triển G7 và Việt Nam sắp đạt được một thỏa thuận trị giá 15,5 tỉ Mỹ kim để giúp quốc gia Đông Nam Á này từ bỏ sử dụng than sang sử dùng các nhiên liệu thân thiện với môi trường.
Thông tấn xã Reuters trích hai nguồn tin từ các quốc gia phương Tây cho biết, để thuyết phục Việt Nam chấp nhận thỏa thuận này, các nước tài trợ đã phải liên tục tăng mức tiền đề nghị. Một nửa trong số này sẽ đến từ khu vực công và số còn lại là từ các nhà đầu tư tư nhân. Chỉ một phần nhỏ là tiền tài trợ và phần lớn là các khoản cho vay.
Theo Bloomberg, một bản ghi nhớ giữa hai bên có nhiều khả năng sẽ đạt được sớm nhất là vào ngày 14/12/2022 tại Thượng đỉnh EU-ASEAN ở Brussels (Bỉ).
Cũng theo Bloomberg, những thảo luận giữa hai phía hiện vẫn tiếp diễn liên quan đến việc phân chia bao nhiêu là phần tài trợ và bao nhiêu là khoản vay. Hiện Thủ tướng Phạm Minh Chính vẫn chưa ký đồng ý với thỏa thuận này.
Thỏa thuận với Việt Nam là một trong 3 thỏa thuận mà các nước công nghiệp phát triển có được với các quốc gia đang phát triển nhằm giúp các nước có thu nhập trung bình từ bỏ điện than. Trước đó, tại Hội nghị Khí hậu của Liên Hiệp Quốc, thỏa thuận trị giá 8,5 tỉ Mỹ kim với Nam Phi đã được ký kết. Mới đây, một thỏa thuận khác trị giá 20 tỉ Mỹ kim với Nam Dương cũng được công bố nhân Thượng đỉnh G20 ở Bali hồi tháng trước.
Việt Nam là một trong số 20 quốc gia dùng nhiều than nhất thế giới. Nhiệt điện than hiện chiếm khoảng một nửa nguồn cung năng lượng cho Việt Nam.
Một số nhà hoạt động môi trường tỏ ra quan ngại về cam kết của Việt Nam về việc từ bỏ điện than khi Hà Nội trong năm nay đã đưa bốn nhà hoạt động môi trường ra xét xử và bỏ tù họ với cáo buộc tội “trốn thuế”.
Đài Loan Phát Giác Mì Gói Acecook Hảo Hảo Từ Việt Nam Có Dư Lượng Thuốc…Trừ Sâu! Chết Người!
(Hình: Người dân ăn mì ăn liền ở Thái Lan.)
- Hôm 13/12/2022, hãng tin CNA trích thông tin từ Cơ quan Thực phẩm và Thuốc của Đài Loan cho biết giới chức nước này vừa giữ lại một lô hàng mì ăn liền Acecook Hảo Hảo nhập từ Việt Nam vì phát giác có dư lượng thuốc trừ sâu.
Theo thông báo, lô hàng mì vị tôm Acecook Hảo Hảo nhập bởi Công ty Qian Yu Food của Đài Loan từ Việt Nam có khối lượng là 1.458 kg có dư lượng chất ethylene oxide là 0,382/kg. Dư lượng này được phát giác trong các gói gia vị rau của sản phẩm.
Chất ethylene oxide là một sản phẩm công nghiệp được sử dụng rộng rãi nhưng bị cấm trong thực phẩm tại Đài Loan và bị xác định là chất gây ung thư loại một. Việc tiếp xúc với chất này trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ ung thư và gây ra các vấn đề với hệ thần kinh.
Chất này cũng đã từng bị phát giác trong sản phẩm mì gói của Acecook Hảo Hảo nhập vào Âu Châu hồi năm 2021 và bị thu hồi.
Cứ Có Chức Là Có Quyền Đánh Dân Vào Bịnh Viện! Quảng Nam Tiếp Tục Xác Minh Vụ Ông Nguyễn Viết Dũng Đánh Nữ Nhân Viên Golf
(Hình: Ông “Ủn” Nguyễn Viết Dũng.)
- Chánh văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh Quảng Nam, ông Trình Minh Đức, vào ngày 14/12/2022 cho báo chí trong nước biết sẽ xác minh từ nhiều phía rồi mới giải quyết vụ đại biểu HĐND Nguyễn Viết Dũng đánh nhân viên bằng gậy chơi golf đến bất tỉnh.
Truyền thông nhà nước dẫn lời ông Trình Minh Đức nói rằng bản thân ông Nguyễn Viết Dũng đã có báo cáo giải trình về sự việc và Thường trực HĐND đang xem xét.
Đây là phát biểu mới nhất từ lãnh đạo tỉnh Quảng Nam về sự việc gây công phẫn trong dư luận về hành động của ông đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Viết Dũng.
Vào ngày 6/12, một nhóm bốn khách đến chơi tại sân golf BRG Đà Nẵng, trong đó có ông Nguyễn Viết Dũng. Nữ nhân viên tên N.A.L., 20 tuổi, được phân công phục vụ nhóm này. Trong lúc chơi golf, ông Dũng cho rằng nữ nhân viên L. không trung thực về số gậy được tính chơi trong một hố. Ông Dũng dùng gậy golf đánh nhân viên N.A.L. khiến chị bất tỉnh phải nhập viện cấp cứu.
Vào ngày 12/12, bà Cao Thị Huyền Trân, Bí thư Quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, cho biết thông qua báo chí, bà biết được thông tin ông Nguyễn Viết Dũng (đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam) bị tố dùng gậy golf đánh chị L. nhập viện.
Bà Trân nói rằng theo thông tin từ báo chí và mạng xã hội thì vụ chị N.A.L. (20 tuổi) bị đánh xảy ra ở sân golf BRG Đà Nẵng, thuộc địa phận phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, nên bà yêu cầu Ủy ban Nhân dân quận và các cơ quan chức năng tìm hiểu, xác minh sự việc.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận Ngũ Hành Sơn, ông Nguyễn Hòa, trong ngày 12/12 cũng lên tiếng cho rằng sự việc làm ảnh hưởng đến hình ảnh Đà Nẵng nói chung và hoạt động thể thao - du lịch của thành phố này nói riêng. Do đó Quận ủy, Ủy ban Nhân dân quận Ngũ Hành Sơn đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân và Công an phường Hòa Hải phải kiểm tra, xác minh ngay thông tin về sự việc này.
Sau khi xảy ra sự việc, vào ngày 9/12, CLB Golf Bách Khoa Đà Nẵng công bố thư ngỏ gửi đến các hội golf liên kết, các sân golf Đà Nẵng và nhiều sân golf khác liên quan sự việc.
Thư ngỏ nêu lại sự việc và nói rõ sau khi đánh người đến bất tỉnh hôm 6/12, ông Nguyễn Viết Dũng cấm sân golf BRG thông báo sự vụ ra công chúng. Ông cũng cho người vào đe dọa các bảo vệ, nhân viên và caddies không được để sự việc lọt ra ngoài.
Thư ngỏ kêu gọi các sân golf khác tẩy chay ông Nguyễn Viết Dũng và thông tin cho mọi thành viên được biết.
Lãnh Đạo và Nguyên Lãnh Đạo Thành Phố Đà Nẵng Bị Chính Phủ Kỷ Luật
(Hình: Thành phố Đà Nẵng.)
- Một loạt lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng bị Chính phủ Hà Nội kỷ luật.
Mạng báo Chính phủ ngày 14/12/2022 dẫn quyết định do Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký. Cụ thể, mức kỷ luật khiển trách được áp dụng đối với các ông Lê Trung Chinh- Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2016-2021 và 2021-2026; ông Huỳnh Đức Thơ- nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2016-2021; ông Hồ Kỳ Minh-Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2016-2021 và 2021-2026; ông Trần Văn Miên-nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2016-2021.
Mức cảnh cáo dành cho bà Ngô Thị Kim Yến- Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2021-2026.
Những người vừa nêu bị kỷ luật vì có những vi phạm, khuyết điểm trong thời gian công tác và đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thi hành kỷ luật về mặt Đảng.
Sai phạm của họ là thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng và một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong mua sắm, quản lý, sử dụng sinh phẩm, hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế; vi phạm trong quản lý, sử dụng các nguồn hỗ trợ; để xảy ra vụ án tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) của Thành phố.
Thanh Hóa Bỏ Dự Án Khu Đô Thị Mới Trị Giá Hơn 1.200 Tỉ Đồng
(Hình: Thành phố Thanh Hóa.)
- Hôm 14/12/2022, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản yêu cầu Sở Kế hoạch-Đầu tư và các ngành, đơn vị liên quan hoàn chỉnh hồ sơ bãi bỏ các quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu đô thị mới phía Đông đường vành đai phía Tây (phường Đông Lĩnh, thành phố Thanh Hóa).
Theo truyền thông nhà nước, đây là dự án có quy mô khoảng hơn 19 héc-ta và tổng chi phí thực hiện dự án hơn 1.200 tỉ đồng. Dự kiến sẽ khởi công vào quý III năm 2023 và đưa vào sử dụng vào quý một năm 2027.
Hồi tháng 10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có công văn yêu cầu tạm dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án này. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh khi đó đã giao Sở Kế hoạch và Đầu Tư phối hợp với Sở Xây dựng, Ủy ban Nhân dân thành phố Thanh Hóa rà soát, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trog việc tham mưu chấp thuận chủ trương đầu tư dự án này. Dự án được xác định là chưa phù hợp với quy hoạch của thành phố đến năm 2025, tầm nhìn 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Dự án sẽ lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu.
Hiện Thanh Hóa cũng đang có tới bảy dự án thuộc Tập đoàn FLC đầu tư bị Công an điều tra, trong đó có hai dự án bị Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra.
Chủ Doanh Nghiệp Trung Tâm Đăng Kiểm Tại Sóc Trăng Bị Khởi Tố, Bắt Tạm Giam
(Hình: Ông Nghĩa, chủ của nhiều Trung tâm đăng kiểm ở miền Tây.)
- Truyền thông nhà nước loan tin trong ngày 14/12/2022, đồng thời xác nhận ông Trần Lập Nghĩa, người đứng tên đại diện doanh nghiệp cho hay chủ doanh nghiệp của Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 83-02D tại Sóc Trăng, vừa bị công an khởi tố và bắt tạm giam.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng vừa ra quyết định tạm đình chỉ toàn bộ hoạt động kiểm định xe cơ giới đối với đơn vị đăng kiểm 83-02D trong thời gian 3 tháng. Theo Cục Đăng kiểm, Trung tâm Đăng kiểm 83-02D có địa chỉ tại ấp Xây Đá B, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng đã có vi phạm quy định tại Nghị định 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Thông tin trên tờ Pháp Luật Tp. HCM cho biết, ông Nghĩa cũng đứng tên đại diện DN tại Trung tâm Đăng kiểm 62-03D (Long An), nơi chỉnh sửa sổ đăng kiểm, cấp sai quy định đăng kiểm cho các xe ben cơi nới thành thùng. Liên quan sự việc này, Công an Tp. HCM đã vào cuộc xác minh, tiếp tục điều tra. Sau đó, ông Nghĩa cùng 17 người khác tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 62-03D (Long an) và 50-15D (thành phố Thủ Đức, Sài Gòn) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Tp. HCM khởi tố để điều tra về các hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ và giả mạo trong công tác.
Trước đó, vào tháng 10 /2022, ông Nghĩa cũng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp khởi tố vì liên quan vụ án nhận hối lộ xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 66-02D ở Đồng Tháp.
Cũng trong ngày 14/12, Bộ Giao thông-Vận tải yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam và các đơn vị liên quan nâng cao năng lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới.
Theo Bộ Giao thông-Vận tải, qua công tác thanh tra của Thanh tra Giao thông-Vận tải và phản ánh trên phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian vừa qua cho thấy công tác kiểm định còn nhiều thiếu sót, đặc biệt các tồn tại, vi phạm của đăng kiểm viên, đăng kiểm viên thực tập có chiều hướng gia tăng. Qua đó, Bộ yêu cầu Cục đăng kiểm Việt Nam tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới; xây dựng các giải pháp để kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Qua đó kịp thời phát giác, giải quyết các vi phạm của trung tâm đăng kiểm, đăng kiểm viên.
Apax Holdings: Shark Thủy Không Bỏ Ra Ngoại Quốc Trốn Nợ
(Hình: Shark Thủy (phải) và ông Tùng, Chủ tịch Trí Việt.)
- IBC công bố tin theo yêu cầu của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. HCM (HoSE) và được truyền thông nhà nước loan trong ngày 14/12/2022 cho hay đại diện Công ty cổ phần Apax Holdings (IBC) xác nhận ông Nguyễn Ngọc Thủy (còn gọi Shark Thủy) không bỏ trốn ra ngoại quốc, ngược lại đang ở Việt Nam nỗ lực khắc phục tình trạng kinh doanh của công ty.
Trước đó, HoSE gửi công văn yêu cầu IBC giải trình thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội rằng ông Nguyễn Ngọc Thủy -nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) - Tổng Giám đốc Tập đoàn Egroup, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Anh ngữ Apax đã “chạy” ra ngoại quốc trốn nợ, do doanh nghiệp bị thua lỗ, cưỡng chế thuế.
Nội dung văn bản của IBC thể hiện ông Thủy vẫn đang ở Việt Nam và thông tin ông này đã hoàn tất thủ tục định cư ở Âu Châu là không chính xác. Đại diện IBC qua đó trấn an các phụ huynh có con em đang học tại chuỗi Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders (thuộc Apax Holdings) cũng như các nhà đầu tư, cổ đông của tập đoàn Egroup.
Hôm 12/12 nhiều phụ huynh có con học tại Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders Hà Tĩnh kéo đến trung tâm đòi lại học phí khi trung tâm này bất ngờ đóng cửa. Liên quan sự việc, trong buổi đối thoại với phụ huynh, ông Nguyễn Mạnh Phú, Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần Anh ngữ Apax thừa nhận, tài chánh của công ty đang gặp khó khăn nên chưa thể cân đối chi trả lại học phí cho phụ huynh. Thay mặt công ty, ông Phú hứa sẽ chi trả lại 20% học phí vào sau quý I/2023.
Trước đó, hôm 7/12/2022, sau khi thông tin về hoạt động chín tháng đầu năm của Apax Holdings âm hơn 266 tỉ đồng. Trong đó, dòng tiền từ hoạt động tài chánh âm 18 tỉ đồng và tiền hoạt động đầu tư âm 48 tỉ đồng, đã khiến cổ phiếu IBC giảm sàn năm phiên liên tiếp. Đại diện IBC lúc đó cho rằng giá cổ phiếu IBC giảm là do yếu tố tâm lý của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về kinh tế cũng như những tác động của bối cảnh vĩ mô.
Hai ngày trước khi sự kiện trên, Shark Thủy nói trên tờ Tiền Phong rằng ông chưa bao giờ có suy nghĩ rời bỏ tổ chức hay bỏ rơi cổ đông và khách hàng.
Mặc dù vậy, trong phiên giao dịch hôm 14/12, mã IBC tiếp tục ghi nhận thêm 1 phiên giảm sàn thứ 16 xuống còn chưa đầy 5.000 đồng. Như vậy, kể từ phiên giao dịch 18-11 đến nay, IBC đã ghi nhận 18 phiên rớt giá, từ 15.800 đồng xuống còn 4.490 đồng (xấp xỉ 72%).
Liên quan đến chứng khoán, hôm 12/12, Công ty cổ phần tập đoàn quản lý tài sản Trí Việt (mã chứng khoán TVC) công bố tin với truyền thông ông Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT của Công ty này đồng thời là Chủ tịch Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt (TVSC, mã TVB) đã bị khởi tố vào ngày 9/12 vì tội thao túng giá cổ phiếu liên quan đến sự việc vi phạm xảy ra tại Công ty Louis Holdings. Điểm đáng nói, ông Tùng bị khởi tố chỉ một tuần sau khi trở lại vị trí Chủ tịch HĐQT.
World Bank: Động Lực Tăng Trưởng Kinh Tế Việt Nam ‘Chững Lại’
(Hình: Công nhân may mặc Việt Nam.)
- Ngân hàng Thế giới (World Bank) hôm 14/12/2022 công bố bản cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 12, trong đó nói rằng “cả hai động lực tăng trưởng là xuất cảng và nhu cầu trong nước đều đang chững lại”.
Theo World Bank, lần đầu tiên kể từ tháng 10 năm 2021, xuất cảng hàng hóa của Việt Nam giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2021, “do sức cầu bên ngoài yếu đi và do tác động xuất phát điểm thấp tính từ đợt phục hồi quý tư năm 2021”.
Tổ chức tài chánh này cũng đánh giá rằng tiêu dùng hậu COVID “cũng dường như phục hồi chậm lại”, và rằng việc điều kiện huy động tài chánh bị thắt chặt hơn và lạm phát gia tăng “có thể ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước trong thời gian tới”.
World Bank cho rằng trong điều kiện huy động vốn toàn cầu dự kiến “vẫn tiếp tục bị thắt chặt và nhu cầu bên ngoài đang yếu đi”, cơ quan quản lý tiền tệ của Việt Nam “có thể cân nhắc cho phép tỷ giá được linh hoạt hơn nữa nhằm hấp thụ những biến động trong môi trường bên ngoài”.
“Phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ là điều kiện quan trọng để duy trì ổn định giá cả trong bối cảnh lạm phát cơ bản trong nước gia tăng”, Ngân hàng Thế giới nhận định.
“Chiến lược chi tiêu thận trọng hơn và tập trung hơn vào đúng ưu tiên nhằm bảo đảm đầu tư cho vốn con người, hạ tầng xanh và thích ứng khí hậu sẽ giúp nâng cao khả năng chống chịu và tiềm năng của nền kinh tế”.
Như Ban tiếng Việt của Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) đã đưa tin, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hồi đầu năm nay đã yêu cầu Bộ Công thương “nghiên cứu” khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới về tình hình kinh tế Việt Nam.
World Bank hồi đầu tháng Tám vừa qua nhận định rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo “tăng mạnh” từ 2,6% trong năm 2021 lên 7,5% trong năm 2022.
World Bank cho biết rằng con số tăng trưởng trên nhờ vào việc “phục hồi kinh tế của Việt Nam tăng tốc trong 6 tháng vừa qua, nhờ khu vực chế tạo chế biến đứng vững và các ngành dịch vụ phục hồi mạnh mẽ”.
Reuters: G7, Việt Nam Đạt Thỏa Thuận 15,5 Tỉ Mỹ Kim Để Cắt Giảm Sử Dụng Than
(Hình: Mạng lưới điện sản xuất từ than ở tỉnh Ninh Bình, Việt Nam.)
- Hai nguồn tin phương Tây nói với thông tấn xã Reuters hôm thứ Tư (14/12/2022) rằng Nhóm Bảy nước công nghiệp phát triển (G7) sẽ cung cấp 15,5 tỉ Mỹ kim cho Việt Nam để giúp nước này chuyển dịch khỏi than đá.
Đây sẽ là thỏa thuận thứ ba thuộc loại này mà các quốc gia G7 đạt được trong bối cảnh các quốc gia giàu có, phát thải nhiều, vấp phải áp lực yêu cầu giúp các nước nghèo hơn đối phó với biến đổi khí hậu và chuyển dịch sang năng lượng sạch hơn. Nhóm này đã ký các thỏa thuận tương tự vào năm 2021 với Nam Phi và với Nam Dương tháng trước.
Việt Nam, vốn nằm trong số 20 quốc gia sử dụng than hàng đầu thế giới, ban đầu dự kiến ký kết cái gọi là “Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng” với các quốc gia G7 tại hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về khí hậu COP27 vào tháng 11, nhưng các cuộc đàm phán cấp cao đã bị đình trệ trước cuộc họp.
Để thuyết phục Việt Nam ủng hộ lời đề nghị, các nhà đàm phán phương Tây do Liên Hiệp Âu Châu và Anh dẫn đầu đã nhiều lần tăng số tiền tài trợ cho Hà Nội.
Một nửa trong số 15,5 tỉ Mỹ kim đã thỏa thuận sẽ đến từ lĩnh vực công và phần còn lại từ các nhà đầu tư tư nhân, theo các nguồn tin không muốn nêu tên vì họ không được phép nói chuyện với giới truyền thông.
Một trong những nguồn tin cho biết, chỉ một phần nhỏ sẽ được cung cấp dưới dạng tài trợ, trong khi phần lớn đầu tư công sẽ là các khoản vay.
Một số tiền ban đầu của khoản 15,5 tỉ Mỹ kim cam kết sẽ được giải ngân trong vòng 3 đến 5 năm tới, một nguồn tin cho biết.
Các nước phương Tây đã thúc đẩy khoản ngân quỹ sử dụng vào các dự án điện gió ngoài khơi và nâng cấp lưới điện quốc gia ở Việt Nam.
Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam không phản hồi tức thời yêu cầu bình luận của Reuters.
Thủ Tướng Chính: Các Tòa Ðại Sứ Phải Coi Kiều Bào ‘Như Người Nhà’ Coi Trọng “Khúc Ruột Ngàn Dặm!”
(Hình: Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đề nghị các Tòa Ðại sứ phải coi bà con kiều bào như người nhà mình, 13/12/2022.)
- Thủ tướng CSVN Phạm Minh Chính gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và một số nước Âu Châu vào tối 13/12/2022 ở tại thủ đô Brussels của Bỉ, báo điện tử của chính phủ Việt Nam cho hay.
Cuộc gặp này là một phần trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính ở Bỉ. Đại sứ Cộng sản Việt Nam tại Bỉ, ông Nguyễn Văn Thảo, người cũng kiêm chức Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên Hiệp Âu Châu (EU), cho biết cộng đồng người Việt ở Bỉ có hơn 13.000 người.
Nói trong cuộc gặp, Thủ tướng Chính đề nghị các Tòa Ðại sứ, các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam phải coi bà con kiều bào “như người nhà mình”, cũng như phải “giải quyết công việc cho bà con như công việc của nhà mình”.
Ông cũng muốn các cơ quan này “đẩy mạnh chuyển đổi số để giải quyết thủ tục nhanh chóng”, theo tường thuật của Báo Điện tử Chính phủ.
Vẫn vị Thủ tướng nói tiếp rằng Bộ Chính trị, nhóm có quyền quyết sách cao nhất trong đảng Cộng sản nắm độc quyền lãnh đạo ở Việt Nam, đã khẳng định rằng cộng đồng người Việt ở ngoại quốc là “bộ phận máu thịt, không thể tách rời của dân tộc”.
Ông Chính nói thêm: “Đảng, nhà nước ta không có mục tiêu nào khác là giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, lo cho nhân dân sống trong tự do, ấm no, hạnh phúc, ở trong nước thế nào thì ở ngoài nước cũng vậy”.
Những phát biểu của Thủ tướng Chính được đưa ra trong bối cảnh nhiều năm nay người Việt ở các nước thường xuyên phàn nàn về tình trạng giải quyết thủ tục, giấy tờ chậm chạp, và không có sự minh bạch về các loại phí ở các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam, theo quan sát của Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA).
Những vụ lạm thu, tiêu cực ở một số Tòa Ðại sứ, Tòa Lãnh sự của Việt Nam đã được kể ra trong các diễn đàn mạng xã hội, nhất là trong nhóm Facebook mang tên “Tôi và Tòa Ðại sứ” có hơn 44.000 người theo dõi, cũng như đã được một số tờ báo của chính Việt Nam phanh phui, tường thuật trong những năm gần đây.
Thống kê của Việt Nam cho thấy tính đến nay có khoảng 5 triệu Việt kiều ở trên 130 quốc gia trên thế giới.
Tin Vui: Nhà Hoạt Động Thạch Soong Tới Mỹ Sau Hơn 37 Năm Lánh Nạn
(Photo: Ông Thạch Soong và gia đình tại một khách sạn ở thành phố Portland, Oregon, Hoa Kỳ, ngày 3/12/2022.)
Sau gần 4 thập niên lánh nạn chạy khỏi Việt Nam, một nhà hoạt động cho tự do của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, vừa đến Hoa Kỳ định cư, một chặng đường mà các tổ chức quốc tế và các quốc gia đón nhận người tị nạn chưa từng nghĩ đến.
Ông đặt chân đến Mỹ vào đầu tháng 12 để bắt đầu cuộc sống mới “tự do” tại vùng đất mà ông đã mong đợi từ lâu. Ông Thạch Soong nói với VOA Tiếng Việt vài ngày sau khi đến thành phố Portland, tiểu bang Oregon, miền Tây Hoa Kỳ.
“Tôi rất vui mừng, rất phấn khởi khi được đến bến bờ tự do ở đất nước Hoa Kỳ. Gia đình tôi rất mừng”.
Trước khi trốn sang Cam Bốt và Thái Lan nhiều năm trước, ông Thạch Soong và gia đình được cho là bị chính quyền Việt Nam “đàn áp” vì vận động cho tự do tôn giáo tại quê hương của mình, nơi có đông đảo người Khmer Krom.
Chính quyền Việt Nam cho rằng những người thuộc tổ chức Khmer Krom có ý đồ thành lập “nhà nước Khmer Krom” tại các tỉnh Tây Nam Bộ, với “thủ đoạn gây hận thù” trong đồng bào Khmer, “kích động chống đối cực đoan, tiến hành các hoạt động đòi ly khai, tự trị”. Tuy nhiên, các nhà hoạt động Khmer Krom bác bỏ cáo buộc này.
Ông Thạch Soong chia sẻ với Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA):
“Trong thập niên 80-90, tôi hoạt động đấu tranh cho tự do tôn giáo và nhân quyền của Khmer Krom”.
Ông kể lại giai đoạn khó khăn nhất trong đời ông khi không thể sinh sống được trên chính quê hương nơi mình được sinh ra ở tỉnh Sóc Trăng.
Ông nói:
“Vào năm 1985, tôi bị bắt và bị giam tại huyện Long Phú khoảng một tháng. Sau khi thả tôi về họ vẫn theo dõi sát tôi. Tôi không thể ở trong địa phương mà phải bỏ nhà ra đi. Tôi đến tỉnh Bạc Liêu một vài năm, nhưng cũng không sống được nên đi Cà Mau. Không sống được ở đó vì sợ bị bắt nữa nên tôi chạy qua huyện Tri Tôn [tỉnh An Giang]. Và vẫn không thể sống ở đó được nữa vì họ cứ quần bắt những người đấu tranh nên tôi chạy qua Cam Bốt vào năm 2001”.
(USCIRF: Người tị nạn Việt Nam tại Thái Lan và Cam Bốt gặp cảnh bấp bênh.)
Sau khi sang Cam Bốt ông bị ở tù một thời gian do tiếp tục tranh đấu cho người Khmer Krom. Sau khi mãn hạn tù, ông cáo buộc rằng ông lại tiếp tục bị an ninh cả hai nước Cam Bốt-Việt Nam theo dõi: “Điệp viên của Cộng sản Việt Nam cùng phối hợp với Cam Bốt đã theo dõi tôi sát nên tôi không thể sống ở Cam Bốt được nữa cho nên tôi phải chạy sang Thái Lan vào năm 2004”.
Ông Thạch Soong, 63 tuổi, và gia đình đến thành phố Portland của Hoa Kỳ hôm 1/12, sau 37 năm tìm kiếm tự do, trong đó có 18 năm sống “bất hợp pháp” tại Thái Lan, đất nước không tham gia vào công ước Liên Hiệp Quốc về người tị nạn.
Vì là những người cư trú bất hợp pháp, ông và gia đình bị chính quyền Thái Lan phạt gần 4.000 Mỹ kim, sau đó giảm còn khoảng 2.600 Mỹ kim vì hoàn cảnh khó khăn, rồi mới được cho đi định cư tại Hoa Kỳ theo chương trình tị nạn của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR), ông Thạch Soong cho biết thêm.
(CSVN tịch thu sổ thông hành của nhà sư Cam Bốt vì ‘vi phạm Luật An ninh Mạng’.)
Hòa thượng Son Yoeng Ratana, tại chùa Wat Khemara Rainsy ở San Jose, California, là Trưởng ban Thông tin của Liên đoàn Khmer Kampuchea Krom (KKF), một tổ chức vận động cho tự do của người Khmer Krom, trao đổi với VOA Khmer về việc ông Thạch Soong và gia định được đến Mỹ tị nạn:
“Ông Thạch Soong và gia đình đến được Hoa Kỳ nhờ các tổ chức (tị nạn) và nhờ chính phủ Hoa Kỳ đã công nhận ông là người tị nạn. Ông đã là người tị nạn ở thành phố Vọng Các trong một thời gian dài”.
Ông Son nói rằng nhiều người Khmer Krom tị nạn bị chính quyền Việt Nam đàn áp vì vận động cho nhân quyền, tự do tôn giáo, tranh chấp đất đai và nhà cửa.
Nhiều người trong số những người tị nạn gặp khó khăn này đã chạy trốn khỏi quê hương của họ sang Cam Bốt và cuối cùng là Thái Lan, xin tị nạn ở các lãnh thổ độc lập hoặc các nước thứ ba như Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu.
Ông Son kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các tổ chức phụ trách người tị nạn tại Vọng Các và tại Geneva (Thụy Sĩ), hay chính phủ Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu hãy can thiệp để đưa những người Khmer Krom tị nạn ở Vọng Các sang sinh sống ở một đất nước tự do vì “rằng họ không thể trở lại Kampuchea Krom, hay một số người Khmer Krom tị nạn đã trốn sang Cam Bốt rồi trốn sang Thái Lan nhưng không thể quay về nước được”.
Một thành viên của KKF xác nhận với VOA Khmer rằng hiện có khoảng 205 người Khmer Krom đang sinh sống tại Thái Lan và đang xin quy chế tị nạn với UNHCR sau khi trốn khỏi Việt Nam.
Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam xem KKF là tổ chức “phản động”, cho rằng tổ chức này thực hiện các hoạt động tuyên truyền, “xuyên tạc, vu cáo chống phá” chính quyền Hà Nội.
(Nỗ lực mới vinh danh chiến binh Khmer Krom trong Chiến tranh Việt Nam.)
Từ Thái Lan, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), chúc mừng ông Thạch Soong và gia đình đã đến được đất nước Hoa Kỳ, nơi mà ông cho là một tin vui đối với ông và gia đình, sau nhiều năm dài kiên trì.
Ông Robertson cho VOA Khmer biết: “Ông ấy đã trải qua giai đoạn khó khăn với nhiều thử thách và thất bại. Những câu chuyện này minh họa cho những khó khăn đối với người Khmer-Krom trong việc giành được quy chế tị nạn và cho phép họ tìm kiếm sự bảo vệ từ các nước thứ ba”.
Trong những năm gần đây, chính phủ Thái Lan đã gia tăng các rào cản đối với những người xin tị nạn và người tị nạn. “Xu hướng mới này phản ánh mối lo ngại mạnh mẽ về mối quan hệ và hợp tác ngày càng tăng giữa Việt Nam, Cam Bốt và chính phủ Thái Lan, khiến các nhà hoạt động Khmer Krom ở Thái Lan ngày càng khó sinh sống an toàn”, ông Robertson nói.
Phil Robertson kêu gọi Hoa Kỳ giúp cải thiện tình hình: “Hoa Kỳ nên nỗ lực gấp đôi để hỗ trợ người Khmer Krom, những người tiếp tục bị chính quyền ở khu vực miền Nam Việt Nam phân biệt chủng tộc và tôn giáo.
Chính phủ dưới sự cai trị độc đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam hạn chế nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do hội họp ôn hòa, tự do đi lại và tự do tôn giáo. Tuy nhiên, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam luôn phủ nhận các cáo buộc này.
Tranh Đấu Cho Tự Do Dân Chủ:
Nghị Sĩ Quốc hội Âu Châu và ASEAN Kêu Gọi Trả Tự Do Cho 3 Nhà Hoạt Động Việt Nam
(Hình: Ông Trần Huỳnh Duy Thức, bà Phạm Đoan Trang và ông Nguyễn Lân Thắng.)
Một nhóm gồm 5 Nghị sĩ của Quốc hội Âu Châu và năm Nghị sĩ khác từ Quốc hội của 3 nước Đông Nam Á gửi thư chung tới Hội nghị Thượng đỉnh EU-ASEAN nêu lên những hiểm nguy mà các nhà hoạt động nhân quyền ở các quốc gia thuộc ASEAN đang phải đối mặt.
Trong thư chung gửi tới Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Charles Michel và lãnh đạo của chín quốc gia (trừ Miến Ðiện) trong khối ASEAN, các Nghị sĩ kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ba nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam bao gồm các ông Trần Huỳnh Duy Thức, bà Phạm Đoan Trang và bloggeer của Đài Á Châu Tự Do là ông Nguyễn Lân Thắng. Thư ngỏ có viết:
“Chúng tôi, thành viên của Quốc hội Âu Châu và Nghị sĩ thuộc khối ASEAN, kêu gọi nhà chức trách ở ASEAN hãy:
Trả tự do ngay lập tức và hủy bỏ các cáo buộc đối với tất cả những người bảo vệ nhân quyền bị bỏ tù một cách tùy tiện vì hoạt động nhân quyền hợp pháp của họ, bao gồm Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Đoan Trang và Nguyễn Lân Thắng ở Việt Nam v.v...”.
Luật sư Nguyễn Văn Đài, đồng sáng lập viên và hiện là Chủ tịch Hội Anh em Dân chủ, là người được Nhà nước Việt Nam phóng thích sau khi có lời kêu gọi từ nhiều chính trị gia của Đức và EU. Năm 2018, ông rời khỏi nhà tù ở Việt Nam và sang Đức tỵ nạn khi đang thụ án 15 năm tù giam về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Đánh giá về thư ngỏ trên, ông Đài nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA):
“Đây là một kiến nghị thư rất có giá trị. Tôi đánh giá (kiến nghị thư) có tác động lớn vì Hội nghị Thượng đỉnh EU-ASEAN tập hợp 30 nhà lãnh đạo của khối EU và mười quốc gia ASEAN.
Nếu các nhà lãnh đạo của EU dấy lên tiếng nói yêu cầu thì có tác động rất lớn đến sự tự do của các nhà hoạt động ở Việt Nam, Thái Lan và Miến Ðiện”.
Trong thư ngỏ, các Nghị sĩ nói người bảo vệ nhân quyền là cốt lõi của các xã hội tự do, công bằng và bình đẳng, và việc phục vụ cộng đồng của họ thường phải trả giá đắt. Một số nhà hoạt động nhân quyền bị đàn áp hoặc sách nhiễu nhiều nhất là những người làm việc về quyền lao động, quyền môi trường, quyền bản địa, quyền phụ nữ, nhà báo và những người cổ suý dân chủ.
Các Nghị sĩ cũng đề nghị hội nghị thượng đỉnh công nhận vai trò của người bảo vệ nhân quyền trong xã hội và tầm quan trọng của việc bảo vệ họ, và điều tra về các hành vi chống lại những nguời này, bao gồm giết người và cưỡng bức mất tích.
Ba nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam thư ngỏ đề cập là những người tiêu biểu trong số hơn 200 nhà hoạt động nhân quyền đang bị cầm tù tại Việt Nam, theo thống kê của một số tổ chức nhân quyền trong nước và quốc tế.
Trần Huỳnh Duy Thức là doanh nhân và nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng nhất Việt Nam. Ông bị bắt năm 2009 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” và sau đó bị kết tội với mức án 16 năm và đang thụ án tù tại Trại giam số 6 (Thanh Chương, Nghệ An).
Trong khi đó, Phạm Đoan Trang là người bảo vệ nhân quyền và nhà báo chính trị nổi tiếng toàn cầu, được nhiều tổ chức phi chính phủ quốc tế trao giải thưởng, ngoài ra Chính phủ Hoa Kỳ và Gia Nã Ðại cũng trao cho bà giải thưởng Tự do Truyền thông 2022.
Bà bị bắt vào tháng 10 năm 2020 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”. Cuối năm 2021, bà bị kết án chín năm tù giam và hiện đang thụ án tù tại Trại giam An Phước (tỉnh Bình Dương).
Nguyễn Lân Thắng là một blogger đóng góp nhiều bài viết cho blog của Đài Á Châu Tự Do từ năm 2013 và phóng viên ảnh với nhiều bài viết về nhân quyền và các vấn đề của đất nước.
Ông bị bắt vào đầu tháng 7 năm nay với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” và đối mặt với án tù từ bảy năm đến 12 năm nếu bị kết tội. Hiện ông đang bị tạm giam để điều tra tại Trại tạm giam số 1 của Công an thành phố Hà Nội.
Nói về tình trạng người bảo vệ nhân quyền bị đàn áp ở Việt Nam, ông Phil Robertson- Phó Giám đốc Phân ban Á Châu-Thái Bình Dương của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) nói với RFA qua tin nhắn:
“Việt Nam có số lượng tù nhân chính trị cao thứ hai trong ASEAN, và gần như tất cả họ là người bảo vệ nhân quyền, hay là những người tìm cách thực hiện các quyền của mình.
Họ đã bị đàn áp bởi các điều khoản về an ninh quốc gia- những điều luật không nhằm cải thiện đời sống quốc gia mà chỉ nhằm bảo vệ quyền lực của Đảng Cộng sản cầm quyền”.
Ông cũng nói trong một số trường hợp, người bảo vệ nhân quyền bị cáo buộc “trốn thuế” mà ông gọi là xảo ngữ đánh lừa cộng đồng quốc tế.
Nói về khả năng Nhà nước Việt Nam phản hồi tích cực đối với thư ngỏ và trả tự do cho ba nhà hoạt động nhân quyền mà thư ngỏ có nhắc đến cũng như cải thiện hồ sơ nhân quyền của quốc gia, Luật sư Nguyễn Văn Đài nó
“Trong tất cả những nước mà được các Nghị sĩ đề nghị, Việt Nam khó nhất chấp nhận yêu cầu này. Quan hệ giữa các quốc gia trong EU với Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc Việt Nam có trả tự do hay không.
Tôi hy vọng sau khi kết thúc hội nghị này, mỗi quốc gia thành viên có áp lực riêng và tạo ra sức mạnh tổng hợp buộc Việt Nam đáp ứng”.
Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-EU được tổ chức vào ngày 14/12 tại Brussels nhân dịp 45 năm thiết lập quan hệ đối thoại song phương. Hai bên dự kiến thảo luận các vấn đề thách thức an ninh khu vực và toàn cầu, phát triển bền vững và hợp tác kinh tế.
Phái đoàn Việt Nam đứng đầu là Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại sự kiện trên.
CPJ Tố Cáo: Do Đàn Áp Báo Chí Trên Thế Giới Gia Tăng, CSVN Không Có Thiện Chí Cải Thiện Thứ Hạng Về “Bỏ Tù Nhà Báo!”
(Hình: Nhà báo công dân Đỗ Công Đương qua đời hồi tháng 8/2022 khi đang thụ án 8 năm tù giam.)
Theo báo cáo thường niên năm 2022 của tổ chức Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (Committee to Protect Journalists- CPJ), Việt Nam là nhà tù lớn thứ ba ở Á Châu đối với nhà báo, sau Trung Quốc và Miến Ðiện.
Trong báo cáo công bố ngày 14/12, tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại New York cho biết Việt Nam hiện đang giam giữ 21 nhà báo sau song sắt, con số này theo CPJ nếu xét trên cơ sở bình quân đầu người hoặc tính theo tỷ lệ phần trăm của tổng dân số, Việt Nam là nơi giam giữ các nhà báo tồi tệ hơn nhiều so với cả Trung Quốc, quốc gia đứng thứ hai trên thế giới về kiểm duyệt báo chí.
Mặc dù vậy, quốc gia do Đảng Cộng sản lãnh đạo năm nay không còn bị xếp trong nhóm năm nhà tù lớn nhất thế giới đối với nhà báo như các năm trước, thế nhưng không phải tự do báo chí ở Việt Nam được cải thiện mà việc đàn áp báo chí đạt con số kỷ lục ở một số quốc gia khác như Iran, Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Shawn Crispin, Đại diện cấp cao của CPJ ở Đông Nam Á, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua tin nhắn như sau:
“Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia giam giữ nhà báo tồi tệ nhất thế giới với ít nhất 21 phóng viên bị bỏ tù tính đến ngày 1/12. Đó là một con số rất cao khi chính quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam nghiêm cấm các cơ quan truyền thông độc lập.
Tình trạng tự do báo chí của Việt Nam, được nhấn mạnh bởi số lượng lớn các nhà báo bị bỏ tù, vẫn còn rất tồi tệ khi chính quyền tiếp tục nhắm vào các nhà báo và blogger độc lập, những người thách thức báo chí của Chính phủ. Việt Nam tiếp tục coi các nhà báo là tội phạm”.
Ông nói số lượng lớn các nhà báo bị cầm tù ở Việt Nam đặt ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan về mặt đạo đức đối với các công ty kỹ thuật phương Tây vốn đang đổ những khoản đầu tư lớn vào lĩnh vực kỹ thuật ở quốc gia này.
Ông nhấn mạnh hầu hết các nhà báo đang ngồi tù ở Việt Nam đang bị giam giữ vì các bài đăng mà họ thực hiện trên nền tảng Facebook và YouTube.
Theo báo cáo của CPJ, trong số nhà báo đang bị cầm tù, có ba nhà báo là nữ, bao gồm Phạm Đoan Trang, Trần Thị Tuyết Diệu, và Huỳnh Thục Vy. Hai người đầu bị kết tội “Tuyên truyền chống nhà nước” với mức án tù lần lượt là chín năm và tám năm tù giam trong khi người còn lại bị án 33 tháng tù về tội danh “Xúc phạm quốc kỳ”.
Giữa tháng 11 vừa qua, bà Phạm Đoan Trang được chính tổ chức này trao giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế thường niên năm 2022 trong khi bà đang thụ án tù ở Trại giam An Phước (tỉnh Bình Dương).
Hai blogger Nguyễn Tường Thuỵ và Trương Duy Nhất cùng phóng viên Nguyễn Văn Hóa của Đài Á Châu Tự Do (RFA) nằm trong số 18 nhà báo còn lại đang bị cầm tù. Một số nhà báo nổi bật khác là Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Chí Dũng, và Phạm Thành.
Trong thông cáo năm nay, CPJ cho biết Việt Nam tỏ ra ít khoan dung đối với báo chí độc lập, đưa ra các bản án nghiêm khắc đối với những người bị kết tội chống Nhà nước.
CPJ nhắc lại việc nhà báo công dân Lê Mạnh Hà bị kết án tám năm tù giam và năm năm quản chế về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” trong phiên tòa hồi tháng 8.
Cũng trong năm nay, một nhà báo khác- ông Lê Anh Hùng, bị kết án năm năm tù giam về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự.
Cũng trong năm 2022, các nhà báo khác bị kết án tù như Lê Văn Dũng, Lê Trọng Hùng, Phan Bùi Bảo Thy, Nguyễn Hoài Nam.
Vào tháng 8, nhà báo công dân Đỗ Công Đương chết vì không được chăm sóc y tế đầy đủ trại Trại giam số 6 (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), nơi ông đang thụ án tù về hai tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” và “gây rối trật tự công cộng”.
Ông Shawn Crispin cho rằng các công ty đa quốc gia từ các quốc gia dân chủ cần phải thúc giục Việt Nam cải thiện tình trạng tự do báo chí trước khi cam kết tài trợ và đầu tư vào quốc gia độc đảng này.
“Các chính phủ và công ty phương Tây nên nói với Đảng Cộng sản Việt Nam rằng họ phải trả tự do cho nhiều nhà báo mà họ đã giam giữ một cách sai trái sau song sắt hoặc có nguy cơ mất nguồn ngoại quốc đầu tư mà trong những năm gần đây đã trở thành huyết mạch của nền kinh tế Việt Nam”, ông nói.
Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam để hỏi về phản ứng của Hà Nội về báo cáo thường niên 2022 của CPJ nhưng chưa nhận được phản hồi.
Trong các năm trước, Hà Nội thường phản bác các báo cáo của CPJ hoặc của Phóng viên Không Biên giới (RSF) về đàn áp tự do báo chí ở Việt Nam, nói rằng những người bị bỏ tù là do vi phạm luật pháp quốc gia đồng thời dẫn các con số về các tờ báo được phép hoạt động để cho rằng có tự do báo chí.
WPPF Không Có Tự Do Bày Tỏ Chính Kiến: Chính Phủ CSVN ‘Chặn’ Triển Lãm Ảnh Báo Chí Thế Giới Trước Giờ Khai Mạc!
(Hình: Người dân Hà Nội xem những tấm ảnh đoạt giải được trưng bày trên phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm tại triển lãm ảnh báo chí thế giới 2021. Triển lãm năm nay bị chính quyền hủy bỏ ngay trước giờ khai mạc hôm 9/12/2022.)
World Press Photo Foundation (WPPF) cáo buộc chính phủ Cộng sản Việt Nam “chặn” triển lãm ảnh báo chí thế giới tại Hà Nội ngay trước giờ khai mạc mà không đưa ra lý do cụ thể cho quyết định ngăn cản sự kiện trưng bày ảnh ra công chúng thủ đô đã được lên kế hoạch.
Trong một tuyên bố đưa ra ngay trong ngày khai mạc dự kiến, Giám đốc điều hành WPPF, Joumana El Zein Khoury, nói rằng chỉ vài giờ trước khi Triển lãm World Press Photo 2022 được mở cho công chúng tại Hà Nội vào ngày 9/12, “chúng tôi được các nhà chức trách nói rằng triển lãm này sẽ không được phép diễn ra”.
Mọi sắp đặt cho triển lãm đã được hoàn tất một ngày trước đó trên phố đi bộ bên bờ Hồ Hoàn Kiếm ở trung tâm Hà Nội trước khi có “quyết định kiểm duyệt” của chính quyền, theo tuyên bố của tổ chức có trụ sở ở Hòa Lan.
“Thật đáng thất vọng khi sau 4 năm chúng tôi được phép triển lãm thường niên tại Hà Nội, chính quyền lại quyết định chặn nó vào ngày khai mạc”, bà Khoury nói trong tuyên bố.
Tòa Ðại sứ Hòa Lan, nơi chịu trách nhiệm tổ chức triển lãm, hôm 9/12 cũng đưa ra một thông báo về việc sự kiện, dự kiến trưng bày những bức ảnh báo chí đoạt giải của nhiều tác giả trên thế giới, bị hủy bỏ.
“Tòa Ðại sứ Vương quốc Hòa Lan tại Việt Nam rất tiếc phải thông báo với Quý vị rằng Triển lãm Ảnh Báo chí Thế giới 2022 dự kiến diễn ra từ 9-17/12/2022 tại phố đi bộ ven hồ Hoàn Kiếm đã phải hủy bỏ”, thông báo viết và nói sẽ cập nhật thông tin về địa điểm sẽ diễn ra triển lãm này sau.
Triển lãm, nếu diễn ra, sẽ là lần thứ 5 liên tiếp được tổ chức tại Hà Nội, theo Tòa Ðại sứ Hòa Lan, đơn vị đã tổ chức triển lãm các năm trước đó.
Triển lãm ảnh báo chí của WPPF vào năm 2021 cũng đã vấp phải sự kiểm duyệt một phần của chính quyền Việt Nam khi một bức ảnh được dự kiến trưng bày cho công chúng ở Hà Nội bị yêu cầu bỏ đi vào phút cuối trước giờ khai mạc, theo bà Khoury. Bức ảnh cho thấy một phụ nữ Hồi giáo cầm tấm ảnh của Tướng Qasem Soleimani, người đứng đầu Lực lượng Quds của Iran bị sát hại trong một cuộc không kích của Mỹ theo lệnh của Tổng thống Donald Trump hồi đầu năm 2020. Tấm ảnh có tựa đề “Lễ tưởng niệm Qasem Soleimani ở Tehran” do nhiếp ảnh gia Newsha Tavakolian người Iran, từng làm việc cho tờ New York Times, chụp.
(Hình: Các bức ảnh đoạt giải năm nay của WPPF được dự kiến trưng bày ở triển lãm đã bị hủy bỏ ở Hà Nội.)
Các tác phẩm ảnh báo chí dự kiến trưng bày ở Hà Nội năm nay, gồm những bức ảnh của 24 nhiếp ảnh gia đoạt giải, cho thấy những câu chuyện bằng hình ảnh từ các cuộc biểu tình ở nhiều nơi trên thế giới – trong đó có Thái Lan – cho đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine hay cháy rừng hoặc tàn phá thiên nhiên ảnh hưởng đến con người như thế nào.
“Triển lãm ảnh năm nay có nhiều hơn những câu chuyện (qua ảnh) về các cuộc biểu tình và bất ổn so với triển lãm năm 2021”, Giám đốc truyền thông của WPPF, Andrew Davies, cho Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) biết qua email và nhắc tới việc một bức ảnh về biểu tình ở Iran đã bị loại ra khỏi triển lãm năm 2021.
Ông Davies cho biết cuộc triển lãm dự kiến diễn ra trong 9 ngày bị chính quyền từ chối cho khai mạc vào phút chót theo Nghị định 72 của Chính phủ Việt Nam về Hoạt động Nhiếp ảnh.“Chúng tôi được nói rằng, Điều 5 Mục 3 của Nghị định quy định rằng những người tham gia hoạt động nhiếp ảnh ‘không kích động chiến tranh xâm lược, gây thù hận giữa các dân tộc và nhân dân các nước; không truyền bá tư tưởng phản động’”, ông Davies nói.
Người đại diện WPPF, tổ chức chuyên cổ vũ cho tự do báo chí trên toàn cầu, còn nói rằng chính quyền cũng nhắc đến Điều 5 khoản 5 của Nghị định cho lý do hủy bỏ cuộc triển lãm. Theo quy định này, các tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động nhiếp ảnh “không vi phạm các quy định về nếp sống văn minh, thuần phong mỹ tục, an ninh, trật tự; không tuyên truyền bạo lực, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội gây hại cho sức khỏe, hủy hoại môi trường sinh thái và vi phạm các quy định khác của pháp luật”.
Ông Davies cho biết các bức ảnh dự kiến triển lãm gồm rất nhiều chủ đề và “không biết những câu chuyện và hình ảnh cụ thể nào đang được đề cập đến” khi chính quyền Đưa ra Nghị định 72 cho lý do hủy bỏ triển lãm.
Theo bà Khoury, những câu chuyện qua ảnh từ khắp nơi trên thế giới được WPPF chọn trao giải giúp con người hiểu nhau hơn nhưng “một số nhà chức trách ở Việt Nam không nhìn thấy lợi ích trong đó”.
Bộ Ngoại giao Việt Nam không hồi đáp yêu cầu bình luận của VOA về tuyên bố của WPPF. VOA cũng gửi yêu cầu bình luận tới phát ngôn viên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan được cho là hỗ trợ Tòa Ðại sứ Hòa Lan tổ chức triển lãm năm nay, nhưng không được trả lời.
Nhiếp ảnh gia báo chí Linh Phạm, người được chọn làm giám khảo cuộc thi ảnh báo chí thế giới của WPPF cho khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương năm 2022, từ chối bình luận về sự việc WPPF cũng như trả lời câu hỏi liệu ảnh báo chí được tổ chức này lựa chọn có ảnh hưởng thế nào tới công chúng Việt Nam. Nhiếp ảnh gia tự do, từng có ảnh đăng trên báo New York Times và tạp chí National Geographic, nói rằng không thể “đưa ra được bình luận công khai về vấn đề này” tại thời điểm hiện tại.
Việt Nam nằm trong nhóm các nước có ít tự do báo chí nhất trên thế giới với hạng 175/180, theo đánh giá của tổ chức Phóng viên Không Biên giới. Tổ chức có trụ sở ở Paris của Pháp cho rằng các phóng viên độc lập và blogger ở Việt Nam thường bị giam cầm, khiến quốc gia Đông Nam Á trở thành một trong ba nước bỏ tù nhà báo nhiều nhất trên thế giới.
“Chúng tôi đã luôn vui mừng khi mang được những câu chuyện có ảnh hưởng từ khắp nơi trên thế giới đến với người dân Việt Nam”, ông Davies nói. “Và chúng tôi hy vọng sẽ đưa được triển lãm thường niên của chúng tôi trở lại Việt Nam trong những năm tới. Tất nhiên ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là cam kết tự do báo chí”.
Việt Nam nằm trong số 7 quốc gia được chọn để triển lãm ảnh báo chí của World Press Photo, bên cạnh Hòa Lan, Đức, Bỉ, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ và Do Thái. Kể từ khi tổ chức này mang triển lãm tới Việt Nam, chưa có một tác giả nào từ quốc gia Đông Nam Á đoạt giải. Maika Elan là nhiếp ảnh gia duy nhất của Việt Nam đoạt giải ảnh báo chí thế giới của tổ chức này vào năm 2012 với bộ ảnh về những cặp đôi đồng tính ở Việt Nam.
WPPF đang đàm phán với một số chính phủ về khả năng trưng bày toàn bộ triển lãm ảnh báo chí năm nay của tổ chức này tại không gian của một Tòa Ðại sứ nào đó ở Hà Nội, theo bà Khoury. Bức ảnh bị chính quyền Việt Nam loại ra khỏi triển lãm năm 2021 sau đó đã được trưng bày cho công chúng xem tại Nhà riêng của Đại sứ Hòa Lan ở Hà Nội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét