Tin Buồn! - Khuôn Mặt Phụ Nữ Hoạt Động Cộng Đồng Bắc Cali, Chị Lệ Điệp Vừa Qua Đời!
Kính các Anh Chị.Sáng nay ngày 8/12/2022 được tin Lệ Điệp đã ra đi, vĩnh viễn xa rời cõi đời ô trọc này. Một kiếp người ai cũng trải qua bao thăng trầm, trải qua bao năm tháng hay những thời điểm sống với và sống cùng hỉ - nộ- ái- ố. Để đến một ngày nằm xuống, cô độc dưới lòng đất (mà không phải là vùng đất mình từng được sinh ra và lớn lên với bao kỷ niệm- mà là xứ người).
Tin Lệ Điệp- một người nữ Phật tử- thường xuyên đóng góp cho các Phật sự. Lệ Điệp 1 người Việt tị nạn Cộng sản hăng hái tham gia và đóng góp những sinh hoạt cộng đồng đã vĩnh viễn xa rời chúng ta. Lòng tôi - Nghê Lữ - bần thần chùn xuống.
Những kỷ niệm thân thương từ việc những lần rally, việc cùng nhau chung tay xây dựng, khánh thành xây dựng tượng đài tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị, chung tay làm 1 Hội chợ Tết năm rồi v.v...ùa về buộc tôi có những suy nghĩ và tâm tình dưới đây:
1/ Quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta đến nay 47 năm và chuẩn bị bước tới năm thứ 48, vẫn còn bị trị bởi 1 thể chế độc đảng, độc tài. Người dân trong nước vẫn phải oằn mình đớn đau dưới sự khủng bố, đàn áp, phải bị bỏ tù khi cất tiếng nói đấu tranh đòi hỏi Dân chủ, Dân quyền hay đấu tranh với các bất công, oan sai.
2/ 47 năm đã qua. Ý thức, nhiệt huyết của những người Việt tị nạn Cộng sản lưu vong ngày một nguội dần. Nhiều gương mặt miệt mài giữ lập trường chống Cộng, năng nổ, tạo hay tham gia các sự kiện lên án chế độ CS lần lượt ra đi nhưng hoài bảo vẫn còn đó. Thí dụ như Việt Dzũng, Gs Nguyễn Ngọc Bích. anh Vũ Huynh Trưởng v.v.. Nhiều người dù vẫn còn tâm huyết nhưng tuổi già, sức khỏe đã dần vắng mặt trong các sinh hoạt cộng đồng hay đã đi về miền đất lạnh.
3/ Tai San Jose chúng ta, những năm gần đây, số người còn giữ lửa - vì sự lớn mạnh của cộng đồng, vì cần biểu thị tinh thần chống Cộng, đồng hành với những nhà đấu tranh trong nước- có được mấy người – 100 người, 50 người hay ít hơn trong tổng số người Việt tại đây từ 150,00 trở lên?
4/ Nằm nhà trùm mền, đi du lịch, ăn chơi - tệ hơn là du hí ở Việt nam để xênh xang áo gấm về làng với mác Việt kiều (theo cách gọi của CSVN) thì chắc chắn sẽ không có va chạm, xung khắc như những người dấn thân ra cộng đồng.
Với những trăn trở nêu trên, với số người nhiệt huyết ít ỏi còn lại ở San Jose chúng ta, qua sự ra đi vĩnh viễn của Lệ Điệp- ĐỜI NGƯỜI VÔ THƯỜNG - trong phần đời ngắn ngủi còn lại, Nghê Lữ ước mong:
+ Ông Trời giúp mình còn sức khỏe để đi nốt tâm nguyện của mình. Nguyện tâm an bình để bản thân tránh sân si và chịu đựng được những hành xử hay đánh giá không đúng của những người đang đồng hành trong việc gìn giữ lập trường 1 người Việt tị nạn CS.
+ Thành tâm mong các bạn bè cùng 1 tấm lòng vì quê hương dân tộc- còn quá ít- của Nghê Lữ, bỏ qua tất cả những dị biệt-BẤT ĐỒNG NHƯNG KHÔNG BAO GIỜ BẤT HÒA- ĐỂ GIỮ LỬA VÀ TRUYỀN LỬA CHO THẾ HỆ TIẾP NỐI
Trân trọng- nay kính-
Nghê Lữ
Ít Dòng Tiễn Biệt!
Tôi được hân hạnh quen biết, làm việc, cộng tác với Chị Lệ Điệp khoảng gần 10 năm nay. Đàn ông mà nhảy ra gánh vác “ngà voi!” chuyện Cộng đồng đã hiếm, phụ nữ, thì chỉ đếm trên đầu ngón tay!
Chị lại là một phụ nữ có rất nhiều khả năng vượt trội! hầu như phương diện nào cũng có! Lại năng nổ thiện chí, hiếm có người như thế!
Tuyệt vời nhất là tài gây quỹ của Chị!
Nhớ lần cộng tác với Chị qua Đại Nhạc Hội gây quỹ giúp nạn nhân Bão Hải Yến, Phi Luật Tân, vào ngày 3 tháng 11 năm 2013. Cơn bão tàn phá khủng khiếp! với 7 ngàn người chết, trên 2 ngàn người mất tích!
Nhà báo, Chị Trương Gia Vy có bổn phận liên lạc với Hội Hồng Thập Tự, tôi là trưởng BTC, Chị Lệ Điệp gánh trách vụ nặng nhất, gây quỹ yểm trợ.
Đại Nhạc Hội đã thành công tốt đẹp, gần 2 ngàn người tham dự, thu được trên 100 ngàn đô la, được các em Trường Việt Ngữ Văn Lang đếm tại chỗ, và trao trực tiếp Đại diện Hội Hồng Thập Tự trên sân khấu.
Ngoài những hình thức quyên góp thông thường, (ca sĩ hát xong cầm thùng đi xin) Chị còn có sáng kiến, tặng không nước giải khát đủ loại, cộng cả cà phê, bánh ngọt, cho người tham dự. Nói tặng không, nhưng luôn luôn kèm theo thùng “tùy hỉ!”, hầu như không thấy ai uống nước, mà lại từ chối bỏ tiền vào thùng cả!
Khui các thùng “tùy hỉ” này, được gần 10 ngàn đô la! một con số lớn, kỷ lục không ngờ!
Kể ra một chuyện, để chứng minh tài gây quỹ tuyệt vời của Chị. Còn biết bao nhiêu chuyện khác, trong mục đích phục vụ Cộng đồng của Chị.
Chị ra đi, là một mất mát lớn quá! Không có gì có thể bù đắp!
Ông Trời thật…không có mắt! người hiền thì lại gọi về sớm. Còn những kẻ CS, cầm quyền gian ác, thì sống hoài, sống dai, như…đỉa đói! có trù ẻo hoài cũng không chết!
Quả báo đời sau chúng mới phải trả. Sao mà sướng thế!
(Xin đính kèm vài chân dung của Chị, như một nén hương lòng đưa tiễn!)
Khóc Lệ Điệp
Trời se lạnh gió ngoài trời vần vũ
Lã chã buồn từng chiếc lá vàng rơi
Lá về cội như kiếp người ngắn ngủi
Chuyện tử sinh tạo hóa mất hay còn
Trời vần vũ lạnh se lòng bạn hữu
Lệ Điệp đi rồi… thật sự ra đi…?
Đời vắn số một tài hoa yểu mệnh
Bỏ bạn bè… tất cả thật vậy sao…?
Trời thung lũng hôm nay trời buồn thảm
khóc cùng tôi chia sẻ một niềm đau
Một người bạn một chân tình vừa mất
Một nỗi buồn động lạnh… lạnh lòng thêm
Thôi chị ạ chị về vùng miên viễn
Giọng nói cười một thuở dễ gì quên
Về nơi đó chị về nơi nguồn cội
Người nơi này nhớ chị… vọng chuyện xưa …
Tuấn TT.
Giả Từ Năm Cũ, Đón Mừng Năm Mới 2023: Zelensky Và Tinh Thần Ukraine Là Nhân Vật Của Năm 2022!
(Ảnh: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và tinh thần Ukraine được TIME bình chọn là Nhân vật của năm 2022)
Tạp chí TIME (Mỹ) đã vinh danh Tổng thống Zelensky và đất nước Ukraine.
Tổng biên tập Time, ông Edward Felsenthal gọi quyết định của Zelensky ở lại Kiev và tập hợp đất nước của ông trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra là “định mệnh”.
“Dù xung đột ở Ukraine tràn ngập niềm tin hay nỗi sợ, ông Volodymyr Zelensky đã khích lệ thế giới theo cách mà chúng ta chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua”, Tổng biên tập Edward Felsenthal của tạp chí Time viết hôm nay, khi công bố Nhân vật của năm 2022.
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24-2, ông Zelensky đã có những bài phát biểu hằng ngày không chỉ được người Ukraine mà cả thế giới theo dõi.
Mới đây ông đã xuất hiện trên tiền tuyến vùng Donbas và trước đó đã ăn mừng trên đường phố Kherson khi lực lượng Nga rút khỏi thành phố này.
Tạp chí Time cho rằng Tổng thống Ukraine Zelensky, với tư cách lãnh đạo thời chiến, đã nhận được thành công với lòng dũng cảm truyền cảm hứng. Time nhắc lại từ những ngày đầu xảy ra xung đột với Nga, ông Zelensky đã kiên quyết không rời đi mà ở lại đất nước để tập hợp sự ủng hộ
“Từ video đầu tiên dài 40 giây trên Instagram của ông ấy vào ngày 25/2 tới các bài phát biểu trực tuyến trước các cơ quan như quốc hội các nước, Ngân hàng Thế giới và lễ trao Giải thưởng Grammy, Tổng thống Ukraine đã ở khắp mọi nơi”, Time viết.
Danh hiệu Nhân vật của năm 2022 cũng được trao cho “tinh thần của Ukraine”, mà theo ông Felsenthal là đại diện cho “vô số cá nhân trong và ngoài đất nước” đã chiến đấu ở hậu phương, bao gồm cả những người bình thường như đầu bếp và bác sĩ phẫu thuật, tới những nhà báo mạo hiểm tính mạng để đưa tin về xung đột.
Cuối Cùng Ngôi sao bóng rổ Griner trở về Mỹ; Nga coi việc Bout được thả là 'thắng lợi' của Putin
-Máy bay chở ngôi sao bóng rổ Brittney Griner hạ cánh ở Mỹ vào sáng sớm thứ Sáu 9/12, gần 10 tháng sau khi bà bị giam giữ ở Nga.
Brittney Griner trên đường về Mỹ sau khi được Nga trả tự do.
Griner được trả tự do trong một cuộc trao đổi tù nhân với Nga, theo đó, tay buôn vũ khí Viktor Bout được Mỹ thả và về nước hôm 8/12. Điều này chấm dứt những ngày tháng "cực kỳ tồi tệ" đối với Griner và vợ của bà, như lời mô tả của Tổng thống Joe Biden.
Griner, 32 tuổi, người từng hai lần giành huy chương vàng Olympic và là ngôi sao của đội Phoenix Mercury, thi đấu trong giải của Hiệp hội bóng rổ quốc gia nữ Mỹ. Bà vừa bay tới San Antonio, Texas.
Bà đã bị bắt vào ngày 17/2 tại một sân bay ở Moscow sau khi người ta tìm thấy hộp chứa dầu cần sa trong hành lý của bà. Đây là loại hàng bị cấm ở Nga.
Vào lúc Griner còn đang trên đường về Mỹ, Bout đã về đến Moscow, ôm mẹ và vợ sau khi bước xuống đường băng, các hình ảnh trên truyền hình cho thấy.
Cuộc trao đổi tù nhân này là một ví dụ hiếm hoi về sự hợp tác giữa Mỹ và Nga kể từ cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Hai nước cũng đã trao đổi tù nhân vào tháng 4 khi Nga thả cựu lính thủy đánh bộ Mỹ Trevor Reed và Mỹ thả phi công Nga
Konstantin Yaroshenko.
Truyền thông nhà nước Nga hôm 9/12 ca ngợi Tổng thống Vladimir Putin vì đã "chiến thắng" trong cuộc trao đổi tù nhân với Mỹ bằng cách hoán đổi cầu thủ bóng rổ Mỹ Brittney Griner lấy tay buôn vũ khí khét tiếng Viktor Bout.
Bộ Tư pháp Mỹ mô tả Bout là một trong những kẻ buôn bán vũ khí nhiều nhất thế giới, đã bán vũ khí trên toàn cầu cho những kẻ khủng bố và kẻ thù của Mỹ trong nhiều thập kỷ. Bout luôn phủ nhận các cáo buộc.
Ông ta bị bắt giữ vào năm 2008 trong một chiến dịch giăng bẫy phức tạp của Cục Phòng chống Ma túy Mỹ (DEA) tại một khách sạn sang trọng ở Bangkok. Moscow luôn khẳng định ông này vô tội nhưng ông ta đã bị tòa án Manhattan kết án 25 năm tù vào năm 2012.
(Ảnh: Viktor Bout khi còn bị giam giữ)
"Mỹ đã phải đầu hàng", Maria Butina, một nhà lập pháp ở hạ viện của quốc hội Nga, nói với đài truyền hình nhà nước trên đường băng của sân bay Vnukovo ở Moscow ngay khi Bout hạ cánh.
“Điều đó cho thấy rằng Nga không từ bỏ người của mình trong khi Mỹ thể hiện họ bị thất bại. Nga không quên ông ấy”, Butina nói bên cạnh vợ và mẹ của Bout, hai người này đã ôm ông ta khi ông ta trở về trên đất Nga.
Một số đảng viên Cộng hòa ở Mỹ chỉ trích chính quyền Biden vì đã thực hiện việc hoán đổi
"Thật là một sự mất mặt 'ngu xuẩn' và không yêu nước đối với Hoa Kỳ!!!" cựu tổng thống Donald Trump viết trên mạng xã hội.
Truyền thông Nga đưa tin rộng rãi về cảm xúc tức giận ở Mỹ về việc Bout được thả, trong đó, tờ báo lá cải Moskovsky
Komsomolets ủng hộ Điện Kremlin dẫn lại báo chí Mỹ và viết rằng các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ thấy "phiền lòng" về cuộc trao đổi.
Margarita Simonyan, tổng biên tập của đài RT do nhà nước Nga tài trợ, cho rằng cuộc trao đổi cho thấy Nga "cuối cùng sẽ thắng" vì Washington đã quyết định bỏ lại một điệp viên Mỹ bị kết án tù ở Nga. Đó là Paul Whelan, cựu lính thủy đánh bộ Mỹ đang thụ án 16 năm tù tại trại giam hình sự của Nga về tội làm gián điệp
Cảnh Sát Đức Chuẩn Bị Bắt Giữ Thêm Nhiều Người, Sau Khi Đập Tan Mưu Đồ Đảo Chính Bằng Vũ Lực
-Chính quyền Đức hôm 7 tháng 12 đã bắt giữ 25 thành viên và những người ủng hộ một nhóm cực hữu mà các công tố viên cho biết đang có kế hoạch lật đổ chính phủ đương nhiệm bằng vũ lực.
(Ảnh: Heinrich XIII nhà Reuss bị nhân viên an ninh Đức bắt hôm 7/12.)
Hiện cảnh sát Đức có kế hoạch bắt giữ thêm nhiều người khi họ điều tra một nhóm cực hữu mà các công tố viên cho rằng đang chuẩn bị lật đổ nhà nước và đưa một cựu thành viên hoàng gia Đức lên làm quốc trưởng.
Các nhà điều tra cho biết nhóm này, mà nhiều người trong nhóm là thành viên của phong trào Reichsbuerger (Công dân của Đế chế), đã lên kế hoạch đưa nhà quý tộc Heinrich XIII Prinz Reuss làm lãnh đạo của một nhà nước mới. Các điều tra viên tìm thấy bằng chứng cho thấy một số thành viên đã lên kế hoạch tấn công Bundestag (tòa nhà quốc hội liên bang) và bắt giữ các nhà lập pháp.
Heinrich là hậu duệ của Hoàng gia Reuss ở bang Thuringia thuộc miền đông nước Đức. Ở tuổi 71, ông này lâu nay là một nhà phát triển bất động sản và bị bắt tại thủ đô tài chính Frankfurt hôm thứ Tư 7/12.
Heinrich XIII là ai?
Hãng tin Sky News dẫn lời nhà chức trách Đức cho biết, Heinrich XIII xuất thân từ gia đình quý tộc Đức có tên là nhà Reuss, và những thành viên của Reichsbuerger đã lên kế hoạch để đưa ông này lên làm “lãnh đạo một chính phủ mới”.
Theo thông tin từ chính quyền Đức, Reuss là một gia đình quý tộc Đức có từ thế kỷ 12 với người đặt nền móng cho dòng họ này là Erkenbert I (1090-1163). Trải qua hàng trăm năm từ thời Trung cổ cho tới Cận đại, con cháu của Erkenbert I đã cai trị nhiều vùng lãnh thổ mà nay thuộc miền đông nước Đức.
Tuy nhiên, nhà Reuss đã chấm dứt sự cai trị khi Đức trở thành một nước cộng hòa. Những vùng đất của gia đình quý tộc này sau đó đã trở thành một phần bang Thuringia, Đức vào năm 1920.
Tất cả những nam thành viên trong gia tộc này đều được đặt tên là Heinrich (Henry), với người sinh ra đầu tiên trong mỗi thế kỷ sẽ được gọi với cái tên Heinrich I, người thứ hai là Heinrich II và tiếp tục như thế cho đến thế kỷ tiếp theo.
Theo Sky News, Heinrich XIII kết hôn với một phụ nữ Iran và có hai người con trong độ tuổi 30. Dù chi tiết về nguồn thu nhập của ông này tới nay chưa được chính quyền Đức hé lộ, nhưng nhiều báo cáo cho thấy Heinrich XIII làm việc trong lĩnh vực tài chính và bất động sản.
Người đứng đầu nhà Reuss hiện nay là Hoàng tử Heinrich XIV vào đầu năm nay nói rằng, bản thân ông đã cố gắng giữ khoảng cách với Heinrich XIII. Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ báo OTZ hồi tháng Tám, ông Heinrich XIV miêu tả Heinrich XIII là một “ông già lẩm cẩm, người tin vào các thuyết âm mưu và đã không liên lạc với gia đình trong 14 năm”.
Một nữ phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Đức cho biết hôm 8/12 rằng các cuộc đột kích được thực hiện vào ngày hôm trước là “biện pháp hành pháp” đánh vào nhóm Reichsbuerger. Đây là biện pháp có quy mô lớn nhất từng thấy ở Đức.
Về nguy cơ an ninh do Reichsbuerger gây ra, bà nói thêm: “Mối nguy hiểm tiềm ẩn vẫn còn cao và các cơ quan an ninh đang hết sức chú ý theo dõi tình hình”.
Các công tố viên cho biết 19 người trong số những kẻ bị cáo buộc là chủ mưu đã bị tạm giam hôm 7/12, đồng thời, 6 người khác sẽ ra trước thẩm phán hôm 8/12. Nhiều người trong số những nghi phạm đã ngoài 50 tuổi và họ bao gồm những người cánh hữu, những người phủ nhận dịch COVID và những người phản bác nhà nước Đức hiện đại.
Holger Muench, người đứng đầu văn phòng cảnh sát liên bang, nói với đài truyền hình ARD hôm 8/12 rằng con số các nghi phạm trong vụ án hiện là 54 và con số đó có thể còn tăng lên.
Theo Reuters việc phát giác ra mưu đồ này là một cú sốc đối với một trong những nền dân chủ ổn định nhất và cũng là nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Nhận Định Tình Hình:
Tổng Bí Thư Đảng CSVN Lại Căn Dặn Công An ‘Còn Đảng Còn Mình!’
(Hình: Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị của Bộ Công an, 7/12/2022.)
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hôm 7/12/2022 nhắc lại lời căn dặn của ông với lực lượng công an rằng họ phải luôn ghi nhớ và thực hiện lời thề “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “còn đảng thì còn mình” và “danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.
Báo Điện tử Chính phủ và nhiều báo Việt Nam tường thuật rằng ông Trọng, nhà lãnh đạo chính trị có thực quyền cao nhất Việt Nam, đưa ra lời nhắc nhở kể trên khi ông dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương, do Bộ Công an tổ chức tại Hà Nội.
Tin cho hay hội nghị, do Bộ trưởng Bộ Công an Đại tướng Tô Lâm chủ trì, tổng kết rằng trong năm 2022 lực lượng công an “đã giữ vững thế chủ động chiến lược, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”.
Trong cùng năm, công an cũng “kịp thời đấu tranh ngăn chặn âm mưu hoạt động chống phá” của các thế lực mà Việt Nam gọi là “thù địch, phản động”, cũng như “không để hình thành, công khai các tổ chức chính trị đối lập trong nội địa”. Một thành tựu khác của công an là “kiềm chế tội phạm về trật tự xã hội”, vẫn theo tường thuật của báo chí trong nước.
Hội nghị của ngành công an ghi nhận một thành tích nữa của ngành trong năm qua là “công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả rõ nét, ngày càng đi vào chiều sâu”.
Điểm nổi bật trong công tác này là công an đã tập trung điều tra, giải quyết các vụ án, sự việc lớn thuộc tầm quản lý của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tuân theo nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Các nỗ lực và kết quả của công an trong việc này “được lãnh đạo đảng, nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao”, hội nghị nhận xét.
Phát biểu chỉ đạo công an về thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị ngành này “tham gia tích cực, chủ động, quyết liệt, hiệu quả cao hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực,… với phương châm ‘không có vùng cấm, không có ngoại lệ’”.
Ông Trọng cũng lưu ý rằng cần chú trọng xây dựng lực lượng công an “tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với đảng, nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa”, “có phẩm chất đạo đức trong sáng, thật sự liêm chính, vì nhân dân phục vụ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ an ninh tổ quốc”.
Vẫn vị Tổng Bí thư căn dặn: “Toàn thể lực lượng công an nhân dân hãy luôn luôn ghi nhớ, khắc sâu vào tâm trí và thực hiện cho bằng được lời thề: ‘Vì nước quên thân, vì dân phục vụ’; ‘Còn đảng thì còn mình’; ‘Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất’!”, theo tường thuật của báo chí Việt Nam.
Theo tìm hiểu của Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA), những cụm từ kể trên là sự khái quát hóa nội dung 5 lời thề của công an Cộng sản Việt Nam được đưa ra ngày 8/9/1969, sau khi ông Hồ Chí Minh, Chủ tịch của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, qua đời.
VOA quan sát thấy trong giới những người bất đồng chính kiến và hoạt động vì tiến bộ xã hội ở Việt Nam, cụm từ “còn đảng còn mình” tạo ra ác cảm với những hình ảnh trên thực tế về việc công an sẵn sàng trấn áp thẳng tay, đôi khi bị xem là bạo lực và dã man, nhằm vào những người bị công an xem là chống lại chế độ, câu kết với các thế lực ngoại quốc.
Trong khi đó, những người tranh đấu cho rằng họ chỉ lên tiếng vì yêu nước và thúc đẩy các quyền chính đáng của công dân.
Bộ Chính Trị Nhắc Nhở: “Đảng Viên Vô Cảm Với Dân” Sẽ Bị Kỷ Luật?
(Hình REUTERS: Công nhân dựng tấm biển chào mừng Đại hội Đảng 13 ở Hà Nội hôm 12/1/2021.)
Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa ban hành Hướng dẫn số 05 thực hiện một số điều trong Quy định số 69 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Theo đó, đảng viên quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương; cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bất bình và đòi hỏi chính đáng của nhân dân cũng sẽ bị kỷ luật.
Tháng 10 năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng ký ban hành Quy định 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, trong đó có nhấn mạnh “Thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng”.
Nhiều người cho rằng, những điều nêu trên thật khó mà kỷ luật vì không thể cân, đo, đong, đếm. Một cựu đảng viên ở Hà Nội không muốn nêu tên nói với Ðài Á Châu Tự Do (RFA) sáng 7/12/2022:
“Tiêu chuẩn thế nào là vô cảm, thờ ơ? Nghe như thế có thể thấy đây là một quy định rất cảm tính, không lượng hóa được. Nó chung chung như thế thì nói thế nào cũng được.
Ngay từ gốc thì tổ chức Đảng - tổ chức được coi là cao nhất cai trị cả một đất nước - lại không có luật về Đảng thì tất cả những quy định liên quan cũng chẳng có tiêu chuẩn nào để đánh giá. Muốn nó tròn thì nó tròn, muốn nó méo thì nó méo.
Còn muốn đảng viên không quan liêu, xa rời quần chúng thì cho người dân một kênh để phát biểu những ý kiến, những góp ý với Chính phủ đi. Có thể qua truyền thông hoặc qua báo chí độc lập không bị kiểm soát bởi Ban tuyên giáo. Như thế thì ngay cả những người dân lao động bình thường cũng có thể phản ánh nguyện vọng của người ta tới Ban Bí thư, tới Đảng và tới Chính phủ.
Theo tôi, người ra quy định này một là dốt, hai là cố tình ra quy định cảm tính như thế để làm vũ khí triệt hạ lẫn nhau”.
Cũng cùng ý kiến với vị cựu đảng viên trên, cựu chiến binh Nguyễn Khắc Toàn nêu quan điểm của ông về vấn đề này:
“Muốn Đảng gắn bó máu thịt với Nhân dân, dựa vào Nhân dân thì chỉ có một cách là phải lắng nghe những ý kiến, những khát vọng của Nhân dân và đổi mới về mặt thể chế chính trị”.
Quan liêu, xa rời quần chúng của một bộ phận cán bộ, đảng viên được Hội nghị Trung ương 4, khóa XII của Đảng chỉ ra là căn bệnh tồn tại khá phổ biến và gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, làm giảm sút lòng tin trong nhân dân. Theo ông Trọng, phải phát huy thật tốt dân chủ trong đảng và trong xã hội; phải tăng cường mối quan hệ máu thịt với nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; phải dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng và rèn luyện đảng viên.
Tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân được ĐCSVN nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các văn kiện Đại hội đảng, trong các bài viết trên báo Đảng, thậm chí trong các buổi họp chi bộ. Nhưng dường như giữa Đảng với dân không thể có sự mật thiết.
Với quy định đảng viên vô cảm trước những đòi hỏi chính đáng của nhân dân sẽ bị kỷ luật, sư cô Diệu Hạnh nói với RFA:
“Mình thấy yêu cầu của mình là chính đáng mà mấy ổng không thấy thì sao? Tôi không tin mấy ổng sẽ thay đổi đâu. Quá trễ rồi. Bản chất của mấy ổng là như vậy rồi. Theo tôi, không có ông đảng viên nào có lòng vối dân hết. mấy ông có lòng với dân thì bỏ đảng hết rồi. Mà mấy ổng bị kỷ luật hay được khen thưởng có ảnh hưởng gì đến mình đâu!”
Ông Hồ Chí Minh từng dặn dò rằng “quan liêu, xa rời nhân dân tất yếu dẫn đến căn bệnh vô cảm; có thái độ thờ ơ, tắc trách, thiếu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trước những khó khăn, bất bình và đòi hỏi quyền lợi chính đáng của Nhân dân, thấy việc có lợi cho dân không dám làm, việc có hại cho dân vẫn làm ngơ, không giải quyết hoặc đùn đẩy trách nhiệm. Nguy hại nhất của tệ quan liêu, bệnh vô cảm đã dung túng cho nạn tham ô, lãng phí; là nguồn gốc của nạn tham ô, lãng phí”.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã khẳng định, một bộ phận không nhỏ đảng viên đã suy thoái, biến chất. Trong nhiệm kỳ từ năm 2016 đến 2020, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phải giải quyết kỷ luật hơn 25.000 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền và là đảng duy nhất được phép hoạt động tại Việt Nam theo Hiến pháp. Theo Cương lĩnh và Điều lệ chính thức hiện nay, Đảng là đại diện của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy Chủ nghĩa Marx-Lenin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động.
Theo nhận định của một số người dân quan tâm, bệnh quan liêu của cán bộ, đảng viên tồn tại trên nhiều lĩnh vực, từ nhiều năm qua, từng được báo chí Nhà nước lên tiếng. Tuy vậy, hầu hết những cán bộ này vẫn ‘bình chân như vại’, không hề bị cảnh cáo hay kỷ luật gì.
Nếu cán bộ, đảng viên bị kỷ luật do quan liêu, vô cảm với dân thì liệu người dân và Đảng Cộng sản có tạo được mối quan hệ khăng khít hơn hay không? Nhà báo Trần Ngọc Tuấn từ Cộng hòa Czech nêu nhận định của ông với RFA sáng 7 tháng 12:
“Theo tôi, đây là là hình thức mị dân thôi. Những câu như “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” tôi đã nghe cách đây cả nửa thế kỷ rồi. Nội dung nó hoàn toàn giống nhau, chỉ khác nhau hình thức thôi. Theo nhận định của tôi, những đảng viên Cộng sản thời ấy tử tế hơn những đảng viên Cộng sản bây giờ. Đảng viên bây giờ họ vì thân chứ có vì dân đâu cho nên quy định thì nó cũng chỉ là khẩu hiệu thôi. Yếu tố quyết định là con người. Thấy những sai trái trong xã hội thì phải lên tiếng.
Tôi từng hỏi một số đảng viên, tại sao thấy những chuyện tiêu cực trong xã hội mà khi họp chi bộ không lên tiếng thì họ trả lời rằng, lên tiếng thì bị để ý, bị cho là tự diễn biến”.
Nhà báo này nhắc lại sự kiện Đồng Tâm, khi ông Lê Đình Kình, một đảng viên lão thành bị chính các đồng chí của mình bắn chết tại nhà riêng, rất ít tiếng nói đảng viên lên tiếng cho sự kiện này.
Nhận Định Theo Dòng Thời Cuộc:
Tập Cận Bình Bắt Đầu Chuyến Thăm Ả Rập Saudi Để Tăng Cường Quan Hệ Kinh Tế và Chiến Lược
(Hình: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) được Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Saudi, Thái tử Faisal bin Farhan (thứ 2 từ phải sang) và Hoàng tử Faisal bin Bandar Al Saud (trái) tiếp đón tại Phi trường quốc tế King Khalid ở thủ đô Riyadh vào ngày 7/12/2022.)
Chủ tịch Tập Cận Bình vừa đến Ả Rập Saudi vào thứ Tư (7/12) trong chuyến thăm mà Trung Quốc ca ngợi là “sáng kiến ngoại giao lớn nhất từ trước đến nay” của họ trong thế giới Ả Rập, khi Riyadh tìm cách mở rộng các liên minh toàn cầu ngoài mối quan hệ đối tác lâu dài với phương Tây.
Cuộc gặp giữa cường quốc kinh tế toàn cầu và gã khổng lồ năng lượng vùng Vịnh diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ của Saudi với Hoa Thịnh Ðốn đang căng thẳng do Mỹ chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Riyadh và sự ủng hộ của Saudi đối với việc kiềm chế sản lượng dầu trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 của Mỹ.
Thái tử Mohammed bin Salman dự kiến sẽ chào đón ông Tập một cách xa hoa, trái ngược với sự tiếp đón đơn giản dành cho Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, người đã chỉ trích nhà cầm quyền trên thực tế của Ả Rập Saudi, tạo nên không khí căng thẳng cho cuộc họp vào tháng Bảy.
Chuyến đi của ông Tập bao gồm các cuộc đàm phán trực tiếp với Ả Rập Saudi, một cuộc gặp rộng rãi hơn với liên minh Ả Rập vùng Vịnh gồm sáu quốc gia và một hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Ả Rập, mà theo lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Mao Ninh, sẽ là “một cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển quan hệ Trung Quốc-Ả Rập”.
Ông Mao nói thêm rằng Bắc Kinh hy vọng sẽ đưa ra tuyên bố mạnh mẽ về tăng cường “đoàn kết và hợp tác”.
Về phía Ả Rập Saudi, thất vọng trước những gì họ coi là sự rút lui dần của Hoa Thịnh Ðốn khỏi Trung Đông và tình trạng xói mòn dần các bảo đảm an ninh của Mỹ, Trung Quốc mang đến cơ hội về lợi ích kinh tế mà không tạo ra căng thẳng, vốn là yếu tố phủ bóng lên mối quan hệ của nước này với Mỹ.
“Bắc Kinh không tạo gánh nặng cho các đối tác của mình bằng các yêu cầu hoặc kỳ vọng chính trị và kiềm chế can thiệp vào công việc nội bộ của họ”, nhà bình luận Ả Rập Saudi Abdulrahman Al-Rashed viết trên tờ báo Asharq Al-Awsat thuộc sở hữu của Ả Rập Saudi.
Không giống như Hoa Thịnh Ðốn, Bắc Kinh vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với đối thủ khu vực của Riyadh là Iran, một nhà cung cấp dầu khác cho Trung Quốc, và tỏ ra ít quan tâm đến việc giải quyết các mối quan ngại về chính trị hoặc an ninh của Saudi trong khu vực.
Ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Trung Đông đã khiến Hoa Kỳ lo lắng, khi gã khổng lồ Á Châu cũng là một đối thủ kinh tế.
Phái đoàn Trung Quốc dự kiến sẽ ký các thỏa thuận trong tuần này trị giá 30 tỉ Mỹ kim với Riyadh cũng như các thỏa thuận với các quốc gia Ả Rập khác, hãng thông tấn nhà nước SPA của Ả Rập Saudi cho biết.
Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, là đối tác thương mại lớn của các nhà sản xuất dầu khí vùng Vịnh. Ả Rập Saudi là nhà cung cấp dầu hàng đầu của họ và công ty nhà nước Saudi Aramco có các thỏa thuận cung cấp hàng năm cho năm, sáu nhà máy lọc dầu Trung Quốc.
Trong khi các mối quan hệ kinh tế vẫn được neo giữ bởi lợi ích năng lượng, thì các mối quan hệ song phương đã được mở rộng nhờ sự thúc đẩy về cơ sở hạ tầng và kỹ thuật của vùng Vịnh, một phần của các kế hoạch đa dạng hóa đã trở nên quan trọng khi thế giới quay lưng lại với nhiên liệu hóa thạch.
Ả Rập Saudi và các đồng minh vùng Vịnh cho biết họ sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ đối tác để phục vụ lợi ích kinh tế và an ninh, bất chấp sự dè dặt của Hoa Kỳ về mối quan hệ của họ với cả Nga và Trung Quốc.
Hoa Kỳ, trong nhiều thập niên là nhà bảo đảm an ninh chính của Ả Rập Saudi và vẫn là nhà cung cấp quốc phòng chính, đã bày tỏ lo ngại an ninh về sự can dự ngày càng tăng của Trung Quốc vào các dự án cơ sở hạ tầng nhạy cảm ở vùng Vịnh.
Ả Rập Saudi Muốn Gần Trung Quốc Nhưng Không Muốn Tách Xa Hoa Kỳ
(Thu Hằng)
Ả Rập Saudi, một đồng minh của Mỹ, trải thảm đỏ đón Chủ tịch Trung Quốc, đối thủ chính của Hoa Kỳ. Chính quyền Riyadh tìm cách “đa dạng hóa” các liên minh để phục vụ cho quá trình thay đổi, từ cải cách cấu trúc kinh tế đến chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, Ả Rập Saudi vẫn không thể bỏ qua được đối tác truyền thống là Hoa Thịnh Ðốn.
Việc chọn Ả Rập Saudi nói riêng và vùng Vịnh nói chung cho chuyến công du ngoại quốc lần thứ ba của ông Tập Cận Bình kể từ ba năm qua phản ánh tầm quan trọng của khu vực đối tác chính của Trung Quốc về năng lượng.
Trả lời RFI ngày 7/12, nhà nghiên cứu Camille Lons, Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế (IISS), đánh giá cuộc họp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc mang ý nghĩa “chính trị” đối với chính quyền Riyadh và để thể hiện “mối quan hệ với Bắc Kinh thăng hoa”. Thực ra, xu hướng này đã có từ lâu và nằm trong chiến lược “đa dạng hóa quan hệ đối ngoại với các đối tác khác và dĩ nhiên Trung Quốc nằm trong số những đối tác quan trọng trong quá trình này”.
Chính Sách Đa Dạng Hóa Đối Tác
Từ khoảng 10 năm nay, chính quyền Riyadh chuyển chính sách đối ngoại và thị trường sang Á Châu. Riêng về dầu lửa, Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn và Ấn Độ hiện là khách chính của Ả Rập Saudi. Chuyên gia về lĩnh vực năng lượng Á Châu Kaho Yu, được trang France 24 trích dẫn, đánh giá Riyadh muốn đi xa hơn, có nghĩa là không dừng ở việc bán dầu “mà phát triển hợp tác về toàn bộ chuỗi cung ứng”, như xây dựng các nhà máy lọc dầu, lập kho dự trữ. Và điểm này đã được hoàng thái tử Ben Salman đề cập với nhiều nhà lãnh đạo Á Châu bên lề thượng định G20 ở Bali, Nam Dương.
Bắc Kinh là khách hàng quan trọng của Riyadh, nhập đến gần 1/4 khối lượng dầu lửa của nhà xuất cảng dầu lửa lớn nhất thế giới. Tương tự, theo ông Andrew Small, Quỹ German Marshall của Mỹ, được AFP trích dẫn, Bắc Kinh cũng muốn “tăng cường mối quan hệ với các nhà cung cấp năng lượng chính vào lúc thị trường khó đoán định” do tác động từ cuộc chiến ở Ukraine.
Ả Rập Saudi cũng “không muốn chỉ phụ thuộc vào một nguồn thu nhập duy nhất” là các sản phẩm dầu lửa. Nhà nghiên cứu Jonathan Fulton, Viện Atlantic Council, cho rằng Riyadh “muốn tìm thêm cách khác để thâm nhập thị trường Trung Quốc” lớn nhất thế giới, trong khi Trung Quốc xuất sang vương quốc Ả Rập đủ loại mặt hàng.
Ngoài năng lượng, hai nước thắt chặt quan hệ hợp tác trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, trong khi Bắc Kinh cũng tìm cách mở rộng Sáng kiến Một vành đai Một con đường, với những điều kiện ưu đãi, đặc biệt là không đòi hỏi về nhân quyền như các nước Phương Tây. Kỹ thuật nhận dạng khuôn mặt và giám sát, được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc, có thể được khai triển ở thành phố NEOM tương lai, có tổng giá trị đầu tư đến 500 tỉ Mỹ kim.
Không Thể Tách Rời Với Đồng Minh Truyền Thống Mỹ
Trang Orient Le Jour ngày 6/12 đánh giá mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Ả Rập, đặc biệt là ở Vùng Vịnh, được củng cố trong bối cảnh Hoa Kỳ giảm bớt cam kết trong vùng và gần đây là căng thẳng về quyết định giảm sản xuất dầu khí của nhóm OPEC+. Mỹ muốn nhóm này tăng khối lượng để tránh giá dầu lửa leo thang.
Dĩ nhiên Hoa Thịnh Ðốn theo dõi sát sao cuộc họp thượng đỉnh Trung Quốc-Ả Rập Saudi. Nhưng theo giới chuyên gia, không nên duy diễn đó là “một thông điệp gửi đến Hoa Kỳ”. Trên thực tế, Ả Rập Saudi hiện vẫn “phụ thuộc vào Hoa Kỳ về mặt quốc phòng” nhưng cũng “đang khai thác những mối quan hệ chiến lược khác”. Một dấu hiệu được nhà nghiên cứu Torbjorn Soltvedt của Viện Verisk Maplecorft cho rằng “có thể (chính quyền Riyadh) cố giảm dần phụ thuộc vào Hoa Kỳ”.
Bắc Kinh cũng “ý thức rõ về mức độ mật thiết trong mối quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Mỹ, dù hiện có nhiều bất đồng”. Chiến lược đa dạng hóa các mối quan hệ với các cường quốc thế giới, trong đó có Trung Quốc, phục vụ cho chính sách “Ả Rập Saudi trước tiên” của Riyadh. Điều quan trọng, theo ông Umar Karim, là giống như nhiều nước khác trên thế giới, Ả Rập Saudi phải thể hiện được là “không bị kéo” vào cuộc tranh giành quyền lực giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Trung Quốc: Tập Cận Bình Dưới Bóng Ma của Giang Trạch Dân
(Chi Phương)
Một tuần sau khi làn sóng biểu tình phản đối chính phủ xảy ra ở nhiều nơi tại Trung Quốc, người dân bất bình với vị lãnh đạo độc tài. Sự ra đi của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân đã dấy lên một cảm giác hoài niệm về một dĩ vãng “hoàng kim” trong công chúng Trung Quốc. Hai lãnh đạo, hai thời đại, Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) giới thiệu bài phân tích trên báo Le Figaro đăng ngày 5/12/2022.
Bài đăng với tiêu đề “Đừng sợ vì ngây thơ”, đính kèm hình ảnh cặp kính đen dày của cố Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, loan truyền trên Internet ở Trung Quốc. Những người biểu tình phản đối chính sách zero Covid của Tập Cận Bình đã bất ngờ tìm được một vị anh hùng không thể tấn công được, để vượt qua kiểm duyệt và làm tiêu hao tầm vóc của lãnh đạo đương nhiệm, độc tài nhất từ thời Mao Trạch Đông.
“Các bạn còn quá trẻ, quá ngây thơ”, là nhận định mà ông Giang Trạch Dân đưa vào năm 2000, với cái nhìn linh hoạt, kêu gọi các nhà báo Hồng Kông bắt chước tính nghiêm khắc, chặt chẽ của các đồng nghiệp Mỹ, trong một cuộc đối thoại không được tổ chức chính thức. Thái độ thân mật này trái ngược với sự lạnh nhạt kiểu hoàng tộc của Tập Cận Bình. Ông Tập đã dạy cho Thủ tướng Gia Nã Ðại Justin Trudeau một bài học nghiêm khắc vì đã truyền tin cho báo chí nội dung cuộc gặp mặt của hai lãnh đạo bên lề hội nghị G20 ở Bali.
Hoài Niệm Về Cố Lãnh Đạo “Cởi Mở”
Một bình luận trên mạng xã hội Vi Bác (Weibo) phổ biến tại Trung Quốc nhận định rằng “cố lãnh đạo đưa ra hình ảnh một con người bằng xương bằng thịt chứ không phải một vị Thượng đế”. Đây là lời gián tiếp châm chọc ông Tập, người đã ghi tư tưởng của mình vào trong Hiến pháp.
Một số khác thì hào hứng nói về một vị Chủ tịch đi khắp thế gian: “Ông ấy có thể ứng biến mà không cần giấy nhớ và bằng tiếng Anh”. Một người thông thạo ngôn ngữ của Shakespeare và không ngần ngại cất tiếng hát bài O Sole Mio trước George Bush.
Giang Trạch Dân thường bị chế nhạo vì phong cách lập dị, Chủ tịch Giang hiếm khi nhận được sự nhất trí trong các chính sách, quyết định, khi làm lãnh đạo. Nhiệm kỳ của ông bị đánh dấu bằng những lần tái cấu trúc tàn nhẫn các tập đoàn lớn của Nhà nước và cuộc đàn áp không thương tiếc chống lại các nhà bất đồng chính kiến cũng như là giáo phái Pháp Luân Công. Thế nhưng, Giang Trạch Dân, người đã để Hồ Cẩm Đào kế nhiệm mình, lại khiến một số người “mong nhớ”, vào lúc mà Tập Cận Bình bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba, không sẻ chia quyền lực cho ai và bỏ qua thông lệ 10 năm mà những người tiền nhiệm của ông tuân theo. Một bài đăng chỉ ra một cách mỉa mai rằng “thời điểm đó, người ta nói rằng ông Tập tầm thường”, tất cả các bình luận trong bài đăng này đều bị kiểm duyệt như là để nhấn mạnh đến sự bất ổn hiện nay.
Sự Ra Đi của Lãnh Đạo Thường Đi Liền Với Phong Trào Phản Kháng?
Buổi lễ tưởng niệm hoành tráng được tổ chức ngày 6/12 tại Đại Lễ Đường Nhân Dân dưới sự canh chừng an ninh chặt chẽ, tập hợp những thủ lĩnh của chế độ Cộng sản. Nhiều đại lộ của thủ đô đã bị đóng cũng như là những địa điểm tụ tập của người biểu tình một tuần trước đó, dọc theo sông Lượng Mã (Liangmahe) và khu phố Hải Điến, nơi tập trung nhiều trường Đại học.
Lễ hỏa táng của cố Tổng Bí thư diễn ra một cách kín đáo hôm 05/12, tại nghĩa trang Bát Bảo Sơn, nghĩa trang của các vị anh hùng Cách Mạng, nằm ở phía Tây thủ đô Bắc Kinh. Xin nhắc lại rằng những tang lễ của các cố lãnh đạo trong quá khứ đã châm lửa cho một Trung Quốc rực đỏ. Các cuộc bạo loạn đã xảy ra sau cái chết của Chu Ân Lai (Zhou Enlai) năm 1976. Phong trào dân chủ năm 1989 được khởi xướng sau cái chết của Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang). Bằng chứng cho thấy sư căng thẳng của chính quyền là việc hệ thống kiểm duyệt giám sát chặt chẽ những lời chia buồn trên Internet, cấm bình luận dưới nhiều video về ông Giang. Sự ra đi của lãnh đạo cấp cao của đảng Cộng sản đã tạo ra một không gian tự do hiếm hoi, cho phép các bình luận cay độc dưới vỏ bọc của những lời ca ngợi một lãnh tụ Cộng sản.
Thất Bại Chính Trị của Giang Trạch Dân
Tuy nhiên, tang lễ của ông Giang ít có cơ hội làm ngọn lửa của một ngọc đuốc đã bị dập tắt bùng lên trở lại, một tuần sau khi các cuộc biểu tình đã xảy ra ở 18 tỉnh thành của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu của hãng tư vấn Eurasia Group, ông Neil Thomas cho rằng “cái chết của ông Giang sẽ không làm tái sinh phong trào phản kháng, do kết quả mờ nhạt của kế hoạch cải cách chính trị của ông. Đảng Cộng sản đã chuẩn bị các cơ quan tuyên truyền cũng như là guồng máy an ninh cho sự kiện này, để ngăn chặn các phong trào quần chúng”. Trong những năm gần đây, những lời đồn được thường xuyên tung ra về việc cố Chủ tịch đã từ trần tại biệt thự cũ ở Thượng Hải.
Lòng hoài niệm về ông Giang Trạch Dân tượng trưng cho một nước Trung Quốc đang phát triển, mở cửa với thế giới, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trái ngược với tình trạng kinh tế tăng trưởng chậm lại và sự co cụm về ý thức hệ như dưới thời của ông Tập.
Một bài đăng phổ biến trên Weibo chỉ ra rằng “thời đó không hoàn hảo nhưng nếu xét lại thì lại có vẻ như đó lại là thời đại hoàng kim”. Lúc đó, nước Trung Quốc trên đà tái sinh đạt tăng trưởng bằng 2 chữ số, trong khi đó tăng trưởng của Trung Quốc năm nay chỉ đạt 3%. Người cha đỡ đầu của Thượng Hải, ông Giang đã đệm nhạc vào khẩu hiệu “giàu có là vinh quang” của Đặng Tiểu Bình.
Đi kèm với nạn tham nhũng, thời đại của ông Giang mang đến viễn cảnh tương lai không giới hạn cho tầng lớp trung lưu mới, trong khi ngày nay, những người này đang bị bịt miệng vì chính sách “zero Covid” và tăng trưởng đi xuống.
Sau khi cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào bị “đuổi” đi một cách tượng trưng vào tháng 10, sự ra đi của Giang Trạch Dân đã lật sang trang mới của kỷ nguyên “mở cửa và cải cách”, khiến ông Tập càng cô đơn hơn bao giờ hết, khi phải đối mặt với một Trung Quốc đang già đi và bị ngạt thở bởi tâm trí bế tắc.
Giáo sư về lịch sử và chính trị hiện đại Trung Quốc thuộc trường Kings College ở Luân Đôn, ông Kerry Brown, trả lời hãng tin Mỹ AP, cho rằng sự ra đi của Giang Trạch Dân, theo một nghĩa nào đó, đã đánh dấu sự kết thúc của một thời đại trong chính trị Trung Quốc, dĩ nhiên không chỉ liên quan đến chính sách cai trị của riêng ông Giang, đã kết thúc từ năm 2002, mà là một giai đoạn khi chính phủ độc tài Trung Quốc vẫn còn được xem như thể là có khả năng tiếp nhận một loại không gian “tự do” nào đó. Khi ông Giang còn tại vị, báo chí ít ra còn được một chút tự do.
Báo Cáo Liên Hiệp Quốc: Quân Đội Nga Sát Hại Hàng Trăm Thường Dân Từ Đầu Cuộc Xâm Lược Ukraine
(Hình: Bà Nadiya Trubchaninova, 70 tuổi, ngồi cạnh chiếc túi nhựa đựng thi thể của con trai bà là Vadym Trubchaninov, 48 tuổi, người đã bị binh lính Nga giết chết ở Bucha vào ngày 30/3, ở ngoại ô Kyiv, Ukraine, ngày 12/4/2022.)
Ít nhất 441 thường dân đã bị lực lượng Nga sát hại trong những ngày đầu tiên Mạc Tư Khoa xâm lược Ukraine, văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết hôm thứ Tư (7/12/2022) trong báo cáo ghi nhận về các vụ hành quyết không xét xử và tấn công ở hàng chục thị trấn trên khắp 3 khu vực.
Số nạn nhân trên thực tế ở các khu vực Kyiv, Chernihiv và Sumy có thể cao hơn nhiều, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền (OHCHR) cho biết trong một báo cáo xem xét cuộc xâm lược bắt đầu từ ngày 24/2 cho đến đầu tháng 4, khi lực lượng Nga rút khỏi các khu vực này.
Báo cáo nói: “Các hành vi bị điều tra do các lực lượng vũ trang Nga kiểm soát các khu vực này vi phạm đã dẫn đến cái chết của 441 dân thường (gồm 341 nam giới, 72 phụ nữ, 20 bé trai và 8 bé gái)”.
Thông qua Phái bộ Giám sát Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc tại Ukraine (HRMMU), OHCHR đã thu thập bằng chứng từ 102 thị trấn và làng mạc.
Mạc Tư Khoa nhiều lần phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào thường dân trong cái mà họ gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm giải giáp nước láng giềng và loại bỏ những người theo chủ nghĩa dân tộc nguy hiểm khỏi chính quyền.
Ukraine và các đồng minh phương Tây gọi cuộc tấn công của Nga là xâm lược vô cớ.
Tóm lại, trong cuộc chiến tính cho đến ngày 4/12, OHCHR đã thống kê có 6.702 thường dân thiệt mạng và cho biết việc giám sát của họ bao gồm những vi phạm của tất cả các bên.
Cố ý sát hại thường dân được coi là vi phạm nghiêm trọng Công ước Geneva và là tội ác chiến tranh theo Quy chế Rome của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).
Phạm vi của báo cáo mới được giới hạn ở các khu vực do Nga kiểm soát trong những ngày giao tranh đầu tiên vì “có nhiều tố cáo giết hại thường dân ở ba khu vực này” và khả năng có được của OHCHR trong việc xác minh và ghi lại những cái chết ở đó sau khi lực lượng Nga rút đi.
Một ủy ban của Liên Hiệp Quốc đã kết luận vào tháng 10 rằng các lực lượng Nga phải chịu trách nhiệm cho phần lớn các vi phạm nhân quyền trong những ngày đầu của cuộc chiến.
Nhiều thi thể được ghi nhận trong báo cáo mới có dấu hiệu cho thấy các nạn nhân có thể đã bị giết một cách cố ý, báo cáo cho biết. Tính đến cuối tháng 10, OHCHR vẫn đang cố gắng xác minh thêm 198 vụ giết hại thường dân bị cáo buộc ở ba khu vực vào thời điểm đó.
Báo cáo cho thấy một số khu vực đã hứng chịu nhiều vụ giết người, chẳng hạn như thị trấn Bucha ở vùng Kyiv, nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Nga từ ngày 5/3 đến ngày 30/3.
OHCHR cho biết họ đã ghi nhận các vụ sát hại 73 dân thường ở Bucha và đang trong quá trình xác minh 105 trường hợp khác.
Putin Cố Gắng Cương: Tuyên Bố Nga Có Thể Kéo Dài Chiến Tranh Với Ukraine
(Hình: Tổng thống Nga Vladimir Putin.)
Hôm thứ Tư (7/12/2022), Tổng thống Nga Vladimir Putin nói quân đội của ông có thể tiếp tục đánh Ukraine trong một thời gian dài, nhưng ông thấy “không cần thiết” phải động viên thêm binh sĩ vào thời điểm này.
“Về thời gian của hoạt động quân sự đặc biệt, tất nhiên, đây có thể là một quá trình lâu dài”, ông Putin nói, sử dụng thuật ngữ ưa thích của ông cho cuộc xâm lược của Nga, bắt đầu vào tháng Hai.
Trong một cuộc họp chủ yếu về chiến tranh được chiếu trên truyền hình của Hội đồng Nhân quyền, ông Putin nói rằng người Nga sẽ “tự bảo vệ mình bằng tất cả các phương tiện đang có”, khẳng định rằng Nga bị phương Tây coi là “một quốc gia hạng hai không có quyền được tồn tại”.
Ông nói nguy cơ chiến tranh nguyên tử đang gia tăng, một cảnh báo mới nhất trong một loạt cảnh báo tương tự, nhưng Nga coi kho vũ khí của mình là phương tiện để đối phó chứ không phải là để tấn công trước.
“Chúng ta không bị điên, chúng ta thừa hiểu vũ khí nguyên tử là gì”, ông Putin nói. “Chúng ta có những phương tiện này ở dạng tiên tiến và hiện đại hơn bất kỳ quốc gia nguyên tử nào khác.... Nhưng chúng ta sẽ không vung thứ vũ khí này ra khắp thế giới như một con dao cạo”.
Ông nói không có lý do gì để động viên binh sĩ lần thứ hai vào thời điểm này, sau khi đã huy động ít nhất 300.000 quân dự bị vào tháng 9 và tháng 10.
Ông Putin cho biết 150.000 trong số này đã được khai triển ở Ukraine: 77.000 trong các đơn vị tác chiến và những người khác trong các vị trí phòng thủ. 150.000 còn lại vẫn đang ở các trung tâm huấn luyện.
“Trong điều kiện hiện nay, nói về bất kỳ biện pháp huy động bổ sung nào đều là vô nghĩa”, ông nói.
Ông Putin hiếm khi thảo luận về thời gian có thể xảy ra của cuộc chiến, mặc dù hồi tháng 7, ông đã khoe khoang rằng Nga chỉ mới bắt đầu.
Kể từ đó, Nga buộc phải rút lui đáng kể, nhưng ông Putin nói ông không hối tiếc về việc phát động một cuộc chiến tàn khốc nhất ở Âu Châu kể từ Ðệ nhị Thế chiến.
Belarus, Láng Giềng của Ukraine và Là Đồng Minh của Nga, Dịch Chuyển Quân
(Hình: Binh sĩ Nga tập trận pháo binh và huấn luyện chiến đấu tại một sân bắn của quân đội Belarus ngày 23/11/2022.)
Ngày 7/12/2022, Belarus, đồng minh của Nga, loan báo đang di chuyển quân đội và thiết bị quân sự để chống lại cái mà họ gọi là mối đe dọa khủng bố, giữa những dấu hiệu rằng Mạc Tư Khoa có thể gây sức ép buộc Minsk mở một mặt trận mới trong cuộc chiến chống lại Ukraine.
Tổng thống Belarus, Alexander Lukashenko, người đã dựa vào quân đội Nga để dập tắt một cuộc nổi dậy của quần chúng 2 năm trước, đã cho phép đất nước của ông làm bàn đạp cho cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Cho đến nay, ông không cho quân đội của mình tham chiến nhưng những tuần gần đây ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Mạc Tư Khoa đang can dự vào Belarus. Hôm 3/12, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tới thủ đô Minsk không báo trước. Ông và người đồng cấp Belarus, Viktor Khrenin, đã ký các tu chính đối với thỏa thuận hợp tác an ninh của hai nước mà không tiết lộ các điều khoản mới.
Ukraine cho hay hàng ngàn binh sĩ Nga đã khai triển tại Belarus kể từ tháng 10 và chính quyền Belarus ngày càng nói về mối đe dọa “khủng bố” từ các dân quân hoạt động từ bên kia biên giới. Ông Lukashenko đã ra lệnh cho quân đội trước cuối năm phải tổng hợp thông tin về lực lượng trừ bị.
Ngày 7/12, Hội đồng An ninh Belarus, được hãng thông tấn nhà nước Belta trích dẫn, cho biết quân đội và khí tài sẽ được dịch chuyển trong hai ngày tới, với vũ khí giả được sử dụng để huấn luyện.
Hãng thông tấn không đưa ra thông tin chi tiết về số lượng binh lính hoặc loại khí tài sẽ được di chuyển, địa điểm nào hoặc bản chất của các cuộc tập trận ra sao. Tại Minsk, cư dân cho biết không có dấu hiệu bên ngoài về hoạt động bất thường ở đó.
Thay Đổi Chiến Lược?
Trước đây, một số nhà ngoại giao phương Tây đã hoài nghi về việc Belarus sẽ tham chiến, lưu ý rằng nước này có quân đội tương đối nhỏ và Mạc Tư Khoa sẽ cảnh giác với việc khơi dậy sự phản đối của công chúng đối với ông Lukashenko, sẽ khiến ông ta suy yếu chỉ vì lợi ích nhỏ, hai năm sau các cuộc biểu tình rầm rộ mà ông đã dập tắt một cách thô bạo.
Ông Franak Viacorka, cố vấn của lãnh đạo phe đối lập lưu vong Belarus Sviatlana Tsikhanouskaya, nói với Reuters rằng ông nghĩ việc ông Lukashenko đưa quân Belarus vào Ukraine là “tự sát chính trị”.
“Những người lính sẽ không tuân theo, giới tinh hoa sẽ chia rẽ, các cuộc biểu tình mới sẽ bắt đầu. Ông ấy (Lukashenko) biết điều này. Người Belarus sẽ không chấp nhận điều này và toàn bộ hệ thống sẽ sụp đổ”, ông nói.
“Đối với ông Lukashenko, nguyên trạng là mong muốn nhất: ông ta tăng cường đàn áp, không còn ai chú ý đến (những người bất đồng chính kiến) nữa, và ông ta nhận được sự hỗ trợ của ông Putin với tư cách là một đồng minh độc quyền”.
Các viên chức Ukraine cũng cho biết họ nghi ngờ Nga có đủ quân ở Belarus để tấn công từ đó và thay vào đó, hành động gần biên giới có thể được coi là mồi nhử.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết trong tháng này rằng họ tin Belarus đang tiến hành một “chiến dịch thông tin nhằm cầm chân lực lượng Ukraine ở biên giới”.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng các hoạt động rầm rộ trong những tuần gần đây cũng có thể là một dấu hiệu xác thực rằng Belarus có thể gửi quân đến.
“Belarus thực sự đã chuẩn bị tham chiến cùng phía Nga trong vài tháng. Mọi khả năng mà họ cần để tham chiến đều đã được thử nghiệm”, ông Konrad Muzyka, một chuyên gia về Belarus của tổ chức cố vấn quốc phòng Rochan Consulting có trụ sở tại Ba Lan, nói với Reuters. Ông mô tả các cuộc diễn tập về huy động quân đội.
“Chúng tôi không thể loại trừ khả năng Belarus đã có quyết định tham chiến... Từ quan điểm chỉ số quân sự, mọi thứ đang hướng tới việc các lực lượng vũ trang Belarus có lập trường hiếu chiến hơn”.
Bên trong Ukraine, các viên chức ngày 7/12 đang nỗ lực để khôi phục điện sau thiệt hại từ một loạt các cuộc tấn công bằng phi đạn của Nga phát động vào ngày 5/12, vài giờ sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào hai căn cứ Không quân sâu bên trong Nga.
Ukraine đã không trực tiếp nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhưng đã ăn mừng về khả năng mới đạt được để thâm nhập hàng trăm cây số vào hệ thống phòng không của Nga.
Phát ngôn viên an ninh quốc gia của Tòa Bạch Ốc cho biết hôm 7/12 rằng Hoa Kỳ đã nói rõ với Ukraine những lo ngại của họ về bất kỳ sự leo thang chiến tranh nào với Nga và không khuyến khích Ukraine tấn công hai căn cứ Không quân.
Nhưng “không giống như người Nga, chúng tôi tôn trọng chủ quyền của Ukraine”, bao gồm các quyết định về cách Kyiv sử dụng vũ khí do Hoa Kỳ cung cấp, ông John Kirby nói với các phóng viên ở Hoa Thịnh Ðốn.
Nga đã phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào tháng 2 năm nay, nói rằng mối quan hệ chặt chẽ của Ukraine với phương Tây đặt ra một mối đe dọa an ninh. Kyiv và các đồng minh nói rằng hành động của Nga là một cuộc chiến tranh xâm lược bất hợp pháp.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 7/12 tuyên bố quân đội của ông có thể chiến đấu ở Ukraine trong một thời gian dài, nhưng ông thấy “không hợp lý” khi huy động thêm binh sĩ vào thời điểm này, sau khi huy động 300.000 quân trừ bị vào tháng 9 và tháng 10.
Ông Putin hiếm khi nói về thời gian có thể kéo dài của cuộc chiến, trong khi Nga đã buộc phải thực hiện một loạt các cuộc rút lui đáng kể kể từ tháng 7.
Ông Putin cũng cho biết nguy cơ xảy ra chiến tranh nguyên tử đang gia tăng - đây là động thái mới nhất trong một loạt các cảnh báo như vậy của Nga nhằm ngăn chặn những nước phương Tây ủng hộ Kyiv can thiệp mạnh mẽ hơn - nhưng Nga sẽ không đe dọa sử dụng vũ khí như vậy một cách liều lĩnh.
Ở miền đông Ukraine ngày 7/12, cuộc pháo kích của Nga đã giết chết ít nhất sáu người ở thị trấn Kurakhove, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy cho biết trên ứng dụng Telegram dưới đoạn video ghi lại cảnh các tòa nhà bốc cháy.
Kurakhove nằm ở khu vực phía đông Donetsk, nơi đã chứng kiến một số cuộc giao tranh ác liệt nhất trong cuộc chiến. Nga phủ nhận cố ý tấn công dân thường nhưng các thành phố trên khắp Ukraine đã bị lực lượng Nga tấn công dồn dập.
Hàng chục ngàn người đã chết trong chiến tranh, trong đó có ít nhất 6.700 thường dân thiệt mạng, theo thống kê của Liên Hiệp Quốc.
Trong tài liệu quốc tế mới nhất về những cáo buộc như vậy, văn phòng nhân quyền của Liên Hiệp Quốc công bố một báo cáo hôm 7/12, nêu chi tiết 441 thường dân mà họ cho là đã bị lực lượng Nga giết chết trong các vụ hành quyết và tấn công vào đầu cuộc chiến ở các vùng phía bắc Kyiv, Sumy và Chernihiv.
Bộ Ngoại giao và quốc phòng Nga không hồi đáp yêu cầu bình luận. Nga đã phủ nhận việc thực hiện các hành động tàn sát trên lãnh thổ chiếm đóng.
Khủng Hoảng Điện: Pháp Mở Lại Một Nhà Máy Điện Than, Lên Kế Hoạch Cắt Điện Luân Phiên Theo Khu Vực
(Thùy Dương)
Mùa Đông đã về, nhiệt độ tại Pháp xuống thấp, hệ thống sưởi ấm vốn dĩ “ngốn” rất nhiều điện đã được bật, trong khi nguồn cung năm nay đặc biệt có hạn do nhiều yếu tố. Trước nguy cơ thiếu điện, sau vài tháng đóng cửa nhà máy nhiệt điện than Saint Avold, chính phủ Pháp đã buộc phải cho khởi động lại nhà máy, đồng thời chuẩn bị kế hoạch cắt điện luân phiên theo khu vực, tránh để hệ thống điện quá tải, gây mất điện diện rộng không kiểm soát được.
“Nghịch Lý” Điện Pháp
Từ một nước xuất cảng điện hàng đầu Âu Châu, nay Pháp phải nhập cảng điện từ Đức, Anh và Tây Ban Nha. Từ một nước được xem là cường quốc điện nguyên tử, là tấm gương cho thế giới nhờ có ngành điện thải ít khí gây hiệu ứng nhà kính nhất, nước Pháp đã phải cho mở cửa trở lại một nhà máy nhiệt điện than, cho dù điện than là thủ phạm hàng đầu gây ô nhiễm môi trường và làm biến đổi khí hậu nghiêm trọng và Tổng thống Pháp Macron cũng đã từng cam kết cho đóng cửa toàn bộ các nhà máy nhiệt điện than của Pháp.
Ngày 29/11/2022, sau khoảng nửa năm đóng cửa, nhà máy nhiệt điện than Saint Avold, miền đông nước Pháp, đã hoạt động trở lại. Đương nhiên, theo chính quyền Macron, đây chỉ là giải pháp tình thế, nhà máy sẽ đóng cửa vào cuối tháng 03/2023, khi mùa Đông đã qua. Nhà báo Jeanne Richard, chuyên về khí hậu, môi trường của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI), ngày 29/11, giải thích:
“Nhà máy nhiệt điện than Saint Avold đã ngừng hoạt động từ tháng 03. Thế nhưng, giờ đây đợt không khí lạnh đầu tiên về, hệ thống sưởi ấm bắt đầu được bật, nhu cầu năng lượng ngày càng tăng.
Và với việc Nga ngừng cấp chất đốt, thêm vào đó là một số nhà máy điện nguyên tử của Pháp phải ngừng hoạt động để bảo trì, thì có nhiều nguy cơ điện bị cắt luân phiên theo khu vực trong mùa Đông này ở Pháp. Vì thế, chính phủ đã chọn mở lại nhà máy nhiệt điện than Saint Avold. Chính phủ Pháp khẳng định rằng đó chỉ là một giải pháp tạm thời, tình thế, và rằng cam kết của Tổng thống Pháp sẽ không thay đổi.
Quả thực, trong nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Emmanuel Macron từng hứa cho đóng cửa 4 nhà máy nhiệt điện than cuối cùng còn hoạt động tại Pháp, bởi vì cho dù nhiệt điện than chỉ chiếm hơn 1% sản lượng điện trong năm 2020, nhưng lượng khí thải của các nhà máy nhiệt điện than thì chiếm tới ¼ tổng lượng khí thải nhà kính mà ngành sản xuất điện Pháp tạo ra. Ngành than cũng là nguồn chính thải khí CO2 trên thế giới. Nhà máy nhiệt điện than Saint Avold có thể sẽ cần 500.000 tấn than để hoạt động cho đến cuối tháng 3 năm sau”.
Trên đài BFMTV ngày 29/11, Dân biểu Sabrina Sebaihi, vùng Hauts-de-France, thuộc đảng Xanh, gọi đó là biện pháp đi ngược lịch sử, ý nói tới cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, và chỉ trích sự lựa chọn sai lầm về chiến lược năng lượng của chính phủ Pháp kéo dài trong suốt nhiều năm, thế nhưng khác với thường lệ, lần này thông tin chính quyền cho tái khởi động hoạt động của nhà máy nhiệt điện than không gây nhiều phản đối. Có lẽ các nhà hoạt động môi trường và các đảng phái đối lập đều hiểu tình cảnh mà nước Pháp hiện đang phải đối mặt. Vả lại, công luận cũng đang đồn sự chú ý vào kế hoạch cắt điện luân phiên theo khu vực.
Chủ Động Cắt Điện Theo Khu Vực Để Tránh Mất Điện Diện Rộng
Trong cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, mối lo lớn nhất của chính phủ Pháp cũng như giới chuyên môn là “cung ít, cầu nhiều”, lưới điện quốc gia quá tải, dẫn đến nguy cơ black-out - mất điện ồ ạt trên diện rộng và vượt tầm kiểm soát của ngành điện. Không ai muốn thấy lại cảnh cả nước Pháp đột ngột mất điện như chuyện từng xảy cách nay hơn 40 năm. Theo France Info, vào ngày 19/12/1978, chỉ vài ngày trước Giáng Sinh, mức tiêu thụ điện lên mức cao nhất trong cả năm, phần do thời tiết giá lạnh (nhiệt độ Paris xuống tới –4°C), phần do đèn điện trang trí Noel lung linh tỏa sáng khắp nơi, đường điện 400.000 volts giữa Nancy và Troyes, miền bắc nước Pháp, lại bị hỏng. Và rồi kịch bản tồi tệ nhất đã xảy ra. Toàn bộ hệ thống điện ngừng hoạt động trong suốt 4 giờ đồng hồ.
Các chuyến tàu bỗng dừng ở giữa vùng nông thôn hẻo lánh, các chuyến tàu điện ngầm ở Paris bị kẹt trong hầm tối giữa hai ga, đèn giao thông không còn tín hiệu gây tắc đường diện rộng ở nhiều thành phố lớn của Pháp. Nhiều người mắc kẹt trong thang máy. Các bãi đỗ xe ngầm, các đường hầm đều đóng cửa vì sợ xảy ra ngộ độc khí thải. Các bệnh viện yêu cầu cấp máy phát điện cho lực lượng cấp cứu…. Black-out đã làm tê liệt gần như toàn bộ nước Pháp trong vài giờ, chỉ có miền đông bắc đất nước “thoát nạn” nhờ được tiếp điện từ Đức, Anh và Thụy Sĩ.
Chính phủ Pháp đang tìm mọi cách tránh để “cơn ác mộng” black-out tái diễn. Và một trong những giải pháp được chính phủ của Thủ tướng Elisabeth Borne thông báo hôm 29/11 là chủ động cắt điện luân phiên theo khu vực nếu mức tiêu thụ điện lên cao đến mức “báo động đỏ”. Trên đài France Info ngày 2/12/2022, ông Stanislas Guerini, Bộ trưởng bộ Chuyển đổi và Công vụ Pháp, nhấn mạnh
“Vâng, đúng là mục đích dĩ nhiên là để tránh điều tồi tệ nhất, quý vị biết đấy, phải chuẩn bị đối phó với điều tồi tệ nhất, và điều tệ nhất chính là black-out, tức là mất điện không thể kiểm soát, nhưng chúng ta làm chủ được chuyện này, điều đó sẽ không xảy ra. Tất cả những biện pháp sử dụng điện điều độ có chừng mực và điều mà chúng ta gọi là cắt điện từng khu vực sẽ cho phép chúng ta không phải chịu cảnh black-out. Tôi xin nói rõ ràng là sẽ không có black-out trong mùa Đông này vào bất kể lúc nào, chắn chắn là điều đó sẽ không xảy ra.
Kịch bản tệ nhất là quý vị sẽ bị cúp điện trong khoảng thời gian 2 giờ đồng hồ và sẽ được báo trước nếu việc này xảy ra, về điều này tôi xin nói rõ rằng đúng là chúng ta đang chuẩn bị kỹ lưỡng, tỉ mỉ cho một kịch bản tệ nhất. Chúng tôi đang nêu lên mọi giả thiết và suy tính. Việc cắt điện theo khu vực sẽ gây ra hàng ngàn hậu quả rất cụ thể. Các tỉnh trưởng sẽ phải xác định cụ thể, chi tiết, từng khu vực, xem đâu là những cơ sở, địa điểm cần được ưu tiên hoàn toàn, cần được duy trì hoạt động, trong đó có các cơ quan dịch vụ công thiết yếu. Tôi xin nhắc lại là ở đây chúng ta nói đến chuyện mỗi người chỉ bị cắt điện 2 giờ. Cảnh sát, bệnh viện, lính cứu hỏa và các cơ sở chăm sóc y tế, các cơ sở dịch vụ công dĩ nhiên là nằm trong số các đơn vị hoạt động công ích và được bảo đảm hoạt động bất kể điều gì xảy ra”.
Thủ tướng Borne đã gửi văn bản cho các tỉnh trưởng về việc chuẩn bị tổ chức, bảo đảm an toàn cho tài sản và con người ở các địa phương nếu phải cắt điện. Theo thông báo của chính phủ, về nguyên tắc, nếu điện bị cắt thì việc này chỉ diễn ra trong giờ cao điểm các ngày trong tuần, trong khoảng từ 8 giờ đến 13 giờ và từ 18 giờ đến 20 giờ, trừ thứ Bảy, Chủ Nhật và ngày lễ vì vào những ngày này nhu cầu tiêu thụ điện không cao. Việc cắt điện chỉ diễn ra theo các khu vực nhỏ chứ không ở cả một tỉnh hay trong cả một vùng.
Trừ các vùng lãnh thổ hải ngoại, một địa phương duy nhất ở Pháp lục địa không bị cắt điện là đảo Corse, vì đảo Corse của Pháp có mạng lưới điện riêng, không kết nối với lưới điện của Pháp lục địa mà hòa vào lưới điện của nước Ý Ðại Lợi cách đó không xa. Tổng cộng có khoảng 14.000 cơ sở được xác định là các cơ sở “được bảo vệ”, “được ưu tiên” cấp điện liên tục. Do mang tính chiến lược, nhạy cảm, nên ngoài các sở cảnh sát, hiến binh, bệnh viện (cả công và tư), trung tâm cấp cứu cứu hỏa, danh sách cụ thể các cơ sở này, bao gồm cả các cơ sở sản xuất nhạy cảm, được giữ bí mật để bảo đảm an toàn. Các gia đình sống gần những cơ sở được ưu tiên cũng sẽ không bị cúp điện.
France Info trích dẫn số liệu của chính phủ, theo đó 60% dân Pháp sẽ chịu cảnh cắt điện luân phiên. Vì các cơ sở ưu tiên tập trung đông hơn ở khu vực thành thị, nên vùng nông thôn sẽ là khu vực dễ bị cắt điện nhất. Để bảo đảm an toàn cho các bệnh nhân đang được điều trị tại nhà, nhất là bệnh nhân nặng cần sự hỗ trợ của các loại máy móc chạy bằng điện, chẳng hạn máy trợ thở, chính phủ yêu cầu các các cơ quan chức năng phải bảo đảm liên lạc với những người này (chưa đến 5.000 người trên toàn quốc) để thông báo cho họ về ngày giờ cúp điện, cấp điện dự phòng đủ dùng cho họ, hoặc chuyển các bệnh nhân này đến nơi an toàn và có điện.
Công tác chuẩn bị cho kịch bản cúp điện theo khu vực thực ra đã được chính phủ Pháp và ngành điện phối hợp chuẩn bị từ đầu năm. Ngày 9/12, công ty điện Enedis và RTE, nhà điều hành mạng lưới điện và truyền tải, phân phối điện của Pháp, sẽ thử nghiệm cắt điện luân phiên trong 3 ngày. Hiện giờ, vẫn còn một vấn đề khó chưa có đáp án thỏa đáng, đó việc gọi điện đến các số điện thoại khẩn cấp như 15 (cấp cứu), 17 (cảnh sát), 18 (cấp cứu)…, bởi mất điện thì các tổng đài này cũng không hoạt động được. Số duy nhất chính phủ khuyến cáo người dân sử dụng trong trường hợp khẩn cấp là số 112: Số điện thoại khẩn cấp duy nhất quy mô toàn Âu Châu. Tuy nhiên, nguy cơ là đường dây sẽ quá tải.
Ứng Dụng “Dự Báo Điện” Ecowatt
Để người dân nắm được thông tin cắt điện tại khu vực sinh sống, chính phủ khuyến cáo mọi người truy cập vào trang web “dự báo điện” EcoWatt và theo dõi tình hình qua 3 mã màu “xanh-cam-đỏ” hoặc tải ứng dụng EcoWatt về smartphone. Trên đài France Info, Bộ trưởng Stanislas Guerini, Bộ trưởng bộ Chuyển đổi và Công vụ Pháp, “lên dây cót tinh thần” cho dân chúng:
“Khi chúng ta trong tình trạng báo động EcoWatt đỏ, sau đó 3 ngày thì có thể xảy ra ngắt điện theo khu vực. Tôi khuyên tất cả các quý vị nên tải ứng dụng Ecowatt về điện thoại di động. Chẳng hạn, quý vị thấy đấy, 4 ngày tới đều là màu xanh, tức là tạm thời mạng lưới điện của chúng ta sẽ không có vấn đề gì. Còn nếu ứng dụng EcoWatt trên điện thoại quý vị hiện lên màu đỏ, thì có một thông điệp rất quan trọng gửi đến quý vị là chúng ta vẫn còn có giải pháp để thay đổi tình thế: Đó là, cùng nhau, chúng ta hãy tiêu dùng điện sao cho thật điều độ, nếu làm được như thế, 3 ngày sau chúng ta sẽ không bị cắt điện. Tôi nghĩ rằng điều đó là rất quan trọng. Tôi nghĩ rằng người dân Pháp cần được được trấn an, quý vị cần biết là chính phủ đang chuẩn bị mọi khả năng, nhưng mối ưu tiên trong số mọi ưu tiên là không để điện bị cúp”.
Cũng như nhiều nước Âu Châu, nước Pháp đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng chưa từng có kể từ những năm 1970. Về lý do Pháp thiếu điện, Bộ trưởng Stanislas Guerinigiải thích thêm:
“Chúng ta đang ở trong một tình thế rất đặc biệt. Toàn bộ thị trường năng lượng Âu Châu đều đang trong tình trạng căng thẳng. Khả năng nhập cảng điện của chúng ta bị hạn chế, ngay cả khi chúng ta đã ký các thỏa thuận với các nước láng giềng Âu Châu. Nhưng cũng đúng là do chúng ta gặp khó khăn trong sản xuất điện, nhất là liên quan đến khả năng sản xuất hết công suất của các nhà máy điện nguyên tử. Quả thực hiện nay khả năng sản xuất điện của các nhà máy điện nguyên tử đã kém đi vì các lý do công nghiệp, do cả các cuộc đình công trong các nhà máy. Có những nhà máy đang phải sửa chữa, bảo trì, đương nhiên là để bảo đảm an toàn cho người dân Pháp. Đó là một ưu tiên tuyệt đối. Tất cả những điều đó đã làm thay đổi tình hình.
Chúng tôi dự trù sẽ cho cắt điện trong trường hợp nhiệt độ xuống rất thấp, thời tiết rất lạnh, nhiệt độ thấp hơn ngưỡng thường lệ của mùa Đông, những khó khăn trong sản xuất điện và những khó khăn, hay hạn chế khi nhập cảng điện. Tất cả những yếu tố đó sẽ có nhiều khả năng xảy ra trong tháng Một tới đây hơn (so với hiện tại)”..
Tại Pháp, điện nguyên tử chiếm tới 70% sản lượng điện của cả nước. Thế nhưng, vào tháng 9/2022, chỉ có một nửa trong số 56 lò phản ứng nguyên tử của Pháp còn vận hành, do các lò phản ứng đã bị ăn mòn hoặc do phải được bảo trì. Đứng thứ hai về sản lượng điện là các nhà máy thủy điện (10%). Thế nhưng các nhà máy thủy điện năm nay cũng bảo đảm được 62% sản lượng điện so với hàng năm, do tình trạng hạn hán và nắng nóng nghiêm trọng kéo dài trong mùa Hè vừa qua.
Điều Trần Tại Hạ Viện Mỹ: Liệu Mekong Có Trở Thành Một Biển Đông Thứ Hai?
(Hình: Mỹ khẳng định cam kết về một tiểu vùng Mekong an ninh, rộng mở.)
Hôm 7/12/2022, Hạ viện Hoa Kỳ tổ chức buổi điều trần về các thách thức và ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực sông Mekong, nơi mà các quốc gia hạ nguồn như Việt Nam, Cam Bốt chịu tác hại nghiêm trọng, đồng thời lắng nghe các đề xuất để Hoa Kỳ hợp tác hiệu quả hơn trong khu vực giữa nguy cơ Bắc Kinh biến vùng này thành một Biển Đông thứ hai.
Mở đầu buổi điều trần, ông Ami Bera, Chủ tịch tiểu ban Á Châu, Thái Bình Dương, Trung Á, và Không phổ biến vũ khí nguyên tử thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, đánh giá tầm quan trọng của khu vực Mekong và lên án sự can thiệp Trung Quốc đối với dòng chảy của con sông này.
Dân biểu Bera nói:
“Việc quản lý các con đập của Bắc Kinh rõ ràng đã gây ra những thay đổi nghiêm trọng về mực nước ở hạ lưu. Ví dụ, vào năm 2019, các con đập của Trung Quốc đã hạn chế đáng kể lượng nước chảy vào các quốc gia hạ lưu sông Mekong, dẫn đến hạn hán mặc dù lượng mưa và tuyết tan trên mức trung bình”.
Dân biểu Steve Chabot, uỷ viên cấp cao của tiểu ban, đề cập đến một khía cạnh khác về sự can thiệp của Trung Quốc đối với khu vực này:
“Người dân trên khắp khu vực sông Mekong vô cùng sự phẫn nộ về tác động tiêu cực của sự can thiệp của Trung Quốc, đặc biệt là việc nhập cảng lao động Trung Quốc, và tôi sẽ thiếu sót nếu tôi không đề cập đến thách thức trước mắt do tiền đồn của Quân đội Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang được xây dựng tại Căn cứ Hải quân Cam Bốt”.
Tiểu ban đã mời ba nhân chứng đến từ các cơ quan nghiên cứu của Hoa Kỳ phát biểu, cả trực tiếp và trực tuyến, tại buổi điều trần này.
Ông Brian Eyler, Giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu Stimson, nêu hàng loạt các thách thức chưa được phơi bày, sau khi nhấn mạnh tầm quan trọng của sông Mekong trong việc bảo đảm an ninh và sinh kếcủa hàng chục triệu người ở Đông Nam Á lục địa và lý giải vì sao một chiến lược tương tác thông minh hơn từ Hoa Kỳ có thể giúp cho khu vực này phát triển mạnh.
Mekong, con sông dài thứ 12 nhất thế giới, nhưng với một nửa chiều dài của nó là ở Trung Quốc trong khi nửa còn lại đi qua Miến Ðiện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam.
“Trung Quốc, quốc gia thượng nguồn của con sông này, thông qua các hoạt động không minh bạch của 11 con đập lớn nhất thế giới, tận dụng quá mức các con đập gây ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước và lương thực ở hạ lưu. Cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa chịu chia sẻ dữ liệu với các quốc gia hạ nguồn về cách vận hành các đập đó. Trung Quốc cũng chẳng màng thông báo cho hạ lưu khi đập bắt đầu xây dựng hoặc bắt đầu hoạt động”.
Ông Eyler, tác giả của thiên phóng sự “Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ” được xuất bản bằng tiếng Việt năm 2020, phát biểu rằng việc nước xả đột ngột từ các đập của Trung Quốc đã gây ra lũ quét, còn khi họ trữ nước thì gây hạn hán trầm trọng ở hạ lưu.
(Hình: Ông Brian Eyler thuộc Trung tâm Stimson phát biểu tại buổi điều trần, ngày 7/12/2022.)
Phân tích sự ảnh hưởng của dòng chảy đối với đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, phần hạ lưu của Mekong, nơi có gần 20 triệu người, chiếm 20% dân số Việt Nam, mà họ chủ yếu dựa vào nguồn nước của sông Mekong để sản xuất hầu hết nông sản của đất nước, phần lớn là lúa gạo, với hơn một nửa sản lượng được xuất cảng sang Đông Nam Á và phần còn lại của thế giới, ông Eyler cho biết:
“Đồng bằng sông Cửu Long và năng lực sản xuất cho nền kinh tế của khu vực này đang bị đe dọa bởi 3 thách thức kép là nước biển dâng, các con đập ở thượng nguồn kìm hãm và các hoạt động kinh tế lạc hậu đã có từ nhiều thập kỷ trước rất khác so với hiện nay”.
“Việt Nam và Cam Bốt là hai quốc gia chịu thiệt hại nhiều nhất khi hệ sinh thái sông Mekong bị phá hủy do hậu quả của sự tương tác sai lầm của con người và do tác động của biến đổi khí hậu, dù cả hai quốc gia đang cam kết đối đầu trực diện với thách thức kép này”, ông Eyler nói thêm.
Ông Greg Poling, Giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) phân tích các ảnh hưởng của Trung Quốc tại Cam Bốt và những khó khăn mà mối quan hệ Trung Quốc-Cam Bốt gây ra cho lợi ích của Hoa Kỳ, cho các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ trong khu vực, cũng như cho bản thân đất nước nước Cam Bốt.
(Hình: Ông Greg Poling thuộc Trung tâm CSIS phát biểu.)
Ông Poling đề cập đến “dấu chân quân sự trong tương lai” của Trung Quốc ở Cam Bốt, trước mắt là tại Căn cứ Hải quân Ream, cũng như phi đạo mà một công ty Trung Quốc đang xây dựng ở phi trường quốc tế Dara Sakor.
“Nhưng Căn cứ Ream là một triệu chứng của vấn đề sâu sắc hơn về ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước này, được kích hoạt bởi sức mạnh kinh tế và sự sẵn sàng thúc đẩy cấu trúc của giới tinh hoa tìm kiếm đặc lợi mà Thủ tướng Hun Sen và Đảng Nhân dân Cam Bốt của ông gầy dựng quyền lực”, ông Poling nhận định.
“Trong khi đó, chính sách của Hoa Kỳ đối với Cam Bốt, đã chuyển từ ngoại giao sang trừng phạt và quay trở lại với rất ít sự rõ ràng về chiến lược, kết quả là một khoảng trống mà Trung Quốc rất hoan hỉ lắp đầy”.
Ông nhận định rằng nếu như ở Trường Sa và Hoàng Sa, Trung Quốc đã thay đổi hoàn toàn hiện trạng quân sự trong khu vực, thì tại căn cứ Ream sẽ là một sự bổ sung hơn là một sự thay đổi đáng kể đối với chính sách mở rộng mạng lưới sức mạnh hiện có của Trung Quốc.
Chuyên gia CSIS nói:
“Điều quan trọng hơn đối với Trung Quốc là bất kỳ cơ sở và mạng lưới thông tin liên lạc nào họ đặt ở đó sẽ cho phép họ thu thập thông tin tình báo trên Vịnh Thái Lan, bao gồm cả sự hợp tác của Hoa Kỳ với đồng minh của chúng ta là Thái Lan, và các đối tác của chúng tôi ở Mã Lai Á, Việt Nam và có khả năng là tất cả các con đường vào Biển Đông, phía đông Ấn Độ Dương xung quanh Ấn Độ..
“Trung Quốc chắc chắn cũng sẽ đặt các cơ sở liên lạc và theo dõi vệ tinh ở căn cứ Ream vì vị trí gần đường xích đạo khiến nó trở nên rất hữu ích cho mục đích đó”.
“Những khả năng này có lẽ quan trọng đối với Trung Quốc hơn là sự hiện diện của thành phần Hải quân trong tương lai của Trung Quốc tại căn cứ Ream”, ông Poling nói.
Tương tự, ông Patrick Cronin, Giám đốc An ninh Á Châu-Thái Bình Dương thuộc Viện Hudson, phát biểu:
“Tôi nghĩ chúng ta cần xem người Trung Quốc đang làm gì không minh bạch ở Căn cứ Ream, những điều mà họ đang che giấu và cố gắng che giấu như một phần của mô hình, một mô hình để tiếp cận lớn hơn tới cả Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương”.
Phần điều trần của ông Cronin tập trung vào vào các chính sách bá quyền của Bắc Kinh được thiết kế để bảo đảm an ninh và thống trị kinh tế ở ngoại vi Trung Quốc, mở rộng kiểm soát tài nguyên thiên nhiên của sông Mekong và dòng chảy qua các quốc gia hạ lưu sông Mekong, định hình môi trường thông tin thúc đẩy khai thác các trọng điểm và thiết lập một cây cầu chiến lược trên bộ tới Biển Đông, ra Vịnh Thái Lan, Biển Andaman và Vịnh Bengal — tóm lại là vượt qua cả eo biển Malacca và vươn ra Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Ông Cronin phát biểu rằng một trong những thách thức chính mà Hoa Kỳ phải đối mặt trong việc duy trì ảnh hưởng của mình ở khu vực Mekong là sự ảnh hưởng quá mạnh mẽ của Trung Quốc đối với năm quốc gia khác mà con sông này đi qua, bao gồm Miến Ðiện, Thái Lan, Lào, và Việt Nam
Nhận định về quan hệ thân mật Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian qua, ông Cronin nói:
“Không quốc gia nào nhận thức rõ tình trạng khó khăn này hơn Việt Nam, quốc gia cân bằng chặt chẽ quan hệ chính trị và quan hệ kinh tế với Trung Quốc ngay cả khi nước này theo đuổi với các đối tác an ninh bên ngoài, đặc biệt là với Hoa Kỳ”.
(Hình: Ông Patrick Cronin thuộc viện Hudson.)
Ông Eyler đưa ra một số đề xuất như chính phủ Hoa Kỳ tăng cường các hoạt động khoa học và minh bạch, tăng cường hỗ trợ cho Ủy hội sông Mekong (MRC), chống lại thông tin sai lệch và ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các hành động của Hoa Kỳ ở khu vực Mekong, tăng cường nỗ lực bảo tồn và bảo vệ Biển Hồ của Cam Bốt và Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Ông Cronin nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ cần đẩy mạnh tập trung hợp tác kinh tế với Thái Lan và Việt Nam. Ông nói: “Thái Lan là đồng minh của chúng ta. Việt Nam trên thực tế là một đối tác lớn. Đây là hai quốc gia thực sự có thể tạo ra và phải đạt được những bước tiến quan trọng, với cả hai là sẽ thành viên của Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) nơi mà các cuộc đàm phán của các bên liên quan cũng đang diễn ra”.
Ông Poling nói rằng cuối cùng rồi thì Trung Quốc cũng có khả năng sử dụng một hoặc cả hai cơ sở ở Cam Bốt, vậy thì hãy biến điều này thành lợi thế cho Hoa Kỳ. Ông viết trong bài điều trần: “Hoa Thịnh Ðốn nên sử dụng lý do này để thúc đẩy hợp tác an ninh gần hơn với các nước láng giềng là Thái Lan và Việt Nam, vì cả hai nước này thậm chí còn quan tâm đến những diễn biến này còn hơn cả Hoa Kỳ”.
Đối với Cam Bốt, ông Poling nhận định rằng các giải pháp cô lập và trừng phạt của Hoa Thịnh Ðốn sẽ không hiệu quả. Ông cho rằng sự cô lập sẽ chỉ buộc ông Hun Sen.
Sen sẽ tiến nhanh hơn vào vòng tay của Trung Quốc. Ông viết trong tài phát biểu gửi đến Hạ viện: “Các biện pháp trừng phạt sẽ không thay đổi hành vi của ông ấy và nên tránh, đặc biệt nếu chúng nhắm thẳng vào các dự án liên quan đến Trung Quốc”.
Trong khi đó chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu Stimson nhấn mạnh rằng các hoạt động của Hoa Kỳ ở sông Mekong cần phải được sắp xếp theo cách không bắt buộc các quốc gia tại khu vực này cảm thấy như họ cần phải đứng về phía nào giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Vì ông cho rằng Đông Nam Á vẫn chưa phản ứng tốt với việc trở thành “bãi cỏ nơi hai con voi vờn nhau và đã kinh qua việc cân bằng” khi cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn đang diễn ra trong khu vực.
Việt Nam Chuyển Hướng Mua Bán Vũ Khí Trong Lúc Nới Lỏng Quan Hệ Với Nga
(Hình: Mẫu tàu ngầm KILO trưng bày tại Triển lãm vũ khí Mạc Tư Khoa vào năm 2015. Việt Nam là khách hàng mua tàu ngầm KILO của Nga.)
Việt Nam đang tập trung vào một sự thay đổi lớn trong quốc phòng khi tìm cách giảm phụ thuộc vào vũ khí của Nga và đẩy mạnh xuất cảng vũ khí sản xuất trong nước, với bên mua có thể đến từ Phi Châu, Á Châu và có thể thậm chí là cả Mạc Tư Khoa, theo lời các viên chức và nhà phân tích nói với thông tấn xã Reuters.
Quốc gia Đông Nam Á là một trong 20 quốc gia mua vũ khí lớn nhất thế giới giữa bối cảnh căng thẳng leo thang với Trung Quốc, với ngân sách nhập cảng vũ khí hàng năm ước tính khoảng 1 tỉ Mỹ kim và sẽ còn tăng, theo GlobalData, nhà cung cấp dữ liệu toàn cầu về mua sắm quân sự.
Hầu hết ngân sách này trước đây đều được trả cho Nga, quốc gia trong nhiều thập niên là nhà cung cấp vũ khí và hệ thống phòng thủ chính của Việt Nam. Điều đó khiến Việt Nam trở thành một trong những khách hàng mua vũ khí hàng đầu của Nga, theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), cơ quan theo dõi chi tiêu quân sự toàn cầu.
Nhưng điều này đang thay đổi khi Việt Nam đang cố trở nên tự chủ hơn, có được những thiết bị tiên tiến mà Nga không thể cung cấp và đối mặt với áp lực của phương Tây trong việc giảm mua vũ khí từ Mạc Tư Khoa giữa bối cảnh nước này xâm lược Ukraine, các nhà phân tích cho biết.
Thay vào đó, Việt Nam đang chuyển sang các nhà cung cấp từ Âu Châu, Đông Á, Ấn Độ, Do Thái và Hoa Kỳ, theo lời các nhà ngoại giao, viên chức và nhà phân tích. Việt Nam cũng đang thúc đẩy ngành công nghiệp quân sự trong nước với sự hỗ trợ từ Do Thái và các đối tác khác, đồng thời hy vọng sẽ có thể xuất cảng vũ khí, vẫn theo lời các nhà phân tích và các viên chức.
Ông Nguyễn Thế Phương, trước đây là nhà nghiên cứu quốc phòng tại Đại học Quốc gia Việt Nam và hiện tại ở Đại học New South Wales, Úc Ðại Lợi, cho biết thậm chí đã có những cuộc thảo luận nội bộ vào tháng 10 về việc liệu Việt Nam có nên bán vũ khí cho Nga hay không, mặc dù chưa có quyết định nào về việc này sẽ sớm xảy ra.
Tòa Ðại sứ Nga tại Hà Nội và các Bộ Quốc phòng và ngoại giao của Việt Nam không bình luận gì với Reuters.
heo Bộ Quốc phòng Việt Nam, bắt đầu từ thứ Năm, Việt Nam sẽ tổ chức hội chợ thương mại vũ khí quốc tế quy mô lớn đầu tiên, với hơn 170 công ty từ 30 quốc gia đã đăng ký.
Danh sách bao gồm các công ty phương Tây như nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin của Hoa Kỳ, Nexter của Pháp, các nhóm quốc phòng từ Do Thái, Ấn Độ, Nhật Bản và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Sự kiện kéo dài ba ngày tại Hà Nội sẽ giúp Việt Nam “đa dạng hóa các kênh mua sắm và nguồn kỹ thuật để sản xuất thiết bị quân sự cho quân đội đất nước và xuất cảng”, Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết trong một tuyên bố vào tháng 11.
CHÀO HÀNG
Ngành công nghiệp quốc phòng của Việt Nam đang sản xuất các phương tiện vũ trang và vũ khí hạng nhẹ, chẳng hạn như phi đạn chống tăng, súng phóng lựu và súng máy, ông Nguyễn Thế Phương nói.
Ông cho biết thêm rằng Việt Nam đã bắt đầu phát triển các hệ thống kỹ thuật cao hơn, bao gồm máy bay không người lái, radar và phi đạn chống hạm, thường là hợp tác với các công ty ngoại quốc.
Bộ Quốc phòng Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters mà đề nghị chuyển các câu hỏi về công nghiệp quốc phòng của Việt Nam cho Bộ Ngoại giao.
Tuần trước, Bộ Quốc phòng trên tờ báo chính thức của mình cho biết công ty quân sự Z111 thuộc sở hữu nhà nước sẽ trưng bày súng ngắn, súng máy, súng trường tấn công và súng bắn tỉa tại hội chợ vũ khí, với mục đích xuất cảng chúng.
Hàng chục công ty quốc phòng Việt Nam, bao gồm cả Viettel do quân đội kiểm soát, cũng sẽ trưng bày sản phẩm của họ. Chính phủ và các công ty quân sự không công bố dữ liệu về doanh số bán hàng.
Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao tại SIPRI, cho biết khả năng sản xuất vũ khí của Việt Nam được biết đến là rất hạn chế, chỉ có máy bay không người lái trinh sát loại nhỏ được ra mắt trong thập niên qua, mặc dù nước này đã tăng cường khả năng lắp ráp radar, phi đạn và tàu do đối tác ngoại quốc thiết kế.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một chuyên gia về mua sắm quân sự và là khách mời cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở tại Tân Gia Ba, cho biết những bên mua vũ khí nhỏ có thể là Lào, quốc gia láng giềng của Việt Nam, và các nước Phi Châu, nơi Việt Nam có thể đưa ra mức giá cạnh tranh.
Các nước Mỹ Latinh và các quốc gia Đông Nam Á khác là những khách hàng tiềm năng, theo ông Nguyễn Thế Phương.
Gần mười công ty quốc phòng Nga đã đăng ký tham gia hội chợ ở Hà Nội, bao gồm cả Rosoboronexport, cơ quan nhà nước xuất nhập cảng vũ khí.
ĐA DẠNG
Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, Việt Nam đang đàm phán các thỏa thuận khả thi để nhập cảng vệ tinh và các sản phẩm lưỡng dụng khác từ các đối tác khác ngoài Nga.
Điều đó sẽ đẩy nhanh xu hướng giảm nhập cảng vũ khí của Nga, với giá trị giảm xuống chỉ còn 72 triệu Mỹ kim vào năm 2021 (30% tổng lượng nhập cảng) từ mức cao nhất năm 2014 là 1 tỉ Mỹ kim, chiếm gần 90% tổng số năm đó, theo SIPRI.
Nhập cảng từ Nga đã giảm hàng năm kể từ đó, ngoại trừ năm 2021, khi phục hồi nhẹ sau năm 2020. Năm đó, đại dịch COVID-19 làm giảm nhập cảng quân trang của Việt Nam xuống chỉ còn 32 triệu Mỹ kim, trong đó 9 triệu Mỹ kim là vũ khí của Nga.
Dữ liệu của SIPRI cho thấy, trong những năm gần đây, Việt Nam đã mua thiết bị quân sự từ các nhà cung cấp mới, bao gồm Hoa Kỳ, Do Thái, Hòa Lan và Nam Hàn.
Với cuộc chiến ở Ukraine, mà Nga gọi là “chiến dịch đặc biệt”, Việt Nam dường như đang tăng tốc đa dạng hóa.
Các nhà phân tích nói Ấn Độ, Do Thái và các nước Đông Âu có vị thế tốt hơn trong tư cách là nhà cung cấp thay thế vì họ có thể cung cấp vũ khí tương thích với các hệ thống của Nga hiện vẫn chiếm 80% kho vũ khí của Việt Nam.
Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về ngoại giao Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc Ðại Lợi ở Canberra, nói đối với các hệ thống tiên tiến hơn, các nhà sản xuất ở Tây hoặc Đông Á cũng có thể là những nhà cung cấp tiềm năng cho Việt Nam.
Nâng Cấp Quan Hệ Việt-Hàn Có Thể Thúc Đẩy Đầu Tư và Bán Vũ Khí của Nam Hàn
Lãnh đạo hai quốc gia cam kết gia tăng hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh hàng hải, trật tự-trị an và kỹ thuật.
(Ảnh: Trưng bày máy bay Triển lãm Quốc phòng và Hàng không Vũ trụ Quốc tế Hán Thành năm 2019 tại Phi trường Quân sự Hán Thành ở Seongnam, Nam Hàn, ngày 14/10/2019.)
Việt Nam và Nam Hàn vừa công bố một mối quan hệ đối tác đặc biệt, mối quan hệ đầu tiên thuộc loại này mà quốc gia Cộng sản thiết lập với một nước có ký Hiệp ước đồng minh với Mỹ.
Cái được gọi là Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện được công bố hôm thứ Hai (5/12/2022), trong chuyến thăm Nam Hàn của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Ông Nguyễn Xuân Phúc có chuyến thăm cấp nhà nước tới Nam Hàn từ ngày 4-6/12 theo lời mời của Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk-yeol.
Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện thường được hiểu là mối quan hệ được thiết lập trên cơ sở mức độ tin cậy cao, các lợi ích và các giá trị chung.
Cho đến nay, Việt Nam mới chỉ công nhận ba quốc gia là đối tác chiến lược toàn diện, đó là: Trung Quốc, Nga và Ấn Độ. Cả ba nước này đều có bề dày lịch sử trong việc hỗ trợ Miền Bắc Việt Nam, đặc biệt trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam.
Nam Hàn đã tham gia vào cuộc chiến này một cách khá chủ động với việc gửi đến hàng trăm ngàn binh lính để chiến đấu sát cánh cùng quân đội Mỹ. Quân đội Nam Hàn bị buộc tội là có nhiều hành động tàn bạo trong thời gian diễn ra cuộc chiến và các nhóm dân sự của cả hai nước đã liên tục kêu gọi phải có một cuộc điều tra chính thức về những hành động của quân đội Nam Hàn tại Việt Nam.
Hà Nội thiết lập mối quan hệ lâu dài với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Bắc Hàn) – nơi cung cấp những hỗ trợ về kinh tế và quân sự đáng kể cho Miền Bắc Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh.
Trong khi đó, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đã trải qua một giai đoạn căng thẳng và mất niềm tin vì Bắc Kinh đã phát động một cuộc chiến tranh biên giới ngắn nhưng đẫm máu giữa hai nước vào năm 1979. Trung Quốc hiện còn có những tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam trong khu vực Biển Đông.
Tầm Nhìn Chung
Theo các nhà phân tích, bất chấp vấn đề di sản chiến tranh, Hán Thành và Hà Nội có rất nhiều điểm chung về tầm nhìn chiến lược.
“Là các quốc gia tầm trung đang lớn mạnh ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, Nam Hàn và Việt Nam đã và đang là mục tiêu lôi kéo của cả Hoa Thịnh Ðốn và Bắc Kinh” – ông Huỳnh Tâm Sáng, giảng viên Đại học Quốc gia của Việt Nam nói.
Tuy nhiên, theo ông Sáng, cả hai quốc gia đều muốn tự chủ chiến lược và “tìm kiếm một sự cân bằng tinh tế giữa hai cường quốc”.
Trong những năm gần đây, Nam Hàn đã trở thành một trong những đối tác thương mại thân cận nhất của Việt Nam và các tập đoàn hàng đầu như Samsung, SK, LG, Lotte và Hyundai của nước này đều đã mở rộng sản xuất kinh doanh tại quốc gia Đông Nam Á.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam, các doanh nghiệp Nam Hàn đã rót hơn 80,5 tỉ Mỹ kim vào Việt Nam và Hán Thành hiện là nhà đầu tư ngoại quốc lớn nhất tại Việt Nam.
Trong cuộc gặp với Chủ tịch Phúc hôm thứ Ba, ông Han Jong-hee, Phó Chủ tịch tập đoàn Điện tử Samsung cho biết tập đoàn của ông dự kiến sẽ tăng vốn đầu tư tại Việt Nam lên đạt 20 tỉ Mỹ kim.
Samsung hiện đã đầu tư 18 tỉ Mỹ kim vào Việt Nam và đóng góp khoảng 20% trong tổng lượng kim ngạch xuất cảng của Việt Nam.
(Ảnh: Người lao động đang trên đường đến làm việc tại nhà máy của Samsung ở tỉnh Thái Nguyên, miền Bắc Việt Nam.)
Trang Thiết Bị Quốc Phòng
Theo Giáo sư Zachary Abuza thuộc Trường Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, với việc nâng cấp quan hệ đối tác Việt Nam-Nam Hàn, hợp tác song phương trong công nghiệp quốc phòng cũng có thể thay đổi vì Việt Nam cố gắng đa dạng hóa nguồn cung, tránh phụ thuộc vào Nga.
Nam Hàn đã tặng hai tàu hộ vệ lớp Pohang đã loại biên và trong tương lai có thể sẽ chuyển giao thêm nhiều tàu đã thôi phục vụ nữa cho Hải quân Việt Nam – lực lượng hiện đang rất cần hiện đại hóa đội tàu già cỗi của mình.
Theo Giáo sư Abuza, các tàu hộ vệ này đang được nâng cấp để trở thành chiến hạm chống ngầm và Hà Nội cũng đang tìm cách mua máy bay chiến đấu của Hán Thành.
Lực lượng Không quân Việt Nam cho đến nay cũng phụ thuộc vào trang thiết bị của Liên Xô và Nga.
“Bất chấp giá cả, ngay bây giờ, Nga không thể giao hàng. Nam Hàn chào bán cho Việt Nam máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo, KF-21, với giá khá hợp lý. Và điều này cũng giúp [Việt Nam] đa dạng hóa chuỗi cung ứng vũ khí của mình” – ông Abuza nói.
Mỗi chiếc KF-21 giá từ 80 đến 100 triệu Mỹ kim, gần như tương đương với giá máy bay chiến đấu Su-35 của Nga.
Hiện tại, hợp tác công nghiệp quốc phòng giữa hai nước còn ở mức thấp nhưng nếu Nam Hàn đồng ý với một số hoạt động chuyển giao kỹ thuật và sản xuất chung, “có thể có những hợp tác lớn hơn trong lĩnh vực này” – ông Abuza nói.
Trong tuyên bố chung công bố sau cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk-yeol, hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh cam kết của họ trong việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh hàng hải, trật tự-trị an và kỹ thuật trong đó có kỹ thuật trong ngành công nghiệp quốc phòng.
Trong khu vực Đông Á, bên cạnh Nam Hàn, Việt Nam cũng có quan hệ đối tác sâu rộng với Nhật Bản. Bằng việc nâng cấp quan hệ với Hán Thành, thay vì với Tokyo, Việt Nam đã muốn “tránh những nghi ngờ không cần thiết từ phía Trung Quốc” – giảng viên Huỳnh Tâm Sáng nói.
“Vì Nhật Bản thúc đẩy quan hệ với Mỹ trong khi chỉ trích chính sách ngoại giao hiếu chiến của Trung Quốc. Việc nâng cấp quan hệ với Tokyo có thể đẩy Hà Nội vào một tình thế khó khăn và không vui vẻ gì” - ông Sáng nói và cho rằng đối với các nhà lãnh đạo Hà Nội “đây là động thái nên tránh”.
“Biểu Tình” – Hai Chữ Xa Xỉ Với Dân Việt Còn Hơn Cả Trung Quốc
(Bình luận của Nguyễn Hữu Vinh)
(Hình: Công an và an ninh giải tán những người biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội hôm 9/12/2012.)
Nửa tháng nay, thông tin về biểu tình khắp Trung Quốc (1) ít nhiều đã tới được với người dân Việt Nam, dù chỉ có lác đác vài báo quốc doanh đưa tin rồi vội vã rút xuống và ngưng hẳn từ 28/11/2022.
Nhưng đến lượt Mông Cổ kế bên, đất nước từng là bạn bè XHCN với Việt Nam, mới xảy ra biểu tình lớn có phần còn nghiêm trọng hơn, xô xát với cảnh sát, xông cả vào tòa nhà Chính phủ, thì lại được các báo đưa tin nhanh chóng, rất chi tiết (2).
Chủ Tịch “Sẩy Miệng”?
Từ đó, chợt nhớ tới… cựu Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Khi còn đang trong tù, tháng 7/2018, đọc báo ở nhà gửi vào, tôi hơi giật mình thấy tin báo Tuổi trẻ Online bị đình bản ba tháng, phạt 220 triệu đồng (3). Nhưng giật mình không đơn giản là chuyện kiểu tai nạn nghề nghiệp đó, mà là bởi có liền mấy điều khác thường trong nội dung bản tin.
Thứ nhất, Chủ tịch nước Trần Đại Quang lại có câu nói “lạ” với cử tri là ông “đồng tình với kiến nghị cử tri cần có luật Biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung này”. Trong ròng rã ruốt mấy năm trước đó, có vẻ như các cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã thống nhất “lùi vô thời hạn” việc trình Quốc hội thông qua Dự luật Biểu tình rồi cơ mà.
Thứ hai, sao báo đưa tin như vậy mà lại bị phạt vạ. Vì tôi rất biết, với một vấn đề hết sức quan trọng đó, với một nguyên thủ quốc gia, thì mỗi phát ngôn đều phải được báo nắm chắc, phóng viên đưa tin đều phải có ghi âm, thậm chí ghi hình, làm sao có chuyện bịa đặt, nhầm lẫn được.
Thứ ba, khi mổ xẻ hình phạt, thấy rõ vụ “bịa đặt” lời Chủ tịch nước có vẻ “tày đình” mà chỉ bị phạt có 50 triệu đồng thôi, còn 170 triệu đồng và đình bản ba tháng là hình phạt cho một “tội” khác. Từ đây, càng dễ nảy sinh câu hỏi, phải chăng Tuổi trẻ chỉ có cái “tội” là nhanh nhảu đưa tin “lạ” mà không biết bẩm báo xin ý kiến chỉ đạo của các cơ quan chức năng?
Đồng thời, có một dấu hỏi nữa. Trước đó, theo dõi báo chí, truyền hình, tôi đã phỏng đoán ông Chủ tịch nước đang có vấn đề về sức khỏe. Như vậy, rất có thể khi tiếp xúc cử tri, ông bị nhầm lẫn nào đó, bị quên là vấn đề này đã thống nhất “đình lại” từ cấp rất cao rồi. Hoặc, biết là mình bệnh trọng, sẽ không qua khỏi, nên ông muốn để lại cái gì đó đẹp đẽ về mình trong mắt hậu thế.
Gian Nan, Bí Ẩn Dự Luật
Suốt nhiều năm trước, khi điều hành trang Ba Sàm (cũ), tôi vẫn theo dõi và đưa tin thường xuyên về tiến trình Dự thảo, rồi chuẩn bị đưa trình Quốc hội thông qua Luật Biểu tình. Số phận của nó hẩm hiu không khác mấy với Dự thảo Luật về Hội
Nhìn ngược lên tới Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rồi sang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, lần nào ra phiên bản mới cũng đều khẳng định biểu tình là một trong những quyền sơ đẳng của người dân, gần nhất là Hiến pháp 2013.
Còn ngược thời gian thì đều thấy bao năm tranh đấu với thực dân Pháp, Đảng Lao động Việt Nam (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam) đều tố cáo thực dân phong kiến không cho người dân được hưởng những quyền tự do như biểu tình, báo chí, lập hội,…. Thế thì hà cớ gì mà họ lại cản dân mình một khi đã có chính quyền vững mạnh trong tay.
Còn về luật, không những báo chí, mà nhiều vị lãnh đạo rất cao của Đảng, Nhà nước đều tỏ ra sốt ruột muốn Quốc hội sớm thông qua Dự luật Biểu tình.
Tạm bắt đầu từ giữa năm 2014, báo chí đưa tin hồ hởi, rằng Cuối năm 2015 thông qua Luật biểu tình (4). Nhưng đến cuối năm 2014, lại đã thấy tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng Yêu cầu không được rút Dự luật biểu tình (5). Vậy thì ai muốn “rút”? Đó là “Bộ Công an xin rút dự án luật Biểu tình khỏi chương trình làm luật năm 2015 do “nhạy cảm, phức tạp” nhưng Thủ tướng yêu cầu phải có đủ cơ sở, lý lẽ thuyết phục“. Thế rồi có lẽ Chính phủ đã được Bộ Công an “thuyết phục”, nên tới tháng 2 năm 2016, Chủ tịch Quốc hội lại phải nghiêm khắc nhắc nhở Chính phủ, rằng xin lùi Luật Biểu tình là thiếu nghiêm túc (6). Nhưng chỉ dăm tháng sau, đã có tin Lại lùi vô thời hạn... Luật Biểu tình (7). Không chỉ cái tựa, mà mở đầu bài báo cũng thêm câu đau đớn “Khó có thể tính được cho đến nay dự án Luật Biểu tình đã được lùi, hoãn, giãn bao nhiêu lần”.
Như thế để thấy cái tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát ngôn như ở trên là “lạ” đến thế nào.
Vẫn chưa hết gian nan, hai năm sau phát ngôn của Chủ tịch nước, 18 tháng sau khi ông qua đời, Bộ Công an vẫn đề nghị “lùi thời gian trình sự thảo Luật Biểu tình” (8).
(Hình: Toàn cảnh họp Quốc hội ở Hà Nội hôm 20/10/2022.)
“Xa Xỉ” Hơn Trung Quốc
Phải nói vậy đối với hai chữ “biểu tình”, bởi vì theo dõi diễn biến những ngày qua, người dân Trung Quốc trên hàng chục tỉnh thành đã biểu tình rầm rộ phản đối chính sách Zero COVID. Kết cục là chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu có chỉ đạo nới lỏng chế độ kiểm soát dịch, nghĩa là nhân nhượng với người biểu tình (9). Trong khi đó thì ở Việt Nam, duy chỉ việc đưa tin đó thôi mà báo chí quốc doanh cũng không được, không dám. Đến khi Trung Quốc nới lỏng chính sách, báo Việt Nam cũng phải lặp lại cách lý giải của Trung Quốc, còn không dám nhắc đến chữ “biểu tình”, mà gọi nó là “những căng thẳng trong nước”. Thật đại xa xỉ cho hai chữ “biểu tình” chứ còn gì nữa.
Đã có những bình luận phán đoán về hiện tượng trên, dường như gồm hai lý do chính: lo ngại hiệu ứng domino lan truyền tới Việt Nam và không muốn làm mếch lòng “bạn vàng”, nhất là đúng ngay sau khi Tổng Bí thư Trọng mới sang đó nhận Huân chương Hữu nghị.
Nay lại mới có biểu tình lớn ở Mông Cổ, việc báo chí được đưa tin thoải mái cũng góp phần lý giải thêm hai lý do đó. Dễ hiểu, đâu phải sợ “mếch lòng” người bạn XHCN cũ nhỏ bé. Và cũng dễ hiểu thêm, rằng họ đâu còn là xứ Cộng sản nữa, mà biểu tình ở những xứ theo “tư bản giãy chết” thì tội gì không đưa tin; nó còn góp thêm niềm tin cho dân chúng Việt là cứ lìa bỏ Cộng sản thì ắt “đại loạn” thôi.
Giám Đốc Tổ Chức Xã Hội Dân Sự Đặng Đình Bách Tuyệt Thực Trong Trại Giam Để Đòi Công Lý
(Ảnh: Luật gia Đặng Đình Bách, Giám đốc Trung tân Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững (LSPD).)
Nhà hoạt động xã hội dân sự, tù nhân lương tâm Đặng Đình Bách tuyệt thực trong thời gian 5 ngày cuối tháng 11/2022 ở Trại giam số 6 (Thanh Chương, Nghệ An) để đòi công lý cho mình.
Ông Bách, 44 tuổi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD) hiện đang thụ án tù 5 năm sau khi bị kết tội “trốn thuế” theo Điều 200 của Bộ luật Hình sự.
Sau khi bị Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội bác bỏ kháng cáo trong phiên Phúc thẩm ngày 11/8 vừa qua, ông bị chuyển đi thi hành án tù tại Trại giam số 6 từ tháng 10.
Bà Trần Phương Thảo, vợ của ông Bách, cung cấp thông tin về vụ tuyệt thực của chồng mình với Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 7/12 như sau:
“Anh ấy tuyệt thực từ ngày 24/11 và đến ngày 29/11…. Cụ thể là anh Bách muốn tổ chức của Liên Hiệp Quốc ra kết luận về việc Chính phủ Việt Nam bắt giữ ông tuỳ tiện, yêu cầu Việt Nam trả tự do ngay lập tức và đền bù”.
Trong tháng Hai năm nay, bốn Báo cáo viên đặc biệt về các quyền con người của Liên Hiệp Quốc gửi thư chung yêu cầu nhà nước Việt Nam cung cấp thêm thông tin về việc bắt giữ ông Đặng Đình Bách và giải thích liệu các biện pháp đối với ông có tuân thủ các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam ký kết.
Các cơ chế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cũng cho biết phía Việt Nam xin gia hạn thời gian trả lời.
Bà Thảo cho biết thêm, nhiều nhóm nhân quyền quốc tế tiếp tục gửi báo cáo cập nhật về trường hợp của ông Bách lên cơ quan về nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Bà Thảo cũng cho rằng, việc tuyệt thực trong năm ngày của chồng mình có mục đích nhắc nhở cộng đồng quốc tế về trường hợp của ông, một lãnh đạo của tổ chức khoa học-kỹ thuật thực hiện nghiên cứu khoa học và khai triển các đề tài, đề án, dự án thuộc lĩnh vực pháp luật và chính sách phát triển bền vững nhưng bị kết án bởi một tội danh mơ hồ.
Đây là lần thứ ba ông Bách tuyệt thực kể từ khi bị bắt. Trước phiên Sơ thẩm vào cuối tháng một năm nay, ông đã tuyệt thực 11 ngày để kêu oan, yêu cầu được tại ngoại chờ xét xử và phải có một phiên tòa công bằng. Trong tháng 7 vừa qua, ông tuyệt thực 24 ngày.
Bà Thảo nói bà đã vào thăm chồng ở Trại giam số 6 hai lần trong hai tháng 10 và 11. Cuộc nói chuyện giữa hai vợ chồng bị giám sát chặt chẽ bởi nhân viên an ninh và nội dung câu chuyện chỉ được xoay quanh vấn đề sức khoẻ và gia đình.
Bà cho biết trong khi hai vợ chồng nói chuyện với nhau qua điện thoại và ngăn cách bằng tấm kính, ông Bách bị kẹp giữa hai nhân viên an ninh.
Ông không được trả lời bất cứ câu hỏi nào của vợ về cuộc sống của mình trong trại giam và vì vậy, bà không có thông tin gì về việc này.
Phóng viên RFA gọi điện nhiều lần đến Trại giam số 6 để kiểm chứng thông tin nhưng không ai nhấc máy.
Ông Bách bị bắt giữa năm 2021. Cáo trạng nêu rằng từ năm 2016 đến năm 2020, Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững, một tổ chức phi chính phủ có đăng ký hợp pháp với Nhà nước, nhiều lần không nộp hồ sơ khai thuế, trốn thuế, bỏ ngoài sổ sách các khoản tiền nhận từ ngoại quốc. Tổng số tiền bị coi là trốn thuế là hơn 1,3 tỉ đồng.
Trong cả hai phiên Tòa Sơ thẩm và Phúc thẩm, ông Bách khẳng định mình vô tội.
Ông Bách là thành viên trong Ban Điều hành Mạng lưới VNGO-EVFTA. Mạng lưới này bao gồm bảy tổ chức xã hội dân sự và hình thành vào tháng 11 năm 2021. Mục đích của Mạng lưới VNGO-EVFTA được cho biết nhằm phổ biến thông tin về Hiệp định Mậu dịch Tự do Liên Hiệp Âu Châu- Việt Nam (EVFTA), sự hình thành các xã hội dân sự Việt Nam, và Ban Tư vấn trong nước (DAG).
DAG được thiết lập theo quy định tại Chương Mậu dịch và Phát triển Bền vững của EVFTA. Ban Tư vấn Liên Hiệp Âu Châu (EV DAG) đã được thành lập vào tháng 12/2020 và đã tiến hành hai lần hội nghị. Riêng Ban Tư vấn Việt Nam (VN DAG) đến nay vẫn chưa được thiết lập.
Trong thông cáo báo chí ngày 8/7/2021, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) nhận định rằng việc Chính phủ Việt Nam bắt giữ ông Bách và một lãnh đạo xã hội dân sự độc lập khác, ông Mai Phan Lợi, là biện pháp nhằm ngăn chặn tiến trình hình thành Ban Tư vấn Việt Nam.
G7 Đề Xuất Gói Tài Chánh 15 Tỉ Mỹ Kim Cho Việt Nam Để Giảm Sử Dụng Than
*
(Hình: Mạng lưới điện sản xuất từ than ở tỉnh Ninh Bình, Việt Nam.)
Nhóm Bảy quốc gia công nghiệp phát triển (G7) mới đưa ra một đề nghị mới trị giá 15 tỉ Mỹ kim để Việt Nam cân nhắc và đưa ra ý kiến trong hội nghị thượng đỉnh vào tuần tới nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sử dụng khỏi than đá, 3 nguồn nắm thông tin về các cuộc trao đổi nói với thông tấn xã Reuters.
Việt Nam, vốn nằm trong số 20 quốc gia sử dụng than hàng đầu thế giới, ban đầu dự kiến sẽ ký vào cái gọi là quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với các quốc gia G7 tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu COP27 vào tháng 11, nhưng các cuộc đàm phán cấp cao đã đổ vỡ trước cuộc họp.
Để thuyết phục Việt Nam ủng hộ lời đề nghị, các nhà đàm phán phương Tây do Liên Hiệp Âu Châu và Anh dẫn đầu đã đề xuất một gói tài chánh lớn hơn, trong đó có 7,5 tỉ Mỹ kim gồm gần như hoàn toàn từ các khoản vay từ lĩnh vực công và số tiền tương tự từ các khoản cam kết từ lĩnh vực tư nhân, nguồn tin cho biết.
Cả 3 viên chức phương Tây, vốn không muốn nêu tên vì các cuộc đàm phán mật, cho biết rằng đây sẽ là đề nghị cuối cùng từ G7 trước hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Âu Châu và các quốc gia Đông Nam Á tại Brussels vào ngày 14 tháng 12, mà các viên chức EU đã nhiều lần chỉ ra là thời hạn mới cho một thỏa thuận.
Đề xuất đã dần dần được tăng lên từ cam kết ban đầu chỉ là 2 tỉ Mỹ kim từ quỹ nhà nước cộng với sự hỗ trợ bổ sung chưa rõ là bao nhiêu từ lĩnh vực tư nhân. Không rõ liệu nó có thể tiếp tục được tăng thêm nếu không có thỏa thuận nào đạt được vào tuần tới hay không.
Chính phủ Việt Nam và Ủy ban Âu Châu đã không trả lời các yêu cầu bình luận qua email của Reuters.
Vẫn chưa rõ liệu Việt Nam có sẵn sàng chấp nhận đề nghị gia tăng hay không, bởi vì những lo ngại chính của Việt Nam dường như chưa được giải quyết. Quốc gia Đông Nam Á này đã yêu cầu nhiều khoản tài trợ hơn, bởi vì nước này thường phản đối việc nhận các khoản vay lớn.
Một trong những nguồn tin cho biết cơ hội đạt được thỏa thuận vào tuần tới là “50/50”. Một cuộc đàm phán đáng chú ý khác vẫn đang được tiến hành và con số cuối cùng vẫn có thể thay đổi một chút.
An ninh năng lượng của Việt Nam vẫn tiềm ẩn rủi ro do kế hoạch G7 tập trung vào năng lượng tái tạo, và điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu điện ở quốc gia đang phát triển mạnh mà không có dự phòng đáng tin cậy trong trường hợp sản lượng điện thấp từ các trang trại điện gió hoặc pin mặt trời.
Ngay sau khi chính quyền Việt Nam hủy các cuộc họp dự kiến diễn ra tại Hà Nội với các đặc phái viên về khí hậu hàng đầu của Hoa Kỳ và EU hồi tháng 11, theo các nguồn tin, Bộ Công nghiệp của nước này đã lưu hành một Dự thảo mới cho các kế hoạch năng lượng dài hạn của mình, vốn thúc đẩy sử dụng than so với một phiên bản trước đó của tài liệu này.
Bung Cửa Cho SCB, Vạn Thịnh Phát “Lùa Gà Ăn Trái Phiếu”, Bộ Tài Chánh và Ngân Hàng Nhà Nước Có Thể Phủi Tay?
(blogger Gió Bấc)
(Hình: Người dân là những nhà đầu tư trái phiếu được Ngân hàng SCB giới thiệu mua biểu tình đòi tiền, yêu cầu nhà nước cứu hôm 20/11/2022.)
Sau vỡ lở của FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, thị trường tài chánh tiền tệ Việt Nam rúng động. Bất động sản giá trị hàng triệu tỉ đồng đang ế ẩm đóng băng. Doanh nghiệp khát vốn, ngân hàng nâng lãi suất nhưng vẫn cạn tiền. Bộ Tài chánh và Ngân hàng Nhà nước tháng trước còn hứa hẹn ngon lành giờ đổi giọng trách nhiệm trái phiếu là của doanh nghiệp. Những người hưu trí, chị bán rau, anh nông dân… gửi tiền tiết kiệm kiếm lãi bị lừa thành “nhà đầu tư” trái phiếu, trở thành “oan gia trái chủ” có nguy cơ mất cả vốn lời…. Liệu chính quyền do dân, vì dân có thể phủi tay để hàng vạn người dân bị móc túi công khai?
Sau khi FLC và Tân Hoàng Minh bị khởi tổ về hành vi thao túng chứng khoán, chia sẻ với báo chí ngày 10/10, Bộ trưởng Tài chánh Hồ Đức Phớc nói sẽ bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư. Bộ Tài chánh đã làm việc với các nhà phát hành - bên phải có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. “Họ đều đã cam kết sẽ trả đúng hạn trái phiếu. Chúng tôi sẽ tích cực giám sát và bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư” (1)
Lời hứa hẹn hết sức trách nhiệm của người cầm chịch chính sách, cơ chế điều hành tài chánh quốc gia làm người dân yên tâm. Nhưng mới đây, khi một số lô trái phiếu của An Đông và những công ty thuộc Vạn Thịnh Phát đáo hạn nhưng không thanh toán cho trái chủ. Hàng ngàn người dân từ Bắc chí Nam kéo đến trụ sở ngân hàng SCB đòi tiền thì Bộ Tài chánh đã đổi giọng. Ông Bộ trưởng lấy luật ra nói rất bài bản lạnh lùng để phủi trách nhiệm. Bộ giải thích rằng, “trái phiếu doanh nghiệp là một loại sản phẩm chứng khoán xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu.
Nhà đầu tư trái phiếu sẽ được hưởng lãi suất và được doanh nghiệp trả lãi, gốc khi trái phiếu đến hạn.
Thông lệ quốc tế và pháp luật của Việt Nam đều quy định trái phiếu doanh nghiệp do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm. Trái phiếu doanh nghiệp không phải là sản phẩm tiền gửi tiết kiệm ngân hàng.
Trái phiếu thường có độ rủi ro cao hơn các sản phẩm tiết kiệm ngân hàng và phần chênh lệch cao hơn so với lãi suất tiết kiệm chính là rủi ro mà nhà đầu tư chấp nhận khi mua trái phiếu doanh nghiệp.
Với đặc điểm trên, nhà đầu tư có trách nhiệm tự đánh giá mức độ rủi ro trong việc đầu tư trái phiếu, hạn chế về giao dịch trái phiếu được đầu tư và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình”.(2)
Từ lời hứa làm việc với doanh nghiệp để bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư, đến nay, khi doanh nghiệp không có tiền để chi trả trái phiếu đến hạn, Bộ Tài chánh chỉ thực hiện biện pháp rất nửa vời mang tính an ủi tâm lý là yêu cầu SCB phải tổ chức đón tiếp lắng nghe, ghi nhận ý kiến của các “nhà đầu tư oan gia khổ chủ”. Người dân cần tiền chắt chiu tiết kiệm của họ chứ đâu phải vừa mất tiền vừa mất thêm thời gian đến SCB để phân trần xin xỏ?
Lập luận của Bộ không sai về lý thuyết nếu giao dịch mua bán trái phiếu là minh bạch, có khuôn khổ chặt chẽ. Người mua, hay được gọi sang trọng là nhà đầu tư được tư vấn đầy đủ về quyền và nghĩa vụ, cơ hội và rủi ro, có ý thức chủ động tham gia vào cuộc chơi tài chánh. Mặc khác họ cũng phải được bên bán hoặc nhà phát hành cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Ở đây, do Nhà nước mà cụ thể là Bộ Tài chánh và Ngân hàng Nhà nước quản lý lỏng lẻo để các ngân hàng cụ thể là SCB lừa những khách hàng gởi tiền tiết kiệm ký vào các hợp đồng mua trái phiếu. Xem như là hình thức gửi tiết kiệm lãi suất cao hơn. Thậm chí hầu hết những người này không biết tên biết mặt, địa chỉ lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Các clip ghi nhận các cuộc “tụ tập đông người” đòi tiền ở các trụ sở SCB cho thấy, hầu hết trong số hơn 25.000 khổ chủ của Vạn Thịnh Phát không có ai chủ động mua cổ phiếu hoặc có kiến thức, kỹ năng kinh doanh tài chánh. Có người góp nhặt từ lương, từ thu nhập lao động chân tay, có người bán nhà bán đất, có người dùng nguồn tiền đầu tư cho con đi học…Trong cách tư vấn của ngân hàng và trong nhận thức của họ, đây là hình thức “tiết kiệm linh hoạt”, “tiết kiệm ưu đãi dành cho khách hàng VIP của SCB. Về doanh nghiệp phát hành trái phiếu, họ cũng chỉ hiểu và tin tưởng đó là doanh nghiệp cùng tập đoàn với SCB. Không thể đổ lỗi cho việc tư vấn lừa đảo này là sai sót của một vài nhân viên vì từ Nam chí Bắc, tất cả các “Nhà Đầu Tư bất đắc dĩ” này đều cùng bị lừa chung một bài như nhau. Rõ là ở đây, SCB đã có chủ trương “lùa gà”, biến khách hàng của mình thành “oan gia trái chủ”.
Sự việc diễn ra nhiều năm, trên diện rộng cả nước, cũng không riêng ngân hàng SCB. Ai đã rộng cửa cho các ngân hàng “lùa gà” ăn trái độc?
Trong cuộc họp mới đây, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh – Chuyên gia kinh tế – khẳng định, trách nhiệm về thị trường này chắc chắn thuộc về Bộ Tài chánh.
“Trước đây là Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Hiện nay, đã sửa bằng Nghị định 65, tôi khẳng định trách nhiệm về thị trường trái phiếu doanh nghiệp chắc chắn là của Bộ Tài chánh. Bộ Tài chánh không thể chối bỏ hay đổ cho ai về câu chuyện của thị trường này”.
Tán thành quan điểm của Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VESS bày tỏ “kinh ngạc” về sự “vô tổ chức” của thị trường trái phiếu khi nhìn lại giai đoạn phát triển vừa qua. Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành khẳng định, trên thực tế trái phiếu cho doanh nghiệp phát hành không phát hành được vì “không ai biết doanh nghiệp này là ai”. Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp phải đi qua hệ thống ngân hàng.
“Sự lộn xộn nằm ở chỗ, không biết bằng cách nào để cho các đối tượng liên quan nắm được data của những người gửi tiền để chèo kéo khách hàng rút tiền tiết kiệm để mua trái phiếu doanh nghiệp.
Hay nói cách khác, hạ tầng về thông tin trong thông tin cá nhân có vấn đề, và ngân hàng cùng với phía sau là doanh nghiệp phát hành trái phiếu không theo nguyên tắc nào cả”.
Ông Thành đặt vấn đề: “Bộ Tài chánh quy định thế nào, Ngân hàng Nhà nước quy định thế nào mà để cho những doanh nghiệp đó tiếp cận với khách hàng, để khách hàng chuyển tiết kiệm sang mua trái phiếu? Tất cả không có kiểm soát và bây giờ nhìn lại mới thấy các điều kiện còn rất mơ hồ”.
Cũng theo Giám đốc VESS, ông theo dõi báo cáo tài chánh của SCB thấy rằng, khoản phải thu của ngân hàng này lên tới 30% tổng tài sản, thế nhưng ngân hàng vẫn tồn tại được, vẫn đứng ra phát hành trái phiếu, phân phối trái phiếu doanh nghiệp, mở rộng tín dụng,… “Đây là trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước” (3)
Trên Facebook cá nhân, nhà báo Mai Bá Kiến chỉ rõ hơn cái sai của Bộ Tài chánh “Nghị định 155/2020 chỉ cho phép bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho NĐT chuyên nghiệp (pháp nhân hay thể nhân). NĐT thể nhân phải nắm giữ đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu hai tỉ đồng mới được xác nhận và có giá trị ba tháng kể từ ngày xác nhận. Vậy mà, Bộ Tài chánh chụp mũ “NĐT chuyên nghiệp” lên đầu người gửi tiết kiệm - vốn bị ngân hàng xí gạt…”.
Hơn thế nữa, nhà báo Mai Bá Kiếm còn chứng minh sự chậm trễ, lúng túng của Bộ Tài chánh khi đã biết sai mà chậm sửa và càng sửa càng sai. Ngày 4/1/2022, tại Quốc hội, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chỉ ra các sơ hở của NĐ 153/2020 để cho các doanh nghiệp âm vốn chủ sở hữu phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mà không có tài sản bảo đảm và vốn phát hành gấp nhiều lần vốn điều lệ.
“Mãi đến tháng 5/2022, Dự thảo sửa đổi NĐ 153 lần thứ năm vẫn bị yêu cầu phải nới lỏng. Ngày 16/9/2022, Chính phủ cắn răng ban hành Nghị định 65/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 153/2020 theo hướng siết chặt điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trước sự kêu khóc thảm thương của các tập đoàn và HH BĐS.
Theo NĐ 65/2022, trái phiếu doanh nghiệp không thể bán cho NĐT không chuyên nghiệp, người gửi tiền tiết kiệm khỏi lo bị ngân hàng dụ, nhưng “NĐT không chuyên” lỡ mua 790.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp sắp đến hạn nên chuẩn bị khóc tiếng đông lào!” (4)
Vạn Thịnh Phát, SCB chỉ là vết mưng mủ của khối u trái phiếu khổng lồ còn tiềm ẩn. Sự lỏng lẻo, chiều chuộng cho các đại gia bất động sản tay không bắt giặc “lùa gà” gom “tiền trong dân còn nhiều” làm khối u bất động sản ngày càng phình to. Số liệu của FiinRatings cho thấy, tính đến hết tháng 10/2022, giá trị trái phiếu bất động sản đang lưu hành có quy mô 445 ngàn tỉ đồng, tức chiếm gần 34% trong tổng trong tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ đang lưu hành có đến trên 1 triệu tỉ đồng.(5)
Sau những vụ vỡ lở, Bộ Tài chánh, Ngân Hàng đã siết tín dụng, phát hành trái phiếu riêng lẻ nhưng đã chậm, tình thế căn bệnh nền kinh tế và tài chánh đã chuyển sang hướng khác. Doanh nghiệp bất động sản như con khủng long thiếu máu, sản phẩm tồn ế lên đến hàng trăm ngàn tỉ không tiêu thụ được lại thiếu vốn khai triển dự án mới kêu cứu như cha chết đến nơi. Nhà nước đã cho tiêm liều thuốc cấp cứu là cho nới rộng room tín dụng bất động sản nhưng lòng tin giảm sút người dân chuyển hướng dự trữ sang Mỹ kim, vàng. Ngân hàng thương mại đua nhau tăng lãi suất tiền gởi đến 9% vẫn không huy động được “tiền trong dân còn nhiều”.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, hiện dư nợ tín dụng gần tương đương với tổng huy động, trong khi tăng trưởng huy động chưa bằng một nửa tăng trưởng tín dụng nên dù Ngân hàng Nhà nước có nới trần tín dụng thì các NHTM cũng không đủ vốn để cho vay ra.(6)
Chưa nói đến nguồn vốn cho hoạt động, chỉ riêng số tiền chi trả trái phiếu đến hạn từ nay đến cuối năm đã là trên 61.000 tỉ đồng. Nếu không có liều thuốc này thì e rằng không chỉ ách tắc về kinh tế mà an ninh trật tự xã hội cũng khó thể bình yên.
Một số doanh nghiệp đưa ra giải pháp chữa cháy là thay vì mua lại trái phiếu, thanh toán tiền cho trái chủ, khuyến khích nhà đầu tư đổi sang sản phẩm bất động sản nói theo kiểu dân gian là cấn trừ nợ. Trong đó có những ưu đãi, có tỉ lệ chiết khấu cho nhà đầu tư có lợi hơn khách hàng thông thường
Theo các chuyên gia, không chỉ Việt Nam, hình thức cấn trừ này cũng thực hiện ở Trung Quốc và Nam Hàn.
Tuy nhiên, theo khuyến nghị của một số chuyên gia, nhà đầu tư phải tìm hiểu kỹ tình trạng pháp lý của dự án bất động sản mà doanh nghiệp phát hành muốn “đổi hàng”. Bởi nếu không, trái chủ có nguy cơ chuyển sang một tài sản rủi ro khác.
Báo cáo của FiinRatings cũng lưu ý tới những yếu tố rủi ro mới như khi trái chủ được chuyển đổi sang sản phẩm bất động sản tương ứng nhưng yếu tố pháp lý dự án vẫn còn chưa chắc chắn.(7)
Nhà báo Mai Bá Kiếm thì cảnh báo nguy khổ chủ có thể đổi vịt trời trái phiếu sang vịt trời bất động sản chưa xây: “Trước đây doanh nghiệp từng phát hành trái phiếu để đầu tư BĐS hình thành trong tương lai. Đến khi đáo nợ, BĐS vẫn chưa hình thành để doanh nghiệp thu hồi vốn đầu tư, trả nợ trái chủ, nên phải chuyển nợ trái phiếu thành BĐS, tức tài sản hình thành trong kiếp sau.
BĐS luôn trường tồn trong sự nghiệp móc túi dân. BĐS muôn năm trong kiếp luân hồi nợ đảo!”(8)
Có nạn nhân đã từng bất bình tuyên bố trong cuộc tiếp xúc với lãnh đạo SCB “mạng người có thể mất, tiền không thể mất!”
Không thể dùng súng để xử những con gà bị lừa mua trái phiếu như đã làm với cụ Lê Đình Kình (vụ Đồng Tâm). Không thể lấy điều 311 để xử những nạn nhân của đau con xót
Bộ Tài chánh và Ngân Hàng Nhà Nước không thể phủi trách nhiệm trong vụ vỡ nợ trái phiếu khổng lồ này!
________
Tham khảo:
Hãng Xe Hơi Điện VinFast của Việt Nam Nộp Đơn Phát Hành Công Khai Lần Đầu ở Mỹ
(Hình: VinFast vận chuyển 999 xe hơi điện từ Hải Phòng sang Mỹ hôm 25/11/2022.)
Hãng VinFast thuộc tập đoàn VinGroup của tỉ phú Việt Nam Phạm Nhật Vượng thông báo hôm 6/12/2022 rằng hãng này vừa nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC), là bước đi chính thức đầu tiên tiến tới việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng ở Mỹ (IPO) vào năm 2023.
Tường thuật của nhiều cơ quan báo chí Anh, Mỹ, trong đó có Reuters, Bloomberg và CNBC, cho hay các đối tác của VinFast gồm Citigroup Global Markets, Morgan Stanley, Credit Suisse và J.P. Morgan Securities đóng vai trò là các ngân hàng dựng sổ chính, đồng thời cũng làm đại diện cho các nhà bảo lãnh phát hành cho đợt chào bán trong tương lai.
Như Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) đã đưa tin, trên giấy tờ chính thức, VinFast đã được chuyển đổi thành một công ty trách nhiệm hữu hạn đại chúng có văn phòng giao dịch đặt ở Tân Gia Ba. Giờ đây, hãng này dự kiến niêm yết cổ phiếu trên sàn Nasdaq với mã VFS, theo tin của Reuters, Bloomberg, CNBC và nhiều báo ngoại quốc.
Hãng này không tiết lộ về thời điểm sẽ chính thức IPO, số lượng cổ phần sẽ chào bán và số tiền vốn mà họ kỳ vọng sẽ huy động được.
Reuters trích dẫn lại một tuyên bố hôm 7/12 của bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng Giám đốc Điều hành VinFast, cho hay rằng hãng sẽ thực hiện IPO sau khi SEC tuyên bố là hồ sơ đăng ký có hiệu lực và các điều kiện thị trường cho phép.
Theo tìm hiểu của VOA, số vốn thu về sẽ được chi cho việc VinFast mở rộng hoạt động sang Mỹ với kế hoạch xây nhà máy trị giá 2 tỉ Mỹ kim ở tiểu bang North Carolina.
Hiện tại, toàn bộ xe của VinFast được sản xuất tại nhà máy của hãng ở Hải Phòng, Việt Nam. Hãng hy vọng nhà máy ở Mỹ, có công suất 150.000 xe/năm, sẽ đi vào hoạt động vào tháng 7/2024.
Hãng xe hơi của tỉ phú Phạm Nhật Vượng khởi đầu với việc sản xuất xe chạy bằng động cơ đốt trong vào năm 2019, nhưng sau đó đã chấm dứt loại xe đó và tập trung hoàn toàn vào việc chế tạo xe hơi điện (EV).
Hãng có tham vọng cạnh tranh với cả các hãng lâu đời lẫn các hãng khởi nghiệp ở Mỹ, bằng 2 nhãn hiệu xe chủ lực trong thời gian trước mắt là VF8 cỡ trung và VF9 cỡ lớn, đều thuộc dòng xe tiện ích thể thao (SUV). Hãng hiện đang nhận các đơn đặt hàng cho hai loại xe này.
Như VOA đã đưa tin, VinFast loan báo đã nhận được 65.000 đơn đặt hàng cho 2 loại xe và đặt ra kỳ vọng sẽ bán được 750.000 chiếc EV mỗi năm vào khoảng năm 2026
Hôm 25/11, hãng đã xuất lô xe đầu tiên gồm 999 chiếc sang Mỹ và dự kiến số xe này sẽ cập cảng ở Los Angeles, California, vào ngày 25/12.
VF8 và VF9 có giá lần lượt là 57.000 Mỹ kim và 76.000 Mỹ kim. Nhưng nếu khách hàng mua xe riêng rẽ, không có pin, giá sẽ lần lượt là 42.000 Mỹ kim và 57.500 Mỹ kim. Với phương án này, chủ xe phải trả tiền thuê pin hàng tháng là 169 Mỹ kim cho xe VF8 và 219 Mỹ kim cho xe VF9.
Đứng sau VinFast là tập đoàn VinGroup vốn nổi danh ở Việt Nam chủ yếu về kinh doanh bất động sản, mặc dù tập đoàn này cũng có hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và kỹ thuật.
Theo một bài tường thuật của CNBC, trong khi VinGroup có vị trí vững chắc ở Việt Nam, bản thân VinFast vẫn chưa có lãi – hãng này lỗ khoảng 1,3 tỉ Mỹ kim vào năm 2021 và lỗ thêm 1,4 tỉ Mỹ kim trong 3 quý đầu năm 2022.
Nhận Định Về Phát Ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Việt Nam Không Thể Nghèo, Không Cần Quá Giàu…!”
(Ảnh: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mới đây cho rằng Việt Nam không thể nghèo, không cần quá giàu. Ông Vũ Đức Đam phát biểu như vừa nêu khi công bố Nghị quyết về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 hôm 6/12/2022.
Theo lời ông Đam, các chuyên gia ngoại quốc rất đồng tình với định hướng là Việt Nam không thể nghèo, không cần quá giàu, cần vừa phải nhưng có cuộc sống an toàn, hạnh phúc và có nhiều tình yêu thương giữa con người.
Một người dân Sài Gòn không muốn nêu tên vì lý do an toàn, nói về thực tế hiện nay
“Làm gì có hạnh phúc, người dân một số ít nào đó giàu có nhưng cũng không hạnh phúc được, vì bây giờ thực phẩm bẩn, thậm chí người giàu cũng không biết ung thư chết lúc nào, tai nạn giao thông xảy ra lúc nào. Đó là người giàu, chưa nói người nghèo chạy ăn từng bữa khổ te tua”.
Cũng hôm 6/12, dù nói Việt Nam không cần giàu, nhưng ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi nói về y tế cho rằng, quan trọng là tỉ lệ Bác sĩ chứ không phải là tỉ lệ giường bệnh. Bên cạnh đó, tỉ lệ về điều dưỡng cũng rất quan trọng. Thế giới có một Bác sĩ thì có 3-4 điều dưỡng viên, còn ở Việt Nam chỉ có 1,5 người. Ông Đam nói: “Nguyên nhân căn bản nhất là do chúng ta nghèo” và mệnh giá bảo hiểm y tế của Việt Nam hiện chỉ bằng 1/30 các nước phát triển, 1/10 các nước đang phát triển, trung bình cao như Việt Nam.
Trả lời Ðài Á Châu Tự Do (RFA) từ Việt Nam hôm 7/12, chuyên gia Kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết ý kiến:
“Việt Nam cũng như mọi nước không nên sống trong thế giới nghèo, phải phát triển như thế nào để dân giàu nước mạnh, chứ không thể nào chấp nhận một đất nước nghèo nàn được. Trong khi mình trở thành một nước mạnh, người dân sẽ giàu cùng, chứ không có vấn đề quá giàu hoặc một thành phần quá nghèo so với thành phần khác. Vì vậy, cái chữ “giàu” là cần phải có, càng đồng đều càng tốt”.
Tuy rằng theo ông Thành, vẫn sẽ có một thành phần tích tụ tiền để kinh doanh, nhưng nói chung ông Thành cho rằng Việt Nam không thể nào chấp nhận một nước nghèo được. Liên quan ý kiến cho rằng Việt Nam nên giữ mức nghèo để được ưu đãi, ông Thành nói:
“Không thể nào chấp nhận một quốc gia nghèo, để đi xin ưu đãi. Những vấn đề giúp đỡ của ngoại quốc là bất đắc dĩ, trong tình trạng nào đó mình cần có sự giúp đỡ của bạn bè ngoại quốc, nhưng đó là trong thời kỳ mình đang gặp khó khăn. Mình phải vươn lên để mình tự túc, vươn lên để mình có thể giúp cho những nước khác nữa, chứ không phải nghèo để mà đi tiếp nhận giúp đỡ của ngoại quốc”.
Trở lại với phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Việt Nam không thể nghèo, không cần quá giàu, Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 7/12 cho rằng, khi một viên chức cầm đầu Chính phủ Việt Nam nhắn nhủ rằng Việt Nam không thể nghèo và không cần quá giàu thì nó xác nhận một điều rằng Việt Nam hiện đang rất nghèo và Chính phủ này đang thất bại trong việc tạo ra một đất nước giàu mạnh. Ông Vũ nói tiếp:
“Trở thành một quốc gia văn minh, giàu mạnh, hùng cường, và nơi mà người dân sống hạnh phúc là ước mơ của tất cả người dân Việt Nam, và cả những người dân của thế giới. Đó là lý do mà người Việt ngày nay vẫn tìm cách di cư ra các nước phát triển, giàu mạnh, để tìm kiếm cơ hội; thậm chí nhiều người tìm mọi cách ra đi bất chấp nhiều rủi ro”.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, một quốc gia giàu chưa chắc làm cho tất cả mọi người dân đều hạnh phúc. Nhưng, một quốc gia nghèo sẽ làm cho hầu như tất cả mọi người dân mất hạnh phúc. Nhiệm vụ của một người lãnh đạo quốc gia do đó phải là làm cho quốc gia giàu mạnh, hùng cường. Ông Vũ nói tiếp về hiện trạng Việt Nam
“Việt Nam hiện nay vẫn là một quốc gia rất nghèo theo tiêu chuẩn của thế giới. Người dân ở các vùng xa đang thiếu đói những ngày giáp Tết. Trẻ em không được đến trường. Trường học tạm bợ. Giáo dục không đạt chất lượng. Thiếu Giáo sư có trình độ. Công nhân lương không đủ sống, thất nghiệp tràn lan. Bệnh viện không đủ giường. Thiếu thuốc men. Thiếu Bác sĩ. Trình độ khoa học kỹ thuật không có. Lao động không có tay nghề. Doanh nghiệp thiếu kỹ thuật. Nền kinh tế chủ yếu dựa vào gia công. Ngân sách nghèo nàn. Đường xá, cầu cống, hệ thống hạ tầng… đều cần phải cải thiện rất nhiều để đạt tới mức trung bình của thế giới hầu đáp ứng nhu cầu cơ bản của Việt Nam”.
(Hình: Người thu gom rác tái chế bán các vật đã nhặt được từ rác cho những người thu mua ở Hà Nội.)
Ông Vũ cho rằng việc mà chính quyền Cộng sản Việt Nam cần làm hiện thời đó là phải nhanh chóng đẩy mạnh sự phát triển của quốc gia để đáp ứng những nhu cầu cơ bản của người dân, trước khi thuyết phục người dân Việt Nam rằng họ không cần quá giàu. Và bởi rằng nhu cầu của con người là vô hạn. Không ai có thể biết được liệu rằng một quốc gia giàu bao nhiêu thì đáp ứng được nhu cầu cơ bản của người dân.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, nhiệm vụ của những người cầm quyền do đó phải luôn đưa đất nước tiến lên. Không chỉ tiến lên khi so với mình, mà còn là tiến lên khi so với các nước trên thế giới. Bởi sự giàu mạnh nó sẽ bảo đảm quốc gia được trang bị tốt hơn, để bảo đảm an ninh quốc phòng, và để bảo đảm mức sống chung của người dân không ngừng được thăng tiến trên mặt bằng chung của thế giới.
Dưới một góc nhìn khác, nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già nhận định với RFA hôm 7/12:
“Trước đây ông Nguyễn Minh Triết tại Cuba cũng tuyên bố được người ta ví von “Việt Nam Cuba như trời đất sinh ra, một anh ở đằng Đông một anh ở đằng Tây, thay phiên nhau ngủ nghỉ để canh giữ hòa bình thế giới”…. Giờ tới ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nói có chuyên gia ngoại quốc nói với ổng rằng đồng tình cách Việt Nam phát triển không thể nghèo, cũng không cần quá giàu, chỉ cần vừa đủ miễn sao sống có tình yêu thương con người.v.v…. Tôi cho rằng các viên chức cấp cao của Việt Nam họ chọn cách nói vo tròn, mơ hồ như vậy bởi vì họ không tự tin, họ nói là những điều mà chính thâm tâm của họ cũng không tin”.
Bởi lẽ theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, nếu thật sự có người nào nói như vậy sao ông Đam không chịu nói một cái tên cụ thể để tỏ ra khách quan. Điều này cho thấy viên chức Việt Nam không ý thức được việc họ tuyên bố như vậy sẽ làm cho danh dự phẩm giá của họ càng thêm mất đi và người dân càng thêm chê cười…. Ông nói tiếp
“Thứ hai với tư cách là Phó Thủ tướng như ông Đam thì chỉ cần nói nhà nước khuyến khích làm giàu, càng giàu càng tốt. Bởi vì cái đó là chủ trương của đảng CSVN bấy lâu nay là ‘Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh’… thì cứ việc làm càng giàu càng tốt, miễn sao không phạm pháp là đủ. Nhưng tại sao không đem từ ‘phạm pháp’ ‘tham nhũng’? Bởi vì vừa rồi, ông Phan Đình Trạc trưởng ban nội chính trung ương cũng đã tuyên bố: “Những người tham nhũng toàn những người giàu”. Quả thật vậy, trong xã hội Việt Nam hiện nay chỉ có tham nhũng mới giàu có, càng giàu có thì càng tham nhũng… đó là một thực tại không thể chối cãi trong xã hội Việt Nam ngày nay”.
Thứ ba theo ông Già, vì vừa rồi Phụ tá của ông Đam là ông Nguyễn Văn Trịnh bị bắt vì liên quan công ty Việt Á… nên ông Đam muốn dùng diễn đàn này để chuyển một thông điệp ngầm tới lãnh đạo cấp cao trong Bộ Chính trị là ‘không có liên quan gì’. Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nói tiếp:
“Thứ tư là cái cách phát biểu của ông Đam đúng ra mang tính chất buổi nói chuyện trong gia đình khuyên nhủ lẫn nhau về đạo đức. Còn đằng này ông ta nói khi đang truyền đạt Nghị quyết về quy hoạch tổng thể quốc gia. Nên cách nói của ông Đam thể hiện thêm một sự bất an trong lòng ông ta, trên mạng xã hội kể từ lúc ông ta phát ngôn đã đầy dãy những đàm tiếu”.
Nói tóm lại, theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, cách phát ngôn của ông Đam nói riêng và kể cả những nhân vật cấp cao và cấp cao nhất trong nội bộ Chính quyền Việt Nam không bao giờ đạt được tính chất chuyên nghiệp của một chính trị gia cần có.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét