Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2022

Kính Chuyển Ít Tin Nóng Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Kỷ Niệm Ngày Quốc Tế Nhân Quyền: “Việt Nam Triệt Để Khai Thác Hình Ảnh Mới, Nêu Thành Quả Và Uy Tín, Sau Khi Đắc Cử Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, Để Tuyên Truyền!”
(Hình: Giáo dân Công giáo tập trung biểu tình phản đối việc thay đổi Tổng Giám mục ở Hà Nội do sức ép của chính quyền hôm 13/5/2010.)
<!>

Hội đồng Liên Tôn Việt Nam, một tổ chức xã hội dân sự đấu tranh cho tự do tôn giáo ở trong nước nhưng không được chính quyền công nhận, cùng với bốn tổ chức hải ngoại ký thư chung thúc giục Hà Nội tôn trọng các cam kết quốc tế và cải thiện hồ sơ nhân quyền.
Thư ngỏ được công bố ngày 6/12, nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (10 tháng 12).

Ông Lê Quang Hiển, Chánh Thư ký Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy và thành viên của Hội đồng Liên Tôn Việt Nam, nói với Ðài Á Châu Tự Do (RFA):
“Tình hình nhân quyền cũng như những năm trước, là không được tôn trọng. Riêng đối với tôn giáo của tôi, Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy, luôn bị sách nhiễu”

Ông cho biết trong khi nhóm Phật giáo Hòa Hảo thuộc sự quản lý của Nhà nước được tổ chức các buổi lễ của tôn giáo một cách long trọng thì chính quyền tỉnh An Giang luôn hạn chế Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy tụ tập trong các sự kiện này.

Bản Lên tiếng cho biết Nhà nước Việt Nam “đang triệt để khai thác việc quốc gia này mới đắc cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc để tuyên truyền về những cái gọi là thành quả và uy tín của Việt Nam trong lãnh vực nhân quyền” trong khi trên thực tế thì “tình hình nhân quyền tại Việt Nam vẫn tiếp tục tồi tệ”.

Ông Trương Minh Trí, Chủ tịch Liên hội Người Việt Gia Nã Ðại, 1 trong 4 tổ chức hải ngoại ký tên vào bản lên tiếng nhận định
“Cộng đồng hải ngoại muốn lên tiếng để nhắc nhở với dư luận ngoài nước và quốc nội rằng Việt Nam còn những vấn đề vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền và đòi hỏi cải thiện tình trạng nhân quyền ở Việt Nam.

Đây là dịp tốt để nói về vấn đề đó, nhất là vừa rồi Việt Nam mới đắc cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Chúng ta cũng nêu vấn đề nhân quyền để nhắc nhở thế giới rằng Việt Nam cần phải xứng đáng hơn nếu là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc”.

Các tổ chức nói Nhà nước Việt Nam hiện nay theo thể chế độc đảng dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản và không có kế hoạch thay đổi mô hình độc đoán này. Chế độ thực hiện bắt giữ và giam cầm một cách tuỳ tiện người bất đồng chính kiến và người hoạt động nhân quyền, cản trở hoạt động của xã hội dân sự.

Bản Lên tiếng cũng dẫn báo cáo của Uỷ ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và một số tổ chức nhân quyền như Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch- HRW), Ân xá Quốc tế (Amnesty International), Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) cho biết hiện Việt Nam đang giam giữ khoảng 290 tù nhân chính trị và lương tâm, trong đó có 23 nhà báo.

Chính phủ Việt Nam không tôn trọng quy trình xét xử công bằng đối với những trường hợp bị tuyên án tử hình, không cung cấp thông tin về việc giảm án cho tử tù, và không công khai dữ liệu về án tử hình. Việt Nam là nước ban hành và thực thi án tử hình nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á, và thuộc nhóm nước nhiều án tử hình nhất trên thế giới.

Ông Trương Minh Trí nói, để chính quyền Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền, cộng đồng người Việt hải ngoại cần theo dõi sát sao tình hình Việt Nam và vận động chính quyền và các chính trị gia nơi mình sinh sống để gây sức ép lên Hà Nội.

Ông cho biết bốn tổ chức ký tên đại diện cho các cộng đồng người Việt lớn nhất trên thế giới trong khi thành viên của Hội đồng Liên Tôn Việt Nam đại diện cho các tổ chức tôn giáo độc lập ở Việt Nam.
Bản Lên tiếng cho biết chính quyền Việt Nam kiểm soát chặt chẽ xã hội dân sự. Tuy cả nước có 70 ngàn tổ chức quần chúng nhưng đều phải chịu sự chi phối và chỉ đạo của Đảng Cộng Sản còn những tổ chức xã hội dân sự độc lập bị đàn áp và các thành viên chủ chốt bị bỏ tù.

Các tổ chức ký tên nói Nhà nước Việt Nam rất miễn cưỡng tạo điều kiện cho việc thành lập một nghiệp đoàn độc lập. Mặc dù năm 2019, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về quyền thương lượng tập thể thế nhưng cho đến nay Việt Nam vẫn chưa phê chuẩn Công ước 87 về quyền tự do lập hội.

Trước tình hình trên, các tổ chức kêu gọi Nhà nước Việt Nam, trên cương vị một thành viên của Liên Hiệp Quốc và thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, tôn trọng và thực thi các công ước quốc tế mà chế độ đã ký và phê chuẩn như Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), và Công ước Quốc tế về Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa.

Năm tổ chức kêu gọi Việt Nam trả tự do lập tức và vô điều kiện cho tất cả những tù nhân bị giam giữ hay kết án chỉ vì đã bày tỏ quan điểm và lập trường một cách ôn hòa cũng như chấm dứt ngay lập tức tất cả những biện pháp đàn áp đối với những cá nhân và tổ chức thực thi và bảo vệ quyền tự do căn bản như ngôn luận, hội họp, tín ngưỡng, lập hội….

Việt Nam cần chấp nhận vai trò thiết yếu của các tổ chức xã hội dân sự độc lập trong các lãnh vực như tôn giáo, môi trường, sinh hoạt nghiệp đoàn, và truyền thông; tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội dân sự đóng góp vào tiến trình phát triển đất nước mà không bị cản trở hay đàn áp, năm tổ chức ký tên nói.


Sinh Hoạt Kỷ Niệm Ngày Quốc Tế Nhân Quyền Tại San Jose:


Giải Bóng Tròn Thế Giới:

Các Nhà Hoạt Động Đưa Biểu Tình Về Công Nhân Qatar Về Quê Hương Chủ Tịch FIFA


(Hình: Chủ tịch FIFA, Gianni Infantino, tại cuộc họp báo vào ngày 19/11/2022 ở Doha, Qatar.)

Một nhóm hoạt động đã dựng lên các biểu ngữ biểu tình ở thành phố Brig, quê hương Thụy Sĩ của Chủ tịch Liên đoàn Túc cầu Thế giới (FIFA), Gianni Infantino, hôm thứ Tư (7/12/2022) để yêu cầu tổ chức túc cầu thế giới bồi thường cho những người lao động nhập cư bị cáo buộc bị lạm dụng nhân quyền ở Qatar, nước đăng cai giải túc cầu thế giới năm nay.

Các bảng biểu tình di động mang thông điệp “Ông Infantino: Gia đình ông là người di cư”, “Hàng ngàn người di cư như vậy là nạn nhân của World Cup này” và “Hãy bồi thường cho họ ngay bây giờ”.

Cuộc biểu tình của nhóm chiến dịch Avaaz bao gồm cả một người đóng giả ông Infantino đang cầm chiếc cúp vô địch thế giới.

Qatar, nơi người ngoại quốc chiếm phần lớn trong tổng số 2,9 triệu dân, đã phải đối mặt với sự chỉ trích dữ dội từ các nhóm nhân quyền về cách đối xử với lao động nhập cư.

FIFA không có bình luận trực tiếp nào về cuộc biểu tình nhưng đã chỉ ra những bình luận của ông Infantino vào tháng trước ca ngợi một quỹ mà Qatar thành lập vào năm 2018 đã chi 350 triệu Mỹ kim cho người lao động trong các trường hợp chủ yếu liên quan đến việc trả lương muộn hoặc không trả.

Tờ Guardian của Anh năm 2021 đưa tin ít nhất 6.500 lao động nhập cư, nhiều người trong số họ làm việc trong các dự án tổ chức World Cup, đã chết ở Qatar kể từ khi nước này giành quyền tổ chức World Cup vào năm 2010.

Tổ chức Lao động Quốc tế đã đặt câu hỏi về con số đó, con số được cho là bao gồm tất cả các trường hợp tử vong trong dân di cư. Các nhà tổ chức World Cup Qatar cho biết đã có 3 trường hợp chết liên quan đến công việc và 34 trường hợp chết không liên quan đến công việc đối với các công nhân tại các địa điểm tổ chức World Cup 2022.

Tổ chức Ân xá và các nhóm nhân quyền khác đã kêu gọi FIFA bồi thường cho những người lao động nhập cư ở Qatar vì những vi phạm nhân quyền bằng cách dành ra 440 triệu Mỹ kim, tương đương với số tiền thưởng World Cup.

FIFA cho biết họ đang đánh giá đề xuất của Tổ chức Ân xá và thực hiện “quy trình thẩm định chưa từng có liên quan đến việc bảo vệ những người lao động có liên quan”.

Nghị viện EU tháng trước đã thông qua một Nghị quyết kêu gọi FIFA giúp bồi thường cho gia đình của những người lao động nhập cư đã thiệt mạng, cũng như những người lao động bị lạm dụng nhân quyền trong quá trình chuẩn bị cho World Cup.


Chiến Thắng “Lịch Sử” của Ma Rốc: Lần Đầu Tiên Lọt Vào Tứ Kết World Cup

- Hôm 6/12/2022, là một ngày lịch sử với dân hâm mộ bóng Ma Rốc. Từ thánh địa của túc cầu Ma Rốc ở Casablanca đến thủ đô Rabat, khắp nơi người hâm mộ đổ ra đường ăn mừng, sau khi đội tuyển quốc gia vượt qua Tây Ban Nha lọt vào vòng Tứ kết.
Chiến thắng của đội tuyển túc cầu Bắc Phi được chào mừng tại Syria, tại Ả Rập Saudi, tại dải Gaza. Ở Paris, hàng trăm người hâm mộ ăn mừng chiến thắng trên đại lộ Champs-Elysée. Trả lời đài beIN Sports, huấn luyện viên Walid Regragui hân hoan: Đây là “một ngày lịch sử với Ma Rốc, một ngày lịch sử với Phi Châu”. Các vòng Tứ kết Giải Vô địch Túc cầu Thế giới (World Cup) thường là nơi đối đầu giữa các đội tuyển Âu Châu và Nam Mỹ: Ma Rốc đã phá bỏ thông lệ này.

Trả lời thông tấn xã AFP trước trận đấu này, cựu hậu vệ Cafu Ba Tây – người được Pele xếp vào danh sách 125 danh thủ thế giới còn sống – vui mừng vì giải Qatar lần này là một cơ hội tuyệt vời để “phá vỡ sự thống trị của túc cầu Âu Châu”. Niềm vui của Cafu có thể tăng lên một bậc với việc Ma Rốc lọt vào Tứ kết.

Ma Rốc, đội tuyển thường được mệnh danh là “Những con sư tử atlas”, là đội duy nhất của Phi Châu và Ả Rập còn trụ lại trong giải vô địch túc cầu thế giới tại Qatar. Chưa bao giờ đội Ma Rốc lại vào sâu như vậy trong một giải túc cầu thế giới. Kết quả tốt nhất của Ma Rốc trước thành công vang dội này là cách đây gần 40 năm, khi lọt vào vòng 1/8.

Thủ môn Ma Rốc, Yassine Bounou, đã đóng góp quyết định vào thành công của đội nhà, khi chặn được 2 trái bóng của đối phương, trong loạt đá phạt đền luân lưu, sau khi 2 đội hòa nhau với tỉ số 0-0 trong cả 2 hiệp chính và 2 hiệp phụ.

Maron sẽ gặp Bồ Đào Nha trong trận Tứ kết. Trận cầu ngày 10/12 hứa hẹn dữ dội. Bồ Đào Nha đang trong giai đoạn phong độ. Hôm 6/12, đội tuyển với tiền đạo Cristiano Ronaldo ra trận vào những phút cuối, đã đè bẹp đội Thụy Sĩ với tỉ số 6 – 1.


Cập Nhật Lịch Thi Đấu Tứ Kết World Cup 2022



(Hình: Huấn luyện viên đổi tuyển Morocco Walid Regragui được các cầu thủ tung hứng, sau khi Morocco thắng Tây Ban Nha để tiến sâu vào vòng trong tại sân vận động Education City Stadium ở Al Rayyan, Qatar, ngày 6/12/2022.)

Vòng tứ kết Giải Vô địch Túc cầu Thế giới (World Cup) 2022 sẽ bắt đầu trận đấu đầu tiên vào ngày 9/12/2022 tại Qatar. Dưới đây là các đội đã lọt vào vòng 8 đội cuối cùng.

Á Căn Ðình

Á Căn Ðình đã đánh bại Úc Ðại Lợi với chiến thắng 2-1 và lọt vào tứ kết, nơi họ sẽ đối đầu với Hòa Lan vào thứ Sáu (9/12).
Đội trưởng Lionel Messi, người tuyên bố có ý định từ giã đội tuyển quốc gia sau giải đấu này, đã ghi bàn thắng đầu tiên ở vòng loại trực tiếp World Cup trong trận thi đấu lần thứ 1.000 của anh để đánh bại kỷ lục 8 bàn thắng tại World Cup của Diego Maradona.

Đội La Seleccion đã vô địch World Cup vào năm 1978 và 1986, đồng thời lọt vào chung kết 3 lần, gần đây nhất là vào năm 2014 khi thua Đức.

Á Căn Ðình-Ả Rập Saudi 1-2
Á Căn Ðình-Mễ Tây Cơ 2-0
Á Căn Ðình-Ba Lan 2-0

Vòng 16 đội:

Á Căn Ðình-Úc Ðại Lợi 2-1

Ba Tây

Ba Tây tiến vào vòng tứ kết với chiến thắng áp đảo 4-1 trước Nam Hàn, ghi tất cả các bàn thắng trong 36 phút đầu tiên. Tiếp theo, họ đối đầu với Croatia trong trận đầu tiên của vòng tứ kết vào ngày 9/12 lúc 1500 GMT.

Đội Selecao đã 5 lần vô địch World Cup và là ứng cử viên sáng giá trước giải đấu năm nay để giành danh hiệu thứ 6 kéo dài kỷ lục.
Ba Tây đã tham dự mọi kỳ World Cup kể từ năm 1930 nhưng không lọt vào chung kết kể từ lần cuối cùng giành được cúp vàng năm 2002.

Ba Tây-Serbia 2-0
Ba Tây-Thụy Sĩ 1-0
Ba Tây-Cameroon 0-1

Vòng 16 đội:

Ba Tây-Nam Hàn 4-1

Croatia

Thủ môn Dominic Livakovic đã cản phá được 3 quả phạt đền khi Croatia đánh bại Nhật Bản 3-1 trong loạt sút luân lưu, sau khi trận đấu hấp dẫn kéo dài 120 phút kết thúc với tỷ số 1-1.

Croatia sẽ đối mặt với Ba Tây vào ngày 9/12.

Đây là kỳ World Cup thứ sáu của Croatia, đội đã lọt vào chung kết năm 2018 khi thua Pháp.

Croatia-Ma Rốc 0-0
Croatia-Gia Nã Ðại 4-1
Croatia-Bỉ 0-0

Vòng 16 đội:

Croatia-Nhật Bản 1-1 (3-1 trên loạt luân lưu)

Anh

Anh đã giành được một suất vào tứ kết với chiến thắng 3-0 trước nhà vô địch Phi Châu Senegal trong một chiến thắng đậm đà khác, sau khi dễ dàng đánh bại Wales và Iran ở vòng bảng.

Đội Tam Sư sẽ gặp đương kim vô địch Pháp vào thứ Bảy (10/12).

Anh chỉ vô địch World Cup một lần vào năm 1966 và đứng thứ tư vào năm 2018.

Anh-Iran 6-2
Anh-Hoa Kỳ 0-0
Anh-Xứ Wales 3-0

Vòng 16 đội:

Anh-Senegal 3-0

Pháp

Một trong những ứng cử viên vô địch khác là Pháp. Pháp đánh bại Ba Lan 3-1 để tiến vào tứ kết.

Được dẫn dắt bởi Olivier Giroud - người đã vượt qua Thierry Henry để trở thành cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất mọi thời đại của Pháp với 52 bàn thắng - và tay ghi bàn hàng đầu giải đấu hiện tại Kylian Mbappe, đội Les Blues sẽ gặp Anh vào thứ Bảy (10/12).

Pháp đã vô địch World Cup vào năm 1998 và 2018.

Pháp-Úc Ðại Lợi 4-1
Pháp-Đan Mạch 2-1
Pháp-Tunisia 0-1

Vòng 16 đội:

Pháp-Ba Lan 3-1

Ma Rốc

Ma Rốc lần đầu tiên lọt vào tứ kết với chiến thắng 3-0 trước Tây Ban Nha trong loạt sút luân lưu và sẽ đối đầu với Bồ Đào Nha hoặc Thụy Sĩ vào thứ Bảy (19/12).
Cầu thủ sinh ra ở Tây Ban Nha Achraf Hakimi đã ghi bàn thắng quyết định cho Ma Rốc sau khi hòa 0-0 trong 120 phút.

Đây là lần thứ 6 Ma Rốc tham dự Vòng Chung kết World Cup, sau các năm 1970, 1986, 1994, 1998 và 2018. Ma Rốc từng lọt vào vòng 16 đội một lần trước đó vào năm 1986.

Ma Rốc Croatia 0-0
Ma Rốc Bỉ 2-0
Ma Rốc Gia Nã Ðại 2-1

Vòng 16 đội:

Ma Rốc Tây Ban Nha 0-0 (3-0 trên loạt luân lưu)

Hòa Lan

Hòa Lan tiến vào vòng tứ kết với chiến thắng 3-1 trước Hoa Kỳ vào thứ Bảy (3/12), và sẽ đối đầu với Á Căn Ðình của Messi vào thứ Sáu 9/12.

Đội Hòa Lan – bất bại trong 19 trận sau khi bị loại tại Euro 2020 – là á quân tại 3 kỳ World Cup vào năm 1974, 1978 và 2010.

Năm nay, Hòa Lan đánh dấu sự trở lại sân khấu toàn cầu sau khi không vượt qua được vòng loại vào năm 2018.

Hòa Lan-Senegal 2-0
Hòa Lan-Ecuador 1-1
Hòa Lan-Qatar 2-0

Vòng 16 đội:

Hòa Lan-Hoa Kỳ 3-1


Tin Quốc Tế Đó Đây

Cuộc Đua Thượng Viện Mỹ: Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Warnock, Đánh Bại Đối Thủ Cộng Hòa Tại Tiểu Bang Georgia!


(Hình: Thượng Nghị sĩ Dân chủ Raphael Warnock vẫy tay chào sau chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Atlanta, Georgia, Hoa Kỳ, ngày 6/12/2022.)

- Thượng Nghị sĩ Đảng Dân chủ Raphael Warnock vừa tái đắc cử vào Thượng viện Hoa Kỳ, củng cố thế đa số mong manh của đảng Dân chủ khi ông đánh bại cựu ngôi sao bóng bầu dục của đảng Cộng hòa Herschel Walker trong cuộc bỏ phiếu chung quyết gay go ở tiểu bang Georgia hôm thứ Ba (6/12/2022).

Chiến thắng được dự đoán của ông Warnock rất sít sao. Với 99% số phiếu ước tính được kiểm, ông đạt được 50,8% số phiếu còn ông Walker được 49,2%, theo Edison Research.

Kết quả này khẳng định Georgia là tiểu bang chiến địa chắc chắn sẽ đóng vai trò then chốt trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024. Đảng Dân chủ hiện đã giành chiến thắng trong ba cuộc đua vào Thượng viện trong hai năm qua tại thành trì cũ của Đảng Cộng hòa, và Tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden đã giành chiến thắng tại tiểu bang này vào năm 2020.

Thất bại của ông Walker đặt ra thêm một trở ngại cho ông Donald Trump khi ông tìm kiếm đề cử của Đảng Cộng hòa để tái tranh cử vào Tòa Bạch Ốc vào năm 2024. Cựu Tổng thống ủng hộ cho ông Walker và hàng chục đảng viên Cộng hòa nổi tiếng khác trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay, nhưng kết quả ông nhận được không mấy thành công trong các cuộc tranh cử cạnh tranh nhất của mình.

Chiến thắng của ông Warnock là nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ ở các quận hạt nội thành và ngoại ô, bao gồm cả Quận Fulton của Atlanta, nơi ông nhận được 77% phiếu bầu, một tỷ lệ cao hơn so với tỷ lệ mà ông nhận được hồi tháng 11.

Các đảng viên Đảng Dân chủ hiện đang đi đúng hướng trong mục tiêu chiếm đa số 51 ghế trong Thượng viện 100 ghế, điều này sẽ giúp việc phê chuẩn các đề cử của ông Biden cho các chức vụ Tư pháp và hành chính được dễ dàng hơn.

Nhiều đạo luật vẫn sẽ cần sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, với một phiếu bầu bổ sung, các đảng viên Dân chủ giờ đây có thể không cần đến sự hợp tác của các Thượng Nghị sĩ trung dung Joe Manchin và Kyrsten Sinema, những người thường xuyên mâu thuẫn với đảng của họ khi đảng Dân chủ cố gắng thúc đẩy chương trình nghị sự Lập pháp đầy tham vọng của ông Biden trong 2 năm qua.

Tuy nhiên, họ sẽ phải đối mặt với một rào cản ghê gớm hơn tại Hạ viện Hoa Kỳ, sau khi đảng Cộng hòa giành được đa số sít sao vào ngày 8/11.

Ông Warnock là mục sư người da màu của nhà thờ lịch sử Atlanta, nơi nhà lãnh đạo dân quyền bị ám sát, Mục sư Martin Luther King Jr, từng lãnh đạo. Đây là chiến thắng chung cuộc thứ hai của ông trong hai năm, sau khi ông giành được ghế ở Thượng viện vào tháng 1 năm 2021.


Elon Musk Mất Danh Hiệu ‘Người Giàu Nhất Thế Giới!’ Chỉ Trong Chốc Lát!


(Hình: Chủ sở hữu Twitter và cũng là chủ của hãng Tesla, tỉ phú Elon Musk.)

- Hôm 7/12/2022, chủ sở hữu Twitter và cũng là chủ của hãng Tesla, tỉ phú Elon Musk, mất danh hiệu người giàu nhất thế giới trong chốc lát, theo Forbes, sau khi giá trị cổ phần của ông trong công ty sản xuất xe hơi điện giảm mạnh và sau khi ông rót 44 tỉ Mỹ kim mua lại công ty truyền thông xã hội Twitter.

Ông Bernard Arnault, Tổng Giám đốc của LVMH, công ty mẹ của thương hiệu xa xỉ Louis Vuitton, và gia đình ông đã giành danh hiệu người giàu nhất thế giới trong một thời gian ngắn và sau đó đã trở lại vị trí thứ nhì với khối tài sản cá nhân trị giá 185,3 tỉ Mỹ kim, theo Forbes.

Ông Musk, người giữ vị trí hàng đầu trong danh sách của Forbes kể từ tháng 9 năm 2021, có tài sản ròng trị giá 185,7 tỉ Mỹ kim. Ông Musk đã soán ngôi của người sáng lập Amazon.com là tỉ phú Jeff Bezos.

Cổ phiếu Tesla, đã mất hơn 47% giá trị kể từ khi ông Musk đưa ra đề nghị mua lại Twitter vào đầu năm nay, đã giảm 2,7%.

Giá trị tài sản ròng của ông Musk sụt xuống dưới mức 200 tỉ Mỹ kim trước đó vào ngày 8 tháng 11 khi các nhà đầu tư bán phá giá cổ phiếu của Tesla vì lo ngại Tổng Giám đốc điều hành hàng đầu và cổ đông lớn nhất của nhà sản xuất xe điện giá trị nhất thế giới đang bận tâm hơn đến Twitter.

Tesla đã mất gần một nửa giá trị thị trường, và giá trị tài sản ròng của ông Musk đã giảm khoảng 70 tỉ Mỹ kim kể từ khi ông mua Twitter vào tháng Tư. Ông Musk đã chốt thỏa thuận mua Twitter vào tháng Mười.

Bên cạnh Tesla, ông Musk còn đứng đầu công ty rốc-két SpaceX và Neuralink, một công ty khởi nghiệp đang phát triển giao diện kết nối giữa não người với máy tính.


COP15: Liên Hiệp Quốc Lên Án “Tăng Trưởng Không Kiểm Soát” Hủy Diệt Sinh Giới

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay hôm 7/12/2022, Hội nghị Đa dạng Sinh học của Liên Hiệp Quốc (COP15) khai mạc tại Montreal (Gia Nã Ðại).

Hội nghị có mục tiêu đạt thỏa thuận bảo vệ sinh giới đầu tiên có quy mô toàn cầu. Trước thềm hội nghị, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cảnh báo: nhân loại đang trở thành một thế lực gây tuyệt chủng hàng loạt giống loài, với “tham vọng không giới hạn đối với tăng trưởng kinh tế không kiểm soát và bất bình đẳng”.

Theo thông tấn xã AFP, Hội nghị Đa dạng Sinh học lần thứ 15 của Liên Hiệp Quốc (COP15), dự kiến kéo dài 12 ngày, có sự tham gia của đại diện hơn 190 quốc gia. Hội nghị mở ra trong bối cảnh môi trường sinh thái trên Trái đất trong tình trạng lâm nguy, với khoảng 1 triệu giống loài có nguy cơ tuyệt chủng, một phần ba diện tích đất toàn cầu bị suy thoái nghiêm trọng, ô nhiễm đủ loại và nhiệt độ Trái đất gia tăng đang gây tổn hại ghê gớm cho các đại dương.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc rung chuông báo động: COP15 là một cơ may cho nhân loại để “chặn đứng đà hủy diệt kinh hoàng” này. Lãnh đạo Liên Hiệp Quốc đưa ra con số thiệt hại ước tính 3.000 tỉ Mỹ kim/năm từ đây đến 2030 do sự suy thoái của các hệ sinh thái. Thỏa thuận dự kiến, có hiệu lực từ 2030, bao gồm khoảng 20 mục tiêu. Một trong các kỳ vọng lớn với COP15 này là cộng đồng quốc tế nhất trí bảo vệ 30% diện tích biển và đất liền. Bên cạnh đó là nhiều mục tiêu khác, như khôi phục môi trường thiên nhiên, xác lập các quy định đánh bắt cá và nông nghiệp bền vững….

Tuy nhiên, theo thông tấn xã AFP, các thương lượng đã không có nhiều tiến triển từ ba năm nay. Nhiều quốc gia đến Montreal với những yêu cầu khắt khe liên quan đến chống phá rừng, giảm thuốc trừ sâu, hạn chế phân bón hóa học. Các thảo luận hứa hẹn sẽ khó khăn, trong bối cảnh dường như có rất ít tiến triển trong các phiên trù bị diễn ra từ ngày 3 đến ngày 5/12. Các nhà đàm phán mới chỉ thống nhất được 5 mục tiêu.

Một trong các đòi hỏi chính của các nước nghèo là tài trợ từ phía các nước phát triển. Một liên minh các nước phía Nam yêu cầu ít nhất 100 tỉ đô/năm cho đa dạng sinh học, tương đương với khoản tiền cho khí hậu, và nâng dần lên khoảng 700 tỉ Mỹ kim/năm từ đây đến 2030.

Thị trưởng Montreal, thành phố chủ nhà COP15, nhắc lại rằng thỏa thuận quốc tế có thể tác động rất lớn, có thể khiến mọi thứ thay đổi. Năm 1985, cũng tại Montreal, cộng đồng quốc tế đã đạt được Hiệp ước bảo vệ tầng ozone. Việc thực thi Hiệp ước này đã khiến tình hình tầng ozone được cải thiện rõ rệt.


Nga Họp Về “An Ninh Nội Địa” Sau Các Vụ Tấn Công Bằng Drone

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay sau hai cuộc tấn công bằng drone nhắm vào các căn cứ Không quân nằm sâu trong lãnh thổ, hôm 6/12/2022, Tổng thống Nga đã triệu tập phiên họp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia. Mạc Tư Khoa cáo buộc Ukraine là thủ phạm. Tối 6/12, chính quyền Mỹ khẳng định “không khuyến khích” các cuộc tấn công drone của Ukraine trên đất Nga.

Hãng tin Pháp AFP dẫn lại thông báo của ông Dmitri Peskov, phát ngôn viên phủ Tổng thống Nga, theo đó chủ đề chính của cuộc họp hôm qua là về “an ninh nội địa”. Trả lời báo giới hôm qua, phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh cho biết chính quyền Nga đã “đưa ra các quyết định cần thiết”, nhưng không rõ là quyết định cụ thể nào. Trả lời đài Pháp BFMTV tối 6/12, phát ngôn viên Tòa Ðại sứ Nga tại Pháp, Alexander Makogonov, thừa nhận các cuộc tấn công này cho thấy “có những điểm dễ tổn thương cần được bảo vệ tốt hơn”, và khẳng định Mạc Tư Khoa sẽ chuẩn bị để ngăn chặn các cuộc tấn công tương tự.

Về phía Hoa Kỳ, trả lời báo giới, lãnh đạo ngoại giao Antony Blinken cùng lúc nhấn mạnh không cổ vũ và hỗ trợ quân đội Ukraine tấn công vào các mục tiêu trong lãnh thổ Nga, nhưng khẳng định sẽ hậu thuẫn mạnh mẽ để Ukraine có đủ vũ khí phòng thủ chống xâm lược Nga. Trong cuộc họp báo cùng Ngoại trưởng Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh là Hoa Kỳ không ngăn cản Ukraine tự chế tạo phi đạn tầm xa, cũng như các phương tiện quân sự khác. Tuyên bố nói trên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Joe Biden trước đó, đã khẳng định Mỹ không khuyến khích Ukraine trang bị phi đạn tầm xa, vì lo ngại chiến tranh leo thang, có thể đặt Hoa Kỳ trong thế đối đầu trực tiếp với Nga.

Về phía Luân Đôn, Bộ trưởng Quốc phòng Anh hôm 6/12 nhận định, nếu Kyiv có thể đánh sâu vào lãnh thổ Nga như vậy thì Mạc Tư Khoa cần xem đây là “thất bại chiến lược đáng kể nhất trong việc bảo vệ các lực lượng của mình, kể từ đầu cuộc xâm lăng Ukraine đến nay”. Phi trường Engels vừa bị tấn công hôm 5/12 nằm cách biên giới với Ukraine đến 500 cây số. Cho đến nay, Kyiv không khẳng định là tác giả của ba vụ tấn công bằng drone. Cố vấn của Tổng thống Zelensky, ông Mykhaylo Podolyak, chỉ nhận định Nga sẽ phải gánh chịu các hậu quả như vậy, nếu tiếp tục tấn công lãnh thổ ngoại quốc.

Hôm 6/12, Tổng thống Volodymyr Zelensky đến thăm các đơn vị Ukraine đang chiến đấu tại thị xã Sloviansk, cách thị trấn Bakhmut, tỉnh Donetsk, khoảng 45 cây số. Bakhmut được coi là chiến trường dữ dội nhất hiện tại ở Ukraine, nơi quân Nga liên tục tấn công từ nhiều tháng nay. Thông tấn xã AFP ghi nhận Tổng thống Zelensky thường xuyên đến thăm các đơn vị quân đội trên chiến trường trong những tháng qua trái ngược với Tổng thống Nga.


Nga Cạn Kiệt Kho Vũ Khí, Sử Dụng Linh Kiện Cấm Vận?

- Ngày 7/12/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay Nga có khả năng là vẫn nhập cảng được thêm linh kiện, cấu kiện giúp cho việc sản xuất các vũ khí sử dụng tại Ukraine, bất chấp trừng phạt của phương Tây.

Trên đây là nhận định của tổ chức quốc tế điều tra về việc buôn bán bất hợp pháp vũ khí (Conflict Armament Research -CAR), đưa ra trong một báo cáo công bố hôm 5/12.

Các chuyên gia của CAR, được xem là tổ chức quốc tế duy nhất hoạt động trong lĩnh vực này, đã tới Ukraine, để xem xét phần còn lại của một số phi đạn Kh-101 không-đối-địa - được phát giác sau vụ quân Nga bắn khoảng 70 phi đạn xuống thủ đô Kyiv ngày 23/11/2022. Ít nhất một trong các phi đạn, được lắp ráp bằng các linh kiện bị cấm vận, đã được sản xuất sau khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt. Điều này để ngỏ khả năng Nga có thể mua được linh kiện trong bối cảnh bị cấm vận.

Trả lời RFI, ông Damien Spleeters, phụ trách cuộc điều tra của tổ chức Conflict Armament Research, nêu ra một số giả thiết, đồng thời nhấn mạnh đến việc các biện pháp trừng phạt cần được điều chỉnh để có hiệu lực hơn:
“Có ba khả năng. Khả năng thứ nhất là Nga có thể tích trữ đủ trước khi tiến hành cuộc xâm lăng, khởi đầu từ tháng 2/2022. Điều này có thể khẳng định một phần khi chúng ta xem xét nhiều hệ thống vũ khí Nga sử dụng tại chiến trường Ukraine, phần lớn được sản xuất từ năm 2014 đến 2021. Khả năng thứ hai là các trừng phạt hiện nay không thích hợp để ngăn chặn các mạng lưới cung ứng gián tiếp các vật tư, cấu kiện vũ khí cho Nga. Khả năng thứ ba là nước Nga đã có thể phát triển một mạng lưới cung ứng hàng hóa riêng, để lách các trừng phạt.

Chúng tôi thấy là có thể đã có nhiều loại linh kiện, cấu kiện được Nga sử dụng để chế tạo vũ khí sử dụng cho chiến tranh tại Ukraine không được kiểm soát. Trên thực tế, khó kiểm soát chuyện này. Chính vì vậy, mục tiêu của chúng tôi là xác định lộ trình di chuyển của các cấu kiện này, để biết xem làm thế nào Nga có được chúng. Tôi cho rằng điều này rất quan trọng, để giúp trừng phạt thích ứng được với thực địa. Những người soạn thảo các biện pháp trừng phạt có thể sử dụng thông tin của chúng tôi, để khiến trừng phạt có hiệu lực thực sự”.

Theo báo Mạc Tư Khoa Times, kể từ đầu cuộc xâm lăng, Nga đã dùng hàng ngàn phi đạn liên lục địa tầm xa, cũng như phi đạn-đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, tấn công Ukraine. Hôm 23/11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố: Các trừng phạt về thương mại sẽ làm chậm khả năng sản xuất vũ khí điều hướng chính xác cao của Nga. Kết quả cuộc điều tra sơ bộ nói trên của CAR phần nào gây nghi ngờ về hiệu lực của các trừng phạt.

Tuy nhiên, Mạc Tư Khoa Times cũng dẫn lại nhận định của nhật báo Hoa Kỳ New York Times, theo đó, nhìn chung quân đội các nước thường sử dụng các vũ khí cũ hơn trước khi dùng đến các loại vũ khí mới hơn. Việc Nga phải dùng đến các vũ khí vừa mới sản xuất có thể cho thấy vũ khí dự trữ đã cạn kiệt. Truyền thông Nga đưa tin công nhân nhiều nhà máy vũ khí được lệnh làm thêm giờ để gia tăng sản xuất.


Đức Chuyển Phi Đạn Phòng Không Patriot Cho Ba Lan

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay hôm 6/12/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak cho biết Warsaw sẽ tiếp nhận phi đạn phòng không Patriot của Đức sau khi đã từng kêu gọi Bá Linh chuyển vũ khí này cho Ukraine.

Bộ trưởng Mariusz Blaszczak viết trên Twitter rằng “sau khi thảo luận với đồng nhiệm Đức”, ông đã rất thất vọng khi biết tin Đức quyết định từ chối hỗ trợ Ukraine.

Ông cho biết: “Khai triển phi đạn Patriot ở phía tây Ukraine, đáng lẽ ra có thể tăng cường an ninh cho cả Ba Lan và Ukraine. Giờ đây, chúng tôi thực hiện thỏa thuận khai triển các bệ phóng Patriot trên lãnh thổ Ba Lan”.

Theo thông tấn xã AFP, các chi tiết cụ thể như địa điểm khai triển và cơ sở hạ tầng cần thiết hiện đang được thảo luận ở cấp độ kỹ thuật. Một đội trinh sát sẽ được cử đến Ba Lan.
Cũng hôm qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông báo đã quyết định bán cho Ba Lan thêm 116 chiến xa Abrams cùng với các vũ khí hạng nặng khác với tổng trị giá 3,75 tỉ Mỹ kim.

Ngoài ra, theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và Bộ trưởng Quốc phòng Blaszczak hôm qua, đã nhận xe tăng và lựu pháo từ Nam Hàn và ca ngợi Hán Thành thực hiện nhanh chóng thỏa thuận được ký kết vào mùa Hè.

Hai lãnh đạo Ba Lan đã có mặt tại cảng Gdynia của Hải quân Ba Lan, trên bờ biển Baltic, để nhận 10 xe tăng Black Panther K2 cùng với 24 khẩu pháo Thunder K9, một loại pháo tầm xa, trong khuôn khổ thỏa thuận trị giá 5,8 tỉ Mỹ kim ký kết với Hán Thành.


Nam Hàn Có Thể Gọi Bắc Hàn Là “Kẻ Địch” Trong Sách Trắng Quốc Phòng 2022

- Ngày 7/12/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay theo một số nguồn thạo tin trong chính phủ Nam Hàn, chính quyền và quân đội Cộng sản Bắc Hàn đã được nhắc tới như là “kẻ địch” trong bản thảo quyển Sách Trắng quốc phòng 2022 dự kiến phát hành vào tháng 1/2023.

Thông tín viên Trần Công của Đài RFI tường trình từ thủ đô Hán Thành của Nam Hàn:
“Nam Hàn đã từng gọi chính quyền Bắc Hàn là “kẻ địch chính” từ năm 1995 đến năm 2000 do việc Bình Nhưỡng dã dọa nhấn chìm Hán Thành trong biển lửa vào năm 1994.

Sau đó cụm từ này được chuyển thành “mối đe dọa quân sự trực tiếp và nghiêm trọng” vào những năm 2004 và được dùng trở lại vào năm 2011 sau vụ tuần dương hạm Cheonan bị ngư lôi của Bình Nhưỡng đánh chìm.

Cụm từ “Bắc Hàn là kẻ địch” sau đó đã không còn xuất hiện trong sách trắng quân sự dưới thời Tổng thống Moon Jae In.
Thông tin về việc xem Bắc Hàn là “kẻ địch” xuất hiện trở lại, sau hàng loạt vụ khiêu khích quân sự cũng như bắn phi đạn xuyên lục địa của chính quyền Bình Nhưỡng.

Theo thông báo từ bộ Tổng tham mưu Quân đội Nam Hàn, Bình Nhưỡng mới đây đã bắn tổng cộng 130 quả đạn pháo vào ngày 5/12 và 100 quả đạn pháo khác vào ngày 6/12 về phía vùng đệm hàng hải ở khu vực biển Nhật Bản và biển Hoàng Hải. Điều này được xem như đã vi phạm thỏa thuận quân sự ngày 19/9.

Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên, lý do mà chính quyền Bình Nhưỡng đưa ra là để đáp trả cuộc tập trận của liên minh Mỹ Hàn. Phát ngôn viên của bộ Tổng tham mưu Quân đội Bắc Hàn còn đe dọa: “Các hành động đáp trả của Bình Nhưỡng sẽ mạnh mẽ hơn nếu liên minh Mỹ Hàn tiếp tục kéo dài các hành động khiêu khích quân sự”.

Liên minh Mỹ Hàn đã tiến hành một cuộc tập trân bằng đạn thật với pháo phản lực bắn hàng loạt (MLRS) và pháo tự hành K-9 ở khu vực Cheorwon từ ngày 5-6 tháng 12. Tuy nhiên quân đội Nam Hàn thông báo rằng đây chỉ là cuộc tập trận thông thường”.


Tập Cận Bình Công Du Ả Rập Saudi, Mở Rộng Hợp Tác Dầu Lửa và Thương Mại

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Riyadh ngày 7/12/2022, để gặp các nhà lãnh đạo trong vùng. Dầu lửa được cho là chủ đề thảo luận chính giữa Trung Quốc và Ả Rập Saudi, nhà xuất cảng vàng đen lớn nhất thế giới.

Theo lịch trình công du 3 ngày, ông Tập Cận Bình làm việc với Quốc vương Salmane, hoàng thái tử Mohammed ben Salmane - nhà lãnh đạo trên thực tế của Ả Rập Saudi. Nội dung cụ thể của chương trình nghị sự không được công bố chính thức. Tuy nhiên, ông Ali Shihabi, một nhà phân tích Ả Rập Saudi thân cận với chính quyền, cho thông tấn xã AFP biết là “nhiều thỏa thuận sẽ được ký kết”.

Ngoài chủ đề chính là năng lượng, các bên có thể thảo luận về việc các tập đoàn Trung Quốc tham gia vào những dự án đại quy mô được hoàng thái tử ben Salmane ủng hộ. Ví dụ, một thành phố tương lai trị giá 500 tỉ Mỹ kim, được gọi là NEOM, sẽ khai thác kỹ thuật nhận dạng khuôn mặt và những kỹ thuật giám sát khác, được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc.

Tiếp theo, vào thứ Sáu (9/11), Chủ tịch Trung Quốc họp thượng đỉnh với 6 quốc gia của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh và một cuộc họp thượng đỉnh khác với một số nhà lãnh đạo Ả Rập trong vùng. Theo ông Nayef al Hajraf, thư ký Hội đồng, cuộc họp thượng đỉnh sẽ nhấn mạnh vai trò đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc và khối 6 nước muốn “tăng cường hợp tác” trong các lĩnh vực kinh tế, phát triển, thương mại và nhiều lĩnh vực khác.

Ông Tập Cận Bình chọn Trung Đông làm điểm đến thứ ba sau thời gian Trung Quốc đóng cửa chống dịch vào lúc tình hình năng lượng thế giới trở nên căng thẳng vì chiến tranh Ukraine. Quyết định áp giá trần đối với dầu lửa xuất cảng dầu lửa Nga (60 Mỹ kim/thùng) của nhóm G7 và Liên Hiệp Âu Châu cũng gây thêm bất trắc cho thị trường năng lượng thế giới. Trong buổi họp hôm 4/12, nhóm OPEC+ giữ nguyên quyết định giảm bớt hai triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 12.


Sợ Biểu Tình! Trung Quốc Tiếp Tục Nới Lỏng Các Biện Pháp Chống Covid-19

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 7/12/2022, chính quyền Trung Quốc tuyên bố tiếp tục nới lỏng các biện pháp y tế trong khuôn khổ chính sách “zero Covid” được áp dụng từ 3 năm qua.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết những người bị nhiễm Covid-19 mà không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ có thể tự cách ly tại nhà thay vì phải đến khu cách ly tập thể. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde của Đài RFI tường trình:
“Thêm một cuộc cách mạng nhỏ ở đất nước áp dụng chính sách zero Covid, trong vài ngày qua, Trung Quốc đã có nhiều thay đổi về vấn đề y tế, đặc biệt kể từ khi nổ ra các cuộc biểu tình chống lại chính sách phòng chống virus rất khắc nghiệt.

Những thông báo này của Quốc Vụ Viện xác nhận những gì vốn được thực hiện một cách không chính thức ở Bắc Kinh và Quảng Châu, là nơi mà trong những ngày gần đây, những người hàng xóm và bạn bè đã gọi cho chúng tôi để nói rằng họ bị viêm phổi do nhiễm virus, nhưng họ đã được yêu cầu ở nhà để chờ hồi phục.

Quy định cho phép tự cách ly tại nhà áp dụng cho những bệnh nhân không có triệu chứng hoặc bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, một biện pháp để không làm quá tải các bệnh viện vốn đang trong tình trạng căng thẳng với đợt bùng phát dịch bệnh vào mùa Đông.

Điều này chưa từng xảy ra khi từ 3 năm nay ở Trung Quốc, các trường hợp dương tính ngay lập tức bị đưa đến khu cách ly tập thể. Một cuộc cách mạng nhỏ đi kèm với việc loại bỏ các biện pháp kiểm soát Covid ở lối vào các địa điểm công cộng và phương tiện giao thông.

Các biện pháp nới lỏng diễn ra một cách nhanh chóng, quá nhanh, theo một số người - đang lo lắng về việc hết thuốc hạ sốt. Chính quyền Trung Quốc sáng nay đã trấn an rằng “mọi người đừng hoảng sợ, chúng tôi có đủ thuốc dự trữ cần thiết” và kêu gọi người dân không đến vét sạch các hiệu thuốc”.


Tin Việt Nam

Tịnh Thất Bồng Lai: Luật Sư Đại Diện Ông Thích Nhật Từ Không Được Tiếp Tục Hành Nghề


(Hình: Luật sư Trần Quốc Dũ.)

- Ông Trần Quốc Dũ, một trong các Luật sư đại diện cho Thượng tọa Thích Nhật Từ trong vụ Tịnh Thất Bồng Lai bị Đoàn Luật sư Tp. HCM tạm đình chỉ tư cách thành viên, điều này đồng nghĩa với việc ông Dũ không được tiếp tục hành nghề Luật sư.

Thông báo về việc kỷ luật Luật sư do Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Tp. HCM ký ngày 30/11/2022 và được đăng tải trên trang web hcmcbar.org vào ngày 7/12 nêu rõ, áp dụng hình thức giải quyết kỷ luật tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn Luật sư 24 tháng đối với ông Dũ “vì đã vi phạm Luật Luật sư năm 2006 được sửa đổi bổ sung năm 2012 và Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư năm 2019”.

Điều kiện để hành nghề Luật sư ở Việt Nam là cần đáp ứng đủ tiêu chuẩn hành nghề Luật sư, có chứng chỉ hành nghề Luật sư và gia nhập một đoàn Luật sư trên lãnh thổ nước này.

Theo báo Công an Tp. HCM, trước đó, ông này ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với ông Lê Thanh Nhị Nguyên, là bị hại trong vụ án hình sự hàng chục người xông vào Tịnh thất Bồng Lai để tìm Diễm My, sau đó bà Châu Vinh Hóa dùng một miếng gạch men ném vào mặt ông Nhị Nguyên gây thương tích 13%.

Tuy nhiên, sau đó, Luật sư này lại ký hợp đồng bào chữa với bà Hóa, là bị cáo trong cùng một vụ án. Theo Điều 15 của Bộ Quy tắc Luật sư năm 2019 thì Luật sư không được nhận hoặc thực hiện sự việc trong trường hợp có xung đột lợi ích, cụ thể sự việc mà khách hàng mới có quyền lợi đối lập với khách hàng hiện tại.

Bà Hóa bị tuyên án 2 năm tù về tội danh cố ý gây thương tích trong phiên tòa tháng 4/2021, trong phiên tòa tháng 12 cùng năm, bà Hóa được cho hưởng án treo và bồi thường cho ông Nhị Nguyên tổng cộng 17 triệu đồng.

TAND tỉnh Long An hồi tháng 7 năm 2022 tuyên ông Lê Thanh Nhị Nguyên mức án ba năm sáu tháng tù với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” xảy ra tại Tịnh thất Bồng lai và giữ nguyên mức án trong phiên Phúc thẩm đầu tháng 11.

Trong một đoạn video phát trực tiếp trên fanpage Luật sư Trần Quốc Dũ hôm 1/12, ông này khẳng định: “Cho dù giả sử có tước bằng cũng là chuyện bình thường, tước bằng vẫn hành nghề bình thường được, vẫn đại diện ủy quyền được, vẫn thực hiện các dịch vụ pháp lý được, chỉ là không đứng được Luật sư bảo vệ hay bào chữa trong phiên tòa được”.

Ông Dũ cũng cho rằng, công việc ông làm không thẹn với lương tâm và “nghề nghiệp làm sao có thể so sánh với việc làm người, vi phạm về đạo đức con người mới lo”.


Bắt Thêm 1 Người Tham Gia Hành Hạ Dã Man 2 Ngư Dân Trên Biển Cà Mau


(Ảnh: Nguyễn Công Toàn, Đoàn Văn Hùng, Nguyễn Văn Tỵ (ảnh nhỏ) bị bắt trước đó do hành hạ ngư dân Trung và Bình trên biển Cà Mau.)

- Hôm 7/12/2022, Công an huyện Trần Văn Thời, Cà Mau, cho truyền thông hay đã khởi tố, bắt tạm giam Sử Chí Tâm, người thứ 4 tham gia hành hạ ngư dân Trương Văn Trung trên biển, để điều tra về hành vi “Hành hạ người khác” theo điều 40 Bộ luật hình sự.

Công an xác nhận Tâm là người dùng điện thoại ghi hình Nguyễn Công Toàn, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Văn Hùng (đã bị bắt tạm giam trước đó) đánh đập hai ngư dân Trương Văn Trung và Lê Văn Bình hồi tháng 5/2022.

Tâm sau đó đã chuyển video cho Nhí (chưa xác định được nhân thân) và Nhí chuyển cho một người khác đăng đoạn video đó lên mạng xã hội khiến dư luận phẫn nộ.

Cũng theo Công an, trong lúc đánh bắt trên biển Tâm có tham gia cùng 3 ông Toàn, Tỵ và Hùng đánh đập ông Trung. Kết quả giám định cho thấy ông Trung bị thương tật 48%. Riêng nạn nhân thứ hai là Lê Văn Bình, 30 tuổi, Công an vẫn chưa thể liên lạc.

Theo điều tra của Công an, vào ngày 4/1/2022, Toàn, Tỵ, Hùng, Tâm cùng hai thuyền viên khác đi ghe BT 97993 TS (do mẹ Toàn là bà Phạm Thị Hà làm chủ) ra biển đánh bắt tại cửa sông Ông Đốc. Sau đó, một thuyền viên không làm được nên đi nhờ ghe khác vào bờ. Bà Hà đưa ngư phủ Lê Văn Bình, ra thay thế.

Đến ngày 23/5, Trung bị Toàn, Tỵ và Hùng đánh; dùng kìm bẻ răng, bấm vào môi, tay và hạ bộ gây thương tích. Một ngày sau, Toàn và Hùng đánh Bình với cách thức tương tự. Ngày 28 và 30/5, hai ông Trung và Bình đến Công an thị trấn Sông Đốc trình báo bị đánh trên ghe của bà Hà nhưng sau đó họ tự thỏa thuận với chủ ghe, không yêu cầu công an giải quyết hình sự rồi rời khỏi địa phương.

Tuy nhiên đến tối 15/11/2022 đoạn video clip bốn người trong nhóm Toàn hành hạ ông Trung và Bình được đăng lên mạng xã hội, khiến dư luận xôn xao, từ đó cơ quan chức năng mới vào cuộc điều tra.


Bình Dương Xác Nhận Gần 290 Ngàn Lao Động Trong Tỉnh Bị Tạm Hoãn Hợp Đồng, Giảm Giờ Làm


(Hình minh họa Công nhân làm việc trong nhà máy sản xuất điều hòa của Gree Vietnam ở Bình Dương.)

- Vào ngày 7/12/2022, Sở Lao động-Thương binh & Xã hội tỉnh Bình Dương chính thức xác nhận tỉnh này hiện có 6.000 lao động phải nghỉ việc hẳn, 29 ngàn lao động bị tạm hoãn hợp đồng và 250 ngàn lao động khác phải chịu giảm giờ làm.

Lý do khiến người lao động bị cho nghỉ việc, tạm hoãn hợp đồng và giảm giờ làm được Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh & Xã hội tỉnh Bình Dương, Phạm Văn Tuyên, nêu ra là bởi ảnh hưởng từ thị trường thế giới.

Thực tế được ông Tuyên cho biết hiện nhiều doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương chỉ hoạt động từ 30-50% công suất.

Tình hình người lao động bị mất việc, tạm hoãn hợp đồng hay giảm giờ làm không chỉ xảy ra tại Bình Dương. Trong thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam cũng thông báo tình trạng tương tự.

Vào đầu tháng 11 vừa qua, thành phố Sài Gòn và tỉnh An Giang cho biết có hơn 11 ngàn công nhân tại hai địa phương này bị tác động bởi thiếu đơn đặt hàng.

Truyền thông nhà nước loan tin nhiều công ty lên kế hoạch cho công nhân nghỉ dài ngày nhân dịp Tết âm lịch Quý Mão sắp đến.


C04 Nhận Định Ma Túy Trôi Dạt Ven Biển Miền Trung Nghi Do Tội Phạm Phi Tang


(Hình: Bộ đội Biên phòng và lực lượng quân sự xã Phổ Châu, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, kiểm tra các túi ni lông chứa ma túy tổng hợp trôi dạt vào bãi biển.)

- Một lượng lớn ma túy trôi dạt trên biển Việt Nam được Cục Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Ma túy (C04-Bộ Công an) xác nhận đều có chung nguồn gốc, nghi là tang vật trong một vụ án vận chuyển ma túy qua đường biển.

C04 nhận định với truyền thông nhà nước trong ngày 7/12/2022 rằng có thể vẫn còn nhiều ma túy tiếp tục trôi dạt vào vùng ven biển miền Trung.

Theo C04, trong nửa cuối tháng 11 vừa qua, lực lượng chức năng và ngư dân các tỉnh ven biển miền Trung (từ Quảng Trị đến Bình Thuận) liên tục phát giác, vớt được 58 túi nilon trôi dạt trên biển chứa tinh thể màu trắng, xác định là ma túy tổng hợp dạng đá (ketamine). Lần gần nhất hôm 5/12, ngư dân Quảng Ngãi tiếp tục vớt được gần 20kg katemine trôi vào bờ biển.
Cũng theo C04, ma túy trôi dạt vào vùng biển Việt Nam không phải lần đầu tiên, trước đây vào năm 2019, 2020 ngư dân Việt Nam đã từng vớt được số lượng lớn ma túy tương tự.

Qua kiểm tra các gói ma túy mà ngư dân ven biển miền Trung vừa phát giác trong tháng 11, C04 cho biết các gói hàng đều có khối lượng 1kg và trên các bao hàng đều có rong rêu bám vào. Do đó, C04 nhận định khả năng những gói hàng trên đã trôi dạt trên biển ít nhất một tháng và đều có chung nguồn gốc là tang vật trong một vụ án vận chuyển ma túy qua đường biển do các đối tượng ngoại quốc thực hiện.

Hiện C04 cho biết, cơ quan này đang phối hợp với các nước có vùng biển lân cận như Thái Lan, Cam Bốt, Miến Ðiện, Đài Loan và Cơ quan Phòng, chống Ma túy Bộ Tư pháp Mỹ (DEA) tiếp tục xác minh, làm rõ nguồn gốc số ma túy trên.
Bên cạnh đó, C04 đã chỉ đạo lực lượng phòng, chống ma túy các địa phương phối hợp với lực lượng biên phòng, hải quan, cảnh sát biển tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các vùng biển có ma túy trôi dạt; tuyên truyền người dân giao nộp ngay cho lực lượng chức năng khi phát giác những gói hàng tương tự trên biển, không để tội phạm lợi dụng hoặc tàng trữ, sử dụng, mua bán vi phạm pháp luật.


Lâm Đồng: Án Tù Cho Người Tàng Trữ Tiêu Bản Động Vật Quý Hiếm


(Hình: Xác những con vọc bị giết bởi những kẻ săn bắt trộm ở Quảng Ngãi hôm 18/10/2021.)

- Vào ngày 5/12/2022, Tòa án Thành phố Bảo Lộc tuyên án năm năm sáu tháng tù đối với ông Hoàng Văn Tình về hành vi “Tàng trữ trái phép các tiêu bản động cật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm”.

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) thông báo như vừa nêu vào chiều ngày 6/12 và được truyền thông nhà nước loan đi.

Cụ thể, số tiêu bản mà ông Hoàng Văn Tình sở hữu tại nhà được cho biết gồm ba đầu bò tót, một đầu gấu ngựa, một tiêu bản vượn đen má vàng, hai đầu sơn dương, một đầu mang lớn và nhiều bộ phận cơ thể động vật hoang dã khác.

ENV cho biết thêm, qua tra cứu Cơ sở dữ liệu vi phạm về động vật hoang dã, ông Hoàng Văn Tình từ năm 2019 đến khi bị bắt đã nhiều lần quảng cáo trên mạng xã hội việc bán các sản phẩm động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm như mật gấu, móng hổ, nanh hổ, móng gấu….

Các Nước G7 Đề Nghị Hỗ Trợ Việt Nam 15 Tỉ Mỹ Kim Để Bỏ Điện Than


(Hình: Nhà máy nhiệt điện than Phả Lại ở Hải Dương hôm 14/10/2022.)

- Các quốc gia công nghiệp phát triển G7 vừa đưa ra một đề nghị mới cho Việt Nam trị giá 15 tỉ Mỹ kim để chuyển đổi sử dụng năng lượng từ than sang các nguồn khác thân thiện hơn với môi trường. Hy vọng được đưa ra là Việt Nam sẽ đồng ý với đề nghị này vào thượng đỉnh giữa EU và các quốc gia Đông Nam Á vào ngày 14/12 tới tại Brussels (Bỉ). Thông tấn xã Reuters trích 3 nguồn giấu tên biết về những thảo luận giữa hai phía, cho biết như vậy.

Theo thông tấn xã Reuters, hồi tháng trước, tại Thượng đỉnh về khí hậu COP27 diễn ra tại Ai Cập, Việt Nam đáng nhẽ đã ký kết một hợp tác chuyển đổi năng lượng với các nước G7 nhưng các cuộc thảo luận cấp cao đã không thể thực hiện.

Để thuyết phục quốc gia nằm trong số 20 nước sử dụng nhiều than nhất thế giới, các nhà đàm phán dẫn đầu bởi EU và Anh đã đề nghị một gói tài trợ gồm gồm các khoản vay từ khu vực công trị giá 7,5 tỉ Mỹ kim và một giá trị tương tự từ nguồn khu vực tư.
Thông tấn xã Reuters dẫn nguồn tin từ các viên chức Phương Tây cho biết đây sẽ là đề nghị cuối mà G7 đưa cho Việt Nam trước khi diễn ra Thượng đỉnh.

Hiện cả Việt Nam và EU đều chưa đưa ra bình luận gì về thông tin này.
Hiện cũng không rõ liệu Việt Nam có chuẩn bị để đồng ý với đề nghị này hay không.

Hồi tháng trước, tại COP27, đã có thông tin về việc các nước phát triển sẽ tài trợ cho Việt Nam khoảng 14 tỉ Mỹ kim để chuyển đổi năng lượng. Tuy nhiên, một số khó khăn được đưa ra là việc thuyết phục một số lãnh đạo cấp cao của Việt Nam về thỏa thuận này. Thêm vào đó là liệu Việt Nam sẵn sàng vay bao nhiêu trong gói này thậm chí khi được vay ở mức lãi suất ưu đãi.

Theo các nguồn tin mà thông tấn xã Reuters có được, khả năng đạt được thỏa thuận này với Việt Nam hiện ở mức 50/50.

Cũng theo thông tấn xã Reuters, cuộc họp giữa Hoa Kỳ và EU với Việt Nam dự định diễn ra vào tháng trước ở Hà Nội đã bị bỏ trong khi tại Việt Nam vào lúc đó lại đang lưu hành kế hoạch dài hạn việc thúc đẩy sử dụng than nhiều hơn so với các tài liệu trước đó.

Công An Tỉnh Bình Dương Lý Giải Phí Lắp Camera Cao Khiến Công Luận Xôn Xao


(Hình: Công an giám sát tình hình an ninh trật tự qua hệ thống camera an ninh ở Bình Dương.)

- Vào ngày 7/12/2022, Đại diện Công an tỉnh Bình Dương lên tiếng giải trình về kế hoạch lắp camera giám sát an ninh, giám sát cháy, an toàn giao thông với giá “hơn một tỉ đồng/chiếc”.
Các bình luận trên Facebook cho rằng lắp 421 camera với kinh phí 469 tỉ đồng, tức hơn một tỉ đồng một chiếc, là “thổi giá”, “xung quanh có thể dát vàng 9999, kim cương”.

Một số bình luận còn nêu rõ vào khi tình hình công nhân, dân chúng còn gặp nhiều khó khăn do hậu quả dịch COVID-19, tình hình thế giới bất ổn... việc lắp đặt camera có thực sự cần thiết hay chưa!

Thượng tá Nguyễn Minh Thân, Phó phòng Tham mưu thuộc Công an tỉnh Bình Dương, nói với báo chí rằng số tiền 469 tỉ đồng không chỉ là giá mua camera mà còn gồm các hệ thống phần mềm, trung tâm điều hành, lắp đặt cao hàng chục mét....

Hiện nay Công an tỉnh Bình Dương đang lấy ý kiến các cơ quan liên quan để báo cáo trình Ủy Ban Nhân dân tỉnh ra kế hoạch thực hiện đề án “Đầu tư lắp đặt camera giám sát cháy, giám sát an ninh, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh”.


Chuyện Khó Tin Nhưng Có Thật: VinFast Đệ Đơn Xin IPO Tại Mỹ!


(Ảnh: Mẫu xe VF-8 của VinFast tại showroom ở Santa Monica, Hoa Kỳ, hôm 13/9/2022.)

- Công ty xe hơi điện VinFast của tỉ phú Phạm Nhật Vượng vừa chính thức nộp đơn xin phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại thị trường New York (Hoa Kỳ).

Nikkei Asia trích dẫn thông tin từ VinFast cho biết công ty xe hơi điện non trẻ có nguồn gốc từ Việt Nam mong muốn được đăng ký vào sàn Nasdaq với mã VFS với Citigroup, Credit Suisse và Nomura là các hãng tư vấn tham giam cho VinFast trong hồ sơ này.

Nikkei trích thông báo của VinFast cho biết cổ phiếu có thể không được bán và đề nghị mua cũng có thể không được chấp nhận trước khi thông báo đăng ký có hiệu lực. Công ty cũng không cho biết giá của các cổ phiếu sẽ là bao nhiêu mà chỉ cho biết là sẽ sớm thông báo.

Hồi tháng 5 vừa qua, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch VinGroup – công ty mẹ của VinFast, cho biết IPO của VinFast tại Mỹ dự định đưa ra vào quý tư năm nay sẽ bị hoãn lại sang đến năm 2023 do tính bất ổn của thị trường.

Hồi tháng 3 năm nay, VinFast cũng thông báo việc sẽ xây dựng nhà máy xe hơi điện tại tiểu bang North Carolina, Mỹ, với trị giá khoảng bốn tỉ Mỹ kim và tạo ra khoảng 7.000 việc làm cho người Mỹ.

Hãng xe hơi điện đầu tiên của Việt Nam bắt đầu bằng việc sản xuất xe hơi chạy xăng vào năm 2019 nhưng sau đó đã tuyên bố bỏ xe chạy xăng và chuyển sang làm xe điện với mong muốn thâm nhập vào thị trường Mỹ.

Hôm 25/11, VinFast đã làm lễ xuất cảng 999 xe hơi điện đầu tiên sang Mỹ.

Giá bán xe VinFast mẫu EV tại thị trường Mỹ hiện là 42.000 Mỹ kim cộng với tiền thuê pin. Mức giá của xe điện Tesla Model 3 khởi điểm là 40.000 Mỹ kim.


Anh Hỗ Trợ Ngân Hàng Việt Nam Quản Lý Rủi Ro Về Môi Trường và Xã Hội


(Ảnh: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.)

- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ đưa tin cho hay hôm 6/12/2022, Tòa Ðại sứ Anh, Tổ chức Carbon Trust và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã phối hợp tổ chức một hội thảo giúp các ngân hàng Việt Nam hiểu rõ hơn về các rủi ro môi trường và xã hội, đồng thời giới thiệu những thông lệ tốt nhất trong lĩnh vực này trên trường quốc tế.

Tòa Ðại sứ Anh cho biết rằng hơn 50 đại diện từ ngành ngân hàng Việt Nam đã tham dự hội thảo có tên gọi “Cho vay có trách nhiệm: Nguyên tắc cơ bản về quản lý rủi ro môi trường và xã hội cho các ngân hàng Việt Nam”, hướng tới việc cung cấp những hướng dẫn về kỹ thuật và nguồn lực để giúp các ngân hàng trong nước tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Cơ quan ngoại giao Anh nhận định rằng ngành tài chánh đóng vai trò rất quan trọng trong sự thành công của mục tiêu phát thải ròng bằng 0, như việc chuyển nguồn vốn đầu tư từ các hoạt động sử dụng nhiều các-bon sang các dự án xanh và bền vững hơn. Theo đó, ngành ngân hàng có trách nhiệm chính trong việc xanh hóa dòng vốn đầu tư cho phát triển bền vững.

Tòa Ðại sứ Anh dẫn thông tin từ Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) cho biết rằng các ngân hàng trong nước của Việt Nam là nguồn tài chánh chủ chốt cho các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió, chiếm 3,6 tỉ Mỹ kim đầu tư từ năm 2018 đến năm 2020.

Ông Ronald Bohlander, Tham tán Khí hậu, Tòa Ðại sứ Anh, nói tại hội thảo rằng “biến đổi khí hậu đang diễn ra hàng ngày” và “tại Việt Nam, chúng ta có bằng chứng rõ ràng về tác động bất lợi của biến đổi khí hậu”.

Theo Tòa Ðại sứ Anh, ông nói tiếp rằng nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0, “chúng ta phải điều chỉnh lại các hệ thống kinh tế và hệ thống tài chánh – vốn rất quan trọng với nỗ lực này” và rằng “các tổ chức tài chánh sẽ cần kết hợp thêm những vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị trong việc đưa ra quyết định để bảo đảm khả năng giám sát tốt, không chỉ đối với các khoản tiền do người gửi và nhà đầu tư ủy thác, mà còn đối với môi trường hoạt động của đơn vị mình”.

Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu được diễn ra tại Glasgow năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Phát biểu tại COP26, theo Cổng thông tin chính phủ Việt Nam, người đứng đầu chính phủ Việt Nam nói rằng “là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đang hết sức nỗ lực để vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phát triển kinh tế để vươn lên, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân, đồng thời đóng góp có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế”.

Không có nhận xét nào: