Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2022

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI :13//12/2022 - ĐHL


Nga phá huỷ tất cả các nhà máy nhiệt điện của Ukraina Bộ trưởng Năng lượng Ukraina Herman Halushchenko cho biết, Nga đã phá huỷ tất cả các nhà máy nhiệt điện của Ukraina. Thông tin với báo chí hôm 12 tháng 12, Bộ trưởng Halushchenko nói: “Tình hình với hệ thống năng lượng rất khó khăn. Tất cả các nhà máy nhiệt điện đều bị hoả tiễn của Nga phá hủy, 44 đường dây tải điện cao thế bị mất điện. Hiện tại, công việc sửa chữa đang được tiến hành, cũng như quá trình tăng dần công suất phát điện hạt nhân – nhằm giảm thâm hụt trong hệ thống năng lượng.”
<!>
Theo ông Halushchenko: các cuộc tấn công mới của Nga, cụ thể là các cuộc tấn công bằng phi cơ không người lái vào các cơ sở hạ tầng năng lượng ở vùng Odesa và các cuộc pháo kích vào cơ sở năng lượng ở vùng Kherson, không chỉ gây ra tình trạng mất điện cho hàng triệu hộ gia đình ở Ukraina, mà còn phá hủy các trang thiết bị quan trọng của hệ thống năng lượng.

Các nước phương Tây cho rằng, Nga đang sử dụng mùa đông như một vũ khí, thậm chí lợi dụng thời tiết để làm vũ khí chiến tranh chống Ukraina, gây nhiều khó khăn cho Kyiv. ‘Vũ khí mùa đông’ là một chiến thuật đã từng có hiệu quả với Nga trong quá khứ, đáng chú ý nhất là trong trận chiến ở Stalingrad trong Đệ nhị Thế chiến, nơi Liên Xô đã đánh bại Đức Quốc xã.

Trước đó, Tổng thống Zelenskyy từng nói rằng bóng tối, đói, khát không đáng sợ bằng không có tự do. Ông cũng tự tin tuyên bố cuối cùng Ukraina sẽ đẩy lùi quân Nga về bên kia biên giới, dù cái giá phải trả rất đắt.

Tổng Thư ký NATO cảnh báo về khả năng nổ ra chiến tranh với Nga


Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg hôm 10/12 cảnh báo rằng, cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine có thể lôi kéo liên minh gồm 30 thành viên này vào một 'cuộc chiến lớn'.
“Tôi lo ngại rằng cuộc chiến ở Ukraine sẽ vượt quá khỏi tầm kiểm soát và lan rộng thành một cuộc chiến lớn giữa NATO và Nga”, ông Stoltenberg nói với kênh truyền hình NRK của Na Uy trong một cuộc phỏng vấn ngày 10/12.

Ông Stoltenberg, người trước đây từng là Thủ tướng Na Uy các giai đoạn 2000 - 2001 và 2005 - 2013, cho biết: “Nếu mọi thứ đi chệch hướng, chúng có thể dẫn đến những sai lầm khủng khiếp".

Tuyên bố của người đứng đầu NATO được đưa ra chưa đầy một tuần sau khi ba căn cứ không quân của Nga - nằm sâu trong lãnh thổ Nga - bị máy bay không người lái tấn công. Vụ việc đã khiến ba quân nhân thiệt mạng, làm hư hại hai máy bay và khiến lo ngại bị Moscow trả đũa. Ukraine đã bác bỏ trách nhiệm về các vụ tấn công.

Một trong những căn cứ không quân trên được cho là sở hữu các máy bay ném bom chiến lược tầm xa có thể được trang bị để mang đầu đạn hạt nhân.

Ngày hôm sau, một sân bay quân sự gần thành phố Kursk của Nga tiếp tục trở thành mục tiêu của cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, khiến cho một tàu chở dầu bốc cháy.

Mặc dù Kyiv không nhận trách nhiệm về các vụ tấn công, nhưng sự cố này đã được các quan chức quân sự Ukraine "ca ngợi".
Các cuộc tấn công vào căn cứ không quân Nga diễn ra ngay trước chuyến thăm hai ngày tới Kyiv của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Victoria Nuland. Chuyến thăm của bà Nuland, một nhà phê bình lâu năm, đã làm dấy lên suy đoán rằng, Washington đã cho phép Kyiv tiến hành các cuộc tấn công.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã nhanh chóng bác bỏ đồn đoán này. Ông khẳng định với các phóng viên vào ngày 6/12 rằng, Washington “không cho phép cũng không khuyến khích” Ukraine tấn công các mục tiêu bên ngoài biên giới của mình.

Ông nói thêm rằng, không có bằng chứng nào cho thấy Ukraine đã thực hiện các cuộc tấn công.

Mỹ phóng thử thành công tên lửa siêu vượt âm với tốc độ gấp 5 lần âm thanh


Không quân Mỹ đã lần đầu tiên bắn thử thành công một nguyên mẫu tên lửa siêu vượt âm hoạt động đầy đủ có tên AGM-183. Được biết, quả tên lửa này phóng từ chiếc B-52H trúng mục tiêu ở tốc độ gấp 5 lần âm thanh, theo hãng tin ABC News.

Tên lửa siêu vượt âm của Mỹ được phóng thử thành công từ máy bay ném bom B-52H vào ngày 9/12 nhưng vụ phóng được công bố ngày 12/12 (theo giờ địa phương). Đây là cuộc thử nghiệm đầu tiên của một nguyên mẫu tên lửa mà Không quân Mỹ hy vọng sẽ trở thành tên lửa siêu vượt âm đầu tiên của họ.

Khác với 2 cuộc thử nghiệm trên không trước đây khi chỉ hệ thống đẩy của tên lửa đạt tốc độ siêu vượt âm, cuộc thử nghiệm mới nhất được tiến hành với một nguyên mẫu đầy đủ có đầu đạn tấn công mục tiêu sau khi đạt tốc độ siêu vượt âm.

Vũ khí siêu vượt âm được thiết kế để bay ở tầm thấp hơn so với tên lửa đạn đạo trong khi vẫn tấn công được các mục tiêu tầm xa.

Tên lửa mà Không quân Mỹ đang phát triển được gọi là AGM 183A và ARRW, viết tắt của Vũ khí Phản ứng nhanh Phóng từ trên không.

Trong thử nghiệm diễn ra vào ngày 9/12, nguyên mẫu tên lửa siêu vượt âm được phóng từ một máy bay ném bom B-52 đang bay ngoài khơi bờ biển tiểu bang California.

“Nhóm ARRW đã thiết kế và thử nghiệm thành công một tên lửa siêu vượt âm phóng từ trên không trong 5 năm”, Tư lệnh Không quân Mỹ Tướng Jason Bartolomei, giám đốc điều hành Chương trình Vũ khí, cho biết. “Tôi vô cùng tự hào về sự kiên trì và cống hiến mà đội ngũ này đã thể hiện để cung cấp năng lực quan trọng cho binh sĩ của chúng ta”.

Theo sau Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan thắt chặt kiểm soát chip xuất sang Trung Quốc

Nhật Bản và Hà Lan đã đồng ý về nguyên tắc cùng với Hoa Kỳ thắt chặt kiểm soát việc xuất khẩu máy móc sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc, một đòn có khả năng làm suy yếu thêm tham vọng công nghệ của Bắc Kinh, Bloomberg News đưa tin hôm thứ Hai.

Vào tháng 10, chính quyền Biden đã công bố một loạt biện pháp kiềm chế nhằm ngăn chặn việc xuất khẩu công nghệ sản xuất chip và một số loại chip được sản xuất thông qua thiết bị của Hoa Kỳ ở bất kỳ đâu trên thế giới sang Trung Quốc.

Báo cáo của Bloomberg cho biết, ngoài một số nhà cung cấp thiết bị của Hoa Kỳ, Tokyo Electron Ltd của Nhật Bản và chuyên gia in thạch bản Hà Lan ASML Holding NV là hai bên đóng vai trò quan trọng để thực hiện các biện pháp trừng phạt có hiệu quả.

Với động thái này, các quan chức Hà Lan và Nhật Bản về cơ bản sẽ hệ thống hóa và mở rộng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hiện có của họ để hạn chế hơn nữa khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với các công nghệ chip tiên tiến.

Hai chính phủ đang lên kế hoạch áp đặt lệnh cấm bán máy móc có khả năng chế tạo chip 14 nanomet hoặc cao cấp hơn cho Trung Quốc.

Các biện pháp này phù hợp với một số quy tắc mà Washington đặt ra vào tháng 10. Công nghệ 14nm chậm hơn ít nhất ba thế hệ so với những tiến bộ mới nhất hiện có trên thị trường, nhưng nó đã là công nghệ tốt thứ hai mà nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc là Semiconductor Manufacturing International Corp sở hữu.

Theo báo cáo, các hạn chế mới có thể được công bố trong vài tuần tới.

Liên minh ba quốc gia được cho là sẽ tạo ra sự phong tỏa gần như hoàn toàn đối với khả năng của Trung Quốc trong việc mua thiết bị cần thiết để tạo ra những con chip hàng đầu.

“Không đời nào Trung Quốc có thể tự mình xây dựng một ngành công nghiệp mũi nhọn. Không có cơ hội nào,” nhà phân tích Stacy Rasgon của Sanford C. Bernstein cho biết.

Hôm thứ Hai, Trung Quốc đã đệ đơn tranh chấp về các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Bộ Thương mại nước này cho biết trong một tuyên bố.

Bộ này cho biết: “Trung Quốc thực hiện các hành động pháp lý trong khuôn khổ WTO như một cách cần thiết để giải quyết các mối quan ngại của chúng tôi và bảo vệ lợi ích hợp pháp của chúng tôi”. Bộ nói thêm rằng Hoa Kỳ kiềm chế “đe dọa sự ổn định của chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu”.

Khi được hỏi tại một cuộc họp báo hôm thứ Hai ở Washington về một thỏa thuận tiềm năng với Nhật Bản và Hà Lan, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan cho biết: “Tôi sẽ không nói gì trước bất kỳ thông báo [chính thức] nào.”

Ông nói: “Chúng tôi rất hài lòng với sự thẳng thắn, nội dung và cường độ của các cuộc thảo luận đang diễn ra tại nhiều quốc gia có chung mối quan tâm với chúng tôi”. “Sự liên kết là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Chúng tôi đang làm việc hướng tới điều đó.”

Hàn Quốc chi 146 triệu USD phát triển tên lửa dẫn đường không đối đất


Hàn Quốc hôm nay 12/12 bắt đầu bắt tay vào một dự án trị giá 190 tỷ won (146 triệu USD) để phát triển trong nước một tên lửa dẫn đường không đối đất tầm xa đến năm 2028.

Thông tin trên được hãng tin Yonhap dẫn nguồn tin của Cơ quan Quản lý chương trình mua sắm quốc phòng Hàn Quốc cho biết.

Nguồn tin trên cho hay, đây sẽ là loại tên lửa phóng trên không đầu tiên do Hàn Quốc phát triển. Tên lửa này được trang bị cho máy bay KF-21 cũng do Hàn Quốc chế tạo.

Đức vùng vẫy thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga và Trung Quốc


Khi mà mô hình kinh doanh của cả đất nước đã đổ vỡ, Đức đang nỗ lực tìm hướng đi mới và chấm dứt sự phụ thuộc một chiều vào Trung Quốc và Nga. Đây là sự phụ thuộc đã có từ lâu của nước Đức, thể hiện sự dựa dẫm một cách nguy hiểm của các chính quyền tiền nhiệm vào các quốc gia đối địch.
Tháng trước, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thừa nhận một điều mà mọi người Đức đều biết nhưng ngại không dám nói ra: mô hình kinh doanh của đất nước này đã đổ vỡ.

Mô hình kinh doanh quốc gia chiến lược của Đức, dựa trên toàn cầu hóa và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước, đang tạo ra phản tác dụng. Mô hình đó giống với việc bỏ tất cả trứng vào một giỏ. Trong trường hợp này là hai giỏ: Nga và Trung Quốc. Đức phụ thuộc vào Nga để đáp ứng hầu hết nhu cầu năng lượng và phụ thuộc vào Trung Quốc như là đối tác đối với hầu hết nền kinh tế định hướng xuất khẩu của mình.

Ông Scholz cho biết “sự phụ thuộc một chiều” của Đức vào Trung Quốc và Nga phải chấm dứt.

Thủ tướng đang thay đổi một chính sách lâu đời của Đức. Quốc gia này đang cam kết dành 2% GDP cho quốc phòng và củng cố hệ thống phòng thủ phía đông của NATO, đẩy nhanh việc tách rời năng lượng của Nga, xây dựng thêm các điểm tiếp nhận khí tự nhiên lỏng (LNG) và cam kết trở thành một quốc gia hạt nhân.

Tuy nhiên, ông Scholz không thể tránh được trách nhiệm đối với hoàn cảnh khó khăn hiện tại của Đức. Trong nhiều năm, ông giữ chức Bộ trưởng tài chính và Phó thủ tướng trong chính phủ của cựu thủ tướng Angela Merkel.

Vào đầu tháng 12, các phương tiện truyền thông địa phương của Đức đã công bố các đoạn trích của một tài liệu chiến lược bị rò rỉ của Bộ Kinh tế Đức dự đoán căng thẳng gia tăng giữa Đức và Trung Quốc, và rằng Trung Quốc sẽ tiến tới sáp nhập Đài Loan muộn nhất là vào năm 2027. Nếu điều này trở thành hiện thực, nó sẽ gần như mở đường cho những tổn thất kinh tế nhiều hơn nữa cho Đức.

Tài liệu nói thêm rằng trong khi Trung Quốc đã nỗ lực trong nhiều năm để giảm bớt sự phụ thuộc vào nước ngoài, thì Đức và Châu Âu đã tiếp tay ủng hộ cho đối thủ Trung Quốc và đã tăng mạnh sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc.

Nhưng đối với việc thay đổi hướng đi thì nói là dễ hơn làm.

Dựa dẫm vào Nga và Trung Quốc
Đức là một quốc gia công nghiệp tiên tiến. Nguồn năng lượng của nó không được đa dạng lắm. Nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ và khí đốt chiếm 60% nguồn năng lượng của Đức và Nga là nhà cung cấp lớn nhất của cả hai mặt hàng này.

“Đức đã nhập khẩu khí đốt, dầu và than trị giá khoảng 1,8 tỷ EUR (khoảng 2 tỷ USD) mỗi tháng của Nga, qua đó giúp tài trợ cho cuộc chiến của ông Vladimir Putin ở Ukraine”, The Economist khẳng định vào tháng 04/2022.
Giờ đây, quốc gia này đang ráo riết xây dựng các điểm tiếp nhận LNG mới để bổ sung cho nhu cầu năng lượng của mình. LNG được vận chuyển bằng tàu và Mỹ là nước xuất khẩu lớn. Vào cuối tháng 9, chính phủ của ông Scholz đã công bố chương trình “lá chắn phòng thủ” trị giá 200 tỷ EUR (209 tỷ USD) để hạn chế giá khí đốt cho người tiêu dùng và doanh nghiệp cũng như trợ cấp cho các công ty nhập khẩu năng lượng.

Về mặt thương mại, các chính trị gia Đức vào tháng trước đã thực hiện các chuyến công du khắp châu Á, đánh giá lại các mối quan hệ hiện có và củng cố các mối quan hệ mới.

Một số lãnh đạo trong ngành công nghiệp của Đức đã tham gia, bao gồm cả lãnh đạo của những gã khổng lồ công nghiệp BASF và Siemens, cũng như gã khổng lồ tài chính Deutsche Bank.

Các chính phủ trước đây của Đức đã dựa dẫm vào Trung Quốc, một quốc gia đang ngày càng trở nên thù địch với phương Tây và các đồng minh. Chính sách đó được xây dựng nên gần như hoàn toàn vì lợi ích của các doanh nghiệp Đức, vốn phụ thuộc vào nhu cầu của Trung Quốc và đã đầu tư rất nhiều vào sản xuất của Trung Quốc.

Đức phải chuẩn bị cho một thế giới mà Trung Quốc ngày càng trở nên bị cô lập và bị cắt đứt với phần còn lại của thế giới.

Không quốc gia nào có thể thay thế Trung Quốc đối với nhu cầu về hàng xuất khẩu của Đức bao gồm máy móc công nghiệp, thiết bị kỹ thuật và ô tô. Nhưng nước Đức phải bắt đầu từ đâu đó.

Nỗ lực tách rời Trung Quốc
Ông Volker Treier, người đứng đầu bộ phận ngoại thương của DIHK ở Berlin, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào tháng 11: “Chắc chắn từ bỏ Trung Quốc hoàn toàn không phải là một lựa chọn".

“Các doanh nghiệp Đức đang cố gắng đa dạng hóa và đề phòng khả năng xuất hiện suy giảm mạnh hơn nữa trong quan hệ thương mại với Trung Quốc”.

Các doanh nghiệp Đức phải được khuyến khích đa dạng hóa khỏi Trung Quốc. Điều này sẽ tốn tiền và sẽ làm tổn hại đến lợi nhuận của các công ty, ít nhất là tạm thời. Và nó cần có sự cam kết từ cộng đồng doanh nghiệp, các chính trị gia Đức và các đồng minh từ Liên minh châu Âu.

Cho đến nay, sức hút của xu hướng này còn hạn chế. Trong khi Đức vào tháng trước đã ngăn chặn việc Trung Quốc mua lại một nhà máy sản xuất chip trong nước, thì vào đầu tháng 12, nước này đã từ chối tuân theo chỉ đạo của Mỹ trong việc ban hành lệnh cấm nhập khẩu hoàn toàn thiết bị viễn thông do gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei sản xuất. Vào tháng 10, Berlin đã cho phép tập đoàn vận tải khổng lồ COSCO thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc mua một nhà ga ở cảng Hamburg, mặc dù khoản đầu tư được ký kết là nhỏ hơn so với kế hoạch ban đầu của công ty Trung Quốc.

Tất cả những điều này đặt ra các câu hỏi: liệu mọi việc có là quá muộn và động thái của Đức có là quá ít ỏi?

Không có nhận xét nào: