Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2022

Vòng xoay tình ái - Thi Thi Hồng Ngọc



Cuối thu, thời tiết vùng hồ du lịch này thay đổi bất thường như một cô nàng xinh đẹp, đỏng đảnh và khó tính. Tối nay, trong căn phòng ấm áp, cô trầm ngâm nhìn qua cửa sổ ngắm mặt hồ xa xa đang cuồn cuộn sóng. Ngoài kia trời mưa bão tơi bời, lạnh lẽo thê lương hệt như cơn bão cũng dữ dội không kém đang nổi lên trong tâm hồn làm cô đã mấy đêm rồi thao thức. Lẽ ra nó sẽ nguôi ngoai lặn xuống nếu giữa hai vợ chồng cô không thường xuyên có những bất đồng ý kiến dẫn đến sự cãi vã kịch liệt với nhau.
<!>
Vợ chồng thật sự là hai thế giới nội tâm khác nhau mà buộc phải sống chung trong một mái nhà. Phần lớn dù cho ban đầu có chịu khó thông cảm và nhường nhịn nhau đến đâu đi nữa thì cũng đến ba đến bảy năm mà thôi. Thời gian sau đó thì mâu thuẫn xuất hiện càng ngày càng nhiều. Cả hai bắt đầu phát hiện ra rằng hình như mình… đã cưới nhầm người rồi, hình như con người mà mình mơ ước sống chung suốt đời của ngày xưa không phải là người vợ hay chồng hiện tại. Bởi vì cả hai đều biến đổi quá nhiều và nhanh như màu sắc cầu vòng hay nói rõ ra là như trở bàn tay vậy.

Vợ chồng cô cũng chẳng ngoại lệ. Cô cứ đinh ninh rằng mình sắp được… phong thánh đến nơi vì mấy chục năm dài nhẫn nhục, tha thứ cho chồng tội ngoại tình không những một lần mà không thể đếm hết là bao nhiêu lần. Cô duyên dáng, đảm đang, có học thức, cô và chồng yêu nhau tự nguyện, lấy nhau dễ dàng chẳng ai mai mối, ép uổng gì. Ấy thế mà cô vẫn bị cái cảnh “Chồng chung đâu dễ ai chiều cho ai“ (Truyện Kiều – Nguyễn Du). Cái cảnh ấy bắt đầu từ lúc cô đang “Nửa chừng xuân“ cho đến lúc mùa thu muộn màng sắp hết để đầu đông giá lạnh mon men tìm đến. Họ vẫn sống với nhau, nhưng vẫn không chịu ký hiệp định hòa bình, lâu lâu vẫn lôi chuyện cũ ra móc mỉa nhau cho đời có chút sinh khí (!?!).

Cô tư lự nhìn đăm đăm xa xa, bão đã ngưng gió dịu lại một phần, nhưng không ngờ một lát sau lại trào lên dữ dội, cành lá lay động ngả nghiêng. Đồng hồ thong thả gõ nhẹ hai tiếng. Trời! Đã hai giờ sáng rồi. Tâm sự với ai giờ này được đây? Đột nhiên, một tia chớp nhẹ giật lên trong tâm hồn đang u ám của cô: Hình ảnh “Người ấy“ hiện ra trong tâm khảm với nụ cười thân thiện, đôi mắt sáng thể hiện một nội tâm phong phú. Những lời ông viết cho cô mới dễ thương và chân thành làm sao! Ông đã xuất hiện như một nhà tâm lý trị liệu cho cô trong những lúc tinh thần sa sút. Tự nhiên, hai người có một sợi dây đồng cảm lạ lùng, họ hiểu nhau và thông cảm với nhau như một đôi bạn tri âm tri kỷ. Tiếc thay! Ông không phải là… chồng cô. Tình cảm kỳ dị của cả hai lúc nào cũng như thật gần gũi và như xa vời vợi vì cả một đại dương mênh mông ngăn cách. Mỗi lần nghĩ đến ông, tâm hồn cô dịu lại, vui tươi, yêu đời, rồi tự nhiên cô lại có cảm giác phải tốt với chồng mình, làm vui lòng chồng hơn một chút. Tại sao cô lại có hai cảm tưởng kỳ quái này trong tâm hồn vậy? Cô không thể lý giải được, dù cô cũng là người học Phật rất lâu rồi.

Hình như cô đã thức trọn đêm, khi bình minh ló dạng, cô nhìn thấy cây anh đào ngoài vườn bây giờ lá vàng nhiều hơn xanh, xơ xác tiêu điều mà thầm so sánh với đời người nào có khác. Mười tám, hai mươi tuổi là mùa xuân tươi thắm và sáu chục, bảy mươi phải chăng là mùa thu ảo não. Cô lại miên man nghĩ đến “mối tình thu“ này: Đó là những ngày đầu cô tập tễnh viết văn và tham gia vào nhóm văn bút trên mạng có tên là “Con Rồng cháu Tiên“, những ngày tháng ấy thật đen tối vì chồng cô đã sa lầy vào những cuộc tình tội lỗi.

Mỗi người có cách giải quyết nỗi đau thương của mình bằng cách tìm một đối tượng nào đó để mà vui sống, cô thì chọn thuốc giải độc bằng cách viết văn để phơi bày những tâm sự đầy uẩn ức trong lòng. Cô đã được quen biết với trưởng nhóm và những bạn văn khác của trang nhà Con Rồng cháu Tiên trong đó có “Người ấy“.

Ban đầu tình bạn của họ không có gì đặc biệt, nhóm bạn hữu này ai cũng là phần tử trí thức, ai cũng có tâm hồn lãng mạn. Tuy họ chỉ là một nhóm nhỏ nhưng rất thân tình, người này đọc bài người kia, bình luận và góp ý công khai đầy thân thiện. Rồi một ngày xuân nắng ấm, cô tình cờ đọc được những bài văn ngắn nhưng súc tích, hay và cảm động của ông. Rồi một đêm mất ngủ ông tình cờ đọc những truyện ngắn của cô. Cả hai tìm được tâm hồn của nhau qua văn chương. Bắt đầu là những lời khen tặng, sau đó những tâm tư sâu kín từ từ bộc lộ, cuối cùng khi đã quá thân thiết, họ trao đổi hình ảnh cho nhau xem. Cả hai đều ngẩn ngơ, bàng hoàng, rung động vì có cảm tưởng như mình đã gặp được “Người ấy“ ở đâu đó rồi. Cảm giác thật gần gũi, thân ái lạ lùng không thể diễn tả được xảy ra trong tâm hồn cả hai người như điện giật, như sóng thần, như lốc xoáy thình lình băng qua sa mạc.

Họ liên lạc thường xuyên và không phải lúc nào cũng ngậm kẹo đường mà cũng có lúc ăn kẹo gừng, kẹo chanh đó là khi họ ý kiến bất đồng sinh ra tranh cãi nhưng hình như sau mỗi lần cãi cọ, họ lại càng thấy gần gũi, hiểu và thương quý nhau hơn.

Cô ngẩn ngơ nhìn ra ngoài trời thu vàng lóng lánh ngoài sân, sau cơn mưa bão, mùa thu hình như đẹp một cách lộng lẫy bất ngờ. Tư tưởng của cô lại quay về với chồng. Cô không ngờ sau khi hỏi ý kiến rằng có được phép đi hai tuần du lịch ngắn ngày để họp mặt nhóm văn bút “Con Rồng cháu Tiên“ không, thì ông chồng vui vẻ đồng ý ngay. Thậm chí ông ta còn giúp đỡ mua vé máy bay rẻ, hứa đưa cô ra phi trường để đi họp bạn. Chồng cô, một người đàn ông đào hoa, gia trưởng và khá kiêu ngạo khi tự tin rằng không có ai trên đời này hơn được ông ta để cô có thể “cảm“ được, chỉ có ông ta là tốt nhất với cô mà thôi. Thật ra người chồng này cũng khá thông minh và đôi lúc cũng tốt… đột xuất, rất cảm động. Nhưng phần lớn thì những hành vi chà đạp, coi rẻ tình cảm vợ chồng của ông ta đã làm cô mất hết niềm tin yêu và kính trọng của thuở ban đầu. Tuy nhiên hành động mua vé, khuyến khích cô đi họp bạn văn kỳ này của chồng làm cô đâm chột dạ. Ngạn ngữ có câu: “Có tật giật mình“ quả thật là rất đúng! Cô chần chờ, không tự tin ở chính mình khi nghĩ đến lúc gặp mặt “Người ấy“. Cô cảm thấy hơi sợ, sự sợ hãi vu vơ nào đó mách bảo rằng cô không thể đơn thương độc mã mà đi vào cuộc hành trình của “Tình yêu mùa thu“ này. Chợt có tiếng điện thoại reo, cô bắt máy và nét mặt chợt tươi hẳn lên khi nghe giọng nói trong trẻo từ bên kia vọng lên:

Chị ơi! Em đây! A Di Đà Phật! Chị không khỏe phải không? Cả tuần không có tin tức gì của chị cả.
À! Cô cuối cùng cũng tìm ra được vị “Quân sư quạt máy“ rồi. Đó là cô bạn đời kiêm bạn đạo còn rất trẻ mà đã góa chồng hơn mười năm nhưng vẫn giữ vững đức hạnh và tự tu rất tinh tấn nên được cả nhóm đặt cho biệt danh “Bồ Tát non“.

A Di Đà Phật! Em có rảnh không? Chủ nhật này chị qua em nha! Chị có chuyện cần nói với em đó.
Ủa, chị quên là chủ nhật nào mình cũng có thời khóa niệm Phật và nghe Pháp sao?
Ờ! Đúng rồi! Hình như buổi sáng là thời khóa. Chị sẽ ở lại đến chiều tối sẽ tâm sự với em.
Em biết chuyện gì rồi. Chị nghe em dặn đây: Cả tuần này, chị hãy ăn chay niệm Phật, giữ tâm thật thanh tịnh, cố gắng đi! Chủ nhật đến đây, em sẽ cho chị biết một câu chuyện rất bí ẩn.
Bây giờ em không thể nói ra được sao?
Không được! Không thể nói bừa, nếu chị không nghe lời thì em đành dấu kín bí mật này thôi.
Được rồi! Chị nhất định nghe theo em. Hẹn gặp em ngày chủ nhật.
Lời cô bạn Đạo làm tâm hồn cô xao động nhưng cô quyết tâm nghiêm túc, thật thà làm theo. Quả nhiên một tuần trôi qua rất an lạc, mỗi khi tâm cô bấn loạn liền nghĩ ngay đến hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật. Ngoài thời khóa công phu sáng tối trước bàn thờ Phật, khi đi, đứng, nằm, ngồi, ăn cơm, mặc áo cô đều quán tưởng đến Đức Phật từ bi, tâm cô tịnh lại, mầu nhiệm bất ngờ. Đến ngày hẹn, cô không còn cảm thấy nôn nóng, hồi hộp như lúc điện thoại với “Bồ Tát non“ vào tuần trước nữa.

Mọi người gặp mặt nhau tại căn họ nhỏ nhưng trang nghiêm thanh tịnh của “Bồ Tát non“. Chào hỏi nhau xong thì thời khóa công phu bắt đầu ngay, sau giờ niệm Phật, ngồi thiền là nghe Pháp… qua đường truyền Internet. Nghe Pháp để củng cố niềm tin vào pháp môn niệm Phật, để đi đúng đường không phân vân, tạp loạn giữa ngã ba, ngã tư… vô số ngã rẽ của tám vạn bốn ngàn pháp môn để rồi làm người sống ra vẻ thông thái nhưng chết hồ đồ chẳng biết đi về đâu? Sau giờ nghe Pháp, cả nhóm cùng thảo luận về đạo Pháp. “Bồ Tát non“ đã giải đáp mọi thắc mắc một cách hợp lý làm ai cũng hài lòng. Cuối cùng thì cô cũng được ở lại một mình, ngồi đối diện với người bạn đạo thân thiết: Một Phật tử chân chính luôn có lòng bao dung, từ bi, hòa nhã và có những sự hiểu biết lạ lùng kỳ bí. Cô cứ ngỡ là mình sẽ hỏi tới tấp mọi việc để thỏa lòng hiếu kỳ. Nhưng trong khung cảnh tĩnh mịch, ngan ngát mùi hương trầm thanh tịnh, tự nhiên tâm cô dịu lại. Cô ngồi yên xếp bằng trong tư thế kiết già, lặng lẽ chờ đợi.

“Bồ Tát non“ đứng dậy đến bên bàn thờ Phật lấy xuống một bát nước trong đó có một bông trà Cung Đình đã nở tròn hình hoa sen óng ánh rất xinh đẹp. Cô nàng bưng bát nước rất cung kính bằng cả hai tay đặt xuống mặt bàn đối diện của hai người. Trước mắt, cô mường tượng như là một quả cầu lóng lánh nổi lên giữa bát nước trong vắt nhìn rất bí ẩn và diễm lệ. “Bồ Tát non“ chắp tay cung kính niệm hồng danh Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, cô cũng chân thành tha thiết niệm theo. Sau đó, cả hai niệm tiếp câu thần chú “Án Ma Ni Bát Mê Hồng”, cô niệm rất thành tâm và tưởng như quả cầu đang từ từ chuyển động, càng lúc càng lớn ra và lóng lánh rực rỡ, đẹp lạ lùng. Quả cầu bắt đầu xoay, lạ thay nó lại xoay ngược chiều kim đồng hồ và tốc độ càng lúc càng nhanh. Cô nhìn theo như bị thôi miên và cuối cùng có cảm tưởng như mình bị hút vào trái cầu kia, sức hút mãnh liệt đến nỗi cô không thể nào cưỡng lại được.


Trà Cung Đình
Cô thấy mình đang ở một thị trấn cổ xưa nào đó, một nơi rất thanh bình, giàu có. Hôm ấy thị trấn đó có hội lớn. Trên sân khấu ngoài trời, người ta dựng rạp treo đèn kết hoa và các đào hát đang diễn tuồng “Phụng Nghi Đình” rồi lại chuyển qua “Võ Tòng đã hổ”. Trời hỡi! Gã kép chính thật là khôi ngô tuấn tú! Giọng hát của gã mới tuyệt vời làm sao! Đã vậy cách diễn của gã cũng thật xuất sắc làm mê đắm lòng người. Ngồi ở hàng ghế đầu hình như là một vị quan Phủ với cách phục sức tuy giản dị, nhưng nét mặt nghiêm nghị, phong tư nho nhã, đĩnh đạc đúng là tư cách của một vị quan lớn. Bên cạnh ông là một thiếu phụ trẻ đẹp, thanh lịch, tài mạo khác thường, chắc chắn đó là bà Phủ rồi. Hai người nhìn thật xứng đôi như tiên đồng, ngọc nữ. Vị quan trẻ tuy ngồi xem hát nhưng thỉnh thoảng vẫn ghé tai vợ trò chuyện, nét yêu thương, ân cần hiện rõ trên nét mặt vốn rất nghiêm nghị của ông. Bà Phủ trẻ xinh đẹp tuy nghiêng đầu trả lời hoặc trò chuyện với chồng nhưng ánh mắt lại liếc lên sân khấu, đặc biệt chiếu thẳng vào anh chàng kép hát đẹp trai đang diễn xuất rất tuyệt vời kia.

Trái cầu vẫn tiếp tục xoay tít theo chiều ngược lại. Cô thấy mình đứng sau khuôn viên một ngôi chùa lớn. Ở đó, bà quan Phủ trẻ đẹp nhưng nét mặt buồn não nùng đang đứng cạnh một người đàn bà độ tuổi trung niên có lẽ là vú nuôi của bà Phủ. Gã kép hát đi đến, người vú nuôi lặng lẽ bỏ đi nhưng nét mặt đầy lo lắng, căng thẳng. Bà Quan Phủ và gã kép hát tâm tình rất lâu gì đó. Cả hai đều có vẻ rất thương tâm, bà Phủ nước mắt đầm đìa, gã kép hát đẹp trai kia cũng rưng rưng lệ. Chứng kiến sự gặp gỡ não lòng của đôi tình nhân sắp sửa chia tay nhau suốt đời, tự nhiên cô cũng muốn khóc. Chợt bên tai cô văng vẳng lời dặn dò gã kép hát với bà Phủ trẻ đẹp:

Nàng nhớ nhé! Đời này mình không thể sống gần nhau, hẹn gặp nhau kiếp khác. Xứ này mình không lấy được, thì hẹn nhau qua xứ khác. Nàng nhớ nhé! Bài hát tương tư “Hồng Lâu Mộng” đêm qua trên sân khấu là ta tặng riêng nàng để kiếp sau gặp lại còn nhận ra nhau. Đừng quên ta! Đừng quên ta, người yêu hỡi!
Rồi đến giọng nói run run ảo não thanh tao của bà Phủ trẻ xinh đẹp:

Nhưng rồi chàng sẽ quên tôi, chàng là một kép hát lừng danh, bao cô gái say mê chàng.
Không! Nàng yêu quý! Dù ta có ôm bao người đàn bà khác trong tay, nàng vẫn là duy nhất trong tim ta, ta vẫn chỉ yêu một mình nàng, vĩnh viễn!
Trái cầu lại xoay càng lúc càng nhanh hơn. Cô hoa mắt chớp chớp mấy lần rồi lại thấy mình đứng bên giường bệnh của bà Phủ. Một con bé xinh xắn, dễ thương trạc độ mười ba, mười bốn ngồi bên giường tay bưng bát thuốc sắc nài nỉ:

Xin bà hãy cố gắng uống hết bát thuốc cho lành bệnh. Xin bà hãy thương quan Phủ dù người có bận rộn việc công đường đến đâu cũng một lòng săn sóc cho bà, quan Phủ thương yêu bà biết là dường nào!
Bà Phủ trẻ thở ra, rơi nước mắt:

Ta biết! Nhưng hỡi ơi! Tâm bệnh của ta thuốc nào chữa được? Ta không còn sống được bao lâu nữa. Này con! Lại gần đây, hãy đỡ ta dậy, ta có việc này muốn thố lộ với con.
Cô bé xinh xắn ngoan ngoãn nghe lời, bà Phủ kề tai cô thì thầm rất lâu, mặt cô lúc đỏ, lúc tái nhợt. Chợt quan Phủ bước vào, cả hai giật mình rời ra. Nét mặt quan Phủ đầy yêu thương, lo lắng khi nhìn thấy sắc diện vô hồn của vợ:

Hôm nay nàng cảm thấy thế nào? Nàng đã uống hết thuốc chưa? Nàng phải cố gắng tĩnh dưỡng lành bệnh để vợ chồng ta còn có ngày “Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên” (Thơ Kiều). Nàng yêu quý! Ta là một thư sinh nghèo lại phải nuôi mẹ già sở dĩ ta có ngày nay chính là nhờ nàng. Ta đã thầm yêu trộm nhớ lúc nàng còn là một tiểu thư lá ngọc cành vàng. Ta tự biết nếu không cố gắng dùi mài kinh sử để sau này công thành danh toại thì không thể lấy được nàng. Cha nàng, một viên quan chính trực, tính tình phóng khoáng đã chịu gả con gái cho người thư sinh nghèo này khi anh ta đã vinh quy bái tổ. Tiểu thư xuất giá trước bao sự ngỡ ngàng ganh tức của các vương tôn công tử từ lâu ngấm nghé nàng. Vợ chồng ta đã có những ngày đàm luận văn chương thi phú như đôi bạn tri kỷ, tri âm. Nàng hỡi! Không có nàng, ta không còn biết quãng đời còn lại của ta phải sống như thế nào đi nữa.
Bà Phủ động lòng khóc nức nở, cô bé hầu cũng rơi lệ đầm đìa. Quan Phủ cũng nước mắt rưng rưng, một bầu không khí buồn thảm bao trùm cả căn phòng. Trước lúc lâm chung khi thần trí còn tỉnh táo, phu nhân nắm tay cô bé hầu thân tín, trăn trối:

Này con! Ta rất cám ơn con từ bấy lâu đã săn sóc cho ta hết lòng. Than ôi! Nhìn con thật giống cha như đúc, ta ước gì kiếp sau được gặp lại cha con và cả con nữa.
Bà Phủ ngừng lại vì gần như kiệt sức, lát sau bà gắng sức lấy từ dưới gối ra một lá thư bảo cô bé lại gần thều thào dặn dò. Cô bé vừa khóc, vừa gật đầu lia lịa nhận lời.

Quả cầu vẫn xoay nhưng từ từ chậm lại, quan Phủ bước vào nắm chặt tay vợ nghẹn ngào:

Nàng định bỏ ta thật sao? Dinh thự này, danh vọng này còn ý nghĩa gì đâu khi ta mất nàng vĩnh viễn.
Bà Phủ nhìn chồng với ánh mắt đã lạc thần, bà thở ra một hơi cuối cùng rồi ra người thiên cổ. Quả cầu xoay chầm chậm lại sắc trắng từ từ đổi thành màu đen tím, tiếng quan Phủ nức nở khóc vợ thê lương:

Kiếp sau ta nhất định tìm nàng, dù có ra sao đi chăng nữa!
Quả cầu vẫn xoay, màu đen từ từ tan biến. Cô thấy mình đứng bên mộ phần bà Phủ. Con bé hầu run rẩy thuật lại tất cả những bí ẩn cuộc tình của bà và người kép hát tuấn tú dạo nào, rồi đưa ra lá thư tuyệt mệnh tràn đầy đau thương và hối hận của người quá cố cho quan Phủ xem. Ông lặng người đi, nước mắt trào ra. Cô như thấy xuyên suốt qua người ông hình như trái tim ông đang rỉ máu, nứt ra từng mảnh.

Ông gục đầu xuống mộ chỉ thốt ra được hai tiếng: “Trời ơi!”.

Quả cầu xoay chầm chậm từ từ và cuối cùng dừng hẳn lại. Cô chớp chớp mắt và lại thấy mình đang ngồi trong phòng khách cũng là gian thờ Phật đối diện với bát nước trà Cung Đình và người bạn đạo. Nhưng cô thấy mắt mình mờ đi, đầm đìa giọt lệ. “Bồ Tát non” hình như cũng đang cầm khăn lau nước mắt. Cả hai cùng khóc. Cô kể lại giấc mơ trong một sát-na mà hình như đã trải qua bao tiền kiếp. Cô không hiểu tại sao lại có mối thương tâm lạ lùng đến như thế?

Chuyện này là thế nào? Cô thì thào hỏi.
“Bồ Tát non” trầm ngâm một lát, nước mắt cả hai đã khô và họ bắt đầu bình tĩnh lại. Giọng cô bạn đạo từ tốn đưa cô trở về với câu chuyện bí ẩn, kỳ quái mà cô đã chứng kiến trong quả cầu lạ lùng kia: Trong tiền kiếp xa xưa, hóa ra cô là một tiểu thư lá ngọc cành vàng nổi danh tài sắc song toàn con của một ông quan Tri Huyện. Cha cô tiểu thư thương tài mến đức của người thư sinh nghèo nên hứa nếu anh ta đỗ đạt thì sẽ gả con gái. Cuối cùng thì anh ta đạt được nguyện ước và tiểu thư trở thành bà Phủ trẻ tuổi, được chồng yêu, người kính vì chẳng những thông minh mà lại có lòng nhân từ nữa. Vậy thì, quan Phủ cũng tiền kiếp đó nay chính là “Người ấy” của cô kiếp này.

Giọng “Bồ Tát non” dịu dàng, trong trẻo tiếp tục rót vào tai cô những điều bất ngờ kỳ dị:

Chị đã từng kể cho em nghe cuộc tình đầu tiên của chị và chồng nơi xứ lạ quê người bắt đầu bằng một bản nhạc tương tư rồi dẫn đến yêu nhau say đắm và thành vợ chồng phải không?
Đúng vậy!
Chị cũng từng tâm sự về thói trăng hoa của chồng và khi chị bất mãn bực tức ông ta còn nói rằng dù lúc ôm trong tay người con gái khác, ông ta vẫn nhớ đến chị có phải không?
Đúng rồi!
Thế thì nhận ra chưa? Anh chàng kép hát đẹp trai tiền kiếp chính là chồng chị bây giờ đó.
“Bồ Tát non” lại tiếp tục:

Bây giờ! Khi mọi việc tưởng như đã qua, gia đình chị trở lại bình thường thì “Người ấy” xuất hiện và hình như mọi việc bắt đầu trở lại mùa xuân hoa đào nở chứ không phải mùa thu lá vàng rơi, có đúng không?
Mặt cô nóng bừng bừng khi nhìn thấy nụ cười của người bạn đạo. Ừ! Quả thật là như thế còn gì! “Người ấy” làm cho cả một vườn hoa đào tươi thắm nở rộ trong tâm hồn cô, cảm giác này chưa bao giờ có nơi người chồng dù là ở thời điểm hai người say đắm nhất. Nhưng tại sao “Người ấy” không đến vào lúc cô đang ở vào mùa xuân hay chỉ ít là “Nửa chừng xuân” mà phải đợi mãi đến “Mùa thu lá bay” mới xuất hiện? Như đọc được ý nghĩ đó của cô, “Bồ Tát non” mỉm cười bảo:

Lúc ấy, nhân duyên chưa chín mùi, lời nguyện ước của chị và anh kép hát chưa được thỏa mãn. Hai người đã có một tư tình bất chính nên nhiều kiếp không được tổ tiên, thần linh ủng hộ, cuối cùng thì cả hai phải cùng xuất ngoại mới lấy được nhau. Còn lúc chị đang đau khổ vì chồng ngoại tình thì cũng là lúc chị phải bị quả báo do nhân duyên kiếp trước “ngoại tình tư tưởng” phản bội chồng mình. Lúc đó, “Người ấy” đương nhiên là không xuất hiện. Cho đến khi nào quả báo trả xong, tình của chị đối với chồng đã hoàn toàn phai nhạt, chỉ còn sự tội nghiệp mà thôi, lúc này nhân duyên chín mùi để “chồng cũ” bao kiếp đi tìm cuối cùng gặp lại vợ dù quá muộn màng.
Lời người bạn đạo làm tâm hồn cô chấn động, cô lặng người đi không thốt nổi lên lời. Chợt nhớ đến còn một điểm khúc mắc cuối cùng, cô vội hỏi:

Còn… còn cô bé hầu thì sao?
“Bồ Tát non” nhìn cô đăm đăm, ánh mắt rất lạ trả lời thật nhẹ:

Con bé đó là em đây! Kiếp trước, em là con rơi của ông kép hát, mẹ em vì lỡ lầm với ông ta nên định nhảy sông tự tử, may gặp lúc bà Phủ trên đường đến chùa dâng hương đã cứu giúp. Bà Phủ lại đem mẹ em về năn nỉ chồng nghĩ cách bảo toàn danh dự cho. Quan Phủ tính tình trung hậu lại rất nể vợ nên cuối cùng tìm được một người lính nghèo nhưng tính tình thật thà chịu cưới cô gái lỡ lầm kia làm vợ. Nhưng sau khi sinh ra đứa bé thì cô ta qua đời, lại chính bà Phủ đứng ra nhận nuôi nấng, dạy dỗ con bé cho đến độ tuổi thiếu niên thì bà cũng an giấc nghìn thu. Con bé đó thọ ân bà Phủ và cả ông Phủ rất nặng, nên nó rất ngoan ngoãn, dễ thương lại biết được ý người nên cả hai ông bà đều yêu mến nó. Có điều, sau khi ông biết con bé là con rơi của gã kép hát, lại chính là người tình trong mộng của vợ mình thì rất đau lòng. Tuy nhiên, vốn tính tình trung hậu, ông chỉ cho hai cha con người lính một số tiền rồi ra khỏi Phủ về quê sinh sống. Cô hồi hộp hỏi tiếp:
Vậy… vậy còn quan Phủ sau đó thì sao?
Vì ông ta làm quan nên cũng phải tục huyền có điều dù đau khổ vì người vợ mà ông yêu đã phụ bạc mình, ông vẫn không quên được bà ta. Kết quả là lúc cận tử nghiệp ông chỉ nhớ và gọi tên bà. Đó chính là nghiệp duyên dẫn dắt cho ông ta nhiều kiếp đi tìm cuối cùng mới gặp được chị.
Cô buồn rầu nói nho nhỏ:

Chị gây ra tội lỗi lớn quá! Nhưng bây giờ chị muốn chuộc lại lỗi lầm, rất muốn gặp lại “chồng cũ” nhưng lại không dám đi một mình.
“Bồ Tát non” mỉm cười bí mật:

Chị quên cô bé con rơi người kép hát mà ông bà Phủ nuôi nấng cứu vớt ngày xưa sao?
Có! Nhưng thì sao?
Em sẽ đi cùng với chị để giúp hai người hội ngộ kiếp này. Em nói thật lòng! Chị về nói chồng đặt thêm một vé máy bay cùng chuyến cho em nữa.
Cô mừng rỡ tưởng như đang nằm mơ bị hút vào lại trái cầu nên vội vàng hỏi lại:

Trời ơi! Chị cảm ơn, chị thật cảm ơn em nhiều lắm. Nhưng mà, nhưng mà… em không nói đùa với chị chứ?
“Bồ Tát non” nghiêm nghị nhìn cô, nói chậm rãi:

Em không nói đùa! Em giúp chị để trả ơn nghĩa cũ. Có điều, em nhắc nhở chị: Là Phật tử, chúng ta phải tin tưởng lời Phật dạy về luật nhân quả rất công bằng. Lưới trời lồng lộng, một mảy lông cũng không lọt. Chị không nhận ra sao? Ngày xưa chị phụ tình chồng, ngày nay bị chồng phụ lại, chồng chị phụ tình chị để rồi lại tự tay mua vé đưa vợ mình trả lại cho người. Nếu đời này chị không suy nghĩ cẩn thận mà cắt đứt sợi dây tình oan trái này thì “VÒNG XOAY TÌNH ÁI” sẽ tiếp tục quay và chị lại bị đau khổ vì tình không biết đến bao giờ mới thoát khỏi.
Cô ngẩn ngơ, sợ hãi nhìn “Bồ Tát non”, lời nói vừa rồi như tiếng sét đánh qua tai vậy:

Vậy chị phải làm sao bây giờ?
Hãy coi trọng cả hai như thế này: Với người chồng kiếp này, chị hãy làm tốt bổn phận người vợ, người mẹ trong gia đình, cảm hóa ông đi theo con đường chính đạo. Với người chồng tiền kiếp, chị hãy coi như bạn tri kỷ, kính trọng và thông cảm, cố gắng sống để ông ta nể phục chị từ từ cũng dẫn dắt ông ta học Phật để trở thành Pháp lữ của nhau. Cuối cùng thì ân oán cả ba sẽ được hóa giải. Nhưng bản thân chị cần cố gắng nỗ lực tinh tấn lắm mới được. Chớ để cả hai sinh tâm oán hận, đau khổ, điều này rất phiền phức vì sẽ dẫn dắt họ vào con đường đen tối lúc lâm chung, có nghĩa là chị lại tạo thêm ác nghiệp mới đấy. Em đã hết lời rồi, cuộc đời này vô thường lắm, chị hãy trở về và suy nghĩ hẳn hoi đi!
Tâm cô tạm thời an tĩnh khi biết rõ sự thật của cuộc tình oan trái của đời mình. “Bồ Tát non” tiễn cô ra cửa. Trăng thu vằng vặc sáng trên cao, tự nhiên cô lại nhớ tới “Người ấy” với những đêm trăng cả hai đều bị mất ngủ và tình cờ lên mạng cùng nhau trò chuyện về văn chương. Người bạn đạo kia nói đúng, quá đúng. Nhưng cô nghĩ: “Than ôi! Không biết khi mình gặp lại “cố nhân” thì sẽ ra sao đây? Mô Phật!./.

Thi Thi Hồng Ngọc.

 

Không có nhận xét nào: