Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2022

Cao thủ đại nội - Vĩnh Quyên



Bảy giờ tối, như mọi hôm, tôi rời gác trọ xuống quầy rượu một lúc trước khi trở lại với thiên truyện nhiều kỳ cho báo, mà chủ bút đã nhắc nhở ngày càng nhạt.Giỏi võ để vào đội thị vệ bí mật của đức vua. (Minh họa: ArtTower/Pixabay) Như mọi hôm, từ đầu cầu thang tôi đã thấy chàng thanh niên mặc Âu phục nhưng tóc vẫn bối củ tỏi truyền thống Châu Á ngồi bên ly rượu nhạt, cũng là loại phải chăng với túi tiền của tôi. Khác nhóm người Hoa huyên náo, anh chàng Việt Nam đơn độc và càng uống càng lầm lì. Là điều tôi thích. Nhưng tối nay anh ta vẻ bồn chồn.
<!>
Lúc tôi gọi tính tiền, anh ta quay sang: “André, ly nữa nhé, tôi mời.”
“Cám ơn, anh biết tôi còn phải viết, không thể ngồi lâu hơn.
“Đêm cuối năm mà, thoải mái chút đi.”
“Ừ thì cuối năm, nhưng ngày mai báo vẫn ra và tôi vẫn cần bánh mì.”
Anh ta gật gù chia sẻ, nói trổng: “Tiếc quá, mai tôi xuống tàu về nước rồi.”

Chút xao xuyến bất ngờ, tôi chăm chú nhìn anh ta rồi đổi ý bảo vậy phải có vài ly tiễn anh.
Nụ cười thoáng trên gương mặt nhưng chẳng được mấy chốc, anh ta trầm ngâm nhìn vào đáy ly trước khi nói: “Tôi giết người đấy, André.”

Vỗ vào vai anh ta, tôi cười: “Say rồi hả?”
“Không, rượu nhiều hơn mọi hôm thật, nhưng tôi không say, đúng là tôi đã giết hắn.”
“Ai?”
“Anh không thể biết đâu.”
“Chà, có cần báo án không nhỉ?” Tôi đùa.

Thoát cái vỏ ít nói trước đây, anh ta bắt đầu chinh phục tôi bằng thứ tiếng Pháp có ngữ điệu.
“Án đâu mà báo? Đó là chiến công theo góc nhìn lịch sử. Thật ra tôi thọ án đủ rồi, bao nhiêu năm sống trong ám ảnh. Dưới cái nhìn của tôn giáo, Đông cũng như Tây, giết một kẻ thù cũng là hủy hoại một sinh linh. Đôi khi, trong phút mềm lòng tôi cũng tin vậy. E hèm, nhưng giả sử đời tôi lặp lại, tôi sẽ không tránh được việc giết hắn.”
“Sao lúc này anh kể cho tôi?”

“Tôi đã có lời hứa không tiết lộ việc đã làm trong quá khứ, không phải vì tôi mà vì điều lớn lao hơn. Lúc này, có lẽ do cảnh lữ thứ đêm Giao Thừa đất khách, hoặc do bữa rượu cuối ở nước Pháp, khiến tôi muốn nói ra và nói với anh, người bạn Pháp chung nhà trọ. Chúng ta uống với nhau thế này non một năm rồi, phải không André?”
“Ừ, nhưng tôi nghĩ anh cần ngủ lấy sức, cả tháng lênh đênh trên biển đấy.”

Anh ta không trả lời, vân vê hàng ria mép, nghĩ ngợi mông lung. Pháo hoa đón năm mới trên bầu trời cảng Marseille, dội đến khu ngoại ô nghèo chỉ còn là những tiếng lụp bụp tấm tức. Nhưng âm thanh đó đủ nhắc nhở vài ba khách đang gục đầu trước ly rượu rằng đã đến lúc về nhà.

Khi chỉ còn hai người, tôi bỗng muốn nối lại chuyện: “Anh đã giết người thật sao?”
“Ừ, nhiệm vụ thôi.”
“Ở Việt Nam?”
“Phải, tôi bảo vệ nhà vua, đức ngài đây.”
Nhìn tấm ảnh tôi nhận ra cựu hoàng Duy Tân.
“Chuyện của anh ám ảnh tôi rồi đấy,” tôi nói.

Thận trọng cất tấm ảnh cũ vào ví da, anh ta tiếp tục: “Hồi đó, nước Pháp đặt đức ngài lên ngai vàng làm vua bù nhìn. Tòa Khâm cài gián điệp vào triều, từ lái xe đến đại thần. Một lần, thầy dạy võ của tôi, là thị vệ thân tín của đức ngài, nhận mật chỉ trừ khử tay chủ sự xa mã sở, là kẻ điều hành mọi phương tiện đi lại của nhà vua, biết rõ ngài xuất cung lúc nào, đi đâu, gặp ai để báo Tòa Khâm.”

“Thì Tòa Khâm sẽ thay kẻ khác?,” tôi tham gia.

“Đành vậy, nhưng phải loại hắn trước thời điểm nhà vua tiếp xúc các thủ lĩnh khởi nghĩa, người Pháp không đủ thời gian thay người. Che giấu thân phận, thầy tôi giả khách thương hồ, đón lõng đêm hắn xuống thuyền nghe hát trên sông Hương, vờ gây chuyện tranh kỹ nữ, ẩu đả đến chết người, rồi đào thoát. Tôi được thầy chọn làm hộ vệ, đóng vai chèo thuyền. Tôi cho thuyền áp sát thuyền hắn, thầy tôi nhảy sang. Bất ngờ khách cùng đi nghe hát với hắn là một cao thủ người Quảng Đông, tên này cầm chân thầy tôi để hắn nhảy xuống sông. Tôi lao theo, quần nhau với hắn giữa dòng, trôi từ bến Thương Bạc đến trước Tòa Khâm mới kết liễu được.”

Anh ta dừng chuyện, trầm ngâm uống rượu.

Tôi nhận ra đêm nay mình đã may mắn nhường nào để có được chất liệu một thiên truyện đầy màu sắc xứ Đông Dương.
“Sau chiến công này nhất định anh được giao nhiệm vụ quan trọng hơn?,” tôi gợi ý và làm như không nôn nóng được nghe tiếp.

Nhưng anh ta không trả lời trực tiếp, chỉ nói điều đang mải nghĩ: “Sau tôi nghiệm ra, vượt qua nỗi sợ để thể hiện bản thân khiến người ta trở thành cao thủ chứ không phải ở đẳng cấp võ thuật.”

Tôi lặp lại câu hỏi.
“Phải, với công trạng đó tôi được tuyển vào đội thị vệ bí mật của đức vua, không đồng phục, không danh phận, không lưu ký dòng nào trong bất kỳ sổ sách phiên chế nào. Nhà vua với tôi vốn quan hệ dòng tộc, lại cùng trang lứa, 16 tuổi, nên vừa là vua tôi, vừa là anh em, vừa là đôi bạn. Một đêm tôi được gọi đến thư phòng đức vua. Ở đó tôi thấy đã có quan trưởng thị vệ và một người chưa từng gặp trạc 50 mà nhìn thoáng biết ngay cao thủ. Tôi lễ độ chào hai vị.

Người lạ chào lại và tự giới thiệu: Ta là sư đệ của thầy con, gọi ta sư thúc cho tiện. Rất mừng biết con luyện được thuật bích hổ du tường, đây là lúc đắc dụng.

Nhà vua đến, vẻ mặt căng thẳng và lo lắng. Ngài vẫy tay ra hiệu miễn lễ khi chúng tôi nghinh tiếp và tức thì ra khẩu dụ. Theo đó, sau khi ký một văn ước với người Pháp, ngài nhận ra trong đó ẩn chứa điểm bất lợi cho bản quốc, vì vậy ngài hỏi chúng tôi có thể đột nhập Tòa Khâm, tìm và hủy trước khi nó được chuyển về Paris.

Sư thúc và tôi nhận lãnh sứ mệnh. Nhà vua bớt phần lo lắng, giao trưởng thị vệ tiếp tục các việc cụ thể. Trước khi quay về nội cung, đức ngài ủy lạo sư thúc và gọi tôi ra hàng hiên, đặt tay lên vai, nói thật khẽ: Vậy là ta đưa đệ vào chỗ chết rồi.

Biết đây là lần cuối được ở bên nhà vua, tôi nén cảm xúc, mong ngài an lòng.

Trưởng thị vệ phân công sư thúc dẫn đường vào Tòa Khâm và cảnh giác trong khi tôi tìm hủy văn ước. Xong, chúng tôi sẽ rút về trạm an toàn ở Vỹ Dạ, xuống thuyền xuôi về Cửa Thuận. Ông trao sư thúc bản sơ đồ Tòa Khâm có đánh dấu lối đi, vị trí văn phòng cất văn ước và cho biết nó được một người có biệt danh Ẩn Diện Thư Sinh vẽ mà ông không rõ là ai. Chúng tôi cũng được ông cho xem bản lưu của văn ước, viết bằng song ngữ Hán-Pháp, để có thể nhận dạng người anh em song sinh của nó trong Tòa Khâm.

Đặt vào tay tôi lọ sứ màu huyết dụ, trưởng thị vệ căn dặn: Đây là loại bột làm giấy tự mục rã chỉ trong vài canh giờ. Tìm được văn ước, rắc nó lên, và cũng làm vậy với vài văn bản chung quanh để tránh hoài nghi. Người Pháp nhất định phải trở lại xin phó bản, khi ấy hoàng thượng sẽ đề ra yêu cầu sửa đổi. Bột này có thể gây tử vong nhanh chóng, không được để dính vào da.

Cuối cùng, ông nghiêm giọng nhưng mắt rưng rưng: Việc sắp thực hiện sẽ mãi mãi không được ai biết đến, từ lúc này trở đi các người chỉ là kẻ đi đánh cắp văn phòng bát bửu bằng vàng và ngọc quý trong Tòa Khâm, tốt nhất là không để xảy ra tra khảo.

Chúng tôi hiểu điều ông ám chỉ: Hãy chọn cái chết khi thất bại.

Tôi lại nghiệm ra, cao thủ không chỉ cần bản lĩnh vượt trội để sống sót mà còn phải biết sắp xếp cái chết lúc cần thiết.

Nhưng chẳng còn thời gian suy ngẫm, tôi chỉ có hai canh giờ cùng sư thúc bàn định phương thức hành động
.

Cao thủ phải am hiểu tiếng kẻ thù. (Minh họa: Aldezir Martins Eumesmo/Pixabay)

Đầu canh tư, thầy trò tôi trong trang phục dạ hành, chạy nhảy như bóng ma trên đầu tường, mái nhà, qua mặt lính gác Tây, đột nhập Tòa Khâm, tìm đến văn phòng có văn ước.

Sư thúc nép sát góc tối gờ tường, nơi quan sát được cả hai hành lang dẫn đến chỗ chúng tôi. Với thanh thép nhỏ tôi nhẹ nhàng mở khóa cửa, lách người vào trong, khép lại.

Với ánh sáng tù mù ngọn đèn hột vịt tôi nhìn quanh, giật mình nhận ra chúng tôi thiếu thông tin cụ thể tình hình ở đây. Có đến năm tủ gỗ đựng văn thư chứ không phải hai như đã xác định. Điều này đòi hỏi nhiều thời gian tìm kiếm hơn dự tính.

Nửa canh giờ sau, tôi mở hé cửa, ló gương mặt đầm đìa mồ hôi, khẽ gọi sư thúc.

Theo tôi vào trong, ông đứng sững trước cảnh bề bộn đáng sợ. Trên mặt bàn dài rộng đầy những cặp bìa da màu nâu đã mở, giấy tờ xổ ngổn ngang. Và đấy mới là tủ đầu tiên.

Tôi thì thầm: Nếu không gặp may phải đến sáng mai mới lục hết chừng này tủ để tìm văn ước, thầy trò ta tính sao?

Sư thúc nhìn những dòng chữ tiếng Pháp viết nắn nót bằng bút rông trên mỗi cặp da, xác định loại nội dung văn bản chứa bên trong, rồi ngước nhìn tôi với ánh mắt buồn bã.

Tôi hiểu ông nghĩ gì. Ngoài trái tim quyết tử phụng sự đức vua, ngoài thuật phi hành, trèo tường, bò ngược trần nhà để vào hang hùm, chúng tôi đã không có lấy một chữ Pháp trong đầu để thực hiện nhiệm vụ nhanh gọn, chính xác. Vốn liếng tứ thư ngũ kinh Hán văn hoàn toàn vô dụng lúc này. Còn lọ bột bé tí thì không thể hủy hoại được hết ngần ấy văn bản.

Nhưng sư thúc quyết định hoàn thành sứ mệnh bằng mọi giá. Vậy là, hai thầy trò gấp rút xới tung tất cả.

Thêm một canh giờ trôi qua, văn ước vẫn lẩn đâu đó, trong khi nỗi căng thẳng đã khiến chúng tôi không còn giữ được khẽ khàng như ban đầu, tiếng soàn soạt lật xáo nghe rõ hơn, bên ngoài lại không người cảnh giới. Việc lính gác phát hiện chỉ còn là vấn đề thời gian.

Khi cánh cửa sắp bị phá tung, sư thúc cạy được ô thông gió trên đầu tường. Ông ôm lấy tôi, thì thầm: Ta ở lại để chúng tưởng đã bắt được kẻ trộm, con cố thoát…

Tôi nói không, thầy trò ta cùng chết.

Ông lắc đầu: Con phải sống để ở nhà biết vì sao ta thất bại, vì sao cao thủ phải am hiểu tiếng kẻ thù.

Sư thúc đẩy tôi ra khỏi ô thông gió, đóng lại.

Qua khe hở, tôi thấy ông kịp vơ vài món quý giá trong tủ của Khâm sứ đút vào túi vải, đóng trọn vai kẻ cắp. Cửa mở bùng bởi cú thúc bằng vật nặng từ bên ngoài. Sư thúc với thanh đoản kiếm trên tay nhảy bổ vào những phát súng trực diện.

Bừng tỉnh, tôi lẩn vào bóng tối.

Còi báo động hụ inh tai, lính Pháp rầm rập triển khai tuyến phòng vệ Tòa Khâm, phong tỏa các nẻo đường. Không thể rút về trạm theo kế hoạch, tôi chạy dọc bờ sông vắng. Được một quãng khá xa, tôi dừng lại sau gốc cây, ngoảnh nhìn Tòa Khâm bật khóc, thầm vĩnh biệt vị sư thúc, người vừa cùng tôi trải hai canh giờ vào sinh ra tử.

Phải am hiểu tiếng kẻ thù, lời cuối của sư thúc bỗng chỉ dẫn tôi nên đến đâu lúc này.

Tôi gõ cửa nhà S ở khu Phủ Cam với tâm trạng bồn chồn. S có thể xua đuổi tôi, thậm chí bắt tôi nộp cho Tòa Khâm. Hơn tôi vài tuổi, S từng đối xử với tôi như người anh kết nghĩa. Nhưng chúng tôi xa cách dần khi S cải đạo, du học trường dòng đảo Penang, rồi tuyệt giao từ ngày S về làm thông ngôn Tòa Khâm, còn tôi thành cao thủ đại nội. Như mặt trăng mặt trời. Nhưng đêm nay chỉ nhà S là an toàn cho tôi.

Có lẽ tôi đã quá lo lắng. Anh đón tôi vào nhà, không truy hỏi tình cảnh, và đích thân dọn phòng cho tôi.

Hôm sau tôi thức dậy S đã đi làm, nhà chỉ còn lão bộc.

Khoảng 10 giờ, nghe phu xe gọi hốt hoảng ngoài cổng, tôi và lão bộc chạy ra, thấy S mặt tái xanh lấm tấm mồ hôi, tay chân lẩy bẩy. Chúng tôi dìu anh vào phòng riêng.

Cho người giúp việc ra ngoài, S bảo tôi lấy thanh kiếm Nhật máng trên tường. Tôi làm theo như máy.

Cởi áo bành tô ném xuống sàn, tay phải duỗi trên mặt bàn, chỉ vào bả vai, S bảo: Chỗ này, chém lìa đi, nhanh!

Tôi chần chừ không hiểu.

Bỗng lọ bột màu huyết dụ lăn khỏi miệng túi áo bành tô cạnh chân tôi.

Anh đã…? Tôi buột miệng.

S khẽ gật đầu, nghiến răng chịu đựng đau đớn: Nhân lúc tham gia xếp dọn mớ hỗn độn cậu gây ra ở văn phòng, mình tìm hủy được văn ước rồi, nhưng không thể lộ liễu với cái lọ, đành giấu bột trong tay áo…

Cũng chính anh vẽ sơ đồ?

S lại gật đầu, giọng yếu hẳn: Cao thủ đại nội ơi, cậu biết quá nhiều về Ẩn Diện Thư Sinh rồi đó.

Tôi bật khóc: Anh mới là cao thủ.

Cùng câu nói tự đáy lòng, tôi vung kiếm chém vụt xuống cánh tay đang dẫn độc vào tim S.”

Kể đến đây anh ta ngừng lại, lau nước mắt, nốc cạn ly rượu tôi vừa trân trọng trao tận tay.

“Bây giờ anh ấy ra sao?,” lát sau tôi khẽ hỏi.

“Quá muộn, tôi đã không cứu được S.”

Tôi nhìn tay cao thủ Á Đông lặng lẽ uống rượu như nhìn một cuốn sách chứa đầy bí ẩn.

“Ly nữa nhé?,” tôi phá vỡ im lặng.

“Ông chủ muốn đóng quầy lắm rồi, chúng ta về thôi,” anh ta nhìn quanh khi nói.

“Thì uống tiếp ở phòng tôi.”

Anh ta gật đầu, mỉm cười. Tôi cũng mỉm cười. Chúng tôi rời quầy rượu với một chai nguyên.

Vào cuộc mới, câu chuyện còn ám ảnh, tôi nói: “Phải hiểu tiếng kẻ thù, một phát biểu không mới, nhưng gây ấn tượng mạnh trong tình huống sinh tử như vậy. Giờ thì tôi không còn ngạc nhiên về tiếng Pháp của anh.”

“Cám ơn,” anh ta đáp gọn, trầm ngâm một lúc: “Ngày ấy không thể biết rồi bằng ‘tiếng kẻ thù’ tôi sẽ đọc thơ Guillaume Apollinaire, Louis Aragon…”

Tôi nhấp ngụm rượu, hào hứng góp chuyện: “Cựu hoàng Duy Tân còn được biết đến như một nhà thơ tiếng Pháp.”

Chất men và tình bạn đã mang đến cho tôi món quà bất ngờ. Lần đầu tiên tôi được trực tiếp nghe một người phương Đông độc xướng, lại là bản tiếng Việt bài thơ văn xuôi Variations sur une lyre briée, Biến tấu cây đàn lia gãy vỡ của Duy Tân, giải nhất văn chương Viện Hàn Lâm La Réunion.

Lúc ấy tôi biết giọng trầm nén đau buồn mà dữ dội của kẻ từng một thời tráng sĩ kia sẽ âm vang trong đầu tôi dài lâu.

Sau khoảng lặng bâng khuâng, tôi hỏi: “Anh sang Pháp gặp cựu hoàng?”

“Không. Tôi đi tìm cha…” [qd]

Không có nhận xét nào: