Văn Quang viết từ Sài Gòn - 14.3.201
Cuộc chiến dành lại vỉa hè giữa quan và dân
<!>
Trong thời gian này, tháng 3 năm 2017, ở VN lại rộ lên tin tức chính quyền đang “đòi lại vỉa hè cho người dân” tại Sài Gòn. Hầu như “toàn quân” đều ra quân với lực lượng hùng hậu nhất và những phương tiện phá dỡ lớn nhất, toàn xe cẩu với các “chiến binh dũng cảm” nhất dưới quyền chỉ huy của ngài Đoàn Ngọc Hải Phó chủ tịch UBND quận 1.
Dù có bảng cấm nhưng nhiều tài xế vẫn cho xe đậu trên vỉa hè đường Hải Triều
Đoàn kiểm tra liên ngành quận 1 có mặt trên nhiều con đường để kiểm tra, “xử lý” vi phạm trật tự đô thị.
Tại một khách sạn nằm trên đường Cách Mạng Tháng Tám, đoàn công tác phát hiện có 3 ô tô (dân Sài Gòn gọi xe hơi là ô tô) đậu sai quy định. Trong đó, hai xe vận tải đậu trên lòng đường để bốc xếp hàng. Một chiếc ô tô khác đậu trong nhà chờ của khách sạn, tuy nhiên phần đầu của xe đậu lấn vỉa hè nên Phó chủ tịch quận 1 yêu cầu đoàn lập biên bản “xử lý nghiêm”!
Quán ăn bày kín hè phố
Tiếp đó, đoàn vòng qua tuyến đường Bùi Thị Xuân, đến một cao ốc văn phòng phát hiện một chiếc xe sang hiệu BMW đang đậu lấn chiếm vỉa hè nên lập biên bản và huy động xe cẩu đến kéo đi.
Tại giao lộ Bùi Thị Xuân - Lê Thị Riêng, lực lượng chức năng thấy trụ sở khu phố 1 phường Bến Thành xây dựng lấn chiếm vỉa hè, nhiều ô tô đậu ở cây xăng.
Dù có bảng cấm nhưng nhiều tài xế vẫn cho xe đậu trên vỉa hè đường Hải Triều. Nhiều tài xế viện lý do nhưng đoàn kiểm tra vẫn lập biên bản và cẩu xe đi.
Theo đoàn kiểm tra khu vực vỉa hè cao ốc này có đặt biển báo cấm đậu ô tô song các tài xế vẫn cho đậu và nằm ngủ ngon lành
Khi đoàn kiểm tra đến xử lý, các tài xế chống chế, viện lý do: “Em là tài xế chạy thuê. Em biết đậu xe như vậy là sai. Mong các anh bỏ qua chỉ lập biên bản xử phạt thôi chứ đừng cẩu xe. Em khổ lắm.” Mặc cho anh tài van xin, xe vẫn bị cẩu đi!
Chiều 6 tháng 3, năm bức tượng của khách sạn cao cấp trên phố Nguyễn Huệ đã bị xe cẩu tháo dỡ vì lấn chiếm vỉa hè phố đi bộ.
Trên đường Sương Nguyệt Ánh đoàn lập biên bản nhiều xe ô tô đậu chiếm lấn vỉa hè. Trong đó, chiếc xe sang hiệu Audi A7 bị dán niêm phong, kéo đi bất chấp chủ phương tiện tới nói chuyện “tình cảm.”
Phó chủ tịch UBND quận 1 yêu cầu đoàn xử lý nghiêm không có chuyện “tình cảm” cho qua chuyện. Ngay sau đó xe Audi A7 bị niêm phong, kéo đi.
Chiếc Audi sang là của hoa hậu Thu Hoài. Cô đã nộp phạt 1.6 triệu đồng (gần $70 Mỹ kim).
Hoa hậu Thu Hoài cho biết nhiều năm nay chị vẫn đậu xe trước cơ sở kinh doanh và không có vấn đề gì xảy ra. Chị cho rằng mỗi cửa hàng trên đường Sương Nguyệt Ánh đều có chỗ đậu xe hơi cho từng gia đình kinh doanh. Hoa hậu Thu Hoài sinh năm 1976, là doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực làm đẹp và nhà hàng. Chị kết hôn với một người đàn ông Đài Loan từ khi còn rất trẻ. Sau khi ly hôn, Thu Hoài nhận nuôi cả ba người con.
Một nhà dân có hai con nghê lấn chiếm vỉa hè cũng được ông Hải ra lệnh cho xe tải cẩu đến kéo đi.
Chuyện bắt cóc bỏ đĩa
Những cảnh tượng như thế này diễn ra thường xuyên: Xe phường lướt qua, quán xá người ta thu gom bàn ghế, cốc chén. Rồi xe phường khuất tầm mắt, người ta ào ạt bày ra, còn xênh xang hơn trước. Công an, dân phòng thường xuyên có cảnh giành giật, co kéo với từng gánh hàng rong, nhưng đuổi chỗ này, người ta chạy chỗ khác.
Tài xế năn nỉ xin bỏ qua vì mới đậu xe 5 phút đi uống cà phê nhưng vẫn bị đoàn lập biên bản, cẩu xe đi
Anh công an hay dân phòng nháy nháy cô chủ hàng, “Khi đoàn kiểm tra đi qua thì em dẹp hàng vào trong, anh đi qua rồi thì lại bày ra.” Rốt cuộc, mọi thứ vẫn đâu vào đấy như chẳng có chuyện gì xảy ra.
Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội - nói, qua thống kê 180 các quán bia trên vỉa hè thì có tới hơn 150 quán có công an đứng đằng sau. Do vậy, qua đợt ra quân lần này, nếu các quận, huyện không làm quyết liệt, ông sẽ chỉ rõ lãnh đạo nào đang “chống lưng” cho tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Ông chủ tịch còn nói “có cửa hàng nằm kiểm tra giáp ranh 3 quận, các đoàn xuống cứ đổ cho nhau vì cả 3 ông đều thu tiền.”
Ông Chung biết hết ai “chống lưng,” nói rõ là ai ăn hối lộ, sao không nói huỵch toẹt ra cho người dân được biết? Ông giữ kín làm gì? Có ai trong số người ông biết có phải là COCC (con ông cháu cha) không? Chắc ông chỉ “hù” thôi, COCC toàn là anh em cả ai nỡ phạt anh em nhà.
Tài xế kêu “em khổ lắm” nhưng đoàn kiểm tra vẫn lập biên bản và cẩu xe đi
Chỗ nào nào cũng có bảo kê
Hiện tượng “bảo kê” của các cấp với các cửa hàng là chuyện hàng ngày ở huyện, ai cũng biết, chỉ có mấy ông quan to giả vờ không biết thôi.
Phạt thì cứ phạt, nhưng cứ đúng ngày đúng tháng là có một ông tới thu tiền không hóa đơn, nhất là tại các quán ăn đông người, quán ăn khấm khá.
Chiếc BMW bị cẩu đi trên đường Bùi Thị Xuân
Khi vỉa hè, bãi đỗ xe trái phép được các quan chức nhà nước bảo kê thì vỉa hè cũng là những cỗ máy đẻ ra tiền, âm thầm từng ngày chảy vào két sắt của các vị quan nhỏ quan to.
Nhà nước đã thất thu theo cách như vậy và công chức, cán bộ nhiều cấp đã thoái hóa từ trên xuống dưới rồi. Dân nghèo đã mất tiền “bảo kê” lại còn bị quan hoạnh họe tất nhiên họ phải cãi lại. Có những ông những bà cãi tay đôi với quan rất hăng. Lúc đó ông với tôi cũng chỉ như nhau thôi, ông quát tháo thì tôi cũng cóc sợ.
Một thứ tập quán của người dân
Thật ra tại Hà Nội và Sài Gòn, không chỉ vài người bán hàng rong mà hầu khắp các đường phố tấp nập đều có các cửa hàng thi nhau chiếm dụng vỉa hè. Họ đều có địa chỉ, kể cả một bà bán xôi cũng có thể truy lùng qua chứng nhân dân. Nhưng tất cả các quận huyện ở hai thành phố trên không nơi nào quản lý được một cách chính thức vụ chiếm vỉa hè này. Nhà nước không thu được một xu tiền thuế nào, thậm chí còn phải tốn tiền, tốn nhân lực cho những đợt dẹp trật tự cũng là tiền đóng mọi thứ thuế phí của dân thôi.
Chuyện ầm ỹ như có giặc đến tấn công, báo nào cũng đăng với những hàng tít vơ đét và những hình ảnh rất ghê rợn. Toàn những chiếc xe cẩu kềnh càng và những “chiến binh” to như những ông hộ pháp và ngài chỉ huy “hét ra lửa mửa ra khói” bứng tuốt hết những gì lòi ra vỉa hè.
Tại Hà Nội và Sài Gòn, không chỉ vài người bán hàng rong mà hầu khắp các đường phố tấp nập đều có các cửa hàng thi nhau chiếm dụng vỉa hè. Đó là tập quán của người bình dân ở VN, thích ngồi ăn ở vỉa hè cho mát và tiện trông coi xe và hàng hóa của mình, không mất tiền gửi xe.
Tâm sự của một người dân
Một người dân sống ở Sài Gòn 40 năm tâm sự rằng, thành phố làm rất nhiều việc nhưng đáng buồn là cái việc lớn nhất của một thành phố trên 10 triệu dân là quy hoạch và quản lý thì lại không làm nổi.
Chuyện quy hoạch đô thị, vốn gắn chặt với nỗi khổ ngập lụt và ách tắc giao thông thường trực của thành phố, đã được nói tới quá nhiều. Nhưng ngay cả trong cái quy hoạch đang phải tạm chấp nhận ấy, sự quản lý cũng không nổi.
Ở quận 3 với các công thự, biệt thự, đình chùa thâm nghiêm - trông cũng chẳng khác nào phố ẩm thực. Xung quanh chùa Xá Lợi nay thành hàng quán ăn nhậu suốt đêm ầm ĩ. Con đường Phạm Văn Đồng hiện đại giá trị hàng tỷ USD cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nay tràn ngập quán nhậu, xe cộ để tràn lan.
Ông già ấy than phiền rằng giao việc quản lý vỉa hè cho phường là một sai lầm cực lớn, vì ở cái nơi “khuất mắt trông coi” ấy nó hoàn toàn có thể trở thành nguồn lợi của nhiều người.
Việc lấn chiếm vỉa hè gây phẫn nộ cao độ vì chúng không chỉ là các hành vi tự phát, mà còn nhuốm màu lợi ích. Một mét vỉa hè Sài Gòn là một mét vàng và đều có những “ông chủ tàng hình.” Ông chủ tàng hình đó là ai?
Chủ tịch phường và cảnh sát khu vực ở đâu?
Điều quái lạ là khi ông Phó chủ tịch UBND quận 1 làm rất hăng thì chẳng thấy ông chủ tịch phường và anh cảnh sát khu vực nào ở đó. Có lẽ họ tránh mặt vì đã lỡ tay nhúng chàm rồi nên làm những “ông chủ tàng hình” cho yên thân.
Bạn đọc Lý Lèo phẫn nộ: “Chả thấy trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu cả. Một mình ông Hải làm được gì nếu mấy ông cán bộ phường, đứng đầu là ông chủ tịch phường cứ làm việc theo kiểu không nghe, không thấy, không biết như thế. Vô trách nhiệm, không phối hợp đồng bộ thì có một ngàn cán bộ như ông Hải cũng không thể lập lại trật tự, không thể lấy lại sự thông thoáng vỉa hè cho người đi bộ.”
Mấy người chiếm vỉa hè là ai?
Dân chiếm vỉa hè thường là mấy bác ở nhà quê, mùa màng thất bát, cơm không đủ ăn nên họ phải chui ra thành phố, không có một đồng xu vốn liếng, không có tiền thuê một chỗ trong chợ. Mấy ông “hoa chi” thu tiền chợ hàng ngày, lấy tiền đâu mà trả, không trả thì dù chỉ có cái thúng cái mẹt cũ bày mấy củ khoai, mấy cành hoa cũng bị tịch thu. Thấy bóng dáng mấy ông dân phòng hay cảnh sát là ôm đồ chạy thục mạng, vài món đồ nghèo nàn rơi vãi lung tung, thế là lại trắng tay, về nhà ăn cơm muối. Nếu bị bắt đưa về trụ sở Ủy Ban Nhân Dân ngồi dài người ra. Quan muốn hỏi lúc nào thì hỏi, không thì “cứ đợi đấy.”
Đó là nỗi khổ của người dân Sài Gòn ngày nay.
Văn Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét