Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 16 tháng 3, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Năm 16/3 - Lê Minh Nguyên


Úc khuyên ASEAN lấy phán quyết Biển Đông làm cơ sở cho bộ ‘quy tắc ứng xử’ Hôm thứ Năm, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop nói Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nên sử dụng phán quyết của tòa án quốc tế, vốn bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết Biển Đông, để làm cơ sở cho bộ quy tắc ứng xử.<!>
Ngoại trưởng Bishop nói Úc không ngả về bên nào trong những tranh chấp Biển Đông, nhưng muốn thấy tình trạng căng thẳng tại đây giảm xuống. Bà lặp lại lập trường của Úc phản đối việc Trung Quốc quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Trung Quốc và 10 thành viên ASEAN đã thảo luận trong gần 15 năm về một bộ quy tắc nhằm tránh xung đột giữa các bên tranh chấp ở Biển Đông.

Phát biểu tại một diễn đàn, bà Bishop nói: “Tòa trọng tài đã đưa ra một số khuyến nghị và kết luận rất rõ ràng, những khuyến nghị đó có thể dùng làm nền tảng cho bộ quy tắc ứng xử”.
Bà cho biết: “Sẽ có một cuộc thảo luận để chốt một bộ khung với phía Trung Quốc trong năm nay, tôi sẽ thúc giục các lãnh đạo ASEAN và Philippines tiến xa hơn để hoàn tất một bộ quy tắc ứng xử càng sớm càng tốt”.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, một vùng biển giàu năng lượng và có lưu lượng thương mại hàng hải thông qua hàng năm trị giá khoảng 5 nghìn tỷ đôla. Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền trên vùng biển này.
Căng thẳng ở Biển Đông đã lên tới đỉnh điểm sau khi Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài ở La Haye, khi Trung Quốc bắt đầu quân sự hóa các đảo nhân tạo mà họ xây trên các bãi đá ở Biển Đông.

Hồi năm ngoái, Tòa án ra phán quyết có lợi cho Manila. Nhưng việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đắc cử đã dẫn đến sự đảo ngược hoàn toàn chính sách của nước này.
Ông Duterte nhiều lần nói ông muốn tránh đối đầu với Trung Quốc và thấy không cần thiết phải ép Trung Quốc tuân thủ phán quyết trên.

Bà Bishop nói khối ASEAN nên “nhận ra sức mạnh của mình khi cùng chung tiếng nói và không nên lùi bước nếu tin rằng lập trường đang theo đuổi phục vụ các lợi ích của khối, và đừng sợ hãi lùi bước vì lo ngại những điều có thể xảy ra”.
Các tuyên bố bày tỏ quan tâm của ASEAN thường tránh đề cập đến Trung Quốc. Các thành viên của ASEAN, ở nhiều mức độ, đều cần Trung Quốc trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và du lịch nên thường tránh làm phật lòng Bắc Kinh. - VOA

2.
Trung Quốc thề sẽ mạnh tay nếu Nhật can thiệp Biển Đông --- Nghị sĩ Mỹ giới thiệu dự luật trừng phạt Trung Quốc gây hấn trên biển Đông

Hôm thứ Năm, Trung Quốc thề sẽ phản ứng mạnh nếu Nhật Bản cố tình gây rắc rối ở Biển Đông, sau khi Reuters đưa tin về kế hoạch của Nhật đưa chiến hạm lớn nhất tới vùng biển tranh chấp.
Các nguồn tin cho Reuters hay hàng không mẫu hạm trực thăng Izumo, mới được trang bị cho Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản cách đây hai năm, sẽ dừng tại Singapore, Indonesia, Philippines và Sri Lanka trước khi tham gia cuộc tập trận hải quân chung Malabar với các tàu hải quân Ấn Độ và Mỹ ở Ấn Độ Dương vào tháng 7.

Chuyến đi được xem là cuộc biểu dương lực lượng hải quân lớn nhất của Nhật Bản trong khu vực kể từ Đệ nhị thế Chiến.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: “Nếu Nhật vẫn tiếp tục hành động sai trái và thậm chí nghĩ đến chuyện can thiệp quân sự, đe doạ chủ quyền và an ninh của Trung Quốc... thì Trung Quốc chắc chắn sẽ có những biện pháp đáp trả mạnh”.

Hôm thứ Ba, Trung Quốc nói nước này đang chờ tuyên bố chính thức giải thích lý do tại sao Nhật có ý định đưa tàu chiến tham gia chuyến đi ngang qua Biển Đông. Bắc Kinh nói họ hy vọng Nhật Bản sẽ tỏ ra có trách nhiệm trong việc này.
Hôm thứ Năm, bà Hoa không cho biết liệu Trung Quốc đã được xác nhận về kế hoạch của Nhật Bản hay chưa, nhưng bà nói vấn đề Biển Đông không có liên quan gì tới Nhật Bản. Người phát ngôn của Trung Quốc nói Nhật nên “suy gẫm kỹ” về cuộc xâm lăng tệ hại của họ đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong quá khứ.

Trong Thế chiến thứ Hai, Nhật Bản kiểm soát các quần đảo này cho tới khi đầu hàng vào năm 1945.
Việc tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ các vùng biển tranh chấp và sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc đã gây ra mối quan ngại ở Nhật Bản và phương Tây. Hoa Kỳ thường xuyên tổ chức các cuộc tuần tra trên biển và trên không trong khu vực nhằm khẳng định tự do hàng hải.

Đài Loan, Malaysia, Việt Nam, Philippines và Brunei đều tuyên bố chủ quyền tại vùng biển có giàu trữ lượng cá, dầu mỏ và khí đốt, nơi có lưu lượng thương mại hàng hải toàn cầu thông qua hàng năm lên đến khoảng 5 nghìn tỷ đôla.
Nhật Bản không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông.
Trung Quốc cho rằng tranh chấp nên được giải quyết mà không có sự can thiệp từ các bên không liên quan.

Kể từ năm 2010, Bắc Kinh đã thảo luận với 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đồng ý thiết lập một bộ quy tắc nhằm tránh xung đột ở Biển Đông.
Phát biểu tại cuộc họp báo vào cuối buổi họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc hôm thứ Tư, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói Trung Quốc hy vọng sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử nhằm duy trì sự ổn định. - VOA

***
Hai nghị sĩ quốc hội Mỹ hôm 16/3 đưa ra dự luật nhằm chế tài Trung Quốc về các hành động trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Dự luật do Thượng nghị sĩ Marco Rubio của đảng Cộng hòa và Ben Cardin của đảng Dân chủ đề xuất, sẽ trừng phạt các cá nhân và thực thể Trung Quốc tham gia các hoạt động bất hợp pháp của Bắc Kinh trên 2 vùng biển này.

Trong thông cáo báo chí ra ngày 15/3, ông Rubio, thành viên cao cấp của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và Tiểu ban Đông Á-Thái Bình Dương của Thượng viện nói: “Hành động bất hợp pháp của Trung Quốc trên biển Đông đe dọa an ninh và thương mại khu vực. Những vụ vi phạm trắng trợn các tiêu chuẩn quốc tế đang diễn ra và không thể được bỏ qua, và các biện pháp trừng phạt được ghi trong luật này là một cảnh báo đối với Bắc Kinh rằng Hoa Kỳ thật sự nghiêm túc và có ý định buộc những người vi phạm phải chịu trách nhiệm về hành động của mình."
Thượng nghị sĩ Cardin, thành viên của Ủy ban Đối ngoại thượng viện, nói trong thông cáo báo chí do Văn phòng của thượng nghị sỹ Rubio đưa ra: “Trong những năm gần đây, chúng ta đã thấy một Trung Quốc ngày càng gây hấn hơn trên biển, trấn áp và đe dọa các nước láng giềng ở cả Biển Hoa Đông lẫn Biển Đông, đồng thời sử dụng mối đe dọa về sức mạnh quân sự để giải quyết các vụ tranh chấp lãnh thổ và khu vực, Trung Quốc còn thực hiện chiến dịch rầm rộ xây đảo và quân sự hóa các đảo này, đe dọa sự ổn định trong khu vực.”

Thượng nghị sĩ Cardin đại diện bang Maryland kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ “phải minh bạch về các lợi ích quốc gia lâu dài của chúng ta trong các hoạt động tự do thương mại, tự do hàng hải và giải quyết hòa bình những vụ tranh chấp qua ngã ngoại giao, phù hợp với luật pháp quốc tế. Làm như thế nào để bảo vệ các lợi ích quốc gia và lợi ích của các đồng minh và đối tác của chúng ta hầu duy trì một nền trật tự dựa trên luật pháp cho khu vực Châu Á Thái Bình Dương.”

Ông Cardin nói thêm rằng luật này cung cấp những công cụ và sự lựa chọn mới cho các chính sách của Mỹ trong khu vực và ông lấy làm “vui mừng được cùng Thượng nghị sĩ Rubio tham gia vào nỗ lực này."
Reuters hôm 16/3 tường thuật rằng Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng các công trình mới trong Biển Đông, dựa trên những hình ảnh vệ tinh mới. Đây là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang tiếp tục củng cố khả năng quân sự trên tuyến hàng hải thương mại vô cùng quan trọng này.

Đạo luật trừng phạt Biển Đông và Biển Hoa Đông của Hoa Kỳ, nếu được thông qua sẽ:

• Buộc Tổng thống áp đặt các biện pháp trừng phạt và cấm nhập cảnh đối với các cá nhân và thực thể Trung Quốc tham gia các dự án xây dựng và phát triển trên các vùng biển liên hệ, cũng như những người đe doạ đến hòa bình, an ninh hoặc sự ổn định trên Biển Đông (SCS) hoặc Biển Hoa Đông (ECS);

• Áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các tổ chức tài chính nước ngoài cố ý tiến hành hoặc tạo điều kiện cho một giao dịch tài chính lớn cho các cá nhân và tổ chức bị xử phạt, trong trường hợp Trung Quốc thực hiện một số hành động nhất định trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, kể cả tuyên bố một khu nhận dạng phòng không hoặc tăng cường hoạt động trên bãi cạn Scarborough;


• Lập hồ sơ về các cá nhân và tổ chức tham gia các hoạt động đáng bị trừng phạt, kể cả nhân viên làm việc cho một số công ty Trung Quốc;

• Cấm xuất bản các tài liệu mô tả Biển Đông hoặc Biển Hoa Đông như là một phần thuộc Trung Quốc, các dự án đầu tư vào Biển Đông hay Biển Hoa Đông, hay công nhận việc sáp nhập Biển Đông hoặc Biển Hoa Đông; 
• Hạn chế viện trợ nước ngoài cho các nước công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông hoặc Biển Hoa Đông.


Thượng nghị sĩ Rubio, hiện là chủ tịch Ủy ban Hành pháp Quốc hội về vấn đề Trung Quốc (CECC), đã đưa ra một phiên bản của dự luật này vào tháng 12 vừa qua. - VOA

3.
Tillerson: Cần có cách tiếp cận khác đối với Bắc Triều Tiên

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson sẽ gặp các nhà lãnh đạo ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc để thảo luận về cách xử lý những mối nguy hạt nhân và tên lửa từ Bắc Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ nói "rõ ràng là cần có một cách tiếp cận khác" sau 20 năm nỗ lực ngoại giao thất bại để thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Phát biểu hôm thứ 5 tại Tokyo về chuyến công du đầu tiên của ông tới châu Á trong cương vị nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ, ông Tillerson cho biết lý do ông đến khu vực là để trao đổi quan điểm với Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc về những phương thức khác để tiến tới phía trước.

Phát biểu tại một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, Ngoại trưởng Mỹ nói rằng "Bắc Triều Tiên và nhân dân nước này không có gì phải sợ Hoa Kỳ hoặc các nước láng giềng trong khu vực vì những nước này chỉ muốn sống trong hòa bình với Bắc Triều Tiên. Vì vậy, Hoa Kỳ kêu gọi Bắc Triều Tiên từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo và kiềm chế những hành động khiêu khích hơn nữa."
Ngoại trưởng Tillerson tái khẳng định cam kết của Mỹ bảo vệ Nhật Bản và các đồng minh khác vẫn "trước sau như một".

Ông Tillerson sẽ tới Hàn Quốc vào thứ 6 và sau đó dừng chân tại Trung Quốc, nơi chương trình nghị sự của ông bao gồm một cuộc họp với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ hôm thứ 5 cho biết Trung Quốc đóng một vai trò rất quan trọng trong nỗ lực khuyến khích Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và ông đã khuyến khích Trung Quốc thực thi đầy đủ các biện pháp chế tài của LHQ nhằm gây áp lực lên chính phủ Triều Tiên.

Ông Tillerson nói: "Chúng tôi sẽ thảo luận với Trung Quốc về những hành động khác nữa mà chúng tôi tin họ có thể cân nhắc để áp dụng nhằm thuyết phục Bắc Triều Tiên để họ có một thái độ khác về sự cần thiết phải có vũ khí hạt nhân trong tương lai.”
Là nơi quân đội Hoa Kỳ trú đóng và nằm trong tầm bắn của tên lửa Bắc Triều Tiên, Nhật Bản và Hàn Quốc ủng hộ các nỗ lực của Hoa Kỳ để tăng áp lực ngoại giao và kinh tế đối với Bắc Triều Tiên. Một thông báo của Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ cho biết 3 đồng minh đã tiến hành các cuộc tập trận hôm thứ 4 trên biển phía đông bán đảo Triều Tiên và phía bắc của Nhật Bản để củng cố khả năng tương tác.

Các cuộc hội đàm giữa ngoại trưởng Tillerson với chủ tịch Trung Quốc sẽ là nền tảng cho một hội nghị thượng đỉnh giữa ông Tập và Tổng thống Mỹ Donald Trump, dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 4 ở Florida.
Chỉ có một phóng viên duy nhất đi cùng với ông Tillerson sang Châu Á, thay vì một nhóm nhà báo từ các cơ quan truyền thông mà theo truyền thống luôn luôn tháp tùng bộ trưởng Ngoại giao.

Phóng viên Erin McPike của trang web Journal Review có xu hướng bảo thủ, đã được chọn để tháp tùng ông Tillerson trong chuyến công du này. Bị các nhà báo chất vấn hôm thứ 4, quyền phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Mark Toner nói phóng viên McPike đã được một nhóm người làm quyết định chọn trong một nỗ lực nhằm "tìm kiếm các phương pháp tiếp cận khác để tường trình về chuyến công du của ngoại trưởng".

Ông Toner trấn an các nhà báo rằng giới truyền thông sẽ " dễ dàng tiếp cận" ngoại trưởng Tillerson. Ông nói 23 nhà báo, trong đó có 17 người Mỹ, sẽ được tiếp xúc với ông Tillerson vào những thời điểm nhất định dành cho truyền thông.
Nhưng được hỏi liệu phóng viên McPike có sẽ được gặp ông Tillerson trong khi các phóng viên khác không được gặp? Ông Toner không trả lời dứt khoát.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ban đầu giải thích rằng ngoại trưởng Tillerson sẽ không có nhà báo đi cùng vì máy bay đưa ông sang châu Á quá nhỏ. Cuối cùng ông đã đi bằng máy bay Boeing 737, có đủ chỗ cho một nhóm phóng viên của một số hãng tin như thường lệ và các nhà báo này được yêu cầu tự trang trải chi phí du hành. - VOA
|
|

4.
Tin nói Mỹ sắp bán thêm vũ khí cho Đài Loan

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump sắp loan báo bán thêm võ khí cho Đài Loan.
Thông tấn xã trung ương của Đài Loan ngày 15/3 dẫn một bài viết trên trang mạng của Washington Free Bacon trích tin từ các giới chức chính quyền biết về các cuộc thảo luận nội bộ liên quan đến thương vụ mua bán vũ khí cho biết chính quyền ông Trump “đang chuẩn bị cung cấp thêm vũ khí tự vệ tốt hơn cho Đài Loan.”

“Tuy nhiên, gói vũ khí này sẽ không được công bố cho đến sau khi ông Trump gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng tới,” nguồn tin này cho hay.
Tin này được đưa ra sau khi chính quyền Obama hồi tháng 12 năm ngoái ngăn thương vụ 1 tỉ đô la vũ khí cho Đài Loan. Số vũ khí này cần để tăng tiến khả năng phòng vệ của Đài Loan và đã được Bộ Ngoại giao và Ngũ Giác Đài chấp thuận, theo nguồn tin vừa kể.

Được hỏi về khả năng bán thêm các loại vũ khí mới cho Đài Loan, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài Gary Ross từ chối bình luận, theo tờ Washington Free Beacon. Tuy nhiên, ông Ross nhận định việc Hoa Kỳ bán vũ khí đã góp phần ổn định tại eo biển Đài Loan bằng cách giúp Đài Loan sự tự tin cần thiết để theo đuổi những tương tác xây dựng với Bắc Kinh.
Trong khi đó, báo New York Times ngày 13 tháng 3 cũng loan tin là chính phủ ông Trump dự kiến “bán cho Đài Loan nhiều loại vũ khí, một hành động chắc chắn làm Trung Quốc nổi giận.”

Các tin tức này xuất hiện trước chuyến thăm châu Á đầu tiên của tân Ngoại trưởng Mỹ, Rex Tillerson. Ông Tillerson sẽ đến Tokyo, Seoul và Bắc Kinh cuối tuần này.
Báo Washington Free Beacon cho biết Đài Loan sẽ là đề tài chính trong cuộc thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Tập, cũng như trong chuyến công du Trung Quốc của ông Tillerson. - VOA

5.
Châu Á trông chờ Trung Quốc kéo tăng trưởng cho khu vực

Trong lúc chưa thấy rõ định hướng chính sách kinh tế của Mỹ, các nền kinh tế Ðông Nam Á dường như bớt trông đợi vào những chính sách tiền tệ của Mỹ. Các nhà phân tích nhận định rằng ảnh hưởng của Trung Quốc tiếp tục mở rộng trong khu vực. 
Hôm thứ Năm 16/3, trong một dấu hiệu cho thấy nền tài chánh của khu vực châu Á trở nên độc lập hơn giữa lúc hầu hết các thi trường trong khu vực không bị kéo theo bởi quyết định tăng lãi suất lên 0,25% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Nhưng Trung Quốc, Hồng Kông và Singapore cũng tăng lãi suất lên.

Các nhà phân tích của viện nghiên cứu kinh tế Capital Economics ở London nói rằng đối với hầu kết các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, chính sách lãi suất được quyết định dựa trên những yếu tố trong nước hơn là hành động của ngân hàng trung ương Mỹ.
Ảnh hưởng của Bắc Kinh ngày càng tăng trong lúc các nền kinh tế châu Á đẩy mạnh trao đổi thương mại với Trung Quốc. Sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực nổi bật sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi đầu năm nay, theo quyết định của Tổng thống Donald Trump.

TPP trước đó là một diễn đàn chính sách then chốt của kế hoạch xoay trục sang châu Á để mở rộng tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực dười thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Kinh tế gia Thái Lan Somphob Manarangsan nói chính sách “Một vành đai, một con đường” của Bắc Kinh nhằm củng cố những liên hệ với nền kinh tế đang phát triển của Trung Quốc sẽ đẩy nhanh đà hội nhập kinh tế trong khu vực.

Ông Somphob nói: "Từ nay Trung Quốc có thể tích cực mở rộng hoạt động trong khu vực Ðông Nam Á. Như chúng ta đều biết kinh tế Trung Quốc dựa vào hoạt động sản xuất ổn định vững mạnh, do đó Trung Quốc phải có sự tương tác lớn hơn trong dây chuyền cung ứng và trong chuỗi giá trị, và có thể thay thế thị trường Mỹ ngày càng trở nên không chắc chắn."

Nhà kinh tế Thái Lan nhận định rằng trong lúc ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đang mở rộng trong khu vực, ảnh hưởng chính trị và xã hội của Bắc Kinh cũng tăng theo.
Tình trạng bất định trong chính sách kinh tế của Mỹ đối với khu vực châu Á, nhất là trong lãnh vực thương mại sau những phát biểu của Tổng thống Trump trong cuộc vận động tranh cử -- rằng Mỹ sẽ có lập trường cứng rắn hơn liên quan tới các trao đổi thương mại với Trung Quốc, ông còn tố cáo Trung Quốc là “thao túng tiền tệ.”

Ông Somphob nói chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ rốt cuộc sẽ đẩy các nước châu Á vào một cuộc đấu tranh khó khăn khi bất cứ bất đồng lớn nào trong các quan hệ song phương với Trung Quốc sẽ có tác động đáng kể trên toàn khu vực.
Kinh tế gia này nhận định: "Tình trạng này khá nghiêm trọng. Như chúng ta đều biết Trung Quốc là một nhà cung ứng quan trọng trong khu vực. Điều đó sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến nền kinh tế của các nước ASEAN, và cũng ảnh hưởng đến cả Nhật Bản và Hàn Quốc."

Quan hệ thương mại của Ðông Nam Á với Trung Quốc gia tăng trong thập niên qua, nhất là hàng hóa bán vào Trung Quốc, để rồi sau đó xuất khẩu ra các thị trường lớn của thế giới, như thị trường Mỹ.
Kinh tế gia kỳ cựu Cyn-Young Park của Ngân hàn Phát triển Á châu (ADB) nhận định rằng tăng trưởng kinh tế của của các nền kinh tế mới nổi ở Ðông Nam Á trong thời gian qua đã “chịu tác động bởi tăng trưởng bùng nổ của kinh tế Trung Quốc.”

Sự dịch chuyển trong vai trò của thị trường Mỹ là một bằng chứng, đó là xuất khẩu của Ðông Nam Á vào Mỹ giảm từ 50% tổng lượng xuất khẩu vào những năm 1990 xuống mức dưới 29% như hiện nay.
Nhưng kinh tế gia Park cũng cảnh báo rằng bất cứ một cú sốc nào trong nền kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế trong khu vực.

Ông Park nói: "Nền kinh tế mới nổi của Đông Á ít nhiều đã hòa nhập với kinh tế toàn cầu, và do đó một cú sốc của kinh tế toàn cầu, cho dù là trong lãnh vực thương mại hay tài chánh trên các thị trường thế giới, sẽ tác động lớn hơn đối với khu vực này."
Bà Pavida Pananond, giáo sư kinh tế tại Đại học Thammasat ở Bangkok, nói rằng tăng trưởng kinh tế ổn định trong mấy thập niên qua đã củng cố các nền kinh tế nhờ sự gia tăng của tầng lớp trung lưu.

Bà Pavida nói: "Và đó là lý do tại sao sự chú ý chuyển sang việc hội nhập kinh tế trong khu vực châu Á, hay sự tập trung vào khu vực, không chỉ vì các chính sách của ông Trump, nhưng là những thay đổi lớn trong siêu cường kinh tế đã diễn ra trong vài thập niên qua."
Sức mua của người tiêu dùng tăng mạnh tại châu Á đang giữ một vai trò quan trọng. Trung Quốc đang tăng trưởng. Trung Quốc đang trở thành một nơi xuất phát và điểm đến quan trọng cho thương mại và đầu tư của các nước ASEAN.

Ngân hàng Thế giới cảnh báo các nền kinh tế trong khu vực về “sự không rõ ràng trong chính sách của các nền kinh tế phát triển đang nổi lên” nhất là châu Âu và Mỹ đang tỏ ra ủng hộ chính sách bảo hộ mậu dịch.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới nói: “Quan điểm chính trị chống thương mại tự do đang tăng mạnh đã góp phần làm tăng các hạn chế thương mại sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008.”

“Các đối tác kinh tế quan trọng áp dụng các rào cản thương mại sẽ gây ảnh hưởng không tương xứng đến các nền kinh tế tương đối mở ở châu Á-Thái Bình Dương.”
Ngân hàng này nói thêm rằng “tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại nhiều hơn dự đoán sẽ ảnh hưởng lớn trên toàn khu vực.”

Nhưng các chuyên gia ở viện nghiên cứu Capital Economics nhận xét rằng tân chính quyền Mỹ hình như tỏ ra ít muốn đối đầu về thương mại với Trung Quốc hơn là những gì dư luận lo ngại.
Kinh tế gia Gareth Leather của Capital Economics nhận định: "Mối đe dọa được gọi Trung Quốc thao túng chỉ tệ trong ngày đầu nhậm chức của Tổng thống Trump đã không biến thành hiện thực, chuyện nâng hàng rào thuế quan cũng bị lãng quên, trong khi sự chú ý hiện nay tập trung vào vấn đề an ninh biên giới và điều chỉnh thuế doanh nghiệp." - VOA

6.
Pháp: Tám người bị thương trong vụ xả súng tại trường học ở Grasse

Chính phủ Pháp vừa ra lệnh báo động khủng bố sau khi xẩy ra một vụ xả súng vào giữa ngày hôm nay, 16/03/2017, tại trường trung học Tocqueville, thành phố Grasse, vùng Alpes-Maritimes, miền nam nước Pháp. Trong vụ này, 8 người bị thương nhẹ, trong đó có hiệu trưởng của trường.
Lãnh đạo ngành giáo dục thành phố Nice thông báo trên Twitter : « Tất cả các trường học ở Grasse đều đã đóng cửa ». Quan chức này cũng đã kêu gọi các bậc phụ huynh học sinh giữ bình tĩnh, và không nên tới gần các trường học. Ông trấn an là « các học sinh đều vẫn an toàn ».

Reuters cho biết là một học sinh 17 tuổi - có mang theo vũ khí - đã bị cảnh sát thẩm vấn. Một khẩu súng trường, hai khẩu súng ngắn, hai quả lựu đạn … Đó là một vài trong số nhiều vũ khí mà học sinh này mang theo người khi bị cảnh sát bắt. Theo các thông tin ban đầu từ các điều tra viên, nghi phạm đã hành động một mình.
Một bưu kiện có chất nổ đã phát nổ tại trụ sở Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế

Cũng trong ngày hôm nay, một bưu kiện có cài chất nổ đã được gửi tới Văn phòng đại diện của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế -IMF tại Paris. Bưu kiện phát nổ đã khiến một trợ lý giám đốc bị thương ở mặt và thủng màng nhĩ.

Cảnh sát trưởng Paris, Michel Cadot, giải thích với đài RFI : « đó hoặc là một quả pháo lớn, hoặc là một vật gì đó được chế tạo một cách thủ công. Nhưng không phải là bom ». Bbưu kiện phát nổ khi được mở ra trong phòng thư ký ban lãnh đạo nên chỉ gây ra các hư hại trong căn phòng này.
Reuters cho biết là đơn vị chống khủng bố của Viện Công Tố Paris đã mở một cuộc điều tra về âm mưu ám sát và phá hủy bằng thuốc nổ có liên quan tới khủng bố.
Tổng thống Pháp François Hollande gọi đây là « một vụ khủng bố ». Ông tuyên bố nhà chức trách Pháp sẽ truy tìm đến cùng nguyên nhân và thủ phạm gây ra vụ nổ. Còn Thủ tướng Pháp Bernard Cazeneuve ngay lập tức đã ngưng chuyến thăm tại Somme và khẩn cấp đáp trực thăng quay về Paris. - RFI

7.
Trung Quốc gia tăng đòn hiểm để chống lá chắn THAAD ở Hàn Quốc

Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 13/03/2017, một viên tướng Trung Quốc hồi hưu vừa khẳng định rằng Quân Đội Trung Quốc sẽ triển khai hệ thống phá sóng radar của Mỹ ngay trước lúc Hoa Kỳ thiết lập xong lá chắn chống tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Vế đáp trả về quân sự này được tiết lộ vào lúc Bắc Kinh không ngần ngại gia tăng những thủ đoạn hiểm độc, đặc biệt là về kinh tế, nhằm ép Seoul hủy bỏ việc cho Mỹ bố trí tại Hàn Quốc hệ thống chống tên lửa Bắc Triều Tiên.
Đối với Mỹ và Hàn Quốc, lá chắn chống tên lửa THAAD rất cần thiết để bảo vệ Hàn Quốc chống mối đe dọa Bắc Triều Tiên, thế nhưng Bắc Kinh lại cho rằng hệ thống đó có thể nhìn thấu qua màng lưới phòng thủ của Trung Quốc.

Theo tiết lộ của tướng Vương Hồng Quang (Wang Hongguang), nguyên phó tư lệnh Quân Khu Nam Kinh của Trung Quốc, thì quân đội Trung Quốc sẽ triển khai các thiết bị chống radar của mình trước khi mà Hàn Quốc triển khai xong lá chắn của Mỹ.

Với việc các linh kiện đầu tiên của hệ thống THAAD đã đến Hàn Quốc vào tuần qua, Trung Quốc phải « tiên hạ thủ vi cường » vì biết rõ là không thể ngăn được tiến trình lắp đặt hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ tại Hàn Quốc, và cũng không thể chờ đợi cơ may là tổng thống sắp tới đây ở Hàn Quốc thay đổi đường lối và ngưng việc triển khai THAAD.
Đối với tướng Vương Hồng Quang, Trung Quốc đã có những biện pháp để vô hiệu hóa radar của THAAD và sẽ hoàn tất việc triển khai các biện pháp này trước khi hệ thống THAAD ở Hàn Quốc đi vào hoạt động.

Bên lề khóa họp Quốc Hội Trung Quốc tại Bắc Kinh, viên tướng này khẳng định : « Không cần phải đợi hai tháng nữa – tức trước khi bầu cử tổng thống mới Hàn Quốc - Trung Quốc đã có sẵn những thiết bị cần thiết, chỉ cần đưa đến đúng địa điểm mà thôi ».
Nhạc Cương (Yue Gang), một cựu đại tá và bình luận gia quân sự cho là Trung Quốc có khả năng phá hủy hoặc vô hiệu hóa hệ thống radar của màng lưới THAAD. Theo nhân vật này, việc phá hủy chỉ có thể xẩy ra khi hai bên có chiến tranh, do vậy hiện nay, lựa chọn của Trung Quốc là tác động đến hoạt động của lá chắn qua công nghệ điện từ. Và theo ông Nhạc Cương, nơi lý tưởng để đặt các thiết bị điện từ là bán đảo Sơn Đông đối diện với Hàn Quốc.

Theo Phó Tiền Tiêu (Fu Qianshao), một chuyên gia về thiết bị không quân, thì Trung Quốc có thể cho máy bay- có người lái hay không - bay sát nơi đặt hệ thống THAAD để làm nhiễu sóng radar. Tất cả các lực lượng quân sự Trung Quốc đều có thể làm việc này.
Về phần mình, tướng Vương Hồng Quang cho rằng mối quan ngại chủ yếu của Trung Quốc không phải chỉ có việc hệ thống THAAD được bố trí ở Hàn Quốc, mà còn là việc Mỹ mở rộng phạm vi, đặt khu vực trong một mạng lưới hệ thống lá chắn tên lửa tinh vi ở Nhật Bản, Singapore, Philippines và có thể cả ở Đài Loan.

Hệ thống THAAD bao gồm radar tinh vi và tên lửa đánh chặn hỏa tiễn có khả năng định vị và phá hủy hỏa tiễn đạn đạo được phóng đến.
Biện pháp bóp nghẹt Hàn Quốc bằng kinh tế

Cùng với biện pháp quân sự, Trung Quốc còn sử dụng biện pháp cố hữu : kinh tế.
Theo trang mạng Hàn Quốc Korea Bizwire, cũng vào ngày 13/03, việc trả đũa kinh tế liên quan đến THAAD không có dấu hiệu thuyên giảm, mà trái lại, còn tăng, với các thông tin cho biết là chính quyền Trung Quốc càng lúc càng đánh vào nhiều tập đoàn Hàn Quốc hơn, kể cả những cơ sở kinh doanh tư nhân.

Với tiến trình triển khai lá chắn tăng tốc, thì các hành vi trả đũa nhắm vào giới kinh doanh Hàn Quốc cũng tăng tốc theo. Một ví dụ điển hình là tập đoàn Lotte của Hàn Quốc. Vì là hãng đã cung cấp mặt bằng cho việc đặt lá chắn, Lotte đã phải gánh chịu hậu quả vô cùng nặng nề.
Thế nhưng không chỉ có Lotte, mà hầu như tất cả các doanh nghiệp Hàn Quốc đã bị một môi trường thù nghịch bao trùm.

Vào tuần qua, một văn phòng của một hãng truyền thông Hàn Quốc đã bị Ủy Ban Quản Lý và Giám Sát Tài Sản của Trung Quốc bất ngờ thanh tra về mặt an toàn. Bình thường ra, cơ quan này không quản lý các công ty tư nhân.
Ngoài ra, còn có việc khuyến khích dân chúng tẩy chay hàng hóa Hàn Quốc. Một chỉ thị đã được chính quyền gởi đến các trường học ở Bắc Kinh thúc giục học sinh không mua sản phẩm, dịch vụ Hàn Quốc.

Một quan chức tài chính Hàn Quốc cảnh báo là tình hình sẽ tệ hại hơn nữa. Theo ông, « đòn trả đũa kinh tế của Trung Quốc đối với các công ty Hàn Quốc đã bắt đầu bằng việc đóng cửa các cửa hàng của một thương hiệu nhất định, nhưng giờ đây đang chuyển thành một cuộc tấn công toàn diện và có hệ thống hơn ».
Tại Hàn Quốc, theo thông tin báo chí, nhiều quan chức chính phủ cho rằng cuộc trả đũa gần đây của Trung Quốc trong vấn đề THAAD có thể đã vi phạm luật thương mại quốc tế, và Seoul có thể kiện Bắc Kinh ra trước Tổ Chức Thương Mại Thế Giới.

Tuy nhiên, phát biểu với các phóng viên tại bộ Ngoại Giao hôm 13/03, bộ trưởng Tài Chính Hàn Quốc Yo Yo-ho đã bác bỏ những lời kêu gọi kiện Trung Quốc, cho rằng hiện không có đủ bằng chứng.
Kích động tinh thần bài Hàn Quốc trong học sinh

Một khía cạnh thâm hiểm trong các biện pháp mà Bắc Kinh dùng để gây sức ép trên Seoul là việc khích động trẻ em tẩy chay sản phẩm Hàn Quốc. Khía cạnh này đã được trang blog The Shangaiist vạch trần trong một bài viết ngày 13/03.
Tác giả bài viết trước hết ghi nhận tình trạng cực kỳ khó khăn mà tập đoàn Lotte của Hàn Quốc – rất mạnh với các siêu thị và cửa hàng ăn nhanh - đang trải qua tại Trung Quốc. Tệ hại hơn chính là việc Lotte đang trở thành đối tượng tấn công của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi Trung Quốc.

Không những Lotte đã bị buộc phải đóng cửa hơn một nửa số cửa hiệu của mình trên toàn Trung Quốc, mà trước các cửa hiệu vẫn còn mở cửa, lúc nào cũng có những người Trung Quốc gọi là « yêu nước » đến biểu tình phản đối và cản trở kinh doanh. Và giờ đây, chính quyền Trung Quốc còn bắt đầu chiến dịch nhồi sọ các học sinh tiểu học về cái hại của các sản phẩm ăn nhanh của thương hiệu Lotte, vốn rất được các em yêu thích.

Một đoạn video mới đây đã ghi lại cảnh các em học sinh tiểu học biểu tình ngoài đường, với các biểu ngữ cũng như các tiếng hô bài Hàn Quốc và chống Lotte. Người ta thấy một giáo viên cùng các em hô những khẩu hiệu như « Lotte, hãy cút khỏi Trung Quốc ! », « Hãy tẩy chay hàng hóa Hàn Quốc ! », « Phản đối THAAD ! », « Hãy yêu đất nước Trung Quốc ! ».
Vương Đan, một trong những lãnh đạo sinh viên biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989, người đã công bố đoạn video trên trên Facebook đã nhận xét : « Đây quả là những hành vi điển hình của thời kỳ trước Cách Mạng Văn Hoá ».
Trong một đoạn video khác, người ta thấy các học sinh tiểu học tập hợp trong một hội trường, thề quyết yêu nước Trung Quốc và tẩy chay hàng ăn nhanh của Lotte.

Còn trên Twitter, có người đã đăng một bức ảnh cho thấy các em học sinh đang được giới thiệu về các món ăn nhẹ Hàn Quốc mà các em không nên mua.
Ngoài Lotte, cơn thịnh nộ của Trung Quốc chống lại THAAD cũng giáng xuống đầu ngành du lịch Hàn Quốc. Hôm 11/03, một chiếc tàu du lịch với 3.400 du khách Trung Quốc đã từ chối đặt chân lên đất Hàn Quốc sau khi cập cảng tại hòn đảo nghỉ mát nổi tiếng Jeju. - RFI

8.
Bầu cử Quốc Hội Hà Lan: Phòng trào dân túy lép vế

Đảng Nhân Dân Tự Do và Dân Chủ (VVD) đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc Hội Hà Lan trước đảng Tự Do (PVV) cực hữu. Hôm nay, 16/03/2017, theo kết quả kiểm trên 54,8% số phiếu, đảng VVD của thủ tướng Mark Rutt mãn nhiệm đã giành được 32 trên tổng số 150 ghế ở Hạ Viện và đảng PVV của đối thủ cực hữu Geert Wilders có được 19 ghế.
Cuộc bầu cử ngày 15/03 đã thu hút được 81% cử tri đi bỏ phiếu (trên tổng số 12,9 triệu cử tri) và được đánh giá là kỷ lục chưa từng có từ 30 năm này. Ăn mừng chiến thắng trong một khán phòng lớn tại La Haye, thủ tướng Hà Lan Mark Rutte phát biểu : « Sau Brexit và sau cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ, Hà Lan nói không với chủ nghĩa dân túy nhơ nhuốc ». Ông Mark Rutte vẫn có thể tiếp tục làm thủ tướng nhiệm kỳ thứ 3, với điều kiện thỏa thuận được với các đảng khác để lập liên minh.

Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo (CDA) và đảng D66, mỗi đảng giành được 19 ghế, trong khi đảng Lao Động PvdA, liên minh của đảng cầm quyền hiện nay, gặp thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử lần này, có thể chỉ được 9 ghế (thay vì 38 như trước đây).
Theo AFP, kết quả bầu cử Quốc Hội Hà Lan cũng khiến cả châu Âu thở phào nhẹ nhõm. Tổng thống Pháp François Hollande đánh giá đó là « một chiến thắng rõ ràng trước chủ nghĩa cực đoan ». Có cùng quan điểm với tổng thống Pháp, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker hoan nghênh « cuộc bầu cử vì châu Âu, chống lại các thành phần cực đoan ». Trong khi đó, thủ tướng Đức Angela Merkel vui mừng được "tiếp tục chính sách hợp tác tốt đẹp với tư cách là bạn bè, hàng xóm và là thành viên Liên Hiệp Châu Âu". - RFI

9.
Úc: Cứu rạn san hô Great Barrier thế nào?

Rạn san hô Great Barrier ở Úc chỉ có thể được cứu nếu các biện pháp khẩn cấp được tiến hành nhằm giảm tình trạng ấm lên toàn cầu, nghiên cứu mới đưa ra cảnh báo.
Theo các nhà khoa học, những nỗ lực ngăn tình trạng 'tẩy màu' san hô bằng bất kỳ phương pháp nào khác sẽ không đủ.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature, cho biết tình trạng tẩy màu không nên được nghiên cứu riêng lẻ mà cần xem xét những mối đe dọa sự sống sót của rạn san hô.
Tình trạng tẩy màu - mất các loại tảo màu - năm 2016 là hiện tượng tồi tệ nhất được ghi nhận ở khu vực này.

"Biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất với rạn san hô Great Barrier, Giáo sư Morgan Pratchett, đồng tác giả nghiên cứu, từ Đại học James Cook, Queensland, cho biết. 
"Kết quả sẽ hoàn toàn được quyết định bởi những gì chính phủ Úc và các nước thực hiện nhằm giảm thiểu tình trạng nhiệt độ tăng cao hơn nữa."

Tẩy màu hàng loạt ở các rạn san hô
Tình trạng tẩy màu ở san hô là do nước biển ấm lên từ các dòng hải lưu
Tình trạng này được cho là do những biến đổi khí hậu mà con người gây ra, bởi các đại dương hấp thụ khoảng 93% lượng nhiệt tăng thêm trên Trái Đất

Tình trạng tẩy màu xảy ra khi san hô không được cung cấp đủ tảo đơn bào, là thứ đem lại những màu sắc sặc sỡ cho san hô
Khi điều kiện môi trường trở lại bình thường, san hô sẽ phục hồi, nhưng việc này đòi hỏi hàng chục năm. Nếu tiếp tục thiếu tảo, san hô sẽ chết
Tình trạng tẩy màu hiện nay được cho là tồi tệ nhất kể từ khi con người ghi chép dữ liệu về hiện tượng này.

Tác giả Terry Hughes cảnh báo hiện tượng tẩy màu đang trở thành "bình thường".
Tuần trước, ông nói một cuộc khảo sát khu vực cho thấy bằng chứng tẩy màu diễn ra trong những mùa hè liên tiếp.
Mức độ thiệt hại sẽ được khảo sát trong ba tuần kế tiếp của Tổ nghiên cứu tẩy màu san hô quốc gia, một tổ chức quy tụ các nhà khoa học và người quản lý rạn san hô.

Giáo sư Pratchett cho biết ông vẫn lạc quan rằng rạn san hô có thể phục hồi, nhưng không còn thời gian để giảm bớt khí thải nhà kính.
"Đây là ưu tiên hàng đầu chúng ta phải nghĩ đến bây giờ để cứu vãn rạn san hô," ông nói với BBC.
"Cải thiện các hoạt động đánh bắt cá hoặc chất lượng nước sẽ không đủ".

Great Barrier bao gồm hàng ngàn rạn san hô nhỏ trải dài từ mũi phía bắc của Queensland đến thành phố Bundaberg phía nam - được công nhận là Di sản Thế giới năm 1981.
Liên Hiệp Quốc cho hay rằng rạn san hô Great Barrier là di sản thế giới "đa dạng sinh học nhất" và có "tầm quan trọng về mặt khoa học". - BBC

Tin Hoa Kỳ
10.
Chính quyền Trump cắt ngân sách Bộ Ngoại giao và viện trợ quốc tế 

Toà Bạch Ốc sắp sửa công bố ngân sách hôm thứ Năm 16/3 và Tổng thống Donald Trump đã khẳng định rằng ông có ý định tăng chi tiêu quân sự bằng cách cắt giảm mạnh chi tiêu của Bộ Ngoại giao, viện trợ nước ngoài và những khoản đóng góp của Hoa Kỳ cho các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc. Trong khi một số nhà phân tích nói quyết định cắt giảm như vậy có thể tăng tính hiệu quả của nền ngoại giao Mỹ, nhiều người khác kể cả giới hoạt động bênh vực nhân quyền và một số nhà lập pháp Mỹ nói họ mạnh mẽ chống đối việc cắt mạnh ngân sách của Bộ Ngoại giao và viện trợ quốc tế. Từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Thông tín viên Cindy Saine của Đài VOA gửi về bài tường trình sau đây do Hoài Hương trình bày.

Các nhà ngoại giao và nhân viên khác làm việc tại Bộ Ngoại giao và các đại sứ quán Mỹ trên khắp thế giời đã chuẩn bị tinh thần để đón nhận những biện pháp cắt giảm ngân sách quy mô, cùng với việc giảm  mạnh viện trợ nước ngoài, theo lời chuyên gia về phát triển toàn cầu George Ingram trong cuộc trao đổi với VOA:
“Tôi được nghe là tỷ lệ cắt giảm có phần chắc sẽ ở mức trên dưới 30%, và  đề xuất ban đầu của Cơ quan Quản lý Ngân sách (OMB) là 37% nhưng đã gặp sự chống đối của Ngoại Trưởng. Ông nói “đừng cắt 37% trong năm đầu tiên, mà nên trải dài trong vòng 3 năm. Đó là điều mà chúng ta có phần chắc sẽ chứng kiến, ngân sách sẽ bị cắt vào khoảng 30.”

Các tổ chức bênh vực nhân quyền và nhân đạo nói tác động đối với người tị nạn và những nhóm người trong tình huống khó khăn khác trên khắp thế giới sẽ khó lường, theo óng/bà Adotei Akwei của Hội Ân xá Quốc tế nói chuyện với VOA qua Skype:

“Các tổ chức xã hội dân sự, các chính quyền, tôi nghĩ họ đều hết sức quan tâm không những về việc rút đi những tài nguyên hay cắt giảm tài nguyên, mà tôi tin rằng họ vô cùng lo lắng về chỗ trống do sự thiếu vắng sự hiện diện của Mỹ trong tư cách một đối tác, một động lực để cải tiến, sáng tạo, và lẽ đương nhiên trong tư cách là một tiếng nói bênh vực nhân quyền.”
Tuy nhiên một số nhà phân tích nói rằng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là một cơ quan hành chánh quan liêu có thể được chấn chỉnh với các biện pháp cắt giảm. Ông James Robert thuộc Hội Heritage, trước đây là một nhà ngoại giao, nói với VOA:

“Tôi tin rằng hãy còn rộng chỗ để tái tổ chức và cải tiến Bộ Ngoại giao, tăng tính hiệu quả và biến Bộ này thành một cơ quan hữu hiệu trong tư cách là một đại diện cho nhân dân Mỹ, và một tay chơi ở nước ngoài bởi vì Bộ buộc phải có một hệ thống quyền lực đơn giản hơn, tập trung vào nên chi tiền như thế nào. Như vậy ngân sách sẽ được sử dụng hiệu quả hơn, và vâng đương nhiên kết quả là sẽ phải có một số sự cắt giảm.”

Chuyên gia phát triển quốc tế George Ingram còn là một nhân viên kỳ cựu tại điện Capitol. Ông nói quốc hội Mỹ sẽ không chấp nhận những khoản cắt giảm quá mạnh tay như thế đối với viện trợ quốc tế và Bộ Ngoại giao. Ông nói:
“Điều mà chúng ta chứng kiến trong tháng trước là lời phản đối ồn ào của các dân biểu và nghị sĩ thuộc cả hai đảng phái, cho rằng cắt giảm quy mô ngân sách cho các vấn đề quốc tế là điều không thể chấp nhận được. Thế cho nên tôi tin rằng chúng ta sẽ chứng kiến những sự chống trả mạnh mẽ tại quốc hội trong năm nay.”

Cuộc chiến toàn cầu để đánh bại tổ chức tự xưng là Nhà Nước Hồi giáo cũng có thể bị phương hại vì những cắt giảm ngân sách quá lớn đối với nền ngoại giao Mỹ, theo lời Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hoà Lindsey Graham.
“Tôi muốn uỷ ban ngân sách của quốc hội hiểu rõ rằng nếu chúng ta thông qua bất cứ ngân sách nào mà cắt giảm tận đáy ngân sách Bộ Ngoại giao, thì chúng ta sẽ không bao giờ thắng cuộc chiến này. Trên thực tế, nhóm Nhà Nước Hồi giáo sẽ được tôn vinh.”
Ngân sách của Tổng thống Trump có phần chắc sẽ là trọng tâm của một cuộc tranh luận vô cùng gay gắt tại điện Capitol, trụ sở quốc hội Mỹ, trong những tháng sắp tới.​ - VOA

11.
Trump: Phán quyết chặn lệnh cấm du hành làm Mỹ “suy yếu”

Hai tòa án liên bang Mỹ đã ban hành lệnh cấm tạm thời chống nỗ lực lần thứ 2 của Tổng thống Donald Trump, sử dụng sắc lệnh hành pháp nhằm hạn chế số lượng người được phép vào nước Mỹ.
Một thẩm phán bang Hawaii đã chặn cả lệnh tạm ngưng nhận người tị nạn và lệnh cấm cấp thị thực mới cho người dân đến từ 6 nước có đa số dân theo Hồi giáo. Một thẩm phán liên bang ở Maryland cũng đơn cử phát biểu của ông Trump khi ban hành một lệnh cấm riêng rẽ hôm thứ 5, tuy nhiên phán quyết đó chỉ áp dụng cho phần cấm thị thực của sắc lệnh hành pháp, chứ không áp dụng cho chương trình tị nạn.

Thẩm phán Derrick Watson kết luận rằng thách thức pháp lý của bang Hawaii có cơ may thành công với lập luận cho rằng sắc lệnh hành pháp vi phạm điều khoản thành lập Hiến pháp, đòi hỏi các hành động của chính phủ chủ yếu phải nhắm mục đích phi tôn giáo. 
Ông chỉ ra những phát biểu của ông Trump và các cộng sự của ông này trước và sau khi ông được bầu làm Tổng thống vào tháng 11. Chiến dịch tranh cử của ông Trump có lúc kêu gọi nên cấm tất cả những người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ, chính sách đó sau này được sửa đổi để kêu gọi phải "kiểm tra kỹ lưỡng" những người đến từ các quốc gia có liên quan đến khủng bố.

Chính quyền của ông Trump nói lệnh cấm du hành là cần thiết để bảo vệ đất nước chống nguy cơ khủng bố. Đề xuất bao gồm một lệnh ngưng nhận bất kỳ người tị nạn nào trong 4 tháng, và đóng băng việc cấp thị thực cho những người đến từ Iran, Syria, Yemen, Libya, Somalia và Sudan trong 3 tháng. Dự kiến lệnh có hiệu lực vào thứ 5 trước khi tòa ra phán quyết đình chỉ việc thực thi lệnh.

Trong sắc lệnh di trú đầu tiên, Iraq có tên trên danh sách các nước bị nhắm mục tiêu, sắc lệnh này còn có một điều khoản miễn trừ các nhóm tôn giáo thiểu số khỏi lệnh cấm.
Tất cả các nước trong danh sách cấm có đa số dân là người Hồi giáo. Thẩm phán Watson bác bỏ lập luận của chính phủ rằng lệnh này không phải là lệnh cấm đối với người Hồi giáo bởi vì các nước trên danh sách cấm không bao gồm toàn bộ tín đồ Hồi giáo trên thế giới.

Bộ Tư pháp, đại diện cho chính phủ trong vụ kiện, nói rằng họ không đồng ý với phán quyết của tòa hôm thứ 4, và cho rằng phán quyết này "thiếu sót trong cả lý luận và phạm vi".
Một thông báo của Bộ Tư pháp nói: "Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump hoàn toàn nằm trong thẩm quyền hợp pháp của ông là bảo vệ an ninh quốc gia và bộ sẽ tiếp tục bảo vệ sắc lệnh hành pháp tại tòa.”

Tổng thống Trump nói phán quyết của toà án đã khiến Hoa Kỳ bị coi là suy yếu, và tuyên bố ông sẽ tiếp tục cuộc chiến pháp lý.
Nói chuyện với những người ủng hộ tại một cuộc mít tinh ở bang Tennessee, ông Trump nói:

"Mối nguy đã rõ, luật pháp cũng rõ ràng, sự cần thiết của sắc lệnh hành pháp của tôi đã rõ. Tôi được bầu lên để thay đổi hệ thống bị hỏng và nguy hiểm của chúng ta, và cách suy nghĩ trong hệ thống chính phủ đã làm cho đất nước chúng ta suy yếu và lâm  nguy, đẩy người dân Mỹ vào thế không được bảo vệ."
Luật sư về di trú Leon Fresco, từng là phó trợ lý Bộ trưởng Tư pháp dưới thời Tổng thống Barack Obama, nói câu hỏi then chốt trong vụ kiện là quyền của tổng thống cấm nhập cảnh một thành phần nào đó, sẽ bất lợi cho nước Mỹ.

Vào tháng trước, Tòa Phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 9 của Hoa Kỳ duy trì một phán quyết tương tự của tòa án cấp thấp để ngăn chặn chính phủ thực thi sắc lệnh hành pháp đầu tiên.
Hawaii nằm trong khu vực tư pháp này, cho nên nếu Bộ Tư pháp kháng cáo, vụ kiện sẽ lại được đưa ra trước Tòa Phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 9.

Các nhóm ủng hộ quyền dân sự, từng phản đối sắc lệnh ban đầu của ông Trump mà họ cho là vi hiến, đang đứng về phía một số tiểu bang, cùng với Hawaii, để thách thức sắc lệnh hành pháp mới của Tổng thống Trump. - VOA

12.
TT Trump nói sẽ đưa ra bằng chứng cho thấy cựu TT Obama nghe lén điện thoại

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông sẽ sớm đưa ra bằng chứng cho thấy cựu Tổng thống Barack Obama đã nghe lén điện thoại trong Tòa tháp Trump tại New York vào những tuần trước cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Ủy ban Tình báo Hạ viện nói rằng cáo buộc của ông Trump là không có căn cứ, nhưng vào cuối ngày thứ 4, ông Trump nói với kênh truyền hình Fox rằng chính quyền của ông sẽ "đưa ra những tài liệu" lên ban hội thẩm và có lẽ ông sẽ nói về những cáo buộc của ông vào tuần tới.

Ông Trump nói: "Bạn sẽ thấy một số điều đáng chú ý nổi lên trong hai tuần tới."
Nhiều nhà lãnh đạo quốc hội, cả các thành viên của đảng Dân chủ đối lập và thành viên của đảng Cộng hòa của Tổng thống, nói họ không thấy có bằng chứng nào cho thấy ông Obama đã nghe lén điện thoại trong tòa Tháp Trump, tòa nhà chọc trời nơi tỷ phú bất động sản Trump điều hành chiến dịch tranh cử và cũng là nhà của ông trước khi giành được thắng lợi trong cuộc đua vào Toà Bạch Ốc.

Ông Trump hôm 4/3 tung ra những cáo buộc về nghe lén điện thoại chống vị Tổng thống tiền nhiệm bằng một loạt tin nhắn trên Twitter. Một trong số tin nhắn này viết: "Khủng khiếp! Vừa phát hiện ra Obama nghe lén điện thoại tòa Tháp Trump ngay trước khi tôi thắng cử.”
Nhưng ông Obama đã bác bỏ tố cáo đó, nói rằng đó là điều "hoàn toàn sai sự thật", ông Trump từ đó vẫn không chưng ra bất kỳ bằng chứng nào để hậu thuẫn lời cáo buộc của ông. Trước cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Fox, ông Trump tránh né các câu hỏi của phóng viên về lời cáo buộc của ông.

Hôm thứ 4, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Devin Nunes của đảng Cộng hòa, người ủng hộ ông Trump, tổ chức một cuộc họp báo về cáo buộc nghe trộm của tổng thống Trump. "Chúng tôi không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy điều này đã diễn ra," ông nói. "Tôi không nghĩ là có nghe lén trong tòa Tháp Trump."
Thành viên cao cấp nhất của đảng Dân chủ trong ủy ban, là dân biểu Adam Schiff, cũng đồng ý với ông Nunes. "Cho tới nay, tôi không thấy có bằng chứng nào cho thấy ông Obama ra lệnh nghe lén, không có cơ sở cho bất cứ điều gì như vậy".

Hai dân biểu Nunes và Schiff cho biết họ đang chờ thông tin của Bộ Tư pháp vào ngày thứ 2 sắp tới để biết liệu cơ quan này có biết về bất kỳ lệnh nghe trộm nào tòa Tháp Trump không, nhưng họ cho biết họ không tìm thấy bất cứ thiết bị nghe lén nào trong khi điều tra. Toà Bạch Ốc yêu cầu tiến hành cuộc điều tra của Quốc hội sau khi ông Trump đưa ra cáo buộc về vụ nghe lén này.
Ủy ban Tình báo Hạ viện cũng đang xem xét mối quan hệ giữa các phụ tá của ông Trump trong chiến dịch tranh cử với các quan chức Nga trong thời gian chạy đua vào Nhà Trắng của tỷ phú bất động sản và trong vài tuần sau khi ông thắng cử và trước khi nhậm chức vào ngày 20/1.

Dân biểu Nunes cho biết giám đốc James Comey của Cục điều tra Liên bang, cơ quan thực thi pháp luật hàng đầu của Mỹ, sẽ làm chứng vào ngày thứ 2 trước Ủy ban Tình báo về cáo buộc nghe lén và cuộc điều tra của cơ quan này liên quan tới hành động của Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ nhằm giúp ông Trump thắng cử.
Dân biểu của đảng Cộng hòa cho biết ban hội thẩm vào thứ 6 sẽ được các nhà điều tra Mỹ cho biết tên của những người phụ tá của ông Trump, những người đã nói chuyện với các quan chức Nga ngoài những cuộc tiếp xúc chính thức, những cuộc đối thoại giữa cố vấn an ninh quốc gia bị bãi nhiệm của ông Trump, tướng hồi hưu Michael Flynn và đại sứ Nga tại Washington.

Ông Trump đã loại bỏ ông Flynn sau khi ông này nói dối với Phó Tổng thống Mike Pence về các mối liên hệ của ông với đại sứ Sergey Kislyak.
Một dân biểu hàng đầu của Hoa Kỳ, Lindsey Graham đại diện cho bang South Carolina, tuyên bố: "Tôi sẽ theo vụ này tới cùng. Quốc hội sẽ cho thấy sức mạnh của mình.”
Dân biểu Graham thề rằng nếu cần sẽ triệu FBI ra tòa để xác định liệu có thẩm phán Mỹ nào ra lệnh bí mật nghe lén và giao cho FBI thực hiện lệnh hay không. - VOA

13.
Ngân hàng Trung ương Mỹ tăng lãi suất

Chiều thứ Tư 15/3, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ tăng lãi suất lên đôi chút giữa lúc nền kinh tế đã tạo ra đủ việc làm trong khi lạm phát chỉ tăng nhẹ.
Giới lãnh đạo của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã tranh luận về chính sách lãi suất trong hai ngày qua ở thủ đô Washington, và đa phần các nhà phân tích dự đoán rằng Cục Dự trữ Liên sẽ tăng lãi suất thêm 0.25%.

Kinh tế gia của Ngân hàng PNC Gus Faucher nói người tiêu dùng đã giúp củng cố nền kinh tế Mỹ giữa lúc có nhiều việc làm hơn trong khi tiền lương gia tăng.
Một cuộc khảo sát mới đây của các nhà lãnh đạo tài chính chủ chốt thuộc Hiệp hội Kế toán Chuyên nghiệp được Chứng nhận quốc tế cho thấy nền kinh tế đạt mức độ lạc quan cao nhất trong nhiều năm qua.

Trước đó trong thời kỳ suy thoái kinh tế, FED đã cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục nhằm khuyến khích tăng trưởng và giải quyết tình trạng thất nghiệp, nhưng với các dữ liệu kinh tế có dấu hiệu được cải thiện, các chuyên gia đã được thuyết phục rằng nền kinh tế không còn cần được hỗ trợ như vậy nữa.
Đây là đợt tăng lãi suất thứ nhì trong vài tháng qua, và giới phân tích sẽ theo dõi các báo cáo của Fed về mốc thời gian và mức lãi suất sẽ tăng trong năm nay.

Các quan chức dùng lãi suất cao hơn để xoa dịu kinh tế và chống hiện tượng tăng lạm phát có thể ảnh hưởng tới đà tăng trưởng.

Theo các chuyên gia của Wallethub.com, mức lãi suất cao sẽ khiến chủ thẻ tín dụng Mỹ phải chi thêm 1,6 tỷ đô la để chi trả lãi suất trong năm nay. Các chuyên gia làm việc cho trang web tra cứu sử dụng thẻ tín dụng này nói rằng chi phí cao hơn sẽ gây cho khó khăn hơn cho việc thanh toán các hóa đơn. Dự kiến mức chi phí này sẽ tăng cao kỷ lục trễ hơn trong năm nay.
Trang Wallethub cho biết rất khó có thể theo dõi chính xác mức lãi suất chuẩn sẽ ảnh hưởng ra sao đến các khoản vay mua nhà và ô tô, nhưng họ cho biết kinh nghiệm gần đây cho thấy giá nhà và ô tô cũng sẽ trở nên đắt hơn.

Nếu các quan chức duy trì lãi suất quá thấp trong thời gian quá lâu, họ có nguy cơ gây ra một bước nhảy vọt đột ngột mà có thể buộc Fed phải tăng lãi suất cao và nhanh, làm gián đoạn nền kinh tế.

Các giới chức tăng lãi suất để xoa dịu kinh tế và chống lạm phát. Nhìn chung, cơ quan Fed đang cố gắng lèo lái nền kinh tế hướng tới việc kiến tạo tạo ra đủ việc làm trong khi vẫn tăng chỉ số giá lên khoảng 2% mỗi năm. - VOA

Tin Việt Nam
14.
Việt Nam ‘bác gợi ý’ của Bộ Quốc phòng Philippines?

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines mới cho báo chí nước này biết rằng ông từng gợi ý cho đại sứ Việt Nam ở Manila về chuyện trang bị vũ khí cho các đội tàu cá để đương đầu với phiến quân Abu Sayyaf, trong khi nhiều công dân Việt bị tổ chức phiến quân này bắt cóc trên biển. Tuy nhiên, quan chức này nói rằng gợi ý đó đã bị “bác bỏ”.
Ngoài ra, ông Delfin Lorenzana còn đề xuất với nhà ngoại giao hàng đầu của Việt Nam ở Philippines về chuyện các tàu của người Việt thông báo cho chính quyền địa phương khi chuẩn bị đi vào vùng vẫn còn giao tranh để được bảo vệ, trang ABS-CBN News mới đưa tin.

Ông Lorenzana nói thêm với báo chí địa phương rằng con số nạn nhân nước ngoài bị Abu Sayyaf bắt cóc gần tăng gấp đôi, lên 31 người, kể từ khi Tổng thống Duterte lên nắm quyền, và phần lớn các con tin hiện bị cầm giữ là công dân Việt Nam. Theo AFP, nhà lãnh đạo Philippines "rất quan tâm" tới chuyện chấm dứt vấn nạn này.
VOA Việt Ngữ sáng 16/3 đã gọi điện tới Đại sứ quán Việt Nam ở Philippines để xin phỏng vấn, nhưng một cán bộ yêu cầu gửi câu hỏi bằng văn bản.

Tới tối cùng ngày, cơ quan đại diện ngoại giao này vẫn chưa hồi đáp một email, muốn xác nhận lại rằng có đúng đại sứ Việt Nam đã bác gợi ý của phía Philippines hay không, cũng như việc đại sứ quán Việt Nam ở Manila đã phối hợp như thế nào với chính phủ sở tại để tìm cách giải thoát cũng như hỗ trợ các con tin đang bị bắt.

Hồi năm 2015, sau khi trở về đất liền vì bị “tàu lạ” bắn, làm một ngư dân thiệt mạng, thuyền trưởng Bùi Văn Cu ở Quảng Ngãi cho VOA Việt Ngữ biết ông muốn mang súng khi trở lại “bám biển, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”.
Khi đó, ông cho rằng 8 kẻ tấn công mặc thường phục đi trên hai chiếc thuyền “là người Philippines”, và rằng ông đã đề xuất chính quyền phải bảo vệ ngư dân Việt Nam cũng như khả năng được mang súng ra biển.

Ông nói thêm: “Tôi cũng có đề nghị với cấp trên là làm sao giải quyết cho người dân để họ ra khơi để bám biển để giữ chủ quyền biển đảo. Chứ tình hình như hiện nay thì người dân rất là không dám. Họ sợ quá. Người dân với người dân cũng nghĩ là đi làm với nhau, nhưng người dân của Philippines có súng, còn người dân của Việt Nam không có súng. Tôi đề nghị với cấp trên đó nhưng hiện nay chưa nghe nói gì. Mang súng thì nhà nước có cho hay không? Nếu nhà nước mà họ cho thì tôi cũng làm như vậy để giữ tài sản, và cũng giữ biển đảo của Việt Nam. Sợ là cấp trên không cho mình làm như vậy”.

Hai năm sau, trả lời VOA Việt Ngữ hôm 16/3, ông Cu cho biết vẫn chưa có thông tin về chuyện ngư dân được mang theo vũ khí khi đi đánh bắt hay không.
Ông nói: “Bao giờ chính phủ cho phép thì mình mang còn họ không cho thì thôi. Mang theo ví dụ cướp biển cướp đồ thôi chứ còn [lực lượng] chức quyền thì mình không dám làm cái gì. Mình là người dân mà, có dám mang theo vũ khí đâu”.

Theo phía Philippines, không chỉ có ngư dân Việt mà thủy thủ tàu viễn dương hiện cũng nằm trong tay Abu Sayyaf. Nhóm phiến quân hoạt động mạnh ở miền nam quôc gia Đông Nam Á này đang mở rộng việc bắt cóc đòi tiền chuộc cũng như sử dụng con tin làm “lá chắn sống” trong cuộc đối đầu với quân chính phủ.
Hôm 15/3, quân đội Philippines xác nhận rằng tổ chức bị coi là khủng bố này đã sát hại một trong số các con tin người Việt bị bắt cóc hồi tháng Hai, khi nhóm này tìm cách tháo chạy khỏi sự truy đuổi của quân chính phủ.

Khi được hỏi về khả năng trang bị vũ khí cho ngư dân nhằm giúp họ đương đầu với những bất trắc trên biển, ông Nguyễn Ngọc Đức, Chánh văn phòng Hội Nghề cá Việt Nam, nói với VOA Việt Ngữ: “Ngư dân đi đánh bắt trên biển thì việc làm của ngư dân là đi đánh bắt cá. Việc đi bắt cá thì người ta chỉ sử dụng ngư, lưới cụ thôi, còn cái việc mang theo các trang thiết bị như vậy thì chúng tôi chưa có quy định rõ ràng của chính phủ Việt Nam cho nên chúng tôi không có ý kiến về việc đó được”.

Hồi đầu năm 2015, trong bối cảnh có tin tàu cá Trung Quốc được trang bị vũ khí khi đi đánh bắt ở Biển Đông, báo chí Việt Nam đưa tin rằng lực lượng kiểm ngư sẽ được trang bị các loại súng dùng để bắn đạn nhựa, đạn cao su, hơi ngạt, hơi cay và các loại đạn sử dụng cho các loại súng này.
Ngoài ra, tin cho hay, lực lượng này còn được trang bị vũ khí quân dụng như súng ngắn, súng tiểu liên và đạn sử dụng cho các loại súng này. Tuy nhiên, tới nay, chưa rõ kế hoạch này đã đi tới đâu. - VOA

15.
Tư lệnh hải quân VN gặp Bộ trưởng Quốc phòng TQ

Tư lệnh hải quân Việt Nam Phạm Hoài Nam hôm 15/3 gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn, và cho biết “sẵn lòng hợp tác” với quân đội quốc gia đông dân nhất thế giới.
Bản tin ngắn của Tân Hoa Xã dẫn lời ông Thường nói rằng “hai nước chia sẻ hệ thống chính trị giống nhau và có đường hướng phát triển tương tự nhau”, cũng như cùng nằm trong “một cộng đồng chiến lược với vận mệnh chung”.

Hãng tin nhà nước Trung Quốc còn trích lời Bộ trưởng Thường nói rằng quân đội quốc gia đông dân nhất thế giới “sẵn lòng làm việc với quân đội Việt Nam để thực thi sự đồng thuận quan trọng” mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đạt được trong khi nhà lãnh đạo Việt Nam thăm Bắc Kinh đầu năm nay.
Trong khi đó, theo Tân Hoa Xã, ông Nam được trích lời nói rằng quân đội Việt Nam, nhất là lực lượng hải quân, “sẵn lòng hợp tác với quân đội Trung Quốc để củng cố quan hệ hữu nghị song phương và đóng góp vào quna hệ giữa hai nhà nước và hai quân đội”.

Tới tối ngày 16/3, chưa thấy báo chí Việt Nam loan tải thông tin về chuyến thăm của tư lệnh hải quân Việt Nam. Tin chính trên trang web Quân đội Nhân dân, cơ quan ngôn luận của quân đội Việt Nam, là về "cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ Giao thông Vận tải”.
“Bình luận tích cực”

Ngoài Bộ trưởng Thường Vạn Toàn, tin cho hay, ông Nam còn gặp tư lệnh hải quân Trung Quốc Thẩm Kim Long. Trang web của quân đội Trung Quốc nói rằng trong cuộc gặp với vị tư lệnh hải quân Việt Nam, ông Thẩm đã có “những bình luận tích cực” về quan hệ giữa hải quân Trung Quốc và Việt Nam.

Lãnh đạo hải quân Trung Quốc còn đề cập tới “cơ chế tuần tra chung tại Vịnh Bắc Bộ”, “tăng cường trao đổi cấp cao”, “các chuyến thăm trao đổi giữa tàu hải quân hai nước” và “mở rộng phạm vi trao đổi giữa các trường hải quân hai nước”.
Tin cho hay, ông Nam “sẽ tới thăm Hạm đội Nam Hải của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa". Phía báo chí Việt Nam không thấy xác nhận tin này.

Phó Đô đốc Thẩm Kim Long, người từng dẫn dắt Hạm đội Nam hải, vốn bảo vệ các vùng lãnh hải như biển Đông, mới đây đã được bổ nhiệm làm tân chỉ huy của lực lượng hải quân Trung Quốc.
Tờ China Daily đưa tin hôm 20/1 rằng ông Thẩm, 60 tuổi, lên thay Tư lệnh hải quân Ngô Thắng Lợi, 71 tuổi, để “lãnh đạo lực lượng hải quân lớn nhất châu Á”.

Tin cho hay, Hạm đội Nam hải từng tham gia trận hải chiến với quân lực Việt Nam Cộng hòa ở Hoàng Sa năm 1974, làm hơn 70 binh sĩ phía Việt Nam hy sinh, và cũng từng tham chiến tại quần đảo Trường Sa năm 1988. - VOA

16.
Vì sao lộ video tướng công an nói về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc-Mỹ?

Trong tuần qua, trên mạng xã hội đã lan truyền một video dường như bị rò rỉ có nội dung một viên tướng công an Việt Nam nói chuyện về những vấn đề lớn trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam.
Đoạn video dài hơn 30 phút cho thấy một người đàn ông khoảng 55 tuổi mặc cảnh phục với quân hàm thiếu tướng đứng phát biểu trước cử tọa khoảng 30 người trong một hội trường khá rộng.

Sân khấu của hội trường được trang trí với khẩu hiệu về Đảng Cộng sản Việt Nam, cờ đảng bên cạnh quốc kỳ Việt Nam, tượng cố Chủ tịch Hồ Chí Minh và tấm panô có dòng chữ “Lớp cập nhật kiến thức cho cán bộ nguồn năm 2016”.
Ở Việt Nam, khái niệm “cán bộ nguồn” nghĩa là những người có triển vọng trở thành lãnh đạo trong các cơ quan chính quyền.

Bảng chữ trên video nói diễn giả là Giáo sư Tiến sĩ Trương Giang Long, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân, đồng thời là Giám đốc Học viện Chính trị Công an Nhân dân.
VOA không thể liên lạc với ông Long để hỏi về tính xác thực của video này. Bộ Công an Việt Nam cũng chưa ra thông báo khẳng định hay phủ nhận.

Các phần mềm so sánh khuôn mặt cho thấy hình ảnh người đàn ông trong video và các bức ảnh của ông Long trên báo chí chính thống Việt Nam là của cùng một người.
Các kỹ thuật viên nghe nhìn có nhiều năm kinh nghiệm nhận xét rằng video có độ ổn định cao, không rung giật, ghi hình từ các góc khác nhau, được ráp nối cẩn thận, chất lượng âm thanh, hình ảnh tốt. Điều này cho thấy nó đã được ghi lại một cách chuyên nghiệp, không phải là sản phẩm của “quay trộm”.

Căn cứ vào một vài câu nói trong video nhắc đến cuộc gặp giữa ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, gặp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, giới quan sát xác định video được ghi ngày 26 hoặc 27/10/2016.
Trên mạng xã hội, dư luận nhận xét rằng một số phát biểu của diễn giả được cho là Thiếu tướng Long là những tiết lộ “động trời”.

Ngày từ đầu bài phát biểu, diễn giả nhấn mạnh trước cử tọa rằng “Trung Quốc … không bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính chủ quyền của chúng ta ở Biển Đông … Câu chuyện là, bao giờ họ sẽ lấy và lấy bằng cách nào”.
Ông cũng ám chỉ rằng Trung Quốc tìm mọi cách làm suy yếu Việt Nam từ bên trong với việc “cài cắm, móc ngoặc, lôi kéo” hàng trăm người là “các phần tử cơ hội chính trị”. Nhưng ông nói thêm rằng nhà chức trách “đang theo dõi, đang nắm rất chắc, rất chặt những cái diễn biến” của các phần tử này mà ông cho là “có mưu toan, móc ngoặc, cấu kết bên ngoài, để lật đổ chống phá” chế độ của Việt Nam. 

Một mối nguy khác đến từ Trung Quốc, theo diễn giả, là việc nước này đã xây dựng quan hệ hết sức thân thiết với Campuchia. Ông nói: “Hiện nay họ [Trung Quốc] khống chế chúng mình rất là kinh khủng, họ vào sâu rất sâu hàng xóm của chúng ta rồi. Ông kia [Campuchia] thì trở mặt hoàn toàn rồi”.
Trước thực trạng như vậy, diễn giả cho rằng Việt Nam vẫn chỉ có một lựa chọn là “Trung Quốc xấu như vậy hay xấu nữa, chúng ta cũng vẫn phải tìm cách chung sống với họ”.

Ông nói điều Việt Nam có thể làm là “cố phấn đấu sao để họ [Trung Quốc] đừng xấu hơn” nhưng ông không chỉ ra cụ thể cần phải làm những gì. Bình luận thêm về quan hệ láng giềng Việt Nam-Trung Quốc, diễn giả nói: “Nó bất hạnh cho chúng ta là sống bên cạnh một ông anh mức độ lòng tốt nó thấp”.
Từ Mỹ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long tại Đại học Maine, người theo dõi Việt Nam nhiều năm, cho rằng những gì vị diễn giả nói trong video không phải là mới. 

Nhưng theo giáo sư, điều đáng quan tâm là việc video bị rò rỉ có thể cho thấy có sự đấu đá phe cánh trong giới cầm quyền:
“Ông tướng này ông nói sự thực nhiều người đã biết rồi thôi. Nhưng mà tại sao ông nói ngay bây giờ? Tôi nghĩ là hiện nay chắc là trong nước có các cánh khác nhau mà có cánh nghĩ rằng đất nước đã nguy rồi, phải nói ra để làm sao dân chúng họ thấy. Đến khi mà phải tranh đấu với nhau trong nội bộ thì dân chúng họ hiểu là có lý do gì để tranh đấu. Cũng như là có một phe nói tranh đấu là để khỏi bị Trung Quốc kiềm tỏa. Bất cứ bộ nào ở Việt Nam cũng có những phần tử Trung Quốc đã mua chuộc ở trong đó hết. Chúng ta phải thấy rằng đây là một bộ phận của Bộ Công an đưa tin ra tôi nghĩ là trong một tình huống mà đảng bây giờ đang phải tranh đấu với nhau để làm sao mà bảo vệ an ninh cho đất nước”.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói những phát biểu của người được cho là một viên tướng công an chuyên về công tác tuyên huấn củng cố thêm một điều là giới lãnh đạo Việt Nam hiểu và cảnh giác với Trung Quốc. 

Tuy nhiên, vị giáo sư ở Mỹ cho rằng Việt Nam đang chịu những sức ép “kinh khủng” từ nước láng giềng phương bắc. Ông phân tích:
“Không những về chính trị mà về quân sự. Quân sự thì không phải chỉ ở Biển Đông thôi mà ở ngay trên đất nước mình. Nó đưa bao nhiêu người vào ngay đất nước. Vấn đề rất là khó khăn là sức ép kinh tế. Chúng ta biết là trong 2, 3 năm qua, mỗi một năm Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc là 32 đến 35 tỷ đôla. Nhập siêu như vậy tức là Việt Nam nợ Trung Quốc chứ gì? Mà Việt Nam nợ Trung Quốc như vậy thì cái nợ này tất nhiên là có một số cán bộ, một số lãnh đạo họ thừa hưởng được cái đó. Mà họ thừa hưởng cái đó là họ làm giàu. Mà họ giàu có thì họ bị mua chuộc chứ gì?”

Trong phần sau của đoạn video, diễn giả được cho là Thiếu tướng Trương Giang Long nói mặc dù Trung Quốc chứa đựng nhiều nguy cơ cho Việt Nam nhưng Việt Nam không thể chọn cách ngả hoàn toàn sang Mỹ. 

Ông nói làm như vậy không khác gì đi từ “hang hùm sang hang cọp” và nhấn mạnh với cử tọa: “Chúng ta nghiêng về bất cứ chỗ nào đó … cũng 
Diễn giả dẫn lại lời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khẳng định rằng khi nào đảng cầm quyền của Việt Nam “thật sự độc lập về đường lối” thì bấy giờ “đất nước mới chuyển biến tích cực”.

Theo ông, ở thời điểm tháng 10/2016 khi bài phát biểu được ghi hình, Trung Quốc “vô cùng” lo ngại Việt Nam ngả hẳn về Mỹ, trong khi ông đánh giá rằng Mỹ lại “vô cùng cần” Việt Nam.
Điểm lại lịch sử 21 cuộc chiến tranh chống Trung Quốc và 1 cuộc chiến tranh chống Mỹ, diễn giả nhận định rằng cho đến cuối năm 2016 Mỹ đã tìm cách “lôi kéo Việt Nam về phía Mỹ, tạo mọi điều kiện để Việt Nam cùng chung đội hình với Mỹ để mà chống lại Trung Quốc”. 

Ông đưa ra ý kiến rằng Mỹ “biết rất rõ là chỉ có Việt Nam mới chống lại được Trung Quốc thôi”.
Nhiều người bình luận trên mạng xã hội rằng những phát biểu của người được cho là Thiếu tướng Trương Giang Long cho thấy có sự đánh giá thiếu tính dài hạn về việc Mỹ nhìn nhận tầm quan trọng của Việt Nam.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long tại Đại học Maine đồng tình với bình luận đó:
“Phải nói là cán bộ của Việt Nam ít người sang học Mỹ lắm, chẳng biết Mỹ là gì. Họ chỉ biết Mỹ qua báo chí thôi. Thành ra thường thường họ đánh giá rất là sai. Họ nghĩ rằng là Mỹ cần Việt Nam lắm thì cái đó cũng là sai, nó tùy lúc nào thôi. Dưới thời ông Obama, đúng là Mỹ cần Việt Nam là bởi vì trong cái chính sách của Mỹ, Mỹ muốn đa dạng hóa, đa phương hóa, muốn kéo nhiều nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào một tổ chức đa phương. Vai trò của Việt Nam đối với chiến lược của Mỹ lúc đó là quan trọng. Nhưng mà Mỹ có thay đổi. Bây giờ, ví dụ như là ông Trump không nghĩ đa phương hóa là vấn đề quan trọng, mà vấn đề chỉ làm những gì mà giúp cho nước Mỹ mạnh, thì chúng ta phải nên nghĩ lại là Việt Nam hiện nay nằm ở đâu trong chiến lược của ông Trump, nếu không nói là trong chiến lược của Mỹ”.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long cảnh báo khi có đa số giới chức Việt Nam có hiểu biết không chính xác về Mỹ sẽ dẫn đến những tính toán và quyết định sai lầm về mặt chính sách chung của Việt Nam. Ông nói việc “không đánh giá đúng” đã và sẽ làm đất nước “mất các cơ hội”, cũng như lâm vào “nhưng khó khăn kinh khủng mà bây giờ vẫn chưa giải quyết được”.
Ông nêu ra các ví dụ cho điều này là việc Việt Nam bỏ lỡ cơ hội bình thường hóa với Mỹ vào năm 1978 hay chậm trễ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hồi đầu những năm 2000. - VOA

17.
Sau mở rộng hạn điền sẽ đến tư hữu hóa đất đai?

Sau mở rộng hạn điền thì từ từ tiến tới tư hữu hóa đất đai vì đó là xu thế tất yếu để cỏi trói nền nông nghiệp Việt Nam, theo giáo sư Võ Tòng Xuân.
Chính phủ Việt Nam vừa thống nhất việc mở rộng hạn điền và xem xét cho phép tích tụ ruộng đất trên diện rộng, đây được xem như là một cú huých “mở đường cho ngành nông nghiệp phát triển vượt bậc.”

Theo truyền thông trong nước, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp rà soát, đề xuất “sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn” trong quý III năm 2017.
Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường đại học Nam Cần Thơ, cựu đại biểu Quốc Hội, nói với VOA rằng sau việc mở rộng hạn điền thì cũng tiến tới tư hữu hóa đất đai, nhưng Việt Nam sẽ thực hiện từng bước lộ trình này:

“Cái đó cũng phải chờ nhiều năm nữa. Nhưng mà nó cũng sẽ đi tới đó. Đảng và Chính phủ Việt Nam đi từng bước. Vì đi nhanh quá thì tạo ra cú sốc cho rất nhiều người.”
Giáo sư Võ Tòng Xuân - chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam và quốc tế nói rằng “muốn sản xuất lớn phải có diện tích đất đai lớn, nếu hạn điền như hiện nay thì không thể nào làm lớn được. Chỉ khi sản xuất lớn mới cơ giới hóa được, mới nâng cao năng suất, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm.” Giáo sư Võ Tòng Xuân phân tích ưu điểm của việc tích tụ ruộng đất:

“Công khái hóa, chính thức hóa vấn đề tích tụ ruộng đất. Nhưng tích tụ ruộng đất không như địa chủ ngày xưa để mà họ bốc lột người nông dân. Bây giờ người này là người quản lý tốt, có vốn, có đầu ra. Những người nông dân đưa đất vào đây để cùng làm với ông này, để nông dân có đầu ra. Cuối mỗi niên vụ thì họ chia lời. Như thế đây là việc làm tốt cho cả ông chủ đầu tư và ông nông dân. Lợi tức của người nông dân được nâng lên.”

Theo bài báo của tiến sĩ Lê Anh Tuấn thuộc Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ viết trên báo Kinh tế Sài gòn gần đây, “tích tụ ruộng đất” (land accumulation) hoàn toàn khác với “chiếm hữu/chiếm đoạt đất đai” (land grabbing), tích tụ ruộng đất mang tính tích cực, người nông dân biết cách tổ chức và quản lý sản xuất nông nghiệp thành công, sẽ có ý định mua thêm đất theo cân đối khả năng quản lý, vốn và tài nguyên của mình. Họ sẽ mua đất từ những người nông dân khác mà khả năng sản xuất kém hơn để mở rộng và đầu tư canh tác.”

Chính sách tích tụ ruộng đất nếu được áp dụng tốt sẽ tạo ra các trang trại sản xuất nông sản hàng hóa qui mô lớn, hợp thành vùng sản xuất tập trung chuyên môn hơn, gắn kết với công nghiệp chế biến và mạng lưới phân phối tiêu thụ, thông qua hình thức “sản xuất theo hợp đồng” và khuyến nông để hình thành một đội ngũ nông dân trẻ có học thức - những “thanh nông tri điền”.

Giáo sư Võ Tòng Xuân chia sẻ rằng trên thực tế đã có nhiều vụ tích tụ ruộng đất đang diễn ra, dù không công khai:
“Trong thực tế thì đã có tích tụ ruộng đất rồi. Có những nơi tích tụ từ 10 ha, thậm chí đến 300 ha. Tại vì không công khai, không chính thức. Như anh Sáu Trích ở An Giang, anh Út Huy ở Long An. Họ có từ 25 ha -30 ha đến 50 ha. Nhưng những người này không phải là địa chủ. Họ nắm ‘sổ đỏ’, quyền sử dụng đất của người nông dân, họ vừa trả tiền thuê đất cho người nông dân, đồng thời thuê luôn ông nông dân đó làm trên đất của mình.”

Theo GS Võ Tòng Xuân, Nhà nước cần phải hoàn thiện luật, tích tụ ruộng đất để sản xuất chứ không phải đầu cơ, tích trữ, lạm dụng quyền sở hữu, sử dụng đất.
Theo giáo sư Xuân, các nước có quỹ đất rộng như ở châu Âu, Mỹ, Úc, hay Canada…thì quy mô một hộ nông dân của họ có tới hàng chục, hàng trăm hécta hay cả nghìn là chuyện bình thường. Trong khi đó, tại Việt Nam chỉ có hơn nửa hécta, lại còn chia thành nhiều mảnh.

Ở một nước mà 70% dân số sống ở nông thôn, hơn 50% lao động sống nhờ nông nghiệp như Việt Nam thì đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng. Nhưng nếu quá trình tích tụ ruộng đất diễn ra chính thức, các chuyên gia dự báo có từ 50% lao động làm việc trong nông nghiệp sẽ rút xuống chỉ còn 5-10% trong tương lai. Như vậy, nếu muốn tăng khả năng cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam và tiến hành tích tụ ruộng đất thì nhiều nông dân phải đi tìm nguồn sinh kế khác. Để giải quyết cho số lao động này quả là một bài toán khó.

Có quan điểm cho rằng, tích tụ ruộng đất dẫn đến bần cùng hóa nông dân, sản sinh ra lớp địa chủ mới, khôi phục lại hình thức bóc lột địa tô thông qua quan hệ phát canh - lĩnh canh, địa chủ - tá điền, chưa kể các nhóm lợi ích sẽ có thêm cơ hội để làm giàu từ sức lao động của nông dân. Giáo sư Võ Tòng Xuân nhận định về vấn đề này như sau:
“Mình nói mình là nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa, nhưng mà nước mình nghèo quá. Mình cứ luẩn quẩn. Làm nông nghiệp thì lom com. Công nghiệp thì không có điều kiện phát triển. Mình cứ quay vòng, nghèo hoài, nghèo hoài. Dĩ nhiên có một số nhóm lợi ích lợi dụng vào những chỗ béo bở để làm giàu. Chính phủ mới cũng đã thấy hết rồi. Trong 40 năm thì nhóm lợi ích hoành hành dữ tợn. Những người đương chức đương quyền cũng thấy như thế, họ phải cố gắng làm thế nào để thay đổi.”

Gíao sư Xuân nói rằng cần phải cấm tích tụ ruộng đất theo kiểu bắt bí, ép buộc để mua rẻ đất, lập dự án treo, phân lô bán nhằm làm giàu bất chính vì lợi ích của một nhóm người nào đó.

Mở rộng hay xóa bỏ hạn điền là xu thế chung của thế giới, nền nông nghiệp Việt Nam không thể nào phát triển được với diện tích đất của từng hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay. Theo giáo sư Võ Tòng Xuân, để mở rộng hạn điền, cho phép tích tụ và tập trung ruộng đất thì Việt Nam phải thay đổi Luật đất đai 2013.
Theo trang thukyluat.vn, hạn điền là hạn mức diện tích đất nông nghiệp mà hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất hoặc được phép nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định Luật Đất đai và các văn bản liên quan.

Hạn điền là một thuật ngữ được sử dụng từ những triều đại phong kiến trước đây nhằm mục đích hạn chế việc giai cấp địa chủ chiếm giữ nhiều đất đai. Trong hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam không có định nghĩa cụ thể về thuật ngữ hạn điền, thuật ngữ này chỉ được nhắc đến trong một vài văn bản, còn lại đa phần sử dụng các thuật ngữ như: “hạn mức giao đất” hay “hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp”. Luật đất đai 2013 dùng từ “hạn mức giao đất nông nghiệp” cho nghĩa này.

Theo điều 129 Luật Đất đai năm 2013, hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp không quá 3 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; không quá 2 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác. Trong hơn 63.500 từ của Luật Đất đai năm 2013, không có cụm từ “tích tụ ruộng đất” hoặc “mở rộng hạn điền”.

Đa số quốc gia trên thế giới áp dụng hình thức đa sở hữu trong phạm trù sử dụng đối với đất đai. Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959 của Việt Nam đều thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai. Từ Hiến pháp năm 1980 cho đến nay mới quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, mà theo giáo sư Đặng Hùng Võ -Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trườngkhi trao đổi với Báo Sài gòn Tiếp thị (SGTT) trước đây, Việt Nam “chưa có bất kỳ một cơ chế kinh tế, xã hội nào để chuyển tất cả các loại sở hữu khác nhau trước đó về sở hữu toàn dân về đất đai.”
Giáo sư Đặng Hùng Võ nhấn mạnh trên báo SGTT rằng: “80% nội hàm về quyền sở hữu đối với đất đai đã là sở hữu tư nhân rồi. Điều quan trọng là phạm vi quyền định đọat của các cơ quan nhà nứơc đối với đất đai còn quá lớn.”  

Theo các chuyên gia về nông nghiệp, để thật sự giải phóng nền nông nghiệp của Việt Nam, vốn tự hào là nhà xuất khẩu gạo lớn của thế nhưng người nông dân cũng nghèo, thì chính phủ cần phải xóa bỏ hạn điền, cho phép tích tụ ruộng đất, và tiến tới tư hữu hóa đất đai. - VOA

Link:

1 nhận xét:

Blogger nói...

Did you know that you can shorten your urls with AdFly and earn cash from every click on your shortened links.