Bắc Triều Tiên phóng 4 tên lửa tầm xa: Mỹ-Nhật-Hàn lên án --- Bắc Hàn tuyên bố sẽ trục xuất đại sứ Malaysia<!>
Ngày 06/03/2017, Bắc Triều Tiên phóng một loạt bốn tên lửa có tầm bay 1000 cây số. Ba trong số này rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản. Tokyo, Seoul và Washington đồng loạt lên án hành động khiêu khích và thách đố của Bình Nhưỡng.
Theo Seoul, vào lúc 7 giờ 36 phút sáng nay, bốn tên lửa của Bắc Triều Tiên được phóng đi từ tỉnh Bắc Pyongyang ra biển Đông (biển Nhật Bản), bay lên độ cao 260 km trước khi rơi xuông biển cách điểm khởi hành 1000 km.
Bộ tổng tham mưu quân đội Hàn Quốc cho biết đang cùng với đồng minh Hoa Kỳ « phân tích » có phải là hỏa tiển liên lục địa như Kim Jong Un từng đe dọa hay không.
Trước mắt, động thái này của Bình Nhưỡng bị ba thủ đô liên hệ, Tokyo, Seoul và Washington, lên án.
Từ Tokyo, thủ tướng Shinzo Abe loan báo ba trong số bốn tên lửa đã rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật, đe dọa an ninh quốc gia và vi phạm các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Thủ tướng Nhật tuyên bố « không thể dung thứ những hành động khiêu khích này ».
Quyền tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo Ahn gắn liền thái độ phóng tên lửa khiêu khích của Bình Nhưỡng với hành vi bạo ngược qua vụ ám sát Kim Jong Nam . Chủ trì cuộc họp với Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, quyền tổng thống Hàn Quốc thẩm định Bắc Triều Tiên là một chế độ thiếu thận trọng. Với vũ khí hạt nhân trong tay, Bình Nhưỡng là « mối đe dọa trước mắt với những hệ quả kinh hoàng không thể tưởng tượng nổi ».
Washington, đồng minh của Nhật Bản và Hàn Quốc cực lực lên án vụ phóng tên lửa. Bộ ngoại giao Mỹ cho biết « sẽ huy động mọi phương tiện để chống lại mối đe dọa ngày càng gia tăng ». Trong khi đó, Bộ Chỉ Huy Chiến Lược Mỹ khẳng định những tên lửa này không thể chạm tới lãnh thổ Hoa Kỳ.
Bình Nhưỡng phóng tên lửa vào lúc ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson chuẩn bị công du Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc trong tháng ba này để bàn về vấn đề Bắc Triều Tiên. - RFI
***
Bắc Hàn tuyên bố cho đại sứ Malaysia 48 tiếng đồng hồ để rời nước này, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng quanh vụ ám sát Kim Jong-nam.
Trước đó Malaysia đã trục xuất đại sứ Bắc Hàn sau khi ông này có phát ngôn nghi ngờ cuộc điều tra về cái chết của ông Kim mà Malaysia thực hiện.
Các quan chức cao cấp chính phủ Malaysia cho hay ông Kang Chol, Đại sứ Bắc Hàn tại Kuala Lumpur, đã rời Malaysia lúc 18.25 giờ địa phương, (10.25 giờ GMT) hôm nay ngày 6/3 trên chuyến bay MH360 đi Bắc Kinh, hãng tin AFP cho hay.
Phát biểu với báo giới từ Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur trước khi rời Malaysia, ông Kang Chol tiếp tục chỉ trích cuộc khám nghiệm tử thi ông Kim Jong-nam của cảnh sát Malaysia.
Hôm thứ Bảy 4/3, chính phủ Malaysia cho ông Kang thời hạn 48 giờ để rời nước này sau khi ông không chịu xin lỗi. Ông Kang đã nhiều lần chỉ trích cuộc điều tra vụ ám sát ông Kim Jong-nam của phía Malaysia. Malaysia nói ông Kim đã bị đầu độc bằng chất độc gây chết người VX.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak nói với báo giới rằng đại sứ Kang Chol "thô lỗ về mặt ngoại giao".
"Đáng ra họ phải xin lỗi. Dựa trên nguyên tắc, chúng tôi đã tuyên bố ông ta là người không được hoan nghênh, " ông Najib phát biểu tại Quốc hội Malaysia.
"Điều này có nghĩa là chúng tôi có lập trường vững chắc về danh dự của chúng tôi...Không một ai có thể làm hạ uy tín hay phá chúng tôi theo ý họ," ông nói.
Hai quốc gia đã có quan hệ thân thiết từ những năm 1970. Cho đến tuần trước, Malaysia là một trong số ít nước mà người Bắc Hàn có thể tới mà không cần xin visa. Nhưng Malaysia giờ đã phủ quyết đặc quyền này.
Quan hệ Malaysia và Bắc Hàn đang được thử thách vì những bất đồng xung quanh cái chết của ông Kim Jong-Nam, bắt đầu bùng nổ khi cảnh sát Malaysia từ chối giao thi thể của ông Kim cho Bắc Hàn.
Bắc Hàn đã khẳng định danh tính của người đàn ông bị ám sát ở sân bay Kuala Lumpur, nhưng liên tiếp lên án cuộc điều tra của phía Malaysia và cáo buộc Malaysia đã liên kết với kẻ thù của Bắc Hàn.
Kể từ khi có lệnh trục xuất ông Kang, sứ quán Bắc Hàn đã im lặng và ông đã không xuất hiện trước công chúng.
Trước khi rời Malaysia, ông Kang Chol ra một 'đòn cuối' với chính phủ Malaysia. Phát biểu từ Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur, ông nói cuộc khám nghiệm tử thi là "điều tra đã có mục đích trước của cảnh sát Malaysia."
"Họ tiến hành khám nghiệm tử thi khi không có sự chấp thuận và chứng kiến của sứ quán Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều tiên và sau đó đã bắt giữ công dân của CHDCNH Triều Tiên mà không có bằng chứng là người này có liên quan đến vụ việc," ông nói thêm.
"Tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc về những biện pháp cực hữu của chính phủ Malaysia, làm tổn hại lớn đến quan hệ song phương hai nước," ông nói thêm.
Trong một diễn biến khác, Malaysia đã cấm đội bóng đá nữ của họ tham gia trận đấu vòng loại Asian Cup tại Bình Nhưỡng với lý do không đảm bảo anh ninh, giới chức cho hay hôm 6/3.
"Quyết định trục xuất đại sứ Bắc Hàn, ông Kang Chol, hôm thứ bảy, có lẽ làm cho việc công dân Malaysia đến Bắc Hàn không an toàn ở thời điểm này", trưởng liên đoàn bóng đá Hamidin Mohamad Ail nói trong một thông cáo. - BBC
2.
Trung Quốc: Cuộc chiến quyền lực chưa ngã ngũ --- Kinh tế Trung Quốc: Tập Cận Bình nói một đàng, làm một nẻo
Hôm qua, Chủ nhật 05/03/2017, Quốc Hội Trung Quốc khai mạc phiên họp thường niên. Nhân dịp này báo Le Monde có bài phân tích về các đấu đá – dàn xếp tại Bắc Kinh, với tựa đề « Tập Cận Bình củng cố quyền lực ». Một thông điệp chính của bài viết là sau khi khẳng định vị trí lãnh đạo « hạt nhân », ông Tập Cận Bình đang trên đường thâu tóm toàn bộ quyền lực, ít tháng trước kỳ đại hội thứ 19, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Tuy nhiên, cuộc chiến quyền lực chưa hẳn đã ngã ngũ.
Theo Le Monde, kỳ họp Quốc Hội Trung Quốc lần này, kéo dài hai tuần, với 2.900 đại biểu « sẽ là một phong vũ biểu chính trị » về những gì đang diễn ra trong hậu trường quyền lực. Trong đại hội chuyển giao quyền lực cuối năm, ông Tập Cận Bình chắc chắn sẽ ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa, nhưng vấn đề là thành phần của Bộ Chính Trị tương lai, và đặc biệt là nhân sự của Thường Vụ Bộ Chính Trị.
Năm trong số bảy thành viên của cơ quan lãnh đạo tối cao này, về nguyên tắc, sẽ phải về hưu, do quy định tuổi tác, chỉ còn lại ông Tập Cận Bình, và thủ tướng Lý Khắc Cường. Danh sách nhân sự mới sẽ cho thấy ông Tập « thành công đến mức độ nào » trong việc thâu tóm quyền lực. Ủy viên thường vụ Vương Kỳ Sơn – người thuộc phe ông Tập, được mệnh danh là « ông trùm chống tham nhũng » - có khả năng sẽ được ở lại, cho dù ông Vương đã 68 tuổi.
Nhà sử học « độc lập » Chương Lập Phàm (Zhang Lifan) nhận định, vụ bắt giữ tỉ phú Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua), đưa từ Hồng Kông về Trung Quốc, hồi tháng Giêng mới đây là một phương tiện của ban lãnh đạo đảng nhằm « răn đe mọi mưu đồ chống đối ». Theo ông Chương Lập Phàm, tỉ phú Tiêu Kiến Hoa « nắm được nhiều thông tin quan trọng về các phe phái » trong đảng.
Le Monde so sánh nhiệm kỳ vừa qua của Tập Cận Bình với hai nhiệm kỳ nắm quyền của Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao) (2003-2013). Trong khi người tiền nhiệm bị suy yếu bởi các phe phái chống đối trong suốt hai nhiệm kỳ, thì dưới nhiệm kỳ đầu tiên của Tập Cận Bình, « nguyên tắc lãnh đạo tập thể trong đảng », có hiệu lực từ thời Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping), đã bị chôn vùi, khi ông Tập được tôn làm « lãnh đạo hạt nhân » của đảng.
« Đội quân của Tập » chưa đủ người
Tập Cận Bình bổ nhiệm hàng loạt người thân tín vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt, tuy nhiên, theo một nhà ngoại giao nước ngoài, ông Tập còn xa mới thôn tính được các trợ thủ của Hồ Cẩm Đào, vốn trưởng thành trong đoàn Thanh Niên, với 80 triệu đoàn viên. Theo nhà quan sát này, ông Hồ Cẩm Đào vẫn còn rất nhiều người ủng hộ trong lực lượng này. Nhiều vị trí lãnh đạo chiến lược, như lãnh đạo khu tự trị Tân Cương (Xinjiang) hay thành phố cảng Thiên Tân (Tianjin) vẫn không nằm dưới sự chỉ huy của ông Tập.
Theo nhà sử học Chương Lập Phàm, Tập Cận Bình « sẽ còn phải thỏa hiệp với các phe phái khác, đặc biệt là phe Đoàn, cho dù lực lượng này đã yếu đi, nhiều lãnh đạo bị ra tòa vì tham nhũng, và ngân sách giảm đến một nửa trong năm 2016 », lý do là « đội quân của Tập (như cách người Trung Quốc thường gọi) » « mới chỉ hình thành từ bốn năm nay, chưa đủ người có năng lực và kinh nghiệm để điều hành ở cấp quốc gia ».
Ông Chương Lập Phàm cũng dự đoán, rất ít khả năng thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ bị thay thế, bởi giữ lại nhân vật này chính là « duy trì sự cân bằng », đặc biệt là « sau giai đoạn chống tham nhũng lúc ban đầu được lòng dân, dân Trung Quốc đã chán nản các cuộc tranh giành quyền lực và muốn kết quả kinh tế cụ thể ».
Vẫn thep ông Chương Lập Phàm, về việc lựa chọn người kế vị Tập Cận Bình, hiện tại rất nhiều khả năng vị trí này sẽ trống người. Không giống như chính Tập Cận Bình, đã được chỉ định kế nhiệm ngay từ 5 năm trước khi chính thức trở thành lãnh đạo, tại đại hội mùa thu năm nay, chủ trương của ông Tập ắt hẳn sẽ là « nắm toàn bộ các lá bài (tức các vị trí lãnh đạo chủ chốt) trong tay để tiếp tục là lãnh đạo trung tâm » và như vậy việc chỉ định người kế nhiệm cho đại hội lần tới, sẽ để ngỏ cho tới kỳ họp 2022.
Bắc Kinh cố duy trì ổn định từ nay đến cuối năm
Cũng về chính trị Trung Quốc, báo Les Echos có bài « Bắc Kinh bắt buộc phải đi dây về kinh tế, để đối phó với các nguy cơ tài chính ». Theo tờ báo kinh tế Pháp, « toàn bộ vấn đề đối với chính quyền Trung Quốc hiện nay là không được để cho một cơn bão tố nào bùng lên từ đây đến cuối năm ». Dự kiến tăng trưởng năm được kéo về mức 6,5% là một trong biện pháp « đi dây » như vậy. Đã qua hẳn thời tăng trưởng cao, nhưng nếu rút xuống quá thấp, Bắc Kinh lo ngại « bất ổn xã hội gia tăng quá độ ».
Trong bài phát biểu tại Quốc Hội Trung Quốc, thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố « ổn định là điều cốt yếu », và nỗ lực tập trung vào « kiểm soát các nguy cơ ». Theo thủ tướng Trung Quốc, « các nguy cơ mang tính hệ thống hiện đều nằm dưới sự kiểm soát ».
Một trong những thách thức hàng đầu với kinh tế Trung Quốc năm nay là giảm sản xuất dư thừa và tìm cách giải quyết các hệ quả. Cụ thể Bắc Kinh sẽ phải giảm sản xuất 50 triệu tấn thép, hơn 150 triệu tấn than trong năm, và hơn 50 triệu kilowat/giờ điện cũng sẽ bị cắt giảm. Việc giảm các hoạt động này đi liền với việc hơn 500.000 chỗ làm trong ngành thép và than sẽ bị mất, riêng trong năm nay.
Tuy nhiên, vấn đề chính là khả năng chính quyền thực thi mục tiêu cải cách ra sao, bởi theo một báo cáo của Greenpeace, sản lượng thép năm ngoái tại Trung Quốc vẫn tăng, cho dù nhu cầu thực sự đã sụt giảm mạnh. - RFI
****
Sau bốn năm cầm quyền, hàng loạt các chương trình cải tổ được ông Tập Cận Bình đề xuất để đưa Trung Quốc thành một nền kinh tế tự do, tôn trọng luật chơi của thị trường vẫn dậm chân tại chỗ. Mọi người còn chờ đợi những biện pháp cụ thể chẳng hạn như hứa hẹn cải tổ các doanh nghiệp Nhà nước. Chính bản thân chủ tịch Trung Quốc đã “giảm tốc độ” cải cách vì sợ bất ổn.
Trên đây là nhận định của một số các chuyên gia được nhật báo Le Figaro số ra ngày cuối tuần (04/03/2017) trích dẫn.
Khai mạc Đại Hội Đại Biểu Nhân Dân Toàn Quốc, thủ tướng Lý Khắc Cường cảnh báo trước những nguy cơ Trung Quốc phải “đối mặt với tình hình phức tạp và khó khăn” và Bắc Kinh cần tiếp tục đẩy mạnh cải tổ trong bối cảnh “các xu hướng bảo hộ và chống toàn cầu hóa” ngày càng lan rộng. Trước đó một ngày, lãnh đạo số 1 ở Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình trong khuôn khổ Hội Nghị Chính Hiệp đã khẳng định là “Trung Quốc nỗ lực cải tổ về chất lượng và tính hiệu quả của nền kinh tế nước nhà, đẩy mạnh các biện pháp cải tổ về cơ cấu từ phía các doanh nghiệp”.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của nhiều chuyên gia về Trung Quốc, dường như ông Tập Cận Bình chỉ chú trọng vào việc củng cố quyền lực và thiếu thiện chí trước mục tiêu cải cách kinh tế. Điển hình là từ 2013 tới nay, hàng loạt các doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc làm ăn thua lỗ, sản xuất dư thừa vẫn sống sót nhờ được trợ cấp chủa chính phủ.
Giáo sư Jean-Pierre Cabestan, giảng dậy tại đại học Hồng Kông, thậm chí còn cho rằng chính ông Tập Cận Bình đã “ hãm phanh” những biện pháp cải tổ mà ông không còn muốn thực hiện. Bắc Kinh không dám đóng cửa những nhà máy quốc doanh thua lỗ, mà giới chuyên gia thường gọi là những con “vịt què” của guồng máy sản xuất nước này.
Cũng ông Tập không thực sự mở cửa thị trường Trung Quốc cho các công ty ngoại quốc như những gì ông từng mạnh mẽ cam kết trên các diễn đàn quốc tế.
Trong mắt giáo sư Cabestan, mục tiêu của chủ tịch Trung Quốc vẫn là “bảo vệ Đảng Cộng Sản và vai trò độc quyền” của tổ chức này trong nhiều lĩnh vực chiến lược, từ tài chính ngân hàng đến năng lượng.
Chuyên gia về chính trị học, Lâm Hòa Lập (Willy Lam), cũng thuộc đại học Hồng Kông, lưu ý rằng, dưới nhãn quan của Tập Cận Bình chế độ “Liên Xô sở dĩ đã sụp đổ do các hoạt động kinh tế vượt khỏi tầm kiểm soát của Đảng”.
Ông Tập Cận Bình sợ rằng, khai tử các doanh nghiệp Nhà nước, hàng trăm triệu cán bộ công nhân viên bị thất nghiệp, làm dấy lên nguy cơ bất ổn trong xã hội.
“Trong bốn năm, Tập Cận Bình củng cố thế lực nhanh hơn người tiền nhiệm”
Lo sợ bất ổn trong xã hội và chính trị của chủ tịch Tập Cận Bình lớn đến nỗi, gần như đã trở thành một “ ám ảnh ”. Cuối tháng 1/2017 Bắc Kinh đã ra lệnh đóng cửa trang mạng internet của nhóm chuyên gia đặt dưới sự điều hành của giáo sư kinh tế rất có uy tín trên thế giới, Mao Vu Thức (Mao Yushi). Nhà trí thức này đã mạnh dạn ví von : một chế độ độc đảng là “con mối đục khoét tài sản quốc gia”. Toàn bộ tài khoản internet, trang mạng xã hội cá nhân với 2,7 triệu “follower” của giáo sự họ Mao bị đóng cửa.
Một dấu ấn khác của ông Tập Cận Bình trong bốn năm cầm quyền vừa qua được nhà sử học độc lập của Trung Quốc, Chương Lập Phàm (Zhang Lifan) ghi nhận đó là trong vỏ vẹn 4 năm, ông đã thực sự gây dựng được một đội ngũ trung thành, mà tác giả họ Chương gọi là “quân lính của ông Tập”. Trong 4 năm, Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực nhanh hơn cả những gì mà người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào đã làm trong suốt 10 năm lãnh đạo đất nước.
Từ 2013 tới nay chủ tịch Trung Quốc đã gài người thân tín vào những chức vị then chốt trong guồng máy lãnh đạo ở mọi cấp, mọi lĩnh vực. Chỉ riêng về kinh tế, thì từ cơ quan đặc trách về chính sách kế hoạch hóa ở thành phố Hạ Môn cho đến bộ Thương Mại đều trong tay những cộng tác viên cũ của ông Tập Cận Bình.
Có điều, như kết luận của phóng viên báo Le Figaro Cyrille Pluyette tại Bắc Kinh, chiến lược gài người thân tín vào những tổ chức then chốt trong chính quyền, thanh trừng tất cả những tiếng nói đối lập để chuẩn bị cho Đại Hội Đảng lần thứ 19 vào năm tới mà Tập Cận Bình miệt mài theo đuổi chứng tỏ rằng, có lẽ Đảng Cộng Sản Trung Quốc lo sợ trước uy tín của phong trào cải tổ hơn là dưới thời ông Hồ Cẩm Đào. Đó là một trong những yếu tố giải thích vì sao, những hứa hẹn cải tổ được đưa ra từ năm 2013 tới nay vẫn còn bế tắc. - RFI
3.
Không quân Trung Quốc dọn đường ra Thái Bình Dương
Trang mạng Pháp East Pendulum, chuyên theo dõi các động tĩnh quân sự của Trung Quốc, ngày 03/03/2017 đã ghi nhận : 13 phi cơ quân sự Trung Quốc ngày 02/03 đã lại bay thành đội hình vượt qua eo biển Miyako cắt ngang Nhật Bản để ra Thái Bình Dương cùng tập trận với các chiến hạm chờ sẵn ngoài khơi. Đối với chuyên gia phân tích của trang mạng Pháp, nhịp độ các chuyến đột phá chuỗi đảo thứ nhất để tiến ra Thái Bình Dương của không quân Trung Quốc ngày càng dồn dập, cho thấy là Bắc Kinh đang cố gắng hoàn thiện năng lực ngăn chặn hạm đội Mỹ trong vùng.
Theo East Pendulum, ngay từ năm ngoái 2016, Hải Quân Trung Quốc đã thông báo là sẽ « bình thường hóa » các chuyến đi ra vùng Tây Thái Bình Dương. Giờ đây mục tiêu này kể như đã đạt với phi vụ thực hiện hôm 02/03 vừa qua, huy động hơn một chục chiến đấu cơ Trung Quốc, băng qua chuỗi đảo đầu tiên ngăn cách lục địa Trung Hoa với Thái Bình Dương theo ngã eo biển Miyako gần Nhật Bản.
Theo thông cáo của bộ Quốc Phòng Nhật hôm 02/03, thì 13 chiếc máy bay thuộc Hải Quân Trung Quốc đã vượt qua chuỗi đảo thứ nhất vào khoảng giữa trưa, để đến tập hợp cùng 3 chiến hạm Trung Quốc đang ở khu vực cách quần đảo Miyako của Nhật Bản khoảng hơn 120 cây số về phía đông nam.
East Pendulum cho biết là trong phi đội Trung Quốc, có một chiếc phi cơ cảnh báo AEW Y-8J, 6 chiến đấu cơ và 6 oanh tạc cơ. Nhưng không hiểu sao, phía Nhật đã không thông báo chính xác loại máy bay Trung Quốc, một điều khá bất thường, mà chỉ nói chung chung là « oanh tạc cơ » hay « chiến đấu cơ » được « giả định là của Trung Quốc ».
Đối với chuyên gia phân tích của East Pendulum, điều này có thể cho hiểu là máy bay Nhật Bản đã không đến gần đội phi cơ của Trung Quốc để chụp hình nhận dạng như trước đây.
Rèn luyện kỹ năng không hải chiến
Theo trang mạng Pháp, người ta được biết sau đó qua thông báo của Hải Quân Trung Quốc là chiến hạm và phi cơ Trung Quốc đã thực hiện một cuộc tập trận theo nội dung đối đầu. Máy bay và tàu chiến đã lần lượt đóng vai trò tấn công và tự vệ trong một cuộc không hải chiến.
Hai trong số 3 tàu chiến Trung Quốc là khu trục hạm 171 Hải Khẩu (Haikou) loại 052C và khu trục hạm 173 Trường Sa (Changsha) loại 052D. Hai chiến hạm này trước đó vài ngày vẫn còn ở Ấn Độ Dương, có lẽ là để dò thám kế hoạch phóng tên lửa của Ấn Độ. Sau đó, hai chiếc tàu đã đi ngược lên biển Sulawesi giữa Philippines và Indonesia trước khi di chuyển đến khu vực ngoài khơi Nhật Bản vùng chuỗi đảo thứ nhất.
Chiếc tàu thứ ba là khu trục hạm 531 Tương Đàm (Xiangtan) loại 054A, thuộc hạm đội Đông Hải, trong khi chiến hạm nói ở trên thuộc hạm đội Nam Hải.
Hình ảnh do Hải Quân Trung Quốc công bố cho biết là oanh tạc cơ được phái ra Thái Bình Dương là loại H-6G có thể phóng loại tên lửa siêu thanh chống hạm Y-12 với tầm bắn gần 400 cây số.
Điều đáng lưu ý là khu vực được máy bay và tàu chiến Trung Quốc chọn để tiến hành thao diễn quân sự là vùng gần eo biển Miyako, một trong hai « cửa ra » Thái Bình Dương quan trọng nhất đối với Trung Quốc. Đây sẽ là một vùng chiến sự ác liệt nếu Hải Quân Trung Quốc phải chạm trán với Hải Quân Mỹ và Nhật Bản trong một kịch bản tấn công « thu hồi » Đài Loan.
Nhịp độ dồn dập của những phi vụ ra Thái Bình Dương
Một điểm khác được trang mạng Pháp ghi nhận là trong hai năm gần đây, Không Quân và Hải Quân Trung Quốc không ngừng gia tăng những chuyến đột phá ra Thái Bình Dương ở đúng khu vực eo biển Miyako.
Rầm rộ nhất là phi vụ vào tháng 9 năm 2016, huy động khoảng 40 máy bay của Không Quân Trung Quốc, gây nên một số căng thẳng với phi cơ của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đài Loan. Gần đây nhất là « sự cố » xẩy ra vào tháng 12, khi Nhật Bản đã tung hơn một chục chiến đấu cơ F-15J đến khu vực máy bay Trung Quốc đi ngang qua để sẵn sàng ứng phó.
Đối với nhà phân tích của East Pendulum, trong thời gian sắp tới đây, chắc chắn là việc máy bay và chiến hạm Trung Quốc mượn eo biển Miyako để ra Thái Bình Dương sẽ trở thành một chuyện « bình thường », đúng theo tuyên bố của quân đội Trung Quốc.
Cho đến nay, ba binh chủng của quân đội Trung Quốc - Không Quân, Hải Quân và lực lượng tên lửa – vẫn tập trận riêng rẽ, nhằm mục tiêu chung là « triệt hạ » hoặc « đẩy lùi » sự phong tỏa của Mỹ và các đồng minh ở vùng Đông Á. Theo East Pendulum, sẽ không có gì là ngạc nhiên khi trong những năm tới, sẽ có những cuộc tập trận hợp đồng binh chủng, và lúc đó, các hành động của Trung Quốc sẽ có ý nghĩa nghiêm trọng hơn nhiều.
Lợi dụng quyền tự do lưu thông, coi thường Nhật Bản
Trên nguyên tắc, eo biển Miyako mà Trung Quốc mượn để cho chiến đấu cơ và chiến hạm đi ra Thái Bình Dương là một ngõ thông thương quốc tế dù cắt ngang quần đảo Nhật Bản. Bắc Kinh đã biết lợi dụng quyền tự do lưu thông trong khu vực này để phục vụ cho mình, cho dù ở nơi khác, Biển Đông hay Biển Hoa Đông, quyền tự do lưu thông không hề được Trung Quốc tôn trọng.
Trong một bài nói về vụ hai chiến đấu cơ F-15 của Nhật Bản nghênh tiếp phi cơ Trung Quốc trên eo biển Miyako ngày 10/12/2016 vừa qua, trang mạng East Pendulum đã nêu bật thái độ của Trung Quốc, đã không ngần ngại tố cáo máy bay Nhật Bản cản trở quyền tự do hàng không của phi cơ quân sự Trung Quốc.
Theo lời các nhân chứng đến tham quan căn cứ không quân Nhật Bản Naha vào sáng hôm đó, họ đã chứng kiến một cảnh tượng bất thường : 10 chiếc F-15J của Không Quân Nhật Bản đã lần lượt khẩn cấp xuất kích theo năm đợt, mỗi đợt hai chiếc. Hình mà công chúng chụp được cho thấy các chiếc F-15 này được vũ trang đầy đủ, với tên lửa không-đối-không, AAM-4 và AAM-5, có trang bị thêm bình xăng phụ, dấu hiệu cho thấy là chiến đấu cơ thực sự trong tư thế sẵn sàng đánh chặn.
Qua buổi chiều, bộ Quốc Phòng Nhật Bản chính thức giải thích : 6 máy bay của Trung Quốc đã vượt qua eo biển Miyako, một tuyến lưu thông quốc tế lớn rộng 300 km, nằm giữa các quần đảo Miyako và Okinawa. Sau khi vượt qua chuỗi đảo đầu tiên, phi cơ Trung Quốc đã bay về hướng nam. Máy bay Trung Quốc gồm hai chiến đấu-oanh tạc cơ Su-30MKK, hai máy bay ném bom 2 H-6K trang bị tên lửa hành trình, hai phi cơ dọ thám ELINT Tu-154M và ELINT Y-8CB.
Trung Quốc tố cáo hành động « nguy hiểm » của F-15 Nhật Bản
Điểm đáng chú ý là ngay trong ngày, trong cuộc họp báo thường kỳ, đại tá Dương Vũ Quân (Yang Yujun), phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Trung Quốc, đã tố cáo hai chiếc F-15J Nhật Bản « quấy rối » hoạt động tập huấn của các máy bay quân sự Trung Quốc bằng cách bay sát bên cạnh và thả « pháo sáng gây nhiễu » làm cho phi hành đoàn và máy bay Trung Quốc gặp nguy hiểm.
Phát ngôn viên Trung Quốc đã lên án những hành vi « nguy hiểm » và « không chuyên nghiệp » của các phi công
Nhật Bản bị cho là đã « vi phạm quyền tự do hàng hải và hàng không được luật pháp quốc tế cho phép ».
Đối với East Pendulum, đây quả là một giọng điệu lạ lùng từ phía Trung Quốc vì lẽ từ trước đến nay, những lời tố cáo tương tự thường là do phía Nhật Bản đưa ra.
Về nội dung những cáo buộc của Trung Quốc, có thể là các chiếc F-15 của Nhật, khi theo dõi các phi cơ Trung Quốc đã bay quá sát, và máy bay Trung Quốc đã có thao tác mạnh bạo để đẩy xa các đối phương quá tò mò. Pháo sáng mà phi cơ Nhật bắn ra – điều mà Tokyo đã lập tức phủ nhận sau khi bị Bắc Kinh cáo buộc - có thể là những tín hiệu cảnh báo nhắm vào máy bay Trung Quốc, hoặc sau khi thấy phi cơ Trung Quốc có hành động quá trớn như từng xẩy ra trước đây.
Dẫu sao thì phản ứng mạnh của Bắc Kinh như đã có tác dụng đối với Tokyo. Máy bay Nhật Bản đã tránh áp sát phi đội Trung Quốc hôm 02/03 vừa qua, vì vậy đã không chụp được ảnh các phi cơ Trung Quốc.
Trung Quốc ngày càng rèn luyện khả năng chống Hải Quân Mỹ
Một điểm sau cùng được trang mạng East Pendulum nêu lên là mục tiêu tối hậu của Trung Quốc là từng bước nâng cao năng lực đối phó với Hải Quân Mỹ tại khu vực Tây Thái Bình Dương, bên kia chuỗi đảo thứ nhất.
Ngày 02/03 vừa qua, như vậy là Trung Quốc đã điều máy bay và chiến hạm ra tập trận không hải chiến ở phía bên ngoài eo biển Miyako. Còn trong lần tập huấn hôm 10/12/2016, kết hợp các thông tin từ phía Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan, người ta thấy là Không Quân Trung Quốc đã tập phối hợp phi cơ thuộc hai quân khu phụ trách hai địa bàn hoàn toàn tách biệt nhau là quân khu miền Đông và miền Nam.
Theo ghi nhận của East Pendulum, từ năm 2015, Không Quân Trung Quốc đã bắt đầu tung máy bay vượt chuỗi đảo thứ nhất để ra Thái Bình Dương, đặc biệt là loại oanh tạc cơ chiến lược H-6K của họ. Tuy nhiên, trong bốn lần ra diễn tập ngoài Thái Bình Dương trong năm 2015, oanh tạc cơ Trung Quốc không hề được trang bị vũ khí, và phi cơ Trung Quốc chỉ thực hiện các bài tập đơn giản như tuần tra, tiếp liệu trên không. Giai đoạn này mang tính chất thử nghiệm.
Qua năm 2016, quân đội Trung Quốc đã bắt đầu bạo dạn hơn, và ngày 12/09, oanh tạc cơ Trung Quốc H-6K dùng ngã eo biển Ba Sĩ giữa Philippines và Đài Loan ra tập trận ngoài Thái Bình Dương, lần đầu tiên được trang bị tên lửa hành trình AKD-20. Trong đội máy bay Trung Quốc, lần đầu tiên cũng có đầy đủ phi cơ radar AWACS, chiến đấu cơ hộ tống Su-30MKK và phi cơ tiếp liệu IL-78.
Đối với nhà phân tích của East Pendulum, nếu xét kỹ tầm hoạt động của tên lửa hành trình AKD-20, khả năng phi cơ IL-78 tiếp liệu cho đội tiêm kích Su-30MKK hộ tống các chiếc oanh tạc cơ H-6K ra ngoài Thái Bình Dương đến tận nơi hành động, thì rõ ràng là Không Quân Trung Quốc đang rèn luyện năng lực vượt eo biển Ba Sĩ để đặt đảo Guam của Mỹ trong tầm nhắm. - RFI
Tin Hoa Kỳ
4.
Trump cho mở điều tra việc Obama "nghe lén"
Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi cáo buộc ông Barack Obama nghe lén, hôm Chủ nhật 05/03/2017, đã dấn thêm một bước bằng cách ra lệnh mở điều tra tại Quốc hội. Tuy nhiên mọi người đều tỏ ra nghi ngờ về tính xác thực của sự kiện này. Trong khi đó các vụ tội phạm và bạo động kỳ thị chủng tộc tăng cao tại nước Mỹ trong những tuần lễ gần đây.
Theo New York Times, giám đốc FBI James Comay đã có hành động hiếm thấy là yêu cầu bộ Tư Pháp công khai cải chính các cáo buộc « không hề dựa trên một chứng cớ nào ». Trước đó, ông James Clapper, người đứng đầu ngành tình báo Hoa Kỳ (DNI) dưới thời Barack Obama cũng khẳng định cả 17 cơ quan tình báo Mỹ « không hề nghe lén Donald Trump ».
Những ngày gần đây, lại có thêm một nghĩa trang Do Thái thứ ba bị phá hoại, một người Sikh bị bắn ngay trên đường phố…Trong bối cảnh đó, tuần này ông Donald Trump sẽ ra một sắc lệnh mới có sửa chữa, ngăn cản công dân nhiều nước Hồi giáo nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Một biện pháp đang gây chia rẽ nước Mỹ và làm tăng thêm căng thẳng trong xã hội.
Từ New York, thông tín viên RFI Grégoire Pourtier tường trình :
"Không khí thù hận đã được tạo ra không loại trừ một ai ». Một đại diện của cộng đồng người Sikh đã phát biểu như trên sau vụ một đồng hương bị tấn công bằng súng, cho thấy cảm tưởng này ngày càng lan rộng tại Hoa Kỳ.
Hầu như mỗi ngày, tin tức từ khắp nơi trên mọi miền đất nước đều cho thấy những hành động kỳ thị nặng nề, nhắm vào bất kỳ ai. Chẳng hạn đây là lần thứ hai xảy ra một sự kiện bi thảm đối với một công dân gốc Ấn : cách đây vài ngày một người Ấn Độ đã bị giết chết vì hung thủ ngỡ rằng nạn nhân là một người Hồi giáo. Người Do Thái cũng bị đặc biệt nhắm đến : hàng trăm ngôi mộ tại ba nghĩa trang đã bị phá hoại, và các vụ báo động tăng cao tại các trường học và cơ sở cộng đồng ở 36/50 tiểu bang.
Cho dù mỗi vụ tấn công hoặc phỉ báng đều khác nhau, không phải do cùng một loại thủ phạm gây ra, nhưng vấn đề là việc tranh cử của Donald Trump đã mang lại sân chơi chưa từng có cho những người da trắng kỳ thị. Lần đầu tiên, các nhóm cực đoan đã chính thức ủng hộ một ứng viên Cộng Hòa, và hiện nay tại Nhà Trắng, ông Trump cũng chưa hề vội vã lên án các hành động kỳ thị chủng tộc. Ngược lại, những tuyên bố luôn nảy lửa của ông Trump, chủ yếu chống lại người gốc Mỹ la-tinh hay người da đen, thường xuyên gây tranh cãi". - RFI
5.
Trump chuẩn bị ký lệnh mới về nhập cư
Tổng thống Mỹ Donald Trump được trông đợi sẽ ký lệnh hạn chế nhập cảnh mới được bổ sung sau khi lệnh cũ bị chặn ở tòa án Liên bang, theo bà Kellyanne Conway, trợ lý của ông.
Sắc lệnh trước hạn chế nhập cảnh đối với công dân bảy nước Hồi giáo đồng thời tạm ngưng chương trình tiếp nhận tỵ nạn của Hoa Kỳ.
Nó đã gây ra nhiều vụ lộn xộn ở sân bay, và dẫn đến biểu tình.
Chính quyền Trump biện hộ rằng sắc lệnh này cần thiết để bảo vệ nước Mỹ trước nguy cơ khủng bố.
Sắc lệnh mới có gì khác?
Tuy nội dung sắc lệnh mới chưa được công bố, bà Conway nói với kênh Fox News rằng Iraq sẽ được rút ra khỏi danh sách các nước bị hạn chế nhập cảnh.
Công dân các nước Iran, Libya, Syria, Somalia, Sudan và Yemen, tức sáu nước còn lại, tiếp tục bị cấm.
Bà Conway cũng nói rằng những người có thẻ xanh từ các nước nói trên sẽ không bị ảnh hưởng.
Người xin tỵ nạn sẽ bị cấm nhập cảnh 120 ngày, theo hãng tin Reuters. Nhưng bà Conway cho hay người tỵ nạn Syria sẽ không còn bị cấm nhập cảnh vô thời hạn nữa.
Khi nào lệnh mới có hiệu lực?
Bà Conway nói sắc lệnh mới sẽ có hiệu lực từ ngày 16/3.
Thông báo trước 10 ngày sẽ giúp đề phòng tình trạng hỗn độn tại các sân bay, điều đã xảy ra hôm 27/1 khi sắc lệnh đầu tiên được đưa ra mà không báo trước.
Liệu lệnh mới này có bị kiện không?
Có thể. Việc chậm trễ trong thực hiện có thể giúp quá trình khiếu kiện vì một trong những quan ngại của các thẩm phán liên bang vốn khước từ thông qua sắc lệnh đầu tiên chính là bộ tư pháp không đưa được bằng chứng cho thấy sắc lệnh này cho các cá nhân đủ thời gian chuẩn bị cũng như cân nhắc các trường hợp kỹ trước khi cấm.
Các thẩm phán cũng nói không tìm thấy bằng chứng rằng công dân các nước bị cấm đã có hoạt động khủng bố ở Hoa Kỳ. Bởi vậy sắc lệnh mới cũng có thể sẽ bị xem xét kỹ lưỡng. - BBC
Tin Việt Nam
6.
Nghệ An, Hà Tĩnh, Sài Gòn: Cả ngàn người biểu tình chống Formosa
Cả ngàn người ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Sài Gòn vào sáng 5 Tháng Ba (giờ Việt Nam) cùng lúc xuống đường tham gia các cuộc biểu tình đòi đuổi Formosa ra khỏi Việt Nam.
Tường thuật của các facebooker từ các địa điểm nổ ra biểu tình cho hay, tại Nghệ An, đồng loạt các Giáo xứ tại Giáo phận Vinh đã xuống đường biểu tình yêu cầu chấm dứt Formosa.
‘Giáo xứ Vĩnh Hoà xuống đường với những yêu cầu chính đáng “Formosa cút khỏi Việt Nam”. Giáo xứ Phú Yên và một số bà con giáo xứ Mành Sơn cùng Cha Anton Đặng Hữu Nam bắt đầu tuần hành sang giáo xứ Song Ngọc để dâng thánh lễ hiệp thông và cầu nguyện cho các nạn nhân của thảm hoạ ô nhiễm môi trường do Formosa gây nên.’
Những người biểu tình mang theo nhiều biểu ngữ như: ‘Formosa, quy trình giết chết dân Việt’, ‘Formosa nhận lỗi, chính quyền Việt Nam nhận tiền, còn nhân dân nhận thảm họa’, ‘Hãy hành động vì con em chúng ta’…
Còn tại Hà Tĩnh, người dân bao vây thủ phủ Formosa. Có sự xuất hiện của quân đội. Một hàng rào dây thép gai đã rào sẵn từ trước cách xa tường thành Formosa.
Theo tường thuật của Facebooker Paulus Lê Sơn và các cộng sự: ‘Tại Hà Tĩnh, cho đến 11 giờ 20 phút, người dân tại Hà Tĩnh vẫn đang tọa kháng tại trước cổng công ty Formosa. An ninh, công an, cảnh sát cơ động được bố trí dày đặc và khắp nơi.’
Riêng tại Sài Gòn, nhiều người dân đã đến khu vực nhà Thờ Đức Bà, quận 1, để biểu tình phán đối nhà cầm quyền Việt Nam bao che cho Formosa. Họ mang theo biểu ngữ đòi đuổi Formosa và kêu gọi người dân đoàn kết chống lại sự đàn áp của chính quyền.
Tại Biên Hòa, Đồng Nai, một số người cũng xuống đường giơ cao các biểu ngữ ‘Vì sự sống còn của tương lai chúng ta, Formosa phải cút khỏi Việt Nam.’
Đứng trước Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, nhiều người dân hô vang các khẩu hiệu và giơi cao các biểu ngữ: “Đuổi Formosa là trách nhiệm chung của chúng ta’, ‘No Formosa’, ‘Chúng tôi muốn làm người’, ‘Người Việt không giết Người Việt’ và có cả khẩu hiệu ‘Get out China’…
Phía chính quyền đã đáp trả bằng cách huy động hơn 200 công an cảnh sát, chở theo cả hàng rào thép gai để trấn áp. Họ liên tục đưa xe còi hú, xe loa liên tục ra lệnh “cấm người dân tụ tập đông người, gây mất trật tự”. Thế nhưng bất chấp, người dân vẫn đứng trước khu vực nhà thờ Đức Bà, ngay dưới chân tượng Đức Mẹ để biểu thị thái độ ôn hoà.
Rất nhiều người dân bị hốt đưa lên xe chở về công an Phường 7, Bến nghé, Phường 3, Quận 1, trong đó có linh mục Trương Hoàng Vũ và Lộc, Dòng Chúa Cứu Thế. Họ bắt bớ tất cả những người cầm máy quay phim chụp hình và đưa lên xe chở về các đồn công an câu lưu giam giữ.
Vụ cá chết hàng loạt ở Việt Nam 2016 hay còn gọi là thảm họa Formosa đề cập đến việc hàng trăm tấn cá chết hàng loạt tại vùng biển Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, bắt đầu từ ngày 6 Tháng Tư năm 2016 và sau đó lan ra vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.
Thảm họa này gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của hàng trăm ngàn gia đình ngư dân và phá hủy gần như hoàn toàn ngành du lịch của khu vực này.
Trước sức ép của dư luận và nhiều cuộc biểu tình của người dân miền Trung và cả ở các thành phố lớn như Sài Gòn và Hà Nội, cuối Tháng Sáu năm 2016, Formosa xin lỗi chính quyền và nhân dân Việt Nam kèm cam kết bồi thường 500 triệu đô la và không có truy cứu trách nhiệm hình sự bất kỳ ai.
Dù Formosa cam kết bồi thường 500 triệu đô la, nhưng cho đến nay, nhiều người dân vẫn chưa nhận được tiền bồi thường thỏa đáng từ phía nhà cầm quyền Việt Nam, người dân Hà Tĩnh tiếp tục đi kiện và không được giải quyết.
Ðỉnh điểm sự phản kháng của người dân Hà Tĩnh là ngày 2 Tháng Mười 2016, hàng ngàn người kéo đến biểu tình trước nhà máy Formosa đòi đóng cửa thủ phạm đầu độc môi trường tại bốn tỉnh miền Trung Việt Nam.
Cuộc biểu tình được cho là “lớn nhất từ trước đến nay” ở Hà Tĩnh làm chính quyền rúng động phải dùng rất đông cảnh sát cơ động đứng chắn ngang sát tường rào của cơ sở Formosa.
Gần đây nhất, hôm 14 Tháng Hai 2017, một cuộc tuần hành do Linh Mục JB Nguyễn Ðình Thục, giáo xứ Song Ngọc, giáo phận Vinh, dẫn dắt thu hút hơn 600 người dân các xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Thọ và Sơn Hải thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, đi kiện Formosa. Cuộc tuần hành bị công an đàn áp dã man trong đó nhiều người bị đánh đập, câu lưu khi mới đi được 1/5 chặng đường. - nguoiviet
7.
Lại cháy tàu du lịch vịnh Hạ Long
Bộ Công An Việt Nam được giới chức lãnh đạo Quảng Ninh mời tham gia điều tra vụ tàu du lịch bị cháy vào rạng sáng thứ hai, ngày 6 tháng 3, khi đang neo đậu tại Cảng Tuần Châu, Hạ Long.
Tàu du lịch Huy Lộc QN 3883, loại tàu du lịch khai thác theo giờ, xuất bến và vào bờ trong ngày, bất ngờ bị cháy vào lúc 0 giờ 7 phút sáng ngày 6 tháng 3 khi đang neo đậu tại Cảng tàu du lịch quốc tế Tuần Châu ở Hạ Long. Đám cháy được dập tắt 20 phút sau đó.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh, ông Bùi Hồng Minh cho báo giới trong nước biết loại tàu này sử dụng nguồn điện ắc quy nên khó có khả năng xảy ra cháy nổ. Giới chức ngành giao thông tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết từng xảy ra vụ cháy đối với tàu du lịch vì động cơ lấy tiền bảo hiểm. Riêng tàu du lịch Huy Lộc vừa bị cháy, chỉ mua bảo hiểm bắt buộc, chưa mua bảo hiểm cho thân tàu và vỏ máy.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu các ngành chức năng của tỉnh mời Viện Khoa học hình sự, thuộc Bộ Công an cùng điều tra nguyên nhân vì cho rằng có nhiều hoài nghi trong vụ cháy tàu du lịch Huy Lộc.
Thống kê cho thấy trong hai năm qua có hơn chục vụ tàu du lịch tại khu vực Vịnh Hạ Long bị cháy. Có những vụ trước đây gây thiệt mạng cho du khách. - RFA
8.
Tàu hàng Việt Nam chạy thoát cướp biển
Tàu chở hàng MV Phú An của Việt Nam cùng 13 thuyền viên bị cướp biển truy đuổi vào hôm chủ nhật, ngày 5 tháng 3 năm, nhưng may mắn chạy thoát.
Vụ việc xảy ra tại khu vực biển quốc tế ngoài khơi đảo Pulau Boan, Bang Sabah của Malaysia.
Chỉ huy trưởng Lực lượng An ninh miền đông Bang Sabah, ông Abdul Khalid cho biết chiếc Phú An đang trên đường hướng về thành phố Sandakan thì bị một một chiếc tàu cao tốc với 6 người đàn ông có vũ khí bám theo. Tàu Phú An đổi hướng di chuyển và phát tín hiệu cấp cứu. Tàu Phú An được Hải quân Malaysia hỗ trợ và được tàu tuần tra của nước này hộ tống tiếp tục hành trình đến Sandakan.
Báo giới Malaysia loan tin vẫn chưa rõ nhóm người có vũ trang rượt đổi tàu Phú An thuộc nhóm nào và vùng biển tàu Phú An bị rượt đổi thường xảy ra các vụ việc tương tự, do tổ chức khủng bố Abu Sayyaf từ Philippines thực hiện nhằm mục đích bắt thủy thủ để đòi tiền chuộc.
Gần nhất một tàu Việt Nam cũng bị cướp ngoài khơi Philippines là chiếc MV Giang Hải, có một thủy thủ bị bắn chết. - RFA
Link:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét