Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 14 tháng 3, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Ba 14/3 - Lê Minh Nguyên


TQ: Cuộc họp thương mại quốc tế tại Chile không bàn về TPP

Trung Quốc ngày 13/3 loan báo cuộc họp tại Chile để bàn về khả năng của một thỏa thuận thương mại Thái Bình Dương không hoàn toàn liên hệ tới Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP vì Bắc Kinh cố gắng giữ khoảng cách với hiệp định do Mỹ dẫn đầu này.
<!>
Đại diện các nước thành viên TPP, cộng với Trung Quốc và Hàn Quốc, sẽ gặp nhau vào ngày 14 và 15 tháng này. Đây là cuộc họp đầu tiên kể từ khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP hồi tháng Giêng. 
Đặc sứ Trung Quốc tại Châu Mỹ Latin, Yin Hengmin, sẽ tham dự cuộc họp trong hai ngày tới ở Chile để thảo luận về sự hội nhập Châu Á-Thái Bình Dương và bước kế tiếp cho sự hợp tác ở khu vực, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.

Tại cuộc họp báo thường kỳ, bà Hoa Xuân Oánh còn nhấn mạnh rằng ‘Cuộc họp này không như báo chí nói là một cuộc họp TPP.’
Chile hy vọng cuộc gặp sắp tới sẽ mở ra những phương án tiến tới, bao gồm khả năng gầy dựng trên căn bản những thỏa thuận đã có từ trước, theo tin từ giới chức đứng đầu thương mại quốc tế của Chile, Paulina Nazal, nói với Reuters.

Trong các thỏa thuận hiện có, có thể được mở rộng, phải kể tới RCEP mà Trung Quốc đang đóng vai trò chủ chốt.
Những người chỉ trích việc Tổng thống Trump rút Mỹ ra khỏi TPP cho rằng hành động này mở lối cho Trung Quốc định hướng thương mại Thái Bình Dương có lợi cho Bắc Kinh.

Australia và New Zealand hy vọng vực dậy TPP bằng cách khuyến khích Trung Quốc và các nước Châu Á khác tham gia TPP.
Chính phủ Bắc Kinh tỏ dấu không muốn bước vào TPP, hiệp định mà Trung Quốc cho là quá phức tạp và đậm màu chính trị. Thay vào đó, Bắc Kinh muốn thúc đẩy các cuộc đàm phán RCEP. - VOA

2.
Malaysia trục xuất 50 người Bắc Triều Tiên

Trong một diễn tiến mới liên quan đến vụ sát hại Kim Jong Nam tại sân bay Kuala Lumpur, ngày 14/03/2017, phó thủ tướng Malaysia thông báo trục xuất 50 người Bắc Triều Tiên đã hết thời hạn visa nhập cảnh, cho dù Kuala Lumpur vẫn duy trì lệnh cấm xuất cảnh đối với tất cả công dân Bắc Triều Tiên.
Phó thủ tướng Ahmad Zahid Hamidi tuyên bố với báo chí là 50 lao động Bắc Triều Tiên đang làm việc tại bang Sarawak sắp bị trục xuất khỏi Malaysia. Lý do được đưa ra là những công dân Bắc Triều Tiên nói trên đã hết hạn visa nhập cảnh. Tuy nhiên lệnh cấm công dân Bắc Triều Tiên xuất cảnh, được đưa ra sau các căng thẳng ngoại giao giữa hai nước do vụ sát hại Kim Jong Nam vẫn có hiệu lực.

Phó thủ tướng Ahmad Zahid Hamidi cho biết thêm thi hài Kim Jong Nam đã được đưa ra khỏi nhà xác bệnh viện Kuala Lumpur để được ướp nhằm bảo quản lâu dài. Chính quyền Kuala Lumpur cũng thông báo sẽ trao trả thi hài cho người thân. Nhưng đến giờ, chưa có ai đến nhận là thân nhân của nạn nhân.
Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, bộ trưởng Y Tế Malaysia ngày 13/03/2017 đã yêu cầu gia đình Kim Jong Nam sớm đến nhận lại thi thể. Trong một cuộc họp báo, ông Subramaniam Sathasivam nói : «  Kim Jong Nam có vợ con. Chúng tôi chờ họ đến xin nhận lại thi thể người quá cố. Danh tính nạn nhân đã được xác định ».

Được hỏi về thời hạn tối đa để chờ gia đình nạn nhân, bộ trưởng Y Tế Malaysia cho biết có thể trong vòng 2 hoặc 3 tuần tới. Trong trường hợp gia đình nạn nhân không tới, văn phòng thủ tướng và các bộ liên quan như Ngoại Giao, Nội Vụ và Y tế sẽ cùng thảo luận, quyết định các bước tiếp theo để giải quyết thi thể của Kim Jong Nam.

Trong khi đó, Bình Nhưỡng vẫn khẳng định nạn nhân là một người Bắc Triều Tiên có tên là Kim Chol, không thừa nhận đó là Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ của Kim Jong Un.
Bình Nhưỡng và Kuala Lumpur sắp tới sẽ phải đàm phán với nhau để tìm giải pháp cho vụ việc khiến quan hệ song phương trở nên căng thẳng. Hai nước trả đũa nhau bằng cách việc bên này cấm kiều dân của bên kia xuất cảnh. - RFI
|
|

3.
Bắc Hàn cảnh báo tấn công ‘tàn khốc’

Hôm thứ Ba, Bắc Triều Tiên cảnh báo sẽ tấn công “tàn khốc” nếu một hạm đội tấn công của Mỹ, có hàng không mẫu hạm do tàu USS Carl Vinson dẫn đầu, tập trận với Nam Triều Tiên, vi phạm chủ quyền và lòng tự trọng của Bình Nhưỡng.
Kể từ năm ngoái, Bắc Triều Tiên đã đưa ra những cảnh báo đối với các quốc gia láng giềng bằng hai cuộc thử nghiệm hạt nhân và một loạt vụ phóng tên lửa. Bình Nhưỡng nói nhóm tàu tấn công của Mỹ là một phần trong “âm mưu liều lĩnh” tấn công nước này.

“Nếu họ vi phạm chủ quyền và lòng tự trọng của CHDCND Triều Tiên, quân đội sẽ thực hiện những cuộc tấn công cực kỳ chính xác từ trên bộ, trên không, trên biển và dưới nước”, hãng tin KCNA của Bắc Triều Tiên tuyên bố.
“Chỉ trong ngày 11 tháng 3, nhiều máy bay từ hàng không mẫu hạm của đối phương đã bay theo hướng gần không phận và vùng lãnh hải của nước CHDCND Triều Tiên để thực hiện các cuộc tập trận thả bom và tấn công bất ngờ vào các mục tiêu trên bộ của quân đội”, KCNA nói thêm.

Một phát ngôn viên của Hải quân Hoa Kỳ cho biết tàu Carl Vinson đang trong lịch trình hoạt động thường kỳ đến khu vực. Trong thời gian này, tàu sẽ tham gia tập trận với các lực lượng đồng minh Hàn Quốc.
Tuần trước, Bắc Triều Tiên đã phóng bốn phi đạn đạn đạo vào vùng biển ngoài khơi Nhật Bản nhằm đáp lại các cuộc tập trận quân sự Mỹ-Nhật hàng năm, mà Bắc Triều Tiên cho là chuẩn bị cho chiến tranh.

Vụ ám sát người anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại Malaysia vào tháng trước cũng làm tăng thêm nỗi lo phải đẩy nhanh các nỗ lực xử lý Bắc Hàn.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson sẽ có chuyến thăm đầu tiên tới Hàn Quốc vào thứ Sáu.

Tuần trước, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc cho biết chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang đánh giá lại chiến lược về Bắc Triều Tiên và “tất cả các lựa chọn đều được đưa ra”.

Trung Quốc phản đối

Thêm vào những căng thẳng trong khu vực, Trung Quốc cũng đang phản đối mạnh mẽ việc triển khai một hệ thống tên lửa tiên tiến của Mỹ tại Hàn Quốc.
Hoa Kỳ và Hàn Quốc nói hệ thống tên lửa phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) là để phòng chống Bắc Triều Tiên, nhưng Trung Quốc lo ngại radar cực mạnh của hệ thống này có thể thăm dò sâu vào lãnh thổ Trung Quốc, làm ảnh hưởng đến an ninh nước này.

Hoa Kỳ bắt đầu triển khai hệ thống THAAD cách đây một tuần, một ngày sau khi Triều Tiên thực hiện 4 cuộc thử phi đạn mới nhất.

Quân đội Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu các cuộc tập trận chung quy mô lớn, được tuyên bố là tự vệ, vào ngày 1 tháng 3.
Cuộc tập trận năm ngoái có sự tham gia của khoảng 17.000 quân Mỹ và hơn 300.000 binh sĩ Hàn Quốc. Hàn Quốc cho biết tập trận năm nay có quy mô tương tự.

Một phát ngôn viên quân đội Hoa Kỳ cho biết Hoa Kỳ cũng đã bắt đầu đưa máy bay tấn công không người lái “Grey Eagle” tới Hàn Quốc.
Trung Quốc nói các cuộc tập trận không có ích gì trong việc làm giảm căng thẳng. Tuần trước, Bắc Kinh kêu gọi Bắc Triều Tiên ngừng các cuộc thử nghiệm vũ khí, và Hàn Quốc, Hoa Kỳ hãy ngừng các cuộc tập trận.

Một tờ báo nhà nước Trung Quốc nói tàu USS Carl Vinson đang tham gia vào một cuộc mô phỏng tấn công nhằm vào các cơ sở hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên.
“Hoa Kỳ và Hàn Quốc thường tố cáo Trung Quốc là không hợp tác, nhưng thực tế là họ không hợp tác với vai trò hòa giải của Trung Quốc”, tờ báo có nhiều ảnh hưởng Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc đề cập đến những chỉ trích cho rằng Bắc Kinh đã không làm đủ để kiềm chế cựu đồng minh Bắc Triều Tiên. - VOA

4.
Nhật Bản trợ giúp Myanmar

Tổ chức Nippon Foundation có trụ sở tại Nhật Bản và những tổ chức liên hệ đã trao tặng cho Myanmar gần 90 triệu đô la để đáp ứng những nhu cầu căn bản của nước này kể từ năm 1976, và có kế hoạch hỗ trợ thêm 30 triệu đô la trong nhiệm kỳ của Chính phủ Liên đoàn Toàn quốc vì Dân chủ. Ông Yohei Sasakawa, đặc sứ của chính phủ Nhật Bản về hòa giải quốc gia tại Myanmar đồng thời là Chủ tịch của Nippon Foundation loan báo tin này.
Tại buổi lễ đánh dấu hoàn tất xây dựng các tòa nhà cho những người bị ảnh hưởng vì xung đột tại vùng đông nam Myanmar được tổ chức tại làng Lay Kay Kaw, quận Myawady, gần biên giới Myanmar-Thái hôm thứ Sáu tuần qua, đặc sứ Sasakawa cho biết tổ chức của ông sẽ sử dụng tiền tài trợ của chính phủ Nhật Bản để thực hiện thêm nhiều dự án tại Myanmar với sự chấp thuận của chính phủ của Tổng thống Htin Kyaw.

Ông Sasakawa nói việc trợ giúp tại Myanmar bắt đầu bằng việc phát triển những nguồn nhân lực và chữa trị những bệnh nhân phong bằng cách phân phối thuốc men. Qua thời gian, tổ chức Nippon Foundation tại Myanmar đã bắt đầu mở rộng các hoạt động trên một số lãnh vực rộng lớn, bao gồm y tế, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ cho người khuyết tật và cứu trợ những cộng đồng bị ảnh hưởng vì xung đột.

Những dự án đang tiến hành chú trọng đến 5 khu vực cốt lõi bao gồm 6 dự án y tế, 4 về giáo dục, 4 về phát triển nguồn nhân lực, 3 để hỗ trợ người khuyết tật, và 3 dự án để hỗ trợ cho những cộng đồng chịu ảnh hưởng vì các cuộc xung đột.
Trong việc hỗ trợ các khu vực xung đột, tổ chức Nippon Foundation đã cung cấp 19,3 triệu đô la vật phẩm cứu trợ bao gồm thực phẩm, thuốc men, mùng và pin mặt trời cho hơn 1 triệu người, và yểm trợ cho dưỡng đường Mae Tao chữa trị và cung cấp thuốc men miễn phí cho những người phải rời bỏ nhà cửa tại Myanmar và những người tị nạn tại biên giới Myanmar-Thái Lan kể từ năm 2012.

Một dự án đang tiến hành khác là chương trình tái phục hồi những vùng bị ảnh hưởng vì các cuộc xung đột tại Myanmar bắt đầu vào năm ngoái. Chương trình sẽ được thực hiện tại 25 nơi khác nhau ở 3 vùng miền đông nam Myanmar là Tanintharyi, Kayin và Mon do những nhóm sắc tộc vũ trang kiểm soát. - VOA

5.
Châu Âu triển hạn 6 tháng lệnh trừng phạt Nga

Liên Hiệp Châu Âu, ngày 13/03/2017, quyết định kéo dài thêm 6 tháng, các biện pháp trừng phạt Nga, trong hồ sơ xung đột quân sự ở miền đông Ukraina. Đối tượng của lệnh trừng phạt được triển hạn này là các quan chức và các pháp nhân Nga. Theo thông cáo của Bruxelles, được Reuters trích dẫn, việc đánh giá tình hình không cho phép thay đổi chế độ trừng phạt.
Châu Âu đã tiến hành trừng phạt Matxcơva từ tháng 03/2014, sau khi Nga sáp nhập Crimée và hỗ trợ cho phe nổi dậy tại miền đông Ukraina.

Từ Matxcơva, thông tín viên Muriel Pomponne tường trình :

"Các biện pháp trừng phạt vừa được triển hạn bao gồm lệnh cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản tại các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Đối tượng bị trừng phạt là 150 người Nga hoặc Ukraina và 37 pháp nhân, tức là các doanh nghiệp.
Châu Âu cho rằng các đối tượng này đã có những hành động phá hoại hoặc đe dọa toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và độc lập của Ukraina. Các biện pháp trừng phạt được triển hạn thêm 6 tháng, đến ngày 15/09 sắp tới.

Không có gì thay đổi trong danh sách đối tượng bị trừng phạt, ngoài việc rút tên hai lãnh đạo các nước cộng hòa ly khai tự xưng ở vùng Donbass, bởi vì họ đã chết. Nhiều thành viên chính phủ Nga nằm trong danh sách này, đặc biệt là phó thủ tướng Dimitri Rogozine, hai thứ trưởng bộ Quốc Phòng hoặc lãnh đạo cơ quan tình báo đối ngoại Serguei Narychikine, và nhiều doanh nhân, nhất là ông Arkadi Rotenberg, một tỷ phú thân cận với tổng thống Vladimir Putin.
Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào các lĩnh vực ngân hàng, dầu lửa hoặc quốc phòng của Nga sẽ hết hạn vào cuối tháng Bẩy này. Để trả đũa, Nga đã tiến hành cấm vận đối với nông sản châu Âu và lệnh cấm của Matxcơva được áp dụng cho đến cuối năm 2017". - RFI

6.
Thượng viện Anh Quốc thông qua điều luật Brexit

Thượng viện Anh Quốc thông qua điều luật Brexit, mở đường cho chính phủ khởi động Điều 50 (Hiệp ước Lisbon) để nước này rời EU.
Các thượng nghị sĩ thoái lui trước vấn đề về quyền cư trú của công dân EU tại Anh sau Brexit.

Dự luật này dự kiến được Hoàng gia phê chuẩn và trở thành luật hôm 14/3.
Laura Kuenssberg, phóng viên BBC nói rằng điều này có nghĩa là Thủ tướng Anh Theresa May có thể khởi động các cuộc đàm phán về việc rời EU.

Động thái của Thượng viện Anh Quốc diễn ra trong bối cảnh Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon công bố dự định tổ chức cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về độc lập cho Scotland vào thời điểm các cuộc đàm phán Brexit được trông đợi đến hồi kết.
Bà Sturgeon cho biết bà muốn cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức trong khoảng từ mùa thu năm 2018 đến đầu năm 2019.
Trên lý thuyết, Thủ tướng May có thể kích hoạt Điều 50, chính thức bắt đầu quá trình Brexit, sớm nhất hôm 14/3.

Tuy nhiên, nguồn tin từ Downing Street cho biết điều này sẽ không xảy ra trong tuần này và Thủ tướng dự kiến đợi đến cuối tháng này để thông báo chính thức cho EU về ý định rời đi của Anh, bắt đầu quá trình kéo dài khoảng hai năm.
"Hôm nay, Nghị viện đã ủng hộ chính phủ trong quyết tâm thực hiện việc rời EU", Bộ trưởng phụ trách Brexit David Davis nói. 
"Chúng ta đang ở ngưỡng đàm phán quan trọng nhất cho nước Anh."
Điều luật Brexit được thông qua với tỷ lệ 274 phiếu thuận, 118 phiếu chống. - BBC

7.
Bầu Quốc Hội Hà Lan: đảng cực hữu khai thác nỗi sợ hãi của cử tri để kiếm phiếu

Ngày 15/03/2017, cử tri Hà Lan bầu lại Quốc Hội cho một nhiệm kỳ bốn năm. Đảng Tự Do PVV của nghị viên châu Âu, Geert Wilders đang ngang ngửa với đảng cầm quyền thiên hữu của thủ tướng sắp mãn nhiệm Mark Rutte. Theo phân tích của ông Nguyễn Thanh Hùng, một người Việt sống lâu năm tại Hà Lan, cử tri hưởng ứng luận điểm bài Hồi giáo nhưng không tán đồng chính sách chống Liên Hiệp Châu Âu của đảng này.
Các thăm dò dư luận cho thấy đảng Tự Do PVV của ông Geert Wilders đang là một trong năm đảng có triển vọng được nhiều phiếu nhất, trên tổng số 26 đảng phái chính trị ra tranh cử Quốc Hội Hà Lan lần này. Geert Wilders là ai ? Chương trình vận động của lãnh đạo đảng Tự Do PVV gồm những gì ? Hà Lan là một xã hội cởi mở, tôn trọng nét đa văn hóa, đa tôn giáo, là một nền kinh tế thịnh vượng. Vậy thì vì sao chiêu bài dân túy của ông Wilders lại có sức thuyết phục với một phần công luận ?

Trả lời RFI Việt ngữ, ông Nguyễn Thanh Hùng, một người sống lâu năm tại Hà Lan ghi nhận : PVV khơi dậy những nỗi lo sợ trong công luận để kiếm phiếu, nhưng những giải pháp cụ thể đưa ra đều mang tính bất khả thi. Vả lại với đường lối hoạt động rất riêng biệt của Hà Lan, chưa chắc là ông Wilders hay đảng Tự Do cực hữu này sẽ tham gia nội các trong chính phủ liên minh sắp tới. - RFI

8.
Đại sứ Hà Lan bị ngăn trở lại Thổ Nhĩ Kỳ --- Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ muốn gì khi khiêu khích châu Âu?

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố hàng loạt biện pháp trả đũa quyết định của Hà Lan ngăn các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đi vận động cho cuộc trưng cầu dân ý. 
Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus nói đại sứ Hà Lan sẽ bị ngăn trở lại Ankara và các cuộc trao đổi cấp cao đều bị tạm dừng.

Ý định tổ chức các cuộc tuần hành ở Đức, Áo, Thụy Sĩ và Hà Lan đều bị các nước sở tại ngăn chặn.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tố cáo Hà Lan và Đức là tàn dư của Quốc xã.

Mark Lowen, phóng viên BBC ở Istanbul nói Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan, hai đồng minh Nato, đang gặp khủng hoảng ngoại giao chưa từng thấy.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ "trợ giúp và đoàn kết" với Hà Lan.

Hôm 13/3, Bộ Ngoại giao Hà Lan đưa ra cảnh báo du lịch mới, khuyến cáo công dân nước này ở Thổ Nhĩ Kỳ phải thận trọng và lưu tâm đến "căng thẳng ngoại giao" này.
Xung đột giữa hai nước diễn ra chỉ hai ngày trước cuộc bầu cử quốc hội ở Hà Lan, vốn đang bị ảnh hưởng bởi những quan ngại về nhập cư và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte viện dẫn những quan ngại về an ninh trước bầu cử là lý do khiến nước này ngăn chặn các cuộc tuần hành của người Thổ Nhĩ Kỳ.

Các cuộc tuần hành nhằm vận động đông đảo người Thổ Nhĩ Kỳ ở châu Âu bỏ phiếu thuận trong cuôc trưng cầu dân ý hôm 16/4 nhằm tăng thêm quyền hạn cho Tổng thống Erdogan. 
Các quan chức cao cấp của EU đã chỉ trích kế hoạch này hôm 13/3. 
Khu vực cử tri lớn thứ tư

Có hơn ba triệu người gốc Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức và 1,4 triệu trong số này đủ điều kiện tham gia các cuộc bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ. 
Trên thực tế, cộng đồng này là khu vực cử tri lớn thứ tư của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Giới chức Đức, Áo và Hà Lan nói các cuộc tuần hành có thể khiến căng thẳng leo thang.
Một cuộc tụ tập vẫn diễn ra tại Pháp, tuy nhiên, chỉ sau khi giới chức nói sự kiện này không phải là một mối đe dọa.

Hai bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ bị ngăn phát biểu trước đám đông ở thành phố Rotterdam, Hà Lan. Một trong hai bộ trưởng bị áp tải về biên giới Đức.
Cảnh sát dùng chó và vòi rồng để giải tán người biểu tình đang vẫy cờ Thổ Nhĩ Kỳ ở Rotterdam. - BBC

***
Căng thẳng leo thang trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước châu Âu, đặc biệt là với bốn nước Đức, Áo, Hà Lan và Thụy Sĩ. Đó là những quốc gia hoặc không cho phép cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức mít-tinh cổ vũ trưng cầu dân ý hoặc từ chối để bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tham gia các cuộc mít-tinh chính trị này. Trong suốt mấy ngày qua, tổng thống Erdogan không ngừng thóa mạ giới lãnh đạo châu Âu. Ankara muốn gì và sẽ đi đến đâu ?
Mỗi ngày trôi qua, Ankara càng xa dần bến châu Âu. « Thủ tướng Merkel, bà là người ủng hộ khủng bố ». Lời tuyên bố thiếu ngoại giao này của tổng thống Erdogan trên đài truyền hình chiều ngày 13/03/2017, tiếp sau những lời lên án Đức và Hà Lan là « tàn dư » của phát-xít, là đỉnh điểm của một tuần lễ căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu đặc biệt là với bốn nước Đức, Áo, Hà Lan và Thụy Sĩ.

Trong tuần qua, tổng thống Erdogan đã điều bộ trưởng Ngoại Giao và bộ trưởng bộ Gia Đình, sang những nước châu Âu có đông đảo kiều dân Thổ để vận động cho cuộc trưng cầu dân ý sửa đổi Hiến Pháp vào ngày 16/04/2017. Cải cách chính thể, từ đại nghị sang tổng thống chế, sẽ củng cố quyền lực tổng thống và cho phép ông Erdogan tiếp tục cầm quyền cho đến 2029.
Để thực hiện ước mơ quyền lực, tổng thống Erdogan có vẻ không từ một giới hạn nào. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, đối lập e ngại nền dân chủ thế tục rộng lớn nối liền hai châu lục Âu-Á, kiến tạo từ thập niên 2000, bị một chế độ độc tài thay thế. Từ sau cuộc đảo chính hụt tháng 7/2016, tổng thống Erdogan đã thẳng tay thanh trừng hàng trăm ngàn quân nhân, cảnh sát, công chức, giáo chức. Hàng chục tờ báo, đài truyền hình bị xem là « ủng hộ » đảo chính bị đóng cửa, nhiều đảng đối lập bị cấm hoạt động với lý do có liên hệ với tổ chức Kurdistan PKK.

Lá bài và lá phiếu kiều dân 

Thế nhưng, cho dù đảng AKP của tổng thống áp đảo tại Quốc Hội, cho dù đối lập bị trấn áp, các kết quả thăm dò ý kiến cho thấy phe chống cải cách Hiến Pháp có khả năng chiếm đa số. Đó là lý do chính quyền Thổ đánh lá bài « kiều dân hải ngoại » mà đông đảo nhất là ở Đức, Áo, Hà Lan, Thụy Sĩ và Pháp, có xu hướng thân chính quyền Ankara.
Thoạt đầu, tại Đức, vì không muốn « nhập khẩu » xung khắc chính trị nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ liên bang không mặn mà với những cuộc biểu tình ủng hộ Erdogan trên lãnh thổ Đức. Nhưng cuối cùng, chính các chính quyền địa phương, viện lý do an ninh để từ chối. Ngay lập tức, tổng thống Erdogan lên án Đức « theo bước chân Hitler ». Thái độ của Ankara đã bị cộng đồng quốc tế lên án. Áo kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu lấy quyết định chung cấm biểu tình. Hà Lan cũng hủy bỏ một số cuộc mít-tinh, cấm máy bay ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đáp xuống Rotterdam và trục xuất bộ trưởng bộ Gia Đình Fatma Betül Sayan Kaya cho dù bà có hộ chiếu ngoại giao.

Tự cho là nạn nhân
Chính vì lo sợ thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý, vỏ bọc hóa trang cho kế hoạch tập trung quyền lực và lãnh đạo trọn đời, cho nên tổng thống Erdogan đánh lá bài thứ hai là « tự biến thành nạn nhân » bị áp bức. Do đó mới có những lời tuyên bố như là Thổ Nhĩ Kỳ là nạn nhân « của bọn Tây Âu ngạo mạn và khinh miệt đạo Hồi » hay là « chủ nghĩa phát-xít vẫn tồn tại mà thủ đô là La Haye ».

Theo tính tóan của tổng thống Erdogan, đọ sức với châu Âu là chiến thuật hiệu quả nhất để đánh động tinh thần dân tộc chủ nghĩa cực đoan nhất. Một số nhà phân tích còn cho rằng đây cũng là một đòn chiến tranh tâm lý phục vụ chính trị nội bộ và đối ngoại. Một là để kích động tinh thần bài châu Âu của một bộ phận dân chúng bất bình Bruxelles vẫn chưa rộng cửa đón Thổ Nhĩ Kỳ làm thành viên sau hơn 50 năm chờ đợi và hai là để gây áp lực với châu Âu. Vị trí « chốt chận » di dân nhập cư và vai trò then chốt giải quyết chiến tranh Syria là hai lá chủ bài khác của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Erdogan nghĩ rằng ông có thể huy động dân chúng qua hình ảnh người hùng không sợ bất cứ ai, có khả năng « lấy lại những vùng lãnh thổ bị mất » để phục hồi một Thổ Nhĩ Kỳ « độc lập và kiêu hãnh » của thời quá khứ.

Thế nhưng, thái độ leo thang của Ankara, bất chấp những lời kêu gọi « hạ nhiệt » của châu Âu và phản ứng nhún nhường của Pháp, cho phép tổ chức mít-tinh có ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tham dự, chắc chắn sẽ không giúp cho Thổ Nhĩ Kỳ tiến gần với châu Âu.
Ngược lại, nếu tổng thống Erdogan chiến thắng trưng cầu dân ý và nhân xu thế này tái lập án tử hình, thì tiến trình đàm phán sẽ đứt đoạn và giấc mơ làm công dân châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vỡ tan.

Đáp trả thông minh
Câu hỏi đặt ra ở đây là châu Âu, có nên để cho tổng thống Erdogan tự do thóa mạ ? Theo nhật báo Le Monde, châu Âu phải đáp trả một cách cứng cỏi và thông minh. Bởi vì cấm đảng cầm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức mít-tinh tại châu Âu sẽ tạo cớ cho tổng thống Erdogan trấn áp các quyền tự do ngôn luận và hội họp tại Thổ Nhĩ Kỳ. - RFI

9.
Mỹ đưa máy bay võ trang không người lái sang Hàn Quốc --- THAAD ngáng chân được Bình Nhưỡng, nhưng khiến Bắc Kinh chạy đua vũ trang?

Đầu năm tới, hỏa lực của Mỹ ở Hàn Quốc được nâng cấp với máy bay trinh sát- tấn công MQ-1C Gray Eagle được điều khiển từ xa. Tin này được thông báo trong bối cảnh Bắc Triều Tiên nỗ lực chế tạo tên lửa hạt nhân, đe dọa Washingon và các nước đồng minh Bắc Á.
Bộ Quốc Phòng Mỹ, ngày 13/03/2017 loan báo sẽ đưa sang Hàn Quốc các máy bay tấn công không người lái MQ-1C Gray Eagle trang bị ra-đa nhận dạng mục tiêu. Đây là loại vũ khí cải tiến từ « drone » Predator nổi tiếng của quân đội Mỹ. Mỗi chiếc Gray Eagle có thể mang theo 4 tên lửa Hellfire, tấn công trên bộ, hoặc Stinger, phòng không.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff Davis cho biết thêm, không riêng gì lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc mà tất cả các đơn vị lớn của Mỹ trên thế giới đều được trang bị Gray Eagle, theo chương trình tăng cường hỏa lực cho bộ binh. Mỗi sư đoàn được một đại đội Gray Eagle gồm 12 chiếc và 128 quân nhân.
Với sự thỏa thuận của Hàn Quốc, đơn vị máy bay đa năng được đặt tại căn cứ không quân Kunsan vào đầu năm 2018 nhưng không rõ chính xác có bao nhiêu chiếc.

Loạt thử nghiệm tên lửa và hạt nhân của Bắc Triều Tiên trong năm 2016 và đầu năm 2017 làm tăng thêm mối lo ngại của Washington và hai đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản trong khu vực Bắc Á.
Trong khi đó, Bình Nhưỡng tiếp tục khiêu khích. Trong bản tin ngày 14/03/2017, hãng thông tấn chính thức KCNA đe dọa sẽ « tấn công không chút xót thương » các hàng không mẫu hạm của Mỹ đang tham gia cuộc tập trận « xâm lược » với Hàn Quốc. Quân đội Bắc Triều Tiên « đủ khả năng tấn công hủy diệt một cách chính xác từ trên bộ, trên không, từ mặt biển và dưới đáy biển nếu bị xâm hại chủ quyền », theo thuật ngữ của KCNA. - RFI

***
Việc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD (Terminal High Altitude Area Defense, tức Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối) tại Hàn Quốc, được bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Hoa Kỳ loan báo hôm 06/03/2017, đã làm tăng khả năng răn đe của Mỹ đối với các cuộc tấn công từ Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên theo tác giả Eric Gomez trên The Diplomat, sự kiện này có thể ảnh hưởng đáng kể đến ổn định chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Các quan chức Mỹ và nhà quan sát về Trung Quốc nhanh chóng làm giảm nhẹ những quan ngại của Bắc Kinh qua việc nhấn mạnh tính phòng vệ của THAAD, khẳng định Bắc Triều Tiên là mục tiêu chủ yếu. The Diplomat cho rằng, tuy mối đe dọa Bắc Triều Tiên là mối nguy hiểm thực sự phải quan tâm, nhưng giải quyết theo cách này về lâu về dài có thể gây ra các vấn đề tệ hại hơn cho Đông Á.
Cái giá mà Mỹ phải trả cho quyết định triển khai các hệ thống lá chắn chống hỏa tiễn đạn đạo (BMD) tại vùng Đông Á có thể thấy được qua phản ứng của Bắc Kinh. Triển khai THAAD, cùng với khả năng đáng kể của vũ khí quy ước và hạt nhân Mỹ nhắm vào lực lượng nguyên tử của Trung Quốc, là động cơ để Bắc Kinh xem xét lại lực lượng và chủ thuyết của mình về vũ khí nguyên tử. Khi làm việc này, Trung Quốc có thể cải thiện được khả năng răn đe hạt nhân để tồn tại, nhưng sẽ gây mất ổn định về mặt chiến lược.

Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Trung Quốc chỉ sở hữu lực lượng vũ khí nguyên tử nhỏ bé, trái hẳn với sức mạnh của Hoa Kỳ và Liên Xô. Mao Trạch Đông coi vũ khí hạt nhân là« cọp giấy » vô dụng trên chiến trường, thế nên không có lợi ích gì khi tham gia chạy đua vũ trang với hai siêu cường trên. Lực lượng hạt nhân hiện nay của Trung Quốc đã được phát triển, nhưng vẫn rất nhỏ yếu nếu so sánh với Hoa Kỳ, và vẫn còn gắn bó với nguyên tắc « no first use » - không bao giờ là người đầu tiên sử dụng vũ khí nguyên tử, được tuyên bố lần đầu năm 1964.

Lực lượng vũ khí hạt nhân nhỏ bé của Trung Quốc là dấu hiệu tốt cho sự ổn định về mặt chiến lược, vì đã yếu kém thì không nên sử dụng trước trong các cuộc xung đột. Lực lượng này không thể đọ sức với một đối thủ hùng mạnh hơn như Hoa Kỳ, nhưng Bắc Kinh vẫn có thể ra tay tấn công đầu tiên và trở nên tự tin hơn về khả năng trả đũa. Chi phí cao cho việc đáp trả khiến Hoa Kỳ không muốn tấn công nguyên tử trước, còn Trung Quốc không dùng đến vũ khí hạt nhân vì không thể nào giải giáp được Hoa Kỳ.

THAAD và các loại hệ thống lá chắn tên lửa khác làm đảo lộn sự cân bằng chiến lược này, qua việc nâng cấp tầm mức trả đũa của Hoa Kỳ. Mỹ có thể cảm thấy tự tin hơn trong việc tấn công dằn mặt lực lượng hạt nhân của Trung Quốc, nếu các lực lượng này bị lá chắn tên lửa đánh bại. Việc cải thiện hệ thống viễn thám của Mỹ, năng lực cụ thể của vũ khí quy ước và nguyên tử sẽ làm tăng khả năng hóa giải các đòn tấn công phủ đầu của địch ; trong khi những tiến bộ của các hệ thống lá chắn tên lửa sẽ khiến vũ khí hạt nhân của Trung Quốc bị phá hủy khi chưa chạm được đến mục tiêu.

Nếu sự sống còn đối với lực lượng hạt nhân tương đối nhỏ của Trung Quốc bị đe dọa, Bắc Kinh có thể điều chỉnh lại chủ trương cũng như công nghệ vũ khí để tăng khả năng tồn tại và đáp trả. Việc thay đổi chủ trương « no first use » là một thay đổi quan trọng, có thể vấp phải những trở ngại ngay trong nước.
Tuy nhiên, các công bố về quân sự gần đây của Trung Quốc dự báo cải thiện năng lực cảnh báo sớm và đặt lực lượng nguyên tử ở mức báo động cao hơn, để có thể phóng đi trước khi Mỹ tấn công. Việc chỉnh đốn công nghệ vũ khí cũng làm tăng khả năng sống sót. Gắn thêm nhiều đầu đạn nguyên tử vào các hỏa tiễn có thể giúp chống chọi mạnh hơn, và các phi cơ siêu âm có thể gây khó khăn cho các lá chắn hạt nhân trong việc bắn chặn các tên lửa.

Tất cả những khả năng trên có thể tác động tiêu cực lên sự ổn định chiến lược, vì khuyến khích « tiên hạ thủ vi cường ». Trung Quốc đối mặt với câu hỏi « hoặc sử dụng, hoặc bị mất đi » vũ khí hạt nhân, trong khi Hoa Kỳ có cơ hội phá hủy lực lượng nguyên tử của Trung Quốc càng sớm càng tốt trong một cuộc xung đột. Nguy cơ một cuộc khủng hoảng, hoặc cuộc xung đột quy ước leo thang thành xung đột hạt nhân, trở nên gay gắt hơn.
The Diplomat cho rằng tất nhiên không thể nói một cách chắc chắn là kịch bản u ám này sẽ diễn ra. Có những ý kiến cho rằng Trung Quốc có thể thay đổi lực lượng hạt nhân và chủ thuyết theo hướng đáng ngại, nhưng vẫn chưa có chủ trương chính thức nào được loan báo. Bắc Kinh cũng có thể kết luận do không ngăn trở được Bình Nhưỡng, nên mới có việc triển khai THAAD ; và điều chỉnh lại chính sách, làm thế nào giảm bớt được mối đe dọa Bắc Triều Tiên, như vậy sẽ làm giảm nhu cầu bố trí THAAD. Cần lưu ý rằng THAAD không thể bắn hạ các hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa của Trung Quốc nhắm vào Hoa Kỳ, nhưng có thể hỗ trợ các hệ thống lá chắn tên lửa khác theo dõi và tấn công các hỏa tiễn này.

Trong khi lời đáp của Bắc Kinh cho đến nay vẫn chưa được biết đến, có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ điều chỉnh chính sách hạt nhân và công nghệ vũ khí, làm hại đến sự ổn định chiến lược. THAAD giúp Hoa Kỳ chiếm ưu thế, ngăn cản khả năng hỏa tiễn Bình Nhưỡng tấn công vào những nơi mà Mỹ có thể sử dụng trong một cuộc xung đột. Tuy nhiên theo The Diplomat, nếu việc triển khai THAAD làm giảm thiểu việc leo thang hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, thì lại có thể làm tăng khả năng chạy đua vũ khí nguyên tử với Trung Quốc. - RFI

Tin Hoa Kỳ
10.
Trump kêu gọi mua hàng Mỹ, Ivanka nhập hàng TQ

Trong bài diễn văn nhậm chức tháng 1 năm nay, Tổng thống Donald Trump cam kết thẳng thắn rằng “sẽ theo 2 quy tắc đơn giản: mua hàng Mỹ và thuê mướn nhân công Mỹ.”
Nhưng con gái ông thì ngoại lệ: thậm chí trong lúc ông Trump đang đọc bài diễn văn ấy, có ít nhất 8 chuyến hàng, hơn 53,5 tấn sản phẩm mang nhãn hiệu Ivanka Trump gồm giày dép, túi xách và quần áo từ Trung Quốc nhập vào các cảng Hoa Kỳ, theo ghi nhận từ hóa đơn hải quan mà hãng tin AFP có được.

Ông Trump chỉ trích các nhà sản xuất, trong nước cũng như nước ngoài, về việc sử dụng lao động bên ngoài nước Mỹ để sản xuất hàng bán cho người tiêu dùng Mỹ, nhưng nhãn hiệu Ivanka vẫn tiếp tục đặt hàng làm từ bên ngoài nước Mỹ.
Hơn 2 tấn áo khoác phụ nữ dệt bằng chất polyester, 1.600 ví bằng da bò và 23 tấn giày dép làm tại Trung Quốc nằm trong số ít nhất 82 chuyến hàng được thông quan hải quan Mỹ-hầu như trung bình mỗi ngày một chuyến—từ khi ông Trump đắc cử hôm 8 tháng 11 năm ngoái cho đến ngày 26 tháng 2, theo số liệu hải quan.

Các mặt hàng này làm tại Trung Quốc gia công cho 3 công ty Mỹ có giấy phép sản xuất cho dòng thời trang Ivanka Trump bao gồm quần áo nhãn hiệu G-III, ví xách tay Mondani và giày dép Marc Fisher.
Tháng trước, chuỗi cửa hàng Nordstrom loan báo ngưng không nhận hàng của Ivanka vì bán không chạy, khơi dậy chỉ trích từ Tổng thống Trump và các cố vấn của ông. Cố vấn cao cấp của ông Trump, bà Kellyanne Conway, đã lên tiếng thúc đẩy người Mỹ mua hàng của con gái Tổng thống. - VOA

11.
Thêm nhiều bang kiện sắc lệnh của TT Trump

Một nhóm các tiểu bang ngày 13/3 vực dậy nỗ lực chặn đứng sắc lệnh đã sửa đổi của Tổng thống Donald Trump cấm công dân từ 6 nước có đa số dân theo Hồi giáo vào Mỹ, với lập luận rằng sắc lệnh thứ nhì này cũng tương tự như sắc lệnh đầu tiên vốn bị các tòa án liên bang đình chỉ.
Các đơn kiện chung của bang Washington, California, Maryland, Massachusetts, New York và Oregon yêu cầu thẩm phán không cho sắc lệnh vừa ký hôm 6/3 của Tổng thống Trump chính thức có hiệu lực vào ngày thứ năm tuần này.

Đơn kiện nói sắc lệnh sửa đổi giống sắc lệnh hôm 27/1 ‘sẽ gây thiệt hại tức thì và nghiêm trọng cho nước Mỹ, cư dân Mỹ, hệ thống cao đẳng và đại học Mỹ, các nhà cung cấp y tế, và các doanh nghiệp Mỹ.’
Một phát ngôn nhân của Bộ Tư pháp cho biết Bộ đang xem xét khiếu nại và sẽ phản hồi lên tòa.

Lệnh cấm mới bỏ Iraq ra khỏi danh sách. Công dân 6 nước còn lại gồm Iran, Libya, Syria, Somali, Sudan, và Yemen bị cấm nhập cảnh Hoa Kỳ trong thời hạn 90 ngày . Sắc lệnh lần này không ảnh hưởng tới những cư dân đã có thẻ xanh hoặc những người đã có visa vào Mỹ.
Người tị nạn bị cấm vào Mỹ trong 120 ngày, nhưng lệnh cấm vô thời hạn đối với người tị nạn Syria được dỡ bỏ. 

Tiểu bang Washington một lần nữa đề nghị thẩm phán liên bang Robart đình chỉ khẩn cấp lệnh cấm mới này.

Thẩm phán Robart ngày 13/3 cho biết chính phủ có tới ngày 14/3 để hồi đáp trước đơn kiện của các tiểu bang.
Tiểu bang Hawaii đã tự mình đứng ra kiện sắc lệnh mới vì cho rằng sẽ có hiệu ứng tiêu cực đối với nguồn thu du lịch của bang.

Các trường đại học có nhiều du học sinh và các trung tâm y tế thuê mướn nhiều bác sĩ nước ngoài cùng các tổ chức tôn giáo và các cư dân có thân nhân qua lại từ các nước trong danh sách cấm đã lên tiếng kịch liệt phản đối lệnh cấm lần này của ông Trump.
Chính quyền của Tổng thống Trump nói sắc lệnh nhằm bảo vệ nước Mỹ trước nguy cơ khủng bố du nhập từ nước ngoài.

Nếu các tòa án phán quyết rằng các tiểu bang có đủ cơ sở để kiện, bước kế tiếp sẽ phải lập luận vì sao cả hai phiên bản của lệnh cấm đều bị cho là kỳ thị chống lại người Hồi giáo. - VOA

Tin Việt Nam
12.
Thanh niên gốc Việt đột nhập Nhà Trắng ‘được thả’

Thanh niên gốc Việt bị bắt vì xâm nhập khuôn viên Nhà Trắng đã được thả hôm 13/3, nhưng bị buộc phải đeo thiết bị định vị và không được đi xa khỏi nhà ở tiểu bang California, bờ tây nước Mỹ, cho tới ngày ra tòa tiếp theo vào tháng tới ở thủ đô Washington DC, miền đông Hoa Kỳ.
Tin cho hay, tòa án liên bang ở thủ đô yêu cầu Jonathan Tuấn Anh Trần không được đi xa quá 160 km tính từ nhà của anh này, trừ khi đi ra tòa ở Washington. Anh ta cũng được yêu cầu phải tránh xa Nhà Trắng, cũng như phải trải qua một cuộc đánh giá về sức khỏe tâm thần. Ngoài ra, Tuấn Anh cũng không được phép sở hữu vũ khí hoặc các loại vũ khí nguy hiểm khác.

Tại tòa hôm 13/3, theo AP, người thanh niên gốc Việt trả lời thẩm phán bằng giọng nhỏ nhẹ rằng hiện anh không có việc làm, và có dưới 50 nghìn đôla trong tài khoản ngân hàng. Nghi can sau đó được chỉ định một luật sư công sẽ bào chữa cho anh ta sắp tới.

Nếu bị kết án với tội danh mang vũ khí nguy hiểm xâm nhập vào khu vực cấm, Tuấn Anh có thể đối mặt với 10 năm tù giam. Chính quyền cho biết rằng anh ta mang theo hai bình xịt hơi cay nhãn hiệu Mace.

Về khả năng bị kết án nhiều năm tù, luật sư Từ Huy Hoàng từ California, người từng bào chữa có nhiều nghi can gốc Việt, nói với VOA Việt Ngữ: “Cái này chắc họ buộc tội felony (đại hình hay trọng tội). Tuy nhiên, theo những kinh nghiệm tôi đã đại diện trong vấn đề hình sự giống như cái case (vụ) Minh Béo [ấu dâm] thì họ đòi tới 6 năm. Tuy nhiên, với sự điều đình, còn lại có 18 tháng à".
Luật sư này nói thêm: "Cái này cũng như họ nói, nếu buộc tội trước bồi thẩm đoàn, thì họ phải đi theo cái tội 10 năm. Tuy nhiên, nếu người đó nhận tội và điều đình thì không có thời gian 10 năm đâu. Có nhiều khi bị tù treo hoặc tù ở nhà thôi”.

"Bạn của tổng thống"

Khi bị nhân viên mật vụ Mỹ bắt ở khu vực phía nam Nhà Trắng hôm 10/3, người thanh niên 26 tuổi nói anh là “bạn” và “có hẹn” với tổng thống. Anh này cũng mang theo một cuốn sách mà ông Donald Trump là tác giả kèm theo một bức thư, trong đó có nhắc tới những tay tin tặc người Nga cũng như chuyện mình bị theo dõi.
Sau đó, người em của Tuấn Anh đã lên CNN nói rằng anh trai mình “từng bị căng thẳng vì công việc” và “bất ổn” sau khi bị cho nghỉ việc tại một công ty điện tử.

Luật sư Từ Huy Hoàng nói thêm về trường hợp này: “Luật hình sự của Mỹ nó có hai phần: một là “actus reus” (tiếng Latin) có nghĩa là hành động (phạm tội) và một phần là “mens rea” là ý đồ (phạm tội) của người đó. Và nếu người này không có cái “capacity”, cái đầu óc họ bị tâm thần này kia thì họ đâu có cái “mens rea” thì lúc đó không đủ yếu tố để bị tù. Lúc đó tòa sẽ đưa ra một bác sĩ tâm thần để mà evaluate (đánh giá) ông này”.

Vụ trèo rào của công dân Mỹ gốc Việt một lần nữa lại làm dấy lên vấn đề bảo vệ Nhà Trắng, vốn từng khiến một nữ giám đốc mật vụ phải từ nhiệm.
Một bạn đọc tên Quang Nguyễn gửi ý kiến về cho VOA Việt Ngữ: “Cách đây vài tuần vụ Đoàn Thị Hương [bị buộc tội giết anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un], nay lại vụ này, làm cho người Việt mang tiếng…”

Trong khi đó, ông Đinh Hùng Cường, Chủ tịch Cộng đồng Việt Nam vùng thủ đô Washington DC, Maryland và Virginia, nói với VOA Việt Ngữ rằng vụ này không tác động tới hình ảnh của người Việt ở Hoa Kỳ.
Ông nói thêm: “Cái anh này có cái gì không ổn trong cái đầu nó mà. Tôi không nghĩ nó gây ảnh hưởng. Đối với nước Mỹ này, ai làm thì người đấy chịu trách nhiệm. Tôi không nghĩ nó ảnh hưởng gì tới người Việt Nam mình ở đây”.

Vụ liên quan tới Tuấn Anh xảy ra bất chấp một loạt các biện pháp an ninh tăng cường kể từ sau vụ xâm nhập nghiêm trọng năm 2014, khi một người cựu chiến binh có vấn đề về thần kinh cầm dao trèo qua hàng rào Nhà Trắng và lọt sâu vào bên trong trước khi bị bắt. - VOA

13.
Nhiều người bị đánh đập khi tưởng niệm tử sĩ Gạc Ma --- Hà Nội: Tưởng niệm Gạc Ma nhanh chóng bị giải tán

Tại Hà Nội hôm nay diễn ra cuộc đàn áp, bắt bớ và đánh đập những người tham gia thắp nhang tưởng niệm 64 tử sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến Gạc Ma 29 năm trước, 14 tháng 3 năm 1988.
Tin tức được truyền đi khắp các trang mạng xã hội bởi những người tham gia tưởng niệm cho thấy một số người như nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, blogger Nguyễn Thuý Hạnh, blogger Đặng Bích Phượng bị bắt ngay sau khi đến dâng hoa và thắp nhang tưởng niệm tử sĩ Gạc Mac tại đài Cảm Tử. Những người này được thả ra sau đó.

Trong một diễn biến khác, hai bạn trẻ là Nguyễn Viết Dũng, còn có tên là Dũng Phi Hổ và Đỗ Thanh Vân sau khi tham gia tưởng niệm đã bị lực lượng an ninh bắt và bị đánh ngay trước đồn công an phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Một đoạn video được truyền trực tiếp trước cổng công an phường Bách Khoa cho thấy cả hai bị đánh đổ máu, trong đó, Nguyễn Viết Dũng cho biết:
Mình thì ôn hoà mà họ thì dùng bạo lực. Hành động này chứng tỏ họ không hề cho người dân biết. Sự thật, không phải là 1 cuộc hải chiến mà là một cuộc thảm sát 14 tháng 3 năm 1988.

Đỗ Thanh Vân, từ Hà Nội kể lại sự việc cho đài chúng tôi:

Thành phố Hà Nội đã tung ra rất nhiều công an, an ninh, mật vụ, cảnh sát cơ động để bắt bở những ngườ có ý định tham gia tưởng niệm. Có rất nhiều người bị bắt ngay tại nhà nên không đi được, những người đi giữa đường thì bị bắt. Những người như Vân, Dũng Phi Hổ và nhiều người khác nữa thì không thể tiếp cận bờ hồ. Khi không thể tưởng niệm được ở đó, bọn mình chuyển sang phương án là ra bãi giữa sông Hồng, làm nghi thức tưởng niệm là thả vòng hoa với mong muốn vòng hoa có thể an ủi vong linh người đã khuất. 

Sau khi thực hiện việc thả vòng hoa, Đỗ Thanh Vân cho biết cô và Dũng Phi Hổ bị đánh khi đến đòi người ở công an phường Bách Khoa.
Ngay lập tức hai thằng ập vào đạp Dũng Phi Hổ ngã ra. Sau khi đạp Dũng, 4,5 thằng tiếp theo dàn trận sẵn rồi. Hai thằng lao vào đập Dũng, hai thằng lao vào đập mình. Mình bị chúng nó dùng 1 cái ghế nhựa đập thẳng tay chính xác vào đầu. Lẽ ra chúng nó sẽ còn tiếp tục đánh mình nhưng vì cái cú đập quá mạnh và mình bị chảy máu ngay lập tức. Máu chảy suốt một bên mặt và chảy xuống áo, che cả mắt mình. 

Chúng nó thấy vậy, có lẽ một phần vì mình là phụ nữ, thứ hai là chúng thấy chảy máu nhiều quá nên không đánh mình nữa, mà tập trung vào đánh Dũng Phi Hổ. Phản xạ đầu tiên mình bị mất bình tĩnh không phải vì mình bị đau mà mình thấy Dũng bị rất là đau, nên mình mất bình tĩnh và chỉ quan tâm xem Dũng có bị nghiêm trọng thế nào hay không.
Trong lúc đó, ở Sài Gòn, một nhóm bạn trẻ khoảng 6 người thực hiện việc hành động tưởng niệm tại biển Cần Giờ. Nguyễn Phương, người tham gia buổi lễ cho chúng tôi biết mọi người không gặp trở ngại gì.

Sáng nay em đi về phía Cần Giờ nên không bị quấy rối. Ở Sài Gòn thì định tổ chức ở tượng đài Trần Hưng Đạo nhưng bị an ninh và công an chặn nên không ai ra được. Tụi em vì biết trước bị canh nên chọn biển Cần Giờ để làm.
Trịnh Bá Phương, từ Dương Nội cho biết anh cũng bị bắt vào sáng nay nhưng được thả ra ngay sau đó.

Khi bắt em thì họ đưa em về phường công an Lý Thái Tổ. Tuy nhiên khi vào thì họ còn chờ xin ý kiến. trong lúc đó một số viên an ninh của Quận Hà Đông, phường Dương Nội dẫn giải em về tạm giữ phường công an Dương Nội. Sáng nay họ thả em sớm.
Ngày 14 tháng 3 năm 1988, 64 chiến sĩ đã ngã xuống bởi trận thảm sát của quân Trung CỘng tại bãi đá Gạc Ma. Cho đến nay, sự kiện lịch sử này hoàn toàn không được nhắc đến trong sách giáo khoa trong nước. Những cuộc tưởng niệm thắp nhang do người dân tổ chức luôn gặp cản trở từ phía chính quyền trong suốt những năm qua. - RFA

***
Một số nhà hoạt động tại Hà Nội cho hay lễ tưởng niệm trận chiến Gạc Ma ở Trường Sa hôm 14/3 diễn ra với quy mô nhỏ và nhanh chóng bị giải tán.
Trong trận đánh hôm 14/3/1988, ít nhất 64 bộ đội Việt Nam thiệt mạng. Sau đó Trung Quốc đã chiếm và hiện xây đảo nhân tạo ở Gạc Ma.

Không có thông tin về biểu tình hay tưởng niệm ở Sài Gòn.
Hôm 14/3, trả lời BBC từ Hà Nội, nhà hoạt động Thảo Teresa nói: "Khác với mọi năm là chỉ áp chế những người đi tưởng niệm, năm nay, người của chính quyền vây ráp đông, đậu ôtô, xe buýt vây kín bờ hồ Hoàn Kiếm, khu vực tượng đài Lý Thái Tổ nên mọi người phải đi rải rác các nơi khác." 

"Tôi thì ra tượng đài Bắc Sơn để thắp nhang tưởng niệm".
"Đến khoảng 14:30, tôi nhận tin hai nhà hoạt động Nguyễn Viết Dũng (tự Dũng Phi Hổ) và Đỗ Thanh Vân bị phang ghế vào đầu chảy máu trong lúc đang đi đòi trả tự do cho bà Trần Thị Thảo đang bị tạm giữ tại phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng." 

"Theo như tôi biết thì cũng có 5, 6 người khác đang bị tạm giữ tại các phường."
"Từ thực tế hôm nay thì có thể thấy chính quyền muốn dập tan mọi hoạt động tưởng niệm, trong khi báo chí Việt Nam có đề cập đến Gạc Ma thì cũng chỉ là lừa bịp mà thôi." 
"Đảng Cộng sản cố tình bưng bít, lãng quên nhưng nhân dân không quên."

'Không bình luận'
Trong một diễn biến khác, ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc công ty Sách First News - Trí Việt, nói với BBC: "Nhà xuất bản Văn Học thông báo cho tôi biết là bản thảo cuốn sách Gạc Ma - Vòng Tròn Bất Tử sẽ được duyệt xong hai ngày nữa."
"Như vậy là sách có thể phát hành vào khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4/2017."

"Việc sách ra trễ hơn dự kiến hôm 14/3 nhưng vẫn tốt hơn là không được xuất bản." 
Ông cũng nói thêm: "Dù sao cũng cần ghi nhận là truyền thông Việt Nam hiện đã gọi đích danh tàu Trung Quốc bắn vào những người lính Việt Nam tại Gạc Ma năm 1988 chứ không còn ghi là 'tàu lạ' như trước." 
"Hà Nội nên xây dựng bia tưởng niệm, ghi công những người đã ngã xuống ở Hồ Gươm để người dân đến thắp hương cho họ," ông nói.

Đề cập về những người đi tưởng niệm sự kiện Gạc Ma, ông nói "đó là hoạt động tưởng nhớ, hợp truyền thống uống nước nhớ nguồn, rất đáng khuyến khích."
Tuy vậy, ông "không bình luận" về những trường hợp cáo buộc bị đánh khi đi tưởng niệm. 
Báo Điện tử của Chính phủ Việt Nam tường thuật: "Sáng 14/3, các cựu binh Trường Sa thuộc Trung đoàn E83 tham gia chiến dịch Chủ quyền 1988 (CQ88) tại Đà Nẵng, đã tổ chức lễ tưởng niệm 64 cán bộ chiến sĩ hi sinh ngày 14/3/1988 tại đảo Gạc Ma".

"Sau lễ tưởng niệm, các đồng chí đồng đội E83 tại Đà Nẵng đã tiến hành thả đèn, hoa tại cửa sông Hàn để ngưỡng vọng linh hồn 64 cán bộ chiến sĩ, đồng đội đồng chí đang nằm lại Gạc Ma."
Trang Thông tin Chính phủ cũng cho hay, Khu tưởng niệm đặt tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, để tưởng niệm 64 chiến sĩ hải quân hy sinh tại đảo Gạc Ma sẽ được khánh thành vào ngày 27/7/2017. 

"Tổng mức đầu tư dự kiến giai đoạn 1 hơn 150 tỷ đồng, từ sự đóng góp của người lao động, nhân dân cả nước," website này viết. - BBC

14.
Tác giả, nhạc sĩ nói về vụ cấm ca khúc trước 1975

Cục Nghệ thuật Biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa ra thông báo tạm thời dừng lưu hành 5 bài hát sáng tác trước 1975 để xem xét, xác minh, thẩm định trên cơ sở đối chiếu về ca từ với bản nhạc gốc. Đó là các ca khúc: Cánh thiệp đầu xuân của tác giả Lê Dinh - Minh Kỳ, Rừng xưa và Chuyện buồn ngày xuân của tác giả Lam Phương, Đừng gọi anh bằng chú của tác giả Diên An, và Con đường xưa em đi của tác giả Châu Kỳ - Hồ Đình Phương.
Từ California, nhạc sĩ Lam Phương, tác giả của hai bài hát vừa bị chính quyền Việt Nam đình chỉ lưu hành cho VOA biết ông không cảm thấy buồn vì lệnh đình chỉ này. Nhạc sĩ Lam Phương năm nay 80 tuổi, sức khỏe yếu, đi lại khó khăn, giọng nói thay đổi vì bị đột quỵ. Ông nói như sau:

“Họ cấm là chuyện dĩ nhiên rồi! Đó là hai bài tôi viết trong chế độ đó. Chuyện gì họ cũng cấm hết. Không sao, tôi còn cả mấy trăm bài, cấm có hai bài đâu có ăn thua gì. Chuyện này mình biết trước rồi. Tôi biết thế nào họ cũng cấm nhiều bài nữa. Mình viết tân nhạc mà trái với đường lối thì họ cấm. Chuyện dĩ nhiên mà. Hổng có chuyện gì buồn hết. Nghịch với đường lối của họ thì họ làm. Còn tình cảm sáng tác thì mình vẫn giữ thôi. Họ để thì để, họ không để thì cấm thôi. Đường của mình thì mình đi, đường của họ thì họ đi.”

Cũng như nhạc sĩ Lam Phương, nhạc sĩ Lê Dinh, đồng tác giả của bài hát quen thuộc Cánh thiệp đầu xuân, hiện đang sốngt tại Montreal, Canada, không bận tâm lắm về lệnh hoãn lưu hành này. Nhạc sĩ Lê Dinh chia sẻ:
“Trước năm 1975 thì là của mình. Mình viết theo sự tự do của mình. Còn bây giờ thì họ muốn làm gì thì làm. Tôi không để ý tới. Lời ca thì viết theo chánh phủ của mình, Việt Nam Cộng Hòa. Họ muốn đổi thì đổi, muốn không hát thì không hát. Tôi không để ý tới. Đới với tôi là tác giả, không thành vấn đề.”

Theo Báo Pháp luật, tác phẩm Rừng xưa, Cánh thiệp đầu xuân, Chuyện buồn ngàyxuân được Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp phép vào năm 2011, còn lại hai ca khúc Con đường xưa em đi và Đừng gọi anh bằng chúđều cấp phép vào năm 2014.
Báo Pháp Luật trích lời ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn nói rằng: “Cục Nghệ thuật Biểu diễn sẽ gửi văn bản đến các trang mạng nghe nhạc trực tuyến, hãng băng đĩa... để tạm thời dừng lưu hành 5 ca khúc này. Bởi nếu tiếp tục lưu hành việc sai lời, sai tác giả… sẽ còn ảnh hưởng đến quyền tác giả và các quyền liên quan.”

Ngoài ra, khi trao đổi với Báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Đăng Chương cũng cho biết 5 ca khúc bị dừng lưu hành như nêu trên “không có vấn đề về tư tưởng, chính trị.”
Theo Cục Nghệ thuật biểu diễn, hơn 40 năm qua, Cục đã cấp phép phổ biến hơn 2.500 bài hát của các tác giả sáng tác trước năm 1975 và của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Nhiều bài hát do thất lạc bản nhạc gốc, các đơn vị đề nghị xin cấp phép sử dụng đều ký âm lại và cam kết tính chính xác của tác phẩm, việc làm này dẫn đến nhiều tên tác giả/bút danh và ca từ có sự khác nhau trên cùng một tác phẩm âm nhạc.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Vinh Sử cho biết nhận xét của ông về lệnh hoãn lưu hành 5 ca khúc được sáng tác trước 1975:
“Vấn đề này là cái tào lao của bên Sở Văn Hóa. Nếu mà trong bài mà mình chỉnh “lính” thành lại “bộ đội” thì không cho phép, bởi vì khi ca lên sửa cái lời dù liên quan đến bộ đội nhưng người ta vẫn hiểu là Việt Nam Cộng Hòa rồi. Cái này không cho là đúng. Các sáng tác cá nhân, nếu đứa con của mình không hoàn hảo thì có thể sửa cho hoàn hảo đứa con này, đó là quyền của tác giả.”

Nhạc sĩ Lê Minh, cũng ở thành phố Hồ Chí Minh, cho VOA biết ông khá bất ngờ về lệnh hoãn này:
“Riêng Chuyện buồn ngày xuân thì mới gần đây ca từ do ảnh hưởng sau năm 1975 thì ít nghe phổ biến, còn bài Con đường xưa em đi thì người vẫn hát. Không biết lý do gì mà bên Cục lại không cho hát?”
Nhạc sĩ Lê Minh nói rằng Cục Nghệ thuật Biểu diễn vẫn chấp nhận việc sửa lời bài hát, và một số ca khúc sửa lời đang được lưu hành. Nhạc sĩ Lê Minh cho biết thêm nhận xét của ông về việc kiểm duyệt âm nhạc của chính quyền Việt Nam:

“Thật ra một bài hát có xuất xứ ra đời thì nó gắn liền với thời gian, gắn liền với một cột mốc nào đó. Thành ra những người yêu nhạc, người ta sống theo ký ước thì người phản ứng là đúng. Còn một số ca sĩ mình vì muốn được cấp phép mà trong khi Cục chưa ra thông báo cho phổ biến những bà đó thì họ có thay đổi ca từ. Trường hợp đó cũng rất nhiều, nhưng có những bài nó vượt qua luôn, chẳng hạn như bài Tôi đưa em sang sông, vì đời tôi là chiến binh thì người ta sửa lại là vì đời tôi là cánh chim bay khắp phương trời thì được lọt lưới luôn cho tới bây giờ vẫn còn hát. Hay là Trên đường đi lễ xuân đầu năm của Hoài An, đón xuân nơi trận tiền thì đổi thành Đón xuân qua mọi miền thì cũng được cho hát tới bây giờ. Không nghe nói vấn đề cấm phổ biến. Riêng bài Con đường xưa em đi, theo tôi biết, lời của nó là Chiến trường anh bước đi, thì có ca sĩ đổi lại là Lối mòn anh bước đi, nhưng có ca sĩ vẫn để Chiến trường anh bước đi, vẫn phổ biến trên mạng, trên Youtube hay trên các MV.”

“Còn người nghe người ta phản ứng là đúng. Vì vào thời điểm người nghe những bài hát này là những thời điểm ký ước họ quay về, gợi về những kỷ niệm đó. Bây giờ anh sửa lại thì người phản kháng. Từ đó mới túng ta lúng túng trong vấn đề quản lý.”
Báo Người Lao Động viết rằng “Không ít ca khúc dòng nhạc này có nội dung liên quan đến lính chế độ Sài Gòn. Vì thế, để được sử dụng, nhà sản xuất và ca sĩ thường sửa những ca từ liên quan đến nội dung này khi gửi văn bản ra Cục Nghệ thuật Biểu diễn xin phép. Tuy nhiên, dù có sửa ca từ thì những người từng sống ở miền Nam trước năm 1975 nghe là nhận ra ngay.”

Nhạc sĩ Lê Minh nói rằng việc sửa lời ca khúc là không thể chấp nhận vì như vậy là “không tôn trọng người sáng tác”:
“Sống lại trong lòng người ta không vì ca từ không thôi, mà còn còn giai điệu nữa. Nếu mà chúng ta xét nét từ câu từ chữ thì cũng dễ thôi. Nó là một sản phẩm văn hóa, tinh thần thì không có vấn đề gì hết. Cứ cho hát, ai thích cái gì thì chọn cái nấy. Có khi mình làm như vậy thì người ta tò mò thêm. Nói thật ra cái đó là sự xúc phạm đến người sáng tác. Một số hãng băng hay một số ca sĩ tự ý làm thì cái đó thì cái đó không tôn trọng tác giả. Hai là nếu người nghe đã in hình bài đó rồi thì coi như không tôn trọng người nghe thì những việc làm đó, tôi cho là không đúng. Chúng ta nên giữ nguyên hiện trạng. Anh cảm thấy anh cho thì tôi hát, chứ không sửa. Giống như mới đây bài Ly rượu được cho phép cho hát sau 40 năm không được phép hát. Người ta vẫn không sửa. Trên tinh thần đó thì chúng ta nên sử dụng những tác phẩm hay, có giá trị, chứ không gì một chính kiến gì đó mà chúng ta cất nó đi hay không cho phép nó tồn tại. Điều đó không nên.”

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thu Đông, Trưởng phòng Quản lý băng đĩa, Cục Nghệ thuật Biểu diễn khẳng định với báo VNExpress rằng “năm ca khúc bị tạm dừng lưu hành không gặp vấn đề nghiêm trọng về nội dung. Sau khi quá trình thẩm định kết thúc, Cục Nghệ thuật Biểu diễn sẽ cấp phép trở lại.”
Trước tình hình các ca khúc bị hoãn lưu hành, gây thiệt hại cho các công ty phát hành băng đĩa và ảnh hưởng đến công chúng yêu nhạc trước năm 1975, báo Người Lao Động đưa ra kiến nghị: “Thay vì cấp giấy phép phổ biến lẻ tẻ cho từng ca khúc xưa, Cục Nghệ thuật Biểu diễn có thể ra một văn bản nêu rõ những ca khúc loại nào không được phép phổ biến.”

“Về mặt quản lý nhà nước, cần đơn giản hóa những thủ tục hành chính, loại bỏ triệt để các loại giấy phép con mà những quyết định cho phép phổ biến các sáng tác trước năm 1975 tại miền Nam hay sáng tác của người Việt Nam sinh sống và định cư ở nước ngoài là một loại giấy phép con cần bỏ.” - VOA

Link:


Không có nhận xét nào: