Tối 29-3-1975 đài phát thanh BBC Luân Đôn cho biết Đà Nẵng thất thủ, một trăm ngàn quân bị bắt làm tù binh, đó cũng là ngày sụp đổ của toàn bộ Quân khu 1, hung tin ghê gớm đã khiến cho cả nước kinh hoàng:
<!>Quân khu 1 nơi tập trung những lực lượng tinh nhuệ và thiện chiến nhất của ta, bốn sư đoàn chính qui, bốn liên đoàn Biệt Động quân … đã hoàn toàn tan rã sau 9 ngày cầm cự và triệt thoái. Mặc dù nay Bộ Tổng tham mưu, các vị Tướng lãnh, các giới chức quân sự có liên hệ đã bạch hóa diễn tiến của trận chiến bi thảm này, các nhà nghiên cứu quân sự, các nhân chứng, ký giả chiến trường… đã biên soạn, kể lại diễn tiến của mặt trận vùng Hoả tuyến nhưng người ta tưởng như nó vẫn còn nhiều điều bí ẩn và khó hiểu, chưa bao giờ trong cuộc chiến tranh Quốc Cộng giai đoạn 1960-1975 một lực lượng to lớn của ta lại có thể thua nhanh đến thế.
Các tài liệu, sách báo nói về cuộc lui binh tại Quân khu 1 của Bộ Tổng tham mưu Đại tướng Cao Văn Viên, Trung tướng Ngô quang Trưởng, Thiếu tướng Hoàng Lạc, nhà nghiên cứ quân sự Nguyễn Đức Phương, ký giả chiến trường Phạm Huấn và những lời thuật lại của các nhân chứng … nói chung dồi dào nhưng không hoàn toàn giống nhau có khi còn trái ngược nhau là khác.
Quân khu 1 là một giải đất dài và hẹp hình cán chảo, người Mỹ gọi là pan handle chạy theo hướng tây bắc, đông nam, gồm 5 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng tín, Quảng Ngãi, dân số vào khoảng ba triệu. So với các Quân khu khác Vùng Một nhỏ hẹp nhất, đây là nơi tiếp giáp với Bắc Việt, chiến tranh có thể bùng nổ bất cứ lúc nào nên cũng gọi là vùng hoả tuyến. Từ sau khi ký hiệp định Paris ta chỉ còn kiểm soát được chưa tới 50% diện tích Quân khu, phần đất của ta nằm phía bên phải của giải đất theo chiều dọc tức là phía đông, còn phía tây đã lọt vào tay quân thù. Dần dần ta chỉ còn những tỉnh lỵ và thị xã và các quận do sự lấn chiếm theo kiểu tầm ăn dâu của địch, kể từ sau ngày 19-3-1975, nếu nhìn trên bản đồ quân sự sẽ thấy ta chỉ còn kiểm soát được vào khoảng một phần ba diện tích Quân khu.
Năm 1972, Quân khu 1 đã là một chiến trường lớn, nơi diễn ra những trận đánh ác liệt đẫm máu giữa các đại đơn vị của hai miền Nam Bắc. Vì tình hình sôi động đặc biệt của vùng hỏa tuyến ngoài ba sư đoàn cơ hữu 1, 2, 3 của Quân đoàn, ta còn cho hai sư đoàn tổng trừ bị Nhẩy Dù và Thủy quân lục chiến ra trấn đóng hầu chống lại cuộc tấn công qui mô có thể xẩy ra của địch. Từ sau ngày ký hiệp định Paris quân viện cho Việt Nam Cộng Hoà bị cắt giảm từ 2 tỷ năm 1973 còn 1 tỷ 4 năm 1974 và 700 triệu năm 1975. Tình hình quân sự, chính trị ngày một đen tối, quân viện bị cắt giảm, ngày 12-3-1975 Hạ nghị viện Mỹ biểu quyết bác bỏ 300 quân viện bổ túc cho Việt Nam Cộng Hoà do Tổng thống Ford đệ trình Quốc Hội, viện trợ quân sự cũng sẽ không được chuẩn chi cho năm tới, đạn dược tiếp liệu ngày càng bi đát, hoả lực giảm 60%, chỉ còn đủ đạn đánh tới tháng 5, tháng 6 1975.
Đồng minh phản bội, trắng trợn hủy bỏ mọi cam kết với miền Nam trước ngày ký Hiệp định Paris , quân thù thừa cơ nước đục thả câu. Tình hình 1975 vô cùng bi đát, ta không được Mỹ yểm trợ B52 oanh tạc trải thảm, thiếu thốn tiếp liệu. đạn dược… trong khi quân thù đã được Cộng sản Quốc tế Nga Tầu viện trợ tối đa. Năm 1975 lực lượng chính qui của Bắc Việt gồm 4 quân đoàn và đoàn 232 (tương đương một quân đoàn), mỗi quân đoàn gồm 3 sư đoàn, tổng cộng 15 sư đoàn, ngoài ra Bắc Việt còn có khoảng 15 trung đoàn độc lập tương đương với 4, hoặc 5 sư đoàn. Toàn bộ lực lượng chính qui địch vào khoảng 20 sư đoàn, ước lượng 300 ngàn người. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1975 có hơn một triệu quân trong đó 40% là chủ lực chính qui. Lính nhà nghề chỉ có 13 sư đoàn bộ binh, hai sư đoàn tổng trừ bị Nhẩy dù và TQLC và 15 liên đoàn Biệt động quân, mỗi liên đoàn khoảng từ 1000 tới 2000 người. Ta tổ chức theo lối Mỹ, một người tác chiến, năm người yểm trợ nên trên thực tế chỉ có khoảng 200 ngàn là lính nhà nghề.
Cuối năm 1974 tình hình chiến sự ở Quân khu 1 yên lặng được một thời gian, quân ta đẩy lui cuộc tấn công của địch vào đồng bằng tây nam Đà Nẵng, địch có lợi thế về địa hình, vì gần hậu cần miền Bắc chúng được bổ sung quân số và tiếp liệu thuận lợi. Từ tháng 6 cho tới cuối năm 1974 các lực lượng Quân đoàn 1 của ta bị tổn thất trong các trận giao tranh không được bổ sung nên quân số thiếu hụt. Quân khu 1 được chia làm hai khu Bắc và Nam, Bắc gồm hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên dưới quyền Bộ Tư lệnh tiền phương do Trung tướng Lâm Quang Thi chỉ huy, ba tỉnh còn lại Quảng Nam Quảng Tín, Quảng Ngãi do Tư lệnh Quân đoàn Ngô Quang Trưởng (hình phải) trực tiếp chỉ huy.
Bố trí lực lượng của ta gồm sư đoàn Nhẩy Dù vàTQLC, Lữ đoàn 1 Thiết kỵ từ bắc Thừa Thiên lên tới nam sông Thạch Hãn, lực lượng cơ hữu của Quân khu và các liên đoàn Biệt động quân bảo vệ các tỉnh còn lại: Sư đoàn 1 và liên đoàn 15 Biệt động quân đóng tại Thừa Thiên, sư đoàn 3 và liên đoàn 14 Biệt động quân đóng tại Đà Nẵng, Quảng Nam, sư đoàn 2 và hai liên đoàn Biệt động quân 11, 12 bảo vệ Quảng Tín, Quảng Ngãi. Các đơn vị yểm trợ gồm trên 10 tiểu đoàn pháo binh, một tiểu đoàn phòng không, một lữ đoàn thiết kỵ. Hải quân gồm các giang đoàn xung phong, trục lôi, tuần thám tại Thuận An, các duyên đoàn tại Cửa Việt, tại Thuận An, Tư Hiền… sư đoàn 1 Không quân đóng tại Đà Nẵng. Quân số của Quân đoàn vào khoảng 90 ngàn chủ lực và 75 ngàn địa phương quân, nghĩa quân, trong số này nhiều người thuộc thành phần không tác chiến.
Lực lượng Cộng sản tại Quân khu 1 chia hai địa bàn hoạt động lấy đèo Hải Vân làm ranh giới do các Tướng Lê Tư Đồng, Nguyễn Hữu An, Chu Huy Mân chỉ huy. Theo Nguyễn Đức Phương tại đây Bắc việt có 7 sư đoàn (324B, 325, 320B, 312, 304, 711, 2) và 4 trung đoàn độc lập tổng cộng vào khoảng 8 sư đoàn. Theo Đại Tướng Cao Văn Viên, Cộng sản Bắc Việt tại đây có 5 sư đoàn (341, 325C, 324B, 304, 711), 10 trung đoàn độc lập (52, 4, 5, 6, 27, 31, 48, 51, 270, 271), 3 trung đoàn đặc công (5, 45, 126), toàn bộ vào khoảng 8 hoặc 9 sư đoàn, ngoài ra lực lượng cơ giới yểm trợ gồm 3 trung đoàn xe tăng, 12 trung đoàn phòng không, 8 trung đoàn pháo binh. Tổng cộng vào khoảng 71 ngàn người, đa số là lính tác chiến. Bắc Việt có ưu thế hơn ta về và vũ khí đạn dược, lực lượng coi như gấp hai rưỡi ta.
Trong khi mở chiến dịch Ban Mê Thuột, Việt Cộng tại Quân khu 1 cũng xâm nhập đánh phá các nơi để cầm chân ta như tại Quảng Trị địch chiếm quận Hải Lăng bắc Thừa Thiên, xâm nhập các xã ven biển Thừa Thiên, phía nam đánh các cao điểm của sư đoàn 1, tấn công tuyến sông Bồ nhưng bị đẩy lui bỏ lại 200 xác chết, tại Quảng Tín Việt Cộng chiếm 2 quận Tiên phước, Hậu Đức ngày 10-3 bắn phá tỉnh lỵ Tam Kỳ…
Ngày 11-3 TT Thiệu Triệu tập phiên họp tại Dinh Độc Lập cho biết trước tình hình hình khó khăn do quân viện bị cắt giảm, áp lực địch mạnh, ta chỉ có thể giữ được Quân khu 3, Quân 4 và một vài tỉnh duyên hải vùng 2, vùng Một chỉ giữ Huế và Đà Nẵng. Trong lúc tình hình quân sự có vẻ không thuận lợi cho ta thì theo yêu cầu của của Ông Thiệu, Bộ Tổng tham mưu lệnh cho Tướng Trưởng trả sư đoàn Nhẩy Dù về Trung ương. Ngày 13-3 Tổng Thống Thiệu lệnh cho Tướng Trưởng về Sài Gòn họp Hội Đồng an ninh Quốc gia, thành phần gồm Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, Đại Tướng Cao Văn Viên, Trung Tướng Đặng Văn Quang, Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn. Ông Thiệu cho biết tình hình khó khăn do cắt giảm quân viện, ông không tin Mỹ sẽ can thiệp dù Cộng Sản tấn công miền Nam nên phải tái phối trí lực lượng, rút quân bỏ những miền rừng núi đễ giữ những vùng mầu mỡ còn hơn đứng chung chính phủ Liên Hiệp với Cộng Sản.
Ngày 14-3 Tướng Trưởng về Quân đoàn 1 họp tham mưu, thảo luận kế hoạch tái phối trí, Nhẩy Dù sẽ rút về Sài Gòn, hôm sau liên đoàn 14 Biệt động quân nhận vùng trách nhiệm của Lữ đoàn Thủy quân lục chiến 369 tại Quảng Trị để lữ đoàn này về Phú Lộc thay Lữ đoàn Dù, một lữ đoàn TQLC sẽ chịu trách nhiệm khu vực sông Bồ để bảo vệ Huế.
Ngày 17-3 Lữ đoàn 258 TQLC sẽ rời Quảng Trị để về Đà Nẵng thay lữ đoàn Dù. Dân chúng sợ hãi đã di tản ồ ạt trên quốc lộï Một từ mấy ngày nay làm cản trở việc điều quân tái phối trí.
Ngày 18-3 Thủ tướng Khiêm ra Đà Nẵng để giải quyết vấn đề dân tỵ nạn, ông cho Tướng Trưởng biết sẽ không tăng viện Quân khu 1 vì tình hình Quân khu 3 nghiêm trọng, Việt Cộng đánh Dầu Tiếng, áp lực Tây Ninh, Long Khánh, Bình Tuy..
Ngày 19-3 Tướng Trưởng được triệu về Sài Gòn họp lần thứ hai, thành phần phiên họp cũng như lần trước nhưng có thêm Phó tổng thống Trần Văn Hương. Tướng Trưởng trình bầy hai kế hoạch lui binh:
Kế hoạch Một: các đơn vị sẽ theo Quốc Lộ Một từ Huế Chu lai về Đà Nẵng, trong trường hợp Quốc lộ Một bị cắt thì sẽ theo kế hoạch Hai.
Kế hoạch Hai: Các lực lượng Quân đoàn sẽ tập trung tại ba cứ điểm Huế, Đà Nẵng và Chu Lai, tầu hải quân sẽ chuyên chở lính từ Huế Chu Lai về Đà nẵng. Trong cả hai kế hoạch Đà Nẵng vẫn là điểm tựa cuối cùng, Trưởng đề nghị giữ cả ba cứ điểm để phân tán lực lượng địch và gây tổn thất tối đa cho Việt Cộng, Thiệu cho biết giữ được bao nhiêu hay bấy nhiêu.
Ông Cao Văn Viên cho rằng kế hoạch của Tướng Trưởng là hợp lý.
“Kế hoạch lui quân của Quân đoàn 1 soạn thảo rất hợp lý và đầy đủ, gồm kế hoạch dự phòng để đối phó với những bất ngờ do địch gây ra. Khi trận chiến khai diễn như Kế Hoạch Hai dự trù và các đơn vị của Quân đoàn 1 rút hết về Đà Nẵng, chúng ta chỉ còn hai hành động phải làm: Cố thủ tại chỗ hoặc rút bằng đường biển nếu tình thế bắt buộc. Như vậy vào thời điểm trên, đâu còn cần đến kế hoạch dự phòng nào khác”
Thật ra kế hoạch nghe thì hay nhưng thực hiện được không phải là chuyện dễ. Tướng Thiệu lệnh cho Trưởng cố gắng giữ được tất cả những phần đất có trong tay sau đó ông lệnh cho Tướng Quang soạn bài hiệu triệu trên đài phát thanh Huế để trấn an dân chúng, quyết bảo vệ Huế đến cùng. Buổi họp này không thấy nói đến triệt thoái mà chỉ là kế hoạch co cụm để giữ đất.
Ngày 19-3 Quảng Trị bỏ ngỏ, chi đoàn Thiết giáp, liên đoàn 14 Biệt động quân rút về bên này Mỹ chánh lập phòng tuyến mới. Cộng quân bắt đầu tấn công mạnh vào Quân khu. Theo Tướng Hoàng Lạc, Giám mục Phạm Ngọc Chi địa phận Đà Nẵng và Giám mục Nguyễn Kim Điền khuyên không nên đổ máu vô ích vì các siêu cường đã sắp đặt cả rồi.
Sáng 20-3 Tướng Trưởng bay ra bộ chỉ huy tiền phương họp các cấp chỉ huy bàn kế hoạch phòng thủ Huế như Tổng thống ra lệnh phải giữ bằng mọi giá. Tình hình mặt trận tương đối chưa đến nỗi tệ, các đơn vị còn hoàn hảo, tinh thần cao duy trì được kỷ luật, ai nấy đồng lòng tử thủ, dân chúng di tản nhiều. Tưởng Trưởng lạc quan khi thấy Huế phòng thủ tốt. Trưa hôm đó Thiệu đọc hiệu triệu dân trên đài phát thanh Huế. Đến chiều khi về tới Đà Nẵng Tướng Trưởng nhận được lệnh của của dinh Độc Lập chỉ giữ Đà Nẵng thôi nếu tình hình bó buộc, Tướng Thiệu lý luận Quân đoàn không đủ lính để bảo vệ cả ba cứ điểm Chu lai, Huế và Đà Nẵng. Tướng Trưởng được quyền tuỳ cơ ứng biến.
Quân khu 1 ngày một nguy ngập, Cộng quân đã bắt đấu tấn công mạnh, chúng đánh theo thế gọng kìm từ trên Quảng Trị đánh xuống và từ dưới Quảng Ngãi đánh lên, dân chúng chạy loạn ồ ạt từ Huế kéo về Đà Nẵng, từ Quảng Nam Quảng Ngãi kéo lên. Ngày 21-3 Việt cộng tấn công Phú Lộc, áp lực mạnh trên Quốc lộ Một, dân tản cư đông như kiến từ Huế về Đà nẵng. Sư đoàn 1 VNCH có pháo binh và không quân yểm trợ đẩy lui cuộc tấn công của Việt Cộng nhưng địch có ưu thế về lực lượng nên sư đoàn 1 cầm cự đến trưa ngày 22 thì thất thủ, trung đoàn 1, liên đoàn 15 Biệt động quân bị đẩy lui, một khúc đường Quốc lộ Một bị cô lập, trung đoàn 1 thuộc sư đoàn 1 bị thiệt hại nặng, Tướng Trưởng ra lệnh thu gọn tuyến phòng thủ Huế.
Dân chúng và quân cụ bắt đầu được chở bằng tầu ra khỏi Đà Nẵng, ngày 23 -3 Việt Cộng pháo kích Huế rời rạc không gây thiệt hại gì nhiều nhưng khiến dân chúng hốt hoảng náo động như hỗn loạn. Tại phía nam vùng Một quận Hậu Đức, Tiên Phước thuộc Quảng Tín bị Việt cộng chiếm, sư đoàn 2 và liên đoàn 12 Biệt động quân chặn được áp lực địch tấn công về Tam Kỳ và các vùng duyên hải. Trước áp lực dồn dập của Việt Cộng Tướng Trưởng ra lệnh di tản 2 quận Sơn Trà, Trà Bồng Quảng Ngãi, những tiền đồn xa tiếp tế cũng được di tản, Tướng Trưởng cho gom các lực lượïng rời rạc lại để bảo vệ những điểm trọng yếu vào trận cuối cùng. Sự chỉnh đốn của Tướng Trưởng đem lại chút yên gượng gạo cho 2 tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Tín trong 2 ngày.
Lực lượng phòng thủ của ta ngày một yếu trước áp lực địch., ngày 24-3 tại phía nam Quân khu 1, Việt Cộng tấn công mạnh tại Quảng Tín , sư đoàn 711, trung đoàn 52 và xe tăng đánh Tam kỳ, đặc công đột nhập tỉnh lỵ thả tù gây rối loạn đến trưa thì Tam Kỳ thất thủ. Trung đoàn 2 thuộc sư đoàn 3 từ Quảng Nam được lệnh tiến về Quảng Tín để giúp địa phương quân chạy về từ Tam Kỳ về… Tam Kỳ mất, dân ùn ùn chạy về Đà Nẵng. Tại Quảng Ngãi Cộng quân tấn công gấp rút dữ dội, đặc công và địa phương quân Việt Cộng tại Quảng Ngãi tấn công phi trường, các cơ sở hành chánh quân sự Quảng Ngãi, đường Quốc lộ Một từ Quảng Ngãi tới Chu lai bị cắt đứt, đường ra biển bị cô lập, chỉ trong một ngày tình hình Quân khu 1 rối loạn đến mức không còn kiểm soát được nữa. Quân đoàn chấp thuận cho tiểu khu Quảng Ngãi mở đường máu về Chu Lai nhưng chỉ có vài đơn vị về được.
Ngày 25-3 tất cả các đơn vị quân đoàn 1 tụ lại 3 phòng tuyến chính: Nam Chu Lai, Đà Nẵng và Bắc Huế, các lực lượng của Quân đoàn bị thiệt hại nhiều khi di tản về các phòng tuyến này, tinh thần binh sĩ xuống thấp, ai nấy chán nản chưa bao giờ trong đời chinh chiến họ thấy tuyệt vọng như hiện nay. Trong tình thế khó khăn Trưởng lại nhận thêm một lệnh nữa từ dinh Độc Lập, Tướng Thiệu lệnh cho Trưởng dùng ba sư đoàn cơ hữu của Quân đoàn 1, 2, 3 để phòng thủ Đà Nẵng, sư đoàn TQLC đóng vai trừ bị. Đêm đó Tướng Trưởng cho sư đoàn 1 và các đơn vị quanh Huế rút về Đà Nẵng, ông lệnh cho sư đoàn 2 chi khu Quảng Ngãi và thân nhân của họ ra Cù Lao Ré, một đảo ngoài khơi Chu lai. Hai tầu dương vận hạm đón sư đoàn 2 tại Chu lai đưa về Cù Lao Ré, cuộc vận chuyển thành công hơn mặc dù có hỗn loạn nhưng một nửa quân số của sư đoàn 2 đã lên tầu đưa về Bình Tuy, chính phủ tuyên bố Huế và Chu lai thất thủ ngày 25-3.
Ngày 25-3 tất cả các đơn vị quân đoàn 1 tụ lại 3 phòng tuyến chính: Nam Chu Lai, Đà Nẵng và Bắc Huế, các lực lượng của Quân đoàn bị thiệt hại nhiều khi di tản về các phòng tuyến này, tinh thần binh sĩ xuống thấp, ai nấy chán nản chưa bao giờ trong đời chinh chiến họ thấy tuyệt vọng như hiện nay. Trong tình thế khó khăn Trưởng lại nhận thêm một lệnh nữa từ dinh Độc Lập, Tướng Thiệu lệnh cho Trưởng dùng ba sư đoàn cơ hữu của Quân đoàn 1, 2, 3 để phòng thủ Đà Nẵng, sư đoàn TQLC đóng vai trừ bị. Đêm đó Tướng Trưởng cho sư đoàn 1 và các đơn vị quanh Huế rút về Đà Nẵng, ông lệnh cho sư đoàn 2 chi khu Quảng Ngãi và thân nhân của họ ra Cù Lao Ré, một đảo ngoài khơi Chu lai. Hai tầu dương vận hạm đón sư đoàn 2 tại Chu lai đưa về Cù Lao Ré, cuộc vận chuyển thành công hơn mặc dù có hỗn loạn nhưng một nửa quân số của sư đoàn 2 đã lên tầu đưa về Bình Tuy, chính phủ tuyên bố Huế và Chu lai thất thủ ngày 25-3.
Các lực lượng Huế bắt đầu di tản, sư đoàn 1 và các đơn vị cơ hữu rút ra cửa Tư Hiền. Hải quân và công binh sẽ bắc cầu để quân di tản đi ngược vào đất liền rồi dùng đường bộ về Đà Nẵng, Chu Lai. Sáng ngày 26-3 biển sóng to làm đình trệ cuộc vận chuyển, cầu chưa hoàn tất đến trưa thủy triều dâng cao không thể vượt biển được trong khi ấy Việt Cộng đuổi theo nã pháo vào cửa Tư Hiền và các địa điểm tập trung quân của ta, hỗn loạn diễn ra không còn quân kỷ, sư đoàn 1 tan rã tại đây chỉ có một phần ba về được đến Đà nẵng, tới nơi họ rã ngũ đi tìm thân nhân.
Trong khi đó thì lữ đoàn kỵ binh với hơn 100 thiết giáp các loại từ mặt trận Bắc Huế tiến về cửa Thuận An, theo sau là các đơn vị pháo binh với hằng trăm khẩu pháo, TQLC, BĐQ, ĐPQ từ tuyến sông Bồ đang lũ lượt kéo về, hỗn loạn diễn ra dữ dội. Hai tầu dương vận hạm đến cửa Thuận An để chở TQLC, tầu hải vận đĩnh và quân vận đĩnh chở người từ bờ ra dương vận hạm, hỗn loạn ngày càng dữ hơn, giết chóc nhau dã man để giành chỗ trên tầu. Cộng quân pháo kích vào địa điểm tập trung quân gây thiệt hại nặng nề cho ta, nhiều lính TQLC tự tử tập thể vì cùng đường tuyệt vọng, cuộc tập trung quân tại cửa Tư Hiền và Thuận An đã làm mồi cho pháo binh địch.
Sư đoàn 324 CS càn quét tàn quân VNCH tại Thừa Thiên, sư đoàn 325 CS chuyển vào Quảng Nam phối hợp với sư đoàn 304 CS tấn công Đà Nẵng sư đoàn 2 VC cũng tiến về thành phố. Quân đội VNCH lập phòng tuyến phòng thủ bảo vệ Đà Nẵng, phía tây 2 lữ đoàn TQLC, phía nam sư đoàn 3 và địa phương quân Quảng Nam. Ngày 27-3 Các cuộc phòng thủ Đà Nẵng thành ra vô hiệu trước sự hỗn loạn, Việt cộng dồn nỗ lực bao vây thành phố. Từ bắc Đà Nẵng hai sư đoàn 324B và 325C cùng với trung đoàn xe tăng và hai trung đoàn pháo tiến dọc theo thung lũng Voi bao vây thành phố, phía Nam sư đoàn 711, 304 tiến chiếm Đại Lộc và Dục Đức, Đà Nẵng đã nằm trong tầm pháo của quân thù. Tại thành phố lớn thứ hai của miền nam này Quân đoàn 1 chỉ còn có sư đoàn 3 và 2 lữ đoàn TQLC, các sư đoàn 1 và 2 đã bị ngũ trên đường triệt thoái, một phần đã được tầu chở ra khơi, lực lượng không đủ để đương đầu với áp lực quá đông của địch, lại nữa thành phồ với hằng triệu người tỵ nạn đã trở nên hỗn loạn không thể nào kiểm soát nổi.
Sáng ngày 28 Tướng Trưởng họp khẩn cấp các đơn vị trưởng ban hành một số biện pháp vãn hồi trật tự và tái trang bị các đơn vị di tản trong thành phố nhưng ta không còn đủ quân tác chiến để thực hiện kế hoạch này. Các quân nhân có mặt được sung vào các đơn vị tác chiến nhưng không đủ để bù vào thiệt hại do cuộc triệt thoái gây ra. Trưa 28 phòng 2 thuộc Bộ TTM cho Quân đoàn biết Cộng quân có thể tấn công trong đêm, sư đoàn 1 không quân được lệnh di tản về Phù Cát, Phan Rang, Quân đoàn 1 ban lệnh ứng chiến tại các tuyến phòng thủ. Hai giờ trưa các xã ấp quanh Đà Nẵng đã lọt vào tay Cộng quân. Địa phương quân, nghĩa quân tan rã, binh sĩ rã ngũ rời đơn vị.
Việt Cộng pháo phi trường căn cứ Hải quân khi trời vừa tối rất dữ dội và chính xác nhờ những toán đặc công, tiền pháo viên chỉ điểm hướng dẫn. Tướng Trưởng vội báo cáo về Bộ Tổng tham mưu và gọi cho Tổng thống Thiệu xin di tản bằng đường biển. Tướng Thiệu không ra lệnh rõ ràng chỉ hỏi vu vơ nếu di tản thì có thể được bao nhiêu trong khi ấy có biết bao người đang chết chìm chết bắn vì trọng pháo của địch cũng như bắn giết nhau giành đường tẩu thoát. Pháo kích của địch khiến cho liên lạc giữa Sài Gòn và Đà Nẵng bị cắt đứt, Tướng Trưởng lập tức ra lệnh bỏ Đà Nẵng, ông họp với Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại Tư lệnh Hải quân vùng 1 và các cấp chỉ huy để hẹn địa điểm rút quân tại: chân đèo Hải Vân, núi Non Nước và cửa khẩu Hội An.
Rạng sáng ngày 29-3 sương mù bao phủ dọc theo bờ biển, ngoài khơi tầu đã có mặt ở điểm hẹn, thủy triều thấp tầu không vào bờ được, binh sĩ phải lội ra biển. Cuộc di tản êm xuôi cho đến khi khi Việt Cộng phát hiện chúng bèn pháo kích vào địa điểm tập trung quân và tầu ngoài khơi gây nhiều thiệt hại cho ta, tầu di tản được 6000 TQLC, 3000 lính sư đoàn 3 và nhiều đơn vị kh
ác.
Đà Nẵng thất thủ ngày 29-3-1975, Tướng Việt Cộng Lê Tư Đồng cho biết đã bắt được gần 60 ngàn tù binh VNCH, 14 ngàn công chức tịch thu 1000 quân xa, khoảng 300 đại bác. Có tài liệu cho biết ta mất 130 máy bay tại Đà Nẵng, năm 1976 Tướng Trưởng trả lời một cuộc phỏng vấn cho biết khoảng 6000 TQLC, non nửa lực lượng của sư đoàn và 4000 quân thuộc các binh chủng khác đã được tầu bè cứu thoát. Tướng Nguyễn Duy Hinh Tư lệnh sư đoàn 3 cho biết trong số 12,000 người của sư đoàn 3 chỉ có 5000 đến được điểm tập trung và sau cùng chỉ có 1000 người lên được tầu. Tổng cộng có 70 ngàn người dân được cứu thoát và 16 ngàn quân, 4 sư đoàn kể cả TQLC bị thiệt hại nặng nề không thể gọi là đơn vị chiến đấu được nữa. Tất cả quân trang quân dụng, vũ khí, xe tăng đại bác… của Quân khu coi như mất hết, một phần lớn lọt vào tay quân thù.
Quân khu 1 rơi vào tay quân thù một cách dễ dàng trong khoảng 10 ngày, không có lực lượng nào được tổ chức để đánh chận hậu, đánh trì hoãn khi Quân đoàn di tản. Cuộc lui binh thất bại hoàn toàn được coi như quá tồi tệ so với Quân đoàn 2, hỗn loạn ghê gớm gấp bội phần, sự thiệt hại về nhân mạng cao hơn cuộc triệt thoái tại Tây nguyên rất nhiều. Phạm Huấn nói
“Tại những địa điểm tập trung quân, vô cùng hỗn loạn, đau thương khủng khiếp. Và hai Cửa Thuận An, Tư Hiền thật sự biến thành những”bãi chết”, trong vùng “Biển máu”
Những Uất Hận Trong Trận Chiến Mất Nước 1975 trang 58.
Triệt thoái quá vội vã, không có kế hoạch, lịch trình nào cả, sự phối hợp Quân đoàn và Hải quân lỏng lẻo, cuộc lui binh cũng chỉ là cuộc tháo chạy hỗn độn vô tổ chức y như cuộc triệt thoái Cao nguyên, bắn giết nhau, tranh cướp nhau lên tầu chạy trốn, đó cũng chỉ là một cuộc hành quân phá sản.
“Cuộc rút quân đã rối loạn, hỗn độn và thất bại ngay khi bước sang ngày thứ hai, 24-3-1975. Hệ thống chỉ huy, phối hợp giữa các đơn vị, vấn đề an ninh, tổ chức thật tồi tệ và bị tê liệt từ lúc khởi đầu. Các cấp chỉ huy ở những cấp cao nhất và có trách nhiệm về cuộc rút bỏ Huế, đã không thành thật với nhau, phản bội, dối trá và bỏ rơi cấp dưới.
Kế hoạch rút quân bằng đường biển, với hơn 20 ngàn Chủ lực quân, hàng mấy trăm chiến xa, đại bác, cùng với cả trăm ngàn dân chúng, các lực lượng địa phương quân, công chức và gia đình họ, nhưng hai cửa Thuận An và Tư Hiền không được phòng thủ bảo vệ. Sự phối hợp và chỉ huy giữa Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Quân Đoàn và hải quân thật lỏng lẻo. Không có lịch trình lên tầu ưu tiên, rõ ràng cho các đơn vị. Các đơn vị Quân Đội và dân chúng cứ tiếp tục đổ về hai cửa biển này để rồi chết chồng chất lên nhau”
Phạm Huấn NUHTTCMN 1975, trang 57
Vấn đề đặt ra ở đây là ai chịu trách nhiệm về những cái chết oan uổng của hằng nghìn, vạn người tại cửa Thuận An, cửa Tư Hiền trước những trận pháo kinh hoàng của địch? Hậu quả của cuộc lui binh vội vã hay nói khác đi cuộc tháo chạy hỗn độn vô tổ chức đã đẩy bao nhiêu quân, dân vào chỗ chết, đã đưa hằng hà sa số người tập trung tại hai cửa biển để làm mồi cho họng súng đại bác của quân thù.
“Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng Tư Lệnh, ngày 21 tháng 3, từ ba hướng bắc, tây và nam, các lực lượng Quân khu Trị Thiên và Quân khu 2 đồng loạt tiến công vượt qua các tuyến phòng thủ của địch hình thành nhiều mũi bao vây Huế, đánh thiệt hại nặng sư đoàn 1 bộ binh ngụy, lữ 147 thuỷ quân lục chiến nguỵ, cắt đứt Huế và Đà Nẵng trên đoạn đường số 1 ở Mũi Né – Bái Sơn …. địch chỉ còn một lối thoát là rút chạy ra biển theo cửa Thuận An và cửa Tư Hiền. Con đường Huế – Thuận An là niềm hy vọng cuối cùng của chúng, nhưng thực tế đã biến thành con đường chết đối với chúng.
Nắm vững ý đồ muốn tẩu thoát của địch, pháo ta một mặt khống chế chặt của Thuận An và không cho tầu địch vào đón bọn rút lui, mặt khác bắn vào trung tâm của đội hình dày đặc của địch còn ở lại ở cửa Thuận An và cửa Tư Hiền làm cho chúng thiệt hại nặng nề. Bộ đội đặc công cũng đặt mìn phong toả cửa Thuận An. Xe tăng, xe bọc thép, xe vận tải và hàng chục nghìn lính địch kéo đi kín đường bị pháo ta bắn, đạp lên nhau mà chạy…
Ngày 25 tháng 3, các cánh quân của ta đã kịp hợp vây tiêu diệt và làm tan rã quân địch rút lui còn lại ở cửa Thuận An và cửa Tư Hiền”.
Văn Tiến Dũng, Đại Thắng Mùa Xuân trang 107, 108
Cuộc lui binh tại Huế cũng như tại Cao nguyên đã đi vào vết xe đổ của trận Cao Bắc Lạng ngày tháng 10 năm 1949 khiến cho binh đoàn Charton của Pháp bị Việt Minh đánh tan rã nhưng về kế hoạch thì phải nói cuộc lui binh của ta tồi tệ hơn hồi ấy. Hoàn toàn không có trận đánh trì hoãn nào, không có một lực lượng chận hậu nào để cầm chân địch cho đoàn quân triệt thoái, hậu quả như ta đã thấy là cả một đạo quân tinh nhuệ đã bị dồn vào họng súng của quân thù.
Nói về nguyên nhân sự sụp đổ nhanh chóng của Quân đoàn, Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng cho rằng do sự rối ren của ta và nhất là lệnh của Tướng Thiệu không rõ ràng dứt khoát.
“Với cán cân lực lượng và địa hình thuận lợi cho CSBV, Vùng I, lực lượng VNCH không thể nào chống cự lâu dài trong cuộc tổng tấn công của địch. Nhưng phải nói, tình hình quân sự xấu đi một cách nhanh chóng vì sự xa sút tinh thần và những rối ren, lung túng của ta, hơn là áp lực địch. Lệnh tái phối trí – tuy cần thiết – không rõ ràng và dứt khoát”
Tuyến Đầu Vùng Một Thất Thủ
Theo Tướng Viên binh sĩ nhiều người bỏ hàng ngũ đi tìm gia đình trong làn sóng người tỵ nạn, họ quan tâm lo lắng về gia đình mình hơn là lo về đơn vị và sự tấn công của Việt Cộng, theo ông vì làn sóng người di tản làm náo loạn cả lên đã là nguyên nhân gây ra sụp đổ nhanh chóng cho cả Quân khu.
“Sự hỗn loạn, thất bại của cuộc tái phối trí ở vùng Một xảy ra không phải vì áp lực của Cộng quân, mà vì tinh thần chiến đấu của quân ta không còn nữa. Trong những ngày cuối cùng ở Vùng I, vị tư lệnh Quân đoàn không chỉ đối phó với những khó khăn về quân sự, ông còn bận tâm với vấn đề tỵ nạn. Và khi chánh quyền trung ương bắt tay vào giải quyết vấn đề tỵ nạn thì đã quá trễ. Như chúng ta thấy, vấn đề tị nạn làm đảo lộn tất cả kế hoạch quân sự của Vùng I.”
Cao Văn Viên. TĐVMTT.
Ông Nguyễn Đức Phương cho rằng Quân khu 1 thất thủ dễ dàng không có một lực lượng nào được tổ chức để đánh trì hoãn khi lui binh, theo ông có 4 nguyên nhân chính.
- Lực lượng Cộng Sản tại Quân khu 1 trội hơn nhiều so với sự phân tán mỏng của ta. Kế họach lui binh về các cứ điểm Huế, Đà Nẵng, Chu Lai có thể đúng tuy nhiên Tổng thống Thiệu chỉ chấp nhận lui binh cho đến giờ phút chót, đến khi đã quá muộn ông lệnh cho Tướng Trưởng chỉ rút sư đoàn TQLC còn tất cả bộ binh, thiết giáp, pháo binh đều bỏ lại, không có một kế hoạch nào để phối hợp hải lục không quân trong trường hợp lui binh, hoàn toàn không có một sư tiên liệu nào.
- Tướng Thiệu sai lầm trầm trọng khi cho rút sư đoàn Dù về Vùng 3 quá nhanh, TQLC được đưa vào tay thế các vị trí của Nhẩy Dù khiến cho dân chúng hốt hoảng đổ dồn về Đà nẵng gây ra hỗn loạn. Đã phát thanh lời kêu gọi tử thủ Huế củaTổng thống sau lại cho lệnh bỏ Huế khiến dân chúng hoang mang mất tin tưởng vào chính phủ và quân đội, binh sĩ cũng mất tinh thần, hốt hoảng khi trông thấy trước nguy cơ sụp đổ như đã diễn ra tại Vùng 2.
- Chiến tranh tâm lý có lẽ là nguyên nhân quyết định sự thất thủ Quân khu 1, tin đồn cắt đất nhường cho CS dồn dập từ Vùng 2, nay Huế bỏ ngỏ khiến cho dân quân càng tin là đúng, dân di tản náo loạn cả lên, quân nhân bỏ hàng ngũ để tìm kiếm gia đình khiến cho đơn vị rã ngũ rất nhanh.
- Hệ thống chỉ huy của Bộ Tư lệïnh Quân đoàn 1 đã không chu toàn trách nhiệm trong giai đoạn khó khăn của cuộc lui binh, thiếu khả năng vô trách nhiệm là nguyên nhân chính khiến cho kế hoạch lui binh không thể thực hiện được. Vị Tư lệnh quân đoàn thiếu khả năng điều động một bộ tham mưu hỗn hợp như Phạm Huấn đã viết.
- Các sĩ quan cao cấp của Quân đoàn 1 lại chính là những người đầu tiên bỏ chạy trước, thiếu cấp chỉ huy các đơn vị lần lượt tan hàng, Việt Cộng chiếm được đất mà không phải giao tranh.
Ký giả chiến trường Phạm Huấn nhận định rằng các Tướng Việt Nam gặp trở ngại khi lãnh đạo đất nước cũng như chỉ huy mặt trận.
“Một viên chức cao cấp của Mỹ, sau này đã phát biểu về cuộc rút quân tại Huế và Đà Nẵng:
‘Tướng lãnh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, hầu như không ai có đủ kinh nghiệm, để tự mình có thể chỉ huy một cuộc hành quân qui mô với nhiều đại đơn vị trên chiến trường!’.
Sự sụp đổ mau chóng của Quân Đoàn I, vỏn vẹn trong 9 ngày, sau quyết định rút bỏ Huế lần thứ hai ngày 20-3-1975, đã làm kinh ngạc mọi giới. Những người ngưỡng mộ và kính phục Tướng Ngô Quang Trưởng đều nghĩ rằng, sự thảm bại này là hậu quả của quyết định sai lầm, trong chiến lược “Đầu bé Đít to’ của TT Nguyễn Văn Thiệu.
Nhưng theo thời gian, những bí mật được tiết lộ, Tướng Trưởng cũng là người phải chịu trách nhiệm nặng nề nhất đối với những đau thương, kinh hoàng trong hai cuộc rút quân tồi tệ, thê thảm từ Huế và Đà Nẵng”
NUHTCTMN trang 103, 104.
Cuộc triệt thoái tại hai quân khu đều đã xẩy ra những biểu hiện tiêu cực của nhiều sĩ quan cao cấp bỏ đơn vị chạy tháo thân, cả một quân khu khu không có ai chịu trách nhiệm.
“Kể từ ngày 15-3-1975, hệï thống chỉ huy tại Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn I của Tướng Lâm Quang Thi và các Tư Lệnh Mặt trận 2 chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên đã không còn giữ đúng với trách nhiệm, quyền hành và vai trò của mình nữa. Không một Tướng Lãnh, một giới chức Quân sự cao cấp nào dám nhận trách nhiệm khi cần ban hành những quyết định quan trọng. Trung tá Đào Trọng Vượng, Liên Đoàn Trường Liên Đoàn 14 Biệt Động Quân nói rằng: ‘Họ lặn hết. Tất cả những lệnh đều do các Sỹ quan Phòng Nhì, Phòng ba, cấp Thiếu Tá chuyển lại’.
Liên Đoàn 14 Biệt Động Quân từ Quảng Ngãi ra thay thế Lữ Đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến, phòng thủ tuyến đầu Vùng Giới Tuyến. Lực lượng Liên Đoàn 14 Biệt Động Quân với quân số 100 phần trăm, và Pháo Đội đại bác 105 ly khoảng 1500 người, từ ngày đầu tiên, cho đến ngày rút quân 23-3-1975, gần hai tuần lễ, không nhận được bất cứ một lệnh chính thức nào của Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn I, hoặc Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến”
Phạm Huấn NUHTTCMN trang 41.
Nguyễn Đức Phương cùng một nhận xét như trên.
“Theo lời của Đại tá Nguyễn Huy Lợi thuộc Biệt Khu Thủ đô thì một số sĩ quan thuộc Quân đoàn I chạy thoát được về Sài Gòn cho biết tình trạng của quân đoàn như sau ‘Cấp tiểu đoàn không biết họ phải làm gì. Trung đoàn trưởng của họ đã đi mất và chính họ không biết phải đi đâu và không ai chỉ thị cho họ biết những gì phải làm. Sau quá nhiều chán nản tuyệt vọng, không một ai chịu trách nhiệm cho cả quân khu”
Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập trang 764, 765.
Tướng Nguyễn Cao Kỳ cũng cho rằng "việc cấp chỉ huy bỏ đơn vị chạy trước là một nguyên nhân đưa tới sụp đổ quân đoàn, theo ông tại đây cấp chỉ huy không quân nhiều người đã lên trực thăng bay về phía Nam bỏ cấp dưới ở lại".
Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, người đóng vai chính tại chiến trường Hoả tuyến có viết sách về cuộc chiến Mùa hè đỏ lửa 1972 nhưng không thấy, không nghe nói ông viết sách về sự sụp đổ Quân đoàn 1 năm 1975. Về Quân đoàn 1 trong trận chiến mất nước này chỉ thấy ghi lại trong một bài ngắn “Tại Sao Tôi Bỏ Quân Đoàn Một” đã đăng trên nhiều báo và internet từ nhiều năm qua nhưng bài này không phải do chính Tướng Trưởng viết ra mà do một người khác ghi lại lời thuật của ông nên cũng không thể coi đó là hoàn toàn ý kiến của ông.
Nội dung bài viết có nhiều điểm trái ngược với các tài liệu, sách vở nói về cuộc Triệt thoái này. Mở đầu bài viết nói.
“Ngày 13 tháng 3 năm 1975, được lệnh vào Sài Gòn họp. Tôi vào đến Sài Gòn nhưng với sự ngạc nhiên là chỉ có mình tôi vào gặp Tổng thống và Thủ tướng (Trần Thiện Khiêm) mà thôi. Ngoài tôi ra không có ai khác. Thường lệ, khi được lệnh về Sài Gòn họp thì đều có đầu đủ mặt các vị tư lệnh quân đoàn và tư lệnh các quân binh binh chủng khác. Lần này thì chỉ một mình tôi thôi”
Theo Đại Tướng Cao Văn Viên, Ký giả chiến trường Phạm Huấn, nhà nghiên cứu quân sự Nguyễn Đức Phương như chúng tôi đã trình bầy ở trên và cả ý kiến của Thiếu Tướng Hoàng Lạc, Tư lệnh phó Quân khu 1 thì trong các buổi họp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia tại dinh Độc Lập ngày 11-3, ngày 13-3 và 19-3 do ông Thiệu chủ tọa đều có mặt Đại Tướng Cao Văn Viên, Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, Trung Tướng Đặng Văn quang, riêng buổi họp ngày 19-3 thì có thêm Phó Tổng thống Trần Văn Hương. Tổng thống Thiệu không hề gặp riêng một tướng nào, không nghe thấy một tài liệu nào nói như vậy. Về ngày 13-3 nêu trên, Tướng phó Tư lệnh Quân khu 1 cho biết Tướng Trưởng được mời về Sài Gòn trình bầy trước Hội đồng an ninh Quốc gia, các tài liệu của BộTTM, của Phạm Huấn, Nguyễn Đức Phương cũng đều nói như vậy.
Bài viết nói tiếp:
“Nhưng khi tổng thống Thiệu cho biết ý định của ông ta là phải rút bỏ Quân đoàn 1 ngay hôm nay thì tôi mới vỡ lẽ, cay đắng, và uất ức vì lệnh ra quá đột ngột ngoài sức tưởng tượng và ngoài ước muốn của tôi…..
… Tôi trình bầy cặn kẽ những ý kiến cũng như những dự định của tôi lên tổng thống nhưng không được chấp thuận. Lệnh bất di bất dịch là: Phải rút khỏi Quân Đoàn 1 càng sớm càng hay….
Lệnh của tổng thống Thiệu yêu cầu tôi rút khỏi Quân Đoàn 1 vào ngày 13 tháng 3, và rút Quân Đoàn 2 vào ngày 14 tháng 3. Ông Thiệu cho biết là rút hết về Phú Yên, lấy Quốc Lộ 22 làm ranh giới. Việt nam sẽ thu gọn sẽ chạy dài từ Phú Yến đến Hà Tiên”
Theo Tướng Viên, Tướng Hoàng Lạc, Nguyễn Đức Phương… trong phiên họp ngày 13-3 Tướng Thiệu chỉ mới lệnh cho Tướng Trưởng rút sư đoàn Dù về Sài Gòn và báo cáo tình hình Quân sự của Vùng Một, không có tài liệu nào nói ông Thiệu cho lệnh rút bỏ Quân đoàn 1 ngay hôm 13-3 như trong bài của Tướng Trưởng. Theo ông Cao Văn Viên:
“Buổi họp ở Dinh Độc Lập vào ngày 13 tháng 3, 1975 đã được thuật lại rõ ràng ở trên. Trong dịp đó tổng thống Thiệu đã cho hai vị tư lệnh quân đoàn I và III (tướng Trưởng và tướng Toàn) biết ý định sắp xếp lại lãnh thổ VNCH sao cho phù hợp với sự cắt giảm viện trợ quân sự. Tuy nhiên tổng thống Thiệu chưa cho lệnh rút quân ở bất cứ nơi nào lúc đó, trừ việc bỏ An Lộc ở vùng III. Buổi họp ở Cam Ranh ngày 14 tháng 3 sảy ra sau khi Ban Mê Thuột mất, và tại Cam Ranh tổng thống Thiệu ra lệnh tái phối trí lực lượng của quân đoàn II để chiếm lại Ban Mê Thuột”
Theo như Nguyễn Đức Phương đã nói ở trên Tổng thống Thiệu chỉ chấp nhận lui binh vào giờ phút chót. Ngày 13- 3 ông Thiệu chỉ thị cho Tướng Trưởng trả sư đoàn Dù về Sài Gòn và tái phố trí lực lượng tại Quân khu 1 chứ chưa hề cho lệnh rút bỏ bất cứ một tỉnh nào. Cho đến ngày 20-3 khi tình hình Huế khẩn trương ông lệnh cho Tướng Trưởng tùy cơ ứng biến, có thể rút về bảo vệ Đà Nẵng nếu tình hình đòi hỏi.
Trong một cuộc nói chuyện với một nhà báo tại Hải ngoại, Tướng Trưởng cho rằng những bài nói về ông, khen cũng như chê có nhiều điều không đúng và ông không thích báo chí nói đến mình, như vậy bài trên đây có thể chưa chắc đã nói đúng ý của vị nguyên Tư lệnh Quân khu.
Trong cuộc phỏng vấn của ông Lâm Lễ Trinh, Tướng Viên đã kết luận.
“Xin đừng xem những lời của tôi là lịch sử. Mỗi người giải thích sự thật theo lối riêng, như trong phim ‘Rashomon’. Một trăm nhân chứng, một trăm sự thật. Định kiến làm cho lịch sử sai lệch. Tôi chỉ tâm tình với lòng thành. Hãy để cho hậu thế lượng định và phán xét”
“Xin đừng xem những lời của tôi là lịch sử. Mỗi người giải thích sự thật theo lối riêng, như trong phim ‘Rashomon’. Một trăm nhân chứng, một trăm sự thật. Định kiến làm cho lịch sử sai lệch. Tôi chỉ tâm tình với lòng thành. Hãy để cho hậu thế lượng định và phán xét”
Lâm Lễ Trinh, (Về Nguồn, trang 276).
Xem như thế sự thật chỉ là tương đối. Cũng trong bài phỏng vấn này, theo ông Cao Văn Viên, Tướng Trưởng cho biết Bộ tổng tham mưu không tăng viện theo lời yêu cầu của Quân khu 1. Tướng Viên cho đều này không đúng vì ông đã tăng cường cho Tướng Trưởng cả hai sư đoàn tổng trừ bị Dù và TQLC rồi. Bộ Quốc phòng Mỹ trả nhuận bút cho các Tướng lãnh lưu vong Việt Nam để viết tài liệu về chiến tranh Đông Dương. Trong một phiên họp thu thập dữ kiện cho Mỹ, Tướng Trưởng phát biểu sở dĩ thất bại là do lãnh đạo tồi, chính phủ Trung ương thiếu nhân tài. Tướng Đồng Văn Khuyên, Trần Đình Thọ bênh vực cho Bộ TTM tranh luận trả lời ông Trưởng: Bộ Tham mưu đã yểm trợ hết mình cho Quân khu 1, hai sư đoàn Tổng trừ bị Dù và TQLC đều đã được tăng phái cho Quân đoàn 1.
Ý kiến của Tướng Trưởng về nhu cầu tăng viện cho Quân khu là xác đáng. Đặt giả sử nếu không triệt thoái khỏi Huế, Quảng Nam, Quảng Tín để giữ đất chống quân thù, cho dù Tướng Trưởng có tài giỏi tới đâu cũng chỉ cầm cự được một hai tháng là cùng vì ưu thế quân sự về phía địch, chúng gần hậu cần, được bổ sung quân số đầy đủ trong khi quân ta ở cách xa trung tâm tiếp liệu.
Trong chiến dịch tổng công kích này, địch đã tung vào mặt trận miền Trung 13 sư đoàn bộ binh, trên 20 trung đoàn pháo binh, xe tăng, phòng không, trong đó 8 sư đoàn tại Quân khu Một, 5 sư đoàn tại Quân khu 2. Hoả lực địch rất mạnh nhờ viện trợ ồ ạt của Cộng Sản Quốc tế trong khi hoả lực ta đã bị giảm 60% so với 1972 hậu quả của cắt quân viện, vũ khí đạn dược của Việt Cộng coi như gấp hai 1972. Bắc Việt đã đưa khoảng 70% toàn bộ lực lượng của chúng vào chiến dịch này, địch không thể tấn công cả bốn Quân khu của ta cùng một lúc vì mũi dùi tấn công yếu sẽ bị bẻ gẫy nên chúng chỉ tấn công vào một hai nơi nhất định, địch lựa chọn Quân khu 1 và Quân khu 2 vì gần hậu phương miền Bắc.
Đã biết Việt Cộng tấn công mạnh ở Quân khu 1 và 2 mà ta còn giữ nhiều lực lượng tại Quân khu 3 và 4. Tại Vùng 4 ta đã có 200 ngàn Địa phương quân lại thêm 3 sư đoàn chủ lực, Vùng 3 ta để 3 sư đoàn bộ binh, số xe tăng gấp rưỡi và máy bay chiến đấu gấp hai các quân khu 1 và 2 (655 xe tăng, 250 máy bay chiến đấu). Trong khi miền Trung bị địch đánh phá tơi bời mà vẫn không chịu lấy bớt quân từ các quân khu 3 và 4 lên tăng viện cho chiến trường dầu sôi lửa bỏng. Nhưng không phải Tướng Thiệu không biết vậy, ông có thể tăng viện để cứu sự sụp đổ của miền Trung nhưng ông đã không làm thế vì muốn bỏ miền Trung, vấn đề là ở chỗ đó. Không tăng viện coi như bỏ vì với lực lượng cơ hữu của hai Quân khu, ta không đủ sức chống lại mũi dùi tấn công của 13 sư đoàn Bắc Việt. Tướng Trưởng trách cứ Bộ Tổng tham mưu và Tổng thống Thiệu đã không tăng cường lực lượng cho ông, đã bỏ lỡ cơ hội cứu đất nước vào giờ chót, nếu tăng cường thì còn hy vọng chuyển bại thành thắng, bẻ gẫy mũi dùi tấn công của địch hoặc cho dù thua cũng phải đánh được vài trận cho ra hồn.
Theo ông Cao văn Viên vị Tư lệnh Quân khu 1 trong khi đương đầu với địch ông còn phải quan tâm giải quyết vấn đề tỵ nạn đang trầm trọng. Khi Kontum, Pleiku mất người dân lo sợ chính quyền cắt đất nhường cho Cộng sản, hàng chục nghìn người đổ dồn về Đà Nẵng mua vé máy bay vào Sài Gòn, hôm 14-3 các lữ đoàn Dù được điều động để về Sài Gòn khiến dân chúng hốt hoảng kéo nhau về Đà Nẵng. Ngày 19-3 Thủ Tướng Khiêm ra Đà Nẵng giải quyết vấn đề tỵ nạn, Thủ tướng cho thành lập Ủy ban liên bộ để lo giúp dân tỵ nạn Quân khu để binh sĩ yên tâm chiến đấu. Thủ Tướng hứa sẽ tăng nhiều tầu chở dân di tản và giúp đồng bào tỵ nạn. Trong khi ấy tại địa phương các đoàn thể, hội từ thiện, phú thương… đóng góp vào cuộc cứu trợ hiệu quả hơn của Trung ương nhưng vấn đề tỵ nạn vượt quá khả năng của họ.
Từ ngày 17-3 đường Quốc lộ 1 tràn ngập người và xe cộ, tại các bến cảng, tầu chở quân như quân dụng cho chiến trường Huế Đà Nẵng bị dân và lính ép phải chở họ rời bến, giới phụ trách bến tầu phải thuyết phục họ mãi. Ngày 21-3 Việt Cộng cắt đường Quốc lộ 1, dân tỵ nạn bèn đi về miệt biển, tầu bè được mướn hay bị cướp để chạy loạn nhưng không đủ. Ngày 23-3 tầu Trường Thanh do Bộ tổng tham mưu mướn chở được hơn 5000 người. Huế bỏ ngỏ đếm 25-3, dân quân rút theo bờ biển về Đà Nẵng. Tam Kỳ mất 24 -3, Chu Lai di tản ngày 26, dân Quảng Ngãi, Quảng Tín chạy về Đà Nẵng. Ngày 26 Tướng Trưởng gửi Tướng Hoàng Lạc Tư lệnh phó về Sài Gòn trình Tổng thống và Thủ tướng giải quyết ngay vấn đề tỵ nạn vì thành phố sắp rơi vào tình trạng hỗn loạn khiến Đã Nẵng sẽ tự sụp đổ không cần Việt Cộng tấn công. Lưu thông trong thành phố ứ đọng, dân số trước đấy chỉ có 300 ngàn nay có tới hơn một triệu, cướp của giết người giữa ban ngày.
Ngày 27-3 chuyến phi cơ dân sự đầu tiên mướn của Mỹ đáp xuống Đà Nẵng nhưng mỗi khi có máy bay xuống hỗn loạn diễn ra dữ dội. Các chuyến bay dân sự phải đình chỉ, giới hữu trách cho thay bằng 4 máy bay C-130, nhưng hỗn loạn liên tục nên 4 chiếc này chỉ cất cánh được một lần vào ngày 29-3. Bến tầu cũng hỗn loạn, các tầu thả neo ngoài khơi Đà Nẵng, dân dùng thuyền bè từ bờ ra tầu, mỗi tầu được chừng 10 ngàn thì nhổ neo về Cam Ranh, Vũng Tầu, Phú Quốc… Bọn lưu manh côn đồ lợi dụng cướp bóc hà hiếp đồng bào trên tầu, nhiều người xỉu vì kiệt lực.
Việt Cộng pháo kích tấn công Đà Nẵng mạnh vào đêm 28, dân chúng tiếp tục tìm đường lánh nạn bằng thuyền bè dưới những trận mưa pháo của địch, nhiều người chết chìm khi lội từ bờ ra tầu. Bộ TTM đề nghị Phó thủ tướng Phan Quang Đán trưng dụng 13 tầu thương thuyền để chở dân tỵ nạn và kêu gọi các nước đồng minh giúp chở dân ra khỏi vùng giao tranh. Các nước hưởng ứng lời kêu gọi nhưng không thể gửi tầu tới ngay được trong khi tình hình ngày một thê thảm. Với con số người tỵ nạn quá đông cuộc di tản không thực hiện được như ý muốn, dân tỵ nạn tràn ngập các trại tỵ nạn ở Vùng 3 và Phú Quốc.
Theo Đại Tướng Cao Văn Viên khi chính quyền bắt tay vào giải quyết vấn đề tỵ nạn thì đã quá trễ, vấn đề tỵ nạn đã làm đảo lộn kế hoạch quân sự của Vùng 1, dân di tản đã làm náo loạn cả lên khiến cho binh sĩ hoang mang không còn tinh thần chiến đấu. Cuộc lui binh của Quân đoàn 1 cũng chịu chung số phận với cuộc triệt thoái Cao nguyên chỉ là một cuộc hành quân phá sản đã làm sụp đổ toàn bộ Quân khu khiến cho Quân đội VNCH mất gần hết các lực lượng tinh nhuệ. Vũ khí đạn dược phần lớn bị bỏ lại không kịp hủy, ta mầt gần 450 xe tăng và hơn 400 đại bác, phần lớn lọt vào tay quân thù, sự sai lầm của một người đã khiến cho Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ nhanh hơn dự kiến!
Trọng Đạt
http://hon-viet.co.uk
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét