Vào những năm 1938, giáo sư Arlie Bock – chủ nhiệm khoa vệ sinh dịch tễ của trường Đại học Harvard cho rằng cả giới nghiên cứu đều quan tâm đến những vấn đề như bệnh tật, thất bại, chán nản, nhưng lại không có ai nghiên cứu một cách cẩn thận xem con người phải làm sao để được khỏe mạnh, thành công và hạnh phúc.
Vì thế, ông Arlie Bock đã đề xuất một kế hoạch nghiên cứu mạnh mẽ như sau: Theo dõi một nhóm người từ khi còn trẻ đến cuối đời, chú ý những bước ngoặt trong cuộc đời họ, kịp thời ghi chép lại một cách cẩn thận trạng thái tâm lý của họ,.
Cuối cùng rút ra được câu trả lời cho câu hỏi “Người như thế nào có thể sống hạnh phúc nhất?” từ những sự thay đổi trong cuộc đời họ.
Họ đã lựa chọn đối tượng cho cuộc nghiên cứu này, toàn bộ đều là những nam sinh viên ưu tú của trường Đại học Harvard khi đó, ông Arlie Bock cho rằng họ có khả năng tự kiểm soát mạnh mẽ, nếu theo dõi và phân tích họ thì nhất định sẽ có thể tìm thấy được những tố chất tâm sinh lý giúp những thanh niên ưu tú này có được hạnh phúc trong cuộc đời.
Những sinh viên đại diện Đại học Harvard là những người tinh anh, sở hữu IQ cao và vóc dáng khỏe mạnh. Với nguyện vọng tốt đẹp của mình, ông Arlie Bock đã lập ra một nhóm nghiên cứu từ tất cả các lĩnh vực như y học, sinh học, nhân loại học, tâm lý học, thần kinh học và công tác xã hội, thậm chí còn có nhà tâm thần học nổi tiếng Adolf Meyer cũng tham gia.
Nhân vật có ảnh hưởng to lớn đến giới thần kinh học thế kỷ 20 Adolf Meyer đã dựa vào những ghi chép y học, thành tích học tập và sự tiến cử của Đại học Harvard để chọn ra 268 sinh viên làm đối tượng thí nghiệm. Công trình nghiên cứu này mang tên là “Grant”.
Song song với công trình Grant còn có một công trình nghiên cứu khác có tên là “Glueck” được thực hiện bởi nhà tội phạm học kiêm giáo sư của trường Đại học Harvard đến từ Boston.
Đối tượng nghiên cứu của Glueck gồm 456 thanh niên sinh ra trong các gia đình nghèo ở gần Boston. Đa phần họ sống ở trong những căn nhà thuê giá rẻ, có những gia đình thậm chí còn không có cả nước lạnh và nước nóng, trình độ học vấn không cao, cha mẹ cũng không được đi học.
Cuối cùng, hai công trình nghiên cứu kết hợp với nhau, 724 thanh niên này được theo dõi, phân tích toàn diện. Cuộc nghiên cứu này có thể được xem là công trình dài nhất trong lịch sử mang tên “Công trình nghiên cứu Grant & Glueck”.
Đến nay công trình này nghiên cứu đã kéo dài hơn 75 năm và vẫn đang tiếp tục. Những người chịu trách nhiệm nghiên cứu đã sang thế hệ thứ tư.
Bác sỹ Arlie Bock đã ghi hình lại những đối tượng được theo dõi để tiến hành thí nghiệm và phân tích. Nhóm người này sẽ nhận được một bảng câu hỏi mỗi 2 năm, họ cần phải trả lời những vấn đề về sức khỏe, tinh thần có bình thường hay không, đời sống hôn nhân ra sao, sự nghiệp thành công hay thất bại, sau khi về hưu có vui vẻ hay không. Những người nghiên cứu dựa vào bảng câu hỏi mà họ trả về để phân loại, E là tệ nhất, A là tốt nhất.
Mỗi 5 năm sẽ có bác sĩ chuyên khoa đánh giá các chỉ số sức khỏe thể chất và tinh thần của nhóm đối tượng được nghiên cứu.
Cách mỗi 5–10 năm, những người chịu trách nghiệm nghiên cứu sẽ tự đi phỏng vấn, thông qua việc trò chuyện trực tiếp để hiểu rõ hơn các mối quan hệ thân thiết, thu nhập, mức độ hài lòng trong cuộc sống và mỗi giai đoạn trong cuộc đời họ liệu có tốt hay không.
724 thanh niên này được mô tả là “một nhóm ‘chuột bạch’ được nghiên cứu kỹ lưỡng nhất trong lịch sử”, họ đã trải qua Thế chiến thứ II, khủng hoảng kinh tế, phục hồi kinh tế, khủng hoảng tiền tệ… Họ kết hôn, li hôn, thăng chức, trúng cử, thất bại, đứng lên trở lại hay hoàn toàn lụn bại… Có người thì suôn sẻ nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già, có người thì tự hủy hoại sức khỏe của mình và qua đời sớm…
Cuộc nghiên cứu này bao gồm rất nhiều kiểu người và cũng đã ghi chép lại vô số những cuộc đời. Trong đó có những người phải làm đầy tớ vô danh, cũng có những người sau này trở thành lãnh đạo, thậm chí còn có các thành viên quốc hội và một người trở thành tổng thống thứ 35 của nước Mỹ – John F. Kennedy.
Hiện nay, trong nhóm 724 người được nghiên cứu này có khoảng 60 người vẫn còn sống khỏe mạnh và vẫn tiếp tục tham gia vào cuộc nghiên cứu, hầu hết họ đã trên 90 tuổi. Ngay cả chính trường Đại học Harvard cũng vô cùng bất ngờ khi công trình này có thể tiếp tục lâu đến vậy.
Trong hơn 75 năm, mỗi giai đoạn, những người phụ trách nghiên cứu đều sắp xếp tài liệu theo dõi được thành sách, làm thành một số kết luận chung.
Quyển sách được xuất bản gần đây nhất là vào năm 2012 có tên “Triumphs of Experience”. Đây là quyển sách thứ 3 trong cuộc nghiên cứu.
Vậy thì trong hơn 75 năm qua, rốt cuộc là những ghi chép y khoa và tài liệu phỏng vấn dài hơn cả chục ngàn trang đã mang đến cho con người những kết luận gì? Rốt cuộc thì những người như thế nào đến cuối cùng có thể sống hạnh phúc hơn những người khác? Là danh vọng xã hội? Là mức độ giàu có? Hay là có được cái gọi là thành công to lớn trong quan niệm xã hội?
Vào năm 2015, người chịu trách nhiệm đời thứ 4 của công trình nghiên cứu này là giáo sư Robert Waldinger đến từ khoa Y Đại học Harvard đã giới thiệu thành quả nghiên cứu của họ trên diễn đàn TED Talks.
Video clip: TED Talks - Điều Gì Làm Nên Một Cuộc Sống Hạnh Phúc - Robert Waldinger
http://tv.zing.vn/video/TED-Talks-Dieu-Gi-Lam-Nen-Mot-Cuoc-Song-Hanh-Phuc-Robert-Waldinger/IWZCZW0A.html
Kỳ thực, hạnh phúc không có quan hệ trực tiếp gì với những cái gọi là danh vọng, tiền tài, thành công… mà trải qua phân tích nghiên cứu và chắt lọc ý kiến trong hơn 75 năm, nghiên cứu của trường Đại học Harvard nói với chúng ta rằng: “Chỉ có những mối quan hệ xã hội tốt đẹp mới có thể khiến chúng ta hạnh phúc và khỏe mạnh hơn”.
Dù cho là nhân tài có học vấn cao hay những người có xuất thân nghèo khó, dù bạn có danh tiếng lẫy lừng hay là người bình thường, điều cuối cùng quyết định việc trong lòng bạn có hạnh phúc mãn nguyện hay không chính là mối quan hệ với mọi người xung quanh.
Có 3 bài học lớn từ những mối quan hệ, đó là:
Bài học thứ nhất: Những mối quan hệ xã hội rất tốt cho chúng ta và cô đơn thì hủy diệt chúng ta
Những người thân thiết với các thành viên trong gia đình, thích giao thiệp với bạn bè hàng xóm nhiều sẽ hạnh phúc, vui vẻ, khỏe mạnh, sống thọ hơn những người không thích giao tiếp, xa cách với mọi người.
Những người hay xa lánh người khác khi đến tuổi trung niên, sức khỏe sẽ giảm sút rất nhanh, chức năng não cũng suy yếu nhanh chóng và có cuộc sống ngắn ngủi hơn những người không cô đơn.
Bài học thứ hai: Chất lượng của các mối quan hệ quan trọng hơn số lượng
Có bao nhiêu người bạn, có kết hôn nay không đều không phải là yếu tố quyết định quan trọng nhất của việc bạn có sống hạnh phúc hay không.
Điều khiến chúng ta cảm thấy tổn thương và bất hạnh đó là những sự bất hòa, tranh cãi và “chiến tranh lạnh” trong cuộc sống.
Làm tổn thương lẫn nhau, hôn nhân không có tình yêu mang đến tác hại nguy hiểm còn hơn cả ly hôn.
Trong những người tham gia vào cuộc nghiên cứu, những cặp vợ chồng hạnh phúc nhất nói rằng, khi họ 80 tuổi, dù mắc nhiều chứng bệnh, nhưng họ vẫn luôn cảm thấy cuộc sống rất hạnh phúc, vì họ có thể tin tưởng nương tựa lẫn nhau.
Còn những người không vui vẻ trong hôn nhân thì dù là một chút khó chịu về thể xác thôi nhưng tâm trạng không vui sẽ khiến nỗi đau đớn đó càng thêm nặng nề.
Giữa bạn bè với nhau cũng vậy, đừng đòi hỏi số lượng nhiều hay ít, phải xem hai người có hợp nhau hay không.
Bài học thứ ba: Những mối quan hệ xã hội tốt đẹp không chỉ có thể bảo vệ cơ thể mà còn có thể bảo vệ não của chúng ta
Nếu ở tuổi ngoài 80 mà cuộc sống hôn nhân vẫn ấm áp hòa hợp, vẫn còn tin tưởng vào nửa kia của mình, biết hy vọng vào đối phương trong những thời khắc quan trọng thì trí nhớ sẽ lâu hơn. Ngược lại, những người không thể tin tưởng vào người bạn đời thì sức khỏe sẽ nhanh chóng suy sụp, trí nhớ giảm sút.
Tất nhiên, một cuộc hôn nhân hạnh phúc hoàn toàn không có nghĩa là không bao giờ cãi nhau.
Có những cặp vợ chồng đã 80–90 tuổi mà vẫn ngày ngày tranh cãi, nhưng chỉ cần họ vững tin, có thể nương tựa vào đối phương trong những thời khắc quan trọng thì những lần cãi nhau chỉ là chất xúc tác trong cuộc sống.
Ngoài ra, còn có một số kết luận có thể truyền cảm hứng cho chúng ta như:
– Khi trí lực đạt đến một mức độ nhất định thì sự thành công về mặt tiền bạc của một người chủ yếu nằm ở mức độ quan hệ giữa người đó và người khác.
– Một người có quan hệ xã hội tốt đẹp có mức thu nhập mỗi năm cao hơn hơn mức trung bình 140.000 USD ở độ tuổi có thu nhập cao nhất trong cuộc đời (thông thường vào khoảng 55–60 tuổi).
– Những người được mẹ yêu thương khi còn nhỏ kiếm được nhiều hơn những người không được mẹ yêu thương 870.000 USD mỗi năm.
– Những người có mối quan hệ với cha không tốt thời ấu thơ dễ mắc chứng mất trí nhớ hơn khi về già.
Đã biết rằng quan hệ xã hội hòa hợp có tác dụng thúc đẩy to lớn như vậy đối với hạnh phúc trong cuộc sống của chúng ta, vậy thì tại sao chúng ta lại không làm được điều đó?
– Thường thì chúng ta vô tình cãi nhau thiếu lý trí bởi những lời nói vô ý.
– Chúng ta mất quá nhiều thời gian và tâm trí để hận thù, tức giận và ghen tị với người khác.
– Từ những việc nhỏ nhặt tầm thường đến không thể tầm thường hơn, chúng ta không ngừng làm cho chúng trở thành gánh nặng và hận thù ngày càng lớn lên để chỉ trích nhau chỉ vì những việc không đáng.
– Chúng ta vốn dĩ có thể dùng khoảng thời gian quý giá này để ở bên gia đình, đi chơi với bạn bè, xem phim cùng người yêu… v.v…
– Càng ngày chúng ta càng đắm chìm vào mạng xã hội, chúng ta không ngừng ấn nút “thích” cho những người xa lạ, ngày đêm không rời cái màn hình lạnh lẽo, chia sẻ tâm sự với một đoạn văn vài trăm từ, nhưng lại chưa từng cố gắng mở lòng để trò chuyện một cách chân thành với những người thật sự cần chúng ta và chúng ta cần họ.
– Đối với người xa lạ, chúng ta luôn cố gắng thân thiện, nhưng đối với những người thân thiết nhất thì chúng ta lại đối xử với họ rất tệ.
– Chúng ta cứ luôn cho rằng người khác sẽ luôn tha thứ cho chúng ta bằng niềm tin và tình yêu thương, nhưng lại quên mất rằng việc chúng ta im lặng, đối xử lạnh lùng và xa cách lâu ngày cuối cùng sẽ khiến những mối quan hệ vốn có thể rất tốt đẹp trở nên càng lúc càng tồi tệ, mất đi tình cảm ấm áp giữa người với người.
Một đạo diễn từng nói: “Một gia đình, dù mỗi người sống cuộc sống của riêng mình, nhưng chỉ khi trong lòng mỗi người có sự quan tâm lẫn nhau thì gia đình mới có ý nghĩa của một gia đình”.
Tình yêu, tình bạn không gì khác hơn ngoài hai chữ “quan tâm” ngắn gọn trong cuộc sống hàng ngày, nhưng có bao nhiêu người trong chúng ta thật sự cố gắng làm được?
Tại buổi diễn thuyết ở TED Talks, giáo sư Robert có nói rằng khi vừa bắt đầu nghiên cứu, dù là giàu có hay nghèo hèn, những người trẻ tuổi đều tin tưởng rằng danh vọng, tiền tài và thành tựu sẽ đảm bảo cho họ có cuộc sống tốt hơn. Nhưng khi về già, nhìn lại cuộc đời mình, họ lại nhận ra rằng thực tế hoàn toàn không phải như vậy.
Hơn 100 năm trước, danh nhân Mark Twain đã nhìn lại chính cuộc đời ông và viết rằng: “Không có thời gian, cuộc đời quá ngắn ngủi cho những cuộc tranh cãi, xin lỗi, thương tâm và chỉ trích. Hãy dùng thời gian để yêu thương, đừng phí hoài dù chỉ là một khoảnh khắc”.
Thanh Vân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét