Quang cảnh buổi họp báo tại Nhà Trắng hôm 24/02/2017, nhiều hãng báo chí lớn của Mỹ bị cấm tham gia.REUTERS/Yuri Gripas<!>
Dưới thời tổng thống Donald Trump, truyền thông Mỹ chưa bao giờ bị tấn công dữ dội và thường xuyên đến như vậy. Chưa có lúc nào mối quan hệ giữa chính quyền Mỹ và báo giới lại tồi tệ như lúc này. Cố vấn chính của tân tổng thống, ông Stephen Bannon xem một số hãngi truyền thông như là một «đảng đối lập » và đề nghị nên « đóng cửa » các hãng truyền thông đó.
Do vậy, giới truyền thông Hoa Kỳ hiện nay đang đứng trước những thách thức lớn : Làm thế nào đưa tin về một vị tổng thống liên tục cáo buộc báo chí là những cơ quan tuyên truyền thông tin sai lệch, « những kẻ thù của người dân Mỹ » ? Làm sao có được khoảng cách tốt để đưa tin về tân chính quyền mà vẫn giữ được tính « trung lập » ?
Giới báo chí cảm thấy việc tác nghiệp ngày càng trở nên phức tạp trước những dòng tweet bất ngờ đưa ra lúc sáng sớm của Donald Trump. Nhiều cây bút xã luận lớn ví von rằng đưa tin về « nước Mỹ của Trump cũng giống như là một vùng chiến sự », hoặc xem đó như là « một cuộc chiến của đời phóng viên ».
Nhưng liệu rồi khẩu chiến giữa Trump và giới truyền thống có đang bị trượt đà hay không ? Theo nhận định của ông Richard Benedetto, giáo sư trường đại học American và từng phụ trách đưa tin về Nhà Trắng cho nhật báo USA Today, được AFP trích dẫn, dường như khái niệm « phải công minh » đang bị quên lãng.
Việc xử lý các thông tin về Nhà Trắng dường như dần dần mang đậm dấu ấn cá nhân cảm tính. « Ranh giới giữa nhà báo (đưa tin) và nhà bình luận đôi khi khó phân định » trước việc nhiều kênh thông tin liên tục, cho « quá nhiều người phát biểu các ý kiến cá nhân ».
Còn theo giáo sư Karen North, chuyên nghiên cứu về truyền thông thuộc Đại học Nam California, khả năng kềm chế cũng trở nên khó khăn hơn do sự hiện diện khắp nơi của các nhà báo trên các trang mạng xã hội, đứng đầu là Twitter.
Về điểm này, ông Richard Benedetto cho rằng chính việc có rất nhiều phóng viên « trình bày thẳng các quan điểm của mình » đến độc giả, thường có tính chất thù nghịch với Trump, đã làm gia tăng mạnh mẽ cảm giác chung là phần lớn các nhà báo trên những phương tiện truyền thông lớn là thiên tả.
Vẫn theo chuyên gia này, sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các tờ báo giải thích phần nào cách đưa tin về ông Trump hiện nay. Để tồn tại và sống sót, hơn bao giờ hết, cần thu hút sự chú ý của độc giả thông qua điện thoại thông minh, bằng cách đưa lên hàng đầu những bài viết có « tính giật gân », gây tranh cãi…, và các trang mạng xã hội được xem như là một công cụ không thể thiếu vắng.
Điểm nghịch lý là nếu như có ai lấy làm tiếc về hành động thái quá trong việc đưa tin về Trump, thái độ « đúng mực » đó có thể bị xem là « để làm vừa lòng » chính quyền.
AFP nhắc lại vụ việc ông Gerry Baker, tổng biên tập tờ Wall Street đã bị cả ban phản đối ra sao khi ông nhiều lần nhắc nhở đồng nghiệp phải « trung lập » và « có chừng mực ». Ông từng gợi ý nhóm làm báo rằng đừng vội đánh giá các phát biểu tức thì, sai lầm của Donald Trump là « dối trá », do tính chất « cố ý » chưa được cấu thành. Ông Gerry Baker thậm chí vào đầu tháng 2 này còn triệu tập một phiên họp toàn thể các nhà báo của Wall Street Journal để giải thích nhưng bất thành.
Nói tóm lại, để có thể được tiếng là nhà báo « trung lập » không phải là dễ. Ông Nic Dawes, cựu phóng viên và là phó giám đốc tổ chức Human Rights Watch, trên trang mạng The Nation, từng chấp bút một bài xã luận, viết rằng : « Nếu như nhà báo bằng mọi cách muốn được xem là trung lập, thì họ sẽ tránh đặt những câu hỏi hóc búa hoặc vạch trần sự giả dối ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét