Hãy cùng nhau hướng về các Nữ Tù Nhân Lương Tâm tại Việt Nam
04.03.2017
50 PHỤ NỮ HOẠT ĐỘNG NHÂN QUYỀN & 20 TỔ CHỨC XÃ HỘI DÂN SỰ TUYÊN BỐ ĐỨNG CÙNG CÁC NỮ TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM VIỆT NAM
Đây là bản lên tiếng chung của các tổ chức và chị em phụ nữ đấu tranh. Trong mốc điểm ngày 8/3 năm nay, một số cá nhân và hội đoàn sẽ liên kết để đến nhà thăm viếng và tặng hoa cho các gia đình nữ TNLT cũng như các bà mẹ và vợ có chồng con đang trong tù.<!>
Mong các bạn cùng tham gia chiến dịch và cùng hướng về ngày
Quốc Tế Phụ Nữ 8/3: Cùng hướng về những phụ nữ trong tù
Thứ Tư ngày 8 tháng Ba năm 2017 sắp tới, người người khắp nơi trên thế giới sẽ cùng nhau kỷ niệm ngày Phụ Nữ Quốc Tế.
Theo một số tài liệu, ngày Phụ Nữ Quốc Tế có được là nhờ một nỗ lực bền bỉ, kéo dài trong 54 năm (1857 đến 1911). Khởi đi từ năm 1857, đúng ngày 8 tháng Ba, tại thành phố New York, các nữ công nhân ngành dệt Hoa Kỳ cùng nhau chống lại những điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn. Hai năm sau, cũng trong tháng Ba, các nữ công nhân hãng dệt này thành lập công đoàn nhưng cũng chưa dành được quyền lợi gì đáng kể. 50 năm sau, ngày 8 tháng Ba năm 1908, 15,000 phụ nữ diễn hành trên các đường phố New York đòi giảm giờ làm việc, đòi lương cao hơn và hủy bỏ việc nhận trẻ em vào làm tại các nhà máy.
Khẩu hiệu của những phụ nữ này là "Bánh mì và Hoa hồng" (Bread and Roses). Bánh mì tượng trưng cho bảo đảm kinh tế gia đình, hoa hồng tượng trưng cho đời sống tốt đẹp hơn.
Ba năm sau, một ngày được chọn để ghi nhớ những phụ nữ đã đấu tranh cho nữ quyền trên toàn thế giới, và ngày 8 tháng Ba được chọn làm ngày Phụ Nữ Quốc Tế. Ngày này được tổ chức long trọng hằng năm cho đến bây giờ.
Tại Việt Nam, ngày Phụ Nữ Quốc Tế càng có một ý nghĩa thật trang trọng và đặc biệt khi có nhiều phụ nữ đang phải chịu tù đày vì những việc làm vô cùng bình thường của mình để đóng góp vào xã hội. Chúng ta không thể kỷ niệm ngày Phụ Nữ Quốc Tế mà không nhớ đến họ.
Cùng mang ý nghĩa của “Bánh mì và Hoa hồng”, họ là những người vợ muốn bảo vệ miếng cơm manh áo của gia đình, những người mẹ của những đứa con thơ mong muốn cho con mình được lớn lên trong một xã hội tốt đẹp hơn, và là những người công dân muốn làm tròn trách nhiệm của mình trong một đất nước đầy dẫy bất công và thối nát.
Họ là những chị Trần Thị Nga, Cấn Thị Thêu, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Thúy, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Nguyễn Minh Thúy, Lê Thu Hà… Dù đã thoát ra khỏi nhà tù nhỏ hay vẫn còn trong ngục tối, họ và nhiều người phụ nữ khác không ngừng gióng lên tiếng nói lương tâm của mình như bao người phụ nữ trên thế giới đã từng làm, cho cuộc sống gia đình, tương lai con cháu và một xã hội nhân bản hơn.
Trong thời điểm Quốc Tế Phụ Nữ 8/3 năm nay chúng ta hãy cùng nhau:
• Vinh danh những người phụ nữ kiên cường đang trong tù qua avatar và cover photo trên Facebook
• Tổ chức các buổi hội thảo, những buổi tâm tình để tạo sự quan tâm về trường hợp của các chị
• Giới thiệu việc làm của các chị qua những bài viết, status, video, hình ảnh
• Cùng nhau mang hoa đến nhà hay trại giam để bày tỏ sự quý trọng đối với những đóng góp của các chị
Hãy cùng nhau hướng về các nhà tù nơi giam giữ những người phụ nữ đang bị đối xử tàn tệ, bị xa cách với người thân, bè bạn, bị chia cắt tình mẫu tử, và đang đánh đổi hạnh phúc của riêng mình cho một xã hội của chung.
* Tiểu sử của một số phụ nữ tiêu biểu hiện đang chịu cảnh tù đày:
Bà Trần Thị Nga năm nay 40 tuổi và mẹ của bốn người con, trong đó có hai người con trai nhỏ. Vì những hoạt động hỗ trợ dân oan, biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, chống Formosa,... mẹ con bà Nga liên tục bị công an bắt cóc, chặn đánh giữa đường. Sau nhiều ngày bị khủng bố, đe dọa và giam lỏng tại nhà riêng, bà Trần Thị Nga đã bị công an bắt vào ngày 21/1/2017 và bị khởi tố theo điều 88 Bộ Luật Hình Sự - “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”.
Bà Cấn Thị Thêu có thể được coi là linh hồn trong cuộc đấu tranh chống cướp đất của nhân dân Dương Nội. Sau vụ cưỡng chế đất vào tháng Tư năm 2014 tại Dương Nội, bà từng bị bắt và bị kết án 15 tháng tù. Sau khi mãn án, bà Thêu tiếp tục đi đòi quyền lợi đất đai cho gia đình và những người cùng cảnh ngộ. Không chỉ hoạt động cho quyền lợi của những nông dân bị cướp đất, bà Thêu còn tham gia vào những hoạt động đấu tranh cho quyền con người, chống Trung Quốc xâm lược hay phản đối Formosa. Bà bị bắt lại vào ngày 10 tháng 6 năm 2016 với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng”, và sau đó bị kết án 20 tháng tù.
Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - Mẹ Nấm, là một blogger viết về các vấn đề xã hội và là mẹ của hai đứa con nhỏ. Từ năm 2009 đến năm 2016, Mẹ Nấm đã bị bắt giữ nhiều lần do tham gia các hoạt động dân sự, đòi nhân quyền và biểu tình phản đối Trung Quốc chiếm biển đảo. Mẹ Nấm bị bắt ngày 10 tháng Mười năm 2016 tại Nha Trang với tội danh theo điều 88 - “tuyên truyền chống nhà nước”.
Cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn bị bắt giữ vào cuối tháng Bảy năm 2011 vì chụp hình một cuộc biểu tình chống Trung Quốc và bị kết án 8 năm tù với tội danh “lật đổ nhà nước” theo điều 79. Tuy học làm nghề thẩm mỹ, cô gái 26 tuổi này là người nhiệt huyết cổ võ cho công bằng xã hội và nhân quyền, thể hiện qua việc làm của một ký giả nhiếp ảnh. Cô đến những nơi nào có bất ổn xã hội, có biểu tình công cộng để chụp hình và tạo chú ý cho các sự kiện này.
Bà Trần Thị Thúy là một Phật tử Hòa Hảo hoạt động cho quyền lợi của dân oan, đang thụ án tù 8 năm sau khi bị kết án “có những hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 Bộ Luật Hình Sự. Bà bị bắt giữ hồi tháng Tám năm 2010 và đang bị giam giữ tại trại An Phước, tỉnh Bình Dương. Mang bệnh nan y trong người và sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt trong tù, bà Thúy nhiều lần bị giới chức trách khước từ cho đi chữa trị sức khoẻ. Tình trạng của bà hiện đang được quốc tế báo động.
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy là một nhân viên kế toán với hai đứa con nhỏ. Bà được biết đến là cộng sự của Blogger Nguyễn Hữu Vinh - Anh Ba Sàm trong việc điều hành trang web Ba Sàm phê phán chính quyền Việt Nam và thông tin về các vấn đề xã hội. Công an bắt giữ bà Minh Thúy vào tháng 5 năm 2014 với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước” theo điều 258 Bộ Luật Hình Sự và sau đó kết án bà 3 năm tù.
Cô Lê Thu Hà là thành viên Hội Anh Em Dân Chủ, đảm trách chức vụ thư ký và ngoại giao cho hội. Cô cũng là một trong những người thực hiện chương trình Lương Tâm TV, một kênh truyền thông được phát trên Youtube nói về các vấn nạn xã hội. Ngày 16 tháng 12 năm 2015, cô Lê Thu Hà bị bắt cùng Luật sư Nguyễn Văn Đài với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự.
Ngày 3 tháng 3 năm 2017
Những tổ chức tham gia chiến dịch “Hướng Về Các Phụ Nữ Trong Tù” nhân ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8/3
1) Nhóm Dân Oan Dương Nội - Đại diện: Ông Trịnh Bá Phương
2) Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm Thanh Niên Công Giáo - Đại diện: Ông Paulus Lê Văn Sơn
3) Phong Trào Lao Động Việt - Đại diện: Cô Đỗ Thị Minh Hạnh
4) Nhóm Tuổi Trẻ - Lòng Nhân Ái - Đại diện: Ông JB Thái Văn Dung
5) Hội Anh Em Dân Chủ - Đại Diện: Ms Nguyễn Trung Tôn
6) Vì Tương Lai - Đại diện: Ông Paul Trần Minh Nhật
7) Hội Bầu Bí Tương Thân - Đại diện: Ông Nguyễn Lê Hùng
8)Hoàng Sa FC - Đại diện: Ông Từ Anh Tú
9) Hội Giáo Chức Chu Văn An: Đại diện: Nhà giáo Vũ Mạnh Hùng
10) Đảng Việt Tân - Đại diện: Ông Hoàng Tứ Duy
11) Nhóm Vì Môi Trường - Đại diện: Cô Nguyễn Thị Bích Ngà
12) Hội Xã Hội Dân Sự Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Đại diện: Ông Nguyễn Thanh Hải
13) Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm - Đại diện: Bs Nguyễn Đan Quế + Lm Phan Văn Lợi
14) Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền - Đại diện: Lm Nguyễn Hữu Giải + Lm Nguyễn Văn Lý
15) Phong Trào Con Đường Việt Nam - Anh Quốc - Đại diện: Cô Phạm Thị Ánh Hằng
16) Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng - Đại diện: Nhà báo Sương Quỳnh
17) Mạng Lưới Blogger Việt Nam - Đại diện: Cô Nguyễn Hoàng Vi
18) Hội Bảo Vệ Quyền Tự Do Tôn Giáo - Đại diện: Hà Thị Vân
19) Hội Nhà Báo Độc Lập - Đại diện: Ông Nguyễn Tường Thụy
20) Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị & Tôn Giáo - Đại diện: Nguyễn Bắc Truyển
Các chị em phụ nữ gồm những người hoạt động, các cựu TNLT, gia đình TNLT cùng tham gia chiến dịch:
1) Cựu TNLT Bùi Thị Minh Hằng (Sài Gòn, VN)
2) Luật sư Lê Thị Công Nhân (Hà Nội, VN)
3) Nghệ sĩ Kim Chi (Sài Gòn, VN)
4) Tiến sĩ Đông Xuyến (Fullerton, Hoa Kỳ)
5) Cựu TNLT Đỗ Thị Minh Hạnh (Sài Gòn, VN)
6) Anna Huyền Trang (Sài Gòn, VN)
7) Trinity Hồng Thuận (Westminster, Hoa Kỳ)
8) Cựu TNLT Đặng Thị Ngọc Minh (Trà Vinh, VN)
9) Cựu TNLT Nguyễn Thị Thúy Quỳnh (Sài Gòn, VN)
10) Lê Thị Kiều Oanh (Sài Gòn, VN)
11) Hồ Thị Châu (Nghệ An, VN)
12) Nguyễn Thị Kim Liên (Long An, VN)
13) Nguyễn Thị Thái Lai (Nha Trang, VN)
14) Ca sĩ Lâm Thúy Vân (Huntington Beach, Hoa Kỳ)
15) Nguyễn Ánh Tuyết (Hà Nội, VN)
16) Đỗ Thị Vân Anh (Hà Nội, VN)
17) Mã Tiểu Linh (Hampton, Hoa Kỳ)
18) Nguyễn Thúy Hạnh (Hà Nội, VN)
19) Phan Cẩm Hường (Hà Nội, VN)
20) Đặng Bích Phượng (Hà Nội, VN)
21) Nguyễn Hoàng Vi (Sài Gòn, VN)
22) Tôn Vân Anh (Warsaw, Ba Lan)
23) Nguyễn Ngọc Thu (Hamburg, Đức quốc)
24) Nhà văn Bích Huyền (Irvine, Hoa Kỳ)
25) Mai Phương Thảo (Hà Nội, VN)
26) Nguyễn Thị Tuyết (Triêr, Đức quốc)
27) Tăng Duyên Hồng (Hà Nội, VN)
28) Ca sĩ Dạ Thảo (Huế, VN)
29) Tôn Nữ Thùy Nhiên (London, Anh quốc)
30) Nguyễn Cẩm Vân (Echt, Hòa Lan)
31) Mai Tuyết Thanh (Hà Nội, VN)
32) Hà Thị Vân (Bắc Ninh, VN)
33) Nhà giáo Trần Thị Thảo (Hà Nội, VN)
34) Lê Phương Lan (Hà Nội, VN)
35) Nguyễn Hoài Thu (Nghệ An, VN)
36) Nguyễn Thanh Tâm (Portland, Hoa Kỳ)
37) Trần Thị Hồng (Pleiku, VN)
38) Trịnh Kim Tiến (Hà Nội, VN)
39) Đặng Xuân Quỳnh (Hà Nội, VN)
40) Hồ Thị Hoàng Phương (Sài Gòn, VN)
41) Nguyễn Thị Thúy (Hải Phòng, VN)
42) Ca sĩ Bảo Vy (Atlanta, Hoa Kỳ)
43) Lê Thị Phương (Nghệ An, VN)
44) Trần Phương Yến (Phú Thọ, VN)
45) Nguyễn Thị Lâm (Hà Nội, VN)
46) Nguyễn Thị Nhung (Phan Thiết, VN)
47) Trang Lê - Bà Ngoại (Houston, Hoa Kỳ)
48) Nguyễn Thanh Giang (Tokyo, Nhật)
49) Nguyễn Ngọc Nhi (Brisbane, Úc)
50) Angelina Trang Huỳnh (Washington DC, Hoa Kỳ)
Nữ_Tù_Nhân_Lương_Tâm_Việt_Nam
FB Paulus Lê Sơn
Thông Tin Đức Quốc - http://www.thongtinducquoc.de/node/3161
Phúc trình Bộ Ngoại Giao Mỹ: Việt Nam vẫn độc tài, đàn áp nhân quyền - March 3, 2017
Dân Hà Nội biểu tình ngày 1 Tháng Năm, 2016, chống công ty Formosa ở Hà Tĩnh xả chất độc ra biển giết chết mọi loài sinh vật biển. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)
WASHINGTON, DC (NV) – Việt Nam vẫn là một nước độc tài do đảng Cộng Sản nắm quyền cai trị và chính quyền vẫn tiếp tục đàn áp nhân quyền dưới nhiều hình thức.
Bản phúc trình thường niên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về tình hình nhân quyền thế giới công bố ngày Thứ Sáu, 3 Tháng Ba, cho hay như vậy.
Phần tường trình riêng về tình hình nhân quyền Việt Nam trong năm 2016 của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ dài 33 trang nói rằng vấn đề nhân quyền tiêu biểu nhất ở nước này là nhà cầm quyền giới hạn nghiêm ngặt quyền tự do chính trị của người dân “đặc biệt là quyền thay đổi chính quyền qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng.”
Trong phần tổng quát, phúc trình nói Việt Nam tiếp tục “giới hạn các quyền dân sự bao gồm cả tự do hội họp, lập hội, phát biểu cũng như không bảo vệ đầy đủ cho quyền người dân được tiến hành tố tụng công bằng, kể cả việc bảo vệ người dân đối với các hành vi bắt giam độc đoán.”
Bên cạnh đó, những vi phạm nhân quyền khác của nhà cầm quyền CSVN còn “gồm cả độc đoán và tước đoạt mạng sống bất hợp pháp, công an tấn công và đánh đập, ngang nhiên bắt giữ và giam cầm các người hoạt động chính trị, đối xử hung bạo khi bắt giữ hay giam cầm, kể cả việc dùng sức mạnh chết người trong khi tình trạng nhà tù thì khắc nghiệt, từ chối quyền của người ta được xét xử công bằng và nhanh chóng ở tòa án.”
Bản phúc trình nhân quyền 2016 của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói hệ thống tư pháp của Việt Nam “mờ đục và thiếu độc lập, tác động chính trị và kinh tế (hối lộ) thường ảnh hưởng đến kết quả tố tụng.”
Phúc trình tố cáo rằng chính quyền Việt Nam giới hạn quyền tự do phát biểu và đàn áp những người bất đồng chính kiến, kiểm soát và kiểm duyệt báo chí, giới hạn truy cập Internet và giới hạn tự do tôn giáo, theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động và tiếp tục giới hạn quyền tự do riêng tư cũng như tự do hội họp, lập hội và đi lại.
Nhà cầm quyền tiếp tục siết chặt việc thành lập hội đoàn gồm cả những tổ chức nhân quyền. Nhà cầm quyền cản trở các cuộc thăm viếng của các tổ chức thiện nguyện ngoài chính phủ, các cơ quan thông tin nước ngoài, nếu không chấp nhận để nhà cầm quyền giám sát. Theo bản phúc trình, tham nhũng rất phổ biến trong hệ thống công quyền CSVN đặc biệt là ngành công an. Quyền tự do nghiệp đoàn bị giới hạn thành lập và gia nhập trong khi tình trạng chỗ làm của công nhân không an toàn và vệ sinh. Lao động trẻ em vẫn tồn tại đặc biệt trong nông nghiệp.
Phúc trình Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cáo buộc, tuy nhà cầm quyền đôi khi có một vài hành động sửa chữa gồm cả truy tố đối với các viên chức công an vi phạm pháp luật, nhiều khi lại để họ tự do hành động mà chẳng trừng phạt gì.
Bản phúc trình của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nêu ra các dẫn chứng cụ thể về nhân quyền Việt Nam năm 2016 từ bắt tù những người bất đồng chính kiến đến đàn áp người dân biểu tình chống Formosa, dung túng công an giết người, giải thích luật lệ hình sự tùy tiện, đàn áp tôn giáo, không bảo vệ người lao động v.v…
Khác với những năm trước và các ngoại trưởng tiền nhiệm, năm nay, tân Ngoại Trưởng Mỹ Rex Tillerson không xuất hiện và đọc bài phát biểu khi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố bản phúc trình nhân quyền thế giới. Ông bị Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida), thành viên Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện, đả kích. (TN)
Công an bắt giam hai người bất đồng chính kiến ở Hà Nội
March 3, 2017
Ông Vũ Quang Thuận (trái) và Nguyễn Văn Điển (phải) gặp tùy viên Tòa Đại Sứ Mỹ tại Hà Nội. (Hình: FB LVSon)
HÀ NỘI (NV) – Hai người tham gia vận động dân chủ hóa Việt Nam trên mạng xã hội vừa bị nhà cầm quyền CSVN bắt giam, với tội “phát tán nhiều clip có nội dung xấu lên mạng Internet.”
Ông Vũ Quang Thuận , 51 tuổi, và ông Nguyễn Văn Điển, 34 tuổi, bị công an Hà Nội ập tới nhà họ thuê phía sau nhà thờ Thái Hà ở khu vực phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, khám xét và bắt giữ ngày 3 Tháng Ba.
“Nội dung xấu” là nhóm từ mà chính quyền Việt Nam luôn luôn dùng để chỉ các thông tin hoặc bài viết chỉ trích những sai trái của nhà cầm quyền CSVN, hoặc bầy tỏ lòng yêu nước mà những người dân phổ biến trên mạng xã hội.
Vụ bắt này xảy ra chỉ hai ngày trước ngày Chủ Nhật, 5 Tháng Ba, là ngày mà Linh Mục Nguyễn Văn Lý, một cựu tù nhân lương tâm nổi tiếng ở Việt Nam, kêu gọi mọi người đồng loạt xuống đường biểu tình ở nhiều thành phố, vào mỗi Chủ Nhật, liên tục tuần này cho đến hết năm.
Lời kêu gọi này được rất nhiều người hưởng ứng.
Ông Vũ Quang Thuận, có trang Facebook với bút hiệu Võ Phù Đổng, trong khi ông Nguyễn Văn Điển có bút hiệu Điển Ái Quốc.
Theo Luật Sư Lê Quốc Quân, một cựu tù nhân lương tâm đang sống ở Hà Nội, hai ông này “là anh em sinh tử thật sự khi họ đã cùng nhau ra tòa tám lần ở Malaysia vì những hoạt động tranh đấu cho quyền lao động của người công nhân.”
Ông Lê Quốc Quân cho biết: “Anh Vũ Quang Thuận đã từng tự thiêu để phản đối tòa án Malaysia và đòi tự do cho Nguyễn Văn Điển khi đó đang bị giam giữ. Hai người bị bắt giữ, trục xuất về Việt Nam và bị giam ở T34, thành phố Sài Gòn. Em Nguyễn Văn Điển sau đó được thả còn anh Thuận bị ép buộc đưa đi trại Tâm thần ở Đồng Nai. Sau khi xuất viện vì đã chữa khỏi bệnh (theo giấy nhà nước cấp) anh Thuận ra Hà Nội và hai người lại tiếp tục cùng nhau đấu tranh đòi công lý và sự thật cho mình và cho nhiều người khác.”
Ông Lê Quốc Quân kể trên trang Facebook cá nhân rằng: “Anh Vũ Quang Thuận đã học xong lớp giáo lý dự tòng ở Thái Hà nhưng chưa được rửa tội. Gần đây hai anh em đã phối hợp cùng nhau làm rất nhiều video clip phản ánh sự thật về tình hình đất nước và xã hội, tham gia biểu tình chống Trung Quốc và các hoạt động đòi dân chủ, nhân quyền. Nhà hai anh em thuê ở luôn luôn có người canh gác, theo dõi và quấy rối.”
Luật Sư Quân bày tỏ lòng quý mến của ông đối với ông Thuận và ông Điển rằng: “Tôi trân trọng những con người đấu tranh này và phản đối việc dùng Luật Hình Sự để bắt giam những người nói lên sự thật về tình hình đất nước với một mong muốn là chấn hưng nước Việt, đặc biệt trong hoàn cảnh mẹ anh Thuận đang ốm nặng nằm tại bệnh viện Lão Khoa, Hà Nội.”
Tuần trước, một số thành viên Nghị Viện Liên Âu sau cuộc thăm viếng Việt Nam đã cảnh cáo Hà Nội về tình trạng nhân quyền không cải thiện có thể gây trở ngại cho khả năng thực thi Hiệp Định Thương Mại song phương dự trù có hiệu lực từ năm 2018.
Nhận định về việc bắt giam ông Thuận và ông Điển, nhà báo độc lập Huỳnh Ngọc Chênh viết trên trang Facebook cá nhân rằng: “Nhận định, suy nghĩ, phản biện của công dân có thể đúng có thể sai. Mọi người kể cả các tổ chức của đảng và nhà nước có quyền nghe và không nghe, có quyền phản biện lại hay không thèm phản biện lại, nhưng không bất cứ một ai có quyền đàn áp, bắt bớ, bạo hành với những người dân lên tiếng phản biện trong ôn hòa. Việc bắt giữ hai công dân Vũ Quang Thuận và Nguyễn Văn Điển là vi phạm nhân quyền, là dùng biện pháp bạo lực để dập tắt và chà đạp lên quyền tự do ngôn luận của công dân.”
Ngày 19 Tháng Giêng, công an bắt giam trở lại ông Nguyễn Văn Oai, một cựu tù lương tâm ở tỉnh Nghệ từng bị tù bốn năm vì bị tố cáo tội “Hoạt động nhằm lật đổ…” Chỉ hơn một tuần lễ trước đó, công an tỉnh Hà Tĩnh bắt giam thanh niên tên Nguyễn Văn Hóa với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…”
Tháng Mười năm ngoái, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một blogger nổi tiếng sống ở Nha Trang với bút hiệu Mẹ Nấm, bị công an bắt giam và truy tố với tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước…” (TN)
Ai lại ăn thịt đồng chí của mình bao giờ!
Trần Thế Kỷ - Việt Nam Thời Báo
Tổng Lú vung gậy nói:
– Quyết tâm chống tham nhũng!
Chợt có tiếng ai đó:
– Chuột đã béo lắm rồi.
Tổng Lú dáo dác nhìn quanh mà chẳng thấy ai, bèn dõng dạc nói lại:
– Quyết tâm diệt tham nhũng!
Vừa dứt lời thì có tiếng ai đó:
– Chuột đã béo lắm rồi.
Tổng Lú lại dáo dác nhìn quanh và thấy một cô bé đứng cách mình cả trăm mét, bèn gọi lại:
– Cháu vừa nói “chuột đã béo lắm rồi”, đúng không?
– Thưa, đúng.
– Sao cháu không tới gần bác mà lại đứng xa thế?
– Cháu thấy bác vung gậy dữ dằn quá. Cháu sợ bác phang!
– Bác vung gậy là để tỏ rõ quyết tâm chống tham nhũng. Bác chỉ phang lũ chuột thôi.
– Bác phang được con chuột nào chưa?
– Chưa. Nếu phang được con nào thì bác sẽ cho cháu mang về nướng.
– Thôi, cháu không lấy đâu. Thịt chuột gớm lắm.
– Thịt chuột nướng ngon lắm, cháu ạ.
– Bác thích thì cứ ăn đi. Nhưng cháu tin là bác cũng sẽ không ăn đâu.
– Sao lại không?
– Ai lại ăn thịt đồng chí của mình bao giờ!
Nguồn: Trần Thế Kỷ – Việt Nam Thời Báo
Ông Hải “giải phóng vỉa hè” cho ai?
Phạm Nhật Bình
Việc lấn chiếm vỉa hè để xây dựng trái phép hay buôn bán từ lâu đã diễn ra ở các thành phố lớn, ít nhiều với sự làm ngơ của chính quyền không phải là một điều mới lạ, nhất là ở những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn.
Nhà cầm quyền CSVN từng đưa ra các chỉ thị giải tỏa vỉa hè để dành cho người đi bộ. Nhưng mọi thứ đều trở thành như cũ, thậm chí ngày một lan rộng khi mà dân nhập cư vào thành phố lớn ngày đông hơn.
Lý do là các tiệm buôn, tiệm ăn muốn nới rộng hơn cơ sở của mình, hậu quả là họ phải lấn ra vỉa hè. Nhưng muốn làm được điều này, họ phải đóng tiền “làm ngơ” của cán bộ Phường hay cấp cao hơn. Đó là lý do vì sao từ năm 2011 khi Thành phố Sài Gòn đưa ra chủ trương khá quyết liệt thời đó là “giải phóng vỉa hè” với một đội ngũ giải toả lên đến vài trăm người, nhưng thất bại.
- Phó chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải giải quyết tình trạng lấn vỉa hè. Ảnh: 24H
Lần này, sau những ngày đầu xuân Đinh Dậu vừa kết thúc, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch Quận 1 đã quấy động dư luận khi ông đích thân xuống đường chỉ đạo nhân viên “giải phóng vỉa hè” như một ông tướng “xông trận”.
Việc làm của ông Hải đã tạo ra hai luồng phản ứng: tán thành, khen ngợi, nhưng cũng có chê trách gọi đó là một hành động cưỡng ép vô pháp luật, nhất là tỏ ra bất nhân với người nghèo.
Những hình ảnh xuất hiện trên các trang mạng xã hội cho thấy những chiếc búa tạ, những chiếc xe cẩu và đông đảo người của đơn vị “trật tự đô thị” thường thấy trước đây trong những lần xô đẩy, bắt bớ những người bán hàng rong đang kêu gào khóc lóc. Nhưng lần này nổi bật nhất là hình ảnh của ông Đoàn Ngọc Hải không khác gì viên tướng cầm đầu thời “vệ binh đỏ” hoành hành.
Về mặt chính quyền, việc dọn dẹp những "chướng ngại" lấn chiếm vỉa hè là đúng, nhưng cách làm của Quận 1 đang tạo ra nhiều vấn đề trong cách suy nghĩ của mỗi người. Khi đã tạo ra vấn đề, nhất là qua hình ảnh đằng đằng sát khí của viên Phó chủ tịch quận lúc ra tay, sẽ không tránh khỏi sự phê phán. Từ đó chẳng những mục tiêu của công việc không đạt được mà còn trở thành sự đàm tiếu hay bị xuyên tạc. Nhưng có lẽ với quyền hạn mà ông Hải nghĩ là tuyệt đối của mình, ông không cần biết đến những điều đó.
Giá như ông Hải và Quận 1, hay nói một cách tổng quát là cả Thành phố Sài Gòn, làm việc theo một trình tự hoàn toàn hành chánh và đúng luật lệ như:
Thứ nhất, đưa ra một thông báo chính thức và đề ra công việc phải làm nhằm đòi hỏi các cơ quan công quyền, các tư nhân phải triệt hạ, dọn dẹp những gì mà họ đã gây trở ngại trên hè phố. Song song với thông báo công khai, Quận 1 cần thông báo trực tiếp đến những địa điểm bị coi là lấn chiếm vỉa hè để mọi người cùng biết. Điều này Quận 1 hoàn toàn bỏ qua để chọn lối đánh bất ngờ, mạnh tay ngay từ lúc đầu.
Thứ hai, quy định thời gian cho những nơi này tự làm những gì cần làm. Nếu đã có thông báo chính thức mà không đưa ra một thời gian hạn định để các nơi thi hành thì công việc sẽ kéo dài mà không biết bao giờ mới xong; vì cũng có thể có nơi sẽ lờ đi coi như không phải phần việc của mình. Cuối cùng thì vỉa hè thay vì thoải mái cho người đi bộ sẽ trở nên nhếch nhác hơn.
Thứ ba, sau khi đã quá thời gian quy định, các cơ quan công quyền có trách nhiệm sẽ huy động việc tháo gỡ ở những nơi không làm. Nếu câu chuyện giải tỏa vỉa hè bị lấn chiếm được tiến hành tuần tự như vậy sẽ không có ai vì bất cứ lý do gì phản đối. Và nếu phản đối thì đương nhiên bị coi là vi phạm một lệnh hành chánh, sẽ chịu sự chế tài của chính quyền. Nền tảng của một xã hội ổn định là sự tuân thủ pháp luật, trước hết về phía người cầm quyền; nên sẽ không có cảnh nay hùng hổ xuống đường đập phá như một chiến dịch để rồi ngày mai trở lại như cũ có khi còn tệ hơn. Ở đây, Quận 1 lại tỏ ra cứng rắn và quyết liệt một cách vô ích, ngoài sự bất ngờ lúc đầu, còn lại chỉ là chính người cầm quyền đã vi phạm luật pháp.
Hơn thế nữa, cần phải phân biệt giữa những công trình được xây dựng cố định trên vỉa hè và những chiếc xe đậu trái phép trên lề đường. Ông Hải chỉ nên cho nhân viên phá bỏ những công trình nào mà rõ ràng có chủ mưu chiếm vỉa hè lâu dài để làm lợi. Trục đi hay phạt một vài chiếc xe đậu sai luật chỉ là chuyện để thị uy lấy tiếng và là sự lạm dụng quyền lực quá đáng.
Nhưng thử tìm hiểu tại sao ông Hải và Quận 1 không thông báo trước theo quy định hành chánh mà ra tay một cách đột ngột và rầm rộ trong những ngày vừa qua? Có thể vì hai lý do:
- Ngại các cơ quan khác dùng quyền lực cấp cao hơn tạo áp lực để Quận 1 không dám làm, như trường hợp tháo dỡ 4 chốt do Bộ Công an lập ra để giữ kho bạc Ngân hàng Nhà nước trong khu vực Quận 1 để rồi phải lắp lại. Đây có thể là một suy nghĩ không sai, nhưng ngoài ra trong phần nhiều những vụ công khai lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh đều có ăn chia “tiền chỗ” với địa phương như đã đề cập bên trên. Trong trường hợp này, giành lại vỉa hè cũng chính là giành lại nguồn lợi từ những thế lực khác. Nhưng cũng chính vì không thông báo trước, nên việc làm của Quận 1 gây ra phản ứng khó chịu những nơi bị càn quét.
- Cũng có thể Quận 1 cho rằng nếu thực hiện theo đúng trình tự luật pháp quy định, một số tư nhân sẽ đối phó bằng cách di dời tạm thời nhưng sẽ mang dựng trở lại trong tương lai. Những chuyện này đã từng xảy ra nhiều lần nhưng với một chính quyền yếu kém, thờ ơ, việc giải quyết giống như “bắt cóc bỏ dĩa”. Ngoài ra có điều khó hiểu là tại sao chỉ có Quận 1 làm mà các quận khác ngồi yên? Không lẽ chỉ có vỉa hè của Quận 1 bị lấn chiếm? Hay là các quận khác không dám làm, chờ Quận 1 làm thử rồi tính sau? Tâm lý trông chờ “ăn cổ đi trước, lội nước đi sau” của các quận cho thấy phần nào sự vô trách nhiệm của chính quyền trước tình trạng hỗn loạn của xã hội.
Nói tóm lại, dù lý giải như thế nào, qua việc làm của ông Hải và Quận 1 cho người ta nhìn thấy lối hành xử luật pháp rất tùy tiện trong những chế độ cực quyền.
Vụ giải tỏa vỉa hè đáng lý ra nó phải là một chủ trương thống nhất từ Thành phố và các Quận, Phường liên hệ chỉ thi hành theo một trình tự pháp lý có hướng dẫn và thống nhất. Trong khi chỉ thấy Quận 1 trực tiếp xuống đường giải tỏa vỉa hè, các Quận khác im lặng khiến cho người ta nghĩ rằng ông Hải chỉ làm theo nhu cầu quyền lực của đảng ủy Quận 1 chứ không phải cho lợi ích người dân. Rồi đây chính những người lao động vất vả mưu sinh hàng ngày trên các phố phường sẽ là những người chịu thiệt thòi nhiều nhất.
Xem ra, muốn “giành lại vỉa hè” hay muốn biến Quận 1 thành “một Singapore thu nhỏ” không chỉ cần những nhát búa hùng hổ của ông Hải.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: giữa NÓI và LÀM
Phạm Chí Dũng - Blog Phạm Chí Dũng - VOA
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh có phải là nhân vật cải cách thực chất? (*)
‘Ngọn cờ đầu móc túi’
Trái ngược hẳn với hoàn cảnh nheo nhóc của dân tình vào thời suy thoái kinh tế đã tiếp diễn đến năm thứ 9 liên tiếp, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vẫn đạt mức lợi nhuận kỷ lục 6.300 tỷ đồng dù doanh thu năm 2016 giảm 16,2% so với năm 2015 do giá dầu thế giới sụt giảm.
Từ lâu Petrolimex đã được xem là “cục cưng” của Bộ Công Thương, cơ quan chủ quản của doanh nghiệp độc quyền này.
Dưới thời bộ trưởng trước là Vũ Huy Hoàng, Petrolimex vẫn tỏ ra là ngọn cờ đầu của nhóm lợi ích chính sách trong những chiến dịch “đi đêm” với giới quan chức liên ngành tài chính và Bộ Công Thương vào thời tân Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.
Bằng chứng mới nhất vừa được phát hiện vào đầu năm 2017: sau đề xuất của Petrolimex và Bộ Công Thương, một lần nữa trong hai năm liên tiếp, cơ quan tham mưu đắc lực cho chính phủ và đảng là Bộ Tài chính lại tìm cách “móc túi” tuyệt đại đa số công dân và người nghèo bằng một bản dự thảo sửa đổi Luật thuế bảo vệ môi trường với 8.000 đồng đánh vào 1 lít xăng.
Công cuộc “móc túi” đầy tính biểu tượng như thế đã khiến công luận phản ứng và xoáy thẳng nghi ngờ vào tân Bộ trưởng Công Thương: ông Trần Tuấn Anh có phải là “ngọn cờ đầu cải cách” trong số các bộ ngành hiện thời như Thủ tướng Phúc ra mặt khích lệ và một số tờ báo nhà nước tung hô theo kiểu “bầy đàn”?
Kẻ tiền nhiệm
Công bằng mà xét, sau gần một năm kể từ lúc thành lập chính phủ mới, Bộ Công Thương là cơ quan duy nhất trong số 22 bộ và cơ quan ngang bộ đã bắt đầu vài bước đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm “gỡ khó cho doanh nghiệp”, tinh giản bộ máy tham mưu một cách khá ấn tượng, lại còn đang thực hiện “đề án tái cơ cấu ngành công thương”. Tất cả những việc nho nhỏ, thuần túy là trách nhiệm chứ không có gì gọi là “kiến tạo” này, chưa từng được Vũ Huy Hoàng sáng tạo dưới thời chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
“Tội đồ” Vũ Huy Hoàng
Bản luận tội về Vũ Huy Hoàng là rất dài. Viên cựu bộ trưởng ngành công thương này đã rất thường bị dư luận xem là tội đồ về đủ thứ chuyện bê bối liên quan đến nhập khẩu phi mã từ Trung Quốc, mua điện cũng từ Trung Quốc với giá gấp 3 lần giá sản xuất trong nước, để các nhóm đầu cơ xăng dầu và điện lực tự tung tự tác trong quá nhiều năm, để các đập thủy điện xả lũ giết chết dân, bỏ mứa các công trình đầu tư ngàn tỷ đắp chiếu…
Còn Trần Tuấn Anh lại không “dính” những cú phốt điêu tàn trên. Ngay tại thời điểm này, nếu lập ra một giản đồ so sánh thì có thể bước đầu tạm kết luận: Trần Tuấn Anh “sạch” hơn Vũ Huy Hoàng. Sạch hơn nhiều.
Nhưng mới chỉ là bước đầu.
Sẽ là hoàn hảo hơn nhiều cho vị tân bộ trưởng công thương này nếu như ông ta thoát khỏi cái bóng và cung đường ngập ngụa đến tận mặt của kẻ tiền nhiệm.
Thế nhưng vào cái thời hết tiền và hết viện trợ mà quá nhiều dư luận phải đặt tên là “thời đại quan chức hốt cú chót” hay “chuyến tàu vét” như hiện thời, bước lầy lội đầu tiên của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, oái oăm thay, lại có nét gì đó từa tựa tấn bi kịch kinh điển Formosa.
Formosa ở Hà Tĩnh và Thép Cà Ná ở Ninh Thuận.
Lời ‘chúc tết’ của Trần Tuấn Anh
Từ quý 3 năm 2016, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy Bộ Công Thương “đi đêm” với Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen và cố ý làm trái để dự án thép Hoa Sen – Cà Ná của doanh nghiệp này được “bế” vào quy hoạch, trong lúc trước đó dự án này không hề nằm trong danh sách quy hoạch đó. Truyền thuyết ngược dòng vào quy hoạch như thế lại diễn ra trong bối cảnh việc xử lý hậu quả của vụ Formosa Hà Tĩnh vẫn cực kỳ tắc trách và dư luận kịch liệt lên án những hậu quả nặng nề không tránh khỏi về môi trường và môi sinh của dự án thép Hoa Sen – Cà Ná.
Tập đoàn Hoa Sen vì lợi nhuận quyết đầu tư thép formosa Cà Ná, Ninh Thuận
Một chi tiết xã hội học mà người ta thường đề cập: không chỉ là con ruột của cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương, tân Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh còn là anh em cọc chèo với Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ – người đã đi vào lịch sử kinh tế học phát triển mang đặc thù Việt Nam với thành ngữ “Ngu gì không làm thép!”.
Xã hội và kinh tế lại như môi với răng. Sát tết Nguyên đán 2017, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã “chúc tết” 90 triệu dân Việt bằng hành động chính thức đưa dự án thép Hoa Sen – Cà Ná vào quy hoạch và được chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt, cho dù trước đó đã sôi trào phản ứng trên mặt công luận về một tương lai “Formosa thứ hai” tại dự án này ở khu vực thuộc loại đói nghèo nhất nước – Ninh Thuận.
Đơn giản là nếu có thêm một “biển chết” nữa ở Ninh Thuận, cảnh hoàng hôn chế độ lại càng có cơ may bị dệt thêm màu tối liệm, còn người dân thì tràn trề cơ hội để đào mồ chôn quan chức.
Nhưng dự án thép Hoa Sen – Cà Ná mới chỉ là vết đen đầu tiên của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Những vết nhám khác, đang lộ dần trên mặt, vẫn là tên những nhóm lợi ích chính sách như Petrolimex và EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam).
Những vết nhám trên mặt
Sát tết Nguyên đán 2017, Bộ Công Thương tung ra một dự thảo mở rộng thẩm quyền quyết định việc tăng giá điện, từ chỗ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không được quyết định (theo Quyết định 69 của Chính phủ) đến chỗ EVN được chủ động quyết định tăng đến 20% giá điện mỗi năm; đồng thời thẩm quyền của Bộ Công Thương cũng tăng tương ứng từ chỗ được quyết định tăng tối đa 20% mỗi năm lên đến 40% mỗi năm.
Tính toán của EVN thuộc vào đặc tính khôn vặt của cái mà dư luận thường gọi là “tính xấu người Việt”: sẽ chẳng cần đến thủ tướng phải “ra tay”, thậm chí cũng không cần đến Bộ Công Thương phải “quyết”, chỉ cần chính phủ chấp nhận đề xuất vừa nêu là EVN nghiễm nhiên có quyền tự tăng giá điện ít nhất 20% một năm.
Tăng thuế bảo vệ môi trường xăng lên 8.000 đồng/lit. Ảnh: Lê Hiếu.
Rất đáng chú ý, đề xuất này hầu như xuất hiện đồng thời với một dự thảo của Bộ Tài chính về tăng gấp đôi thuế bảo vệ môi trường để “đạt thành tích” bổ thuế 8.000 đồng mỗi lít xăng lên đầu người tiêu dùng, khiến xã hội lên tiếng kêu than để tố cáo thực chất ngân sách cùng bản chất chế độ.
Hãy nhớ lại: vào lúc nền kinh tế Việt Nam dợm chân vào suy thoái, sự đổ bể của hai thị trường chứng khoán và bất động sản đã kéo theo một phát minh không tiền khoáng hậu kể từ thời mở cửa: những doanh nghiệp nhà nước đặc trưng bởi chủ thuyết “giá chỉ có tăng chứ không giảm” như EVN và Petrolimex đã tạo thành cặp song sinh có chung lợi ích. Hàng loạt chiến dịch đầu tư trái ngành của các tập đoàn này vào chứng khoán, bất động sản và bảo hiểm rốt cuộc đã tích đọng gánh nợ đến trên 40.000 tỷ đồng.
Trong suốt nhiều năm qua, toàn bộ số nợ nần đó đã được EVN và Petrolimex đổ lên đầu người dân đóng thuế.
Từ sau Đại hội XII đến nay, lợi dụng thời hỗn quân hỗn quan và “cát cứ sứ quân”, nhóm lợi ích Bộ Công Thương lại một lần nữa “quật khởi” trên đầu đồng bào mình.
Nhưng cũng còn một cái tên khác: “nhóm thân hữu” – một chủ đề mà chưa một ủy viên Bộ Chính trị nào dám mổ xẻ trước bàng dân thiên hạ.
Có phải nhân vật cải cách?
Nhóm thân hữu, về bản chất, lại có mối quan hệ hữu cơ giữa các chính khách ở các cấp khác nhau, từ dưới lên và từ trên xuống. Trong trải nghiệm của người dân Việt, thực tế sinh tồn của các doanh nghiệp lệ thuộc vào chính sách từ nhiều năm qua đã chứng tỏ một nguyên tắc bất thành văn là chỉ có chính sách mới tạo ra được lợi nhuận, để đến lượt mình, lợi nhuận phải quay lại “nuôi” chính sách.
Sự tán tận lương tâm của quan chức và hậu quả của nó không thể không liên quan đến trách nhiệm của giới lãnh đạo chính phủ, những người đã im lặng hoặc “bật đèn xanh” cho EVN và Petrolimex gây nên các chiến dịch tăng giá vào thời gian giữa hai kỳ Quốc hội.
Không chỉ bị lên án bởi dư luận trong nước, khối u độc quyền doanh nghiệp quốc doanh ở Việt Nam còn bị nhiều chính phủ xã hội dân sự trên thế giới và các tổ chức quốc tế chỉ trích kịch liệt, bởi hiện trạng bệnh hoạn đó đi ngược lại với những cam kết về “hoàn thiện nền kinh tế thị trường” mà chính phủ Việt Nam đã lặp đi lặp lại không biết chán trước cộng đồng quốc tế…
Quay lại với Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Một ít thủ tục hành chính, lọt thỏm trong cả rừng “giấy phép con” của ngành công thương, được ông Trần Tuấn Anh dẹp bỏ và được truyền thông tuyên giáo đảng tung hô như thể một hành động “cải cách thể chế” thực sự, liệu có tương xứng chút nào với những góc tối luôn bị Ban Tuyên giáo trung ương tìm cách bao che, không cho báo chí chỉ trích như Dự án Thép Hoa Sen – Cà Ná, hai nhóm độc quyền chính sách EVN và Petrolimex?
Vẫn còn đó, nóng hổi, “bài học Đinh La Thăng”. Nhân vật được báo chí đảng ồn ào phong cho danh hiệu “tư lệnh ngành” này đã ồn ào còn hơn thế khi “nói đi đôi với làm” vào lúc nhận chức bộ trưởng giao thông vận tải. Nhưng chẳng bao lâu sau, ông Thăng đã “chìm” hẳn khi người đời phát hiện ra ông ta “nói nhiều hơn làm”…
***
Phạm Chí Dũng – VOA: http://www.voatiengviet.com/a/bo-truong-tran-tuan-anh-co-phai-la-nhan-vat-cai-cach-thuc-chat/3748209.html
(*) Tựa nguyên thủy của tác giả
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét