Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 7 tháng 3, 2017

Lá Thư Úc Châu - Trang Thơ Nhạc: Mừng ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8/3 - TS Nguyễn Nam Sơn

Nhạc: (Vài nét về) Người Phụ nữ Việt Nam
1. HÒN VỌNG PHU: Lê Thương - Thái Thanh - Ánh Tuyết - HX Ngàn Khơi 
<!>
2. CUNG ĐÀN THÚY KIỀU: Nguyễn Du - Ngọc Thịnh - Anh Thơ

3. NHỚ QUÊ: Đức Chính - Anh Thơ 
4. BAO GIỜ GẶP LẠI EM:  Nhật Ngân - Phạm Hoài Việt - Khánh Ly 

Tình thân
NNS
.............................. .............................. .............................. ......
I. Chuyện Thời sự & Xã hội

(i) Ns Tuấn Khanh: Xin ngã nón chào những người phụ nữ
Tháng 12/2015 khi có tin tức nhạc sĩ Việt Khang mãn hạn tù. Tôi đón nghe được trên đài phát thanh giọng nói của bà Vân, mẹ của Khang về ngày được tự do của con mình. Đó là một giọng nói gây nhiều xúc động, dễ làm người nghe nghĩ ngợi.
Bà Vân có giọng nói đặc trưng của một người phụ nữ miền Tây Việt Nam. Chân chất và hiền hậu. Bà mừng và run run nói về đứa con trai của mình, rằng bà tôn trọng những quyết định của Khang. Với hai bài hát của mình, nhạc sĩ Việt Khang phải chịu bản án 4 năm tù và 2 năm quản chế và bị coi là tội phạm nguy hiểm khi dám đặt câu hỏi với ngành công an Việt Nam rằng “Xin hỏi anh là ai? Sao bắt tôi – tôi làm điều gì sai?” Thế nhưng khi nói trên sóng radio, dẫu có chút ngập ngừng, bà vẫn nhỏ nhẹ rằng “tôi nghĩ Khang nó thấy cái gì đúng thì nó làm”.
Rất nhiều ngày sau đó, thậm chí cho đến khi gặp được bà, tôi vẫn không thể hiểu rằng sức mạnh nào trong người phụ nữ nhỏ bé và không cậy nhờ nhiều đến chữ nghĩa đó, lại có thể nói một điều hết sức giản đơn nhưng có một sức mạnh như sấm động, rằng cái đúng thuộc về trái tim và lý trí. Cái đúng vẫn y như vậy dù người đứng về phía nó có phải chịu tù đày. Cái đúng nằm trọn trong nhân dân, nằm trọn trong trái tim của người mẹ phủi chiếc áo nâu, đứng dậy và kiêu hãnh về con mình. Nhưng trong giọng nói đó. Tôi biết bà có sợ hãi. Cũng không khác gì giọng nói và gương mặt của mẹ nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình. Khi đến vấn an bà, khi biết Bình chịu mức án 6 năm tù cùng 2 năm quản chế. Gương mặt của bà im lặng, lạnh giá như mặt hồ tháng Giêng. Khó ai biết được bên dưới làn nước ấy là nỗi buồn hay sự tức giận. Bà nắm chặt tay tôi không nói gì khi tôi hỏi về Bình. Tôi nghĩ rằmg bà đã sợ hãi và chắc là đã vừa gượng qua một cơn sốc nào đó. Làm sao mà không sốc, khi ngôi nhà nhỏ trên đường Kỳ Đồng bị xô cửa với những người hung hãn xông vào, lục tung và mang Trần Vũ Anh Bình đi vì những bài hát của anh. Vài ngày sau, những tờ báo của nhà nước giương hàng tít lớn, đưa tin có những nhạc sĩ bị bắt giữ vì tội “chống nhà nước”.
Năm trước, khi đến chuyển quà tết cho Bình, tôi ngồi nghe chị Mỹ – chị ruột của Bình – nói một cách rắn rỏi rằng “Bình chỉ có tội yêu nước”. Mẹ của Bình, gật đầu và nhắc lại “Vâng, Bình nói nó chỉ mang tội vì yêu nước”.  Giọng nói của bà hết sức tương phản với mẹ của Việt Khang, bởi đó là một giọng miền Bắc còn đậm chất thôn quê. Nhưng cả hai bà mẹ đều có chung một bí ẩn kỳ lạ: Dù sợ hãi nhưng họ không từ chối bảo vệ con mình vì chúng yêu quê hương, sống bằng danh dự và trách nhiệm trước lẽ phải.
Khi tôi nói vậy, chắc bạn sẽ nói rằng “mẹ nào mà không bảo vệ con mình?” Nhưng bạn à, lịch sử thương đau của người Việt từ sau 1945 từng cho thấy rằng khi sợ hãi và thiếu tự do, người ta có thể đấu tố cha mẹ mình, thậm chí giết hại, phản bội cả dòng họ để bảo vệ bản thân mình. Chỉ mới vài ngày trước, tôi còn chứng kiến việc một đảng viên lão thành xô đứa con bệnh tật của mình ra khỏi nhà với lý do không cùng tư tưởng chính trị. Xã hội chúng ta vẫn có những điều điên rồ như vậy đó, âm ỉ trong những tiếng vỗ tay ngợi ca quốc gia hạnh phúc.
Ngày 8 tháng 3 năm nay, tôi thật hạnh phúc khi gặp lại mẹ của Trần Vũ Anh Bình. Thật khác. Bà mạnh mẽ và hoạt bát – không giống với những gì tôi từng quặn thắt chứng kiến của vài năm trước. Gương mặt ấy vẫn hằn nét khổ đau nhưng không còn sợ hãi nữa, thay vào đó là một niềm tin.
Nhưng vẫn còn những điều khác mà tôi chưa kể với các bạn, về ngày 8 tháng 3 năm nay.
Tôi được gặp người phụ nữ bí ẩn đã thản nhiên bước qua hàng rào dày đặc mật vụ, công an, trật tự đô thị, bọn côn đồ giả danh… để bước tới thắp hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo ở Sài Gòn, nhân ngày 17/2, ngày nhớ về 60.000 con người Việt Nam đã chết năm 1979 vì cuộc xâm lược của Trung Quốc. Khi tôi chào chị, một nụ cười hiền lành đáp lại với tôi. Sự mỏng manh và an nhiên đó khiến tôi liên tưởng đển những vụ đánh đập dã man, lôi kéo những người phụ nữ lên xe bus vào ngày 5/3/2017. Chắc lô nhô kẻ ác cũng sẽ không từ nan để đập nát sự hiền lành và mỏng manh ấy, dẫu tên gọi đó, là quê hương, là nước Việt.
Tôi cũng may mắn được gặp Bùi Thị Minh Hằng, Đỗ Thị Minh Hạnh… và nghe kể về chị Cấn Thị Thêu, Thúy Nga… những người phụ nữ đó tựa như những cuốn sách giáo khoa sống động về tổ quốc trong những cơn đau chuyển mình sang ngày mới. Nước Việt hôm nay có thật nhiều những cái tên phụ nữ như vậy, không còn đếm xuể nữa. Tôi sẽ không quên dạy cho con cháu mình, qua những gì được thấy từ họ: rằng đất nước tuyệt đẹp của chúng ta không những bị cầm tù bởi bọn tham nhũng, bọn phản bội và bọn trục lợi sẳn sàng tàn phá thiên nhiên, mà đất nước Việt Nam còn có hàng hàng những người phụ nữ bị cầm tù, đày đọa chỉ vì yêu công lý và yêu dân tộc này.
Thật trớ trêu. Thế kỷ này, dường như dành cho phụ nữ trên đất nước Việt. Trong đoàn người đi kiện, đi kêu oan, hay trong những cuộc tranh đấu cho môi trường, cho quyền con người… những gương mặt phụ nữ luôn ở hàng đầu. Cô đơn và kiêu hãnh, những người phụ nữ Việt sãi bước đi trong tiếng rầm rập bao vây của dùi cui và còng sắt mà không kêu đòi được vinh danh hay chia chác lợi quyền.
Thomas Campbell, nhà thơ Scotland từ thế kỷ 18 từng viết “máu của người yêu nước là hạt giống cho cây tự do” (The patriot’s blood is the seed of Freedom’s tree). Những hạt giống hôm nay được gieo xuống đất này, từ bàn tay của những người phụ nữ. Và bất luận chướng ngại thế nào, cây tự do rồi sẽ vươn cao. Trong niềm hổ thẹn của mình, tôi chỉ còn biết ngã mũ chào với lòng kính trọng những người phụ nữ như vậy – những người đang gieo hạt và chỉ nhìn về tương lai. Một ngày với họ có lẽ không đủ, mà phải là một chương trong lịch sử dành cho họ, về một dân tộc soi mình trước khốn cùng và mỉm cười cùng những người phụ nữ của hy vọng.

(ii) Nguyễn Hoàng Vi: Về cuộc biểu tình hôm Chúa nhật 5/3 ở Sài Gòn
ĐCV: Ngày hôm nay, ở nhiều địa phương trong cả nước đã nổ ra các cuộc biểu tình. Hà Nội có, Sài Gòn có, Nghệ An Hà Tĩnh cũng có và thậm chí rất đông đảo.
Có nhiều tranh cãi xung quanh các cuộc biểu tình này. Người nói rất thành công, người cho rằng thất bại, hay ‘bị nước ngoài giật dây’. Trong lúc nhiều nhà hoạt động có tên tuổi bị canh giữ không thể tham gia được, thì rất nhiều quần chúng vô danh hay chưa được biết đến đã vào cuộc. Có bắt bớ, đàn áp, nhưng thấy có trường hợp quá thô bạo nào xảy ra như những lần trước.
Dưới đây là cảm nhận của nhà hoạt động Nguyễn Hoàng Vi. Vì lý do bị canh gác chặt chẽ và có 3 con nhỏ, cô đã ở nhà, không tham gia sự kiện nay được.
***
Những ngày cận kề 5/3/2017, không khí Sài Gòn trở nên nặng nề bởi những tranh luận về lời kêu gọi biểu tình ngày 5/3.
Phần đông anh em hoạt động năng nổ trong phong trào đấu tranh ở Sài Gòn không đồng tình với việc biểu tình. Không đồng tình không phải là với mục tiêu tốt đẹp như đã đưa ra trong lời kêu gọi của Linh mục Nguyễn Văn Lý mà vì một số dè dặt về ý đồ của những phe nhóm lợi dụng. Một số nhỏ ủng hộ thì đều bị lực lượng còn đảng còn mình điều động quân canh nhà và ngăn chặn. Đêm trước biểu tình, hầu hết những người hoạt động ở Sài Gòn đều đã bị ngăn chặn không cho ra khỏi nhà. Đầu hẻm nhà tôi 2 tên mặt thường phục ngồi canh, lẽo đẽo theo tôi lúc nào cũng có 4 bóng hình luân phiên. Tôi đinh ninh rằng cuộc biểu tình này khó mà xảy ra ở Sài Gòn. Bỏ mặc những bóng ma lảng vảng trước nhà và đầu hẻm tôi yên giấc ngủ ngon với đứa con nhỏ. Vậy nhưng sáng Chủ nhật, tôi đón chào ngày mới với hình ảnh người biểu tình ở miền Trung và Sài Gòn tràn ngập trên mạng.
Ấn tượng đậm nhất trong tôi là cuộc biểu tình ở Sài Gòn. Tôi không nhìn thấy những gương mặt thân quen của bất kỳ hội nhóm hoạt động xã hội dân sự độc lập nào xuất hiện trong đoàn biểu tình lần này. Những gương mặt mới giương cao biểu ngữ, hô khẩu hiệu dù không đồng đều, không chuyên nghiệp nhưng toát lên tinh thần cương quyết và dũng cảm. Từ họ, những lời ca quen thuộc “Trả lại đây cho nhân dân tôi quyền tự do, quyền con người...” được cất lên để bảo vệ môi trường, đòi tống xuất tập đoàn xả thải Formosa ra khỏi đất nước Việt Nam thân yêu. Những biểu ngữ giơ cao, những lời hô dũng mãnh, những câu hát nhiệt tình của những nhóm người tuy lẻ loi trong thành phố nhiều người và xe cộ đã vang xa khắp nơi trên thế giới qua sự kết nối của mạng truyền thông xã hội.
Khi bắt đầu có sự trấn áp, tôi đã thấy họ ngồi xuống cùng với nhau và vẫn giương cao biểu ngữ một cách ôn hòa. Rất nhanh chóng, lực lượng còn đảng còn mình đánh tan cuộc biểu tình bằng những pha đánh đập và bắt tất cả lên xe bus. Tôi đã thấy hình ảnh những giọt nước mắt lăn dài trên má của cô thiếu nữ khi nhìn thấy cảnh tượng mọi người bị đánh và bị bắt đi. Chỉ 10 phút ngắn ngủi của cuộc biểu tình thôi cũng đủ làm tôi xúc động rơi nước mắt. Vừa thương cho những người bị đánh, bị bắt; vừa phục và kính trọng các bạn, vừa mừng cho cuộc biểu tình đã diễn ra dù không có bất cứ một tổ chức XHDS nào tham dự. Khi mà cuộc biểu tình nhanh chóng bị dập tắt, những người biểu tình bị bắt đi. Buổi chiều tối, chính những anh chị em hoạt động đã từng lên tiếng phản đối cuộc biểu tình sáng nay đã tập trung lại đi đến sân vận động Tao Đàn (nơi an ninh CSVN bắt những người biểu tình đưa về đây) để đòi người.
Cuộc biểu tình tại Sài Gòn sáng nay đã cho tôi thấy được rằng người dân họ đơn thuần lắm, họ xuống đường theo tiếng gọi của trái tim và lương tri con người. Không một lực lượng nào có thể ngăn cản được bước chân họ, cũng như không một hội nhóm nào có thể thao túng được họ. Trong hoàn cảnh đất nước ngổn ngang những thảm trạng, khi người dân cần những hoạt động quy tụ lòng yêu nước để họ góp tâm góp sức thì một số hội nhóm XHDS gần như bị bế tắc trong các hoạt động trong một thời gian dài do bận làm những việc “to lớn” khác hoặc đang bận… bất đồng, bất hoà vì những khác biệt, hiểu lầm, tranh chấp. Nhưng cũng chính lúc những người biểu tình bị giam cầm cũng là lúc anh chị em gác bỏ lại hết những khác biệt để đoàn kết đòi cho bằng được những người đang bị giam cầm.
Tôi thực sự biết ơn những người đã bước chân xuống đường sáng Chủ nhật 5/3 và cũng thực sự trân trọng tấm lòng của các anh chị em đấu tranh đã không ngại nguy hiểm để đòi người biểu tình bị bắt.
Bài học rút ra ngày hôm nay:
Trong khi tôi còn “say ngủ”,
Trong khi bạn còn mải mê tranh đúng tranh sai,
Tranh xem việc xuống đường có an toàn hay không,
Tranh xem việc bảo vệ môi trường có bị các chính trị sa lông lợi dụng hay không ...
Thì những người dân bình thường, họ đã bước chân xuống đường để bày tỏ thái độ của họ trước những thảm trạng đang xảy ra cho đất nước.
Xin đừng xem thường lòng dân và hãy hành động theo lương tâm lẽ phải như câu nói nổi tiếng của Martin Luther King:
“Kẻ hèn nhát hỏi: “Có an toàn không?”
Kẻ cơ hội hỏi: “Có khôn khéo không?”
Kẻ rởm đời hỏi: “Có được tiếng tăm gì không?”
Nhưng, kẻ có lương tâm hỏi: “Có là lẽ phải không?”
Và có khi ta phải chọn một vị trí không an toàn, không khôn khéo, không để được tiếng tăm gì cả, nhưng ta phải chọn nó, vì lương tâm ta bảo ta rằng đó là lẽ phải.” (Theo FB Nguyễn Hoàng Vi).

*** Trương Duy Nhất: Những rào thép gai chặt đứt nhân dân
Dù hôm nay không máu đổ. Nhưng những hàng thép gai kia còn buốt đau hơn máu. Những hàng thép gai luôn khiến ta gợi nhớ… chiến tranh. Nhưng đây là cuộc chiến khác. Cuộc chiến mà chính quyền đã coi nhân dân như kẻ thù của họ.
Vâng. Những hàng rào thép gai chằng chịt đã được dựng lên, cản mọi lối vào Formosa. Phía sau những hàng thép gai ấy, không chỉ lực lượng an ninh và cảnh sát cơ động, đặc nhiệm. Đã xuất hiện cả những sắc phục quân đội.
Lâu lắm rồi. Kể từ “trận đánh đẹp” Tiên Lãng, hôm nay mới lại thấy xuất hiện hình ảnh quân đội… xung trận!
Ảnh không rõ lắm, chẳng biết binh chủng nào, nhưng chắc chắn không phải công an. Có vẻ giống lực lượng bộ đội biên phòng? Nhưng biên phòng là để bảo vệ biên giới. Không lẽ sau những hàng thép gai dẫn vào Formosa kia là biên giới quốc gia? Một “quốc gia” Formosa mà chính phủ Việt, cảnh sát Việt, quân đội Việt phải giăng rào thép gai chặn “đánh” nhân dân để bảo vệ họ? Những hàng thép gai như thể một cuộc chiến. Vâng. Một cuộc chiến mà chính phủ đã như chính thức đứng hẳn về phía Formosa, dùng những hàng kẽm gai kia để chặt đứt “nhân dân” của mình. Mất đất, mất biển. Lại thêm mất dân. Chọn cách dựng rào thép gai chặn dân, không khác gì chọn đường tự sát.
BXVN: Ngoài lực lượng an ninh, quân đội đã xuất hiện. Và câu hỏi đặt ra: Cuộc chiến nào sau những hàng rào thép gai này?

*** Nguyễn Hồng: Tổng hợp biểu tình ngày 5-3-17: không hề thất bại
Sớm bị đàn áp, bắt bớ, quăng lên xe buýt chở về công viên Tao Đàn nhưng cuộc biểu tình sáng nay ở Sài Gòn cũng kịp quy tụ một số lượng khoảng vài chục người trực tiếp tham gia; kể cả số vòng ngoài, làm truyền thông thì ngót trăm người, ít hơn nhiều so với những cuộc xuống đường tháng 05/2016. Những khẩu hiệu hôm nay có thể thấy: Formosa get out, Formosa cút khỏi Việt Nam, China get out, Chúng tôi muốn làm người, Người Việt không giết người Việt.
Hãy khoan (và có lẽ nên thôi) chỉ trích đồng bào ta ngu dốt, dại khờ nghe theo lời dụ dỗ của một số “nhà dân chủ” cuội núp bóng đâu đó cả hải ngoại lẫn trong nước kích động người dân xuống đường vì mưu đồ riêng; chỉ cần hiểu là người dân ta vốn đơn giản thôi: xuống đường theo tiếng gọi của chính trái tim mình, nói lên được tiếng lòng ấm ức quặn thắt bấy lâu về hiện tình đất nước, về khối u ung thư Formosa còn hiển hiện, về sự độc ác của nhà cầm quyền đè nén đàn áp người dân (tôi nghe rõ có một chị đứng ngay dưới tượng Đức Mẹ hô to: “Việt Cộng hủy diệt, đàn áp người dân là tội ác!”)…
Được như thế là đạt yêu cầu thức tỉnh công luận không quên thảm họa môi trường biển miền trung mà Formosa gây ra năm ngoái, về mối quan hệ mờ ám giữa chính quyền và Formosa này, sau lưng còn gì khuất tất, gợi thêm sự chú ý của dư luận quốc tế về hiện tình Việt Nam (đã có nhiều báo quốc tế lên tiếng về sự kiện biểu tình ở Việt Nam hôm nay). Cần phải nhận thức rằng mục tiêu tiên quyết hiện nay là: đóng cửa Formosa, đòi đền bù thiệt hại thỏa đáng cho mọi thành phần dân chúng bị liên lụy, buộc Formosa và những cá nhân liên đới phải làm sạch biển để trả lại môi trường sống nguyên vẹn cho nhân dân!
Chỉ có những kẻ ngây thơ, ảo tưởng mới mong mỏi những cuộc xuống đường như hôm nay là đã đủ để có thể lật nhào cái ách cộng sản quàng trên vai dân mình mấy mươi năm qua. Gióng lên được tiếng nói, gây được sức ép ít nhiều cho nhà cầm quyền để họ thấy nhân dân giờ không còn mê muội, dễ bị bắt nạt điều khiển theo ý họ như ngày xưa, để thế giới nhìn rõ nhà cầm quyền cộng sản đã đánh đập, đàn áp dân chúng như thế nào, ngang nhiên chà đạp lên những quyền căn bản của công dân vốn cũng được ghi rõ trong hiến pháp 2013 của họ ra sao…đó đã là thành công đặt ra cho cuộc xuống đường hôm nay rồi.
Sự kiện hôm nay cũng là dịp may cho chúng ta nhận ra một “anh hùng bàn phím”, “nhà dân chủ (cuội) đẹp trai” núp trong bóng tối ngày thường rao giảng việc đại nghĩa nhưng hôm nay chơi trò gian tà: đưa lên mạng video clip biểu tình hôm 01/05/2016 nhưng lại bảo là của cuộc bình tình hôm nay. Anh ta có mưu đồ gì? Đấu tranh dân chủ mà lại dối trá thế có khác gì cộng sản? Anh ta có thật là người đấu tranh cho dân chủ hay chỉ là kẻ “kinh doanh dân chủ”? Hay thậm chí anh ta là công cụ của chính những người cộng sản đang mưu đồ làm xấu đi hình ảnh của người dân chủ?
Rồi những ông tổng thống tự phong, thủ tướng tự phong nào đó cùng lực lượng sẽ “kéo về yểm trợ đồng bào quốc nội biểu tình” hôm nay đâu rồi? Mấy ngày trước hô hào dữ lắm mà, sao phút cuối mất tăm vậy? Kiểu làm chính trị salon ba xu rẻ tiền, “kinh doanh dân chủ” của các ông đem vứt vào sọt rác đi nhé. Dân trong nước chúng tôi có thể nghèo khổ do bao nhiêu năm dưới ách bóc lột của kẻ tham tàn, nhưng bộ óc chúng tôi chưa hề suy kiệt để không nhận ra ai là người thực tâm, bọn khốn nạn nào là kẻ cơ hội nhé!
Sự kiện hôm nay cũng làm lòi ra một account Facebook có tên “Lật Đổ Cộng Sản” với chiêu trò y chang Huỳnh Quốc Huy. Account này còn ngu dốt hơn khi “live streams” cuộc tuần hành với ngụ ý cuộc biểu tình đang diễn ra nhưng khốn nỗi trong clip lồ lộ cái băng rôn đỏ chói của nhà cầm quyền ghi rõ chào mừng ngày quốc tế lao động 01/05/2016! Gian trá, ngu xuẩn kiểu này thì còn…hơn cộng sản! Tôi thì đồ rằng: account này cũng của những người cộng sản, của an ninh lập ra với mưu đồ phá hoại.
Hà Nội không nổ ra. Sài Gòn sớm bị tắt. Biên Hòa rồi cũng bị bắt. Nhưng điều đáng mừng là Nghệ An, Hà Tĩnh lại thành công khi nhiều giáo xứ dưới sự hướng dẫn của các linh mục đã thành công trong việc xuống đường, cất lên tiếng nòi kêu đòi tự đo, đuổi cổ Formosa. Giáo dân 2 xứ Phú Yên của linh mục Anton Đặng Hữ Nam và Song Ngọc của linh mục Nguyễn Đình Thục đã rầm rộ biểu tình và tin mới nhất là đến tận chiều tối hôm nay nhưng vẫn còn ngư dân thuộc giáo xứ Đông Yên bao vây, án ngữ trước cổng nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh. Điều ấy minh chứng: cuộc biểu dương lực lượng, cuộc tái truyền tải thông điệp lòng dân tới nhà cầm quyền cộng sản hôm nay không hề thất bại!
Tuy vẫn còn bất đồng trong nội bộ những anh em trong nước về mục tiêu cũng như phương cách hàng động cho cuộc bình tình hôm nay, vẫn còn lời ra tiếng vào về “động cơ” thật sự của cuộc xuống đường hôm nay đã bị ai đó lợi dụng cho mưu đồ riêng bất chính, nhưng tôi tin đó chỉ là những hạt bụi tất phải có khi một cơn gió lốc thổi ngang.
Hình ảnh người dân bao vây nhà máy Formosa Vũng Áng, hình ảnh hàng rào kẽm gai cao ngất cảnh sát cơ động phải dựng lên trước cổng nhà máy Formosa, hình ảnh rất đông cảnh sát cơ động vũ khí tận răng phải che chắn bảo vệ Formosa như bảo vệ chế độ của họ, bảo vệ con ngươi của họ đủ cho ta thấy ý chí người dân là thế nào, cũng như nỗi lo sợ của nhà cầm quyền hiện nay ra sao.

(iii) Lu Bi: Đừng kêu gọi hy sinh vô ích
Một góc phố buổi sáng, hai ông bà già bán nước tấp tểnh cầm chồng ghế chạy khi hai anh công an từ ô tô lao xuống thu giữ cái quán trà đá bán trên vỉa hè. Tôi chợt nhớ ra cả nước đang trong chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ.
Nhìn hai cụ già quỵ lụy xin xỏ thấy thương lắm,nhưng biết làm sao khi họ làm vì họ có lý, họ giành lại vẻ đẹp cho bộ mặt đô thị. Giờ đi đâu cũng nghe người ta nói, báo đài đưa tin rầm rộ, mạng xã hội tràn ngập hình ảnh của soái ca Vertu "dẹp không cần hỏi".
Nói cho cùng thì mấy đồng chí quan chức ra chính sách bao giờ mà chẳng có lý, thậm chí là chí lý.
Mua một lít xăng thì đóng thuế một nửa để bảo vệ môi trường nhưng tiền đó không phải dùng tất cả để bảo vệ môi trường. Mua một cái ô tô thì phải nộp thuế cho nhà nước 2,5 cái ô tô vì hệ thống đường xá chưa đáp ứng được dù việc đó không thuộc trách nhiệm người dân. Một mảnh đất chuyển đổi từ nông nghiệp sang mục đích khác phải nộp thuế bằng giá trị mảnh đất đó dù ta đang trên con đường chuyển đổi thoát khỏi nông nghiệp.
Đất nước này giờ có nhiều cái có lý đến phát khóc. Nhìn hai cụ già bán nước tôi mới thấy cái kế hoạch hợp lý mà mọi người đang tung hô thật tàn nhẫn.
Xét ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn số lượng lao động tự do sống bám trên vỉa hè là bao nhiêu? Vẫn chưa có một thống kê cụ thể nhưng chắc chắn con số này là vô cùng lớn. Một cụ già bán trà đá, một cậu bé đánh giày, một cô bán hàng rong hay một bác xe ôm, tất cả họ đều có những mảnh đời riêng biệt, tất cả họ cũng đang cuốn vào vòng xoáy cơm áo gạo tiền như mỗi chúng ta. Họ có muốn một công việc tốt hơn không, có muốn chất lượng cuộc sống tốt hơn không, có muốn thoát khỏi những chuyến mưu sinh lòng đường vỉa hè không? Tôi chắc chắn là có.
Thật dễ dàng khi bạn ngồi trong một chiếc ô tô đời mới, một văn phòng lịch sự hay một quán café sang trọng rồi hướng con mắt ra ngoài và nói rằng vỉa hè cần thông thoáng, đô thị cần mỹ quan, chúng ta cần hy sinh cái nhỏ vì mục tiêu chung.Thật dễ để nói hy sinh khi đó không phải là mình. Điều tôi muốn nói không phải là duy trì sự nhếch nhách như hiện tại mà tôi muốn nói cần phải giải quyết đến tận gốc rễ của vấn đề mới mong có thể thay đổi thật sự. Người ta mất cả thập kỷ, từ năm này sang năm khác để đưa ra giải pháp giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, mật độ phương tiện tăng chóng mặt ở các thành phố lớn. Rồi người ta tính cấm hết xe máy vào nội thành và lại kêu gọi sự hy sinh vì mục đích chung. Vấn đề mấu chốt là ở thành phố họ mới kiếm được tiền, ở quê đói nghèo họ phải lên thành phố mưu sinh. Sinh viên học xong thay vì trở lại quê hương phải ở lại thành phố tìm kiếm cơ hội việc làm.
Khi dân số tăng nhanh thì chẳng có giải pháp nào triệt để có thể giải quyết vấn đề mà nó gây ra ngoài giải pháp về dân số.Hãy thử tưởng tượng đất nước này có rất nhiều trung tâm công nghiệp, rất nhiều trung tâm tài chính. Ở bất cứ đâu cơ hội việc làm cũng nhiều, đời sống được đảm bảo thì những người dân ngoại tỉnh có phải đổ về thành phố hay không, liệu có còn tình trạng cơ sở hạ tầng không bao giờ theo nổi mức tăng dân số không, đường xá có còn tắc nghẽn không? Cả một đất nước có 63 tỉnh thành chỉ có 13 tỉnh thành có chỉ số đóng góp là dương, vậy người dân không đổ về các thành phố lớn mưu sinh là một điều tất yếu. Chưa kể khả năng quy hoạch "thiên tài" của các nhà lãnh đạo đang băm nát những đô thị lớn. Đừng đổ hết tội lỗi lên đầu những con người nhỏ bé cặm cụi để kiếm kế sinh nhai, có những quyết sách lớn, những quy hoạch trí tuệ cao mang tính vĩ mô họ đâu được tham gia. Xin hãy lấy dân làm gốc! Xin hãy suy xét kỹ càng nghĩ đến lợi ích của tất cả nhân dân đồng bào trước khi buông ra những chính sách từ trên trời rơi xuống.
Đừng kêu gọi sự hy sinh vô ích khi đất nước này đã hy sinh 5 triệu người cho cuộc chiến để có một nhà nước xã hội chủ nghĩa như hôm nay. (Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả Lu Bi, gửi cho BBC Tiếng Việt từ Hà Nội).

(iv) Jeffrey D. SachsTrump - một con người với 3 thái độ
Trong lịch sử gần đây chưa bao giờ có một sự thay đổi trong giới lãnh đạo mà thu hút được nhiều chú ý và suy đoán như việc trỗi dậy của Donald Trump trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ. Những thay đổi này có nghĩa gì và báo trước tín hiệu gì, nó đòi hỏi cần phải làm sáng tỏ ba chuyện bí ẩn, vì có ba phiên bản về con người của Trump.
Phiên bản đầu tiên vì Trump là bạn của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhiệt tình của Trump dành cho Putin là một phần không hề thay đổi trong các lời hùng biện của ông. Mặc dù có một thế giới quan xem Hoa Kỳ là nạn nhân của các cường quốc nước ngoài – Trung Quốc, Mexico, Iran, Liên Âu – nhiệt tình của Trump dành cho Putin toả sáng.
Tùy thuộc việc xem ai là người diễn đạt, hoặc xem Trump là một người hâm mộ ngây thơ về một con người bản lĩnh như Putin hoặc xem Trump là một công cụ lâu dài cho tình báo Nga. Chắc chắn là hầu như có một câu chuyện đằng sau ở đây, người ta có thể tiêu diệt chính quyền của Trump nếu một số tin đồn khủng khiếp này được xác nhận. Hiện nay, chúng ta biết rằng một số cuộc hẹn quan trọng và các chi tiết trong “hồ sơ” khét tiếng về mối quan hệ của Trump với Putin đã được xác minh, do một cựu viên chức tình báo của Anh tổng hợp.
Một số bằng chứng gián tiếp ngày càng tăng cho thấy rằng Trump đã được hỗ trợ bằng tiền bạc của Nga trong nhiều thập niên. Các giới đầu sỏ chính trị của Nga có thể đã cứu Trump khi bị phá sản cá nhân, và có tin tường thuật là có người đến tham gia một số chiến dịch tranh cử của Trump, có lẽ ông ta hoạt động như một nhân vật trung gian với điện Cẩm Linh. Và nhiều thành viên cao cấp trong toán công tác của Trump – bao gồm Paul Manafort, Giám đốc đầu tiên đặc trách chiến dịch tranh cử của Trump; Michael Flynn, Cố vấn An ninh Quốc gia, gần đây bị mất chức; Rex Tillerson, cựu Giám đốc điều hành của công ty Exxon Mobil và bây giờ là Ngoại trưởng; và Wilbur Ross, Lãnh đạo Quỹ đầu cơ và Bộ trưởng Thương mại – tất cả đều có giao dịch kinh doanh quan trọng với Nga hoặc các giới đầu sỏ của Nga.
Phiên bản thứ hai vì Trump là một doanh nhân đầy ham muốn. Trump dường như có ý định chuyển đổi nhiệm kỳ tổng thống thành một nguồn thu khác cho tài sản cá nhân. Đối với hầu hết mọi người, nhiệm kỳ tổng thống có vẻ như là một phần thưởng cá nhân, mà không nhận tiền mặt (ít nhất là không phải trong khi còn tại chức). Điều này không đúng cho Trump. Trái ngược với tất cả các quy luật trước đó, và trong khi vi phạm các tiêu chuẩn được Cơ quan Đạo đức của Chính phủ đề ra, Trump đang còn giữ đế chế kinh doanh của mình, trong khi các thân nhân trong gia đình vận động để kiếm tiền nhân danh Trump trong các đầu tư mới trên khắp thế giới.
Phiên bản thứ ba vì Trump là một người thuộc trào lưu dân túy và mị dân. Trump là một nguồn bất tận của những lời nói dối, một người không quan tâm đến những lời đính chánh không thể tránh khỏi bởi các phương tiện truyền thông với lời cáo buộc về “tin tức giả mạo.” Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại của nước Mỹ, tổng thống đang quy tội cho báo chí một cách quá hung hãn. Tuần vừa qua, Toà Bạch Ốc cấm the New York Times, CNN, Politico và the Los Angeles Times tham gia một cuộc họp báo của Tuỳ viên Báo chí.
Theo một số diễn giải, thái độ mị dân của Trump nằm trong việc phục vụ của Stephen Bannon, nhà chiến lược chính của Trump, người lập luận bảo vệ cho một viễn cảnh đen tối của một cuộc chiến tranh sắp tới của các nền văn minh. Bằng cách làm tăng sự sợ hãi đến mức có thể là cao nhất, Trump nhằm tạo ra một tinh thần dân tộc của nước Mỹ là trên hết và có bạo lực. Từ trong lao tù ở Nuremberg sau khi thế chiến II, Hermann Göring đã giải thích khá khủng khiếp về một công thức rằng: “Mọi người có thể luôn tuân phục ý kiến của các nhà lãnh đạo. Điều đó thật dễ. Tất cả điều mà người ta phải làm là nói với họ rằng họ đang bị tấn công và tố cáo những kẻ hiếu hoà là họ thiếu lòng yêu nước và trình bày về tình trạng  đất nước đang lâm nguy. Điều này áp dụng hữu hiệu cùng một cách như nhau dù trong bất cứ nước nào”
Một giả thuyết khác là tất cả ba thái độ của Trumps – một người bạn của Putin, một người chỉ lo tối đa cho cơ nghiệp và một người mị dân – thực sự ra là một: doanh nhân Trump đã từ lâu đã được hỗ trợ bởi các người Nga, họ đã sử dụng Trump trong nhiều năm qua như một bình phong lo chuyện rửa tiền. Người ta có thể nói rằng họ đã trúng lô độc đắc, đặt tiền cược ít mà chuyển thành một khoản tiền thu rất lớn – họ dàn dựng một cuộc bầu cử mà họ rất có thể là không bao giờ ngờ rằng Trump sẽ thắng cử  -. Theo lối giải thích này, các cuộc tấn công của Trump với báo chí, các cơ quan tình báo, và FBI đặc biệt nhằm làm mất uy tín các cơ quan trước khi bị  tiết lộ nhiều hơn về các giao dịch của Trump và nước Nga.
Những ai đã sống qua thời Watergate nhớ lại biết bao là khó khăn khi quy trách cho Richard Nixon. Nếu không có phát hiện ra cuốn băng ghi âm mật tại Toà Bạch Ốc, gần như chắc chắn là Nixon sẽ thoát việc bị huyền chức  và truất nhiệm trước nhiệm kỳ. Điều này cũng đúng với Flynn, người có lúc nói dối và lại nói dối trước công chúng, và rồi tới Phó Tổng thống Michael Pence, việc thông tin liên lạc của ông với Đại sứ Nga trước khi ông nhậm chức. Tuy nhiên, giống như Nixon, ông đã chỉ vấp phải vì những lời nói dối của ông đã được ghi âm, trong trường hợp này là do các cơ quan tình báo Mỹ.
Khi những lời nói dối Flynn đã được phát hiện, phản ứng của Trump, đúng theo đặc tính của ông, là ông tấn công các rò rỉ, không phải là nhắm vào lời nói dối. Các bài học chính của Washington, và thực sự của chính trị của người bản lĩnh nói chung, là nói dối luôn luôn là phương tiện đầu tiên, không phải cuối cùng.
Nếu Quốc hội có đủ các dân biểu thành tín, khi đa số biết rằng Đảng viên Đảng Cộng hòa sẽ không theo dõi Đảng viên Đảng Cộng hòa, họ sẽ yêu cầu một cuộc điều tra độc lập về quan hệ của Trump với Nga. Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Rand Paul đã minh thị điểm này, ông tuyên bố rằng việc điều tra “không có ý nghĩa” để cho Đảng viên Đảng Cộng hòa điều tra Đảng viên Đảng Cộng hòa. Trump dường như có ý  tạo áp lực cho FBI, các cơ quan tình báo, các tòa án, và các phương tiện truyền thông để nhường bước.
Những người mị dân sống sót nhờ sự hỗ trợ của công chúng mà họ cố gắng duy trì thông qua lời kêu gọi thuộc về háo lợi, chủ nghĩa dân tộc, lòng yêu nước, phân biệt chủng tộc, và sợ hãi. Họ tung cho các người ủng hộ một số tiền mặt nhất thời, dưới hình thức là cắt giảm thuế và tiền trợ cấp, được tài trợ bằng cách gia tăng các khoản nợ công và để cho các thế hệ tương lai trả nợ. Cho đến nay, để làm cho giới quý tộc hạnh phúc, Trump đã hứa cắt giảm thuế mà không thể kham nổi, trong khi đó ông làm mê hoặc tầng lớp lao động da trắng, ủng hộ ông với sắc lệnh Hành pháp, ông trục xuất người nhập cư bất hợp pháp và cấm nhập cư các nước có đa số người theo Hồi giáo.
Không có một biện pháp nào trong các biện pháp này đã làm cho Trump được ưa chuộng. Mức đồng thuận dành cho vị tân tổng thống là mức thấp nhất trong lịch sử, khoảng 40%, so với khoảng 55% số người được hỏi là  không hài lòng. Thỉnh cầu toà án xét lại các biện pháp của Hành pháp, các chống đở với các phương tiện truyền thông, những căng thẳng bắt nguồn từ các thâm hụt ngân sách tăng cao, và các tiết lộ mới liên quan đến Trump và nước Nga, tất cả sẽ tiếp tục sôi nổi – và sự hỗ trợ của công chúng dành cho Trump có thể tiêu tan. Trong trường hợp này, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa dường như sẽ xoay ra chống Trump. 
Nhưng không ai nên đánh giá thấp một kẻ mị dân bao giờ, khi họ sẵn sàng sử dụng sự sợ hãi và bạo lực – thậm chí cả chiến tranh – để duy trì quyền lực. Và thực sự nếu Putin là người hỗ trợ và đối tác của Trump, các cám dỗ của Trump trong việc này sẽ mạnh mẽ.
(Jeffrey D. Sachs, Giáo Sư Đại học Columbia, Giám Đốc Columbia’s Center for Sustainable Development và UN Sustainable Development Solutions Network. Tác giả của The End of Poverty, Common Wealth, The Age of Sustainable Development. Tác phẩm mới nhất là Building the New American Economy. Nguyên tác: The Three Trumps. Đỗ Kiêm Thêm dịch).

*** BBC: Cựu lãnh đạo tình báo Mỹ bác bỏ "nghe lén"
Đôi lời: Đây là chiến thuật của Trump, tuy mới mà không mới. Nó mới đối với những người không theo dõi Trump từ trước tới nay, nhưng nó cũ đối với những người thường quan sát Trump, bởi ông ta đã sử dụng chiêu trò này nhiều lần. Trong lúc Trump và các cộng sự của ông ta có khả năng bị Quốc hội Mỹ điều tra vụ bê bối về mối liên hệ với Nga, trong bối cảnh một nhân vật thân tín của Trump, tân Bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions, đã phải đứng ngoài các cuộc điều tra sắp tới này vì báo chí phát hiện ông ta có liên hệ với Nga khi vận động tranh cử cho Trump, thì Trump la toáng lên rằng, Obama đã nghe lén Trump và rằng Quốc hội nên điều tra Obama, thay vì điều tra Trump. Đây là chiến thuật đánh lạc hướng dư luận của Trump, để mọi người chú ý tới câu chuyện mà ông ta tạo ra, thay vì tiến hành điều tra ông ta và cộng sự của ông ta.
Nhưng có vẻ như, càng tạo ra những chiêu trò hạ cấp này, Trump càng bị nó đẩy sâu dưới đáy. Gần 2 tuần trước, cựu Thủ tướng Thụy Điển, ông Carl Bildt đã có lời khuyên đầy thiện chí dành cho Trump: “Khi ngài ở trong cái lỗ, hãy ngưng đào bới”(Ngài sẽ bị lún sâu hơn). Nguyên văn: “Just a piece of friendly advice: when you are in a hole, stop digging.”
***
Giám đốc tình báo quốc gia tại thời điểm cuộc bầu cử Mỹ phủ nhận có bất kỳ việc nghe lén nào với ông Donald Trump hay chiến dịch của ông. James Clapper cũng nói với NBC rằng ông biết không có lệnh của tòa án cho phép giám sát Tòa tháp Trump ở New York.
Ông Trump đã cáo buộc Tổng thống Barack Obama ra lệnh lắp đặt nghe lén, nhưng không đưa ra bằng chứng.
Ông Trump nói cuộc điều tra cáo buộc can thiệp của Nga cũng nên thăm dò khả năng có lạm dụng quyền hành pháp.
James Clapper, người rời chức vụ khi ông Trump nhậm chức vào ngày 20 tháng Giêng, nói với chương trình Gặp gỡ báo chí (Meet the Press) của NBC rằng:
“Không có hoạt động đặt thiết bị nghe lén nào chống lại tổng thống đắc cử vào thời điểm đó, với tư cách một ứng cử viên, hoặc chống lại chiến dịch tranh cử của người đó.”
Ông nói rằng trên cương vị giám đốc tình báo, ông sẽ biết nếu có bất kỳ “lệnh nào của tòa án về một điều gì đó như thế. Chắc chắn, tôi có thể từ chối nó.”
Một số tin tức truyền thông đã đề nghị FBI tìm kiếm một lệnh từ tòa án giám sát tình báo nước ngoài (Fisa) để theo dõi các thành viên của nhóm vận động của ông Trump bị nghi ngờ có liên lạc thường xuyên với các quan chức Nga.
Một phát ngôn viên của ông Barack Obama sau đó đã lên tiếng bác bỏ. “Không ai, cả Tổng thống Obama hay bất kỳ quan chức Nhà Trắng nào, từng lệnh theo dõi bất kỳ công dân Mỹ nào. Mọi gợi ý trái ngược với điều đó đều sai trái”, ông Kevin Lewis nói trong một tuyên bố.
Trước đó, cựu cố vấn của ông Obama, Ben Rhodes, cũng mạnh mẽ phản bác cáo buộc của ông Trump. “Không một tổng thống nào có thể ra lệnh thực hiện nghe lén. Những giới hạn đó hiện hữu để bảo vệ các công dân khỏi những người như ông đấy,” ông Rhodes viết trên Twitter. Tổng thống Donald Trump được yêu cầu đưa bằng chứng cho cáo buộc người tiền nhiệm.Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Ben Sasse nói cáo buộc của ông Trump là ‘nghiêm trọng’ và ông ta cần phải giải thích làm cách nào ông ấy biết được về vụ nghe lén. Hiện tại, Tổng thống Hoa Kỳ không cung cấp được gì khác cho cáo buộc của mình.
Trong một đoạn tweet, ông Trump nói rằng việc nghe lén xảy ra tại Tháp Trump ở New York nhưng “không tìm thấy gì”.

*** Hồng Thủy: Trump cảnh báo đối thủ tiềm tàng: đừng để quân đội Mỹ phải ra tay!
Các tướng lĩnh và chuyên gia quân sự hoa Kỳ tin rằng, đây là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn các hành vi bành trướng, xâm lược.
Đa Chiều ngày 6/3 đăng bài viết "Donald Trump cảnh cáo Bắc Kinh: để Mỹ phải động thủ là các ông coi như xong!"
Tờ báo đưa tin về chuyến thăm, thị sát siêu hàng không mẫu hạm USS Gerald R. Ford của Tổng thống Mỹ hôm 3/3 tại Virginia. Ông chủ Nhà Trắng cam kết sẽ xốc lại sức mạnh quân sự Mỹ.
Trong bài diễn văn phát biểu trên tàu sân bay USS Gerald R. Ford, vị Tổng thống doanh nhân này cảnh báo đối thủ tiềm tàng của Hoa Kỳ: Chớ dại đối đầu với nước Mỹ, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng!". Tuy ông không nói rõ đối thủ này là Trung Quốc, nhưng theo Đa Chiều, không có gì nghi ngờ việc Trung Quốc là một trong những đối thủ tiềm tàng lớn nhất của Mỹ. Trong chuyến đi này, ông Donald Trump đã công bố với thế giới rằng, sức mạnh quân sự Hoa Kỳ là không nước nào sánh nổi, và nó sẽ còn lớn mạnh hơn nữa vì ông sẽ đề nghị Quốc hội tăng thêm 10% ngân sách quốc phòng để đóng mới vũ khí trang bị... (ngưng trích)
Các thủy thủ từ chối bình luận về bài phát biểu của Tổng thống. Nhưng Diane Carr, một thợ hàn 58 tuổi có 30 năm làm việc trong ngành công nghiệp chế tạo và đã không bỏ phiếu bầu Trump, nói rằng: "Tôi yêu nó (bài phát biểu của Trump trên chiến hạm). Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy mặt khiêm tốn trong con người ông ấy".
Tim Glascock, một công nhân đóng tàu 52 tuổi cũng chia sẻ cảm nhậ tương tự: "Tôi nghĩ đó là một bài phát biểu tuyệt vời". Khi được hỏi về quan hệ tiềm năng giữa Donanld Trump với nước Nga, Glascock nói: "Tôi chỉ quan tâm đến việc (Donald Trump) tăng chi tiêu quốc phòng, loại bỏ việc cắt giảm ngân sách. Tôi không quan tâm đến nó (quan hệ Trump - Nga)".

*** Michelle Nguyễn Thanh Hà: Xin đừng đóng cửa đẩy họ ra bên ngoài
Nguyễn Khoa Thái Anh: Chưa bao giờ trong niên sử, từ khi thống kê được lưu trữ, Hoa kỳ lại có một vị Tổng thống bị ghét bỏ nhiều như ông Donald Trump hiện nay. Không những ngờ nghệch về bang giao và mậu dịch quốc tế, ông Trump lại có xu hướng từ bỏ tất cà các tranh đấu đưa đến thành quả của một Hợp chủng quốc, những lý tưởng gầy dựng Liên hiệp quốc của Hoa kỳ. Những hiệp ước, liên minh bảo vệ hòa bình, tự do thương mại và kết hợp đồng minh trên thế giới hầu như bị ông Trump đả phá tất dưới chiêu bài “Làm Hoa Kỳ vĩ đại trở lại”. Một điều rất nghịch lý trước những tiêu chí mà Hoa kỳ chủ trương. Tất nhiên riêng về chuyện bang giao Hoa kỳ đã có lúc co cụm (isolationism) nhưng hình như không một lãnh tụ Hoa kỳ nào trong những năm gần đây lại đi ngược lại chu trình bài trừ tị nạn (và đồng minh) khốc liệt như ông Trump. Trong vòng mươi ngày sau khi nhậm chức ông Trump đã ban ra nhiều sắc lệnh hành pháp cấm người tị nạn trên 7 nước vào Hoa Kỳ và hạn chế du lịch, gây ra nhiều hỗn loạn kể cả sự chống đối kịch liệt của chính Hoa Kỳ và thế giới. Dưới đây là cảm nghĩ của một người thuộc thế hệ tị nạn Việt Nam đầu tiên đến Hoa kỳ, cũng như nỗi bất bình của con em bà và đồng bạn về sắc lệnh của ông Trump.
"Hãy để cho những kẻ tàn hơi của bạn đến với tôi, những đám người khao khát được hít thở tự do, những kẻ dư thừa xác xơ từ bến bờ nheo nhóc của bạn. Hãy để cho họ, những kẻ không nhà, bão táp ném tơi bời - đến với tôi. Bên cánh cổng vàng rộng mở, tôi giương cao ngọn đèn! (Emma Lazarus (1883) khắc trên tượng Nữ thần Tự do ở New York).
***
Đêm qua tôi nhận được email của con trai trưởng chuyển từ email của nhóm nhỏ bạn bè của cháu, hầu hết những người trẻ mà tôi biết. Đây là những bạn trẻ, sáng láng và trưởng thành, những người hoặc đã tốt nghiệp đại học, trường y khoa, hoặc đang làm việc hay học nốt đại học. Họ bày tỏ sự lo ngại về hàng loạt các sắc lệnh hành pháp vừa được ban ra. Họ phẫn nộ về tình trạng của người tị nạn. Một em trong số họ, vừa ra trường y khoa, có kinh nghiệm làm việc trực tiếp với những người tị nạn Syria gần đây, một phần trong công tác tình nguyện của cô. Họ đã tìm đến cha mẹ của họ để bày tỏ mối quan tâm của mình và nhìn chúng tôi, thế hệ người Mỹ gốc Việt đầu tiên, hy vọng và có lẽ kỳ vọng rằng cha mẹ mình có thể cảm thông được sự bất công và bất nhân của sắc lệnh hành chính đối với những người tị nạn Syria. Chuyện này đưa tôi trở về một vài thập kỷ trước đây ở tuổi 12, khi chính tôi là một người tị nạn.
Như nhiều thế hệ người Mỹ gốc Việt đầu tiên khác, tôi đã quên đi một cách tiện lợi nỗi thống khổ mà gia đình tôi đã vượt qua, vượt thoát Việt Nam khi chiến tranh tàn phá, trong lòng mang đầy nỗi bất an và sợ hãi. Tôi quên mất tiếng bom ở Việt Nam bùng nổ như xé màng nhĩ. Tôi quên chuyện trôi nổi bao ngày trên một con tàu bị hỏng, chẳng biết chúng tôi có thể sống sót hay bị chết trôi trên Thái Bình Dương. Tôi quên đi hậu quả khôn lường chuyện không có thức ăn và nước uống trong nhiều ngày. Tôi quên đi chuyện sống trong một căn chòi nhỏ chung chạ với vài gia đình, chia nhau một chỗ ngủ có đủ kích thước của một chiếc túi ngủ tại trại tị nạn. Tôi quên đi cuộc sống ở một đất nước tạm dung, ngóng chờ... ngóng chờ... để xem có bất cứ một đất nước nào sẽ cho phép chúng tôi đến định cư không. Thậm chí ngay ở tuổi 12, tôi cũng tự hỏi bản thân: điều này có phải là tôi sẽ không được đi học trong một thời gian vô định trừ phi được một nước nào đó sẽ cho chúng tôi vào? Liệu chúng tôi có thể tìm sống trong một xã hội không có lệnh giới nghiêm ban đêm? Và tôi có thể đi bất cứ nơi nào bất cứ lúc nào? Liệu có một đất nước nào đó sẽ không có chiến tranh và bom đạn? Liệu hòa bình có thực sự tồn tại và không phải là một khái niệm mơ hồ? Thực tế đó nằm ngoài những gì tôi có thể mường tượng được. Nếu "thiên đường" hiện hữu, nó sẽ là như thế, tôi nghĩ, lúc 12 tuổi.
Chúng tôi là những người may mắn vì chúng tôi đã có thể nhập cư một cách nhanh chóng ở Mỹ sau nửa năm chờ đợi. Một gia đình người Mỹ và một tổ chức đã bảo trợ cho chúng tôi. Có những người tị nạn Việt Nam bị kẹt trong các trại tị nạn nhiều năm cho đến khi một số chính sách mới của chính phủ được thông qua cho phép họ có thể đến định cư ở các quốc gia mới. Tôi bắt đầu đi học lại. Chúng tôi được các tổ chức bảo trợ cung cấp nhà ở miễn phí. Những người lớn trong gia đình chúng tôi đã có việc làm với mức lương tối thiểu đủ để trả tiền chợ. Chúng tôi đã có thức ăn, chỗ ở, và được mãn nguyện. Cuộc hành trình trở thành người Mỹ của chúng tôi bắt đầu từ đó.
Đúng, tôi đã quên mất cuộc hành trình dài dằng dặc đó. Đó là một ký ức xa xôi, chôn sâu trong trí nhớ, không thường xuyên xuất hiện trong các cuộc đàm thoại của tôi. Tôi quên rằng tôi đã không được sinh ra ở đất nước nhiều lợi lộc này. Tôi quên mình từ đâu đến và những trợ giúp gì tôi đã nhận được để được đến Mỹ. Nhưng các con tôi và các con của bạn tôi đã nhắc nhở tôi với lá thư của họ.
Dần dần, ký ức tôi đã trở lại: làm cách nào một người tị nạn Việt như tôi đã đến được với đất nước này qua sự giúp đỡ của người Mỹ. Gia đình chúng tôi bắt đầu sống ở đất nước xinh đẹp này bởi vì những người đang sống ở đây đã không đóng cửa hất chúng tôi ra. Chúng tôi đã không bị đóng cửa xô ra ngoài vì màu da của chúng tôi. Chúng tôi đã không bị đóng cửa đẩy ra ngoài vì đức tin của chúng tôi. Chúng tôi đã không bị đóng phắt cửa và đuổi ra ngoài vì chúng tôi đến từ một quốc gia cộng sản để có thể bị coi là mối đe dọa cho sự an toàn của Mỹ. Chúng tôi đã không bị đóng cửa và đuổi ra ngoài bởi vì người Mỹ sợ rằng chúng tôi sẽ cướp công ăn việc làm của họ. Đối với người Mỹ, chúng tôi không phải cộng sản. Chúng tôi chỉ là những người khao khát hít thở tự do. Chúng tôi chỉ là những người tìm lẽ sống ở một nơi an toàn và thanh bình để lưu vong. Đó là những gì cháu trai của tôi hiện đang chiến đấu trong quân lực Mỹ. Đó là những gì người cha quá cố của tôi và cha chồng tôi đã chiến đấu trong quân đội Việt và Mỹ để phục vụ: tự do hầu giúp con người có thể tìm một nơi an toàn và bình yên để sống – một nơi trú ẩn an toàn.
Xin trích Martin Niemöller trong bài thơ của ông về sự tự mãn trước Đức quốc xã và nạn diệt chủng Do Thái:
Đầu tiên họ đến bắt người theo chủ nghĩa xã hội, và tôi đã không lên tiếng
Vì tôi không phải là một người theo chủ nghĩa xã hội.
Sau đó, họ đến bắt các công đoàn viên, và tôi đã đã không lên tiếng
Bởi vì tôi không phải là một công đoàn viên.
Sau đó, họ đến bắt người Do Thái, và tôi đã không lên tiếng
Bởi vì tôi không phải là một người Do Thái.
Sau đó, họ đến bắt tôi và không còn ai để lên tiếng cho tôi.
Xin mạn phép diễn giải:
Đầu tiên họ đến bắt những người Mexican, và tôi đã không lên tiếng
Vì tôi không phải là một người Mexican.
Sau đó, họ đến bắt các tín đồ Hồi giáo, và tôi đã không lên tiếng
Vì tôi không phải là một người Hồi giáo.
Sau đó, họ đến bắt tôi và không còn ai để lên tiếng cho tôi.
Xin đừng hất hủi người di dân; hãy cho chúng tôi tiếng nói và ý thức hệ.
Rich Moore, đạo diễn nhận giải Oscar phim hoạt hình « Zootopia » (3/2017) gởi đến khán giả toàn cầu một thông điệp: « Lòng khoan dung mạnh hơn là nỗi sợ kẻ khác ».
M.N.T.H. - Một người Mỹ gốc Việt.  Bản gốc: Please Do Not Shut Them Out gửi riêng cho dịch giả. Nguyễn Khoa Thái Anh dịch)

II. Văn học
(i) Trần Khải: Tưởng nhớ Nguyễn Chí Thiện
Nhân sinh nhật của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, người có những dòng thơ mạnh mẽ nhất để nêu lên sự thật về chế độ CSVN. Sau đây là hiệu đính lại từ một bài phân tích năm xưa để tưởng nhớ Thi sĩ , một đỉnh cao văn học độc đáo. Nguyễn Chí Thiện đã có một vị trí vững chắc trong văn học Việt Nam. Bản thân cuộc đời thi sĩ họ Nguyễn cũng là nguồn cảm hứng cho những người mang ước mơ dân chủ.
Nguyễn Chí Thiện sinh ngày 27 tháng 2, 1939, từ trần ngày 2 tháng 10, 2012. Những lời thơ của ông không được chính phủ CSVN, và còn xem đó là kích động nguy hiểm. Do vậy, Nguyễn Chí Thiện đã bị nhà nước CSVN bắt giam tổng cộng 27 năm tù vì tội "phản tuyên truyền". Sinh trưởng tại Hà Nội ông có một thời dạy học. Trong một bài giảng bài môn Sử năm 1960 do giảng bài không theo quan điểm nhà chức trách nên ông bị bắt vì tội "phản tuyên truyền". Ông được thả năm 1964. Đến năm 1966 ông lại bị bắt giam vì làm thơ đả phá chế độ. Lần này ông bị giam đến năm 1977.
Năm 1979 Nguyễn Chí Thiện tìm cách chuyển tập thơ "Hoa địa ngục" của ông viết cho nhân viên sứ quán Anh tại Hà Nội. Vì lý do trên ông lại bị bắt. Đến ngày 28 tháng 10 năm 1991 Nguyễn Chí Thiện được ra tù. Năm 1994 ông được tổ chức Theo dõi Nhân quyền trao giải thưởng Hellman/Hammett.
Tháng 1 năm 1995 ông được xuất cảnh sang Hoa Kỳ qua sự vận động của Đại tá Không quân Hoa Kỳ Noboru Masuoka.
Nguyễn Chí Thiện qua đời ngày 2 tháng 10 năm 2012 tại Santa Ana, quận Cam, California, Hoa Kỳ. Tự Điển Bách Khoa Mở Wikipedia ghi rằng tập thơ Hoa Địa ngục của ông xuất hiện ở hải ngoại vào năm 1980 sau khi tác phẩm này được lén đưa vào toà đại sứ Anh tại Hà Nội và được giáo sư Patrick J. Honey thuộc Đại học Luân Đôn (University of London), nhân chuyến đi Việt Nam năm 1979, mang được ra ngoài nước để phổ biến. Kèm trong tập thơ 400 trang viết tay này là lá thư mở đầu với lời ngỏ: “Nhân danh hàng triệu nạn nhân vô tội của chế độ độc tài, đã ngã gục hay còn đang phải chịu đựng một cái chết dần mòn và đau đớn trong gông cùm cộng sản, tôi xin ông vui lòng cho phổ biến những bài thơ này trên mảnh đất tự do của quý quốc. Đó là kết quả 20 năm làm việc của tôi, phần lớn được sáng tác trong những năm tôi bị giam cầm.” Tập thơ này được coi như một thiên hồi ký về cuộc đời tù tội trong xã hội cộng sản dưới chế dộ toàn trị bắt đầu từ thập niên 1950.
Nguyễn Chí Thiện nổi tiếng như một nhà thơ lớn, nhưng thực sự văn xuôi của ông cũng có sức mạnh riêng. Cả truyện và thơ đều có nét riêng, ngôn ngữ trần trụi, mạnh mẽ, làm hiển hiện lên một sự thật trần trụi về những cảnh hung bạo trong xã hội dưới chết độ toàn trị cộng sản. Hãy đọc lại một đoạn văn trong tiểu truyện “Sương Buồn Ôm Kín Non Sông” trong tác phẩm "Hỏa Lò" – nơi đây, Nguyễn Chí Thiện kể về một cảnh trong sân trại tù, như một màn kịch câm của những bộ xương gầy đói.
Trích: “…Lão không nói gì, đứng dậy quay nhìn về phía bên kia sân. Lão kinh hoàng trố mắt. Cách lão chừng ba mươi thước thôi, một cảnh tượng suốt đời không thể phai mờ đối với lão! Trong nắng chiều vàng ủng như nghệ, hàng trăm tên tù trần truồng, xám xịt, lủng củng xương da, đứa nằm, đứa ngồi, đương bốc cơm ăn. Có những tên không còn cầm nổi cái bát, cơm rơi đổ cả xuống đất, lẩy bẩy bò xuống, vốc nhặt đưa lên miệng. Tất cả diễn ra, im lìm, như một màn kịch câm. Như những bóng ma. Hai bóng ma, đầu trọc lốc, mắt sâu hoắm, đờ đẫn, ngồi đối diện nhau. Bốn bàn tay bám vào cái bát men đựng cơm, giơ lên, run run, từ từ đưa đi, đưa lại. Phải nhìn một lúc, lão mới hiểu là hai đứa đương giành nhau bát cơm của một tên nằm gục bên cạnh, không ăn nổi. Chúng không còn sức để nói, để chửi, để giằng mạnh. Một chiếc xe bò lọc cọc đi vào. Hai tên tù tự giác vào phòng, lần lượt khiêng năm xác chết trần truồng, đặt lên xe, kéo đi. Những tên tù ăn xong đứng lên, mủ máu từ hậu môn rỏ xuống...”(ngưng trích)... Đó là văn xuôi. Và bây giờ là thơ, nơi đây chữ của Nguyễn Chí Thiện viết trên giấy nghe âm vang như thép, như đá, nhưng là một khát khao nhân bản về một ngày mai của tự do.
Như trong bài “Sẽ Có Một Ngày,” nhà thơ họ Nguyễn viết:
Sẽ có một ngày con người hôm nay / Vất súng vất cùm, vất cờ, vất đảng / Đội lại khăn tang quay ngang vòng nạng… oan khiên.
Sẽ có một ngày con người hôm nay / Về với miếu đường mồ mả gia tiên / Hàng chục năm qua bức bách nhạt nhòa cho quên.
Và hận thù xưa như làn hương thu tan về cao rộng.” (ngưng trích)
Có nhiều lúc đau đớn, Nguyễn Chí Thiện giữ thái độ im lặng, như trong bài thơ “Tôi Im Lặng,” trích:
Tôi im lặng khi kẻ thù hành hạ / Sắt thép đưa vào, đau đớn, hôn mê
Câu chuyện anh hùng để trẻ con nghe / Tôi im lặng chỉ vì tôi tự nhủ:
Có ai đi rừng gặp loài dã thú / Lại mở mồm kêu xin chúng thương tha?
Có những lúc Nguyễn Chí Thiện cảm thấy người ông như tê liệt, và ngỡ mình đã chết khi thấy xã hội quanh mình vẫn là các bức tường nhà tù, trong trong Đoản Thơ, trích:
Tôi đương sống, nhưng từ lâu đã chết / Chết trong tim, trong óc, chết tâm hồn
Cố đào lên bao thứ sớm vùi chôn / Song chúng đã xông mùi, tan rữa hết…
Có những buồi chiều buồn thê thiết, khi Nguyễn Chí Thiện thấy mưa rơi lạnh cóng, và cả những buồi chiều đẫm mồ hôi khi mặt trời bỏng cháy trên lưng.
Ông viết trong bài thơ “Có Những Chiều,” trích:
Có những chiều mưa buồn lạnh cóng / Giữa bùn trơn tê tím xương da
Chống cuốc nhìn rừng núi bao la / Trong bụi nước mờ mờ lẩn bóng...
Có những chiều mặt trời như lửa bỏng / Giọt mồ hôi mờ xót con ngươi
Đặt gánh phân nhìn bốn phía đất trời / Rừng núi đứng im lìm trong nắng loá
Có những chiều thịt gân rời rã…” (ngưng trích)
Có những giây phút Nguyễn Chí Thiện nổi giận. Ông bực dọc hét to. Nhưng trong bài thơ “Chúng Tôi Sống,” trích:
Có những buổi mưa rơi tầm tã / Vác áo quần ra đứng cả ngoài sân
Lũ công an lục soát toàn thân / Thu đốt cả vật tối cần- miếng dẻ!
Cụ Mác ơi, cụ là đồ chó đẻ / Thiên đường cụ hứa như thế kia a?” (ngưng trích)
Nguyễn Chí Thiện… những gì ông đã viết, dù thơ hay văn xuôi, đã, đang và sẽ vẫn nuôi lớn ước mơ nhân quyền, dân chủ và tự do. Những chữ đó không thuần túy là vẻ đẹp của ngôn ngữ. Những chữ đó còn là những hạt lúa, là những hạt cơm để nuôi lớn một xã hội dân sự của những người đang đứng dậy đòi quyền làm người.

(ii) Thơ Huy Uyên: Qua sông
tháng mười chải tóc qua sông
để tôi cầm sợi phiêu bồng trong tôi
màu con mắt thoáng nụ cười
màu con tim với môi người buổi xưa
      ai đi đâu để bây giờ
      bỏ tôi đứng lại bên bờ quạnh hiu
      dòng sông ơi đã bao chiều
      hương phai bóng ngả tịch-liêu chốn này 
đò người dạo khúc sương mai
cho riêng nỗi nhớ ngắn dài mình tôi

(iii) Thơ Nguyễn An Bình: Quê nhà
Nhắc về một dòng sông
Đêm thường mơ thấy sóng
Chiều buông làn khói mỏng
Vỗ về suốt đời tôi.
      Quê nhà của tôi ơi
      Mẹ hóa thành mây trắng
      Mộ cha vàng hoa nắng
      Quạnh hiu một góc trời.
Quê nhà của tôi ơi
Ngày xuân em giặt áo
Tóc còn thơm hương táo
Trăng sáng cả tình tôi.
      Quê nhà của tôi ơi
      Nhớ câu hò Bình Thủy
      Neo chân cầu cũ kỷ
      Miệt chợ nổi Cái Răng.
Thương điệu lý đồng bằng
Quê nhà nghe xa quá
Tôi về thành khách lạ
Nước một dòng đã xuôi

(iv) Thơ Mạc Phương Đình: Mưa Nắng Sài Gòn
tìm chút nắng thắp tình đã lụn 
chợt cơn mưa ập xuống Sài gòn 
em chừ bên ấy đang mơ mộng 
hay dáng kiều xưa đã héo hon! 
      mười năm, mười năm đâu có xa 
      tưởng chừng như một dấu mưa qua 
      dòng sông vẫn chảy, lòng chưa cạn 
      giọt lệ vầng trăng thoáng đã nhòa 
ta về, mang nỗi sầu quay quắt 
gió gọi hàng me một thoáng say 
hẽm cũ bước qua lòng bỗng chật 
người nhìn lạ lẫm nào ai hay 
      buổi chiều chân bước nghe mờ mịt 
      lầm lũi bàn chân ướt vũng mưa 
      câu hỏi rơi vào trong tĩnh lặng 
      ngẩn ngơ nhân ảnh một câu đùa 
thôi đành quê xưa như men rượu 
không uống nhưng hồn vẫn ngất ngây 
một chốn đi về không níu được 
cầm như con nhạn bỗng xa bầy

(v) Thơ Luân Hoán: Tắm giếng Tiên Hội
tôi thường cùng chị Kim Anh
phải đi khiêng nước về dành trong lu
chị tôi ra dáng tiểu thư
còn tôi miễn cưởng như tù làm thôi
      đoạn đường dài chớ chẳng chơi
      khúc đá khúc đất lõm lồi cách chi
      Tiên Hội cũng chẳng gần gì
      được cái giếng đá chu vi hình tròn
nước trong người ta bảo ngon
còn tôi thấy mát và thơm nhẹ nhàng
y như phảng phất hương lan
y như dủ dẻ vừa sang canh chiều
      và tôi không ít thì nhiều
      nhờ chị múc nước dội liều mấy phen
      chắc chắn nước không vị phèn
      xối đầu mát tận chân răng rùng mình
chỉ vài gàu đủ thông minh
hát hoảng mấy điệu linh tinh lạ kỳ
tiếc rằng tôi vội bỏ đi
hụt làm nhạc sĩ ra gì biết đâu
.............................. .............................. .............................. ..............
Kính,
NNS

Không có nhận xét nào: