Bài viết tặng nữ sinh VN,Trong thi ca Việt Nam hình như màu tím được người ta nhắc tới nhiều, từ Những Đồi Hoa Sim, Màu Tím Hoa Sim, Chiều Tím Kỷ Niệm và nhiều nhiều lắm. Màu tím thơ mộng nên màu tím nằm trong thi ca cho có nét đài trang, nhã nhặn. Nhưng tại sao người ta lại chọn màu tím làm đồng phục nữ cho một trường nữ sinh tại Saigon? Cái này mới thật là lạ. Bạn thử đi chu du khắp năm châu bảy nước, bạn sẽ không thấy quốc gia nào dùng màu tím làm đồng phục học sinh cả. Người ta thường lấy màu trắng, màu xanh da trời, màu dương đậm và nhiều nhất là màu xám kaki làm đồng phục học sinh. Vậy thì tại sao trường nữ trung học Gia Long lại chọn đồng phục màu tím?Nữ trung học Gia Long - lúc đầu chỉ đặt tên là trường nữ học Gia Long - khai giảng đầu tiên năm 1913 với 42 học sinh và ở ngay năm đầu tiên người ta chọn màu tím làm đồng phục cho nữ sinh. Theo sử liệu lý do chọn màu tím vì "Mầu tím biểu hiệu cho sự toàn vẹn và ngay thẳng của phụ nữ Việt Nam", kể từ ngay đó trường Nữ trung học Gia Long còn được gọi là trường Áo Tím. Đến năm 1922 thì trường được mở rộng thêm bậc Trung học đệ nhất cấp tăng thêm lớp từ 6 đến lớp 9. Năm 1952, trường được điều hành bởi một hiệu trưởng đầu tiên người VN là cô Nguyễn thị Châu, một cựu học sinh Gia Long, Đến năm 1953 thì màu tím đồng phục được đổi thành màu trắng, Kỷ niệm của trường nữ áo tím đã được lật sang trang khác. Tôi không có được dịp ngắm nhìn hàng ngàn tà áo tím tập trung trên một sân trường, chắc chắn phải đẹp lắm quí vị ơi.Trong thi ca, từ tiền chiến tới năm 1975 chúng ta đã đọc không biết bao nhiêu câu thơ về màu tím, đến thập niên 70 thì thi sĩ Phạm thiên Thư cũng đã có thơ rằng:Áo em vạt tím ngàn simNửa nao nức gọi, nửa im lặng chờ.Tôi đọc rất ít thơ của Phạm thiên Thư vì ngại rằng sẽ bị thi ca của ông ta làm cho tâm hồn ủy mị mất đi "chi chí nam nhi", nhưng phải nói rằng Phạm Thiên Thư và Bùi Giáng là hai bậc tổ sư của thơ lục bát mà những câu thơ hay của họ ngoài việc gom chữ chính xác, còn có những sự so sánh tương đối nữa. Thí dụ như một bên "nao nức gọi" một đàng thì "im lặng chờ". Còn vạt áo của cô gái đã phải tạo bằng "nhựa tím của hàng ngàn quả sim". Ý đã sâu sắc mà gom chữ ngắn gọn thành vần là một chuyện thật khó vô cùng. Mà nào ông đã "thôi sao" (chú thích 1) từng chữ từng câu đâu, thơ PTT tuôn ra thành giòng tràng giang đại hải. Thơ như vậy mới thật sự là thơ, mới thật sự đánh động lòng người khiến cho lòng ta cảm thấy nao nức cảm khái hoài hoài.Gần đây, cô láng giềng Thương thương nối Tiếp mà chúng tôi vừa bắt lại được nhịp cầu tri âm cũng đã viết tặng tôi hai câu thơ tím:Chiều xưa, hoa tím em càiCho hồn ai ngẩn ngơ hoài ngàn năm.Đó, quí vị có thấy được màu tím tuy nhu mì dễ thương nhưng nó lại có cái sức mạnh kéo hồn mình quay quắt, ngẩn ngơ trở lại chốn nào hay không? Nói đến màu tím tôi phải nhớ đến thầy tôi, phần dưới của bài này tôi xin giới thiệu đến các bạn người thầy của tôi cũng đã một thời nhả ngọc phun châu những giòng lục bát trong văn đàn Việt Nam thập niên 60.Tôi có ông thầy Việt Văn mà những người sinh trưởng ở Mỹ Tho hoặc là học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu và các trường tư thục chắc phải biết đến là nhà thơ Thế Viên. Ông thầy tôi là người giảng Kiều số một. Ông gốc người Huế, có giọng nói lai lai giữa Bắc và Trung, cũng có thể ông là người vùng Bình-Trị-Thiên / Thanh-Nghệ-Tĩnh. Lúc đó tôi đang học lớp đệ tam "giả" ở trường tư thục Thủ Khoa - mục đích là đóng tiền có mặt vào lớp học lấy chứng chỉ đệ tam để năm sau lên lớp đệ nhị học thi Tú Tài 1 - những lúc ông giảng Kiều cho lớp, học sinh các lớp khác kéo nhau đến nghe đầy nghẹt, cả lớp nhung nhúc người và người. Ông ta giảng Kiều một cách hùng hồn, lúc lâm ly bi đát thì ông gạt lệ, hỉ mũi, khóc hu hu. Những lúc Kiều bị Ưng, Khuyển bức hiếp thì ông nghiến răng giận dữ, căm hờn. Những lúc trả được thù riêng cho Kiều, ông dậm chân đùng đùng ra chiều thống khoái thiếu điều muốn đạp sập luôn cái bệ giảng. Giọng của ông lên trầm xuống bổng có lúc ào ào sóng đẩy, có lúc vi vu réo rắc. Lúc đó, nếu như cái người đứng trên bục giảng nhìn xuống phía dưới đám học sinh chắc phải thấy hơn 60 cái miệng đang mở tròn như chữ O. Tôi lúc đó mới có 16 tuổi, mặt mày non choẹt, lần đầu tiên tiếp xúc với chuyện Kiều Nguyễn Du - do cái tội học nhảy bỏ nửa năm đệ ngũ và nguyên năm đệ tứ - đã há hốc lấy mồm như uống từng lời giảng của thầy vào lòng. Sự thật mà nói thì thầy Viên thuộc loại đàn ông không đẹp trai cho lắm, tóc ông chải phồng để tăng chiều cao cơ thể, trán ông hơi vồ, mắt lé kim, mũi lân chèn bẹt, bên dưới còn để hàm râu dê, răng thì đóng vàng khói thuốc. Quần áo thầy hơi có vẻ lòe loẹt nhưng thẳng nét hồ ủi láng coóng, dưới chân thầy vận một đôi giày da mỏm nhọn, tất cả những cái đó gói ghém trong thân hình khiêm tốn dưới 1m55 cũng không thể nào biến thầy tôi bảnh chọe ra cho được. Tuy nhiên khi thầy "lẩy" Kiều hoặc ngâm thơ tình của thầy sáng tác thì ối thôi, quả thật hay ho vô cùng. Cả cơ thể thầy hình như toát ra hào quang, tôi không nói ngoa, nếu như tôi là con gái, biết đâu tôi chẳng cuốn gói đi theo thầy trong một phút bất đồng nào đó rồi.Nhân dịp chúng ta đang nói về màu tím, màu tím hoa sim, màu tím Gia Long một thời làm cho tất cả các công tử ở Sài Thành phải nghiêng mình kính cẩn thì tôi cũng xin mượn tạm 2 câu thơ của thầy tôi, thi sĩ Thế Viên để tặng cho các quí vị học sinh Gia Long áo tím (tuy rằng những bậc đàn chị, đàn em của tôi đang đọc email này đã không còn mặc áo tím trong thời gian các chị đi học nữa, phải không?). Sẵn sàng chưa, mời quí vị thưởng thức hai câu thơ (nếu là thơ hay thì hai câu thôi cũng là quá đủ, phải không?). Đây, hai câu thơ tôi còn nhớ và rất thích, đó là:Tim tím khung Trời, tim tím suối,Trời sao nhiều tím quá em ơi?Nghe nói hình như nhà soạn phim ảnh và là đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã mượn ý trong hai câu thơ này để dựng thành phim "Chân Trời Tím" do Hùng Cường và Kim Vui đóng vào khoảng năm 1970. Bài thơ thất ngôn "Tím" của thầy hình như khoảng trên dưới hai mươi câu mà câu nào cũng có một chữ tím mà người đọc không cảm thấy nhàm, đó mới là cái hay, cái lạ. Thầy có nhiều tập thơ đã xuất bản, tên tuổi của thầy ngang ngửa với những nhà thơ cùng thời Viên Linh, Trần dạ Từ bấy giờ. Trong số tác phẩm của thầy, nếu như tôi nhớ không lầm (đây không phải là sự tưởng tượng mà hình như những gì còn nằm trong ký ức của tôi, nhưng tôi cũng không chắc chính xác 100%, cần phải kiếm chứng lại) thì một bài thơ nổi tiếng của thầy đã được người ta phổ thành nhạc mà chúng ta thường nghe mãi cho đến bây giờ đó là bản nhạc "Người Yêu Tôi Khóc". Ngày hôm qua tôi vào google.com gõ vào chữ Thế Viên nhưng không tìm được tên tuổi và infos của thầy chỉ có vỏn vẹn một bài thơ Dọc Đường đăng trên một website poem.tkaraoke.com - có link ở phần phụ lục - Chẳng nhẽ tên tuổi của thầy chưa đủ lớn trở thành nhà thơ có những tác phẩm để đời hay vì chính quyền Sài Gòn - Hà Nội muốn dẹp bỏ đi những gì thuộc về thế hệ cũ....
Search the world's information, including webpages, images, videos and more. Google has many special features to help you find exactly what you're looking for.
Đang có 56878 bài thơ và 117877 thành viên. Đang có 419 người truy cập trực tuyến. Mỗi lần tìm mất trung bình 0,239 giây.Sau này lên Sài Gòn học, tôi đã có lần gặp thầy lãng vãng ở trước cửa rạp hát Cao Đồng Hưng. Nghe nói, hình như thầy có bệnh .... Gay (đồng tính), nên thường lui tới nơi chốn đó để tìm đồng chí. Tội nghiệp, ngày xưa chúng ta sống trong xã hội mà mỗi một con người không dám chường ra bản sắc khác thường của mình vì xã hội đâu có tôn trọng cái sự khác thường đó. Sau năm 1975, tôi cũng gặp thầy lòng vòng ở chợ cũ Saigon, lúc đó thì thầy đã xuống sắc lắm rồi, mặt mũi thầy bơ phờ hốc hác và hằn vẻ sợ sệt, tôi hỏi thăm bạn bè thì mới biết ông thầy hình như có dính líu gì đến thế lực tình báo CIA lúc trước nhưng bị bỏ rơi lại cho nên ông rất sợ bị bắt, bị đấu tố.....Sau đó không lâu thì tôi đi vượt biên, những quá khứ dĩ vãng đành đóng gói lại thành bánh vứt vào nhà kho coi như lật sang một trang khác. Tôi ngờ rằng ông thầy của tôi đã không còn nữa. Một con người thi sĩ chỉ biết làm thơ, đặt nhạc, thuốc lào thâu đêm, mềm môi rượu cần thì làm sao có thể sống còn trong khung cảnh "kinh tế thị trường không ra kinh tế thị trường, cộng sản không ra cộng sản" và những người chiến thắng xem "tài sản thế gian như tài sản riêng của họ" muốn lấy lúc nào cũng được, mà "tài sản cá nhân của họ thì chớ có lạng quạng mó vào". Thầy Viên ơi, đây là hai câu thơ của em nhờ nhiều người góp ý họa lại riêng tặng cho thầy, xin thầy hãy cứ ngủ yên trong chân trời Tím đầy mộng mơ của thầy. Bọn chúng em, một lũ học trò già xa quê hương, lòng buồn quay quắt, đứng bên nây bờ Thái Bình Dương ngó mông về hướng tây cố nhìn thấy ở nơi xa xa có một vùng quê hương cũ, nơi đó có gần trăm triệu đồng bào đang lang thang trên bờ đại dương mầu Tím:Tím chiều, tím cả biển đông,Tím quê hương, tím mênh mông cuộc đời.Ngày xưa, ở thời khắc năm Mậu Thân, lúc đó chúng ta đang bị dồn vào thế thủ, vậy mà tiếng ngâm thơ của thầy vẫn nghe sang sảng, hào hùng"Trời sao nhiều tím quá em ơi". Còn bây giờ, đang dần bước tiến qua ngưỡng của tuổi hoa giáp, bọn chúng em cảm thấy lực cô thế kiệt, trước mặt mình chỉ thấy một màu tím mênh mông của cuộc đời.....Phạm Huê của lớp NĐC12B6 (1970-1971)
Tìm bài viết
Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị
Nhìn Ra Bốn Phương
Thứ Năm, 16 tháng 3, 2017
ÁO TÍM - GIA LONG - Phạm Huê
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét