Màn sân khấu lại được vén lên vào hôm Thứ Hai, 26 Tháng Tám, khi Quốc Hội “con dấu cao su” CSVN “nhất trí” biểu quyết “kiện toàn chức danh lãnh đạo” ở thượng tầng cai trị Ba ông, Chánh Án Tòa Tối Cao Nguyễn Hòa Bình, Bộ Trưởng Tài Chính Hồ Đức Phớc, Bộ Trưởng Ngoại Giao Bùi Thanh Sơn được đôn lên làm phó thủ tướng. Chỉ có ông Nguyễn Hòa Bình là phải rời Viện Kiểm Sát Tối Cao trong khi hai ông kia vẫn kiêm nhiệm sở cũ. Đại biểu Quốc Hội CSVN nhất loạt bấm nút thông qua một nghị quyết theo lệnh của đảng. (Hình: QHVN) Trước là bốn, nay chế độ có năm ông phó thủ tướng khi hai ông Trần Hồng Hà và Lê Thành Long vẫn còn giữ được ghế.
<!>
Khi ông Tô Lâm leo lên ghế tổng bí thư thay ông Nguyễn Phú Trọng mới chết, đây là một loạt thay đổi nhân sự cấp cao từ ngày 3 Tháng Tám đến nay. Chưa hết, thấy còn được loan báo Quốc Hội họp khóa Tháng Mười tới đây sẽ có người khác làm chủ tịch nước chứ ông không còn “một đít hai ghế” nữa.
Điều này là áp lực trong nội bộ đảng hay ông không muốn ôm trọn quyền lực như kiểu Tập Cận Bình ở Trung Quốc? Từ mấy ngày nay, người ta thấy dân mạng hóng hớt đưa tin Tướng Lương Cường, sau khi được “biên chế” vào Bộ Chính Trị, sẽ lại được đôn lên ghế chủ tịch nước lúc Quốc Hội họp Tháng Mười.
Hoặc tin tức nội bộ Trung Ương Đảng hoặc Bộ Chính Trị bị xì ra, hay cố ý xì ra như một thứ bong bóng thăm dò dư luận, không ai biết đích xác. Nhưng giới thạo tin và giới phân tích thời sự quốc tế thường dựa vào các cơ quan ngoại giao nên ít khi sai.
Tình hình chính trị CSVN thay đổi như chong chóng từ năm ngoái đến nay bị phê phán là ảnh hưởng không ít đến niềm tin của giới đầu tư ngoại quốc. Dù không ưa gì chế độ Cộng Sản và nạn tham nhũng tràn lan, họ ôm hàng tỷ đô la đến Việt Nam vì thấy nước này ổn định, nhân công rẻ nên dễ kiếm ăn. Bây giờ, xào xáo chính trị liền liền, chính sách sẽ như thế nào, làm họ nhức đầu và phập phồng không ít.
Việc công ty điện gió Equinor của Na Uy với đại dự án điện gió ngoài khơi bỏ chạy, đóng cửa văn phòng ở Hà Nội là một tín hiệu tiêu biểu chẳng hay ho gì khi chế độ cam kết bỏ dần nhiệt điện than là hệ quả của thay đổi chính sách. Trước đó, công ty chip điện tử Intel loan báo bỏ ý định mở rộng đầu tư tại Việt Nam để chạy qua Ấn Độ là một dẫn chứng khác.
Việc diệt trừ tham nhũng cũng đồng thời diệt trừ các phe cánh đối nghịch trong đảng là điều được thiên hạ đề cập nhiều chớ không phải người ta không biết gì. Phe cánh Hưng Yên của Tô Lâm, bè phái Thanh Nghệ Tĩnh của nhóm cấp cao trong đảng và Bộ Chính Trị, tranh bá đồ vương ra sao, người ta nói đầy ở trên mạng.
Nói diệt tham nhũng vì chúng tham nhũng có bằng chứng không chối cãi được. Nhưng những kẻ khác đương quyền liệu có trọng sạch không? Nếu có một cuộc khảo sát dư luận độc lập, được bao nhiêu phần trăm tin các quan chức CSVN từ trên xuống dưới trong sạch? Hay chỉ là “đồng chí chưa bị lộ”?
Lê Minh Khái, Đặng Quốc Khánh, Chẩu Văn Lâm và Nguyễn Xuân Ký là quan tham (từ trái qua phải) mới “thôi chức” vì tham nhũng. (Hình: Tuổi Trẻ)
Suốt nhiều năm qua, guồng máy tuyên truyền của chế độ ra rả nói “xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh theo tinh thần nghị quyết đại hội của đảng.” Nhưng hàng năm, hàng chục ngàn đảng viên theo chân nhau vào tù hoặc bị ép “thôi chức” để đảng đỡ xấu mặt dù đã chắt lọc để có đảng viên “chất lượng cao.” Thiên hạ không phải ai cũng mù cả.
Tiếng là “thực hiện tốt chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” để “phát tiển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.” Thực tế với những gì đang diễn ra trái ngược với những gì guồng máy tuyên truyền khua gõ ầm ĩ. [kn]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét