TÌNH NỒNG PARIS - Tâm cảm Nguyễn Phan Ngọc An
Thời gian qua nhanh quá, mới đó mà đã hai tuần tôi rời xa kinh đô ánh sáng Paris, trở về Cali, trở về với cuộc sống thường nhật, chẳng còn đủ hấp dẫn với những người không còn trẻ nữa như tôi … Mùa Thu đã thực sự về với nhân loại, lá vàng rơi tung khắp ngã đường, tôi co ro bước từng bước một với khí trời lạnh buốt chiều nay, những khuôn mặt của khung trời ánh sáng Paris như ẩn hiện quanh tôi … tôi dừng lại bên ghế đá công viên và lấy giấy bút ra ghi vội vàng từng nhân vật vừa tiềm tàng trong tim óc của mình với cõi lòng lâng lâng khó tả …
Ðây là lần thứ hai tôi đến Paris, thủ đô nước Pháp, nơi được mệnh danh là kinh đô ánh sáng của thế giới – Ðoàn chúng tôi đi Pháp tham dự ngày Văn Hoá Thu Tao Ngộ gồm có 16 người : Họa sĩ Vũ Hối, Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Dung, Nhà văn Phong Thu từ Virginia, Nhà văn Duy An Ðông, Nhà vănTôn Nữ Mặc Giao, Nhà ăn Nguyễn Phan Ngọc An từ San Jose, Anh chị BS Phan Văn Thành – Nhà văn Tiểu Thu từ Canada, Anh chị Nhà báo Nhà văn Ðoàn Phú Lạc- Chu Kim Oanh từ Arizona, Nhà thơ Lưu Hồng Phúc, anh Thuận từ Dallas, Nhà biên khảo GS Nguyễn Văn Nhiệm, Nhà văn Vũ Nam và anh chị Nhà văn Trúc Giang đến từ Ðức Quốc.
Nhà văn Dư thị Diễm Buồn là người phụ trách thực hiện cuốn Món Ăn Theo Bước Di Tản lại vắng mặt vì hoàn cảnh gia đình vào giờ chót, thiếu vắng chị chúng tôi rất buồn trong lòng ! Ngồi yên lặng trên phi cơ để đầu óc tôi nhớ lại những kỷ ni.ệm xa xưa đã trôi qua 7 năm rồi, lòng hồi hộp biết bao khi nghĩ tới ngày được nhìn lại thành phố hoa lệ nhất thế giới, gặp lại anh Ðỗ Bình, chị Thúy Hằng, anh Lê Mộng Nguyên, anh Nguyễn Thùy, Nhạc sĩ Trọng Lễ, Nhà thơ Hoài Việt TS Nguyễn Văn Hướng, Nhà báo anh Huỳnh Tâm, Nhà văn Từ Trì, Nhà thơ Quyện Tâm và tất cả các anh chị trong Ban Tổ Chức mà tôi chưa được quen biết như anh chị TS Võ Hùng Anh, nhạc sĩ Lê Trạch Lựu, GS Phạm Ðình Liên và phu nhân Minh Cầm, BS Nguyễn Bá Hậu, nhà văn nhà báo Tô Vũ, Nhà văn Trần Ðại Sỹ, Nhà biên khảo anh Nguyễn Thanh& Mây Thu …nhưng phải nói là mong nhất được gặp lại anh Hồ Trường An vì sau khi ra mắt cuốn Quê Nam Một Cõi tại miền Bắc Cali thành công tốt đẹp, anh trở về Pháp và bị stroke nằm một chỗ gần hai năm nay.
Tôi còn nhớ năm 2002 tôi đến Paris với một phái đoàn hội thơ đông đảo do nhà thơ Lê Quang Sinh tổ chức thực hiện chuyến đi với 48 hội viên của hội – BTC là nhà thơ Hoài Việt, nhà văn Từ Nguyên, nhà thơ Quyện Tâm, nhà văn Mạnh Bích, nhà văn Từ Trì và phu nhân, MC là phu nhân anh Mạnh Bích – Quý anh chị đã tổ chức thành công tốt đẹp với số quan khách đông đảo, nhưng vài năm sau thì nhà văn Mạnh Bích đã từ giã trần gian, đến bây giờ nhắc đến GS Mạnh Bích lòng tôi thương tiếc vô cùng, một người chân tình đáng quý đã cùng rất nhiều anh chị khác hướng dẫn đoàn 48 người chúng tôi tham quan khắp nơi trên nước Pháp…Ngày xa xưa ấy không bao giờ phai nhạt trong tôi ! Cũng thời gian ấy nhà thơ Ðỗ Bình đã tổ chức cho tôi một buổi ra mắt sách tại nhà hàng Chiều Tím Paris - Nhắc đến lòng tôi cảm động vô cùng, tấm lòng và sự nhiệt tình của nhà thơ Ðỗ Bình không ai mà không biết, tôi là người đầy may mắn nên đã có cơ duyên được quen biết khi anh sang Cali nói chuyện về đề tài Tính Nhạc Trong Thơ, do hội thơ Tài Tử tổ chức ở Sacramento.
- Buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật do Câu Lạc Bộ Văn Hóa VN Paris tổ chức hôm ấy tôi vẫn còn nhớ, số người tham dự dù cấp bách tổ chức vẫn hơn 100 quan khách toàn là những khuôn mặt nổi tiếng trong giớ trí thức văn nghệ sĩ Paris. Giáo Sư Nguyễn thị Hoàng giới thiệu tác phẩm, nữ nghệ sĩ Bích Thuận diễn ngâm và hát – Ca sĩ Thúy Hằng và một số ca nghệ sĩ Paris cùng trình diễn tân nhạc – Nhà thơ Trọng Lễ độc tấu Lục Huyền Cầm, nữ giáo sư Quỳnh Hạnh Đàn Tranh – Anh Ðỗ Bình vừa là MC vừa giới thiệu tác giả…Chiều ấy đến nay vẫn không hề quên trong lòng tôi, xin mượn bài viết này gửi lời tri ân đến quý anh chị.
Máy bay chúng tôi đáp lại Montréal Canada và sau hai giờ thì transfer qua chiếc phi cơ đến Pháp – Vui làm sao khi gặp lại các anh chị đã chờ sẵn tại phi trường, ngoài các anh đã thân quen Ðỗ Bình, Nguyễn Thùy còn có các GS Phạm Ðình Liên và phu nhân Minh Cầm, Nhạc sĩ Minh Nhật, Nhà biên khảo NguyễnThanh và phu nhân Mây Thu, Nhà văn Mai Ling, và nhà hoạt động xã hội làanh Trần Minh Răn, anh là người rất nhiệt tình xách phụ những valise và đưa chúng tôi lên hai xe về khách sạn - Tại đây chúng tôi gặp thêm nhiều anh chị khác như Giáo Sư Nguyễn Ngọc Chân, anh chị TS Võ Hùng Anh, nhạc sĩ Lê Trạch Lựu, nhà văn Phạm Văn Kiểm (chủ nhiệm báo Forum Đức Quốc), TS Hải Yến, anh chị Thy Như nhà hoạt động xã hội, chị Vũ Lan Phương đã từng là chủ nhà hàng Ðào Viên lâu năm tại Paris nên chị quen thân rất nhiều thi văn hữu.
Ðoàn chúng tôi được BTC phân phối thành 5 nhóm – Các anh chị của miền kinh đô ánh sáng quả rất nhiệt tâm và tình cảm chứa chan - Một nhóm theo sự hướng dẫn tham quan của anh Chân, anh Minh Nhật, một nhóm theo anh chị Nguyễn Thanh và chị Mây Thu, một nhóm theo sự hướng dẫn của anh chị Hải Yến, nhóm chúng tôi theo chị Ngành, chị Lan Phương, chị Mai Ling và chị Thy Như đi lên thành phố Troyes thăm nhà văn Hồ Trường An, anh Ðỗ Bình hướng dẫn họa sĩ Vũ Hối và nhà văn Nguyễn Thùy cùng GS Nguyễn Bảo Hưng, Nhà biên khảo GS Nguyễn Thanh đi xem các bảo tàng hội họa cách Paris hàng trăm cây số - Chuyến đi Troyes gồm 2 xe Van, mỗi xe 7 chổ ngồi - Ðường đi xa thẳm có đến hơn 200 cây số nhưng trong lòng ai cũng vui vì sắp gặp nhà văn tên tuổi mà con tạo sắp bày tai họa đến bất ngờ cho anh – Văn miền Nam của anh Hồ Trường An đã lừng lẫy trong giới độc giả yêu văn chương hàng mấy chục năm qua, nói đến anh là nói đến văn phong chữ nghĩa người miền Nam, tác phẩm của anh đã xuất bản có đến trên 60 cuốn, một gia tài đồ sộ, một sự nghiệp văn chương vào hàng phải nể phục.
Chúng tôi đến nơi nhà văn Hồ Trường An cư ngụ, một người Pháp tên Bernard ra tận ngoài chổ xe đậu đón chúng tôi, anh hiền lành và vui vẻ đưa chúng tôi lên lầu 2 gặp anh An - Hơn hai năm mới gặp lại, trông anh An hốc hác gầy ốm hơn xưa, ngồi trên xe lăn đôi mắt nhìn chúng tôi rưng rưng cảm động, một tay anh còn nhúc nhích cử động, tay kia thì băng kín và bất động, một chân cũng bất động như tay và chân còn lại cũng chỉ xê dịch miễn cưỡng mà thôi… Ðau lòng thay cho người anh thân thương, mới hôm nào tại San Jose oai phong lẫm lẫm, ai ai cũng trầm trồ khen anh đẹp trai tráng kiện và chen nhau tới chụp hình với anh - Ðịnh mệnh quái ác, không biết thời gian có trả lại cho anh những ân sũng một thời đã qua, trả lại cho anh nét thanh tú hoàn hảo nữa không hay phải chịu tật nguyền suốt kiếp – Ôi, nghĩ đến điều này lòng tôi chùng hẳn xuống tưởng như cơn bão táp cuồng phong đang trút xuống đầu nhân gian thảm khốc !
Chị Ngành chu đáo bày biện 2 bữa ăn trưa và chiều cho nhóm chúng tôi – Xin thành thật cảm ơn sự nhiệt tình của chị khi biết chị ở khá xa nơi này - Ði tham quan vài chổ trong thành phố Troyes, anh An vì vui cố gắng cùng đi, anh Bernard phải bế anh An lên xe cùng chiếc xe lăn, chúng tôi nhìn thấy cảnh ấy lòng bùi ngùi khôn tả, chào từ giã ra về trong nghẹn ngào rơi ngấn lệ.
Trưa hôm sau, chúng tôi gồm có anh chị Ðỗ Bình, họa sĩ Vũ Hối, nhà văn Nguyễn Thùy, nhà văn nữ Nguyễn Thị Ngọc Dung và tôi được Ông bà Giáo Sư Nguyễn Ngọc Minh và phu nhân Ðỗ Quyên mời tham dự Party tại tư gia - Một ngôi nhà trên tầng 4 nằm trong khu biệt thự sang trọng, chúng tôi được chủ gia tiếp đón nồng hậu, quan khách gồm những vị trí thức và trưởng giả quí tộc, những vị phu nhân một thời vàng son trước 1975 - Ðặc biệt bà chủ nhà là một ca sĩ trình bày các bản nhạc Opéra lừng danh, tiếng hát cất lên cao vút mà không cần dùng micro, tiếng vỗ tay nồng nhiệt từng chập dành cho nữ ca sĩ Ðỗ Quyên – Nhóm chúng tôi được xem như khách quý và được trang trọng mời lên giới thiệu cùng thân hữu buổi họp mặt - Chị Ngọc Dung hát, tôi ngâm thơ, tiếng vỗ tay tán thưởng khiến chị Dung bảo thầm vào tai tôi “ vẻ vang dân Việt” khiến cả hai cùng cười xòa - Chị Vân Khanh người bạn học chung trường chung lớp với chị Ngọc Dung thời Trưng Vương áo trắng, hơn 50 năm gặp lại ôm chầm lấy nhau mừng vui vô kể - Anh chị Nguyễn Thanh – Mây Thu từ sáng sớm đã lái chiếc xe hơi nhỏ đến Hotel đón tôi và chị Ngọc Dung đến party, chủ nhà mời nhưng anh chị đã có hẹn trước nên không dự. Đây là một cặp uyên ương thật đẹp đôi và thật hạnh phúc - Ðến 4 giờ chiều anh chị trở lại đón chúng tôi khi tiệc chưa tàn, cái tình cảm thiết tha của anh chị NA không thể nào quên được. Chúng tôi chào từ giã mọi người trong khi tiếng ca hát ngâm nga vẫn còn đang vang vọng trong căn nhà ấm cúng – Chúng tôi hẹn gặp lại ông bà chủ gia và quan khách vào trưa ngày 4/10/09 là ngày chính cho buổi Văn Hóa Thu Tao Ngộ do nhà thơ Ðỗ Bình cùng quý anh chị tổ chức.
Ðường phố Paris chật và thường bị kẹt xe, hai chiếc xe hơi của chúng tôi bị kẹt cứng trên đường đến tham quan nhà thờ Sacré- Coeur - Chị Thúy Hằng chở anh Ðỗ Bình, anh Vũ Hối, anh Nguyễn Thùy – Anh Thanh chở 3 chúng tôi - người dân Paris có cách sống không giống dân Mỹ, mà cách sống lại giống dân Việt Nam, họ thường đi bộ đông đúc ngoài đường, ban đêm tấp nập trong các quán cà phê, quán ăn đến khuya vẫn chưa tàn, khiến tôi liên tưởng đến quê hương và thấy lòng nao nao một niềm thương nhớ quê cha đất tổ, người dân Tây nơi đây họ sống rất nhàn hạ thoải mái thì giờ tuy rằng vật giá nơi đây rất đắt đỏ, tôi nhớ mãi đêm đầu tiên chị Thy Như dẫn chúng tôi đi bộ trên đường phố Paris về đêm, đi mãi đi mãi thật xa gặp các người khách nghệ sĩ Pháp chúng tôi cùng nhập vào ca hát líu lo giữa lộ về khuya, vui thật là vui … Thế rồi tất cả 9 người cùng mỏi chân quá, bảo chị Thy Như cho trở về thì mới hay không thể nào… vì quá xa đành dẫn nhau đi thêm một quảng nữa để đển trạm xe bus – Chân cẳng rã rời, gặp được xe bus trờ đến cả bọn mừng như bắt được vàng vội vã lên xe và xe chạy mãi vẫn chưa đến Hotel, nếu đi bộ trở về chắc là chết sướng hơn phải không đoàn tham quan đi bộ của chúng ta ??? Ở đây không có xe hơi tầm cỡ lớn và dài vì parking rất ngắn và chật, theo cách nói của người dân bên Pháp thì xe hơi nào muốn vào Parking đậu đều phải tông đằng trước rồi tông đằng sau ầm ầm mới vào được, xe nào cũng mang dấu tích đầu và đuôi xe bởi thật sự khi chúng tôi vào chỗ đậu gian nan vô cùng, vào đã khó mà khi ra càng khó hơn, đành phải đụng cộp cộp vào đầu đuôi các xe khác thôi – Mà cũng lạ, chẳng có ai chạy ra complain hoặc cảnh sát đến phạt gì cả - Tất cả tự nhiên như chẳng có gì xảy ra trong khi chúng tôi ngồi trên xe run cầm cập bởi xứ Mỹ mà như thế là bị gọi Police làm report ngay để lãnh phạt mấy trăm đô rồi đấy !
Chiều hôm sau xe bus 50 chỗ ngồi đến đón chúng tôi tại khách sạn, một Tour đi chơi dòng sông Seine và ăn nhà hàng Ý quả tình thật vui và hấp dẫn - Chiếc thuyền chở nhóm Ban Tổ Chức và chúng tôi được ưu tiên ngồi phía trước, khách trên tàu ra ngồi phía sau – Sông nước nhịp nhàng khiến lòng người lắng dịu, êm ả vô tư… Ði ngang chỗ công nương Diana tử nạn, tôi thấy ngậm ngùi thương xót một công nương đầy lòng từ ái sớm bạc phần – Ði tới đoạn nào là GS Lê Mộng Nguyên và nhà thơ Ðỗ Bình phân tích giảng giải cho đoàn chúng tôi từng chi tiết về lịch sử các di tích thật là hấp dẫn cho chúng tôi hiểu biết thêm về những câu chuyện xa xưa huyền bí của nước Pháp - Những tấm ảnh chụp trên tàu sẽ là những kỷ niệm mang về xứ Hoa Kỳ cho chúng tôi niềm tự hào đã được tham quan Kinh Ðô ánh sáng bởi thật tình có biết bao người cư ngụ ở Mỹ thật lâu vẫn chưa đến Paris lần nào cả. Riêng bản thân tôi rất nghèo, nay làm mai off nhưng may mắn nhờ vào duyên văn nghệ mà có dịp đi đây đi đó – Âu cũng là cơ duyên cho mình vậy.
Nhà hàng Clément của Ý, tọa lạc trên đại lộ Champs Élysée nổi tiếng sang trọng của Paris cho chúng tôi những món ăn lạ miệng, hấp dẫn du khách bốn phương đến với nhà hàng – Trên đường trở về khách sạn, xe dừng lại bên góc tháp Eiffel, tài xế rất tinh, 5 phút sau đèn tháp Eiffel bật sáng chiếu rực lên liên hồi, đẹp và ngoạn mục vô cùng khi chúng tôi ở cận kề bên chân tháp – Mãi mê với những vĩ đại và đồ sộ thắng cảnh lịch sử của nước Pháp, đoàn chúng tôi đã tham quan tháp Eiffel, nhà thờ Notre Dame, nhà thờ Sacre’- Coeur, Opera Garnier, La Conciergerie , vườn Luxembourg (Lục Xâm Bảo) … và nhiều di tích nữa mà tôi không thể nhớ hết…
Ngày chính thức đã đến, quan khách chật ních cả hội trường, toàn những thành phần chọn lọc : Tôi nhìn thấy Giáo Sư Bùi Sĩ Thành gần 90 tuổi mang theo mình cả bình dưỡng khí đến tham dự mà lòng tôi nao nao xúc động trước tấm lòng yêu văn hóa Việt Nam vô bờ của Giáo Sư, vô cùng trân quý và cảm tạ sự hiện diện của ông - Giáo Sư Thái Hạc Oanh đến tham dự trên chiếc xe lăn có người đẩy, ôi nhìn cụ bà năm nay đã ngoài 90 mà vẫn yêu ngôn ngữ VN đến thế, xin ghi sâu cái tình văn học cao quý mà quý cụ đã dành cho đàn con cháu hậu sinh này - Bác Sĩ Phạm Hữu Trác, đại diện cộng đồng Canada và hải ngoại cũng đã nhín thì giờ quý báu đến chung vui, nhà văn Hồ Trường An vào hội trường với chiếc xe lăn do anh Bernard đẩy xe, trên tay cầm một khúc bánh mì và một hộp nhỏ đưa tận tay tôi - Cảm động xiết bao khi tôi mở ra thấy một thỏi son hồng rất đẹp – Tình văn hữu cao cả làm sao, xin chân thành ghi nhận tình cảm trân quý anh đã dành cho tôi. Từ cách xa trên 200 cây số, anh An và anh Bernal lái xe dìu dắt nhau đến với Chiều Tao Ngộ, xuống tầng dưới nhà thờ với chiếc xe lăn sẽ trở ngại vô cùng vậy mà anh và Bernard vẫn có mặt đúng giờ, thật tôi nhìn anh An và anh Bernal mà lòng cảm xúc dâng tràn…
Còn nhiều lắm những niềm vui bất ngờ đến với tôi, nhạc sĩ GS Nguyễn Đình Tuấn tìm tôi để gửi bản nhạc mà anh đã phổ gần 10 năm nay khi tôi đến Paris năm 2002, bài thơ Rừng Thu Xưa Vẫn Nhớ đã làm cảm xúc và anh đã phổ nhạc chờ ngày gặp giao cho tôi, chương trình truyền thông văn hóa Việt do anh Huỳnh Tâm phụ trách mời tôi đến phỏng vấn, vui làm sao khi gặp lại anh Huỳnh Tâm, anh Đình Tuấn và chị Yến của truyền hình TVV, bài thơ phổ nhạc đã được tác giả hát và bài thơ mùa Thu cũng được ngâm trong chương trình phỏng vấn dài trên 30 phút – Xin đa tạ những chân tình đã dành cho tôi trong phút giây hạnh ngộ.
Buổi Thu Tao Ngộ thân tình và trang trọng, quý nhân sĩ thương mến BTC đã đến rất đông, được biết ngày 4/10 có đến mấy hội đoàn tổ chức, anh Ðỗ Bình rất lo lắng số quan khách sẽ bị chia nhiều nơi nhưng thật không ngờ, địa điểm hội trường của nhà thờ nằm khuất và sâu dưới mấy tầng vẫn có những tâm hồn đồng điệu, yêu chữ nghĩa văn chương Việt Nam nên đến chung vui ngày họp mặt : ÔB BS Phan Khắc Tường chủ tịch cộng đồng người Việt tại Paris, nhìn thấy sự điềm đạm và mẫu mực qua tư cách, tự nhiên tôi thấy gần gủi và trân quý ông bà Chủ tịch thật nhiều - Nhà văn Tô Vũ đến với hai chiếc gậy trong hai tay, mái tóc bạc trắng, lưng đã khòm với tuổi đời chồng chất, nhưng tâm hồn ông vẫn trẻ và yêu đời, luôn nở nụ cười trên môi chào mừng xiết tay thật chặt chứng tỏ cả tấm lòng bao la ông dành cho nhóm trẻ chúng tôi - nhạc sĩ Lê Trạch Lựu tác giả nhạcphẩm tiền chiến vang bóng một thời « Em Tôi », đôi chân đi khập khiểng nhưng niềm tâm cảm dạt dào vẫn hiện rõ trong đôi mắt khi anh tiếp xúc với đoàn chúng tôi – Tôi được dịp gặp gỡ anh chị tiến sĩ Võ Hùng Anh& nhà thơ Từ Thạch, anh thì cao lớn, chị thì thấp nhỏ nhưng dường như họ là một cặp uyên ương không rời nhau gang tấc kể từ khi du học Pháp năm 60 - Một nhà điêu khắc gia nổi tiếng của Paris, bà Anh Trần cũng đã đến chung vui với chiều Thu Tao Ngộ, chúng tôi còn nhận thấy sự hiện diện của nhà điêu khắc gia tên tuổi Lê Ngọc Khoa, Bác Sĩ Nguyễn Bá Hậu, ôi đẹp thay một tâm hồn lương y yêu văn hóa Việt Nam, ông dành bao nhiêu thời gian có được sáng tác thơ văn nhạc để cống hiến cho đời niềm tự hào của một con người làm chức vị chuyên môn vẫn không bỏ quên ngôn ngữ mẹ đẻ, xin cảm ơn Bác Sĩ đã cùng Bác sĩ Nguyễn Hoàng Việt tận tình giúp anh Ðoàn Phú Lạc với cái chân gout hành hạ và xin cảm ơn B/S đã ưu ái tặng NA 2 cuốn Hoa Tâm và Tha Hương với bút hiệu Phương Du - ÔB Bác Sĩ Huỳnh Trung Nhì quả là đôi nhân tình cao tuổi đẹp đôi mà NA đã được gặp và chuyện trò tại nhà chị Ðỗ Quyên, hôm nay ông bà vẫn dành thời giờ quý báu đến chung vui, thật vô cùng cảm kích - Nữ ca sĩ Ðỗ Quyên, tiếng hát vang vọng cả hội trường, Opéra là loại nhạc cổ nhưng rất thịnh với giới thượng lưu nhàn nhã, trên sân khấu trông bà như một nữ ca sĩ đặc thù, chuyên nghiệp nhưng ai biết được trong gia đình bà là một người nội trợ xuất chúng, buổi party hôm chúng tôi được mời đến do một tay bà nấu nướng khoãn đãi trên 60 thực khách, tôi thầm phục một người phụ nữ tài năng ngoài xã hội và giỏi giang cả trong gia đình…
Cộng đồng Paris thể hiện cho tình người Việt lưu vong thắm thiết, chúng tôi thừa hiểu tạo được một buổi họp mặt không phải dễ dàng vì người Việt cũng không nhiều, đường xá xe cộ đi lại khó khăn, phần đông phải đi xe Métro vì không có parking đậu xe, vậy mà theo danh sách tôi ghi nhận được từ BTC thì quả thật quý vị đã quá nhiều ưu ái, hiếu khách dành cho đoàn chúng tôi từ xa đến, nói đúng hơn quý anh chị trong BTC đã được nhiều yêu thương từ quý vị nên Chiều Thu Tao Ngộ còn rất nhiều gương mặt thân thương hiện diện như : Luật sư Lương Ngọc Chấn, Tiến sĩ Trần Minh Trâm, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hướng ( nhà thơ Hoài Việt) Bà Ðỗ Quyên, ÔB KS Võ Hoài Nam ( nhà văn Tiểu Tử) nhà văn Âu Dương Trọng Lễ, gặp lại anh Trọng Lễ, quả thật tôi không ngờ, anh trẻ ra và đẹp trai mập mạp hồng hào hơn 7 năm về trước, gặp lại NA mừng quá và cảm ơn anh đã tặng cuốn Quê Hương Và Tình Yêu gồm Thơ Truyện và rất nhiều hình ảnh quê hương gợi cho tôi niềm rạt rào thương nhớ dòng sông quê Mẹ - ÔB GS Tiến sĩ nhạc sĩ Phạm Ðình Liên vẫn keo sơn gắn bó như thuở nào, nhìn chị Minh Cầm không thể ngờ đã 71 cái xuân xanh, trông chị rất trẻ có lẽ nhờ anh Liên có bí quyết chăm sóc - Giáo sư Như Mai, Giáo sư Phạm thị Nhung, GS Bác sĩ Vũ Thị Thoa, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Ðàn, nhà báo Nguyễn Bảo Hưng, nhà văn Liều Phong, KS Nguyễn Xuân Lang, Họa sĩ Nguyễn Ðức Tăng, GS Bùi Hữu Tình, BGS Bích Khuê, TS Huệ Châu, GS Nguyễn Thanh Vân, Bích Liên, Nhạc sĩ Michel Tùng, Nhạc sĩ Huy Hoàng, Nhạc sĩ Minh Nhật, Nhạc sĩ Minh Mạch, Nhạc sĩ Trần Văn Trung, nhà báo Phạm Hữu, nhà tranh đấu Trần Hồng ( cựu TTK Văn Phòng liên lạc), ÔB BS Tạ Thanh Minh Chủ tịch Hội Y sĩ Tự Do tại Pháp, Ông Nhất Long, nữ nghệ sĩ Diệu Khánh, nhà văn nữ Bích Xuân, BS Phạm Ngọc Tỏa ( Cựu Chủ Tịch Hội Y sĩ VNTD), ÔB BS Nguyễn Ðương Tịnh hội Hành Thiện, ÔB G/S Bùi Xuân Quang, GS Nguyễn Ngọc Chân hội Chuyên gia, ÔB tiến sĩ Võ Hùng Anh, ÔB BS Phạm Ðăng Thiện&LS Dương Minh Châu, KS Ðỗ Hữu Hứa, Bác Sĩ Nguyễn Hoàng Việt, nhà văn Chu Chi Nam (Liên Ðảng), ÔB Nguyễn Minh Răn ( Chủ tịch văn phòng Liên Đới xã hội), Ô Phạm Văn Ðức( văn phòng Liên lạc quân nhân Âu Châu), Ô Châu Văn Lộc ( Hướng Ðạo VN), Ô Nguyễn Tường Long ( Tổng thư ký Văn phòng Liên lạc các Hội Ðoàn tại Pháp), Ô Lê Minh Triết ( VNQD Ðảng), Ô Lê Văn Tư (Đại Việt QDĐ), BS Nguyễn Minh Tân (VNQDĐ), BS Trần Phước Thọ, LS Trương Hữu Lương, Nữ Sĩ Quỳnh Liên, Nhà thơ Lê Chí Thạnh, ÔB GS Nguyễn Thanh & Nhà thơ Nguyễn Mây Thu, Nhà văn Mai ling, Nhà hoạt động xã hội Thy Như ..vv…và còn nhiều các bậc trưởng thượng tham dự nữa nhưng tôi không hân hạnh biết, xin quý vị niệm tình tha thứ cho. Với một lượng quan khách tham dự hùng hậu và tên tuổi như thế quả là BTC thật tài tình và được nhiều cảm tình từ mọi phía…
Bắt đầu chương trình, nghi lễ Quốc ca VN do anh Nguyễn Hữu Xương điều khiển, tiếp theo là lời chào mừng của Ông Chủ tịch Phan Khắc Tường, Họa Sĩ Nguyễn Ðức Tăng thay mặt BTC gửi lời ngỏ thân tình đến quý quan khách hiện diện, một màn rước đèn Trung Thu do các em nhi đồng trình diễn rất vui mắt, nhà thơ Phương Du đọc thơ Thu, nhà thơ Hoài Việt đọc thơ Thu…
Ðoàn chúng tôi rất hãnh diện được MC Đỗ Bình mời lên trình diện quan khách Paris, hai MC nhà văn Vân Hải & nhà thơ Ðỗ Bình nhịp nhàng linh động với chương trình tâm tình của các diễn giả GS Lê Mộng Nguyên, nhà văn Nguyễn Thùy, nhà văn Hồ Trường An …Tâm tình Thu Paris và Tâm Hồn nghệ sĩ, GS Lê Mộng Nguyên tâm cảm gợi lại bao kỷ niệm về mùa Thu làm lòng tôi bồi hồi xúc động, GS Nguyễn Thùy đôi dòng phân tích về cuốn Món Ăn Theo Bước Di Tản nội dung chất chứa bao nhiêu kỷ niệm trong tâm hồn 13 tác giả trên bước lưu vong, tình yêu Tổ quốc, yêu gia đình mãi trường tồn trong trái tim những tác giả định cư Hoa Kỳ, Đức Quốc và Canada nay không ai còn trẻ nữa, người trẻ nhất trong đoàn cũng đã trên 50 cái xuân xanh - Nhà văn Hồ Trường An lên sân khấu với chiếc xe lăn mà thấy thương làm sao, anh vẫn được ca tụng là điển trai nhất nhì trong nhóm cầm bút, thế mà hôm nay … anh tâm tình đầy xúc cảm và không quên giới thiệu hai cuốn Hoa Vàng & Nam Phong do Ngọc An thực hiện năm 2003 và 2005 với số đông tác giả chọn lọc – Nữ sĩ Thái Hạc Oanh lụm cụm cùng chiếc xe lăn lên sân khấu góp lời ủng hộ tinh thần văn học, khuyến khích các tài năng trẻ - Ca sĩ Ðỗ Quyên trình bày một trích đoạn Les Voiles Opéra Don Carlos của Verdi với phần đệm dương cầm của nữ giáo sư nhạc sĩ người Pháp Nicole Rivière – Nữ Ca sĩ Ambrosio Laurant trình bày ca khúc Serenata của Toselh - Nhà văn Nguyễn thị Ngọc Dung được mời lên giới thiệu tờ tam cá nguyệt Cỏ Thơm mà chị là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút tại vùng Hoa Thịnh Ðốn nhiều năm qua, tiếng đàn tranh thánh thót của Nữ GS Âm nhạc Nguyễn Thanh Vân trình bày bài Tương Tư Ngự đã làm hội trường im phăng phắc lắng nghe như đọng từng nốt đàn vào tâm khảm, dìu dặt mà trầm lắng xốn xao…Khi Ngọc An lên ngâm bài thơ Mùa Thu Trên Ðất Nước Tôi đã được tiếng đàn tranh của chị Thanh Vân và tiếng sáo trúc của anh Trần Tam Nguyên yểm trợ nên tăng thêm phần hồn cho bài thơ nói về mùa Thu của ba miền Nam Trung Bắc đã được quan khách lắng nghe và chia xẻ nhiệt tình – Tiếp theo là phần giới thiệu tác phẩm của nhà văn Âu Dươg Trọng Lễ, nhà văn nữ Trúc Giang do các nhà thơ Quyện Tâm và nhà văn Tô Vũ nhận định – Sau đó là bài nói chuyện của GS Phạm thị Nhung về Giai thoại cuộc tình lãng mạn của thi sĩ Vũ Hoàng Chương cùng người đẹp Tố Uyên đầy say mê và cảm động – Xen kẻ chương trình là phần độc tấu Guitar của NS Phạm Ðình Liên, Paris trong thi ca của GS Từ Trì, Người Tình Trong Âm Nhạc của NS Lê Trạch Lựu, GS Nguyễn Bảo Hưng với chủ đề : Sự Huyền Diệu Của Tiếng Việt, Ca sĩ Thúy Hằng trình bày bản nhạc Sương Thu, giọng trầm buồn sâu lắng làm lắng đọng bao tâm hồn yêu nghệ thuật nước nhà, và còn nhiều lắm ca sĩ Minh Cầm, Minh Nhật, Bích Liên, Ngọc Châu…lên trình diễn những bài ca toàn về mùa thu nên buổi Thu Tao Ngộ thật hoàn toàn có ý nghĩa sâu xa và khó quên – Nhà văn nữ Trúc Giang lên sân khấu góp ý tưởng và kể lại lập trường đấu tranh sôi nổi của người dân nước Đức -
Chúng tôi rất tiếc là thời gian không cho phép và chương trình đã quá dài chứ nếu còn thời gian thì các nhà thơ nhà văn của chúng tôi tuy cầm bút nhưng cũng là những ca sĩ, nghệ sĩ có hạng của Hoa Kỳ và Canada, Ðức Quốc sẽ lên cống hiến tài năng với quý vị, thôi xin hẹn vào một dịp khác vậy, nhưng đâu dễ gì quý vị ơi, nên rất tiếc và rất tiếc…Phần văn nghệ hào hứng nên hấp dẫn quan khách ngồi lại đến giờ phút chót - Miền đất Paris theo tôi biết thì rất khó khăn tụ họp nhưng buổi tổ chức Thu Tao Ngộ đã quy tụ nhiều gương mặt sáng chói của cộng đồng Paris chứng tỏ BTC có tầm cỡ và tình cảm, tình đồng hương thâm sâu đậm đà như thế nào rồi. Một lần nữa xin cảm tạ anh chị Ðỗ Bình và quý anh chị trong BTC thật nhiều. Cảm tạ quý quan khách đã dành thì giờ quý báu đến chung vui với chúng tôi, nhất là các vị phải dùng xe lăn, mang theo cả bình dưỡng khí và các vị thật cao tuổi - Cảm động biết chừng nào với tấm lòng yêu văn hóa Việt Nam của quý vị - Cảm ơn chị Bích Xuân đã dành cho 4 người chúng tôi: anh chị Ðoàn Phú Lạc – Chu Kim Oanh – Phong Thu và Ngọc An những tình cảm thật đẹp. quý anh chị Nguyễn Thanh& Mây Thu, Hải Yến, Minh Nhật, Mai Ling, Thy Như, anh chị Võ Hùng Anh, Anh chị Phạm Đình Liên, anh chị Nguyễn Ngọc Minh& Đỗ Quyên …tất cả quý vị đã bỏ nhiều thì giờ quý báu đưa đoàn chúng tôi tham quan thắng cảnh Paris, cảm ơn chị Minh Cầm và Chu Kim Oanh đãi một buổi ăn tối tại Phở Hòa trước khi rời Paris, xứ thần tiên về thắng cảnh. Chắc chắn bài viết này còn rất nhiều thiếu sót , bởi tôi từ phương xa đến không thể am tường, xin quý vị rộng lượng đừng chấp nhất, xin ơn trên ban cho tất cả đồng hương tại nước Pháp an lành hạnh phúc. Kính chúc quý vị cao niên của miền kinh đô ánh sáng Paris sống trường thọ, quý vị đang mang bệnh hoạn tật nguyền sớm trở thành lành mạnh để có ngày NA trở lại Paris còn được gặp gỡ hàn huyên cùng tất cả quý vị…
Chiều Văn Hóa Thu Tao Ngộ tại Paris đã được ghi lại từng chi tiết, thực hiện thành những cuốn DVD thật đẹp qua các anh Ðoàn Phú Lạc, BS Phan Văn Thành và anh Duy An Ðông, xin cảm ơn các anh thật nhiều - Về phần chụp ảnh thì dường như ai cũng mang theo máy ảnh, do đó buổi du lịch Paris quả tình không uổng phí và vô cùng ý nghĩa cho một ngày đầu thu tình thơ văn kết tụ.
Rồi tất cả đã trở lại bình thường, nhưng dư âm vẫn còn vang vọng, trời mùa thu Cali buồn não nuột, những chiếc lá vàng rơi lả tả, gợi lòng ta nỗi ngao ngán cho một kiếp người phù du, lá vàng rồi lá rụng …trời mùa thu mang sắc màu u ám nhưng người thơ lại thích mùa thu, nó gợi trong lòng những cảm hứng mông lung, u uẩn, tiếc nhớ, bâng khuâng…
Nhớ các anh các chị các bạn của Paris nhiều lắm, chân tình kia bao giờ chúng tôi đền trả đây – Nhớ những vòng tay ôm xiết chặt dù chỉ mới biết nhau lần đầu, nhớ những nụ hôn thân tình tây phương lên má, lên tóc của những tình cảm thân thương vui mừng tao ngộ, người Việt nơi đất Pháp chân tình và dễ thương một cách lạ lùng, gần gũi và thương mến nhau tựa như trong một đại gia đình vậy - Tình người ly hương thiết tha cho nhau không bao quản nhọc nhằn, vất vả - Xin trân trọng ghi sâu vào tâm não những ân tình mãi mãi không quên…nhớ các anh, các chị các bạn của nhóm chúng ta, dễ gì có một cuộc tao ngộ bên nhau với những gương mặt thân thương này nữa, mùa thu này là mùa thu đầy ý nghĩa của cuộc đời cầm bút chúng ta, mong những hình ảnh của chuyến đi sẽ được trang trọng lưu giữ như những kỷ vật của đời mình…
Thân kính ghi lại đây bài thơ :
Kỷ niệm Một Mùa Thu không quên
THU TAO NGỘ
Từ giã Cali về thăm xứ lạ
Lòng nghe như rộn rã một thâm tình
Tưởng đâu đây xuân trào trên cánh lá
Và nắng xuân hội tụ giữa bình minh
Ta cảm xúc bởi bao niềm rung động
Xa cố hương người Việt vẫn xum vầy
Vui họp mặt vang giữa trời lồng lộng
Một mùa Thu Tao Ngộ nghĩa tình đầy…
Duyên văn nghệ kết nên tình bằng hữu
Cõi văn chương tha thiết đến vô cùng
Ðời phong ba thêm thác ghềnh mưa lũ
Lưu lạc xứ người lòng vẫn thủy chung
Xin cảm tạ đến những người bạn quý
Ðã chung lưng xây dựng đẹp tình người
Mai tôi về sẽ thấy lòng phơi phới
Nhớ những chân tình đã tới cùng tôi
Ta cạn chén mừng ngày vui tao ngộ
Dòng sông Seine nước vẫn lặng lờ trôi
Tháp Eiffel đèn rực trời thành phố
Ôi Kinh Ðô Ánh Sáng đẹp tuyệt vời…
Mai ta về sẽ nhớ từng khuôn mặt
Ghi sâu vào trong khối óc lưu vong
Cho ngàn năm tình Việt Nam thắt chặt
Trang sử xanh lưu dấu giống Lạc Hồng
Xin trang trọng tri ân qua bút mực
Cảm tạ đời… đa tạ những tình thân
Góc trời Âu, một chiều Thu Tao Ngộ
Ðậm tình người.... làm tim mãi bâng khuâng …
Nguyenphanngọcan 04/10/2009
Thưa Qúy Anh Chị
Xin gởi các anh chị bài viết đã lâu của nhà văn Nguyễn Phan Ngọc An đã được in trong sách, và báo của chị. Đây là một khuôn mặt nổi tiếng ở được giới văn nghệ sĩ Paris qúy mến. Xin chuyển đến các anh chị thưởng thức. Thu Tao Ngộ năm xưa bằng hữu đầy hội trường, nhưng hôm nay vắng đi rất nhiều, những người năm cũ về đâu?!
Ngày mai, 29 tháng 9 năm 2024 sẽ đón các bạn vào lúc 11h30.
Tại Brasserie Sài Gòn 97 Avenue du Maine, Paris 14. Métro Gaité
Với chủ đề: Sự Trong Sáng Trong Tiếng Việt.
NHỚ VỀ THU TAO NGỘ
27 03 2010, câu lạc bộ Văn Hóa VN Paris tổ chức buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật Hương Xuân.
Mở đầu nhà thơ Đỗ Bình phát biểu: « Paris đã vào mùa nhưng chắc hẳn chúng ta vẫn không quên Thu Tao Ngộ vừa qua. Nói về Thu Tao Ngộ là gợi nhớ một kỷ niệm đẹp mà các anh chị đã góp phần dệt lên bức tranh muôn sắc đó. Hôm nay nhận được bài nhạc của anh Phạm Đình Liên phổ thơ Phương Du Nguyễn Bá Hậu, bài thơ viết để tặng tất cả mọi người tham dự. Thơ nhạc quyện ý nhau lại được hòa âm và giọng hát hay, bài hát sẽ lưu lại với đời cùng Thu Tao Ngộ.
Tại sao tôi lại ca ngợi Thu Tao Ngộ ? Xin mạn phép qúy anh chị cho tôi được trình bày vài nhận xét về Mùa kỷ niệm đó:
Thu Tao Ngộ bắt nguồn từ tình cảm của những tâm hồn nghệ sĩ đến với nhau. Họ là những văn nghệ sĩ phương xa muốn đến Paris thăm một số bằng hữu văn nghệ lão thành, trong đó có nhà văn Hồ Trường An, GS Võ Thu Tịnh, GS Minh Châu Thái Hạc Oanh, Học giả TS Thái Văn Kiểm.vv…mà tình trạng sức khỏe của các vị đó kém. Ngoài ra còn muốn thăm những văn nghệ sĩ khác như nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên, nhạc sĩ
Lê Trạch Lựu, nhà thơ Phương Du, nhà thơ Đỗ Bình. Buổi sinh hoạt đã guy tụ rất đông giới trí thức văn nghệ sĩ ở Paris đến tham dự. Trong số ấy nhiều người đã tuổi cao, sức khỏe kém, có người tuổi đã ngoài 90. Sau lần tao ngộ giáo sư Võ Thu Tịnh đã từ giã bạn hữu vĩnh viễn ra đi về cõi vĩnh hằng, học giả Thái Văn Kiểm trở về quê hương cội nguồn và lưu lại đó hết đoạn cuối đời. Trong chúng ta mỗi người hoàn cảnh gia đình và sức khỏe đều khác nhau, đối với các bạn văn nghệ sĩ phương xa có lẽ chẳng bao giờ các bạn có thể tập hợp đông đủ những khuôn mặt thân quen cùng ý tưởng, chung chuyến sang thăm Paris như mùa Thu Tao Ngộ để có cùng kỷ niệm ? Phần chúng tôi, do tuổi đời và sức khỏe cũng khó có thể thực hiện một Thu Tao Ngộ khác ! Trong suốt mấy chục năm sinh hoạt văn hóa ở Paris, chúng tôi đã từng tổ chức nhiều sinh hoạt, đã từng đón tiếp các bạn ở khắp nơi từ phương xa đến, và cũng có nhiều loạt bài viết từ văn thơ đến báo chí ở khắp nơi nói đến. Riêng tuần báo Đại Chúng ở W.DC có lần đã cho in một kỳ báo đặc biệt tặng sinh hoạt CLB mang chủ đề: « Bên Trời Tưởng Nhớ». Thật là qúy hóa và trận trọng hai chữ «Văn Hóa». Thu Tao Ngộ lần này cũng được báo chí khắp nơi đăng tải, đặc biệt tạp chí Cỏ Thơm ở W.DC đã dành cho nhiều bài viết trong số đặc biệt. Các văn thi nhạc sĩ đã cùng nhau sáng tác nói lên tâm tình mùa kỷ niệm mà mãi đến hôm nay sang năm khác, mùa mới vẫn nhắc lại Thu xưa trong sinh hoạt Hương Xuân Paris 2010.
Bây giờ tôi xin nói đến phần văn nghệ của Thu Tao Ngộ. Có lẽ các bạn phương xa ít có dịp biết đến những ca sĩ được chọn trong chương trình ? Paris tuy là thủ đô ánh sáng của thế giới và là nơi hòa nhập mọi màu sắc nên những bản sắc riêng khó mà tách ròi một cõi. Nhưng lại thiếu phương tiện truyền thông như TV, Radio bằng tiếng việt như ở Mỹ, hơn nữa người Việt lại ở rải rác khắp nơi, không tập trung như Cali, Houston ;W.DC…do đó muốn quảng bá đến công chúng là vấn đề nhiêu khê ! Hơn nữa những ca sĩ ở Paris thích thầm lặng, ít muốn báo chí viết về mình trừ những sinh hoạt mang tính văn hóa hay ttừ thiện. Chúng tôi chọn những khuôn mặt hát cho Thu Tao Ngộ là nhìn ở mặt văn hóa, những nhạc phẩm chọn lọc đã nổi tiếng vang bóng một thời, phần nghệ thuật cao. Trong nghệ thuật về diễn xuất về thanh nhạc, giới thiệu những giọng ca mà có người đã hơn 80 tuổi là chúng tôi chọn một chất giọng của dĩ vãng, những tâm hồn yêu văn nghệ.
Xin được nói vài nét về những giọng ca đó :
Ca sĩ Oanh Oanh : Người đẹp, một thời vàng son trên đài Pháp Á Sài Gòn năm xưa vào cuối thập niên 40, đầu thập niên 50, mặc dù tuổi đời cao nhưng vẫn không quên sân khấu, rời xa tiếng hát. Giọng hát của chị đã vượt thời gian đến với những người hâm mộ năm xưa có mặt trong hội trường hôm nay như một lời cảm ơn đầy tha thiết qua bài lừng danh: Serenatacủa Enrico Toselli.
Ca sĩ Minh Cầm, người trong hoàng phái, học dương cầm từ lúc còn nhỏ, cùng thời với Hà Thanh, nhưng vì thuở ấy cô sinh viên tài sắc vừa tốt nghiệp đại học sư phạm Huế 59, mới được bổ nhiệm đi dạy học thì cô giáo đâu dám cất tiếng hát lời ca ! Cũng may sau đó Minh Cầm theo chồng là GS Phạm Đình Liên sang Pháp định cư. Những năm đầu ở Paris Minh Cầm theo học piano tại nhạc viện.
Vào những thập niêm 50, 60 người việt ở Paris rất ít nên ngôn ngữ sử dụng hàng ngày là tiếng bản xứ. Gs Phạm Đình Liên qua Pháp du học năm 54, sau một thời gian ở Paris anh chị Phạm Đình Liên dời về dạy vật lý tại đại học Grenoble nên tiếng hát, tiếng đàn theo dòng thời gian loãng đi ! Cho đến năm 1999, GS Phạm Đình Liên hưu trí, anh chị về lại Paris, lúc đó mới có cơ hội tiếp xúc với người Việt đông đảo, và máu văn nghệ bừng lại. Năm 2004 Câu Lạc bộ Văn Hóa VN Paris đã tổ chức tại Trung Tâm Văn Hóa Quốc Tế FIAP một buổi văn học nghệ thuật về đề tài Hán Nôm do học giả Đỗ Thông Minh từ Tokyo sang, và ra mắt CD Việt Nam Mến Yêu với tiếng hát Minh Cầm và phần nhạc đệm của nhạc sĩ Phạm Đình Liên.
Buổi sinh hoạt quy tụ hơn 400 khách mời trong giới văn học nghệ thuật.. Tiếp năm 2005 Minh Cầm cho ra đời thêmViệt Nam Mến Yêu 2.Với hai CD đủ để thỏa ước vọng ccủa người yêu tiếng hát điệu nhạc. Trong âm nhạc có những luyến láy, dấu ngân, dấu lặng… Minh Cầm cũng thế, bỗng dưng bị bệnh bứu cổ cần phải mổ. Sau phẫu thuật, bị tắt thanh! Hàng ngày Minh Cầm rất khó khăn khi đàm thoại, đang là con chim sơn ca líu lo cao vút, bỗng tắt tiếng hót, chỉ còn thều thào, chị rất khổ tâm! Nhưng nhờ ý chí phấn đấu của chị rất mãnh liệt:“Phải lcất tìếng nói cho đời thêm hân hoan”Minh Cầm đã bỏ thì giờ đi luyện thanh, tập lại những âm thanh bập bẹ ban đầu, chị rất can đảm vượt qua những khó khó của tuổi đời, và cố gắng tập nói và sau đó tập hát. Chị theo học thêm đàn dương cầm của một vài nhạc sĩ Jazz hầu giữ niềm tin, tcủng cố sức mạnh ý chí rằng âm nhạc sẽ giúp chị có lại âm thanh, và Minh Cầm đã thành công. Chúng tôi chọn chị hát trong chương trình nhằm khuyến khích và cũng để cho những khách từng hâm mộ tiếng hát chị ở Paris hiện có mặt trong Thu Tao Ngộ vẫn lưu luyến: Ttiếng hát một thời vẫn còn.
Tiếp theo tôi xin nói đến ca sĩ Đỗ Qyuên, chị là con của BS Phạm khắc Hy vị đại sứ NVCH đầu tiên ở Paris. Đỗ Quyên theo gia đình qua Pháp từ lức còn nhỏ, ngay từ thập niên 50 thuở còn bé Đỗ Quyên may mắn trời phú cho một chất giọng tốt, âm vực rộng và cao được gia đình cho học piano, nhưng Đỗ Quyên lớn lên lại theo học ngành quản trị xí nghiệp và hành nghề nên giỏi tiếng Pháp hơn tiếng Việt! Vì thấm nhuần văn hóa Tây phương chị chỉ biết những bài hát Pháp, và hát chẳng khác gì ca sĩ Pháp. Đỗ Quyên kết hôn với một người đồng hương là giáo sư đại học dạy toán ở Paris. Gs Nguyễn Ngọc Minh đi du học lúc còn rất trẻ, tính của anh trầm lặng ít nói, ngôn ngữ hàng ngày là Pháp ngữ, mãi đến sau năm 75 Đỗ Quyên tiếp xúc với nhiều đồng hương chị mới ần dần thông thạo tiếng việt. Anh chị cư ngụ trong khu vực sang trọng nhất Paris, lại hiếu khách nên rất đông bạn bè lui tới. Đỗ Quyên là người rất đam mê văn nghệ, thích nhạc việt nên đã theo học hát một số thày người đồng hương, nhưng những thày giỏi thì thường khó tính, bắt chị tập lại căn bản đòi hỏi thời gian dài luyện tập, nhưng chị chỉ muốn hát ngay để vui với các bạn. Chị tự tin mình hát hay nên không cần tập luyện lâu, do đó các thày của chị đành chào thua! Dù bị chối từ chị vẫn không bỏ cuộc, lại tìm đến các thày dạy nhạc hàm thụ, cấp tốc. Ở đây chị học thêm nhạc lý và luyện ngón đàn piano. Âm nhạc là môn nghệ thuật dễ nghe nhưng khó bắt chước, không phải muốn uốn là được. Sự say mê đã khiến chị có ảo tưởng tiếng hát sẽ vút tận trời, và Đỗ Quyên ao ước muốn mang số vốn âm nhạc học được trình làng trên một sâu khấu đầy ánh đèn màu, hát cho công chúng là người đồng hương thưởng thức. Thời cơ đã đến chị được mời tham gia trong một chương trình văn học nghệ thuật ở Paris. Sau buổi trình diễn ấy nhiều cây bút đã viết về buổi sinh hoạt, trong đó có đoạn của Hàn lâm GSTS Lê Mộng Nguyên viết về chị : «Ca khúc được trình bày do cô Đỗ Quyên…».Từ ngữ«Cô » thay vì «ca sĩ » viết từ nhà phê bình văn học nghệ thuật Lê Mộng Nguyên đã khiến cho Đỗ Quyên choáng váng vì tự ái ! Ở Paris có một số cây bút chuyên phê bình văn học nghệ thuật được mọi người trong giới làm văn học nghệ thuật qúy trọng: Thụy Khuê, Nguyễn Hưng Quốc(sang Úc định cư), Đặng Tiến, và những cây bút vừa sáng tác vừa phê bình: Nguyễn Thùy, Hồ Trường An, Lê Mộng Nguyên, Đỗ Bình, ...vv…. Bài báo đăng trên tạp chí Nghệ Thuật ở Montréal đã khiến Đỗ Quyên kiểm nghiệm lại khả năng của mình so với lời nhận xét của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên. Phải mất một thời gian sự tự ái của chị dần dần lắng xuống và đã chuyển hóa thành lòng tự trọng biết qúy trọng sự thật. Chị đã cảm ơn tôi về sự giải thích, và cho biết sẽ đi học nhạc lại từ đầu. Đỗ Quyên đã ghi danh vào nhạc viện Neuilly theo học ngành opéra nhiều năm với các giáo sư âm nhạc nổi tiếng ở Paris: Bà Intammusso, Bà Nicole Rivière và đã tốt nghiệp năm 2008. Với chất giọng soprano ca sĩ Đỗ Quyên đã trình bày không micro tại những nhà hát thính phòng Paris nhiều nhạc phẩm cổ điển của các đại nhạc sĩ: Mozart( Le Noche di Figaro), Hendel(Largo Opéra «Xerxes»), Bizet(Carmen), trích đoạn Opéra:Les Voilles Don Carlos của Verdi :…vv…Từ một người thích hát để trở thành ca sĩ Đỗ Quyên đã trải qua biết bao thử thách và bỏ vào âm nhạc một thời gian khá dài. Có lẽ bây giờ Đỗ Quyên đã ngộ được cái «danh», mà chỉ chú tâm trên mặt nghệ thuật, nhưng nếu cái danh nghệ được người đời trao tặng thì phải biết trân qúy nó để giữ hương thơm chung cho đời ?
Những người có tâm hồn nghệ sĩ chẳng phải đợi đến lúc sáng tác, hay trình diễn trên sân khấu lúc đó mới thành nghệ sĩ. Những tâm hồn được gọi là nghệ sĩ trước tiên phải chân thật với lòng mình, sau đó biết rung cảm trước ngoại cảnh để ngoại cảnh hoà với tâm cảnh cảm được cái đẹp của thiên nhiên, cái hay của đời, và cái tiềm ẩn sâu lắng trong con người ? Hát cho đời thêm hân hoan có lẽ chính là động cơ giúp cho những ai muốn tâm hồn mình vui tươi trong cõi âm nhạc đầy giai điệu màu sắc. Hồn ta nào khác như một ánh sao băng thoáng trên bầu trời thăm thẳm từ một hành tinh xa xăm nào đó lạc xuống trần, rồi đọng trên kẽ lá thành những hạt sương mai. Nhưng chẳng may vô tình có ngọn gió lướt qua lay động cành cây làm vỡ những viên ngọc trời thành muôn mảnh, thì trước khi tan biến nó vẫn dựng lên cái huy hoàng của bình minh.
Đỗ Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét