Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2024

Anh thi mãi không đỗ bị đuổi khỏi nhà, em thi một lần đã trúng, nhưng kết cục lại tương phản! - Thảo Hương


Sự thực và biểu hiện bề ngoài thường bất đồng, sự lựa chọn của mọi người khả năng chỉ là kết quả của ngộ nhận giả tượng - Vào thời nhà Thanh, có một thư sinh tên là Văn Thọ, đã nhiều lần thi trượt, nhưng người em thứ hai của ông thì mới thi hương một lần đã thắng. Cha ông cho rằng Văn Thọ không học hành khắc khổ, nên mắng mỏ và đuổi ông ra khỏi nhà. Mẹ ông cũng thường xuyên xúc phạm con dâu cả, nhưng nàng dâu là người hiền đức, không bao giờ nuôi lòng oán hận. Trước khi Văn Thọ bị đuổi khỏi nhà, đã nói lời cáo biệt với vợ: “Bố mẹ vì tôi thi trượt mà đuổi tôi khỏi nhà, nếu tôi lại thi không đỗ, thì tuyệt sẽ không về nhà nữa.
<!>
 Tôi bất tài, phải rời xa cha mẹ, lại liên lụy đến em. Em tuổi vẫn còn trẻ, hãy mau mau tìm cho mình một lối thoát.” Người vợ khóc nói: “Không đúng, tài hoa của chàng thế nào em biết rõ nhất, trúng cử nhân có gì khó? Tuy nhiên đã bị cha mẹ trách tội, còn có thể nói gì nữa đây! Hy vọng sớm có tin vui để an ủi cha mẹ, đó cũng là nguyện vọng lớn nhất của em, tuyệt đối không dám hai lòng.” Văn Thọ lại khóc, nói: “Tôi nghe lời em.” Văn Thọ rời khỏi nhà mà trong tay không có đồng nào, người vợ mang tất cả y phục và trang sức của mình ra tiệm cầm đồ, chuẩn bị hành lý để chồng có thể ứng thí kỳ thi hương phủ Bắc Triệu.

Văn Thọ đến kinh sư, trọ trong một ngôi chùa ở phường Tuyên Vũ và tiếp tục học nghiệp của mình. Chẳng bao lâu sau, chàng nghe tin chú hai cũng lên kinh thành tham gia hội thi Bộ Lễ, nên đến gặp em, hỏi thăm bố mẹ tôi có ổn không, hàn huyên một số chuyện vụn vặt từ khi rời nhà. Chú hai cười nói: “Anh cả xưa nay rất tự phụ, hiện tại xem ra có gì mạnh hơn tôi?” Văn Thọ buồn bã cáo biệt. Mãi cho đến khi chú hai trúng tiến sĩ, được phong quan chức trong một bộ nào đó, chuẩn bị hồi hương, Văn Thọ cảm thấy chẳng có mặt mũi nào đến thăm cậu ta lần nữa, chú hai thì thậm chí không thèm để tâm đến Văn Thọ.

Khi chú hai đỗ tiến sĩ trở về nhà, người thân và bạn bè đến chúc mừng, trong nhà tấu nhạc chiêu đãi khách, môn đình như lửa. Vợ của Văn Thọ tất bật một mình lo việc trong ngoài. Nhưng chú hai lại cười nhạo nàng nói: “Chị dâu cả cũng cao hứng ghê.” Vợ của Văn Thọ giả vờ như không nghe thấy. Vài ngày sau, nàng hỏi em chồng: “Chú ơi, chú có gặp anh cả ở kinh thành không?” Chú hai lạnh lùng trả lời: “Đã thấy qua một lần rồi.” Vợ Văn Thọ hiểu chú hai đang nghĩ gì, không hỏi nữa, chỉ đóng cửa lại, âm thầm khóc.

Chú hai nói trước mặt mọi người: “Anh trai tôi kỳ thực rất oán hận bố mẹ đuổi anh ta khỏi nhà, nhưng anh ta lại trách móc tôi, luôn tránh mặt tôi, nên chúng tôi không thể gặp nhau thường xuyên.” Bố mẹ vì nhờ con thứ thành quan mà trở nên cao quý, đương nhiên chỉ tin lời của con thứ, tức giận mắng mỏ Văn Thọ. Văn Thọ đã viết nhiều bức thư, nhưng họ đốt đi mà không hề đọc. Hai người cũng yêu mến con dâu thứ mà ghét con dâu cả, thậm chí còn coi vợ của Văn Thọ như một nữ nô.

Vợ của Văn Thọ biết rõ chú hai nói xấu Văn Thọ trước mặt bố mẹ, nhưng nàng không dám bào chữa cho mình. Mỗi lần đến giờ ăn, bố mẹ chồng chỉ cho vợ Văn Thọ ăn đồ thừa sau khi mọi người đã ăn xong, điều này khiến nàng thường xuyên không no bụng, các hoạt động được tổ chức trong dịp lễ hội trong năm cũng không cho nàng tham gia.

Văn Thọ có một đứa con trai mới ba tuổi, vì tranh hạt dẻ với con trai của chú hai mà hai đứa cùng khóc, bà rất tức khí, dỗ con trai chú hai và đánh con trai Văn Thọ, mắng con dâu cả không chịu quản giáo, mắng chửi cả ngày, vợ Văn Thủ phải khóc lóc quỳ xuống xin tạ tội.

Cha của Văn Thọ ốm nặng, vợ của Văn Thọ ngày đêm lo lắng, không khỏi cảm thấy khổ tâm vì chồng bất đắc chí, lo sợ bệnh tình của bố chồng không đợi được đến ngày Văn Thọ thi đỗ. Mỗi đêm nàng thắp hương cầu nguyện, mong ông trời phù hộ cho bố chồng sống lâu, quả nhiên, bệnh tình của bố chồng đã dần thuyên giảm.


Văn Thọ và vợ đã xa nhau đã lâu. Số phận nào đang chờ đợi họ? (Bức tranh thể hiện một phần bức tranh “Phảng triệu bá túc hậu xích bích đồ” do Văn Trưng Minh thời nhà Minh vẽ.

Con dâu thứ nhìn thấy chị dâu cả thắp hương cầu nguyện, liền nói xấu chị dâu cả trước mặt mẹ chồng, rằng: “Chị dâu mỗi ngày đều thắp hương chửi mắng bố chồng con!” Mẹ chồng thập phần tức giận, kể chuyện này với bố chồng, chuẩn bị đâm đơn từ bỏ nàng. Hầu hết người dân trong xóm đều biết con dâu cả bị vu oan, nhưng lại sợ con dâu thứ oán hận, nên không dám lên tiếng. Vợ của Văn Thọ không thể chứng minh mình vô tội, nàng cũng không có cách nào để trần tình sự oan khuất của mình, không lâu sau nàng thổ huyết mà chết, tuổi chưa đầy 30, những người nghe nói đều vô cùng thương cảm.

Lúc này, Văn Thọ vừa tham gia thi hương xong ở Kinh Triệu, và lại trượt lần nữa. Chàng bị mắc kẹt ở kinh đô, không dám về nhà, mà số tiền mang theo đã dùng hết, phải chép kinh sách cho các nhà sư để kiếm tiền qua ngày. Một ngày nọ, vào lúc chạng vạng, chàng vô tình đi ra ngoài chùa, nhìn thấy một cô gái trẻ đang lảng vảng dưới gốc cây thông, trông rất giống vợ mình. Chàng bước tới và hỏi, quả nhiên là vậy, chàng vô cùng kinh ngạc, hỏi nàng làm thế nào đến đây được, vợ chàng nghẹn ngào không thể nói, rất lâu sau mới nói với chàng: “Em giờ đã là quỷ rồi!” Văn Thọ bật khóc lớn khi nghe điều này, người vợ khuyên chàng: “Đừng buồn, bây giờ em ở đây để đồng hành cùng chàng giống như khi em còn sống, khi còn sống chúng ta phải xa cách như vậy, tại sao hôm nay tương phùng, chàng lại không vui?” Văn Thọ ngừng khóc mà không thấy sợ hãi, cùng vợ trở về chùa. Không ai khác có thể nhìn thấy nàng, cũng không ai khác có thể nghe thấy nàng.

Người vợ nói với Văn Thọ: “Chàng chịu đựng nghèo khổ như vậy, để em nghĩ cách giúp chàng.” Hỏi nàng có thể làm gì, nàng nói: “Ngày mai trước cổng chùa xin hãy sắp xếp một quầy toán mệnh. Em ở đây có thể dự tri chuyện tương lai của mọi người, nhất định sẽ có thu hoạch rất lớn.” Văn Thọ làm theo lời vợ, phàm những điều chàng bói toán đều có thể ứng nghiệm, danh tiếng của chàng nhanh chóng lan ra, những nhân sĩ kinh đô chen chúc đến chùa, mọi người cho rằng cao sĩ thời Hán Nghiêm Quân Bình đã trở lại.

Chẳng bao lâu sau, kỳ thi hương lại đến, Văn Thọ hỏi: “Tôi lần này có thi trúng được không?” Vợ chàng nói: “Những chuyện như vậy thần tiên đều bảo mật, em không cách nào biết được, nhưng dù thế nào em vẫn hy vọng điều này.” Vì vậy, nàng khuyên Văn Thọ tạ khách quy ẩn, mua rất nhiều sách, ngày đêm học tập. Vợ chàng vốn biết chữ, nàng cũng giở sách ra và cùng Văn Thọ đọc cho nhau nghe, nhưng ngộ tính của nàng cao hơn Văn Thọ. Họ chiểu theo khóa trình dự định, bắt đầu nghiên cứu kinh nghĩa và thi sách, những điều người vợ viết ra thường có chút ưu tâm thiên hạ. Văn Thọ thở dài: “Đáng tiếc em là nữ nhân, không thể tham gia kỳ thi trở thành tiến sĩ, u minh tương cách, có thể sáng tác văn chương như vậy có ích lợi gì?” Người vợ chỉ cười không đáp.

Sau khi Văn Thọ vào trường thi, đến tối vợ chàng cũng đến, giúp Văn Thọ khởi thảo đối sách, khởi thảo xong, Văn Thù cầm lên đọc to. Nào ngờ có một khảo sinh ở ký túc xá bên cạnh, là một vị sĩ tử rất có danh tiếng, sau khi nghe xong muốn đến xem, cao giọng tán thưởng, bảo như có thần tương trợ, rồi nói: “Bài văn này nhất định sẽ vượt qua những cử nhân vào kinh ứng thí.” Văn Thọ sau đó kể với vị khảo sinh chi tiết duyên do trong đó, người này thâm cảm, thở dài sườn sượt.

Khi kết quả được công bố, Văn Thọ bất ngờ trượt lần nữa, vợ chàng vừa buồn vừa bi phẫn, nói: “Xong rồi! Làm sao đây?” Lần này đến lượt Văn Thọ đến an ủi vợ. Người vợ nói: “Không phải là vì những việc xảy ra với chúng ta mà em cảm thấy bi thương. Khoa cử công danh thực có đáng quan tâm đến vậy không? Điều bi ai là cha mẹ chàng đều đã già, họ vẫn thời thời khắc khắc hy vọng chàng đại quý, mà chàng cuối cùng cũng có thể toại tâm nguyện của họ, số mệnh a, số mệnh a!”

Lúc này, chú thứ đã mang vợ con đi nhậm chức, Văn Thọ đoán rằng chú thứ nhất định sẽ đưa cha mẹ về kinh thành để cung dưỡng, liền đến chào hỏi, nhưng cha mẹ không đi theo anh ta. Chú thứ nhìn thấy anh cả thân phận thấp hèn, nên thông báo với người gác cổng không tiếp đãi. Hoá ra từ khi vợ Văn Thọ qua đời, con dâu thứ cậy chồng thân phận cao quý, ngày càng trở nên ngạo mạn bất kính với cha mẹ chồng, đối xử với cha mẹ chồng không chút lễ nghi, còn quá hơn, cha mẹ chồng phải cúi mình lễ độ với cô ta. Vì lý do này, khi con trai thứ lên kinh đô làm quan, cha mẹ không muốn đi cùng. Khi biết được lý do, Văn Thọ càng hận bản thân vì mãi thi trượt, khóc lóc thảm thiết cả ngày lẫn đêm.


Nhị đệ của Văn Thọ lên kinh thành làm quan, nhưng cảm thấy tiếp đón đại ca là điều đáng hổ thẹn, nên đã báo cho người gác cổng biết không tiếp đón.

Chẳng bao lâu sau, chú thứ chuẩn bị được điều động đi nơi khác làm quận thủ sau khi hết nhiệm kỳ, vợ nói riêng với Văn Thọ: “Đây không phải là chuyện tốt. Chú thứ vong ân bội nghĩa lại tham tài, sau này khó tránh khỏi có chuyện.”

Văn Thọ có một em út tên là Trật Sinh, thiên tính nhân nghĩa thiện lương, được cha mẹ rất yêu quý. Khi Văn Thọ rời nhà, Trật Sinh vẫn còn nhỏ, khi lớn hơn, chàng lại ra ngoài học với thầy, biết rất rõ anh cả của mình vô tội bị đuổi đi, chị dâu cả chết oan uổng. Chàng vừa khóc vừa nói với cha mẹ: “Anh cả của con thi trượt, lẽ nào là tội của anh ấy? Là mệnh bất hảo mà! Anh thứ thi trúng thì có gì tốt chứ? Ví như anh thứ phú quý, thì cha mẹ được lợi gì? Chị dâu cả hiền lành hiếu thuận, hàng xóm không ai không biết, chỉ vì chồng không đỗ đạt công danh, mà phải hàm oan nơi chín suối, để lại cô nhi không ai nương tựa, thực khiến người ta thương tâm! Mong cha mẹ khoan dung một chút, để anh cả lại được trở về phụng dưỡng cha mẹ, cũng có thể viếng mộ chị dâu để vỗ về quỷ hồn của chị ấy, như thế mới là đại đức như thiên địa!”

Lúc này, cha mẹ của Văn Thọ dần dần ăn năn, bắt đầu hiểu ra nỗi oan tình của con dâu cả, sau khi nghe những lời của Trật Sinh, họ bật khóc và nói: “Con trai ta đại nhân hiếu, chúng ta lắng nghe.” Thế là họ viết thư gọi Văn Thọ về nhà, phái người đến viếng mộ con dâu, thông cảm cho con trai mình.

Trước khi thư đến, vợ của Văn Thọ đã biết chuyện, nàng vui mừng khôn xiết nói với Văn Thọ: “Chúc mừng chàng đã có thể trở về nhà! Bố mẹ chồng nghe lời chú út, sẽ sớm gọi chàng về, tâm chí của em cũng đã được gột rửa ân oán, họ cũng đã ban đồ ăn và rượu cho em rồi. Có thể chuẩn bị hành trang cùng chàng về nhà.”

Hơn mười ngày sau, lá thư đến nơi, họ lên đường ngay sau khi nhận được. Vừa vào nhà, một thanh niên đang đứng đợi ở bên ngoài, vừa nhìn thấy Văn Thọ liền tiến tới hỏi: “Anh là ai?” Văn Thọ đáp: “Văn Thọ, người lưu vong.” Chàng trai cúi đầu rơi nước mắt, khi hỏi, thì chính là chú út Trật Sinh, nguyên lai chàng nghĩ anh cả sắp về, nên đã đứng đợi ở cửa mấy ngày. Lập tức có một đứa trẻ nằm trên mặt đất khóc lóc thảm thiết, đó là con trai của Văn Thọ. Khi người mẹ vừa qua đời, ông bà đã không hề tử tế với cháu chút nào. Chú út Trật Sinh rất thương hại nó, ngày nào cũng cho nó ăn uống, ban đêm còn cho nó ăn vặt và đồ chơi rất chu đáo. Cha mẹ không còn muốn đi ngược lại tâm nguyện của Trật Sinh, từ đó không còn ngược đãi con của Văn Thọ thái quá nữa.

Con trai của Văn Thọ tuy mất đi tình yêu thương của ông bà, nhưng vẫn có thể trưởng thành, không chết vì đói lạnh, điều này hoàn toàn là nhờ công lao của Trật Sinh. Hôm nay lại ra nghênh tiếp Văn Thọ, mà Văn Thọ đã xa nhà được tám năm, cho nên mới không nhận ra. Lúc này Trật Sinh vội vàng vào nhà báo cáo với cha mẹ, Văn Thọ cũng vội vàng đi vào cúi đầu lạy cha mẹ nói: “Thọ nhi bất hiếu, rất lâu không thể quan tâm chăm sóc cho cha mẹ, đến cuối cùng cũng không thể thành tựu công danh để an ủi tâm cha mẹ, mà cha mẹ từ bi vô lượng, cho phép con trai lại được nhìn thấy khuôn mặt người thân.” Nói xong liền bật khóc, cha mẹ cũng nức nở không ngừng, đích thân đỡ Văn Thọ đứng dậy, nói những lời cảm thông ấm áp và chân thành. Hàng xóm nghe tin, lần lượt đến thăm hỏi, nhiều người đã rơi nước mắt.

Văn Thọ luôn muốn nói chuyện vợ đã về với mình, nhưng lại sợ cha mẹ sợ hãi nên ngại nói ra. Cha mẹ lại cho rằng Văn Thọ chưa biết về cái chết của vợ mình, hơn nữa, con trai vừa mới về đến nhà, chưa muốn nhắc đến chuyện đó. Khi trời tối, Văn Thọ đi tới cửa, thấy vợ mình đang đứng trong góc khóc, mắt đỏ hoe hỏi: “Chuyện của em chàng đã nói chưa?” Văn Thọ nói: “Vẫn chưa. Em tạm thời vào phòng với tôi, sáng mai tôi nhất định sẽ nói.” Người vợ nói: “Không được cha mẹ chồng cho phép, làm sao em dám vào phòng?” Văn Thọ thở dài sườn sượt, rồi tiến vào nhà xin phép cha mẹ, giải thích chi tiết toàn bộ câu chuyện. Mọi người trong phòng đều lắng nghe.

Thất Sinh nói: “Xin mọi người đừng nghi ngờ và sợ hãi. Chị dâu con sẽ không bao giờ làm hại người khác. Chị dâu con là người hiền lành hiếu thuận, như nay là thần linh hiển thân, có phải không!” Cha mẹ chồng vô cùng cảm động trước tâm ý của con dâu, ra lệnh cho nàng vào nhà.

Văn Thọ đi tới cửa gọi: “Vợ ơi, vào đi!” Một lúc sau, nghe thấy trong đại sảnh có người đang vừa khóc vừa nói, y phục xột xoạt giống như có người quỳ xuống đứng lên. Văn Thọ nói với cha mẹ mình: “Con dâu bái kiến.” Mẹ chàng có chút cung kính bất an, nói: “Có người từng chia rẽ quan hệ giữa tôi và con dâu cả, tôi thật không tốt, tôi thấy có lỗi với con dâu. Bây giờ tôi biết mình đã sai! Mong con dâu sẽ không oán hận tôi nữa.”

Liền nghe thấy con dâu hồi đáp: “Sao con dám!” Mẹ chồng nói: “Lời nói của con dâu thì tôi nghe được, nhưng hình dáng lại không nhìn thấy được là sao?” Con dâu đáp: “Con dâu mà chưa tắm rửa thay quần áo là không dám diện kiến cha mẹ chồng, huống chi dám dùng thân thể hủ hóa này để hù dọa đại nhân? Chỉ là mong rằng đại nhân sẽ không vì quỷ dị mà bỏ rơi con, để con xuống âm gian cúng đại nhân khu sử, có thể chu toàn những việc mà người sống không phòng vệ được, để bù đắp những bổn phận chưa hoàn thành của người con khi còn sống chẳng phải tốt hơn sao? Vì sao cứ phải thấy mặt đây?” Nói xong, liền hướng về phía Trật Sinh bái tạ, ngôn từ ai oán.

Cha mẹ biết rằng Văn Thọ rất tài đức, nhưng lại có vận mệnh bất hảo, nên bảo chàng chủ quản gia chính, không còn cầu đắc công danh. Sau đó, họ nhận được tin tức từ chú thứ, chú thứ vì nhận hối lộ bị bại lộ, mà bị cách chức đày đi biên giới, tất cả thu nhập đều bị tịch thu, vợ con vì khó khăn nên không thể về nhà. Văn Thọ nói với cha mẹ rằng chàng sẽ để Trật Sinh đến đón họ. Trật Sinh vốn rất coi thường tính cách của anh hai, không muốn đi, vợ của Văn Thọ thuyết phục em chồng: “Anh cả và anh hai đều là anh em của chú. Chú khi còn nhỏ rất yêu thương các anh của mình, vì sao bây giờ đối với anh hai lại ngăn cách thế?” Trật Sinh thở dài, nói: “Tuân lệnh!” Nói rồi chàng lên đường đón vợ con anh hai.

Con dâu thứ vốn đã quen với sung sướng, không chịu nổi khó khăn bất ngờ. Cha mẹ của Văn Thọ thực sự đã bẽ mặt vì con thứ phạm tội, mà cô con dâu thứ lại chưa bao giờ tôn trọng họ, tình yêu ban đầu đã tận, thời gian càng dài họ càng ghét cô hơn, giống như họ ghét con dâu cả trước đây. Ngày xưa người dân trong xóm không dám nói gì, vì con dâu thứ vốn cao quý, nhưng bây giờ họ cũng rất coi thường cô. Con trai của Văn Thọ oán cô vì đã vu khống mẹ gây ra cái chết của mẹ mình. Dù bị cha mẹ ngăn cản không dám trái lệnh, nhưng cậu vẫn thời thời khắc khắc ôm tâm báo hận. Con trai của chú thứ vì cha làm quan, mà từ lâu đã bỏ bê việc học, ham mê cờ bạc rượu chè, thường trộm cắp tài sản trong nhà bỏ trốn, đi chơi với bọn thanh niên lưu manh trong xóm, dù có bị đánh đòn cỡ nào cũng không dạy được. Chú thứ cuối cùng chết ở nơi hoang dã cách xa hàng ngàn dặm, không cách nào đưa về chôn cất ở quê hương. Vì vậy, dù vợ đã về nhà, nhưng trước sau đã như cách biệt một thế giới. Con dâu thứ xấu hổ, chán nản và tủi nhục đến mức gần như không thể làm người. Chỉ có chị dâu cả vẫn đối xử với cô như bình thường, không hề giữ mối hận thù trong quá khứ.

Chẳng bao lâu, Trật Sinh đã đạt được tư cách sinh viên của huyện. Vài năm sau, cha mẹ của Văn Thọ lần lượt qua đời, Văn Thọ, Trật Sinh mặc bao tải khóc lóc ai oán, vợ của Văn Thọ cũng mặc vải tang, khóc lóc như một người đang sống. Văn Thọ hỏi nàng: “Bố mẹ chồng bây giờ ở đâu?” Vợ đáp: “Việc này không thể nói được, nói ra thì cả người chết lẫn người sống đều có tội, cho nên em không dám nói.” Từ đó về sau, sắc mặt nàng thường xuyên tỏ vẻ không vui, gặp mặt càng lúc càng ít, hỏi tại sao, thì nàng vẫn không chịu nói.

Một ngày nọ, chợt nghe thấy tiếng sáo trên mái hiên. Lúc này, cả nhà đều nhìn thấy vợ của Văn Thọ rơi nước mắt, thần sắc đau khổ: “Vĩnh biệt! Thượng Đế thương xót tâm chí của em, hào phóng khen ngợi em, cho phép em được liệt vào hàng cuối của thần linh, được hưởng đặc quyền có một ngôi đền thờ phụng. Đã năm năm kể từ khi em nhận được đại mệnh này, nhưng vì cha mẹ chồng đang tại thế, em không nhẫn tâm rời đi, như nay không còn lý do từ chối!”

Lại nói với Văn Thọ: “Lộc mệnh của mọi người là chính trường, duy chỉ có chàng là trắc trở thất ý, nhưng phúc tộ của nhân gian không là hưởng dụng một triều, chàng cũng không nên bi khổ thái quá, mấy ngày nữa, em sẽ nói cho chàng.” Rồi nàng nói với con trai: “Con trai ta đáng quý, 12 năm sau hãy đến gặp ta, hôm nay không phải bi thương, hãy chăm sóc tốt cho các cô chú, ngày sau kiệt lực báo quốc gia, xứng đáng với mong nguyện của ông bà, cha mẹ!” Nói xong, nàng từ từ bay đi.

Văn Thọ không lâu sau thì đổ bệnh, khi hấp hối, ông bất ngờ nói với gia đình: “Vợ tôi đến rồi!”, rồi qua đời. Mười hai năm sau, con trai ông đến một nơi nào đó làm quan, trên đường đi ngang qua một ngôi chùa để tham bái thượng Thần, có hai bức tượng trong đó trông đặc biệt giống cha mẹ ông.

Nguồn: “Nhĩ thực lục”

Hương Thảo biên dịch

Không có nhận xét nào: