Tôi có một chuyện cũ. Muốn quên cũng khó! Lý do là cứ mỗi năm gần đến ngày 25/4, giới truyền thông Úc lại hâm nóng lại Ngày Truyền Thống ANZAC của Quân liên minh Úc và Tân Tây Lan, lúc đó cả hai đều là thuộc địa của Đế Quốc Anh, khi đổ bộ vào Gallipoli, Thổ Nhĩ Kỳ hơn 1 thế kỷ trước. Cuộc đổ bộ Gallipoli là 1 chiến dịch quân sự thất bại. Biết bao người lính trẻ chết và bị thương. Tuy nhiên, đối với người Úc, nó đã trở thành biểu tượng lòng yêu nước của 1 quốc gia non trẻ, độc lập đang được thành lập. Người Úc rất là hãnh diện và biết ơn những người lính trẻ đã hy sinh.
<!>
Ngày này luôn mang đến cho tôi, 1 người tị nạn đến từ một xứ chiến tranh triền miên, dai dẵng với biết bao nhiêu người chết của hai bên, những cảm xúc đặc biệt và cảm giác tha thứ.
Đọc chuyện lính của người ta, lại nhớ đến chuyện lính của mình. Trong suốt chiều dài của chiến tranh Việt Nam, gần 400.000 binh sĩ miền Nam đã “da ngựa bọc thây” để bảo vệ sự an lành của người dân. Những người lính đã chết nhưng giá trị của họ sống mãi.
Ai còn, ai mất? Ai nhớ, ai quên?
Cách đây khá lâu, do duyên may tôi được anh Hội Trưởng của Hội Ái Hữu Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa của Thành phố nơi tôi đang ở tặng cho một bản Đặc San SÓNG THẦN 2021-2022 kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Quảng Trị 16/9/1972-16/9/2022 và 68 năm thành lập Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. Tôi không biết rõ lý do chính xác tại sao anh lại tặng tôi quyển tập san đó. Có lẽ anh thương đứa em còn nhỏ tuổi đời và không tuổi lính, cho nó có gì mà đọc để biết đến quá khứ vàng son của một quốc gia đã mất không còn trên bản đồ thế giới và những người lính cũ oai hùng đã sống và chiến đấu như thế nào. Dù lý do nào đi nữa, tôi chân thành cảm ơn anh!
Quyển đặc san này đã đưa tôi về một quá khứ với những kỷ niệm vui ít buồn nhiều và những mất mát tàn nhẫn của một thời kỳ lịch sử đã qua, có liên quan đến một người lính Thủy Quân Lục Chiến. Ký ức con người trơn trượt như những con lươn khó bắt và khó giữ. Những người sống sót tái tạo lại những ký ức muốn quên, che giấu tận đáy lòng mà không hề biết mình đang làm điều đó. Người ta lấp đầy những khoảng trống trong đời của chính mình bằng chi tiết từ những câu chuyện do người khác kể lại. Đào bới những ký ức đau buồn này không hề dễ chịu cũng không đơn giản. Việc khai quật những sự kiện đã bị chôn vùi từ lâu có thể khiến người ta quay trở lại với nỗi đau buồn của những năm tháng trước. Tôi không biết có bao nhiêu người khi đọc những hàng chữ này có cùng tâm trạng như tôi không!
Tôi viết lại chuyện này không nhằm mục đích khơi lại hận thù. Cuộc chiến huynh đệ tương tàn đã chấm dứt gần 50 năm. Quê hương đã im tiếng súng. Hãy để cho ngày ấy lụi tàn.
Ngược dòng thời gian, vào năm 1971, tôi theo học võ với anh của 1 cô bạn học. Lúc đó, tôi khoảng 11 tuổi. Anh với tôi trùng tên, Vân. Nhưng anh là một võ sĩ với biệt hiệu Vân Long của 1 võ đường Thiếu Lâm Tự nổi tiếng địa phương. Còn tôi, tôi chỉ là 1 cậu học sinh Đệ nhất cấp, “ăn không no, lo không tới” như người ta thường nói. Anh từng lên thượng đài ở Sài Gòn và Gò Công nhiều lần và đều chiến thắng vẻ vang, đem lại vinh dự cho võ đường của mình. Bởi vì tôi là “đệ tử ruột”, tôi đều được anh dẫn theo trong những trận đấu này, trước là để cổ vủ anh và sau là để “học hỏi kinh nghiệm”. Khỏi cần phải nói, tôi rất hãnh diện về sư phụ của mình. Vô lớp, tôi say sưa kể lại cho bạn học những quyền thôi sơn, các cước hiểm độc của anh để hạ đối thủ như chính tôi là kẻ thượng đài. Đánh võ mồm bao giờ cũng hay hơn.
Ngoài tài võ nghệ, anh còn có năng khiếu hội họa. Anh vẽ tranh rất đẹp và một trong những người tiên phong vẽ hình lên quần áo là một thời trang thời gian đó.
Sau Hiệp Định Ba Lê 1973, tình hình chiến sự trở nên sôi động, với nhiều trận đánh lớn diễn ra khắp nơi. Chính quyền miền Nam kêu gọi thanh niên gia nhập quân đội bảo vệ đất nước. Như nhiều bạn bè cùng trường trong tỉnh, anh hăng hái tình nguyện nhập ngũ, theo nghiệp kiếm cung cho thỏa chí nam nhi, sau khi thi đậu Tú Tài. Anh vào Quân trường Thủ Đức theo khóa đào tạo sĩ quan. Trong thời gian thụ huấn, thỉnh thoảng anh viết thư về cho tôi, thăm hỏi chuyện học hành nhất là việc võ nghệ. Anh lo là sau khi anh đã đi lính, tôi mất sư phụ nên xao lãng luyện tập. Về đời lính, anh viết:
“Chí làm trai nam bắc đông tây,
Cho thỏa sức vẫy vùng trong bốn bể”.
(Nguyễn Công Trứ)
Tôi vui với anh. Anh đã tìm được cái chí khí phải có của người trai thời loạn. Anh vui đời lính. Tôi hãnh diện về anh. Rõ ràng anh không phải là hạng “tham sinh úy tử”.
Thêm một ngạc nhiên khác. Khi tốt nghiệp quân trường, anh đăng Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, một binh chủng tổng trừ bị thiện chiến, hào hùng với Chiến thắng Cổ Thành Quảng Trị 1972 vang dội. Trước đó, tôi suy đoán là anh sẽ chọn một binh chủng nào đó cho gần nhà. Đọc đi đọc lại thư anh, tôi chiêm nghiệm một điều. Nếu ai cũng an phận, trốn tránh nguy hiểm thì đất nước này sẽ ra sao? Cuối cùng, tôi nghĩ anh lựa chọn như thế cũng phải thôi, bởi vì anh là võ sĩ mà, và lời anh nói với tôi khi từ giã lên đường nhập ngũ, “Ai rồi cũng chết. Có cái chết đúng và có cái chết lảng nhách.” Tôi gật đầu, nhưng thú thật, tôi chẳng biết “chết lảng nhách” là chết ra làm sao?
Tôi nhớ khi anh được về phép thăm nhà trước khi ra trình diện đơn vị ở tận ngoài miền Trung, anh đến nhà tôi chơi trong bộ quân phục “rằn ri” màu xanh nước biển vừa vặn, ủi thẳng nếp, đôi giày da đen đánh vẹt ni bóng loáng, và chiếc mũ bê rê bằng nỉ màu xanh. Thêm cây súng ngắn đeo bên hông là nhất. Tôi khâm phục sự hào hùng của sư phụ và có ao ước là khi lớn lên nếu đất nước đòi hỏi, tôi sẽ không ngần ngại nối gót anh.
Khi anh tại ngũ, thỉnh thoảng anh có viết thư cho tôi khi có chuyện gì vui, như anh thượng đài đấu võ khi đơn vị tổ chức. Thư có những lời thăm hỏi và chỉ dẫn võ nghệ chân tình. Thời gian đó, tôi theo học Vovinam Việt Võ Đạo. Anh có hỏi tôi tại sao lại bỏ môn phái Thiếu Lâm Tự của anh. Tôi biết anh không vui nhưng không trách móc tôi. Tôi thành thật trả lời rằng tôi nghĩ Vovinam Việt Võ Đạo thích hợp cho tính tình của tôi hơn bởi vì bên cạnh võ thuật, cái đức của võ sinh cũng được môn phái chú trọng dạy dỗ.
Khi tôi chuẩn bị thi lên đai theo hệ thống Vovinam Việt Võ Đạo, tình cờ anh được về phép. Anh đến nhà xem tôi tập luyện. Khi thấy tôi đã bị thương ở đầu gối, anh khuyên tôi đừng nên đi thi, bởi vì thể lực của tôi suy yếu nhiều trong khi chương trình thi đòi hỏi nhiều bài quyền biểu diễn và nhất là nhiều song đấu tự do tôi không thể dùng các ngón đòn chân (anh đã dạy tôi trước đây). Tôi không nghe lời. Tôi không nghe lời anh, tôi vẫn đi thi. Tôi rớt kỳ thi đó. Tôi viết thư cho anh trong niềm buồn khổ không nguôi. Tôi cho rằng mình đã không may mắn chứ không phải dở.
Nhận được tin, từ nơi đơn vị đóng quân ở địa đầu giới tuyến , anh viết cho tôi một lá thư dài, đại ý khuyên tôi đừng buồn là võ thuật giúp gìn giữ thân thể tráng kiện và để phòng thân, việc lên ngôi thứ là không quan trọng. Anh có cho tôi biết thêm là Tiểu Đoàn của anh đóng tại bờ sông Thạch Hản, Quảng Trị, hằng ngày đối đầu với bộ đội chính quy Bắc Việt, việc sống chết không biết lúc nào. Tuy nhiên, ngày nào mình còn sống thì phải sống cho ra sống.
Có 1 lần tôi tâm sự với anh. Một năm nhân dịp Tết Nguyên Đán, 1 võ đường ở ChợLớn, Sài Gòn được mời về Gò Công múa lân.Trước khi múa lân, 1 số thanh niên đủ hạng tuổi biểu diễn võ thuật Thiếu Lâm Tự. Khi họ kết thúc, họ nhận được một tràng pháo tay tán thưởng từ khán giả, nhưng tôi lại có phản ứng tiêu cực. Tôi không thể tìm được từ nào để diễn tả cảm giác kỳ lạ của mình. Tôi xin ba tôi sắp xếp 1 trận đấu võ giữa tôi và một thanh niên trạc tuổi trong đoàn. Tôi đã học võ được vài năm và đủ kiêu ngạo là mình sẽ thắng. Ba tôi rất ngạc nhiên trước yêu cầu của tôi nhưng ông vẫn đồng ý. Ông cũng nói thêm rằng thắng hay thua không quan trọng và ông rất tự hào về tôi.Tuy nhiên, đến ngày thi đấu, thanh niên đó bị bịnh và trận đấu bị hủy bỏ.Nghe xong, anh mĩm cười nói: “Hên cho chú mày đó.Học mới có vài năm chưa đủ đâu. Cần phải kiên nhẫn và nhu mì thêm.”
Chuyện gì phải đến thì đến.Miền Nam sụp đổ vàoTháng Tư,1975. Sau ngày đó,tôi nhiều lần đến nhà anh tìm kiếm anh, nhưng cô em gái cho biết là anh vẫn chưa về, và gia đình lại không có phương tiện tài chính để ra miền Trung dò la tin tức của anh. Mọi người trong đó có tôi, hy vọng anh đã theo đơn vị di tản ra nước ngoài hoặc vào chiến khu kháng chiến.Việc bỏ súng đầu hàng là điều không tưởng tượng nỗi cho 1 người như anh.
Sau đó, tôi ít lui tới nhà anh. Bố anh cũng là lính. Sau cuộc đổi đời, ông trở về nhưng không có nghề nghiệp và vốn liếng,do đó tình trạng kinh tế của gia đình anh trở nên kiệt quệ. Đồ đạc trong nhà bán đi dần dần để lấy tiền sinh sống. Gia đình tôi sau Chiến dịch đánh tư sản mại bản của chính quyền mới cũng không khá hơn gì. Tôi không thể giúp gì được, tốt nhất là tránh không muốn thấy cảnh khổ. Đôi khi, “không biết là phước hạnh!”
Thời gian trôi nhanh như “bóng câu qua cửa sổ”. Tôi thích nhất là câu thơ của cố thi sĩ Thanh Nam, “Ngày như lá, tháng như mây”. Nghe thi vị quá! Cuộc đời tôi đã có biết bao nhiêu lá và mây. Chỉ có điều toàn là lá khô và mây đen.
Năm 1978, tôi vào đại học ở Sài Gòn. Rồi vượt biên thành công và định cư ở Úc năm 1982. Trong suốt thời gian này tôi vẫn cố gắng tìm kiếm tin tức của anh. Nhưng vì tôi không có về Việt Nam, nên chỉ dò hỏi thông qua bạn bè còn ở lại, và họ cũng không biết gì hơn sau một cuộc “thương hải biến vi tang điền” khủng khiếp đó! Tôi không trách gì họ, bởi vì điều kiện kinh tế trong nước lúc đó, lo cho người sống cũng đã mệt, còn hơi sức đâu mà tìm người đã chết, nhất là họ lại thuộc thành phần chính quyền không thích.
Năm 2010, tôi qua Hobart, Tasmania làm việc. Trong những đêm xa nhà, một mình trong khách sạn, tôi đọc nhiều hồi ký của những người lính cũ trên Trang mạng Thủy Quân Lục Chiến bên Hoa Kỳ nhằm mục đích xem tên anh có được nhắc đến tình cờ hay không? Không kết quả, cuối cùng, tôi quyết định đăng một tin nhắn tìm người thân trên trang mạng, với hy vọng mong manh là những người cùng đơn vị anh, có thể cho tôi biết tin tức ít nhiều về anh.
Thời gian đó, phong trào đi tìm hài cốt tử sĩ của chế độ cũ bùng phát rất mạnh trong nước. Có lẻ chính quyền cho phép chuyện này bởi vì họ đã nhận tiền của Hoa Kỳ, tích cực hợp tác trong việc tìm kiếm xác lính Mỹ mất tích trong chiến tranh. Chẳng lẻ họ lại cấm đoán việc tìm xác anh em cùng bọc Âu Cơ cho đành. Qua một trung gian, tôi giúp đở tài chính cho gia đình anh bên Việt Nam đi tìm hài cốt của anh ở ngoài Huế. Lúc này, bố mẹ của anh đã mất niềm tin mỏng manh là anh còn sống trong một chiến khu đâu đó, và chấp nhận là anh đã chết.
Trong một đêm, thật bất ngờ tôi nhận được một cú điện thoại và một điện thư cùng một lúc. Cô em gái của anh điện qua cho biết là đã tìm được xác anh với thẻ bài trong một mồ chôn chung cho những người lính Thủy Quân Lục Chiến tử trận tại cửa biển Thuận An, Huế trong những ngày cuối tháng Ba, 1975, và gia đình sẽ đem hài cốt của anh về quê nhà, nơi anh đã sinh ra.
Điện thư đến từ 1 vị chỉ huy cuối cùng của đơn vị anh, xác nhận là anh đã cùng một số chiến hữu khác hy sinh khi hố trú ẩn của họ đào sơ sài trên bải cát trúng phải 1 trái pháo trong ngày cuối của cuộc rút quân di tản bi thảm. Ông ta cho biết tên của Tiểu đoàn anh, nhưng điều đó không quan trong và cần thiết cho tôi.
Như vậy hai năm rõ mười. Anh đã vĩnh viễn nằm trong lòng đất mẹ. Tôi xin thắp một nén hương lòng cho anh và những người lính khác đã “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” trong cuộc chiến vừa qua!
Đó là lý do tại sao tôi thương những người lính cũ. Một số người đã “đền nợ nước”. Riêng tôi, tôi biết tôi còn nợ anh!
Van Pho
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét