Pháp: Tổng thống Macron bác ứng viên thủ tướng của cánh tả Trả lời phỏng vấn trên truyền hình tối hôm qua, 23/07/2024, lần đầu tiên kể từ vòng hai bầu cử Hạ Viện Pháp, tổng thống Emmanuel Macron khẳng định chỉ bổ nhiệm chính phủ mới sau khi Thế Vận Hội kết thúc vào ‘‘giữa tháng 8’’. Tổng thống Macron cũng bác ứng viên thủ tướng của liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới (NFP), vừa được đề xuất trước đó một giờ, với lý do NFP không có được ‘‘đa số’’ ở Hạ Viện mới.Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình France 2, Paris, Pháp, ngày 23/07/2024. AFP - LUDOVIC MARIN - Trọng Thành
<!>
Ngay trước cuộc phỏng vấn tổng thống Macron, liên minh NFP - bao gồm ba đảng cánh tả, đảng Xã Hội, đảng Xanh, đảng Cộng Sản và đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất - đã đề xuất bà Lucie Castets, 37 tuổi, một công chức cao cấp, phụ trách tài chính của tòa đô chính Paris, làm ứng viên thủ tướng. Theo AFP, đây là một diễn biến gây bất ngờ, vì trước quyết định này, 16 ngày sau bầu cử, liên minh cánh tả vẫn bế tắc trong việc tìm ra tiếng nói chung.
Trả lời phỏng vấn hôm qua, tổng thống Macron giải thích không có liên minh nào tại Hạ Viện Pháp, ‘‘từ Mặt Trận Bình Dân Mới đến liên minh các đảng thuộc phe tổng thống, cũng như cánh hữu cộng hòa’’, có đủ đa số để ‘‘thực thi các cam kết tranh cử’’ của phe mình. Nguyên thủ quốc gia Pháp nhấn mạnh là các đảng phái thuộc Mặt Trận Cộng Hòa, từng đoàn kết chống lại phe cực hữu giữa hai kỳ bầu cử lập pháp, giờ đây có trách nhiệm tìm kiếm ‘‘các thỏa hiệp’’, để có thể thông qua những cải cách và ngân sách.
Ông Macron lưu ý thủ tướng tương lai sẽ phải là người ‘‘đoàn kết rộng rãi nhất’’ để tân chính phủ có được ‘‘sự ổn định’’ và ‘‘khả năng hành động’’, đồng thời cho biết chính phủ ‘‘xử lý thường vụ’’ hiện nay sẽ được duy trì ít nhất đến giữa tháng 8, và ưu tiên hiện nay là tránh ‘‘mọi rối loạn’’ trong thời gian Thế Vận Hội Paris.
Cánh tả phẫn nộ
Theo hãng tin Anh Reuters, liên minh Mặt Trận Bình Dân Mới đã phẫn nộ sau phát biểu của tổng thống Macron. Nhiều chính trị gia thuộc liên minh cánh tả đã lên án tổng thống phủ nhận ‘‘luật chơi dân chủ’’ (déni démocratique) và không chịu trách nhiệm về quyết định của ông giải tán Quốc Hội ngay trước thềm Thế Vận Hội, với hệ quả là phe tổng thống mất ‘‘đa số tương đối’’.
Điều phối viên toàn quốc của đảng Nước Pháp Bất Khuất trong liên minh NFP, dân biểu Manuel Bompard, lên án thái độ "thô bạo" của tổng thống, ‘‘gạt bỏ thẳng thừng’’ ứng viên thủ tướng của cánh tả. Trên đài France Inter, ứng viên thủ tướng được đề nghị Lucie Castets khẳng định liên minh cánh tả rõ ràng không có ‘‘được đa số tuyệt đối’’, nhưng kết quả bầu cử cho thấy ‘‘cử tri bác bỏ chính sách của chính phủ tiền nhiệm’’.
Olympic Paris 2024 : Céline Dion, Lady Gaga sẽ xuất hiện trong đêm khai mạc ?
Tại Pháp, mọi chú ý đang đổ dồn vào Olympic Paris 2024 khi chỉ còn hai ngày nữa là tới đêm khai mạc 26/07/2024. Ban tổ chức đang cố giữ bí mật về cuộc diễu hành hoành tráng trong đêm hôm đó để mang tới những bất ngờ cho khán giả. Tuy nhiên, sự hiện diện của nhiều ca sĩ nổi tiếng thế giới như Céline Dion, Lady Gaga hay Snoop Dogg tại Paris đã khiến nhiều người hâm mộ thích thú và đồn đoán về sự xuất hiện của họ trong đêm khai mạc trên sông Seine.
Ảnh tư liệu : Danh ca Céline Dion tại Alice Tully Hall ở New York, Hoa Kỳ, ngày 17/06/2024. © Evan Agostini/AP
Minh Phương
Đầu tiên phải kể tới nam ca sĩ nhạc rap Snoop Dogg, người đã đăng một bức ảnh chụp trước Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) hôm thứ Tư tuần trước. Trả lời hãng tin AFP, thị trưởng thành phố Saint-Denis, ngoại ô Paris, cho biết rapper người Mỹ này nằm trong danh sách những người tham gia rước đuốc Olympic vào thứ Sáu 26/07 tại Saint-Denis trong ngày cuối cùng trước lễ khai mạc Thế Vận Hội vào buổi tối.
Tiếp đó, công chúng lại nhìn thấy sự xuất hiện của nữ danh ca Canada Céline Dion, đang tạo dáng chụp ảnh cùng người hâm mộ trước khách sạn Royal Monceau danh tiếng tại Paris và cả hình ảnh nữ ca sĩ Mỹ Lady Gaga đang chào các fan từ cửa sổ ô tô. Phát biểu trên kênh France 2, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, cũng như mọi người dân Pháp, ông “vô cùng hạnh phúc nếu thấy Céline Dion có thể tham gia vào lễ khai mạc này”, tuy nhiên, ông không muốn “tiết lộ” những “điều bất ngờ” về chương trình trên sông Seine.
Trong khi đó, ban tổ chức Thế Vận Hội lại đang phải đối mặt với một vấn đề đau đầu khác, vì nhiều vũ công trình diễn đêm khai mạc dọa sẽ đình công nếu không đạt được thỏa thuận về mức thù lao. Theo công đoàn đại diện cho các nghệ sĩ biểu diễn, khoảng 250-300 vũ công đã bị phân biệt đối xử vì không được chi trả chi phí đi lại, chỗ ở và chỉ nhận được 60 euro, trong khi có những nghệ sĩ nhận được tới 1.610 euro. Ban tổ chức đã đề nghị tăng mức thù lao lên 180 euro, nhưng đề xuất này đã bị công đoàn bác bỏ, vì cho rằng nó không đáp ứng yêu sách của các vũ công.
Olympic Paris 2024 : Ứng dụng chống quấy rối tình dục, phân biệt giới
Khoảng 15 triệu du khách sẽ đến Paris dịp Thế Vận Hội, sẽ khai mạc ngày 26/07/2024. Ngoài vấn đề bảo đảm an ninh, nước chủ nhà cũng chuẩn bị nhiều biện pháp chống kỳ thị, bạo hành giới, quấy rối tình dục, đeo bám. Ứng dụng UMAY, có thể tải được về điện thoại thông minh, giúp người sử dụng tìm được nơi ẩn náu an toàn (SP). Trên cả nước Pháp có 6.500 địa điểm, trong đó có 350 ở Paris.
Ảnh chụp màn hình ứng dụng UMAY. © Capture d'écran
Thu Hằng
Tại Paris, nhân viên các quán bar, nhà hàng, quầy bán báo, thuốc lá tham gia chương trình đã được huấn luyện để tiếp đón các nạn nhân. Đặc phái viên RFI Amélie Beaucour tường trình từ quán bar Le Petit Chinon, đối tác của ứng dụng UMAY :
« Cách bảo tàng Louvre vài bước, quán bar Le Petit Chinon gắn trên mặt tiền hình bánh macaron sặc sỡ UMAY, tên của ứng dụng liệt kê tất cả những nơi trú ẩn công cộng. Ông Nicolas Bonnet, phó thị trưởng Paris, giải thích về ứng dụng này :
« Ví dụ có một ai đó theo sát quý vị hoặc một người đàn ông đeo bám và bắt chuyện với một phụ nữ… Nếu phụ nữ đó có ứng dụng UMAY, biết được quán Le Petit Chinon này là nơi trú ẩn thì có thể vào đây và sẽ được an toàn. Hiện tại, ở Paris có 350 cơ sơ kinh doanh là nơi trú ẩn như vậy ».
Ứng dụng được tải miễn phí về điện thoại thông minh dưới dạng bản đồ với nhiều chức năng khác nhau. Ông François Morival, đồng sáng chế ứng dụng này, cho biết :
« Chúng tôi căn cứ vào giờ mở cửa của những cửa tiệm, và vị trí địa lý để hướng người sử dụng đến Khu vực An toàn mở cửa gần nhất. Ở đó, họ có thể trình báo vụ việc và chúng tôi có thể trao đổi, trấn an người sử dụng rằng họ được an toàn và được giúp đỡ. Trong trường hợp gặp nguy hiểm, ta cũng có thể kích hoạt chức năng còi báo động có trong ứng dụng, để thu hút sự chú ý, khiến kẻ đeo bám sợ.
Các nhóm UMAY đã huấn luyện được khoảng 40.000 tình nguyện viên Thế Vận Hội Paris 2024. Chính quyền thành phố cũng đã nâng cao kĩ năng này cho cảnh sát địa phương. Và để tạo thuận lợi trong việc tiếp xúc với khoảng 15 triệu du khách đến Paris, họ đeo thêm một phù hiệu cho biết họ nói được một ngoại ngữ khác ngoài tiếng Pháp và tiếng Anh ».
Nga bị cáo buộc « giết » khí hậu vì gây chiến ở Ukraina
Trong cuộc phỏng vấn được AFP công bố ngày 24/07/2024, đồng sáng lập viên tổ chức Ecodefense khẳng định « Nga đang giết chết khí hậu » do cuộc xâm lăng Ukraina.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong ngày khai mạc Hội nghị Khí hậu Thế giới 2015 (COP21) tại Le Bourget, gần Paris, Pháp, ngày 30/11/2015. REUTERS/Stephane Mahe
Thu Hằng
Là tổ chức bảo vệ môi trường của Nga, Ecodefense cùng với 18 cá nhân đã kiện Nga ra Tòa Án Nhân Quyền Châu Âu (CEDH) tháng 08/2023 với cáo buộc Matxcơva đang gây ra « thảm họa khí hậu », « phá hoại những nỗ lực của quốc tế » trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Theo AFP, đây cũng là một trong những nỗ lực của các nhà bảo vệ môi trường để Nga ý thức về hậu quả của cuộc xâm lược Ukraina.
Theo Vladimir Slivyak, đồng sáng lập viên Ecodefense, người đã được trao giải Right Livelihood 2021 (tương đương với Nobel về môi trường), nhiều tài liệu về chính sách nội bộ cho thấy Nga dự kiến, ít nhất cho đến thập niên tới, « gia tăng khai thác than, dầu khí », thậm chí có thể tăng thêm 50%. Quyết định này liên quan đến chiến tranh ở Ukraina. Ngoài ra, việc sản xuất thêm xe tăng, vũ khí trong khuôn khổ nền kinh tế chiến tranh để phục vụ chiến trường Ukraina cũng làm tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Do đó, nhà đấu tranh Nga, hiện phải sống lưu vong, yêu cầu quốc tế có thêm biện pháp trừng phạt, vì « Nga không thể tiếp tục cuộc chiến nếu không bán đủ nhiêu liệu hóa thạch ». Theo ông, « nếu thế giới ngừng mua nhiên liệu của Nga thì có thể sẽ chấm dứt được chiến tranh ngay năm nay ».
Tổ chức Ecodefense đã yêu cầu CEDH đẩy nhanh xử lý hồ sơ về Nga, như vẫn làm với những vấn đề liên quan đến khí hậu. Tuy nhiên, tuần trước, tòa đã bác đề nghị này. Dù có ít khả năng Nga quan tâm đến quyết định của CEDH, nhưng ông Vladimir Slivyak cho rằng việc tòa ra phán quyết cũng đã « có ích » cho việc định hình chính sách khi « chế độ độc tài phát xít » Nga sụp đổ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015 kềm chế mức tăng nhiệt độ dưới ngưỡng 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, Matxcơva đã không có bất kỳ nỗ lực nào để giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính hoặc giảm khai thác nhiên liệu hóa thạch.
Ukraina tìm kiếm ‘‘điểm chung’’ với Trung Quốc để thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình với Nga
Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba, trong chuyến công du Trung Quốc đầu tiên kể từ khi chiến tranh bùng nổ, đã gặp lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm nay, 24/07/2024. Theo hãng tin AP, ngoại trưởng Ukraina cho biết đang tìm kiếm ‘‘điểm chung’’ với Bắc Kinh trong các thảo luận với người đồng cấp Trung Quốc nhằm thúc đẩy một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh với Nga.
Ảnh tư liệu: Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba tại Kiev, Ukraina, ngày 03/06/2024. REUTERS - Gleb Garanich
Trọng Thành
Trong phát biểu khai mạc cuộc hội đàm tại Quảng Châu, miền nam Trung Quốc, ông Dmytro Kuleba nhấn mạnh: ‘‘Tôi tin rằng một nền hòa bình công bằng với Ukraina là nằm trong lợi ích chiến lược của Trung Quốc và vai trò của Trung Quốc với tư cách là thế lực toàn cầu duy trì hòa bình là rất quan trọng”. Trước đó, trên Instagram hôm qua, 23/07, trong ngày đầu tiên tại Trung Quốc, ngoại trưởng Ukraina khẳng định: Kiev và Bắc Kinh cần nỗ lực ‘‘đối thoại trực tiếp’’, đồng thời kêu gọi ‘‘tránh đối đầu giữa các kế hoạch hòa bình’’.
Theo AP, ngoại trưởng Kuleba dự kiến sẽ vận động các quan chức Trung Quốc tham dự một hội nghị thứ hai về hòa bình cho Ukraina, được dự trù sẽ diễn ra trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đầu tháng 11, tiếp theo hội nghị đầu tiên tại Thụy Sĩ hồi tháng 6, mà cả Nga và Trung Quốc đều không tham gia. Chuyến công du Trung Quốc của ngoại trưởng Ukraina dự kiến kết thúc vào ngày thứ Sáu 26/07.
Cho đến nay, Matxcơva vẫn duy trì một quan điểm cứng rắn: Điều kiện tiên quyết cho mọi cuộc đàm phán là Ukraina phải thừa nhận chủ quyền của Nga đối với toàn bộ các vùng lãnh thổ mà Matxcơva đòi hỏi và không gia nhập khối NATO. Theo thông báo của bộ Ngoại Giao Ukraina hôm nay sau cuộc hội đàm giữa hai ngoại trưởng, chính quyền Kiev sẽ thương lượng với Nga chừng nào Nga ‘‘chứng tỏ thiện chí’’. Bộ Ngoại Giao Ukraina nhấn mạnh ‘‘hiện tại phía Nga chưa sẵn sàng cho việc này’’.
Cho đến nay, Trung Quốc tỏ ra là bên trung lập trong cuộc xung đột, trên thực tế Bắc Kinh bị phương Tây cáo buộc hậu thuẫn đắc lực cho cuộc xâm lăng Ukraina của Nga, đặc biệt với việc cung cấp cho Matxcơva các mặt hàng ‘‘lưỡng dụng’’ (dùng cả cho mục tiêu dân sự và quân sự). AFP hôm qua, dẫn lời nhà nghiên cứu Alexander Gabuev, giám đốc Trung tâm Carnegie Nga Á-Âu, với chuyến thăm của ngoại trưởng Ukraina, có khả năng Bắc Kinh sẽ cố gắng tận dụng ‘‘mối quan tâm của Ukraina’’ đối với hội nghị hòa bình thứ hai, để tránh các trừng phạt mới của phương Tây.
Project88: Nhà hoạt động môi trường Ngô Thị Tố Nhiên bị kết án 42 tháng tù
Trang mạng chuyên về nhân quyền Việt Nam Project88 hôm qua, 23/07/2024 cho biết nhà hoạt động môi trường Ngô Thị Tố Nhiên đã bị kết án 42 tháng tù trong một phiên xử kín. Án tù đối với giám đốc ‘‘tổ chức tư vấn năng lượng độc lập duy nhất’’ ở Việt Nam được tuyên vào ngày 27/06, một tháng trước chuyến công du Hà Nội của lãnh đạo ngoại giao Liên Âu Josep Borrell vào cuối tháng 7, mà trọng tâm là phát triển bền vững và khí hậu.
Bà Ngô Thị Tố Nhiên, giám đốc tổ chức Sáng Kiến về Chuyển Đổi Năng Lượng Việt Nam. © Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE)
Trọng Thành
Bà Ngô Thị Tố Nhiên bị bắt hồi tháng 09/2023, một tháng sau khi một nhóm các nhà tài trợ quốc tế - gồm Hoa Kỳ và các nước Liên Âu - cam kết huy động 15,5 tỉ đô la để hỗ trợ Việt Nam trong khuôn khổ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), khuyến khích việc từ bỏ dần than đá và phát triển mạnh các năng lượng tái tạo. Tổ chức Sáng kiến về Chuyển đổi Năng lượng Việt Nam (VIETSE) của bà Ngô Thị Tố Nhiên tham gia vào việc triển khai dự án nói trên.
Lãnh đạo ngoại giao Liên Âu dự kiến sẽ làm việc tại Hà Nội trong ba ngày, từ 29 đến 31/07/2024. Project88 kêu gọi Liên Âu trong dịp này ‘‘công khai lên án’’ bản án tù đối với bà Ngô Thị Tố Nhiên, và có các biện pháp để chính quyền Việt Nam tôn trọng cam kết loại bỏ dần điện than và khuyến khích công chúng tham gia vào cơ chế ‘‘Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng’’.
Theo Project88, một năm sau thỏa thuận về Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng, với trọng tâm là từ bỏ dần điện than, chính quyền Việt Nam đang có xu hướng đi ngược lại cam kết. Trong 5 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu than của Việt Nam tăng 71% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu than năm 2023 cao hơn 61% so với năm 2022. Project88 nhận định quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam ‘‘đang thất bại’’. Báo cáo của Project88, dự kiến công bố vào tuần tới, sẽ trình bày rõ về vấn đề này.
--
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét