Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2024

Thêm 7 thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam - VOA

 

Quốc kỳ Việt Nam và Mỹ.

Một nhóm gồm 7 thượng nghị sĩ Mỹ vừa gửi thư cho Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, kêu gọi bà không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, đồng thời hối thúc hãy bảo vệ các ngành công nghiệp cũng như lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ. Viện dẫn lý do chính quyền Việt Nam kiểm soát đồng tiền của quốc gia này, thiếu quyền lao động và nhà nước cộng sản ra tay can thiệp sâu rộng, do đó, việc trao cho Việt Nam quy chế nền kinh tế thị trường “sẽ tàn phá các ngành công nghiệp của Hoa Kỳ vốn đã bị thiệt hại do các hoạt động thương mại không công bằng của Việt Nam”.

<!>

“Đồng tiền của Việt Nam không được tự do chuyển đổi. Việt Nam không bảo vệ sự thương lượng tự do giữa người lao động và cấp quản lý. Nhà cầm quyền nước này duy trì quyền kiểm soát đáng ngại về giá cả và sản xuất thông qua các doanh nghiệp nhà nước hoặc các doanh nghiệp được nhiều trợ cấp…”, bức thư có đoạn viết.

Ngoài ra, nhóm các nhà lập pháp Mỹ còn cho rằng nếu công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường sẽ dẫn đến tình trạng người Mỹ mất việc làm và gây tổn hại cho người lao động Mỹ.

Các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom Cotton (bang Arizona), Roger Wicker (Mississippi), Bill Cassidy (Louisiana), Cindy Hyde-Smith (Mississippi), Josh Hawley (Missouri), Katie Britt (Alabama) và John Boozman (Arkansas) đồng ký tên vào bức thư đề ngày 24/7.

Bức thư nhắc lại Chỉ thị 24 năm 2023 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, mà theo các nhà lập pháp Mỹ, chỉ thị này “gia tăng quyền lực của Đảng Cộng Sản Việt Nam trong việc hạn chế và trừng phạt các nhóm xã hội dân sự và công đoàn, kiểm soát các tổ chức ngoại quốc, kiểm duyệt và loại bỏ những người bất đồng chính kiến, và kiểm soát công dân Việt Nam đi ra nước ngoài”.

Nhóm 7 thượng nghị sĩ Mỹ khẳng định việc ban hành Chỉ thị 24 của chính quyền Việt Nam cho thấy đó “không phải là hành động của một quốc gia đang mở cửa hệ thống kinh tế hoặc hệ thống chính trị”.

Cảnh báo rằng việc trao cho Việt Nam quy chế kinh tế thị trường chỉ tạo thêm nhiều cơ hội cho hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc lách thuế của Mỹ, các thượng nghị sĩ lưu ý rằng Việt Nam đã có thặng dư thương mại hàng hóa hơn 100 tỷ USD mỗi năm với Hoa Kỳ, nhưng vẫn tiếp tục xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc.

“Trên thực tế, việc trao quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam có lẽ chỉ càng khuyến khích hợp tác Trung-Việt qui mô hơn mà thôi, vì Bắc Kinh có thể tìm cách tăng cường trung chuyển hàng hóa qua Việt Nam và chuyển các công ty của họ sang Việt Nam để khai thác quy chế ưu đãi đó”, vẫn theo nội dung bức thư của các nhà lập pháp Mỹ.

VOA đã liên lạc với Bộ Thương mại Mỹ và Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị đưa ra bình luận về bức thư trên, nhưng chưa được phản hồi.

Trước đó, hàng chục các nhà lập pháp lưỡng đảng của Mỹ, kể cả ở Thượng viện và Hạ viện, cũng yêu cầu Bộ Thượng mại Mỹ không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, với các lý do tương tự.

Trong hơn 20 năm qua, Việt Nam bị Mỹ xác định là nền kinh tế phi thị trường.

Hồi tháng 9/2023, Bộ Công thương Việt Nam đã đề nghị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đánh giá lại tình trạng này khi cho rằng họ cần được đưa ra khỏi danh sách vốn áp dụng cho các vụ kiện chống bán phá giá.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 10/2023 đã đồng ý xem xét lại tình trạng của Việt Nam và Bộ Thương mại Mỹ dự kiến đưa ra quyết định vào cuối tháng 7 này.

Hôm 24/7, như VOA đã đưa tin, Bộ Thương mại Mỹ nói rằng quyết định có nâng cấp Việt Nam lên nền kinh tế thị trường hay không sẽ được đưa ra vào ngày 2/8 tới, thay vì vào ngày 26/7, với lý do họ bị gián đoạn vì sự cố công nghệ thông tin xảy ra vào tuần trước.

Chính quyền Việt Nam cho rằng họ hội đủ 6 tiêu chí của Mỹ để được công nhận quy chế kinh tế thị trường bao gồm khả năng chuyển đổi tiền tệ; tự do thương lượng về tiền lương; đầu tư ngoại quốc; quyền sở hữu hoặc kiểm soát sản xuất của nhà cầm quyền; nhà nước kiểm soát việc phân bổ nguồn lực; các yếu tố thích hợp khác, chẳng hạn như nhân quyền, quyền của người lao động…

Không có nhận xét nào: