Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 3 tháng 7, 2024

Thân Tặng Quý Thân Hữu (PTH) Yêu Thơ: LƯU NGUYỄN ĐẠT DÒNG THƠ LỤC BÁT (Full Edition/Toàn Bộ)


LỜI TRI ÂN
Thơ ẩn dụ, mượn tam đại -- thiên, địa, nhân -- làm trụ thơ. Con người là trục nối từ đất tới trời, từ tạm bợ, bất toại, hà tì, đổ vỡ … tới tình yêu hướng thượng, tới lý tưởng toàn mỹ. Và đó cũng là con đường diễn tiến tới chân thức, tới phẩm giá nhân bản, nơi chúng ta chuyển lực gần nhau, từng bước một… rồi lúc sáu, lúc tám.
LỤC BÁT CHĂNG?
thơ kia lục bát cơm trời
khi vương hạt thóc khi vơi tình mình
canh cô vạn lý u minh
chỗ nào sáu ải điêu linh tám đèo  […]
thơ kia lục bát ẩn lâu
vỡ tan từng mảnh biển dâu bàng hoàng
[ƯỚP TỐI TÊ HỒN, SÓNG GÀO, Việt Thức, 2014]
<!>
LỤC BÁT CHĂNG?

đêm khuya việt thức bút mềm
thảo dòng tư tưởng trên thềm hoang vu
ngày nào ánh sáng trùng tu
con đường hạnh ngộ ngàn thu sẽ là…

[TÌM CHỮ, SÓNG GÀO, Việt Thức, 2014]

Xin Tri Ân Nhà Biên Khảo Lê Hữu đã gợi ý thi nhân chọn lọc từ gần một ngàn bài thơ viết trước đây thành DÒNG THƠ LỤC BÁT LƯU NGUYỄN ĐẠT hôm nay.

LƯU NGUYỄN ĐẠT
JULY 23, 2019


LÊ HỮU

“ĐỌC TRANH, XEM THƠ”
LƯU NGUYỄN ĐẠT

Thơ kia lục bát ẩn lâu
vỡ tan từng mảnh biển dâu bàng hoàng

(Sóng Gào, thơ Lưu Nguyễn Đạt)

“Đẹp quá, bức tranh Giặt Lụa Bên Sông!” Tôi nói với anh Lưu Nguyễn Đạt như vậy, và anh “bắt” được ngay ý tôi. Anh cười và nói anh cũng thích “tranh” ấy. Sau đó, chúng tôi cùng nói về bức tranh thơ, bức tranh lục bát của anh.

Em về giặt lụa bên sông
đổi dòng nước thắm thành không gian màu
Tơ xanh em nhuộm tình đầu
cuối mùa xuân nõn nà khâu chỉ đào
(Giặt Lụa Bên Sông)

Tôi chịu bài thơ này là có lý do. Thứ nhất, hình ảnh thật là đẹp của những cô thôn nữ chiều chiều “giặt lụa bên sông” tưởng đã biệt tăm theo dòng thời gian, nay bỗng được nhà thơ cho tái hiện. Thứ hai, bài lục bát ấy có lời thơ hay, ý thơ đẹp trong số nhiều bài thơ “thi trung hữu họa” của anh Lưu Nguyễn Đạt. Trước đó, anh từng cho ấn hành những thi-họa phẩm với phong cách của riêng anh mà tôi gọi là “thi-họa giao duyên”. Vẽ Tình chẳng hạn, phải kể là một công trình nghệ thuật độc đáo. Không phải tranh minh họa thơ, cũng chẳng phải thơ cảm tác tranh. Thơ và tranh tương tác, sánh đôi bên nhau, đồng hành với nhau, xướng họa lẫn nhau như một tình bạn tri âm, tri kỷ. “Vẽ Tình, thật khó mà tìm được cái tựa nào hay hơn.” Tôi nhớ đã nói với anh như vậy.

Những bức “Tranh Thơ” hoặc những bài “Thơ Tranh”, gọi sao cũng được. Bức họa đẹp tựa bài thơ. Bài thơ đẹp như bức họa. Người đọc, người xem có được niềm hứng thú nhân đôi: vừa thưởng thức thơ, vừa thưởng lãm tranh.
Dường như thi và họa trong anh Lưu Nguyễn Đạt khó mà tách rời nhau được, như hình và bóng, như mình với ta, như hai mà một. Có khi là bức tranh thơ tĩnh lặng:

Sông hồng bờ lạnh em ngồi
nhìn theo dòng nước chia đôi hồn chiều
(Sông Hồng)

Có khi là vài đường nét chấm phá của bức chân dung.

Sau cơn mưa hẹn đất mòn
ánh chiều dù nhạt vẫn hồng môi xưa

(Môi Xưa)

Anh vẽ thơ ở mọi nơi, mọi lúc. Trong nhà hay ngoài trời, trong quán xá hay ngoài vườn cây…

Tranh trời tôi vẽ ngoài trời
giữa nơi gió bụi nửa vời mây qua

Có họa phẩm anh vẽ một loáng là xong, có họa phẩm anh vẽ… mãi không xong. Anh thao thức, trăn trở, trằn trọc. Vẽ đi vẽ lại, bản vẽ vẫn là một phác thảo, một bức vẽ dở dang.

Tranh trời tôi vẽ chưa xong
đành thân gửi sóng đành vong quốc màu

(Tranh Trời)

Tranh gì mà khó vẽ đến vậy? Có khi cũng lại là… “Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương” [1]

Cứ thế, tôi “xem thơ” anh, “đọc tranh” anh. Đọc trong tranh, thấy câu thơ. Xem trong thơ, thấy nét họa.
Cứ thế, anh tiếp tục vẽ thơ, từ ký họa đến chân dung, phong cảnh, tĩnh vật, từ tranh thủy mặc đến tranh trừu tượng... Anh nhào nặn, pha trộn trong thơ đủ mọi sắc độ sáng tối, đậm nhạt, từ những “màu sương pha”, “màu trăng non”, “màu hoàng hôn” đến những “màu đam mê”, “màu phù du”, “màu thủy chung”, “màu khí phách”, “màu thời gian”…

Nhiều bức vẽ thật sinh động, giàu hình ảnh, đủ sắc màu:

Ta về mật ngọt trăng mừng
nhuộm vàng ngọn sóng trên lưng ngựa hồng
Bao lần trải cát mênh mông
trên bờ đá vợi gót sông xanh tuyền

(Ca Tụng)

Nhiều người nói rằng thơ anh Lưu Nguyễn Đạt rất Tây. Tôi lại không nghĩ như vậy. Anh chỉ Tây khi làm thơ… tiếng Tây,[2] và những bài thơ ngoại ngữ ấy đôi lúc cũng được anh Việt hóa để mang về “hồn Việt”. Muốn biết Tây hay Ta, sao không thử đọc những bài lục bát, những bài thơ “nội hóa” của anh? Thơ anh đủ mọi thể loại, và dòng thơ anh cuồn cuộn, phiêu bạt như những nhánh sông, dạt dào qua những bến bờ. Khi dạt vào bờ lục bát yêu thương, dòng thơ anh róc rách, rì rào chảy xuôi về nguồn.

Một mai dệt chữ thành thơ
nối vần đắp mộng kết tơ về nguồn

(Về Nguồn)

“Tôi làm thơ vì phải lòng chữ nghĩa,” anh chia sẻ. “Phải lòng tiếng Việt,” anh xác định.
Có thật là anh “phải lòng tiếng Việt”? Thử nghe anh tỏ tình bằng những câu lục bát đằm thắm, trữ tình.

Hôm qua lá ngả sương mù
thơ anh khẽ mở y như tấm lòng

(Y Như Tấm Lòng)

Em đi để lại mùa đông
nắng không đủ ấm như sông xa nguồn
Em đi để lại mênh mông
vực sâu thăm thẳm nụ hồng phôi pha

(Lưng Đêm)

Anh Lưu Nguyễn Đạt sử dụng công cụ tiếng Việt thật nhuần nhuyễn, thật linh hoạt. Hơn thế nữa, anh lại còn sáng tạo chữ nghĩa, còn chơi chữ, ghép hình. Anh đùa nghịch, tung hứng chữ nghĩa như trò chơi tung hứng “3-ball cascade juggle”.
Anh còn mang câu lục bát thẳng cánh cò bay theo anh đến tận phương trời nào xa xăm viễn xứ.

Alarahan bàng hoàng
thạch lam sóng biếc vợi vang cõi lòng…
Alarahan vui buồn
có em từ đó thơ muôn trùng là

(AVSALLAR & ANTALIA, ALARAHAN, TURKEY, 2004)

Thơ anh kén người đọc; tranh anh kén người xem. Nhiều người nói vậy và anh cũng biết vậy. Nếu đọc thơ anh như là đảo mắt lướt qua bức tranh treo tường thì có khi… chẳng đọc được gì. Anh cũng muốn chiều lòng, chiều ý người đọc người xem, nhưng đấy lại là phong cách anh, là nghệ thuật thơ/tranh Lưu Nguyễn Đạt. Chẳng cần phải thấy dưới mỗi bức tranh, mỗi bài thơ có ký tên tác giả, người ta cũng nhận ra anh, nhận ra chàng nghệ sĩ Lưu Nguyễn Đạt.[3]

“Tôi làm thơ như thở,” anh nói. Tôi tin là anh nói thật chứ chẳng phải nói cho vui hay tạo dáng. Anh làm thơ mà tựa như không làm lụng gì cả; anh vẽ tranh mà tựa như không vẽ vời chi cả.

Anh tựa như hai chàng “Lưu Nguyễn” đã “Đạt” tới được cái lẽ vi diệu của đất trời. Anh làm thơ, vẽ tranh thật hồn nhiên, thật phóng khoáng như tâm hồn anh thật phóng khoáng. Và nguồn thi hứng trong anh dường như chưa có lúc nào vơi cạn.

Anh Lưu Nguyễn Đạt có lần dẫn câu thơ của Pablo Neruda trong dịp nào đó anh nói về thi phú.

Nếu mọi dòng sông đều ngọt ngào
biển cả lấy đâu ra muối mặn?

If all rivers are sweet
where does the sea get its salt?[4]

“Thơ trong sạch hay bụi bậm là do lòng người tìm kiếm chất thơ,” anh nói. “Thơ huyền biến, lúc hiền hoà, khi độc ác. Như vị cay, vị ngọt cuối làn môi.”

[Lưu Nguyễn Đạt, “Nói Về Thơ”, LỜI CỦA CÁT]

Tất nhiên là tôi không thể nào đồng ý hơn được. Làm gì có chuyện dòng sông nào cũng ngọt ngào. Làm gì có chuyện con người lúc nào cũng mặn mà, tử tế với nhau. “Lúc hiền hoà, khi độc ác,” nói như anh.

Thế nhưng người ta vẫn mong mỏi những đổi thay, vẫn trông chờ điều gì đó làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn lên. Anh Lưu Nguyễn Đạt không chỉ mong mỏi, anh thực sự tin tưởng vào những đổi thay ấy.

Lòng mong mỏi và niềm tin yêu ấy gợi cho tôi nhớ đến một biểu tượng, một bức tượng, một công trình điêu khắc nghệ thuật được chính tay anh dựng lên tại Camp Pendleton, San Clemente, California vào một ngày khó quên, July 4, 1975. Hand of Hope (Bàn Tay Hy Vọng), tượng đài ấy mang ý nghĩa đánh dấu “Cuộc hành trình đến Tự Do và Vươn Tới” của những đợt người Việt vừa vượt thoát, vừa đặt bước chân tỵ nạn đầu tiên đến Hoa Kỳ và những miền đất nào của Thế Giới Tự Do. Trong số đó có anh Lưu Nguyễn Đạt cùng gia đình.

Anh đã đặt vào tượng đài đó, đặt vào lòng bàn tay mở ra đó, nguồn hy vọng chứa chan. Mãi đến nay, niềm hy vọng ấy vẫn chưa tan, niềm tin ấy vẫn chưa mỏi.

Bàn tay ấy vẫn còn mở ra, và những ngón của bàn tay “hy vọng đã vươn lên” ấy vẫn đứng thẳng, vẫn thẳng tắp như vươn lên trời cao, như thúc đẩy con người vươn tới những tình cảm hướng thượng, để biết thương yêu đồng loại và biết đối xử với nhau như những Con Người Tử Tế.

Cũng vì không phải “mọi dòng sông đều ngọt ngào” nên thơ anh hay nói về niềm vui, nỗi buồn:

Niềm vui tôi hát trong lòng
ướp thêm chút nắng khép vòng nhân gian…
Niềm vui tôi hát cho mình
em nghe đến tận bình minh héo buồn

(Héo Buồn)

“Thơ là chút niềm vui còn sót lại đêm qua”, tôi thích cách định nghĩa ấy của anh Lưu Nguyễn Đạt. Sau cùng, có lẽ đấy là cách định nghĩa thật bình dị, đơn sơ như… lục bát mà mọi người dễ dàng chia sẻ với anh, như chia sẻ “chút niềm vui còn sót lại”.

Tôi chắc anh cũng chỉ mong được như vậy.

LÊ HỮU

[1] Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều
[2] Luu Nguyen Dat, PAROLE DE SABLE [Viet Thuc, 2014] & À FLEUR D’AMOUR [Viet Thuc, 2018]
[3] Đăng Nguyên: Tôi có cảm giác thích thú khi đọc thơ anh. Như đang đi trong dòng suối mát, chợt thấy mình choáng ngợp giữa mênh mông sóng vỗ. Không cần hiểu chữ nghĩa mà ngậm nghe từ huyền hoặc của ngôn từ. Không cần nhìn tên tác giã cũng cảm nhận được đây là THƠ LƯU NGUYỄN ĐẠT.
[4] Pablo Neruda, The Book of Questions, (El libro de las preguntas), Copper Canon Press: Port Townsend, 1991. Câu hỏi có chiều sâu thách đố tuyệt đối như những công án (koan) xuất phát từ tâm thức các thiền sư.

THÂN MỜI QUÝ VỊ ĐỌC (TỪ TỪ) 170 BÀI THƠ
LƯU NGUYỄN ĐẠT
DÒNG THƠ LỤC BÁT
Full Edition/Toàn Bộ Đính Hậu

(See/Read Attachment)

LƯU NGUYỄN ĐẠT @ DÒNG THƠ LỤC BÁT. INTERIOR. UPDATED JULY 2024.pdf

Không có nhận xét nào: