Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2024

NHỮNG CẤP CHỈ HUY ĐÁNG KÍNH CÚA TÔI..... - MX Lê Quang Liễn K20


Cuối năm 1971, sau khóa học quân sự tại Trường Bộ Binh Thủ Đức, tôi được thuyên chuyển về TĐ2/TQLC. Đến phi trường Đông Hà buổi chiều mùa Đông nhiều mây xám vào gần cuối năm, trời mưa và thật lạnh với cái rét thấu xương của miền Trung. Tiểu đoàn đang đóng quân gần Đông Hà nên NT Nguyễn Xuân Phúc cho xe đón tôi, gặp tôi ông cười vui vẻ nói: - Cuối năm 69 ông chê TĐ2 vì không chịu làm tham mưu, nên lần này tôi xin ông về chỉ để đánh nhau thôi, tôi giao Đại Đội 4 cho ông đó. - Thưa Trung Tá tôi rất mừng được về đây, dầu sao Trung Tá không giận thằng em. Vả lại, lúc đó tôi thấy bó tay bó chân khi ở BCH/TĐ. Tánh tôi ưa hoạt động độc lập. Xin cám ơn Trung Tá.
<!>
Lời chào mừng có ý nhắc lại thời kỳ năm 1969, sau khi tôi mãn khóa Basic School tại Quantico, Hoa Kỳ tức Khóa học Căn Bản Sĩ Quan TQLC/HK và thuyên chuyển về “Khối Bổ Sung” để chuẩn bị cho TĐ8/TQLC tân lập. Thời gian sau đó, tôi được chuyển về TĐ2/TQLC trong chức vụ Sĩ Quan HQ&HL, nhận thấy các ĐĐT là các NT/K19 của tôi cả nên tôi thấy không phù hợp trong nhiệm vụ và xin NT cho tôi ra đại đội tác chiến, nhưng NT Phúc nói chờ vài tháng vì đang kẹt nhiều sĩ quan thâm niên mà Tiểu Đoàn thì chỉ có 4 đại dội nên sau đó tôi được về lại “Khối Bổ Sung” vì nhu cầu cán bộ cho TĐ8/TQLC .

NT Nguyễn Xuân Phúc rất nổi tiếng vì là Á Khoa K16 TVBQGVN. Trong thời gian thụ huấn NT là Tiểu Đoàn Trưởng trong hệ thống tự chỉ huy của SVSQ, được đồng khóa và các khóa đàn em kính mến, được đàn em tặng biệt danh “Robert Lửa” . Trong BC/TQLC, NT từng lần lượt giữ các chức vụ từ cấp Trung Đội Trưởng cho đến Tiểu Đoàn Trưởng, và sau cùng là Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 369/TQLC.

Điểm nổi bật của NT là trung thực, thẳng thắn, hết sức tôn trọng các đơn vị bạn khi giao tiếp. Sống với đồng đội, thuộc cấp thì NT thật bình dị như anh em, đi hành quân cũng nằm đất trên tấm poncho hoặc trên chiếc võng như mọi người. NT Phúc nghĩ nhiều về sự an nguy, và quyền lợi của thuộc cấp. Đặc biệt NT rất nghiêm nghị, trầm tư lúc hữu sự, đôi mắt to, sáng quắc, long lanh khác hẳn những lúc sinh hoạt bình thường. Điều này cũng làm cho các vị cố vấn TQLC/HK đi cùng phải im lặng và chờ lịnh từ NT.

Một kỷ niệm khó quên với người NT đáng kính là trong một lần tôi về phép Sài Gòn vào năm 1974, thời gian này NT đang theo học khóa Chỉ Huy & Tham Mưu tại Long Bình. NT hẹn tôi đón ông tại ngã tư Thủ Đức và Xa Lộ Biên Hòa lúc 6 giờ chiều. Thì ra NT quá giang xe của bạn bè từ Sài Gòn- Long Bình mỗi ngày để đi học. NT có thời gian hơn 6 năm giữ những chức vụ chỉ huy, mà lúc đi đáo nhậm đơn vị mới chỉ chạy cái xe Lambretta cũ mèm. NT có cuộc sống rất thanh bạch. Vị Tư Lệnh nói:

- Phúc nó nghèo, vì lúc nào nó cũng sợ lính bị đói.

Là TĐT/TĐ2 nhưng NT đã chứng tỏ khả năng chỉ huy cao hơn trong cuộc HQ Lam Sơn 719 trên chiến trường Hạ Lào năm 1971, trong tình thế bị bao vây và chia cắt, suốt hơn một tháng tham dự, vị Lữ Đoàn Trưởng 147 bị suy sụp sức khỏe, trong vai trò Tiểu Đoàn Trưởng bảo vệ Lữ Đoàn, NT đã không ngần ngại hay chờ lệnh mà nắm ngay quyền điều động các đơn vị, xin hỏa lực yểm trợ của Không Quân Hoa Kỳ qua hệ thống Cố Vấn TQLC tại Khe Sanh. Trên hệ thống truyền tin của LĐ/147/TQLC, tiếng nói thường trực 24/24 của NT đã đem lại sự an tâm cho tất cả đơn vị thống thuộc.

NT đã điều động các đơn vị đến điểm tập trung an toàn để được trực thăng bốc về Khe Sanh, TĐ2/TQLC là thành phần bao chót của Lữ Đoàn 147.

“Gian Nan Thử Sức”, trước tình thế nguy ngập khó khăn mới biết ai là “Cây Tùng Trước Bão”. NT Nguyễn Xuân Phúc là một người như thế.

Sau hơn 4 tháng hành quân tăng phái cho Quân Đoàn I, TĐ2 trở về hậu cứ để bổ sung quân số và tái trang bị chưa được 2 tuần lễ, chưa có ngày phép nghỉ ngơi thì ngày 3 Tháng 4 năm 1972, TĐ2/TQLC đã phải trở lại chiến trường Quảng Trị khi CSBV bắt đầu chiến dịch Nguyễn Huệ. Vùng hành quân trách nhiệm của TĐ2/TQLC phía Tây – Nam Thị Xã Quảng Trị. Trong gần suốt Tháng 4 năm 1972, Đại Đội 4 của tôi trấn thủ và chịu đựng pháo địch ngày đêm tại căn cứ Barbara, vị trí xa nhất gần 10km về hướng Tây của Quốc Lộ 1, Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 2 cách căn cứ Barbara khoảng 8km, các đại đội tích cực tìm kiếm và tiêu diệt các toán trinh sát CSBV đang bám sát quân ta hoặc phát giác các ổ phòng không của địch trên các hốc núi, triền đồi để phi cơ oanh kích chúng. Trong tuần lễ thứ hai của Tháng 4, Trung Đội Viễn Thám do Th/Úy Nguyễn Văn Đợt chỉ huy sử dụng con đường nối liền từ QL1 – Barbara (có từ thời QĐ Hoa Kỳ) để hoán đổi cho Trung Đội Viễn Thám bạn tại Barbara, đã bị CSBV phục kích gây thương vong, một số bị bắt.

Áp lực địch ngày càng gia tăng nhất là hướng Bắc, Tây- Bắc của Sư Đoàn 3 và các đơn vị tăng phái. Trước tình hình rất căn thẳng của khu vực hành quân NT Phúc đã hình dung sẽ có lúc phải rút “đứa con” (Đại Đội 4) xa nhất về, NT đã ra lịnh cho Đại Đội 1 là đơn vị gần tôi nhất, phải âm thầm phát rừng mở một con đường mới, xuyên rừng và cách con đường cũ khá xa. Về phần tôi, cũng chỉ phải phát rừng gần 200m để gặp Đại Đội 1. Trong vòng 5 ngày hai đại đội đã thông được con đường, mà công lao của Đại Đội 1 là chính. Từ đây, mọi tiếp tế lương thực, bổ sung... cho đơn vị tôi đều xử dụng con đường kín đáo này một cách an toàn.

Với tầm nhìn xa và sự nhạy bén tình hình của cấp chỉ huy kinh nghiệm mà NT đã đưa ra những kế hoạch đúng lúc, đúng chỗ, bảo đảm an toàn cho Đại Đội 1 và Đại Đội 4 về sinh mạng và quân dụng khi có lịnh rút TĐ2/TQLC về thiết lập tuyến phòng thủ Mỹ Chánh vào đầu tháng 5 năm 1972.

Tại phòng tuyến Mỹ Chánh vào đầu tháng 5/1972, trước áp lực của nhiều sư đoàn CSBV với kế hoạch tiến về Thành Phố Huế, Đại Tá Phạm Văn Chung, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 369/TQLC- đã tín nhiệm, giao phó, và xác nhận NT Phúc có quyền hạn như một Lữ Đoàn Phó để phối hợp chỉ huy các TĐ5 và TĐ9/TQLC khi tình thế diễn biến phức tạp và bất ngờ.

Bản tính đạo đức, liêm khiết, quan tâm đến thuộc cấp, xông xáo trên chiến trường với những tính toán có tính chiến thuật... Thật sự trong thâm tâm tôi rất an lòng khi thi hành mọi nhiệm vụ mà NT Phúc giao phó với tất cả lòng nhiệt thành của tuổi trẻ vì rất tin tưởng vào những quân lịnh có tính toán sắc bén của NT.

Ngoài chiến trường, khả năng chỉ huy và tài lãnh đạo của cấp chỉ huy là quyết định sống chết cho thuộc cấp, NT Nguyễn Xuân Phúc đã hoàn thành nhiệm vụ đó một cách xuất sắc khiến thượng cấp, đồng đội và thuộc cấp đều mến phục.

Mạng sống trời ban cho thật đáng quý, nhưng càng quý hơn khi một cấp chỉ huy biết chia xẻ mạng sống với thuộc cấp vào giờ phút tử sinh.

Sáng ngày 29/3/1975, chính xác là từ 7-10 giờ, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 369/TQLC Nguyễn Xuân Phúc cùng Lữ Đoàn Phó Đỗ Hữu Tùng ngồi bên những máy truyền tin ngay bờ biển Non Nước mà không quan tâm tới việc những quân nhân khác đang lên 2 chiếc tàu HQ đậu gần đó, vì các Niên Trưởng còn liên lạc và chờ đứa con, TĐ9/TQLC của Thiếu Tá Lâm Tài Thạnh, đang từ xa rút về. Nhưng buồn thay, VC đã pháo kích trên bãi biển và tàu HQ rồi 2 NT Phúc và Tùng đã biến mất trong khói lửa mịt mù! TĐ9/TQLC mất liên lạc với cấp chỉ huy đành tử thủ và quyết tử với địch quân đông gấp nhiều lần.

Khi hay tin NT Nguyễn Xuân Phúc đã biến mất, nhưng tôi cứ thầm mong có một phép lạ nào đó để NT sẽ trở về. NT thật xứng đáng một cấp chỉ huy tài ba, một đồng đội, một người anh ĐÁNG KÍNH.

Trong số những Khóa 16/VB tình nguyện về TQLC, Niên Trưởng Phạm Văn Sắt là một trong những người nổi bật của khóa, NT Sắt bị thương đến 5 lần: 1 lần trong chức vụ đại đội trưởng, và 4 lần khi là tiểu đoàn phó TĐ3/TQLC. Trên người NT những vết thương chiến tranh ghi dấu khắp nơi, đặc biệt vùng bụng với những vết sẹo dài, sần sùi. NT là người được giữ chức vụ tiểu đoàn trưởng trước tiên, đồng thời với NT Nguyễn Xuân Phúc, cho nên, cuộc đời binh nghiệp của NT cũng rất sôi động khắp 4 vùng chiến thuật, góp nhiều chiến công cho Binh Chủng. Nhưng điều đáng nói, đáng làm gương cho... là nghệ thuật lãnh đạo và chỉ huy của NT trong quân ngũ cũng như bên hành chánh.

Lần đầu tiên khi tôi trình diện NT Phạm Văn Sắt tại TĐ8/TQLC tân lập, tôi có cảm giác vừa an tâm và kính nể vì NT đón tiếp tôi rất ân cần, dặn dò rất chi tiết của một cấp chỉ huy quan tâm đến thuộc cấp và đơn vị.

Tại doanh trại, NT thường bất ngờ xem xét nơi ăn chỗ ở, đặc biệt bếp ăn của binh sĩ, khuyến khích các đại đội tổ chức các hoạt động thể thao, thể dục nhằm tăng cường thể lực và tạo không khí vui tươi trong đơn vị.

Trong thời gian Tiểu Đoàn 8 hành quân ở Nông Sơn, NT ưu tiên cấp phép cho các quân nhân quê quán quanh vùng Quảng Nam, Thừa Thiên. Đây là một yếu tố tâm lý chỉ những người biết lãnh đạo mới nhìn ra, NT tự tin vào thuộc cấp không sợ anh em đảo ngũ mà chính thuộc cấp đã tin tưởng hơn nữa vào cấp chỉ huy.

Sau mỗi lần hành quân về lại hậu cứ, thường đoàn xe đến cổng trại vào xế chiều hoặc rất khuya. Theo thông lệ, các đại đội đều viết sẵn giấy phép để cấp cho anh em quanh vùng Sài Gòn – Gia Định tạm về thăm gia đình ngay sau những ngày mong đợi. Những ngày sau đó, tùy tình hình nhiệm vụ trong tương lai và biết được ý định của Bộ Tư Lệnh, Tiểu Đoàn Trưởng Phạm Văn Sắt cấp 5 ngày phép đặc biệt cho tất cả các quân nhân. Trong không khí vui mừng, các quân nhân lại được xe GMC của tiểu đoàn chở ra đến chợ Thủ Đức và ngược lại, tiết kiệm thời gian và túi tiền cho anh em hơn cả tiếng đồng hồ thay vì phải đi xe Lam 3 bánh. NT là người cuối cùng rời doanh trại, sau khi đã đi kiểm tra phòng ngủ của các đại đội, để yên tâm rằng tất cả quân nhân đã rời hậu cứ.

Nghe có vẻ “lý tưởng hóa” cấp chỉ huy, nhưng đây là sự thật đã được tác giả Giang Văn Nhân, một sĩ quan kỳ cựu của TĐ3/TQLC, ghi lại trong tác phẩm “CHẶNG ĐƯỜNG NỐI TIẾP”, tôi xin trích đoạn như sau (*):

******

- Thiếu Tá Sắt đi lướt qua phía sau các đại đội, Ông nhìn và lắng nghe tâm sự vụn vắt và ước muốn trong mấy ngày ở hậu cứ của các anh em binh binh sĩ tỉ tê khi đang lau chùi vũ khí... hiểu được những ước mong thầm kín của anh em binh sĩ sau mỗi lần hành quân về, khi đi ngang qua tấm bảng “CẤM TRẠI”, Ông đứng lại, nhìn tấm bảng hồi lâu, rồi Thiếu Tá Sắt ra lệnh cho người Hạ Sĩ Quan trực: “Nhờ Trung Sỉ cất tấm bảng “Cấm Trại” dùm tôi. Sau đó Ông cho lệnh tập họp các đại đội và nói:

- Tiểu Đoàn sẽ xả trại và cấp 5 ngày phép đặc biệt cho mọi người. Tôi muốn 5 ngày là 5 ngày, anh em phải về trình diện cho đầy đủ...


Niềm vui bất ngờ, tất cả la to như muốn vỡ bầu không khí... doanh trại dần dần thưa thớt, Th/Tá Sắt đi vòng quanh khu nhà ở của binh sĩ để kiểm soát, nghe có tiếng chuyện trò văng vẳng, ông bước vào, 4 người lính vội đứng nghiêm chào, Ông thắc mắc hỏi:

- Các em đã nhận giấy phép chưa?

- Thưa Thiếu Tá chúng em đã nhận rồi.

- Nếu có rồi thì các em rời khỏi đây ngay..

- Quê chúng em ở xa, không có tiền nên ở lại trại có cơm ăn chỗ ngủ.

- Các em đi theo tôi...

Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng dẫn 4 người lính xuống Ban Quân Lương và chỉ thị cho nơi đây làm giấy ứng tiền lương trước cho 4 anh em này và cả những ai cần tiển để về thăm gia đình ở xa...

Thiếu Tá Phạm Văn Sắt đã mang niềm vui bất ngờ cho TĐ3/TQLC và đây là chuyện hiếm có ở cấp tiểu đoàn trong Binh Chủng TQLC.

******

(*) Đây chỉ là một trích đoạn trong “Niềm Vui Bất Ngờ” của tác giả Giang Văn Nhân nên tôi không thể diễn tả hết niềm vui sướng của người lính được đi phép sau mỗi lần hành quân trở về, dù đó là quyền lợi của người lính, nhưng vì lý do hành quân nên “quân bị hành” thường bị cấp trên quên những ngày phép quý giá đó.

Kỳ diệu thay, đại đa số anh em trong khu vực Biệt Khu Thủ Đô và các tỉnh lân cận đều về đúng phép, một số nhỏ ở xa như miền Trung trễ vài ngày vì phương tiện vận chuyển đều được thông cảm.

Vì bị thương nặng, cần dưỡng thương lâu dài, năm 1968, NT Sắt được thượng cấp đề bạt chức vụ Quận Trưởng Quận Thủ Đức. Thời gian giữ chức vụ hành chánh này NT cũng được dân và quân trong quận truyền tai nhau về nhiều giai thoại như sau:

- Ông Quận không cho bà xã quá giang xe Jeep của quận.

- Nghiệp đoàn xe Lambretta 3 bánh Thủ Đức được ông Quận nâng đỡ bằng cách giảm thuế. Nhớ ơn và kính phục họ mang quà đến mà ông Quận không nhận.

NT đã có lần tâm sự với tôi một cách chân tình và cởi mở:

- Anh về Quận Thủ Đức gần Sài Gòn mà có xin ai đâu, biết rằng trong phạm vi Quận có nhiều cơ sở kỹ nghệ, với máu nhà binh trong người nên anh cho lực lượng quân sự địa phương tăng cường phòng thủ, canh gát cẩn mật các cơ sở đó. Vì nghĩ rằng: ông Quận là TQLC, nếu để VC phá hoại các cơ sở kinh tế huyết mạch này thì mất thể diện TQLC. Các ông giám đốc cám ơn công việc của anh, lại đem quà biếu. Anh phải giải thích đó là việc phải làm của quận và anh từ chối.

Tôi nghĩ cũng vì các việc làm phải, đạo nghĩa, thuận lòng dân nên sau khi đi tù VC về, NT và gia đình vẫn sinh sống bình an trong khu vực Thủ Đức.

Một thời gian sau ngày ngưng bắn 28 tháng 1 năm 1973, SĐ/TQLC có kế hoạch thay đổi các đơn vị trưởng. Khi được tham khảo về việc NT sẽ ra nắm lại chức vụ tiểu đoàn trưởng, NT đã khéo léo từ chối với lý do:

- Xin ưu tiên cho anh em trẻ vì họ rất có công trong thời gian qua.

Tấm lòng của NT thật bao dung, thông cảm những ước mong trong binh nghiệp của tầng lớp trẻ đã có nhiều hy sinh, đóng góp công trận lớn trong những năm chiến trường thật khốc liệt 1971-1972.

Trong thời gian đi tù ngoài Bắc, MX Nguyễn Cao Nghiêm K20 lại cho tôi biết, NT Sắt hay giành gánh phần lao động nặng thay cho đàn em như: khiêng cây thì khi nào NT cũng chịu phần gốc nặng hơn và buộc Nghiêm phải vác đầu ngọn vì nhẹ hơn...

NT xử sự với thuộc cấp cả quân lẫn dân như một người anh, một công bộc rất chí tình và tận tụy.

Thay Lời Kết:

Các NT là hình ảnh của lớp sĩ quan trẻ được đào tạo sau Hiệp Định Genève 1954: có học thức, chiến đấu có lý tưởng, trưởng thành trong chiến trận, do được hấp thụ tinh hoa của nền giáo dục học đường và đào tạo quân sự của Việt Nam Cộng Hòa.

Những kỷ niệm của bản thân, hoặc được bạn bè kể lại trên được ghi chép rất chân thật, từ đáy lòng, không có màu mè thêm bớt về NT Nguyễn Xuân Phúc và NT Phạm Văn Sắt. Cho nên, tôi cảm thấy vô cùng may mắn được phục vụ dưới quyền của hai cấp chỉ huy với đầy đủ tài lãnh đạo chỉ huy, liêm khiết, nhạy bén về chiến thuật, và là những tấm gương sáng cho quân nhân dưới quyền. Các Anh sẽ là những vị chỉ huy cao cấp và lãnh đạo lý tưởng trong tương lai, nhưng rất tiếc...!

Những kỷ niệm và những bài học từ các Anh làm cho lòng tôi ấm lại và hãnh diện mỗi khi nghĩ và kể lại cho bạn bè trong và ngoài binh chủng về hai vị Niên Trưởng thuộc K16/VB: Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Văn Sắt.

MX Lê Quang Liễn K20 - VBĐL

Không có nhận xét nào: