Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 12 tháng 3, 2023

B.S TÔN THẤT SƠN : TÔI LÀM LÍNH QUÂN Y NHẢY DÙ- Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 1969-1971.

1.Ấn tượng về Lính Nhảy Dù.
Tôi có cảm tình với Lính Nhảy Dù qua 2 trải nghiệm vào thời học sinh và sinh viên. Để tuyển lính tinh nguyện ở Huế, Sư Đoàn Nhảy Dù tổ chức một buổi nhảy dù biểu diễn trên Sông Hương vào thời gian tôi ở tuổi học sinh trung học. Hình ảnh người lính nhảy dù bung ra khỏi cánh cửa phi cơ trên cao độ vào khoảng 1 cây số, rồi đáp xuống mặt sông, tiếp đến tức khắc xuồng máy vớt lên, trông sao mà đẹp và dễ dàng như …ăn cơm. Vào thời gian sinh viên. Một buổi sáng tôi xuống phi trường Phú Bài Huế đưa tiễn người bạn vào Saigon. Tình cờ thấy binh sĩ Nhảy Dù súng ống đầy minh đứng quanh khu nhà ga. 
<!>
Lính thì đứng bên ngoài, còn một số sĩ quan thì ngồi rải rác trên các chiếc ghế dành cho hành khách ở trong sân ga. Lính cũng như quan ăn mặc chỉnh tề, yên lặng không gây bất cứ tiếng động nào. Hễ thấy hành khách đến gần thì sĩ quan nhanh nhẹn đứng lên nhường chỗ. Tôi đặc biệt để ý đến một vị Đại Úy dáng thư sinh, trên túi áo có hình con rắn vàng, mà tôi đoán là y sĩ. Từ đó tôi có cảm tình với Lính Nhảy Dù.
Từ rất lâu tôi nghe người ta nói Lính Nhảy Dù đánh trận ngầu và dữ dằn lắm khiến trong trí tưởng cứ nghĩ rằng họ sẽ sẵn sàng có hành động ăn hiếp thường dân, nhưng đằng này trước mắt tôi họ hiền khô và biết tôn trọng hành khách, khác với những gì tôi từng sống qua và nghe thấy từ miệng người khác.
Trong thời chiến tranh giữa Pháp với Việt Minh mà tôi bắt đầu có chút hiểu biết từ 1945. Tôi sống ở vùng quê ở quê nội ở phía Tây Bắc Huế và quê ngoại về phía Nam cách Huế 15-20 cây số, lính Tây mặt mày hung dữ thường về làng ‘’đi lùng’’ Việt Minh, đặc biệt lính Lê Dương Phi Châu da đen với khuôn mặt rạch cho tôi hình ảnh hung hăng của kẻ sẵn sàng bắn giết, sẵn sàng hiếp dâm đàn bà con gái, trong ký ức tôi cất giữ hình ảnh ghê sợ về những người lính với quân phục rằn ri.

2.Tôi vào lính Trưng Tập Khóa 11.

Vì vụ Việt Cộng tấn công Mậu Thân 1968 Cục Quân Y gọi sinh viên tốt nghiệp mùa Thu 1968 vào lính cuối Mùa Xuân năm 1969. Tôi trình diện Trường Quân Y ở vùng Chợ Cá Trần Quốc Toản ngày 04.04.1969, khóa Trưng Tập 11. Khóa chúng tôi ‘’đặc biệt’’ được gửi huấn luyện quân sự ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung dành cho tân binh. Một đêm vào khoảng giữa khóa, một trái mìn nội hóa do Việt Cộng gài bên hông căn trại dành cho đại đội quân y chúng tôi phát nổ. Bác sĩ H. chết tức tưởi trong khi vợ mang thai và một số khóa sinh vào khoảng 20 bị thương tật phải giải ngũ.

3.Tôi chọn Nhảy Dù.

Sau cuộc thi viết về Hành Chánh Quân Y, các tân Y-Nha-Dược sĩ Trung Úy từ Y-Nha-Dược Saigon và Y Khoa Huế chọn đơn vị. Trong số quý vị thuộc Cục Quân Y thẩm quyền có sự hiện diện của Y sĩ Trung tá Hoàng Cơ Lân - mà về sau này là Y sĩ Đại tá Chỉ Huy Trưởng Trường Quân Y - với tư cách là Phụ tá Lục Quân Cục Quân Y. Trước khi khóa sinh chọn đơn vi, Y sĩ Trung tá Nhảy Dù Hoàng Cơ Lân phát biểu đại khái là ‘’các anh sẽ phục vụ ở các đơn vị tác chiến, sau một năm muốn về đơn vị tỉnh nào hãy lên Cục Quân Y gặp tôi, đừng chạy chọt gì hết’’.

Đại diện Cục Quân Y đọc một lô Sự Vụ Lệnh bổ nhiệm từ Bộ Tổng Tham Mưu cho một số y-nha-dược sĩ về các cơ sở y tế quân y ngon lành trước khi cuộc chọn đơn vị bắt đầu. Tôi không do dự chọn về Nhảy Dù, cùng với Đường Thiện Đồng và Nguyễn Trọng Nghị. Trên đường về, Y sĩ Trung tá Hoàng Cơ Lân cho tài xế rề xe jeep theo mấy anh em chọn Nhảy Dù nói ‘’các anh lên xe tôi chở về nhà’’. Nghĩ mình là anh y sĩ trung úy tò te đâu dám leo lên ngồi chung xe với Vị Sĩ Quan cao cấp Nhảy Dù.

Khi tôi đi phép về Đà Nẵng thăm vợ chưa cưới, cháu trai con bà chị thứ hai nhà tôi hát ‘’Chú Sơn ơi, đừng đi lính Nhày Dù, trên trời rơi xuống rớt con cu ra ngoài’’-

4.Trình diện Tiểu Đoàn Quân Y Nhảy Dù

Vào khoảng tháng 08 năm 1969, tôi trình diện Y sĩ Trung tá Tiểu Đoàn Trưởng /TĐT Hoàng Cơ Lân, Y sĩ Thiếu tá Bùi Thiều, Tiểu Đoàn Phó/TĐP. Được đưa về Đại Đội 1 Quân Y với Đại Đội Trưởng/ĐĐT Y sĩ Đại Úy Đoàn văn Bá, nhưng sau khi đi phép 1 tuần từ Đà nẵng trở về, tên tôi di chuyển sang Đại Đội 3 Quân Y với ĐĐT Y sĩ Đại Úy Trần Đoàn. ĐĐ2QY là Y sĩ Đại Úy Trần Đức Tường làm sếp, về sau này vào 1972 là TĐT Tiểu Đoàn Quân Y/Sư Đoàn Nhảy Dù/TDQY/SĐND. ĐĐT Chỉ Huy là Y sĩ Đại Úy Lê văn Châu, tức nhà văn nổi tiếng Trang Châu với quyển sách nổi tiếng ‘’Y sĩ Tiền Tuyến’’.

5.Học nhảy dù.

Vì không có thân nhân gần tại Saigon, tôi được phép cư ngụ trong văn phòng đại đội Quân Y. Được cấp chiếc ghế bố nhà binh. Khóa học nhảy dù kéo dài vào khoảng 6 tuần lễ. Tập chung với tân binh. Từ 05 giờ sáng phải thức dậy. Vừa tập về thể lực lẫn học cách nhảy dù trên mặt đất và trên máy bay. Cái làm tôi sợ nhất ấy là tập nhảy từ ‘’chuồng cu’’. Đó là một cái đài bằng sắt (!) cao 11 mét, đứng trên đó nhìn xuống đất thấy thân con người chỉ bằng nửa thước, khiến người sợ độ cao như tôi chân muốn run. Một sợi dây cáp bằng sắt nối từ ‘’chuồng cu’’ đến một cái trụ cách đó vào khoảng 50-60 mét cao bằng thân người. Khóa sinh đeo dây chạc thẳng đứng sau lưng móc vào ròng rọc nối với dây cable. Khi nghe huấn luyện viên hô ‘’nhảy’’, khóa sinh tức khắc phóng ra cửa miệng hô ‘’331, 332, 333, khám dù!’’. Một vài tân binh đùa hô ‘’Một chai 33, hai chai 33, ba chai 33, khám dù’’. Khi tập, nhảy ra cửa sao cho đúng cách, nếu không huấn luyện viên bắt làm lại. Vì mình là sĩ quan làm toán trưởng, và vì sợ bị phải leo lên chuồng cu làm lại trong khi sợ độ cao, hoặc sợ tào lao lỡ dây cáp bị đứt và sợ mất mặt bầu cua với tân binh nên tôi cố gắng nhảy sao cho ‘’đẹp’’để khỏi bị bắt nhảy lại suốt trong các buổi tập luyện.
Khi tập nhảy dù ‘’thiệt thụ’’ dùng máy bay của Không Quân cánh quạt C- 119, loại 2 thân. Mỗi lần máy bay cất cánh, tôi ‘’hồn phi phách tán’’, lý do là máy bay thuộc đệ II Thế Chiến, nghe tiếng kẽo kẹt của thân máy bay, sợ máy bay bị vỡ toang trước khi đến được bãi nhảy. Cũng may, khóa nhảy dù đó không xẩy ra ‘’sự cố’’ nào sau 07 sauts. Vì bãi đáp không an toàn nên chúng tôi tạm thời được miễn chuyến nhảy đêm và được trao bằng nhảy dù.

6.Đại Đội 3 Quân Y Nhảy Dù.

Trong thời gian chờ đáo nhậm đơn vị tác chiến cấp tiểu đoàn, tôi sinh hoạt trong ĐĐ3QY/ND trong vài tháng. Đơn vị chịu trách nhiệm y tế cho Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù. ĐĐT Trần Đoàn dẫn tôi sang BTL LĐ3ND ngay trong Trại Hoàng Hoa Thám trình diện Lữ Đoàn Trưởng Đại tá Nguyễn Khoa Nam. Đó là lần độc nhất tôi gặp mặt Vị Sĩ Quan cao cấp nổi tiếng này, mà về sau là Thiếu Tướng Tư Lệnh Vùng IV Chiến Thuật, đã tự sát vào sáng 01.05.1975, một ngày sau khi đại quân bộ đội Việt Cộng cưỡng chiếm Miền Nam do bại tướng Dương văn Minh ra lệnh đầu hàng vào hồi 10.00 giờ sáng ngày 30.04.1975.

7.Y sĩ Trưởng Tiểu Đoàn 2 Nhảy Dù.

Trong QLVNCH, chỉ có binh chủng Nhày Dù và Thủy Quân Lục Chiến là có bác sĩ đi theo tiểu đoàn tác chiến. Vào khoảng tháng 10.1969 tôi ra TĐ2ND thay thế Y sĩ Trung Úy Bùi Văn Đạt hết thời hạn ở trận tiền.

TĐT là Trung tá Trần Kim Thạch, TĐP là Thiếu tá Nguyễn văn Mạnh và Sĩ Quan Ban 3 là Đại Úy Trần Công Hạnh. Vị SQB3 này về sau làm Tiểu Đoàn Trưởng TĐ12ND khi binh chủng Nhảy Dù phát triển lớn hơn. Vào thời Bác sĩ Trần Đoàn về TĐ2ND, thì Trần Kim Thạch làm TĐP với cấp bậc Đại Úy.

7.1. Những cuộc hành quân.

Mỗi tiểu đoàn tác chiến luôn có sĩ quan cố vấn Hoa Kỳ với nhiệm vụ là phối hợp với không quân Hoa Kỳ cho phi yểm cần thiết trong những trận đánh quyết tử với VC. Qua quyết định của cố vấn cấp cao Hoa Kỳ, tiểu đoàn tác chiến áp dụng 02 loại ‘’hành quân’’ khác nhau, ấy là lội rừng lội ruộng đi lùng VC, hoặc Bộ Chỉ Huy đóng trong các căn cứ hỏa lực gồm quân y, truyền tin, và pháo binh cơ hữu 105 ly, hoặc chung với pháo binh của Bộ Binh 155 ly. Tiểu Đoàn tung các đại đội cơ hữu ra ngoài căn cứ hỏa lực lùng địch, dưới tầm yểm trợ của pháo binh cơ hữu hoặc của bạn. Tôi theo chân đơn vị tham dự các cuộc hành quân tại:
-Lưỡi Câu/Mỏ Vẹt;
-Trên đất Miên/Campuchea quanh vùng Mimot;
-Hành quân Lam Sơn 719 trên đất Hạ Lào vào tháng 01.1971. Được Y sĩ Trung Úy Nguyễn Tâm ‘’Cao’’ thay thế khi trận đánh bắt đầu quyết liệt đưa đến nhiều thương vong cho các quân binh chủng QLVNCH tham dự cuộc hành quân ‘’tự sát’’ Lam Sơn 719.

7.2.Những ký ức khó quên

a.Đại Úy Lê văn Mễ ở TĐ5ND năm 1969.

Trong thời gian ‘’nằm chờ’’ đi tiểu đoàn tác chiến, tôi theo Đại Đội Quân Y xuống Tây Ninh, cư ngụ trong khuôn viên Quân-Dân Y Tây Ninh. Một hôm được lệnh vào TĐ5ND thay thế BS Trần văn Tính đi phép 2 tuần lý do ‘’vợ sinh’’. Tôi theo trực thăng bay vào căn cứ hỏa lực mà tôi đoán ở vùng Lưỡi Câu/Mỏ Vẹt. Gặp TĐT Thiếu tá Nguyễn Chí Hiếu, TĐP Nguyễn văn Đỉnh và SQB3 Đại Úy Lê văn Mễ, nổi tiếng vào năm 1972 khi căn cứ hỏa lực Charlie ở Tây Nguyên với TĐ11ND, bị cả 2 trung đoàn VC tấn công dứt điểm. Trung tá TĐT Nguyễn Đình Bảo bị đại pháo VC bắn trúng hầm, chết mất xác. Thiếu tá TĐP Lê văn Mễ, Y sĩ Trung Úy Tô Phạm Liệu và Thiếu tá Cố vấn Hoa Kỳ Muffy cùng vào khoảng 50 hạ sĩ quan/binh sĩ mở đường máu dzu lu để được trực thăng Hoa Kỳ bốc đi trong tình trạng rất nguy hiểm vì bộ đội VC bao vây rất gần. Năm 2022 Trung tá Lê văn Mễ được Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden truy tặng huy chương cùng với Muffy, sau này là một thi sĩ. Tôi không quên câu chuyện ‘’mua rượu đế ‘’nơi vùng hành quân làng Mỹ Chánh Thừa Thiên do Đại Úy Lê văn Mễ kể. TĐ5ND đóng bên này sông Mỹ Chánh, trong khi bên kia sông có quán bán rượu đế, nhưng lại có du kích VC lảng vảng. Vì thèm rượu, Đại Úy Mễ ở trần mặc quần đùi, cổ đeo mấy bi đông rỗng bơi qua sông …mua rượu.
VC thường dùng súng cối 82 ly hoặc hỏa tiễn 122 ly bắn khơi khơi vào căn cứ hỏa lực, nơi đặt Bộ Chỉ Huy. Một hôm Tướng Tư Lệnh Dư Quốc Đống đáp trực thăng CNC xuống, xì nẹc TĐT là ‘’các anh làm ăn ra sao mà để cho VC nó bắn vào căn cứ?’’. Sau khi Tướng Tư Lệnh bay đi, TĐT/TĐ5ND tỏ vẻ bực bội nói với vài cấp dưới ‘’VC nó đặt súng, hỏa tiễn bắn lén vài phát, rổi vội đem dấu trong hốc đá, mần răng mà tìm cho ra’’.

b.LĐT/LĐ3ND Nguyễn văn Thọ 1969 và 1971

Trong thời gian ở ĐĐ3QY đóng ở Tây Ninh 1969, thỉnh thoảng tôi thay mặt ĐĐT báo cáo tình hình thương bệnh binh với Lữ Đoàn Trưởng. Một hôm, bộ quân phục trên người cái quần ngắn không tóm gọn được vào ống dày saut. Khi thuyết trình trước các sĩ quan tham mưu, LĐT không nói, nhìn tôi từ đầu xuống chân, khiến tôi chột dạ.
Ngày tôi rời căn cứ hỏa lực đồi 30 ở Hạ Lào vào khoảng trung tuần tháng 02.1971, theo chương trình, trực thăng sẽ bốc Đại tá LĐT Nguyễn văn Thọ và BCH từ căn cứ 31 sang căn cứ 30, nhưng đau đớn thay, tối hôm trước, BCH LĐ3ND bi địch dùng chiến thuật biển người cùng xe tăng leo lên đồi tràn ngập bắt làm tù binh đưa ra Hà Nội. Đại tá Nguyễn văn Thọ không được trao đổi tù binh năm 1973 với lý do bị bắt ở Hạ Lào, và là vị sĩ quan VNCH bị VC thả sau rốt so với các sĩ quan cao cấp khác, đã qua đời ở Hoa Kỳ cách nay không lâu.

c.Trung tướng Tư Lệnh Hành Quân Miên Đỗ Cao Trí năm 1970.

Một hôm TĐ2ND được lệnh hành quân trực thăng vận vào một buôn làng người Miên với mục đích giải cứu một số người Mỹ bị Miên Cộng bắt qua tin của tình báo, với lệnh là không được nổ súng. Từ trên trực thăng nhìn xuống thấy lính Miên Cộng hay VC lổn ngổn từ trong làng chạy ra rừng. Binh sĩ bung ra vào từng nhà lục soát khi trực thăng vừa chạm đất. Không có anh mũi lõ nào. Lính vào một căn nhà, xẩy ra cuộc đấu súng nhỏ. Lính Nhảy Dù bắt được một cán binh với súng K.54 đưa ra giữa sân. Vừa lúc đó trực thăng Trung Tướng Tư Lệnh Đỗ Cao Trí cũng vừa đáp xuống. Cán bộ cộng sản mà tôi không biết đó là VC hay Miên Cộng bị thương chảy máu, tôi vội vàng chuyền nước biển cho y. Ngay lúc đó TĐT/TĐ2ND mang khẩu K.54 trao cho Tướng Trí, Tướng Trí giận dữ vứt súng xuống đất, đồng thời bước đến bên cán bộ bị thương rồi nói với tôi ‘’Sao không truyền máu, bác sĩ?’’ Tôi đáp ‘’Đi hành quân không thể mang theo máu, thưa Trung ta’'’. Tướng Trí không nói gì, ra lệnh đưa cán bộ lên trực thăng, bay tuốt. Sau này nghĩ lại, trong lúc tình hình căng thẳng đó tôi sợ Tướng Trí trút cơn thịnh nộ lên mình, trong cơn hoảng hốt thay vì ‘’thưa Trung Tướng’’ thành ‘’thưa Trung Tá’’. Hằng ngày tôi vốn quen miệng xưng hô ‘’trung tá’’ với TĐT/TĐ2ND. Vào năm 1972, máy bay CNC chở Tướng Đỗ Cao Trí nổ tung sau khi vừa cất cánh ở Tây Ninh. Cho đến nay, không ai biết nguyên do cái chết tức tưởi của Vị Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn tài ba gốc Nhảy Dù này.

d.Một trận đánh ‘’điển hình’’ của TĐ2ND năm 1970.

Trong cuộc hành quân ‘’lội bộ’’, một hôm, đơn vị tiến vào bìa làng Miên. Vào khoảng 5 giờ chiều, đến lúc đơn vị cần đóng quân để nghỉ ngơi, nhưng vài tiếng súng AK đơn lẻ cứ tiếp tục nổ. TĐT bèn kêu 2 phi tuần đánh bom vào mấy bụi tre nghi ngờ có địch quân ẩn núp. Ngay khi máy bay vừa rời không phận, anh lính kèn vào nhiệm vụ. Sau đợt ‘’toe toe toe’’, đơn vị dàn hàng ngang vừa bắn AR 16 vừa hô ‘’xung phong’’ rồi phóng thẳng vào làng không còn nghe tiếng AK và cũng chẳng có binh sĩ hoặc địch bị thương.

e.BCH/TĐ2ND.

Trong suốt thời gian sinh hoạt với đơn vị, tôi được BCH đối xử tử tế và hài hòa. Khi đóng quân ở căn cứ hỏa lực, cứ mỗi 4 ngày 1 lần đơn vị được tiếp tế lương thực bằng trực thăng, hầu như tôi luôn được TĐT kêu lên BCH ăn uống ngon lành với cá lóc nướng trui thay vì ăn gạo sấy với thịt lát cùng với y tá. Mặc dù TĐT luôn muốn giữ quân số, nhưng tôi không gặp khó khăn khi di tản thương bệnh binh.
Trong thời gian ở căn cứ hỏa lực, hằng ngày đơn vị được một trực thăng Hoa Kỳ phái đến, gọi CNC (command and control) để đơn vị trưởng theo dõi và yểm trợ cho các cánh quân cấp đại đội lùng địch dưới mặt đất. Tôi cảm thấy cuồng chân bực bội vì cảm thấy bị nhốt trong rọ, nên xin theo CNC với đơn vị trưởng tiểu đoán. Y tá thường can ngăn, coi chừng bị VC bắn rớt chết oan.

Một lần, trực thăng bay rà rà sát ngọn cây trong rừng để đến căn cứ Thiện Ngôn mà tôi chẳng hiểu gì cả. Về sau mới biết rằng trực thăng sắp hết xăng, phải bay thấp để nếu hết xăng bị rơi thì mạng sống được bảo toàn.
Vị TĐT/TĐ2ND tiền nhiệm Trung tá Trần Kim Thạch sau này là Chuẩn Tướng Tư Lệnh/ SĐND Lê Quang Lưỡng, ám danh đàm thoại là Lê Lợi. Ông ta qua đời tại Hoa Kỳ. Từng trăn trối xin đừng làm lễ ‘’phủ cờ’’ trước khi an táng, một ‘’thủ tục’’ mà một số sĩ quan QLVNCH tỵ nạn tại HK muốn được làm sau khi lìa đời.

8.Vài suy nghĩ về Chiến Tranh Việt Nam với Đồng Minh Hoa Kỳ.

Sau đây là một số ghi nhận cá nhân về cuộc chiến tranh tại Miền Nam do HK ‘’điều khiển’’:

a.Vì muốn thay thế thực dân Pháp nên Hoa Kỳ để Pháp thua trận Điện Biên Phủ do Trung Cộng giúp Việt Minh thực hiện, khiến Pháp phải rút khỏi Đông Dương 1954.

b.Phe Hoa Kỳ cùng phe Cộng Sản chia đôi VN năm 1954 và kể từ đó Hoa Kỳ ảnh hưởng trực tiếp vào Miền Nam, trang bị cho Miền Nam vũ khí thuộc đệ II Thế Chiến để chống lại sự xâm lăng của Đảng VC ở Miền Bắc với sự tiếp tay của Liên Sô, Trung Cộng và khối Cộng Sản Đông Âu, và VC luôn được trang bị vũ khí tối tân hơn Miền Nam.

c.Vũ khí viện trợ Miền Nam nhận được từ Hoa Kỳ. Cho đến năm 1968, Nhảy Dù và TQLC mới được trang bị AR-15/AR-16 trong khi Bộ Binh vẫn dùng vũ khí Garant M1, Carbine, đại bác 105 ly và 155 ly với tầm xa 10 km và 15 km. Ngược lại VC có AK-47 với tiếng nổ chát chúa rất đe dọa, đại bác 130 ly với tầm xa 30 km, hỏa tiễn cầm tay 122 ly luôn chui sâu xuống hầm ẩn nấp rồi mới nổ sát thương. Xe tăng thì M-41 thua T-54. Máy bay thả bom thường là A-37 loại cánh quạt. Trực thăng tấn công vẫn là loại HU-1B trong khi Hoa Kỳ dùng loại Skryder bay rất nhanh. Hải quân thì nhận được tàu chiến từ thế chiến II được tân trang.

d.Đầu năm 1963 Tổng thống J.F.Kennedy ký sắc lệnh rút cố vấn Hoa Kỳ khỏi Miền Nam vì không muốn HK dính dáng đến Miền Nam nữa, nhưng sắc lệnh đó biến mất sau khi ông ta bị bắn chết tại Texas vào khoảng 03 tuần so với ngày Tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu bị Tướng Dương văn Minh ra lệnh giết chết vào 01.11.1963.

e.Sau khi Tổng thống Ngô Đình Diệm bị thảm tử, Hoa Kỳ với Tổng thing Johnson gửi quân đội Hoa Kỳ vào Miền Nam;

f.Hoa Kỳ biết rõ VC sẽ tấn công Miền Nam vào Tết Mậu Thân 1968, nhưng không cho chính quyền Tổng thống Nguyễn văn Thiệu biết. Ở một vài thành phố hãng thầu Mỹ RMK chở giúp bộ đội VC vào tấn công thành phố.

g.Do sự ‘’cố vấn’’ của HK, Tổng thống Miền Nam Nguyễn văn Thiệu đã gửi hầu hết các đại đơn vị tinh nhuệ của QLVNCH vào Hạ Lào đầu năm 1971 cho bộ đội VC làm thịt. Vài bằng chứng sau đây:

+Trước khi Nhảy Dù được không vận ra Đông Hà để chuẩn bị sang Hạ Lào, ngoài chợ vợ con binh sĩ đều biết tin, đến nỗi anh y tá trưởng TĐ2ND sợ té đái, giả đò bị bệnh điên để khỏi tham dự hành quân;

+Ở Đông Hà, trước khi hành quân, các đơn vị Nhảy Dù nghe briefing rằng thì là Quốc Hội HK chỉ cấm bộ binh HK vượt biên sang Hạ Lào song không quân thì được phép, binh sĩ bị thương, cấp trung đội có quyền gọi trực thăng HK, thế nhưng trên thực tế, tại Hạ Lào, cấp tiểu đoàn kêu khẩn cấp tản thương, vẫn không thấy gì cả.

+Được nghe biết TĐ8ND bị mất luôn 2 đại đội vì máy bay dội bom HK ‘’thả lầm’’ khi được gọi không yểm.

+TĐ2ND chia làm 2 cánh được trực thăng đưa xuống 2 ngọn đồi kế nhau, khi cánh quân của TĐP vừa xuống mặt đất, một quả đại pháo của VC trúng ngay chóc, khiến Y tá Trưởng thay thế, chết tức thì!

+Đọc hồi ký của sĩ quan trong BCH của LĐ3ND cho biết khi bị bắt giải ra Hà Nội, một sĩ quan VC vứt ra trước mặt sĩ quan tù binh phóng đồ hành quân Lam Sơn 719 Hạ Lào! Ai đã phản bội cho Miền Bắc bản đồ hành quân?

+Quân lực HK nuốt lời hứa yểm trợ cho cuộc hành quân Hạ Lào 1971 trong khi bị các đơn vị hành quân bị VC cho xe tăng và bộ đội bao vây tràn ngập khiến Phó Tổng thống Trần văn Hương phải lên đài phát thanh Saigon khóc lóc năn nỉ quân lực HK giúp đỡ.

h.Cách đây mấy năm, CHT Pháo Binh Nhảy Dù, Trung Tá Bùi Đức Lạc ra mắt độc gỉa quyển sách Cơn Uất Hạ Lào. Tại sao ‘’uất hận’’, hẳn tác giả đã hiểu dã tâm của anh bạn ‘’đồng minh chí cốt Hoa Kỳ’’ đã bán đứng Miền Nam cho VC.

9.KẾT LUẬN VỀ ĐỒNG MINH HOA KỲ.

Qua những bằng chứng thâu nhận được từ kinh nghiệm cá nhân và qua các bản tin lượm lặt trên các liên mạng xã hội về sau này, tôi có kết luận sau đây:

a.Hoa Kỳ hất chân Pháp để dấn thân vào Miền Nam tạo ra cái gọi là Chiến Tranh Việt Nam cốt tuồn hết vũ khí cổ lỗ sĩ thuộc Đệ II Thế Chiến còn tồn đọng trong các kho ở HK cho Miền Nam. Chính phủ HK tính vũ khí viện trợ thành đô la, và đô la thật được cho vào túi mấy anh lái súng. HK tạo ra chiến tranh tại VN/Đông Dương mới có chỗ tiêu thụ vũ khí phế thải.

b.Sau khi các kho vũ khí tại Hoa Kỳ đã trống trơn, mấy anh lái súng hài lòng bỏ túi tiền đô la thật, thì đến lúc phải rút chạy. Trước khi rút êm, các thương lái phải tàn phá Miền Nam, và làm suy yếu QLVNCH bằng trò giúp VC đánh phá 44 thành phố năm 1968, giúp VC làm tan nát QLVNCH bằng cách xúi Nguyễn văn Thiệu luôn ‘’sợ Mỹ ám sát‘’ trong khi muốn bám chặt quyền lực, đưa đại quân tinh nhuệ sang Hạ Lào cho bộ đội VC làm thịt.

c.Vào khoảng 1955 ở các thành phố đông dân luôn luôn có Phòng Thông Tin Hoa Kỳ khang trang luôn có máy điều hòa không khí, với tập san Thế Giới Tự Do in rất đẹp, tuyên truyền rằng người Mỹ đến VN để giúp Miền Nam chống sự bành trướng của Cộng Sản, và Miền Nam là Tiền Đồn Chống Cộng, nhưng đến năm 1973, tuyên truyền Mỹ lại nói QLVNCH đủ mạnh để thực hiện ‘’Việt Nam Hóa Chiến Tranh’’ sau khi anh Mỹ gốc Do Thái Kissinger bán đứng Miền Nam cho VC. Kể từ sau cái-gọi-là Hiệp Định Hòa Bình Paris 27.01.1973, Hoa Kỳ bội ước rút khỏi Miền Nam, gỡ bỏ các thiết bị điện tử tân tiến trên các tàu chiến, máy bay và các phương tiện cơ giới khác không có cơ phận thay thế, đạn dược bị cắt 100% v.v… trong khi Liên Sô và Trung Cộng hỗ trợ tối đa vũ khí, lương thực để VC tiến chiếm Miền Nam bằng mọi giá. Thế là địa ngục trần gian cho dân Miền Nam và cả nước VN xẩy ra kể từ mùa Xuân 1975 cho đến nay dưới ách cai trị khắc nghiệt của Đảng VC.

d.Nhảy Dù Việt Nam Cộng Hòa thoát thân từ Nhảy Dù Pháp. Theo truyền thống, Nhày Dù Việt Nam được thẩy vào các trận địa đẫm máu khó nuốt đối với đơn vị bạn để giải quyết chiến trường mau lẹ, rối rút ra trở về lại căn cứ chờ những cú đánh chớp nhoáng kế tiếp.

Dưới ‘’cố vấn’’ của quân sư Hoa Kỳ, Nhảy Dù Việt Nam đôi khi phải ‘’đóng chốt’’ trong các công sự chiến đấu trong vòng rào căn cứ hỏa lực khiến cho sở trường tốc chiến tốc thắng bị mai một. Bằng chứng là các căn cứ hỏa lực ở Hạ Lào năm 1971 và căn cứ Charlie ở Tây Nguyên năm 1972, Nhảy Dù xem như bị động hoàn toàn, không thể thi thố truyền thống của mình, phải nhận lãnh sự thất bại trước địch quân một cách đau đớn. Lỗi ai đây?

10.Vài suy nghĩ về vài Y sĩ Nhảy Dù/QLVNCH.

a.Trong số những y sĩ về TĐ2ND thì:

-Bác sĩ Nguyễn Tâm ‘’Cao’’, người kế nhiệm tôi đã được Thánh Bổn Mạng Nhảy Dù Micae đón tại Việt Nam. Anh là một trong những bác sĩ chịu nhiểu ‘’khổ nạn’’ chung với số phận của TĐ2ND nhất. Vài ngày sau khi tôi rời đồi 30, bộ đội VC dùng biển người cùng xe tăng tràn ngập căn cứ. Trong cuộc tấn công này, ĐĐT/Pháo Binh Nhảy Dù Nguyễn văn Đương đã tự sát bằng súng lục sau khi phá đại pháo cơ hữu 105 ly. Bài hát ‘’Anh không chết đâu Anh, người Mũ Đỏ Tên Đương‘’ rất thịnh hành một thời sau năm 1971. Được nghe kể rằng BS Tâm đã cùng BCH/TĐ và một ít binh sĩ/sĩ quan thoạt được về Đông Hà. Vào Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 tại Tây Nguyên, BCH/TĐ2ND bị tràn ngập VC, BS Tâm chạy thoát cùng BCH nhưng cái áo gắn lon Trung Úy chưa kịp mặc, bộ đội VC thấy áo, hô ‘’Bắt thằng Tâm! Bắt thằng Tâm’’. Những điều này tôi nghe kể lại chứ không hề gặp lại Anh. Sở dĩ Anh mang tên Tâm Cao, vì cùng một nhóm về Nhảy Dù có tên Nguyễn Tâm ‘’Lùn’’. Một độ tôi từng ở cùng trại tù VC với Tâm-Lùn.

-Bác sĩ Bùi văn Đạt, người tiền nhiệm của tôi, nhảy saut chuối cùng tại HK vì bệnh ung thư. Tôi được dịp gặp Anh hình như tại Nam California liên quan đến sinh hoạt Hội Quốc tế Y sĩ Việt Nam Tự Do.

-Cựu Sếp trực tiếp của tôi, Bác sĩ Trần Đoàn được Thánh Micae đón ở vùng Washington vì bệnh ung thư.

-Cựu Sếp ngắn hạn của tôi, Bác sĩ Đoàn văn Bá, tự ‘’Bá Điên’’ nhảy saut cuối cùng thời gian ngắn sau Bác sĩ Trần Đoàn. Bác sĩ Bá từng theo binh sĩ thuộc đơn vị hành quân TQLC Hoa Kỳ khi đi ngang qua con phố gần cửa Thượng Tứ giải tỏa thành phố Huế trong trong Tết Mậu Thân 1968. Bác sĩ Bá được HK trao huy chương vì có công giúp chữa trị binh sĩ.

-Bác sĩ Lê văn Châu tức nhà văn Lê văn Châu làm bài thơ rất xúc động giã từ đồng khóa là Bác sĩ Đoàn và Bác sĩ Bá.

b.Bác sĩ Tô Phạm Liệu nổi tiếng trong vụ căn cứ Hỏa Lực Charlie với TĐ11ND. TĐT Trung tá Nguyễn Đình Bảo bị chết thảm do đại pháo VC bắn trúng hầm chỉ huy, rồi sau đó bị bộ đội VC đông gấp 10 lần tràn ngập, khiến BS Liệu cầm AR-16 chống giặc thay vì ống chích. Bài hát nổi tiếng ‘’Người Ở Lại Charlie’’ vinh danh Trung tá Nguyễn Đình Bảo của Trần Thiện Thanh được rất nhiều người Miền Nam từ sau trận Charlie.
Về sau này, qua liên mạng xã hội tôi được biết, BS Tô Phạm Liệu ít quan tâm đến phòng mạch tại Hoa Kỳ, mà thường lái xe đến nhiều tiểu bang bù khú với cựu chiến binh Nhảy Dù. Qua đời ở tuổi chưa già. Vừa mói đây, đầu tháng 02.2023 tôi đọc bản tin và xem hình trên liên mạng xã hội, được biết am thờ Trung tá Nguyễn Đình Bảo trên đỉnh đồi Charlie bị ‘’ai đó’’ đập phá.

Lời nói của vị Tướng lừng danh Hoa Kỳ Mc Arthur, năm 1945 làm Toàn Quyền nước Nhật sau khi Nhật đầu hàng, được nhiều người nhắc đi nhắc lại ‘’Người Lính không bao giờ chết, mà chỉ mờ dần’’.

Tôi viết lại vài kỷ niệm với Quân Y Nhảy Dù QLVNCH trong Chiến Tranh Việt Nam mà sự tham dự của tôi chưa bằng thời gian nghỉ hè của một số bác sĩ đàn anh khác, cốt làm một ghi nhớ nhỏ nhoi, để chúng tôi ‘’mờ dần’’ chứ không bao giờ bị lãng quên.

Bắc Âu, đầu năm Con Mèo 2023.

Tôn-thất Sơn

Không có nhận xét nào: