Người Anh Hùng của tôi, Đại úy Nguyễn Hoàng Ân
Xin phép trang Hồi ký và anh Lê Phiếu để đăng bài viết của tôi hơn 10 năm trước do anh Đặng Vũ Đăng và Tr/T Bình kể lại trong một buổi hội ngộ phi đoàn trực thăng tại California và phỏng vấn riêng: Đúng 48 năm trước, tối 28 tháng ba, phi trường quân sự Đà Nẵng bị pháo kích dữ dội. Các phi đoàn trưởng Trực thăng ra lệnh mang máy bay qua phi trường Non nước để tránh đạn. Các pilots nhiều kinh nghiệm bay đêm như phi đoàn Cứu Tinh 257 đã quyết định bay tiếp về hướng Nam thay vì chờ trời sáng và phi trường Chu Lai đã mất trước đó nên không đủ xăng để đến Phù Cát hay Nha Trang.
Một số rớt dọc đường vì hết xăng, bị bắt làm tù binh hay rớt vì "vertigo", kể cả chiếc trực thăng chở Tướng Điềm do phi đoàn trưởng Lê Ngọc Bình bay bị rớt, chỉ mình Tr/Tá Bình sống sót.
Câu chuyện tựa đề "Thảm cảnh của chiến tranh" được đăng trên báo Người Việt do ký giả Huy Phương viết lại ngày thứ hai 7 tháng 11 năm 2011 sau khi được kể lại bởi người co-pilot Th/U Đặng Vũ Đăng.
Đã 38 năm rồi sao? 38 năm từ ngày đen tối đó, tôi cứ suy nghĩ mãi về anh, có nên viết về anh không?, anh là người đàn em thân tín của anh tôi, thuộc phi đoàn tản thương Cứu Tinh 257 thuộc Không đoàn 51 Chiến thuật, Sư đoàn I Không Quân tại Đà nẵng, người mà tôi chỉ tình cờ gặp được có mấy lần, lần thứ nhất, năm 1973 biết anh về Sàigòn lấy máy bay trực thăng mang ra Đà nẵng cho phi đoàn 257, đang học Đại học tại Saigòn, tôi không có phương tiện về nhà ăn Tết, ở lại Sàigòn thì buồn, vì không bà con, mọi nơi đều đóng cửa, xin anh đi theo, anh chở tôi trên chiếc Honda, vào phi trường Tân Sơn Nhất, máy bay đổ đầy xăng, ghé lại căn cứ KQ Nha Trang lấy thêm xăng, đã quá trưa, anh mua cho tôi chiếc bánh mì thịt, ăn xong, có thêm một người nữa lên máy bay, anh nầy to cao, đẹp trai, mặc bộ đồ màu đen, tay mang đồng hồ cũng màu đen, có mã tử, tay anh xách một bịch nhỏ cũng màu đen, ngồi sau chỉ có anh nầy và tôi, anh nhìn tôi, tôi nhìn anh, hai người đều yên lặng, máy bay thả anh xuống ngay dưới một ngọn đồi, cây cối um tùm, anh nhảy xuống, biến mất sau đám cây, sau đó tôi mới biết anh thuộc đám nhảy toán, biệt kích…
Máy bay đáp xuống phi trường Đà nẵng sau khi đã ghé phi trường Chu Lai để đổ thêm xăng, lúc xuống tàu, tôi mới nhìn rõ người cho mình đi nhờ, anh là Trung úy, mang hai bông mai vàng, bảng tên để Nguyễn Hoàng Ân…
Anh chở tôi vào phòng trực phi đoàn chờ chuyến bay đi Huế, và sau đó lại có duyên gặp anh vào ngày 18 tháng 1 năm 1974, lúc đó tôi đang chờ máy bay đi Huế cùng ông anh để ăn Tết, thì được biết ông anh phải ra với Hạm đội Hải quân và đi cùng với anh Ân vì Trung Cộng đang bao vây Hoàng và Trường Sa, các phi đoàn có lệnh cấm trại, từ dạo đó tôi không còn gặp anh vì tôi ở luôn tại Sàigòn, không có dịp về phi trường Đà Nẵng như trước.
Ngày 28 tháng 3 năm 75, Đà nẵng thất thủ, dân chúng kéo nhau Nam tiến, đường bộ đã bị gián đoạn từ trước, trong phi trường Đà nẵng, các loại phản lực hay vận tải đã bay về phi trường Nha trang, một số trực thăng thì bay qua phi trường Non Nước tránh pháo kích, số phi cơ còn bay được theo nhau về hướng Nam.
Tối hôm đó, tuy là 16 tháng 2 âm lịch, sáng trăng, nhưng trời đầy mây và sương mù, ngoài ra, trực thăng phải tiếp tế nhiên liệu tại phi trường Chu Lai ở Quảng Tín vì không đủ xăng về đến Phù Cát hay Nha Trang, lúc đi, gấp gáp, nhiều chiếc không đầy xăng không đủ để đến phi trường quân sự Phù Cát, nay phi trường Chu Lai đã mất trước đó, nên một số phi cơ phải đổ thêm xăng, có lẽ Cộng quân đã biết vậy nên cho quân chận lại ở những vùng nầy, một số trực thăng bị bắn rơi, một số phải đáp khẩn cấp dọc theo bờ biển vì hết xăng rồi bị bắt, tất cả gọi nhau kêu cứu trên tần số guard, trực thăng của anh chở những người tị nạn phải đáp xuống vì sắp hết xăng, chỉ sau đó không lâu đã bị bao vây, tước hết vũ khí và trong bọn chúng có cả các sĩ quan cao cấp, họ bắt một phi công dùng trực thăng bay vào Quảng Ngãi, vừa làm chiến lợi phẩm và để đưa họ đi quan sát mặt trận, anh tình nguyện đi, người đàn em cùng bay với anh từ Đà Nẵng là Thiếu Úy Đăng đòi đi theo nhưng anh đuổi xuống, bảo rằng chỉ mình anh là đủ, co-pilot và các quân nhân khác hãy ở lại làm con tin, anh Đăng kể lại, anh chỉ thấy lúc đó, cặp mắt của anh Ân nhìn anh trông rất dữ, đỏ ngầu, vừa như ra lệnh, vừa như cái nhìn cuối cùng để vĩnh biệt.
Anh dùng chiếc trực thăng đáp sau của Đại úy Hùng vì chiếc nầy còn xăng, nghe vậy các sĩ quan Việt cộng lên tàu, dùng súng uy hiếp anh bay về hướng Nam trên chiếc máy bay nầy.
Anh cất cánh, nhưng anh đã không bao giờ đáp nữa, vì anh đã lên thật cao, thật cao rồi quyết định cho rơi xuống… thật sự anh đã “đâm” xuống với một tốc độ thật nhanh… chiếc tàu vỡ tan trên mặt biển trước mặt mọi người…
Tôi nghe tin anh, tôi bàng hoàng, sửng sốt, tôi buồn, tôi đã khóc, nhưng rồi tôi vui vì anh đã không hy sinh ngoài chiến trận như bao người đồng đội của anh, mà anh đã làm một quyết định hy sinh đời mình, không dễ mấy ai làm được, không tham sống sợ chết… không đầu hàng quân giặc, thật không hổ danh anh hùng… anh đã chết, nhưng anh vẫn còn sống mãi mãi trong tôi…
Anh ra đi để lại người vợ trẻ và hai đứa con thơ, đứa con trai nhỏ nhất chưa đầy một tuổi.
Anh đã bay cao, bay cao, không bao giờ trở lại nhưng trong lòng tôi, luôn có một đóa hoa hồng cho anh, chỉ mong một ngày khi đất nước thật sự thanh bình, tôi ước mơ đi trên những đại lộ Nguyễn Khoa Nam, Lê văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Trần văn Hai, Hồ Ngọc Cẩn, Phạm văn Phú, Nguyễn Hoàng Ân…
Viết ngày 29 tháng 3 năm 2009, bổ túc 2013.
Huy Phương
Thân mến
TQĐ
1 nhận xét:
Gởi ADMIN: Bài nầy đã được cắt xén, đổi tựa đề và tác giả và đăng lên đây. Xin xem lại bản chính tư Facebook Hồi Ký của Lê Phiếu. Bài không phải của tác giả Huy Phương.
Kính,
HH
Đăng nhận xét