Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2023

MÓN QUÀ GIÁNG SINH -Truyện Phóng Tác Nguyễn Giao Kỳ Trung


Bà Bích và chồng sống trong một căn nhà nhỏ ở ngoài ở thành phố New York. Ông Cơ, chồng bà, là một nha sĩ với mức lương trung bình. Bà Bích là một người đàn bà tràn đầy sức sống, vóc dáng khêu gợi, trẻ hơn chồng gần hai mươi tuổi. Mỗi tháng một lần, đến chiều Thứ Sáu, bà Bích đến nhà ga Pensylvania đáp tàu đi Washington DC để thăm viếng bà dì Út của mình. Bà ở với dì cho đến chiều ngày hôm sau, rồi lại đáp tàu về New York để kịp nấu bữa cơm chiều cho chồng. Ông Cơ thì không có vấn đề gì. Ông biết dì của bà vợ đang sống ở Washington, và vợ mình thì rất thương bà dì này, nên không có lý do gì để ông ngăn cản không cho hai dì cháu họ gặp nhau mỗi thán một lần.
<!>
“Em muốn đi thì cứ đi, miễn đứng bắt anh phải đi theo em”, ông nói với vợ trong lần đầu tiên. “Dĩ nhiên là không rồi”, bà đáp. “Dì của em chứ đâu phải dì của anh mà bắt anh phải đi theo em”. 
Từ đó về sau, mọi chuyện đều suông sẻ êm đẹp.
Nhưng bà dì chỉ là một cái cớ. Người mà bà Bích gặp trong mọi chuyến đi này là một đại gia. Ông trạc tuổi ông Cơ, nhưng giàu hơn rất nhiều, sống trong một biệt thự đồ sộ ở ngoại ô thủ đô. Không vợ, không con, không cả người thân, quanh ông chỉ có người tài xế và mấy người giúp việc nhà.

Ngày qua tháng lại, chuyện hẹn hò giữa bà Bích và đại gia tiếp tục xảy ra mà không có một trục trặc nào. Mỗi năm gặp nhau chỉ có mười hai lần, không quá nhiều để cho họ thấy chán ngán đối phương. Trái lại, khoảng cách thời gian giữa những lần hẹn hò làm xúc cảm của họ trở nên mãnh liệt hơn; mỗi lần xa cách đưa đến một buổi tương phùng. “Trời ơi”, đại gia kêu lên mỗi lần gặp bà. “Anh suýt đã quên em đẹp đến như thế nào”.

Mấy năm trời trôi mau. Sắp đến Giáng sinh rồi, và bà Bích đang đứng ở sân ga chờ đáp tàu về New York. Cuộc gặp gỡ lần này kết thúc rất hoàn mỹ, và lòng bà Bích thấy rất vui. Nhưng chẳng có gì là lạ đâu; ông đại gia luôn có cách khiến bà nghĩ bà là một người đàn bà rất đặc biệt, rất lôi cuốn hấp dẫn. Đâu có như ông chồng nha sĩ của bà,cứ làm cho bà có cảm tưởng mình chỉ là một bệnh nhân kinh niên của ông, ngồi trong phòng đợi giữa mấy cuốn tạp chí chờ dài cổ mà vẫn chưa được kêu vào phòng khám.

“Ông chủ nhờ tôi trao cái này cho bà”. Một giọng nói từ sau lưng bà cất lên. Bà Bíc quay lại nhìn và thấy người tài xế của đại gia, tay đang cầm một cái hộp giấy lớn trao cho bà.
“Trời đất”, bà kêu lên. “Hộp đựng gì mà lớn quá vậy? Anh ấy có viết gì không? Anh ấycó nhắn gì không?”

“Không có”, người tài xế đáp rồi quay người bước đi. Tàu vừa chuyển bánh là bà Bích bước vào một phong vệ sinh nữ rồi khóa trái của lại.
Hấp dẫn hết chỗ mà, đại gia tặng quà Giáng Sinh cho mình. Nhất định là một áo dạ hội, bà nói lớn. Nhưng hộp to như thế này thì chắc phải là hai cái áo. Mình không nhìn, nhất định là không nhìn. Mình chỉ sờ vuốt nó, rồi thử đoán nó là vật gì. Đoán luôn cả màu của nó nữa. Đoán nó trông như thế nào. Đoán luôn giá tiền. Bà nhắm mắt, rồi nhẹ tay mở nắp hộp. Rồi bà đưa một tay sờ vào vật trong hộp. Có một lớp giấy gói mỏng. Một bì thư hay một tấm card gì đó. Bà không để ý đến mấy thứ nầy, bàn tay chui sâu vào vật nằm dưới lớp giấy gói, mấy ngón tay xòe ra mò mẫm như chân của con bạch tuột.

“Chúa ơi”, bà kêu lên. “Không thể nào”. Bà mở to mắt, nhìn sững vào cái áo trong hộp. Rồi bà đưa hai tay chộp lấy cái áo nhắc nó ra khỏi hộp. Lớp lông dày mượt mà chạm vào lớp giấy gói tạo thành một âm thanh đáng yêu quá đi thôi. Bà cầm chiếc áo trên tay; nó đẹp quá khiến hơi thở của bà dường như ngừng lại. Chưa bao giờ trong đời bà thấy một chiếc áo lông đẹp như thế này. Áo lông chồn Nga, phải vậy không? Dĩ nhiên là phải rồi. Nhìn màu của nó kìa. Thoạt nhìn, ba thấy nó toàn màu đen, nhưng nhìn kỹ, đó là màu đen có ẩn màu xanh. Bà nhìn cái nhãn áo. Chỉ có hàng chữ “WILD LABRADORMINK”. 

Chỉ có vậy thôi, không có nhãn hiệu về nơi sản xuất hay tiệm bán nó. Nhưngđây đúng là tính cách của ông đại gia, bà thầm nhủ. Lão già dịch nầy ranh như quỷ, gỡ nhãn hiệu để bà phải đoán non đoán già là áo làm bằng lông chồn thật hay lông chồngiả. Được thôi, đoán thì đoán. Chỉ nhìn màu sắc thôi cũng đã thấy chiếc áo này rất hiếm hoi. Bà mê áo lông chồn, nên thường lên mạng truy cập tới lui. Nhiều kiểu, nhiều màu, nhưng màu đen có ẩn màu xanh của chiếc áo này thì bà chưa từng nghe thấy hay đọc thấy bao giờ. Bà tin chắn rằng áo này làm bằng lông chồn thật, nhưng cho dù là lông chồn giả, thì màu sắc đặc biệt này cũng đủ làm cho chiếc áo trở nên quý giá rồi.

Quý giá, nhưng giá áo là bao nhiêu? Bà không dám nghĩ. Bảy tám ngàn, chín mười
ngàn hay nhiều hơn. Bao nhiêu cũng được, mắt bà không thể nào rời khỏi cái áo. Bà cởi chiếc áo ấm bằng nylon đỏ đang mặc trên người, rồi choàng cái áo lông chồn vào. Mắt bà mở lớn muốn rách khoé luôn. Chúa ơi, cảm giác lớp lông chồn vuốt ve thân thể mình nó tuyệt vời làm sao.

Chiếc áo dường như tự nó trôi tuột vào thân bà, dường như là một lớp da thứ hai của bà. Bà nhìn vào tấm gương. Hết sẩy. Người bà đột nhiên biến đổi, trở nên lộng lẫy hơn, trang nhã đài các hơn. Chỉ cần mặc chiếc áo này, đến bất kỳ nơi nào, đám đông sẽ vây quanh bà giống như ruồi thấy mật. Cảm giác thật tuyệt vời quá, không thể diễn tả thành lời.

Bà Bích nhặt cái phong bì đang nằm trong hộp và mở ra. Trong đó có lá thư ông đại gia gởi cho bà. “Anh nhớ có lần em nói em thích áo lông chồn, nên mua chiếc áo này tặng em. Người ta nói đây là loại áo tốt. Anh tặng em, xem như một món quà từ biệt. Vì lý đó cá nhân, từ nay về sau anh sẽ không gặp em nữa. Chúc em may mắn và hạnh phúc”.

Thật là hết chỗ nói mà. Đang khi bà bay bổng lên tột đỉnh hạnh phúc thì đùng một cái, ông đại gia kéo bà xuống đất. Bà chậm rãi vuốt ve chiếc áo. Mất cái này, nhưng được cái kia; mất đại gia, nhưng lại được chiếc áo lông chồn nầy.
Bà mỉm cười, gấp lá thư định xé bỏ rồi vứt qua cửa sổ tàu, nhưng lại thấy có hàng chữ viết ở mặt sau của lá thư.

“Nếu có ai hỏi, thì em hãy nói rằng áo này do dì Út của em tặng làm quà Giáng sinh” Miệng bà Bích đang cười tươi bỗng nhiên đóng lại. “Lão nầy điên rồi”, bà kêu lên. “Dì Út đào đâu ra tiền để tặng cho mình chiếc áo như thế nầy”
Nhưng nếu không phải là quà của dì Út thì cái áo này là quà của ai đây? Chúa ơi, trong lúc phấn khích thấy chiếc áo và mặc thử nó, bà đã quên mất chi tiết quan trọng này. Vài giờ nữa, bà sẽ về đến nhà, và có ông chồng già đứng trước cửa chờ đón mình. Cho dù là một người cù lần quanh năm suốt tháng chỉ bận bịu với cà răng, niềng răng, chồng bà không thể nào không đặt câu hỏi khi thấy sau một chuyến thăm viếng, bà bất ngờ lã lướt bước vào nhà trên người choàng chiếc áo lông chồn đắt tiền. 

Mi biết tau đang nghĩ gì đây không hả Bích, bà tự nói với chính mình. Tau đang nghĩ rằng lão đại gia đã chơi xỏ để mà hành hạ dằn vặt tau. Lão biết rất rõ là dì Út nghèo mạt rệp, không đủ tiền để sống qua ngày thì làm gì có tiền mua chiếc áo nầy tặng cho cháu. Lão già ác ôn này biết rằng tau sẽ không thể nào có được, giữ được chiếc áo nầy. Nhưng chỉ ý nghĩ mất đi chiếc áo cũng đủ làm cho bà Bích chịu hết nỗi rồi. "Tau phải có chiếc áo nầy", bà nói lớn. "Tau phải có chiếc áo nầy. Giá nào đi nữa, tau cũng phải có chiếc áo nầy". Được thôi cưng. 

Nhưng đừng có hốt hoảng. Bình tỉnh ngồi xuống, suy nghĩ cho chín chắn. Mi là một người ranh như tinh, có phải không? Mi đã từng qua mặt lão nha sĩ rồi mà. Tại sao lại không thể qua mặt lão một lần nữa. Nên hãy ngồi yên mà suy nghĩ. Còn nhiều thì giờ mà. Ba giờ sau đó. bà Bích bước ra khỏi tàu rồi bước nhanh ra khỏi nhà ga. Bà vẫn mặc chiếc áo khoác nylon màu đỏ củ kỹ, hai tay ôm chặt cái hộp giấy đựng chiếc áo lông chồn. Bà vẫy tay gọi taxi. "Bác tài", bà nói. " Có tiệm cầm đồ nào gần đây vẫn còn mở cửa không?"

Người tài xế nhướng mắt nhìn bà. “Dọc theo Đại Lộ Số Sáu có thiếu khối gì”, hắn đáp. “Vậy nhờ anh cho tôi đến tiệm đầu tiên mà anh thấy”. Bà vào xe, và chiếc taxi vọt đi. Một thời gian ngắn sau, chiếc taxi ngừng trước một tiệm cầm đồ. “Anh làm ơn chờ tôi một chút”, bà nói với người tài xế rồi bước vào tiệm.
Trong tiệm chỉ có một con mèo lớn ngồi trên quầy đang gặm một cái đầu cá trong một chiếc đĩa nhôm. Nó ngước lên nhìn bà, rồi lại cúi đầu tiếp tục ăn. Bà Bích đứng tựa vào cái quầy, giữ khoảng cách với con mèo càng xa càng tốt. Bà nhìn những vật bày biện trong quầy, đủ thứ đủ loại, đồng hồ, bút nịt, ống nhòm, kính đeo mắt, và cả hàm răng giả. Tại sao lại có người đi cầm hàm răng giả, bà thầm hỏi. Cầm lấy tiền mua thức ăn nhưng lấy răng đâu mà ăn.

“Bà cần gì?”. Người chủ tiệm từ trong góc tối tiệm cầm đồ bước ra. “Ồ, chào ông chủ”, bà Bích vừa nói vừa đặt cái hộp đang cầm trên tay lên quầy hàng. Người chủ tiệm bước đến bên con mèo, đưa tay gãi nhẹ vào lưng nó. Con mèo thì tỉnh bơ, tiếp tục ăn. “Tôi thiệt là xui”, bà Bích nói. “Tôi ra đường bị người ta đánh cắp xách tay có đựng thẻ tín dụng và sổ chi phiếu. Bây giờ là chiều Thứ Bảy rồi, ngân hàng đóng cửa đến Thứ Hai, mà tôi thì lại cần gấp một ít tiền. Cái áo này rất đắt giá, nhưng tôi chỉ muốn mượn ít tiền thôi để chi tiêu cho qua ngày cuối tuần. Thứ Hai tới, tôi sẽ đến và trả tiền lại cho ông”.

Người đàn ông vẫn đứng yên, không nói gì. Nhưng khi bà mở nắp hộp giấy để lộ chiếc áo lông chồn bên trong, hắn rút tay ra khỏi lưng con mèo, bước đến gần để nhìn chiếc áo. Hắn nhặt chiếc áo lên, giữ nó trước mắt mình. “Nếu tôi mang đồng hồ hay nhẫn thì đâu cần phải làm như thế nầy”, bà Bích nói. “Nhưng thiệt là xui, bây giờ thì tôi chỉ có chiếc áo nầy mà thôi”

“Áo trông mới lắm,” người đàn ông nói, tay vuốt ve lớp lông chồn
“Đúng vậy, áo mới mua mà. Nhưng như tôi đã nói, tôi chỉ cần mượn một ít tiền thôi, đủ để chi tiêu cho đến Thứ Hai. Độ ba trăm đô la, được không?”
“Tôi sẽ cho bà vay ba trăm đô la”
“Áo nầy trị giá mười ngàn đô la đó, nhưng tôi biết ông sẽ cẩn thận giữ gìn nó cho đến khi tôi trở lại”.
Người đàn ông bước đến sau quầy, kéo ngăn kéo lấy ra một tờ giấy biên nhận đặt lên quầy. Tờ giấy có một hàng lổ nhỏ ở giữa để người ta có thể xé nó làm hai phần, và hai phần ấy hoàn toàn giống nhau.

“Tên gì”, hắn hỏi.
“Không cần ghi tên. Cũng không cần ghi địa chỉ”
Bà Bích thấy người đàn ông ngừng tay, đầu cây viết chạm nhẹ vào tờ biên nhận.
“Đâu có cần phải ghi tên và địa chỉ, phải vậy không?”, bà Bích hỏi.
Người đàn ông nhún vai, lắc đầu. {
“Tôi chỉ không muốn ghi tên và địa chỉ vì lý có cá nhân. Chỉ vậy thôi”
“Vậy thì bà phải giữ tờ biên nhận này cho thật kỹ”
“Tôi sẽ không đánh mất nó”
“Bà có biết chỉ cần có tờ biên nhân nầy là bất kỳ ai cũng có thể trả tiền rồi lấy cái áo?”
“Tôi biết”
“Chỉ căn cứ vào số biên nhận mà thôi”
“Tôi biết”
“Bà muốn tôi ghi chú chi tiết như thế nào?”
“Không cần ghi chú gì hết. Không cần thiết đâu. Ông chỉ cần ghi số tiền tôi mượn là
được rồi”

Đầu cây bút lại ngừng trên tờ biên nhận. “Tôi nghĩ rằng bà nên ghi rõ về vật mà bà
cầm. Nó sẽ giúp ích rất nhiều nếu bà muốn bán chiếc áo”.
“Tôi sẽ không bán nó đâu, bà Bích nói. "Ông chủ, tôi không túng quẫn đến mức phải đi cầm đồ. Tôi chỉ mất cái ví tay. Ông hiểu không?”  “Thì làm theo ý bà”, người đàn ông nói. “Áo của bà mà”.
Bất ngờ, một ý nghĩ không hay hiện ra trong đầu bà Bích. “Nầy ông chủ, tôi muốn hỏi ông một câu. Nếu tôi không ghi chú về vật tôi cầm, làm sao tôi biết chắc là vật tôi nhận là chiếc áo này mà không phải là một vật gì khác?”
“Tôi chỉ căn cứ theo phiếu biên nhận mà thôi”
“Nhưng trên phiếu chỉ có số biên nhận mà thôi. Như vậy ông có thể trao cho tôi bất kỳ vật dụng gì khác, phải vậy không?”
“Vậy thì bà muốn hay không muốn ghi tả chi tiết về vật bà cầm?”
“Không cần ghi. Tôi tin ông”

Người đàn ông ghi “ba trăm đô la” lên hai phần của phiếu biên nhận, rồi xé nó làm hai,một phần đưa cho bà Bích, một phần bỏ vào ngăn kéo. Rồi hắn móc ví tay, lấy ba tờ giấy một trăm đô la đưa cho bà Bích. “Tiền lời hàng tháng là hai mươi phần trăm”. “Được rồi, cám ơn ông. Ông bảo quản cái áo cho tốt, được không?”
Người đàn ông gật đầu nhưng không nói gì.
“Ông có muốn tôi bỏ áo vào trong hộp cho ông không?”
“Không cần”, người đàn ông đáp cộc lốc.
Bà Bích bước ra khỏi tiệm cầm đồ, nơi chiếc taxi đang chờ. Mười lăm phút sau, bà về tới nhà.

“Anh yêu”, bà vừa nói vừa ôm hôn chồng. “Nhớ em không?”
Ông Cơ đặt tờ báo xuống rồi liếc nhìn chiếc đồng hồ đeo trên tay. “Sáu giờ mười bảy phút”, hắn nói. “Hôm nay em về trễ, phải không?”
“Em biết, tại chiếc tàu mắc dịch đó thôi. Dì Út gởi lời thăm anh. Em đang thèm một ly rượu. Anh có muốn uống không?”

Người đàn ông xếp tờ báo thành một hình chủ nhật vuông vắn rồi đặt nó lên tay ghế. Rồi hắn đứng dậy, bước đến quầy rượu. Bà vợ ông ngồi giữa phòng, vừa cởi găng tay, vừa nhìn chồng. Hắn đang quay lưng về phía bà, khom người đổ rượu ra ly. Thật buồn cười khi so sánh hai người đàn ông. Đại gia thì cao lớn nhanh nhẹn, còn ông chồng này thì gầy gò chậm chạp.
“Anh mới mua được một cái ly đong rượu. Anh có thể dùng nó đong chính xác một
phần mười mil-ly-lít đó”
“Anh thiệt là giỏi”

Mình phải tìm cách thay đổi cách ăn mặc của ổng mới được. Ăn mặc gì mà lượm
thượm nhà quê như thế này, ra đường đi bên cạnh mình thì còn ra thể thống gì nữa. “Cảm ơn ông xã”. Bà nói, nhận ly rượu từ chồng rồi ngồi xuống ghế. “Tối hôm qua không có em thì anh làm gì?”
“Anh ở phòng mạch, sửa cái máy tính rồi cập nhật hồ sơ bệnh nhân”
“Anh à, mấy chuyện đó để cho người khác làm đi. Anh đã bận rộn nhiều quá rồi, thì giờ đâu mà sửa chữa máy móc. Sao anh không gọi thợ máy tính đến sửa cho mình?”
“Anh thích tự mình làm lấy. Anh thực sự rất hãnh diện về tay nghề của mình mà”

“Em biết là anh giỏi rồi, giỏi chữa răng và giỏi luôn chữa máy tính. Nhưng em không muốn anh phải kiệt lực vì làm việc quá nhiều. Còn nữa, chuyện cập nhật hồ sơ bệnh lý, sao anh không giao cho cô Phụng? Bộ đó không phải là trách nhiệm của cô ta hay sao?”
“Thỉnh thoảng thì cô ta có làm chứ. Nhưng cô ta chỉ là một sinh viên tập sự, có chuyện cô ấy làm được, có chuyện cô ấy làm không được. Nên anh phải làm thôi”

“Anh pha rượu ngon thiệt là ngon”, bà Bích nói, tay đặt ly rượu xuống bàn. “Thiệt là
ngon”. Bà mở ví, lấy khăn tay lau mũi. “Coi kìa”, bà kêu lên. “Em quên cho anh thấy vật em nhặt được ở ghế chiếc taxi. Nó có một hàng số, em không biết là gì nên giữ nó" Bà đưa nữa tấm biên nhận của tiệm cầm đồ cho chồng. Ông Cơ nhón tay nhận lấy, soi mói tìm tòi đủ mọi góc cạnh y hệt như khi đang khám một cái răng sâu.

“Em có biết đây là vật gì không?”, ông chậm rãi nói
“Em đâu có biết”
“Đây là biên nhận cầm đồ”
“Biên nhận gì?”
“Giấy biên nhận của một tiệm cầm đồ. Nó có in địa chỉ của tiệm nằm trên Đại Lộ Số
Sáu”
“Thiệt là thất vọng. Em cứ nghĩ đây là vé số gì đó chứ”
“Chẳng có gì để thất vọng”, ông Cơ nói. “Thật sự mà nói, chuyện này cũng không tệ”
“Anh nghĩ nó đáng giá để mình trả tiền nhận lấy sao?”

“Anh nghĩ mình nên tìm hiểu nó đáng giá bao nhiêu. Em có thấy con số ba trăm đô la nầy hay không? Em có biết nó có nghĩa là gì không?”
“Làm sao em biết?”
“Nó cho biết vật được cầm là một món đồ rất giá trị”
“Giá trị ba trăm đô?”
“Cao hơn nhiều. Ít nhất cũng là ba ngàn đồng. Thật sự có thể lên đến sáu bảy ngàn hay cả chín mười ngàn chứ chẳng chơi”
“Chín mười ngàn đô la?”
“Em không biết sao”, ông nói. {"Tiệm cầm đồ ít khi trả em hơn mười phần trăm giá trị của vật được cầm. Thường thì năm phần trăm hay ít hơn. Nhờ vậy đám chủ tiệm cầm đồ mới giàu đó chứ”
“Em đâu có biết”

“Có rất nhiều chuyện em chẳng biết gì cả. Bây giờ em hãy nghe cho kỹ đây. Em có thấy giấy biên nhân không có ghi tên và địa chỉ của chủ nhân món vật được cầm hay không?”
“Nhưng phải có ghi nhận gì đó để biết chủ nhân món đồ là ai chứ”
“Không có ghi chú gì cả. Chuyện bình thường mà. Nhiều người làm vậy vì không muốn người khác biết là mình đang túng quẫn. Họ thấy xấu hổ mà”
“Nếu vậy thì mình có thể giữ cái biên nhận nầy”
“Dĩ nhiên là có thể. Cái biên nhận nầy bây giờ là của chúng ta”
“Ý anh muốn nói cái biên nhận nầy là của em”, bà Bích chắc giọng nói. “Em tìm thấy nó mà”

“Em cưng, có vấn đề gì đây, của chúng ta hay của em có khác nhau hay sao? Điều
quan trọng là chúng ta có thể đến tiệm cầm đồ, trả ba trăm đô là và một ít tiền lời, rồi nhận món vật nầy. Tuyệt không?”
“Rất là tuyệt, bà Bích nói. “Cực kỳ hấp dẫn, đặc biệt là chúng ta không biết vật đó là gì. Nó có thể là bất cứ vật gì phải không anh?”
“Dĩ nhiên có thể là bất của vật gì, nhưng với giá trị như vậy, chắc nó là một chiếc nhẫn hay một cái đồng hồ”
“Nhưng nó cũng có thể là một cổ vật. Ý em muốn nói là một cái đĩa hay một bình sứ chẳng hạn”
“Thật sự là mình không biết nó là vật gì. Đành chờ cho đến khi đến tiệm cầm đồ mà thôi”, ông Cơ nói. “Anh sẽ giữ cái biên nhận nầy. Sáng thứ Hai anh ghé đến tiệm cầm đồ, và mình sẽ biết chắc nó là vật gì”
“Đâu có được”, bà Bích kêu lên. “Để em đi”
“Em khỏi cần đi. Anh sẽ ghé lấy nó trên đường đến phòng mạch”

“Nhưng đây là cái biên nhận của em mà. Để em đi nhận đi. Sao chuyện gì vui anh cũng giành hết vậy?”
“Em đâu có biết gì về đám chủ tiệm cầm đồ. Tụi nó lưu manh số một. Em có thể bị
chúng lường gạt đó”
“Em nhất định là không để cho chúng gạt em đâu. Làm ơn đưa cái biên nhận cho em”
“Tốt hơn hết chuyện này để anh lo”
“Nhưng em tìm thấy nó mà. Cái biên nhận nầy là của em, không phải sao?”
“Dĩ nhiên là của em rồi, em không cần phải khích động đến như vậy”
“Em không có khích động, chỉ có chút phấn khởi thôi”
“Có điều em chưa nghĩ tới, nếu vật ấy là món đồ của đàn ông thì sao?”
“Nếu nó là vật của đàn ông, thì em sẽ tặng cho anh làm quà Giáng Sinh”, bà Bích nói.
“Nhưng nếu là vật của đàn bà thì nó là của em. Đồng ý không?”
“Công bình lắm. Hay là thế nầy; em cùng đi với anh đến tiệm cầm đồ để lấy vật ấy”

Bà Bích toan mở miệng đồng ý, nhưng ngưng nói kịp thời. Bà không muốn ông chủ
tiệm cầm đồ chào bà như một khách quen khi có ông chồng đứng bên cạnh. “Em không đi”, bà chậm rãi nói. “Ở nhà chờ đợi sẽ càng thấy kích thích hơn. Ồ, em hy vọng nó không phải là món đồ mà cả anh lẫn em đều không thích”
“Cũng có thể lắm”, ông đáp. “Nếu anh thấy nó không đáng ba trăm đô la, anh sẽ không trả tiền lấy nó”
“Nhưng anh nói nó trị giá có thể lên đến sáu bảy ngàn hay cả chín mười ngàn đô la mà”
“Anh chắc chắn như vậy. Đừng có lo”
“Anh yêu, em thật không chờ nỗi rồi. Hấp dẫn gay cấn quá đi”
“Dĩ nhiên là hấp dẫn gay cấn rồi”, ông Cơ vừa nói vừa nhét tấm giấy biên nhận vào
trong cái ví của mình,

Sáng Thứ Hai cuối cùng rồi cũng đến. Bà Bích theo chồng đến cửa, rồi giúp ông khoác áo ấm lên người.
“Anh đừng làm việc nhiều quá”
“Không có đâu”
“Sáu giờ anh về nhà?”
“Hy vọng là vậy”
“Anh có thì giờ đến tiệm cầm đồ không?”
“Chúa ơi, xém nữa anh quên mất rồi. Anh sẽ đón taxi đến tiệm cầm đồ trước khi đến phòng mạch”
“Anh có còn giữ cái biên nhận không?”
Ông Cơ mở ví tay ra nhìn. “Có đây rồi”
“Cưng à”, bà Bích nói. “Nếu đó là một vật anh nghĩ em sẽ thích, thì vừa đến phòng
mạch anh gọi cho em biết có được không?”
“Nếu em muốn vậy thì dĩ nhiên là được rồi”
“Anh biết không, em hy vọng đó là món đồ cho anh. Em thà nó là món đồ anh thích hơn là món đồ cho em”
“Em tốt với anh quá. Thôi, để anh ra đón taxi”

Độ một giờ sau có tiếng chuông điện thoại. Bà Bích từ bên kia phòng chạy đến, nhanh đến mức bà có thể trả lời trước khi hồi chuông thứ nhất chấm dứt.
“Anh đã lấy vật ấy rồi”, ông Cơ nói.
“Anh lấy rồi? Vật gì vậy? Có đẹp không?” bà hỏi một tràng.
“Đẹp?” ông kêu lên. “Phải nói là tuyệt vời. Chờ đến khi em thấy nó đi; anh sợ em sẽ xỉu đó”
“Cưng ơi, nó là vật gì vậy? Cho em biết đi, mau, mau”
“Em là một người đàn bà may mắn đó”
“Vậy nó là vật cho em”
“Dĩ nhiên là cho em rồi”
“Em nhịn không nỗi rồi. Nói cho em biết đi”
“Em thử đoán xem”
Bà Bich ngập ngừng. Phải cẩn thận. “Dây chuyền hay nhẫn kim cương?”
“Hai thứ đều không phải. Để anh cho em một ám hiệu. Đây là một vật em có thể mang trên người”
“Một vật mang trên người ư? Một cái mũ?”
“Không phải mũ”, ông bật cười.
“Anh làm ơn đừng chơi trò ú tim với em nữa. Tại sao không cho em biết ngay nó là vật gì?”
“Tại vi anh muốn dành cho em một sự ngạc nhiên. Tối nay anh sẽ mang nó về cho em”.

“Khỏi chờ đến tối nay. Em đến phòng khám ngay bây giờ”
“Anh thật không muốn em đến”
“Tại sao vậy? Tại sao em không đến ngay bây giờ được?”
“Tại vì anh đang rất bận. Vì cái vật của em mà thời khoá biểu của anh bị xáo trộn hết.
Anh đã bị trễ gần một giờ rồi đó”
“Vậy thì trưa em sẽ đến. Không có vấn đề gì chứ?”
“Trưa nay anh sẽ bỏ ăn trưa. Khoảng một giờ rưỡi em có thể đến được”
Đúng một giờ rưỡi, bà Bích đến phòng làm việc của chồng. Ông Cơ mặc áo choàng trắng, đích thân mở cửa cho vợ.
“Anh ơi, em thiệt thấy phấn khởi quá”
"Dĩ nhiên là phải thấy phấn khởi rồi. Em là một người may mắn, em có biết không?".

Hai người theo hành lang đến cuối phòng khám. Thấy cô phụ tá đang lom khom bỏ
dụng cụ vào máy khử trùng, ông ngừng chân. {"Cô Phụng, nghĩ một lát, kiếm cái gì ăn đi, lát nữa làm tiếp cũng được". Ông chờ cho đến khi cô gái rời phòng khám rồi đưa vợ vào văn phòng riêng của mình, ông chỉ tay vào tủ quần áo ấm và bảo bà. {"Em nhắm mắt lại đi”
Bà Bích làm theo lời. Bà hít một hơi dài rồi nín thở. Trong khoảng thời gian im lặng kế tiếp, bà nghe tiếng ông mở tủ áo, rồi có tiếng sột soạt của tiếng áo ấm chạm vào nhau.

"Được rồi, em có thể mở mắt ra”
"Hồi hộp quá, em không dám mở mắt", bà Bích cười khanh khách.
"Được rồi, nhìn thử đi"
Bà Bích vừa cười vừa hé mắt chỉ vừa đủ để thất hình ảnh mù mờ của một người đànông mặc áo khoác trắng tay cầm một vật gì đó màu đen đen.
"Lông chồn đó, ông nói lớn. Chính hiệu lông chồn"
Nghe hai tiếng kỳ diệu lông chồn, bà mở to mắt, hai tay đưa về phía trước định chộp lấy cái áo. Nhưng có cái áo nào đâu. Nó chỉ là một cái khăn choàng cổ đang lủng lẳng trên tay ông chồng.
"Nhìn cho đã con mắt đi", ông vừa nói vừa đưa qua đưa lại cái khăn choàng cổ trước mặt vợ.

Bà Bích đưa tay lên che miệng. Tôi sắp phải gầm lên rồi, tôi sắp phải gầm lên rồi, tôi sắp phải gầm lên rồi.
"Có chuyện gì vậy hả cưng? Bộ em không thích nó hay sao?” Ông ngừng đong đưa cái khăn choàng, mắt nhìn sững vợ, chờ một câu trả lời.
"Đẹp … đẹp", bà Bích cà lăm{. "Em thấy … thấy đẹp ... đẹp lắm"
"Làm em muốn ngừng thở luôn, phải không?”
"Đúng vậy"
"Phẩm chất thượng hạng", ông nói. "Màu sắc cũng tuyệt vời. Em biết không, mua ngoài tiệm vật này cũng trị giá gần cả ngàn đô la chứ chẳng chơi"
Ông khoác cái khăn choàng lông chồn lên cổ vợ, rồi bước lui một bước, ngắm nghía. "Hết sẩy, thích hợp với em vô cùng. Đâu phải người đàn bà nào cũng có thể khoác khăn choàng cổ bằng lông chồn, phải không?"
"Đúng vậy"
"Đừng khoác nó khi đi chợ, nếu không bọn xấu sẽ nghĩ em giàu có mà cướp giật em đó".
"Em sẽ ráng nhớ"

"Ba trăm đô la là số tiền anh dự định dùng để mua quà tặng cho em. Bây giờ dùng để lấy chiếc khăn choàng này rồi, nên Giáng Sinh năm nầy em sẽ không có món quà nào khác".
Ông quay người bước đến bồn rửa tay và bắt đầu tỷ mỷ rửa tay của mình. "Em về đi, ăn một bữa trưa thịnh soạn để chúc mừng, Anh định đi với em, nhưng có một thân chủ đang chờ ở phòng bên kia, nên đành phải bỏ ăn trưa luôn"

Bà Bích xoay người tiến về phía cửa chính. Tau nhất định phải giết thằng Chà Và nầy. Tau nhất định phải đến tiệm cầm đồ ngay lập tức, ném cái khăn choàng cổ giẻ rách này vào mặt nó bắt nó phải trả cái áo ấm lông chồn cho tau, và nếu nó không đồng ý, tau nhất định sẽ đem nó nấu cà ri.
"Anh có nói với em rằng tối nay anh sẽ về trễ hay chưa", ông Cơ hỏi,
"Chưa"
"Tối nay ít nhất là tám giờ rưỡi, có khi quá chín giờ anh mới về"

"Được rồi, anh về lúc nào thì về". Bà Bích bước ra ngoài, tay đóng sập cánh cửa sau lưng
Trời hôm nay thanh thanh gió đưa cành mơn man tà áo. Đang đứng chờ taxi, nghe
tiếng hát, bà Bích quay người lại nhìn. Cô Phụng từ trong phòng nha sĩ bước ra, bước chân nhún nhẩy, vừa đi vừa hát, vẻ mặt hớn hở. Bà Bích sững người ra. Cô nữ sinh viên nghèo xác xơ, làm tập sự cho chồng bà để dành tiền đóng học phí, đang khoác trên người chiếc áo ấm lông chồn quý hiếm màu đen tuyền có ẩn màu xanh.

Nguyễn Giao Kỳ Trung
(Houston 11/2022)

Không có nhận xét nào: