Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 27 tháng 3, 2023

TIN THẾ GIỚI 27/03/2023 - ĐHL


Pháp: Chính phủ muốn ‘‘hòa dịu’’ với các nghiệp đoàn, nhưng không từ bỏ luật cải cách hưu tríThủ tướng Elisabeth Borne (T) và tổng thống Emmanuel Macron, tại điện Élysée, Paris, Pháp, ngày 12/12/2022. AP - Gonzalo Fuentes Trọng Thành Một ngày trước ngày tuần hành, biểu tình lớn lần thứ 10 phản đối luật nâng tuổi về hưu lên 64, hôm nay, 27/03//2023, chính phủ Pháp đưa ra một loạt thông điệp hòa dịu với các nghiệp đoàn, kêu gọi ‘‘nối lại đối thoại’’ về các điều kiện làm việc trong các ngành nghề, nhưng không đề cập đến luật cải cách hưu trí.
<!>
Trả lời AFP tối hôm qua, 26/03/2023, thủ tướng Elisabeth Borne thừa nhận : ‘‘Có những căng thẳng rõ ràng liên quan đến cải cách hưu trí. Cần phải lắng nghe về điều này’’. và khẳng định: ‘‘Đất nước đang đối mặt với các căng thẳng cần được hòa dịu, và cần phải khẩn trương đưa ra các giải pháp cho những trông đợi của người Pháp’’.

Hôm nay, thủ tướng Borne dự kiến trình một ‘‘kế hoạch hành động’’ lên tổng thống, và tiếp đó với các lãnh đạo của liên minh cầm quyền, trong đó có lãnh đạo các nhóm nghị sĩ, lãnh đạo các đảng và một số thành viên chính phủ. Theo kế hoạch này, chính phủ sẽ có một cuộc tham vấn kéo dài khoảng 3 tuần lễ, với các nghị sĩ, các đảng phái chính trị, các đại diện dân cử địa phương và các đối tác xã hội.

Thủ tướng Elisabeth Borne hôm nay cũng có kế hoạch gặp chủ tịch các ủy ban Quốc Hội, hai chủ tịch Thượng Viện và Hạ Viện. Các nghiệp đoàn, trước hết là nghiệp đoàn ôn hòa CFDT, là mục tiêu hướng đến của chính phủ. Thủ tướng Borne đề nghị sẽ ‘‘nối lại’’ đối thoại về nhiều lĩnh vực, từ chế độ đối với các ngành nghề nặng nhọc, đến việc làm của người cao tuổi, cũng như việc chuyển đổi công việc.

Về phần mình, lãnh đạo nghiệp đoàn CFDT, Laurent Berger, hôm nay xác định rõ chỉ chấp nhận ‘‘bàn tay chìa ra’’ của thủ tướng Borne, nếu cuộc cải tổ hưu trí được ‘‘đặt sang một bên’’. Lãnh đạo nghiệp đoàn CFDT khẳng định với AFP đã có cuộc điện đàm hôm qua với một nhân vật thân cận với tổng thống Emmanuel Macron, trong đó ông nhấn mạnh là trước hết cần thương lượng về ‘‘việc làm’’, còn hồ sơ ‘‘hưu trí’’ cần ngưng lại trong thời gian nhiều tháng.

Căng thẳng chính trị xã hội hiện nay tại Pháp có lợi trước hết cho đảng cực hữu, bên thua thiệt là liên đảng cầm quyền. Theo một thăm dò dư luận của Ifop/Fiducial cho báo JDD và Sud Radio, đăng tải hôm qua, 26/03, nếu bầu cử Quốc Hội mới diễn ra vào Chủ Nhật tới, thì đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc sẽ nhận được 26% phiếu bầu (tăng 7% so với cuộc bầu cử năm ngoái), ngang với liên đảng cánh tả và cực tả Nupes, cũng 26%. Liên đảng cầm quyền chỉ nhận được 22%, sụt 5% so với cuộc bầu cử trước.

Ủy viên châu Âu đến Ba Lan thúc đẩy sản xuất đạn dược chi viện Ukraina


Quân đội Ukraina chiến đấu tại mặt trận Bakhmout, vùng Donetsk, Ukraina, ngày 26/03/2023. AP - Libkos
Minh Anh
Hôm nay, 27/03/2023, Thierry Breton, Ủy viên châu Âu về thị trường nội địa đến Ba Lan trong khuôn khổ chương trình tham quan các xưởng sản xuất vũ khí tại châu Âu mà ông đã khởi động từ đầu tháng 3/2023. Mục tiêu là thúc đẩy chế tạo đạn dược nhanh hơn nữa để chi viện cho Ukraina đối phó với cuộc chiến xâm lược của Nga.

Từ Vacxava, thông tín viên đài RFI, Martin Chabal cho biết thêm chi tiết :

« Thierry Breton sẽ đến thăm một nhà máy chủ yếu sản xuất đạn pháo cho xe tăng. Đầu giờ chiều nay, ông có mặt ở miền nam Ba Lan vào, cách biên giới với Ukraina khoảng 100 km. Ông muốn xem nhà xưởng này hoạt động như thế nào nhằm thúc đẩy việc sản xuất nhanh hơn nữa các loại đạn dược, nhờ vào nhiều nguồn quỹ của châu Âu.

Nhà máy này của Ba Lan thuộc tập đoàn công nghiệp vũ khí Nhà nước và cũng là một trong trong số nhà máy sản xuất vũ khí lớn nhất của châu Âu. Do vậy, đây là một chuyến thăm quan trọng cho ông Thierry Breton. Ông muốn đẩy nhanh và tăng cường chi viện quân sự của châu Âu đến Ukraina.

Sự trùng hợp của lịch trình làm cho chuyến thăm của ủy viên châu Âu phụ trách thị trường nội địa sẽ còn mang tính biểu tượng. Bởi vì, cuối tuần rồi, tình hình bên kia biên giới đã căng thẳng hơn. Điện Kremlin đã thông báo muốn triển khai vũ khí hạt nhân tại Belarus, quốc gia có chung đường biên giới với Ba Lan, và như vậy cả với Liên Âu.

Chuyến thăm của ông Thierry Breton tương phản với những thông báo của Nga và sẽ hậu thuẫn cho quyết tâm của châu Âu đáp ứng các đòi hỏi của Ukraina cũng như là việc đối phó với các hành động khiêu khích của Nga. »

Anh Quốc: Binh sĩ Ukraina được huấn luyện dùng chiến xa Challenger 2 đã về nước sẵn sàng ra trận


Bộ trưởng Quốc Phòng Anh Ben Wallace (thứ phải) thăm các binh sĩ Ukraina đang học điều khiển xe tăng Challenger 2, tại Dorset, Anh Quốc, ngày 22/02/2023. AP - Ben Birchall
Trọng Thành
Các toán lính Ukraina được cử sang Anh Quốc để được huấn luyện về cách sử dụng chiến xa Challenger 2 mà Luân Đôn chi viện cho Kiev đã trở về nước và sẵn sàng để được triển khai ra tiền tuyến. Trong một thông cáo công bố hôm nay, 27/03/2023, bộ Quốc Phòng Anh cho biết là các toán lính Ukraina đã hoàn tất tốt chương trình tập huấn.

Tháng Giêng vừa qua, ngay sau khi Luân Đôn loan báo quyết định viện trợ cho Ukraina 14 chiến xa hạng nặng loại Challenger 2 do Anh Quốc chế tạo, công cuộc huấn luyện lính lái xe tăng Ukraina đã được tiến hành trên lãnh thổ Vương Quốc Anh.

Theo bộ Quốc Phòng Anh, các binh sĩ Ukraina đã học điều khiển chiếc xe tăng cũng như việc “xác định và tấn công mục tiêu một cách hiệu quả”. Đối với Anh Quốc, các đơn vị lính tăng Challenger 2 sẽ nâng cao đáng kể năng lực của lực lượng vũ trang Ukraina.

Theo hãng tin Pháp AFP, lực lượng xe tăng Challenger 2 của Ukraina sẽ tham gia vào các cuộc phản công mùa xuân do Kiev phát động.

Thông tin về việc chiến xa Anh sắp xuất hiện trên chiến trường Ukraina được đưa ra vào lúc quân đội Ukraina vẫn nỗ lực cố thủ để giữ thành phố Bakhmut ở miền Đông, trong lúc Nga tăng cường tấn công vào thành phố Avdiivka cách Bakhmut 90km về phía tây nam.

Ukraina: Bảo vệ Bakhmout, điều cần thiết về mặt quân sự
Theo tư lệnh Lục Quân Ukraina vào hôm nay, lực lượng phòng thủ Bakhmout vẫn tiếp tục đẩy lùi các cuộc tấn công dữ dội của Nga và việc bảo vệ thành phố này là một “sự cần thiết về mặt quân sự”.

Theo hãng tin Anh Reuters, tuyên bố trên đây của tướng Oleksandr Syrskyi cho thấy Ukraina có ý định tiếp tục chiến đấu ở Bakhmout bất chấp số thương vong nặng nề ở đó.

Nga coi việc chiếm được thành phố này là một nhân tố rất quan trọng để hoàn thành việc kiểm soát toàn bộ vùng công nghiệp Donbas ở miền đông Ukraina, một trong những mục tiêu chính của Matxcơva khi khởi động cuộc xâm lược Ukraina cách nay 13 tháng.

Giới chỉ huy Nga từng tin tưởng rằng sẽ chiếm được Bakmout, nhưng những tuyên bố như vậy đã giảm đi trong bối cảnh giao tranh ác liệt.

Avdiivka: Một Bakhmut thứ hai?
Vừa công hãm Bakhmut, Nga vừa tăng cường tấn công vào thành phố Avdiivka cách đó 90 km. Theo ông Vitaliy Barabash, lãnh đạo cơ quan quân quản của thành phố này, các vụ pháo kích ồ ạt của Nga đã làm cho nơi này “ngày càng giống như một địa điểm trong các bộ phim hậu tận thế”.

Tuần trước, quân đội Ukraina đã cảnh báo rằng Avdiivka có thể trở thành một "Bakhmut thứ hai" - vốn đã bị biến thành đống đổ nát trong những cuộc giao tranh ác liệt.

Về phần mình, bộ Quốc Phòng Nga cho biết đã bắn rơi một chiếc drone của Ukrain ở phía nam Matxcơva vào hôm qua, 26/03 sau một vụ tấn công đã khiến ba người bị thương và nhiều khu chung cư bị hư hại.

Nga thường xuyên tố cáo Ukraina cho drone bay vào sâu trong lãnh thổ Nga và tấn công các cơ sở hạ tầng dân sự, một khẳng định mà Kiev phủ nhận.

Chủ tịch Hạ Viện CH Séc đi Đài Loan bất chấp Trung Quốc phản đối


Tổng thống Đài Loan Thái Anh văn (P) tiếp chủ tịch Hạ Viện CH Séc Pekarova Adamova tại Đài Bắc, ngày 27/03/2023. AP
Trọng Thành
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tiếp chủ tịch Hạ Viện Cộng Hòa Séc hôm nay, 27/03/2023. Lãnh đạo Đài Loan ghi nhận việc chủ tịch Hạ Viện Marketa Pekarova Adamova đến Đài Bắc bất chấp ‘‘áp lực lớn’’.

Theo Reuters, trong buổi tiếp lãnh đạo Hạ Viện CH Séc, tổng thống Thái Anh Văn nhấn mạnh : “Đài Loan và Cộng Hòa Séc đều đã trải qua chế độ độc tài và hiểu sâu sắc rằng dân chủ không đến một cách dễ dàng, vì vậy chúng ta cần trở thành đối tác vững chắc của nhau trên con đường bảo vệ dân chủ và tự do.” Về phần mình, chủ tịch Hạ Viện Pekarova Adamova khẳng định với tổng thống Đài Loan: Cộng Hòa Séc và Đài Loan là đối tác mật thiết.

Chủ tịch Hạ Viện CH Séc đến Đài Loan, trong chuyến công du 5 ngày (từ 25 đến 30/03), dẫn đầu một phái đoàn khoảng 150 người, trong đó có đại diện của khoảng 100 công ty, đại diện giới khoa học, luật gia. Theo AP, chuyến đi tập trung vào việc ‘‘tăng cường hợp tác về thương mại, nghiên cứu, giáo dục, văn hóa và một số lĩnh vực khác’’.

Trước chuyến công du Đài Loan, lãnh đạo Hạ Viện CH Séc cho biết Trung Quốc đã lên án chuyến đi này. Tổng thống CH Séc Petr Pavel ngay khi vừa đắc cử hồi tháng 1/2023 vừa qua cũng đã bị Bắc Kinh phản ứng gay gắt, sau khi có cuộc điện đàm với tổng thống Thái Anh Văn. Quyết định siết chặt quan hệ với Đài Loan của tổng thống CH Séc là một thay đổi lớn so với tổng thống tiền nhiệm, vốn ưu tiên thu hút các đầu tư từ Trung Quốc.

Cộng Hòa Séc, cũng như hầu hết các quốc gia, không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng duy trì nhiều quan hệ không chính thức mật thiết.Đài Loan cũng là nhà đầu tư quan trọng tại Cộng Hòa Séc trong lĩnh vực công ty công nghệ cao.

Chưa có dấu hiệu Trung Quốc ‘‘gia tăng hoạt động quân sự’’
Trước vòng công du Trung Mỹ trong tuần của tổng thống Thái Anh Văn, theo bộ Quốc Phòng Đài Loan, không có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có các hoạt động quân sự bất thường. Thứ trưởng bộ Quốc Phòng Đài Loan Bách Hồng Huy (Po Horng-huei) hôm nay 27/03 cho biết: "Cho đến nay không có dấu hiệu của bất kỳ sự triển khai quân sự đặc biệt nào’’, nhưng Đài Loan phải sẵn sàng cho ‘‘tình huống xấu nhất’’.

Tổng thống Đài Loan dự kiến công du hai nước Trung Mỹ, Guatemala và Belize từ 29/03 đến 07/04. Guatemala và Belize là hai trong số hơn 10 quốc gia còn duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan. Trên đường trở về Đài Loan, bà Thái Anh Văn có kế hoạch gặp chủ tịch Hạ Viện Mỹ Kevin McCarthy tại California. Bắc Kinh coi Đài Loan là vùng lãnh thổ ly khai, phản đối mọi cuộc gặp giữa lãnh đạo Đài Loan với các lãnh đạo nước ngoài. Hồi tháng 8 năm ngoái, căng thẳng cao độ tại các vùng biển xung quanh Đài Loan với nhiều cuộc tập trận của Trung Quốc khi lãnh đạo Hạ Viện Mỹ tiền nhiệm Nancy Pelosi ghé thăm hòn đảo.

Bắc Triều Tiên bắn tên lửa thị uy vào lúc tàu sân bay Mỹ đến Hàn Quốc tập trận


Ảnh do Bình Nhưỡng công bố: Một tên lửa hành trình chiến lược Hwasal được Bắc Triều Tiên thử nghiệm hôm 22/03/2023, tại một tỉnh ở phía nam Bắc Triều Tiên. AP
Trọng Nghĩa
Vào sáng sớm hôm nay, 27/03/202, Bắc Triều Tiên lại bắn hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn về phía vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên. Vụ bắn tên lửa được tiến hành vào lúc một tàu sân bay Mỹ đã đến vùng bờ biển phía nam của Hàn Quốc để tham gia tập trận trước khi ghé cảng Busan vào ngày mai.

Theo quân đội Hàn Quốc, các tên lửa được bắn đi từ tỉnh Bắc Hwanghae vào lúc 7g47 sáng, giờ địa phương, bay được khoảng 370 km. Tokyo cho biết là cả hai tên lửa dường như đã rơi xuống khu vực bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Vụ phóng tên lửa vào hôm nay diễn ra khi tàu sân bay Mỹ USS Nimitz cùng hải đội tác chiến tháp tùng theo dự kiến ghé một căn cứ hải quân của Hàn Quốc ở thành phố cảng Busan ở miền đông nam vào ngày mai, 28/03.

Theo bộ Quốc Phòng Hàn Quốc, trước ghé Busan, tàu sân bay Mỹ có kế hoạch tập trận chung trên biển với các lực lượng Hàn Quốc vào hôm nay ở ngoài khơi bờ biển phía nam bán đảo Triều Tiên.

Mỹ và Hàn Quốc đã kết thúc cuộc tập trận mùa xuân thường niên Lá Chắn Tự Do 23 vào tuần trước, nhưng vẫn tiếp tục các hoạt động huấn luyện trên thực địa khác, bao gồm các cuộc tập trận đổ bộ có sự tham gia của một tàu đổ bộ tấn công của Mỹ và các cuộc tập trận với tàu sân bay Hoa Kỳ.

Bình Nhưỡng luôn luôn tố cáo các cuộc tập trận Mỹ-Hàn, cho rằng đó là việc chuẩn bị cho một cuộc xâm lược Bắc Triều Tiên. Trong khi đó, Hàn Quốc và Hoa Kỳ nói rằng các cuộc tập trận chỉ nhằm mục tiêu phòng thủ.

Quân đội Hàn Quốc đã "lên án mạnh mẽ" các vụ phóng tên lửa liên tục của Bắc Triều Tiên, xem đấy là hành động khiêu khích nghiêm trọng, vi phạm các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Seoul đồng thời xác nhận vẫn tiếp tục các cuộc tập trận với Mỹ theo kế hoạch.

Chính phủ Nhật Bản cũng “phản đối mạnh mẽ” Bắc Triều Tiên, cho rằng các vụ phóng tên lửa của nước này đe dọa đến an ninh và hòa bình của Nhật Bản, khu vực và cộng đồng quốc tế.

Trong một thông cáo, bộ Tư Lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ khẳng định rằng các vụ phóng tên lửa mới nhất của Bắc Triều Tiên không gây ra mối đe dọa tức thời nào cho Hoa Kỳ hoặc các đồng minh, nhưng cho thấy rõ tác động gây bất ổn của chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo bất hợp pháp của Bình Nhưỡng.

Không có nhận xét nào: