Một binh sĩ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sử dụng ống nhòm cạnh hàng rào bao quanh doanh trại PLA đồn trú tại Hồng Kông vào ngày 17/11/2019. (Ảnh: Philip Fong/AFP qua Getty Images)Bình luận1. Không chỉ là khí cầu do thám, mà là chiến dịch gián điệp mở rộng của ĐCSTQ đối với Hoa KỳAndrew ThornebrookeThứ ba, 07/02/2023Thông tin Ngũ Giác Đài đang theo dõi một khinh khí cầu do thám của Trung Cộng lơ lửng trên không phận Hoa Kỳ trong tuần này đang làm dấy lên mối lo ngại về những nỗ lực gián điệp của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ và công dân của nước này.Nhưng chính quyền này sẵn sàng đi bao xa để theo dõi và phá hoại Hoa Kỳ?
<!>
Những nỗ lực gián điệp này của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vốn cai trị Trung Quốc như một quốc gia độc đảng, có phạm vi rộng hơn và sâu hơn nhiều so với những khinh khí cầu cảm biến đơn thuần. Những hoạt động như vậy bao gồm thu thập thông tin tình báo của con người, các kế hoạch đàn áp xuyên quốc gia, trộm cắp và tấn công mạng, trộm cắp tài sản trí tuệ, và thậm chí là thu hoạch hồ sơ di truyền của người Mỹ.
Theo lời của một Tướng Không quân đã về hưu, “Nếu [ĐCSTQ] có bất kỳ quyền tiếp cận nào với xã hội Hoa Kỳ, thì họ sẽ sử dụng quyền tiếp cận đó để phá hoại xã hội Hoa Kỳ.”
HUMINT và đàn áp xuyên quốc gia
Điểm mấu chốt trong số những nỗ lực do thám Hoa Kỳ của ĐCSTQ là những hoạt động truyền thống về tình báo con người (HUMINT), vốn dựa vào các trao đổi thông tin giữa người với người, một cách cố ý lẫn vô ý.
Mạng lưới HUMINT của ĐCSTQ thâm nhập vào xã hội Mỹ ở nhiều cấp độ, và rất nhiều hoạt động như vậy nằm dưới sự giám sát trực tiếp của cơ quan tình báo hàng đầu của chính quyền Trung Quốc, chính là Bộ An ninh Nhà nước (MSS).
Một trong những trường hợp tai tiếng nhất là về cô Christine Fang hay còn gọi là “Phương Phương” (Fang Fang), gián điệp Trung Quốc bị cáo buộc đóng giả là một sinh viên đại học. Người phụ nữ này đã xây dựng các mối quan hệ với nhiều chính trị gia ở California và các nơi khác, trong đó có Dân biểu Eric Swalwell khi ông còn là một ủy viên hội đồng thành phố, và tận dụng cơ hội tiếp cận đó để thu thập thông tin tình báo về các chính trị gia đang có triển vọng. Cô Phương được cho là đã nhắm mục tiêu vào ít nhất hai thị trưởng miền Trung Tây mà cô ta có mối quan hệ tình cảm hoặc thân mật.
Tuy nhiên, các chính trị gia không phải là mục tiêu duy nhất của hoạt động gián điệp. Nhiều thường dân Mỹ, đặc biệt là những người gốc Hoa, thường là mục tiêu ưa thích của các chiến dịch quấy rối và gián điệp của ĐCSTQ.
Trong những hoạt động gián điệp đó, các đặc vụ MSS và những tay chân của họ ở Hoa Kỳ bị cáo buộc đã lén theo dõi một vận động viên trượt băng nghệ thuật Olympic người Mỹ và gia đình cô ấy, âm mưu với các sĩ quan cảnh sát New York để thu thập thông tin tình báo về cộng đồng người Mỹ gốc Á, và thậm chí còn lập mưu tấn công một cựu chiến binh Lục quân Hoa Kỳ vốn đang tranh cử vào Quốc hội vào năm 2016 để bịt miệng và đe dọa những người có quan điểm chỉ trích ĐCSTQ.
Giám đốc FBI Christopher Wray đã làm chứng rằng các đặc vụ Trung Quốc và những tay chân của họ đã tích cực theo dõi người dân Hoa Kỳ và cài thiết bị nghe lén trong xe hơi và nhà của những người này.
Trộm cắp mạng và đánh cắp dữ liệu
Theo cách tương tự, chế độ này đã sử dụng các chiến dịch tấn công mạng và thông tin sai lệch để thu thập bất hợp pháp thông tin quốc phòng của Hoa Kỳ và gieo rắc sự chia rẽ giữa các công dân Mỹ.
Các nhà lãnh đạo tình báo Hoa Kỳ đã xác định ĐCSTQ là kẻ tấn công mạng độc hại lớn nhất thế giới, và các tin tặc liên kết với chính quyền này đã đánh cắp dữ liệu từ người Mỹ nhiều hơn tất cả các quốc gia khác cộng lại.
Những hoạt động như vậy thường nhắm vào việc đánh cắp các bí mật công nghệ mang tính sống còn, chẳng hạn như khi các đặc vụ bị tình nghi do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn đã đột nhập vào một cơ quan chính phủ Hoa Kỳ hồi năm ngoái và đánh cắp thông tin quốc phòng nhạy cảm. Tương tự như vậy, các tin tặc do ĐCSTQ bảo trợ đã xâm nhập và đánh cắp thông tin nhạy cảm từ nhiều công ty viễn thông của Hoa Kỳ.
Những vụ việc này nêu bật điều mà các quan chức quốc phòng Hoa Kỳ đã cảnh báo từ lâu: rằng chế độ này đang nghiên cứu cách Hoa Kỳ chiến đấu để nhằm mục đích phát triển các công nghệ có khả năng lật đổ quân đội của nước này và buộc Hoa Kỳ phải chuyển giao các công nghệ tân tiến của mình cho Trung Quốc.
Thông tin cá nhân nhạy cảm của người Mỹ cũng là một mục tiêu có giá trị, bằng chứng là nhiều vụ tấn công quy mô lớn của những người Trung Quốc trong những năm qua, bao gồm các vụ xâm nhập vào Văn phòng Quản lý Nhân sự Hoa Kỳ, cơ quan báo cáo tín dụng Equifax, các khách sạn Mariott, và công ty bảo hiểm Anthem. Những vụ tấn công này đã khiến hàng trăm triệu dữ liệu cá nhân của người Mỹ bị đánh cắp.
Các quan chức và chuyên gia cho biết chế độ này đang sử dụng kho dữ liệu cá nhân đồ sộ này của người Mỹ để hỗ trợ cho các hoạt động gián điệp và gây ảnh hưởng ở hải ngoại, đồng thời cung cấp dữ liệu cho công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Logo của TikTok được trưng bày tại văn phòng TikTok ở Culver City, California hôm 20/12/2022. (Ảnh: Mario Tama/Getty Images)
Truyền thông xã hội và viễn thông
ĐCSTQ cũng sử dụng quyền kiểm soát dữ liệu của các công ty Trung Quốc để lợi dụng các đại công ty truyền thông xã hội và viễn thông thuộc sở hữu của Trung Quốc nhằm chống lại người dân Mỹ nhẹ dạ cả tin.
TikTok, một ứng dụng video ngắn vô cùng phổ biến thuộc sở hữu của đại công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance, có lẽ là ví dụ tiêu biểu nhất cho điều này.
Được các nhà lãnh đạo tình báo mô tả là “mối đe dọa an ninh quốc gia” và được các chuyên gia bảo mật dán nhãn là “ứng dụng quân sự được vũ khí hóa,” đại công ty truyền thông xã hội TikTok đã kiểm duyệt các tin tức mà người Mỹ xem theo yêu cầu của ĐCSTQ và đã cho phép các kỹ sư Trung Quốc truy cập vào dữ liệu người dùng Hoa Kỳ. Các quan chức đã nhiều lần gióng lên hồi chuông cảnh báo về ứng dụng này vì luật của ĐCSTQ yêu cầu các công ty Trung Quốc cung cấp dữ liệu cho chế độ này khi được yêu cầu.
Ngoài ra, các nhân viên tại ByteDance đã sử dụng dữ liệu định vị địa lý từ TikTok để theo dõi bất hợp pháp các ký giả Mỹ được cho là đang đưa tin về công ty này.
Các rủi ro an ninh quốc gia do các ứng dụng truyền thông xã hội của Trung Quốc gây ra cũng áp dụng cho các công ty công nghệ khác, bao gồm cả viễn thông. Trong những năm gần đây, Hoa Thịnh Đốn đã đàn áp các công ty viễn thông Trung Quốc, bao gồm cả Huawei và ZTE, vì lý do này.
Huawei và các nhân viên của họ bị phát hiện có mối liên hệ sâu sắc với quân đội và tình báo Trung Quốc. Các công tố viên liên bang đã buộc tội công ty này với âm mưu đánh cắp các bí mật thương mại, trong khi chính phủ Canada cáo buộc rằng công ty này đã tích cực thuê các gián điệp của ĐCSTQ. Công ty này cũng được cho là đã tích cực tham gia vào các cuộc tấn công bí mật vào các mạng của Úc và Hoa Kỳ từ năm 2012.
Kỹ thuật viên Phòng thí nghiệm của Tập đoàn BGI làm việc với các mẫu của những người được xét nghiệm virus Trung Cộng tại phòng thí nghiệm “Hỏa Nhãn,” Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 06/02/2020. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)
Dữ liệu sinh học
Những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm thu thập không chừa một thông tin nào từ Hoa Kỳ còn vượt xa hơn cả việc [đánh cắp] tài sản trí tuệ và khinh khí cầu do thám. Thật vậy, cuộc tấn công này đang đi sâu vào tận xương tủy, và sau đó đi sâu hơn: Đến vật liệu di truyền của người Mỹ.
Năm 2021, một cơ quan phản gián hàng đầu của Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng các công ty công nghệ sinh học Trung Quốc đã thu thập được dữ liệu lâm sàng và di truyền của công dân Hoa Kỳ thông qua mối liên hệ đối tác với các tổ chức của Hoa Kỳ. Điều này đặt ra những rủi ro về an ninh quốc gia.
Theo các nguồn tin của quốc hội, một lượng lớn DNA được thu thập bởi các công ty như công ty giải trình tự bộ gen BGI, có thể được sử dụng theo vô số cách khác nhau để chống lại Hoa Kỳ.
Những thủ đoạn này bao gồm việc cho phép ĐCSTQ tống tiền các cá nhân với lời đe dọa tiết lộ thông tin y tế làm bẽ mặt người đó, hoặc thậm chí sử dụng dữ liệu về tình trạng sức khỏe như dị ứng để tiến hành các cuộc tấn công sinh học nhắm vào các nhà ngoại giao, chính trị gia, quan chức cao cấp của liên bang, hoặc các nhà lãnh đạo quân sự.
Một số chuyên gia đã cảnh báo rằng ĐCSTQ có thể sử dụng thông tin di truyền phong phú này để tạo ra vũ khí sinh học nhằm vào một số nhóm người nhất định.
Điều quan trọng là, mặc dù BGI là một công ty tư nhân, nhưng họ lại có mối liên hệ nhất định với ĐCSTQ. Vào tháng 01/2018, tờ Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng bà Đỗ Ngọc Đào (Du Yutao), Bí thư đảng ủy của viện nghiên cứu BGI, đã nói về tầm quan trọng của việc học hỏi và thực hiện theo “tinh thần đằng sau Đại hội Toàn quốc lần thứ 19,” khi đề cập đến một cuộc họp diễn ra 5 năm một lần của ĐCSTQ.
BGI duy trì mối liên hệ mật thiết với ĐCSTQ và các nhà khoa học của họ đã bày tỏ sự quan tâm đến nỗ lực phát triển vũ khí sinh học và hóa học của chế độ này, điều mà các chuyên gia cho rằng những nỗ lực của công ty nhằm thu thập vật liệu di truyền của người Mỹ có thể liên quan đến một lợi ích đen tối trong việc phát triển vũ khí để chống lại người Mỹ.
Bức ảnh tư liệu chụp từ trên không không ghi ngày tháng này cho thấy Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos ở Los Alamos, New Mexico. (Ảnh: Tạp chí Albuquerque qua AP)
Nghiên cứu vũ khí hạt nhân và siêu thanh
Ngoài những nỗ lực tích cực nhằm do thám Hoa Kỳ, ĐCSTQ còn sử dụng các chương trình tài năng do nhà nước tài trợ để tạo cho mình một lợi thế lâu dài trong lĩnh vực nghiên cứu quan trọng.
Bằng cách tuyển dụng các chuyên gia và học giả từ hải ngoại để nghiên cứu tại nơi làm việc ở Trung Quốc, các chương trình nhân tài như vậy nhằm mục đích phát triển một thế hệ các nhà nghiên cứu mới trong các lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển công nghệ và quân sự của Trung Quốc.
Trường hợp đáng chú ý nhất về hiện tượng này liên quan đến Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos (LANL), trung tâm nghiên cứu hạt nhân tiên tiến nhất của Hoa Kỳ.
Theo một báo cáo, cho đến nay, ít nhất 162 nhà nghiên cứu từ LANL, ít nhất một người trong số họ đã có giấy phép an ninh tối mật ở Hoa Kỳ, hiện đang làm việc cho Trung Quốc. Nhiều người trong số họ hiện đang hỗ trợ chế độ này phát triển các loại vũ khí tiên tiến nhất, bao gồm cả hỏa tiễn siêu thanh.
Nhiều nhà nghiên cứu làm việc tại LANL đã đến Hoa Kỳ để được đào tạo và làm việc trong các lĩnh vực quan trọng đối với an ninh quốc gia đều đã tham gia vào các chương trình tài năng của ĐCSTQ. Chẳng hạn, ít nhất 59 người trong số những người từng làm việc tại LANL và sau đó quay trở lại Trung Quốc để nghiên cứu đã tham gia “Chương trình Ngàn Nhân tài” của chế độ này hoặc chi nhánh của chương trình.
Cuối cùng, một báo cáo về vấn đề này đã phát hiện ra rằng “các chương trình nhân tài của [Trung Quốc] đều là mạng lưới tuyển dụng ngày càng mở rộng,” qua đó chế độ này liên tục chiếm đoạt tri thức từ Hoa Kỳ.
Một tấm biển phản đối một nhà máy bắp ở Grand Forks, North Dakota, nằm gần khu đất 370 mẫu Anh (1,497 km vuông) gần đây đã được thành phố sáp nhập cho dự án này. Nhiều cư dân không muốn dự án đó trong thành phố này vì chủ sở hữu, Tập đoàn Fufeng, có mối liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua chủ tịch của công ty. (Ảnh: Allan Stein/The Epoch Times)
Chiến lược mua đất nông nghiệp
Các công ty Trung Quốc có liên hệ với ĐCSTQ cũng đang mua các lô đất chiến lược ở Hoa Kỳ, điều này làm dấy lên lo ngại rằng chế độ này có thể tiến hành hoạt động gián điệp hoặc phá hoại các lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Trong những năm gần đây, việc người Trung Quốc mua đất ở Texas và North Dakota, cả hai nơi này đều nằm gần các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ, đã gây báo động cho người dân địa phương và các nhà hoạch định chính sách ở chính phủ tiểu bang và liên bang.
Chẳng hạn, một tỷ phú Trung Quốc đã mua 140,000 mẫu đất ở Texas. Tỷ phú được đề cập này là ông Tôn Quảng Tín (Sun Guangxin), người đang duy trì mối quan hệ sâu rộng với ĐCSTQ và được cho là đã tuyển dụng nhiều quan chức chính phủ và quân đội.
Theo Hiệp hội Môi giới Địa ốc Quốc gia, trong khoảng thời gian từ tháng 03/2021 đến tháng 03/2022, các nhà đầu tư Trung Quốc đã mua hơn 6 tỷ USD bất động sản Hoa Kỳ, khiến nước này trở thành người mua ngoại quốc lớn nhất tính theo số dollar đã chi.
Một dự án nhà máy bắp gây tranh cãi của Trung Quốc ở Grand Fork, North Dakota, nằm trên vùng đất cách Căn cứ Không quân Hoa Kỳ 15 dặm (24 km), nơi chứa phi cơ không người lái, vệ tinh, và công nghệ giám sát nhạy cảm, hiện sắp bị chấm dứt sau các cảnh báo từ Lực lượng Không quân Hoa Kỳ rằng dự án này đã đặt ra một “mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia.”
Nhiều quan chức nhà nước cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về quyền sở hữu của Trung Quốc đối với đất nông nghiệp Hoa Kỳ. Do đó, một số tiểu bang đang xây dựng luật để cấm hoặc hạn chế các tổ chức Trung Quốc mua đất nông nghiệp và doanh nghiệp của Hoa Kỳ. Những tiểu bang này bao gồm South Dakota, Florida, Texas, Virginia, Missouri, và Iowa.
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Ông Andrew Thornebrooke là phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich
Nhã Đan và Thanh Tâm biên dịch
Ngoại trưởng Penny Wong phát biểu trong một cuộc họp báo tại Quai Dorsay ở Paris, Pháp, hôm 30/1/2023. (Ảnh: Stephane de Sakutin/AFP/Getty Images)
2. Ngoại trưởng Úc: Úc tiếp tục hợp tác với Bắc Kinh, Mỹ cũng nên làm như vậy!
Huyền Anh • 00:45, 07/02/23
Sau khi quân đội Hoa Kỳ bắn hạ một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc, Ngoại trưởng Úc nói rằng, bất chấp những lo ngại về khả năng vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc, chính phủ của bà sẽ tiếp tục hợp tác với chính quyền nước này.
"Chúng tôi lên nắm chính phủ với một quan điểm rất rõ ràng về tầm quan trọng của việc ổn định mối quan hệ với Trung Quốc và chúng tôi đã thực hiện nhiều bước để đạt được điều đó", bà Wong nói với các phóng viên ở Canberra vào ngày 6/2.
"Chúng tôi sẽ hợp tác ở những lĩnh vực có thể, chúng tôi sẽ bất đồng ở những lĩnh vực chúng tôi phải bất đồng, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác vì lợi ích quốc gia của mình".
Ngoại trưởng Úc cũng kêu gọi Hoa Kỳ làm điều tương tự và bày tỏ niềm tin rằng điều quan trọng là cạnh tranh “không leo thang thành xung đột".
"Chúng tôi chia sẻ những lo ngại của Hoa Kỳ về việc xâm phạm hoặc vi phạm luật pháp quốc tế, nhưng điều chúng tôi khuyến khích hiện nay là tiếp tục đối thoại vì thế giới mong muốn một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Điều này có nghĩa là các cường quốc phải tiếp tục hợp tác với nhau", bà nói.
Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kevin Andrews đã cảnh báo về việc tiếp tục bắt tay với Bắc Kinh mà không đưa ra những lời chỉ trích rõ ràng đối với các hành động của chính quyền Trung Quốc.
“Chuyến bay của khinh khí cầu gián điệp Trung Quốc qua các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ là một sự vi phạm luật pháp quốc tế có chủ đích”, ông viết trong một thư điện tử gửi cho The Epoch Times.
"Mặc dù Úc nên nỗ lực hợp tác với ĐCSTQ, nhưng nước này cũng cần phải lên án những hành động như vậy và lưu tâm đến thái độ coi thường các chuẩn mực quốc tế đang diễn ra của chế độ này".
Ông Peter Jennings, cựu Giám đốc điều hành của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), cho biết, ông không biết về bất kỳ sự cố khinh khí cầu nào ở Úc, nhưng cảnh báo về khả năng xảy ra và kêu gọi chính phủ chuẩn bị sẵn sàng.
"Chúng tôi biết chúng tôi là mục tiêu tình báo được ưu tiên cao và khí cầu có thể xuất hiện ở phía nam cũng như ở phía bắc đất nước”, ông Jennings nói với tờ Australian Financial Review.
"Bài kiểm tra thực sự đối với Úc là chúng tôi sẽ làm gì nếu chúng tôi phát hiện ra một khinh khí cầu ở Alice Springs chẳng hạn”.
"Liệu chúng ta có đủ can đảm để làm những gì người Mỹ đã làm không? Theo tôi, chúng ta nên làm như vậy".
Mối quan hệ đang tan băng Úc - Trung
Vụ việc xảy ra chỉ vài ngày trước khi Bộ trưởng Thương mại Úc Don Farrell gặp người đồng cấp Trung Quốc trong cuộc họp song phương qua video vào ngày 6/2.
Chính phủ Úc tự tin rằng, Bắc Kinh cuối cùng sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt thương mại đối với nhiều loại hàng hóa của nước này trước cuộc gặp đầu tiên giữa các quan chức thương mại của hai nước trong ba năm.
"Mục tiêu của tôi là khôi phục mối quan hệ này và đưa sản phẩm của chúng tôi trở lại với người tiêu dùng Trung Quốc càng sớm càng tốt”, ông Farrell tuyên bố.
"Những vấn đề này sẽ không được giải quyết trong một sớm một chiều, và chúng sẽ không được giải quyết ngay lập tức... Tuy nhiên, chúng ta phải bắt đầu vào việc này".
Tuy nhiên, ông tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ cần thời gian để dỡ bỏ lệnh cấm đối với các mặt hàng thương mại trị giá khoảng 14 tỷ USD, bao gồm xuất khẩu rượu, tôm hùm, thịt, lúa mạch và than đá. Trung Quốc áp đặt biện pháp trừng phạt này đối với Úc vào năm 2020, sau khi cựu Thủ tướng Scott Morrison kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của Covid-19, căn bệnh do virus Vũ Hán gây ra.
Bộ Ngoại giao Mỹ: 'Không thể chấp nhận được'
Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết, Tổng thống Biden hôm 1/2 đã ra lệnh "bắn hạ khinh khí cầu do thám” nhưng “không được gây rủi ro quá mức đối với tính mạng của người Mỹ dưới đường đi của khí cầu".
Ông Austin nói thêm rằng, Bắc Kinh đang sử dụng khinh khí cầu để “do thám các địa điểm chiến lược ở lục địa Hoa Kỳ”.
Trong một tuyên bố sau khi khinh khí cầu bị bắn hạ, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết, Lầu Năm Góc loại trừ khả năng bắn rơi khinh khí cầu trên đất liền “do kích thước và độ cao của khinh khí cầu cũng như trọng tải do thám của nó” sẽ gây ra “nguy hiểm không đáng có cho người dân trên một khu vực rộng lớn".
Các quan chức ở Hoa Kỳ trước đây ước tính kích thước của khinh khí cầu tương đương với ba chiếc xe buýt chở học sinh và bay ở độ cao khoảng 18.300 mét.
Theo nhiều nguồn tin, khinh khí cầu này xuất phát từ Trung Quốc, sau đó bay qua Quần đảo Aleut của tiểu bang Alaska và di chuyển về phía tây bắc Canada trước khi tiến vào không phận của một địa điểm nào đó ở tiểu bang Montana vào hôm thứ Tư (1/2).. Montana là một trong ba tiểu bang có các hầm chứa vú khí hạt nhân chiến lược của Mỹ.
Vụ việc buộc Ngoại trưởng Antony Blinken phải hủy chuyến công du Bắc Kinh, vốn dự kiến rời Washington chỉ vài giờ trước đó.
“Sau khi tham khảo ý kiến với các đối tác liên ngành cũng như với Quốc hội Mỹ, chúng tôi đi đến kết luận rằng, các điều kiện hiện tại không phù hợp để Ngoại trưởng Blinken tới Trung Quốc”, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với các phóng viên vào ngày 3/2.
“Chúng tôi đã ghi nhận tuyên bố lấy làm tiếc của Trung Quốc, nhưng sự hiện diện của khí cầu này trong không phận của Hoa Kỳ là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền của Mỹ cũng như luật pháp quốc tế. Điều này là không thể chấp nhận được”, quan chức này cho hay.
Theo The Epoch Times
Huyền Anh biên dịch
Tổng thống Joe Biden nói chuyện với các phóng viên ở bãi cỏ South Lawn tại Nhà Trắng ở Washington, hôm 06/2/2023. (Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images)
3. Tổng thống Biden nói ông 'không chắc' về lệnh cấm TikTok
Lam Giang • 08:09, 07/02/23
Tổng thống Mỹ Joe Biden để ngỏ khả năng cấm ứng dụng TikTok thuộc sở hữu của Trung Quốc. Ứng dụng này đã và đang bị giám sát chặt chẽ vì có nguy cơ gây rủi ro cho an ninh quốc gia Mỹ.
Trước câu hỏi của một phóng viên về ứng dụng TikTok hôm 6/2, ông Biden nói: "Tôi không chắc. Tôi không cài đặt ứng dụng này trên điện thoại của mình". Tổng thống Mỹ vừa trở về Washington sau kỳ nghỉ cuối tuần tại Trại David.
TikTok đã trở thành một trong những ứng dụng phổ biến nhất ở Hoa Kỳ, với ước tính có khoảng 1,5 tỷ người dùng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, sự liên kết của ứng dụng này với công ty Trung Quốc ByteDance đã làm dấy lên mối lo ngại ngày càng tăng về rủi ro bảo mật.
Phát biểu trong phiên điều trần của Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện (House Homeland Security Committee) hồi tháng 12/2022, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray nhấn mạnh rằng, TikTok - thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance - đã gây ra mối lo ngại an ninh đáng kể đối với Mỹ.
Ông cho hay, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có khả năng kiểm soát thuật toán đề xuất của TikTok. Thuật toán này sẽ cho phép ĐCSTQ thao túng nội dung và thực hiện các hoạt động gây ảnh hưởng. Ngoài ra, chính quyền Bắc Kinh có thể sử dụng ứng dụng này để thu thập dữ liệu trên “hàng triệu thiết bị”, điều này sẽ “cung cấp cho ĐCSTQ khả năng tham gia vào các loại hoạt động mạng độc hại khác nhau”, ông nói.
Giám đốc FBI cho biết: “Tất cả những điều này đều nằm trong tay của một chính phủ không có chung các giá trị với Mỹ và có sứ mệnh rất mâu thuẫn với lợi ích cốt lõi của chúng ta. Mỹ rất quan ngại về điều đó".
Trong một lá thư (pdf) gửi các nhà lập pháp Mỹ hồi tháng 6/2022, TikTok thừa nhận rằng các nhân viên ở Trung Quốc “có quyền truy cập vào dữ liệu người dùng TikTok ở Hoa Kỳ và phải tuân theo một loạt các biện pháp kiểm soát an ninh mạng mạnh mẽ, cũng như các giao thức phê duyệt ủy quyền do nhóm bảo mật của TikTok ở Hoa Kỳ giám sát”.
Họ còn nhấn mạnh rằng một số nhân viên từ Trung Quốc có quyền truy cập vào “một số lượng nhỏ dữ liệu người dùng TikTok ở Hoa Kỳ” để “đảm bảo khả năng tương tác toàn cầu”.
Các bản ghi bị rò rỉ trước đây cho thấy các kỹ sư ở Trung Quốc đã nhiều lần truy cập dữ liệu của người dùng TikTok tại Hoa Kỳ vào tháng 1/2022.
Về phần mình, TikTok khẳng định rằng họ sẽ không bao giờ cung cấp dữ liệu người dùng cho chính quyền Trung Quốc, đồng thời nói rằng dữ liệu người dùng Mỹ được lưu trữ trên các máy chủ ở Hoa Kỳ.
Tại Hoa Kỳ, những tiết lộ như vậy đã làm dấy lên lo ngại của lưỡng đảng. Trong khi các quan chức Hoa Kỳ tham gia vào các cuộc đàm phán với nền tảng TikTok về vấn đề bảo mật dữ liệu, Thượng nghị sĩ Mark Warner, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, gần đây đã thúc đẩy chính quyền ông Biden đẩy nhanh tiến độ đánh giá mối đe dọa do TikTok gây ra. Ông nhấn mạnh rằng "sự kiên nhẫn của ông đang cạn dần".
“Mặc dù TikTok nói rằng không phải như vậy, nhưng vẫn có những ví dụ chứng minh rằng các kỹ sư Trung Quốc vẫn có quyền truy cập vào dữ liệu [người dùng TikTok Mỹ]”, ông Warner cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài Fox Business vào ngày 2/2.
Ông cho rằng, giờ đây, mọi công ty hoạt động ở Trung Quốc trước hết phải có lòng trung thành với ĐCSTQ chứ không phải với cổ đông hay khách hàng. Do đó, rất có thể ĐCSTQ lợi dụng ứng dụng TikTok để tiến hành các hoạt động tuyên truyền thông tin sai lệch.
Hồi tháng 8/2020, cựu Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh cấm TikTok và ứng dụng mạng xã hội WeChat của Trung Quốc. Tuy nhiên, vào tháng 6/2021, chính quyền ông Biden đã hủy bỏ quyết định này để tiến hành một cuộc đánh giá độc lập khác.
Có tới 30 tiểu bang đã chuyển sang cấm TikTok khỏi các thiết bị của chính phủ, gần đây nhất là Louisiana, Tây Virginia và Texas. Ở cấp liên bang, dự luật chi tiêu trị giá 1,65 nghìn tỷ USD được chính phủ Mỹ thông qua vào tháng 12/2022 cũng đã cấm ứng dụng này trên các thiết bị của chính phủ.
“Không được đánh giá thấp hoặc bỏ qua các rủi ro bảo mật liên quan đến việc sử dụng TikTok trên các thiết bị được dùng để tiến hành công việc kinh doanh quan trọng của tiểu bang chúng ta”, Thống đốc bang Texas Greg Abbott cho biết trong một tuyên bố ngày 6/2.
“Được sở hữu bởi một công ty Trung Quốc sử dụng các đảng viên ĐCSTQ, TikTok thu thập một lượng dữ liệu đáng kể từ thiết bị của người dùng, bao gồm cả thông tin chi tiết về hoạt động trên Internet của họ”.
Theo The Epoch Times
Lam Giang biên dịch
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Washington, D.C., Mỹ, 12/12/2021. (Daniel Slim / AFP, qua Getty Images)
4. Tiền điện tử của ngân hàng trung ương có thể dẫn đến Siêu lạm phát
Cao Dương • 08:25, 07/02/23
Tiền điện tử của ngân hàng trung ương có thể dẫn đến sự kiểm soát hoàn toàn của chính phủ, áp chế tài chính, và siêu lạm phát.
Có nhiều cái cớ thường được sử dụng để giải thích cho lạm phát. Tuy nhiên, thực tế là không có thứ gọi là "lạm phát do chi phí đẩy" hay "lạm phát giá cả hàng hóa". Lạm phát không phải là sự gia tăng giá cả; mà nó là sự phá hủy sức mua của tiền tệ.
Lạm phát do chi phí đẩy là khi cần nhiều đơn vị tiền tệ hơn để tiêu vào các tài sản thực tương đối khan hiếm. Điều tương tự cũng có thể được dùng để nói về tất cả những thứ khác, từ hàng hóa đến nhu cầu và, cụm từ mà tôi yêu thích — "gián đoạn chuỗi cung ứng": Nhiều đơn vị tiền tệ hơn tiêu vào cùng loại hàng hóa và dịch vụ.
Cơn lạm phát khủng khiếp mà chúng ta đã phải chịu đựng trong những năm qua trước hết là do lạm phát giá tài sản và sau đó là do giá tiêu dùng. Giờ đây, các chính phủ và cơ quan thống kê đang điều chỉnh cách tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) để ngụy trang cho việc mất sức mua của đồng tiền, và các ngân hàng trung ương đã phải tăng lãi suất sau thảm họa tạo ra vào năm 2020, khi cung tiền tăng mạnh đã tài trợ cho chi tiêu cồng kềnh của chính phủ và tạo ra mớ hỗn độn hiện tại mà chúng ta đang sống trong đây.
Các ngân hàng trung ương biết rằng lạm phát là một hiện tượng tiền tệ, và đó là lý do tại sao họ tăng lãi suất và thắt chặt ở mức nhanh nhất mà chính phủ cho phép. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương đã đánh mất một lượng lớn uy tín vốn đã thấp của mình, khi đầu tiên là họ đã lờ đi rủi ro lạm phát, và sau đó dùng cái cớ hiệu ứng cơ sở và lạm phát tạm thời, cuối cùng lại phản ứng muộn và chậm.
Điều này đã xảy ra trong một thế giới nơi mà tăng trưởng cung tiền vượt mức có một số điểm dừng và giới hạn, nhằm ngăn chặn sự gia tăng khủng khiếp của giá tiêu dùng thông qua việc phá hủy đồng tiền được in cố ý. Với việc nới lỏng định lượng, có một số giới hạn giúp ngăn chặn áp lực lạm phát: Vì cơ chế truyền dẫn của chính sách tiền tệ là kênh ngân hàng, chính nhu cầu tín dụng của chúng ta sẽ phá vỡ áp lực lạm phát.
Điều duy nhất cứu người dân khỏi mức giá cao hơn nhiều là việc cơ chế truyền dẫn của chính sách tiền tệ là độc lập và đa dạng. Bây giờ hãy tưởng tượng trong giây lát rằng, nếu cơ chế truyền dẫn đó là trực tiếp và chỉ có một kênh duy nhất, chính là ngân hàng trung ương.
Khi đó, một loại tiền điện tử của ngân hàng trung ương (CBDC) sẽ được phát hành trực tiếp vào tài khoản của bạn trong ngân hàng trung ương. Như vậy, nó chính là sự giám sát được ngụy trang dưới dạng tiền. Ngân hàng trung ương sẽ biết chính xác bạn sử dụng đồng tiền này để làm gì, bạn tiết kiệm được bao nhiêu, vay và chi tiêu bao nhiêu và ở đâu. Hơn nữa, với việc các ngân hàng trung ương ngày càng mang tính chính trị, họ thậm chí có thể trừng phạt những người chi tiêu theo cách mà họ cho là không phù hợp, hoặc họ có thể mang lại lợi ích cho những người làm theo điều họ khuyến nghị. Toàn bộ hệ thống quyền riêng tư và cơ chế giới hạn tiền tệ sẽ bị loại bỏ.
Tệ hơn nữa, khi đó, lúc các ngân hàng trung ương phạm sai lầm in quá nhiều tiền, như họ đã làm vào năm 2020, thì sẽ tác động tuyệt đối đến giá tiêu dùng. Với mức tăng cung tiền vượt quá 20% trong một năm, chúng ta sẽ phải chịu mức lạm phát gần 20%, vì các giới hạn đối với cơ chế truyền dẫn đã bị phá vỡ.
Bây giờ hãy tưởng tượng nếu chỉ có một tài khoản, một ngân hàng trung ương, và chính phủ. Hãy đoán xem điều gì sẽ xảy ra? Câu trả lời là: Việc in tiền toàn bộ cho các khoản chi tiêu của chính phủ sẽ đẩy đồng tiền đến tình trạng siêu lạm phát trong vài năm tới, và sẽ dẫn đến sự xóa sổ của khu vực tư nhân. Trên thực tế là một sự quốc hữu hóa. Một phiên bản kỹ thuật số của tín phiếu Assignat của Pháp. Siêu lạm phát và sự kiểm soát hoàn toàn của chính phủ và áp chế tài chính.
Tiền điện tử của ngân hàng trung ương là một ý tưởng không cần thiết và tồi tệ. Bạn không thể bắt đầu một thử nghiệm tầm cỡ như vậy khi tính độc lập của các ngân hàng trung ương đã bị nghi ngờ trong nhiều năm, và có nhiều bằng chứng về các hành động chính sách mà đã không nhận ra nguy cơ lạm phát gia tăng đối với giá tài sản và hàng tiêu dùng. Các ngân hàng trung ương chưa bao giờ ngăn chặn được một bong bóng nào, hay mức độ chấp nhận rủi ro cao, và nợ quá mức, cũng như chưa bao giờ nhận ra áp lực lạm phát. Với thành tích như vậy, không ai nên biện hộ cho một biện pháp cho phép họ kiểm soát hoàn toàn toàn bộ hệ thống tài chính và tiền tệ.
Điều quan trọng nhất cần nhớ là các loại tiền điện tử của ngân hàng trung ương là không cần thiết. Những lợi ích của công nghệ, số hóa, và sự dễ dàng giao dịch đã có sẵn rồi. Không cần phải tạo một loại tiền tệ được phát hành trực tiếp vào tài khoản tại ngân hàng trung ương. Chúng cũng không cần thiết vì hoàn toàn không cần phải cạnh tranh với đồng nhân dân tệ kỹ thuật số. Trung Quốc đang tiến gần hơn tới chính sách tiền tệ lành mạnh, và ngân hàng trung ương của nước này đang mua thêm vàng chứ không phải là ngược lại. Nếu bạn muốn cạnh tranh với các loại tiền tệ hoặc tiền điện tử khác thì chỉ có một cách duy nhất: Làm cho rõ ràng rằng, bạn sẽ bảo vệ trạng thái giá trị của đồng tiền của mình. Đồng euro hay USD không cần phải cạnh tranh với bitcoin hay đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) thực sự bảo vệ trạng thái giá trị và sức mua của chúng.
Tuy nhiên, có vẻ như duy nhất lý do Fed hoặc ECB muốn có một loại tiền kỹ thuật số là vì, họ muốn giữ thị phần của mình mà không bảo vệ sức mua và trạng thái giá trị của đồng tiền của họ. Có vẻ như các ngân hàng trung ương muốn hành xử như một công ty độc quyền bán các sản phẩm kém chất lượng, nhưng lại yêu cầu rằng mình vẫn làm nhà cung cấp chính bằng cách loại bỏ cạnh tranh. Fed và ECB không cần phải cạnh tranh với tiền điện tử nếu họ cho thế giới thấy rằng, họ sẽ bảo vệ sức mua của đồng USD và đồng euro.
Việc các nhà lãnh đạo trong hệ thống tiền tệ sợ các loại tiền tệ và tài sản — vốn hầu như không tạo ra sự khác biệt về mặt sử dụng hoặc thị phần toàn cầu — cho thấy rằng, họ biết rằng sản phẩm của họ — tiền tệ — sẽ không giữ được niềm tin của người dân trong một thời gian dài trong tình hình thặng dư tiền tệ như thế này.
Nếu Fed và ECB thực sự muốn có một loại tiền kỹ thuật số thì đó là vì họ biết rằng, họ sẽ đánh mất niềm tin của người dân sớm hơn chúng ta nghĩ, và họ cần áp đặt thị phần của mình chứ không phải giành lấy nó.
Nếu Fed hay ECB thực hiện chính sách tiền tệ lành mạnh và thực sự tuân theo nhiệm vụ ổn định giá cả, họ sẽ tiêu diệt được bất kỳ loại tiền tệ cạnh tranh nào, dù là kỹ thuật số hay không, trong phút chốc mà thôi. Nếu họ không giành chiến thắng trong cuộc đua này, thì đó là do động cơ sau cùng của họ là từ bỏ nhiệm vụ ổn định giá cả và giữ giá trị đồng tiền, để tiếp tục phình to quy mô chính phủ, mà cái giá phải trả là tiền lương thực tế và tiền gửi của khu vực tư nhân.
Fed và ECB có muốn có một đồng USD hay đồng euro toàn cầu và kỹ thuật số được mọi người chấp nhận và có nhu cầu dùng không? Đơn giản thôi: Hãy tuân thủ chính xác nhiệm vụ, và giành được thị phần toàn cầu trong việc sử dụng tiền tệ vì mọi người muốn đồng tiền đó, chứ không phải vì họ bị ép buộc.
Quan điểm thể hiện trong bài viết này là quan điểm của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.
Theo The Epoch Times
Cao Dương biên dịch
Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) đứng cạnh Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (trái) và Tổng tư lệnh Hải quân Nga, Đô đốc Nikolai Yevmenov (phải) trong Ngày Hải quân Nga, ở Petersburg, hôm 31/7/2022. (Ảnh: Alexey Danichev/Sputnik/AFP/Getty Images)
5. Nam Phi tổ chức các cuộc tập trận hải quân 'kỳ lạ' với tàu chiến của Trung Quốc và Nga
Thanh Hải • 09:30, 07/02/23
Nam Phi đang lên kế hoạch cho "10 ngày tập trận” với Trung Quốc và Nga từ ngày 17/2 đến ngày 26/2, trùng với dịp kỷ niệm cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
Sự kiện diễn ra ngoài khơi bờ biển phía đông của Nam Phi, được các quốc gia liên quan mô tả là "cuộc tập trận hàng hải đa phương".
Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nam Phi nói với Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng: “Chúng tôi rất mong chờ được chứng kiến hải quân Nga và Trung Quốc tập trận; chắc chắn rằng hải quân của chúng tôi sẽ học hỏi được nhiều điều”.Đội hình hải quân Trung Quốc, bao gồm cả tàu sân bay Liêu Ninh (ở giữa), trong cuộc tập trận ở Biển Đông, hôm 2/1/2017. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)
"Họ đã thông báo với chúng tôi rằng các tàu chiến đang trên đường đến và họ dự định trình diễn một loạt các thiết bị và vũ khí tinh vi, hệ thống định vị cùng nhiều hệ thống khác”, vị quan chức cho hay.
Ông Guy Martin, nhà phân tích quân sự và quốc phòng tại DefenceWeb, một cổng thông tin châu Phi chuyên phân tích các vấn đề quân sự và an ninh, nói với The Epoch Times rằng, tàu khu trục Đô đốc Gorshkov của Nga, hiện đang ở ngoài khơi Syria, sẽ sớm cập cảng Durban (ở bờ biển phía đông Nam Phi).
"Tàu khu trục Đô đốc Gorshkov được trang bị tên lửa hành trình bội siêu thanh Zircon", ông cho hay.
Liên minh Vận động Phòng thủ Tên lửa (Missile Defense Advocacy Alliance - MDAA) tuyên bố rằng, tên lửa bội siêu thanh Zircon di chuyển với tốc độ gấp 9 lần tốc độ âm thanh và có tầm bắn ít nhất 750 km (466 dặm), mặc dù quân đội Nga tuyên bố nó có tầm bắn tới hơn 1.000 km (620 dặm).
"Tên lửa bội siêu thanh Zircon có giá trị chiến lược chủ yếu dựa vào tốc độ của nó", Liên minh tuyên bố trên trang web của mình.
"Vào tháng 4/2017, có thông tin cho rằng Zircon đã đạt tốc độ Mach 8 (9.800 km/giờ; 2.722 m/s) trong một cuộc thử nghiệm. Nếu thông tin trên là chính xác thì Zircon sẽ trở thành tên lửa có tốc độ nhanh nhất thế giới, khiến nó gần như là một vũ khí vô song.
"Một tính năng ưu việt khác của tên lửa là đám mây plasma. Tên lửa được bao phủ hoàn toàn bởi một đám mây plasma trong suốt chuyến bay, đám mây này hấp thụ mọi tia tần số vô tuyến và khiến tên lửa vô hình trước radar. Điều này cho phép tên lửa không bị phát hiện trên đường đến mục tiêu".
Ông Martin nói: “[Tổng thống Nga Vladimir] Putin đã khoe khoang về việc tên lửa Zircon có khả năng chọc thủng các hệ thống phòng thủ của Mỹ. Ông Putin thích đề cập đến chúng và coi đó là trọng tâm trong kho vũ khí tên lửa hành trình của mình”.
"Vì vậy, đối với ông Putin, việc điều một con tàu được trang bị tên lửa Zircon đến Nam Phi là sự kiện khá quan trọng”.
"Thông điệp mà động thái trên gửi đi là 'Chúng tôi coi mối quan hệ của chúng tôi với quý vị thân thiết đến mức chúng tôi sẵn lòng cho quý vị thấy những vũ khí tốt nhất của chúng tôi; chúng tôi sẵn sàng cho quý vị thấy toàn bộ năng lực của lực lượng hải quân của chúng tôi, và chúng tôi biết quý vị sẽ không nói với phương Tây bất cứ điều gì về những gì chúng tôi cho quý vị thấy, bởi vì quý vị đang đứng về phía chúng tôi chống lại bọn đế quốc”.
Tàu khu trục Đô đốc Gorshkov không phải là tàu lớn đầu tiên của Nga được chính phủ Đại hội Dân tộc Phi (ANC) của Tổng thống Cyril Ramaphosa chào đón tới Nam Phi.
Bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu đối với con tàu này, Nam Phi vẫn cho phép tàu chở hàng Lady R của Nga cập cảng căn cứ hải quân Thị trấn Simon, gần Cape Town vào tháng 12/2022.
Giới chức Nam Phi sau đó xác nhận rằng, con tàu đã nhận được một lô hàng đạn dược. Số đạn này đã được Moscow đặt hàng "trước đại dịch Covid-19".
Sau đó, vào ngày 28/1, một con tàu khác của Nga là Akademik Alexander Karpinsky lại cập cảng Cape Town để tiếp nhiên liệu, sau khi di chuyển từ cảng quê hương St Petersburg. Sự hiện diện của con tàu Karpinsky đã vấp phải sự phản đối của đông đảo các nhà hoạt động môi trường do các cuộc khảo sát dầu khí hàng năm của nó ở Nam Cực.
Ông Brooks Spector, cựu nhà ngoại giao Hoa Kỳ ở Châu Phi và Châu Á, hiện đang sống ở Johannesburg, nói với The Epoch Times rằng, việc chính phủ Nam Phi thường xuyên tuyên bố giữ quan điểm trung lập trong cuộc xung đột Ukraine là "hoang đường".
"Các cuộc tập trận sắp tới sẽ cung cấp thêm bằng chứng, nếu cần, rằng ANC kiên quyết ủng hộ hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine".
"Cuộc tập trận hải quân này diễn ra vào đúng ngày Nga xâm lược Ukraine”.
"Nếu không phải bằng lời nói, thì chắc chắn là thông qua hành động, đó là một biểu tượng nghiêm túc của sự liên kết”.
Theo ông Martin, Pretoria đáng lý ra nên có cách hành động "hợp lý và nhạy cảm" là "lặng lẽ" từ chối cuộc tập trận quân sự chung để không làm mất lòng Điện Kremlin.
Tuy nhiên, thay vào đó, ANC đã chọn trao cho Nga một "chiến thắng có giá trị" và “coi thường phương Tây", ông nói.
Theo Giáo sư Christopher Isike, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Pretoria, lập trường đầy “mâu thuẫn” của Nam Phi về cuộc chiến tại Ukraine thiếu tính "đặc trưng và sự nhất quán".
"Thật mâu thuẫn khi nói Nam Phi trung lập, nhưng sau đó nước này lại lên kế hoạch tham gia các cuộc tập trận quân sự với Nga do phía Moscow cố tình sắp xếp thời gian trùng với lễ kỷ niệm một năm cuộc xâm lược Ukraine".
Quan chức cấp cao Nam Phi từng huấn luyện quân sự ở Liên Xô
Ông cho biết, mặc dù Nam Phi luôn khẳng định rằng họ muốn "hòa bình và đàm phán" và ủng hộ Hiến chương Liên Hợp Quốc, nhưng họ lại không lên án một cuộc tấn công vào một quốc gia có chủ quyền.
"Thật mâu thuẫn khi [Nam Phi sẵn sàng] lên án chiến lược thay đổi chế độ của phương Tây ở Iraq hoặc Libya trong khi vẫn giữ im lặng trước chiến lược lật đổ chính phủ hiện tại của Nga ở Kyiv", ông Isike nói.
Ông Martin cho biết có vẻ như lịch sử của đảng cầm quyền một lần nữa đang làm suy giảm những lợi ích tốt nhất hiện nay của Nam Phi.
Một số thành viên cấp cao của ANC đã được học tập và huấn luyện quân sự ở Liên Xô cũ trong thời kỳ phân biệt chủng tộc. Moscow cũng viện trợ tiền bạc và khí tài cho cuộc đấu tranh vũ trang giải phóng của ANC.
Tuy nhiên, nhà kinh tế học Iraj Abedian nói với The Epoch Times rằng, Nam Phi “được ít mà mất nhiều” khi duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Điện Kremlin.
“Khối lượng thương mại mà Nam Phi nhận được [khi giao thương] với Nga so với phương Tây, hoặc thậm chí so với bất kỳ quốc gia BRICS nào khác, là cực kỳ nhỏ”.
Nhóm các nền kinh tế mới nổi (gọi tắt là BRICS) gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Ông Abedian cho biết: “Có hơn 600 công ty Mỹ ở Nam Phi, bao gồm cả những gã khổng lồ trong ngành công nghiệp ô tô như Ford và General Motors, tất cả đều đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế nước này”.
Nam Phi đứng về phía Nga xuất phát từ 'động cơ hoài cổ'
“Về mặt kinh tế, việc chính phủ [Nam Phi] liên minh với Nga là vô nghĩa”, ông Steven Gruzd, người đứng đầu Chương trình Ngoại giao và Quản trị Châu Phi tại Viện Quan hệ Quốc tế Nam Phi, nói với The Epoch Times.
“Do đó, kết luận hợp lý duy nhất được rút ra là ANC ủng hộ Nga vì những lý do hoài cổ, và cũng bởi vì tổ chức này đã tin vào tuyên truyền của Nga rằng, cuộc chiến cũng đại diện cho cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc phương Tây chuyên bắt nạt các nước nhỏ hơn".
"Tất nhiên, điều này bỏ qua thực tế là Nga đang bắt nạt Ukraine - hoặc ít nhất là đang cố gắng làm như vậy".
Ông Spector tuyên bố rằng bằng cách đứng về phía Nga, ANC đang phớt lờ "những mong muốn và hy vọng" của chính người dân nước mình.
Số lượng những người thuộc tầng lớp trung lưu châu Phi và tầng lớp trung lưu đầy tham vọng đang gia tăng đáng kể. Đặc biệt, hầu hết những người thuộc tầng lớp trung lưu ở châu Phi đều dưới 30 tuổi. Con số này cao hơn so với bất kỳ nơi nào khác, ông nói.
"Hãy hỏi họ xem họ thích hàng hóa và dịch vụ của Nga hay của Mỹ. Hầu như tất cả những người có tiền mà tôi gặp ở Châu Phi đều muốn tiếp cận với hàng hóa và dịch vụ của Mỹ".
Ông Martin mô tả việc Nam Phi tham gia các cuộc tập trận hải quân, bất kể là với quốc gia nào, cũng là điều "bất thường ở mức độ thực tế” vì "tình trạng nghèo nàn" của lực lượng hải quân nước này.
Do thiếu kinh phí và việc bảo trì tàu thuyền kém, phần lớn hạm đội hải quân của Nam Phi đang ở trong tình trạng cạn kiệt.
Ngân sách eo hẹp của hải quân Nam Phi
Ông Martin giải thích: “Hải quân Nam Phi phần lớn không hoạt động. Có rất ít tàu có sẵn. Những con tàu đó đều đã qua sửa chữa và bảo trì, và rồi không bao giờ nhìn thấy chúng nữa, vì bất kỳ lý do gì. Ngân sách của họ là vô cùng eo hẹp. Kết quả là, thời gian hoạt động trên biển của họ đã giảm đáng kể”.
"Vài năm trước, hải quân Nam Phi có đủ tiền để bỏ ra 12.000 giờ hoạt động trên biển; hiện tại là 8.000 giờ. Giờ đây, họ thậm chí không sử dụng đến những thứ này vì tàu thường xuyên bị hỏng hoặc hải quân không có tiền để tiếp nhiên liệu cho con tàu”.
"Vì vậy, tôi muốn xem hải quân Nam Phi sẽ trình diễn những gì trong cuộc tập trận hải quân. Việc hải quân Nam Phi tham gia vào một hoạt động tập trận lớn như thế này là một yêu cầu cao, trừ khi hải quân của chúng tôi chỉ [đứng ngoài] quan sát những hoạt động của người Nga và Trung Quốc".
Thái độ “tương đối im lặng” của Bắc Kinh về cuộc tập trận hải quân sắp tới không khiến cho ông Spector ngạc nhiên.
"Tôi tin rằng Trung Quốc có thể giám sát chặt chẽ chất lượng và hiệu quả các hoạt động hải quân tầm xa của Nga, hơn là tham gia toàn diện vào một cuộc tập trận hải quân ba bên”, ông đã giải thích.
"Theo phương diện này, Trung Quốc đang trong quá trình đánh giá năng lực của hải quân Nga với tư cách là một lực lượng có đầy đủ tham vọng và cơ hội. Bởi vì Trung Quốc đang đầu tư rất nhiều thời gian và năng lượng vào việc phát triển năng lực hải quân của mình, tất nhiên là chủ yếu ở khu vực Thái Bình Dương”.
Năng lượng và sự nhạy cảm của chính phủ Nam Phi vẫn kiên quyết hướng về phía đông.
Nam Phi gọi tuyên bố của chính quyền ông Biden về "mối quan ngại về bất kỳ quốc gia nào... tập trận với Nga trong khi nước này đang tiến hành cuộc chiến tàn bạo ở Ukraine" là "đạo đức giả".
“Mỹ không có quyền chỉ trích các cuộc tập trận của chúng tôi với Nga, đặc biệt là khi họ vừa tổ chức cuộc tập trận quân sự lớn nhất từ trước đến nay với Israel”, một nhà ngoại giao cấp cao của Nam Phi nói với The Epoch Times.
"Chúng tôi coi Israel là một quốc gia phân biệt chủng tộc đã tiến hành một cuộc chiến bất hợp pháp với Palestine trong một thời gian dài”.
"Nhưng chúng tôi không nói rằng chúng tôi lo ngại về liên minh của Mỹ với Israel bởi vì chúng tôi tôn trọng quyền lựa chọn đồng minh của mọi quốc gia".
Theo The Epoch Times
Thanh Hải biên dịch
Các nhân viên y tế giương cao những tấm bảng tại một hàng rào bên ngoài Bệnh viện St Thomas 'ở London, Vương Quốc Anh. Nước này đang phải đối mặt với cuộc đình công ngành y tế lớn nhất trong lịch sử. Ảnh chụp hôm 6/2/2023. (Ảnh: Daniel Leal/AFP/Getty Images)
6. Vương quốc Anh chứng kiến cuộc đình công ngành y tế lớn nhất trong lịch sử
Huyền Anh • 13:33, 07/02/23
Hôm thứ Hai (6/2), hàng chục nghìn y tá và nhân viên cứu thương của Vương Quốc Anh đã tổ chức cuộc đình công lớn nhất trong lịch sử của Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) - tổ chức chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe do nhà nước điều hành.
Công đoàn Đại học Điều dưỡng Hoàng gia (RCN) đã tổ chức cuộc đình công với sự hợp tác của các công đoàn GMB và Unite. Đây là lần đầu tiên các nhân viên y tế và y tá đình công trong cùng một ngày.
Các công đoàn đã thúc giục chính phủ Anh tăng lương cho ngành y tế ở nước này trong năm tài chính 2022 - 2023, nhưng chính phủ Anh, cơ quan kiểm soát NHS ở Anh, đã từ chối khởi động lại các cuộc đàm phán về tiền lương.
Theo đó, lực lượng y tế cũng sẽ bãi công trong ngày 7/2, lực lượng vật lý trị liệu cũng bãi công vào ngày 9/2, trong khi đội ngũ cấp cứu sẽ tuần hành vào ngày 10/2.
Giới chức NHS cho biết đây sẽ là “tuần đình công gây gián đoạn nhất tính đến nay”. Tuy nhiên, họ kêu gọi người Anh hãy tìm kiếm các dịch vụ chăm sóc y tế và khẩn cấp nếu cần và đến các cuộc hẹn theo lịch trình trừ khi họ được liên lạc trước.
Các công đoàn ở xứ Wales phần lớn đã gác lại các kế hoạch đình công sau khi chính phủ xứ Wales đề xuất tăng lương vào ngày 3/2.
'Chu kỳ không đổi'
Tổng thư ký RCN Pat Cullen nói với hãng thông tấn PA rằng: “Hôm nay, chúng ta đang ở trong tình thế mà chính phủ này đã chọn trừng phạt các y tá Anh thay vì ngồi vào bàn đàm phán và trao đổi với tôi về việc trả lương như cách họ đã làm ở xứ Wales và Scotland”.
Bà Sharon Graham, Tổng thư ký của công đoàn Unite, cho biết, “Trong cuộc xung đột về tiền lương này, chính phủ Anh chưa bao giờ bàn về vấn đề thực chất của việc trả lương, và đó mới là vấn đề thực sự”.
Bà nói rằng trừ khi chính phủ Anh đưa ra một đề nghị tăng lương, bằng không các nhân viên NHS sẽ "bị mắc kẹt trong một chu kỳ đình công không hồi kết, điều mà rõ ràng là không ai mong muốn”.
Bà Saffron Cordery, Phó Giám đốc điều hành của NHS Providers, đại diện cho các quỹ tín thác của NHS, đã thúc giục chính phủ thương lượng mức lương với các công đoàn cho năm tài chính 2022 - 2023.
"Tôi hy vọng sự việc này kết thúc bằng việc chính phủ ngồi xuống bàn đàm phán để dàn xếp về khoản lương năm nay cho nhân viên NHS", bà nói với đài Sky News.
“Tôi cho rằng chúng ta hiểu rằng nhân viên NHS đã phải đối mặt với chi phí tăng vọt, chi phí sinh hoạt tăng cao, lạm phát leo thang và thỏa thuận xem xét tiền lương năm nay được thực hiện vào thời điểm mà lạm phát không ở mức như hiện tại.
“Vì vậy, tôi nghĩ điều thực sự quan trọng là chúng ta nên tập trung vào việc đạt được thỏa thuận [về tiền lương] cho năm nay, cũng như cân nhắc về thỏa thuận trả lương cho năm tới”.
‘Con đường phía trước’
Bình luận về cuộc đình công, Downing Street (chính phủ Anh) cho biết họ muốn nhìn về phía trước và không lùi bước trước các cuộc đình công đòi tăng lương.
Phát ngôn viên chính thức của Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết: “Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục thảo luận về các giải pháp khả thi với các công đoàn”.
“Lập trường bấy lâu nay của chúng tôi là việc tăng lương cao hơn mức lạm phát là không thể chấp nhận được, do tác động của nó đối với người nộp thuế và nguy cơ gia tăng áp lực lạm phát”.
"Tuy nhiên, chúng tôi muốn vạch ra một con đường phía trước. Chúng tôi cho rằng giải pháp đúng đắn để giải quyết vấn đề là bàn về đề nghị trả lương cho năm nay (2023 - 2024) trước khi gửi bằng chứng cho cơ quan xét duyệt trả lương".
Khi được hỏi liệu các công đoàn có nên “từ bỏ hy vọng” đàm phán về mức lương 2022 - 2023 hay không, quan chức chính phủ Anh cho biết: “Chúng tôi muốn nhìn về phía trước. Chúng tôi cho rằng nên tập trung vào vấn đề tiền lương của năm nay chứ không phải nhìn lại quá khứ".
Phát biểu trong chuyến thăm Bệnh viện Kingston ở tây nam London, Bộ trưởng Y tế Steve Barclay đã bảo vệ lập trường của chính phủ rằng việc tăng lương có thể thúc đẩy lạm phát.
Ông nói: “Chỉ vài ngày trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey nói rằng tiền lương là một yếu tố trong cách tiếp cận của ngân hàng về lạm phát và lãi suất”.
“Nhưng đúng là chúng tôi có một quy trình độc lập. Chúng tôi đã hoàn toàn chấp nhận các đề xuất được đưa ra vào năm ngoái, chúng tôi hiện đang gửi bằng chứng cho cơ quan xét duyệt lương từ tháng 4 trở đi”.
"Chúng tôi muốn hợp tác trên tinh thần xây dựng với các công đoàn về bằng chứng này, đó là lý do tại sao chúng tôi thảo luận những vấn đề này với họ”.
‘Biểu tượng của sự xấu hổ'
Đảng đối lập chính hiện nay - Đảng Lao động - đã cáo buộc các Bộ trưởng Anh là “đứng ngoài cuộc” khi nhắc đến việc đàm phán với các nhân viên NHS.
Lãnh đạo Đảng Lao động Sir Keir Starmer nói với các đài truyền hình: “Các cuộc đình công lan rộng ngày nay là một biểu tượng của sự xấu hổ đối với chính phủ Anh”.
“Không ai muốn thấy những cuộc đình công này, cũng chẳng ai muốn đình công - nhưng điều cuối cùng mà các y tá muốn làm là đình công. Những gì họ muốn là một chính phủ có thể thể hiện vai trò lãnh đạo, ngồi vào bàn đàm phán và giải quyết tranh chấp này”.
"Các y tá đã nói rõ trước lễ Giáng sinh rằng họ sẽ không đình công nếu chính phủ thương lượng với họ về tiền lương. Tôi nghĩ nhiều người hẳn sẽ rất ngạc nhiên khi chính phủ đứng ngoài cuộc và không thể hiện bất kỳ vai trò lãnh đạo nào giữa cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Điều đó khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn nhiều so với những gì có thể xảy ra”.
Theo The Epoch Times
Huyền Anh biên dịch
Cảnh đổ nát hoang tàn tại một thành phố ở Thổ Nhĩ Kỳ sau trận động đất ngày 6/2. (Ảnh: Getty Images)
7. Chuyên gia: Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ mạnh tương đương 32 quả bom nguyên tử
Nguyễn Sơn • 14:54, 07/02/23
Năng lượng giải phóng ra từ trận động đất ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hôm 6/2 tương đương 32 quả bom nguyên tử và có thể khiến 20.000 người tử vong.
Theo dữ liệu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), trận động đất có cường độ 7,8 richter, nhưng một số chuyên gia nhận định, nó có thể lớn hơn.
Nhà địa chấn học Susan Hough của USGS cho rằng, tuy không mạnh nhất thế giới, nhưng trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt nguy hiểm. Renato Solidum, giám đốc Viện Núi lửa và Địa chấn học Philippines, cho biết động đất trên 7 độ richter được các nhà khoa học mô tả có "năng lượng tương đương khoảng 32 quả bom nguyên tử đã thả xuống Hiroshima của Nhật Bản năm 1945", theo New York Times.
Thương vong liên tục tăng trong trận động đất gần 8 độ richter xảy ra sáng 6/2 ở khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và...
USGS cho biết, sau trận động đất rạng sáng 6/2, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận thêm ít nhất 100 dư chấn từ 4 độ richter trở lên. Trong đó dư chấn mạnh nhất xảy ra vào đầu giờ chiều với cường độ tương đương.
Khoảnh khắc tòa nhà sụp đổ do thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ | VTC14
Trận động đất có cường độ 7,8 richter xảy ra lúc 4h17' sáng 6/2 (giờ địa phương), với tâm chấn ở độ sâu khoảng 18 km gần thành phố Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ, cách biên giới Syria khoảng 60km.
Một nhân chứng kể lại, gia đình cô bị đánh thức bởi trận động đất lúc hơn 4h sáng. Ban đầu chỉ là những rung chấn rất nhẹ, nhưng sau đó mạnh dần lên. "Lúc đầu tôi không lo sợ, động đất rất nhẹ như chúng tôi thi thoảng vẫn gặp. Nhưng rồi rung lắc mạnh dần lên, đồ đặc đổ vỡ. Tôi cảm giác như có ai đó muốn xô ngã tôi và thấy tức lồng ngực", cô cho biết. Gia đình cô đã may mắn sống sót vì kịp chạy ra ngoài trước khi quá muộn.
Số nạn nhân có thể lên tới 20.000
Phát biểu với báo giới ngày 6/2, bà Catherine Smallwood - quan chức cấp cao về các tình huống khẩn cấp của WHO - cho rằng con số người chết của vụ động đất này có thể lên đến 20.000 người.
Bà Catherine nói với hãng tin AFP: “Có khả năng sẽ còn tiếp tục xảy ra những vụ sập nhà tiếp theo (do ảnh hưởng của trận động đất), do đó, chúng tôi thường ước tính con số thiệt hại có thể tăng gấp 8 lần so với con số ban đầu. Thật không may, chúng tôi luôn thấy sự dự tính đó đúng với các trận động đất. Các báo cáo ban đầu về số người thiệt mạng hoặc bị thương sẽ tăng khá đáng kể trong tuần tiếp theo."
Trước đó, WHO dự đoán con số người thiệt mạng trong cơn địa chấn kinh hoàng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria là hơn 2.600 người.
Con số tử vong do trận động đất cập nhật đến chiều ngày 7/2 là hơn 4.800 người, trong đó có hơn 3.400 người ở Thổ Nhĩ Kỳ, còn lại là ở Syria.
Hình ảnh về trận động đất mạnh ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/2. (Ảnh: Getty Images)
Vì sao trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria gây thương vong lớn?
Theo tạp chí The Economist, động đất gây ra bởi sự chuyển động của các mảng kiến tạo của lớp vỏ Trái đất. Mỗi mảng kiến tạo sở hữu kích cỡ khác nhau. Chúng di chuyển chậm và đôi khi mắc kẹt vào nhau ở các đứt gãy địa chất, tạo ra lực căng tích tụ. Khi tình trạng đó phát triển quá mức, các mảng kiến tạo có thể đột ngột trượt ngang qua nhau, gây ra loại động đất như vừa xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Ngoài cường độ lớn, trận động đất còn khởi phát ở vị trí nông, chỉ sâu 18km so với bề mặt Trái đất nên ảnh hưởng lên bề mặt bị khuếch đại.
Ngoài ra, cơn địa chấn mạnh đầu tiên xảy đến vào ban đêm, khi đa phần mọi người đang ngủ trong nhà, khiến họ ít có cơ hội chạy thoát thân. Thêm vào đó, cái rét buốt của mùa đông đang đe dọa sự sống của những nạn nhân bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Hơn 4.300 người đã thiệt mạng trong trận động đất xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ - ...
Ảnh chụp hiện trường một tòa nhà bị sập sau trận động đất tại Iskenderun, Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 7/2/2023. (Ảnh: Burak Kara/Getty Images)
8. Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ: Hơn 4.300 người thiệt mạng, số ca tử vong tăng hàng giờ Huyền Anh • 15:16, 07/02/23
Tính đến 09:15 ngày 7/2 (giờ Việt Nam), tổng số nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã tăng hơn 4.300 người, hàng nghìn tòa nhà bị sập. Lực lượng cứu hộ của cả hai quốc gia đang chạy đua với thời gian trong công tác tìm kiếm cứu nạn.
Theo ông Yunus Sezer, người đứng đầu Cơ quan Ứng phó Thảm họa và Tình huống khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD), ít nhất 2.921 người thiệt mạng và hơn 15.800 người khác bị thương do động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ tính đến sáng 7/2.
Như vậy, con số trên đã nâng tổng số người chết lên hơn 4.300, tính cả những người tử vong ở Syria, theo hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ, Andalou Agency.
Ở nước láng giềng Syria, ít nhất 1.451 người đã thiệt mạng. Theo đài CNN, 711 người đã thiệt mạng chủ yếu ở các khu vực Aleppo, Hama, Latakia và Tartus.
Khói bốc lên tại hiện trường một tòa nhà bị sập trong khi các nhân viên cứu hộ đang chạy đua tìm kiếm nạn nhân sau vụ động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 7/2/2023. (Ảnh: Burak Kara/Getty Images)
Trận động đất mạnh 7,8 độ richter vào sáng ngày 6/2 đã làm rung chuyển miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và Syria với tâm chấn cách phía đông Nurdagi (tỉnh Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ) 23 km, ở độ sâu 24,1 km, Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) cho biết.
Chỉ vài giờ sau đó, một trận động đất thứ 2 mạnh 7,5 độ richter tiếp tục xảy ra gần thành phố Kahramanmaras, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ. Cơn dư chấn này được ghi nhận trong phạm vi bán kính 95 km quanh tâm chấn. Các nhà khoa học đưa ra nhận định ban đầu rằng có khả năng trận động đất thứ 2 xảy ra do trận động đất đầu tiên.
Video từ hiện trường ở Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy cảnh tượng những tòa nhà đổ sập ngay trước mắt người dân.
My sympathies to the people of Turkey who suffered in the horrible earthquake. It is a devastating tragedy. pic.twitter.com/Dn7ErruNfx
— Anton Gerashchenko (@Gerashchenko_en) February 6, 2023
Trận động đất đã phá hủy hàng nghìn công trình ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria trên một khu vực rộng lớn kéo dài hơn 330 km từ các thành phố Aleppo và Hama của Syria đến Diyarbakir của Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhà chức trách cho biết, chỉ riêng ở Thổ Nhĩ Kỳ có hơn 5.600 tòa nhà đã bị phá hủy. Các bệnh viện bị hư hại và một bệnh viện thậm chí còn bị sập ở thành phố Iskenderun.
Nhân viên cứu hộ đến hiện trường một tòa nhà bị sập vào ngày 06/2/2023 tại Iskenderun, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Burak Kara/Getty Images)
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai các đội cứu hộ, máy bay đến khu vực quanh thành phố Kahramanmaras và kêu gọi trợ giúp từ cộng đồng quốc tế.
Để tưởng niệm các nạn nhân, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố quốc tang 7 ngày.
"Tôi xin gửi những lời cầu chúc tốt lành nhất đến những người dân bị ảnh hưởng bởi trận động đất xảy ra ở Kahramanmaras và có thể cảm nhận được ở nhiều nơi trên khắp đất nước”, ông Erdogan viết trên Twitter.
"Tôi hy vọng chúng ta sẽ sớm vượt qua thảm họa này, với thiệt hại ít nhất có thể", ông nói thêm.
Theo đài BCC, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo con số nạn nhân tử vong vì động đất có thể tăng gấp 8 lần.
Ông Erdogan gọi trận động đất là thảm họa lịch sử và là cơn địa chấn tồi tệ nhất kể từ trận động đất năm 1939 ở Erzincan.
Vào năm 1999, một trận động đất đã khiến 17.000 người thiệt mạng ở vùng tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Trận động đất tồi tệ nhất của quốc gia này là vào năm 1939, khiến 33.000 người thiệt mạng và khoảng 100.000 người bị thương tại tỉnh Erzincan, ở đông bắc nước này, theo đài BBC.
Các lực lượng cứu hộ của cả hai nước vẫn đang nỗ lực tìm kiếm những người sống sót giữa đống đổ nát bất chấp thời tiết lạnh giá và mưa. Tuy nhiên, giới chức cả hai nước lo ngại rằng số người chết trong trận động đất và nhiều dư chấn sau đó sẽ còn gia tăng hơn nữa.
Các nước chung tay giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ
Ông Erdogan cho biết, sau khi ông kêu gọi trợ giúp từ cộng đồng quốc tế, đã có 45 quốc gia đề nghị giúp đỡ đất nước ông.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) António Guterres đã kêu gọi một phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với thảm họa này. Ông nói thêm rằng, LHQ đang đánh giá nhu cầu và huy động nguồn lực để tiến hành công tác viện trợ nhân đạo, đặc biệt là ở những khu vực có địa hình hiểm trở.
Liên minh châu Âu (EU) đã cử 10 đội tìm kiếm và cứu nạn đến Thổ Nhĩ Kỳ, các chuyên gia cứu hộ từ Hà Lan và Romania cũng đang trên đường đến đây.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby xác nhận nước này đã điều 2 đội tìm kiếm cứu hộ, mỗi đội gồm 79 thành viên tới Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) cũng đang tích cực phối hợp với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ.
Vương Quốc Anh cho biết, nước này sẽ cử 76 chuyên gia, trang thiết bị và chó cứu hộ đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đề nghị trợ giúp cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria bằng cách cử các đội cứu hộ tới cả hai nước này.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức, bà Nancy Faeser cho biết, Cơ quan Cứu trợ Kỹ thuật Liên bang Đức có thể cung cấp nơi trú ẩn tạm thời và xử lý nước để giúp những người bị nạn của Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này đang chuẩn bị máy phát điện, lều trại, chăn màn để chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Iraq và Iran dã điều các máy bay chở hàng viện trợ đến Sân bay Quốc tế Damascus của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hãng truyền thông nhà nước Syria SANA hôm 7/2 cho biết, hàng viện trợ của Iran đã đến Syria ngay trong đêm 6/2 và hàng viện trợ của Iraq đã được chuyển đến vào sáng 7/2 theo giờ địa phương.
Mahdi Ghanem, một quan chức tại Bộ Ngoại giao Iraq, nói với SANA rằng mỗi chiếc máy bay chở khoảng 70 tấn thực phẩm, vật tư y tế, chăn màn và các vật dụng cần thiết.
Đại sứ Iran tại Damascus Mehdi Sobhani, nói với tờ SANA rằng, máy bay viện trợ của Iran mang theo 45 tấn hàng viện trợ nhân đạo, bao gồm chăn, lều, thuốc men, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác cho những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Thông tin về thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục được cập nhật.
Huyền Anh tổng hợp
Tổng thống Joe Biden phát biểu về nền kinh tế Mỹ tại Steamfitters Local 602 ở Springfield, Virginia, vào ngày 26/01/2023. (Ảnh: Andrew Caballero-Reynolds/AFP qua Getty Images)
9. Quy định cho phép đầu tư tiền hưu trí 401(k) vào các quỹ ESG của chính quyền Biden vấp phải phản đối rộng rãi
Bảo Nguyên • 22:29, 06/02/23
Quy định mới không chỉ bị 25 tiểu bang kiện, mà cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ đều đang đưa ra các nghị quyết phản đối. Một đảng viên Dân chủ cũng đã chỉ trích mạnh mẽ quy định từ chính quyền Biden.
Quy định mới của Bộ Lao động (DOL) của chính quyền Biden cho phép các nhà quản lý kế hoạch hưu trí 401(k) đầu tư vào các quỹ Môi trường Xã hội Quản trị (ESG) sẽ gây tổn hại cho 2/3 tài khoản hưu trí của Mỹ, theo Tổng chưởng lý bang Kansas Kris Kobach trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng trên chương trình Newsmakers của NTD và The Epoch Times vào ngày 01/02.
Ông Kobach nói rằng sự thay đổi ngày 30/01 đã được thực hiện “nhân danh chương trình đảng phái cánh tả này”.
Ông Kobach nói, “Không nên có chương trình mang tính đảng phái khi nói đến việc đầu tư quỹ của chúng ta. Nó nên được thực hiện hoàn toàn dựa trên lợi nhuận tài chính mà không cần quan tâm đến việc nó giúp ích cho cánh tả hay cánh hữu”.
Kansas là một trong 25 tiểu bang kiện chính quyền Biden về quy định cho phép các nhà quản lý quỹ hưu trí 401(k) đầu tư vào các quỹ ESG bằng cách quy định rằng các nhà quản lý có thể quyết định đầu tư bằng cách xem xét “các lợi ích phi tiền tệ”.
Điều đó có nghĩa là họ có thể đưa ra quyết định đầu tư khi lợi ích không liên quan đến lợi ích tài chính.
Ông Kobach nói: “Điều quy định mới nhất này thực hiện về cơ bản là nó nói rằng bạn có thể xem xét các yếu tố phi tiền tệ này khi quyết định đầu tư quỹ hưu trí vào đâu".
“Và vụ kiện của chúng tôi nói rằng, 'Này, chờ một chút, điều đó vi phạm các điều khoản rõ ràng của [Đạo luật An ninh Thu nhập Hưu trí của Nhân viên] ERISA', vốn là Đạo luật năm 1973 mà Tổng thống [Gerald Ford] đã ký thành luật nhằm bảo vệ tiền tiết kiệm hưu trí của người lao động trong các quỹ này".
“Và chúng tôi đang nói, 'Hãy nhìn xem, bạn, với tư cách là một cơ quan - và chính Bộ Lao động dưới thời ông Biden đang làm việc này - với tư cách là một cơ quan, bạn có thể ban hành các quy định, nhưng các quy định của bạn không được mâu thuẫn với các điều khoản rõ ràng chính xác của luật".
“Mục 404 A của luật nói rất rõ ràng rằng [nhà quản lý quỹ 401(k)] phải hành động vì lợi ích kinh tế của người về hưu, cho người có tài sản đang được đầu tư”.
Ứng cử viên đảng Cộng hòa cho chức Thống đốc Kansas Kris Kobach phát biểu tại một cuộc mít-tinh với Tổng thống Donald Trump tại Kansas Expocenter vào ngày 06/10/2018 ở Topeka, Kansas, Mỹ. (Ảnh: Scott Olson/Getty Images)
Một quy định bất hợp pháp
Theo ông Kobach, quy định ESG mới là bất hợp pháp vì nó không được Quốc hội thông qua.
Ông Kobach nói: “Đó là điều bất hợp pháp… một cơ quan không thể mâu thuẫn với các điều khoản của luật trao cho cơ quan đó quyền hành động".
“Nếu Tổng thống Biden muốn làm điều này, ông ấy nên cố gắng thay đổi luật. Ông ấy nên cố gắng thay đổi các điều khoản của đạo luật ERISA và cho phép các cân nhắc về ESG tham gia vào việc đầu tư của các quỹ này".
“Tôi nghĩ đó sẽ là một ý tưởng kinh khủng vì điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ thu được ít tiền lãi hơn từ tài sản hưu trí của mình. Nhưng ông ấy không thể đơn phương làm điều này. Là một quan chức hành pháp, ông ấy không thể sử dụng quyền ra quy định của cơ quan chính phủ của mình để làm việc này. Ông ấy phải thông qua Quốc hội để làm điều đó".
Quay trở lại tác động của quy định về ESG, ông Kobach nói thêm, “[Quy định] về cơ bản có nghĩa là [các nhà quản lý quỹ] có thể tính đến những thứ khác ngoài giá trị tài chính, lợi nhuận tài chính hoặc lợi ích bằng tiền".
Lợi nhuận tài chính là điều quan trọng
“Vì vậy, nó mở ra cơ hội cho nhà tư vấn đầu tư nghĩ rằng, 'Chà, bạn biết đấy, tôi nghĩ, bạn biết đấy, cứu Trái đất khỏi biến đổi khí hậu là lợi ích lâu dài mà chiến lược đầu tư của tôi nên cân nhắc'.
“Chà, đó không phải là điều họ nên làm. Lẽ ra họ phải xem xét lợi nhuận tài chính và chỉ lợi nhuận tài chính mà thôi”.
Ông Kobach nói thêm về tác động, “Ý nghĩa trên thực tế của nó là các công ty có liên quan gì đến dầu hoặc nhiên liệu hóa thạch, có liên quan gì đến súng, có liên quan gì đến, ngày càng gia tăng, những thứ như nông nghiệp và ngành thịt bò, sẽ bị loại trừ".
“Và điều đó có nghĩa là trong hầu hết mọi trường hợp, lợi tức đầu tư cho các quỹ đó sẽ thấp hơn vì bạn đang loại bỏ bớt các lựa chọn đầu tư”.
Ông Kobach cho biết ông tin rằng vụ kiện của các tiểu bang chống lại Tổng thống Biden sẽ thành công.
Phản đối từ Thượng viện và Hạ viện
Ngoài vụ kiện của các bang thách thức tính hợp pháp của quy định ESG mới của chính quyền Biden, mọi Thượng nghị sĩ Cộng hòa - cộng với đảng viên đảng Dân chủ Joe Manchin (Thượng nghị sĩ bang West Virginia) - đều đã ủng hộ một nghị quyết không tán thành, phản đối chỉ thị của DOL.
Nghị quyết cáo buộc rằng chính quyền Biden đang đặt lương hưu của 152 triệu người Mỹ vào vị thế rủi ro nhằm ủng hộ cho “vấn đề khí hậu và công bằng xã hội”.
“Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng các chính sách đầu tư ESG có tỷ lệ lợi nhuận thấp hơn. Ví dụ, một nghiên cứu của UCLA và NYU đã phát hiện ra rằng trong 5 năm qua, các quỹ ESG hoạt động kém hiệu quả hơn so với thị trường rộng lớn hơn, trung bình 6,3% so với 8,9% tương ứng".
“Ngoài ra, so với các kế hoạch đầu tư khác, các nhà đầu tư ESG thường phải trả chi phí cao hơn cho hiệu suất kém hơn”, một tuyên bố từ Thượng nghị sĩ Mike Braun (Cộng hòa - Indiana) cho biết.
Thượng nghị sĩ Mike Braun (Cộng hòa - Indiana) phát biểu trong phiên điều trần của Ủy ban Đặc biệt về Người cao tuổi của Thượng viện về “Đại dịch COVID-19 và Người cao tuổi: Nhìn vào sự chênh lệch về sức khỏe theo chủng tộc” tại Điện Capitol ở Washington, Mỹ, vào ngày 21/07/2020. (Ảnh: Samuel Corum/ Getty Images)
Dân biểu Andy Barr (Cộng hòa - Kentucky) đang dẫn dắt một nghị quyết tương tự tại Hạ viện. Thông cáo báo chí của ông tuyên bố, “Kế hoạch nghỉ hưu chỉ nên tập trung vào việc mang lại lợi nhuận tối đa, chứ không phải thúc đẩy một chương trình chính trị".
“Nếu Quốc hội không ngăn chặn quy định của Bộ Lao động, thứ bật đèn xanh cho đầu tư ESG đối với các kế hoạch nghỉ hưu, thì những người về hưu sẽ gánh chịu sự suy giảm lợi nhuận từ việc đầu tư số tiền khó kiếm được của họ".
“Đã đến lúc Quốc hội phải hành động và tôi hoan nghênh Thượng nghị sĩ Braun và các đồng nghiệp của chúng tôi đã làm mới cuộc chiến này”.
Thượng nghị sĩ Joe Manchin (Dân chủ - West Virginia), Chủ tịch Ủy ban Tài nguyên và Năng lượng Thượng viện, chủ trì phiên điều trần về công nghệ pin, tại Tòa nhà Văn phòng Thượng viện Dirksen ở Washington, Mỹ, vào ngày 22/09/2022. (Ảnh: Kevin Dietsch/Getty Images )
Thượng nghị sĩ Joe Manchin hôm thứ 5 (02/02) đã đưa ra lời chỉ trích gay gắt đối với quy định mới của DOL, thứ mà ông và các nhà lập pháp đảng Cộng hòa tin rằng khuyến khích việc đầu tư tiền hưu trí không theo tiêu chí truyền thống là tối đa hóa lợi nhuận mà thay vào đó là tuân theo các tiêu chuẩn ESG.
Phát biểu trên một đoạn của “America’s Newsroom” cùng với Thượng nghị sĩ Mike Braun, ông Manchin đã chỉ trích quy tắc của chính quyền Biden, thứ bắt đầu có hiệu lực trong tuần trước. Ông Braun là tác giả của một nghị quyết phản đối quy định mới và nhận được sự ủng hộ của mọi thành viên Cộng hòa của Thượng viện cùng với ông Manchin.
Ông Manchin lập luận rằng lượng khí thải carbon đã giảm đáng kể thông qua việc tuân thủ các tiêu chí ESG và quy định mới của DOL là quá sớm và nguy hiểm đối với sức khỏe kinh tế và khả năng tự tồn tại của quốc gia.
“Tại sao họ không xem xét rủi ro địa chính trị có liên quan? Tại sao bạn không đồng thời đánh giá điều đó? Tại sao bạn không hỏi châu Âu chuyện gì đã xảy ra với họ? Hãy hỏi Đức điều gì đã xảy ra với nền kinh tế của họ. Hãy nhìn những gì Putin đã làm để vũ khí hóa năng lượng”, ông Manchin nói.
“Rủi ro địa chính trị nên được đánh giá giống như bất kỳ điều gì khác bởi vì hậu quả sẽ là, nếu bạn đang cố gắng gây áp lực và loại bỏ [nhiên liệu] hóa thạch trước khi chúng ta có bất cứ thứ gì để thay thế, thì bạn sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế của chúng ta và làm cho đất nước chúng ta yếu đi rất nhiều”.
Ông Manchin tự nhận mình là người đấu tranh cho an ninh năng lượng.
Về phần mình, ông Braun đã trích dẫn một nghiên cứu kéo dài 5 năm cho thấy chênh lệch 2,5% giữa kết quả tài chính thu được khi đầu tư dựa trên các tiêu chuẩn ESG so với các tiêu chí truyền thống hơn [đầu tư ESG mang lại lợi nhuận thấp hơn].
Ông Braun cho biết: “Nó ảnh hưởng đến 152 triệu người Mỹ đang trong chương trình hưu trí 401K, tương đương khoảng 12 nghìn tỷ USD".
“Hãy làm phép tính, 2,5% trên 12 nghìn tỷ đô la, bạn không nên bị làm khó khi cố gắng thúc đẩy bất kỳ chương trình chính trị nào, thứ có tác động đến khoản thu nhập khó khăn mà bạn trao cho người khác với niềm tin rằng bạn sẽ ra quyết định đúng đắn”, ông nói.
“Đối với tôi, điều đó thật đáng xấu hổ và đó là một hành vi vượt quá quyền hạn nặng nề mà bạn nhận được từ chính phủ liên bang”.
Ông Braun nói rằng nghị quyết tìm cách hủy bỏ quy định mới của ông ấy là phương tiện duy nhất dành cho ông ấy và các nhà lập pháp có cùng chí hướng khi đối mặt với hành vi vượt quá quyền hạn như vậy, thứ mà ông ấy gọi là một ví dụ về “một chính phủ trở nên điên cuồng”.
Nước Mỹ chưa sẵn sàng
Ông Manchin mở rộng lập luận của mình rằng nước Mỹ chưa sẵn sàng cho việc loại bỏ ngay lập tức nhiên liệu hóa thạch và việc áp dụng rộng rãi các nguồn năng lượng khác.
“Họ đang cố gắng đẩy nhanh việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Thị trường sẽ cho bạn biết khi nào có thứ gì đó thay thế nhiên liệu hóa thạch và nguồn năng lượng đến từ than đá, khí đốt và dầu, thứ mà chúng ta có thế sản xuất ra sạch hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới”, ông Manchin nói.
“Thị trường sẽ thay đổi khi thị trường sẵn sàng thay đổi và thay thế nó. Chúng ta chưa sẵn sàng và việc chính quyền can thiệp và đẩy nhanh việc đó trước khi chúng ta sẵn sàng chỉ khiến nền kinh tế và cả lợi nhuận đầu tư mà mọi người cần để nghỉ hưu gặp nguy hiểm”.
Bảo Nguyên tổng hợp
Các nhà giao dịch làm việc tại Sàn giao dịch chứng khoán New York vào ngày 27/07/2022. (Ảnh: Timothy A. Clary/AFP qua Getty Images)
10. Bài học đầu tư: Đảm bảo an toàn hay chấp nhận rủi ro?
Bảo Nguyên • 14:47, 07/02/23
Đầu tư tiền vào các quỹ chỉ số là an toàn và cũng rất hiệu quả. Tuy nhiên, nếu muốn lợi nhuận cao hơn, bạn có thể chấp nhận nhiều rủi ro hơn, nhưng đừng kỳ vọng vào việc làm giàu qua đêm.
Vào năm 2022, Chỉ số S&P 500 đem lại kết quả -19,64%. Nếu bạn tính toán đến việc tái đầu tư cổ tức, thì tình hình sẽ bớt tồi tệ hơn một chút, với tỷ lệ lợi nhuận là -18,32%. Không đáng mừng, chắc chắn.
Con số lợi nhuận đó khiến mọi người đặt câu hỏi về cách chúng đang được đầu tư, rằng bạn sẽ cần lãi bao nhiêu trong năm nay (2023) để bù đắp. Nếu bạn nhận được lợi nhuận +19,64% trong năm nay, thì bạn vẫn không hòa vốn. Bạn vẫn bị mất tiền vì bạn đang tính toán lợi nhuận từ một con số cơ sở thấp hơn (cơ sở tính vào năm 2022 thấp hơn so với 2021). Bạn thực sự cần lợi nhuận khoảng 35% để hòa vốn. Vậy tốt nhất là bạn nên quên đi vấn đề của năm ngoái.
Điều đó dẫn đến câu hỏi tiếp theo: bạn nên xác định vị trí của mình như thế nào trên thị trường để thu được lợi nhuận tối đa nhất trong môi trường kinh tế mà chúng ta có ngày nay? Đó là một câu hỏi rất khó trả lời, và đó là lý do tại sao có hàng loạt nhà báo tài chính và kênh truyền hình kinh doanh.
Là một người đã giao dịch bằng tiền của chính mình trên sàn Chicago Mercantile Exchange (một thị trường phát sinh toàn cầu), sau đó bắt đầu một nhóm nhà đầu tư thiên thần rủi ro cùng với việc đầu tư hàng triệu USD tiền của bản thân vào các dự án mạo hiểm, tôi có một quan điểm có thể hơi khác so với những lời khuyên thông thường mà bạn nghe trên truyền hình.
Cơ sở của quỹ chỉ số
Đầu tiên, quỹ chỉ số là có cơ sở (quỹ chỉ số theo dõi hiệu quả hoạt động của một chỉ số chứng khoán tiêu chuẩn (chẳng hạn S&P 500), phản ánh hiệu quả hoạt động chung của thị trường, thay vì chiến lược đầu tư chủ động). Bạn không thể đánh bại thị trường trừ khi bạn có thể tạo ra một số lợi thế cho chính mình. Những người giao dịch chuyên nghiệp ở Phố Wall có lợi thế đặc biệt, và bạn sẽ không đánh bại được những người như ông Ken Griffins. Giáo sư Eugene Fama từ Chicago Booth đã đề xuất giả thuyết thị trường hiệu quả (efficient market hypothesis - giả thiết chỉ ra rằng giá cổ phiếu phản ánh tất cả các thông tin của thị trường, do đó sẽ là vô ích khi muốn giao dịch cổ phiếu với định giá thấp hay cao hơn giá trị thực, giả thiết này ủng hộ quan điểm thị trường nhìn chung là gần như không thể bị đánh bại; cách duy nhất để tạo ra nhiều lợi nhuận là chấp nhận nhiều rủi ro hơn) vào năm 1962, và thế giới tài chính đã cố gắng tìm kiếm sai sót trong giả thiết này kể từ đó. Vấn đề là ông Fama đã đúng và nếu bạn chỉ đặt 1 USD vào một quỹ chỉ số thụ động theo dõi thị trường rộng lớn hơn trong 60 năm qua, bạn sẽ đạt được hiệu quả tốt hơn là cố gắng mua và bán và đánh bại thị trường.
Mặc dù thị trường đã đi xuống vào năm ngoái, nhưng rất hiếm khi thị trường đi xuống trong những năm liên tiếp. Chỉ có 9% khả năng S&P 500 sẽ thấp hơn vào ngày 31/12/2023 so với ngày 31/12/2022. Ngay cả các chính sách kinh tế của Tổng thống Joe Biden cũng không thể phá hoại quy luật đó.
Vậy thì, làm thế nào để bạn biết khi nào nên chấp nhận rủi ro nhiều hơn với tiền của mình? Nếu bạn ổn nếu mất tiền, thì bạn có thể mạo hiểm hơn. Bạn sẽ tiến hành chấp nhận nhiều rủi ro hơn thế nào?
Cần sa và tiền mã hóa
Rất nhiều người nghĩ rằng ma túy được hợp pháp hóa sẽ mang lại cho họ rất nhiều tiền. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy thực tế khác. Cổ phiếu cần sa đã giảm mạnh vào năm 2021 và thậm chí còn giảm nhiều hơn vào năm 2022. Những người duy nhất kiếm tiền từ cần sa là chính quyền tiểu bang với tiền thuế.
Tiền mã hóa là một chủ đề thời thượng. Hầu hết những người mà bạn sẽ trò chuyện sẽ cho bạn biết đó là một trò lừa đảo. Chắc chắn vì chưa có ai xây dựng bất cứ thứ gì đáng chú ý với tiền mã hóa mà được mọi người thường xuyên sử dụng, nên bạn có thể đồng ý với họ. Tôi khuyên bạn nên tránh xa bất kỳ loại tiền mã hóa nào vì ngay cả khi nó có vẻ là một ý tưởng hay thì toàn bộ hệ sinh thái cũng đầy rẫy tin tặc, điều đó khiến mọi giao dịch trở nên khó khăn. Ít nhất, các ứng dụng dành cho tiền mã hóa không thân thiện với người dùng.
Cựu Giám đốc điều hành FTX, ông Sam Bankman-Fried, trong phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính của Hạ viện ở Đồi Quốc hội, Washington, D.C., Mỹ, 08/12/2021. (Ảnh: Alex Wong / Getty Images)
Tuy nhiên, nếu bạn nhìn vào lợi nhuận bằng Bitcoin, chúng thật điên rồ và không thể tin được. Giả sử, nếu bạn đầu tư 1 USD vào năm 2011 bằng Bitcoin, thì bạn có 157.316 USD vào cuối năm 2021. Đó là mức lãi hàng năm là 296,86%, vì vậy bạn có thể hiểu tại sao mọi người lại quan tâm đến việc tham gia vào lĩnh vực này đến vậy. Tôi đang xem xét lợi nhuận gần đây trên Bitcoin Greyscale Trust (GBTC). Nói một cách nhẹ nhàng, kết quả là không tốt và GBTC đang giao dịch với mức chiết khấu 41% so với giá thực tế của Bitcoin.
Tuy nhiên, với GBTC, thay vì mua một Bitcoin thực tế hoặc một phần Bitcoin, họ đầu tư vào một sản phẩm mà họ lầm tưởng là quỹ ETF hay quỹ chỉ số. Nó có vẻ “an toàn” bởi vì nghiên cứu cho thấy các khoản đầu tư vào quỹ chỉ số cho kết quả tốt hơn việc cố gắng đánh bại thị trường. Tuy nhiên, giá trị của tất cả các loại tiền mã hóa đã bị phá hủy vào năm 2022. Bạn nhận được kết quả tồi tệ hơn với sản phẩm của Greyscale Trust so với những gì bạn nhận được khi chỉ nắm giữ Bitcoin. Nhân tiện, tôi đang thanh lý tất cả tiền mã hóa của mình và chuyển đổi nó sang USD.
Lời khuyên khi chấp nhận rủi ro
Một điều cần hiểu rõ là tính thanh khoản. Các khoản đầu tư rủi ro hơn không dễ để thoát ra và bạn thường sẽ bị lỗ nếu làm vậy. Chúng cần thời gian để phát triển. Không có kế hoạch làm giàu qua đêm nào hiệu quả. Những câu chuyện tuyệt vời mà bạn có thể nghe về sự giàu có chỉ sau một đêm trên thị trường chứng khoán không liên quan đến kỹ năng - chúng chỉ liên quan đến may mắn.
Vì vậy, nó đặt ra câu hỏi, làm thế nào để bạn tìm ra cách chấp nhận rủi ro nếu bạn sẵn sàng làm điều đó? Đầu tiên, hãy cố gắng tạo ra một tầm nhìn về thế giới sẽ như thế nào trong 10 năm tới. Những ý tưởng tốt nhất để đầu tư vào nằm ở giao điểm của những ý tưởng thực sự ngu ngốc, vốn sẽ rất tuyệt vời nếu chúng thực sự hoạt động tốt. Thứ hai, làm tất cả bài tập về nhà của bạn. Các chuyên gia gọi đây là "thẩm định". Xem xét tất cả các góc độ, cả thuận lợi và bất lợi, về tính hợp lệ của khoản đầu tư. Thứ ba, hãy hiểu rằng nếu bạn đầu tư vào một tài sản rủi ro, sau đó đầu tư vào tài sản rủi ro thứ hai, không liên quan, thì bạn đang không đa dạng hóa. Bạn chỉ đang chấp nhận nhiều rủi ro hơn. Bước cuối cùng là đảm bảo rằng bạn hiểu các khía cạnh pháp lý của những gì bạn đang đầu tư. Ví dụ, cổ phiếu ưu đãi khác với cổ phiếu phổ thông. Sau đó, bạn viết séc — nhưng thực sự, viết séc là phần dễ nhất.
Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch
Tỷ phú Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk đến trụ sở chính của Twitter ở San Francisco vào ngày 26/10/2022 với một chiếc bồn rửa khi ông hoàn tất việc mua lại công ty truyền thông xã hội trị giá 44 tỷ USD. (Ảnh: Tài khoản Twitter của Elon Musk/AFP qua Getty Images)
11. Elon Musk: Twitter đang trên lộ trình đạt điểm hòa vốn vào năm 2023
Bảo Nguyên • 15:56, 07/02/23
Elon Musk tiếp tục thể hiện cái nhìn lạc quan về tình hình tài chính của Twitter, sau tất cả những thách thức. Twitter đã đưa ra các biện pháp tăng doanh thu nhằm cải thiện khó khăn tài chính, đi kèm với cắt giảm chi phí.
Twitter đang trên lộ trình đạt tới điểm hòa vốn về tài chính trong năm nay, ông Elon Musk cho biết trong một tweet ngày 05/02, giữa lúc công ty đang thực hiện một số biện pháp để thúc đẩy doanh thu vốn đang suy giảm.
Nhận xét này được đưa ra sau một tuyên bố vào tháng 12/2022 của ông Musk rằng ông lạc quan về dòng tiền của công ty trong năm nay.
“3 tháng qua là vô cùng khó khăn, vừa phải cứu Twitter khỏi phá sản, vừa phải hoàn thành các nhiệm vụ thiết yếu của Tesla & SpaceX. Hy vọng không ai phải chịu đựng điều đó", ông Musk viết. “Twitter vẫn còn những thách thức, nhưng hiện đang có xu hướng hòa vốn nếu chúng tôi tiếp tục duy trì. Sự hỗ trợ của công chúng sẽ được đánh giá cao!”
Vào tháng 11/2022, ông Musk cho biết Twitter đang lỗ hơn 4 triệu USD mỗi ngày và đó là một lý do khiến một số lượng lớn nhân viên bị cắt giảm vào tháng 10-11/2022, cùng với việc cắt giảm nhiều đặc quyền của công ty, bao gồm bữa trưa miễn phí, internet tại nhà, dịch vụ chăm sóc ban ngày (dành cho những người bị phụ thuộc vào người lao động), các chương trình chăm sóc sức khỏe, đào tạo và phát triển nhằm kiểm soát chi phí.
Trong một cuộc thảo luận trên Twitter Spaces vào ngày 21/12/2022, ông Musk tiết lộ rằng khi ông mua lại Twitter vào cuối tháng 10 năm 2022 với giá 44 tỷ USD, doanh nghiệp này đang hướng tới việc ghi nhận dòng tiền âm 3 tỷ USD mỗi năm.
Đó là lý do tại sao ông Musk “cắt giảm chi phí như điên”, ông Musk nói. Đối với năm 2023, doanh nhân tỷ phú bày tỏ hy vọng rằng tình hình tài chính của công ty sẽ chuyển biến tốt hơn.
“Với những thay đổi mà chúng tôi đang thực hiện ở đây nhằm giảm trên quy mô lớn tỷ lệ đốt tiền và xây dựng doanh thu từ người đăng ký, giờ đây tôi nghĩ rằng trên thực tế, Twitter sẽ ổn vào năm tới”, ông Musk nói. “Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ gần hòa vốn về dòng tiền. Đó là những gì tôi mong đợi cho năm tới".
Người dân đi ngang qua văn phòng Twitter ở Thành phố New York, Mỹ, vào ngày 12/01/2023. (Ảnh: ANGELA WEISS / AFP qua Getty Images)
Vấn đề doanh thu
Theo dữ liệu từ Standard Media Index, chi tiêu quảng cáo trên Twitter đã giảm 71% vào tháng 12/2022. Trước đó, ông Musk đã đổ lỗi cho “các nhóm hoạt động xã hội” về sự sụt giảm doanh thu.
“Doanh thu của Twitter bị sụt giảm nghiêm trọng do các nhóm hoạt động gây sức ép với các nhà quảng cáo, mặc dù việc kiểm duyệt nội dung không có gì thay đổi và chúng tôi đã làm mọi thứ có thể để xoa dịu các nhà hoạt động. Cực kỳ lộn xộn! Họ đang cố gắng phá hủy quyền tự do ngôn luận ở Mỹ”, ông Musk cho biết trong một tweet ngày 04/11/2022.
Twitter đã giới thiệu một số ưu đãi mới để thu hút các nhà quảng cáo, bao gồm quảng cáo miễn phí, cho phép kiểm soát tốt hơn vị trí quảng cáo và dỡ bỏ lệnh cấm quảng cáo chính trị.
Twitter cũng đã cắt giảm mạnh lực lượng lao động của mình để cắt giảm chi phí. Khi ông Musk tiếp quản, công ty có khoảng 7.500 nhân viên. Trong một tweet ngày 21/01, ông Musk tiết lộ rằng công ty có khoảng 2.300 nhân viên đang làm việc tích cực.
Biện pháp
Để tăng doanh thu, ông Musk đã triển khai dịch vụ đăng ký trả phí có tên là “Twitter Blue” để thêm biểu tượng đánh dấu màu xanh lam vào tài khoản và cung cấp cho người dùng các tính năng bổ sung, chẳng hạn như cho phép họ chỉnh sửa các tweet trong khoảng thời gian 30 phút, sử dụng các biểu tượng ứng dụng tùy chỉnh, đánh dấu các tweet vào các thư mục, v.v.
Tại Mỹ, Twitter Blue có giá 8 USD mỗi tháng cho người dùng Web và 11 USD mỗi tháng cho người dùng Android và iOS.
Twitter cũng cho biết họ sẽ bắt đầu tính phí để truy cập vào Giao diện lập trình ứng dụng (API), được các nhà phát triển sử dụng để tạo ứng dụng của bên thứ ba. Cho đến bây giờ, các nhà phát triển vẫn đang có thể tự do truy cập API.
Việc truy cập miễn phí kết thúc vào ngày 09/02.
“API miễn phí hiện đang bị lạm dụng nghiêm trọng bởi những kẻ lừa đảo và những kẻ thao túng quan điểm bằng bot. Không có quy trình xác minh hoặc chi phí, vì vậy dễ dàng có được 100 nghìn bot để làm những việc xấu. Chỉ cần ~100 USD/tháng để truy cập API với xác minh ID sẽ làm trong sạch mọi thứ hơn rất nhiều”, ông Musk viết trong một tweet ngày 03/02.
Vào tháng 1, Twitter đã bán đấu giá hàng chục thiết bị gia dụng, đồ nội thất, kỷ vật và các đồ vật khác từ trụ sở chính của công ty ở San Francisco.
Theo The Epoch TimesBảo Nguyên biên dịch
12. Các nhà lập pháp muốn điều tra chính quyền Biden về khinh khí cầu Trung Quốc
Xuân Lan •Thứ ba, 07/02/2023
Các nhà lập pháp đang lên kế hoạch điều tra chính quyền Biden về điều mà họ gọi là thất bại trong việc bảo vệ an ninh quốc gia khi một khinh khí cầu do thám Trung Quốc bay qua Hoa Kỳ trong vài ngày trước khi bị bắn hạ hôm thứ Bảy, theo The Hill.
Mặc dù chưa có thông báo chính thức nào về một cuộc điều tra, nhưng các đảng viên Đảng Cộng hòa (GOP) tại Hạ viện đang chỉ trích chính quyền Biden vì đã cho phép thiết bị giám sát của một đối thủ nước ngoài vi phạm không phận Hoa Kỳ và để thiết bị đó ở đó trong nhiều ngày.
Tổng thống Biden được cho là đã quyết định bắn hạ khí cầu vào thứ Tư, nhưng quân đội đã chờ đến khi nó lơ lửng trên đại dương mới bắn. Không rõ tại sao Hoa Kỳ tự tin rằng khí cầu không gây ra mối đe dọa an toàn hoặc an ninh trong những ngày trước đó.
Vụ việc đã làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc và các nhà lập pháp GOP đã nói rằng đó là một dấu hiệu khác cho thấy sự yếu kém của Hoa Kỳ trước các mối đe dọa ngày càng tăng từ Bắc Kinh.
Dân biểu Mike Rogers, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện (HASC), cho biết ông “quan ngại sâu sắc trước quyết định của chính quyền Biden cho phép khinh khí cầu do thám đi qua Hoa Kỳ.”
“Nhà Trắng phải đưa ra câu trả lời về lý do tại sao họ quyết định cho phép khinh khí cầu do thám [của Đảng Cộng sản Trung Quốc] đi qua nước Mỹ và những thiệt hại đối với an ninh quốc gia của chúng ta từ quyết định này,” ông nói trong một tuyên bố hôm thứ Bảy. “Hoa Kỳ phải thể hiện sức mạnh để ngăn chặn Trung Quốc.Thất bại này là một ví dụ khác về sự yếu kém của chính quyền Biden.”
HASC đã lên lịch tổ chức một phiên điều trần vào sáng thứ Ba để nghe các nhân chứng phi chính phủ trình bày về “mối đe dọa cấp bách của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với quốc phòng Hoa Kỳ.”
Dân biểu Cộng hòa Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, cũng bày tỏ lo ngại chính quyền Biden đã không xử lý khinh khí cầu trước khi nó trở thành “mối đe dọa an ninh quốc gia”.
Ông McCaul cho biết trong một tuyên bố: “Tôi sẽ yêu cầu câu trả lời và sẽ quy trách nhiệm cho những nhà quản trị về sự yếu kém đáng xấu hổ này.”
Dân biểu Cộng hòa Joe Wilson, một thành viên của HASC, đã đưa vấn đề đi xa hơn khi kêu gọi ông Biden và Phó Tổng thống Harris từ chức.
Ông Wilson đã tweet: “Khi một cuộc tấn công trong nước xảy ra, Biden và Harris sẽ không thể phản ứng đầy đủ.”
Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) lần đầu tiên phát hiện ra khinh khí cầu ở phía bắc quần đảo Aleutian ở Alaska vào ngày 28/1. Quân đội Hoa Kỳ đã không bắn hạ nó sau đó, vì “chưa đến lúc”, chỉ huy NORAD, Tướng Glen VanHerck nói với các phóng viên hôm thứ Hai.
Lầu Năm Góc đã thông báo cho các phóng viên về khí cầu 5 ngày sau đó, vào ngày 2/2, sau khi có báo cáo về việc nhìn thấy khinh khí cầu ở Montana, nơi có một trong ba bãi tên lửa hạt nhân của quốc gia, làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc có thể đã thu thập thông tin có khả năng gây tổn hại đến an ninh quốc gia.
Trong khi các đảng viên Đảng Dân chủ phần lớn bảo vệ phản ứng của Lầu Năm Góc, thì Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Jon Tester của Montana cho biết ông đang “yêu cầu câu trả lời” từ chính quyền Biden và tuyên bố sẽ tổ chức một phiên điều trần với tư cách là chủ tịch Tiểu ban Phân bổ Ngân sách Quốc phòng.
Ông Tester cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu: “Tôi sẽ đề nghị mọi người đến trước ủy ban của mình để có câu trả lời thực sự về việc điều này đã xảy ra như thế nào và cách chúng ta có thể ngăn chặn điều đó xảy ra lần nữa.”
Một số thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa cũng đã kêu gọi điều tra, bao gồm Thượng nghị sĩ Kevin Cramer, thành viên của Ủy ban Quân vụ Thượng viện.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio, phó chủ tịch Ủy ban Tình báo, hôm Chủ nhật đã gọi phản ứng của chính quyền Biden là “sự lơ là nhiệm vụ” vì sự chậm trễ của ông trong việc thừa nhận khinh khí cầu do thám trong một cuộc phỏng vấn với Jake Tapper trên “State of the Union” của CNN.
Lầu Năm Góc đã theo dõi khinh khí cầu, được cho là nặng khoảng 90kg và có kích thước bằng ba chiếc xe buýt đưa đón học sinh, khi nó trôi lơ lửng về phía Đại Tây Dương. Sau đó, khí cầu này đã bị một máy bay chiến đấu bắn hạ hôm thứ Bảy ngoài khơi bờ biển Nam Carolina. Các hoạt động phục hồi để trục vớt các thiết bị gắn với khinh khí cầu đang được tiến hành.
Trung Quốc gọi khinh khí cầu là khí cầu nghiên cứu thời tiết dân sự và bày tỏ sự tức giận về việc Hoa Kỳ bắn hạ nó.
Nhưng Lầu Năm Góc tự tin rằng đó là một thiết bị giám sát, lưu ý rằng họ đã nhìn thấy những khí cầu do thám trước đây, kể cả ở Thái Bình Dương gần Hawaii và ở các quốc gia khác. Một khinh khí cầu gián điệp thứ hai đã được nhìn thấy ở Mỹ Latinh.
Xuân Lan (theo The Hill)
13. Hàn Quốc phát hiện khinh khí cầu nghi ngờ của Triều Tiên
Nhật Minh •Thứ ba, 07/02/2023
Ngày 6/2, Quân đội Hàn Quốc cho biết họ đã theo dõi một khinh khí cầu của Triều Tiên trên lãnh thổ của mình, nhưng xác định rằng nó không gây ra mối đe dọa nào.
Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nêu rõ, khinh khí cầu đã đi vào không phận Hàn Quốc trong một thời gian ngắn hôm 5/2. Để đáp trả, Hàn Quốc đã triển khai “các biện pháp” ngăn chặn nhưng không nêu cụ thể chi tiết.
Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời một quan chức giấu tên cho hay, chiếc máy bay đã rời không phận Hàn Quốc vài giờ sau đó. Giới chức nhìn nhận đó là một khí cầu phục vụ cho mục đích dự báo thời tiết chứ không dùng cho hoạt động gián điệp. Quả khí cầu dài khoảng 2m.
Quả khinh khí cầu này lần đầu được phát hiện bởi binh lính phụ trách thiết bị giám sát nhiệt (TOD) của quân đội Hàn Quốc. Khinh khí cầu bay ở độ cao thấp đến mức quân đội có thể quan sát bằng thiết bị giám sát nhiệt, rồi tiến vào không phận của Hàn Quốc. Vụ việc này sau đó đã được báo cáo ngay lên Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc.
Báo cáo được đưa ra sau khi Hoa Kỳ bắn hạ một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc – sự việc làm căng thẳng thêm quan hệ với Bắc Kinh. Phía Trung Quốc khẳng định, khí cầu này là thiết bị nghiên cứu khí tượng và bị đi lạc vào không phận Mỹ do điều kiện thời tiết. Tuy vậy, giới chức Mỹ nhìn nhận rằng khí cầu này là thiết bị do thám.
Căng thẳng đã gia tăng giữa hai miền Triều Tiên, với việc Bình Nhưỡng tiến hành hàng loạt vụ thử tên lửa kỷ lục vào năm ngoái, trong khi Seoul tham gia nhiều cuộc tập trận quân sự chung cùng các đồng minh của Hoa Kỳ.
Đáng chú ý, 5 máy bay không người lái của Triều Tiên đã bay vào lãnh thổ Hàn Quốc vào ngày 26/12 năm ngoái, trong đó có một chiếc đã đi vào vùng cấm bay xung quanh văn phòng Tổng thống Hàn Quốc trong thời gian ngắn, khiến quân đội Hàn Quốc phải điều động máy bay chiến đấu và trực thăng.
Thời điểm đó, Quân đội Hàn Quốc bị chỉ trích gay gắt vì không hạ được máy bay không người lái bay qua miền Nam trong nhiều giờ đồng hồ.
Nhật Minh (Theo Reuters)
14. Triều Tiên kêu gọi củng cố tư thế sẵn sàng chiến tranh, mở rộng tập trận
Minh Ngọc •Thứ ba, 07/02/2023
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cam kết mở rộng các cuộc tập trận quân sự và tăng cường tư thế sẵn sàng chiến tranh của đất nước, truyền thông nhà nước đưa tin hôm 7/2, khi Bình Nhưỡng chuẩn bị kỷ niệm 75 năm thành lập quân đội.
Ông Kim đã chủ trì cuộc họp của ủy ban quân sự trung ương của Đảng Lao động cầm quyền hôm 6/2. Tại đây, các quan chức thảo luận về “nhiệm vụ chính trị và quân sự lớn” trong năm nay và “các vấn đề dài hạn liên quan đến định hướng xây dựng quân đội”, hãng thông tấn KCNA cho hay.
Theo KCNA, cuộc họp “đã nghiên cứu và thảo luận về vấn đề liên tục mở rộng và tăng cường hoạt động cũng như diễn tập chiến đấu của quân đội nhân dân Triều Tiên để đối phó với tình hình hiện tại, đồng thời hoàn thiện nghiêm ngặt hơn khả năng chuẩn bị cho chiến tranh.”
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh có thông tin cho rằng Triều Tiên đang chuẩn bị cho một cuộc duyệt binh kỷ niệm 75 năm ngày thành lập lực lượng vũ trang của nước này vào ngày 8/2.
Từ các hình ảnh vệ tinh thương mại cho thấy, quân đội Triều Tiên đang luyện tập theo đội hình ở Bình Nhưỡng. Phía Hàn Quốc cũng cho biết, họ đang giám sát các hoạt động liên quan.
Đáng lưu ý, cuộc họp quân sự cũng diễn ra sau khi Triều Tiên lên án các cuộc tập trận của Hoa Kỳ và các đồng minh, cho rằng họ đã đạt đến một “lằn ranh đỏ cực đoan” và đe dọa biến bán đảo Triều Tiên thành một “kho vũ khí chiến tranh khổng lồ và trở thành một khu vực chiến sự quan trọng hơn”.
Trong tuyên bố hôm 2/2, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã chỉ trích chuyến thăm Hàn Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin, đồng thời nhấn mạnh rằng Bình Nhưỡng không quan tâm đến đối thoại chừng nào Washington còn theo đuổi các chính sách thù địch.
Ngày 31/1, ông Austin và người đồng cấp Hàn Quốc khẳng định sẽ mở rộng các cuộc tập trận quân sự và triển khai thêm “tài sản chiến lược”, chẳng hạn như tàu sân bay và máy bay ném bom tầm xa, để chống lại sự phát triển vũ khí của Triều Tiên và ngăn chặn chiến tranh.
Khi được hỏi về những căng thẳng với Triều Tiên trong thời gian dừng chân ở Philippines, ông Austin cho hay, mục tiêu của Mỹ là thúc đẩy an ninh và ổn định cao hơn, đồng thời cam kết bảo vệ Hàn Quốc.
Minh Ngọc (Theo Reuters)
15. Thăm dò: Hầu hết đảng viên Dân chủ không còn ủng hộ TT Joe Biden tái tranh cử 2024
Thiên Đức •Thứ ba, 07/02/2023
Một thăm dò mới nhất của AP cho thấy chỉ có 37% đảng viên Đảng Dân chủ muốn Tổng thống Joe Biden tiếp tục tại vị thêm một nhiệm kỳ nữa, bất chấp việc ông vẫn kiên trì kế hoạch tái tranh cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2024.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hồi tháng 2/2021
Chỉ còn 37% ủng hộ, giảm mạnh so với con số thăm dò vào những tuần trước đợt bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm ngoái, khi đó ông Biden có 52% đảng viên Đảng Dân chủ ủng hộ việc ông tái tranh cử tổng thống 2024.
Thăm dò cho thấy phần đông dân chúng không quan tâm lắm đến những thành tích mà ông Biden đang tự ca ngợi. Họ quan tâm nhiều hơn đến số tuổi 80 của ông, khi họ nhắc đến những vấp váp như tiếng ho, dáng đi, v.v. mà ông mắc phải. Hiện đang là tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, ông Biden sẽ đạt đến tận 86 tuổi nếu làm tổng thống thêm 1 nhiệm kỳ 4 năm nữa.
“Thành thật mà nói, tôi nghĩ rằng ông ấy già quá rồi,” theo Sarah Overman, 37 tuổi, đảng viên Đảng Dân chủ làm việc trong lĩnh vực giáo dục ở Raleigh, tiểu bang Bắc Carolina. “Chúng ta có thể tìm một người trẻ hơn nắm quyền.”
Dường như chỉ còn những đảng viên lớn tuổi là còn tin tưởng ở ông. 23% trong số các đảng viên ở độ tuổi 18–44 ủng hộ ông tái tranh cử giảm so với 45% trong lần thăm dò năm ngoái. 49% đảng viên ở độ tuổi trên 44 ủng hộ ông, giảm từ 58% của năm ngoái.
41% là tán thành cách ông Biden xử lý công việc với tư cách là tổng thống hiện nay.
Tuy nhiên, chỉ 13% tin tưởng nhiều vào khả năng của Biden trong việc hoàn thành các mục tiêu chính sách lớn.
Cuộc thăm dò cũng cho thấy chỉ 23% người Mỹ trưởng thành nói rằng họ “rất tin tưởng” vào việc Biden sẽ quản lý Nhà Trắng một cách hiệu quả. Con số đó đã giảm xuống từ 28% một năm trước và vẫn thấp hơn đáng kể so với 44% hai năm trước, ngay khi ông Biden vừa nhậm chức.
Bài viết này là về cuộc thăm dò ý kiến The Associated Press — NORC Center for Public Affairs Research với 1.068 người trưởng thành đại biểu cho dân chúng Hoa Kỳ, từ ngày 26 đến ngày 30/1/2023. Sai số lấy mẫu đối với tất cả người trả lời là ±4,2 điểm phần trăm.
Thiên Đức
16. Những trận động đất kinh hoàng nhất thế giới kể từ năm 2000
Gia Huy •Thứ ba, 07/02/2023
Ngày 6/2, một trận động đất mạnh 7,8 độ richter đã làm rung chuyển Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, khiến hàng nghìn người tử vong.
Hàng nghìn người đã thiệt mạng trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria (Ảnh minh họa: Getty Images)
Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ đánh giá trận động đất tại miền trung Thổ Nhĩ Kỳ và tây bắc Syria sáng 6/2 là địa chấn lớn nhất trên thế giới kể từ sau trận động đất được phát hiện tại Nam Đại Tây Dương vào tháng 8/2021.
Thế giới cũng từng chứng kiến nhiều trận động đất kinh hoàng, gây ra những thiệt hại to lớn. Dưới đây là một số trận động đất mạnh hơn 6 độ richters kể từ năm 2000.
Ngày 26/1/2001: Trận động đất mạnh 7,7 độ richter tấn công bang Gujarat của Ấn Độ, giết chết 20.000 người.
Ngày 25/3/2002: Khoảng 1.000 thiệt mạng trong trận động đất mạnh 6,1 độ richter ở miền bắc Afghanistan.
Ngày 21/4/2003: Hơn 2.200 người tử vong trong trận động đất mạnh 6,8 độ richter ở Algeria.
Ngày 26/12/2003: Một trận động đất mạnh 6,6 độ richter tấn công miền đông nam Iran, khiến 50.000 người thiệt mạng.
Ngày 26/12/2004: Trận động đất mạnh 9,1 độ richter ở Indonesia gây ra sóng thần trên khắp Ấn Độ Dương, làm thiệt mạng 230.000 người ở hàng chục quốc gia.
Ngày 28/3/2005: Trận động đất mạnh 8,6 độ richter ở phía bắc đảo Sumatra của Indonesia đã giết chết khoảng 1.300 người.
Ngày 8/10/2005: Trận động đất mạnh 7,6 độ richter giết chết hơn 80.000 người ở vùng Kashmir do Pakistan quản lý.
Ngày 26/5/2006: Hơn 5.700 người thiệt mạng khi trận động mạnh 6,3 độ richter tấn công đảo Java của Indonesia.
Ngày 15,/8/2007: Trận động đất mạnh 8 độ richter gần bờ biển miền trung Peru làm hơn 500 người tử vong.
Ngày 12/5/2008: Trận động đất mạnh 7,9 độ richter tấn công tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc, khiến hơn 87.500 người thiệt mạng.
Ngày 6/4/2009: Trận động đất mạnh 6,3 độ richter giết chết hơn 300 người ở trong và xung quanh thành phố L’Aquila của Ý.
Ngày 30/9/2009: Hơn 1.100 người tử vong khi trận động đất mạnh 7,5 độ richter xảy ra ở phía nam đảo Sumatra của Indonesia.
Ngày 12/1/2010: tại Haiti, theo ước tính của chính phủ, 316.000 người đã thiệt mạng trong trận động đất mạnh 7 độ richter.
Ngày 27/2/2010: Trận động đất mạnh 8,8 độ richter đã làm rung chuyển Chile, tạo ra sóng thần và giết chết 524 người.
Ngày 11/3/2011: Trận động đất mạnh 9 độ richter ở ngoài khơi bờ biển phía đông bắc Nhật Bản đã gây ra sóng thần, giết chết hơn 20.000 người.
Ngày 24/9/2013: Trận động đất mạnh 7,7 độ richter xảy ra ở vùng tây nam Pakistan đã làm thiệt mạng hơn 800 người.
Ngày 3/8/2014: Trận động đất mạnh 6,2 độ richter xảy ra gần vùng Ôn Bình (Wenping) ở tỉnh Vân Nam của Trung Quốc khiến hơn 700 tử vong.
Ngày 25/4/2015: Tại Nepal, hơn 8.800 người thiệt mạng trong trận động đất mạnh 7,8 độ richter.
Ngày 24/8/2016: Trận động đất mạnh 6,2 độ richter ở miền trung Italy đã làm hơn 300 người tử vong.
Ngày 28/9/2018: Trận động đất mạnh 7,5 độ richter tấn công Indonesia, khiến hơn 4.300 người thiệt mạng.
Ngày 14/8/2021: Tại Haiti, trận động đất mạnh 7,2 độ richter đã giết chết hơn 2.200 người.
Ngày 22/6/2022: Tại Afghanistan, hơn 1.100 người tử vong trong trận động đất mạnh 6,1 độ richter.
Gia Huy (Theo Al Jazeera)
17. Tỷ phú Elon Musk: Tôi đã cứu Twitter khỏi phá sản
Phan Anh •Thứ ba, 07/02/2023
Hôm 5/2 vừa qua, tỷ phú Elon Musk tiết lộ rằng Twitter vừa trải qua vài tháng “cực kỳ khó khăn” nhưng hiện tại đã được cải thiện. Ông cho hay rằng mình vừa “cứu Twitter khỏi phá sản” vừa hoàn thành vai trò điều hành tại các tập đoàn khác, theo hãng tin Bloomberg.
(Ảnh minh họa: Sergei Elagin/Shutterstock)
Ông Elon Musk đồng thời là CEO của nhiều tập đoàn như Tesla và SpaceX. “Twitter vẫn còn những thách thức nhưng hiện tại công ty đang có xu hướng hòa vốn nếu chúng ta tiếp tục duy trì nỗ lực”, ông chia sẻ.
Thâu tóm Twitter với giá 44 tỷ USD vào cuối năm ngoái là một thương vụ khó khăn đối với tỷ phú Elon Musk. Theo tờ Platformer, doanh thu hàng ngày của Twitter đã giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Hàng trăm đối tác quảng cáo lớn của Twitter tạm dừng hoặc hủy hợp đồng. Standard Media Index ước tính mức giảm doanh thu quảng cáo của Twitter lên tới 70% trong tháng 12/2022 so với cùng kỳ năm ngoái.
Một số thay đổi mà ông đã thực hiện trên Twitter, chẳng hạn như khôi phục tài khoản của những nhân vật gây tranh cãi, dẫn đến việc các thương hiệu rời khỏi nền tảng này. Tháng 11/2022, ông Musk thừa nhận công ty giảm doanh thu lớn khi các nhà quảng cáo tạm dừng chi tiêu.
Vào cuối năm 2022, trong chương trình All-In Podcast Musk tuyên bố rằng Twitter không còn đang trên đà phá sản nữa, nhưng công ty này vẫn chưa an toàn.
Twitter đã bị kiện vì không trả tiền cho nhiều đối tác, nhà cung cấp và nhân viên cũ kể từ khi Elon Musk tiếp quản. Trong đó, dịch vụ máy bay phản lực tư nhân có trụ sở tại Florida kiện Twitter vì không trả 197.725 USD cho dịch vụ vận chuyển, chủ sở hữu văn phòng trụ sở chính của Twitter ở San Francisco cũng kiện công ty vì không trả khoảng 6,8 triệu USD tiền thuê nhà vào tháng 12 và tháng 1.
Dưới sự quản lý của ông Musk, Twitter đã cắt giảm nhân viên thông qua việc sa thải hàng loạt, các đợt chấm dứt hợp đồng khác. Những thay đổi nội bộ buộc nhiều người phải từ chức, bao gồm cả việc chấm dứt chính sách làm việc tại nhà vĩnh viễn được áp dụng dưới thời cựu CEO Jack Dorsey.
Bên cạnh việc cắt giảm chi phí, công ty đã cố gắng tạo ra các doanh thu từ các lĩnh vực kinh doanh hiện có hoặc dòng tiền mới. Twitter bán đấu giá mọi thứ từ đồ dùng nhà bếp đến thiết bị văn phòng vào tháng 1 năm nay.
Phan Anh
Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store (Giữa) được nhìn thấy trong một chuyến thăm công xưởng vũ khí Phòng thủ & Hàng không vũ trụ Kongsberg ở Kongsberg, Na Uy hôm 30/01/2023. (Ảnh: Petter Berntsen/AFP qua Getty Images)
18. Na Uy đặt mục tiêu hỗ trợ hơn 7 tỷ USD trong gói hỗ trợ tài chính mới cho Ukraine
Lorenz DuchampsThứ ba, 07/02/2023
Na Uy đang đề nghị cung cấp 75 tỷ Krone (khoảng 7.3 tỷ USD) như một phần của gói viện trợ 5 năm cho Ukraine. Hành động này sẽ giúp đưa quốc gia giàu dầu mỏ này trở thành một trong những nhà tài trợ hàng đầu thế giới cho Ukraine.
Trong cuộc họp báo hôm 06/02, Thủ tướng Jonas Gahr Store cho biết gói đề xướng này sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại quốc hội, nơi ông hy vọng đa số quốc hội sẽ thông qua đề nghị này trong vòng vài tuần.
Ông Store nói rằng số tiền này sẽ được chia đều cho hỗ trợ quân sự và nhân đạo trong vòng 5 năm, được chia ra nhỏ ra thành 15 tỷ Krone (1.5 tỷ USD)/năm.
“Việc cam kết một gói viện trợ nhiều năm cho phép chúng tôi đưa ra khả năng dự đoán cho chính phủ Ukraine cũng như các nhà tài trợ và đối tác của họ. Và ít nhất là gửi thông điệp tới người dân Ukraine rằng chúng tôi sẵn sàng sát cánh bên họ, cho đến chừng nào còn cần thiết,” ông Store cho biết trong khi diễn thuyết tại Hội nghị An ninh Leangkollen, một hội nghị kéo dài hai ngày được tổ chức tại Asker, Na Uy, mỗi năm trong nửa đầu tháng Hai.
Trong một tuyên bố trên Twitter, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ sự biết ơn đối với gói viện trợ “chưa từng có” của Oslo.
“Đây là một đóng góp đáng kể cho chiến thắng trong tương lai của chúng tôi trước kẻ xâm lược [và] phục hồi thành công sau chiến tranh,” ông Zelensky viết.
Ngoài ra, ông Store còn đề xướng một kế hoạch tăng viện trợ cho các nước nghèo bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc chiến ở Ukraine do giá lương thực và hàng hóa tăng cao.
“Tất cả chúng ta đều đang cảm thấy những tác động của cuộc chiến này. Nếu thế giới sản xuất 10 mẩu bánh mì, thì 3 trong số đó sẽ đến từ các khu vực Ukraine và Nga,” ông Store cho biết, nhấn mạnh rằng tình trạng mất an ninh lương thực đã gia tăng trên toàn cầu trong bối cảnh lạm phát tăng vọt.
Chính phủ này đang có kế hoạch quyên góp thêm 5 tỷ Krone (khoảng 490 triệu USD) viện trợ hàng năm cho các nước nghèo bị ảnh hưởng bởi giá cả tăng vọt kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Na Uy, một nhà xuất cảng năng lượng lớn tự cung tự cấp hoàn toàn về dầu mỏ và khí đốt, đã trở thành nhà cung cấp lớn nhất của Âu Châu sau khi dòng khí đốt của Nga giảm xuống do xung đột ở Ukraine. Năm ngoái, nước này đã viện trợ quân sự và dân sự cho Kyiv hơn 10 tỷ Krone (khoảng 1 tỷ USD).
Hoa Kỳ thông qua gói viện trợ cho Ukraine
Tuần trước, chính phủ Tổng thống (TT) Biden thông báo rằng họ đã thông qua một gói viện trợ quân sự trị giá 2.1 tỷ USD khác để củng cố kho vũ khí phòng không của Ukraine.
Gói này bao gồm 425 triệu USD vũ khí và thiết bị lấy từ các kho dự trữ hiện có của Hoa Kỳ, cũng như 1.75 tỷ USD trong quỹ Sáng kiến Viện trợ An ninh cho Ukraine (UASI), mà Ukraine có thể sử dụng để mua các loại vũ khí mới — đặc biệt là những vũ khí liên quan đến phòng không — từ các nhà sản xuất ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.
Với quỹ UASI trị giá 1.75 tỷ USD này, Ukraine sẽ có thể đặt hàng một loạt khí giới phòng không, bao gồm cả hai tổ hợp hỏa lực phòng không HAWK, bốn radar giám sát đường không, những hệ thống tác chiến chống thiết bị bay không người lái, súng, và đạn phòng không. Ukraine cũng có thể mua các thiết bị cần thiết để tích hợp các bệ phóng, hỏa tiễn, và radar phòng không của phương Tây vào các hệ thống phòng không hiện có của họ.
“Tổng cộng, Hoa Kỳ hiện đã cam kết hỗ trợ an ninh trị giá 30 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi bắt đầu Chính phủ TT Biden,” Ngũ Giác Đài cho biết, lưu ý rằng Hoa Kỳ đã gửi hơn 32 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ cuộc khủng hoảng Crimea năm 2014 và hơn 29.3 tỷ USD kể từ tháng Hai năm ngoái, khi Nga tiến hành cái mà họ gọi là một “chiến dịch quân sự đặc biệt” chống lại Ukraine.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét