Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2023

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT : 06/02/2023 - ĐHL


Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria : Ít nhất 1.500 người chết
Lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm các nạn nhân tại một khu nhà bị sụp đổ do động đất ở Adana, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 06/02/2023. AP Trọng Thành Sáng sớm hôm nay, 06/02/2023, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và Syria bị động đất lớn với 7,8 độ richter. Theo số liệu sơ bộ, tổng cộng ít nhất 1.500 người chết, hàng nghìn người bị thương tại hai nước. Tâm chấn động đất nằm ở huyện Pazarcik, tỉnh đông nam Kahramanmaras, cách biên giới Syria 60 cây số đường chim bay. AFP dẫn thông tin từ cơ quan cứu nạn Thổ Nhĩ Kỳ (Afad), cho hay hơn 2.800 ngôi nhà sụp đổ do động đất.
<!>
 Số người chết và bị thương dự kiến sẽ còn tăng lên nhiều căn cứ trên số lượng nhà đổ tại các thành phố bị động đất, đặc biệt là ở Adana, Gaziantep, Sanliurfa, Diayarbakir.

Thành phố Adana, tỉnh Kahramanmaras, là một trong những nơi bị tổn thất nặng nề nhất. Trên kênh TRT, thị trưởng thành phố, ông Zeydan Karalar, cho biết có hai chung cư 17 tầng sụp đổ. Tại tỉnh láng giềng Gaziantep, giáp giới với Syria, 581 nhà đổ do động đất, khiến ít nhất 80 người chết, 600 người bị thương. Ở bên kia biên giới, chính quyền Syria thông báo 371 người chết do động đất tại các vùng lãnh thổ chính quyền kiểm soát. Một phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc cho biết 255 người chết tại các khu vực của phe nổi dậy.

Trả lời RFI, ông Ahmed, một cư dân thành phố Diayarbakir, Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết cụ thể về vụ động đất sáng nay:

‘‘Buổi sáng hôm nay, vào lúc 4 giờ 17 phút, giờ địa phương, một trận động đất khá mạnh đã khiến tôi bừng tỉnh. Cho dù tôi đã khá quen với động đất, nhưng lần này động đất thực sự là mạnh. Tất cả rung lên bần bật cho dù ngôi nhà tôi ở là nhà mới, được xây dựng theo các tiêu chuẩn chống chịu động đất. Tôi đã không thể đứng vững. Tôi đã phải bám vào tường hành lang để tìm đến một nơi ẩn náu. Các bức tường bắt đầu kêu răng rắc, những mảng vữa trong nhà tắm bắt đầu rơi xuống. Tôi nghe thấy tiếng kêu của những người cứu nạn, tiếng nhà sụp đổ…. Tổn thất là rất lớn. Trong hiện tại, chúng ta mới chỉ có thông tin về thiệt hại tại các thành phố, chưa có thông tin về các vùng nông thôn, nơi nhà cửa được xây dựng theo kiểu cũ, chứ không phải theo các tiêu chuẩn phòng chống động đất.’’

Trận động đất hôm nay là nghiêm trọng nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ kể từ trận ngày 17/08/1999, khiến 17.000 người chết. Liên Âu thông báo đã gửi các ê kíp cứu nạn đến Thổ Nhĩ Kỳ, theo ủy viên xử lý khủng hoảng Liên Âu Janez Lenarcic. Theo AFP, Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu, như Pháp, Đức, Ý, Bỉ, Ba Lan, Tây Ban Nha, Phần Lan sẵn sàng hỗ trợ khẩn cấp. Pháp, Anh, Hà Lan, Rumani đã cử riêng các đội cứu nạn. Theo cơ quan truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, nước láng giềng Azerbaidjacũng đã điều động 370 nhân viên cứu nạn.

Chiến tranh Ukraina : Giao tranh ác liệt tại Bakhmout tiếp diễn

Ảnh tự liệu: Pháo binh Ukraina nã pháo vào quân Nga gần Bakhmout, Ukraina, ngày 16/12/2022. AP - Libkos
Thùy Dương
Cho đến Chủ Nhật 05/02/2023, giao tranh vẫn diễn ra ác liệt tại thành phố Bakhmout, một điểm nóng chiến sự tại miền đông Ukraina. Quân đội Nga, với sự trợ giúp của lực lượng lính đánh thuê Wagner, đã giành được một số thắng lợi nhỏ trong những tuần qua, nhưng vẫn chưa chiếm được thành phố Bakhmout.

Tối thứ Bảy, 04/02, tổng thống Ukraina Zelensky thừa nhận « tình hình rất khó khăn ở Bakhmout », cũng như tại Vuhledar, Lyman và nhiều vùng khác.

Báo Le Monde ngày 05/02 trích dẫn bộ Quốc Phòng Anh, theo đó Bakhmout « ngày càng bị cô lập » bởi rất có thể lực lượng lính đánh thuê Wagner của Nga đã chiếm được một tuyến đường nối Bakhmout với thành phố Siversk, trong khi đó hai trục lộ chính M03 và H32 cho phép quân Ukraina tiến vào thành phố lại có nhiều nguy cơ bị pháo kích vì quân Nga đã đạt được một số bước tiến để thực hiện ý đồ bao vây Bakhmout.

Được AFP hỏi về khả năng rút quân Ukraina khỏi điểm nóng Bakhmout, ông Reznikov, bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina, người vẫn đang tại chức cho dù đã có thông báo thuyên chuyển công tác, khẳng định Bakhmout vẫn là « một pháo đài, một biểu tượng » của cuộc chiến chống quân Nga xâm lược, nhưng quyết định cuối cùng vẫn thuộc về tổng tư lệnh quân đội Ukraina.

Về phía Nga, Evguéni Prigojine, ông chủ công ty lính đánh thuê của Nga, hôm qua cho biết, « các trận đánh diễn ra không ngớt » tại các khu phố phía bắc của Bakhmout để giành giật « từng con phố, từng ngôi nhà và cầu thang ». Và «các lực lượng vũ trang Ukraina không rút lui. Họ đang chiến đấu đến người cuối cùng ».

Nhìn đến Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraina, ở miền đông bắc, theo chỉ huy quân sự vùng, ông Oleg Sinegoubov, hôm qua có 5 người bị thương trong các vụ oanh kích của quân Nga vào trung tâm thành phố. Ông cũng cho biết thêm là quân Nga đã di dời các trung tâm chỉ huy và kho đạn dược đi nơi khác, khiến các đợt pháo kích của Ukraina khó trúng mục tiêu hơn.

Vụ khinh khí cầu : Trung Quốc lên án Mỹ làm « tổn hại nghiêm trọng » quan hệ song phương


Báo chí Trung Quốc chạy hàng tựa lớn về việc phản đối vụ Mỹ bắn hạ khinh khí cầu, tại một quầy báo, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 06/02/2023 AP - Andy Wong
Minh Anh
Vào lúc hải quân Hoa Kỳ vẫn đang ra sức tìm kiếm và thu nhặt các mảnh vỡ của khinh khí cầu Trung Quốc, bị chiến đấu cơ Mỹ bắn hạ ngoài khơi bờ biển Nam Carolina, chính quyền Bắc Kinh hôm nay, 06/02/2023, vẫn có phản ứng mạnh mẽ, khi cho rằng quyết định bắn hạ của Washington đã làm « ảnh hưởng và tổn hại nghiêm trọng » mối quan hệ giữa hai nước.

Trong một thông cáo, thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Tạ Phong (Xie Feng), tuyên bố rằng hành động của Mỹ đã « gây ảnh hưởng và tác hại nghiêm trọng đến các nỗ lực và tiến bộ của hai nước để bình ổn quan hệ Trung – Mỹ kể từ cuộc gặp thượng đỉnh ở Bali » giữa hai nguyên thủ Mỹ Joe Biden và Trung Quốc Tập Cận Bình.

Bắc Kinh tái khẳng định đây là khinh khí cầu dân sự, đồng thời cáo buộc Washingto đã có cách hành xử « quá mức » khi sử dụng vũ lực. Chính quyền Bắc Kinh « theo dõi sát tiến triển tình hình » và « bảo lưu quyền đưa ra các biện pháp đáp trả cần thiết ».

Từ Bắc Kinh, thông tín viên đài RFI Stephane Lagarde, cho biết thêm phản ứng của người dân và truyền thông Nhà nước về vụ việc này :

« Đây là phản ứng chính thức lần thứ năm của Trung Quốc từ hôm thứ Sáu 03/02. Có thể nói rằng sự cố khinh khí cầu này còn lâu mới làm cho phía Trung Quốc nguôi giận. Vụ việc lúc đầu rất ít được đưa tin trên các phương tiện truyền thông Nhà nước, nhưng giờ đây xuất hiện trên mọi trang mạng thông tin, với nhiều bình luận trên mạng.

Trên trang mạng xã hội Vi Bác (Weibo), quả khinh khí cầu trắng bí ẩn bị phát hiện trên bầu trời nước Mỹ trước khi bị bắn hạ, được gọi là quả bóng bay phiêu bạt, hàm ý đến bộ phim khoa học viễn tưởng Trái đất phiêu bạt, thu hút đông đảo khán giả trong suốt mùa nghỉ Tết Nguyên đán.

Nhiều người còn khác còn ví sự việc với lễ hội lồng đèn hôm qua, Chủ Nhật, những chiếc lồng đèn bay lơ lửng trên không mừng hết ngày nghỉ lễ, đánh dấu cho sự khởi đầu năm Con Thỏ. Sự mỉa mai châm biếm còn đi xa hơn khi nhắm đến cách thức xử lý, "một sự khua chiêng gõ trống", " thật nực cười, khi dùng tên lửa chỉ để bắn chết một con muỗi", một cư dân mạng viết.

Phải chăng Hoa Kỳ quá sợ hãi Trung Quốc ? Chỉ vì một quả bóng bay bị lạc mà gây ra đến ngần ấy vấn đề ư ? Sự mỉa mai nhưng bàn phím của những người theo chủ nghĩa dân tộc cũng thức tỉnh sáng nay, khi lấy lại lời lẽ từ thông cáo báo chí chính thức cho rằng đây là một sự tấn công nhắm vào một vật thể bay dân sự, và đòi phải có một sự đáp trả cứng rắn từ phía chính quyền Bắc Kinh. »

AFP cho biết, bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm nay cũng khẳng định khinh khí cầu thứ hai được phát hiện trên không phận Colombia hôm thứ Bảy 04/02 là của Trung Quốc.

Iran: Giáo chủ Khamenei ân xá hoặc giảm án tù cho hàng chục ngàn tù nhân


Lãnh đạo tối cao Iran, giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei phát biểu trong một cuộc mít-tinh ở Teheran, Iran, ngày 09/01/2023. AP
Thùy Dương
Lãnh đạo tối cao Iran, giáo chủ Ali Khamenei hôm Chủ Nhật 05/02/2023đã ra lệnh ân xá hoặc giảm án tù cho nhiều người bị giam giữ, trong đó có những người bị bắt trong các cuộc biểu tình gần đây. Biện pháp ân xá hoặc giảm án tù được lên kế hoạch cho lễ kỷ niệm 44 năm Cách mạng Hồi Giáo Iran 11/02.

Sắc lệnh của giáo chủ Ali Khamenei, người có tiếng nói quyết định về mọi vấn đề liên quan đến Nhà nước Iran, nằm trong khuôn khổ lệnh ân xá thường niên mà lãnh đạo tối cao đưa ra trước lễ kỷ niệm Cách mạng Hồi giáo Iran 1979. Sắc lệnh này không nêu cụ thể số người được hưởng lệnh ân xá hoặc giảm án tù, nhưng nhiều cơ quan truyền thông nêu con số « hàng chục ngàn người ». Sắc lệnh không giải thích lý do quyết định của giáo chủ Khamenei, thế nhưng trên thực tế, các nhà tù và trung tâm giam giữ trong cả nước đã quá tải.

Thông cáo cho biết, những ai « bị buộc tội làm gián điệp, giết người và cố ý gây thương tích, phá hủy và đốt phá các cơ quan của chính phủ, quân đội và các cơ sở công cộng » sẽ không được ân xá. Trên trang Mizan Online, tư pháp Iran nhấn mạnh những người bị bắt liên quan đến phong trào phản kháng sẽ chỉ được trả tự do nếu họ ký « tuyên bố hối hận và cam kết bằng văn bản là không tái phạm tội cố ý tương tự ».

Mahmood Amiry-Moghaddam, thuộc tổ chức nhân quyền Iran Human Rights, có trụ sở lại Oslo, Na Uy, gọi đây là « lệnh ân xá đạo đức giả » của Khamenei. Theo nhà hoạt động này, không chỉ tất cả những người biểu tình phải được trả tự do vô điều kiện, mà những người ra lệnh đàn áp đẫm máu và những người thực hiện đều phải bị quy trách nhiệm.

Theo tổ chức Human Rights Activists tại Iran, hơn 19.600 người đã bị bắt và ít nhất 527 người đã bị giết hại trong các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra từ hồi tháng 09/2022 và làm rung chuyển đất nước, sau khi một phụ nữ bị đánh chết chỉ vì mang khăn trùm hijab không phù hợp với luật Hồi giáo.

Cũng trong ngày hôm qua, theo AFP, cựu thủ tướng Iran Mir Hossein Moussavi (1981-1989) và cựu tổng thống Mohammad Khatami (1997-2005) kêu gọi « một sự thay đổi sâu sắc » trong hệ thống chính trị Iran để đối phó với « cuộc khủng hoảng về tính chính danh » của chế độ Teheran.


Không có nhận xét nào: