Ukraina - Liên Âu họp thượng đỉnh tại Kiev, gửi "thông điệp mạnh" đến Nga Ảnh tư liệu: Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (P) và chủ tịch UBCA Ursula von der Leyen trong cuộc họp báo chung tại Kiev, Ukraina, ngày 08/04/2022. © AFP/Stringer/Ukrianian presidential press service Thu Hằng Ukraina và Liên Hiệp Châu Âu tổ chức họp thượng đỉnh tại Kiev ngày 03/02/2023. Đối với chính quyền Kiev, đây là một « tín hiệu mạnh » gửi đến Matxcơva sau gần một năm tổng thống Putin tấn công Ukraina. Cuộc họp cũng đánh dấu một chặng quan trọng sau khi Kiev nhận được quy chế ứng viên chính thức để gia nhập khối 27 nước.
Trong bài phát biểu tối 31/01, tổng thống Volodymyr Zelensky hy vọng thượng đỉnh sắp tới sẽ phản ánh « tầm mức hợp tác và tiến bộ » với Liên Hiệp Châu Âu. Trước đó, thủ tướng Ukraina Denys Chmygal đánh giá « việc thượng đỉnh diễn ra ở Kiev là một tín hiệu mạnh gửi đến các đối tác, cũng như kẻ thù của chúng tôi (Ukraina) ».
Hai nhà lãnh đạo Ukraina cùng « hy vọng có những thông tin mới từ thượng đỉnh », cụ thể là « việc đánh giá tích cực những nỗ lực của Ukraina trong việc gia nhập Liên Hiệp Châu Âu ». Ngoài ra, thủ tướng Ukraina nhấn mạnh hai ngày thượng đỉnh sắp tới còn cho phép « châu Âu tin vào chiến thắng của Ukraina ». Để đạt được mục tiêu trên, nhiều nước phương Tây thông báo gia tăng viện trợ vũ khí hạng nặng cho Kiev.
Trong khi đó, Nga thông báo đã « giải phóng được Blahodatne », gần Bakhmut. Địa phương này từng được ông chủ của lực lượng lính đánh thuê Wagner khẳng định đã chiếm được hôm 27/01 nhưng phía Ukraina đã bác bỏ.
Trong thông báo ngày 31/01, bộ Quốc Phòng Nga cho biết giành được thắng lợi nhờ cuộc tấn công « của những đơn vị tình nguyện viên » được không quân và pháo binh yểm trợ. Hãng tin Pháp AFP nhắc lại rằng « tình nguyện viên » là cụm từ được Nga sử dụng để chỉ các nhóm bán quân sự, đặc biệt là lực lượng Wagner, chiến đấu với quân đội Nga.
Ukraina thông báo sẽ nhận được ít nhất 120 xe tăng hạng nặng của phương Tây
Binh sĩ Ba Lan học sửa chữa xe tăng Leopard 2 PL tại Swietoszow, Ba Lan, ngày 31/01/2023. REUTERS - KUBA STEZYCKI
Thanh Phương
Hôm qua, 31/01/2023, trên mạng Facebook, ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba thông báo là tổng cộng số xe tăng hạng nặng mà các nước phương Tây hứa cấp cho Kiev là “ khoảng từ 120 đến 140 chiếc”. Ông cho biết thêm những xe tăng đó là Leopard 2 do Đức sản xuất, Challenger 2 của Anh và Abrams của Mỹ.
Đây là lần đầu tiên Kiev tiết lộ tổng số xe tăng mà các đồng minh phương Tây hứa sẽ cấp cho quân đội Ukraina để chống trả quân xâm lược Nga. Tuy nhiên, tiến trình chuyển giao các chiến xa đó sẽ kéo dài nhiều tháng do phải mất thời gian để huấn luyện cho các binh sĩ Ukraina.
Anh Quốc dự trù sẽ giao cho Kiev các xe tăng Challenger vào cuối tháng 3, Đức thì sẽ gởi các chiếc Leopard đầu tiên vào cuối tháng 3 - đầu tháng 4. Nhiều nước châu Âu khác như Ba Lan cũng sẽ viện trợ xe tăng Leopard cho Ukraina.
Một số quốc gia khác như Pháp còn do dự, chưa muốn lấy xe tăng từ kho vũ khí để viện trợ cho Kiev, vì lo ngại làm suy yếu khả năng quân sự của mình.
Tuy vậy, hôm qua, Paris thông báo cấp thêm cho quân đội Ukraina 12 đại bác Caesar 155 ly, ngoài 18 khẩu đại bác đã giao cho Kiev trước đó. Nhưng các khẩu đại bác rất chính xác đó không có tầm bắn hơn 100 km mà quân đội Ukraina cần để phá hủy các kho đạn và hệ thống cung ứng của quân Nga.
Về phần Hoa Kỳ, tổng thống Joe Biden hôm qua cho biết sẽ thảo luận với đồng nhiệm Ukraina Zelensky về những yêu cầu viện trợ quân sự bổ sung mà ông đưa ra. Sau xe tăng hạng nặng, tổng thống Ukraina đang hối thúc phương Tây cung cấp các tên lửa tầm xa và chiến đấu cơ.
Israel sẽ cấp viện trợ quân sự cho Ukraina
Trong khi đó, thủ tướng Benjamin Netanyahu hôm nay thông báo là Israel dự trù viện trợ quân sự cho Ukraina, đồng thời đề nghị đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Kiev và Matxcơva. Cho tới nay, ông Netanyahu vẫn tránh ủng hộ mạnh mẽ Ukraina, vì không muốn làm mích lòng Nga, hiện vẫn kiểm soát không phận nước Syria láng giềng.
Washington muốn tăng số lính Mỹ tại Philippines
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin (P) đến thăm căn cứ quân sự Don Basilio Navarro, tỉnh Zamboanga, miền nam Philippines, ngày 01/02/2023. AP
Minh Anh
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ hôm nay, 01/02/2023, đã đến Manila để thảo luận về việc triển khai nhiều hơn các lực lượng và vũ khí tại các căn cứ quân sự Philippines. Mục tiêu là ngăn chặn các hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc đối với Đài Loan và vùng Biển Đông có tranh chấp.
Bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin là lãnh đạo cao cấp thứ hai của Mỹ đến thăm Philippines, sau chuyến công du Manila của phó tổng thống Mỹ Kamala Harris hồi tháng 11/2022. Bên cạnh đó, nhiều dấu hiệu cho thấy quan hệ Mỹ và Philippines đã nồng ấm trở lại, sau những căng thẳng dưới thời người tiền nhiệm Rodrigo Duterte.
Theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao (EDCA), ký kết năm 2014, quân đội Mỹ được phép tiếp cận 5 căn cứ quân sự của Philippines, và có thể luân phiên ở lại các căn cứ này vô thời hạn. Tháng 10/2022, Washington đã tìm cách đưa thêm lực lượng và vũ khí tới 5 căn cứ của Philippines, chủ yếu ở khu vực chính phía bắc đảo Luzon, trong khuôn khổ thỏa thuận nói trên. Yêu cầu này nằm trong chương trình nghị sự trong các cuộc gặp của ông Austin tại Philippines, theo như lời đại sứ Philippines tại Washington.
Theo lịch trình do đại sứ Philippines tại Washington, Jose Romualdez, thông báo, bộ trưởng Lloyd Austin sẽ hội đàm với đồng nhiệm Philippines Carlito Galvez Jr, và cố vấn An ninh Quốc gia Eduardo Ano vào ngày mai 02/02. Lãnh đạo quốc phòng Mỹ sẽ có cuộc điện đàm riêng với tổng thống Ferdinand Marcos Jr.
Trong buổi làm việc đầu tiên hôm nay, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đến thăm một nhóm lính đặc nhiệm chống khủng bố của Mỹ, trú đóng ở miền nam Philippines, chuyên cung cấp thông tin tình báo và cố vấn cho quân đội Philippines chống quân nổi dậy Hồi Giáo, cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ.
AP nhắc lại, Philippines là đồng minh hiệp ước lâu đời nhất của Mỹ tại châu Á. Quốc gia này còn là một mặt trận quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố của Hoa Kỳ sau vụ tấn công ngày 11/09/2001.
Biển Đông: Trung Quốc tăng kỷ lục số vụ tuần tra ở vùng biển tranh chấp năm 2022
Ảnh minh họa: Tàu Hải Cảnh Trung Quốc ở vùng Bãi Cạn Scarborough (Trường Sa - Biển Đông). Ảnh chụp ngày 23/03/2015: AP - Renato Etac
Thu Hằng
Trong năm 2022, lực lượng hải cảnh Trung Quốc tuần tra gần như hàng ngày quanh các thực thể quan trọng ở Biển Đông, nơi có tranh chấp với nhiều nước trong vùng. Trong báo cáo công bố ngày 30/01/2023, tổ chức Sáng kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI) còn cho biết Trung Quốc gia tăng hiện diện trong bối cảnh căng thẳng tại tuyến đường biển với các nước láng giềng Đông Nam Á vẫn rất cao.
Theo AMTI, « sự hiện diện của hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông mạnh mẽ hơn bao giờ hết ». Nghiên cứu của tổ chức có trụ sở tại Washington dựa trên số liệu của hệ thống nhận dạng tự động (AIS) do MarineTraffic cung cấp. Ví dụ, Hải cảnh Trung Quốc tuần tra 344 ngày ở bãi cạn Scarborough, 208 ngày ở đảo Thị Tứ, 279 ngày ở Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), 316 ngày tại cụm bãi cạn Luconia. Đối với Bãi Tư Chính (Vanguard Bank), ngoài khơi Việt Nam, nổi tiếng về nguồn dầu khí, tàu hải cảnh Trung Quốc tuần tra đến 310 ngày, so với 142 ngày vào năm 2020.
Ngoài ra, cùng với sự hiện diện khắp nơi của lực lượng dân quân biển, Trung Quốc cho thấy quyết tâm khẳng định quyền kiểm soát đối với khảng 80% diện tích Biển Đông nằm trong đường chín đoạn mà nước này tuyên bố chủ quyền. Trong buổi họp báo thường kỳ ngày 31/01, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh khẳng định « đội tàu hải cảnh Trung Quốc tuần tra trong các vùng biển nằm trong quyền tài phán của Trung Quốc để duy trì trật tự hàng hải, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Trung Quốc ».
Nhà nghiên cứu Greg Poling, phụ trách chương trình Đông Nam Á tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) tại Washington, được trang Bloomberg trích dẫn ngày 31/01, cho rằng « với các cuộc tuần tra của lực lượng hải cảnh Trung Quốc trong những vùng biển của Malaysia, Philippines và Việt Nam gần như hàng ngày trong năm, điều đó cho thấy rằng căng thẳng vẫn ở mức cao và va chạm với những nước láng giềng thường xuyên xảy ra ».
Miến Điện : Đình công thầm lặng đánh dấu 2 năm tập đoàn quân sự đảo chính
Một giáo viên trung học tham gia phong trào Bất Tuân Dân Sự ở Miến Điện, vừa đan len vừa trả lời phỏng vấn của Reuters, tại một nơi trên lãnh thổ Thái Lan, ngày 28/01/2023. REUTERS - STAFF
Thu Hằng
Ngày 01/02/2023 đánh dấu tròn hai năm tập đoàn quân sự do tướng Min Aung Hlaing đứng đầu làm đảo chính, lật đổ chính quyền dân sự, kết án tù nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi. Người dân Miến Điện kỷ niệm sự kiện này bằng hình thức « đình công thầm lặng » ở nhiều thành phố lớn, đặc biệt là ở thủ phủ kinh tế Rangoon, sau khi các nhà đấu tranh kêu gọi đóng cửa hàng quán và ở trong nhà từ 10 giờ đến 16 giờ.
Theo AFP, tập đoàn quân sự Miến Điện có thể kéo dài tình trạng khẩn cấp, hết hạn vào ngày 01/02, nhưng theo Hiến Pháp Miến Điện, có thể được triển thêm hai lần. Do đó, cuộc bầu cử được dự kiến tổ chức vào mùa hè có thể bị lùi lại sau khi Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Miến Điện kết luận trong cuộc họp hôm 31/01 là đất nước « chưa hoàn toàn trở lại bình thường ». Trước đó, tướng Min Aung Hlaing hứa chỉ tổ chức bầu cử khi đất nước « đã hòa bình và ổn định ».
Trên thực tế, thông tín viên RFI Juliette Verlin tại Rangoon nhận định là « nếu hỏi bất kỳ ai trên đường phố, họ sẽ đều trả lời : tướng Min Aung Hlaing đã coi mình là tổng thống ». Kể cả nếu tổ chức bầu cử, « hầu hết các đảng ủng hộ dân chủ đã từ chối tham gia, cho nên thắng lợi dành cho các đảng ủng hộ quân đội là điều khó tránh khỏi ». Nhịp sống phần nào đã quay trở lại ở Miến Điện nhưng « giá thực phẩm tăng gấp đôi trong vòng 2 năm, còn tiền lương vẫn thế ».
Miến Điện đối mặt với tình trạng trấn áp khốc liệt
Theo cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc Volker Türk, « hai năm sau đảo chính, Miến Điện phải đối mặt với tình trạng trấn áp không tưởng tuợng nổi » : Gần 3.000 người chết, ít nhất 16.000 người bị cầm tù vì chống quân đội, khoảng 34.000 trường học, đền thờ và cơ sở y tế bị đốt cháy.
« Phong trào bất tuân dân sự vẫn là điều mà tập đoàn quân sự phát xít căm thù nhất ». Trả lời đài RFI ngày 01/02, bác sĩ Lwan Wai (tên đã được thay đổi), đồng sáng lập mạng lưới Yangon Medical Network (gồm hơn 10.000 nhân viên y tế) và tham gia phong trào bất tuân dân sự, giải thích « vì đó là phong trào ngăn tập đoàn quân sự có được tính chính đáng mà họ cần… Quân đội không chỉ ghét nhân viên y tế, mà cả nhiều ngành nghề khác, từ giáo viên đến kỹ sư ». Theo ông, những người chống tập đoàn quân sự « sống trong sợ hãi, trầm cảm và phiền muộn » những kiên định « cho đến khi thắng được cuộc đấu tranh ».
Để đánh dấu hai năm đảo chính, Hoa Kỳ, Canada và Anh thông báo loạt trừng phạt mới nhắm vào nhiều thành viên của tập đoàn quân sự cũng như những thực thể ủng hộ quân đội Miến Điện.
Tại Congo, giáo hoàng Phanxicô tố cáo « chủ nghĩa thực dân kinh tế »
Giáo hoàng Phanxicô tới chủ trì thánh lễ tại sân bay Ndolo, Kinshasa, Cộng Hòa Dân Chủ Congo, ngày 01/02/2023 REUTERS - YARA NARDI
Minh Anh
Ngày 31/01/2023, giáo hoàng Phanxicô đã đến Kinshasa, Cộng hòa Dân chủ Congo, 38 năm sau chuyến tông du của đức Gioan Phaolô II. Trong bài diễn văn đầu tiên, với sự hiện diện của tổng thống Félix Tshisekedi tại Cung điện Quốc gia, giáo hoàng bày tỏ hy vọng mang lại một sự hòa giải tại một đất nước, giầu có khoáng sản, nhưng bạo lực đang gia tăng trong thời gian gần đây.
Tại Kinshasa, Ngài phát biểu : « Sau chủ nghĩa thực dân chính trị, "chủ nghĩa thực dân kinh tế" nô lệ không kém cũng đang lan rộng. Đất nước này, bị cướp bóc nặng nề, do vậy, đã không được hưởng đầy đủ các nguồn tài nguyên to lớn của mình, và tình trạng này đã đi đến một nghịch lý là những thành quả của đất nước đã trở nên "xa lạ" với chính người dân.
Chất độc của lòng tham đã vấy máu những hạt kim cương của đất nước. Trước một bi kịch này, thế giới của những nền kinh tế tiên tiến nhất lại nhắm mắt, bịt tai và ngậm miệng.
Nhưng đất nước này, và châu lục này xứng đáng được tôn trọng và được lắng nghe, họ xứng đáng có một không gian và được chú ý tới : Hãy rút những bàn tay của quý vị ra khỏi Cộng Hòa Dân Chủ Congo, hãy rút tay ra khỏi châu Phii ! Nên chấm dứt bóp nghẹt châu Phi : Châu lục này không là một mỏ khai thác, cũng không là một vùng đất để cướp bóc. Châu Phi cần làm chủ vận mệnh của mình ! »
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét