Tình trạng thù ghét người Á Châu gây ra nhiều nguy hiểm trong đại dịch COVID-19. (Hình: Timothy A. Clary/AFP via Getty Images)
LOS ANGELES, California (NV) – Người Á Châu có mặt ở Hoa Kỳ từ rất lâu, và tình trạng thù ghét sắc dân này có từ những ngày đầu mà họ đặt chân đến Hoa Kỳ. Nhìn lại lịch sử là một cách hiệu quả để phân tích tình trạng thù ghét hiện nay.Theo nhật báo Rafu Shimpo, người Philippines là những người gốc Á đầu tiên đặt chân đến Hoa Kỳ, làm việc trên tàu của Tây Ban Nha vào thế kỷ 16. Tuy vậy, người Trung Quốc là nhóm người Á Châu chính thức nhập cư vào Hoa Kỳ đầu tiên vào thập niên 1800.
<!>
Các chủ doanh nghiệp thuê người Hoa làm việc nhiều vì lương thấp và không coi trọng mạng sống của họ, nhất là vào thời kỳ đào vàng ở California và trong thời kỳ làm đường rầy xe lửa xuyên nước Mỹ. Đó cũng là những lúc mà tình trạng thù ghét người Á Châu xuất hiện đầu tiên trong lịch sử Mỹ.Tối Cao Pháp Viện vào năm 1854 còn ra phán quyết cấm người Hoa và người da màu khác tố cáo người da trắng. Vì vậy, chuyện truy tố các tội thù ghét người Á Châu gần như không thể xảy ra.
Đầu thập niên 1850, nhiều nhóm người da trắng từ California đến Wyoming tấn công và đuổi nhiều người Hoa ra khỏi nơi họ đang sống. Một sự việc xảy ra vào năm 1871 làm 17 người Hoa thiệt mạng ở Los Angeles, California.
Vào năm 1882, Hoa Kỳ thông qua Đạo Luật Loại Trừ Người Hoa, cấm người Trung Quốc nhập cư vào Hoa Kỳ.
Trước đó, vào năm 1875, Hoa Kỳ còn có luật cấm những người từ các nước phương Đông vào Mỹ để làm nghề mại dâm. Tại thời điểm này, phụ nữ Á Châu luôn bị coi là người trong nghề mại dâm, nên thường bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Đạo Luật Loại Trừ Người Hoa còn không cho người Hoa lấy quốc tịch Mỹ, nhưng không nói rõ những người thuộc các nước Á Châu khác có được lấy quốc tịch Mỹ hay không.
Người Nhật cũng từng bị kỳ thị ở Hoa Kỳ, nhưng được đối xử tốt hơn người Hoa vì Nhật phát triển rất nhanh vào thập niên 1900.
Vào năm 1906, Học Khu San Francisco bắt buộc trẻ em gốc Nhật phải học ở trường dành riêng cho người Á Châu, làm chính phủ Nhật đương thời bất mãn. Vì vậy, Hoa Kỳ ký thỏa thuận cho người Nhật nhập cư được ở lại Mỹ và đưa gia đình họ đến quốc gia này. Trẻ em gốc Nhật không cần phải học trường dành riêng cho người Á Châu nữa.
Người Hoa bị thù ghét từ những ngày làm đường rầy xe lửa xuyên nước Mỹ.
(Hình: Kean Collection/Archive Photos/Getty Images)
Đến năm 1924, Hoa Kỳ thông qua Đạo Luật Nhập Cư, chỉ cho phép người Nhật, người Hoa và người Philippines nhập cư vào Mỹ. Các nước từ Trung Đông đến Đông Nam Á và các đảo Thái Bình Dương không được quyền nhập cư.
Không chỉ vậy, một đạo luật của năm 1907 còn cấm phụ nữ gốc Á Châu sinh ra ở Hoa Kỳ kết hôn với một người nhập cư từ Á Châu, và nếu làm vậy, người phụ nữ đó sẽ mất quốc tịch Mỹ và không có quyền xin quốc tịch lại.
Về mặt giao tiếp, chuyện đàn ông gốc Á Châu tiếp xúc với phụ nữ da trắng thường dẫn đến bạo lực. Vào năm 1933, một nhóm đàn ông gốc Philippines ở Watsonville, California, bị một đám đông da trắng tấn công vì khiêu vũ với phụ nữ da trắng.
Đến năm 1941, người Mỹ gốc Nhật bị kỳ thị vì vụ tấn công ở Trân Châu Cảng, Hawaii, trong Đệ Nhị Thế Chiến. Cộng đồng và doanh nghiệp của họ bị đập phá, và các sắc dân Á Châu khác bị vạ lây.
Trong quân đội, các binh sĩ gốc Nhật phải giải ngũ, bị chuyển đi nơi khác hoặc không cho cầm vũ khí. Tại miền Tây Hoa Kỳ, 120,000 người gốc Nhật phải vào trại tập trung vì bị nghi ngờ gây nguy hiểm trong nội địa.
Sau Đệ Nhị Thế Chiến, Hoa Kỳ phải đối đầu với Liên Xô qua Chiến Tranh Lạnh, với hai địa điểm đáng chú ý ở Á Châu là bán đảo Triều Tiên và Việt Nam.
Tại các nước Á Châu có Mỹ đóng quân, các binh sĩ Mỹ thường lợi dụng và tấn công tình dục phụ nữ ở các quốc gia đó, dẫn đến tình trạng coi thường phụ nữ gốc Á Châu ở Hoa Kỳ
Người Hồi Giáo cũng là nạn nhân của nhiều vụ thù ghét. (Hình: Andrew Biraj/AFP via Getty Images)
Vào thập niên 1980, Nhật phát triển kinh tế rất mạnh, dẫn đến tình trạng thù ghét người gốc Nhật. Vào năm 1982, ông Vincent Chin, người Hoa, bị hai người da trắng làm việc trong nhà máy xe hơi giết vì tưởng ông là người Nhật.
Hai hung thủ nhận tội, nhưng không nhận án tù vì hệ thống pháp lý lúc đó cho rằng mạng sống của ông Chin chỉ đáng bản án nhẹ nhất.
Vào năm 1999, Tiến Sĩ Wen-Ho Lee, khoa học gia gốc Đài Loan, bị bắt và bị tố cáo đưa bí mật về bom nguyên tử cho Trung Quốc. Ông bị biệt giam chín tháng, không được quyền tại ngoại, dù không hề có bằng chứng cho thấy ông phạm tội.
Đến thế kỷ 21, tình trạng thù ghét người Á Châu tăng vọt, nhất là sau vụ tấn công 9/11 hồi năm 2001. Nhiều người gốc Ả Rập và Trung Đông bị thù ghét, và nhiều người Ấn Độ theo đạo Sikh cũng bị thù ghét vì quấn khăn trên đầu giống người Hồi Giáo.
Truyền thông Mỹ còn lan truyền những hình ảnh kỳ thị người Hồi Giáo, làm tình trạng thù ghét trở nên nguy hiểm hơn.
Đến đại dịch COVID-19 của năm 2020, nhiều cơ quan truyền thông và Tổng Thống Donald Trump lan truyền suy nghĩ kỳ thị, cho rằng người Á Châu là nguồn lây lan đại dịch.
Từ năm 2020 đến 2022, tổ chức Stop AAPI Hate cho biết có đến 11,500 sự việc liên quan đến thù ghét được báo cáo, tăng 339% so với tình trạng thù ghét người gốc Á Châu trước đại dịch
Cho đến nay, người Nhật vẫn không quên được những tháng ngày sống trong trại tập trung. (Hình: J Pat Carter/Getty Images)
Tình trạng nhiều phụ nữ Á Châu bị tấn công cũng lập lại như nhiều lần trong lịch sử Mỹ, trong đó nguy hiểm nhất là vụ nổ súng vào các tiệm massage ở Atlanta, Georgia, trong năm 2021, làm sáu phụ nữ thiệt mạng.
Hiện nay, người Á Châu được coi là sắc dân thiểu số gương mẫu, nhưng không phải lúc nào họ cũng được coi như vậy. Cách nhìn đó có thể thay đổi tùy theo suy nghĩ các nhóm da trắng thượng đẳng.
Vì vậy, nhìn lại lịch sử giúp người gốc Mỹ gốc Á Châu hiểu rõ hơn về tình trạng thù ghét xảy ra trong nhiều giai đoạn của lịch sử Hoa Kỳ. (TL) [qd
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét