Những năm sau 75.Chiến tranh chấm dứt, tiếng súng tạm yên, nhưng một cuộc chiến khác lại bùng lên, đau đớn hơn, ngấm ngầm hơn, phẳng lặng hơn, đó là cuộc chiến trong lòng người cùng một nước... Giữa những người "chiến thắng" và những người "thất cơ lỡ vận"... Một thanh niên mới lớn như tôi ít khi được va chạm với súng đạn nhưng trong cái giai đoạn giao thời ấy lại trở thành bác sĩ để bị dằn vặt và va chạm với nỗi đau trong cuộc chiến ngấm ngầm của hai giòng người kể trên...
<!>
Làn sóng di dân ồ ạt từ các tỉnh và thành phố lên các vùng cao, vùng rừng núi trong cái chủ trương và phong trào gọi là đi "KinhTế Mới" đưa những người "thất bại - thất nghiệp" và gia đình của họ đi phá núi phá rừng để khai khẩn đất hoang, trong đó có nhiều người dân xứ Huế lên Đăk Lăk và sau này lập thành 3 xã giống như ở chính quê hương họ, đó là Phú Xuân, Phú Lộc, Tam Giang...
Những vùng đất này nguyên là những vùng rừng núi nguyên thủy với nhiều thú dữ, cây rừng và sông suối... là vùng mà muỗi rừng Anophele hoạt động mạnh gây nên dịch bệnh sốt rét chết người thảm khốc hàng loạt, cách nơi tôi đang công tác chừng 15-30km, nhưng đường đi rất khó, chỉ là đường rừng mới mở hoặc phải qua suối, qua đồi...phương tiện đi lại phần đông của dân là đi bộ hay gồng gánh nhau bằng võng khi có người đau ốm....
Dân đi kinh tế mới ở đây đa phần là dân thành phố, không phải là nông dân chính hiệu cho nên trong những năm đầu mới vào họ không quen công việc nhà nông cộng với dịch bệnh hoành hoành, họ bị lâm vào tình cảnh đói rách khổ sở và chết chóc.
Xen lẫn hay trên đường từ họ ra nơi tôi ở có những buôn làng hay xã của người dân tộc ở, dân ở những nơi này tương đối ổn định cuộc sống và có đất trồng lúa và hoa màu đã khai thác lâu dài.
Có một chiều, trên một cánh đồng lúa chín vàng những người đồng bào dân tộc vừa gặt xongkhoảng một nửa diện tích thì có một toán người Kinh đi kinh tế mới đi theo sau để mót những hạt lúa còn sót lại rơi vãi. Nhưng trong ý những người đang gặt họ chưa cho mót và họ nghĩ là những kia ăn cắp của họ,vì thế họ đuổi đánh toán người kia, đa phần chạy được thoát, duy có một thanh niên bị vấp phải một gốc cây té ngã, những người dân tộc chạy đến vung xà gạc lên (một công cụ làm nông của người dân tộc khá sắc bén và có cán khá dài) và chém thẳng vào cổ anh này, cũng may là do phản xạ tự vệ tự nhiên nên anh quay đầu lại nhìn để tránh thì cái xà gạc này chém thẳng vào một bên mặt làm rách và lóc luôn một mảng da và phần mềm lớn kéo dài từ phía trên xương gò má bên trái vòng theo hình Parabol mở xuống sát bờ mũi và sát mang tai bên cạnh vành tai bên trái cho đến tận phần da dưới hàm bên trên cổ. Miếng da và các mô dưới da này to bằng lòng bàn tay và treo lủng lẳng xuống dưới cổ và máu ra đầm đìa đầy mặt và cổ ngực. Những người kia tưởng là anh thanh niên này đã chết nên bỏ đi... số người đi mót lúa quay lại và đưa anh này đi cấp cứu tại trạm y tế xã. Trạm y tế xã đã cho băng tạm và viết giấy giới thiệu chuyển ra cho bệnh viện mà tôi đang công tác vào một đêm tối trời. Khi đoàn người gồng gánh bệnh nhân này bằng võng đi bộ cách nơi có tôi hơn 20 km đường rừng và đường đất. Khi đoàn võng này đi qua một xã trên đường thì bị các du kích người dân tộc chặn lại và lấy giấy giới thiệu giaocho chủ tịch xã, chủ tịch xã phê vào giấy giới thiệu: "đề nghị bệnh viện không chữa cho ông này vì ông đã trộm lúa của dân" và ký tên đóng dấu của UBND xã.
Nhọc nhằn đoàn võng cũng ra đến bệnh viện. Bệnh viện trưởng nhận giấy và có dấu phê của Xã đã bảo tôi: - BS xem không nên chữa cho anh này, người ta đã yêu cầu như thế rồi! Tôi không xem những lời dặn dò của ông ấy là quan trọng. Tôi mở vết thương của anh ra xem và nghe những người đi theo kể lại, anh gần như đã ngất đi vì quá đau đớn và mất máu nhiều. Khuôn mặt của anh đã biến dạng như trong một phim có vai ma quỷ, ai nhát gan mà thấy chắc phải ngất xỉu ngay. Nghe hoàn cảnh bi đát đói khổ của anh phải đi mót lúa kiếm sống lại bị người ta chém như thế! Thật thấy thương dân mình, họ đâu có đến nổi phải bị đối xử cay nghiệt như thế? Thương cho anh, thương những người bạn và bà con nhọc nhằn gồng gánh anh ra, thương cho quê hương Huế nghèo của tôi... Xúc động làm nước mắt tôi rơi không biết từ khi nào, rơi xuống thấm ướt cả vết thương của anh mà tôi đang lo hàn gắn đây! Cô y tá cười bảo:
- Bác sĩ mà cũng khóc à! Em tưởng bác sĩ khi nào cũng cứng rắn & lạnh lắm chứ!
Tôi đã vận dụng tất cả kỹ năng và sự tinh tế của tôi kết hợp với các loại thiết bị nhất là các loại kim chỉ rất nhỏ và mỏng manh (may là thời đó còn sót lại các loại chỉ nhỏ của bệnh xá quân dân y chế độ trước để lại như catgut chromic, silk 5.O-8.O... có gắn kim liền chỉ... nên tôi đã dành gần 2 tiếng đồng hồ để tái tạo lại khuôn mặt cho anh gần như hoàn hảo....
Phải chăng nước mắt của tôi hòa quyện với máu của người bệnh để cho tôi một cảm giác rằng vết thương lòng của tôi và của anh là một để tôi đủ tỉnh táo mà lo cho người ấy cũng như lo cho niềm đau của riêng tôi?
... Sáng hôm sau, do áp lực là "không được cứu chữa cho anh này" nên tôi phải chuyển anh lên tuyến trên. BV Tỉnh lại chuyển anh vào Bệnh Viện Chợ Rẫy TPHCM mà không can thiệp gì thêm.. Bệnh này đi vào quên lãng...
... Hơn một năm sau, một buổi chiều, sau khi mới loay hoay xong với một bệnh nhân, tôi thấy có một người đàn ông trung niên ăn mặc lịch sự, dong dỏng cao, da trắng, khá bảnh trai.... tiến lại gần tôi và nói:
- Bác sĩ ơi! Bác sĩ có nhớ em không? Tôi nhìn kỹ người ấy ngờ ngợ và lắc đầu! Người ấy liền bảo:
- Dạ, em là người hôm xưa bác sĩ đã cứu. Em bị vết thương lớn ở mặt và tối đó BS đã khâu lại cho em. Em được chuyển vào BV Chợ Rẫy, được gặp giáo sư bác sĩ Trần Ngọc Ninh, GS Ninh đã khen ai mà khâu vết thương cho em đẹp thế, và hầu như không để lại vết sẹo nào thấy rõ... Chỉ có cái ống dẫn nước bọt (ống Stenon) là bị đứt ngang thì GS Ninh cũng đã cố gắng khâu lại nhưng không thành công vì trong nước bọt có chất tiêu hủy đạm (proteolytic enzymes) nên bây giờ em phải có một miếng gạc nhỏ dán dưới hàm để cho nước bọt thấm vào đó..Em chỉ đến đây với mục đích gặp lại bác sĩ để cảm ơn bác sĩ đã cứu mạng em... Em bây giờ đã bỏ vùng kinh tế mới để đi nơi khác sinh sống rồi.
... Thật sự, tôi không nhớ nổi, không tưởng tượng được người thanh niên mặt đầy máu, biến dạng kinh khủng như đóng vai quỷ ám trong truyện cổ tích lại có thể trở lại thành một con người hoàn toàn khác như thế... đẹp trai như thế, lịch sự như thế...
Nước mắt của tôi thật không phí chút nào, nước mắt của yêu thương có thể chữa lành được mọi vết thương kể cả những vết thương lòng?
Thật kỳ diệu...
NQN
Lệ chan với máu viết thành câu!
Trời xanh nghiệt ngã gieo chi sầu...
Tay trắng hồn đau tim nức nở..
Liệu tình..hàn được vết thương khâu?
NQN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét