Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2023

Kính Chuyển: Lễ Tro Của Người Công Giáo và Tin Nóng, Thế Giới & Việt Nam, Theo Dòng Thời Sự. - Lê Văn Hải


Ngày Mai, Bắt Đầu Mùa Chay Của Giáo Hội Công Giáo, Với Thứ Tư Lễ Tro!
Thư Tư lễ tro, là ngày bắt đầu Mùa Chay, và đến sau ngày Thứ Ba xưng tội. Trong ngày Thứ Tư lễ tro, tất cả mọi người Công giáo sẽ cố gắng ăn chay, kiêng ăn thịt, luôn nhắc nhở làm những điều tốt đẹp, không có ý xấu với tha nhân xung quanh.
Thứ Tư Lễ Tro là một ngày thánh của người Công giáo, tập trung vào việc cầu nguyện và ăn chay.
<!>


1. Lễ Tro là gì?

Thứ Tư Lễ Tro, nét đặc trưng của ngày lễ này là công việc xức tro. Ngay sau phép lành, tro này sẽ được dùng để rắc lên đầu các tín hữu Công Giáo theo hình chữ thập, hoặc vẽ lên trán theo hình Thánh Giá.

2. Ý nghĩa của Thứ Tư Lễ Tro

Việc các tín hữu để cho mình được xức tro trên đầu hoặc lấy tro vẽ hình Thánh Giá trên trán, nói lên “tinh thần sám hối và lòng khiêm nhường”. Họ nhìn thấy bản sắc, bụi bặm của bản tính con người, để ăn năm xám hối.

Khi tham dự Thánh Lễ Tro, các tín hữu được xức tro trên đầu với ý niệm “con người đến từ tro bụi và cũng sẽ trở về tro bụi!”. Điều này dựa trên văn bản của Kinh thánh: "Ngươi phải đổ mồ hôi trong cuộc sống, mới có bánh ăn, cho đến khi ngươi trở về với đất! Vì ngươi đã được cất lên khỏi đất. Ngươi là cát bụi, và sẽ trở về với cát bụi!"

Nhắc nhở: Đời sống long lanh như hạt sương, sẽ tan biến khi….buổi chiều hoàng hôn!
Tro dùng ở đây là tro lấy từ việc đốt lá dùng vào Chúa Nhật Lễ Lá của năm trước. Những cành hoặc lá đó sẽ được đốt để lấy tro trong ngày lễ này. Một số nơi tro còn được trộn với dầu dùng trong phép rửa.

Màu phụng vụ của Thứ Tư Lễ Tro là màu tím, màu buồn để dọn mình, theo bước đường tử Nạn của Chúa!

Thứ Tư Lễ Tro cũng là khởi đầu của Mùa Chay. Mùa Chay này kéo dài đúng 40 ngày và là bước chuẩn bị cho Đại Lễ Phục Sinh sắp tới.


Giáo Phận Maasin Đang Điều Tra Văn Thư Giới Thiệu Phong Chức Linh Mục Hồ Hữu Hòa


(Hình: Ông GB Hồ Hữu Hòa (bên trái) trong một Thánh lễ ở giáo phận Vinh.)
Vụ thầy bói môi giới hối lộ trong vụ Vũ Nhôm sau khi ra tù trở thành Linh mục có diễn biến mới khi Giám mục giáo phận Maasin, Phi Luật Tân lần đầu lên tiếng về các lùm xùm xung quanh việc truyền chức thánh cho ông GB. Hồ Hữu Hòa.

Hôm 17/2/2023, trang Facebook Diocese of Maasin (Giáo phận Maasin) đăng tải “Tuyên bố chính thức về lễ truyền chức Linh mục cho John Baptist JB. Hồ Hữu Hòa”.

Theo văn bản ký cùng ngày, Giám mục Cantillas của Giáo phận Maasin xác nhận đã phong phó tế cho GB. Hồ Hữu Hòa vào ngày 8/9/2022 và chức Linh mục vào ngày 7/12/2022 theo các văn thư ủy nhiệm từ Giám mục Giáo phận Vinh, đặc biệt là có thư giới thiệu của nguyên Giám mục Giáo phận Hà Tĩnh Phaolô Nguyễn Thái Hợp.

Phóng viên gọi cho Tòa Giám mục Maasin theo số điện thoại trên thông cáo để hỏi về sự việc, tuy nhiên người trực điện thoại cho biết Linh mục Chưởng ấn của giáo phận đi vắng.

Nguyên Giám Mục Hà Tĩnh Nói Gì Về Thư Giới Thiệu?

Thông cáo của Tòa Giám mục Maasin có đoạn viết:
“Việc truyền chức này diễn ra sau những thủ tục thông thường theo Giáo luật, nhất là với việc đệ trình các văn thư uỷ nhiệm cần thiết được ký bởi Giám mục Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục giáo phận Vinh, được đóng dấu tòa Giám mục, và được xác thực bởi Linh mục Giêrađô Nguyễn Nam Việt, vị Chưởng ấn”.

Giám mục Cantillas cũng cho biết ông có nhận các tài liệu như thư bảo lãnh và giới thiệu, các chứng chỉ và tín chỉ, thậm chí cả thư cảm ơn được viết và ký bởi các giáo sĩ Việt Nam có uy tín chịu trách nhiệm cho ông Hồ Hữu Hòa, đặc biệt là thư giới thiệu của Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, nguyên Giám mục của giáo phận Vinh và sau này là Giám mục tiên khởi của giáo phận Hà Tĩnh.

Phía Phi Luật Tân cũng cho biết sau khi được thụ phong Linh mục, ông Hồ Hữu Hòa cùng với Linh mục Chưởng ấn giáo phận Vinh gặp gỡ những người có trách nhiệm của giáo phận và đến ngày 15/01 vừa qua, Linh mục Hòa được nhập tịch giáo phận Maasin.

Trong buổi trưa cùng ngày, phóng viên gọi điện thoại cho nguyên Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp để hỏi về văn thư giới thiệu được đề cập trong thông cáo, tuy nhiên Giám mục cho biết:
“Linh mục Hồ Hữu Hòa bây giờ ở bên Phi, về bên Phi rồi chứ có gì mà phỏng vấn”, nguyên Giám mục Nguyễn Thái Hợp cho biết “đang đi trên đường” và cúp máy.

Hai giờ sau, phóng viên gọi thêm một số cuộc vào số điện thoại của Đức Cha Hợp nhưng ông không nghe điện thoại.

Linh mục Nguyễn Nam Việt, người bị ngưng hai chức vụ Chưởng ấn và Chánh Văn phòng Tòa Giám mục Vinh, từ chối trả lời phỏng vấn về sự việc sau khi nghe phóng viên tự giới thiệu và đặt câu hỏi.
Phía giáo phận Maasin ở Phi Luật Tân cũng biết được sự xôn xao của dư luận trong việc phong chức Linh mục cho ông GB. Hòa. Cuối thông cáo, Giám mục Castillas cho biết đang đang thực hiện các bước và thủ tục cần thiết để làm sáng tỏ vấn đề, cũng như xác thực các tài liệu được chuyển đến văn phòng của giáo phận.

Liệu Có Thể Sa Thải Linh Mục GB. Hồ Hữu Hòa Khỏi Hàng Giáo Sĩ?

Trong ngày 15/2, Giám mục Anphong Nguyễn Hữu Long trong Thông báo gửi tới toàn thể Linh mục của giáo phận Vinh, quyết định không cho phép Linh mục GB. Hồ Hữu Hòa cử hành các bí tích và lễ nghi trong Giáo phận Vinh.

Điều này đồng nghĩa với việc tước bỏ năng quyền trong giáo luật công giáo, dân gian gọi nôm na là “treo chén”, tuy nhiên chức thánh Linh mục vẫn còn.

Bình luận về sự việc, Linh mục Anton Lê Ngọc Thanh của Dòng Chúa Cứu thế ở Long Xuyên, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA):
“Nếu hai tòa Giám mục đều minh bạch được chuyện Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long không hề ký thư uỷ nhiệm như vậy thì tức khắc bí tích truyền hành chức phó tế và Linh mục cho ông GB. Hồ Hữu Hòa tức khắc là vô hiệu bởi vì là do sự lừa dối nên bí tích không thành.

Bí tích được ban cho người có tội trọng thì bí tích tự động không thành nên (ông Hoà- PV) sẽ không là phó tế hay Linh mục gì cả”.

Linh mục Thanh cũng cho biết thêm một bất thường nữa là ngay sau khi được thụ phong Linh mục, GB. Hồ Hữu Hòa đã xin chuyển đến Giáo phận Maasin và được chấp thuận chỉ sau hơn một tháng, trong khi thủ tục xin chuyển giáo phận bình thường phải mất 5 năm.
“Nếu đúng là Đức cha Long đã giới thiệu thì ông Hòa sẽ không mất tịch Giáo phận Vinh cho đến sau năm năm được bên kia chấp nhận. Có nghĩa là trong vòng năm năm đó thì ông Hòa có thể trở về Giáo phận Vinh bất cứ lúc nào vì ông chưa hoàn toàn mất chức giáo sĩ ở Giáo phận Vinh”.

Theo bài viết của Linh mục JB. Lê Ngọc Dũng, thành viên chủ chốt của trang Giáo luật Công giáo, một trang web chuyên giải đáp những vấn đề liên quan đến Bộ Giáo Luật 1983, cho rằng việc “phong chức thánh do man trá vẫn hữu hiệu”.

Theo Linh mục Dũng, “trong những trường hợp truyền chức bị khiếm khuyết về ý chí tự do, bị nhầm lẫn, do lừa gạt, Giáo hội không tuyên bố chức thánh bất thành nhưng lại có thể ban ơn cho phép ra khỏi hàng giáo sĩ nếu giáo sĩ đó xin, hoặc Giáo hội trục xuất một người ra khỏi hàng giáo sĩ do phạm tội nghiêm trọng.

Khi một người ra khỏi hàng giáo sĩ, chức thánh vẫn còn nhưng không được thi hành thánh chức, trừ việc giải tội cho người nguy tử”.
Trong bản minh định về trường hợp Linh mục Hồ Hữu Hòa ngày 10/2, Giám mục Anphong Nguyễn Hữu Long khẳng định văn thư ủy nhiệm có ký tên ông là giả, theo Điều 1391 của bộ Giáo luật 1983 đây là hành vi giả mạo tài liệu thuộc Giáo hội.

“Thông thường, thuộc thẩm quyền Giám mục giáo phận ra hình phạt, hoặc bằng Sắc lệnh Hành pháp hoặc bằng phán quyết Tư pháp, tức là trao cho tòa án giáo phận xét xử và ra bản án.

Tuy nhiên, hình phạt trục xuất ra khỏi hàng giáo sĩ, là hình phạt có tính chung thân, Giám mục giáo phận hay Thẩm phán không có quyền tuyên phạt”, theo trang Giáo luật Công giáo.

Linh mục JB. Lê Ngọc Dũng - Tiến sĩ Giáo Luật tại Đại học Tòa Thánh Urbaniana, Roma, năm 2009 trong bài viết cho rằng, “ở mức độ tội phạm nghiêm trọng, gây scandal lớn Bản quyền nên khởi tố phạm nhân lên Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Bộ Giáo Lý Đức Tin có thẩm quyền xét xử những tội phạm chống lại đức tin, cũng như những tội nghiêm trọng hơn phạm đến luân lý và trong việc cử hành các bí tích”.

Ở mức độ nghiêm trọng nhất, Bộ sẽ đệ trình trực tiếp lên Đức Giáo hoàng, để ngài quyết định trục xuất ra khỏi hàng giáo sĩ và ban miễn chuẩn luật độc thân, vẫn theo Linh mục Dũng.


‘Thật Ghê Tởm!’: Người Việt ở Ukraine Kể Chuyện Sống Dưới Sự Chiếm Đóng của Nga
(Hoàng Long)


(Hình: Ông Nguyễn Đức Chiến đứng tại Quảng trường Tự do của thành phố Kherson khi ông chào đón lực lượng Ukraine tiến vào giải phóng thành phố sau tám tháng nằm dưới sự chiếm đóng của Nga, Ukraine, ngày 11/11/2022.)

Ông Nguyễn Đức Chiến nhớ như in những gì xảy ra vào một ngày tháng 7/2022. Trước mắt ông, ba sĩ quan Nga đổ gục bên bàn thịt nướng cạnh bờ sông Dnipro sau khi một loạt đạn nã vào họ. Những người bắn chết họ thản nhiên cho súng vào túi và quay đi như thể không có chuyện gì xảy ra.

Nỗi căm hận tột độ và sự quả cảm đến không ngờ, đó là những gì ông chứng kiến chỉ trong tích tắc, tại thành phố Kherson nơi ông sinh sống ở miền Nam Ukraine nằm dưới sự chiếm đóng của lực lượng Nga trong suốt 8 tháng.

Sự kháng cự dù bị trấn áp nặng nề nhưng chưa bao giờ tàn lụi, âm ỉ cháy nơi những cư dân phản đối cuộc xâm lược do Tổng thống Vladimir Putin phát động vào ngày 24 tháng 2 nhắm vào nước láng giềng, bao gồm cả những người nói tiếng Nga.
Ông Chiến là một trong những người như vậy. Ông chưa bao giờ rời khỏi thành phố kể từ khi chiến tranh bùng nổ cho đến khi nó được giải phóng hoàn toàn vào tháng 11. Đến thời điểm này, ông là một trong năm người Việt Nam còn bám trụ ở thành phố, ông nói.

“Tôi tự hào được sống trong khoảnh khắc lịch sử này”, ông chia sẻ với VOA trong một cuộc phỏng vấn gần đây nhân dịp kỷ niệm một năm chiến tranh ở Ukraine.

Giải Nobel Hòa Bình, Cũng Là Ân Nhân Của Người Việt Tị Nạn, Carter Chuyển Sang “Chăm Sóc Giai Đoạn Cuối”
(Trọng Thành)

Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter, 98 tuổi, hiện đang được “chăm sóc giai đoạn cuối” tại nhà riêng. Cựu Tổng thống Carter được trao giải Nobel Hòa bình năm 2002 vì “nhiều thập niên nỗ lực không mệt mỏi nhằm tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho các xung đột quốc tế”. Tổng thống Carter, ngay khi lên cầm quyền năm 1977, đã có nhiều nỗ lực để thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Theo quỹ Carter hôm 18/2/2023, cựu Tổng thống 98 tuổi quyết định rời bệnh viện, từ chối mọi can thiệp y tế khác, để dành thời gian những ngày cuối đời cho gia đình. Jimmy Carter là cựu Tổng thống cao tuổi nhất của nước Mỹ hiện còn sống. Hãng tin Pháp loan tin, trong một thông điệp trên Twitter, Jason Carter, cháu trai của cựu Tổng thống, cho biết đã gặp “cả hai ông bà ngày hôm qua”, “cả hai đều bình an, và như thường lệ, ngôi nhà của ông bà tràn ngập tình yêu”.
“Trại David” và Hòa Bình Do Thái-Ai Cập

Cựu Tổng thống Carter được trao giải Nobel Hòa bình năm 2002 vì “nhiều thập niên nỗ lực không mệt mỏi nhằm tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho các xung đột quốc tế”. Ông Carter chỉ cầm quyền một nhiệm kỳ (1977-1981). Thành tích lớn đầu tiên mà Carter đóng góp cho hòa bình là khi ông làm trung gian cho đàm phán Ai Cập và Do Thái, Hiệp ước hòa bình đầu tiên giữa Do Thái và một quốc gia Ả Rập. Các thỏa thuận hướng đến tái lập hòa bình Ai Cập-Do Thái thường được gọi là “Các thỏa thuận Trại David”.

Ngày 17/8/1978, các thỏa thuận đã được ký kết tại Tòa Bạch Ốc, sau 13 ngày thương lượng bí mật tại Trại David, khu nghỉ của Tổng thống Mỹ, ở tiểu bang Maryland, cách Hoa Thịnh Ðốn khoảng 100 cây số. Ngày 26/3/1979, Do Thái và Ai Cập ký Hiệp định hòa bình, hơn 2 năm sau khi Tổng thống Carter lên cầm quyền.

Hiệp ước Hòa bình Ai Cập-Do Thái được coi là cái mốc quan trọng tại vùng Trung Cận Đông, chấm dứt tình trạng chiến tranh kéo dài từ sau Ðệ nhị Thế chiến. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, Jimmy Carter đã có được một uy tín quốc tế rộng lớn do các đóng góp cho hòa bình chỉ sau khi ông rời khỏi Tòa Bạch Ốc.

Tháo Gỡ Khủng Hoảng Nguyên Tử Bắc Hàn, Đối Thoại Với Cuba
Năm 1982, sau khi rời chức vụ, Jimmy Carter lập trung tâm Carter với sứ mạng vì phát triển, y tế, giải quyết hòa bình các xung đột. Theo Liberation, trong hai thập niên, cựu Tổng thống đã liên tục có các nỗ lực trung gian hòa giải tại Nicaragua, Panama, Somalia, Soudan hay Ethiopia.

Năm 1994, ông đã giúp tháo gỡ cuộc khủng hoảng nguyên tử Bắc Hàn, với chuyến công du “chưa từng có” đến Bình Nhưỡng, dự đám tang Kim Nhật Thành. Sau chuyến đi của Carter, Bình Nhưỡng và Hoa Thịnh Ðốn đã ký thỏa thuận song phương tại Geneva. Bắc Hàn cam kết đình chỉ chương trình nguyên tử quân sự, chấp nhận giám sát quốc tế. Thỏa thuận bị đình chỉ thời Tổng thống Bush con lên nắm quyền.

Đầu 2002, ông là lãnh đạo chính trị cao nhất đến Cuba kể từ cuộc cách mạng đầu 1960, nhằm thúc đẩy đối thoại với chế độ Cộng sản Havana. Việc Ủy ban Nobel trao giải Nobel Hòa bình cho Jimmy Carter năm 2002 được coi như một thông điệp nhằm lên án chính sách gây chiến của chính quyền Mỹ, thời Tổng thống Bush con, đối với Iraq. Vào thời điểm đó, Jimmy Carter khẳng định, nếu là Dân biểu, ông sẽ bỏ phiếu chống việc Tổng thống Bush con phát động chiến tranh.

Điều gì giúp cho một thỏa thuận hòa bình được thành công? Cuốn sách “Ce que les Nobel ont à nous dire” (Điều mà các giải Nobel nói với chúng ta), của hai tác giả Mathilde Aubinaud và Philippe Branche, đã dẫn lại một câu nói của Jimmy Carter (trích dẫn của Le Figaro): “Một thỏa thuận (hòa bình) không thể bền vững trừ phi cả hai bên đều thắng” (nguyên văn “Unless both sides win, no agreement can be permanent”). Điều đó có nghĩa là hành động vì lợi ích của người khác cũng là giúp cho lợi ích của chính mình.

Nỗ Lực Bình Thường Hóa Quan Hệ Việt-Mỹ

Gần đây, báo chí Việt Nam nhắc nhiều đến các nỗ lực thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ-Việt, đã là ưu tiên của Tổng thống Carter ngay khi ông lên cầm quyền. Mùa Thu năm 1977, sau nhiều tháng nỗ lực của giới ngoại giao hai nước, khả năng thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Hoa Kỳ có vẻ như trong tầm tay. Về cơ hội bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ bị lỡ thời Jimmy Carter, có nhiều cách giải thích khác nhau.

Một số người cho rằng cơ hội vẫn còn đến cuối năm 1978, tức là khi Việt Nam đã ngả hẳn sang Liên Xô, với việc ký kết một Hiệp ước hợp tác chiến lược toàn diện, để kháng cự lại các đe dọa từ Trung Quốc và Khmer Đỏ. Một số quan điểm khác cho rằng vấn đề chủ yếu nằm ở chỗ ngành ngoại giao Việt Nam đã không thuyết phục được “giới lãnh đạo cấp cao”, mà trong đó, một bộ phận vẫn coi Mỹ là “kẻ thù chiến lược“. Phương châm “hai bên cùng thắng” của Jimmy Carter rút cục đã không thể khai triển trong quan hệ Việt-Mỹ vào thời điểm đó.


Tin Quốc Tế Đó Dây!
Số Người Chết Vì Động Đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria Tăng Lên Hơn 46.000 Người!


(Hình: Cấp cứu động đất ở Syria, ngày 8/2/2023.)
-Hơn 46.000 người đã thiệt mạng trong các trận động đất xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria và con số này dự kiến sẽ còn tăng cao, trong bối cảnh khoảng 345.000 căn nhà ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bị phá hủy và nhiều người vẫn còn mất tích.

Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng giải quyết thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại của nước này, các quan ngại ngày càng tăng đối với các nạn nhân của thảm kịch ở Syria.

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) hiện gây áp lực cho chính quyền ở phía Tây-Bắc ngừng chặn đường tiếp cận khu vực này trong khi họ tìm cách giúp đỡ hàng trăm ngàn người bị tác động bởi động đất.
Người đứng đầu Cơ quan Quản lý Khẩn cấp và Thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ, ông Yunus Sezer cho biết các nỗ lực tìm kiếm và cứu nạn phần lớn sẽ bị chấm dứt vào đêm Chủ Nhật.

Con số người chết vì động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ là ít nhất 40.642 trong khi nước láng giềng Syria đã báo cáo hơn 5.800 người chết, một con số không thay đổi trong nhiều ngày.

Trả lời thông tấn xã Reuters bên lề Hội nghị An ninh Munich, Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới David Beasley cho biết rằng chính phủ Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đã hợp tác rất tốt, nhưng hoạt động của họ đang bị cản trở ở Tây-Bắc Syria.
Cơ quan này tuần trước cho biết đã hết hàng cứu trợ ở đó và kêu gọi mở thêm các cửa khẩu biên giới từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại Syria, vốn đã bị tàn phá bởi hơn một thập kỷ nội chiến, phần lớn các trường hợp tử vong là ở phía Tây-Bắc.
Khu vực này nằm dưới sự kiểm soát bởi quân nổi dậy đang có chiến tranh với các lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad, và điều đó gây ra sự phức tạp trong việc đưa cứu trợ tới người dân.

Các Bác sĩ và chuyên gia bày tỏ lo ngại về khả năng lây nhiễm ở khu vực có hàng chục ngàn tòa nhà sụp đổ vào tuần trước, khiến cơ sở hạ tầng vệ sinh bị hư hại.


Do Thái Không Kích Thủ Đô Syria


(Hình: Một khu vực trúng rocket của Do Thái ở thủ đô Damascus của Syria.)
- Do Thái đã tiến hành một cuộc không kích vào thủ đô Damascus của của Syria hôm Chủ Nhật (19/2/2023), theo SANA, hãng thông tấn của Syria.

Hãng thông tấn SANA đưa tin rằng có 5 người thiệt mạng và 15 người bị thương.
Cuộc tấn công bằng rocket đã đánh trúng khu phố Kafr Sousa của Damascus, gần một khu phức hợp an ninh.

Một số tòa nhà dân cư đã bị đánh trúng trong cuộc không kích.

Do Thái chưa bình luận về vụ tấn công.

Hội Nghị An Ninh Munich: Một Mặt Trận Đoàn Kết Giúp Ukraine Đương Đầu Với Nga

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay trong ngày thứ nhì Hội nghị an ninh Munich, hôm 18/2/2023, lãnh đạo NATO kêu gọi Liên Minh Bắc Đại Tây Dương “cung cấp cho Ukraine những gì cần thiết đề giành lấy chiến thắng trong cuộc xung đột” bởi vì Mạc Tư Khoa không có “kế hoạch cho hòa bình”. Phương Tây thể hiện đoàn kết hơn bao giờ hết với Kyiv. Pháp tuyên bố Nga phải “thất bại” khi xâm chiếm Ukraine.

Phát biểu sáng 18/2, Tổng Thư ký Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO), Jens Stoltenberg, xem việc cung cấp cho Kyiv tất cả những gì cần thiết là một nghĩa vụ của khối để giúp Ukraine “giành lấy chiến thắng và tồn tại với tư cách là một quốc gia có chủ quyền và độc lập” của Âu Châu. Theo ông, từ khi điều quân xâm lược Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin không hề thay đổi tham vọng và không có một “kế hoạch nào cho hòa bình”.

Trước đó, qua cầu truyền hình, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky yêu cầu được giúp đỡ do phương Tây “không có sự chọn lựa nào khác ngoài chiến thắng của Ukraine”. Đáp lời ông Zelensky, Pháp - Đức khẳng định “tăng cường viện trợ cho Kyiv, kể cả viện trợ quân sự”.
Bá Linh trước đây từng thận trọng trong việc cung cấp xe tăng hạng nặng cho Ukraine, nhưng tại hội nghị an ninh Munich lần này, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khuyến khích các quốc gia có công cụ chiến đầu này “cung cấp” cho quân đội Ukraine.

Về phía nguyên thủ Pháp, Emmanuel Macron đã có những lời lẽ hết sức cứng rắn đối với Nga, lên án Ðiện Cẩm Linh đưa quân “xâm lược” Ukraine. Tổng thống Pháp nhấn mạnh Mạc Tư Khoa phải “thất bại” trong mục tiêu đó, chiến tranh Ukraine “và những hậu quả tai hại hiện nay hoàn toàn thuộc về trách nhiệm của nước Nga”. Hơn nữa, Paris coi Nga là một “cường quốc gây bất cân bằng và bất ổn cho thế giới”.

Ông Macron tới nay vẫn bị chỉ trích do chủ trương đối thoại với Mạc Tư Khoa. Trước và sau khi Ðiện Cẩm Linh điều quân xâm chiếm Ukraine, Tổng thống Pháp đã có “cả trăm cuộc điện đàm hay đối thoại trực tiếp” với đồng cấp Nga. Nhưng từ ngày 11/9/2022, điện Elysée không còn trực tiếp liên lạc với Ðiện Cẩm Linh.

Song song với việc lên án Nga gây bất ổn cho thế giới, Tổng thống Pháp nhấn mạnh đến nhu cầu cấp bách của Liên Hiệp Âu Châu về tự chủ tự cường trong quốc phòng. Trả lời đài RFI, tướng Jean Paul Paloméros, nguyên Tổng tham mưu trưởng Không quân Pháp và từng là chỉ huy trong hàng ngũ của NATO, xem đây là một điểm hết sức đáng chú ý trong diễn văn của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại hội nghị Munich lần này:
“Tất cả những gì đang diễn ra tại Ukraine cho thấy chúng ta tuyệt đối phải làm chủ không phận, phải tự chủ về mặt chủ quyền. Thêm vào đó, vụ khinh khí cầu Trung Quốc làm nhiễu thêm toàn cảnh hiện nay. Tôi ghi nhận là trong bài phát biểu, Tổng thống Macron đã nhấn mạnh nhiều đến nền công nghiệp quốc phòng Âu Châu. Đó là điều dễ hiểu nhìn từ góc độ của một nhà lãnh đạo. Một phần lớn trong phát biểu của ông đã tập trung vào chủ đề này. Tổng thống Macron là người duy nhất nhìn vấn đề dưới góc độ đó khi ông nói chúng ta phải làm chủ nền công nghiệp, phải có những sáng kiến.

Ông cũng đã đề cập đến lộ trình được thảo ra tại hội nghị Versailles (hồi tháng 3/2022). Đại để là Tổng thống Pháp cho rằng, đương nhiên trang thiết bị quân sự của chúng ta phải phù hợp, phải đồng bộ với các phương tiện của các nước đồng minh, nhưng Âu Châu phải có một hệ thống sản xuất của riêng mình. Đây phần nào là thông điệp nhắn gửi đến Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào lúc Bá Linh đang mua vào chiến đấu cơ F-35 và phi đạn Patriot của Mỹ”.


Tổng Thống Pháp Muốn Chứng Kiến Nga Bị Đánh Bại ở Ukraine Nhưng Không Bị Nghiền Nát


(Hình: Ông Macron (ngoài cùng bên phải) trong một chuyến thăm đến thủ Kyiv của Ukraine cùng với lãnh đạo Đức, Ý Ðại Lợi và Lỗ Ma Ni.)
- Ngày 19/2/2023, Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ đưa tin cho hay Nga không hài lòng với những bình luận mà Tổng thống Pháp đưa ra trong một cuộc phỏng vấn trên báo.

Ông Emmanuel Macron nói với tờ Le Journal du Dimanche rằng Pháp muốn thấy Nga bị đánh bại ở Ukraine, nhưng không bị nghiền nát.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng bình luận của nhà lãnh đạo Pháp là “vô giá trị” và cho thấy phương Tây đang nói về sự thay đổi chế độ ở Nga.

Ông Macron cũng nói với tờ báo rằng ông không thấy một sự thay thế nào cho nhà lãnh đạo hiện tại của Nga.
Nhà lãnh đạo Pháp nói với tờ báo: “Tất cả các lựa chọn khác ngoài Vladimir Putin trong hệ thống hiện tại đối với tôi đều tồi tệ hơn”.

Nga, do ông Putin lãnh đạo, đã xâm chiếm Ukraine một năm trước.

Báo Cáo: Ukraine Bắn Hạ Khí Cầu ở Kyiv


(Hình: Tổng thống Ukraine, ông Volodomyr Zelenskyy.)
- Ngày 19/2/2023, Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ đưa tin cho hay theo thông tin tình báo cập nhật hàng ngày của Bộ Quốc phòng Anh về Ukraine đăng trên Twitter, Ukraine đã bắn hạ ít nhất 6 khí cầu ở Kyiv hôm thứ Tư (15/2) tuần trước.

Báo cáo cho biết rằng các lực lượng vũ trang Ukraine đã phát giác những quả khí cầu với bộ phản xạ radar ở Kyiv.

Vào ngày 12 tháng 2, lực lượng Không quân Ukraine cho biết đã phát giác các quả khí cầu ở phía Đông Dnipropetrovsk, theo báo cáo.

“Có khả năng những quả khí cầu là của Nga”, Bộ này nói, đồng thời cho biết thêm rằng khí cầu này “có khả năng cho thấy” một chiến thuật thu thập thông tin mới của Nga nhằm thu thập thông tin về các hệ thống phòng không của Ukraine, từ đó có thể “buộc Ukraine phải sử dụng các nguồn dự trữ phi đạn đất đối không và đạn dược có giá trị”.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết không phận Moldova đã bị đóng hôm thứ Ba tuần trước trong vài tiếng đồng hồ vì một vật thể hình khí cầu. “Có khả năng thực tế rằng đây là một khí cầu của Nga đã trôi dạt từ không phận Ukraine”, Bộ này cho biết.
Bộ Quốc phòng không cho biết liệu những quả khí cầu đó có giống với những quả khí cầu gần đây được phát giác và bắn hạ ở Bắc Mỹ hay không.

Tổng thống Ukraine, ông Volodomyr Zelenskyy cho biết trong bài phát biểu hàng ngày hôm thứ Bảy rằng gần như toàn bộ Ukraine đã kết thúc một ngày với hỏa lực mà ông nói là “một sự xác nhận khác về sự kiên cường của chúng ta”.


Mỹ Hoàn Tất Chương Trình Huấn Luyện Tiểu Đoàn Lính Ukraine Đầu Tiên

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay theo thông báo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hôm 17/2/2023, hơn 600 binh sĩ Ukraine đã kết thúc chương trình huấn luyện của Mỹ, được tổ chức tại một căn cứ quân sự của Mỹ tại Đức.

Theo thông tấn xã AFP, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, tướng Pat Ryder, cho biết “trong tuần này, một tiểu đoàn Ukraine đầu tiên đã hoàn tất chương trình đào tạo sử dụng vũ khí với xe thiết giáp Bộ binh M2 Bradley”. M2 Bradley trang bị nhiều súng 25 ly, và một dàn phóng phi đạn chống tăng. Chương trình huấn luyện kéo dài 5 tuần lễ. Ngoài đào tạo sử dụng súng, 635 binh sĩ Ukraine cũng được huấn luyện “các kỹ thuật sơ cứu y tế cơ bản của”, theo tướng Pat Ryder. Đơn vị quân đội Ukraine vừa được tập huấn dự kiến sẽ tham gia các chiến dịch chống lại cuộc tấn công quy mô lớn sắp tới của Nga.

Quân đội Mỹ hôm 17/2 thông báo đã ký hợp đồng với 2 doanh nghiệp quốc phòng General Dynamics Ordnance & Tactical Systems và American Ordnance, để sản xuất khoảng 12.000 đến hơn 20.000 đạn pháo 155 ly/tháng cho Ukraine. Hợp đồng có tổng trị giá hơn 993 triệu Mỹ kim.

Quân đội Ukraine hiện sử dụng từ 4.000 đến 7.000 viên đạn pháo/ngày, nhiều hơn số đạn mà các nhà doanh nghiệp vũ khí phương Tây có thể chế tạo. Hồi tháng 11/2022, một giới chức Mỹ khẳng định quân đội Nga tại Ukraine sử dụng đến 20.000 đạn pháo/ngày. Theo thông tấn xã AFP, số lượng đạn hai bên sử dụng thời gian có giảm, do mùa Đông, và cả Nga và Ukraine đều đối mặt với tình trạng thiếu hụt đạn dược.

Hôm 17/2, một số nguồn tin ngoại giao Âu Châu cho biết, các thành viên khối 27 nước cũng đang xem xét các phương tiện cho phép Liên Hiệp Âu Châu mua chung đạn dược viện trợ Ukraine. Đây sẽ là một chủ đề chính trong cuộc họp các Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu vào ngày 20/2, tại Brussels.

Theo Thủ tướng Estonia, Kaja Kallas, Liên Hiệp Âu Châu (EU) có thể sử dụng 4 tỉ Euro trong Quỹ Âu Châu tạo điều kiện cho Hòa bình (FEP - Facilité Européenne pour la Paix) để mua khoảng 1 triệu đạn pháo 155 ly cho Kyiv. Mới đây, Liên Hiệp Âu Châu đã áp dụng cơ chế mua chung trong việc mua vắc-xin phòng dịch Covid-19.


Chiến Tranh Ukraine: Đức Phong Tỏa Hơn 5,3 Tỉ Euro Tài Sản của Nga

- Ngày 19/2/2023, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay trong khi Liên Hiệp Âu Châu dự kiến công bố loạt trừng phạt thứ 10 nhắm vào Nga ngày 24/2/2023, tròn một năm ngày Mạc Tư Khoa tấn công Ukraine, hơn 20 tỉ Mỹ kim tài sản của Nga đã bị phong tỏa ở 27 nước thành viên Liên Hiệp Âu Châu (EU).

Trong số này, một phần tư bị phong tỏa tại Đức. Con số này sẽ còn tăng thêm trong thời gian tới. Thông tín viên RFI Pascal Thibaut tường trình từ Bá Linh:
“Tổng cộng 5,3 tỉ Mỹ kim tài sản Nga, đối tượng của các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu, đã bị phong tỏa tại Đức. Số liệu này được nhật báo Welt am Sonntag trích dẫn từ thông tin của Bộ Tài chánh Đức. Khối tài sản này thuộc về nhiều thực thể như Ngân hàng Trung ương Nga, nhiều doanh nghiệp và cá nhân bị trừng phạt. Chính phủ Đức đã không muốn trả lời câu hỏi của tờ báo Đức về tổng số tài sản thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga.

Số tiền chắc sẽ còn tăng lên, bởi vì ủy ban được thành lập để áp dụng các biện pháp trừng phạt mới chỉ bắt đầu nhiệm vụ từ đầu năm 2023, hiện có 36 người. Số nhân viên sẽ còn tăng lên. Ủy ban có nhiệm vụ lập danh sách đầy đủ khối tài sản nằm trong khuôn khổ các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga có tại Đức, sau đó sẽ được đăng trên trang web. Nhưng hiện giờ việc này chưa được tiến hành.

Hôm 17/2, Brussels cho biết là tới giờ, hơn 21 tỉ Euro tài sản của Nga đã bị phong tỏa ở 27 nước thành viên Liên Hiệp Âu Châu. Chính quyền Kyiv đề nghị số tiền đó phải được sử dụng để tái thiết Ukraine. Tuy nhiên, việc đó không hề đơn giản về mặt pháp lý”.

Hòa Lan Trục Xuất Nhân Viên Ngoại Giao Nga Vì Nghi Ngờ Gián Điệp

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay ngày 18/2/2023, Bộ Ngoại giao Hòa Lan thông báo trục xuất hơn một chục nhân viên ngoại giao Nga, đóng cửa phòng Thương Vụ của Tòa Ðại sứ Nga tại Amsterdam. Lý do những người này bị cáo buộc làm gián điệp cho Mạc Tư Khoa, dọ thám Hòa Lan.

Chiến tranh Ukraine và vụ tai nạn máy bay MH17 hồi 2014, đa số nạn nhân là người Hòa Lan, làm dấy lên căng thẳng giữa The Hague và Mạc Tư Khoa. Thông tín viên Laure Broulard của Đài RFI từ Brussels (thủ đô của Bỉ) cho biết thêm thông tin:
“Trên Twitter, Ngoại trưởng Wopke Hoekstra tố cáo Nga lấy danh nghĩa nhân viên ngoại giao để ‘liên tiếp’ tìm cách gài gián điệp tại Hòa Lan, đó là hành vi ‘không thể chấp nhận được’. Đây là lý do vì sao Hòa Lan hạn chế số nhân viên ngoại giao Nga trên lãnh thổ quốc gia. Về quyết định đóng cửa phòng Thương Vụ của Nga tại Amsterdam kể từ ngày 21/2/2023, chính phủ Hòa Lan nêu bật yếu tố Nga liên tiếp vi phạm luật pháp quốc tế về nhân quyền tại Ukraine.

Tòa Lãnh sự Hòa Lan tại Saint Petersburg cũng sẽ phải đóng cửa nhưng do vấn đề thiếu nhân sự bởi The Hague và Mạc Tư Khoa đều từ chối cấp visa cho các nhân viên ngoại giao. Cách nay một năm, khi chiến tranh Ukraine khai mào Hòa Lan đã trục xuất 17 viên chức Nga bị nghi ngờ làm gián điệp. Mạc Tư Khoa trục xuất 15 người để trả đũa. Quan hệ song phương đặc biệt căng thẳng từ tháng 11/2022 khi một tòa án tại The Hague kết tội hai công dân Nga về trách nhiệm trong vụ tai nạn máy bay MH17 hồi 2014, làm gần 200 công dân Hòa Lan thiệt mạng”.


Putin và Lukashenko Hội Kiến: Belarus Sẵn Sàng Sản Xuất Chiến Đấu Cơ Su-25 Cho Nga

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp lãnh đạo quốc gia đồng minh Belarus tại dinh thự Novo-Ogaryovo, ngoại ô thủ đô Mạc Tư Khoa, vào hôm 17/2/2023. Tổng thống Belarus tuyên bố sẵn sàng sản xuất phi cơ chiến đấu SU-25 cho quân đội Nga. Cuộc hội kiến giữa hai lãnh đạo Nga-Belarus diễn ra một tuần trước dịp tròn 1 năm ngày Nga tấn công Ukraine.

Theo thông báo của Ðiện Cẩm Linh, Tổng thống Belarus, ông Alexander Lukashenko khẳng định việc sản xuất SU-25 có thể bắt đầu tại Belarus, với điều kiện Nga chuyển giao một số kỹ thuật. Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), trụ sở tại Mỹ, dựa trên các nguồn tin từ Nga và Belarus cho biết, Nga có thể được phép sử dụng các nhà máy Belarus vào việc sản xuất các phương tiện cần thiết cho quân đội Nga, theo cam kết của lãnh đạo Belarus. Tổng thống Lukashenko cũng cho biết Belarus có thể sản xuất linh kiện điện tử cho Nga, để bù lại một phần các khoản thiếu hụt do trừng phạt phương Tây.

Cũng trong cuộc họp hôm 17/2 với ông Putin, Tổng thống Belarus khẳng định đã hoàn tất 80% nội dung của 28 chương trình phục vụ cho việc xây dựng Liên minh hai nhà nước Nga và Belarus, trong đó có kế hoạch về hợp nhất về thuế quan và các sắc thuế trong nước. Kế hoạch hợp nhất về thuế quan là một nội dung căn bản trong dự án thành lập Liên minh. Dự án xây dựng Liên minh hai nhà nước Nga-Belarus, khởi sự từ năm 1999, dự kiến hoàn tất năm 2019. Tuy nhiên, cho đến nay, Tổng thống Belarus đã liên tục trì hoãn việc thực thi kế hoạch hợp nhất về thuế quan. Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh ISW, quyết định nói trên của Tổng thống Belarus là một “thắng lợi” đối với Ðiện Cẩm Linh.

Về khả năng Belarus đưa quân tham chiến tại Ukraine, trong một cuộc họp báo tại Minsk ngay trước chuyến đi Nga, lãnh đạo Belarus khẳng định sẽ không đưa quân sang Ukraine, chừng nào Belarus chưa bị Ukraine tấn công. Trong buổi họp báo hôm 16/2, Tổng thống Belarus nhấn mạnh sẽ giáng trả mạnh mẽ, “chỉ cần một người lính Ukraine với một vũ khí xâm nhập” Belarus.

Belarus từng được chính quyền Putin sử dụng làm bàn đạp cho cuộc tấn công quy mô lớn của Nga vào miền Bắc Ukraine hồi tháng 2 năm 2022. Theo Viện ISW, từ cuối năm 2022, các huấn luyện viên quân sự Belarus bắt đầu đào tạo tân binh Nga trên đất Belarus, trước khi họ được đưa sang Ukraine.


Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Thăm Thổ Nhĩ Kỳ


(Hình: Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken..)
- Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ hôm Chủ Nhật (19/2/2023), để quan sát trực tiếp hậu quả tàn khốc của trận động đất mạnh 7,8 độ richter đã làm hơn 46.000 người chết và khiến hàng triệu người mất nhà cửa ở Thổ Nhĩ Kỳ và nước láng giềng Syria.

Khi ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông dự kiến sẽ gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và người đồng cấp Mevlut Cavusoglu.

Các cuộc gặp của nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ tại Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra sau chuyến thăm Hoa Thịnh Ðốn của ông Cavusoglu vào tháng trước. Hai đồng minh NATO đã cố gắng hàn gắn những bất đồng về cuộc xâm lược Ukraine của Nga, cộng với nỗ lực gia nhập Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển và Phần Lan.

Bất chấp mọi khó khăn, các nhân viên cấp cứu đã tiếp tục cứu người ra khỏi đống đổ nát của trận động đất ngày 6 tháng 2, nhưng người đứng đầu cơ quan ứng phó thảm họa của đất nước cho biết nỗ lực của họ sẽ kết thúc vào Chủ Nhật.


Dự Luật Hưu Trí: Hạ Viện Pháp Khép Lại 10 Ngày Tranh Luận Trong Không Khí Căng Thẳng

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 17/2/2023, Hạ viện Pháp đã chấm dứt đợt thảo luận về Dự luật hưu trí, hiện đang bị phản đối mạnh trong công luận Pháp. Dự luật kể từ giờ được chuyển sang Thượng viện. Sau 10 ngày tranh luận, rút cục chỉ có 2 trong tổng số 20 điều của Dự luật được các Dân biểu thảo luận. Lý do chính là do nỗ lực cản trở từ phía nhiều Dân biểu cánh tả, trong lúc phe của Tổng thống cùng cánh hữu cũng không có nỗ lực thúc đẩy.

Phóng sự của phóng viên RFI Aurélien Devernoix từ Hạ viện Pháp ghi nhận không khí căng thẳng cao độ vào thời điểm khép lại đợt thảo luận về Dự luật cải cách hưu trí:
“Các vị đã nhục mạ chúng tôi suốt 15 ngày vừa qua, nhưng không ai bị khuất phục, chúng tôi vẫn đứng vững trước các vị để tiếp tục cuộc cải cách”, Bộ trưởng Lao Động Olivier Dussopt phẫn nộ, giọng ông gần như tắc lại. Tiếng kêu của Bộ trưởng Lao Động Dussopt đã khép lại các cuộc tranh luận tại Hạ viện Pháp về Dự luật hưu trí.

Nghị sĩ phe của Tổng thống Erwan Balanant tóm tắt 10 ngày tranh luận như sau: “Đã có một thứ nỗ lực phá hoại hoạt động của nghị viện để thảo luận không thể diễn ra”. Lãnh đạo đảng cánh hữu Những người Cộng hòa LR, ông Eric Ciotti, điểm mặt “thủ phạm”: “Chính đảng Nước Pháp Bất Khuất đã hủy hoại cuộc thảo luận dân chủ tại Quốc hội”.

Quan điểm của bên đảng Nước Pháp Bất Khuất dĩ nhiên là rất khác. Chủ tịch nhóm Nghị sĩ đảng này, bà Mathilde Panot, nhận định: “Chúng tôi đã làm được một công việc hữu ích khi chúng tôi lật tẩy những lời lẽ dối trá của chính phủ. Họ đã không thể nói chính xác với chúng tôi là người lao động phải đóng góp tổng cộng bao nhiêu năm cho lương hưu. Chúng tôi biết là họ dối trá về vấn đề thất nghiệp mà cuộc cải cách này sẽ tạo ra”.

Tuy nhiên thái độ gây sốc và thủ đoạn phá rối của đảng Nước Pháp Bất Khuất khiến nhiều đồng minh bất bình, trong số họ có các Nghị sĩ đảng Xã Hội của Olivier Faure. Lãnh đạo đảng Xã Hội thừa nhận: “Thực sự đã có một sự khác biệt về chiến lược, chiến thuật hành xử”. Ông Olivier Faure đặt hy vọng vào giai đoạn tiếp theo: “Theo như yêu cầu của liên hiệp các nghiệp đoàn, cần phải tổng đình công toàn quốc vào ngày 7/3. Và cuộc bãi công chắc chắn sẽ kéo dài”.

Với không khí như trong một cuộc biểu tình trên đường phố mà các Dân biểu đảng Nước Pháp Bất Khuất đã hát vang khi rời khỏi Nghị trường. Văn bản Dự thảo cải cách hưu trí sẽ được chuyển qua Thượng viện, việc thảo luận sẽ diễn ra tại đây trong không khí kín đáo, khác hẳn với Hạ viện”.


Ngoại Trưởng Nam Hàn: Cuộc Tấn Công của Nga ở Ukraine Khuyến Khích Bắc Hàn


(Hình: Ngoại trưởng Nam Hàn Park Jin.)
- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay hôm thứ Bảy (18/2/2023), Ngoại trưởng Nam Hàn Park Jin nói rằng cuộc tấn công của Nga vào Ukraine và sự chú ý toàn cầu về cuộc chiến đó đã khuyến khích Bắc Hàn phóng một phi đạn-đạn đạo tầm xa ra vùng biển ngoài khơi bờ biển phía Tây của Nhật Bản trước đó trong ngày.

Vụ phóng phi đạn đầu tiên của Bắc Hàn kể từ ngày 1 tháng 1 rõ ràng cho thấy “ý định tiến hành thêm các hành động khiêu khích”, ông Park phát biểu tại một hội thảo tại hội nghị an ninh toàn cầu ở Munich, Đức.

“Tiếp theo, nếu Bắc Hàn tiến hành vụ thử nguyên tử lần thứ 7, vốn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, thì đó sẽ là một yếu tố thay đổi cuộc chơi, theo nghĩa là Bắc Hàn có thể phát triển và khai triển phi đạn nguyên tử chiến thuật”, ông nói.


Hoa Kỳ và Nam Hàn Sắp Tập Trận, Bắc Hàn Đe Dọa


(Hình: Bắc Hàn phô diễn sức mạnh quân sự trong một cuộc diễu binh ngày 8/2/2023.)
- Hôm 17/2/2023, Cộng sản Bắc Hàn đe dọa sẽ có ‘những phản ứng mạnh mẽ, nhất quán chưa từng có’ nếu Nam Hàn và Mỹ vẫn tập trận quân sự theo kế hoạch, cáo buộc hai nước đồng minh này làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Trong một tuyên bố được truyền thông nhà nước KCNA đăng tải, Bộ Ngoại giao Bắc Hàn cũng cho biết họ sẽ xem xét hành động quân sự bổ sung nếu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, dưới ảnh hưởng của Mỹ, tiếp tục gây sức ép với Bình Nhưỡng.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Nam Hàn và Mỹ chuẩn bị cho các cuộc tập trận quân sự hàng năm nằm trong nỗ lực đẩy lùi mối đe dọa nguyên tử và phi đạn ngày càng tăng của Cộng sản Bắc Hàn.

Hai nước đồng minh sẽ tổ chức các cuộc tập trận thảo luận tình huống ở Hoa Thịnh Ðốn vào tuần tới nhằm cải thiện hoạt động của năng lực nguyên tử của Mỹ và tổ chức các cuộc tập trận thường kỳ vào mùa Xuân có tên là Freedom Shield vào tháng tới tại Nam Hàn, Bộ Quốc phòng nước này cho biết hôm 17/2.


Nhà Ngoại Giao Hàng Đầu Trung Quốc Nhắc Lại Lời Kêu Gọi Đối Thoại Về Khủng Hoảng Ukraine


(Hình: Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ở Munich, Đức, ngày 18 tháng 2 năm 2023.)
- Trung Quốc “không bàng quan cũng không đổ thêm dầu vào lửa” liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine, và tiếp tục kêu gọi hòa bình và đối thoại, nhà ngoại giao hàng đầu Vương Nghị phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ngày thứ Bảy (18/2/2023).

“Tôi đề nghị mọi người bắt đầu suy nghĩ một cách bình tĩnh, đặc biệt là những người bạn ở Âu Châu, về những nỗ lực mà chúng ta có thể thực hiện để dừng cuộc chiến này”, ông Vương, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói.

Ông Vương cũng nói có “một số thế lực dường như không muốn các cuộc đàm phán thành công, hoặc muốn chiến tranh sớm kết thúc”, mà không nói rõ ông đang đề cập đến ai.
Trung Quốc sẽ đưa ra quan điểm của mình về việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine trong một văn bản nêu rõ sự toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia phải được tôn trọng, ông Vương nói.

Khi được yêu cầu trấn an cử tọa rằng leo thang quân sự sẽ không xảy ra ở eo biển Đài Loan, ông Vương nói rằng “các lực lượng độc lập” của Đài Loan không tương thích với hòa bình.
Trung Quốc tuyên bố đảo Đài Loan được cai trị dân chủ thuộc chủ quyền của họ.

“Nếu chúng ta muốn duy trì hòa bình xuyên Eo biển Đài Loan, chúng ta phải kiên quyết phản đối Đài Loan độc lập, và chúng ta phải kiên quyết duy trì chính sách một Trung Quốc”.


Hoa Kỳ và Trung Quốc Chưa Nối Lại Đối Thoại Về Quân Sự

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 17/2/2023, Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Tòa Bạch Ốc, ông John Kirby nói rằng sau vụ Mỹ bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc, đối thoại về ngoại giao đã được nối lại, nhưng các trao đổi ở cấp quân sự thì “chưa”.

Dù vậy, đây chưa phải là thời điểm để Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken công du Trung Quốc, sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông báo hủy chuyến đến Bắc Kinh của ông Blinken ban đầu được dự trù vào ngày 5 và 6/2/2023. Tuy nhiên, “bất chấp căng thẳng”, cơ quan ngoại giao của hai nước đã “nối lại đối thoại”, “đường dây điện thoại của Ngoại trưởng Blinken vẫn được để ngỏ”. Theo các nguồn tin báo chí, Ngoại trưởng Antony Blinken dự trù có một cuộc họp song phương với đối tác Trung Quốc Vương Nghị bên lề Hội nghị an ninh quốc tế tại Munich, Đức.

Thế nhưng, liên lạc giữa Ngũ Giác Đài với Bộ Quốc phòng Trung Quốc thì “khó khăn hơn nhiều”, theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters. Theo lời ông John Kirby, “nhiều kênh liên lạc giữa các bộ phận quân sự” của hai nước đã bị gián đoạn từ sau vụ khinh khí cầu Trung Quốc xuất hiện trên bầu trời Mỹ và xa hơn nữa là từ tháng 8/2022 - khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi công du Đài Loan.

Dự Hội nghị an ninh tại Munich, Đức, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris nhắc lại việc bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc dọ thám Hoa Kỳ là điều “cần thiết”. Hoa Thịnh Ðốn chủ trương đối thoại với Bắc Kinh, nhưng quả bóng dọ thám vừa qua “không giúp ích gì” cho việc giảm thiểu căng thẳng.

Về phần lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc, cũng tại Munich, ông Vương Nghị sáng nay một lần nữa lên tiếng về vụ Mỹ bắn hạ quả khinh khí cầu hôm 4/2. Ông coi đây là “điều không tưởng” và gọi phản ứng của Mỹ là “thái quá” và “phi lý”.


Vụ Mua Vắc-Xin Pfizer: Báo Mỹ Kiện Brussels, Đòi Minh Bạch Các Tin Nhắn

- Ngày 19/2/2023, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay về đòi hỏi thông tin minh bạch trong việc Liên Hiệp Âu Châu (EU) mua gần 2 tỉ liều vắc-xin Pfizer ngừa Covid-19, trung tuần tháng Hai này, truyền thông quốc tế loan tải vụ báo Mỹ New York Times kiện Ủy Ban Âu Châu. Lý do là Ủy Ban Âu Châu từ chối cung cấp các tin nhắn giữa Chủ tịch Ủy Ban Châu Ursula von der Leyen và Tổng Giám đốc của tập đoàn dược phẩm Pfizer trong quá trình thương lượng mua vắc-xin.

Theo Hiến chương về các quyền căn bản của Liên Hiệp Âu Châu (điều 42), các định chế của Liên Hiệp có trách nhiệm minh bạch mọi văn bản của chính quyền. Ủy Ban Âu Châu đã công bố một số tài liệu liên quan đến vụ mua bán này, bao gồm thư điện tử, nhưng việc minh bạch các tin nhắn trên điện thoại là điều chưa từng có. Thông tín viên Thomas Harms của Đài RFI tường trình từ Houston (tiểu bang Texas, Hoa Kỳ):

“Các tin nhắn có thể chứa thông tin về việc các nước thành viên Liên Hiệp Âu Châu mua 1,8 tỉ liều vắc-xin chống Covid với giá 19,50 Mỹ kim/liều. Đã có rất nhiều tiền được bỏ ra liên quan đến vụ mua bán này. Báo New York Times khiếu kiện lên Tòa án Công lý Âu Châu để buộc Ủy Ban Âu Châu phải tuân thủ luật, theo đó, định chế này có nghĩa vụ cung cấp các tin nhắn.

Nhật báo Mỹ nói trên đã là phương tiện truyền thông đầu tiên tiết lộ về vụ này vào tháng 4/2021, khi Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu cho một phóng viên New York Times biết là đã trực tiếp trao đổi với lãnh đạo của công ty Pfizer để có được vắc-xin với số lượng lớn.

Các tin nhắn này cũng đã từng được một nhà báo của trang mạng điều tra Đức netzpolitik.org đòi được tra cứu, căn cứ vào quyền của các công dân Âu Châu được tiếp cận mọi tài liệu chính thức của Liên Hiệp, bất kể với phương tiện chuyển tải nào, như đã được nói rõ trong bản tiếng Anh của Hiến chương các quyền căn bản của Liên Hiệp Âu Châu.

Người phóng viên này đã nhận được một số thư điện tử, nhưng chưa bao giờ nhận được các tin nhắn trao đổi liên quan đến vụ mua vắc-xin Pfizer của Âu Châu. Theo Ủy Ban Âu Châu, các tin nhắn đã không được lưu lại, do tính chất nhất thời của chúng”.

Về vấn đề này, theo trang mạng Euractiv, Phó Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu Margaritis Schinas, ngày 26/10/2022 tuyên bố: “tính chất phức tạp của các hợp đồng này khiến không ai có thể thương thuyết thông qua các tin nhắn, hoặc chỉ bằng tin nhắn. Đây là một tiến trình được quy định rất bài bản giữa các nước thành viên và Ủy ban”.

Vụ kiện của báo Mỹ không phải là vụ kiện đầu tiên lên Tư pháp trong việc này. Nhật báo Đức Bild từng khiếu nại Ủy Ban Âu Châu, và đã được cung cấp nhiều thư điện tử và tài liệu liên quan đến các thương thuyết về hợp đồng mua vắc-xin Covid-19 của Pfizer/BioNtech và AstraZeneca, nhưng chưa bao giờ được cung cấp các tin nhắn điện thoại.


Tân Gia Ba Cảnh Báo Một “Xung Đột Nhỏ” Có Thể Làm Bùng Phát Chiến Tranh Tại Á Châu

- Chiến tranh nếu bùng phát tại Á Châu sẽ “không chỉ tàn phá lục địa này, mà là cả thế giới”, và một số “sự kiện nhỏ” có thể châm ngòi cho chiến tranh. Trên đây là cảnh báo của Bộ trưởng Quốc phòng Tân Gia Ba hôm 17/2/2023, về hậu quả thảm khốc nếu để chiến tranh bùng phát.
Tại Diễn đàn An ninh Quốc tế ở Munich, Bộ trưởng Quốc phòng Tân Gia Ba, Tiến sĩ Ng Eng Hen, khẳng định không khí căng thẳng đang gia tăng, và Đài Loan có thể là “một yếu tố quyết định mạnh”.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng Tân Gia Ba nhấn mạnh, trong hiện tại các bên đều muốn tránh xung đột, nhưng bất cứ hành động nào của Đài Loan hướng đến độc lập sẽ buộc Trung Quốc phản ứng mạn
Theo Tiến sĩ Ng Eng Hen, Bắc Kinh sẽ coi việc Đài Loan tuyên bố độc lập là một bất công mới mà Trung Quốc phải gánh chịu, tiếp theo nhiều “Hiệp ước bất bình đẳng” với phương Tây trong lịch sử, và không lãnh đạo Trung Quốc nào có thể chấp nhận điều đó.

Tiến sĩ Ng Eng Hen nhắc lại việc các sự kiện nhỏ cũng có thể là ngòi nổ cho xung đột, khi đưa ra ví dụ về những gì đã dẫn đến việc Ðệ nhất Thế chiến bùng nổ. Lãnh đạo Bộ Quốc phòng Tân Gia Ba Ng Eng Hen dẫn lại các sự việc đáng lo ngại gần đây như phi cơ quân sự của Trung Quốc và Hoa Kỳ áp sát nhau tại Biển Đông trong phạm vi chỉ ít mét và khinh khí cầu giám sát của Trung Quốc hoạt động trên lãnh thổ Mỹ.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Tân Gia Ba, “hồi trống trận vẫn chưa bắt đầu vang lên thành tiếng”, “nhiệt độ chưa đạt đến mức làm sôi nước, nhưng chắc chắn đang gia tăng, chúng ta phải làm mọi thứ để có thể hạ nhiệt”.


Thủ Tướng Thái Lan Giải Tán Quốc Hội Sớm


(Hình: Bà Paetongtarn Shinawatra, người đang dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử ở Thái Lan.)
- Trong đầu Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha ‘đã nghĩ về một ngày’ để giải tán Quốc hội, điều mà ông nói sẽ diễn ra trước khi nhiệm kỳ chính phủ kết thúc vào cuối tháng Ba tới.

Ông từ chối tiết lộ ngày tháng này trong bài phát biểu trước báo giới vào cuối ngày 16/2/2023, lần đầu tiên ông Prayuth nói Quốc hội sẽ sớm bị giải tán. Theo lịch trình trong Hiến pháp, bầu cử phải được tổ chức chậm nhất là vào tháng Năm.

Cuộc bầu cử có thể đưa đến trận quyết đấu đầy thù địch để tranh chức Thủ tướng giữa hai cựu tướng lãnh quân đội bảo hoàng trước gia đình tỉ phú Shinawatra. Chính phủ được bầu của ông Shinawatra đã bị các tướng lĩnh góp phần lật đổ trong các cuộc đảo chính vào năm 2006 và 2014.

Ông Prayuth, 68 tuổi, đã có tỷ lệ ủng hộ thấp trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây so với lãnh đạo Đảng Pheu Thai Paetongtarn Shinawatra, con gái 36 tuổi của Thaksin Shinawatra và cháu gái gọi bà Yingluck Shinawatra là cô ruột – cả hai đều là cựu Thủ tướng Thái Lan đang sống lưu vong.

Ông dự kiến cũng sẽ cạnh tranh với ông Prawit Wongsuwan, 77 tuổi, người bồi dưỡng cho ông trong quân đội, Phó Thủ tướng trong chính phủ của ông và là tay buôn vua kỳ cựu. Cả hai ông đều thuộc trung đoàn quân đội hoàng gia.
Việc giải tán Quốc hội sớm có thể có lợi cho ông Prayuth, người hồi tháng trước đã gia nhập Đảng Nước Thái Đoàn kết (UTN) mới, vì nó sẽ cho phép đảng tuyển mộ thêm nhiều thành viên hơn.

Theo quy định bầu cử, việc giải tán sớm Quốc hội sẽ giảm thời gian đảng viên tối thiểu đối với các ứng cử viên từ 90 ngày xuống còn 30 ngày.

Đảng của ông Prayuth cần phải làm nhiều và hiện đứng thứ sáu trong cuộc thăm dò dư luận được hồi tháng trước chỉ với 4,8% người ủng hộ. Đảng Pheu Thai đứng đầu với 23,4%.
Ông Prayuth lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính hồi năm 2014. Khi đó ông hứa hẹn ông chỉ nắm quyền tạm thời. Ông là Thủ tướng của tập đoàn quân sự và vẫn giữ chức Thủ tướng sau cuộc bầu cử năm 2019.


Tin Việt Nam Hôm Nay

Bộ Trưởng Quốc Phòng Nam Hàn Bác Bỏ Mọi Cáo Buộc Thảm Sát Trong Chiến Tranh Việt Nam


(Ảnh: Bộ trưởng Quốc phòng Nam Hàn Lee Jong-sup.)
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay vào ngày 17/2/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Nam Hàn lên tiếng khẳng định binh sĩ Nam Hàn không gây nên bất cứ vụ thảm sát nào khi tham chiến tại Việt Nam.

Bộ trưởng Lee Jong-sup cũng cho biết chính phủ Hán Thành sẽ kháng cáo phán quyết mà một tòa tại nước ông tuyên yêu cầu bồi thường cho một người là nạn nhân một vụ nổ súng tại làng Phong Nhị ở tỉnh Quảng Nam, Việt Nam hồi năm 1968.

Hãng thông tấn AP dẫn phát biểu của Bộ trưởng Lee trước một ủy ban Quốc hội Nam Hàn như vừa nêu. Ông này cho biết thêm sẽ thảo luận với những cơ quan liên quan để có quyết định về những bước tiếp theo trong vụ kiện.

Ông Lee Jong-sup lặp lại quan điểm của chính phủ Nam Hàn rằng tình hình vào thời điểm cuộc chiến Việt Nam rất phức tạp. Có nhiều trường hợp giả dạng mặc quân phục lính Nam Hàn, và phán quyết của tòa làm phương hại đến danh dự của quân đội Nam Hàn.

Vào ngày 7/2 vừa qua, Tòa Quận Trung tâm Hán Thành ra phán quyết Chính phủ phải bồi thường ba triệu won (tương đương chừng hơn 24 ngàn Mỹ kim) cho bà Nguyễn Thị Thanh, 62 tuổi - người đứng đơn kiện với tư cách là nạn nhân sống sót trong vụ nổ súng tại làng Phong Nhị mà thủ phạm theo bà này là Thủy quân Lục chiến Nam Hàn.

Theo tài liệu của phía Hoa Kỳ và lời kể của những người còn sống, có hơn 70 người dân bị giết và chừng 20 người khác bị thương trong cuộc hành quân tìm diệt của Thủy quân Lục chiến Nam Hàn tại làng Phong Nhị và làng gần bên là Phong Nhứt hồi tháng 2/1968.

Bà Nguyễn Thị Thanh lúc đó bảy tuổi bị trúng đạn rồi được cứu chữa; nhưng năm người khác trong gia đình bà đã chết. Vào năm 2020, bà đệ đơn kiện Chính phủ Nam Hàn và ra tòa làm chứng hồi tháng tám năm 2022.

Trong cuộc chiến Việt Nam, Nam Hàn tham chiến với hơn 320 ngàn quân.


54/61 Tỉnh, Thành Bị Kết Luận Sai Phạm Trong Mua Sắm Trang Thiết Bị, Vật Tư Chống Covid-19


(Ảnh: Giám đốc Phan Quốc Việt và bộ test kit COVID-19.)

- Đài Á Châu Tự Do đưa tin cho hay theo kết luận được đưa ra trong báo cáo của Thanh tra Chính phủ được ký ban hành hôm 16/2/2023, 54/61 tỉnh, thành phố tại Việt Nam bị kết luận có sai phạm trong công tác mua sắm trang thiết bị, vật tư chống COVID-19.
Báo cáo được thực hiện do cử tri có ý kiến về vụ án bộ test kit Việt Á và được gửi cho Quốc hội Khóa XV trước kỳ họp thứ tư sắp đến.

Theo Thanh tra Chính phủ Việt Nam, 54/61 tỉnh, thành phố có gần 5 ngàn gói thầu trên tổng số gần 16 ngàn gói bị kết luận sai phạm. Một số vụ có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.

Tỷ lệ vi phạm tại một số địa phương qua kiểm tra xác suất một số đơn vị, cơ sở y tế được nêu như sau: Thành phố Đà Nẵng 100%; Hải Phòng gần 99%; Quảng Trị hơn 92%; Nam Định hơn 91%, Bình Thuận gần 90%; Cần Thơ hơn 89%; Vĩnh Long hơn 85%; các tỉnh Cao Bằng, Điện Biên, Ninh Bình, Hà Giang cùng trên 70%....

Trong đại dịch COVID-19, tại Việt Nam xảy ra 2 vụ đại án là vụ test kit Việt Á và vụ các chuyến bay giải cứu.
Công ty Cổ phần Việt Á bị cáo buộc đã thổi giá bộ xét nghiệm COVID-19 lên khoảng 45% và “lại quả” cho các đối tác 800 tỉ đồng.

Theo số liệu của Bộ Công an CSVN, tính đến nay đã có hơn 100 người bị khởi tố liên quan đến “đại án” Việt Á. Trong số này, gần 100 viên chức ở cấp trung ương và địa phương bị vướng vào vòng lao lý, trong đó có người từng là Ủy viên Trung ương. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phải ra đi và lên tiếng thanh minh vợ, con, người thân của ông không dính líu gì đến vụ đại án Việt Á.

Trong vụ các chuyến bay giải cứu, 15 viên chức chính phủ và nhiều lãnh đạo công ty du lịch liên can đã bị bắt với các tội danh “nhận hối lộ, đưa hối lộ, chiếm đoạt tài sản”. Những hành vi vi phạm xảy ra khi Chính phủ Hà Nội cho thực hiện những chuyến bay gọi là “giải cứu” đưa công dân Việt Nam bị kẹt tại những nơi xảy ra dịch COVID-19. Số tiền hối lộ trong “cuộc giải cứu” được Công an cho biết lên đến hằng triệu Mỹ kim.


Tàu Đánh Cá của Việt Nam Bị Phát Giác Trong Vùng Đặc Quyền Kinh Tế của Phi Luật Tân và Nam Dương


(Ảnh: Tàu tuần duyên của Nam Dương giữ một tàu đánh cá Việt Nam gần khu vực quần đảo Natuna của Nam Dương hôm 26/7/2020.)
- Đài Á Châu Tự Do đưa tin cho hay vào ngày 17/2/2023, Tuần duyên Phi Luật Tân thông báo một tàu đánh cá mang cờ Việt Nam bị Tuần duyên Phi Luật Tân chặn lại trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Cụ thể, sự việc diễn ra vào ngày 9/2 khi Tàu BRP Teresa Magbanua của Tuần duyên Phi Luật Tân bắt gặp một tàu đánh cá mang cờ Việt Nam tại khu vực Bãi Cỏ Rong mà Manila cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này.

Tàu Tuần duyên Phi Luật Tân đã phát loa yêu cầu tàu đánh cá Việt Nam rời khỏi khu vực, đồng thời thả thuyền để tiến hành biện pháp khám xét. Chiếc tàu đánh cá Việt Nam đã nhanh chóng rời khu vực Bãi Cỏ Rong khi bị yêu cầu.
Trong diễn biến liên quan, Tổ chức Sáng kiến Công lý Đại dương Nam Dương (IOJI) thông tin từ đầu tháng hai vừa qua đến nay có 155 tàu đánh cá Việt Nam bị phát giác trong vùng biển mà Jakarta cho là thuộc đặc quyền kinh tế của Nam Dương.

Tổ chức này cho rằng cần phải tuyên truyền về thỏa thuận mà hai phía Nam Dương, Việt Nam đạt được hồi tháng 12 năm 2022 khi kết thúc đàm phán về biên giới các Vùng đặc quyền kinh tế giữa hai phía.
Lúc đó Tổng thống Nam Dương Joko Widodo phát biểu rằng “Sau 12 năm đàm phán kỹ lưỡng, cuối cùng, Nam Dương và Việt Nam đã kết thúc đàm phán về ranh giới vùng đặc quyền kinh tế của hai nước dựa trên Công ước UNCLOS năm1982”.

Nam Dương không có tranh chấp lãnh hải với các nước khác tại Biển Đông; trong khi đó Phi Luật Tân, Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Brunei và Mã Lai Á có những tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại khu vực biển giàu tài nguyên thiên nhiên dầu khí, hải sản và là một trong những tuyến đường biển quan trọng trên thế giới này.


Băng Tan Làm Nước Biển Dâng Ảnh Hưởng Đến Hàng Triệu Người Dân Vùng Ven Biển


(Hình: Ngư dân làm việc trên bờ biển ở Đà Nẵng.)
- Các tảng băng lớn ở vùng Greenland và Nam Cực sẽ có nhiều khả năng tan vỡ thêm nữa khi nhiệt độ trái đất tăng thêm nửa độ C làm ảnh hưởng đến hàng triệu người dân sống ở vùng ven biển trong đó có Việt Nam.

Theo tin của Đài Á Châu Tự Do ngày 17/2/2023, một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học từ Nam Hàn và Mỹ cho thấy mối nguy về mực nước biển tăng sẽ diễn ra trong vòng vài thế kỷ và mức độ ảnh hưởng lớn hơn so với dự đoán trước đó.

Theo nghiên cứu này, số người được dự đoán bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng cao thấp hơn so với thực tế lên đến hàng chục triệu người. Nguyên nhân là do dữ liệu vệ tinh đọc không rõ và việc thiếu các nguồn khoa học ở các nước đang phát triển.
Cho đến lúc này, các mô hình khí hậu vẫn dự đoán sai về mức độ nước tan ra từ các tảng băng lớn đóng góp vào mực nước biển tăng vì chỉ đánh giá tác động một chiều do nhiệt độ tăng trên băng mà không thấy được sự tương tác phức tạp giữa môi trường, biển, và băng.

Dự báo xấu nhất có thể xảy ra là việc phát thải khí từ sinh hoạt của con người và tự nhiên tiếp tục tăng, lượng băng tan có thể làm nước biển dâng thêm 1,4 mét.
Một nghiên cứu khác công bố hồi tuần trước cho thấy nước biển dâng sẽ phá huỷ đất đai canh tác, nguồn nước ngọt và khiến hàng triệu người phải dời đi sớm hơn dự kiến.

Các vùng dễ bị ảnh hưởng nhất là Bangladesh, Pakistan, Ai Cập, Thái Lan, Nigeria và Việt Nam.


Gạo Việt Nam Xuất Cảng Gạo Sang Phi Luật Tân Sẽ Giảm Trong Năm Nay


(Hình: Công nhân chất gạo vào nhà máy xay ở Cần Thơ.)

- Mạng Nikkei Asia loan tin ngày 16/2/2023, dẫn nguồn từ Hiệp hội Xuất cảng Gạo Thái Lan, cho hay gạo Việt Nam xuất sang Phi Luật Tân trong năm nay sẽ giảm vì vấn đề sản lượng. Do đó, dự kiến số gạo Phi Luật Tân nhập từ Thái Lan sẽ tăng gấp đôi trong năm nay.

Số liệu cho thấy diện tích gieo trồng cho mùa vụ 2022-2023 của Việt Nam giảm 3% so với cùng kỳ năm 2022. Như thế, sản lượng sẽ giảm tương ứng 1% xuống còn 27 triệu tấn. Nhu cầu tiêu thụ nội địa không thay đổi ở mức 21,5 triệu tấn; chỉ còn chừng sáu triệu tấn cho xuất cảng. Số xuất cảng của năm 2022 là 7,1 triệu tấn.
Trong khi đó, sản lượng gạo vụ mùa 2022-2023 của Thái Lan đạt hơn 20 triệu tấn. Nhu cầu nội địa là 12 triệu tấn, số còn lại dành cho xuất cảng.

Thống kê của Bộ Nông Nghiệp Phi Luật Tân cho thấy nước này vào năm 2022 nhập 3,7 triệu tấn và là nhà nhập cảng gạo lớn thứ nhì thế giới. Nhu cầu nội địa là 15,8 triệu tấn, trong khi năng lực sản xuất gạo của Phi Luật Tân chỉ ở mức 12,4 triệu tấn trong năm nay. Lý do vì thiên tai, lũ lụt.

Năm 2022, Việt Nam chiếm 90% lượng gạo nhập vào Phi Luật Tân.


Thêm Viên Chức Đăng Kiểm Đường Bộ Bị Bắt và Phát Giác Sai Phạm Tại Đăng Kiểm Đường Thủy


(Ảnh: Cục trưởng Cục Đăng Kiểm Đặng Việt Hà bị bắt ngày 11/1/2023.)

- Đài Á Châu Tự Do đưa tin cho hay vào ngày 18/2/2023, Công an Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, bắt giữ ba người tại Trung tâm Đăng kiểm Xe cơ giới 37-09D. Trung tâm này thuộc Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Xuân Tùng tại địa chỉ Khối 9, phường Quán Bàu, thành phố Vinh.
Những người bị bắt gồm Nguyễn Tiến Hòa (SN 1983), Phó Giám đốc Trung tâm đăng kiểm, Trưởng dây chuyền kiểm định; và hai kiểm định viên Nguyễn Ngọc Thạch (SN 1991) và Cao Xuân Đạt (SN 1988) theo cáo buộc “nhận hối lộ”.

Vào ngày 5/2 vừa qua, Công an tỉnh Nghệ An cũng đã bắt mười ba người, trong đó có một Giám đốc và hai Phó Giám đốc thuộc hai cơ sở đăng kiểm 37-01S tại Thành phố Vinh và 37-02S tại Thị xã Thái Hòa của Trung tâm Đăng kiểm Xe Cơ giới tỉnh Nghệ An. Tội danh là “Nhận hối lộ” và “Môi giới hối lộ”.

Cũng liên quan sai phạm trong đăng kiểm, chiều ngày 18/2, Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an tỉnh Lào Cai tiến hành bắt giữ ông Dương Đức Minh - Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm Xe cơ giới 24-01D về hành vi “nhận hối lộ”; và ông Nguyễn Kim Dương- Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Việt Lâm về hành vi “đưa hối lộ”.

Trong diễn biến liên quan, vào khi cơ quan chức năng Việt Nam đang tiếp tục điều tra những sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ, tình trạng nhận hối lộ, đưa hối lộ để được bỏ qua các lỗi của phương tiện, vào ngày 17/2 Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an Tp. HCM thông báo đã nhận được tố giác về tình trạng này trong quá trình đăng kiểm phương tiện đường thủy nội địa.


VinFast Thu Hồi Gần 2.800 Xe Điện Tại Việt Nam Do Lỗi Phanh



(Ảnh: Xe điện VinFast mẫu VF-8 tại một cửa hàng tại Santa Monica, California, Hoa Kỳ, hôm 18/7/2022.)

- Đài Á Châu Tự Do đưa tin cho hay vào ngày 18/2/2023, VinFast thông báo thu hồi gần 2.800 xe điện đã bán ra tại thị trường Việt Nam vì bị lỗi hệ thống phanh. Số xe này gồm hai phiên bản VF8 Eco và VF8 Plus sản xuất tại nhà máy VinFast ở Hải Phòng từ tháng 9/2022 đến tháng 2/2023.
Thông báo của VinFast nêu rõ “Do lỗi lắp ráp linh kiện, bu lông kết nối bộ kẹp phanh cầu trước với khớp nối chịu lực siết không chặt, có thể bị lỏng khi xe vận hành, dẫn đến nguy cơ có khả năng làm giảm tác dụng của phanh phía trước”.

VinFast cho biết đã báo cáo sự vụ cho Cục Đăng kiểm Việt Nam và chờ cơ quan này phê duyệt kế hoạch triệu hồi xe bị lỗi. Dự kiến bắt đầu từ ngày 19/2, chủ những xe bị lỗi có thể đến các cơ sở trưng bày, xưởng dịch vụ của VinFast để được kiểm tra và khắc phục.
Vào tháng 12/2022, VinFast đã giao hơn 4 ngàn xe điện cho khách hàng nội địa; hơn phân nửa của số này là dòng xe VF8.

VinFast bắt đầu hoạt động từ năm 2019 và cho biết đang có kế hoạch mở rộng sang thị trường Hoa Kỳ. Vào tháng 11 năm 2022, VinFast chuyển 999 xe điện sang Mỹ và theo kế hoạch sẽ giao cho khách hàng tại thị trường này vào cuối tháng hai.

Vào ngày 13/2 Bloomberg loan tin dẫn lời bà Lê Thị Thu Thủy - Chủ tịch VinFast, một chi nhánh của Tập đoàn VinGroup rằng tỉ phú Phạm Nhật Vượng chưa có kế hoạch đầu tư thêm tiền vào dự án chế tạo xe hơi điện cho VinFast. Thông tin được đưa ra vào khi kế hoạch xây dựng nhà máy của VinFast tại Hoa Kỳ bị chậm theo kế hoạch và công ty tiến hành biện pháp cắt giảm nhân sự tại thị trường Mỹ.


VinFast Được Mỹ Cấp Giấy “Chất Lượng Không Khí”, Chuẩn Bị Đấu Thầu Xây Dựng Nhà Máy


(Hình: Công nhân làm việc trong nhà máy của VinFast ở Hải Phòng hôm 22/4/2021.)
- Đài Á Châu Tự Do trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay hôm 17/2/2023, Đại diện VinFast cho biết các nhà quản lý tiểu bang North Carolina cấp cho nhà sản xuất xe hơi này một trong những giấy phép về môi trường cần thiết để bắt đầu quá trình xây dựng nhà máy lắp ráp xe hơi điện trị giá bốn tỉ Mỹ kim đã được lên kế hoạch.

Theo thông tấn xã Reuters, VinFast đã được cấp Giấy phép chất lượng không khí (Air Permit). Công ty cho biết thêm rằng họ vẫn đang tìm kiếm các giấy phép khác cho nhà máy ở hạt Chatham, nhưng sẽ bắt đầu đấu thầu xây dựng.
“Giấy phép chất lượng không khí cho phép chúng tôi khởi công xây dựng giai đoạn 1 của nhà máy. Chúng tôi sẽ sớm khởi công xây dựng”, VinFast cho biết trong một tuyên bố nhưng không nêu cụ thể khung thời gian.

Theo văn bản được đăng tải trên trang web của Sở Chất lượng Môi trường North Carolina, giấy phép cấp cho VinFast có hiệu lực từ ngày 9/2/2023 và có thời hạn đến ngày 31/1/2031 (khoảng 8 năm), không thể chuyển nhượng cho chủ sở hữu và người điều hành trong tương lai, đồng thời phải tuân theo các điều kiện và giới hạn như được quy định trong đó.

Việc xây dựng cơ sở mới này sẽ làm tăng xấp xỉ 1,9 kg bụi mịn PM10 mỗi giờ và 0,07 kg khí SO2 mỗi giờ, ngoài ra khí thải NOx cũng sẽ tăng 12,2 kg mỗi giờ, theo giấy phép được cấp bởi cơ quan quản lý chất lượng môi trường tiểu bang.
VinFast trước đó cho biết họ có kế hoạch bắt đầu hoạt động tại nhà máy ở North Carolina, dự kiến sẽ tạo ra hơn 7.000 việc làm ngay sau năm 2024.

Giai đoạn một của dự án bao gồm khoản đầu tư hai tỉ Mỹ kim vào một nhà máy có khả năng sản xuất 150.000 xe mỗi năm. Giai đoạn thứ hai của công ty sẽ tập trung vào sản xuất pin.
Hãng dự kiến sẽ giao lô xe đầu tiên gồm 999 chiếc từ Việt Nam cho khách hàng Mỹ từ cuối tháng 2.

Theo một bài viết của Bloomberg mới đây, VinFast lỗ 2,8 tỉ Mỹ kim từ 2021 đến tháng 9/2022 và có nguy cơ lỗ thêm. Tỉ phú Phạm Nhật Vượng không có kế hoạch bơm thêm tiền cá nhân vào công ty sản xuất xe hơi này.


Việt Nam Trì Hoãn Việc Cấp Phép Cho Các Dự Án Điện Gió Ngoài Khơi Hàng Tỉ Mỹ Kim


(Hình: Một người đi qua khu điện gió ở Bình Thuận hôm 23/4/2019.)
- Thông tấn xã Reuters trích dẫn nguồn tin từ đại diện doanh nghiệp Liên Hiệp Âu Châu cho biết hôm 16/2/2023 rằng ngoại quốc đầu tư vào Việt Nam trong các dự án điện gió ngoài khơi có thể bị trì hoãn do Việt Nam chưa có những quy định liên quan đến lĩnh vực này.

Theo đánh giá của World Bank, Việt Nam rất có lợi thế về phát triển điện gió ngoài khơi với bờ biển dài, gió mạnh, vùng nước nông gần các khu vực đông dân cư. World Bank ước tính lĩnh vực này có thể đóng góp đến 50 tỉ Mỹ kim cho nền kinh tế của Việt Nam.

Kế hoạch phát triển điện của Việt Nam mới đây đặt ra mục tiêu đến năm 2030, điện gió ngoài khơi sẽ đóng góp 7 gigawatt vào tổng lượng điện quốc gia.
Mặc dù vậy, ông Minh Nguyễn - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Âu Châu ở Việt Nam - phát biểu tại một hội thảo mới đây rằng kế hoạch này có thể sẽ bị trì hoãn thêm nữa.

Hồi tháng 12 năm 2022, các quốc gia công nghiệp phát triển G7 đã đạt được một thoả thuận tài trợ khoảng 15 tỉ Mỹ kim cho Việt Nam để chuyển đổi việc sử dụng năng lượng từ than sang các nguyên liệu thân thiện hơn với môi trường. Theo thông tấn xã Reuters, phần lớn trong khoản cam kết này sẽ vào các dự án điện gió.

Người đại diện Phòng Thương mại Âu Châu ở Việt Nam cho biết tiến độ phê duyệt các dự án phụ thuộc rất nhiều vào việc thông qua các quy định mới của Việt Nam liên quan đến khu vực biển dành cho quân đội, vận tải và các mục đích khác.

Một số nhà ngoại giao và chuyên gia cho rằng Việt Nam cũng thận trọng trong việc giám sát các dự án do Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực này vì lý do an ninh quốc gia, vì sợ các dự án điện gió có thể được sử dụng để do thám.

Phía Chính phủ Việt Nam và Tòa Ðại sứ Trung Quốc hiện chưa đưa ra bình luận gì về thông tin mới này.


Đức Công Nhận Sổ Thông Hành Mẫu Mới của Việt Nam Có Thông Tin Ngày Sinh



(Hình: Sổ thông hành mới của Việt Nam cấp năm 2022 không có thông tin nơi sinh.)
- Ngày 17/2/2023, Tòa Ðại sứ Đức tại Việt Nam ra thông báo cho hay Đức công nhận sổ thông hành mẫu mới của Việt Nam cấp từ ngày 1/1/2023 và có ghi nơi sinh trên trang nhân thân.

Cụ thể, thông báo ghi: “Sổ thông hành Việt Nam cấp từ ngày 1/1/2023 và có ghi nơi sinh trên trang nhân thân được công nhận. Như vậy có thể cấp lại thị thực nhiều năm loại C (việc đã bị tạm dừng trong thời gian chờ sổ thông hành mới được công nhận”.

Ngoài ra, sổ thông hành Việt Nam mẫu mới cấp từ ngày 1/7/2022 đến ngày 31/12/2022 không ghi nơi sinh trên trang nhân thân cũng được công nhận nếu còn giá trị sử dụng và thông tin nơi sinh được bổ sung ở phần bị chú của sổ thông hành.
Vào cuối tháng 7/2022, Đức là nước đầu tiên ra thông báo không công nhận mẫu sổ thông hành mới của Việt Nam cấp từ ngày 1/7/2022 không có thông tin nơi sinh; do đó không thể cấp thị thực cho những người mang sổ thông hành đó.

Đến ngày 19/8, sau quá trình đàm phán được nói rất tích cực từ phía Việt Nam với các cơ quan chức năng Đức, Tòa Ðại sứ Đức tại Việt Nam tạm thời đồng ý công nhận mẫu sổ thông hành mới với điều kiện thêm nơi sinh vào. Thị thực sẽ được cấp ngoại trừ visa nhiều năm loại C.

Loại visa này còn được gọi là visa Schengen cho phép nhập cảnh vào một trong 26 nước thuộc khối Schengen và tự do di chuyển trong lãnh thổ của 25 nước còn lại.
Lúc đó, sau Đức, một số nước khác cũng thông báo không thể cấp thị thực cho những công dân Việt Nam mang sổ thông hành mẫu mới thiếu thông tin nơi sinh mà Bộ Công an CSVN phát hành. Đó là các nước Tây Ban Nha, Czech, Bồ Đào Nha, Hung Gia Lợi, Phần Lan.

Biện pháp tạm thời để cấp sổ thông hành cho những người mang sổ thông hành thiếu thông tin nơi sinh là cơ quan chức năng bổ sung thông tin này trong phần bị chú.


Việt Nam Áp Thuế Chống Bán Phá Giá Đối Với Một Số Sản Phẩm Bàn, Ghế Từ Trung Quốc


(Hình: Công nhân làm việc trong một xưởng sản xuât đồ nội thất ở Hà Nội.)
- Ngày 17/2/2023, Cục Phòng vệ Thương mại thuộc Bộ Công thương Việt Nam loan tin cho hay Bộ Công thương vừa có quyết định áp thuế chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm bàn, ghế nhập từ Trung Quốc.
Cụ thể, mức thuế chống bán phá giá chính thức được áp dụng đối với sản phẩm ghế là 21,4% và sản phẩm bàn là 35,2%. Đây cũng là mức thuế chống bán phá giá tạm thời mà Bộ Công thương Việt Nam áp đối với sản phẩm bàn, ghế Trung Quốc từ ngày 30/9/2022.

Quyết định của Bộ Công thương Việt Nam được đưa ra sau quá trình điều tra sự việc chống bán phá giá đối với sản phẩm bàn, ghế Trung Quốc nhập vào Việt Nam. Bộ này đã cùng các đơn vị liên quan xem xét và đánh giá kỹ lưỡng tác động của việc bán phá giá của sản phẩm nhập tác động đến ngành sản xuất trong nước và mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Mức độ bán phá giá của sản phẩm bàn, ghế Trung Quốc bị điều tra được xác định tương ứng với mức thuế áp như vừa nêu.

Vừa qua, sản phẩm bàn, ghế nhập từ Mã Lai Á vào Việt Nam cũng bị điều tra chống bán phá giá; tuy nhiên Bộ Công thương Việt Nam không thấy bằng chứng nên chấm dứt điều tra.

Không có nhận xét nào: