Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2023

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI :3//2/2023 - Mỹ Loan


Giám đốc CIA cảnh báo không nên đánh giá thấp tham vọng của ông Tập Cận Bình đối với Đài Loan Hôm thứ Năm (2/2), Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns cho biết, không nên đánh giá thấp tham vọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với Đài Loan, bất chấp việc ông Tập cũng bị ảnh hưởng ít nhiều từ hoạt động quân sự của quân đội Nga ở Ukraine. Ông Burns nói rằng, chính phủ Mỹ nắm được "một nguồn tin tình báo" cho biết, ông Tập Cận Bình đã ra lệnh cho quân đội Trung Quốc sẵn sàng tiến hành một cuộc xâm lược Đài Loan vào năm 2027, theo tờ Reuters.
<!>
Phát biểu tại một sự kiện tại Đại học Georgetown ở Washington, ông Burns cho hay, việc Trung Quốc quyết định xâm lược Đài Loan vào năm 2027 hay vào một thời điểm nào khác cũng chính là lời cảnh báo về mức độ nghiêm túc và tham vọng to lớn của ông Tập Cận Bình.

“Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ sẽ không đánh giá thấp tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình đối với Đài Loan”, ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng, nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ đi từ “ngạc nhiên đến bất an” trước “hiệu suất kém cỏi” của quân đội và hệ thống vũ khí của Nga ở Ukraine.

Vào đầu tháng 2/2022, trước khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, ông Putin và ông Tập đã ký kết quan hệ đối tác chiến lược "không giới hạn”. Kể từ đó, mối quan hệ kinh tế Nga - Trung đã phát triển đáng kể, trong khi mối quan hệ của Nga với phương Tây dần dần bị thu hẹp.

Cuộc xâm lược của Nga đã khiến các quốc gia phương Tây không khỏi lo ngại rằng, Trung Quốc có thể tiến hành một động thái tương tự đối với Đài Loan, một hòn đảo dân chủ mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của mình.

Trung Quốc đã kiềm chế không lên án cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine, đồng thời, nước này tỏ ra rất thận trọng khi không cung cấp hỗ trợ vật chất trực tiếp cho Nga. Bắc Kinh từ lâu đã nhận thức được rằng, động thái này có thể sẽ kích động các biện pháp trừng phạt của phương Tây - tương tự như những biện pháp trừng phạt mà Moscow đang phải gánh chịu.

Ông Burns nói: "Tôi cho rằng thật sai lầm khi đánh giá thấp cam kết chung trong mối quan hệ Nga - Trung, nhưng đó cũng không hẳn là mối quan hệ hoàn toàn không có giới hạn".

Trong lúc ông Burns đang phát biểu tại cuộc họp báo, các quan chức Mỹ nhận được nguồn tin cho biết, một khinh khí cầu do thám nghi là của Trung Quốc đã bay qua không phận Hoa Kỳ trong vài ngày qua.

“Ngay lúc này, chính phủ Mỹ đã phát hiện và đang theo dõi một khinh khí cầu do thám tầm cao đang bay qua lục địa của Hoa Kỳ”, Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc, Chuẩn tướng Pat Ryder cho biết trong một tuyên bố.

Theo bài báo của đài NBC trích dẫn nguồn tin từ ba quan chức chính phủ Mỹ giấu tên, khinh khí cầu do thám tầm cao này được cho là đã bay từ Quần đảo Aleut qua lãnh thổ Canada và đến tiểu bang Montana.

Ông Ryder nói rằng, Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) đã theo dấu một khinh khí cầu do thám từ vài ngày trước và quân đội Mỹ đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhằm ngăn chặn thiết bị này thu thập thông tin mật.

Ông Ryder cho biết: “Chính phủ Hoa Kỳ cùng Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi và giám sát khinh khí cầu do thám này một cách chặt chẽ. Khí cầu đang di chuyển ở độ cao cách xa vùng giao thông hàng không dân sự và không gây rủi ro quân sự hay đe dọa dân thường”.

Theo đó, các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ đã khuyên Tổng thống Joe Biden không nên bắn hạ khinh khí cầu do thám vì lo ngại rằng các mảnh vỡ có thể đe dọa đến an toàn của người dân.

Ông Burns không đề cập đến vụ việc trên nhưng gọi Trung Quốc là "thách thức địa chính trị lớn nhất" mà Hoa Kỳ hiện đang phải đối mặt.

"Cạnh tranh với Trung Quốc là độc nhất về quy mô, và quý vị biết đấy, cạnh tranh thực chất diễn ra trên mọi lĩnh vực, không chỉ ở phương diện quân sự và ý thức hệ, mà cả trong lĩnh vực kinh tế, công nghệ, mọi thứ từ không gian mạng, cho đến cả không gian vũ trụ. Đó là một cuộc cạnh tranh toàn cầu theo những cách thậm chí còn khốc liệt hơn so với cuộc cạnh tranh với Liên Xô", ông nói.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington chưa đưa ra bình luận về những nhận xét của ông Burns hoặc vụ phát hiện khinh khí cầu do thám nghi là của Trung Quốc.

Ông Burns cho biết, sáu tháng tới sẽ là thời điểm “then chốt” đối với Ukraine trong

Cuộc chiến công nghệ Trung-Mỹ nóng lên, Bắc Kinh muốn chọc thủng liên minh ‘Mỹ-Nhật-Hà Lan’


Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hà Lan đã đạt được một liên minh chip, bao gồm thỏa thuận hợp tác về kiểm soát xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn. Trước tình hình này, các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc đã phát động một cuộc tấn công dư luận, tuyên bố rằng họ “đủ sức để đột phá sự phong tỏa của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hà Lan”.

“Đạo luật Khoa học và Chip năm 2022” của Mỹ nhằm nhằm cạnh tranh với Trung Quốc về công nghệ bán dẫn. đồng thời tìm cách hợp tác với Nhật Bản và Hà Lan để kìm hãm chính quyền Bắc Kinh. Thứ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Don Graves đã xác nhận sự tồn tại của các thỏa thuận hợp tác trong việc kiểm soát xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hà Lan.

Ba quốc gia này là những nhà sản xuất thiết bị bán dẫn tiên tiến hàng đầu và các biện pháp trừng phạt chung có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp chip của Trung Quốc.

Ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc cũng đang trải qua những bất ổn nội bộ khi các biện pháp trừng phạt quốc tế tiếp tục thắt chặt. Vào ngày 30 tháng 1, tờ South China Morning Post của Hồng Kông trích dẫn các nguồn tin và cho biết rằng, hai tháng sau khi bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa vào “Danh sách Thực thể”, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc YMTC có kế hoạch cắt giảm 10% nhân sự. Ngoại giới cho rằng việc sa thải có liên quan trực tiếp đến chính sách kiểm soát chất bán dẫn của Hoa Kỳ.

Các nhà sản xuất máy tính quốc tế như Dell của Hoa Kỳ cũng đang lên kế hoạch ngừng dần việc sử dụng chip sản xuất tại Trung Quốc. Việc mất đi một lượng lớn người dùng và đơn đặt hàng sẽ dẫn đến sự thu hẹp hơn nữa của thị trường bán dẫn Trung Quốc.

Trong hoàn cảnh như vậy, các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc đã phát động một cuộc tấn công dư luận.

Phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc “Thời báo hoàn cầu” đã đưa ra một bài báo vào ngày 31 tháng 1, nói rằng: “Cuộc chiến công nghệ Trung-Mỹ đã bước vào giai đoạn quyết liệt. Cái gọi là các biện pháp phong tỏa này sẽ chỉ thúc đẩy quyết tâm phát triển nghiên cứu và phát triển của Trung Quốc. Cuối cùng nó sẽ vượt qua nút thắt cổ chai kỹ thuật và phá vỡ rào cản của công nghệ phương Tây”.

“Thời báo hoàn cầu” cũng tuyên bố rằng “với sự giúp đỡ của thị trường nội địa khổng lồ, chip Trung Quốc đủ sức vượt qua sự phong tỏa của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hà Lan”; “Trung Quốc cuối cùng sẽ học được cách chế tạo những thiết bị sản xuất chất bán dẫn mà không thể nhập khẩu được”.

Hiện tại, các sản phẩm bán dẫn của Trung Quốc chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực cấp thấp như vật liệu bán dẫn, sản xuất Đĩa bán dẫn, năng lực sản xuất chất bán dẫn cũng chủ yếu tập trung ở các quy trình trên 28 nanomet (nm). Sự khác biệt về trình độ công nghệ dẫn đến nhu cầu nhập khẩu một lượng lớn sản phẩm bán dẫn cao cấp của Trung Quốc, trong đó Bộ xử lý trung tâm (CPU), Bộ phận xử lý đồ họa (GPU), Bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên và các lĩnh vực khác hầu như đều phụ thuộc vào nhập khẩu. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tỷ lệ nội địa hóa thiết bị bán dẫn của Trung Quốc chưa đến 20% và hạn ngạch nhập khẩu vào năm 2021 sẽ lên tới 432,5 tỷ USD. Trình độ công nghệ trong nước đã trở thành nút thắt lớn nhất hạn chế sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc.

Ukraina tuyên bố đánh chìm 5 tàu Nga chở đội trinh sát trong 24 giờ


Bộ Tổng tham mưu Các Lực lượng Vũ trang Ukraine tuyên bố rằng, ít nhất 5 tàu hạng nhẹ của Nga chở các đội trinh sát và phá hoại đã bị quân đội Ukraine phá hủy trong hơn 24 giờ.

Theo Jerusalem Post, các tàu bị đánh chìm tại các chuỗi đảo ở đồng bằng sông Dnepr, nơi nó đổ ra Biển Đen. Bộ Tổng tham mưu Các Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết vụ việc xảy ra hôm 31/1.

Tháng 11, các lực lượng Nga đã rút về bờ đông của sông Dnepr – con sông dài nhất Ukrainevà chảy qua một số thành phố lớn.

Ukrinform đưa tin rằng Nga đã tăng cường hoạt động của các đội phá hoại và do thám trong khu vực. Trước đó, Ukraine cũng thông báo pháo binh nước này đã đánh chìm một tàu chiến Nga trong cùng khu vực vào ngày 10/1/ Mặc dù không rõ con tàu thuộc loại nào vào thời điểm bị chìm, nhưng một bức ảnh hồng ngoại kèm theo thông báo cho thấy tàu bị đánh chìm dường như là một chiếc tàu tuần tra. Trước khi chìm nó đã bốc cháy.

Tuy nhiên, sau các báo cáo về vụ đánh chìm 5 tàu hạng nhẹ của Nga, Bộ Quốc phòng Ukraine đã không cập nhật số liệu thống kê các tàu Nga bị họ phá hủy, có lẽ vì những tàu này quá nhỏ hoặc chưa được xác nhận.

Tổng cộng 18 tàu chiến và các tàu khác của Nga đã bị quân đội Ukraine phá hủy kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào ngày 23/2.

Theo Hải quân Ukraine, hôm thứ Ba 31/1 có 12 tàu Nga ở Biển Đen án ngữ ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Ba trong số các tàu Nga được trang bị tên lửa đất đối đất Kalibr mà Hạm đội Biển Đen thường sử dụng để bắn phá các vị trí của Ukraine.

Ukraine hiện có lực lượng hải quân thông thường rất mỏng sau khi phần lớn lực lượng này đã bị phá hủy hoặc thu giữ sau khi Nga giành quyền kiểm soát Sevastopol vào năm 2014. Tuy nhiên, hải quân Ukraine đã thách thức các nỗ lực của Nga nhằm chiếm ưu thế hoàn toàn về hải quân ở Biển Đen bằng việc sử dụng tên lửa chống hạm và máy bay không người lái hải quân.

Điều đó khiến Hạm đội Nga phải cảnh giác khi tiến gần đến bờ biển Ukraine, và trong những tháng gần đây phải giảm sự hiện diện của các tàu tên lửa.

Nhà sản xuất bán 2 ‘drone’ chiến đấu Reaper cho Ukraine chỉ với giá $1


Hãng quốc phòng General Atomics của Mỹ đề nghị bán cho Ukraine hai máy bay không người lái loại Reaper MQ-9, với giá chỉ có $1, theo nhật báo The Wall Street Journal (WSJ) đưa tin hôm Thứ Ba, 1 Tháng Hai, trích dẫn một bức thư của ông Linden Blue, tông giám đốc, gửi cho tùy viên quốc phòng toà đại sứ Ukraine ở Washington.

Việc mua bán này sẽ bao gồm một trạm kiểm soát mặt đất cho phép quân đội Ukraine vận hành máy bay không người lái từ hầu hết mọi nơi trên đất nước, liên tục 24 giờ/ngày cho mỗi chuyến bay.

Chiếc Reaper đời mới trị giá $32 triệu/chiếc, những đời cũ đương nhiên giá rẻ, nhưng vẫn ở con số hàng triệu đô la/chiếc.

General Atomics từ chối xác nhận thỏa thuận cụ thể, nhưng phát ngôn viên của công ty là ông C. Mark Brinkley cho biết “chúng tôi tin rằng Ukraine cần một drone có đầy đủ chức năng chiến đấu như Reaper, và cần sớm!”

Vụ bán này trực tiếp giao cho Ukraine, không thông qua giới thẩm quyền, nhưng chính quyền Biden sẽ phải ký kết chuyển giao công nghệ.

Tuy nhiên, WSJ lưu ý, “thỏa thuận sẽ yêu cầu Kiev chi khoảng $10 triệu để chuẩn bị và vận chuyển máy bay tới Ukraine, và khoảng $8 triệu/năm để bảo trì và duy trì hoạt động.”

Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hơn 700 máy bay không người lái nhỏ hơn, bao gồm cả loại Switchblade di động và máy bay không người lái Phoenix Ghost.

Nhưng loại Reaper, với sải cánh dài 66 foot, lớn hơn, nhanh hơn và tinh vi hơn nhiều so với bất kỳ máy bay không người lái nào trong kho vũ khí của Ukraine.
Loại này có thể được sử dụng để theo dõi quân địch hoặc tấn công bằng hoả tiễn hoặc bom. Chính quyền Biden đã từ chối đưa máy bay không người lái Reapers, Predators hoặc Grey Eagle vào khoản viện trợ quân sự trị giá gần $30 tỷ đô la cho Ukraine, với lý do e ngại là trong trường hợp các máy không người lái nếu bị bắn rơi lọt vào tay Nga làm lộ bí mật kỹ thuật

Canada chuẩn bị tiếp nhận 10.000 người tị nạn từ Trung Quốc


Ngày 02/02, Hãng thông tấn Reuters đưa tin, Quốc hội Canada nhất trí quyết định tiếp nhận 10.000 người Duy Ngô Nhĩ tị nạn chạy trốn khỏi Trung Quốc vào nước này.
Năm 2021, Canada trở thành một trong những quốc gia đầu tiên tuyên bố việc Bắc Kinh đối xử với người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ khác là hành vi diệt chủng.
Các nhóm nhân quyền tin rằng ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số chủ yếu theo đạo Hồi khác đã bị cầm tù trong các trại tập trung trong khu vực. Bắc Kinh đã phủ nhận mọi hành vi lạm dụng này.

Theo nghị sĩ Canada Samir Zuberi, người bảo trợ cho phong trào, ít nhất 1.600 người đã bị giam giữ ở các quốc gia khác theo lệnh của Trung Quốc hoặc bị cưỡng chế hồi hương.

Ông Zuberi cho biết, “Đây là một tín hiệu rõ ràng rằng chúng tôi sẽ không chấp nhận những vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ.”Ông Mehmet Tohti, giám đốc điều hành của Dự án Quyền của người Duy Ngô Nhĩ, chia sẻ, đây là một thông điệp mạnh mẽ sẽ gây được tiếng vang không chỉ ở Trung Quốc và Canada mà còn trên toàn thế giới.

Hồ Tích Tiến: Bắc Kinh cần đáp ứng 3 điều kiện nếu có chiến tranh eo biển Đài Loan


Hôm 27/1, Tướng Mike Minihan, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Lưu động Không quân Mỹ (AMC), đã cảnh báo năm 2025 có thể nổ ra cuộc chiến quân sự Mỹ – Trung Quốc vì vấn đề Đài Loan. Về vấn đề này, ông cựu Tổng biên tập Hồ Tích Tiến của tờ Thời báo Hoàn cầu đã phản hồi qua mạng xã hội Weibo.

Dư luận viên kỳ cựu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) này cho hay, nếu có chiến tranh eo biển Đài Loan, Bắc Kinh cần đáp ứng trước 3 điều kiện bất kể Mỹ có can thiệp hay không:

-Một là số lượng đầu đạn hạt nhân phải vượt 1000, không phải để tấn công Đài Loan bằng vũ khí hạt nhân mà là để ngăn Mỹ manh động.
-Thứ hai là tiếp tục nới rộng khoảng cách về sức mạnh quân sự, hy vọng rằng năng lực tên lửa, máy bay chiến đấu, sản xuất hậu cần và kiểm kê của quân đội ĐCSTQ sẽ vượt qua Mỹ và Nhật Bản.
-Thứ ba là sử dụng bom hoặc tên lửa, trong thời gian ngắn mỗi ngày thả hơn 10.000 quả bom xuống Đài Loan, nhắm vào cơ sở hạ tầng nội bộ của Đài Loan như giao thông, cung cấp điện, phát thanh truyền hình và Internet, làm suy yếu ý chí chiến đấu và ảnh hưởng đến nhu cầu hàng ngày .

Ngoài ra ông Hồ cũng nói rằng Tướng Minihan và các tướng lĩnh Mỹ khác không nên cố gắng hù dọa Trung Quốc bằng chiến tranh dư luận, nếu họ muốn có thêm chi tiêu quân sự bằng cách phóng đại “chiến tranh sắp xảy ra”, thì họ nên có cách nào đó thông minh hơn. Không ngừng suy diễn về cuộc chiến eo biển Đài Loan chỉ có thể là nước cờ đi vào ngõ cụt và chuốc lấy tủi nhục.

Về vấn đề này, giám đốc Yaita Akio chi nhánh Đài Bắc của tờ Sankei Shimbun (Nhật Bản), đã phản hồi lại trên Facebook rằng lời nói của các quan chức ĐCSTQ về cơ bản có thể được chia thành 5 loại: dối trá, khuếch đại, nói suông, nói khách khí, và nói nhảm. Ông tin rằng những gì ông Hồ Tích Tiến nói lần này rõ ràng là nói nhảm, “nói như không nói”.

Chuyên gia truyền thông Yaita Akio cho hay, ĐCSTQ hiện có khoảng 300 đầu đạn hạt nhân, nếu muốn tăng số lượng lên hơn 1000 thì chi phí sản xuất và bảo trì là con số khổng lồ, cộng thêm chi phí thả bom mà ông Hồ nói là đủ để kéo nền kinh tế Trung Quốc lao xuống vực.

Ông phân tích, một khi ĐCSTQ bắt đầu sản xuất vũ khí quy mô lớn thì phe tự do dân chủ trên thế giới không thể ngồi yên nhìn, động thái đó chắc chắn sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang trong cộng đồng quốc tế, nếu ĐCSTQ muốn có ưu thế áp đảo về quân bị thì phải có nền kinh tế trong nước tiếp tục phát triển ở trình độ cao liên tục, viễn cảnh này có 200 năm nữa họ cũng không thể có được.

Ông Yaita Akio nói rằng “Mặc dù Hồ Tích Tiến thường tuyên bố hùng hổ, nhưng dù sao thì khi còn trẻ ông ấy cũng từng là phóng viên chiến trường ở Bosnia, châu Âu, cho nên hiểu về chiến tranh hơn nhiều so với những dư luận viên bình thường của ĐCSTQ. Những phát ngôn của ông Hồ có thể mang những hàm ý khác, có thể trong lòng phản chiến nhưng không tiện nói ra. Bằng cách này, ngoài mặt thì tưởng Hồ cổ vũ chiến tranh, nhưng thực chất là muốn Tập Cận Bình rút lui? Sau bao nhiêu năm qua, chẳng lẽ chúng ta còn không hiểu Tổng biên tập Hồ?”

Nhà truyền thông kỳ cựu Vương Thời Tế (Wang Shiqi) cũng thẳng thừng tuyên bố trên truyền thông rằng phát biểu của ông Hồ Tích Tiến phần nào thể hiện quan điểm chính thức của ĐCSTQ, hiện nay thái độ của nhà chức trách này trong vấn đề tấn công quân sự Đài Loan là “không dám và không thể”, hy vọng duy nhất là gây chia rẽ trong lực lượng nội bộ của Đài Loan. Ông nói thêm rằng, xu thế dự tính thời gian ĐCSTQ tấn công quân sự Đài Loan hiện nay trong quân đội cũng như nhiều tổ chức tư vấn Mỹ đang không ngừng rút ngắn lại, ví dụ những dự tính vào khoảng năm 2025 hay 2027, nhưng ĐCSTQ ý thức họ chưa thể có được năng lực quân sự tương xứng với Mỹ trong khoảng thời gian này.

Không có nhận xét nào: